BCT20200910-VoiTrumpPhaiDuTinhNhungDieuToiTeNhat

Phỏng vấn nhà sử học hàng đầu của Đức

"Với Trump, phải dự tính những điều tồi tệ nhất"

Thực hiện bởi Marc von Lüpke và Florian Harms (*)

Chuyển qua tiếng Việt: Nguyễn Ngọc Hùng

10/09/2020 (Diễn Đàn Việt Nam 21) - 75 năm trước, Hoa Kỳ đã thắng thế chiến thứ hai - ngày nay Hoa Kỳ là một quốc gia đang suy thoái. Nhà sử học nổi tiếng Heinrich August Winkler (**) giải thích trong một cuộc phỏng vấn với t-online tại sao vẫn còn tia hy vọng cho Phương Tây mặc dù Donald Trump.

Thế kỷ 20 được cho là của Mỹ, nhưng Mỹ đã rời xa tầm ảnh hưởng của những năm trước đây. Thay vào đó, ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ đang suy yếu. Tổng thống Mỹ Donald Trump lại muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11 với những khẩu hiệu gây hấn. Nhưng chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân túy của ông Trump chẳng phải là mới mẻ, vấn đề này được nhà sử học Heinrich August Winkler giải thích trong một cuộc phỏng vấn với t-online.

Sự bất an sâu sắc không chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ, mà cũng hiện diện trong Liên minh châu Âu. Phải đối phó thế nào với Hungary và Ba Lan, những nơi chế độ pháp quyền đang bị tàn phá? Phải chăng văn hóa chính trị của Phương Tây bên này và bên kia Đại Tây Dương sắp kết thúc? Nước Đức đã phạm phải những sai lầm nào kể từ khi thống nhất - và chúng có thể được sửa chữa như thế nào? Bạn có thể đọc câu trả lời của nhà sử học nhà nước hàng đầu của Đức sau đây:

t-online: Thưa ông Winkler, ngày 2 tháng 9 là một ngày lịch sử: 75 năm trước Nhật Bản đầu hàng, Thế chiến giới thứ hai cũng kết thúc ở châu Á, và Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc hàng đầu ở Phương Tây. Ngày nay khẩu hiệu đáng sợ "America First" của Tổng thống Donald Trump vẫn còn sót lại. Chuyện gì đã xảy ra?

Heinrich August Winkler: Không phải mọi vấn đề chính trị của Donald Trump đều là mới mẻ. Thí dụ, khẩu hiệu „America First“ (Nước Mỹ trên hết) không phải do Trump sáng tạo để ra mắt lịch sử. Khẩu hiệu này xuất phát từ phe đối lập với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt vào đầu những năm 1940, phe đối lập này theo sâu đậm chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa biệt lập và bài bác Do Thái. Trump đã làm theo gương mẫu này.

t-online: Dựa theo gương mẫu lịch sử, Tổng thống Mỹ sử dụng chủ nghĩa dân túy hiếu chiến để đạt được mục tiêu của mình.

Trump là một di sản của chủ nghĩa dân túy theo chủ nghĩa biệt lập ở Hoa Kỳ. Chủ nghĩa dân túy chính trị là một phát minh của Mỹ: từ ngữ (dân túy) này xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 khi Đảng Nhân dân (People’s Party) được thành lập, một phong trào chủ yếu được ủng hộ bởi nông dân ở Trung Tây (Midwestern), vốn dựa trên nền dân chủ trực tiếp, kích động chống lại tầng lớp thành thị và chống lại mọi thể loại nhập cư. Nhiệm kỳ tổng thống của Trump không có nghĩa là phá vỡ được lịch sử chính trị trước đây của Hoa Kỳ, mà là phá vỡ một mắt xích trong chuỗi phát triển (lịch sử).

t-online: Đặc biệt là nhiệm kỳ tổng thống của Trump thể hiện cho sự chia rẽ xã hội Hoa Kỳ. Nhiều nhà quan sát châu Âu vẫn ngạc nhiên về sự ủng hộ một cách không phê phán các hành vi của Trump của Đảng Cộng hòa truyền thống.

