Truyện ngắn 100 chữ

Võ sĩ ( Duyên)

Thầy dạy kèm Anh văn của tôi là hàng xóm. Khi thi lên Thái cực đạo rớt, anh kể cho tôi nghe. Lúc được tuyển vào đội tuyển quốc gia, anh lại giấu. Hát cho phường bị chê : kể ; đoạt giải nhất karaoke : lại giấu…Có bạn trai, tôi kể, anh lặng thinh. Chia tay với bạn trai, tôi kể, anh cũng làm thinh…Khi nghe tôi nói đã từ hôn với gã Việt Kiều, anh không làm thinh nữa : _ Tại sao vậy ? – Vì…em… yêu anh. Thầy dạy, ca sĩ, võ sĩ của tôi như bị knock-out, khuỵu chân xuống, rồi … khóc.

Cu Lì (Nguyễn Hỷ)

Cu Lì năm nay lên hai. Nó đang nói bập bẹ một vài tiếng. Tính nó ngang bướng và hay khóc khi gây lộn với chị. Mỗi lần như thế, mẹ nó quát :”Im đi, nhịn nhau không được hả!”.

Hôm nọ, bố mẹ Cu Lì cãi nhau. Mẹ nó khóc sụt sùi. Cu lì hét lên với giọng ngọng ngịu :”Im…i, nhịn nhau…ông…ược hả!”.

Kiếp sau (Thanh Lam)

Cãi nhau kịch liệt, người vợ nức nở :

_ Ông không thương tôi, ông không lo lắng gì con cái.

Ứa nước mắt, người chồng nói :

_ Không thương bà, sao có được bốn mặt con. Đứa lớn gần 40, đứa út đã 30. Không lo cho con, mà chúng sống được. Không đứa nào hư cả.

Người vợ còn sụt sùi :

_ Kiếp sau tôi không lấy ông đâu!

Người chồng (giọng kiên quyết) :

_ Được đầu thai lên, tôi cũng cứ đi tìm bà. Làm gì kiếm được một người như bà?

Tối, họ đưa nhau đi xem phim : “Anh vẫn yêu em”.

Ăn cơm (Nguyễn Thanh Bình)

Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.

Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.

Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng :

_ Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!

Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến :

_ Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!

(Quỳnh Châu)

Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ - Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.

Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành : “Ngoại có đi đâu!Ngoại ở đây mà!”. Vậy là nó nín.

Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo :“Mẹ có đi đâu!Mẹ ở đây mà!” rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.

Cho và nhận (Ngọc Chi)

Chị yêu anh nồng nàn và đằm thắm. Như bao người con gái khác, chị cũng muốn được đưa đón, quan tâm chăm sóc. Nhưng vì anh quá bận rộn, việc gì chị cũng giành làm, tự nhủ sau này mọi thứ sẽ tốt hơn…

Lâu dần thành quen. Giờ, anh rảnh rỗi hơn còn chị thì bắt đầu se lòng khi thấy người ta đưa đón nhau…

Cái bóng (Hải Âu)

Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẳn mà gia đình dành cho mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung có nhiều thăng trầm.

Một ngày, bà nhẹ bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra vào ngẩn ngơ như thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khỏang trống. Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà..

Đứa con (Hải Âu)

Vợ chồng gây nhau. Dằn dỗi, vợ bế con về ngoại. Nhà vắng tiếng trẻ, anh thấy trống trải trong lòng. Giá như không gây nhau, giờ này anh đã được nựng vào đôi má bầu bĩnh của thằng bé.

Ở nhà ngoại, con nhớ hơi cha khóc ngằn ngặt. Chị nhìn con khóc mà nẫu cả ruột gan.

Hôm sau, anh chuẩn bị đi đón con đã thấy chị ở trước cửa nhà.Thằng bé gặp cha cười nói tíu tít. Anh mừng rỡ ôm chầm lấy con nựng nịu. Nhìn cha con vui vẻ, cơn hờn giận trong lòng chị tan như bong bóng xà phòng.

Chung tình (Hải Âu)

Mặt hồ lung linh. Nhìn xuống. Anh thấy bóng mình chìm trong đáy nước. Khi anh quay lưng đi. Hình anh tan biến.

Mắt em cũng lung linh ánh biếc như mặt nước hồ thu. Nhìn em. Bóng anh cũng chìm trong đáy mắt. Khi anh quay đi. Hình ảnh anh đã bị cầm tù.

