BCT20200911-AiDuaTaDenChonNay

Ai Đưa Ta Đến Chốn Này?

Ai đưa ta đến chốn này

Bên kia quyết chống, bên này cuồng theo!

Phạm Hồng-Lam

11/09/2020  (Diễn Đàn Việt Nam 21)  Hai câu thơ mô phỏng muốn nói lên thực tế hiện nay của một số đông người Việt tại Liên Bang Châu Mỹ. Họ tự phân thành hai phe, vận dụng mọi thủ đoạn triệt hạ nhau chỉ vì cảm tình đối với một nhân vật. Tin giả, hình giả, phim giả xuất hiện như bươm bướm vào hè. Chưa bao giờ truyền thông nước Mỹ bị ô nhiễm như trong những tháng ngày hiện tại. Ô nhiễm từ Mỹ bung ra thế giới. Người ta sung sướng tiêu thụ và hân hoan phân tán chúng. Theo dõi sự phân rã ở Mỹ, tôi cứ xốn xang, muốn bày tỏ đôi điều tự lòng mình, nhưng cứ phải dằn lòng. Đừng nên xía vào chuyện của người ta! Đừng gây mất lòng bạn bè! Đó là những lời khuyên cửa miệng của những người gần gũi mình.

Nhưng làm sao vô tâm được trước một sự phá sản văn hoá, mà mình cũng có liên luỵ?

Hai câu thơ trên đây, thật ra, tôi mô phỏng từ hai câu ca dao, mà tôi đã đọc được lâu lắm rồi:

Ai đưa ta đến chốn này,

Bên kia là núi, bên này là sông!

Hai câu đơn giản này tự nhiên đi vào tiềm thức của tôi và đọng lại mãi ở đó. Để đến hôm nay, trong những ngày khó chịu này, lại thổn thức bùng dậy.

Có lẽ vì nó cho tôi thấy một hình ảnh vừa hùng vừa thảm của dân tộc Việt.

Về mặt văn hoá sử, bức tranh sơn thuỷ, vừa có núi có sông, trong hai câu ca này là một hình ảnh đẹp, đầy lạc quan và hi vọng. Dân tộc Việt, sau bao nhiêu phiêu bạt và thăng trầm, cuối cùng đã tìm về an cư nơi một vùng đất non xanh nước biếc, có núi non che chở với những giòng sông phong nhiêu tôm cá và phù sa.

Nhưng cũng một bức tranh đó, với cái nhìn của nhà chiến lược, thì lại vô cùng đen tối. Dân tộc ta đã rơi vào thế bí, đã đi vào nước cờ triệt. Bên kia là núi, bên này là sông. Như vậy còn chạy đi đâu? Còn đâu lối thoát? Bi thảm là đó: Núi tham vọng từ phương bắc không ngừng đe doạ, trong khi biển cả bao quanh bít hết đường binh.

Đó hẳn là ngụ í thật sự của hai câu ca dao, mà tổ tiên chúng ta không biết từ bao giờ đã hát lên, để nhắc nhở cho các thế hệ con cháu phải í thức về hoàn cảnh của đất nước và dân tộc mình.

Thế bí của dân tộc đưa tôi về với nước đường cùng của người Việt, chủ yếu tại Mỹ. Tại sao họ lại tự lao mình vào thế cờ triệt, khi phân thành phe quyết không đội trời chung với nhau, chỉ vì một nhà chính trị bất thường người Mỹ? Trong lúc kẻ đáng không đội trời chung – mà họ vẫn tuyên bố đó là „kẻ thù“ của họ - ở Hà Nội lại được dịp hả hê, để an tâm tiếp tục ác với dân mà vơ vét.

Đã có nhiều bài viết phân tích, tìm hiểu hiện trạng của đồng bào mình ở Mỹ:

- An Hải: Bênh Trump và ủng hộ Biden trong cộng đồng gốc Việt.

- Lý Minh: Hiện tượng “cuồng Trump” và tầm nhìn nhiệm kỳ.

- Việt Hoàng: Donald Trump đang gây ra tình trạng nội chiến?

- Nguyễn Gia Kiểng: Xâu xé nhau vì Trump

Tôi chỉ ghi ra một vài bài gần đây thôi và chẳng có nhận định gì về các lập luận của họ. Đa phần các tác giả lập luận bất lợi cho ông Trump.

Nhưng ở đây ta hãy cứ chấp nhận với nhau: tổng thống Trump là người Mỹ lý tưởng (của Mỹ); là người ăn ngay nói thẳng; là người vừa có đạo (Ki-tô) vừa có đức; là người thật tình muốn „đánh“ không những Trung Quốc mà cả mọi quốc gia khác có khả năng cạnh tranh với Mỹ, để làm giàu có cho Mỹ; một người „được Thiên Chúa gởi tới“ cho nước Mỹ (và cho Việt Nam?), như một số Ki-tô hữu ở Mỹ vẫn ca tụng.

