BCT20210205-GiesuSeGinGiuChungTa

„Jesus Saves!“

„Giê-su Sẽ Gìn Giữ Chúng Ta!“

Evelyn Finger, Luisa Hommerich, Samiha Shafy, Wolfgang Thielmann (*)

Phạm Hồng-Lam dịch

05/02/2021 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Tín hữu ki-tô giáo là thành phần nổi bật trong cuộc bạo loạn chiếm điện Capitol. Họ hô hào kích động đám đông. Vì thế, giờ đây ngay những tín đồ tin lành trung kiên cũng bỏ Trump.

*

Nhóm biểu tình tuần hành quanh mục tiêu của họ sáu vòng. Tới vòng thứ bảy, một số người trong họ cầm tù-và, một thứ kèn làm bằng sừng cừu đực, đưa lên miệng: một hoạt cảnh được tả lại trong các cuốn sách đầu của Kinh Thánh. Lúc này là 12 giờ trưa ngày 6 tháng Giêng, ngày lễ Ba Vua và cũng là lễ Giáng Sinh của các giáo hội chính thống giáo. Nhóm biểu tình bắt chước cuộc tuần hành bảy vòng của dân Israel quanh thành Jericho của dân ngoại, như Cựu Ước đã mô tả. Khi dân Israel vừa đi vừa trổi tù-và quanh thành Jericho tới vòng thứ bảy, thì Thiên Chúa đã khiến cho thành bị sụp đổ.

Ở đây, tại Washington, đám biểu tình cầu Chúa của họ hãy phá đổ „bức tường tham nhũng“. Vì thế họ thực hiện cuộc „tuần hành Jericho“ bảy vòng quanh điện Capitol. Sau đó một số người khác vác tới một thập giá rất lớn bằng gỗ. Vào buổi chiều, khi đám đông đã quy tụ tới nhiều ngàn người, một đại diện của tổ chức „Tuần Hành Jericho“ tiến lên bục đọc lớn tiếng kinh Lạy Cha và tất cả đồng thanh hô to „Amen“. Cuộc tiến chiếm Capitiol bắt đầu.

Ngày 6 tháng Giêng trong lịch phụng vụ ki-tô giáo cũng là ngày Epiphanias, ngày lễ Thiên Chúa tỏ mình. Một tập hợp gồm các tín đồ ki-tô và tín đồ của các thuyết âm mưu dùng biến cố này để thực hiện một cuộc tuần hành bạo loạn nhân danh Thiên Chúa của họ. Một tuần sau cuộc tấn công Capitol người ta vẫn chưa rõ lực lượng ki-tô giáo chiếm bao nhiêu trong đám đông bạo loạn. Nhưng các biểu tượng của họ thì đầy dẫy khắp nơi. Trong biển cờ trước điện Capitol người ta thấy có những biểu ngữ với nội dung „Jesus is King“, „Jesus saves“, „Say Yes to Jesus“. Những người bịt mặt bận áo thun có in chữ „We need Jesus“. Có một người đeo nơi cổ một tấm biển: „Cho Thiên Chúa, đấng vinh quang / Sự thật, Công lý / Nhà nước trong nhà nước – đã được lật tẩy! Trump 2021-24“.

Đó là những ngày lạ lùng và thật khó ăn nói cho nhiều tín hữu ki-tô ở Mỹ. Là vì, như tạp chí The Atlantic viết, cuộc bạo loạn đó cũng là một cuộc „nổi dậy của những tín hữu ki-tô“. Các thành viên của Proud Boys, nhóm dân quân cực hữu, đã quỳ gối cầu nguyện trước khi tiến chiếm Capitol. Thành viên của „Groypers“, nhóm cực hữu dân tộc chủ nghĩa chủ trương bài Do-thái và người đồng tính, đồng thanh la hét „Christ is King!“.

Đám cực hữu, những nhà lý thuyết âm mưu, những người biểu tình bạo loạn, tất cả đều nhân danh giáo lý ki-tô giáo để gây loạn. Đó là một dấu hiệu chẳng lành chút nào cho tình trạng ki-tô giáo ở Mỹ.

