VX20170914-DulichVN-DoiDieuDangNoi

Du lịch Việt Nam: đôi điều đáng nói…

T.K. Tran

14/09/2017  (DĐVN21) - Đi du lịch/ nghỉ dưỡng mỗi năm vài tuần để tận hưởng những ngày thú vị nhất trong năm đã trở thành một thông lệ không thể thiếu ở đa số những gia đình ở Âu Châu, nếu vấn đề tài chính không quá eo hẹp. Nếu còn trẻ, thì du lịch kiểu Tây-ba-lô, dựng lều trên bãi biển, ban đêm co tròn người ngủ trong cái túi chăn-sleeping bag- đem theo. Đến khi có tuổi có tiền thì đi du lịch thoải mái hơn với những tours bao trọn gói -all inclusiv- ăn uống ê hề suốt ngày ở khách sạn nhiều sao, hay trong những con tầu di chuyển trong đêm trên đại dương hay trên sông. Mỗi sáng ngủ dậy lại thấy mình ở một quốc gia khác... Ở mỗi nơi, mỗi nước đều có riêng biệt những điều thú vị và cả những điều không ưng ý khác nhau.

Ở Việt Nam có những điều kỳ lạ mà bạn không hình dung được và cũng có những tình huống ngỡ ngàng sẽ không làm bạn hài lòng. Ngoài những điều phổ thông mà bạn đã biết qua sách vở hướng dẫn du lịch, bạn có thể trải nghiệm được những gì khi ở Việt Nam?

ĐI TAXI Ở HÀ NỘI: BẠN ĐỪNG QUÊN CHỤP ẢNH TÀI XẾ VÀ BẢNG SỐ XE

Vấn đề lưu thông ở Hà Nội thật tình vô cùng phức tạp. Chân ướt chân ráo đến Hà Nội, đưng trước những con đường ồn ào bụi bặm đầy những xe máy xe hơi nối đuôi nhau không ngừng, thì bạn di chuyển như thế nào?

Đi taxi:

Chọn lựa đon giản nhất là gọi một xe taxi để đi đây đi đó. Ngoài nhiều hãng taxi thông thường thì ở Hà Nội cũng đã phổ biến dịch vụ chuyên chở tư nhân Uber hay Grab, loại dịch vụ qua mạng  mà ở Âu châu hay Mỹ chúng ta cũng đã bắt đầu quen thuộc. Đi kiểu này rẻ hơn chút ít. Bạn gọi một số điện thoại qua mạng, sẽ có người tư nhân có xe ô tô và cả xe ôm ở gần đó bắt máy, tiếp xúc với bạn về việc chuyên chở bạn. Quãng đường xa gần và giá cả ra sao là tùy thương lượng với nhau. Có rất nhiều người lương thiện làm thêm nghề này để kiếm tiền thu nhập sinh sống. Song cũng đã xẩy ra chuyện kẻ bất lương/ mẹ mìn đội danh tài xế taxi Uber/Grab chở bạn đi đâu đó để trấn lột cướp bóc tài sản của bạn hay bắt cóc bạn. Cho nên, bạn hãy dùng điện thoại cầm tay chụp hình bảng số xe và tài xế gửi cho người thân của bạn trước khi lên xe, để việc điều tra sau này dễ dàng, nếu chẳng may bạn gặp tài xế bất lương. Nhất là khi bạn là một du khách phụ nữ trẻ đẹp hay có dáng Việt Kiều có tuổi có tiền đi chơi một mình....