Một con người như thế thì thật đáng yêu đối với những ai sống trên đất Mỹ. Trên phương diện tình cảm và quyền lợi cá nhân yêu một người như thế là tốt. Dù vậy, tình cảm này không thể là cái cớ để miệt thị người không đồng ý kiến với mình.

Nhưng trên bình diện quyền lợi cho tương lai của cả một dân tộc – dân tộc ở đây là dân tộc Việt Nam đang bị khốn khổ vì một tập đoàn phản dân tộc bên trong toa rập với ngoại thù đe doạ từ ngoài – ta có nên đặt hết tin tưởng vào một người ngoài mà dốc hết hầu bao cho họ không? Ta có nên đặt cược toàn bộ nhân cách, tương lai của mình và của đất nước mình vào một cọng rơm mong manh, vào một con bài tẩy vô chừng không? Ta có nên tự đưa mình vào thế tiến thoái lưỡng nan đó không? Là vì, sở dĩ người ta đi đến độ „cuồng“ ông Trump, là bởi họ xác tín rằng, ông ta sẽ đánh cho cộng sản Tàu bay và nhờ đó cộng sản Việt sẽ nhào, và dân Việt sẽ làm chủ lại được đất nước!

Tháng Chín năm 2017, hơn tám tháng sau khi ông Trump lên làm tổng thống, chúng tôi có dịp trao đổi với một người bạn mà cũng là một nhân vật trong hàng lãnh đạo của một chính đảng Việt Nam trong một buổi hội học. Ông hào hứng chia sẻ về tương lai đầy sáng lạn mà tổng thống Trump đã mở ra cho những nhà đấu tranh và dân tộc Việt Nam. Để cụ thể hoá niềm hi vọng tươi sáng này, ông kết luận: chỉ hai năm nữa (nghĩa là tới năm 2019) là chúng ta có thể trở về Việt Nam!

Tôi không tin vào sự lạc quan đó. Nhưng cứ bán tín bán nghi tự hỏi, tại sao họ có được những xác tín như thế. Phải chăng họ có một mối liên hệ thật sự với chính quyền mới ở Mỹ, và chính quyền này đã có một chính sách cụ thể cho những người bạn Việt Nam của họ? Không tin, nhưng tôi cũng không loại trừ những phép lạ. Sự ngờ vực của mình càng bị lung lay, khi từ đó theo dõi các chuyển động trên mạng, thì thấy có một số nhà đấu tranh „lão thành“ trong hàng ngũ Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng công khai ca tụng và dốc hết niềm tin vào vị „cứu tinh“ ở Mỹ. Cứ nghĩ họ là những người nhiều kinh nghiệm, biết nhận định; hướng dẫn của họ hẳn phải xuất phát từ những nguồn chín chắn. Nhưng càng ngày thực tế càng khiến tôi có cảm tưởng rằng, các xác tín của họ chỉ dựa trên những giả định, và những giả định này lại đặt nền trên những mơ tưởng và trên nỗi tuyệt vọng do tuổi già tạo ra.

Việc các nhà chính trị chống cộng của ta và nhiều người Việt lớn tuổi ở Mỹ sẵn sàng bán linh hồn cho tổng thống Trump là quyền của họ. Nhưng cái đáng trách ở đây là họ đã vì thế mà hùa theo phát tán những tin tức, hình ảnh, luận liệu ma-quỷ-hoá đối phương của họ. Họ không ngớt tung tin, đảng Dân Chủ chỉ là một bọn lưu manh; ứng cử viên Biden của đảng này là con quỷ già sẽ cho phá thai hàng loạt; con mụ ứng viên phó tổng thống là con quỷ cái da màu… Giả như mai đây ông Biden và bà Harris thắng cử, thì họ sẽ vô cùng khốn khổ. Họ sẽ còn biết sống làm sao với „lũ lưu manh“ đè trên đầu trên cổ họ? Làm sao có thể tiếp tục làm ăn trong cái địa ngục trần gian này? Hay: tôi có lẽ sẽ phải trở về (thiên đường) Việt Nam sống, như một bà hiện là vận động viên của ông Trump tâm sự với nhà báo Trùng Dương? Vâng, đó cũng là một lối thoát tốt để tránh địa ngục Dân Chủ.

