BCT20170721-DieterHerrmann

Những phóng viên tương lai trong bầu không khí chờ đợi chiến tranh

Tác giả: Dieter Herrmann (web.de)

Chuyển ngữ: Tâm Việt (Diễn Đàn Việt Nam 21)

21/07/2017 (DĐVN21) - Là phóng viên cho đài phát thanh và truyền hình, ông Dieter Herrmann đã có gần 20 năm hành nghề trong các khu vực chiến tranh và khủng hoảng, nhất là trong trong cương vị của một huấn luyện viên cho ký giả, phóng viên. Muốn được êm ả hơn trong đời sống riêng tư, gần đây ông sang sống ở Úc và tường trình các sự kiện trong vùng. Tuy nhiên ông vẫn không thể quên được "công việc" và thỉnh thoảng vẫn đi lại các vùng căng thẳng như Afghanistan, Iraq, Myanmar và các nơi khủng hoảng khác. Ông viết blog về các kinh nghiệm của mình, dưới đây là bài viết của ông về chuyến đi huấn luyện tại Việt Nam

* * *

Đài truyền hình Việt Nam lại tiếp xúc với tôi vì một lý do rất đặc biệt, một lý do hoàn toàn chính trị. Trong cương vị của một người phụ trách đào tạo và huấn luyện cho ký giả, tôi phải rất cẩn thận để không bị trở thành một công cụ phục vụ cho một mục đích chính trị nào đó.

Trước đây, tôi đã nhiều lần giảng dậy tại Truyền hình Việt Nam (VTV), điều quan trọng đối với tôi là trình bầy sự kiện một cách cụ thể, chuyên nghiệp mà vẫn phổ biến được "những chuẩn mực của phương Tây". Đây không phải là một việc đơn giản vì Việt Nam là một nước cộng hòa theo xã hội chủ nghĩa với chế độ độc đảng, trong đó các cơ quan truyền thông, nhất là hệ thống truyền hình đều là những cơ quan của nhà nước.

Mặc dù không thường xuyên nhưng vẫn còn chế độ kiểm duyệt. "Cây kéo kiểm duyệt" vẫn còn trong đầu của những người biên tập, nhưng những người khác thì có chiều hướng đi theo một nền báo chí dân chủ, tự do và cho đến nay họ vẫn có thể thực hiện những điều đó mà không bị cản trở.

Chúng ta không nên quên rằng Việt Nam bị xếp vào hàng những nước tồi tệ nhất về tự do báo chí : hạng 175 trong số 180 nước, một thứ hạng mà những người có trách nhiệm cần phải thấy xấu hổ.

Tự do báo chí vẫn còn rất xa vời

Việc truyền đạt và phổ biến giá trị của tự do báo chí là công việc chính của những người như chúng tôi khi làm việc tại các nước như Turkmenistan, Trung Quốc, Lào, Aserbaidschan, Bangladesch, Nam Sudan, Sri Lanka, Miến Điện và các quốc gia tương tự.

Và tôi có thể quả quyết với quý bạn là việc truyền đạt các giá trị của tự do không hề là một việc dễ dàng mà thường giống như đu giây giữa "điều mong muốn" và "điều được phép".

Lần này, tôi đến Hà Nội vì lý do rất đặc biệt : Việt Nam cảm thấy bị Trung quốc đe dọa về quân sự. Cách đây 30 năm, hai quốc gia này đã chạm trán trong cuộc chiến tranh ngắn tại biên giới.

Sau đó lại yên ổn, mối bang giao giữa hai nước được cải thiện đáng kể cho đến gần hai năm nay khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc lại tuyên bố trước thế giới là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc vùng chủ quyền của họ, họ sẽ xây đựng cơ sở và khai thác tài nguyên tại đó.

Vấn đề là ngoài Trung Quốc thì Việt Nam, Đài Loan, Phi, Mã Lai và Brunei cũng đòi chủ quyền trên tất cả hoặc một phần của các quần đảo này.

