My Novel

Đánh bắt xa bờ

Là giám đốc một công ty lớn, ông là một người đàn ông đúng kiểu người của chủ nghĩa xã hội những năm 60 của thế kỷ trước. Một vợ, hai con gái xinh đẹp, giỏi giang đã trưởng thành, gia đình ông là hình mẫu gia đình lý tưởng. Không nhậu nhẹt, không hút thuốc, không rượu chè, không lăng nhăng bồ bịch, tóm lại là như mấy anh em tai quái trong công ty tán láo, sống bốn không như vậy thì sống chẳng hiểu để làm gì. Sáng nào cũng như sáng nào, ông có mặt ở cơ quan trước 5 phút khi giờ làm bắt đầu, như một cái đồng hồ sống. Mọi nhân viên đi làm muộn cho dù chỉ vài phút đều lấm lét canh chừng sao cho không bị ông phê bình. Tóm lại ông là tấm gương đạo đức sáng ngời cho nhân viên noi theo.

Năm năm trước lúc về hưu, ông được cấp trên điều động làm Giám đốc một công ty liên doanh mới thành lập ở một thành phố nhỏ ven biển để áp dụng một công nghệ đánh bắt hải sản mới, đánh bắt xa bờ. Ông cắp cặp đi xa theo lệnh điều động. Hàng tuần, rồi dần dần hàng tháng ông mới về thăm vợ con một lần. Vợ con ông chẳng mấy khi đến thăm ông, và tin tưởng ông tuyệt đối.

Sau khi về hưu, ông đột ngột dắt về nhà một thiếu phụ trạc 40 tuổi và một chú nhóc khoảng 5 tuổi, bụ bẫm, kháu khỉnh, giống ông như đúc. Vợ con ông chỉ còn biết chết đứng như Từ Hải, và chấp nhận cô vợ nhỏ cùng đứa con của ông. Ông đã thu hoạch được cả cá lớn, cá bé, cá mẹ, cá con, áp dụng thành công công nghệ "đánh bắt xa bờ".

Hoài niệm blog

Đã từ lâu mình không muốn nhớ đến sinh nhật của chính mình, chắc là do hội chứng... tuổi già. Tuy nhiên vẫn có một số người nhắc nhở bắt mình phải nhớ. Đó là anh chị em và người thân trong gia đình với những tin nhắn tình cảm, ấm áp, mọi người đều ở xa đều bận mà vẫn nhớ đến mình qua tin nhắn là quí lắm rồi. Đó là phòng hành chính của Công ty, vì công ty mình có lệ mừng sinh nhật và tặng quà sinh nhật cho tất cả nhân viên. Đó là admin của một trang blog và vài forum mà khi đăng ký thành viên, mình trót dại ghi đúng ngày sinh của mình. Ở trang blog bên kia, sinh nhật năm nay bạn bè chúc tụng tưng bừng lắm, có quà, có hoa, có thơ, có nhạc, đủ hết, làm mình rưng rưng cảm động tuy đó chỉ là quà, hoa, thơ, nhạc ảo.

Sinh nhật năm nay, mình chợt nhận ra rằng có rất nhiều người sinh nhật vào tháng chín. Trong công ty mình, năm nay mọi người tổ chức sinh nhật mỗi tháng một lần cho tất cả mọi người. Và tháng chín đúng là tháng có nhiều người nhất, danh sách dài dằng dặc, chủ tịch công đoàn trao hoa trao quà mỏi tay. Mùa cưới vào cuối năm, thuận vợ thuận chồng có con bồng vào tháng chín năm sau là câu giải thích của bạn Lục Bình, cũng sinh nhật vào tháng 9.

Sinh nhật năm nay, có một món quà tình cờ mà ý nghĩa, "Im Lặng" ra đời như một món quà kỷ niệm tuyệt vời với bạn bè blog. Lại nhớ đến "một thời đạn bom, một thời hòa bình" cùng bạn bè blog. Nhiều người lúc đầu chơi blog rất nhiệt tình nhưng sau rồi cũng chán. Giao lưu blog vui vẻ, thú vị nhưng cũng đầy những chuyện thị phi, và không thiếu những rác rưởi, bom bẩn của một vài kẻ đố kị lén lút ném vào nhà. Cũng như bạn Lục Bình, lúc đầu mình còn đau đớn, kinh ngạc, choáng váng, nhưng về sau thì chỉ còn thấy thương hại kẻ có tâm hồn hèn hạ, bệnh hoạn ấy.

Tuy nhiên suy cho cùng, blog cũng như internet vẫn đem lại cho mình niềm vui nhiều hơn. Mình có được một số bạn bè, nhất là mấy bạn gái tâm đắc, chia sẻ đồng cảm với nhau cả thơ văn lẫn chuyện đời. Ngoài đời, nhất là trong giới đồng nghiệp, khó mà có được những người bạn tâm đắc như vậy. Đối với mình, blog như một góc thư giãn cho tâm hồn sau tất cả những mệt mỏi, lo lắng của những chuyện cơm áo gạo tiền thường nhật. Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có... blog để chia sẻ và đồng cảm.

Mưa Sài Gòn

Có những ngày buồn, khi mà tâm trạng con người trở nên trống vắng, cô đơn không sao chịu đựng nổi.

Chiều hôm đó, mình đi làm về muộn. Trời đã tối sập, lại thêm một cơn dông đang quét trên đường phố, cuốn bụi rác xả vào mặt khách qua đường, báo hiệu một cơn mưa lớn sắp trút xuống.

Mình cố gắng chạy nhanh, những mong về kịp tới nhà trước khi trời đổ mưa. Mấy ngày nay mệt mỏi và ran rát cổ họng, dính thêm cơn mưa này nữa chắc nằm bẹp quá.

Vậy mà cái lốp xe lẹt xẹt không buồn chạy nữa, xịt lốp rồi. Nhìn quanh quất chẳng thấy tiệm sửa xe nào, mình cố tăng ga chạy rà rà tới, đảo mắt nhìn hai bên đường. Mãi rồi cũng thấy một tiệm sửa xe, bơm vá bên kia đường. Hì hục rà xe tới, dắt xe lên vỉa hè, ngoắc thằng bé thợ sửa xe coi giúp cái lốp xịt.

-Nát hết chân van rồi cô ơi, phải thay ruột ha cô?

- Vậy ha? Tại cô cố chạy tìm tiệm sửa xe của con đó. Thay đi vậy.

Ngồi lặng nhìn thằng bé hí húi tháo lắp, cảm thấy buồn ghê gớm. Những giọt mưa rào đã lộp độp rơi xuống mái hiên, và trong chốc lát dòng thác nước đổ ào ào nhanh như lũ cuốn trên đường. Thế là mình bị kẹt ở cái tiệm sửa xe này, bao giờ hết mưa mới mong về nhà. Trời trở lạnh, cái lạnh của trận mưa làm những người ốm dở cảm thấy rùng mình khó chịu. Tối nay chắc lên cơn sốt quá. Nỗi buồn lặng lẽ thấm vào tâm can, lạnh như nước mưa. Vì sao mà mình phải cô đơn một mình ở cái thành phố xa lạ này? Vì sao mà mình không có một bờ vai nào, một bàn tay nào giúp mình vượt qua nỗi cô đơn nhọc nhằn này? Ngồi buồn, lướt qua danh mục điện thoại và các tin nhắn. Định gọi cho ai đó để giết thời gian, mà cuối cùng không thể gọi cho ai. Đọc lại mấy tin nhắn ngọt ngào của anh, lòng chợt ấm lại với ý nghĩ may mà đời còn có anh…Chợt nhớ anh đến nao lòng, vậy mà không thể gọi cho anh lúc này.

Rồi trận mưa cũng ngớt, may mà mưa Sài Gòn luôn mau mắn và mãnh liệt, có lẽ giống tính cách người Sài Gòn. Cũng như mưa Hà nội luôn dai dẳng và nhạt nhòa kiểu người Hà Thành. Về nhà thôi, cám ơn trời đã tạnh.

Vậy là cuối cùng, thành phố xa lạ này cũng vẫn có một cái gì đó dễ thương để mình có thể sống với nó thêm vài năm nữa.

Nỗi đau xót trong năm mới

Làm blog chỉ để giao lưu bè bạn là chính. Ngoài ra, những kiến thức thu lượm được, những tác phẩm văn thơ mình yêu thích, những hình ảnh quí giá của mình và bạn bè trong những chuyến du lịch, những tản mạn mà mình hứng chí viết ra....tôi đều lưu lại trên trang web của mình. Đó là trang Google Page Creator của Google cung cấp kèm theo dịch vụ email mà tôi bắt đầu sử dụng từ 5 năm trước. Trang này giao diện đẹp, dễ sử dụng, có thư viện dung lượng khá lớn đến 500 MB. Tôi đã có thói quen biến trang này thành cái kho lưu trữ của mình, thấy gì hay hay cũng cẩn trọng và nâng niu lưu vào đó. Cái kho lưu trữ này hay ở chỗ, bạn có thể truy cập vào đó bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu chỉ cần có internet. Khá nhiều nhà văn sử dụng trang này để lưu trữ các tác phẩm của mình. Ví dụ các nhà văn Nguyễn Quang Thân, Hoàng Đình Quang có thư viện trong trang này khá phong phú.

