BCT20201008-NeukhongphailaDanchuthinuocMylagi?

Viết từ nước Đức

Nếu Không Phải Là Dân Chủ, Thì Mỹ Là Quốc Gia Gì?

Phạm Hồng-Lam

08/10/2020 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - Số báo Diễn Đàn Giáo Dân (DĐGD) tháng 8/2020 đăng bài của tác giả Sơn Hà có tựa đề: Hoa Kỳ Là Một Quốc Gia Cộng Hoà, Chứ Không Phải Dân Chủ. (Bài có đăng lại trên https://vanhoimoi.org/?p=5054) Đọc cái tựa khó hiểu, tôi cứ nghĩ là tác giả cố tình tạo ra cái tít „tréo cẳng ngỗng“ để kích thích trí tò mò của người đọc. Nhưng đọc xong, thì nhận ra, khẳng định qua cái tít đó chính thật là xác tín của tác giả.

Những điều tôi viết dưới đây không phải là một phê bình hay phản biện đúng nghĩa. Bởi vì để làm điều này, tôi phải tiếp cận với những tài liệu tham chiếu mà tác giả có nhắc tới, để xem nội dung thật sự của chúng ra sao, và việc trích dẫn của tác giả có chỉnh hay không. Nhưng tôi không có cơ hội, thời gian và khả năng đọc những tài liệu tham khảo đó. Vì thế, ở đây, tôi coi tất cả nội dung trong bài đều là tư tưởng của Sơn Hà, để cho dễ trao đổi.

Trước hết, cần tóm tắt luận điểm chính của Sơn Hà. Những từ nghiêng đặt trong ngoặc kép là những trích dẫn từ bài của tác giả.

Tác giả khẳng định: „Hoa Kỳ là một quốc gia cộng hoà, chứ không phải quốc gia dân chủ“, vì:

- Chữ „dân chủ (Democracy) không có trong Tuyên Ngôn Độc Lập hoặc Hiến Pháp Hoa Kỳ“ và „các Tổ Phụ khi thành lập đã cố tránh, không cho Hoa Kỳ rơi vào nền dân chủ“.

- „Trong chế độ Cộng Hoà, tất cả mọi người được luật pháp bảo vệ“, bởi vì „Cộng Hoà tin vào Thượng Đế, đặt căn bản trên luật pháp… và cho dân được tự do“. „Ở thế chế Dân Chủ, luật lệ thuộc về đa số, thường xuyên bị thay đổi và bị khống chế bởi đám đông“, nghĩa là thể chế Dân Chủ là vô luật, không tin vào Thượng Đế, „ngã theo xã hội chủ nghĩa (tôi tô đậm) và luôn tìm cách kiểm soát người dân“. 

Để thêm sáng tỏ nhận định của mình về sự khác nhau giữa Cộng Hoà và Dân Chủ, tác giả đưa ra thí dụ sau:

Có 30 tay súng truy lùng một tay súng khác… một tên cướp … đang trốn chạy. Khi bắt được, 30 người lên án treo cổ nó. Thế là với kết quả số phiếu 30/1, người ta quyết định treo cổ tay súng kia. Đó là luật của những người chủ trương Democracy. Vậy Công Hoà (Republican) thì thế nào?... Khi họ sửa soạn treo cổ nạn nhân thì viên cảnh sát trưởng (Sheriff) xuất hiện bảo rằng, người bị bắt kia được quyền ra toà có luật pháp xét xử.“

Đó là sự khác biệt giữa Cộng Hoà và Dân Chủ!

Đọc đi đọc lại bài viết, tôi đâm ra rối mù, bởi vì tác giả lẫn lộn và không phân biệt được các khái niệm chính trị căn bản, như Nguyên Tắc Dân Chủ, các Thể Chế Chính Trị và các Chính Đảng.

Hãy đi vào từng điểm một.

Nước Mỹ không phải là quốc gia dân chủ?

Hoa Kỳ là một quốc gia Cộng Hoà, chứ không phải Dân Chủ“. Ở đây có sự nhập nhằng giữa nguyên tắc Dân Chủ, thể chế Cộng Hoà và các chính đảng Dân Chủ và Cộng Hoà.

