B20120915_IntRoesler

Tiếng Việt‎ > ‎Chính trị - Dân chủ‎ > ‎

Bộ trưởng Philipp Rösler trả lời phỏng vấn của Spiegel Online trước chuyến công du Việt Nam 19/09/2012

Philipp Rösler, bộ trưởng kinh tế liên bang Đức gốc Việt Nam, được nhận làm con nuôi sang Đức từ lúc 8 tháng tuổi, hấp thụ giáo dục và trưởng thành trong một môi trường hoàn toàn Đức, đã là một đề tài được nhắc đến trong truyền thông Đức và nhất là trong dư luận người Việt cả ngoài lẫn trong nước. Dư luận người Việt còn xem đó là một thành quả đáng kể của người Việt ở nước ngoài. Nhưng những quan sát từ lúc ông Rösler còn làm chủ tịch khối dân biểu Dân Chủ Tự Do (FDP) trong nghị viện tiểu bang Niedersachsen (Đức), chủ tịch bang bộ FDP Niedersachsen rồi bộ trưởng kinh tế tiểu bang Niedersachsen qua chức vụ bộ trưởng y tế liên bang cho đến bộ trưởng kinh tế liên bang Đức và chủ tịch đảng Dân Chủ Tự Do đã chỉ ra một hình ảnh khác về ông Rösler: đất nước nơi ông sinh ra không có trong ký ức của ông và không có gì gắn bó ngoài câu chuyện ông được các bà sơ cưu mang trong cô nhi viện, chỉ có diện mạo bên ngoài cho thấy gốc gác Việt Nam của ông. Ông tuyên bố: "Nước Đức là quê hương của tôi. Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi, phần mà tôi không có một chút ký ức nào. Tôi lớn lên ở Đức, ở đây tôi có gia đình tôi, có cha tôi và bạn bè của tôi". 

Nhân chuyến công du của ông Rösler, Diễn Đàn Việt Nam 21 cũng như Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức đã gửi thư khuyến cáo ông bộ trưởng Rösler lưu tâm về vấn đề vi phạm nhân quyền và môi trường tại Việt Nam.

Báo Spiegel Online ngày 14/09/2012 đăng trên mạng bài phỏng vấn Philipp Rösler của hai ký giả Roland Nelles và Severin Weiland. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng bản dịch tiếng Việt dưới đây.

Diễn Đàn Việt Nam 21

15/09/2012

www.vietnam21.info

SPIEGEL ONLINE: Thưa ông Rösler, ông sắp sang thăm Việt nam, đất nước nơi ông sinh ra, ông chờ đợi gì ở chuyến đi này?

Rösler: Tôi mong rằng chuyến đi này sẽ mang lại thuận lợi cho kinh tế Đức. Việt Nam là một nước đang trỗi dậy và như thế là một thị trường cho các doanh nghiệp của chúng ta. Tại đó trong những năm qua đã có khá nhiều biến chuyển, ngay cả trong việc mở rộng cửa cho tự do kinh doanh. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều thử thách, thí dụ như trong các vấn đề về nhà nước pháp quyền.

SPIEGEL ONLINE: Chuyến đi của ông đang được chăm chú theo dõi. Dù sao tiểu sử của ông cũng liên quan đến lịch sử hiện đại của đất nước này. Ông là đứa trẻ bị bỏ rơi trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Ông có biết gì về thời gian đó không?

Rösler: Tôi sống những tháng đầu tiên trong một cô nhi viện thiên chúa giáo ở Khánh Hưng, nay thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đó là năm 1973. Bản thân tôi chẳng nhớ gì cả. Sau này, cách đây vài năm tôi có đọc một bài báo của Cordt Schnibben trên Spiegel viết về cô nhi viện đó. Khoảng 3000 trẻ em đã được các bà sơ nuôi nấng trong suốt thời gian này. Các bà đã đặt tên và quy định ngày sinh của bọn trẻ để thuận tiện cho quá trình và thủ tục nhận con nuôi.

SPIEGEL ONLINE: Hai bà sơ Mary Marthe và Sylvie Marthe đã chăm sóc ông những tháng đầu tiên ở Khánh Hưng. Tháng 11/1973 ông được nhận làm con nuôi sang Đức. Nhà báo Michael Bröcker có nêu trong bài viết về ông là bà sơ Mary Marthe vẫn còn sống tại Việt Nam. Ông có liên lạc với bà ấy không?

