B20121104-TuBitMiengDenTuChuc

Tiếng Việt‎ > ‎Chính trị - Dân chủ‎ > 

Từ truyền thống bịt miệng đến văn hóa từ chức

Nguyễn Toàn

Vào cuối tháng 10/2012, tờ New York Times (NYT) tại Hoa Kỳ loan tin gia đình và thân nhân của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tích tụ một tài sản trị giá 2,7 tỷ đô la Mỹ. Trong khi xưa nay, truyền thông của Trung Quốc luôn luôn quảng bá thủ tướng Ôn Gia Bảo là một người "đầy tớ của nhân dân" rất giản dị, cương quyết chống tiêu cực, tham nhũng, không lạm quyền để làm lợi riêng cho phe nhóm, thân nhân, thì New York Times lại cho biết chính mẹ, con trai, con gái, em ruột, em rể của thủ tướng Ôn Gia Bảo đều có dính phần vào hầu hết những dự án "vàng" của ngành truyền thông, ngân hàng, buôn bán đá quý, khu nghỉ dưỡng du lịch và xây dựng hạ tầng cơ sở. Cụ thể là bà mẹ 90 tuổi của thủ tướng Ôn Gia Bảo, tuy chỉ là một giáo viên hưu trí, nhưng đã đầu tư 120 triệu đô la trong năm 2007 mua chứng khoán của hãng bảo hiểm Ping An, và hãng này đã được hưởng rất nhiều lợi nhuận nhờ những chính sách kinh tế của thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Truyền thống bịt miệng: Sau khi NYT đăng tin này, chính phủ Trung Quốc đã lập tức kiểm soát và bịt miệng, không cho đăng tải nguồn tin của New York Times trên mạng internet Trung Quốc. Nhưng trong thời buổi truyền thông đại chúng qua Internet, thì dù có bịt đến mấy cũng vẫn hở, có cấm trong nước cũng không cấm được dư luận ồn ào báo chí ngoại quốc, nên ngài thủ tướng Ôn Gia Bảo cho luật sư đại diện cải chính, nào là những con số về tài sản đưa ra không đúng sự thật, chính ngài thủ tướng không hề tham gia vào các hoạt động kinh doanh, những quyết định về chính sách kinh tế ông không có mục tiêu trục lợi cho những dự án đầu tư của thân nhân và các thân nhân của ông cũng không hề dựa vào quyền lực của thủ tướng để làm ăn, rồi ngài dọa sẽ kiện tờ NYT. Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc thì tuyên bố đây là một hành động nhằm hạ uy tín của chính phủ Trung Quốc.

Các mạng truyền thông lề phải tại Việt Nam cũng tránh không đăng tải những tin "nhậy cảm" đối với nước bạn, chỉ trích đăng những tin cải chính do luật sư của thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra, để giữ đúng quan hệ tốt theo phương châm mười sáu chữ vàng (... văn hóa tương đồng, lý tưởng tương thông....) . Mặc dù tờ NYT đã khẳng định là không có những bằng chứng tiêu cực của thủ tướng Ôn Gia Bảo, và cũng không ai nghi ngờ rằng ngài thủ tướng đã trực tiếp tham dự vào các hoạt động kinh doanh (vì đảng CSTrung Quốc chỉ cử ngài dẫn dắt các quan đầy tớ nhân dân lớn nhỏ, chứ không chỉ định ngài làm mở dịch vụ buôn bán), nhưng người ta vẫn không khỏi đặt nghi vấn về tài sản to lớn của thân nhân trong gia đình ngài thủ tướng, vì ở châu Á ta vẫn có truyền thống "một người làm quan, cả họ được nhờ". Mà nếu quả thật thân nhân gia tộc của thủ tướng kinh doanh sạch sẽ, không nhờ vả quen biết trong ngoài mà được thành công tốt đẹp như vậy, thì đây là điều rất đáng tuyên dương để quảng bá cho sự thành công của nhà nước, tại sao phải bịt miệng, cấm đoán báo chí làm gì ? Ngài chỉ cho biết con số 2,7 tỷ đô la là không đúng, vậy con số đúng là bao nhiêu, và lợi nhuận thu vào có được đóng thuế đầy đủ hay không thì không thấy luật sư đề cập đến..., hay là tại châu Á lại có những truyền thống và văn hóa khác với Âu Mỹ chăng?

