BCT20150803-KulkeTH

Lật lại trang sử thuyền nhân

 

Phe thiên tả chống người tị nạn - “Dân buôn lậu, ma cô và tay sai Mỹ”

Ulli Kulke (Die Welt)

Trần Huê (Diễn Đàn Việt Nam 21) chuyển ngữ

LGT: Trong cuộc chiến Việt Nam, guồng máy tuyên truyền vĩ đại của khối cộng sản đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trên mặt trận truyền thông khắp nơi từ Paris đến Washington. Do một số lỗi lầm của người Mỹ và từ nhãn quan chống chiến tranh, những người trí thức thiên tả Tây phuơng đã dễ dàng bị rơi vào bẫy tuyên truyền đó khó thoát ra được. Họ dựa phần lớn vào các dữ kiện một chiều trong những tư liệu do khối CS thực hiện và phổ biến, sự thật trong chiều ngược lại hoàn toàn bị bưng bít mà đến ngày nay sau hơn 40 năm chỉ có lác đác một số sự kiện được hé lộ.

Tại Tây Đức, một nước có hoàn cảnh chia đôi đất nước tương tự như Việt Nam, phe thiên tả cũng ăn phải bả tuyên truyền của khối Cộng, lệch lạc đến độ chống cả người tị nạn khi làn sóng người Việt Nam ồ ạt bỏ nước ra đi bất chấp nhiều thảm cảnh xẩy ra trên biển Đông như đắm tầu chết đuối, bị hải tặc cướp giết. Thời điểm này đã sinh ra một từ ngữ mới: thuyền nhân hay Boat People. Gần 40 năm sau, Boat People xuất hiện trở lại do những thảm cảnh ở Trung Đông như chiến cuộc Syria, Iraq, dân Yezidi (Jesiden) bị bọn "nhà nước Hồi giáo" IS thảm sát... Sự tái xuất hiện của thuyền nhân ở Địa Trung Hải là dịp để nhắc lại tình trạng 40 năm trước đây khi trí thức thiên tả có thái độ chống người tị nạn, sau đây là bài của ký giả Ulli Kulke [1] về đề tài này.

Diễn Đàn Việt Nam 21

* * *

Vào những năm cuối của thập niên 1970 khi hằng trăm ngàn người Việt Nam đã liều mình vượt biển tìm tự do thì những người thiên tả ở Tây phương đã lạnh lùng tuyên bố: Những người này đáng tội thôi. Đừng ra tay giúp họ!

Tuyên bố này của phe tả vô nhân không tưởng tượng được. Năm 1979, Joan Baez nữ ca sĩ Mỹ nổi tiếng tranh đấu cho nhân quyền, chống kỳ thị chủng tộc và nhất là phản chiến, đã thỉnh cầu Tổng thống Jimmy Carter hãy cho hạm đội thứ bẩy của hải quân Hoa Kỳ di chuyển đến Biển Đông. Lúc bấy giờ mỗi ngày có hằng trăm người bị chết đuối, đôi khi đến hằng ngàn người. TT Carter hưởng ứng lời kêu gọi và gửi hạm đội lớn nhất trong các hạm đội đến nơi mà thần tượng hòa bình Joan Baez mong muốn. Jane Fonda, minh tinh Hollywood và cảm tình viên của phe thiên tả lên tiếng phản đối kịch liệt và thóa mạ Baez bắt tay với phe địch.

Việc Tổng thống Carter gửi tàu đến đó chỉ là một công tác cứu người và cũng chỉ cho một thời gian ngắn mà thôi. 1979 là cao điểm của một thảm trạng trên biển khơi chưa từng có ở Viễn Đông, từ 1975 sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và kéo dài cho đến năm 1982. Đến nay chỉ có những con số phỏng chừng, nhưng khoảng 1 triệu người đã vượt biển trong thời gian này.

