BCT20170430-KarlMalakunas

Giới hoạt động: các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tránh xa chế độ dân chủ

Karl Malakunas (Digital Journal) *

Bản dịch của  Nguyễn Khôi  (Diễn Đàn Việt Nam 21)

30/04/2017 (DĐVN21) - Giới hoạt động cho biết cuộc chiến tàn khốc chống ma túy của Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte là một phần của cuộc tấn công đáng lo ngại vào nhân quyền và dân chủ khắp Đông Nam Á.  Ông Duterte đã bị phuơng Tây lên án về chiến dịch đàn áp chống ma túy thẳng tay của ông đã làm hàng ngàn người bị thiệt mạng từ khi ông nhậm chức năm ngoái, nhưng người ta cho rằng ông sẽ được hầu hết các vị khách ủng hộ khi ông khi ông chủ tọa cuộc họp với các nhà lãnh đạo trong Hiệp hội Các Quốc Gia Châu Á (ASEAN) gồm có 10 thành viên.

 

Theo ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), thì điều này một phần là vì chính các nhà lãnh đạo của hầu hết các nước trong khu vực ít có thành tích dân chủ, hoặc đang phải đối phó với những vấn đề nhân quyền. Ông Robertson nói với AFP rằng: "Nhân quyền ở tất cả các nước ASEAN đang ở trong một vòng xoáy xuống dốc thảm hại, có lẽ ngoại trừ Miến Điện, và đó chỉ là vì chế độ quân phiệt thật khủng khiếp  ở nước này đã quá lâu."

"Lấy bất cứ mẫu mực nào làm thước đo - như cho phép tự do ngôn luận và phản đối ôn hoà, đối xử khoan dung với tôn giáo, không can thiệp vào xã hội dân sự, tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, đối xử công bằng với người tị nạn và di cư - thì các nước trong khu vực đều đang rơi sâu vào chế độ độc tài, đàn áp và lạm dụng nhân quyền". Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN xét lại liệu các vụ giết người có phải là "vi phạm nghiêm trọng" điều khoản trong hiến chuơng của nhóm về việc bảo vệ nhân quyền hay không.

Đây là những nhà lãnh đạo của các nước ASEAN và các vấn đề liên quan đến chính quyền của họ:

 

- Brunei -

Sultan Hassanal Bolkiah của Brunei gây tranh cãi trong năm 2014

khi ông đưa ra luật pháp sharia cho quốc gia nhỏ bé, giàu dầu mỏ này

(Ảnh của NOEL CELIS, AFP)

Sultan Hassanal Bolkiah, 70 tuổi, là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới nhờ nắm quyền tuyệt đối trị vì vuơng quốc Brunei nhỏ bé và giàu dầu mỏ trong 49 năm vừa qua. Ông gây tranh cãi năm 2014 khi ông đưa ra luật Hồi giáo sharia, trên giấy tờ bao gồm hình phạt chém đứt tứ chi và xử tử bằng cách ném đá.

 

- Campuchia -

Là một cựu chiến binh Khmer Đỏ đã đào thoát khỏi chế độ tàn bạo, Hun Sen, 64 tuổi, nắm quyền từ hơn ba thập niên qua. Nhà chính trị khôn ngoan tuyên bố đã mang lại sự ổn định cho một quốc gia nghèo khó bị tàn phá bởi chiến tranh. Nhưng ông cũng được coi là một một nhà cai trị cứng rắn, người đã dùng lực lượng an ninh, áp lực tư pháp và kinh tế để ngăn chặn bất kỳ thách thức nào đối với việc trị vì của mình, đồng thời cho phép tham nhũng và lạm dụng nhân quyền tiếp tục gia tăng.

- Nam Duơng (Indonesia) -

Joko Widodo, 55 tuổi, là nhà lãnh đạo đầu tiên được bầu không thuộc vào nhóm đứng đầu chính giới hay quân sự. Việc ông thắng cử tổng thống năm 2014 được xem như một dấu hiệu cho thấy các tổ chức dân chủ của Nam Duơng có vẻ khả quan sau ba thập kỷ dưới chế độ cai trị sắt đá của nhà độc tài Suharto từ năm 1998. Nhưng ông đã phải vất vả chống cự để thông qua các cuộc cải cách trong một đất nước vẫn còn nhiều phần tử từ thời Suharto và các nhà phân tích nói rằng các lực lượng thuộc thể chế cũ có thể sẽ cố giành lại quyền lực.

