B20111016_xdvpt_xahoidansu

Tiếng Việt‎ > ‎Văn hóa - Xã hội‎ > ‎

Cần xây dựng và phát triển Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam (1)

Đặng Lâm

Trong dịp đi thăm VN của bà TT Merkel (10.-12.10.2011), báo chí Đức đưa tin là ngoài việc ký kết các hợp đồng kinh tế buôn bán giữa Đức và VN, cho biết Bà sẽ đặt vấn đề Nhân quyền và gặp đại diện Xã Hội Dân Sự (Zivilgesellschaft) tại VN (?)

Câu hỏi đặt ra:

-    bà Merkel gặp Xã Hội Dân Sự nào tại VN ? hay Bà gặp đại diện Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ), một tổ chức „Xã Hội Dân Sự“ do Đảng CSVN nặn ra.

-    Ở VN hiện nay đã có Xã Hội Dân Sự thực sự chưa ?

I. Khái niệm về Xã Hội Dân Sự

Theo Wikipedia (một loại Bách khoa Toàn thư) Xã Hội Dân Sự là một khái niệm về những hành động tập thể mang tính tự nguyện xoay quanh những lợi ích, mục tiêu và giá trị được chia sẻ.

Nói đơn giản là các tổ chức xã hội nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân trong những hoạt động vì một mục đích chung.

Trong mối quan hệ một bên là cá nhân, gia đình và bên kia là nhà nước, Xã Hội Dân Sự đóng vai trò trung gian. Theo phần lớn các nhà khoa học xã hội, có sự phân biệt: Nhà nước, Thị trường và Xã Hội Dân Sự là những lĩnh vực khác nhau, mặc dù có quan hệ đan xen với nhau.

(mời các Bạn đọc thêm về Xã Hội Dân Sự trong Wikipedia, trên mạng… nhiều bài viết tương quan tới Xã Hội Dân Sự, liên quan Xã Hội Dân Sự với Dân chủ, Xã Hội Dân Sự với việc Toàn cầu hóa…)

Xã Hội Dân Sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức, đoàn thể, các hội từ thiện xã hội, hội hướng đạo, các công đoàn, các tổ chức tôn giáo, các hiệp hội kinh doanh, các hội nghề nghiệp (Hội nông dân, Hội luật sư…) và các tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ). Nhiều bài viết còn gọi Xã Hội Dân Sự là XH Công Dân.

II. Xã Hội Dân Sự dưới mắt nhìn của nhà nước CSVN

Chế độ chính trị VN hiện nay là chế độ „độc đảng“, „toàn trị“ không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, Đảng chi phối toàn bộ các sinh hoạt trong xã hội.

Đảng CSVN có quyền lực tối cao điều khiển nhà nước và các „đoàn thể quần chúng“ do Đảng lập ra. Đảng nắm Quốc hội, Chính phủ, bộ máy Tư pháp, Công an, Quân đội và các tổ chức „quần chúng“ như MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn, Hội nông dân…

Chúng ta cần xác định thế nào là một tổ chức phi chính phủ (NGO). Thí dụ:

1- Trường hợp MTTQ (gọi tắt là Mặt Trận): do Đảng lập ra và tuyên truyền là tổ chức Xã Hội Dân Sự lớn nhất bao gồm nhiều đoàn thể như Công đoàn, Hội phụ nữ, thanh niên, nông dân, tôn giáo… và do Ban Dân vận của Đảng quản lý. Như vậy coi MTTQ là tổ chức Xã Hội Dân Sự phi chính phủ là không chính xác vì không phải là tổ chức do dân chúng tự nguyện lập ra, là cơ quan do Đảng thành lập, sống bằng ngân sách nhà nước và được điều hành từ những cán bộ do Đảng bổ nhiệm.

2- Trường hợp Công đoàn: Công đoàn (theo nghĩa thật sự) là tổ chức do công nhân lập ra để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Nhân viên công đoàn sống nhờ vào quỹ do công nhân đóng góp hoặc tạo ra, có quy mô toàn quốc và có quan hệ quốc tế. Công đoàn hoạt động độc lập với nhà nước và các đảng chính trị mà công đoàn ủng hộ. Như vậy công đoàn thuộc phạm vi Xã Hội Dân Sự.