Chiến tranh đối mặt với một quân đội đông gấp 5 lần

Trong khi chính quyền các nước khác phản ứng tương đối ôn hòa thì có một dạo nhà cầm quyền Việt Nam tại thủ đô Hà Nội đã công khai dọa sẽ có chiến tranh. Vâng, Việt Nam chống Trung Quốc. Một quân đội với khoảng 450.000 quân chống lại với đội quân lớn nhất thế giới với 2,5 triệu lính.

Lý do chuyến đi của tôi đến Hà Nội và Đà Nẵng là để huấn luyện các phóng viên của truyền hình Việt Nam (VTV), họ cần được chuẩn bị cho các công tác tường thuật từ các vùng căng thẳng hay từ mặt trận.

Trong buổi huấn luyện kỳ này thì các đề tài về kỹ thuật như đặt máy quay phim, các loại micrô, cách đặt câu hỏi, kỹ thuật ánh sáng, cắt ráp phim chỉ đóng vai trò phụ, mà điều quan trọng chính là cách bảo vệ cho chính mình, bảo vệ các cuộn phim cũng như cách nhận ra các tình huống nguy hiểm hoặc nhận biết các loại võ khí hiểm độc.

Xem chiến tranh như một cuộc mạo hiểm, thật là một sự vô nghĩa chết người

Trong phút chốc tôi đã hiểu ngay là nhiều phóng viên và những chuyên viên thu hình trong lớp học của tôi lại xem việc tường thuật chiến tranh như là một cuộc mạo hiểm lớn, và tôi biết rằng cần phải tẩy xóa những ý tưởng này trong đầu của họ. Tôi đã không ngừng nhắc nhở rằng sự an toàn cho chính cá nhân là điều quan trọng hơn là những hình ảnh thảm khốc hay những lời tường thuật hấp dẫn.

"Đừng muốn làm anh hùng, đừng quên rằng hầu hết những người anh hùng mà chúng ta biết đến đều đã chết cả !". Thật may là đến cuối tuần lễ huấn luyện họ đã ghi sâu vào đầu những câu này. Tôi hy vọng là những đồng nghiệp Việt Nam của tôi sẽ nhớ đến khi gặp tình trạng nghiêm trọng.

Chúng tôi thảo luận về các mối nguy cơ từ mìn, các tay bắn sẻ, các bẫy phục kích rồi cùng nhau tìm cách ứng xử khi bị đối phương bắt giữ. Ở đây, tôi có thể kể lại một số kinh nghiệm riêng của mình.

Chẳng là trong thời gian hành nghề ký giả tôi đã có dạo bị Taliban giam ở Afghanistan, đã từng bị mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắt giam nhiều lần và đã từng "được" ở trong tù của công an Zaïre. Ngoài ra tôi đã qua khóa huấn luyện đặc biệt về hành nghề tại những vùng tranh chấp và chiến trận, trong nhiều ngày chuẩn bị cho trường hợp bị bắt làm con tin.

Tại sao người ta không đủ khôn khéo để giải quyết các mâu thuẩn bằng đường lối ngoại giao ?

Khi kết thúc khóa huấn luyện tôi đã có một cảm giác không yên về các phóng viên và chuyên viên quay phim Việt Nam. Có một điều gì như "không khí hồ hởi chào đón chiến tranh" còn ngự trị ở một số đồng nghiệp này, một cảm nhận có thể chết người trong tình huống hiểm nguy.

Niềm hy vọng của tôi là chính quyền Bắc Kinh và Hà Nội giữ được bình tĩnh và đối thoại với nhau. Vấn đề chỉ là một số quần đảo nhỏ bé với chưa đến 2000 cư dân, mà đa số là quân lính của các quốc gia đang tranh chấp.

Bản gốc tiếng Đức: Dieter Herrmann, Vietnam: Künftige Reporter in Kriegseuphorie, web.de 17/07/2017

https://web.de/magazine/reise/blog/vietnam-kuenftige-reporter-kriegseuphorie-32424800