TCT20180314-TongcongtolienbangdieutratuongconganVC

Tổng công tố Liên bang Đức điều tra tướng CA VN chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.  Bí thư thứ nhất đi xóa bỏ vết tích

14/03/2018 Vi Minh (DĐVN21) - Theo thông tin điều tra của nhật báo Süddeutsche Zeitung cùng hai đài NDR và ​​WDR thuộc hệ thống truyền hình ARD, tổng công tố liên bang Đức bắt đầu tiến hành điều tra Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an Việt Nam với cáo buộc vào tháng 7 năm 2017, ông Hưng đã tới Đức để phối hợp tổ chức vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Trụ sở của Tổng công tố Liên bang Đức tại Karlsruhe (ảnh SWR)

Đây là phản ứng mạnh nhất của phía Đức về trường hợp bắt cóc nói trên, vốn bị xem là một vi phạm trắng trợn công pháp quốc tế và chủ quyền Đức. Lúc gần 11 giờ sáng ngày 23 tháng 7 năm 2017 doanh nhân Trịnh Xuân Thanh đã bị một đội đặc nhiệm của cơ quan mật vụ Việt Nam bắt cóc tại khu Hofjägerallee thuộc công viên Tiergarten Berlin. Các nhà điều tra Đức sau đó tìm thấy nhiều vết máu trong chiếc xe bắt cóc cho thấy ông Thanh đã chống trả lại cưỡng bức này.

Các nhà điều tra Đức cho rằng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Việt Nam Đường Minh Hưng là nhân vật chủ động và đã trực tiếp chỉ đạo tại chỗ vụ bắt cóc. Khi đến Berlin Đường Minh Hưng đã trú ngụ tại khách sạn "Berlin, Berlin" và liên lạc với Nguyễn Đức Thoa, đại diện của Tổng cục Tình báo Việt Nam tại Đức. Trong tuần lễ ở Berlin, Đường Minh Hưng đã gọi hằng trăm cú điện thoại di động và trao đổi tin ngắn SMS với nhóm bắt cóc. Hai ngày trước vụ bắt cóc, ông ta đã đổi sang khách sạn "Sylter Hof", căn phòng ở "Sylter Hof" đã được Đường Minh Hưng dùng như một trung tâm chỉ huy. Cho đến khi bắt cóc diễn ra, ông ta hầu như không ra khỏi phòng.

Đây là lần đầu tiên hồ sơ 90 trang của các nhà điều tra bộc lộ chính quyền Đức biết những gì về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thành. Có vẻ như một nửa đại sứ quán Việt Nam ở Berlin-Treptow tham gia vào vụ bắt cóc này: Trịnh Xuân Thanh đã bị nhóm bắt cóc đưa lập tức về Đại sứ quán Việt Nam ở khu Berlin-Treptow và từ đó bị dẫn độ về Việt Nam bằng một cách nào đó. Những kẻ bắt cóc ngay sau đó đã đi khỏi Đức, một trong những người này là nhân viên ngoại giao có ủy nhiệm thư tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Vợ của Tùy viên quốc phòng đã đặt mua vé cho những người này. Để xóa bỏ các vết tích, Bí thư thứ nhất của đại sứ quán Việt Nam về các vấn đề lãnh sự đã đích thân lái xe của sứ quán cùng một người cộng sự đến khách sạn Sheraton với giấy ủy nhiệm toàn quyền của đại sứ quán, nơi Trịnh Xuân Thanh nghỉ qua đêm, để dọn căn phòng. Tổng công tố Liên bang Đức không đưa ra bình luận gì về tin này.

Sau khi vụ bắt cóc xẩy ra, Bộ Ngoại giao Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam. Một người là Đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa, đại diện của Tổng cục Tình báo Việt Nam tại Đức, phải rời khỏi nước Đức trong vòng 48 tiếng, người thứ nhì được cho thời hạn 4 tuần phải ra khỏi nước Đức. Sở dĩ nhà chức trách Đức không thể truy tố họ vì họ được hưởng quy chế ngoại giao bất khả xâm phạm. Đức cũng đã tạm dừng chế độ cho phép quan chức Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao nhập cảnh Đức không cần visa. Ngòai ra Đức ngừng quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã vi phạm thô bạo công pháp quốc tế và chủ quyền Đức. Báo Süddeutsche Zeitung bình luận rằng vụ điều tra mới nhất này cho thấy câu chuyện Trịnh Xuân Thanh đã được đẩy lên một tầm mức chính trị cao hơn.

Cho đến nay, chỉ có một người đồng phạm trong vụ bắt cóc ở Đức đang bị giam điều tra là ông Nguyễn Hải Long, sống ở Cộng hòa Séc, người đã thuê và lái xe trong vụ bắt cóc [tin liên quan].