Rösler: Chúng tôi có liên lạc với nhau sau khi tôi trở thành bộ trưởng y tế liên bang vào mùa thu năm 2009. Nhiều phóng viên sang Việt Nam gặp bà Mary Marthe và chụp hình bà ấy cầm ảnh của tôi trên tay. Về sau, bà ấy có gửi email cho tôi qua một bà sơ khác có địa chỉ email. Tôi rất cảm động về việc này

Rösler: Không, tôi chẳng bao giờ tìm hiểu chuyện ấy. 

SPIEGEL ONLINE: Ông có biết rõ về hoàn cảnh, lý do tại sao ông bị bỏ ở trước cửa cô nhi viện?

SPIEGEL ONLINE: Bà ấy viết gì cho ông?

Rösler: Bà ấy rất tự hào về những gì tôi đã đạt được. 

SPIEGEL ONLINE: Tại sao? 

Rösler: Ai đi tìm cái gì thì chứng tỏ anh ta đang thiếu cái đó. Nhưng tôi không cảm thấy thiếu thốn gì cả. 

SPIEGEL ONLINE: Ông chưa bao giờ có khát vọng muốn biết thêm mọi chi tiết? 

Rösler: Không, chưa bao giờ. Nước Đức là quê hương của tôi. Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi, phần mà tôi không có một chút ký ức nào. Tôi lớn lên ở Đức, ở đây tôi có gia đình tôi, có cha tôi và bạn bè của tôi.

SPIEGEL ONLINE: Cách đây 6 năm, trong chuyến đi thăm Việt Nam đầu tiên cùng với bà nhà, ông đã không về thăm địa phương nơi có cô nhi viện đó. Phải chăng đó là một quyết định có chủ ý?

Rösler: Năm 2006 chúng tôi không hề biết nơi đó ở đâu. Thực ra tôi luôn tìm địa danh Khánh Hưng trên bản đồ nhưng không tìm ra. Mãi khi đến Sài Gòn, vào phủ Tổng thống cũ thì mới tìm thấy giải đáp. Trong tầng dưới của nhà bảo tàng vẫn còn trung tâm tham mưu hành quân của Mỹ. Trên tấm bản đồ của Mỹ với các địa danh cũ tôi đã tìm thấy tên nó. Điều đó tôi không biết và chính anh thông dịch đã giải thích: Khánh Hưng, cũng như bao địa danh khác ở miền Nam, đã bị nhà cầm quyền mới đổi tên sau khi thống nhất hai miền Nam Bắc.

SPIEGEL ONLINE: Sao ông không đến thăm chỗ đó?

Rösler: Khi đó tôi chỉ là du khách bình thường. Vợ chồng tôi cũng đi thăm đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ có điều chúng tôi rút ra kết luận rằng Sóc Trăng, như tên gọi ngày nay, chắc chắn không khác gì những vùng mà chúng tôi đã đi qua.

SPIEGEL ONLINE: Trong chuyến đi lần này ông có định sẽ tạt qua thăm nơi đó không?

Rösler: Tôi sang Việt Nam lần này với tư cách bộ trưởng kinh tế Đức, là người đại diện quyền lợi kinh tế Đức, chứ không phải đi tìm cội nguồn của mình.

SPIEGEL ONLINE: Ông có dự định sau này sẽ tìm về chỗ đó không?

Rösler: Không, chúng tôi không có dự định nào cả. Nơi đó không có ý nghĩa gì nhiều đối với tôi.

SPIEGEL ONLINE: Có những trẻ em con nuôi khác lại suy nghĩ khác hẳn, họ tìm hiểu rất kỹ về quá khứ của họ. Ông có chia sẻ với những người này không? 

Rösler: Tôi có thể chia sẻ hoàn toàn với họ, nhưng mỗi trường hợp một khác. Trong gia đình tôi, tôi không hề cảm thấy thiếu thốn gì cả, vì thế tôi chưa bao giờ đặt vấn đề đó ra.

SPIEGEL ONLINE: Cha ông, người đã một mình nuôi ông sau khi li hôn, từ khi ông mới bốn tuổi, ông có hay nói chuyện với ông ấy về Việt Nam?

Rösler: Không, Việt Nam không là đề tài trong câu chuyện giữa hai chúng tôi. Khi tôi đã lớn, cha tôi có đặt tôi đứng trước gương và giải thích tại sao tôi lại khác những đứa trẻ khác.

SPIEGEL ONLINE: Ông cụ có giải thích tại sao hai cụ hồi ấy lại quyết định nhận ông làm con nuôi ?

