BCT20180503-Ngay30Thang4AyConGiDeNho

Ngày 30 tháng 4 ấy còn gì để nhớ

Nguyễn Doãn Đôn

03/05/2018 (DĐVN21) - Với tôi ngày ấy là ngày tôi được thở phào và mừng thầm giữa Thành phố Biên Hòa, mặt còn đen thuốc súng, để tôi thốt lên thế là tôi còn sống và sẽ được gặp bố, chị và người mẹ kế của mình từ mãi ngoài Bắc xa xôi (tôi mất mẹ từ khi 5 tuổi). Lúc đó tôi còn quá trẻ, „mặt búng ra sữa“. Làm sao mà biết được như bây giờ mình là thằng đi xâm lược. Đi từ chỗ khổ để vào giải phóng nơi sướng, để cho tất cả khổ bằng nhau…

Khi qua cầu Hiền Lương tôi đã khóc như mưa vì biết rằng khó mà có ngày trở ra.

Khi viết bài báo này tôi chỉ biết cảm ơn Trời, Phật và Tổ tiên đã cho tôi còn sống sót. Và giờ đây lại được sống ở một đất nước Đức tươi đẹp, chan chưa tình người và có nền Tự do, Dân chủ đến tuyệt vời.

Đêm nằm nghĩ tới lớp đàn anh, lớp cùng đồng đội, người mất kẻ còn, người là thương binh; Tôi dần dần nhận ra  Cộng sản dùng người quá là dã man, miễn là được việc của họ. Họ chỉ cần  ngồi ở nơi an toàn hay ở Ba Đình phán ra từ bộ đàm sai khiến...

    "Bác ngồi đó với cây chì đỏ

    Vạch đường đi từng bước, từng giờ"

    (Tố Hữu)

Còn máu xương, mạng sống của bọn tôi hay lớp đàn anh trước tôi ngày đó chỉ là dụng cụ không đáng bằng cái bừa, cái cuốc cho họ sử dụng làm công cụ mà thôi.

Cái gì và việc gì mà phục vụ cho ngôi, vị, học thuyết và thế đứng của họ thì họ cũng phán là "PHẢI BẰNG MỌI GIÁ". (Ngay vụ Trịnh Xuân Thanh gần đây họ cũng quen mồm câu nói đó).

Phải bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh“, còn hậu quả thế nào thì tính sau. "Tao bảo chúng mày phải nghe cái đã". "Theo thì sống, chống thì chết". Để rồi... theo có khi cũng chết! Vì đầu mối phải dấu, khi ta làm thợ may.

Họ hô: "Bằng mọi giá", Nhưng bằng mọi giá của họ là lý thuyết, là mệnh lệnh, là bằng chót lưỡi, đầu môi, bằng mồm; Còn người thực thi cái "bằng mọi giá" ấy lại không phải họ mà chính là bạn, là tôi, là dân đen, là lũ bưng bô ngu ngốc cũng nên, và là :

    "Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ

    Gặp nhau hồi chưa biết chữ

    Quen nhau từ thủa "một hai"

    Súng bắn chưa quen

    Quân sự mươi bài...

    Áo vải chân không

    Đi lùng giặc đánh..."

    (Hồng Nguyên)

Năm Mậu Thân 1968 và thành Quảng Trị 1972 là minh chứng rõ nhất về "cách dùng người" có "nhân“, có  „đức" của Đảng và Bác.

Năm 1968 họ chỉ đường cho lính Bắc từ rừng rú phương pháp và cách thức tiến vào Thành phố trong Nam một cách cụ thể và rõ ràng; Nhưng không chỉ đường rút lui cho họ. "Qua sông rút cầu" . Người ta đang ăn Tết vì hai bên đã hứa ngừng bắn thì lẻn vào nã súng vào đầu họ. Đến khi không gặm được người ta, thua bỏ chạy.

Càng chạy lại càng chui vào sâu trong rọ của đối phương. Để cho lính Bắc đường đi thì biết, đường về thì không.