Trong những ngày Giáng sinh và năm mới này, tôi băn khoăn khi không sao vào được trang web của mình. Lúc đầu cứ nghĩ anh Google lại dở chứng nâng cấp server hay là internet có vấn đề gì về đường truyền. Than vãn với con trai là chuyên gia internet và người hâm mộ của google, nó nói đã đọc ở đâu đó tin hủy trang web này và thay thế bằng một trang web khác. Thế là chết lặng đi, ôi thôi thôi, mấy anh chàng google đẹp... chai chơi khăm mình rồi. Hủy trang web mà hoàn toàn không thông báo gì cho các khách hàng và người sử dụng của mình. Cho dù là người sử dụng miễn phí cũng nên có thông báo để người ta lưu lại dữ liệu chứ. Mấy ngày nghỉ lễ chẳng còn hứng thú gì cho blog với lại văn thơ nữa, tôi loay hoay tìm lại các trang web của mình còn lưu trên Internet Archive và vớt vát lại được vài trang. Số trang còn lưu lại trên internet chỉ như lá mùa thu, lòng buồn như chấu cắn. Tiêu tùng 5 năm trời.... dùi mài internet của mình, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Lại nhớ đến vụ đánh mất hai cái thẻ nhớ USB năm ngoái khi chuyển nhà, tôi hầu như đánh mất toàn bộ những giá trị tinh thần quí giá và riêng tư như một bản độc nhất, ngẩn ngơ mất mấy tháng giời...

Địa chỉ cho những ai muốn vớt vát lại kho lưu trữ của mình: Internet Archive

Địa chỉ trang web mới của Google thay thế cho Google page: Google site

Tuy nhiên, hỡi các blogger, hãy cảnh giác và cẩn trọng. Hãy lưu dữ liệu nhiều nơi, nhiều kiểu khác nhau, kể cả bằng PC, USB, đĩa CD, DVD... Hãy nhớ đinh ninh lời dặn của cha ông ta: Của rẻ là của ôi, không có cái gì miễn phí, cái gì cũng phải trả giá, và đôi khi là một cái giá quá đắt. Huhu.

Tản mạn về đọc và viết

Khi đăng ký blog, hay forum, thường thường bạn phải ghi sở thích của bạn là gì. Reading thường là mục mà tôi chọn. Ghi hoài như vậy rồi tôi bỗng ngẫm nghĩ: thích đọc thì chỉ là độc giả. Khi nào tôi ghi sở thích là writing, thích viết thì lúc đó chắc thành… writer, nhà văn mất rồi.

Ngẫm ra đúng thật, tôi chưa bao giờ thích viết, mà chỉ thích đọc. Thậm chí rất lười viết, chỉ chăm đọc. Có mạng là lang thang hết sách ebook, rồi báo chí điện tử, rồi blog, rồi văn thơ…Có đến hàng ngàn hàng vạn thứ hấp dẫn, hay ho không đọc cũng phí hoài…cả cuộc đời. Và dĩ nhiên thời gian cho cái sự viết không còn nữa. Thi thoảng viết được gì đó chỉ vì tôi bị rớt mạng, hoặc ở ngoài vùng phủ net.

Gần đây, trên báo chí hay có những bài than vãn về cái sự ít đọc của dân chúng. Họ nêu gương các bạn tây mắt xanh mũi lõ chúi mũi đọc sách trong tàu điện ngầm, trong phòng chờ sân bay… còn dân ta chỉ đọc báo, hay đọc tạp chí thời trang, hay nói chuyện điện thoại… Vì vậy sách của ta in ấn số lượng chỉ vào khoảng 1000-2000 bản là nhiều, thế mà bán vẫn ế dài dài, nhất là thơ thì in ra chỉ để tặng nhau mà rồi không biết có thèm đọc nhau hay không.Thường thường bao giờ văn mình chẳng hay hơn văn người, vì vậy các nhà văn có vẻ như thích viết hơn đọc.

Trong 1 sân chơi toàn nhà văn, nhà thơ với sở thích là writing tôi lại càng thấy mình chỉ là… độc giả.

(Dec 2008)

Hot Blog

Hấp dẫn, chân thực, sâu sắc và lý thú. Nhiều khi ta bật cười ở một vài chi tiết tếu táo nhưng khi đọc xong cả bài thì ta lại phải lặng đi, ứa nước mắt để mà suy ngẫm, để mà thương người, thương đời...Đó là những gì mà tôi cảm nhận khi đọc blog của Bọ Lập.

Có lẽ điều kiện tiên quyết để một blogger thành công là phải viết chân thực. Đây là điều rất khó thực hiện. Người ta ít khi chân thực hoàn toàn trong cuộc đời, nhất là trên chốn công cộng như blog, vì nhiều lý do. Có một số người kín đáo, đơn giản chỉ không thích trải lòng mình nơi công cộng. Có một số người sĩ diện, luôn muốn sạch sẽ, lịch sự trong mắt người khác. Và có một số người háo danh chỉ thích đánh bóng mình. Tuy nhiên, những blog thành công thường là những blog viết chân thực, trải lòng và nhận được nhiều sự thông cảm, chia sẻ nhất.

Bọ Lập là một trong số ít những nhà văn có tên tuổi nhưng không bị hư danh làm hỏng. Bọ viết đơn giản, chân thực, hoàn toàn không cầu kỳ, hào nhoáng, không bao giờ có ý định đánh bóng mình. "Hôm nào không nói tục được một câu Bọ thấy nhạt miệng lắm". Bọ đã thừa nhận cái tật xấu lớn nhất của Bọ là hay văng tục. Và Bọ đem cả những cái dung tục ấy vào viết blog. Lúc đầu đọc blog của Bọ, tôi cũng thấy dị ứng lắm vì cái sự dung tục này. Thích đọc, thấy hay, thấy hấp dẫn, nhưng tôi không thích viết cảm nhận, một phần vì ngại cái sự nổi tiếng của bọ, một phần vì ngại cái sự dung tục thái quá. Dần dần, khi hiểu hoàn cảnh, nghị lực và tấm lòng của Bọ hơn, tôi mới mạnh dạn viết cảm nhận chia sẻ cùng Bọ. Nói tục hay nói thanh xét cho cùng cũng chỉ là cách nói. Thôi thì người thích thế này người thích thế khác, ta cũng cứ nên tôn trọng họ, miễn là đối xử với nhau chân thành, tử tế. Nói hay nói đẹp mà giả dối, đểu cáng thì còn tệ hại hơn nhiều. Chỉ cần xem cái cách Bọ chu đáo, lịch sự trả lời cho hàng trăm, hàng ngàn người đã còm cho Bọ, mặc dù Bọ là nhà văn nổi tiếng, mặc dù Bọ bận sáng tác kiếm sống nuôi vợ con... đủ để nói lên tấm lòng chân thành, tử tế của Bọ.

Ở cái lứa tuổi đầu mấy thứ tóc như chúng tôi, vừa đọc vừa thanh lọc đi những gì dung tục để cảm nhận được cái hay, cái lý thú của văn chương cũng chẳng có gì khó khăn. Tuy nhiên đôi lúc tôi cũng băn khoăn, liệu lớp con cháu của mình đọc những bài viết dung tục như vậy có "tiêu hóa" được như mình hay không? Hay lại học Bọ mà văng tứ tung thì hỏng? Vẫn biết Bọ Lập mà viết thanh tao, không dung tục thì không phải là văn Bọ Lập nữa rồi. Nhưng dù sao vẫn cứ mong Bọ viết đỡ tục hơn, ít nhất là đỡ tục hơn trong nội dung, để lớp trẻ có thể đọc Bọ mà không cần phải "thanh lọc" bớt.

(September 2008)

Love me, Love my dog!

Bên trời tây, thứ tự ưu tiên được cưng chiều thứ nhất là trẻ con, thứ nhì phụ nữ, thứ ba chó, thứ tư mới đến đàn ông. Người ta cũng có câu ngạn ngữ: nếu yêu tôi, hãy yêu cả con chó của tôi. Thực sự con chó là người bạn thân thiết của con người, con chó yêu người chủ của nó bằng một tình yêu hoàn toàn thuần khiết.

Con chó đầu tiên của nhà tôi tên là Tô. Về sau, nhà tôi có nuôi thêm mấy con chó nữa nhưng toàn đặt tên Tô để nhớ về nó. Tuy nhiên con Tô đầu tiên của tuổi thơ của tôi thực sự khôn ngoan và đã làm tôi nhớ như một kỷ niệm không thể nào quên.

Hồi đó nhà tôi sơ tán ở Nho quan. Mẹ tôi mua 1 cái nhà có vườn rộng, rất nhiều cây trái xum xuê quanh nhà, chạy nhảy trong vườn sướng mê ly.

Ngay trong sân là một cây muỗm rất to, con Tô hay nằm ngủ ở gốc cây muỗm. Xung quanh nhà là mấy cây trứng gà, mấy cây na rất nhiều quả. Sát hàng rào là mấy cây nhãn cũng trĩu quả, là nơi bọn trẻ tụi tôi suốt ngày leo trèo, nằm ngủ cả trên nhánh chạc ba của nó.

Hồi đó tôi mới 10 tuổi, anh trai tôi 15 tuổi, em gái tôi 5 tuổi. Tôi hay lục lọi sách vở của anh để xem, mà anh ấy thì ngăn nắp lắm, không thích bọn nhóc lục lọi. Buồn cười anh ấy đánh dấu sách vở xếp ngay ngắn, lệch khoảng mấy phân trên giá, về nhà thấy lệch khác đi một li là tra hỏi và bạt tai bọn tôi. Bọn tôi hay bị anh trai bắt nạt, nên ghét anh lắm, chỉ thích chơi với con Tô. Tôi yêu nó nhất nhà, tôi suốt ngày quanh quẩn bên nó, chơi đùa với nó.

Tôi đi học ở chân đồi, con Tô ngày nào cũng lon ton theo tôi đi học. Nó hay ngồi ở cửa lớp, nhìn vào xem cả lớp học hành ra sao cứ như một ông thanh tra vậy. Vì ở xứ rừng núi nên tôi học giỏi nhất lớp, tôi khoái chí tưởng tượng thấy con Tô nhìn tôi ngưỡng mộ khi tôi được cô khen trước lớp.

