TCT20170308-NguyenKhoi

 

900 triệu dân Á châu phải trả tiền hối lộ, Ấn Độ và Việt Nam dẫn đầu bảng

08/03/2017 Nguyễn Khôi (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Hôm 07/03/2017 một tổ chức giám sát quốc tế cho biết hơn một phần tư dân sống ở châu Á phải trả tiền hối lộ khi họ cần dùng các dịch vụ công cộng trong năm qua. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ trong vùng hãy bứng tận gốc tệ nạn hối lộ thường thấy này. 

Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế - Transparency International - có trụ sở tại Berlin đã khảo sát hơn 20.000 người trong 16 quốc gia trải dài khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ Pakistan đến Australia.

Qua cuộc thống kê Transparency International ước tính có 900 triệu người buộc phải trả tiền "trà nước" ít nhất là một lần trong vòng một năm trước.  Tỷ lệ hối lộ cao nhất là ở Ấn Độ (69%) và Việt Nam (65%), nơi gần hai phần ba số người được hỏi cho biết họ phải đút lót để dùng các các dịch vụ cơ bản như giáo dục và y tế công cộng.

Các quốc gia có tỷ lệ hối lộ thấp nhất là Nhật Bản (0,2%), Hồng Kông (2%), Hàn Quốc (3%) và Úc (4%).

Nạn hối lộ trên thế giới năm 2016 (hình: Digital Journal)

Nếu tính riêng trong vùng Đông Á Thái Bình Dương, Việt Nam cũng dẫn đầu tỉ lệ hối lộ với 65% so với Thái Lan (41%), Miến Điện (40%) và Campuchia (40%).

 Nạn hối lộ tại  Đông Nam Á Thái Bình Dương (hình: Transparency International)

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy cảnh sát là người đòi hối lộ thông thường nhất, khoảng dưới một phần ba số người đã tiếp xúc với nhân viên công lực trong năm qua nói rằng họ đã phải trả một khoản tiền hối lộ.

Người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn tham nhũng với 38 phần trăm người được hỏi cho biết họ phải trả tiền hối lộ, tỷ số cao nhất trong bất kỳ mức lợi tức nào.

Tuy nhiên trong khi giới dân nghèo thường là mục tiêu trong các vụ đòi hối lộ tại các nước như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, thì ngược lại tại Việt Nam, Miến Điện và Campuchia số dân nhà giầu chi tiền hối lộ lại đông hơn dân nghèo.

Dân giầu hối lộ nhiều hơn dân nghèo tại Việt Nam, Miến Điện và Campuchia (hình: Transparency International)

Trong một thông cáo báo chí ông Jose Ugaz, Chủ tịch của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tuyên bố "Các chính phủ cần phải làm nhiều hơn để thực hiện lời cam kết chống tham nhũng của họ". "Ăn hối lộ không phải là một tội phạm nhỏ nhặt, ăn hối lộ là lấy thức ăn khỏi bàn người khác, là ngăn chặn giáo dục, là cản trở việc chăm sóc sức khoẻ thích hợp cho người dân và cuối cùng là có thể giết chết người ta".

Nói đến tham nhũng, người dân Mã Lai và Việt Nam xếp hạng nước của họ tồi tệ nhất. Họ có cảm tưởng tình trạng tham nhũng đang lan rộng và cáo buộc chính phủ của họ chẳng làm gì mấy để chống tệ trạng này.

Những vụ xì căng đan tham nhũng đã làm rung chuyển một số chính phủ ở châu Á trong năm qua, là tin tức hàng đầu nổi trội và làm khuấy động hẳn các phong trào chống đối.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bị Quốc hội lên án vào tháng 12 năm ngoái trong một vụ xì căng đan làm ăn buôn bán dựa trên quen biết lớn khiến hàng triệu người xuống đường trong nhiều tháng để kêu gọi bà từ chức.

Từ năm 2015 Mã Lai Malaysia cũng bị dính vào một vụ xì căng đan tham nhũng, với các nhà điều tra quốc tế tố cáo Thủ tướng Najib Razak và các cộng sự của ông đã chiếm đoạt hàng tỷ đô la qua quỹ 1MDB do nhà nước hỗ trợ.

Một báo cáo năm ngoái của một cơ quan giám sát tệ nạn tham nhũng cũng đã nêu chi tiết về sự giàu có của gia đình và bạn bè của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh chuơng trình chống tham nhũng và đã bắt hơn một triệu quan chức, cũng trong thời gian này xứ cộng sản anh em Việt Nam cũng đã bắt giam một số cựu thương nhân trong các doanh nghiệp truơng phình nặng nề của nhà nước.

Chính phủ do quân đội cầm đầu của Thái Lan đã khẳng định sẽ có một chiến dịch chống tham nhũng tương tự nhưng cho đến nay số người bị kết án vẫn không có bao nhiêu.