Dân Chủ, nói cho gọn, trước hết và trên hết là một nguyên tắc sinh hoạt của một nhà nước hiện đại. Nguyên tắc này xác định: người dân, qua lá phiếu của mình, làm chủ quyền lực quốc gia. Chính người dân, chứ không phải thượng đế hay một hoàng đế hay một lãnh tụ tự xưng nào khác, là chủ nhân của quyền lực quốc gia. Xét như vậy, thì Liên Bang Châu Mỹ - hay nước Mỹ – ngay từ khi lập quốc cho đến nay, nếu không phải là một quốc gia dân chủ, thì nó là quốc gia gì? Nó là một quốc gia thần quyền của tập đoàn giáo sĩ trị như nước Iran hiện nay? Một đế quốc do một hoàng đế làm chủ? Một nhà nước nô lệ dưới sự toàn quyền của một lãnh tụ cha truyền con nối như ở Bắc Hàn, hay của một băng đảng tiếm quyền như ở Việt Nam?

Khái niệm Dân Chủ có biến chuyển theo thời gian. Thoạt tiên, theo A-ri-stôt (-384 tới -322) vốn là người đầu tiên sử dụng khái niệm „Dân Chủ“ (Democratia), thể chế Dân Chủ, dù là một thể chế do tập thể làm chủ, nhưng chưa hoàn hảo, vì mọi quyền lợi công ích đều chảy vào túi của những người lãnh đạo và các sân sau của chúng. Ngày nay, một nhà nước dân chủ, ngoài nghĩa căn bản dân làm chủ, cũng được hiểu là một nhà nước pháp quyền, lấy luật pháp làm nền tảng điều hành quốc gia. Một nhà nước dân chủ cũng là một nhà nước công nhận phẩm giá con người và tôn trọng nhân quyền.

Còn Cộng Hoà (Republik) xuất phát từ chữ res republica (công việc công). Nhà nước cộng hoà là nhà nước công, chứ không phải nhà nước riêng tư của một ông vua. Cộng Hoà như vậy là một loại hình nhà nước - hay một thể chế - đối lập với loại nhà nước quân chủ. Đã là việc công cho mọi người, tất cần phải có một bộ phép ứng xử, nghĩa là cần có luật để điều hoà sinh hoạt của mọi thành phần trong quốc gia. Mọi nhà nước vận hành trên nền dân chủ đều có luật, chứ không chỉ nhà nước Cộng Hoà mới có luật - chỉ „để hạn chế chính phủ“ (sic) mà thôi!

Xưa kia, người Hi-lạp và Rô-ma lập ra thể chế Cộng Hoà cũng trong ý hướng phân biệt với thể chế Quân Chủ.

Với việc thành lập Mỹ quốc, thể chế Cộng Hoà có được một bộ mặt hoàn hảo hơn với mô hình tam quyền phân lập và nhất là với quy chế cân bằng quyền lực (check and balance). Quy chế cân bằng này đã và có thể vẫn là tấm gương và sự gợi hứng cho mọi nền dân chủ về sau.

Còn Cộng Hoà và Dân Chủ, với tính cách là hai chính đảng ở Mỹ, chỉ là hai nhân tố hay phương cách lãnh đạo quốc gia. Đã là phương cách thì có thể thay đổi tuỳ theo thời hay theo hoàn cảnh. Thời bình thì Dân Chủ thích hợp hơn. Sau khi Liên Bang Sô-Viết tan rã và kết thúc chiến tranh lạnh (1990) hầu hết các nước âu mỹ đều chọn tài-xế „dân chủ“. Thời chiến hay khó khăn, dân chúng có khuynh hướng chọn tài-xế „cộng hoà“.

