CT20170623-VietNam:Consaydo

 

Việt Nam: Cơn say đỏ

Tác giả: Frederic Spohr (Die Zeit)

Chuyển dịch: Tâm Việt (Diễn Đàn Việt Nam 21)

23/06/2017 (DĐVN21) - Hôm qua là Trung Quốc, phát triển hôm nay là Việt Nam. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi nước cộng sản này mở cửa ra thị trường thế giới. Lương bổng gia tăng, nhưng sự bất bình đẳng trong xã hội cũng tăng theo.

Có lẽ những người cộng sản đã hình dung về tương lai của các thành phố như vậy: Ở trung tâm Thành phố HCM một khu phố mới đang được xây chẳng khác nào các hình ảnh ảo tưởng in trong các tờ quảng cáo của một thời xa xưa. Những tòa nhà cao tầng hoành tráng không khác nhau mấy, xếp hàng dài dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn. Chậm nhất đến năm 2018 thì toà nhà cao nhất Việt Nam mang tên Landmark 81 cao hơn 450 thước, sẽ vươn lên trên nền trời thành phố.

Tuy nhiên, không phải nhà nước dàn dựng khu phố này mà là nhà tỷ phú giàu nhất nước: Với 2,2 tỷ Mỹ kim tài sản nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã làm giàu bằng cách sản xuất thức ăn làm sẵn và mua bán bất động sản. Và không phải công nhân bình thường sẽ vào cư ngụ trong các cao ốc này mà chính thành phần doanh thương có tầm vóc – trong số đó không chỉ là những nhà triệu phú làm nên sự nghiệp mà còn rất  nhiều cán bộ đảng đã giành được các chức vụ béo bở trong các doanh nghiệp nhà nước. Chỉ một căn hộ một phòng thôi tính ra cũng đã trị giá gần 200.000 Euro, một con số quá đỗi cao đối với đa số người Việt Nam. Luơng tháng tối thiểu ở TPHCM chỉ vừa khoảng 150 Euro.

Việt Nam vẫn là Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Tuy nhiên đảng CSVN không còn muốn dính líu gì đến nền kinh tế chỉ huy. Thay vào đó quốc gia này ngày càng trở thành một nước tư bản kiểu mẫu. Chính sách mở cửa với nền kinh tế thị trường toàn cầu đã mang đến sự đột phá tăng truởng kinh tế cho nước này với tất cả những ưu cũng như khuyết điểm của một nền kinh tế tư bản.

Tình thế ngặt nghèo bắt buộc họ phải đổi mới về kinh tế: 35 năm trước, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Mặc dù trong chiến tranh Việt Nam, phía cộng sản đã đánh đuổi được siêu cường Hoa Kỳ. Nhưng kẻ thắng trận đã đưa đất nước này đến chỗ phá sản kinh tế. Nền kinh tế chỉ huy chỉ mang đến đói khổ thay vì thịnh vượng,

Giữa thập niên 80, nhà nước thấy rằng không thể tiếp tục như vậy được nữa. Với chính sách "Đổi Mới" họ đã cởi trói nền kinh tế. Và họ dựa theo những biện pháp tương tự như ở người láng giềng lớn Trung Quốc. Thoạt tiên họ cho nông dân nhiều tự do hơn và cho phép nhiều doanh nghiệp tư nhân hơn và sau đó mở cửa với nền kinh tế thị trường toàn cầu.

Đảng CSVN gọi hệ thống kinh tế của họ là „nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ hghĩa“. Họ vẫn dành cho nhà nước vai trò chủ đạo nhưng cũng muốn vận dụng sức sản xuất của hệ thống tư bản. Ít nhất về mặt chính thức mức sống của người dân nói chung phải gia tăng và có sự phân chia đồng đều như có thể. Trong tiến trình này, giới lãnh đạo ngày càng mong đợi nhiều hơn từ những vận chuyển vô hình của thị trường, hy vọng ký kết những Hiệp ước Thị trường Tự do với các nước như Nhật, Úc, Chí Lợi (Chile) và lo ngại trước chính sách bảo hộ mậu dịch của Hoa Kỳ. Bởi vì Việt Nam muốn mở rộng khu vực xuất cảng đang phát triển mạnh của họ và vì thế càng phải đi sâu vào khuôn khổ quy luật của kinh tế tư bản toàn cầu.

Thật ra, chính sách mở cửa kinh tế đã giúp ích rất nhiều cho đất nước này. Lúc bắt đầu cải cách, lợi tức trung bình của người Việt Nam chỉ vào khoảng 90 Euro một năm. Ngày nay, con số này lên đến 1.900 Euro. Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam là „câu chuyện thành công về chính sách phát triển“.

Khí thế vươn lên vẫn còn đó. Theo Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen, Việt Nam thuộc vào 5 quốc gia mà người tiêu thụ vững tin ở tương lai. Giới trung lưu ngày một đông thêm tiêu tiền của họ trong các khu thương mại tráng lệ như Vincom Mega Mall ở Hà Nội, một trong những trung tâm thương mại dưới lòng đất lớn nhất Á Châu. Không ai muốn quay trở lại hệ thống cộng sản cả: Theo Viện nghiên cứu thị trường Hoa Kỳ Pew, 95% dân số Việt Nam tán thành nền kinh tế thị trường – không một quốc gia nào có con số cao như vậy.

