Phan Chí Thắng- Lão Hâm

Chuyện lão Hâm hộ sinh

Đang ăn tối, vừa ăn vừa xem ti vi, lão Hâm nhận được cú điện thoại của chú em họ:

- Bác Hâm, bác Hâm, bác Hâm!

Lão Hâm gắt:

- Làm quái gì mà réo tên anh mày ghê thế, bị mất trộm à?

- Không ạ, em có việc này còn sợ hơn mất trộm, em vừa phải đưa vợ em vào viện cấp cứu.

- Thôi chết, cô ấy bị sẩy thai à?

- Đúng là bác hâm, chửa đến tháng thứ 10 rồi thì còn sẩy cái nỗi gì nữa? Đang lo không sẩy được đây này. Tính đến hôm nay là 9 tháng 20 ngày rồi mà cô ấy chưa chuyển dạ.

Lão Hâm thở phào:

- Mày làm tao hết hồn... Chưa chuyển thì sẽ chuyển, sao lại cuống lên đưa vợ đi cấp cứu?

- Vì vợ em cũng không còn trẻ, máu lại chậm đông, em đưa trước vào bệnh viện nhỡ có chuyện gì thì xử lý cho kịp.

- Bây giờ người ta mổ nghéo một cái là xong, cần gì phải đợi trở dạ?

- Em đã nói là máu chậm đông rồi mà, bác sỹ không dám chỉ định mổ.

- Ừ... ừ...., chú quyết định đúng đấy, trừ việc chú biết vợ già rồi, máu lại chậm đông mà chú vẫn còn "máu" đẻ thêm đưa nữa?

- Ừ thì kiếm thằng cu mà anh.

- Vậy chú gọi anh có việc gì?

- Nghe nói anh biết nhiều thứ, em muốn nhờ anh giúp xem có cách nào cho vợ em chuyển dạ.

Lão Hâm ngao ngán:

- Trời đất quỷ thần ơi, tao có học giờ nào về hộ sinh đâu mà mày bảo thế.

Thôi mày nhanh nhanh ra siêu thị mua gói kẹo thật ngon mang vào bệnh viện.

- Bác thích kẹo à?

- Không phải mua cho tao, mà mua cho thằng cu con của mày.

- Đã đẻ nó ra đâu mà...

- Ngu lắm, đó là tao bày cho mày cách cho thằng cu mau ra. Mày cầm cái kẹo dứ dứ vào cái chỗ nó phải chui ra, luôn miệng dỗ dành: "Cu ơi cu ra mà ăn kẹo", thế là nó ra thôi. Cách dân gian đấy.

- Giời ơi, lúc này mà bác còn đùa, em cháy hết cả ruột gan rồi đây này. Bác ăn xong vào viện với vợ chồng em bác nhé, có bác động viên, chúng em đỡ lo lắng.

- Được rồi, đằng nào thì anh cũng phải vào thăm cô em dâu chứ.

Cô em dâu đang nằm trên giường, bụng to vượt mặt, thấy ông anh chồng đến vội vàng ngồi dậy. Giáng điệu khoẻ khoắn, trông không giống người sắp đẻ.

Lão Hâm kéo ghế ngồi bên cạnh, hỏi thăm như cách người ta vẫn hay hỏi khi đi thăm bệnh nhân, ăn được không, trong người thế nào v.v.

Nói một lúc cũng hết chuyện để hỏi, cô em dâu quay sang hỏi bác Hâm hồi này có bịa ra được chuyện gì hay không. Láo thế chứ lỵ, người ta sáng tác mà nó nói là bịa? Có phải lúc nào, ngày nào cũng sáng tác được đâu, phải cần có giây phút thăng hoa chứ bộ?

Cô em nài nỉ em ở trong này buồn quá, anh kể chuyện gì vui vui cho em nghe. Tên chồng cũng xán vào đòi kể. Lão Hâm đành kể một câu chuyện tiếu lâm lão vừa chợt nhớ ra:

Vua Nê pan sang thăm Liên xô. Các lãnh tụ Đảng và Nhà nước Liên xô tiếp đón rất trọng thị, muốn lôi kéo Nê pan về phe mình, không theo các cường quốc lân bang khác. Chiêu đãi thịnh soạn, mời đi xem ca vũ kịch.

Tối nọ, sau khi xem vở Hồ Thiên nga về, vua Nê pan gọi điện cho Lãnh tụ Liên xô, xin cưới cô diễn viên đóng vai Thiên nga. Lãnh tụ quá bất ngờ nhưng vì chính sách ngoại giao nên nhận lời đồng ý tác động, giải thích thêm là ở Liên xô hôn nhân tự do, không ai ép buộc ai cả nên chỉ cố gắng tác động tối đa thôi.

Sáng hôm sau Lãnh tụ gọi cô diễn viên ba lê kia lên, giao nhiệm vụ:

- Tổ quốc cần cô phụng sự. Tổ quốc giao nhiệm vụ cho cô là phải lấy vua Nê pan. Thực ra thì đằng nào mà cô chả lấy chồng, lấy được vua, giàu sang phú quý tột bực, giàu hơn cả tôi nữa đấy!

Cô diễn viên không dám cãi thượng lệnh, lòng đau như cắt, tìm đến cô bạn thân tâm sự. Cô bạn bày cho cô diễn viên là mình đẹp thế, tài năng thế, nổi tiếng thế thì phải ra ba điều kiện, nếu vua Nê pan không thoả mãn ba điều kiện đó thì mình không lấy. Rồi cô bạn ghé tai cô diễn viên thì thầm...

Nghe xong lời khuyên của bạn, cô diễn viên ba lê yên chí lớn, tin chắc là vua Nê pan không thể nào thoả mãn 3 điều kiện của cô ta.

Sáng hôm sau, diện kiến vua Nê pan, cô nói rõ quan điểm cưới xin có điều kiện của cô. Vua Nê pan si mê quá rồi nên gật đầu đồng ý ngay.

- Muôn tâu Bệ hạ, điều kiện thứ nhất. Thiếp là diễn viên nổi tiếng thế giới, thiếp phải được ở trong một toà lâu đài toàn bằng vàng.

Vua Nê pan gọi Bộ trưởng Bộ tài chính vào hỏi về lượng vàng hiện có trong Ngân khố, rồi gật đầu đồng ý:

- Vì nàng ta có thể huy động toàn bộ số vàng có trong toàn Nê pan để xây lâu đài cho nàng ở.

- Spa-xí-bơ Bê hạ. Điều kiện thứ hai. Thiếp chỉ công nhận chế độ một vợ một chồng, nếu Bệ hạ muốn cưới thiếp làm vợ, Bệ hạ phải đuổi hết các vương phi tỳ thiếp ra khỏi Hoàng cung.

Vua Nê pan đăm chiêu suy nghĩ mấy phút rồi cũng gật đầu đồng ý.

Cô diễn viên lo quá, hai điều kiện đầu nhà vua đều đáp ứng. Chỉ còn hy vọng vào điều kiện thứ ba, mà điều kiện này chắc chắn ông vua béo lùn kia không thể nào thoả mãn nổi:

- Muôn tâu Bệ hạ, đây là điều kiện thứ ba, điều kiện cuối cùng. Như bệ hạ biết thiếp là vũ công ba lê, chân dài tới nách, thiếp cần cái chày ngọc của Bệ hạ phài dài 25cm.

Nhà vua trố mắt ngạc nhiên...

- Chày ngọc là gì hở bác Hâm? Cô em dâu thắc mắc.

- Là cái đó đó, là cái mà vì nó cô chú muốn đẻ thêm một đứa nữa đó.

Cô em dâu tủm tỉm cười ra vẻ đã hiểu.

Nhà vua trố mắt ngạc nhiên rồi bóp trán suy nghĩ một lúc lâu, có thể tới cả nửa giờ. Cô diễn viên mừng thầm trong bụng là phen này chắc chắn nhà vua thấp lùn kia phải chịu thua.

Bồng nhà vua đập mạnh tay xuống bàn, đứng dậy hạ quyết tâm:

- OK, vì nàng ta sẽ làm tất cả. Nếu nàng muốn cái đó dài 25cm thì ta sẽ chặt bớt đi một đọan.

Cô diễn viên té xỉu...

Chuyện đến đây là hết. Mặt lão Hâm tỉnh khô. Cô em dâu ngơ ngác vài chục giây rồi cười rú lên, ôm bụng lăn lộn cười:

- Ôi bác Hâm, ôi bác Hâm! Buồn cười quá!

Đến lúc đó cả tên chồng cô ta, chú em họ tôi cũng cười nghiêng cười ngả., mắt tít cả lại.

Bỗng có tiếng rú lên:

- Ôi đau quá chồng ơi, chồng ơi em đau quá...

Cô em dâu từ chỗ ôm bụng cười chuyển sang ôm bụng kêu la đau đớn. Lão Hâm bấm chuông gọi y tá trực. Y tá chạy vào, với con mắt nghề nghiệp, biết ngay là sản phụ đã trở dạ đẻ.

Mẹ tròn con vuông.

Chuyện lão hâm làm hộ sinh là thế đấy, chứ lão ấy không hề động tay động chân đỡ đẻ cho ai bao giờ.

Giấc mơ đẹp của Lão Hâm

Cái đầu từ khi cha sinh mẹ đẻ của lão Hâm chứa đầy một thứ giống như được chế biến từ đậu tương (đậu nành) người ta quen gọi là đậu phụ (đậu hũ) nên nó làm việc không theo một quy tắc nào cả. Chính vì vậy lão mới bị người đời gọi là hâm. Nhưng không phải vì thế mà cái đầu đó không đưa ra được những ý tưởng thú vị, nhất là khi lão nằm mơ.

Một đêm nọ, sau đám nhậu với tụi bạn ở Sài gòn ra, về nhà rón rén leo lên giường, hình ảnh người vợ thân thương được lão cảm nhận chỉ là một cái lưng đang quay về phía lão, vuông chành chạnh như sân bóng đá. Chẳng bận tâm lắm về chuyện đó, lão lăn kềnh ra ngủ, giấc ngủ mau mắn và ngon lành của người hâm mà người không hâm nằm mơ cũng chẳng được. Chính trong giấc ngủ ấy lão nằm mơ thấy mình là cây viết của VietnamNet được phân công tổng hợp và phân tích nguyên nhân thắng lợi của đội tuyển bóng đá VN tại WC2050 tổ chức tại Pnongpen, Thủ đô Campuchia.

Tóm lược bài viết của lão như sau (chỉ tóm lược thôi, không thể truyền đạt chi tiết chuyện xảy ra trong mơ được):

"Đội tuyển VN thắng lớn, một chiến thắng không thể dùng một tính từ, thán từ, mỹ từ, đại danh từ nào để mô tả độ vĩ đại của nó: Việt nam vô địch thế giới! Ngón tay tôi run lên khi viết những dòng này ... (lược bỏ)

Theo đánh giá của báo chí thế giới cũng như các chuyên gia hàng đầu về bóng đá, thắng lợi của đội VN có được là nhờ:

Về lực lượng: Đội VN mang đến đất nước Chùa Tháp 25 cầu thủ, không cầu thủ nào thấp dưới 1m80, đặc biệt thủ môn số 1 Thế Ảnh cao 2m07 và thủ môn số 2 Minh Phùng cao 2m05. Khác hẳn tất cả các đội quốc gia còn lại, đội VN chơi 2 đội hình luân phiên, đội hình 1 gồm thủ môn số 1 và các cầu thủ mang số từ 10 đến 19, đội hình 2 gồm thủ môn số 2 và các cầu thủ mang số từ 20 đến 29. Ba cầu thủ dự bị chuyên đá dự bị là số 3, 4 và 5, không có thủ môn dự bị vì bất kỳ cầu thủ nào trên sân đều có thể về trấn giữ khung thành trong trường hợp cần thiết. Nhờ có 2 đội hình hòan toàn tương đương nhau đá luân phiên nên trên thực tế các cầu thủ VN có thời gian nghỉ phục hồi sức khỏe nhiều gấp đôi cầu thủ các đội khác, và cũng nhờ đó, trong mỗi trận đấu đội VN luôn chơi hết mình, có thể hòan thành một khối lượng vận động nhiều hơn 1,2 cho đến 1,3 lần so với đối phương.