Điều đó cũng có thể giải thích được. Trước cuộc bầu cử của Trump, có một bước ngoặt quyết định: Thành viên Đảng Cộng hòa, “Đảng cổ đại” (Grand Old Party đã bị Tea-Party-Movement chinh phục. Động cơ bài ngoại của họ và yêu cầu „America First“ (Nước Mỹ trên hết) xuất hiện trở lại với Trump. Những yếu tố này phải được đặt vào một bối cảnh lớn hơn nếu người ta muốn hiểu kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.

t-online: Trên thực tế, Đảng Dân chủ đã giúp Donald Trump thắng cử khá dễ dàng cách đây 4 năm.

Đúng vậy. Sau thất bại của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, một cuộc tranh luận tự phê bình bắt đầu trong đảng, mà cao điểm là cáo buộc Clinton và nhóm vận động tranh cử của bà đã tập trung quá nhiều vào nhu cầu của những người ủng hộ tự do ở các thành phố lớn, trong khi những lo ngại của các cử tri quen thuộc trong lực lượng lao động „Rust Belt“ (Vành đai rỉ) đã bị quên lãng. Tôi nghĩ lời chỉ trích này là rất chính đáng.

t-online: Liệu chúng ta có thể có một bất ngờ tương tự trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 như bốn năm trước? Trong cuộc tranh cử này Trump sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn và mọi chiêu trò gây rối.

Với Trump, bạn phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất, nền dân chủ Mỹ hiện đang gặp nguy hiểm. Nhưng tôi tin rằng xã hội dân sự ở Mỹ mạnh đến mức bất kỳ nỗ lực nào của Trump nhằm tạo ra các điều kiện giống như chế độ độc tài đều sẽ bị thất bại.

Mặc dù Trump đang cố gắng ngăn cản việc bỏ phiếu qua đường bưu điện?

Người đứng đầu mới của Bưu điện Hoa Kỳ rõ ràng đã tuyên bố những lời lẽ ngược với Trump về cuộc bỏ phiếu qua bưu điện. Ông ấy vẫn còn đang tại chức.

Điều đáng đề cập là vào năm 2020 chúng ta phải nghiêm túc bàn về việc, liệu cuộc bầu cử tại Mỹ có dân chủ hay không, hoặc giả sẽ trở thành một vụ bê bối. Việc không thể tranh cãi là khoảng 30 năm trước đây, Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu của Phương Tây, ngày nay Hoa Kỳ giống như một gã khổng lồ lắc lư không định hướng. Ông nghĩ điều đó có đáng kinh ngạc không?

Có một tình trạng lịch sử duy nhất mà nhà công luận bảo thủ Charles Krauthammer gọi là „tình trạng đơn cực“ vào năm 1989/90. Khi sự kình địch Đông-Tây kết thúc với sự sụp đổ của Đế chế Liên Xô - trong khi Mỹ vẫn tồn tại là siêu cường cuối cùng. Vào thời điểm đó, nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đã đặt ra thuật ngữ "kết thúc lịch sử" (the end of history) ...

... thật ra chỉ là ảo ảnh.

Chính xác. Muộn nhất là qua vụ khủng bố là ngày 11 tháng 9 năm 2001, điểm yếu của Hoa Kỳ đã trở nên rõ ràng. Kể từ đó, có thể nói là quyền lực tối cao của Hoa Kỳ chỉ là bảo lưu. Song song đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ. Hơn một thập kỷ qua, chúng ta sống trong một thế giới đa cực với một số „Global Players“ (người chơi toàn cầu), có lẽ (chúng ta) đang ở trong giai đoạn đầu của một thế giới lưỡng cực mới. Thời gian của tình trạng đơn cực đã kết thúc rồi.