- Lào -

Thongloun Sisoulith, 71 tuổi, đã nắn quyền thủ tướng hồi năm ngoái sau khi làm nhà ngoại giao hàng đầu của nhà nước cộng sản. Ông đã lớn miệng loan báo chiến dịch chống nạn tham nhũng hối lộ ở quốc gia nghèo khó này. Nhưng với một chế độ ngăn chặn các phương tiện truyền thông quốc tế và không cho phép bất đồng quan điểm thì việc xem xét cẩn thận và tỉ mỉ chính quyền mờ ám của ông này hầu như bất khả thi.

- Mã Lai -

Thủ tướng Malaixia Najib Razak (trái) từ lâu đã bị buộc tội đàn áp

những ai bất đồng quan điểm (Ảnh của Mohd RASFAN, AFP)

Thủ tướng Najib Razak, 63 tuổi, trở thành lãnh đạo của liên minh cầm quyền Mã Lai từ năm 2009, liên minh này trong gần sáu thập niên nắm quyền đã đã tạo dựng một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mau chóng. Nhưng các chính sách của họ ủng hộ đại đa số người Mã Lai và từ lâu họ đã bị buộc tội đàn áp những người bất đồng chính kiến. Với cuộc bầu cử vào năm tới, Najib đã đàn áp thẳng tay các đối thủ của mình và sa thải những người chỉ trích trong đảng của ông ta.

 

- Miến Điện (Myanmar) -

Tiếng tăm biểu tượng dân chủ và là người bảo vệ nhân quyền của bà Aung San Suu Kyi, 71 tuổi, đã bị mất giá ngay trong năm đầu tiên tại chức của bà. Nhiều nhân vật quốc tế trước đây ủng hộ bà đã xa lánh bà vì bà không lên tiếng chống lại cuộc đàn áp đẫm máu những người Hồi giáo Rohingya. Trong nước, việc cải cách pháp luật và kinh tế có những bước tiến không tốt, quá trình hòa bình bị đình trệ và các trường hợp phỉ báng trên mạng trực tuyến đã làm nhiều người thất vọng với chính phủ dân sự đầu tiên của Miến Điện sau nhiều thế hệ.

- Phi Luật Tân (Philippines) -

Cuộc đàn áp chống nghiện ma túy làm chết hàng ngàn mạng đời đã là ý tưởng chủ đạo cho năm tại chức đầu tiên của tổng thống Duterte. Các nhóm nhân quyền cảnh báo ông có thể bị xếp vào giới tội đồ phạm tội chống lại nhân loại. Tuy nhiên, ông luật sư 72 tuổi khẳng định ông "vui vẻ tàn sát" hàng triệu người nghiện thuốc để chấm dứt mối đe dọa về ma túy, và ông không quan tâm đến những lời chỉ trích.

 

- Tân Gia Ba (Singapore) -

Thủ tướng Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long), 65 tuổi, con trai của Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu), đã lãnh đạo quốc gia giàu có này từ 2004. Năm 2015 Đảng  Nhân dân Hành động của ông đã thắng lớn sau cuộc bầu cử và trở lại nắm quyền, nối dài việc đảng này cai trị Tân Gia Ba liên tục trong gần sáu thập niên. Nhưng các nhóm nhân quyền đã chỉ trích chính phủ này kiềm chế những quyền tự do chính trị.

- Thái Lan -

Prayut Chan-O-Cha, một quân nhân chuyên nghiệp, 63 tuổi, đã lật đổ một chính phủ được bầu chính thức năm 2014, và lãnh đạo một chính quyền kiềm chế các bất đồng quan điểm và tước đoạt các quyền chính trị của công dân Thái. Nhà bảo hoàng cực đoan đã hứa hẹn sẽ quay trở lại nền dân chủ một ngày nào đó, nhưng ngày bầu cử vẫn tiếp tục bị đẩy lui và các nhà phê bình nói rằng điều lệ mới cho hiến chuơng do chính phủ quân sự soạn thảo sẽ củng cố vai trò của quân đội trong chính phủ.

- Việt Nam -

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được bầu năm ngoái qua quốc hội bù nhìn, được xem là một nhà kỹ trị thành thạo và là một quan chức cao cấp trong nhóm lãnh đạo Đảng cộng sản bảo thủ. Đảng này ít khoan dung dối với những bất đồng chính kiến ​​nội bộ và thường bỏ tù những người chỉ trích chế độ.

* Nguồn: Southeast Asia's leaders steer away from democracy: activists, By Karl Malakunas Digital Journal 27.04.2017