Tại VN công đoàn là công cụ của chế độ, giúp cho Đảng và chính quyền quản lý, kiểm soát công nhân, chứ không phải để bảo vệ quyền lợi công nhân. Cán bộ công đoàn do Đảng bổ nhiệm. Vì Đảng độc quyền nắm quyền lực chính trị nên công đoàn trở thành một tổ chức chính trị của nhà nước. Người dân thường mỉa mai. „công đoàn quốc doanh“, „tôn giáo quốc doanh“…

Như vậy ở VN hiện nay, khái niệm tổ chức NGO „phi chính phủ“ trong nước, là một khái niệm không rõ ràng, gây ngộ nhận. Chúng ta cần xác định một tổ chức NGO thực sự tại VN, phải là một tổ chức vừa phi chính phủ và vừa phi Đảng.

Đảng CSVN thường nêu ra khẩu hiệu „dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra“  hay „Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ“. Người dân thường thắc mắc nếu cái gì cũng do Đảng lãnh đạo, thì nhân dân còn cái gì để làm chủ !?

Từ trước tới nay Đảng CSVN coi Xã Hội Dân Sự là vấn đề nhạy cảm. Đảng lo sợ một Xã Hội Dân Sự phát triển sẽ đóng vai trò đối trọng và Đảng sợ giảm/mất đi quyền lực, do đó Đảng CSVN giới hạn việc phổ biến, nghiên cứu, thảo luận về Xã Hội Dân Sự, đến nay vẫn tìm cách hạn chế các chức năng của các NGO (trong nước và từ nước ngoài)

III-Cần phát triển Xã Hội Dân Sự tại VN

Không như 10, 20 năm trước đây Đảng CSVN chi phối ảnh hưởng hầu như toàn bộ đời sống xã hội. Từ lúc chuyển sang Kinh tế Thị trường (dù có ngụy biện thêm cái đuôi „định hướng XHCN“), Đảng chỉ còn tập trung kiểm soát về lãnh vực an ninh, thông tin báo chí, công an, quân đội, là những trụ cột để chế độ „trụ“ được tới ngày nay. Các lãnh vực khác từ kinh tế, xã hội, tôn giáo, y tế, văn hóa, giáo dục… Đảng không thể/không khả năng kiểm soát chặt chẽ như trước. Tuy thế đa số người dân trong nước còn hiểu biết rất ít về Xã Hội Dân Sự, VN đến nay chưa có Xã Hội Dân Sự đích thực, chưa mang tính độc lập trong khía cạnh phản ánh nguyện vọng của người dân.

Trong những năm gần đây xã hội VN bắt đầu mở ra bên ngoài, không còn khép kín gò bó như trước. Thời đại thông tin Internet, nối mạng, buôn bán làm ăn với bên ngoài ngày một mở rộng. Các giới trí thức, sinh viên, từ nhiều năm nay đã bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu vai trò và tác động của Xã Hội Dân Sự trong xã hội.

Đi tiên phong có viện IDS trước đây (Viện những vấn đề phát triển) của nhóm Nguyễn Quang A, có nhiều bài viết và thảo luận về Xã Hội Dân Sự trong những năm 2008-2009, phản ánh nhu cầu phát triển hoạt động phản biện xã hội tại VN.

