BCT20170918-BoMatAmMuoiCuaDangCongSanVietnam

Một thoáng nhìn về mặt ám muội của đảng Cộng sản ở Việt Nam

Tác giả: Kenichi Yoshida, trưởng văn phòng báo Yomiuri Shimbun ở Hà Nội (The Japan News)

Bản dịch của Nguyễn Khôi (Diễn Đàn Việt Nam 21)

18/09/2017 (DĐVN21) - HÀ NỘI - Một sự việc gần đây đã cho thấy mặt trái của chế độ Đảng Cộng sản Việt Nam.  

Tin tức loan rằng chính phủ Việt Nam đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch Công ty xây dựng Dầu khí Việt Nam, một phần của công ty Dầu Khí Quốc Doanh PetroVietnam, khi ông ta ở Đức, vào cuối tháng 7 và đã đưa ông ấy về Việt Nam. Ông Thanh đã bị chính phủ Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế vì đã gây ra một tổn thất khổng lồ cho công ty xây dựng nêu trên.  

Chính phủ Việt Nam thông báo rằng ông Thanh tự nguyện nộp mình tại công an Hà Nội. Đối lại lời tuyên bố đó, chính phủ Đức đã xác định rằng ông Thanh bị bắt cóc. Đức đã chỉ trích mạnh mẽ Việt Nam, mô tả vụ bắt cóc ông Thanh là "một vi phạm luật pháp nước Đức và quốc tế trắng trợn và chưa từng thấy".  

Chính phủ Đức đã trục xuất một nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam ở Đức bị cáo buộc là có liên quan đến vụ bắt cóc.  

Nơi bắt cóc là một công viên đông người qua lại gần Cổng Brandenburg ở Berlin. Ông cựu chủ tịch,  người được cho là đã xin tị nạn ở Đức, dường như sau khi bị bắt cóc đã được đưa bằng đường bộ sang Đông Âu và sau đó bị dẫn về Việt Nam bằng đường hàng không. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel mô tả phương pháp bắt cóc làm gợi nhớ đến những bộ phim gián điệp chiến tranh lạnh.  

Một nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đã so sánh sự đàn áp nhân quyền ở Việt Nam và Trung Quốc, người này nói rằng không giống như Trung Quốc, ở Việt Nam trong nhiều trường hợp các vụ đàn áp diễn ra chậm rãi dần dà. Xét theo xu hướng đó, nhà hoạt động này đã tỏ ra ngạc nhiên về sự thô thiển của phương cách (bắt cóc) gần đây.

Theo nhà hoạt động nói trên, việc đàn áp nhân quyền ở Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức. Nhiều phần khuynh hướng này không thể không liên quan đến lập trường của chính quyền Trump là không quan tâm đến việc vi phạm nhân quyền của các quốc gia khác mà dành ưu tiên cho những lợi ích của Hoa Kỳ.  

Reuters loan tin rằng có tới 15 nhà hoạt động đã bị bắt tại Việt Nam trong năm nay, tính đến đầu tháng 8, mức cao nhất trong những năm gần đây.

Việt Nam cũng đã thắt chặt kiểm soát mạng Internet, một diễn đàn phát tán những lời chỉ trích chống lại đảng và chính phủ. Nhà cầm quyền Việt Nam dự định phạt tiền những ai "phổ biến thông tin sai lệch". Tiền phạt tương đương với mức thu nhập bình quân hàng năm của một công dân Việt Nam. Chính nhà cầm quyền sẽ xác định thông tin nào là "sai lệch". Do đó, các nhà hoạt động và nhiều người khác tin rằng ý đồ thực sự của chính quyền là hạn chế những lời chỉ trích chế độ.

Mặc những tình huống liên quan đến quyền con người như vậy, ta có thể nghe thấy nhiều tiếng nói khả quan về Việt Nam ở Nhật Bản. Có người nói, "Mối quan hệ giữa hai nước đã tiến triển đến mức mạnh nhất trong những năm gần đây." Một người khác nói rằng Việt Nam duy trì lập trường ủng hộ Nhật Bản, trong khi một người nữa nhấn mạnh rằng đất nước này đầy sức sống và tiềm năng.

Dựa trên ngữ cảnh, có nhiều lý do để giải thích những quan điểm thuận lợi của Nhật Bản đối với Việt Nam, những lý do ấy bao gồm sự nể phục lịch sử chiến đấu sáng chói của nước này chống lại Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam và việc thống nhất Bắc Nam, cũng như sự cảm thông cho những thiệt hại lịch sử của thời chiến và những thảm kịch đẫm máu. Một yếu tố quan trọng khác trong những năm gần đây là mối quan tâm chung về Trung Quốc, một nước đang củng cố các tiến bộ hàng hải của nước đó.

Tuy nhiên, như thể hiện trong vụ bắt cóc, ta không nên quên rằng Việt Nam, dưới sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản, có quan điểm chính trị đối cực với Nhật Bản, một nước có chính sách quốc gia đặt trên nền tảng dân chủ.

Tôi chưa bao giờ là một sinh viên giỏi giang. Nhưng tôi đã có một cảm giác đặc biệt cho Việt Nam khi tôi học về đất nước này trong đại học cách đây hơn 20 năm và trải nghiệm cuộc sống ở đó. Nếu được hỏi câu tiếng Việt nào là câu ưa thích nhất của tôi, tôi sẽ không ngần ngại trả lời bằng câu nói của Hồ Chí Minh, cha đẻ của nước Việt Nam hiện nay: "Không gì quý hơn độc lập và tự do."

Vì thế tôi rất bực bội và buồn rầu về tình hình hiện tại khi Việt Nam không đếm xỉa gì đến nhân quyền và đã dùng vũ lực để đàn áp những chỉ trích chống lại đảng và chính phủ.

 * Nguồn tiếng Anh: "A glimpse of the party’s dark side in Vietnam", Kenichi Yoshida / Yomiuri Shimbun Hanoi Bureau Chief, The Japan News, September 07, 2017

http://www.the-japan-news.com/news/article/0003905416