Mỗi một cầu thủ VN được đào tạo bóng đá từ năm học mẫu giáo lớn, có trình độ kỹ thuật hòan thiện đến mức có thể sử dụng bất kỳ bộ phận nào của cơ thể để làm chủ trái bóng (tất nhiên trừ hai tay và một bộ phận nhạy cảm khác). Tất cả đều đang ở độ tuổi 23, đều vừa tốt nghiệp đại học (10 trường Luật, 8 trường Y và 7 trường Thể thao là những ngành nghề đang được xã hội tôn vinh nhất theo tỷ lệ trên) nên rất hiểu nhau về tất cả mọi mặt tâm sinh lý lứa tuổi.

Về chiến thuật: Đội tuyển VN đã cống hiến cho khoa học bóng đá thế giới một phát minh to lớn, mở đầu một giai đoạn mới cho môn thể thao vua trên khắp hành tinh. Đó là sơ đồ chiến thuật 1+10! Ngoài thủ môn là người chơi hầu hết số thời gian của trận đấu trong khu vực 16m50, 10 cầu thủ khác không hề bị phân công cứng nhắc hậu vệ, tiền vệ tiền đạo gì cả. Tùy thuộc tình huống trên sân, ai lỡ di chuyển đến đâu thì ở lại chơi vị trí cổ điển ghép cho cầu thủ ở địa điểm đó. Ví dụ một người đang ở tuyến trên bám theo cầu thủ đối phương về đến gần khung thành đội nhà thì ở lại đó luôn và đá hậu vệ. Ưu điểm của sơ đồ này là cầu thủ ít phải phí sức để di chuyển về vị trí danh định của mình, đối phương không thể bắt chặt bất kỳ ai!

Nét mới lạ nữa là cầu thủ ĐTVN không bao giờ thâm nhập vào khu cấm địa đối phương, họ chỉ xút bóng từ cự ly 18m hoặc xa hơn. Điều này có 2 cái lợi:

- không chen lấn chỗ đông người, khỏi bị đòn nóng cũng như đòn nguội,

- cự ly di chuyển của cầu thủ giảm đi (chiều dài sân trừ đi 16m50), tiết kiệm sức cho cầu thủ,

- rất hãn hữu bị bắt lỗi liệt vị,

- không phải tranh cãi (với đối phương hoặc với trọng tài) về tình huống đáng hay không đáng hưởng phạt đền.

Về sách lược: Đội tuyển VN chơi theo khẩu hiệu: “mi ăn tau một trái, tau trả lời mi hai trái”, nghĩa là nếu đối phương ghi 1 bàn, đội VN sẽ chơi lại 2 bàn! Với tâm lý thi đấu này, đội không bao giờ tỏ ra cay cú, phản ứng trọng tài kể cả khi trọng tài thiên vị đội bạn. Vì khẩu hiệu là vậy nên kết quả các trận đấu có đội VN tham gia thường là 1-0,2-1, 4-2, riêng trận VN- Braxin 20-10 vì đội Braxin chơi hay, ghi được 10 bàn vào lưới đội VN.

Về đảm bảo tổ chức thi đấu: Đòan VN đăng ký đến WC2050 hơn 100 người, phần lớn là các quan chức LĐBĐVN, các HLV, các nhà tóan học thể thao v.v. còn đội bóng thì trước giờ thi đấu 1 giờ 45 phút mới lên máy bay trực thăng từ Trung tâm huấn luyện Quốc gia 72 ở Tây Ninh bay sang Thủ Đô Campuchia, mà chỉ gồm 11 cầu thủ chính thức, 3 dự bị, 2 HLV và 1 bác sỹ chấn thương thể thao. Rất gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả. Trong giờ nghỉ giải lao, cảnh tượng thật kỳ lạ: các cầu thủ dùng mỗi người 2 ly nước sầu riêng ép (loại nước bổ dưỡng nhất) rồi tọa thiền! Chỉ 10 phút ngồi thiền là đủ cho các cầu thủ VN phục hồi khí lực của mình (thể lực tất nhiên không phục hồi được 100%).

Ngay sau trận đấu mọi người lại đáp trực thăng về Tây Ninh, tắm rửa, ăn uống, xem TV. Từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau là giấc ngủ đặc biệt. Mỗi cầu thủ có 2 đại thiền sư ngồi bên cạnh, dùng phép thiền đưa năng lượng trường sinh hocnội trường của cầu thủ rồi nạp chân khí cho anh ta qua các huỵêt đạo cần thiết. Phương pháp này cho phép phục hồi hòan tòan thể lực, sinh lực, tâm lực cầu thủ trong vòng 12 giờ sau thi đấu, tránh sử dụng bất kỳ một chất kích thích nào mà FIFA đang và sẽ cấm. (chữ trường ở đây phải hiểu như chữ trường trong trường điện từ, trường hấp dẫn...) điều chỉnh toàn bộ nội trường của cầu thủ rồi nạp chân khí cho anh ta qua các huỵêt đạo cần thiết. Phương pháp này cho phép phục hồi hòan tòan thể lực, sinh lực, tâm lực cầu thủ trong vòng 12 giờ sau thi đấu, tránh sử dụng bất kỳ một chất kích thích nào mà FIFA đang và sẽ cấm.

Về công tác chỉ đạo: HLV trưởng Nguyễn Hồng Thủy luôn ngồi lẫn trong lô quan khách, không đứng cạnh sân hò hét như các HLV khác, ông cùng các học trò của mình đã có 15 năm luyện thần giao cách cảm, mọi ý nghĩ của ông các cầu thủ tiếp nhận ngay lập tức, không cần qua một phương tiện truyền tin nào. Nhờ vậy đội VN điều chỉnh hoạt động trên sân (mọi chuyện từ đội hình đến lối chơi, ứng xử v.v.) rất linh hoạt và kịp thời.

...

Mơ đến đây, lão Hâm bị một cú đá vào mạng sườn đau khôn tả và bừng tỉnh. Có lẽ vợ lão cũng đang nằm mơ đi đá bóng nên tung giò xút chăng?"

Vừa đau vừa tiếc rẻ giấc mơ đẹp, thấy đồng hồ chỉ 1 giờ 45, lão bật TV xem VTV3 tường thuật trận nào đấy của Champions League. Xem được vài phút, lão ngao ngán tắt TV, miệng lầu bầu:

- Chán bỏ mẹ, còn lâu mới bằng đội VN ở WC2050!

Chống tham nhũng

Mới sáng mai ra, đang nhâm nhi ly cà phê sữa, định thò tay bật máy tính thì lão Hâm bất ngờ nhận được cú điện thoại của sếp cơ quan cũ:

- Chào anh, em đây mà, anh có khoẻ không?

Ui chao, đã lâu lắm rồi, kể từ khi sếp lên làm sếp, sếp không gọi lão bằng anh xưng em theo tuổi tác như trước đó. Vậy mà hôm nay... Ừ thì mình về hưu rồi, có còn là cấp dưới của hắn nữa đâu?

Khi còn làm việc, nếu lão Hâm được sếp gọi bằng bác xưng tôi là quý lắm rồi. Vậy mà... Chắc có chuyện?

- Vâng tôi vẫn thường, ăn ngon, ngủ kỹ.

- Nghe nói anh đang làm cố vấn cho một công ty. Anh đi làm thế cũng hay, đỡ buồn.

Tớ có buồn đâu nhỉ, tớ có khối việc để làm. Nếu không có việc gì đi nữa thì tớ vào internet, chơi blog, nhiều chuyện hay lắm.

- Tôi làm cố vấn từ xa, có việc gì cần thì trao đổi qua điện thoại hoặc e-mail.

- Hay quá, em đang có một việc muốn nhờ anh tư vấn. Trưa nay em mời cơm anh có được không? Vừa ăn vừa nói chuyện.

Tư vấn là chuyện vô thưởng vô phạt, nghe hay không là quyền người ta. Nếu mình từ chối e rằng sếp lại nghĩ là mình về hưu rồi quên hết tình xưa nghĩa cũ. Nghĩ vậy lão Hâm đồng ý.

- Vậy 11g30 ở nhà hàng Đồng quê anh nhé, em sẽ đợi ở đó. Trời hôm nay mưa, anh lấy taxi mà đi cho khỏi ướt.

Đúng giờ hẹn, xe taxi đỗ xịch trước cổng nhà hàng Đồng quê. Chú Chánh Văn phòng cầm ô đứng đợi sẵn, mở cửa xe, trao ô cho lão, nói sẽ có cô tiếp viên đưa bác vào phòng sếp đang đợi rồi lên xe vù về cơ quan, tất nhiên là để trả tiền cuốc taxi cho lão Hâm luôn. Cô tiếp viên váy ngắn cúi đầu chào, làm như không cúi thế thì lão Hâm không thấy được cái cổ áo sơ mi khoét rất sâu trên cái váy ngắn màu đỏ không thể ngắn hơn. Ở ta cái gì cũng buồn cười, người ta đi ăn là cần ăn ngon, cần quang cảnh lịch sự phù hợp với việc ẩm thực, can cớ gì phải thêm váy ngắn chân dài vào làm cho giá món ăn tăng lên không cần thiết? Cô váy ngắn leo lên cầu thang, bắt cặp mắt lão Hâm đi theo sau phải ngang tầm cặp mông lẻo lẻo của cô ta.

Sếp vòng hai tay chào đón lão Hâm, ôm ôm vỗ vỗ như nguyên thủ quốc gia đón nguyên thủ quốc gia:

- Ồ, anh vẫn gầy dong dỏng như xưa nay, anh có bí mật gì mà giữ eo tài thế. Sếp cười rung rinh cái bụng phúc hậu.

- Tôi vẫn chơi thể thao đều.

Chỉ có hai người trong gian phòng kín, bày biện trang nhã theo lối dân tộc. Sếp mở chai Heineken lạnh, khéo léo rót vào cốc cho lão Hâm. Khá thật, sếp vẫn nhớ là lão Hâm thích loại bia nào.

- Xin cụng ly chúc sức khoẻ anh!

Hai người uống bia nhắm với món cá rô chiên giòn. Vậy là sếp cũng nhớ lão Hâm thích món gì. Điều này chứng tỏ sếp có một việc rất quan trọng cần nhờ lão.

Sau một hồi nói chuyện xã giao, sếp nhập đề:

- Anh biết việc chống tham nhũng là một trong những công tác trọng tâm của đất nước chúng ta. Em đang đau đầu vì chuyện đó.

- Sếp bị trên thanh tra kiểm tra? Lão Hâm độp luôn như mọi khi.

- Đâu có, em lòng dạ như Ức Trai, có gì mà phải thanh tra. Mà anh đừng gọi em là sếp nữa, nghe xa lạ lắm, cứ gọi là thằng em của anh như ngày xưa, khi em mới ra trường được anh kèm cặp.

Sếp cười hí hí. Hoá ra sếp vẫn nhớ những chuyện đó, tưởng sếp tống quá khứ ra khỏi bộ nhớ lâu rồi chứ.