Con Tô hay ra vẻ khảnh ăn. Đến bữa không bao giờ nó chạy lăng xăng quanh mâm đòi ăn. Nó nằm dài ở sân, mặt ghếch ra ngõ, ra cái điều có mời chắc gì ta đã ăn. Hết bữa, tôi lùa hết thức ăn thừa vào bát của nó, phải gọi hai ba lần nó mới ngoe nguẩy đuôi uể oải đi vào, y chang kiểu làm khách làm bộ, ăn cho vui thôi nhé.

Ở góc vườn nhà tôi có một cái ao và một cái giếng nước ăn. Một lần đi tắm ở ao, tôi bị tụt chân xuống khỏi cầu ao, suýt chết đuối. Chới với bì bõm vì không biết bơi, may có con Tô nhảy xuống cắn áo kéo vào bờ.

Một hôm tôi đi chơi về thì thấy mẹ đang ngồi bên con Tô bị xích cổ vào gốc cây muỗm. Nó nằm im nhưng toàn thân run rẩy, đôi mắt ướt nhẹp ngước lên nhìn tôi cầu khẩn .

Tôi hỏi mẹ làm gì con Tô thế. Mẹ tôi nói có lệnh cấm nuôi chó vì đang có dịch chó dại, đành bán nó đi cho mấy chú bộ đội trong xóm để làm thịt. Tôi vừa khóc lóc ầm ĩ, vừa đòi mẹ giữ nó lại. Mẹ nói không được, có lệnh cấm rồi.

Chiều, có một chú bộ đội đến bắt con Tô. Khi chú ấy vừa bước vào sân, con Tô giật xích đứt và bỏ chạy. Mẹ tôi gọi mãi nó mới ngoe nguẩy đuôi chạy về. Ngờ đâu chú bộ đội nấp sau cánh cổng cầm gậy vụt nó một cái gãy chân. Nó kêu ăng ẳng rồi lại khập khiễng bỏ chạy mất tăm. Cả nhà đi tìm không thấy nó đâu. Chú bộ đội đành đi về.

Tối đến, tôi đi lang thang vừa gọi nó vừa khóc. Thì ra nó trốn vào bụi cây, nằm im trong đó. Nghe tiếng tôi gọi, nói lừ đừ chui ra ngoe nguẩy đuôi. Tôi bế nó về cho ăn và băng chân cho nó.

Nó nằm bên chân tôi, mắt ngước nhìn tôi van lơn. Tôi nhìn thấy nước mắt nó ứa ra ngoài khóe mắt, nó khóc như người. Tôi ngồi ôm nó khóc theo như mưa. Mẹ tôi cũng khóc, anh tôi cũng khóc, em gái tôi cũng khóc, cả nhà khóc. Tôi van xin mẹ đừng bán nó nữa, nhốt nó trong nhà trốn lệnh cấm chó. Mẹ im lặng không nói gì, chỉ thấy mắt mẹ đỏ hoe.

Sáng hôm sau khi ngủ dậy, tôi không thấy con Tô đâu. Mẹ cũng đã đi làm. Tôi hoảng sợ chạy khắp nơi tìm con Tô mà không thấy. Hôm đó tôi bỏ học, đi lang thang khắp nơi tìm con Tô, vừa tìm, vừa khóc.

Đến tối, mẹ đi làm về, mới biết sáng sớm mẹ đã giao con Tô cho chú bộ đội rồi. Tôi giận mẹ quá, vừa khóc huhu vừa chạy trốn khỏi nhà. Tối đó tôi bỏ cơm, trèo lên cây nhãn nằm ngủ, mẹ phải ra bế về nhà. Đêm đó tôi nằm mơ thấy con Tô bị giết, hai chân trước chắp lại van xin, nước mắt ròng ròng.

Từ đó, tôi ghét những kẻ ăn thịt chó, và không bao giờ ăn thịt chó. Tại sao người ta có thể ăn thịt chó một cách dã man như vậy nhỉ?

Kết thúc bài viết này, tôi lại vẩn vơ nghĩ đến một câu blast trên blog: Càng hiểu về loài người, ta càng thêm yêu quí loài chó.

(August 2008)

Nhà vệ sinh trên những nẻo đường du lịch

Người ta nói, nếu muốn xem xét đánh giá trình độ văn minh của một dân tộc và chất lượng cuộc sống của dân tộc đó, hãy nhìn vào nhà vệ sinh công cộng của họ là đủ! (The public toilet is to reflect the civilization index of each country. It also reveals the country's civilization level and quality of life). Là kẻ hay lang thang trên những nẻo đường du lịch, tôi đã từng có những kỷ niệm buồn cười và những ấn tượng khó phai về dịch vụ vệ sinh công cộng này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 2,6 tỉ người trên toàn cầu đang thiếu nhà vệ sinh sạch. Hơn một nửa trong số đó sống tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á.

Toilet, hay còn được gọi là water closet (bồn cầu giật nước), hay lavatory, hay rest room.... Ở Việt Nam, ta quen với những từ nhà vệ sinh, hố xí, nhà cầu... Tóm lại đây là nơi chúng ta trút bầu tâm sự, giải tỏa nỗi buồn... khó tả để sau đó ta thở phào nhẹ nhõm. Nói như tiền nhân ngày trước, đây là nơi ta thưởng thức một trong bốn "tứ khoái". Vì đó là một nơi... tất yếu, không thể thiếu được cho cuộc sống con người, trong thế giới văn minh, nó được chú trọng thiết kế và chăm sóc như một nơi nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí...

Vài năm trước khi được mời tham gia một hội nghị khá long trọng của Nhật Bản, chúng tôi được Chính phủ Nhật chiêu đãi ở khách sạn năm sao với tiêu chuẩn ăn ở cao cấp. Và trong khách sạn năm sao này, chúng tôi được dịp tiếp cận và sử dụng những bồn cầu hiện đại kiểu Nhật với bàn phím điều khiển ở nơi để tay vịn. Với bàn phím này, bạn có thể điều khiển mùi hương, âm nhạc, nhiệt độ, thông gió trong nhà vệ sinh từ trên bệ ngồi rất tiện nghi của mình. Được biết, những bồn cầu tiêu chuẩn năm sao này cũng đã được nhập vào Việt Nam và xuất hiện tại những biệt thự, những khách sạn năm sao mới xây dựng.

Ở Abu Dhabi, thành phố của các ông hoàng dầu mỏ, có một khách sạn bảy sao với một nhà vệ sinh được giát bằng vàng ròng. Trong cái nhà vệ sinh xa hoa của mấy ông hoàng Ả Rập này, bạn thấy cái gì cũng lấp lánh ánh vàng, từ cái bồn rửa tay đến cái bồn cầu vệ sinh. Tuy nhiên khi vào đó chụp ảnh kỷ niệm, tôi cũng không quên nhắc nhở cái chức năng chính của nó là nơi giải quyết nỗi buồn cho du khách.

Trong một chuyến đi vòng quanh châu Âu, tôi cũng có vài ấn tượng khó quên về cái nơi giải tỏa nỗi buồn của du khách, ấy là nó quá ít và quá thiếu cho những điểm du lịch chật ních người chẳng hạn như tháp Epphen, nhà thờ Đức bà ở Pa ri (Pháp) hay Colosseum, Vatican ở Rome (Italy). Xếp hàng mua vé vào cửa những điểm du lịch này đã khiếp đảm rồi, mà xếp hàng đi vệ sinh thì còn ngán ngẩm hơn. Cũng may nhờ có nền văn minh xếp hàng rất lịch sự và nghiêm túc của du khách phương tây mà những cái hàng dài dằng dặc vào nhà vệ sinh cũng chỉ hù dọa du khách yếu bóng vía như tôi chứ thực tế cũng không lấy mất của du khách nhiều thời gian như người ta tưởng ban đầu. Và một điểm rất đáng khen ngợi là tuy rất hiếm, những nhà vệ sinh công cộng này vẫn rất sạch sẽ theo đúng nghĩa nhà vệ sinh, tuy có cả một biển người sử dụng nó liên tục suốt ngày. Thường là có người quản lý, dọn dẹp ở những nhà vệ sinh công cộng này, với mức thu phí kha khá đủ chi tiêu. Có nơi bạn phải nhét đồng xu 1 Euro (khoảng 25000 đồng Việt Nam) để có thể lách qua máy tự động khi vào nhà vệ sinh công cộng ... Nhà vệ sinh công cộng đủ tiêu chuẩn "vệ sinh" phải được thiết kế trang bị những thiết bị đáp ứng cường độ sử dụng cao như: Máy sấy tay, hộp đựng giấy vệ sinh loại lớn, thùng rác vệ sinh phụ nữ, hộp khử trùng, hệ thống khử mùi... và nhân viên quản lý dịch vụ có mặt thường xuyên.

Trong chuyến du lịch Trung hoa vĩ đại và thử làm hảo hán leo trường thành, tôi có một ấn tượng vô cùng xấu với nhà vệ sinh nơi đây. Dưới chân Vạn lý trường thành là một nhà vệ sinh công cộng bẩn chưa từng thấy trên thế giới, vì không có một giọt nước thậm chí chỉ để rửa tay chứ đừng nói chuyện để dội rửa những chất thải của hàng ngàn, hàng vạn du khách mơ làm hảo hán.

Về những cái nhà "mất vệ sinh" khủng khiếp theo đúng nghĩa đen của từ này ở Việt Nam, bạn có thể tưởng tượng đến những cái nhà cầu bên bờ mấy con kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long hay những cái hố kèm theo 1 tấm ván có quây cót xung quanh ở những điểm du lịch sinh thái như Yên Tử, Chùa Hương...Nếu chẳng may bạn có nhu cầu giải quyết ...nỗi buồn mà chẳng thể nào trì hoãn nổi ở những điểm du lịch này, chắc chắn bạn sẽ có một ấn tượng kinh khủng không thể nào quên.