Tắt lại, có thể dùng hình ảnh này để mô tả các khái niệm trên: Trong một quốc gia tân tiến hiện nay, nguyên tắc Dân Chủ là nhiên liệu; thể chế chính trị (quân chủ lập hiến, cộng hoà, tổng thống chế, quốc hội chế…) là phương tiện chuyên chở; các chính đảng là những người lái. Tuỳ hoàn cảnh, người lái có thể đổi, thể chế có thể thay, nhưng nếu không có Dân Chủ thật sự, thể chế cũng bế tắc và người lái trở thành đám hoạt đầu. Hay nói theo hình ảnh nhà đạo: Dân Chủ là Hồn, Cộng Hoà là Xác.

Không có chữ „Dân Chủ“ trong hai văn bản lập quốc

Dân chủ là quan trọng, thế thì tại sao các nhà lập quốc ở Mỹ đã không có một chữ Dân Chủ nào trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập (1776) và Hiến Pháp (1787)?

Quả thật, không có một từ „Dân Chủ“ nào trong hai bản văn này. Mà từ „Cộng Hoà“ cũng chỉ được ghi một lần duy nhất nơi điều 4 khoản 4 của Hiến Pháp, khi khoản này khuyến khích các nước trong Liên Bang nên tổ chức theo „cộng hoà“.

Lịch sử ghi nhận hai biến cố chính trị quan trọng ở Mỹ (1776) và ở Pháp (1789) là hai cuộc cách mạng Dân Chủ Dân Quyền đầu tiên trên thế giới. Nhưng các văn bản quan trọng ở cả hai nước đều không quan tâm tới Dân Chủ. Lý tưởng của cách mạng Pháp cũng chỉ là „Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ“.

Là vì tư tưởng về một thể chế Dân Chủ lúc đó vẫn còn quá mới, chưa thông dụng. Những đầu lãnh cách mạng ở Pháp hẳn đã biết đến khái niệm „Chủ Quyền Của Dân“ qua quyền bầu phiếu phổ quát do Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) đưa ra. Và đặc biệt các nhà lập quốc ở Mỹ, vì ra đi từ Anh, đã và đang sống trong lý tưởng dân chủ rồi. Nhưng nội dung Dân Chủ lúc đó vẫn chưa rõ và không phải là quan tâm hàng đầu của họ. Toàn bộ bản Hiến Pháp 1787 phản ảnh trọn vẹn tinh thần dân chủ với những định chế phân quyền và những thủ tục bầu cử. Toàn bộ Tuyên Ngôn Độc Lập phản ảnh các quyền tự nhiên của con người được triết gia người Anh John Locke (1632-1704) cưu mang. Locke rao giảng quyền công dân để chống lại đặc quyền của nhà vua; và ông lập luận, chính quyền được lập ra là để bảo vệ các quyền tự do của người dân. Locke là nhà tư tưởng ảnh hưởng mạnh nhất trên các nhà lập quốc ở Mỹ. Các nhà lập quốc lúc đó chỉ ưu tiên quan tâm tới việc tách rời khỏi ách quân chủ của Anh mà thôi. Và nếu như họ đây đó có nói tới chữ Cộng Hoà, thì cũng trong ý nghĩa chống lại Vương Quyền, và nhất là nhờ họ đã biết tới khái niệm này qua lịch sử ở Anh.

Ở đây cần nói đôi giòng về quá trình lịch sử này. Ở Anh, định chế Quốc Hội (House of Commons) thoạt tiên chỉ là một hội đồng cố vấn do nhà vua đặt để giúp ý kiến cho ông mà thôi. Năm 1332, định chế này được tách ra làm hai: Thượng Viện (House of Lords), gồm đại diện của giới quý tộc và giáo sĩ; và Hạ Viện (House of Commons), gồm đại diện của dân và của các lãnh địa. Dần dần, thấm nhuần tư tưởng nhân quyền của các triết gia, người dân đòi quyền cho mình. Vì thế, đến thế kỷ 17. Hạ Viện đã từng bước dành được quyền ưu thế, loại cả Thượng Viện lẫn nhà vua, và định hình như vậy cho tới ngày nay. Trong cuộc nội chiến ở Anh, đoàn quân của Quốc Hội đã chiến thắng quân nhà vua. Quốc Hội kết án vua Charles I. là phản quốc và mang ra giết (1649). Sau đó thủ lãnh Oliver Cromwell (1599-1658) đã lập ra nhà nước “Cộng Hoà Anh Quốc“ để chấm dứt chế độ chuyên chế ở Anh. Nhưng nhà nước này chỉ kéo dài 11 năm. Kinh nghiệm lịch sử này hẳn đã đi vào ý thức của những người lập quốc Mỹ.