Trong lần gặp gỡ tiếp xúc với anh A tại DC tháng 6.2011, chúng tôi có trao đổi với nhau về sự phát triển Xã Hội Dân Sự tại VN  -  Cần có nhiều hoạt động phản kháng dân sự, chứ không dừng lại qua các đơn kiến nghị „xin cho“ kêu oan về ruộng đất bị cướp đoạt, mà nhà nước lờ đi không giải quyết. Cần có những tập hợp biểu tình của dân oan, công nhân biểu tình đòi quyền lợi, các tín đồ đòi tự do tôn giáo… Gần đây nhất là 11 lần biểu tình tại Hà Nội và 2 lần tại Sài gòn, nói lên tinh thần yêu nước, chống gây hấn và xâm lấn chủ quyền VN của nhà cầm quyền TQ, trong đó anh A và nhiều nhân sĩ, kể cả cựu chiến binh và cách mạng lão thành có uy tín tham gia tích cực. Đây là sự manh nha của một Xã Hội Dân Sự độc lập qua những hành động „phản kháng dân sự“, nằm trong mô thức Xã Hội Dân Sự đang dần trở nên một xu thế ở xã hội VN. Chính tính chất tập hợp và mối quan hệ liên đới về lợi ích giữa các thành phần tham gia biểu tình là yếu tố đầu tiên hình thành nên phong trào dân sự, cũng như tinh thần chia sẻ giữa những người không tôn giáo với giới tôn giáo trong không khí biểu tình. Mà tôn giáo là một thành phần không thể thiếu của Xã Hội Dân Sự. (Suy cho cùng  tác động của Xã Hội Dân Sự là tôn trọng lẽ phải và nhằm hạn chế bất công xã hội).

Muốn cho đất nước tiến bộ và phát triển, muốn chuyển hóa độc tài toàn trị thành một chế độ tự do dân chủ, chúng ta cần thúc đẩy tiến hành quá trình xây dựng Xã Hội Dân Sự. Quá trình đó là khởi đầu thúc đẩy nâng cao trình độ dân trí, trong nỗ lực đòi hỏi các quyền tự do hiến định (ngay trong Hiến pháp của chế độ có ghi): Quyền tự do thông tin báo chí, quyền tự do lập các hội dân sự, nghề nghiệp…(trên danh nghĩa đã có, nhưng phải giành cho có thực chất).

Dân trí chỉ có thể được nâng cao trong quá trình thực hiện dân sinh, dân quyền (quyền công dân và quyền con người hay còn gọi là nhân quyền), trong đó không thể thiếu quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận…

Con đường nâng cao dân trí, thực hiện dân quyền sẽ góp phần xây dựng phát triển Xã Hội Dân Sự.

Dân trí và Xã Hội Dân Sự phải là nền tảng vững chắc thì mới có thể chuyển đổi một thể chế độc tài toàn trị sang một chế độ dân chủ đa nguyên pháp trị.

Đ. L.

(1) bài tham luận trong cuộc hội thảo Darmstadt tháng 10 năm 2011 của Diễn đàn Việt Nam 21.

*… Việc làm của VN 21 là giúp cộng đồng thay đổi nhận thức (bỏ nhận thức cũ, mở ra nhận thức mới), tạo ra chất xúc tác, chất gây men…

Nhưng nhận thức đúng muốn thành sức mạnh cần phải tạo ra các áp lực chính trị, có thông tin trao đổi, tạo diễn đàn thảo luận, góp ý cộng đồng, giúp cộng đồng có tiếng nói ảnh hưởng với chính quyền bản xứ và hỗ trợ công cuộc vận động dân chủ hóa trong nước

*… Chủ nghĩa Mác đã nhân danh Nhân dân nhưng dẫn đến kết quả là tước sạch vũ khí vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhân dân bị trắng tay, mất sở hữu, mất tự do tư tưởng, mất sạch xã hội dân sự, không còn đất để đứng lên.

Phải nhen nhúm Xã Hội Dân Sự từ đầu, đó là lý do không thể làm ngay một cuộc cách mạng Hoa… như Tunesien, Ai Cập… là những nước ít nhiều vẫn còn Xã Hội Dân Sự… (Hà Sĩ Phu)

Phát triển Xã Hội Dân Sự trong cộng đồng ở Đức

* Tại Đức trước và sau 1975 người Việt đã từng thành lập các Hội Sinh viên, các Hội đoàn địa phương (các Hội người Việt tị nạn, Hội Ái hữu…), các Hội đoàn liên bang (Liên Hội, Tổng hội), các Trung tâm văn hóa xã hội (TT Độc Lập, TT Nhân Quyền…), các Hội tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành…), các Hội chuyên môn về ngành nghề (Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Y Dược …), Từ khi có Email, Internet có thêm cái mới là „cộng đồng mạng“, các Website, các trang Blog…cũng là hình thái của Xã Hội Dân Sự. [xem...]