Nơi quê nhà ở miền Nam Việt Nam, họ bị đe dọa cưỡng bách lao động, bị giam trong các trại cải tạo, các trại tù tra tấn mà sau khi chiến thắng Miền Bắc dựng lên để trừng trị kẻ thù thua trận. Hai triệu rưởi người đã bị hành hạ ở đó. Trong số những người dám chạy trốn và vượt thoát ra biển, cứ 4 hay 5 người thì một người bỏ mình trên biển cả, tổng cộng số thiệt mạng trong 7 năm lên đến khoảng 200.000 đến 250.000 người. Cũng không ít hơn con số này là nhiều thuyền nhân đã bị hải tặc tấn công, cướp bóc, hãm hiếp, bắt cóc, bán người, trước hết là phụ nữ và trẻ con.

Hình ảnh thời đó cũng không khác gì những hình ảnh mà chúng ta thấy ngày nay từ thảm trạng thyền nhân ở Địa Trung Hải: những chiếc thuyền không đủ tiêu chuẩn đi biển, chở người quá tải, người bị đắm tàu, những thuyền nhân tuyệt vọng, xác người trôi trên biển. Điều mà hình ảnh không diễn tả được là: Thảm trạng thuyền nhân thời đó còn khủng khiếp gấp 10 lần bây giờ.

Vậy mà nỗi bức xúc của dư luận thế giới và các nỗ lực cứu người vào lúc đó chỉ có giới hạn. Người tị nạn thường xuyên xuất hiện trong những tin tức buổi tối [2] và chẳng bao lâu họ được gọi bằng một tên mới: "Thuyền nhân". Và trong các cuộc tranh luận về thuyền nhân đã dần dần có xen vào nhiều giọng điệu chà đạp con người, cả ở Tây Đức nữa.

Từ phía phe tả, những người đã ăn mừng miền Bắc CS chiến thắng miền Nam được Hoa Kỳ yểm trợ, đã có những phát biểu mà người ta chỉ có thể hiểu như thế này: Mọi người đừng thèm để ý đến những thuyền nhân lâm nạn trên biển. Tạp chí “Konkret”, rất phổ biến trong dư luận phe tả đánh giá thuyền nhân là những phần tử không xứng đáng được cứu vớt: “Dân buôn lậu, ma cô, tay sai cho Mỹ”.

Đáng lưu ý là tạp chí này dựa vào tường trình của một thông tín viên đài truyền hình ARD ở Singapore, người này đã phỏng vấn 470 thuyền nhân và kết luận, hầu hết động cơ vượt biên là kinh tế chứ tuyệt nhiên không vì lý do chính trị. Không để ý các thăm dò vừa kể đúng hay sai: Ngày nay, các cơ quan truyền thông, nhất là giới truyền thông công cộng cố tránh hết sức và không hề đề cập đến sự phân biệt này -  đây chính là sự khác biệt nổi bật so với thời điểm năm 1979.

Đối với nhà văn Peter Weiss (“Khía cạnh mỹ thuật của sự chống đối”) không những ông không tỏ chút thương hại nào với những người bị đắm thuyền, ông còn bày tỏ cảm tình với việc CS Việt Nam áp bức người ở lại: “Để bảo vệ đời sống của 50 triệu người thì phải giam vài chục ngàn người có nguy hại cho đất nước". Trong nước Việt Nam mới theo Xã Hội Chủ Nghĩa hẳn là mọi người đều phải lao động.

Helmut Schmidt chống “Cap Anamur”

Nhật báo „Sinh viên Mác xít“ (MSZ) còn cãi là không có vấn đề thuyền nhân, chỉ là chuyện được thổi phồng lên: „Thuyền nhân được dùng trong những ngày này để tính sổ với nhà cầm quyền mới", là một chiến dịch trên toàn thế giới vận động nhằm chống lại chủ nghĩa Cộng sản. „Konkret“, „MSZ“ và các báo khác coi vấn đề thuyền nhân là chuyện được được báo „Bild“ dựng đứng lên, hoặc của „Đài Tiếng nói Hoa Kỳ“.