Do đó, Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh của mình ở châu Âu. Thay vào đó, Donald Trump phàn nàn một cách mạnh mẽ/phấn khích về Nước Đức và Thủ tướng Angela Merkel. Tình bạn xuyên Đại Tây Dương sắp kết thúc hay sao?

Hợp tác xuyên Đại Tây Dương hiện đang ở trong một thử nghiệm khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng, rất sai lầm khi nói rằng hợp tác này bị kết thúc. Châu Âu và Châu Mỹ vẫn được liên kết bởi một nền văn hóa chính trị chung của Phương Tây. Mối quan hệ đặc biệt của Đức-Mỹ sắp kết thúc cũng là không đúng. Với những lý do rất thực tế: Châu Âu đơn giản là không ở vị trí chiến lược để thay thế Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu. Nếu có một tổng thống mới của Hoa Kỳ như Joe Biden vào năm tới, ông ấy sẽ áp dụng lập trường hợp tác và phát triển có ý nghĩa hơn đối với châu Âu và Đức. Nhưng là một sử gia, tất nhiên tôi chỉ có thể suy đoán về tương lai.

Nói về các vấn đề của Mỹ thì rất dễ dàng, nhưng cũng có lý do để quan tâm đến phía bờ Đại Tây Dương của chúng ta.

Chúng ta nói đến những điều đáng phê phán về chính trị của Đức và châu Âu.

Rất muốn. Hãy bắt đầu với chính chúng ta: Ông nhận thấy nền chính trị của Đức có những yếu kém gì?

Trong những năm xung đột Đông Tây, chúng ta đã quen với việc Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về an ninh của chúng ta trong trường hợp khẩn cấp. Thái độ này vẫn tồn tại sau khi thống nhất - và do đó làm phức tạp thêm cuộc tranh luận cấp thiết về việc liệu Đức có nên chịu trách nhiệm nhiều hơn trong lĩnh vực quân sự hay không. Thay vào đó, chúng ta thường hành động một cách thiếu thuyết phục với tư cách là cường quốc hòa bình của châu Âu.

Là một quốc gia lớn hơn và mạnh hơn về kinh tế, nước Đức thống nhất không muốn làm các nước láng giềng châu Âu sợ hãi.

Chắc chắn rồi, nhưng người Đức chúng ta đã không tự hỏi mình câu hỏi cấp thiết là gì, loại mẫu hình hậu cổ điển, một mặt thực hiện chủ quyền của mình cùng với các quốc gia khác, mặt khác hoán chuyển các quốc gia khác thành thể chế siêu quốc gia.

Mặc dù đã hội nhập vào EU, nhưng hành vi của Đức thường bị các nước đối tác xem xét nghiêm khắc.

Người Đức chúng ta thường được chứng thực rằng, chúng ta là nhà lãnh đạo đạo đức của châu Âu. Tôi nhớ lại những cuộc cãi vã ở châu Âu trong cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015. Chắc chắn là có nguyên nhân khiến người Đức tự phê bình. Chúng ta không nên cho rằng, so với các quốc gia châu Âu khác chúng ta vượt trội về mặt đạo đức vì chúng ta đã học được bài học mẫu mực từ quá khứ đầy tội lỗi của mình trước năm 1945. Hàng xóm của chúng ta coi đây là một biến thể mới của sự kiêu ngạo của người Đức.

"Quốc gia" là một từ ngữ rất thận trọng (ở Đức).

Người Đức đã hủy hoại Quốc gia đầu tiên của chính mình, Quốc gia do Otto von Bismarck thành lập. Không có gì nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng từ điều này mà kết luận cho rằng quốc gia đã lỗi thời là điều táo bạo. Hầu như không có một quốc gia nào ở Châu Âu chia sẻ đánh giá này. Chúng ta phải rõ điều đó và cần phải thảo luận: Tại sao người Đức chúng ta lại khó hiểu rằng, nhiều nước châu Âu không liên quan gì đến từ ngữ “dân chủ hậu quốc gia”?