Năm 1972 tại thành Quảng Trị bắt lính vượt sông Thạch Hãn mà phía bên kia liên thanh đại bác từ trên thành và bờ sông và cả trên không nữa sả đạn như mưa xuống.

Nhưng Đảng bảo rồi, "Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng", "Quân lệnh như sơn" . Chết cũng cứ lao xuống bờ mà vượt sông. Xuống 10 người mà sang được bên kia bờ 1 người để đánh lại chúng là ta "thắng" rồi.

    "Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ;

    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

    Tan chợ chiều Xuân đò có vội

    Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong"

    (Lê Bá Dương).

Thịt xương của biết bao người lính Bắc đã nằm trên đáy sông đó. Máu ngày đó của các anh hòa vào nước đỏ ngàu cả dòng sông.

Sau này hòa bình tôi ở Phòng chính sách, Sư đoàn 320 B đóng ở Nông Cống Thanh Hóa, cùng với Đại úy Hải (không còn nhớ họ của ông) dẫn một Đại đội vào Đông Hà Quảng Trị tìm mộ của những người hy sinh trên cánh đồng, trong thành và trong rừng, còn dưới sông thì chịu.

Nhìn thi thể và bộ xương cốt của các anh còn lại, chúng tôi gom lại cho vào từng túi nilon vắt lên vai đưa ra ô tô chở về Nghĩa trang Quảng Trị. Nhiều cảnh tang thương không giấy bút nào ta hết được các bạn ạ.

Sự sử dụng con người đến tàn ác vượt ngưỡng đó đã khiến Mỹ cũng phải sợ. Mới hay "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" là như vậy.

Có tài liệu kể lại Mỹ đã có âm mưu, chủ trương, ép Cộng sản phải đầu hàng bằng cách chỉ tập trung vào đánh đê điều miền Bắc thì cả miền Bắc chết trôi . Nhưng sau này vì họ thấy tàn bạo với dân vô tội quá nên Mỹ đã không ra tay làm đến cùng.

Cũng như trận 12 ngày đêm trên không tại Hà Nội. Nếu Mỹ cố đến 15 ngày, hy sinh thêm vài cái B 52 nữa thì tôi phỏng đoán có thể cờ trắng Ba Đình sẽ tung bay. Biết đâu nước Việt thống nhất trước đó 3 năm, nhưng với thể chế khác.

Nói tóm lại là số Trời định cả. Nói ra, viết ra những chuyện này thì mỗi người có cách nghĩ suy khác nhau, cũng dễ mất đoàn kết. Lề trái, lề phải do trình độ nhận thức và sự từng trải của mỗi người khác nhau mà dẫn đến những suy nghĩ, quan điểm sống, cách hành xử khác nhau.

Cuối cùng thì phe ông Hồ đã thắng; Phe ông Diệm đã thua, còn Dân tộc ta được gì? Chúng ta đang xếp hạng thứ bao nhiêu trên bản đồ Thế giới về các lĩnh vực.

Cái cụ thể - Cái đời sống dân sinh ấy mới là cái quyết định, chế độ nào là tươi đẹp. Thiên đường trên lý thuyết chỉ là cái bánh vẽ mà thôi. Mà bánh vẽ thì không nhai, không ăn được.

Và ta thử lật ngược lại thế cờ là giả dụ rằng ngày đó phe ông Diệm (ông Thiệu) thắng. Rồi họ cũng thống nhất đất nước thì Dân tộc ta có bi đát như thế này không? Bên ông Thiệu có ai dám ra lệnh không nổ súng khi giặc Tàu chiếm đảo không?

Phải chăng đó cũng là một đề tài mà chúng ta cần bàn tới. Phản động hay không phản động ta hãy gác sang một bên. Chúng ta chú ý đến ĐỜI SỐNG DÂN SINH và lấy đó làm mục tiêu và thước đo. Thì "Mèo nào sẽ thắng mửu nào"?

Tôi chưa nghe thấy nước CNXH nào đi xóa nợ cho Tư bản cả; Nhưng nghèo như Việt Nam mà bác Trọng quên hỏi ý dân đã phải nhỏ lệ run run cầm bút trên tay xóa nợ cho bạn Cu Ba rồi.