Nhất là Weiss, do thái độ của ông đã thành đối tượng bị chính người phe tả chỉ trích nặng nề. Nhà khoa học chính trị Wolf-Dieter Narr tố cáo ông ta „đầy mỉa mai“, theo nhà văn Thụy điển Jan Myrdal, Weiss tuyên truyền cho một „xã hội phát xít“, và nhật báo „taz“ đã đăng 1 bài thơ chống Weiss lên trang nhất.

Mức độ sẵn sàng đón nhận thuyền nhân Việt Nam vào nước Đức có giới hạn. Ký giả Rupert Neudeck phải nhận ra điều đó vào năm 1979 khi ông vận động cho chương trình con tàu Cap Anamur nhằm cứu vớt thuyền nhân bị nạn trước bờ biển Việt Nam, với sự hỗ trợ của một vài người có tên tuổi trong làng văn học và giới chính trị Đức như Heinrich Böll hoặc Norbert Blüm. Chính phủ liên đảng xã hội-tự do dưới quyền thủ tướng Helmut Schmidt không bằng lòng chút nào, khi con tàu „Cap Anamur“ của ông Neudeck không những cứu vớt thuyền nhân mà còn đưa nhiều người này vào nước Đức.

Thủ tướng tiểu bang Hessen đương thời Holger Boerner (SPD) nói rằng „để cho người Việt Nam sống trong môi trường văn hoá quen thuộc của họ“ thì tốt hơn. Nhà thần học Helmut Gollwitzer kêu gọi ông Neudeck nên làm cái gì đó tại Việt Nam tốt hơn là cứu vớt thuyền nhân. “Cho đến mùa thu năm 1988 Việt Nam không cho phép chúng tôi làm gì ở đó cả“, ông Neudeck đã than phiền thái độ của Gollwitzer qua bài viết trong một cuốn sách.

Với lý luận rằng các chuyến cứu vớt thuyền nhân của ông Neudeck chỉ khuyến khích thêm người Việt liều lĩnh vượt biển trên những chiếc thuyền quá tải, chính quyền liên bang và tiểu bang đã tìm cách ngăn chận công tác cứu người của ông. Số thuyền nhân được nhận vào nước Đức chỉ có chừng vài  ngàn. Sự can thiệp hết lòng của nguyên thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, ông Ernst Albrecht (CDU), người đã nhận nhiều người Việt Nam vào nước Đức, đã đem lại một chính sách tị nạn cởi mở hơn sau đó.

Ở Hoa Kỳ, thuyền nhân VN cũng là đề tài tranh luận hết sức sôi nổi, cuộc tranh cãi giữa Joan Baez và Jane Fonda kéo dài nhiều tuần lễ trên các tạp chí Hoa Kỳ. Joan Baez bày tỏ sự cảm thông với thuyền nhân, trong một thư ngỏ bà đã phê bình gay gắt chính quyền VN [3] [4] [5]. Sau chiến tranh Fonda vẫn hoàn toàn đứng về phía Hà Nội, chống lại Joan Baez dữ dội. Mặt trận thuần nhất của phong trào phản chiến VN bị tan vỡ. Vì vấn đề thuyền nhân.

* Chú thích của Diễn Đàn Việt Nam 21

[1] Linke vs. Flüchtlinge - "Schwarzhändler, Zuhälter und US-Kollaborateure", Ulli Kulke, Die Welt 20.06.2015

[2] Các bản tin chính trong ngày trên truyền hình Tây Đức

[3] Joan Baez's "Open Letter to The Socialist Republic of Vietnam"

[4] Thư ngỏ gửi Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam của Joan Baez

[5] "Ca sĩ Joan Baez nói về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam", Bùi Văn Phú, Nguyệt san Độc-Lập số 2-81 ngày 05/02/1981