Rösler: Vốn là quân nhân, trong thời gian học lái máy bay trực thăng tại Mỹ đầu thập kỷ bẩy mươi, cha tôi có quen một số đồng nghiệp Nam Việt Nam. Qua họ, ông được biết về sự bất hạnh do cuộc chiến gây ra, nhất là về trẻ mồ côi. Do vậy hai ông bà đã quyết định nhận con nuôi. 

SPIEGEL ONLINE: Ông có nhận ra tính chất á châu nào của mình không?

Rösler: Diện mạo của tôi là một minh chứng rõ ràng. Nhưng tôi không biết võ á châu cũng như không thường ăn đồ á châu. 

SPIEGEL ONLINE: Khi ông đi ra nước ngoài, có ai nhắc đến nguồn gốc của ông không?

Rösler: Thỉnh thoảng. Năm ngoái khi tôi đi với Angela Merkel sang Mỹ, có hai bộ trưởng gốc Á cũng hỏi thăm về nguồn gốc của tôi, và cả tổng thống Obama nữa. Ông ta tỏ ra ít ngạc nhiên hơn là những chính trị gia ở các nước khác. Dù sao thì nước Mỹ cũng là nước mang nhiều dấu ấn nhập cư.

SPIEGEL ONLINE: Chuyến đi của ông cũng được phía Việt nam đặc biệt quan tâm. Khi ông tham gia chính phủ, một tờ báo bên đó đã viết: "Ông ta là người mình". Ông sẽ xử lý ra sao?

Rösler: Ông thử tưởng tượng ngược lại xem, một đứa trẻ Đức được nhận làm con nuôi ở một nước khác rồi làm chức lớn trong chính phủ. Ở bên này chắc chắn mối quan tâm cũng nhiều không kém.

SPIEGEL ONLINE: Ông sẽ không để chuyện này gây ảnh hưởng đến ông? 

Rösler: Nước Đức là quê hương của tôi. Điều đáng ca ngợi ở nước chúng ta là những người với lý lịch khác thường vẫn có cơ hội thăng tiến. Điều kiện tiên quyết cho việc này là sự khoan dung. Chế độ dân chủ của chúng ta và các thành công của chúng ta được tạo dựng không chỉ nhờ cơ chế kinh tế thị trường xã hội mà trước hết nhờ một xã hội tự do. Tại Việt Nam tôi sẽ nhấn mạnh điều này. Về lâu về dài, một nền kinh tế thị trường sẽ không thể phát triển được nếu không có tự do.

SPIEGEL ONLINE: Một đề tài cho các trẻ em con nuôi gốc Á ở Đức là chủ nghĩa chủng tộc ngấm ngầm hay lộ diện. Ông có bao giờ gặp phải vấn đề này không? 

Rösler: Không, trong các quan hệ bình thường hằng ngày thì không.

SPIEGEL ONLINE: Ở Việt Nam người cộng sản vẫn cai trị với chế độ độc đảng. Trong chuyến đi thăm này ông có nêu lên vấn đề tôn trọng nhân quyền?

Rösler: Tôi hoạt động trong Ủy ban Trung ương Người Công giáo (Đức), do đó việc mời các đại diện Thiên chúa giáo tham dự buổi tiếp tân tại đại sứ quán Đức ở Hà Nội cũng quan trọng đối với tôi. Giáo dân ở Việt nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Như thế, vấn đề này là một nhận thức rất quan trọng của tôi.

SPIEGEL ONLINE: Trong năm 2000 ông mới làm lễ rửa tội. Quyết định này có liên quan gì đến việc các bà sơ đã cứu ông?

Rösler: Điều đó không phải là nguyên nhân chủ yếu. Nhưng ai đã biết là các bà sơ phải chịu đựng nguy hiểm và vất vả như thế nào trong chiến tranh VN để cứu trẻ em mồ côi thì người đó sẽ không bao giờ quên.

SPIEGEL ONLINE: Ông không nói tiếng Việt. Ông có chuẩn bị tập vài câu cho chuyến đi này?

Rösler: Việc đó cường điệu quá. Xin nói cho rõ hơn : lẽ tất nhiên một phần của đời tôi đã gắn liền tôi với đất nuớc đó, nhưng tôi sang Việt Nam với tư cách là bộ trưởng kinh tế Đức!

Trần Việt dịch. 

Nguồn: FDP-Chef Rösler - "Vietnam ist Teil meines Lebens", Spiegel Online 14/09/2012.