Thật may bây giờ trong các thành phố lớn của Việt nam, tuy có rất ít những nhà vệ sinh công cộng, nhưng lại có khá nhiều siêu thị, khách sạn, nhà hàng...nơi mà du khách có thể tranh thủ ghé qua không phải để ....mua sắm, ăn uống hay nghỉ ngơi, mà là để giải quyết nỗi buồn khó tả của mình. Tuy vậy việc du khách phàn nàn thiếu nhà vệ sinh công cộng hay nhà vệ sinh công cộng ...thiếu vệ sinh vẫn là đề tài thường trực trong các tour du lịch ở Việt Nam. Đây cũng là vấn đề nan giải của ngành du lịch nước nhà.

(August 2008)

Mặt trời của mẹ

Hôm nay con trai yêu quí tròn 21 tuổi. Có thể ở ta, tuổi 21 lẻ không quan trọng, nhưng ở nước ngoài, sinh nhật tuổi này làm long trọng lắm, đó là lễ trưởng thành của một con người. Qua tuổi 21, đứa con không còn phải ở dưới sự bảo mẫu của cha mẹ, được trưởng thành như một con người chín chắn, đủ năng lực, đủ trách nhiệm.

Mẹ nhớ những ngày tuổi thơ đã đi qua của con khi mà mẹ đã cố gắng chăm sóc cho con bằng tất cả khả năng, bằng tất cả tình cảm của mình. « Vừa là mẹ, vừa là cha, Vừa là bà chủ vừa là Osin », mẹ đã cố gắng đảm nhiệm vai trò 4 trong 1 như 1 câu thơ tếu.

Mẹ nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên dẫn con đến lớp, nhớ cái bóng bé nhỏ của con nhút nhát, ngơ ngác đứng vào hàng cùng các bạn. Cái cảm giác thương con đến nao lòng, khi nghĩ rằng con sẽ không còn luôn được bao bọc trong vòng tay mẹ, mà sẽ phải bước vào cuộc đời đầy cam go thử thách.

Mẹ cũng nhớ lắm cái ngày cùng con đến đăng ký vào trường đại học, con đã là một thanh niên cao lớn, tuy vẫn còn rụt rè, ngơ ngác giữa đám đông sinh viên ồn ào. Và chỉ ngay sau khi vào năm thứ nhất, con đã thử sức thi TOEFL mà hầu như không có chuẩn bị gì. Kết quả thi 630 điểm/660 max của con làm cho cả danh sách thi phải ghen tị và ngưỡng mộ, và mẹ thì vừa ngạc nhiên vừa tự hào về con như một bà mẹ hạnh phúc nhất trần gian.

Sinh nhật con hôm nay, mẹ thấy con thực sự chín chắn, trưởng thành, mạnh mẽ. Mẹ tin là con trai của mẹ sẽ là một người đàn ông thành đạt trong tương lai. Mẹ tin con, tự hào về con và mẹ yêu con nhất trên đời, mặt trời của mẹ.

(July 2008)

Một ngày nghỉ của tôi

6 giờ sáng tôi tỉnh ngủ. Tôi có thói quen tỉnh dậy vào đúng giờ đó gần như một cái đồng hồ báo thức, cho dù đêm hôm trước thức khuya hay đi ngủ sớm. Ngày nghỉ, thế nào cũng phải ngủ nướng đến 7-8 giờ, sướng thật với cái cảm giác không phải mắt nhắm mắt mở và nhăn nhó bật đèn phòng tắm. Đánh răng rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân. Xong xuôi ra ban công nhìn trời ngó đất, hít thở vài cái thật sâu. Thích ngắm thành phố rạng đông tươi sáng dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Ăn sáng. Ngày nghỉ thì bữa sáng chỉ là một cái bánh mì nướng nóng giòn trong lò vi sóng, bỏ thêm bơ và mật ong thơm lừng. Một ly cafe capuchino. Ăn thế thôi để còn giữ cái eo thon thon hình vại.

Nhâm nhi cafe, xem thời sự buổi sáng, khi nhìn thấy bản mặt tiến sĩ nông học dạy dỗ cho bà con nông dân cách trồng nấm hay nuôi heo thì chán quá, chuyển qua HBO, Movies Stars, Cinemax… lướt sóng vài phim hành động. Thường là mấy bộ phim hay lại lôi kéo tôi dán mắt vào đó cho đến hết.

Tôi bật máy tính laptop bên cạnh salon. Thường bao giờ tôi cũng nhấn lần lượt cả 3 nút, Outlook Express, Fire Fox, và Yahoo Messenger.

Check 2 hộp mail, mail công việc và mail cá nhân trên Outlook Express. Ngày nghỉ , hộp thư công việc chỉ có vài thư quảng cáo tin khoa học kỹ thuật. Hộp Gmail có 2 thư, một thông báo có cảm nhận mới từ admin VNweblog, một mail của anh. Xóa mail thông báo của admin VNweblog, mở mail của anh. Hic, một bài thơ đề tặng và vài dòng thư như mọi khi, toàn viết tiếng việt không dấu. Tôi rất ghét đọc tiếng việt không dấu, nhưng vẫn phải lọ mọ vừa đọc vừa …đoán thư và thơ của anh. May là những bài thơ của anh rất tình cảm, lãng mạn và chủ yếu là viết cho tôi nên việc cố gắng đọc và luận đoán nghĩa cũng bõ công.

Liếc qua mấy cửa sổ mặc định trong Fire Fox bao gồm Trang chủ VN weblog, Blog Yahoo 360o, Vnexpress News, và lịch phim HBO, Cinemax. Liếc qua các topic mới trên VNweblog và danh mục friends và favorites trong Yahoo 360o. Nguyễn Quang Lập có bài mới về “say”, cười nghiêng ngả, haha. Cô bạn Carmen sinh nhật, viết vài lời chúc tụng. Đoàn Chi Thủy có một se ri ảnh nghệ thuật đẹp long lanh, save vài cái vào ổ cứng. Anh Vạn An có một bài viết về người mẫu béo khá thú vị. Biến nhược điểm thành ưu điểm để vui sống, hừm, khó thật, phải có hội chứng AQ nhỉ?

Lướt qua mấy diễn đàn, diễn đàn Thăng Long hào hoa trí tuệ dâm đãng, vừa đọc vừa mỉm cười với bọn nhóc thi nhau trổ tài hài hước và trí tuệ, diễn đàn Nhiếp ảnh khá nhiều ảnh đẹp, cất vài cái hay hay vào máy tính.

Vào YM xem có tin nhắn offline nào không, liếc xem có những ai online, trong khi mình thì invisible, hehe. Tin nhắn vui offline trên Yahoo Messenger của 1 anh bạn net: " Trên bia mộ của một vận động viên xe đạp có ghi: "Sinh ra và chết đi vì một vết cao su thủng". Anh bạn này suốt ngày đem đến nụ cười cho bạn bè, đúng là 1 cây hài.

Hôm nay nhóc iu của tôi đang sáng đèn, chat với con, hỏi thăm tình hình tuần qua, học hành, thi cử…Nhóc bao giờ cũng kiệm lời, trả lời mọi câu hỏi của mẹ như đã được lập trình sẵn, vậng, tốt mẹ ạ, bình thường mẹ ơi…Nhiều khi chán chẳng buồn hỏi, vì hầu như biết hết câu trả lời của nhóc rồi.

Chẳng mấy chốc đã xem xong bộ phim Gladiator kinh điển. Vì phim này xem rồi nên chỉ thi thoảng ghé mắt vào TV, trong khi vẫn đọc blog của bạn bè là chính. Lại có dịp ngắm nhìn lại Colloseum hoành tráng và hiểu thêm nhiều về đấu trường La Mã cổ đại ngày xưa. Tôi thấy ấn tượng nhất là câu nói của Lucila với Maximus trong nhà ngục " I am tired to be strong" và Maximus trả lời " You must be strong for your son". Nhiều khi tôi cũng muốn nói như Lucila, với ai đó....

Tôi thích xem hoặc là phim kinh điển hoặc là phim ly kì rùng rợn (thriller). Thật may là thời nay có truyền hình cáp với toàn những phim hấp dẫn.

11 giờ. Nấu bữa trưa. Trưa nay hẹn làm sinh nhật cho đứa cháu. Mấy đứa cháu ríu rít gõ cửa, đem thêm vài món chúng thích để cùng ngồi vào bàn, nâng ly mừng sinh nhật cháu Dung. Cô bé có nét mặt đẹp như thiên thần, chỉ tội hơi béo.

Sau giấc ngủ trưa thanh thản, lại ngồi vào máy tính. Lướt net là thú vui của bao nhiêu người trong thời đại tin học này nhỉ? Thực sự tôi không thể tưởng tượng nổi cuộc sống thiếu net, không mail, không tin nhắn, không blog, không tin tức…

2 giờ. Bắt đầu xem một bộ phim hài trên HBO, haha, vui thật, 4 giờ mới kết thúc. Dọn dẹp nhà cửa, lau nhà, giặt quần áo, sắp xếp lại báo chí, sách vở…

5 giờ. Tắm gội cho sảng khoái trước khi say mê với bài tập Yoga. Mỗi ngày khoảng nửa giờ tập Yoga thực sự làm tôi thích thú và thư giãn. Hít vào, thở ra, duỗi dài, thu mình lại, vươn cổ lên trong tư thế rắn hổ mang…

7 giờ tối. Ăn cơm xong, lại xem phim, lại lướt net.

10 giờ, đánh răng rửa mặt, chuẩn bị lên giường. Và thế là hết một ngày nghỉ.

(July 2008)

Hôm qua tôi đi chùa Hương

Muốn ăn rau sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa....

