BNQ20190425-ChiCoDangLaDung

Chỉ có Ðảng là đúng

Tác giả: Michael Leh (Die Tagespost *)

Người dịch: Nam Chí (Diễn Đàn Việt Nam 21)

LTS: Cách đây 70 năm, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã được Liên Hiệp Quốc công bố - qua đó tất cả mọi người trên toàn thế giới đều có các quyền cơ bản của con người và được hưởng tự do như nhau. Nhà tưởng niệm Berlin-Hohenschönhausen, thời Đông Đức (Cộng hòa Dân chủ Đức) trước kia là nhà tù Stasi nơi giam cầm những người bất đồng chính kiến, có sáng kiến tổ chức 6 buổi thảo luận về chủ đề Nhân Quyền "Achtung Menschenrechte" với sự tham gia của nhiều nhân vật tên tuổi ở Đức. Buổi thảo luận về quyền tự do tôn giáo đã được Nhà tưởng niệm Berlin-Hohenschönhausen tổ chức tối Thứ tư ngày 10 tháng 4 vừa qua tập trung vào Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền xác định quyền của mọi người được sống theo tôn giáo và niềm tin của họ trong không gian riêng tư và công cộng mà không bị hạn chế. Dưới đây là bài báo của ký giả Michael Leh viết về buổi thảo luận kể trên, Nam Chí chuyển dịch.

Nhà tưởng niệm Berlin-Hohenschönhausen, thời Đông Đức

là nhà tù giam người bất đồng chính kiến (ảnh BstU)

* * *

Biểu lộ đức tin khi sống dưới chế độ cộng sản, là một động thái nguy hiểm đến thế nào, buổi tổ chức ở Nhà tưởng niệm Hohenschönhausen đã cho thấy rõ sự kiện đó – Một cái nhìn về Việt Nam và thời Ðông Ðức cũ.

Là biểu tượng cho sự đàn áp và tù đày chính trị, năm nay Nhà tưởng niệm tội ác của công an (Đông Đức) Berlin-Hohenschönhausen soi rọi các quyền con người căn bản trong 6 buổi tổ chức. Buổi thứ nhất nói về quyền tự do tín ngưỡng: „Khi động thái biểu lộ đức tin trở thành nguy hiểm - Về sự tự do hành đạo“. Heiner Bielefeldt, giáo sư về Nhân quyền và Chính sách Nhân quyền tại đại học Erlangen-Nürnberg nhấn mạnh: “Quyền tự do tín ngưỡng là một nhân quyền cốt lõi“. Các chế độ độc đảng luôn tỏ ra „nhất thiết phải kiểm soát vô giới hạn“. Trong những chế độ này, quyền tự do tín ngưỡng gặp phải vô vàn vấn đề khi các giáo dân hành đạo, khi mọi người muốn thực hiện chung nghi lễ tôn giáo. Từ năm 2010 đến 2016 ông Bielefeldt là Ðặc phái viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Tự do Tín ngưỡng. Ông trình bày rõ ràng về những kinh nghiệm ông đã thu được khi thực hiện công tác điều nghiên do LHQ đề ra ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản. „Một kinh nghiệm nhớ đời cho chính tôi“, ông nói, „Tôi đã cảm nhận trực tiếp tất cả bạo lực và sự tàn bạo của một chế độ như vậy“. Nhìn bề mặt Việt Nam có vẻ như một thiên đàng du lịch, “như hình ảnh HCM với quảng cáo Coca Cola, lúc ban đầu xem ra có chút gì tạo sự yên tâm“. Thoạt nhìn người ta có thể nghĩ „chắc không nguy hại lắm đâu“.

Hệ thống độc đảng áp bức

Cho dù có chính sách mở cửa thực dụng, Việt Nam không thay đổi một chút nào trong cấu trúc và lề lối áp bức của một chế độ độc đảng. Bielefeldt thuật lại cách thức ông và phái đoàn LHQ đã bị lực lượng cảnh sát, công an canh chừng và theo dõi liên tục, ngược lại với tất cả những gì chính quyền đã hứa hẹn: „Ở một nơi thình lình có người mặc sắc phục với bộ điệu nghênh ngang tự nhiên đến ngồi ở bàn ăn sáng bên cạnh. Lúc có người mặc thường phục, mấy người mang kính râm nhìn thẳng vào mặt người khác để mọi người đều thấy sự có mặt của họ. „Lại có những nhân vật khác mà mình chỉ biết do sự sơ ý của họ - chẳng hạn khi họ lục soát các phòng trọ của phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, mình không biết chắc chắn đó là lầm lỗi của mật vụ hay là cố ý gửi „thông điệp và tín hiệu“. „Nhiều chuyện bị giữ lơ lửng“, ông Bielefeldt nói. Sau một thời gian tôi đã tự hỏi, các sự việc đang diễn ra là thật hay ảo tưởng: „Tôi thấy những bóng ma chăng?“

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc cũng tìm cách tiếp xúc với các giáo hội (chui) nằm trong bóng tối: „sự việc vô cùng liều lĩnh và phải thật rất cẩn thận“. Bielefeldt nhắc đến một „kinh nghiệm hãi hùng“. „Ngay việc gặp mặt những người tỵ nạn Việt Nam ở nước ngoài, thí dụ như ở Bangkok, có khi phải che dấu họ với nhau vì những người đó lo sợ rằng một cách nào đó, tin tức về họ lọt về đến Việt Nam và gia đình, thân nhân của họ sẽ bị bắt làm con tin.“

Ông càng thán phục trước không ít người không vì vậy mà để bị dọa dẫm, áp đảo, ông nói thêm. Những người này không ai biết đến nhưng thật ra là những tâm hồn vô cùng lớn. Đó là những kinh nghiệm thật sâu xa đã „in đậm lên thế giới quan“ của ông, ông Bielefeldt nói.