B20131207-ThQ
Đó là cái tên Trung Tâm Văn Bút Đức (PEN Germany) đã chọn cho buổi lễ tối thứ hai 02/12/2014, đánh dấu sự hoàn thành nơi cư trú thứ hai tại thành phố München (thứ 8 tại Đức) cho các nhà văn được học bổng của PEN trong chương trình "Những nhà văn lưu vong".
Từ năm 1999, chương trình này với sự tài trợ của chính phủ liên bang Đức đã đỡ đầu gần 40 nhà văn từ 20 quốc gia đến sinh sống tại 7 thành phố khác nhau của nước Đức. Những người này được hưởng một khoản trợ cấp và được bảo trợ bởi các thành viên của PEN cũng như Hội những người bạn của PEN "để họ có thể tối thiểu tìm được chút an bình, và tập trung sức lực cho ngòi bút của họ".
Ông Josef Haslinger, chủ tịch Trung Tâm Văn bút Đức và bà Franziska Sperr, đặc trách chương trình "Những nhà văn lưu vong", đã giới thiệu và phỏng vấn ba thành viên của chương trình này là nhà báo nữ Ana Lilia Pérez từ Mexico, nhà đạo diễn Amer Matar từ Syrie và nhà thơ Qassim Haddad từ Bahrain, cũng như đã chào mừng những thành viên của chương trình được đỡ đầu năm 2013.
Trong số những thành viên mới này có Blogger Việt Nam Người Buôn Gió - Bùi Thanh Hiếu, là người đã từng được PEN International (Trung Tâm Văn Bút Quốc Tế) can thiệp đòi chính quyền Việt Nam phải trả tự do , cũng như PEN đã can thiệp cho Hoà Thượng Thích Quảng Độ, nhà thơ Nguyễn Hữu Cầu, blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải, luật sư Lê Quốc Quân....
Chấm dứt chương trình là buổi hội thảo giữa ông Josef Haslinger thay mặt cho Trung Tâm Văn Bút Đức, TS Hans-Georg Küppers đại diện Viện văn hóa Goethe Institut và giáo sư TS Klaus Dieter Lehmen thuộc Sở Văn Hóa thành phố München (Munich) về các vấn đề liên quan đến chính sách văn hóa và nhân quyền.
Dưới thời Đức Quốc xã, hàng ngàn nhà văn và trí thức bị buộc phải rời khỏi nước Đức đi lưu vong. Sự bất công thuở đó là một trong những lý do tại sao Trung Tâm Văn Bút Đức lưu tâm đặc biệt đến trường hợp các nhà văn, nhà báo và các nhà xuất bản bị đàn áp, sách nhiễu, bỏ tù, tra tấn, mạng sống bị đe dọa, để giúp đỡ những người này, và trong phạm vi có thể, giúp họ vượt thoát bàn tay của bạo lực để họ còn có dịp tiếp tục đóng góp bảo vệ những giá trị nhân bản và xây dựng nền tự do cho xứ sở họ.
Nhắc tới nhà văn Áo Stefan Zweig, vì có gốc Do Thái mà các tác phẩm bị cấm đoán, và dù trong cuộc sống lưu vong tại Brasil ông vẫn được trọng vọng, cuộc sống vật chất đầy đủ, viễn tượng không bao giờ được trở lại quê cũ đã đưa ông tới tình trạng trầm cảm và ông đã tự tử, chủ tịch Hội Văn Bút Đức, ông Hasslinger, đã khẳng định "Bảo trợ những nhà văn đang sống lưu vong không những làm giàu có cho nền văn hóa Đức mà còn là một bổn phận, một món nợ cần trả".
Đó có phải là mảng trời xanh mà ta hằng quen thuộc là một câu trong bài thơ ray rứt "Bầu trời" của nhà văn Iran Khalil Rostamkhani viết trong nhà tù Saveh.
Con người ở đâu, ngôn ngữ nào, thì hình như cũng nhắc tới bầu trời xanh như sự tự do mà con người theo tiềm năng luôn khao khát. Nhìn Người Buôn Gió ngồi nhỏ thó giữa những người Âu châu hiện diện trong phòng họp sang trọng của Literaturhaus München, tôi nhớ tới bài "Cho ta gởi một mảnh trời xanh biếc" (1) anh vừa gởi về Việt Nam cho TS Cù Huy Hà Vũ đang đón sinh nhật trong tù.
Khalil Rostamkhani đã viết (tạm dịch như sau):
Sao hôm nay cả bầu trời không có lấy một đám mây?
Nhưng có thể gọi là cả một bầu trời không?
Nếu tầm nhìn của tôi chỉ rộng như cái lỗ nhỏ
trên trần nhà ?
Phải có ngồi trong tù cộng sản Việt Nam vì tranh đấu bất bạo động đòi quyền con người cho nhân dân và chủ quyền cho đất nước, thì có lẽ Người buôn Gió mới thấm được sự tận cùng của địa ngục đang đày ải Lê Quốc Quân, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ ... và còn bao người không ai biết tới tên tuổi ?
Một Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, André Menras ngồi tù thời Việt Nam Cộng Hoà liệu có thấu được những đày đọa của người tù cộng sản hay không? Chỉ có ông Lê Hiếu Đằng đã có can đảm nhìn nhận đã được ngồi học và còn được tạm xuất tù đi thi.
Còn những người lính Việt Nam Cộng Hoà bị hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác trong các trại cải tạo trong khi được tin cha mẹ, vợ con ở nhà bị hà hiếp đói khổ và những đồng bào của mình thì vui mừng khuân của cải từ miền Nam về miền Bắc. Làm sao họ quên được và làm sao họ hiểu được những người dân chửi mình là Mỹ ngụy cũng đã khốn khổ chịu tang tóc trốn dưới hầm khi bom đạn ngày đêm đổ trên đầu?
Những món nợ máu chúng ta có với nhau có quá lớn để không còn bao giờ dân tộc Việt vượt được nỗi đau, nối lại tình huynh đệ, chung sức chống lại bạo quyền?
Bao nhiêu thù hận, bao nhiêu lầm lỡ, nhưng từ muôn thuở tổ tiên chúng ta và chúng ta chỉ khao khát có một mảng trời xanh chung, mảng trời xanh của tự do.
Trong phòng họp tối ngày 02/12/2013 tại Literaturhaus München, Đức quốc, có mặt rất nhiều người Đức gốc Do Thái.
Thục Quyên (Việt Nam 21)