Tàn dư Xã hội Chủ nghĩa

Các doanh nghiệp đánh giá cao mức lương thấp ở Việt Nam, đến nay thấp hơn khoảng 2/3 so với các tỉnh duyên hải Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc ngày càng sản xuất nhiều hàng hóa tinh vi và cả hàng tự chế tạo thì nhà máy ở Việt Nam vẫn chỉ đưa ra được các mặt hàng đơn giản sản xuất hàng loạt. Mới đây, Micosoft đóng cửa 2 nhá máy điện thoại di động ở Trung Quốc để sản xuất ở Việt Nam. Công ty hàng vải Lever Style chuyên sản xuất áo quần mang thương hiệu danh tiếng như Hugo Boss cũng gia tăng cho may áo quần ở nước này.

Còn có lý do khác là nhà nước Việt Nam lôi kéo doanh nghiệp nước ngoài bằng những trợ cấp rộng rãi và ưu tiên thuế vụ. Phần lớn các doanh nghiệp này tập trung tại những khu kỹ nghệ cực lớn chung quanh Hà Nội hoặc TPHCM. Nhiều hàng hóa vẫn còn làm bằng tay. Trong những gian xưởng rộng lớn, hằng ngàn công nhân, người người kế cạnh nhau may vá, lắp ráp các bộ phận, dán các phần lớn nhỏ thành món hàng.

Đặc biệt công ty điện tử Hàn Quốc Samsung đã khám phá ra nơi sản xuất chính của họ là Việt Nam. Cho đến nay hầu hết các điện thoại thông minh (smartphone) của hãng này sản xuất ở Việt Nam, nơi có hơn 100.000 công nhân chuyên lắp ráp điện thoại di động. Chỉ tiêu cho năm 2016 là 200 triệu smartphone sản xuất ở Việt Nam. Sản phẩm từ các nhà máy của Samsung chiếm phần lớn lượng xuất cảng hàng hóa điện tử của Việt Nam, gần như là hàng xuất cảng quan trọng nhất. Việt Nam cũng xuất cảng nhiều hàng vải và thực phẩm. Việt Nam cũng nổi tiếng về cà phê sản xuất từ vùng cao nguyên Trung phần, nhưng về mặt kinh tế thì ngành xuất cảng hải sản quan trọng hơn, chẳng hạn như tôm từ các trại nuôi tôm ở Ðồng bằng sông Cửu Long.

Ðồng thời ngành du lịch ngày càng trỏ nên quan trọng hơn. Việt Nam được lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của các nước láng giềng. Du khách đông nhất từ Trung Quốc, kế đó là du khách từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại các điểm nóng thu hút du khách như Vịnh Hạ Long, người ta gặp vô số đám đông du khách Á châu tụ tập vui chơi trong các quán Karaoke và các nhà hàng nấu món lẩu.

Mặc dù có chủ trương kinh doanh toàn cầu nhưng những tàn dư của xã hội chủ nghĩa vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Các xí nghiệp quốc doanh lớn vẫn còn chi phối nền kinh tế. Ngay cả kế hoạch kinh tế 5 năm do Ðại hội đảng 5 năm họp một lần chấp thuận. Vào thời gian có Ðại hội đảng, thủ đô Hà Nội được trang điểm bằng hàng ngàn biểu ngữ tuyên truyền đỏ chói và nhiều hàng chữ khẩu hiệu bằng bông hoa. Tuy nhiên, kế hoạch kinh tế 5 năm không còn định rõ mặt hàng nào sẽ được sản xuất. Ngược lại, giới lãnh đạo đề ra trong đó ngành kinh tế nào và vùng nào của đất nước đặc biệt cần sự hỗ trợ trong những năm tới.

Tuy còn ảnh hưởng mạnh nhưng nhà nước vẫn không ngăn được sự bất bình đẳng gia tăng trầm trọng. Ngân hàng thế giới tiên đoán những tiếng kêu đòi hỏi phân chia thịnh vượng công bằng hơn  sẽ ngày càng tăng và còn mạnh mẽ hơn nữa. Trong khi vẫn có những đứa bé bị thiếu dinh dưỡng thì giới siêu giàu càng ngày càng đông.

Các nhà doanh nghiệp vẫn phải vất vả chống chọi với tệ nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi, và không phải lúc nào cũng tin được vào các luật lệ hiện hành. Nhưng không vì thế mà có sự thảo luận công khai hoặc có biểu tình chống đối: giống như ở Trung Quốc, tuy giới lãnh đạo đã cởi trói kinh tế nhưng Ðảng Cộng sản vẫn không cho người dân các quyền tự do chính trị.

Nguồn: Roter Rausch, Frederic Spohr, Die Zeit 17.06.2017