Đi xe máy:

Nếu bạn muốn có một trải nghiệm đặc biệt, không đâu có, thì bạn mượn hay thuê một chiếc xe máy để di chuyển ở Hà Nội. Đừng quên dùng mũ bảo hiểm để bảo vệ sinh mạng và khẩu trang che mũi để bảo vệ sức khỏe của mình vì khói và bụi bặm trong thành phố nhiều thuộc hạng đặng cấp thế giới. Đường phố Hà Nội ở khắp mọi nơi, khắp mọi lúc đều đầy nghẹt xe cộ, nếu tự lái xe máy, bạn phải tuân thủ một vài nguyên tắc thì mới đi đến nơi về đến chốn được. Bạn đã biết là theo những con số thống kê thì ở Việt Nam số nạn nhân chết vì tai nạn giao thông cao ngất ngưởng bậc nhất thế giới? Điều quan trọng hơn cả để sống còn là bạn hãy quên đi những qui tắc giao thông mà bạn đã biết khi học luật đi đường ở Âu châu. Ở đây không có qui tắc là xe từ bên phải có ưu tiên, xe bên trái phải nhường. Qui tắc xe phải ngừng khi có khách bộ hành muốn qua đường trong lằn vạch Zebra không có giá trị ở Việt Nam. Qui tắc phải ngừng xe khi có đèn đỏ ở ngã tư đối với nhiều người chỉ có hiệu lực khi có cảnh sát giao thông đứng cạnh đó. Qui tắc là chỉ được vượt xe khác ở lằn bên trái như ở Đức không có ở Việt Nam. Người ta có thể chạy nhanh vượt qua bạn từ bên trái lẫn bên phải. Quan trọng nhất là bạn phải „giao lưu“ được với những người lái xe máy khác bằng ánh mắt, bằng giáng điệu , cho dù những người đó đeo kính mát, đeo khẩu trang che mặt và mặc áo choàng kín mít (để tránh nắng) như những Ninja Nhật Bản thời Trung cổ. „Giao lưu“ được để người ta đoán biết là mình muốn đi hướng nào, họ sẽ tự động né qua một chút để bạn có chỗ chạy trong làn xe cộ như mắc cửi. Quan trọng là bạn cố gắng giữ xe chạy thẳng, đừng thình lình lạng trái lạng phải một cách bất ngờ. Nếu làm như vậy, bạn sẽ đụng ngay vào người lái xe bên cạnh và cả hai sẽ lăn ra đường, không biết sống chết ra sao, bởi vì khoảng cách giữa 2 xe chạy song song với nhau thông thường rất ngắn, có khi chỉ là vài phân. Thỉnh thoảng bạn bất ngờ nghe tiếng còi xe ô tô thét chát chúa ngay bên tai bạn: Bạn đừng giật mình, cứ bình tĩnh chạy thẳng, đừng luống cuống lạng xe tránh mà đụng phải xe khác. Tiếng còi là biểu hiệu lòng tốt của người lái xe ô tô: họ muốn cảnh báo cho bạn là có ô tô chạy bên cạnh bạn, đừng vô phúc lách ngang mà ngã dưới bánh xe ô tô.

Người ta than phiền là ở Hà Nội phải suốt ngày nghe tiếng còi xe ầm ỹ đinh tai nhức óc, nhưng biết đâu rằng tiếng còi giúp người đi đường tránh được phần nào tai nạn xe cộ.

Nói chung, đi xe máy ở Hà Nội khá vất vả: Bạn phải tập trung cao độ để tránh xe khác, tránh khách bộ hành băng qua đường, mắt phải liên tục liếc trái liếc phải để dò chừng những xe cùng đi trên tuyến đường của bạn, đồng thời lại phải chia trí để tìm đường, khi bạn là người từ phương xa tới Hà Nội, không thuộc bản đồ đường xá.

Đi bộ:

Đi bộ trên vỉa hè thì khá đảm bảo . Song nhiều khi không có vỉa hè cho khách bộ hành, bởi vì các cửa tiệm chiếm đóng vỉa hè để làm nơi đậu xe máy cho khách hàng, hay bày bàn ghế cho thực khách ngồi ăn uống. Bạn bắt buộc phải bước xuống lòng đường cùng „đồng hành“ với xe máy, xe ô tô và cả xe tải. Trong trường hợp này bạn cũng phải tập trung tinh thần cao độ để tránh những xe phóng tới gần bạn .