- OK, thì chú cứ nói có chuyện gì mà đau đầu?

- Gần hết năm 2008 rồi, về tất cả các mặt sản xuất kinh doanh, công tác đảng, đoàn thể, công tác xã hội Tổng Công ty chúng ta đều hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch, trừ duy nhất công tác chống tham nhũng là làm quá kém, không có vụ việc nào được phát hiện cả!

Khuôn mặt lão Hâm đần ra như ngỗng ỉa:

- Không có vụ việc tham nhũng thì quá quý rồi còn gì?

- Vấn đề là thế này. Theo thống kê chưa có một đơn vị nào, cấp uỷ đảng cơ sở nào trên toàn quốc lại tự phát hiện ra vụ việc tham nhũng ở đơn vị mình, toàn là do cơ quan điều tra phát hiện hoặc quần chúng tố cáo. Anh hiểu chưa?

- Chưa.

- Nếu Tổng công ty chúng ta tự đưa ra một vụ tham nhũng ngay trong Tổng Công ty của mình thì em sẽ là người đầu tiên làm được việc đó. Đơn vị của chúng ta là đơn vị tiên phong trong công cuộc chống tham nhũng. Anh hiểu chưa?

- Anh chậm hiểu, mới hiểu một nửa.

- Còn gì chưa hiểu?

- Chưa hiểu là tại sao chú không tóm lấy thằng cha Tổng Giám đốc, bắt nó khai lấy tiền đâu mà cho con đi Mỹ du học, rồi mấy thằng phó Tổng, mấy thằng trong Hội đồng Quản trị v.v., thằng quái nào cũng giàu sụ sau khi được cất nhắc làm lãnh đạo?

Sếp vỗ đùi:

- Làm rồi chứ anh. Thằng Luân Tổng Giám đốc giải trình là nó mua miếng đất rẻ như bèo năm 1982, sau này đất có giá, nó bán đi, được mấy tỷ, thừa tiền cho con du học ngoại quốc. Mấy thằng khác cũng đều giải trình minh bạch hết, đứa thì nhờ vợ mở công ty trách nhiệm hữu hạn, đứa thì chơi chứng khoán có lãi to, đứa thì gia đình bên Mỹ gửi tiền về cho. Thế mới gay chứ, không có thằng nào tham nhũng cả!

Mặt sếp đỏ gay, dù mới qua có hai chai:

- Vì thế em mới cần đến bộ óc của anh, ai cũng biết là đầu anh có con vi xử lý siêu tốc. Hì hì.

Lão Hâm châm một điếu thuốc, từ từ nhả khói. Sếp kiên nhẫn chờ cho đến khi lão Hâm chậm rãi hỏi:

- Thế các cán bộ cấp phòng ban thì sao?

- Em cũng đã cho anh em làm tự kiểm điểm, phát động quần chúng phát giác. Không vẫn hoàn không anh ạ.

Mười phút sau lão Hâm lại hỏi:

- Thế chú nhất quyết phải có một trường hợp tham nhũng?

- Vâng, em cần lắm, anh cố giúp em đi.

Sếp rót thêm bia cho lão Hâm, cứ làm như có bia vào thì tư duy tòi ra. Nhầm rồi chú em ơi, bia vào thì chỉ ra một thứ cũng màu vàng như bia thôi.

Mười phút nữa trôi qua, lão Hâm lại hỏi:

- Thế thằng Hùng Phó phòng quản trị bao giờ về hưu?

- Sáu tháng nữa. Nhưng sao cơ?

- Thằng ấy tham nhũng.

Sếp tròn xoe hai mắt vốn đã tròn sau cặp kính cận:

- Sao anh biết là nó tham nhũng và sao lại hỏi nó bao giờ về hưu?

Lão Hâm im lặng hút thuốc, mặc kệ sếp bị dày vò bởi thắc mắc. Rồi lão mới thư thả nhả ra từng tiếng:

- Thằng Hùng tham nhũng là cái chắc. Riêng mỗi một ram giấy nó ăn 5 ngàn, mỗi tháng cả cơ quan dùng hết 100 ram giấy đã là năm trăm ngàn. Các đồ văn phòng phẩm, đèn tuýp, công tắc, dây điện v.v. cái gì nó cũng bảo người bán ghi thêm vào hoá đơn. Rồi ghi thêm số xăng xe đi công tác để ăn chia với đám lái xe, rồi tiền sửa chữa bảo dưỡng trang thiết bị văn phòng, xe cộ. Chú có biết chi phí cho mười cái xe ở cơ quan ta nhiều hơn hẳn so với các tổng khác cũng có khoảng 10 cái xe?

- Trời!

Sếp kêu trời rõ to, không biết là thán phục tài phát hiện của lão Hâm hay kinh ngạc trước sự tham nhũng của Phó Phòng Quản trị.

- Nhưng sao anh lại quan tâm đến việc thằng Hùng sắp về hưu hay không?

- Là vì nếu nó sắp về hưu thì chú dễ xử lý hơn. Mọi việc tiếp theo chú tự nghĩ lấy.

Lão Hâm bế mạc cuộc tư vấn của mình ở đây, toàn tâm toàn ý tập trung vào việc ăn trưa.

Sếp ngồi im một lúc rồi rồi cười phá:

- Hay, hay, hay! Anh Hâm tuyệt vời! Thế là em có thành tích chống tham nhũng rồi! Ha ha!

Sau món ăn tráng miệng, thưởng thức ấm trà ngon, sếp bấm máy gọi xe đến đón hai người về cơ quan rồi nói lái xe đưa lão Hâm về nhà, lắc lắc tay lão Hâm rất lâu lúc chia tay.

Vào giờ xem thời sự buổi tối, lão Hâm nhận được điện thoại của Hùng Phó Phòng Quản trị:

- Anh Hâm, em có chuyện này muốn hỏi ý kiến anh.

- Nói đi.

- Chiều nay sếp gọi em lên, hỏi em về công tác quản trị rồi bắt em phải nhận là có tham nhũng.

- OK. Rồi sao nữa?

- Em chối một hồi nhưng cuối cũng cũng phải nhận, sếp biết chi tiết từng thứ anh ạ, không nhận không được. Sếp bắt em viết kiểm điểm gửi Ban chống tham nhũng của Tổng Công ty, trong đó phải tự nhận hình thức kỷ luật.

- Thì chú viết đi, viết trung thực và thành khẩn.

- Em biết tội của em rồi, nhưng trong cơ quan còn lắm thằng ăn còn bẩn hơn em, em biết, kể cả sếp.

- Hừm, chú nói thế là mang hoạ vào thân rồi. Mình nên biết phận mình và lo cho mình trước đã.

- Nhưng nếu chỉ một mình em ăn đạn thì bất công lắm.

- Bất công có giá của bất công.

- Là sao hở anh?

- Mai chú gặp sếp, trước khi nộp bản kiểm điểm, chú nói thẳng với sếp là chú có tội thì chú chịu tội, chú có công thì phải được hưởng công, nói thế là sếp khắc hiểu. Chú làm sẵn hồ sơ xin xét sáng kiến, đề nghị thưởng 30 triệu.

- Em có sáng kiến nào đâu mà báo cáo?

- Có chứ. Chú có sáng kiến kê lại bàn của sếp cho đúng phương vị phong thuỷ, chú có sáng kiến cho cơ sở cái xe sếp đang dùng để mua xe đời mới, sáng kiến cho vợ con sếp đi nước ngoài tham quan du lịch bằng tiền của Tổng công ty. Còn nhiều sáng kiến lắm, chú cứ kể ra.

- Thế còn hình thức kỷ luật?

- Rút kinh nghiệm sâu sắc. Mà chú sắp về hưu mẹ nó rồi, rút hay không rút kinh nghiệm thì khác gì?

Đầu giây bên kia thở phì phò một lúc rồi cười ngặt nghẽo:

- Hay, em biết ngay là việc này chỉ có bác Hâm là giải quyết được thôi!

Lão Hâm cười thầm: "Trong quy định về các hình thức kỷ luật làm đếch gì có hình thức rút kinh nghiệm sâu sắc". He he!

Một tuần sau lão Hâm nhận được tin là Ban chống tham nhũng của Tổng Công ty đã họp và ra thông báo về việc phó Phòng Quản trị có những hành vi tham nhũng nhưng nhờ đã thành khẩn nhận khuyết điểm và do mức độ thiệt hại không nghiêm trọng nên chỉ áp dụng hình thức kỷ luật rút kinh nghiệm sâu sắc.

Một tuần sau đó chính sếp chỉ đạo Văn phòng và Phòng Tài chính kế toán tổ chức cho Phó phòng Quản trị đi thăm các cơ sở trong cả nước để chào chia tay anh em đồng chí trước khi về nghỉ hưu theo chế độ, mọi chi phí ăn ở đi lại do Tổng Công ty lo. Chánh Văn phòng chịu trách nhiệm thông báo cho các cơ sở phải tiếp đón Phó Phòng Quản trị một cách nồng hậu, đầy tình nghĩa. Nói thế là cơ sở tự hiểu, nơi nào cũng sẽ chuẩn bị phong bao quà cáp đầy đủ.

Bóc cây thuốc sếp mới gửi biếu nhân dịp Tổng Công ty hoàn thành bản báo cáo năm 2008 một cách hoành tráng, trong đó có đầy đủ thành tích chống tham nhũng vào loại mạnh nhất trong toàn ngành, Lão Hâm châm một điếu, bỗng dưng nổi hứng muốn sáng tác một ca khúc về chống tham nhũng.

Chuyến tàu đêm

Vì có việc đột xuất phải về Huế, lão Hâm phi ra ga Hàng Cỏ. “Hết vé!” Cô nhân viên bán vé thả một câu vô cảm giống y như ông thường trực Uỷ ban phường. Lãm Hâm làu bàu trong bụng:

- Đố cô tối đi ngủ mà dám buông câu trả lời “Hết vé!” như thế với chồng!

Thấy mình cáu kỉnh vô duyên, lão Hâm bỏ đi chỗ khác. Hai ba mụ xồn xồn tiến ngay lại, niềm nở chào mời. Không quá hai phút sau, lão đã có miếng vé trong tay, với giá đắt gấp rưỡi mức ghi trên vé. Lão chép miệng: “Coi như phải nhịn một két bia!”

Lên toa, chui vào khoang của mình, lão không thấy có vị khách nào khác ngoài lão. Cho đến lúc tàu sắp chạy mới thấy người phụ trách toa dẫn vào một cô xinh đẹp, mùi nước hoa đi trước cô ta mấy bước. Cô bé ngoan ngoãn chào:

- Chào chú!

Vẫn còn ấm ức về cái vụ hết vé, thay vì chào đáp lễ, lão hỏi cô bạn đồng hành:

- Cô cũng phải mua vé chợ đen?

- Không ạ, cháu đưa tiền cho nhà tàu, không phải mua vé. Cô gái trả lời giản dị, giản dị như chính cuộc sống mà chúng ta quen làm cho nó phức tạp.

Lão Hâm là người không ngừng khám phá cái hâm của mình, buột phì cười vì lại có thêm một chuyện hâm nữa để mà kể với bạn bè.

Cô gái chỉ có mỗi một cái ba lô bé xíu, loại của sinh viên. Ở ta có nhiều cái lạ lắm, ba lô của sinh viên đại học thường nhỏ hơn ba lô của học sinh cấp một. Có lẽ đi học cấp một cần nhiều sách hơn.