Chùa Hương chỉ cách Hà Nội có 70km, thế mà đến hôm qua tôi mới thăm di tích chùa Hương lần đầu tiên trong đời, kể ra cũng thật đáng xấu hổ cho một người ham du lịch và yêu thiên nhiên.

Nhân dịp lễ, được nghỉ vài ngày, tôi "hạ quyết tâm" lấy một tour du lịch để vãn cảnh chùa Hương. Mua tour của một công ty lữ hành trên mạng, giá cả hơi cao hơn mức hợp lý, nhưng đây là tour du lịch tổ chức cho du khách ngoại quốc dạng "tây ba lô" nên tôi cũng tò mò muốn xem mấy công ty du lịch tư nhân làm du lịch ra sao.

Văn phòng du lịch khu phố cổ nhộn nhịp du khách, nhất là du khách tây ba lô. Nhân viên du lịch hơi bị chảnh, tuyên bố không thể cho xe đón tôi, vì lý do tôi ở xa khu phố cổ, và tôi sẽ phải lặn lội có mặt tại văn phòng "phố cổ" trước giờ G ngày mai để xe khởi hành sớm. Sáng hôm sau, theo thói quen dở hơi của người hay lo, tỉnh giấc sớm mỗi khi phải đi xa, tôi dậy từ 5:30 sáng và chuẩn bị gói ghém hành trang lên đường du lịch. Chạy xe máy đến nơi, văn phòng vắng hoe, nửa giờ sau giờ hẹn mới thấy nhân viên du lịch có mặt đón chúng tôi lên xe buýt. Xe buýt lòng vòng khu phố cổ để đón khách mất gần một giờ nữa mới lò dò ra khỏi thành phố. Đang phấn khởi khi xe bon bon trên đường đi Hà Tây, bỗng lái xe tấp vào một điểm nghỉ chân bán đồ lưu niệm bên đường chỉ sau nửa giờ xe chạy. Đây không phải vì nhu cầu nghỉ chân của du khách, mà là vì nhu cầu bán hàng chặt chém lừa đảo cho du khách ngoại quốc đồng nghĩa với hoa hồng cho các nhân viên làm du lịch. Lại mất thêm nửa giờ vô vị. Gần 11:30 mới đến nơi, hướng dẫn viên cho biết đến 2:30 chiều mới được ăn trưa, nghĩa là chúng tôi sẽ phải leo núi và vãn cảnh chùa dưới trời nắng chang chang trong tình trạng đói bụng.

Vừa xuống xe, một đoàn người bán hàng rong ào đến chen lấn rao hàng làm các du khách tây ba lô khiếp đảm. Tôi khuyên một người bán hàng rong không nên nài nỉ đeo bám du khách mua hàng khi người ta không thích, bèn bị mắng vốn cho té tát. Có đến hai chục du khách nước ngoài chen chúc trên cái thuyền vô cùng thô sơ và mong manh, hoàn toàn không có phương tiện cứu sinh, mạo hiểm là cảm giác khi xuống thuyền. Tôi thầm nghĩ, du lịch kiểu này còn ghê rợn hơn cả du lịch mạo hiểm chèo thuyền trên sông Amazon đầy thác ghềnh.

Du thuyền trên suối Yến đến khu di tích Chùa Hương là một khoảng thời gian khá lãng mạn với sông nước mênh mang và núi non trùng điệp. Chúng tôi cặp bến lên chùa Hương sau khoảng 1 giờ lênh đênh trên suối Yến. Trước khi lên cáp treo, du khách vào viếng chùa Thiên Trù. Khu chùa Thiên Trù tọa lạc trên triền núi khá hoành tráng và uy nghi. Một điểm son của phong cảnh chùa Hương là hoa gạo đỏ chói vẫy chào du khách trên khắp các triền núi và xung quanh chùa.

Cáp treo lên chùa chạy cầm chừng, thỉnh thoảng lại dừng lại chờ cho đủ khách, vì hôm nay là thứ hai và cũng là cuối mùa lễ hội nên khách thưa thớt. Khi được treo lơ lửng trên sườn núi, chúng tôi tranh thủ ngắm nhìn phong cảnh bên dưới. Đường mòn bị che phủ bởi các lán trại lộn xộn, nhếch nhác, đầy rác rưởi hai bên đường. Vì không còn thời gian, chúng tôi đành phải đi cáp treo cả hai chiều và không còn cơ hội lội bộ rẽ ngang rẽ dọc vãn cảnh chùa dọc trên tuyến đường.

Cập bến cáp treo, du khách lội bộ xuống động Hương Tích, tương truyền là "Nam Thiên đệ nhất động" (Ðộng đẹp nhất trời Nam). Động rộng lớn, hoành tráng nhưng tối om, ẩm ướt, mốc meo và nhất là bốc mùi xú uế nồng nặc.

Bữa trưa cho du khách hơi dở, chỉ được món canh rau sắng chùa Hương là ngon và đáng nhớ.

Trên đường về, người chèo thuyền gợi ý cho du khách cho tiền bồi dưỡng hơi trắng trợn. Là người Việt, chúng tôi cho tiền tip, nhưng chúng tôi cảm thấy không thoải mái và hơi xấu hổ khi hướng dẫn viên gợi ý như bắt ép du khách tây ba lô tip cho mình và cho người chèo thuyền. Nhận tiền tip, họ không hề cám ơn, mà còn trách móc, chê bai vì hơi ít so với chờ đợi của họ. Du khách chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

Chia tay với chuyến du lịch, du khách có còn cảm hứng trở lại điểm du lịch sau khi trải qua bao rắc rối và phiền lòng như vậy?

(April 2008)

Kinh hoàng lễ hội xuân Yên Tử

"Trăm năm tích đức tu hành

Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu"

Chủ nhật ngày 2.3.2008, tức ngày 25 tháng Giêng âm lịch, chúng tôi lên đường du xuân đến Yên Tử. Trải qua quãng đường 120km từ Hà Nội, chúng tôi hồ hởi vui mừng khi nhìn thấy khu di tích Yên Tử hiên ra trước mắt mình với núi non trùng điệp và mấy đường cáp treo như sợi chỉ đính kèm mấy “quả” cabin lửng lơ trôi ẩn hiện trên triền núi.

Xe du lịch của chúng tôi từ từ lăn bánh vào bãi gửi xe. Chúng tôi hoảng hồn khi nhìn thấy một bãi xe rộng mênh mông, trùng điệp, ăm ắp đầy các loại xe lớn nhỏ. Mới có 9h sáng, sao du khách đến sớm quá vậy ta? Chẳng lẽ công sức mình dậy sớm để khởi hành sớm từ 6h sáng chẳng ăn nhằm gì so với thiên hạ?

Lục tục xuống xe vào khu di tích, chúng tôi choáng váng với một biển người đông như kiến và một biển rác bẩn thỉu, nhếch nhác đến ghê người. Sau khi mua vé cáp treo giá 45,000 đ/lượt/1 chiều, chúng tôi chen chúc vào sảnh chờ để… xếp hàng đi cáp treo. Nhìn biển người mênh mông lúc nhúc chen lấn, cái cảm giác vô vọng chán nản đã từ từ làm cho chúng tôi mệt mỏi đến rã rời. Vâng, kiểu xếp hàng có một không hai của Việt nam ta là cái kiểu xếp hàng lên cáp treo của biển người đó. Bạn không thể đếm được đó là hàng mười hay hàng hai mươi, chỉ thấy một đám đông nhốn nháo, ai cũng mong vượt lên trên. Thỉnh thoảng đám đông lại dềnh lên như những đợt sóng, cuốn bạn trôi đến một hàng cột nào đó, đè bạn bẹp dí vào chân cột, làm bạn ngạt thở với đủ loại mùi mồ hôi, mùi khí thải, mùi xú uế…Sau ba giờ đồng hồ bất lực trong biển người đó, bạn bị chen lấn te tua đến rã rời, và đến khi bạn nguội ngắt không còn một khí thế du xuân nào hết, bạn sẽ được người ta tống vào cái hộp ca bin cáp treo để bay vù lên lưng chừng trời chỉ trong vòng 5-6 phút. Chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 543 m là điểm đến của tuyến cáp treo thứ nhất, nhưng ở đó mới chỉ là nửa con đường khổ ải của kiếp nạn du xuân Yên Tử.

Yên Tử có hai tuyến đường cáp treo với 16 cabin công suất vận chuyển chừng 600-700 hành khách một giờ. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với hàng chục vạn du khách mỗi ngày. Tôi không hiểu tại sao hai đường cáp treo này lại được thiết kế hoàn toàn tách biệt nhau với hai nhà ga khác nhau ở khá xa nhau. Vì vậy khi bạn đi hết một chặng, bạn lại phải di chuyển đến nhà ga thứ hai khá xa xôi, để tiếp tục một công cuộc xếp hàng lên tuyến cáp treo thứ hai. Ở đây thời gian xếp hàng chỉ là …hai giờ đồng hồ nữa, và bạn lại được bay vèo lên đỉnh núi một lần nữa. Điểm cuối của tuyến cáp treo thứ 2 là nơi có Tượng đá Yên Kỳ Sinh. Từ đó thì mời bạn leo bộ lên chùa Đồng ở độ cao 1068m. Khi đi xuống bằng cáp treo với hai tuyến đường như đã nói, bạn sẽ phải xếp hàng chờ đợi với thời gian trung bình hai giờ cho mỗi tuyến. Như vậy việc thiết kế cáp treo thành hai tuyến với bốn lần chờ đợi sẽ lấy mất của bạn 4 x 2 h = 8 h vàng ngọc và hầu như tất cả cảm hứng du xuân của bạn.