Hay là mọi sự rồi đâu lại vào đó? Politics as usual. Chính trị mà, có được tự do thì tự do chửi cho đã miệng, thế thôi! Và ông lại khoác vào một mặt nạ mới làm một „lãnh đạo chống cộng“ mới. Và bà thì sơn phết lại diện mạo để hướng dẫn chị em mình các cách làm hôn thu giả, có con giả để vào Mỹ!

Nếu như thế, một khi tàn trận lưu huyết này, thì còn ai thèm nghe tiếng nói của những lãnh tụ, những bậc trưởng thượng đã xâm mình trong trận đồ bát quái này nữa. Thế hệ già còn gì đáng tin để nói với các thế hệ trẻ?

Tôi lo sợ rằng, mai đây nếu Cộng Hoà thất cử, thì mọi cuộc đấu tranh cho tương lai Việt Nam của người Việt ở Mỹ cũng sẽ kết thúc. Vì thất vọng. Thất vọng vì mơ ước của mình không đạt. Thất vọng vì nhận thức hời hợt của những kẻ được gọi là lãnh đạo. Cuộc đấu tranh chống cộng dai dẳng đã là một thử thách quá lớn; nó vốn xói mòn mạnh mẽ niềm tin của những người đấu tranh. Nay thêm cú đánh thinh không này nữa, thì niềm tin tiêu luôn. Vì ta đã đổ sạch mọi vốn liếng cho con bài Donald Trump rồi. Trắng tay. Mà nếu ông này có trúng thêm bốn năn nữa, thì ngày về đâu chẳng thấy, sẽ chỉ thấy thêm đổ vỡ và tuyệt vọng.

Nhận định thứ hai tôi rút ra được từ các chuyển động ở Mỹ là sự phân biệt giữa Đạo và Đức. Người có Đạo (ở đây là đạo Ki-tô) chưa hẳn là người có Đức. Xưa nay chúng ta vẫn mù mờ dùng từ „đạo - đức“ đi đôi với nhau, với hàm í rằng, người có đạo tất phải có đức. Hoàn toàn sai. Ở đây, tôi không muốn nói chuyện tổng thống Trump là người có đạo thật hay không và có đức thật hay không. (Người ta bảo, ông Trump theo đạo tin lành Evangelical. Evangelical ở Mỹ thật ra không phải là một thể thống nhất hay một giáo hội có định chế hẳn hoi, như giáo hội tin lành Báp-tít Miền Nam – đông nhất với 15 triệu tín hữu, hay giáo hội Methodist – 7 triệu tín hữu, hoặc Lutheran – 5 triệu. Mà đó chỉ là một phong trào sống đạo hiện diện trong hàng ngàn phái Tin Lành ở Mỹ với số tín hữu tổng cộng lên tới 45% cả nước. Phong trào này có vài nét bảo căn giống Công Giáo với 70 triệu tín hữu - và nó chiếm khoảng 30% trong toàn thể Tin Lành.)

Tôi chỉ đặt vấn đề với những người Việt ki-tô giáo. Sự cuồng tín đã khiến họ bỏ mọi quy chuẩn ki-tô giáo trong việc phán đoán. Vì yêu thích một người mà họ cho là vị cứu tinh chính trị của mình, họ coi mọi hành vi trực tiếp hay gián tiếp đụng tới thần tượng của họ là thất đức, dù cho thần tượng này có làm chuyện trái luân thường đạo lí. Có nhiều thí dụ lắm.

Chỉ đưa ra một chuyện cụ thể. Một linh mục người Việt ở Mỹ, khi hay tin một linh mục người Việt khác có mặt trong buổi mít-tinh ở Houston nhân cái chết của anh George Floyd, một công dân Mỹ da đen bị một cảnh sát da trắng giết bằng cách dùng đầu gối chẹn họng không cho thở (kéo dài 8 phút 46 giây). Ông linh mục này tố giác sự tham dự của ông kia là hành vi thất đức, là yểm trợ cho bọn khủng bố (chống Trump). Có được dịp, ông lôi ra những tội lỗi đời tư (dĩ nhiên khó mà biết được) của ông kia ra chửi. Một linh mục từ Việt Nam cũng nhảy vào đánh hôi. Khi được một nhà báo trực tiếp đặt vấn đề, ông linh mục kia cho hay, ông có mặt tại cuộc mít-tinh hôm đó thể theo lời kêu gọi của toà giám mục của ông. Theo ông, vì cuộc mít-tinh đó có thể tới khoảng 60 ngàn người tham dự và ban tổ chức yêu cầu phía công giáo cung cấp 15 linh mục để cùng với các tôn giáo khác giúp chuyện thiêng liêng, khi hữu sự. Và ông đã tình nguyện tham gia cùng với các đồng nghiệp người Mỹ; còn chuyện đời tư của ông như linh mục kia tố cáo, ông yêu cầu người ta trực tiếp hỏi vị bề trên Dòng của ông vốn là người có thẩm quyền trả lời. Khi đọc được thư trả lời như thế, ông linh mục chửi kia, thay vì tìm hiểu thêm cho ra lẽ, liền tri hô lên: cái văn thư của ông kia là giả mạo, vì theo ông cái huy hiệu trên văn thư không được chỉnh!