Người ta liên tưởng cách đây không lâu, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa, ông Romney đã công bố số tiền thu nhập trên chục triệu đô la trong năm 2011 cùng số tiền đóng thuế, rồi đến ứng viên thủ tướng Đức Steinbrück của đảng SPD cũng đã minh bạch hóa số tiền thu nhập trên 1 triệu Euro của ông để tránh những dị nghị từ phía truyền thông, dân chúng. Đối với họ, làm giầu hợp pháp, thuế má minh bạch thì không cần phải che dấu hay bịt miệng báo chí, nhưng hình như lối văn hóa minh bạch của các người làm chính trị này vẫn chưa được các nhà lãnh đạo trong nước bạn láng giềng cũng như nước ta yêu chuộng.

Văn hóa từ chức: Cũng cùng truyền thống bịt miệng, nhưng tại các nước dân chủ thì họ lại có thêm một văn hóa khác, tạm gọi là văn hóa từ chức, nó trái ngược lại với cái nền văn hóa chịu đấm ăn xôi rất phổ thông tại nước bạn láng giềng: tại Đức vào cuối tháng 10 đã xẩy ra một vụ xì căng đan bịt miệng truyền thông, kết quả là ngài tiến sĩ phát ngôn viên của đảng cầm quyền CSU (trong chính phủ liên hiệp gồm 3 đảng CDU, CSU và FDP) đã phải từ chức sau khi câu chuyện bị vỡ lở. Dĩ nhiên là bất cứ một đảng phái cầm quyền nào cũng tìm cách duy trì thế lực của mình trên sân chơi chính trị, và đảng CSU (Liên Minh Dân Chủ Xã Hội) của tiểu bang Bayern (Bavaria) ở Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng không tránh khỏi qui luật này. Bayern là một trong những tiểu bang dẫn đầu về kinh tế tại Đức, và đảng CSU là một đảng rất được lòng dân Bayern vì những thành quả về kinh tế của tiểu bang mà đảng CSU đã đạt được. Tương tự như đảng Cộng Sản tại VN, từ 1946 đến nay, trừ 4 năm cách đoạn lúc ban đầu, đảng CSU đã liên tục nắm quyền chính phủ tiểu bang và trong suốt 16 kỳ bầu cử tự do vừa qua, họ đều thắng thế trong quốc hội tiểu bang. Để củng cố quyền lực, đảng CSU luôn luôn tìm cách nắm giữ và can thiệp vào hệ thống truyền thông, một mặt để quảng bá những tin tức tạo dư luận thuận lợi cho họ, mặt khác bịt kín những hoạt động của các đảng đối lập trước quần chúng.