Thời gian trôi qua. Mọi sự đổi thay. Nước hồ không còn trong vắt. Mắt em cũng đã sậm màu, nhưng một vóc dáng cao gầy vẫn còn nguyên trong đáy mắt em như những ngày xưa cũ.

Bố và con (Trần Ninh Bình)

Anh phụ trách công việc giao tế ở một công ty, lúc nào cũng tươi tắn, lịch sự và hòa nhã. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, buổi tối tắm rửa xong, đang nằm đọc báo trên giường trải drap trắng toát thì con bé bốn tuổi, mồ hôi mồ kê, chân tay lấm láp trèo lên. Anh cau mặt gắt con sao không chịu đi rửa chân tay trước. Con bé mếu máo :” Bố ơi, từ sáng tới giờ bố chưa mi con cái nào!”

Tiếng đêm ( Lê Thị Cẩm Âu).

Căn nhà ngày càng trở nên trống lạnh. Nhất là sau lần chúng tôi chính thức chia tay nhau.

Anh thất chí :

_ Cuộc đời sao cứ mãi cưu mang bao lận đận!

Rồi anh say. Say…

Hai mẹ con tôi, rốt cùng loanh quanh như hai cái bóng, đẫm buồn.

Đêm. Chiếc giường trống đi một chỗ. Mẹ con tôi nằm gần nhau hơn.

Khuyu. Trở mình, nó vòi :

_ Mẹ thoa lưng cho con!

Rồi so bì :

_ Tay ba sần, thoa đã hơn!

_ Đã thì theo ổng đi!- Tôi phát cáu.

Nó mủi lòng, trong khi tôi khóc.

Truyện cổ (Đào Vân Anh)

Năm hai mươi tuổi, Hứa Hầu có hơn trăm bạn hữa, tiệc tùng, bù khú thâu đêm.

Năm ba mươi tuổi, chàng lựa được hai chục tráng sĩ, họ thề quyền sinh tử có nhau.

Năm năm mươi tuổi, chàng trà dư tửu hậu với hai người, vốn là kẻ tay tả, tay hữu của chàng.

Năm sáu mươi tuổi, ông lão âu yếm vuốt mái tóc của bà vợ già móm mém “Nàng là bạn tri âm duy nhất của đời ta”.

Dì ghẻ (Nguyễn Thị Kim Anh).

Chị lấy chồng. Chưa kịp có con thì chồng mất. Ba năm sau chị đi bước nữa.Người chồng mới góa vợ, có hai con nhỏ. Yêu chồng, yêu luôn cả con chồng. Chị quyết định không sinh con để lo cho gia đình. Lớn lên, người con trai có vợ. Sau tuần trăng mật anh ta về nhà. Chị vui mừng ra đón. Chưa đến phòng khách, chị nghe tiếng cô con gái :

_ Còn xấp vải hoa?

_ Cho mẹ.

_ Hoài của! Em lấy nốt, nào phải mẹ mình.

Chị càng buốt tim hơn khi người con trai im lặng.

Mẹ ghẻ (B.P.M)

Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tính, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.

6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ.

Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo :

_ Có muốn về với bà ngoại mày không?

Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt :

_ Con đi rồi, mẹ ở với ai?

Sau câu nói, dường như bà mẹ ghẻ ở lại với nấm mồ, cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm - rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu…

Chuyện cũ (B.P.M) - Tặng những ai còn trên bục giảng

Ngày 20.11, tôi gặp lại một học trò cũ, em kể :

_ Hồi học với cô, mẹ em bị bệnh nan y, em phải lo cho sáu em nhỏ, đêm đi học, ngày đi làm, chiều nào cũng “chạy” đến trường, có nhiều hôm phải mặc áo lót còn ướt, lạnh mà vẫn mong gió nhiều, muộn mà vẫn mong đường dài, để đến lớp áo kịp khô….

Nhớ những lúc bị tôi nêu tên trước lớp vì “quá lười”, em chỉ cúi đầu, nước mắt rơi lã chã xuống bàn….Lòng tôi tràn đầy hối hận. Tôi muốn hỏi : _ “Sao ngày xưa em không nói?”. Nhưng tôi chợt nhớ : ngày xưa tôi chưa bao giờ hỏi….