Tàu từ từ rời ga. Trong cuộc đời nhiều lần xê dịch của lão, bao giờ cái cảnh tàu chuyển bánh, tăng dần tốc độ, bỏ lại phía sau cuộc sống quen thuộc, cũng làm lão xúc động. Cô bạn đồng hành của lão thì bình thản nhìn qua cửa sổ, dường như cô ít quan tâm đến các chuyến đi, hoặc giả cô đi quá thường xuyên. Chiếc quần jean bó gọn cặp chân với những đườn cong trẻ trung, áo phông ngắn, loại áo đang mốt hiện nay, cao hơn rốn một chút.

Cảm thấy lão Hâm đang nhắm trộm mình, cô gái quay lại cười, hỏi thăm lão đi đâu, việc riêng hay đi công tác. Và lão củng hỏi lại cô có phải người Quảng Bình. Cô gái cười ngặt nghẽo:

- Sao chú tài thế, nghe giọng nói chú có thể đoán ra quê quán?

-Tôi có thể phân biệt được giọng nói các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh Bình Trị Thiên.

Cứ thế câu chuyện dần đi vào quỹ đạo đàm thoại mà chúng ta thường thấy trên tàu giữa những người hầu như chỉ gặp nhau một lần trên đời, hoàn cảnh buộc họ phải nói chuyện với nhau, nhưng nhiều khi lại khá cởi mở. Đó là một điều khó lý giải. Ta thường ít khi cởi mở với những người xung quanh, nhưng lại có thể cởi mở với một người hoàn toàn xa lạ trên một chuyến đi.

Cô gái tỏ ra khá thông minh, và cũng khá sành sỏi so với lứa tuổi. Có cái gì đó như là phớt đời, như là bất chấp ẩn sau khuôn mặt hiền lành và cân đối.

Lão Hâm bóc gói bánh lão đã kịp mua trên đường ra ga mời cô gái. Bàn tay với những ngón thon dài kết thúc bởi những chiếc móng giả sơn màu sim sẫm có vẽ hoa cầm cái bánh đưa lên miệng một cách điệu đàng. Con gái Quảng Bình mà trông chả khác gì con gái Hà nội, trừ cái giọng nguyên si chất bọ.

- Cháu đi học hay đi làm?

- Cháu đi làm cho một công ty tư nhân. Còn chú?

- Tôi làm nghề báo tự do.

- Nghề báo tự do là như thế nào hả chú?

- Là nghề viết báo nhưng không ăn lương của tờ báo nào hết, tờ nào đăng bài thì trả nhuận bút.

Lão Hâm không ngờ mình bịa tài thế. Mà đúng là việc gì phải khai thật công việc của mình với người lạ?

- Thế chú hay viết về đề tài gì?

- Tôi viết linh tinh đủ thứ, nhà báo tự do mà.

- Nhưng phải có một đề tài nào làm chú thích thú hơn cả chứ?

- Tôi thích đề tài “những người đàn bà có số phận bất thường”.

- Ô, hay quá. Cô gái tròn xoe mắt nhìn lão Hâm, vừa ngạc nhiên vừa như hơi co mình lại.

- Thế chắc là chú đi nhiều và cũng tiếp xúc với nhiều đàn bà?

- Tôi có may mắn được đi nhiều và gặp gỡ nhiều số phận éo le.

Lão Hâm tránh không dùng lại từ “tiếp xúc” hơi bị đa nghĩa của cô gái. Cô ta cũng hiểu ý tứ của lão trong cách diễn đạt, nhìn lão như thầm đánh giá cái ông nhà báo không còn trẻ nhưng trông còn khá phong độ này.

Gần 10 giờ đêm, hai người thống nhất tắt đèn đi ngủ. Nằm dài trên chiếc giường tàu hoả chật hẹp, đung đưa dập dờn theo nhịp tàu chạy, lão Hâm thấy cuộc đời cũng kỳ, tự nhiên nhốt lão cả đêm trong một buồng kín với cô gái trẻ xinh đẹp. Mấy hôm nữa về Hà nội, kể lại cho anh em trong cơ quan nghe, thể nào chúng nó cũng sẽ tra khảo xem lão đã sử dụng 12 giờ trên chuyến tàu đêm này như thế nào.

Trong loang loáng ánh đèn đường hắt vào, lão thấy trên giường đối diện, cách lão không quá một cái với tay, cô gái nằm quay lưng lại, lấy chăn đắp qua bụng. Hình như cô ta ngủ say rồi.

Nửa giờ trôi qua. Bỗng cô gái hỏi giọng tỉnh khô như chưa hề chợp mắt:

- Chú không ngủ được?

- Đúng, tôi thức khuya quen rồi nên giờ này đối với tôi là còn sớm.

Lão cảm thấy mình trả lời rất thành thật.

- Mà sao cô cũng không ngủ được?

- Cháu cũng ít khi đi ngủ sớm.

- Do công việc hay do thói quen?

- Công việc.

Lão không hỏi tiếp, không muốn cho cô gái nghĩ là mình có ý định nói chuyện dài dài. Khoảng mười lăm phút sau cô gái lại hỏi:

- Thế chú theo đuổi đề tài “những người đàn bà có số phận bất thường” thì chú có tiếp xúc với đám gái điếm không?

Lão Hâm nhận thấy cô gái lại cố tình dùng từ “tiếp xúc”, lần này lão hỏi lại cho rõ:

- Tiếp xúc theo nghĩa nào?

- Theo mọi nghĩa. Cô gái trả lời rành rọt.

- Tôi có biết một số người làm nghề đó. Có người đã về già, có người chuyển qua mở cửa hàng làm ăn buôn bán. Tôi dự định sẽ viết một truyện về những người này.

- Ơ, chú viết cả truyện nữa sao?

- Đó mới chỉ là ý định.

- Thế chú chỉ “biết” họ hay đã từng “tiếp xúc” với họ?

- Tôi biết họ, họ cùng sống trong một khu tập thể với tôi.

- Thế chú chưa bao giờ “tiếp xúc” với gái điếm thật sao?

- Tiếp xúc theo cái nghĩa mà cô nói thì chưa.

- Thật không? Cháu thấy đàn ông nhiều người đi với gái lắm, chỉ mấy trăm là được thoả mãn. Chú không thích hay chú khinh rẻ những người làm nghề đó?

- Tôi không khinh rẻ, thậm chí tôi còn thông cảm với họ. Họ không ăn cắp cái gì của ai cả, họ làm cái việc mà họ thoả thuận với người đàn ông cần họ và người kia phải trả cho họ một số tiền, phần nào bù lại sự mất mát về tâm hồn và thân thể của họ.

- Vậy là một con điếm còn hơn một kẻ ăn cắp?

- Theo tôi là như vậy. Ở một số nước, kinh doanh tình dục được coi là một nghề, được luật pháp bảo hộ, thậm chí còn có cả nghiệp đoàn gái điếm. Nhưng không đâu người ta tha thứ cho kẻ cắp. Mà sao cô lại hỏi tôi chuyện này?

- Cháu hỏi là vì vào vị trí của chú hiện nay, trên tàu, trong buồng kín với một đứa con gái, thể nào người đàn ông khác cũng nảy ý nghĩ này nọ. Cô gái trả lời thành thật đến trắng trợn.

- Thế ư, ý nghĩ trong đầu thì vô cùng, cái quan trọng là hành vi.

Câu chuyện đi theo hướng dựng một bức tường vô hình giữa hai người, một bức tường an toàn. Bởi cảm thấy an toàn nên cô gái mạnh dạn nói tiếp:

- Cháu có quen một anh nhà báo hay viết bài về xã hội ban đêm, anh ta chịu khó đi thực tế lắm.

Lão hiểu ngay ý cô gái muốn nói gì, nhưng không muốn tiếp tục câu chuyện nữa:

- Thôi chúng ta phải cố mà chợp mắt, mai tôi có nhiều việc phải làm lắm, bà cụ nhà tôi ốm nặng, đang cấp cứu trong bệnh viện Huế.

x

x x

Lão Hâm ngủ rất sâu, khoảng 6 giờ sáng thì tỉnh dậy. Giường phía đối diện trống trơn, cô gái kia đã xuống tàu từ lúc nào vì cả người và cái ba lô xinh xinh đều biến mất. Có lẽ cô ấy xuống ga Đồng Hới, cô ấy quê Quảng Bình mà. Chắc là thấy mình ngủ say, cô ấy không nỡ đánh thức dậy để chào.

Tàu gần về đến Huế, lão Hâm chuẩn bị xuống tàu, đi giày, mặc áo ngoài, bỗng phát hiện cái ví của mình trong túi áo ngực không cánh mà bay! Tìm tới, tìm lui, lật gối, lật giường lên tìm mà vẫn không thấy. Ô, hoá ra cô bạn đồng hành tối qua là một kẻ cắp chuyên nghiệp, quá là cao thủ!

Lo lắng vì mất hết giấy tờ và tiền bạc mang về thuốc men cho mẹ, lão Hâm ngao ngán tự trách mình không cẩn thận.

Xách đồ đi về phía cuối toa để xuống tàu, lão bị tay phụ trách toa chặn lại:

- Bác ở khoang nào?

- Khoang 7.

- Cùng khoang với cô gái xuống ga Đồng Hới?

- Đúng.

- Cô ta gửi cho bác cái này.

Xé cái phong bao nằng nặng, dán băng keo niêm phong, lão vô cùng ngạc nhiên thấy cái ví của mình. Mở ví ra kiểm tra, tiền bạc giấy tờ còn nguyên, không suy suyển tẹo nào! Một mẩu giấy nhỏ với những dòng chữ bút bi nguệch ngoạc được gài vào cạnh cái thẻ tín dụng:

“Lần sau đi đường chú phải cẩn thận hơn. Cháu cảm ơn chú vì câu “một con điếm vẫn còn hơn một kẻ cắp”. Chúc bà cụ thân sinh chú mau bình phục. Ký tên: một con điếm đã từng ăn cắp”

Chuyện lão Hâm tham gia đào tạo tài năng trẻ

Mới đầu giờ buổi sáng, theo thói quen, lão Hâm nhâm nhi cốc nước chè Thái pha vừa độ, lim dim mắt ngắm nhìn làn khói thuốc từ từ bay lên và tan dần như cái hư ảo của cuộc đời này thì cục mobi của lão rung bần bật trong túi quần.

- Bác Hâm đấy à, bác có bận gì không? Giọng Sếp ngọt ngào. Sếp có thói quen dùng điện thoại di động mọi nơi mọi lúc, khi có điện thoại cố định ngay bên cạnh và cả khi đối tượng gọi chỉ cách Sếp mươi bước chân.

Lão phân tích rất nhanh: thứ nhất gọi đến máy bạn lại hỏi bạn đấy à là một câu nói không chứa thông tin, thứ hai là lính không bao giờ được phép bận với cấp trên mà Sếp hỏi có bận không thì lại càng không có ý nghĩa thông tin. Duy nhất chữ “bác” là cần phân tích. Khi Sếp gọi bạn là ông, bạn hãy coi chừng, gọi là anh thì cứ mạnh dạn làm việc, gọi là bác thì ắt là Sếp muồn nhờ cậy gì đây, còn gọi là cụ thì bạn có thể đánh cược với người khác là mình sắp về hưu (tất nhiên Sếp chả bao giờ mày tao với ai). Lần này Sếp gọi là bác, giọng có mùi kẹo dừa, ổn thôi!

- Hâm đây ạ, lão trả lời vừa tròn vành rõ chữ vừa không tỏ ra xu nịnh cấp trên, điều này Sếp đã thừa biết.

- Bác pha chè chưa, tôi có ít chè móc câu, bác lên tôi uống đi!

Lên thì lên. Một phút sau lão đã được Sếp bắt tay thân mật, bàn tay Sếp mềm và lạnh như không có xương và không có máu chảy trong đó. Cũng bàn tay đó bóc bao 3 số rồi châm lửa cho lão:

- Hà hà, đêm qua bác có xem bóng đá không?