Nếu bạn muốn sang bên kia đường? Ở Âu Châu thì bạn cứ đi vào lằn vạch Zebra, các phương tiện xe cộ sẽ ngừng lại cho bạn băng qua đường. Ở Việt Nam thì không như thế. Người ta không rỗi hơi đâu ngừng xe nhường đường cho khách bộ hành. Chỉ mất thì giờ quí báu của họ một cách vô bổ. Nếu muốn qua đường, bạn bắt buộc cứ phải đặt chân xuống lòng đường, cho dù các xe không ngừng lại chờ bạn. Nhưng nếu muốn an toàn, hãy quan sát các xe đang chạy tới, và ước tính là với khoảng cách và tốc độ đó, người lái xe có kịp tránh mình hay không. Trên lòng đường bạn phải đi chầm chậm, đồng thời quan sát các xe đang chạy tới. Không được bất ngờ đứng lại hay vụt chạy nhanh. Người lái xe sẽ đụng phải bạn, nếu họ không tính trước được phản ứng của bạn.

Còn nếu lòng đường quá rộng, có quá nhiều xe liên tục trên đường và bạn không có can đảm „thí mạng cùi“bước đại chân xuống lòng đường thì phải làm gì? Hãy bắt chước ông anh ruột của tôi: Ông vẫy tay gọi một taxi và yêu cầu tài xế chở sang bên kia đường. Cuối cùng thì cũng qua được, chỉ phải trả một số tiền nhỏ quãng một Euro cho tài xề taxi mà tính mạng được bảo toàn.

LÊN XE KHÁCH GIƯỜNG : BẠN PHẢI ĐI CHÂN ĐẤT, KHÔNG ĐƯỢC ĐI GIẦY

Nếu chỉ ở Hà Nội hay các thành phố lớn, có thể bạn sẽ chỉ có được một cảm nhận lệch lạc về xứ sở Việt Nam, hãy đi về tỉnh lẻ hay về làng quê hẻo lánh. Tốt nhất và rẻ nhất là bạn dùng xe khách, người miền Nam gọi là xe đò.

Chúng tôi chọn một chuyến xe khách giường nằm đi ban đêm, khởi hành ở bến Mỹ Đình đi Hà Giang. Ở Âu Châu, nếu muốn nằm ngủ trên xe, thì bạn đi tầu hỏa ban đêm trong những chuyến tầu có toa giường nằm. Xe khách có giường nằm như ở Việt Nam không thấy có ở Âu Châu.

Thấy chúng tôi lên xe, người tài xế hất hàm, lẳng lặng đưa cho chúng tôi một túi ni-lông. Để làm gì vậy?Tôi tự hỏi, và nghĩ rằng chắc là để phòng khi khách say xe nôn ọe thì có cái để chứa các thứ được giải phóng ra khỏi dạ dầy, nên đón lấy túi ni-lông và nhét vào túi quần. „Không phải vậy“, người tài xế bảo tôi, “ Bác cởi giầy ra đi, ở trên xe bác không được đi giầy, cái túi là để đựng giầy của bác“. À ra thế! Cũng có lý. Bởi vì xe khách có 3 hàng giường tầng, mà tầng dưới gần sát với sàn xe. Người nằm tầng dưới có thể dễ dàng phải hứng đất tung lên từ giầy người khác, nếu được phép đi giầy vào xe.…

Xe khách ở Việt Nam chạy không nhanh. Cho một quãng đường hơn 300 km mà chiếc xe phải chạy gần suốt đêm, bởi vì xe liên tục ngừng ở mọi nơi để đón thêm khách. Có khi chỉ đón những kiện hàng, rồi giao cho khách hàng ở đâu đó trên tuyến đường đi. Xe kiêm nhiệm luôn công việc chuyên chở hàng hóa như mấy hãng DHL, Hermes… ở Âu Châu. Đến nửa đêm thì tài xế ngừng xe ở trạm nghỉ. Hành khách có thể xuống xe đi làm vệ sinh cá nhân hay ăn uống. Khi xuống xe, bạn cũng không được dùng giầy của bạn. Ở cửa xe họ có một thùng dép đủ cỡ để hành khách dùng tạm, khi vào trạm nghỉ, phòng vệ sinh v..v…