Vào giữa tháng 10, khi đảng đối lập SPD (Dân Chủ Xã Hội Đức) họp đại hội tiểu bang để đề cử ứng viên cho chức thủ tướng tiểu bang trong kỳ bầu cử quốc hội tiểu bang vào năm tới, thì phát ngôn viên báo chí của đảng cầm quyền CSU là tiến sĩ H.M. Strepp đã gửi tin ngắn SMS và gọi điện thoại nhiều lần với ban biên tập đài truyền hình nhà nước ZDF, gián tiếp gây sức ép yêu cầu ZDF không nên phát hình phóng sự về đại hội đảng của đối thủ SPD, với nội dung: " ... hai đài truyền hình công cộng ARD và Phoenix đều không chiếu phóng sự về đại hội đảng SPD, nếu ZDF vẫn chiếu, thì (chúng ta) sẽ có vấn đề cần tranh cãi ...". Nhưng ban biên tập ZDF không hề nể sợ và vẫn cho phát hình bài phóng sự, đồng thời chính tổng biên tập lên tiếng xác nhận trước công luận việc TS. Strepp đã gây sức ép vào quyền tự do thông tin, báo chí. Mặc dù viên tổng thư ký đảng CSU tìm cách che chở TS Strepp, nhưng trước sức ép của dư luận, TS Strepp đã phải từ chức phát ngôn báo chí của đảng CSU. Tại Đức, ARD và ZDF là 2 đài truyền hình của nhà nước trên bình diện liên bang, các tiểu bang lại có đài truyền hình công của tiểu bang, ngoài ra còn có nhiều đài truyền hình tư nhân khác. ARD và ZDF tuy là đài lớn của nhà nước nhưng ban biên tập làm việc hoàn toàn độc lập, không chịu sự "chỉ đạo" hay sức ép của chính phủ.

Tại các nước dân chủ, quyền tự do báo chí là một quyền bất khả xâm phạm, vì nó phản ánh tiếng nói và quyền kiểm soát trực tiếp từ người dân đối với nhà nước. Thí dụ như vụ xì căng đan Watergate tại Hoa Kỳ khiến tổng thống Hoa Kỳ Nixon phải từ chức vào năm 1974 không phải do một cơ quan công an, quân đội, CIA, FBI hay KGB mà chính do báo chí đã phanh phui ra. Một thí dụ khác: chỉ riêng tại Đức trong hai năm liền đã có 2 vụ từ chức gây nhiều xôn xao, năm 2011 bộ trưởng quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg sau khi bị khám phá việc ông "đạo văn" trong luận án tiến sĩ đã phải từ chức bộ trưởng và dân biểu liên bang cũng như tất cả các chức vụ trong đảng CSU, ông cũng mất luôn học vị tiến sĩ; năm 2012 tổng thống Đức Christian Wulff khi báo chí phanh phui việc ông ta được vay tiền với lãi suất nhẹ ông đã "dại một giờ" tìm cách ngăn chặn báo chí đưa tin để rồi phải từ chức. Việc TS Strepp định lũng đoạn truyền thông báo chí là một điều không thể chấp nhận được trong một xã hội dân chủ, nên sự từ chức của TS Strepp cũng là một điều đương nhiên trong một chính trường có nền văn hóa tự trọng.

Một điều đáng nói trong xì căng đan ZDF là TS Strepp không phải là một quan chức Nhà Nước, mà chỉ là người phát ngôn của một đảng phái, tức là ông ta chỉ giữ một chức vụ tư, không lãnh trách nhiệm của Nhà Nước, mà đã là chức vụ tư, thì người ngoài rất khó tạo sức ép bắt phải từ chức. Nhưng để tránh những dị nghị xấu cho đảng, ông ta cũng phải rũ áo ra đi. Đây là một lối hành xử rất thông thường tại các chính trường dân chủ, khác hẳn với lối hành xử chịu đấm ăn xôi của các "đầy tớ nhân dân" ở các nước như nước bạn Trung Quốc: dù các vị ô sin có làm điều sai trái hay tắc trách, " ..lúng túng, buông lỏng kiểm tra, giám sát không chặt chẽ một số tập đoàn kinh tế nhà nước, có nhiều sai phạm gây tổn thất lớn, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng..." nhưng vẫn không sợ bị nhân dân thi hành kỷ luật, báo chí truyền thông cũng không dám phê bình, và mặc dù tổn thất tài sản nhân dân lên đến vài tỷ đô la, các ô sin cũng chỉ cần chân thành nhìn nhận nhưng khuyết điểm, yếu kém và hứa sẽ rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc... rồi tất cả những sự cố cũng sẽ chìm xuồng, kéo theo cả vài tỷ đô la của nhân dân.

Thấm thía thay, nền văn hóa chịu đấm ăn xôi !!!

Nguyễn Toàn

04/11/2012