Trời ơi, đạo đã phá sản đến thế ư? Phá sản không những nơi thái độ, phán đoán và hành vi của ông linh mục, mà cả nơi sự im lặng đồng tình của tập thể những người công giáo „thuần thành“ đã biết được câu chuyện. Xem ra tất cả đều cùng đồng hội đồng thuyền với nhau.

Tại sao lại phá sản? Không cần biết anh Floyd là người có tiền án nhẹ dùng tờ 20 $ giả trong siêu thị, không cần biết anh cảnh sát da trắng đã có 18 tiền án phân biệt chủng tộc đã được cấp trên lờ đi. Không cần biết cái chết của Floyd có bị „Black Lifes Matter“ lợi dụng hay không và có do đảng Dân Chủ âm mưu để thủ lợi hay không, như ông Trump và phía người Việt úng hộ ông Trump vẫn tri hô như thế. Ở đây, trước hết và trên hết, là một vụ giết người giữa thanh thiên bạch nhật. Một người còn có lí trí, chưa nói là một Ki-tô hữu có đức, buộc phải chống lại hành vi tội ác này. Phải chống cái hành vi giết người kia đã, rồi mới tới các chuyện khác. Ai lợi dụng, ai âm mưu, hãy để cho tư pháp giải quyết, và sẽ chống sau. Như vậy, tại sao lại nhân danh đạo đức để chửi rủa sự có mặt của linh mục kia trong cuộc biểu tình, cứ cho là ông này có mặt để cùng với người khác phản đối sự giết người đi? Tại sao lại dùng những lời lẽ hạ cấp sỉ vả và khinh miệt những giám mục, đặc biệt là các giám mục da đen, đã lên tiếng phản đối việc giết người kia? Tại sao người công giáo tại Mỹ quyết liệt chống phá thai (giết thai nhi), trong khi đó lại im lặng trước việc giết người này và giết những người thuộc các dân tộc khác? America first?

Khi người ngoại đạo Samarita gặp một nạn nhân bị cướp trấn lột và đánh trọng thương bỏ lại bên đường, ông đã không tự hỏi, thằng cha này là tên có đạo không, có tiền án không, da đen hay da trắng, để có cớ mà an tâm bỏ đi như các người „có đạo“ trước đó đã làm. Nhờ đó, tấm gương này đã đi vào lịch sử ki-tô giáo như một vì sao lung linh ngời sáng. Khi các vị trưởng thượng lôi người phụ nữ ngoại tình tới trước đức Giê-su và đòi phải giết cô, Người đã không hỏi, là các ông thấy con mụ này ngoại tình theo kiểu đứng hay quỳ, nó ngoại tình để kiếm tiền cho đảng Dân Chủ hay Cộng Hoà hay không. Nếu thế, thì Giê-su đã chẳng phải Ki-tô.

Càng theo dõi lối sống đạo và những chuyện xẩy ra ở Mỹ càng buồn.

Nhưng thôi, để giải khuây cùng với quý độc giả, tôi kể chuyện này. Từ nhỏ tới lớn tôi hiếm khi xem phim, cả ở rạp lẫn trên truyền hình. Chỉ tới lúc về già mới bắt đầu học xem phim. Và tôi thích nhất là xem phim cao bồi Mỹ. Vì nó dễ hiểu và quyến rũ. Nhất là nó chỉ cho tôi hiểu ra, thế nào là tư duy thực dụng của người Mỹ. Anh cao bồi thường là một tay đẹp trai, bắn giỏi, với mái tóc uốn mướt như của ông Reagan hay bồng bềnh hoe vàng như của ông Trump. Và anh luôn là một người hùng, không từ chối gian nguy, luôn sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp xông pha trừ gian diệt bạo, để đem lại thanh bình cho xóm làng hay để trả hận cho xứ sở. Khán giả yêu mến và thán phục cao bồi là chỗ đó. Nhưng cuốn phim không chấm dứt ở chỗ thanh toán xong kẻ thù. Pha cuối luôn luôn là cảnh anh cao bồi ôm được người đẹp về cho mình. Nếu không có được sự chiếm hữu này, thì anh hẳn chẳng hoài công bỏ của để cứu vớt chúng sinh. Cowboy first.

Phạm Hồng-Lam. Augsburg, 17.08.2020

xxxx