So sánh với taxi ở nội thành Hà Nôi thì xe khách ở Việt Nam rất rẻ. Đi từ Hà Nội tới Hà Giang bằng xe giường bạn trả khoảng 200.000 đồng VN (quãng 7,20 €). Từ Hà Nội đi Thái Nguyên bằng xe khách với ghế ngồi bình thường mất 80.000 đồng (quãng 3 €).(Đi xe khách có ghế ngồi bạn không phải cởi giầy). Trong khi đó, bạn phải trả thường là không dưới 100.000 đồng cho một chuyến taxi trong thành phố Hà Nội.

ĐI THUYỀN Ở TAM CỐC: NHỮNG PHIỀN NHIỄU Ở “TIÊN CẢNH“

Từ Hà Nội bạn có thể mua tours đi thăm Hoa Lư và Tam Cốc /Bích Động trong một ngày. Chuyến xe bus của hãng du lịch chở chúng tôi không đầy khách, chỉ có trên dưới 20 người, phần đông là người Hàn Quốc trẻ tuổi, thêm một cặp vợ chồng đứng tuổi người Âu và một cặp người Inđônêxia. Không có gì đáng để kể lại ở quãng đường đi và ở Hoa Lư, ngoại trừ việc cổng thành Hoa Lư được xây dựng mới tinh, chỉ nhằm phục vụ đám du khách muốn chụp ảnh một di tích nào đó.

Ở Tam Cốc, nơi được quảng cáo là non nước hữu tình như tiên cảnh, là Hạ Long trên bộ, chúng tôi được đưa tới bến sông, nơi từng cặp du khách được mời lên thuyền nhỏ, có người chèo đưa khách xuôi theo dòng sông. Hai bên bờ là những rặng núi nhỏ với những con dê núi tung tăng trên sườn núi. Trên sông, có lúc thuyền chui qua những hang động tối mịt. Phong cảnh có thể gọi là hữu tình, nên thơ như tiên cảnh, tựa như tranh thủy mạc.

Chuyến đi sẽ tuyệt vời, nếu… Vâng, nếu không có những chuyện „linh tinh“:

Đón chúng tôi ở bến sông là một thuyền do một phụ nữ trung niên chèo. Bà đon đả chào chúng tôi bằng tiếng Tầu:„ Ni hao! Ni hao!“. Chúng tôi đáp lại:„Không, chúng tôi không phải là người Tầu, chúng tôi là người Việt. Chào bà!“. Vẻ mặt của người chèo bỗng nhiên xạm lại, bà nhắc đi nhắc lại mấy lần: „Ơ! Tại sao lại nói tiếng Việt? Tại sao lại nói tiếng Việt?“ „Tôi cứ tưởng là người Trung Quốc chứ!“ Sau một lúc, bà ta day dứt nói lẩm bẩm: „Giá biết trước là người Việt thì tôi đã từ chối quách, không chở rồi! “. Đến lượt chúng tôi bị hụt hẫng, không ngờ là từ nước ngoài trở về thăm đất nước, mình lại bị đối xử kiểu này. Chúng tôi hỏi lại:“ Tại sao bà không muốn chở khách Việt như chúng tôi?“. “ Tại vì khách Việt không cho nhiều tiền „boa“ (chú thích: pourboire, tiền trà nước)“ bà ta nói thế. Trong suốt chuyến đi bà ta cứ lầu bầu hối tiếc là đã chở chúng tôi và luôn nhắc tới những món tiền „boa“ hậu hĩnh của các khách quốc tế khác.

