Istanbul 10.19

Mấy công ty du lịch quảng cáo, một chuyến đi đến được hai châu lục, nghe rất hấp dẫn với du khách thích đi và check in nhiều nơi. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và thành phố Istanbul lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng này quả là có vị trí rất đặc biệt. Về địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ có 97% diện tích nằm ở châu Á và chỉ có 3% diện tích nằm ở châu Âu. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước thuộc châu Âu và là một trong những thành viên sớm nhất của khối NATO. Nguyên do là sau khi nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập, tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ – Mustafa Kemal Ataturk đã định hướng Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia phương Tây hiện đại. Istanbul nằm vắt ngang hai châu lục Á Âu với ba cây cầu nổi tiếng vắt qua eo biển Bosphorus, nối liền hai châu lục. Sau đây là những điểm đến ở Istanbul của chuyến đi mùa thu tới hai châu lục Á Âu của mình.

The Blue Mosque, nhà thờ Xanh của đế chế Ottoman được xây dựng dưới thời Sultan Ahmed I và hoàn thành vào năm 1616. Nhà thờ có sáu ngọn tháp cao và mái vòm bậc thang ấn tượng. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất là nội thất với 20.000 viên gạch men màu xanh thiết kế theo 50 mẫu hoa tulip khác nhau đã đem đến biệt danh cho nhà thờ Hồi giáo này. Sân thượng của tòa nhà được sơn màu xanh và ánh sáng mặt trời được tán sắc bởi hàng trăm cửa sổ kính màu tạo nên một cảnh tượng mê hoặc. Khuôn viên nhà thờ cũng khá đẹp với những bồn hoa và những tán cây trổ lá vàng rực rỡ.

Gần nhà thờ xanh là Vương Cung Thánh Đường Hagia Sophia, một kiệt tác kiến trúc của thời kỳ Đông La Mã. Hagia Sophia là một trong những kiến trúc đẹp nhất, cũng như là một trong những nhà thờ lớn nhất trên thế giới và là di tích nổi tiếng nhất của Istanbul. Theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Ayasofya có nghĩa là Sự thông thái thần thánh. Nhà thờ này được người La Mã xây dựng vào năm 360 trước khi trở thành nơi thờ phụng Kitô giáo chính của Constantinople. Sau khi bị phá hủy không chỉ một mà hai lần, nhà thờ được xây dựng mới trong thế kỷ thứ sáu, trở thành trung tâm của Kitô giáo Chính thống. Khi Đế quốc Ottoman nắm quyền kiểm soát Constantinople vào năm 1453, Hagia Sophia đã chuyển đổi thành một nhà thờ Hồi giáo. Các đặc điểm về Kitô giáo của công trình được che phủ hoặc gỡ bỏ, và các thiết kế mới về Hồi giáo được bổ sung. Sau khi nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được công bố, nhà thờ Hồi giáo này bị đóng cửa. Hiện nay, di tích này mở cửa cho công chúng như một bảo tàng. Với bốn ngọn tháp hùng vĩ và mái vòm trung tâm rộng lớn, Hagia Sophia nổi bật trên đường chân trời Istanbul.

Bên trong bảo tàng

Trong khuôn viên nhà thờ xanh

Hippodrome, người dân địa phương gọi là “At Meydani” (Sân ngựa), được xây dựng vào thế kỷ thứ ba. Xưa kia trường đua Hippodrome từng đón hơn 100.000 khán giả theo dõi các cuộc đua xe ngựa từ các khán đài xung quanh. Các phiên xử của tòa án, các cuộc diễu hành và các sự kiện đăng quang cũng diễn ra ở đây dưới thời Đế chế Byzantine. Phần lớn Hippodrome ban đầu đã bị phá hủy, nhưng hiện tại vẫn có thể chiêm ngưỡng một trong những di tích lâu đời nhất là tháp Theodosius. Tháp được xây dựng ở Ai Cập cổ đại trước khi được Theodosius Đại đế đưa đến Istanbul vào cuối thế kỷ thứ tư. Ngoài ra còn tháp Tripod of Plataea , hay còn gọi là Tháp Serpent, cổ xưa hơn, kỷ niệm chiến thắng của người Hy Lạp trước người Ba Tư vào năm 480 trước Công nguyên. Ngọn tháp bằng đồng này được Hoàng đếConstantine mang về từ Delphi.