- Không ạ, tôi gõ nốt mấy trang dự án, muộn rồi nên đi ngủ mai còn đi làm sớm. Nói thế này là khôn, lão thầm nghĩ. Nếu mình nói có tuổi rồi, sức khỏe không cho phép thì hóa ra nhắc nhở Sếp cho mình về hưu. Tớ hâm nhưng tớ chả dại!

- Hôm qua thằng Chelsea lại thua thằng Liverpool 0-1. Bác bình luận sao về chuyện này?

- Dạ, thua là phải thôi, đâu phải cứ có nhiều tiền là vô địch được.

- Trời ơi, bác Hâm, Sếp vỗ đùi. Tôi hoàn toàn đồng ý với bác. Bác nói ra lời nào cũng chứa đựng triết lý sâu xa cả, ở gần bác quả là tôi học được rất nhiều điều.

Thế ư, lão Hâm nghĩ thầm (các bạn chắc đã quen với việc lão rất hay nghĩ thầm), vậy là Sếp ngụ ý Sếp kém tớ, sao Sếp không làm đơn xin từ chức và giới thiệu tớ lên thay Sếp?

- Đúng tiền không phải là tất cả, ở đời nhiều khi tiền không bằng tình, tiền không mua được tình, bác Hâm nhỉ? Sếp nở nụ cười tròn trịa, tươi tắn thành thật và thân tình.

Ơ toàn chữ T à? Đúng thôi, Tình và Tiền đều là T cả. Tình và Tiền dẫn đến các tình huống toàn T: tơ tưởng, thèm thuồng, tan tành, thất tán, tương tàn, thê thảm, tù tội hoặc ngược lại: tươm tất, thành tựu, tốt tươi, thơm thảo, thăng tiến,...Nhưng mà Sếp muốn gì ở tớ nhỉ, tiền tớ chẳng có, tình thì ...pêđê à?

Như đọc được ý nghĩ trong đầu lão Hâm, Sếp cười thêm tý nữa:

- Nghe nói bác có ông bạn thân là chỗ thân quen với Giám đốc Sở TDTT Thành phố? (Khá khen cho Sếp giỏi điều tra!)

- Hình như chúng nó có học cùng phổ thông, đá bóng với nhau. Sau này ông ấy làm to, bạn tôi ít qua lại nên thân dần thành sơ.

Ông bạn của lão Hâm đi bộ đội về không nghề nghiệp, xoay ra làm chuyện vệ sinh môi trường, ngày trước gọi là đổ thùng. Dần dần khấm khá, mở công ty tư nhân chuyên hút bể phốt mang tên Niềm vui cho mọi nhà.

- Chết, các bác kỹ tính quá. Các đồng chí lãnh đạo sống là chí lý chí tình lắm đấy. Không có gì bằng tình bạn thủa hàn vi, dân ta có chuyện Lưu Bình Dương Lễ bác cũng biết rồi đấy.

- Thế ... Sếp cần gì ạ? Lão xé toang hàng rào vòng vo của Sếp.

- À, tôi có chuyện này, chuyện Tình bác Hâm ạ. Tôi có anh bạn thời học sinh, như các bác với ông Giám đốc Sở TDTT ấy. Bây giờ bác ấy đang làm chuyên viên (ý là cũng như tớ chứ gì!), hoàn cảnh hơi khó khăn (Sếp có biết tớ cũng khó khăn không?). Tôi luôn tìm cách giúp đỡ (Sếp quý hóa quá!). Bác ấy muộn con, được mỗi thằng cu năm nay 7 tuổi. (Liên quan gì đến chúng tớ, muốn tớ đến kèm nó học miễn phí hay ông bạn tớ đến làm vệ sinh môi trường cho nó?). Được biết bên Sở TDTT đang mở lớp năng khiếu bóng đá, đào tạo tài năng trẻ cho tương lai.

- Cậu quý tử ấy đá hay lắm ạ? Lão Hâm đi thẳng vào thực chất, tính lão vốn thế.

- Ừ... cái ấy thì tôi không rõ, mình làm gì có thì giờ xem bọn nó đá bóng mà biết. Nhưng cái đó không quan trọng, có công mài sắt có ngày nên kim, ngày trước tôi học đâu có giỏi, thế mà bây giờ cũng không đến nỗi. (Thế đấy!) Khà khà... Bác ấy có bàn với tôi xin cho cháu vào lớp năng khiếu bóng đá, đỡ tiền nuôi ăn, đỡ phải lo nó lêu lổng ngoài đường, tôi thấy cũng hợp tình hợp lý. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là bác, nghĩa là chỉ có bạn bác mới giúp được việc này.

Thấy lão ngần ngừ, Sếp nhanh tay rút từ trong ngăn kéo ra một phong bì:

- Cái này để các bác lo chi phí dọc đường, hì hì...

(Chi phí dọc đường ư? Nghĩa là mọi con đường đều cần lộ phí? Sếp ơi, phải thừa nhận khoản này thì tớ là học trò ngu của Sếp, lời Sếp nói mới là chân lý, lời tớ nói lâu lâu có tý tẹo triết lý thôi, nay tớ xin rút lui ý kiến lên thay Sếp, xin lỗi Sếp nhiều nhé!)

- Bác lấy xe ôtô của tôi mà đi cho tiện.

Lão Hâm gọi điện cho ông bạn Niềm vui, 30 phút sau ông này chạy xe đến, thế là lão Hâm ta cùng bạn chễm chệ xe hơi đi một quãng đường vẻn vẹn 300m đến Sở TDTT thành phố. Gã thường trực cơ quan cau có y như đang lên cơn đau dạ dày:

- Sếp đang họp.

Thì đúng quá rồi còn gì nữa, việc của các sếp là họp, nếu không họp hóa ra là sếp đang chơi à, Lão Hâm nghĩ bụng. Chần chừ một chốc, Niềm vui bạn lão rút cục gạch trong túi ra, chui vào chỗ khuất để ông đi qua bà đi lại không nhìn thấy cái mobi siêu dày của hắn (ngày nạp pin 2 lần) gọi về nhà nhờ vợ lục tìm số điện thoại di động của ông Giám đốc Sở.

- Alô Niềm vui đấy à, lâu lắm không thấy cậu gọi, hôm hội trường thì tớ lại đang bận tối mũi vào cái Si Gem. Cậu đang ở đâu đấy?

- Đang ở thường trực nhà ông đây, nó éo cho vào, bảo ông đang họp.

- Được, được, tớ sẽ bảo nó.

Nửa phút sau, gã thường trực chạy ra góc khuất tìm Niềm vui, mặt tươi như chiêu đãi viên hàng không:

- Kính các bác ạ. Giám đốc mời các bác lên. (Lại lên!)

Phòng Giám đốc to và đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, máy điều hòa chạy êm hơn quạt thông gió của con PC đời chót chét đen chùi chũi, nằm cạnh bàn làm việc rộng thênh thang, 2 cặp vợ chồng già nằm vẫn vừa...

Ông Giám đốc vui vẻ và lịch sự mời hai lão ngồi (lão Hâm gửi một nửa cái bàn tọa của mình lên chiếc ghế bành êm vô tả, nửa còn lại lão treo trên không khí), hỏi thích uống loại nước gì, mở nắp hộp thuốc lá Con mèo ra mời. Chẳng nói chẳng rằng, Niềm vui móc túi, ném cái phong bì dày dày Sếp lão Hâm đưa như ném con Phăng teo xuống mặt bàn nước. Giám đốc hơi sững sờ rồi phá lên cười ngặt nghẽo:

- Niềm vui ơi là Niềm vui ơi, mày vẫn y như ngày xưa! Má Giám đốc hơi ửng hồng như thể vừa được uống ly rượu bổ, ly rượu tình bạn trong sáng thủa thiếu thời.

Niềm vui không vòng vo Tam Quốc, nói thẳng mục đích cuộc viếng thăm đột ngột. Rất chóng vánh, ông Giám đốc nhận lời, ghi họ tên chú nhóc con ông bạn của Sếp lão Hâm vào quyển sổ bìa da mềm mại. Ông Giám đốc hỏi thăm Niềm vui tình hình những người bạn học cùng lớp rồi chuyển sang nói về các phương hướng công tác của Sở TDTT năm nay, giọng điệu và thái độ y như đang báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy. Đấy mới là đỉnh cao của phép lịch sự, lão Hâm nghĩ vậy.

Bất thình lình Niềm vui đứng dậy chào ra về, lão Hâm luyến tiếc nhấc nửa cái bàn tọa ra khỏi chiếc ghế bành êm như được độn toàn lông mèo. Biết tính khí Niềm vui, ông Giám đốc không bất ngờ, cười thoải mái, vơ cái phong bì bị bỏ quên nãy giờ đút vào túi quần bộ đội bạc màu của Niềm vui. Gã này phớt tỉnh đi ra làm cho lão Hâm phải lẽo đẽo chạy theo sau.

Hai anh em lên xe ra về. Nghe tin được việc, chú lái xe hứng chí bật cassette:

“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau của Mẹ...”

Lão Hâm bâng khuâng không biết mình đang buồn hay vui. Giải quyết xong việc Sếp nhờ cậy thì vui, nhưng buồn vì không biết bao giờ bóng đá thành phố mình mới cất cánh được, khi các trường đào tạo tài năng trẻ đã biến thành các nhà trẻ chứa con cháu của một số người gửi gắm.

X

X X

Sáng hôm sau, đang chuẩn bị pha ấm chè như thường lệ, lão Hâm nghe thấy tiếng ồn ào trên tầng 2, điều chưa bao giờ xảy ra. Chạy vội lên, lão thấy rất nhiều anh chị em trong cơ quan đứng chật kín phòng làm việc của Sếp, thi nhau ca ngợi Sếp đầy lòng nhân ái. Mặt Sếp rạng rỡ pha chút khiêm tốn. Hóa ra tối hôm qua TV thông báo Sếp của lão Hâm đã đóng một số tiền kha khá cho Quỹ ủng hộ người nghèo.

Lững thững tụt xuống tầng một, lão Hâm cười sảng khoái:

- Bố cái anh Niềm vui!

(12/01/2004)

Viên kim cương lấp lánh

Lão Hâm được tiếng là người thanh bạch. Hồi còn ngồi ghế lãnh đạo, lão không ăn của đút, không bán chữ ký, không hạnh họe người ta để kiếm tiền. Suốt đời lão nhớ lời của ông nội dạy khi lão còn bé tý: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách thì giữ lấy lề”. Ừ thì lão vẫn sạch, vẫn thơm. Vì vậy nên lão nghèo.

Mà có phải vì sạch hay chỉ vì nhát gan mà lão không dám ăn bẩn như nhiều kẻ khác? Thôi cứ coi như là lão là người tốt đi, người tốt bây giờ hiếm như lá mùa thu, nghĩ vậy lão cũng cảm thấy tự hào.

Nhưng lão không thể không cần tiền. Cái gì bây giờ cũng tăng giá, giá tăng như tức nhau tiếng gáy mà tăng chứ không phải tăng bình thường. Bát phở trước Tết có 10 ngàn, bây giờ mới hết tháng Giêng con mẹ béo đầu ngõ bán tận 15 ngàn. Bơm bánh xe máy hết 2 ngàn rồi. Xăng lên giá, điện cũng xin Chính phủ cho tăng nữa. Họ bảo tăng lên cho kịp mặt bằng giá thế giới, xoá bao cấp, hội nhập quốc tế đầy đủ. Thế cái giá lao động ở ta có tăng theo mặt bằng thế giới không nhỉ? Chả thấy ai nói điều này. Ông bạn lão, nhà thơ chính hiệu con nai vàng hẳn hoi, làm thơ ai cũng khen hay, Tây có làm thơ thì cũng chỉ hay đến thế là cùng, gửi anh bạn quen đăng báo giúp, nhuận bút chỉ có năm mươi ngàn bọ, hơn ba bát phở một tẹo. Nhà thơ nọ vẫn phải sống, không viết được thì lách, thỉnh thoảng làm vài ba bài văn xuôi vô thưởng vô phạt gửi mấy tờ báo có nhuận bút cao để kiếm tiền.