Tuy nhiên, đây cũng là những ngày đầy hi vọng cho nhiều ki-tô hữu ở Mỹ, là vì cũng vào ngày thứ Tư này tại bang Georgia đã diễn ra một biến cố, có thể nói không ngoa, mang tầm lịch sử: sự chiến thắng chiếm được ghế nghị sĩ liên bang của mục sư Raphael Warnock thuộc phái Tin Lành Phép Rửa (Báp-tít). Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên xuất thân từ miền nam được bầu vào Thượng Nghị Viện và cũng là thượng nghị sĩ da đen thứ mười một trong lịch sử Mỹ quốc. Không biết rồi ông có đóng góp gì được cho cuộc giao hoà giữa những tập thể người Mỹ không.

Có nhiều thành phần lẫn lộn trong cuộc tấn chiếm Capitol. Nhiều người trong họ cùng có một mẫu số chung là Ki-tô Giáo, như thể Ki-tô Giáo là tiêu chuẩn tối thiểu nối kết họ lại với nhau – bên cạnh tiêu chuẩn ủng hộ Trump.

Cuộc bạo loạn do nhiều lực lượng khai động. Nhưng chủ chốt vẫn là tổ chức „Tuần Hành Jericho“ với dàn tù-và nổi bật của họ. Đây là tập hợp của nhóm cực hữu của phong trào tin lành cùng với tín đồ của các thuyết âm mưu, chẳng hạn như của mạng lưới QAnon. Đứng đàng sau „Tuần Hành Jericho“ là Rob Weaver, một nhà đấu tranh cánh hữu của phong trào Tin Lành Ngũ Tuần, và Arina Grossu, một nhà đấu tranh công giáo chống phá thai. Cả hai đều làm việc trong bộ máy hành chánh của Trump. Sáng kiến dấy lên cuộc „tuần hành Jericho“, như cả hai cho biết vào thánh Chạp 2020 trên kênh truyền hình ki-tô giáo Victory Channel, là do sự thúc đẩy của Thiên Chúa. Weaver cho hay, sau bầu cử ngày 3 tháng 11, anh bỗng nhiên thấy cờ và nghe tiếng tù và, tiếng trống cơm, tiếng đàn hạc (harp/Harfe) rộn lên trong lòng mình. „Tôi hiều ngay, là chúng tôi phải tổ chức cuộc tuần hành.

Và họ đã liên kết với phong trào „Stop the Steal“, vốn là tổ chức đã có một kế hoạch bao vây Capitol ngay từ tháng 12. Rồi „Tuần Hành Jericho“ và „Stop the Steal“ cùng nhau thổi kèn gióng trống thúc dục những tín đồ của họ ở Washington và ở các bang chiến địa xuống đường; những tín hữu này vốn tin rằng Joe Biden đã ăn cắp kết quả bầu cử của họ. Đó là những tín hữu tin lành phúc âm (Evangelical), những tín hữu công giáo, những kẻ đi theo các phong trào đặc sủng và những tín hữu ki-tô giáo gốc Do-thái vốn vẫn trung thành với những tập tục do-thái. Có một số người tự xưng họ là tín đồ do-thái giáo chính thống, cũng xuống đường theo.

Ngay trong những lần tuần hành Jericho đầu tiên trong tháng 11, tù-và cũng đã được trỗi lên. Tiếng nhạc cụ của người Do-thái xưa đã làm rộn lòng những người tin lành phúc âm ở Mỹ, vốn là những kẻ thích bắt chước những gì có trong Kinh Thánh. Vì thế, những hoạt cảnh như „Holy Land Experience“ diễn ra ở Orlando (Florida) năm 2001, một hoạt cảnh kinh thánh như kiểu trong Disney Land, rất được ham chuộng. Trong cảnh này, một người ăn bận giả dạng đức Giê-su lang thang khắp ngõ ngách các ngôi chợ của Jerusalem xưa và sẵn sàng đứng lại chụp hình chung với du khách thập phương. Tín hữu phúc âm ở Mỹ tin rằng, ở đâu có tiếng tù-và, ở đấy Thiên Chúa đang nói với con người. Tiếng tù-và loan báo sự chiến thắng của người công chính, tạo khiếp sợ nơi kẻ đối phương và kêu gọi họ sám hối để trở về đường ngay nẻo chính.