Hippodrome

Cung điện Topkapi nằm gần eo biển Bosphorus, là nhân chứng cho những vinh quang tột độ cũng như bi kịch đau lòng nhất trong lịch sử các đế chế Ottoman. Cung điện Topkapi đã là nơi ở và làm việc của các hoàng đế Ottoman trong suốt 400 năm. Cung điện được xây dựng tại trung tâm thành phố Istanbul từ năm 1466 đến năm 1478 theo lệnh hoàng đếMehmet II. Topkapi như một thành phố nhỏ với hàng trăm căn nhà, nhà thờ Hồi giáo, khu nghỉ dưỡng của vua, nơi giải trí và khu sinh sống của cung tần mỹ nữ. Hậu cung được xây dựng với nhiều phòng ốc trang trí lộng lẫy, trưng bày nhiều vật phẩm quý giá phô bày sự giàu có xa hoa của các nhà vua Hồi giáo. Từ năm 1924, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng cung điện như bảo tàng đầu tiên của quốc gia này. Cung điện có hàng trăm phòng nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó mở cửa cho du khách tham quan. Cung điện được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1985.

Góc nhìn từ Topkapi

Cổng vào cung điện Topkapi

Trong khuôn viên cung điện Topkapi

Cung điện Dolmabahce của các đế chế Ottoman được gìn giữ nguyên trạng từ khi xây dựng vào thế kỷ 19. Cung điện Dolmabahçe là nơi ở và làm việc của các hoàng đế Ottoman từ năm 1856-1922. Công trình được khởi công năm 1843 dưới thời Sultan Abdul Mejid I và hoàn thành với chi phí tương đương 35 tấn vàng. Gia tộc hoàng gia đã rời Cung điện Topkapi thời trung cổ để tới sống tại cung điện Dolmabahçe sang trọng hơn. Quy mô của Cung điện Dolmabahçe với 285 căn phòng và hơn 40 hội trường thực sự gây ấn tượng. Đặc biệt quý giá là cầu thang pha lê và đèn chùm Bohemia lớn có 75 bóng đèn, một món quà của Nữ hoàng Victoria. Phòng Đỏ với những tấm thảm Hereke là nơi vua Thổ Nhĩ Kỳ tiếp đón khách. Tại Cung điện Dolmabahçe, tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Mustafa Kemal Atatürk, đã qua đời vào năm 1938 trong phòng ngủ của mình lúc 9 giờ 05 phút, và chiếc đồng hồ trong phòng hiện vẫn đứng yên vào thời điểm đặc biệt đó. Ông làm việc ở thủ đô Ankara nhưng ông sử dụng cung điện làm nơi cư trú khi ông đến Istanbul.

Cổng vào cung điện

Cổng nhìn ra eo biển Bosphorus

Bosphorus là eo biển hẹp nhất thế giới với bề rộng có nơi chỉ khoảng 700m, là ranh giới tự nhiên giữa châu Âu và châu Á, ngăn đôi thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Là kênh nối biển Đen và biển Marmara, Bosphorus giữ vị trí chiến lược, kinh tế quan trọng. Trung bình mỗi năm có khoảng 50.000 tàu biển và hàng ngàn du thuyền vào-ra biển Địa Trung Hải đều phải đi qua eo biển này. Dọc hai bên bờ là những ngôi làng nhỏ yên bình, các dinh thự mùa hè của những quý tộc Ottoman, những công viên xanh tươi, những pháo đài kiên cố, những bazaar nhộn nhịp và cổ điển… Chuyến du ngoạn bằng thuyền dọc eo biển Bosphorus rất thú vị mặc dù trời mưa, ngắm cảnh quan hai bên bờ eo biển, ngắm cung điện Dolmabahce và những cây cầu Bosphorus nổi tiếng nối liền hai lục địa Á - Âu.

Cây cầu nổi tiếng

Cung điện Dolmabahce