Một từ ngữ mà nhà sử học Karl-Dietrich Bracher từng đặt ra cho Cộng hòa Liên bang cũ.

Bracher mô tả Cộng hòa Liên bang là "nền dân chủ hậu quốc gia giữa các quốc gia". Nhưng chúng ta phải nhận ra rằng ở những quốc gia ở châu Âu mà nền độc lập của họ đã bị người Đức chúng ta chà đạp dưới chân trong thế chiến thứ hai và trong một số trường hợp, trong thế chiến thứ nhất, nhu cầu lớn hơn để giữ gìn bản sắc riêng của họ đã phát triển hơn chúng ta. Nhưng chúng ta phải nhận ra rằng, khác với chúng ta, tại các quốc gia ở Châu Âu, những nơi mà nền độc lập của họ đã bị người Đức chúng ta chà đạp dưới chân trong thế chiến thứ hai và trong một số trường hợp, trong thế chiến thứ nhất, có những nhu cầu lớn về việc phát triển bảo tồn bản sắc riêng biệt của mình. Tại Đức sau năm 1945, một quá trình quay lưng lại với các truyền thống quốc gia dần dần được diễn ra.

Nhiều khả năng là ở Cộng hòa Liên bang cũ trước năm 1990, phải không?

Đúng vậy, tại Đông Đức còn có nhiều người có định kiến cổ hũ với nền dân chủ Phương Tây hơn là ở Cộng hòa Liên bang cũ. Tại Tây Đức, trải qua nhiều cuộc tranh luận lâu dài gương mặt mới của người Đức đã được xác định. Đây là lý do duy nhất tại sao nhà triết học Jürgen Habermas có thể bày tỏ niềm tự hào của mình vào năm 1986 trước sự mở cửa vô điều kiện của xã hội Tây Đức đối với văn hóa chính trị của Phương Tây. Chính sách chống chủ nghĩa phát xít do nhà nước chỉ định ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức đã ít dẫn đến việc rời bỏ thái độ quốc gia hơn là tại phía Tây của đất nước, nơi quan điểm tự do được hình thành.

Đối với Đông Đức, "Con đường dài về Phương Tây", như ông đã gọi như vậy ở một trong những tác phẩm chính của ông, đến hôm nay vẫn chưa được hoàn thành?

Xét về sự phát triển hoàn toàn khác biệt ở nước Đức bị chia rẽ, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Ở phía đông khoảng cách đối với "Người lạ/Ngoại quốc" rõ ràng lớn hơn bên phía tây, đây là một ví dụ cụ thể. Đây là một trong những gánh nặng kế thừa của sự chia cắt nước Đức mà sau 30 năm thống nhất vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Về mặt tích cực, ngày 3 tháng 10 năm 1990 cuối cùng đã giải quyết được “câu hỏi của nguời Đức” về sự thống nhất của đất nước.

Ngày lễ nghỉ vào tháng 10 tới thực sự nên là một lý do để nhìn lại. Bởi vì câu hỏi của người Đức thậm chí đã được giải quyết theo ba ý nghĩa: Thứ nhất, nước Đức đoàn tụ lại trong thống nhất và tự do - hai yêu cầu lớn của cuộc cách mạng năm 1848 - cuối cùng đã gia nhập vào nền dân chủ Phương Tây. Thứ hai, thông qua việc công nhận ràng buộc biên giới phía tây của Ba Lan ở sông Oder và sông Neisse, vấn đề biên giới và lãnh thổ đã được giải quyết chắc chắn. Và thứ ba, việc nước Đức thống nhất trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu đã giải quyết được vấn đề an ninh chung quanh nước Đức.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, xung đột vẫn còn. Ông đã chán nản sự kiêu ngạo mà Đức thể hiện đối với các nước láng giềng. Nước Đức phải làm gì nếu chính phủ ở Hungary và Ba Lan tấn công quốc gia pháp quyền?