Trong các bức hình chụp đám đông trước điện Capitol người ta nhận diện được một số khuôn mặt nổi tiếng của phái Phúc Âm: Báo Die Zeit nhận ra Jorge Piña, người sáng lập tổ chức truyền giáo bảo căn „DC for Jesus“; ông này đang cầm cây thập giá bằng cạc-tông màu xám. Một phóng viên chụp hình đã gặp ông trên đường tới Capitol. Theo nữ phòng viên này, ông cùng đi với Alex Jones, người sáng lập trang điện tử cực hữu „Infowars“. Trong số những người thổi tù và có David Woods, cựu cầu thủ bóng rổ với biệt danh „Gladiator“, người đã một thời chơi bóng chung với Michael Jordan trong giải NBA, và mục sư Jack Hibbs thuộc nhà thờ Calvary Chapel ở Chino Hills, Calfornia.

Cả Josiah Colt, nhà cựu truyền giáo phái Mormon, đã từ Boise, Idaho di hành tới Washington DC. Trong hình ta thấy ông này đang đeo mình tòng teng trên tường để nhảy xuống phòng họp của dân biểu và nghị sĩ. Ông cũng là người đang ngồi dơ nắm đấm trên ghế của phó tổng thống Pence.

Nhiều người trong số các ki-tô hữu không tiến vào trong nhà Quốc Hội. Nhưng họ tụ lại trước tiền đình, để tạo khí thế, trong lúc đám đông thi nhau ném bom pháo và các bàn gỗ vào những người cảnh sát. Bên lề của đám hỗn loạn, một bà cầm loa hát lớn bài „Máu Chúa Giê-su sẽ nhuộm đỏ nơi này“. Gần như cùng lúc đó một người từ trong đám bạo loạn ném một bình sắt chữa cháy vào toán cảnh sát đã vỡ đội hình – và bình đã trúng vào đầu của Brian Sicknick. Người cảnh sát này sau đó đã tử thương vì lực đập của bình xịt này.

Đâu là điểm chung giữa các tín đồ ki-tô giáo cánh hữu và những môn đồ của các thuyết âm mưu? Cả hai đều có cùng một lối suy nghĩ theo phạm trù dứt khoát như nhau: Đây là một cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa những người được tuyển chọn và những kẻ bị tống xuất, giữa sự thật và giả dối, giữa khải huyền và toà án tận thế. Dĩ nhiên đa số ki-tô hữu bảo thủ người Mỹ cũng từ chối bạo lực, vì họ coi chỉ có Chúa mới có quyền dùng vũ lực. Sau khi biết, cuộc bạo loạn đã gây ra chết chóc, một vài người trong đám tín hữu tham gia hôm đó đã tỏ ra bị xốc – như thể họ giờ đây hiểu ra cái giá của hành động của mình. Josiah Colt, nhà cựu truyền giáo mormon, lên tiếng xin lỗi vào ngày hôm sau: „Hành động của tôi đã tạo ô nhục cho tôi, cho gia đình tôi, cho các bạn bè của tôi và cho đất nước tôi.“ Ông xin nước Mỹ tha thứ cho mình.

Báo Pittsburg Post Gazette đã nhận diện được cựu dân biều Rick Saccone ở Pennsylvania trên một đoạn phim chiếu cảnh trước Capitol. Cho tới lúc đó ông này còn là giáo sư môn Bang Giao Quốc Tế và Chính Sách Khủng Bố trong đại học công giáo St. Vincent ở Latrobe. Sau khi biết được sự có mặt của ông, nhà trường đã tức khắc chấm dứt hợp đồng dạy học của ông.

Đặc biệt các tín đồ phúc âm lúc này đây đã nhận ra sự sai trái của sự việc. Các giáo hội ki-tô giáo lớn ở Mỹ vốn chưa bao giờ gắn bó chặt chẽ với Trump. Và giờ đây họ nhất quyết tránh xa ông. Hội Đồng Quốc Gia Các Giáo Hội, nghĩa là tổ chức đại kết thượng tầng của các giáo hội tin lành ở Mỹ, yêu cầu Trump từ chức. Cũng như mọi tổng thống khác, Trump đã đặt tay tuyên thệ trên cuốn Kinh Thánh trong ngày nhậm chức. Giờ đây ông bị các giáo hội kết án. Họ kết án ông gây nguy hại tới sự an ninh của quốc gia.

Hội các nhà đạo đức ki-tô giáo nổi tiếng (Society of Christian Ethicists) cũng yêu cầu phải “tước“ đi chức vụ của ông tổng thống thất cử. Họ cho rằng, ông đã phản lại những lời thề của mình qua những lời dối trá liên tục và qua việc hỗ trợ cũng như đốc thúc bạo loạn.

