BKM20160417-ChristianMihatsch

 

Ðông Nam Á khổ sở vì gặp hạn trầm trọng

Chistian Mihatsch,  Chiang Mai Thái Lan (Klimaretter)

 

Bản dịch của Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21)

17/04/2016 (DĐVN21) - LGT: Ai đã lớn lên hoặc có dịp đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ không bao giờ quên được cảnh sông nước mênh mông, kinh rạch chằng chịt đó đây, những cánh đồng lúa bát ngát cò bay thẳng cánh, những vườn cây ăn trái xanh tươi, nặng trái. Vào mùa nước cá bắt đầy thuyền. Đồng bằng sông Cửu Long qua các thời đại từng là "Vựa lúa của Việt Nam" thật không ngoa.

Từ 2 tháng nay, nạn hạn hán và nhiễm mặn đang hoành hành nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, bị nặng nhất là tỉnh Bến Tre: Lúa chết, cây trái khô héo, thú vật chết, tôm cá chết, thiếu nước ngọt cho nhà thương. Nông dân bị mất mùa, gia sản tiêu tan, sự sống còn của hằng triệu gia đình nông dân bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước mắt là thiên tai. Nhưng con người có trách nhiệm lớn: gìn giữ môi trường, các biện pháp phòng bị, chuyển đổi cho phù hợp với khoa học và sự phát triển đời sống, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thêm vào đó, những tai hại do nền kinh tế tư bản hoang dã rất phổ biến ở Việt Nam và Đông Nam Á trong những thập niên vừa qua. Sự phát triển nông nghiệp, hệ thống kinh đào ở Lào, Thái Lan, Kampuchia đã tách bớt nước của sông chính Cửu Long lên gần 50% lưu lượng của con sông này trong mùa khô. Qua cơn hạn này mọi người thấy hậu quả chưa lường được của các đập thủy điện lớn nhỏ từ thượng nguồn ở Trung Quốc xuống Miến Điện, Lào, Thái Lan cho các nước ở hạ nguồn như Kampuchia, Việt Nam. Việt Nam phải xin Trung Quốc xả nước ở đập thượng nguồn (1). Sự sống của người dân tùy thuộc vào thái độ ứng xử của "nước anh em" lớn này.

Một con sông cạn ở Bến Tre (ảnh ARD)

* * *

Hiện tượng thời tiết El Niño đã gây ra hạn hán ở Ðông Nam Á. Việt Nam bị thiệt hại nhiều nhất, đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán nặng nhất từ 90 năm nay. Nông nghiệp Thái Lan cũng bị thiệt hại và Lễ hội Songkran (2) vốn được du khách ưa chuộng bị rút ngắn lại.

Các vùng châu thổ là mạch sống chính của Ðông Nam Á – nơi có các thành phố lớn nhất và vùng canh tác quan trọng nhất. Ðiều này không những đúng cho vùng châu thổ sông Cửu Long về phía Tây thủ phủ Sài Gòn của Việt Nam mà còn đúng cả cho vùng châu thổ sông Chao-Phraya với thủ đô Bangkok của Thái Lan. Hai nước còn có điểm giống nhau hơn nữa: nạn hạn hán đang hoành hành.

 

“Tính từ năm 1926 đến nay mực nước sông Cửu Long xuống mức thấp nhất”, ông Nguyễn Văn Tỉnh - bộ nông nghiệp Việt Nam nói, và điều này đưa đến 2 hậu quả là “hạn hán và nhiễm mặn”. Các vùng châu thổ ở Á châu chỉ vừa cao hơn mực nước biển một chút. Khi các con sông thiếu nước từ thượng lưu xuống, nước biển mặn tràn ngược vào sông, thấm vào các mạch nước dưới lòng đất và làm hại các cánh đồng lúa.

Trong một buổi họp khẩn cấp của chính phủ Việt Nam, ông Cao Ðức Phát bộ trưởng nông nghiệp đã giải thích tầm vóc nghiêm trọng của vấn đề: vào đầu tháng 3, những cánh đồng lúa trên một địa bàn rộng 1390 cây số vuông đã bị nạn nhiễm mặn, “nhưng nếu cơn hạn còn kéo dài đến tháng 6 thì người ta không thể gieo mạ kịp cho vụ mùa thu trên một diện tích 5000 km vuông”- có nghĩa là sự thiệt hại sẽ tăng lên gấp 3 lần. Một biện pháp của Trung quốc có thể cứu vãn được phần nào: nước láng giềng phương Bắc đã chấp thuận xả nước một đập thủy điện cho chảy vào sông Cửu Long.