Dân Chủ là vô luật?

Trở lại với thí dụ trên đây được tác giả Sơn Hà đưa ra để soi sáng sự khác biệt giữa Cộng Hoà và Dân Chủ. Thí dụ này làm tôi liên tưởng tới hoạt cảnh trong các cuốn phim anh hùng Mỹ truy đuổi và thanh toán các „mọi da đỏ“. Có nhóm anh hùng, khi chớp được đám „mọi“ này, anh trưởng toán, miệng phì phèo điếu thuốc, hất hàm nhìn từng đàn em, những tay súng đàn em theo nhau lần lượt chỉ ngón tay cái xuống đất, và „pèng, pèng, pèng“, cả đám „mọi“ ưỡn người ngã lăn xuống đất. Và theo Sơn Hà, đó là Dân Chủ: Dân Chủ vô luật và đa số bảo làm gì thì làm! Lại có nhóm, sau khi chớp được kẻ thù, đám đàn em lao nhao đòi thanh toán, nhưng anh trưởng toán ra lệnh: mang chúng về hành dinh, để xử theo luật. Đó là Cộng Hoà: Cộng Hoà có luật pháp và chơi theo luật! 

Dùng một hình ảnh bán khai của phim trường để gán ép cho một khái niệm cao cả là chuyện bất chính. Dân Chủ đúng là theo quyết định của đa số, nhưng không phải như lối hành xử của đám cao bồi trong rừng hoang. Thí dụ sau đây giúp ta hiểu về điểm này.

Thuỵ-sĩ là nước duy nhất trên thế giới được cai trị „trực tiếp“ bằng đa số của người dân. Hễ ai có một sáng kiến nào và tìm được 100 ngàn chữ ký đồng tình, thì nhà nước buộc phải tổ chức trưng cầu toàn dân về sáng kiến đó. Và nếu đa số dân chấp nhận, sáng kiến sẽ được đưa vào hiến pháp và thi hành. Tháng 11/2018 có một trưng cầu dân ý rất vui. Ở các nước Âu châu, bò cái (và dê) thường không có sừng. Số là sau khi bò con được hai tháng tuổi, người ta lấy một thanh sắt nóng (trên 400 độ) dí vào chỗ hai cái sừng non mới nhú, để làm chết các tế bào và như vậy sừng không mọc thêm nữa. Có người bảo, con bê đau lắm, có thể nó mang hội chứng hoảng loạn suốt đời. Lại có người bảo, tế bào sừng cũng như móng ngựa, đâu có đau! Diệt sừng để tiết kiệm diện tích chuồng nuôi và để chúng „đỡ gây thương tích cho nhau“ (người ta nói như thế). Nhưng ông nông dân Armun Capaul không đồng quan điểm đó. Ông cảm thương cho bò (và dê) phải đau đớn và mất hạnh phúc vì bị dí sừng, nên tìm cách chống lại thói „dã man“ kia. Tuy nhiên, vì biết khó có được đa số đồng thuận về việc cấm dí sừng (vì thói quen này đã quá phổ quát nơi người dân Thuỵ-sĩ), ông quay ra vận động chữ ký yêu cầu nhà nước phải tài trợ cho những nông dân nào không cắt sừng bò và dê, vì như vậy họ phải nới rộng diện tích chuồng nuôi và thêm các chi phí khác. Tính ra mỗi năm như vậy nhà nước phải chi ra 15 triệu phrăng để tài trợ. Tiếc rằng rốt cuộc chỉ có 46% dân chúng bỏ phiếu thuận cho ông, nên hiến pháp Thuỵ-sĩ đã không đưa vào luật tài trợ cho bò dê có sừng. Trong cuộc trưng cầu hôm đó còn có hai dự thảo khác cũng được biểu quyết. Một đề nghị yêu cầu cho phép cơ quan bảo hiểm được dùng thám tử để theo dõi một số trường hợp người bảo hiểm bị nghi ngờ có gian lận. Đề nghị này được đa số dân chấp nhận. Và một đề nghị khác là khi có sự xung đột giữa luật Thuỵ-sĩ và luật quốc tế, thì phải lấy luật Thuỵ-sĩ làm chuẩn. Đề nghị này bị 66% dân chống, vì họ thấy như vậy thì quá rủi ro cho đất nước họ.