Lão chả có cách nào để kiếm tiền. Bơm xe không đến lượt lão, bán chè chén thì ngồi lâu mỏi lưng. Viết hồi ký thì lão chả có gì để viết, lão có quen ông nào nổi tiếng đâu mà viết, chả lẽ lại viết về cuộc đời vừa thơm vừa sạch nhưng nghèo của lão?

Thế là lão Hâm ngồi mơ suông. Cái kiểu mơ của lão cũng quân tử lắm, lão không thèm mơ vớ mơ vẩn, mơ nhặt được bó tiền vài tỷ hay đào được mấy cân vàng. Lão mơ có được một viên kim cương to bằng quả trứng gà, hình như theo thời giá cỡ trên một triệu đô. Chẳng phải vì một triệu đô là 17 tỷ đồng tiền Việt, mà vì một triệu đô nghe mới oai, mới sáng láng. Mà lão mơ về viên kim cương thì có gì là xấu?

Một đêm nọ Bụt hiện lên, cho lão một viên kim cương to như lão mong ước. Ông Bụt này có vẻ bận nhiều việc, lão chưa kịp nói lời cảm ơn thì Bụt đã biến mất rồi. Bụt biến mất, nhưng viên kim cương thì vẫn còn nguyên, lão cầm lên xem, thấy nó vừa to vừa đẹp, sáng lấp lánh trong đêm tối như bưng.

Biết là kim cương rất cứng, lão dùng răng cắn thử. Cứng thật, chả có tí vết nào.

Ngày hôm đó, ngày hôm sau nữa, rồi mấy tháng sau lão không hề rời viên kim cương nửa bước. Lão ngắm, lão sờ, lão mê mẩn viên kim cương. Lão nghĩ đúng là lão đã được Trời Phật khen thưởng xứng đáng cho một đời lao động chân chính của lão.

Lão bọc viên kim cương trong một cái khăn mù xoa, buộc chun thật kỹ, dùng kim băng đính vào trong túi quần để ra đường không bị rơi hay kẻ cắp lấy mất. Thấy cái xe Toyota Camry đời mới chạy qua, lão cười khẩy: “Viên kim cương của ta có thể đổi được ba chục cái xe bóng lộn như thế!” Và lão cười tiếp, lần này là cười sung sướng.

Mấy tháng trôi qua, mấy tháng hạnh phúc tràn trề của lão. Rốt cuộc lão nghĩ mình sẽ làm gì với viên kim cương? Bán cho ai, bán như thế nào. Giá cả thế giới là một chuyện, chứ giá ở Việt nam là bao nhiêu? Liệu có cửa hàng kim hoàn nào đủ tiền để mua viên kim cương to đùng của lão? Mà nếu lão để lộ ra là mình có viên kim cương bạc triệu đô thì có khi chưa kịp bán nó, lão đã bị bọn xã hội đen cho trôi theo sông Hồng rồi? Lão sợ, lần đầu tiên lão có cảm giác lạnh sống lưng khi nghĩ đến cảnh bị trói giật cánh khỉu, cho vào bao tải và bị ném từ trên cầu Thăng Long xuống dòng nước sông Hồng đục ngầu.

Lão già rồi, đời lão chả đáng mấy nữa, lão tiếc là tiếc viên kim cương sẽ không còn lão. Lạ nhỉ, viên kim cương có tiếc lão hay không mà lão nghĩ vậy?

Cuối cùng lão quyết định nói thật với đứa cháu làm công an kinh tế và tham khảo ý kiến của nó, dù sao thì cũng là hậu sinh khả uý. Nỗi đau hay niềm vui đều cần được chia sẻ với ai đó, giữ lâu trong lòng khó chịu lắm.

Lão lôi thằng cháu vào buồng riêng, thì thầm, bí mật cho nó xem viên kim cương. Chú trung uý công an ngạc nhiên, mặt dài như cái bơm. Nó mân mê viên kim cương, ngắm nghía hồi lâu rồi buông một câu làm lão bực mình:

- Liệu viên kim cương này có giả không chú, hoặc nó là kim cương nhân tạo? Loại to như thế này rất hiếm, thường có tên tuổi và đều được ghi trong danh sách kim cương của thế giới chú ạ.

- Của Bụt cho tao mà giả sao được? Lão chỉ biết trả lời như vậy.

Thằng cháu công an được đào tạo cái gì cũng phải qua kiểm tra mới biết được thực hư. Nó khuyên chú mang viên kim cương đi kiểm tra, tốt nhất là đến phòng thí nghiệm của Viện Vật lý, ở đó có thiết bị hiện đại đáng tin và hơn thế nữa, nó có người quen cũng rất đáng tin làm ở đó.

Thế là dưới sự áp tải bảo vệ của đồng chí sỹ quan công an, lão Hâm mang viên kim cương của mình đến Viện Vật lý. Đích thân lão và thằng cháu ngồi dương mắt xem cô thí nghiệm viên tiến hành chiếu chụp, ép nén, cân đo cẩn thận. Người lão căng thẳng, giữa mùa đông mà trán lão toát mồ hôi, chờ lời kết luận của cô gái như chờ tuyên án tử hình.

Án tử hình đến thật, qua miệng cô gái:

- Đây là kim cương giả, nó được làm bằng thuỷ tinh cao cấp.

Không tin vào đôi tai đang ù lên của mình, lão Hâm thều thào:

- Có cách kiểm tra nào đáng tin hơn không?

- Có chứ bác, một cách rất đơn giản là ném nó xuống sàn đá hoa, nếu là kim cương thật thì sẽ không bao giờ vỡ.

Ừ nhỉ, chính lão cũng biết điều này, mà sao lão không thử nhỉ. Lão nhìn thằng cháu, cầu cứu nó ném giúp viên kim cương xuống đất. Trong chớp mắt, cánh tay có võ của chú công an vung lên, viên kim cương vỡ thành nhiều mảnh vụn, bắn tung toé như pháo hoa.

Lão Hâm đứng không nổi, ngồi phịch xuống ghế, thốt lên mấy tiếng:

- Trời ơi, Bụt mà cũng lừa đảo?

Vẩn vơ một ngày

6 giờ sáng. Lão Hâm tỉnh ngủ. Lão Hâm có thói quen tỉnh dậy vào đúng giờ đó, dù đêm hôm trước thức khuya hay đi nằm sớm. Đánh răng. Cạo râu. Râu là thứ đàn ông nào cũng cần có, có chỉ để mà cạo mỗi buổi sáng, đôi khi sơ ý là rách môi. Một số ông để râu, nhưng sáng nào cũng phải mất công tỉa tót bộ râu của mình, cạo bớt chỗ thừa, xén chỗ vênh v.v., còn mệt hơn là cạo đánh vèo một cái như lão.

Tập thể dục. Không khí chả có tội tình gì cũng bị lão Hâm đá mấy cái, đấm mấy phát.

Rồi lão đi quét vườn. Lá rụng, chó ỉa đầy sân. Con chó phú quý giật lùi, toàn bậy vào ngay truớc cửa. Lão Hâm vừa lầu bầu chửi con chó, vừa lấy chân đá nó ra xa mà nó cứ lăn xả vào hôn hít. Giống chó lạ thật, chủ có đánh mắng bao nhiêu, chúng vẫn cứ quý mến chủ như thường. Con người thì khác, có kẻ mình chả hại gì nó, nó cũng sẵn sàng đớp mình một phát vào mông.

Tưới cây. Cây nhà lão Hâm không nhiều nhưng nhiều loại khác nhau, mỗi loại đòi hỏi lượng nước tưới không giống nhau. Tưới cây cũng công phu ra phết. Thực vật vô tư hơn động vật, đủ chất, đủ nước, đủ mặt trời là nó ra hoa kết quả, có loại hoa đẹp và thơm, có loại thơm không đẹp, và có loại đẹp không thơm. Con người cần thơm và đẹp nên trồng hoa, nhờ thế các giống hoa được sinh tồn.

7 giờ. Ăn sáng. Một lát bánh mì nướng lại bằng lò điện, thơm lừng. Quẹt bơ. Một ly cafe tan. Một điếu thuốc. Ăn thế thôi, ăn nhiều không tốt. Hồi này hơi giảm cân, lão Hâm không vui, một người bạn thân động viên là gầy cũng không sao, miễn là khỏe. Lão vặc lại khỏe để làm gì, người kia cười khúc khích: “Để phụng sự xã hội”.

Xã hội có cần lão Hâm phụng sự không nhỉ? Nhà nước cho lão về hưu rồi, dù lão thấy đầu óc mình chưa mụ mị, chân tay vẫn nhanh nhẹn, có khi còn nhanh nhẹn hơn hồi 30 tuổi. Thế bây giờ xã hội muốn lão Hâm phụng sự cách nào đây?

Nhâm nhi cafe, châm điếu thuốc, xem TV để biết thế giới đang làm gì, giá dầu mỏ tăng bao nhiêu, anh nào thử vũ khí dọa anh nào. Dượt các kênh, thấy chỗ nào có phim Hàn Quốc là lão Hâm nhăn mặt, bỏ qua.

8 giờ. Lão bật máy tính. Lão Hâm nối máy xách tay với màn hình LCD, chạy thế vừa đỡ tốn điện vừa mát nhà.

Check mail. Con cháu học ở Mỹ báo là thôi không yêu thằng Q nữa, bây giờ chơi với thằng H. Thanh niên bây giờ vô tư hơn tụi lão ngày xưa. Yêu – không yêu – yêu. Xoành xoạch. Không bị ai cấm đoán.

Một người bạn báo là in xong tập thơ, muốn gửi tặng. Khổ, thơ ở Việt nam đạt năng suất và sản lượng cao nhất thế giới. Sao không anh nào nghĩ ra mẹo xuất khẩu thơ nhỉ? Thế là Việt nam đạt kỷ lục xuất siêu ngay.

Mấy cái quảng cáo viagra. Bọn này giỏi thật, kiểu gì nó cũng mail quảng cáo cho mình được. Bố ứ cần viagra!

Vào vnweblogs. Nhiều bài mới quá. Có một số bài thơ hay. Bài hay ít người cảm nhận, có chăng thì vài người bạn vào đong đưa vài câu. Lão Hâm ít khi vào khen thơ ai, khen làm gì, mình đọc, mình cảm thụ cái hay của người ta là đủ rồi. Ngược lại, bài tếu táo thì người ta vào tới tấp. Đời là thế mà.

Viết cái gì bây giờ? Viết cái lớn thì chưa lấy đà, chưa có hứng, viết cái nho nhỏ thì chả bõ.

Lại châm một điếu thuốc, kệ nó, để từ từ rồi viết.

9 giờ. Điện thoại réo. Một giọng có độ cồn khoảng 39 độ: “Làm éo gì mà lâu thế, ra đi, Mạnh hoạch!”. Lão Hâm nhẹ nhàng trả lời: “Nhầm máy rồi”. Cái giọng kia gọi lại: “Ra đi, có cả sếp ngồi đây!”