Ở cuối chuyến đi, sau khi thuyền chui qua hang động cuối cùng, là nơi chờ sẵn hàng chục thuyền chở nước giải khát, bánh trái và cả những bó hoa sen. Họ áp sát các thuyền du khách nài ép mua bán. Cạnh chúng tôi là thuyền chở cặp vợ chồng người Âu lớn tuổi.Sau khi mỗi người mua một lon nước ngọt thì người bán hàng lại tiếp tục đưa thêm một lon nước và một gói bánh cho người chồng. Ông ta ngẩn ngơ, không hiểu, thì người bán hàng ra dấu là đưa cho người chèo thuyền, rồi đòi bằng tiếng Anh: „350.000 !“(quãng 12,6 €) cho tất cả. Hai vợ chồng nhìn nhau khó chịu, song cũng móc ví ra trả. À ra thế! Người ta ép du khách phải „chiêu đãi“ người chèo thuyền. Nhận „quà“, người đàn ông chèo thuyền ngượng ngập nhìn xuống sông, không nói một lời cám ơn. Ai cũng hiểu ngầm là những món quà đó rồi sẽ lại được người chèo thuyền trả lại cho người bán để đổi lấy một món tiền nhỏ nào đó.

Trong chuyến quay về bến, bà chèo thuyền chúng tôi lại ỉ ôi „xin“ chúng tôi tiền „boa“ và cả tiền nước uống- giống như những người chèo cho khách ngoai quốc đã được, đồng thời cũng dặn kỹ là đưa tiền trước khi thuyền tới bến sông, sợ rằng ở đó có thể bị quản lý bến nhìn thấy và họ sẽ bị khiển trách.

Lên bờ, chúng tôi bỗng găp bà Inđônêxia thảng thốt chạy lại hỏi: „Tôi nghĩ là mình đã trả tiền toàn bộ cho chuyến đi này rồi mà tại sao người chèo thuyền tụi tôi còn níu kéo, đòi phải trả tiền?“ Chúng tôi đành phải giải thích:“ Họ muốn xin bà tiền „boa“. Họ là những nông dân nghèo quanh đây, làm việc chèo thuyền cho du khách để có thêm chút tiền. Bà thông cảm cho họ.“

***

Dọc đường về, trên chuyến xe của hãng du lịch đưa chúng tôi trở lại Hà Nội. Cô hướng dẫn viên đi kèm, đứng tươi cười hỏi bằng tiếng Anh: „Do you enjoy the trip?/Quí vị có thích thú với chuyến đi này không?“. Trong xe im lặng hoàn toàn, không ai trả lời. Cô gái tưởng mọi người chưa nghe, lại cất cao giọng hỏi lại: „Do…you…en…joy…the…trip?”. Vẫn không ai buồn trả lời. Một bầu không khí yên lặng nặng nề ngự trị trong xe. Cặp vợ chồng già người Âu chắc vẫn còn khó chịu, nghĩ tới giá tiền hai lon nước trên sông và đoan chắc rằng trong những quán cà-phê hay tiệm ăn ở Paris, Berlin, đâu đó khắp Âu Châu, họ cũng không phải trả nhiều như vậy cho hai lon nước. Bà Inđônêxia không trả lời, chắc vẫn còn bực mình vì lối vòi tiền trắng trợn của người Việt. Còn chúng tôi, không trả lời vì bận theo đuổi ý nghĩ chán ngán về bà chèo thuyền kỳ thị du khách Việt, bởi bà không “bắt nạt” người Việt được.

***

Những thống kê cho thấy là lượng khách du lịch từ các nước phương Tây đến Việt Nam đã sút giảm đáng kể. Nhà nước đã phải bỏ lệ thu phí nhập cảnh cho họ, như là phương thức để khuyến khích du lịch Việt Nam. Song chừng nào mà sự bất an trên khắp phố phường vẫn ngự trị, chừng nào mà cái tư duy bóc lột tối đa du khách nước ngoài như những con mồi béo bở vẫn không thay đổi, thì không có biện pháp nào có thể cứu vãn được tình trạng xuống dốc của kỹ nghệ du lịch Việt Nam