Chúng ta cần phải bảo vệ văn hóa chính trị của Phương Tây. Không chỉ ở Đức, mà còn ở tất cả các cấp của Châu Âu. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tìm ra một phản ứng đáng tin cậy của Châu Âu đối với những thách thức từ Budapest và Warsaw. Nếu điều này không thành công, Liên minh Châu Âu sẽ không còn là một cộng đồng có giá trị nữa.

Câu trả lời thích hợp rất khó tìm. Nguyên tắc thống nhất ý kiến chiếm ưu thế trong Hội đồng châu Âu, vì vậy Hungary và Ba Lan có thể ngăn chặn các quyết định không được ưa chuộng như việc rút lại quyền biểu quyết bằng cách bao che lẫn nhau.

Đó là một thách thức chính: nền dân chủ tự do trong Liên minh châu Âu phải tự khẳng định mình chống lại các hành vi phi tự do. Nếu điều này không thể thực hiện được thông qua các nghị quyết chính thức của các thể chế EU, thì thông qua các nghị quyết ở cấp liên chính phủ. Câu hỏi căn bản là liệu Liên minh châu Âu có muốn trở thành một hiệp hội kinh tế trong tương lai hay không. Việc hủy bỏ pháp quyền quốc gia của thành viên khối EU rõ ràng là vi phạm nguyên tắc liên minh của các quốc gia được quy định trong điều kiện gia nhập Copenhagen năm 1993 và trong Hiệp ước Lisbon năm 2009. EU không được do dự lâu về câu hỏi này.

Ở ngoài châu Âu thì sao? Như ông đã nói trước đây, Phương Tây đã đánh mất ưu thế của mình trên thế giới. Nhưng làm thế nào để mô hình dân chủ tự do vẫn giữ được vẻ rạng rỡ?

Phương Tây đang gặp nguy hiểm, không phải vì chính nó. Tuy nhiên so với năm 2017, hiện tại tôi có ít hoài nghi về tương lai của Phương Tây hơn.

Tại sao?

Sức hấp dẫn của mô hình Phương Tây không gián đoạn trên toàn thế giới. Điều này hiện đang được thể hiện qua những phát triển ở Belarus. Những đòi hỏi về tự do và pháp quyền của những người biểu tình không thể bị đàn áp trong thời gian dài, cả ở Belarus và nước láng giềng Nga. Và ở Trung Quốc cũng vậy, tôi không thể tưởng tượng rằng tầng lớp trung lưu đang vươn lên cũng như tầng lớp lao động sẽ chịu đựng lâu dài sự điều khiển họ ở mức tối đa và gay gắt của đảng và nhà nước.

Điều đó nghe rất lạc quan.

Một sự lạc quan nhất định, đôi khi có thể là một nghĩa vụ đạo đức hoàn toàn theo kiểu cách của Immanuel Kant, người đồng hương ở Königsberg của tôi.

Ông Winkler, cảm ơn ông đã nói chuyện với chúng tôi.

(*) Nguyên bản: "Bei Trump muss man sich auf das Schlimmste gefasst machen" Von Marc von Lüpke und Florian Harms, t-online 02.09.2020

(**) Giáo sư Heinrich August Winkler, sinh năm 1938 ở Königsberg, dạy lịch sử đương đại tại Đại học Humboldt ở Berlin cho đến khi nghỉ hưu. Winkler là một trong những nhà sử học quan trọng nhất của Đức, các ấn phẩm của ông như „Con đường dài dẫn đến Phương Tây“ (Der lange Weg nach Westen) hay „Lịch sử Phương Tây“ ("Geschichte des Westens") là những tác phẩm tiêu chuẩn. Nhà xuất bản C.H. Beck (Munich). Cuốn sách mới của Winkler "Chúng ta như thế nào thì chúng ta trở nên như vậy. Lịch sử ngắn của người Đức" ("Wie wir wurden, was wir sind. Eine kurze Geschichte der Deutschen" ) đã được xuất bản.