Trên đường lên đỉnh Yên tử, bạn sẽ khó có thể nhìn thấy cảnh quan đẹp đẽ và thiên nhiên thơ mộng khi mà bạn lạc vào một biển người và một biển rác. Rác ngập ngụa mọi nơi, mọi chốn. Một dòng sông rác trải từ trên đỉnh núi xuống dưới chân núi. Ngay tại chỗ ghi công đức đóng góp xây chùa, nơi có thể nói là linh thiêng nhất, bởi hơn 700 năm trước, đức Trần Nhân Tông đã từng ngồi thiền, cũng ngập ngụa trong rác. Những cái túi nilông, vỏ chai, lon bia vứt lăn lóc khắp nơi. Thùng rác công cộng là quá ít để chứa đựng một lượng rác thải khổng lồ từ du khách. Và ý thức của du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng nữa, ăn uống tự túc, xả rác tự do xuống chân mình bất kể đó là đâu, sân chùa, đường đi hay rừng cây, bãi cỏ….Trong không khí “lãng mạn” của lễ hội xuân, bạn luôn thấy thoang thoảng mùi ammoniac và mùi hôi thối bốc lên từ bên đường. Chẳng có gì lạ khi một biển người du xuân mà chỉ có một vài cái nhà… “mất vệ sinh” công cộng, chẳng có gì hơn là một mảnh ván, một cái rãnh giữa rừng và một tấm nilon quây trống tuyềnh trống toàng xung quanh. Thế mà khi từ nhà “mất vệ sinh” công cộng đi ra, tôi giật mình khi thấy một người đàn ông bặm trợn chìa tay trước mặt mình để đòi tiền dịch vụ “mất vệ sinh” giá 2,000đ. Dịch vụ bán hàng rong lừa đảo, chặt chém nhan nhản khắp nơi, nạn móc túi hoành hành…Những đội bán hàng lưu động cung cấp hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng: măng trúc, dứa dại, phong lan... Trúc lâm Yên Tử vì thế mà ngày càng trụi dần. Măng non bị bẻ làm thức ăn, trúc "cơ nhỡ" được các chị vệ sinh sử dụng làm chổi quét đường, còn những thân trúc đã cứng cáp được chặt ngang làm chiếc "chân thứ ba" cho các ông già bà lão và cả những nam thanh nữ tú. Một chiếc gậy trúc bán ra với giá 20.000 đồng quả là một món lời khó cưỡng lại của người dân nơi đây. Loa phóng thanh của “Ban Tổ chức lễ hội xuân Yên tử” luôn vang vang với những thông tin tìm người lạc, cảnh báo lừa đảo, cảnh báo móc túi, ăn cắp, thông báo tìm giấy tờ mất cắp…

Đau lòng cho một điểm du lịch sinh thái còn được gọi là Thánh địa Yên Tử bị con người tàn phá và làm ô nhiễm một cách tệ hại và vô ý thức như vậy. Du khách Việt như chúng tôi còn kinh hoàng một đi không trở lại, nữa là du khách nước ngoài. Ngành du lịch Việt nam bao giờ mới biết kinh doanh thực sự với những điểm du lịch sinh thái là thế mạnh duy nhất của ngành du lịch Việt Nam?

(March 2008)

Tản mạn về nụ cười

Mới gửi lên một serie những nụ cười, tôi lại tình cờ đọc một bài tản văn của Nguyễn Ngọc Tư về nụ cười. Chuyện kể về một cô nhân viên mới hay cười vô tư sảng khoái trong cuộc họp, bị phê bình te tua là thiếu nghiêm túc và rồi cô quyết định bỏ việc để lựa chọn nụ cười mà không phải đánh mất chính mình. Tôi cũng lại nhớ đến một cuốn sách thiếu nhi mà tôi đọc cách đây nhiều năm, kể chuyện một cậu bé bán đi nụ cười của mình để trở thành một cậu bé không biết cười bất hạnh.

Phàm là con người, ai cũng muốn tỏ ra quan trọng. Ai cũng muốn được kính trọng trong mắt người khác. Người có tài, có sự tự tin thì dễ dàng hơn. Họ có thể hài hước dí dỏm, có thể cười phớ lớ với mọi người mà vẫn được kính trọng. Người kém tài hơn thì phải cố gồng mình lên để được kính trọng, vậy là không cười nữa, phải làm mặt ngầu, nghiêm nghị như chính trị gia. Nếu người kém tài mà lại có một chút chức vụ, một chút quyền lực nào đó thì lại càng phải làm mặt nghiêm để ai ai cũng phải thấy rằng anh ta là người quan trọng. Bạn thử để ý mà xem, nếu bạn đến cơ quan công quyền, bạn sẽ gặp những bộ mặt đằng đằng sát khí. Hay nếu bạn đi nước ngoài về phải gặp anh công an cửa khẩu hay anh hải quan cửa khẩu, bạn có bao giờ nhìn thấy nụ cười của họ không? Những anh cán bộ phường, cán bộ hải quan ấy đang gồng mình lên để chứng tỏ mức độ quan trọng của họ. Hãy cẩn thận nếu bạn cười (với) những kẻ gồng mình đó. Tôi nghe nói có người đã bị đánh hội đồng cho tơi tả chỉ vì dám “cười đểu” , thậm chí chỉ cần “nhìn đểu” những kẻ gồng mình ra vẻ quan trọng đó.

Người châu Âu có câu ngạn ngữ khá vui: Với nụ cười thì mọi việc đều suôn sẻ. Người Thái đã có thời gian lấy nụ cười làm slogan cho du lịch của họ. Có lần tôi đã rất ngạc nhiên và vui thích khi làm thủ tục nhập cảnh vào Singapore vì thấy anh công an cửa khẩu mặt mũi đen thui chợt cười toe toét với mình với lời chúc Have a nice stay sau khi kiểm tra hộ chiếu. Có lẽ Việt Nam ta cũng nên lấy nụ cười làm slogan ít nhất là cho ngành du lịch nhỉ? Du khách gặp nụ cười của anh công an cửa khẩu, của anh cảnh sát đường phố, của cô bán hàng lưu niệm, của cô hướng dẫn viên du lịch chắc sẽ vui lòng hơn mà chiêm ngưỡng đất nước tươi đẹp (nhưng hơi buồn chán?) của chúng ta.

Câu nói mà tôi lấy làm tiêu đề cho những hình ảnh nụ cười bên trên thật thú vị: Con người không có ai hoàn hảo, trừ khi họ cười. Bạn hãy mỉm cười, và bạn thật hoàn hảo. Vậy thì tại sao bạn không cười nhiều hơn trong cuộc đời nhỉ? Hãy mỉm cười “như mùa thu tỏa nắng”, vì bạn có quyền hy vọng sẽ làm cho ai đó xiêu lòng (hay ngất xỉu?) vì nụ cười của bạn. Hãy mỉm cười, và cả thế giới sẽ cười với bạn. (và nhớ là nếu khóc, có thể bạn sẽ phải khóc một mình)

(September 2007)

Visa to US

Nếu bạn muốn đi đến thiên đường Mỹ, bạn cần có visa. Mà Visa đi Mỹ là cả một sự nhiêu khê, chứ không còn được gọi đơn giản là vấn đề nữa.

Đầu tiên bạn phải đến ngân hàng nộp vào 1 tấm hình ông Washington (100 $) để lấy 1 cái phiếu hẹn phỏng vấn. Chưa thấy cái phiếu hẹn nào đắt đỏ như vậy. Bình thường chỉ là 1 ly cafe hay 1 ly cam vắt là cùng.

Đến ngày giờ hẹn, bạn phải thân chinh lọ mọ đến lãnh sự quán Mỹ. Từ xa bạn đã nhìn thấy cái hàng dài dằng dặc bên cửa ra vào. Vâng, bạn kiên nhẫn chờ để lọt vào cửa trong ánh mắt hình viên đạn của mấy cảnh sát mang dùi cui và súng ống nạp đạn lăm lăm trong tay. Vào cửa rồi, alêhấp, nộp ngay điện thoại di động vào tủ chứa đồ, vứt túi xách qua máy soi an ninh, và bản thân bạn thì cũng xin mời bước vào máy soi an ninh trước khi có thể lọt vào phòng chờ.

Phòng chờ đông như kiến với mấy hàng người dẫn đến mấy ô cửa nộp hồ sơ. Bạn lại chờ mãi mới đến lượt nộp hồ sơ để rồi lại được 1 cái số hẹn đến đầu giờ chiều quay lại phỏng vấn. Quay ra lấy điện thoại di động, thất thểu lang thang chờ đến buổi chiều nếu bạn không phải người Sài thành.

Buổi chiều quay lại đúng giờ hẹn, bạn lại lặp lại điệp khúc như trên: chờ xếp hàng vào cửa, gửi máy điện thoại, soi an ninh, lọt vào phòng chờ, ngồi chờ.

Khi bạn đến lượt, mời bạn tiến đến ô cửa kính để phỏng vấn. Bạn sẽ được hỏi những câu hỏi đại loại: Bạn đi Mỹ để làm gì? Bạn có ý định ở lại Mỹ hay không? Ai tài trợ cho chuyến đi của bạn? Bạn có thu nhập bao nhiêu? Bạn có anh em bà con gì bên Mỹ hay không?...

Nếu bạn đã từng được cấp visa đi Mỹ và chỉ đi công tác như tôi thì đơn giản hơn nhiều. Nhưng nếu bạn đi thăm thân nhân, hay du lịch, hay với mục đích khác thì vô cùng phức tạp. Bạn sẽ phải có bằng chứng cho những câu trả lời của bạn mới đủ sức thuyết phục người phỏng vấn. Tất cả các câu hỏi toát lên sự nghi ngờ và lo lắng về khả năng bạn ở lại lưu vong ở cái nước Mỹ xa xôi kia. Thiên đường Mỹ xem ra quá hấp dẫn đối với dân Việt .