Còn phía tin đồ phúc âm trung thành với Trump thì hiện đang có dấu hiệu phân rẽ. Giáo sư Ed Stetzer, giám đốc Trung Tâm Graham Billy thuộc đại học của phái Phúc Âm ở Wheaton, Illinois, một trong những người có nhiều ảnh hưởng trên thế giới tin lành phúc âm, tuyên bố: „Chúng ta phải tìm cho ra những tín đồ của QAnon trong giáo hội chúng ta.“ Theo ông, đây là những người đã mở đường cho các thuyết vô lý và họ đã để mặc cho bạo lực hoành hành; vì muốn chạy theo quyền lực và bị khoá tay bởi một nền thần học cổ xuý chiến tranh giữa các văn hoá, nên nhiều đồng đạo của chúng ta đã gắn bó với Trump.

Franklin Graham, con trai của nhà giảng thuyết nổi tiếng Billy Graham trước đây, là người đã coi Trump như là „ứng viên của Chúa“ và đã khiến cho có tới 80% tín đồ phúc âm bầu cho Trump. Nhưng kể từ sau ngày 6 tháng Giêng ông cũng tỏ ra hoang mang. Ông nói trên kênh CNN: Những người đột nhập Capitol là những „tay đập phá! Chúng phải bị bắt và phải bị truy cứu trách nhiệm“. Graham kêu gọi cầu nguyện cho vị tổng thống tân cử Joe Biden.

Giáo hội Báp-tít Miền Nam, vốn là tổ chức tin lành bảo thủ lớn nhất ở Mỹ với gần 15 triệu tín hữu, cũng xa lánh Trump. Ngay cả người ủng hộ Trump cao cấp nhất trong khối Phúc Âm, mục sư Robert Jeffress ở Dallas, cũng kết án những kẻ bạo loạn ở Washington: „Tấn công điện Capitol với các biểu ngữ `Jesus saves´ là hành vi nhục mạ Thiên Chúa; nó chẳng dính dáng gì tới Tin Mừng cả.“ Một số nhân vật da trắng cộng hoà cực kì bảo thủ thuộc giáo hội Báp-tít Miền Nam giờ đây cũng quay sang ủng hộ vị mục sư da đen Raphael Warnock, ngôi sao Dân Chủ vừa mới được bầu.

Hôm chủ nhật sau cuộc bạo loạn ở Washington mục sư Warnock có một bài giảng ở nhà thờ báp-tít Ebenezer của ông tại Atlanta. Ông đã không dấu nổi sự tức giận của mình: „Những kẻ tấn công Capitol không phải là những người biểu tình, mà là những kẻ đập phá.“ Và ông tiếp: „Họ được điều khiển bởi một bàn tay bọc nhung.“ Nhưng rốt cuộc ông cũng đã có những lời lẽ hoà giải. Ông nói, ông muốn mình chỉ là một tấm kính khúc xạ vinh quang của Thiên Chúa mà thôi, qua đó vinh quang của Người được toả sáng. Đó là những lời lẽ phù hợp với địa điểm nơi ông giảng thuyết – và cũng phù hợp với tấm gương sáng mà ông vẫn đeo đuổi từ tuổi thanh niên: Martin Luther King Jr. Như Martin Luther King, ông cũng đã theo học ở trường nổi tiếng Morehouse ở Atlanta.Và Warnock hiện cũng đang thuyết giảng trong ngôi nhà nguyện mà trước đây mục sư King Jr. đã giảng.

Quả thật, hơn lúc nào hết, cần có một người như Martin Luther King, nhất là cho thời điểm hiện nay. Nước Mỹ cần có một người có sức mạnh tinh tuyền và lời nói trong sáng như ông, để có thể kết nối mọi người, kẻ tin và kẻ không tin, lại với nhau. Trước ông, và cả sau ông, hiếm có được những người đã làm cho một đất nước chuyển mình, đã thổi sinh khí cho dân tộc Mỹ và các dân tộc thế giới, như ông. Ngày thứ Sáu này, 15 tháng 1, M.L. King hẳn tròn 92 tuổi. Ngày thứ Hai sau hôm sinh nhật của ông là ngày nghỉ của cả nước Mỹ, một ngày nghỉ để ghi nhớ và tôn vinh ông: the Martin Luther King Jr. Day.