Chia tay (Nguyên Khang)

Một năm trước hai đứa nói chia tay. Miệng thì nói thế mà nhất cử nhất động gì của nhau cũng biết hết. Có khi điện thoại reo lên : “Alô, em ơi ! Anh xỉn quá !”. Hay như chuyện bất ngờ :”Anh ơi ! Xe em mất tiêu rồi !”.

Rồi một ngày điện thoại cũng reo lên : “ Em ơi! Anh có người khác rồi. Cô ấy tội nghiệp lắm !”. Em như người bước hụt chân. Như mất đi một phần cơ thể. Sáu năm trời bên nhau, vui buồn lẫn lộn. Sáu năm có anh. Những tháng ngày tới em biết gọi ai ?

Một thời (Hồ Thụy Liên)

Bước vào năm thứ nhất, lũ con trai thi nhau xếp hàng làm đuôi của chị. Chị cười bảo “ một lũ điên”.

Bước sang năm thứ hai, một nửa trong số đó ước ao được xách cặp cho chị. Ngó lơ, chị “mím chi cọp”.

Bước sang năm thứ ba, chỉ còn duy nhất một người, chị chê hắn cù lần.

Năm cuối cùng, kẻ cù lần ngày ấy trở thành cái đuôi của một nữ sinh viên năm thứ nhất.

Không có ai theo đuổi, chị lại ước mình là sinh viên năm thứ nhất.

Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu)

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngòai 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.

Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói : “Ba sợ các con còn giận mẹ…”.

Mồ côi (Nguyễn Văn Hùng)

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm : _ Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.

Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói : _ Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con. Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.

Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ : _ Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…

Ước mơ

Tăng Khắc Hiển

Mẹ nghèo đi ở mướn. Con nhỏ chạy chơi với "cậu chủ" cùng lứa. Chơi trò cưỡi ngựa: nó luôn làm ngựa, cậu chủ cưỡi lên lưng. Ngựa phi, ngựa phi vòng vòng, tấm lưng nhỏ oằn cong. Mẹ nhìn rưng rưng nước mắt.

Đêm về, thoa lưng con, mẹ hỏi:

- Sao con không đổi làm chủ ấy ?

Đứa trẻ bảo:

- Con thích cưỡi ngựa thật chứ không thích cưỡi ngựa người.

Mẹ ừ mà lòng chạnh xót xa

Lòng mẹ

Võ Thanh An

Mẹ ở quê lên thăm. Vợ chồng mới cưới lại sớm ra riêng nên nhà cửa bừa bộn. Mới đến là mẹ loay hoay vào bếp rửa chồng chén, đĩa, quay sang giặt đồ... suốt cả ngày, ngăn thế nào cũng chẳng được. Chiều cầm mẹ ở lại để vợ chồng đưa đi coi hát. Mẹ bảo phải về thôi. Về quê, có người hỏi mẹ thăm thằng út trên thành phố có vui không, mẹ cười bảo vui lắm tháng sau sẽ lên nữa.

NGÀY SINH NHẬT ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG

DIỆU AN

Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất.

Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?

Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?

Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?

Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.

Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.

Mẹ tôi ( Lăng Dũng)

Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con sơ tán khắp nơi.

Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.

Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ oà…

Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ …mẹ lại một mình.

Lát nữa về (Phạm Thu Hiền)

Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.

Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành :

_ Nín đi con ! Lát mẹ về.

Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ :

_ Nín đi mẹ ! Con đi chơi với ba, lát con về..

Lẽ thường (Trần Chi)

Họ nói chuyện với nhau hàng giờ liền không chán như bao cặp tình nhân đang yêu khác. Gọi điện thoại hẹn chiều gặp cũng mất gần nữa tiếng đồng hồ. Có cảm giác như thời gian không bao giờ đủ cho họ.

Những tưởng hôn nhân sẽ là cơ hội họ có thể nói với nhau nhiều hơn… Nào hay, tiếng nói đối với họ giờ đây giống như một thứ của cải có giới hạn mà ngày xưa họ xài quá nhiều rồi…

Thư (Nguyễn Thị Chung)

Hồi mới cưới nhau, chị thường hay viết thư cho anh, tình cảm nồng nàn, có cả những lá thư không gửi. Thư nào anh cũng đọc thuộc lòng. Hạnh phúc ngập tràn.