Mẹ kiếp, hội nào mà mới 9 giờ sáng đã nhậu, sếp nào mà nhậu từ 9 giờ sáng?

Chưa hết bực mình vì cú điện thoại sai địa chỉ, lão Hâm có tin nhắn: “Cước dịch vụ của quý khách tháng này là 285.500đ, xin quý khách vui lòng thanh toán trước ngày 28”. Mình có gọi cho ai đâu mà hết nhiều tiền thế nhỉ. À, có thể mấy hôm xem bóng đá, hứng chí gọi cho mấy thằng bạn trao đổi, bình luận.

10 giờ. Chưa viết được dòng nào, có khi hôm nay không viết được chữ nào cũng nên. Điện thoại lại reo: “Anh khoẻ không? Anh đang làm gì thế? Anh có tiền cho em mượn tạm một chục?” Lão trả lời nhát gừng: “Anh khoẻ, đang nghỉ hưu. Em cần tiền làm gì?” Bên kia nói như mếu: “Con em vào lớp một, em phải đóng học phí học kỳ một cho nó là 14 triệu rưỡi, mà em chỉ có 5 triệu”

Mẹ kiếp (hồi này lão Hâm hay chửi bậy quá), học hành gì đếch gì mà tốn thế, đưa đến đây tao dạy cho, không thành người không lấy tiền!

Nói thế nhưng lão vẫn phải mặc đồ ngoài, ra Bưu điện gửi tiền cho cô em họ. Xúi xẻo làm sao, viết đến lần thứ 3 mới được cô nhân viên bưu điện chấp nhận, không lỗi này thì lại thiếu cái kia. Mình già thật rồi, lẩm cẩm thật rồi, có mỗi tờ khai gửi tiền mà viết mãi không xong. Cô bưu điện nhìn lão với con mắt thông cảm, còn lão nhìn lại với con mắt ngưỡng mộ, ngụ ý cô xinh thật đấy, làm cô ta hơi ửng đôi má, chắc trong lòng cô cũng thấy vui vui?

11 giờ. Cắm nồi cơm điện. Trời đổ mưa. Chạy lấy quần áo phơi ngoài trời vào. Mưa to quá, tranh thủ cọ sân. Vẫn còn mưa, lão rửa xe luôn, đằng nào cũng ướt như chuột rồi.

Lại ngồi vào máy tính. Diễn đàn Văn hoá Thể thao. Chửi nhau như hát hay. Diễn đàn 3M. Mấy con mụ nanh nọc bày trò ghen tuông nói xấu nhau. Diễn đàn Nhiếp ảnh. Ồ nhiều ảnh đẹp quá, phải chôm vài cái mới được. Mấy cái ảnh nuy cực đẹp…

Tin nhắn trên Yahoo Maessenger: “Em họp giờ này mới xong, kiểm điểm vụ để lọt một bài nói bậy lên báo. Uỷ ban tỉnh đang cáu. Chúc anh ăn ngon!”

Vâng, cảm ơn em, anh sẽ ăn ngon, nếu em muốn. Còn anh thì không thể chúc em chiều nay họp ngon được.

12 giờ. Ăn cơm, đánh một giấc. Ngủ là chết, nếu không nằm mơ. Lão Hâm không có thói quen nằm mơ buổi trưa. Đêm ngủ lão hay nằm mơ, lão nằm mơ rất khác người, có cốt chuyện đàng hoàng, lâm ly và hấp dẫn lắm, có điều khi tỉnh dậy lão không còn nhớ gì nữa.

Có lần lão kể với một người bạn là lão nằm mơ thấy người ấy, đi chơi với người ấy trong trong rừng Đà Lạt. Người ấy thích thú: “Anh kể tiếp đi”, lão cười xoà: “Không kể nữa đâu. Em cũng có mặt trong giấc mơ, mọi chuyện em cũng biết như anh, cần gì anh kể?”

2 giờ. Lại ngồi vào máy tính. Blog không có gì mới. Người ta đi lại thăm nhau, nhờ có blog mà nhiều người kết thành bạn bè, chia sẻ vui buồn với nhau. Thế giới thu nhỏ lại, con người vươn xa ra.

Nhà văn nổi tiếng trao đổi với bạn đọc, các nhà thơ chọc ghẹo nhau. OK, thế càng vui.

3 giờ. Giữa trưa nắng, lão Hâm nhận được điện thoại mời lão ra sân tennis làm… trọng tài: “Bọn em có trận độ, phải bác trọng tài chúng nó mới chịu”. He he, lạ thế đấy, lão Hâm có uy tín là trọng tài giỏi, kô phải vì bắt chính xác mà là vì bắt cương quyết, lỡ đã bắt sai lão vẫn cứ kô chịu sửa sai, bắt trận đấu tiếp tục. Thế mà lại được việc. Làm quản lý cần phải nhất quán, không cần biết đúng hay sai, ha ha!

5 giờ. Sau tennis là bia. Mấy em gái tennis gọi về nhà báo không ăn cơm. chắc là báo cho ô sin, chứ thằng chồng giờ này đâu đã có nhà?

Không chép chuyện uống bia vào đây làm gì. Bia nói, bia cười, bia hát. Có gì hay đâu.

7 gìơ tối. Lại ăn cơm, lại xem TV.

8giờ tối. Lại ngồi vào máy tính. Làm đại một bài thơ đi, hôm nay chưa viết được cái gì. Mới nghĩ được cái đầu bài, chưa viết được câu nào thì Yahoo nhấp nháy: “Anh ơi, vào blog của Nguyên Hùng mà đọc, hắn mới có bài thơ hay lắm!”

Ờ, ờ, hay! Thôi tớ chả làm thơ nữa, làm cũng không hay bằng bài của Nguyên Hùng. Chán! Ngồi đọc vậy. Vợ Tổng thống Pháp nổi giận, Ronaldo bỏ cô nhân tình ăn mặc hở hang, giá đô la lại lên.

Chán nhỉ, thế là sắp hết buổi tối rồi, và cũng sắp hết một ngày

11giờ. Đánh răng, chuẩn bị đi ngủ. Tự nhiên nghĩ lẩn thẩn: Nếu một tỷ ba người Trung Quốc cùng hẹn nhau đánh răng vào đúng 11g như mình và họ đánh răng đều như duyệt binh thì sao nhỉ? Rào, rào, rào, kể cũng hay.

Thôi lão chẳng nghĩ tiếp nữa, mà lão có nghĩ thì ta cũng không nên chép vào đây, lão Hâm là chúa nghĩ ra những chuyện cực bậy…

Tô phở sốt vang

Sau lễ phát động thi đua và trao kỷ niệm chương “Vì sự đóng góp phát triển ngành công nghiệp”, nhiều người rủ nhau lên Nhật Tân ăn thịt chó. Lão Hâm không đi. Lão ghét ngồi với những kẻ chỉ tốt với nhau khi chè chén. Sẵn có cái phong bì kèm theo kỷ niệm chương, lão quyết định vào nhà ăn của Bộ. Nhà ăn sạch sẽ khang trang, có máy lạnh, khăn thơm mà lại rẻ hơn ở ngoài.

Gọi tô sốt vang và chai bia Hà nội, lão bình tĩnh chờ tới khi cô nhân viên đỏm dáng bưng đến một tô sốt vang với nửa móng tay cái ngập trong nước phở. Sau khi cho đủ chanh ớt, lão bắt đầu đón chào bữa ăn trưa vào bụng.

Sự ngon miệng nhanh chóng biến mất vì miếng thịt lão nhai trong mồm cương quyết không chịu nát. Cố nuốt mãi không được, lão đành nhè ra, lấm lét nhìn quanh xem có ai nhìn thấy hành động mất lịch sự của mình không. Lão gọi cô nhân viên đã khuyến mại móng tay cái vào tô phở của lão:

- Cháu ơi, sao thịt dai thế?

Cô gái trả lời khô như bảo vệ cơ quan:

- Cái này cháu không biết, cháu chỉ biết bưng bê thôi. Chú phải hỏi nhà bếp.

Đúng lúc này một tay thanh niên ra dáng tổ trưởng chạy đến, lườm cô móng tay:

- Tốt nghiệp Đại học Sư phạm mà ăn nói thế hả?

Rồi quay sang lão Hâm:

- Xin chú thông cảm, hôm nay hai kỹ thuật viên nấu ăn bận đi nhận kỷ niệm chương Vì sự đóng góp phát triển ngành công nghiệp, mấy người mới làm chưa tốt lắm.

- Thế mấy người mới đó tốt nghiệp đại học gì? Lão Hâm buột mồm hỏi.

- Cháu chỉ biết họ có bằng đại học, ngành gì cháu không rõ.

Thuận tay, chàng thanh niên móc túi đưa lão tấm card “Nguyễn Văn A, Th.s lịch sử, Cử nhân chính trị, Trưởng Ban lễ tân nhà ăn Bộ”” và nghiêng mình chào rất lễ phép.

- Cảm ơn thạc sỹ, vậy tôi phải làm gì khi mấy miếng sốt vang kia không nuốt nổi?

- Có lẽ cháu sẽ mới Giám đốc nhà ăn đến gặp chú. Chàng thanh niên lúng túng bấm máy di động. Hai phút sau, một người đàn ông trung niên đĩnh đạc bước về phía lão Hâm, cái đầu hói cùng cặp kính loang loáng phản chiếu những ngọn đèn, đôi tay giang rộng:

- Chào đồng chí, mời đồng chí vào phòng tôi uống nước!

Đã ăn được miếng đếch nào đâu mà uống nước, lão Hâm lầu bầu trong bụng, nhưng vẫn lẽo đẽo đi vào phòng Giám đốc. Căn phòng rộng, đẹp. Giám đốc pha trà mời rồi rút card vizit trao cho lão Hâm “Trần Văn B, TS Luyện kim màu, Uỷ viên Hội đồng Sức khoẻ của Bộ, Giám đốc nhà ăn Bộ”.

Bây giờ lão Hâm biết chắc là trưa nay mình phải nhịn đói rồi.

Ngồi nhầm chỗ

Lão Hâm soạn một bài phát biểu để sếp đọc tại “Hội thảo ý tưởng phát triển tỉnh Y đến năm 2050”, nhưng đến phút chót, sếp lại phải đi dự một cuộc họp quan trọng hơn nên bút phê cho lão Hâm đi họp thay. Vì vậy, dù đã ba chân bốn cẳng mà lão Hâm vẫn đến hội thảo chậm 15 phút.

Trước mặt mỗi đại biểu đều có biển đề cơ quan mình đại diện. Chỉ còn duy nhất một chỗ trống có biển đề “Hội nông dân VN”, lão Hâm đành ngồi đại vào đó, thầm nghĩ chắc hẳn bác nông dân nào đó đã vô ý ngồi vào chỗ “Hội Điện tử” của lão mất rồi.

Cho đến trước giải lao, cuộc hội thảo diễn ra rôm ra, bởi chủ yếu là đại diện các cơ quan quản lý nói là chính, chung chung và cẩn trọng. Sau giải lao với màn ăn nhẹ, trà, cà-fê và cái phong bì xinh xinh, số lượng người tham gia hội thảo ngót đi trông thấy, phòng họp vắng hẳn đi một nửa.

Chỉ tay về phía lão Hâm, chủ tọa trân trọng mời đại biểu Hội nông dân phát biểu. Không thèm mất công đính chính mình không phải là nông dân, lão Hâm trình bày những ý tưởng của ngành điện tử trên địa bàn tỉnh Y: áp dụng công nghệ nano trong sản xuất vật liệu mới, ứng dụng các chương trình phần mềm trong quản lý giao thông nông thôn, trong quản lý vật nuôi và cây trồng…

Cả hội trường vỗ tay rào rào, nông dân mình chịu khó cập nhật kiến thức KHKT ghê!