Nếu muốn hiểu Dân Chủ đúng nghĩa trong tình trạng nguyên sơ nhất của nó hiện nay, thì cứ nhìn vào sinh hoạt chính trị của Thuỵ-sĩ qua thí dụ trên đây.

Đảng Dân Chủ Mỹ theo „xã hội chủ nghĩa“ (cộng sản)?

Sơn Hà viết, Đảng Dân Chủ ở Mỹ „ngã theo xã hội chủ nghĩa“ và vì thế đảng này không chính thống, đi chệch ra khỏi các nguyên tắc lập quốc đã được thiết lập từ 200 năm qua. Nhận định này hoàn toàn sai.

Do bị ảnh hưởng quá nặng của thuyết tiến hoá về xã hội của Darwin: đấu tranh sinh tồn, mạnh được yếu thua, nên về mặt chính sách xã hội nước Mỹ được coi là chậm tiến so với nhiều quốc gia âu châu, cả về lý thuyết lẫn thực hành. (Muốn rõ thêm về ảnh hưởng thuyết tiến hoá xã hội của Darwin trên nước Mỹ, đọc thêm: Thomas Asheuer, Cuộc Đời Là Một Chiến Trường Mở Rộng“. https://sites.google.com/site/forumvietnam21/tiengviet/cths#13/08/2020-Cuoc.)

Về lý thuyết, tĩnh từ „Xã Hội“ mang nhiều cấp độ. Người Đức phân biệt ra hai loại: „sozial“ (tính cách xã hội theo thông thường) và „sozialistisch“ (tính cách xã hội theo „xã hội chủ nghĩa“, nghĩa là theo cộng sản hay phát-xít. Đảng Tộc-Xã của Hitler có tên „National-Sozialistische Partei“).

Khi nói „Đảng Xã Hội“, đảng „Dân Chủ Xã Hội“ hay „chính sách xã hội“, người Âu Châu hiểu ngay đó là một chính sách hướng tới công bằng xã hội, nâng đỡ các thành phần yếu kém trong xã hội, chủ trương tạo cơ hội thăng tiến đồng đều cho mọi người, cố gắng hạn chế sự chênh lệch giàu nghèo, nhà nước không thả mặc tự do, nhưng sẵn sàng đứng ra làm trung gian hoà giải, hoặc can thiệp nếu cần, khi có sự tranh chấp gay gắt giữa các thành phần trong xã hội, đề cao hoà hoãn trong chính sách đối ngoại, hạn chế binh bị, phóng khoáng trên phương diện đạo đức.

Xét như thế, thì hầu hết mọi chính đảng ở Âu Châu, dù có mang tên Xã Hội hay không, đều chủ trương như thế; và hầu hết các quốc gia âu châu hiện nay, dù được lãnh đạo bởi đảng nào hay ở thế chế nào đi nữa, đều có chủ trương nặng về „xã hội“. Riêng chỉ có Liên Hiệp Vương Quốc (Anh) dưới thời thủ tướng Thatcher đã đi theo tổng thống Reagan bên Mỹ mở xổng mọi cửa tự do với chính sách Tân Tự Do (Neo-Liberalismus), để mặc cho các nhà đại tư bản hoành hành. Hai vị tin rằng, cứ để cho nhà giàu no nê thừa thải, thì chắc chắn sẽ có những hạt cơm từ bàn nhậu của họ rơi xuống („trikle down“- theory) và đám Lazarô đói ngồi chực dưới bàn cũng sẽ no. Nhưng càng có nhiều rượu uống, các ông bà nhà giàu càng nhậu kĩ, và tập đoàn Lazarô chẳng nhặt được hạt rơi nào cả. Kết quả: nền kinh tế của nước này được vực dậy, túi bị tư bản phình ra. Nhưng hậu quả đồng thời cũng là sự phân rã xã hội gay gắt giữa giầu - nghèo, thành thị - thôn quê, nông ngư - kỹ nghệ. Khiến cho ngày nay, dù Tory (Bảo Thủ) nắm quyền, cũng phải hướng về „xã hội“, để cố gắng hàn gắn lại những đổ vỡ.

