Ngườm Ngao 11.2014

Từ thác Bản Giốc trở về Trùng Khánh theo tỉnh lộ 206, cách thác khoảng 5km, bạn sẽ phải ghé động Ngườm Ngao, nếu không sẽ bỏ phí một nửa chuyến đi Cao Bằng.

Hình như mọi hang động của nước mình đều do người nước ngoài khám phá ra. Động Ngườm Ngao này cũng vậy, được phát hiện năm 1921 do mấy ông người Pháp nhưng chỉ được đưa vào khai thác du lịch từ năm 1996. “Ngườm Ngao” theo tiếng Tày có nghĩa là Hang Hổ. Theo người dân bản địa, cái tên Ngườm Ngao xuất hiện từ xa xưa khi người dân đi qua đây, nghe thấy có tiếng hổ phát ra từ trong hang nên gọi là Ngườm Ngao.

Động Ngườm Ngao dài khoảng 2 km nhưng mới chỉ khai thác được gần 1 km. Trong lòng động Ngườm Ngao có chỗ còn nghe tiếng suối chảy róc rách. Trước kia người dân địa phương đưa du khách vào tham quan, đến những đoạn suối, họ chở du khách bằng thuyền gỗ nhỏ. Khi mưa to, động ngập nước đầy săm sắp và du khách phải mượn dép nhựa của lễ tân để lội nước trên những con đường nhỏ quanh co trong lòng hang.

Động Ngườm Ngao có hàng trăm hàng ngàn nhũ đá hình thù độc đáo, hấp dẫn. Bốn cột chống trời vươn cao đỡ lấy vòm động. Ba cây đàn đá mỗi khi gõ vào phát ra tiếng nhạc như tiếng đàn Tơrưng. Tượng phật tam đa nhân từ. Tượng ông tượng bà bên nhau. Có cây vàng cây bạc và có cả thác bạc lấp lánh. Có cây san hô như là nơi hội tụ của hàng trăm cây san hô dưới biển. Có thuyền rồng của nhà vua đang lướt sóng đưa vua và hoàng hậu đi du ngoạn trên sông nước mênh mông. Có cả ruộng bậc thang. Có cả bản đồ nước Việt hình chữ S trong lòng hang. Có bàn thờ với hình ông cụ. Có con hổ với truyền thuyết hang hổ. Đẹp nhất phải kể đến nhũ đá có hình giống như một đóa sen ngược vàng óng.