 

Hồ trữ của đập thủy điện bị cạn, mạch nước ngầm bị nhiễm mặn

Xa hơn về phía tây, ở Thái Lan tình trạng càng ngày càng trầm trọng hơn. Hồi năm trước đã không có đủ nước để canh tác các cánh đồng dọc theo sông Chao Phraya như mọi năm, qua năm nay các hồ chứa nước còn cạn hơn nữa. 4 hồ chứa nước lớn nhất nước chỉ còn 17% lượng nước. Thật là quá ít ngay cả khi mùa mưa đến vào tháng 6 nuớc hồ dâng lên trở lại. Chính phủ (Thái Lan) phải chỉnh lại mức sản xuất lúa gạo xuống 27 triệu tấn vào mùa tới.- 1/4 thấp hơn mọi năm. Nạn thiếu nước cũng ảnh hưởng xấu cho ngành sản xuất đường, năm nay có thể giảm xuống dưới 100 triệu tấn - con số thấp nhất trong vòng 5 năm nay.

Nạn thiếu nước còn có ảnh hưởng tới Lễ hội Songkran (2) vào dịp Tết Thái. Vào thời gian  này, người ta tổ chức khắp nơi các trận tạt nước vui chơi mà bình thường kéo dài 4 ngày. Ở Bangkok trò vui này bị rút lại chỉ còn 3 ngày.

“Biện pháp rút ngắn ngày lễ một phần có tính cách tượng trưng”, ông Amorn Kijchawengjul, Phó Thống đốc của thủ đô Bangkok thú nhận. “Chúng tôi không muốn thấy người dân thành phố bình thản chơi xịt nước phung phí trong khi nông dân phải phấn đấu hạn chế nước”. Như trong nhiều tình huống người nghèo vẫn bị thiệt hại nhiều nhất. Viện Phát triển Quốc gia Thái NESDB ước lượng, nhân số sống về nghề nông bị giảm đi mất nửa triệu, chỉ còn có 12,3 triệu người.

 

Nạn hạn hán là hậu quả của hiện tượng thời tiết El Niño. Nước biển Thái Bình Dương ấm lên quá độ, dẫn đến hậu quả thờì tiết cho toàn thế giới. Nạn hạn hán không những chỉ xẩy ra ở Ðông Nam Á mà còn ở Ấn Ðộ, mũi Horn ở Ðông Phi châu, Nam Phi và vùng biển Caribic. Ðồng thời hồi tháng giêng và tháng hai vừa qua ở vùng Florida đã có 18 trận bão trong khi bình thường chỉ bị bão 7 lần. Hiện tượng thời tiết El Niño hiện nay có tác dụng mạnh đặc biệt: tại nhiều nơi ở Thái Bình Dương nước biển có lúc ấm đến 2 độ cao hơn trung bình. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chưa rõ có phải hiện tượng thời tiết El Niño năm nay là mạnh nhất kể từ khi có sự theo dõi và đo luờng hay không.

 

Thêm nhiều "El Nino quá độ" do biến đổi khí hậu

Tuy vậy, Tổ chức WMO cho rằng, hiện tượng El Nino đã vượt qua cao điểm và hạ dần cho đến giữa năm nay. Nhưng hậu quả sẽ còn kéo dài, ông giám đốc Tổ chức WMO Petteri Taalas cảnh báo. “Dưới góc nhìn về khí tượng, hiện tượng El Nino đang giảm. Nhưng mà chúng ta không được phép lơ là vì hiện tượng này vẫn hãy còn mạnh và hậu quả của những tác hại cho con người và tổn thất về kinh tế vẫn còn kéo dài qua nhiều tháng nữa”.

Sự biến đổi khí hậu có thể đã góp phần làm cho hiện tượng El Nino thêm phần dữ dội. Nghiên cứu trong tạp chí Nature (“Thiên nhiên”) kết luận, tác dụng hâm nóng địa cầu đã làm tăng gấp đôi những trường hợp của “hiện tượng El Nino thái quá”. Ông Taalas hy vọng rằng, bây giờ ta có thể hiểu rõ hơn mối liên hệ hỗ tương giữa 2 hiện tượng hâm nóng trái đất. “Kết quả của các nghiên cứu khoa học trong khi hiện tượng El Nino xảy ra sẽ giúp chúng ta biết nhiều hơn về mối tương quan giữa biến cố thiên nhiên này và sự biến đổi khí hậu do con người gây ra”.  

Nguồn: “Südostasien leidet und leidet”, Christian Mihatsch, Klimaretter.info ngày 17.03.2016

(1) Xem tin Trung Quốc loan báo xả nước Mekong (http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160331-tq-va-mekong-hh-tt-mt)

(2) Songkran: lễ Tết theo âm lịch của Thái Lan