Nhưng tất cả đó không phải là chính sách „xã hội chủ nghỹa“ của cộng sản.

Đảng Dân Chủ bên Mỹ cũng chủ trương đường lối „xã hội“ này, dĩ nhiên có đôi chút khác với các đồng đảng ở Âu Châu, vì hoàn cảnh xã hội bên đó khác bên này. Nhưng họ chắc chắn không theo „xã hội chủ nghĩa“ (sozialistisch) hay „cộng sản“, như một số truyền thông ở Mỹ hiện nay loan truyền. Nhiều người Mỹ gốc Việt có học thức cao và đã kinh qua cộng sản cũng xác tín điều đó. Điển hình là tác giả Trần Mỹ Duyệt viết trên số báo DĐGD tháng 9/2020: „Ngược lại, một số người… muốn đất nước tự do, văn minh và tiên tiến này biến thành „thiên đường xã hội chủ nghĩa…Là một nhà chính trị lão luyện, chắc ông Biden (Dân Chủ) thừa biết chủ nghĩa xã hội là gì. Nó được hình thành như thế nào. Thử hỏi trong thực tế, trên thế giới có quốc gia xã hội chủ nghĩa nào đã trở thành một thiên đường…? Cái logic ngớ ngẩn, ngân thơ của Biden về xã hội chủ nghĩa, thiên đường xã hội chủ nghĩa liệu có rơi vào bẫy sập, xảo kế và mưu mô của Tập Cận Bình.. hay không“.

Tôi nghĩ bác Trần Mỹ Duyệt là người thành thật, và bác ý thức và tin vào điều bác phát biểu, chứ không nói theo người khác. Bác xác tín Biden và Đảng Dân Chủ sẽ thực hiện chế độ cộng sản trên nước Mỹ, nếu họ thắng cử. Tôi đâm lo cho bác và gia đình bác, vì nếu không may dân Mỹ kỳ này muốn biến đất nước mình thành xã hội chủ nghĩa, thì bác và gia đình sẽ tính chạy nạn tiếp đi đâu? Mà giả như rồi bác cũng sẽ vui vẻ tiếp tục vui sống trên đất nước này, thì hoá ra nhà mô phạm này đã chủ tâm xuyên tạc về ông Biden ngớ ngẩn (chữ của bác) và Đảng Dân Chủ.

Có cho kẹo, các ông bà Dân Chủ và dân Mỹ cũng chẳng ai ngu dại chết dưới cờ xã hội chủ nghĩa hay cộng sản.

Và nếu như Đảng Dân Chủ không chính thống, đi ngược lại các nguyên tắc lập quốc truyền thống của lịch sử nước Mỹ, thì làm sao giải thích được việc người dân Mỹ trong giòng lịch sử của họ đã 16 lần bầu cho Dân Chủ? Trong 45 đời tổng thống, 10 vị đầu tiên là người không thuộc chính đảng nào hoặc không phải là Dân Chủ hay Cộng Hoà, 16 vị Dân Chủ và 19 vị Cộng Hoà. Và ngay từ đầu, sau 10 vị ngoài đảng, dân Mỹ đã bầu ngay liên tiếp hai lần cho Dân Chủ.

Dân Mỹ như vậy đã đánh mất chính thống, đã „đi chệch ra khỏi các nguyên tắc lập quốc“ ngay từ đầu?

Augsburg, ngày 08.09.2020.