Giờ đây, anh mải mê tối ngày với công việc, ít có thời gian tâm sự cùng chị. Còn chị, vẫn giữ thói quen viết thư cho anh mỗi lần anh đi công tác - những lá thư không gửi. Lần nào cũng vậy, thấy lá thư đặt trên bàn làm việc anh lại cằn nhằn : “Em viết để làm gì, thời gian đâu mà đọc”. Chị lặng lẽ thở dài và lần sau lại viết - những lá thư không gửi.

Con trai (Linh Diệu)

Bà Nội sanh mỗi mình bố.

Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ mà.

Bé đã lên 5, thích em trai lắm. Bố cũng vậy. Bà Nội thì khỏi nói, lúc nào ôm Bé cũng thở dài : Phải chi…

Một hôm Mẹ khóc - Rồi Mẹ nằm vùi, lặng ngắt , xanh xao. Cả nhà tự nhiên im ắng hẳn. Suốt tuần.

Bố với Bà Nội đem về cho Mẹ một chú nhóc thật xinh. Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khỏe lên tí nào. Mẹ bảo : Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!

Quà tặng của Thượng Đế (T.H)

Cô đã hơn một lần thủ thỉ với mẹ :”Anh ấy là món quà quí giá nhất mà Thượng Đế đã ban tặng cho con”, lần nào nghe xong mẹ cũng mỉm cười. Cô đã yêu – yêu bằng tất cả những gì mà cô có được. Cô hồn nhiên và hạnh phúc bên anh mặc kệ bao thăng trầm của cuộc sống. Với cô, anh là phần đời quan trọng nhất.

Rồi một ngày kia. Thượng đế đến mang món quà của cô đem tặng cho kẻ khác.

Đêm nào cô cũng ôm gối mõi mòn tự hỏi vì sao…

Mẹ nằm bên khẽ nén tiếng thở dài.

Bão (Nga Miên)

Sống ở miền đất biển, công việc của anh cũng gắn liền với tàu, biển, khơi xa…Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày rồi lại ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Đài, ti vi báo bão, đêm chị ngủ chẳng yên, chị sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi cuộc đời mình…

Cuộc sống có khá hơn, anh không đi biển nữa mà chỉ kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn, nghe đâu…

Không phải bão, nhưng anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.

Vòng cẩm thạch (Jang My)

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường…Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.

Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiệc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía , cười :

_ Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.

Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.

Học (Lê Đức Quang)

Năm hai mươi, tôi theo đàn anh lớn hơn mình năm hoặc mười tuổi, để học hỏi sự thông minh , hiểu biết…

Năm bốn mươi, tôi cũng theo đàn anh lớn hơn mình năm hoặc mười tuổi, để học hỏi kinh nghiệm, từng trải…

Năm sáu mươi, tôi quay ngược lại theo tuổi trẻ hai mươi, để học hỏi sự nhanh nhẹn, tháo vát…Học lại từ đầu.

Đồ cổ (Lê Nguyễn Thục Quyên)

Biết tôi chuyên nghiên cứu đồ cổ, anh mời đến, cho xem bộ sưu tập đời Lý. Quý chúng lắm nên hàng ngày anh lau chùi kỹ lưỡng, đặt chúng nằm trang trọng trong phòng khách thật đẹp. Để có được nó, nghe đâu anh tốn công ròng rã mười năm trời…

Có tiếng ho yếu ớt bên chái nhà tối tăm nơi góc sân. Tò mò tôi liếc nhìn…Một cụ già nhỏ bé đang run rẩy trên chiếc giường con trải manh chiếu rách, cáu bẩn, tồi tàn. Bên cạnh là tô cơm khô cứng tự bao giờ….

Món đồ cổ trở nên vô nghĩa.

Ngày thứ 7 (Đ.T)

Thuở bé tôi luôn luôn chờ đợi ngày thứ bảy. Vì đó là ngày ba tôi thường đưa cả nhà đi ăn tối, đi xem phim. Đến tuổi dậy thì, ngày thứ bảy càng đáng yêu hơn vì đó là ngày tôi đến nơi hẹn với người yêu. Khi lập gia đình, tôi cũng mong ngày thứ bảy để được nghỉ việc, được giặt ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa…Và bây giờ tôi sợ ngày thứ bảy! Đó là ngày chồng tôi họp bạn nhậu, con tôi hẹn với người yêu, tôi hoàn toàn cô đơn.

Cần thiết (T.T)

Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.

Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi : “Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền”. Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp : “Anh chỉ cần em”.

Nuôi mẹ (Nguyễn Thị Thao)

Con ở Đức về, giàu có, đón mẹ ra nuôi.Con dâu hồ hởi, cơm quà cho mẹ chu đáo. Giường mẹ màn mới , quạt riêng.

Mẹ như vàng.

Chồng biếu mẹ mọi thứ. Thương mẹ, anh hay gần gũi, trò chuyện, lại gởi quà về quê. Vợ nhìn soi mói. Bữa ăn thiếu đậm đà. Tối đến màn chẳng mắc. Lạnh nhạt…

Mẹ thành bạc.

Mẹ ốm, nằm một chỗ, khó ăn, khó ngủ, ho… Chồng chăm mẹ. Một mình vất vả mọi việc, vợ bực bội và lạnh lùng : “Xem thế nào đưa mẹ về quê…”

Mẹ thành rác vứt bờ tre.

(Dân gian có câu : Ngày thứ nhất mẹ là vàng; Ngày thứ hai mẹ là bạc; Ngày thứ ba mẹ là rác vứt bờ tre)

Giỗ ông (Lê Nguyên Vũ)

Sớm mồ côi.Từ nhỏ anh em nó sống cùng ông nội trên rẻo đất còm của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó qui tiên. Chú lấy lại căn chòi, “khuyên” : 14, lớn rồi – nên tự lập. Anh em nó dắt díu nhau tha hương.

Trưa. Phụ hồ về “nhà” – (ở dưới gầm cầu) .Mệt. Đói. Giở nồi cơm : nhão như cháo. Thằng anh mắng : đồ hư. Con em mếu máo : em nấu để…. giỗ ông.

Ngẩn người. Chợt nhớ : hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ông thích ăn cơm nhão. Thế mà….!

Ôm em vào lòng nó gọi trong nước mắt : ông ơi !!!

Ngày sinh nhật đầu tiên (Xuân Vy)

Tối nay, bé buồn xo. Mẹ gặng mãi, bé nũng nịu : “Hôm qua sinh nhật cái Na, nó được tặng nhiều đồ chơi đẹp! Sao con không có sinh nhật, mẹ nhỉ?”. Mẹ lặng thinh, mắt đỏ hoe! Sợ mẹ khóc, bé vỗ về :” Đừng khóc mẹ nhỉ! Bé không đòi sinh nhật nữa đâu”! Bỗng nhiên, mẹ ôm chầm lấy bé nức nở. Bé ngơ ngác rồi òa theo.

…..Ngày ấy, cái ngày mà toà án buộc người đàn ông phải đợi bé đủ 12 tháng tuổi mới ký quyết định ly hôn. Và sinh nhật đầu tiên của bé đúng vào ngày mẹ bồng bé chết lặng giữa chốn pháp đình.

Chỉ tay (Thu Trang)

Cô có thói quen xòe bàn tay trái, ái ngại nhìn đường chỉ kẻ ngang tay mình.

Có người nói : “Nếu tìm được người có đường chỉ tay như vậy, em sẽ giàu sang”. Nghe cô kể, anh cười : “Tay anh không có đường chỉ ấy. Em ra chợ xem mấy ông ăn xin, chắc sẽ tìm thấy”. Cô cười như nắc nẻ.

Rồi cuộc sống cuốn anh xa cô. Giờ đây, cô không cần bàn tay có đường chỉ ngang. Cô chỉ cần đôi tay chai sần với những ngón gầy để dìu cô đi suốt con đường này. Chỉ tay nào là hạnh phúc, chỉ tay nào là đau khổ, làm sao cô biết được!

Cưới vợ (Hoàng Xuân Thế Vinh)

Mẹ mất, trối lại : “Ông phải cưới vợ cho nó, nhớ chọn người cùng làng”.

Mình đi làm xa, ông cụ sống một mình. Thật tội. Nhờ mai mối, năm nào mình cũng về làng “coi mắt”, nhưng chưa ưng ý đám nào. Ông cụ có vẻ buồn.

Công việc bề bộn ít có dịp về thăm. Bỗng nhận được điện tín :”Về gấp, đã tìm được nơi ưng ý”. Bỏ hết công việc vội vã về để làm vui lòng ông cụ.

Tháng sau đám cưới được tổ chức, cô dâu là bà mai và chú rể là ông cụ.