Chủ quan vì mình đã có visa đi Mỹ 2 năm trước, tôi tin là mình không gặp rắc rối gì khi phỏng vấn. Thế mà lại rắc rối. Người đàn ông có gốc châu Á phỏng vấn tôi vứt trả cho tôi không phải phiếu hẹn lấy visa mà là phiếu từ chối visa. Lý do là hộ chiếu của tôi có số CMND khác với CMND mà tôi đang sử dụng. Chẳng là tôi làm hộ chiếu này từ khi chưa đổi CMND mới với số ID thay đổi.

Tôi phải quay trở lại Vũng Tàu, lấy hộ chiếu khác mới làm có số CMND mới và ngày hôm sau trở lại nộp hộ chiếu mới cùng cái phiếu từ chối visa hôm trước. Lần này thì được 1 cái phiếu hẹn lấy visa vào ngày hôm sau.

Ngày hôm sau thì may quá cậu đồng nghiệp cùng đoàn lấy hộ tôi cái visa khốn khổ mà đắt giá kia, tôi không phải quay lại Sài Thành lần thứ tư.

Như vậy để có được giấy phép vào thiên đường Mỹ, bạn phải mất ít nhất 100 $ tiền bạc, 3 ngày thời gian và 1 cơ số nơron thần kinh kha khá.

(August 2007)

Hạt sạn trong bữa tiệc

Thời gian này tôi đang tham gia khóa học CEO do công ty tổ chức. Đăng ký học vì thời gian này tôi khá rảnh và cũng vì tôi vốn ham học từ thủa nhỏ. Khóa học kéo dài tận ba tháng, học tất cả các ngày thứ bảy. Thế là sáng thứ bảy tôi không còn được ngủ nướng nữa, lọ mọ dậy sớm cắp laptop đến lớp. Đi học ngày nay sướng thật, ngồi trong phòng máy lạnh, có laptop WIFI nhí nhoáy vào mạng viết blog và đọc báo, thi thoảng liếc qua bài giảng của thày cũng trên laptop của mình ở cửa sổ bên cạnh. Ai không đem laptop thì cũng copy bài giảng của thày vào USB đem về nhà đọc lại thoải mái, chẳng cần giáo trình, tài liệu, sách vở làm gì cho mệt.

Thứ bảy tuần qua, chúng tôi có một ông thầy đầu bạc, complê caravat lịch sự, GSTS, Tổng giám đốc một công ty liên doanh. (Ghi chú GSTS là Giáo Sư Tiến Sĩ, không phải Gà Sống Thiến Sót.). Thầy giới thiệu đã từng du học ở Canada, đã từng bôn ba năm châu bốn bể, tiếng Anh như gió, tuy nhiên trong khóa học này thầy sẽ ưu tiên giảng bằng tiếng Việt mẹ đẻ cho yêu nước.

Vâng, giới thiệu về khóa học và về ông thầy hơi kỹ, chỉ để nhấn mạnh cho cái mục đích chính của tôi. Đấy là bắt lỗi chính tả trong bài giảng tiếng Việt của thầy. File powerpoint nhá, xanh đỏ tím vàng nhá, hình ảnh động, âm thanh nổi nhá, bấm slides chạy ra chạy vào đồng hành cùng các loại hình ảnh và âm thanh nhá. Thế mà hỡi ôi, bài giảng “chất lượng cao” của thầy đầy rẫy lỗi chính tả và lỗi đánh máy. Ngoài những lỗi chính tả thông thường, người miền nam hay mắc lỗi lẫn lộn dấu hỏi và dấu ngã, lẫn lộn giữa t và c trong văn phong nói và kéo luôn cả vào văn phong viết. “Rũi ro”, “chia sẽ”, “xử dụng”, “xác xuất’, “sác địng”, “chặc chẻ”, sẳn sàng”, tóm lượt”, “mồi lữa”, ….là một số lỗi trong bài giảng nhan nhản lỗi của ông thầy. Tôi ngán ngẩm nhìn bài giảng của thầy mà ước ao sao thầy không để nó nguyên bản tiếng Anh thì hay hơn nhiều dịch nó ra tiếng Việt. Tiếng Việt cha sinh mẹ đẻ của thầy mà sao thầy không thông thạo bằng tiếng Anh nơi thầy du học?

Tôi có một thói xấu là khi nhìn thấy lỗi chính tả, hay lỗi đánh máy trong sách báo nhất là trong văn chương…là thấy ngứa mắt và khó chịu vô cùng. Và rồi tự dưng tôi chỉ còn nhìn thấy mấy cái lỗi chính tả mà chẳng còn thấy bài văn bài thơ mắc lỗi đó còn gì hay ho nữa. Cái cảm giác giống hệt như đang nhấm nháp sơn hào hải vị chợt nhai phải hạt sạn to đùng mẻ hết cả răng, chỉ còn một cách duy nhất là nhổ miếng ngon trong miệng đi.

Trên mạng tôi may mắn được đọc khá nhiều nhà văn, nhà thơ, có danh cũng như vô danh qua blog của họ. Dĩ nhiên họ là những bậc kỳ tài trong việc tung hứng với các con chữ rồi. Họ múa bàn phím toanh toách, bấm chuột nhoay nhoáy, thả thơ viết văn cứ như thả diều, nhẹ nhàng như chơi. Tuy nhiên, một số vẫn mắc phải những lỗi chính tả sơ đẳng nhất. Những lỗi chính tả này làm cho những bài văn, bài thơ tuyệt tác của họ trở nên…kém giá trị, thậm chí vô nghĩa đối với bạn đọc, giống y như những món sơn hào hải vị có sạn vậy.

Vì vậy, hãy để ý nhặt sạn trước khi chuẩn bị món cho bữa tiệc của bạn nhé, hỡi các nhà văn nhà thơ vô cùng đáng kính.

(June 2007)

My pain, Your gain!

Tôi thích tản văn. Trần Thu Trang, cô bé nhà văn trẻ trên mạng có thói quen viết “Thư hàng tuần” kiểu tản văn với các vấn đề rất thú vị. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng có những bài tản văn độc đáo, tình cảm mộc mạc bình dị rất dễ thương.

Tôi vừa nảy ra ý định viết tản văn hàng tháng về những điều thú vị mà gai góc xung quanh ta. Bạn đừng cười cái mục tiêu hàng tháng hay cái sự lười biếng viết lách của tôi. Tôi đâu phải nhà văn, nên viết được hàng tháng đã là một cố gắng lớn lao.

Tháng Năm này, tôi muốn viết vài điều tản mạn về thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Chứng khoán hiện đang là thời sự nóng của xã hội. Ở bất cứ tờ báo giấy nào, hay bất cứ trang báo điện tử nào, bạn cũng có thể tìm thấy mục thông tin về chứng khoán. Nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán. Người ta ví von thị trường chứng khoán của Việt Nam là canh bạc của những người giàu có và là lô đề của các bà nội trợ, quả không sai.

Tôi có mấy cô bạn học cùng thời phổ thông cũng lao vào vòng xoáy của chứng khoán. Nga, một cô bạn xinh đẹp, nhanh nhẹn, tháo vát, buôn bán kinh doanh giỏi. Nga có vốn liếng kha khá cỡ vài tỷ trước khi lao vào chứng khoán. Nga không ngại ngần vứt toàn bộ vốn liếng vào chứng khoán, suốt ngày ngồi đồng ở các sàn giao dịch chứng khoán. Đến thời điểm tháng 3 vừa rồi, nghĩa là trước khi thị trường xuống dốc không phanh, Nga có khoảng 12 tỷ trong tài khoản chứng khoán của mình. Vì thế có thể gọi Nga là một “đại gia” trong “canh bạc” chứng khoán.

Mai, cô bạn thứ hai, chỉ là một công chức làm công ăn lương, chịu khó, đảm đang nhưng hơi bị lạc hậu với thời cuộc. Mai chỉ có vài chục triệu gửi tiết kiệm đề phòng những lúc trái gió trở trời. Thế mà rồi khi bị cuốn vào “lô đề” chứng khoán, “tiểu gia” Mai cũng không ngại ngần vứt toàn bộ vốn liếng của mình, rồi của anh chị em, bố mẹ mình vào chứng khoán. Đến thời điểm tháng 3 vừa rồi, Mai cũng có khoảng 400-500 triệu trong tài khoản chứng khoán của mình.

Thế rồi, thị trường chứng khoán đỏ ngầu, giá cổ phiếu xuống dốc không phanh khoảng 20-30% trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5.

“Đại gia” Nga có nhiều tin tức về thị trường, kịp thời bán đi vài tỷ trị giá chứng khoán khi thị trường đang ở đỉnh, thu hồi vốn chờ thời cơ khi giá thấp lại mua vào kiếm lời. Số dư tài khoản của Nga vẫn tăng lên mặc dù thị trường chao đảo.

“Tiểu gia” Mai ôm giữ mấy chứng khoán cò con của mình, chậm chạp ngóng nhìn chứng khoán lên giá, đau đớn nhìn chứng khoán giảm giá. Đến nay, vốn đầu tư của Mai đã thụt đi khoảng 30% so với khi mua vào ở đỉnh. Tội nghiệp nhất là Mai đã gom góp hết từng đồng tiết kiệm của mình, của gia đình, rồi vay thêm ngân hàng đổ vào “lô đề”, để bây giờ ruột như xát muối khi thấy mình thua trắng.

Ngạn ngữ châu Âu có câu” No pain, no gain”. Còn ở thị trường chứng khoán Việt Nam, câu ngạn ngữ này bị biến thái thành “My pain, your gain”.