Đến lượt ông “Điện tử dỏm” phát biểu, ông đề nghị xây dựng cơ cấu cây trồng dựa trên khả năng đất đai, khí hậu, năng lượng của tỉnh và kiến nghị ngành hàng không sản xuất hàng loạt máy bay trực thăng phục vụ bảo vệ rừng, phun thuốc trừ sâu…

Cả hội trường lại vỗ tay rào rào, dân điện tử mà nắm tình hình nông nghiệp sát ra phết!

Hội thảo thành công tốt đẹp, nó mở ra triển vọng sẽ còn có nhiều hội thảo tương tự trong tương lai.

Ra về, lão Hâm cứ băn khoăn: thực ra trong hội thảo hôm nay có bao nhiều người ngồi nhầm chỗ như mình?

Thảo bèo

Thảo là cô thủ quỹ ở công ty lão Hâm. Cô có thêm tên “bèo” kèm theo vì tuy nhà rất giàu, đi làm bằng xe hơi nhưng cô rất thích kiếm tiền, lại theo kiểu gà mù ăn quẩn cối xay, làm gì cũng phải có tý tiền Thảo mới chịu.

Vì có chân trong ban chấp hành công đoàn công ty nên Thảo được giao nhiệm vụ mua vé tàu hỏa cho cả công ty đi nghỉ mát ở Nha Trang. Nói thế cũng chưa đúng hoàn toàn, phải nói thêm rằng chồng Thảo là cán bộ quản lý thuế một Tổng công ty lớn trong ngành giao thông vận tải, vé khan mấy anh ta cũng can thiệp mua được. Và cũng phải nói thêm nữa rằng, mỗi vé máy bay khứ hồi HAN-HCM-HAN, Thảo được hoa hồng ba mươi ngàn, bằng đúng một ngày lương theo hệ số của cô ta.

Không cần phải nói thì bạn đọc cũng đoán ra, Thảo rất tích cực mua vé, đổi vé cho anh em trong cơ quan, đối với các đồng chí lãnh đạo thì Thảo càng nhiệt tình.

Lão Hâm lên tàu như mọi người, trình vé cho người phụ trách toa, leo lên tầng hai xếp cất đồ đạc, ổn định chỗ nằm. Mấy người bạn nhắn tin, kẻ chúc thượng lộ bình an, người nhờ mua dăm cặp cá ngựa. Cặp vợ chồng trẻ cùng khoang líu ríu nói chuyện, có thể họ đi tuần trăng mật…

Tàu từ từ chuyển bánh, tài tình vượt qua khe hẹp mà dân Hà nội để dành cho tàu hỏa thỉnh thoảng đi qua. Bệnh viện Bạch Mai, Ngã Tư Vọng rồi Giáp Bát lần lượt nằm ở phía sau.

- Bác cho kiểm tra vé, anh nhân viên đường sắt nói giọng vừa nhẹ nhàng vừa nghiêm trang, ước gì các chú cảnh sát giao thông cũng có được giọng nói này!

Lão Hâm sờ tay vào túi, cái túi mà lão đã nhét vào đó cái vé bé bằng hai đốt ngón tay. Không thấy vé đâu cả! Tìm hết các thể loại túi, cũng không thấy, mò mẫm các túi trong ba lô, cũng không có.

Anh nhân viên hoả xa từ tốn:

- Vậy bác cứ tìm đi nhé, tý nữa tôi quay lại.

Cái vé mất dạy không cánh mà bay, lạ thật, ai thèm lấy cắp cái vé đã có người sử dụng? Lão Hâm sang khoang bên cạnh, báo cáo trưởng đoàn về việc tự nhiên không thấy vé tàu đâu cả. Trưởng đoàn gọi Thảo, giao cô giải quyết việc này.

Mười phút sau tay phụ trách toa lại đến, biết lão Hâm không tìm ra vé, y nói lạnh như băng:

- Theo quy định của ngành đường sắt, bác phải nộp phạt 200% giá trị của vé.

Khốn nạn, chính mi đã kiểm tra vé của ta mi mới cho ta lên tàu mà? Hơn nữa ta đi cả đoàn mấy chục người, có cả một tập thể làm chứng chứ ta đâu gian dối gì? Nghĩ vậy nhưng lão Hâm vẫn nói giọng ôn tồn:

- Anh xem cách nào giúp tôi, chứ anh đã thấy rõ ràng là tôi có vé rồi mà?

Người thi hành công vụ làm vẻ mặt nghiêm trọng:

- Vậy lát nữa mời bác lên đầu toa làm việc.

Ôi cái tiếng Việt thân yêu, từ “làm việc” trong thời kỳ hiện đại và hội nhập này có nhiều nghĩa lắm!

Trong không gian nhỏ hẹp và kín đáo của phòng nhân viên, tay hoả xa chính thức đòi 200 ngàn. Hắn sẽ lập biên bản mất vé, có chữ ký làm chứng của những những người đi tàu. Chỉ có như thế thì lão Hâm mới có thể ra khỏi ga Nha Trang mà không bị phạt lậu vé.

Lão Hâm lại đi báo cáo trưởng đoàn, vốn dĩ lão rất tôn trọng tổ chức. Trưởng đoàn cáu:

Đã bảo là giao cho cô Thảo giải quyết, việc này mình có gian lận gì đâu, bác đừng đưa tiền mà làm hư hỏng cán bộ ngành đường sắt!

Chúng nó hư từ trước rồi bố ạ, lầu bầu trong họng rồi lão yên tâm về khoang của mình, nằm ngắm khúc ruột miền Trung loang loáng chạy qua cửa sổ.

Thảo gọi điện cho chồng, chồng Thảo điện cho Ga Hàng Cỏ, Ga hàng Cỏ fax cho ga Nha Trang giấy xác nhận hành khách Hâm đã mua vé. Tàu vào ga Nha Trang, tay nhân viên phụ trách toa bị trưởng tàu gọi xuống Văn phòng ga nhận bản fax, hắn vừa chạy vừa hậm hực nhìn lão Hâm. Còn Hâm ta thì khoái chí, xã hội văn minh là phải thế chứ, làm ăn đâu ra đấy!

Ra Hà nội, cả cơ quan phấn khởi sau chuyến đi nghỉ mát thú vị, lão Hâm cũng đầy ấn tượng về cảnh đẹp Nha Trang, về cú tắm bùn hi hữu, về …, tóm lại là nhiều ấn tượng lắm.

Đến ngày lĩnh lưong, Thảo bèo trừ của lão Hâm 500 ngàn, nói giọng lạnh tanh:

- Ông xã em phải mời mấy tay bên Ga Hà nội đi nhậu về việc mất vé của bác, hết hơn 500, thôi em chỉ trừ lương bác 500 thôi!

Cầm đồng lương còi trong tay, nó vốn đã rất nhẹ, hôm nay lão thấy nọ càng nhẹ, như một làn gió thoảng!

Meeting nhân Ngày nhà giáo

Vừa dựng xe máy, chưa kịp sà vào phòng bảo vệ làm chén nước chè và nghe các chú bảo vệ bình luận thời sự trong nước và thế giới như mọi khi, lão Hâm đã bị sếp réo vào di động:

- Tám giờ rưỡi có meeting ở hội trường, bác ngồi chủ tịch đoàn!

Đây không phải thông báo mà là mệnh lệnh, mệnh lệnh thì phải chấp hành. Lão Hâm về phòng, trút bộ đồ jean bụi đời, mặc com lê, thắt cà vạt, chải đầu đàng hoàng. Lão chả thèm phân vân là sẽ có cuộc meetting về việc gì mà lại tủm tỉm cười khi thắt cà vạt bỗng nhớ lại câu đố của chú hướng dẫn viên du lịch đưa ra lúc mọi người lên đỉnh Lang Biang, đứng trước bức tượng người đàn ông dân tộc thiểu số Tây Nguyên: “Người Châu Âu và người Tây Nguyên khác nhau chỗ nào?” Mọi người không ai đoán ra, chú hướng dẫn viên du lịch cười giải đáp:

- Người châu Âu đeo cà vạt trên cổ, còn người Tây Nguyên đeo cà vạt ở chỗ kín!”

Nhớ lại chuyện đó, lão Hâm nghĩ sẽ như thế nào nếu mình mặc trang phục đàn ông Tây nguyên và ngồi trên Chủ tịch đoàn? Hì hì!

Gọi là Chủ tịch đoàn cho oai, bởi chỉ khi đại hội đoàn thể nào đó hay đại hội cổ đông thì Chủ tịch đoàn mới thực sự, hay gần như thực sự làm việc. Trong các cuộc meeting, chủ tịch đoàn chỉ là vật trang trí, tương tự như mấy lọ hoa trên bàn có phủ vải màu đẹp mắt.

Lĩnh xong cái phong bì họp, lão Hâm leo lên chủ tịch đoàn, nơi đã có đầy đủ đại diện bộ tứ. Lão Hâm đoán rằng lão được sếp chọn lên chủ tịch đoàn là vì lão đại diện cho phe không ưa sếp, để tỏ ra sếp biết đoàn kết tập hợp mọi lực lượng?

Kệ, ngồi chủ tịch đoàn cũng vui. Lão liếc sang cô bí thư thanh niên, cháu đằng vợ của sếp. Bí tất màu da chân của cô bị rách một chỗ, loại bí tất này dễ rách lắm. Thôi ta chẳng cần tìm hiểu lý do vì sao nó lại rách, kẻo lại rách việc.

Sếp lên khai mạc Meeting, giọng sang sảng. Bây giờ lão Hâm mới biết đây là meeting chào mừng Ngày các nhà giáo.

He he! Lâu nay Tổng công ty cổ phần có meeting mít tèo gì đâu nhỉ, chi bộ, công đoàn toàn phải họp ngoài giờ. Vậy sao tự dưng sếp nhiệt tình với ngày nhà giáo thế? Lão ghé tai hỏi ông Chủ tịch công đoàn ngồi bên cạnh:

- Vợ sếp là nhà giáo à?

- Không.

- Vậy là bồ sếp?

- Không.

Lạ nhỉ?

Đến đây sếp trịnh trọng mời nữ nhà giáo ưu tú Nguyễn thị Bích Liên lên nói chuyện với hội trường. Nhà giáo Bích Liên khá đỏm giáng, thân hình tròn trịa, ăn nói lưu loát. Lão chỉ nhận thấy ở bà có bấy nhiêu ưu điểm thôi, mà thế cũng đã là khá nhiều rồi.

Cả hội trường chăm chú nghe nhà giáo Bích Liên nói chuyện, thỉnh thoảng rộ lên một tràng pháo tay do mấy tên cò mồi ra sức vỗ trước. Lão Hâm lơ đãng nghe, thấy nội dung không có gì mới. Ở phía dưới, trên hàng ghế đầu, sếp đang chăm chú lắng nghe, đầu gật gù như rất tâm đắc nuốt từng lời của diễn giả.

Cuộc gì rồi cũng tan, cuộc vui cho chí cuộc buồn, huống hồ là meeting có phong bì?

Sếp đích thân ra tận cổng bắt tay chào tạm biệt nhà giáo Bích Liên, trông rất nhiệt tình và lễ độ. Tất nhiên là phong bao bồi dưỡng diễn giả đã được trao trước đó, bao nhiêu thì chỉ trưởng phòng tài vụ biết.

Mãi đến tận ngày hôm sau, qua một kênh tin cậy, lão Hâm mới biết được rằng nhà giáo ưu tú Nguyễn thị Bích Liên chính là phu nhân của tân Bộ trưởng.