Quả thật, hơn lúc nào hết, cần có một người như Martin Luther King, nhất là cho thời điểm hiện nay. Nước Mỹ cần có một người có sức mạnh tinh tuyền và lời nói trong sáng như ông, để có thể kết nối mọi người, kẻ tin và kẻ không tin, lại với nhau. Trước ông, và cả sau ông, hiếm có được những người đã làm cho một đất nước chuyển mình, đã thổi sinh khí cho dân tộc Mỹ và các dân tộc thế giới, như ông. Ngày thứ Sáu này, 15 tháng 1, M.L. King hẳn tròn 92 tuổi. Ngày thứ Hai sau hôm sinh nhật của ông là ngày nghỉ của cả nước Mỹ, một ngày nghỉ để ghi nhớ và tôn vinh ông: the Martin Luther King Jr. Day.

Cũng vì thế, đúng một tuần trước đó, Bernice King, 57 tuổi, con gái út của ông, đã tiến ra trước bục giảng. Bà coi việc tiếp tục công trình của cha mình là sứ mạng suốt đời của bà. Bà noi gương cha, trở thành một nhà giảng thuyết, và lãnh đạo King Center ở Atlanta, một trung tâm có vai trò đưa ước nguyện của M.L. King vào thế giới – và cũng nhất là vào cho những ngày như hôm nay. Và bà đã mở đầu bài giảng với các nhà báo - chỉ một số ít người hiện diện trong phòng, đa số được kết nối trực tuyến: „Gần một năm nay chúng ta bị tấn công bởi một nạn dịch toàn cầu. Nó làm lộ ra những nếp gẫy về hệ thống sức khoẻ và kinh tế của chúng ta, cũng như đã gây ra những thiệt hại to lớn không thể tưởng tượng nổi. Đồng thời chúng ta lại phải đối diện với một thực tế phân biệt chủng tộc trên đất nước này.“

Bernice King cất cao giọng, khi bà nói tới cơn thù hận và sự khinh thường sinh mạng của những người da đen trên nước Mỹ. Những hận thù và khinh thường vốn đã đưa tới cái chết của George Floyd, Breonna Taylor, Ahmaud Arbery, Rayshard Brooks và tất cả những người khác. Bà nói tới những cuộc chống đối, khiến cho cả nước rúng động. Đã từ lâu những buổi này không còn là cuộc họp báo nữa, mà là bài giảng. Bà nhìn thẳng vào ống kính, nói: „Lòng nhân của chúng ta rốt cuộc buộc chúng ta phải khẩn cấp quay trở về và cứu lấy hồn dân tộc.“

Những bài giảng như thế giờ đây được cả nước Mỹ lắng nghe. Những ki-tô hữu quá khích trước điện Capitol đã làm cho các ki-tô hữu bảo thủ trên khắp nước phải lo sợ và suy nghĩ về thông điệp hoà bình của Đấng Cứu Thế.

Chẳng có gì gây xấu hổ và tạo sám hối nhiều cho bằng việc chống đối chuyển thành bạo loạn ở Capitol. Ngay cả trang thông tin của „Tuần Hành Jericho“ giờ đây cũng quay trở về với hoà bình. Lá thư kêu gọi cầu nguyện, ăn chay và xuống đường biểu tình từ ngày 2 tới 6 tháng Giêng, để trả lại sự đúng đắn cho cuộc bầu phiếu, giờ đây đã được xoá. Chỉ còn lại lời tuyên bố chối bỏ bạo động, xen lẫn với lời biện hộ: „Tuần Hành Jericho kết án mọi hành vi bạo lực và phá hoại, kể cả những hành vi ngay 6 tháng Giêng 2021 trước điện Capitol. Sứ mạng của chúng tôi là hoà bình và cầu nguyện. Mọi thông tin trái chiều khác đều mang tính thoá mạ, vô bằng và là một sự xúc phạm tới tự do đức tin.“

(*) Nguyên tác: Christentum in den USA: "Jesus rettet!", Evelyn Finger, Luisa Hommerich, Samiha Shafy und Wolfgang Thielmann, DIE ZEIT Nr. 3/2021, 14. Januar 2021

https://www.zeit.de/2021/03/christentum-usa-sturm-us-kapitol-donald-trump