(May 2007)

Tản mạn mùa xuân Hà Nội

Ở phương xa về ăn Tết Hà nội là một hạnh phúc mà những kẻ tha hương mong đợi khắc khoải. Thèm cái cảm giác được đi dưới mưa phùn bay bay, thấy cái lạnh se se ngấm vào da thịt, để má hồng rực lên trong cái lạnh mùa đông. Thèm cái cảnh nhộn nhịp trong chợ hoa Hà nội, mê mải ngắm sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của cam, quất cảnh và …sắc đẹp của những cô bán hoa. Thèm được bày biện và ngắm nhìn mâm ngũ quả đúng chất Hà Nội, nải chuối xanh, bưởi vàng, quýt đỏ, phật thủ vàng tươi, trang điểm thêm vài quả quất xanh vàng.

Mùa xuân Hà nội. Mưa phùn ẩm ướt dăng kín trời đất. Bầu trời âm u xám xịt. Trời se lạnh, cái lạnh cuối đông đầu xuân thật dễ chịu. Ngồi trong phòng lặng ngắm mưa rơi như bụi bay ngoài cửa sổ. Mưa phùn rắc phấn trên những ngọn lá, cánh hoa để làm nên những hạt ngọc long lanh trong nắng sớm ngày mai.

Thật tội nghiệp cho những ai đang lang thang ngoài trời không có một mái ấm gia đình hay cho những ai cần phải đi lại, làm việc trong thời tiết này. Tuy nhiên, lúc này ngồi trong căn nhà sáng sủa ấm áp của mình mới cảm thấy hết cái hạnh phúc nhỏ bé và giản dị của con người: mái ấm gia đình.

Trong căn phòng xinh xắn, tiếng nhạc vui vẻ tràn ngập lẫn tiếng nước sôi reo trên bếp và mùi thức ăn ngào ngạt. Cậu bé đang cặm cụi học bài trong phòng, chân nhịp theo tiếng nhạc. Người mẹ thì lúi húi trong bếp nấu bữa tối, miệng lẩm nhẩm theo lời ca khúc đang rộn rã trong phòng.

(Feb 2007)

Câu chuyện về một blogger bí ẩn và hấp dẫn

Truyện ngắn

Phi trường Tân Sơn Nhất nóng bỏng như cái chảo rang, nhất là trước sảnh đến quốc tế chật ních người đi đón. Mấy chuyến bay được thông báo đến chậm giờ, đúng là hãng Sorry Airline.

Bích Ngọc đang ngồi trong quán giải khát. Hôm nay, nàng chờ đón một hành khách đặc biệt của chuyến bay từ Paris của hãng Sorry Airline. Đó là một người mà nàng chưa hề gặp mặt, chỉ quen biết qua blog. Một blogger bí ẩn với nick là "Trung Niên", có thể nói là khá "chảnh" khi không dùng tên thật, không hề nói về mình, không hề đăng ảnh và thông tin cá nhân lên blog. Tuy nhiên anh nổi lên như một trong những blogger hấp dẫn nhất với những bài viết giản dị, chân thành và tình cảm. Ngay cả cách giao lưu, ghi cảm nhận và trả lời cảm nhận của anh cũng rất đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc với các nàng blogger từ trẻ đến... không còn trẻ, từ xinh đẹp đến... thông minh. Lịch sự, nhã nhặn, tình cảm, thi thoảng hài hước, dí dỏm...anh thu hút khá đông người hâm mộ, nhất là các blogger nữ. Tuy nhiên, anh không bao giờ lộ diện. Bí ẩn đôi khi có sức hút mạnh hơn, và tò mò vốn dĩ là đặc điểm không thể thiếu của phái đẹp. Cũng phải nói thêm là trong làng blog này, mọi người đều công khai danh tính, quen nhau ngoài đời và hiểu biết nhau qua những bài viết, qua những giao lưu online cũng như offline. Vì vậy một blogger bí ẩn như Trung niên lại càng trở nên đặc biệt hấp dẫn. Trung Niên tỏ ra có cảm tình đặc biệt với Bích Ngọc, và hai người đã trao đổi riêng qua mail, đã nhắn gửi, tâm tình, chia sẻ biết bao nhiêu điều trong cuộc sống....

Nhấm nháp ly sinh tố dâu, Bích Ngọc mơ màng nhớ đến mail cuối cùng của anh gửi nàng thông báo anh sẽ có chuyến công tác về Việt Nam và mong được gặp riêng nàng. Thế rồi chuyến bay cuối cùng cũng đã đến.Trong bộ váy màu xanh nước biển cổ chữ V và một bông hồng đỏ trong tay như đã hẹn, Bích Ngọc chăm chú nhìn dòng người đi ra từ sảnh đến. Theo lời hẹn, Trung Niên sẽ phải mặc áo sơ mi màu trắng và cũng với một bông hồng đỏ cài trên ngực áo. Bích Ngọc không hề chú ý đến một ông già tóc hoa râm, trán cao, dáng vẻ "trí ngủ", ngồi trên xe lăn do nhân viên sân bay phục vụ đang tiến đến gần nàng. Chỉ đến khi ông dừng lại trước mặt nàng và hỏi: "Phải Bích Ngọc đó không?", nàng mới ngỡ ngàng giật mình đánh rơi cả bông hoa. Đúng là ông già mặc áo sơ mi trắng, cài bông hồng đỏ trên ve áo như đã hẹn. "Anh... Trung Niên?" Nàng ấp úng. "Đúng vậy, em đón anh chứ?" Bích Ngọc lúng túng cúi nhặt bông hoa rơi trao cho người đàn ông, nhận lấy xe đẩy từ nhân viên sân bay và đẩy tiếp chiếc xe lăn ra cửa. Bích Ngọc không sao thốt lên lời, cố che giấu sự thất vọng cay đắng.

Khi chiếc airport taxi cập tới, người đàn ông quay lại mỉm cười với nàng: "Cám ơn em, nhưng tôi không phải Trung Niên, có một bà ngồi cạnh trên máy bay đã nhờ tôi đeo bông hồng này trên ngực áo để gặp em, bà ta nói là một cuộc thử nghiệm gì đó. Ở đằng kia là người đàn bà ấy." Bích Ngọc nhìn theo hướng chỉ của người đàn ông trên xe lăn và thấy một người.... đàn bà trung niên khoảng ngoài 40 chạc tuổi nàng, khá xinh đẹp trong cái váy màu kem trắng sang trọng với một bông hồng đỏ trên ngực, đang vẫy tay cười với nàng.

Bích Ngọc chợt thấy hoa mắt, một lần nữa cảm nhận sự thất vọng cay đắng xen lẫn tự ái đang dâng lên trong nàng...

(còn tiếp)

Tin nhắn thứ hai

Truyện cực ngắn

Lan và anh yêu nhau khủng khiếp. Những ngày anh đi công tác nước ngoài, không ngày nào là họ không gặp nhau qua chat. May mà điện thoại của anh không hòa mạng quốc tế, nếu không sẽ tốn tiền nấu cháo điện thoại quốc tế suốt ngày. Những ngày này Lan coi như anh ở “ngoài vùng phủ sóng”. Lan nhớ anh và cháy lòng mong đợi ngày anh trở về. Trong lần chat cuối cùng với anh, Lan hiểu anh chỉ ghé Sài gòn có vài tiếng tối chủ nhật, transit ở sân bay rồi bay luôn đi Hà Nội để sáng thứ hai còn đi làm. Mặc dù nó phụng phịu đòi anh ở lại Sài Gòn để gặp nó, anh nói rất tiếc anh không thể ở lại vì có công chuyện quan trọng sáng thứ hai. Anh hứa sẽ nhắn tin hoặc điện thoại cho Lan khi đến Sài gòn, khi đã về “vùng phủ sóng”.

Tối chủ nhật, Lan thắc thỏm ngóng chờ điện thoại của anh. Mệt mỏi, nó thiếp đi với cái điện thoại nắm chặt trong tay. Gần nửa đêm nó bừng tỉnh với tín hiệu nhạc báo tin nhắn đến. Dụi mắt nó thì thầm đọc những lời có cánh của anh: “Anh đã về đến Sài gòn. Nhớ em và yêu em nhiều Lan ạ, hôn em yêu dấu của anh.” Nó những muốn hôn lên màn hình điện thoại, nhưng buồn ngủ quá nó lại lăn ra ngủ. Nhưng rồi tiếng nhạc báo tin nhắn thứ hai lại đánh thức nó dậy sau vài phút. Nó dụi mắt mấy lần mới đọc hết tin nhắn thứ hai của anh mà nó không sao hiểu nổi lúc mới đọc, và khi đã hiểu ra thì nó thấy đau nhói ở ngực: “Anh đã về đến Sài gòn. Nhớ em và yêu em nhiều Hạnh ạ, hôn em yêu dấu của anh. Chiều mai anh bay Hà Nội, sáng mai mình gặp nhau ở Cafe Tím nhé em.”

Tội nghiệp cho cái điện thoại mới của anh và cho trái tim mong manh, khờ khạo của Lan.

Con cá mất là con cá to?

Truyện ngắn

Mải mê với cái báo cáo cuối tháng, Thu quên mất giờ họp. Lúc nhìn vào đồng hồ thì đã muộn mất năm phút. Vớ lấy cuốn sổ và cây bút, Thu vừa đi vừa chạy xuống phòng họp ở tầng hai. Cuộc họp khá quan trọng, Ban Giám đốc Tổng công ty ra mắt cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty.

Mở cửa phòng họp, Thu chói mắt vì ánh đèn sáng lóa. May quá còn một chỗ trống gần bên cửa ra vào, Thu kiếm chỗ ngồi đại, trong khi mắt vẫn chăm chú nhìn người đang nói trên bục phát biểu. Lại quên kính cận nữa rồi, Thu nheo mắt, cau mày. Nàng chỉ nhận ra người phát biểu qua giọng nói, ông Trưởng ban Tổ chức nhân sự đang đọc quyết định bổ nhiệm Ban Tổng Giám đốc mới. Sau đó là Ban Tổng giám đốc mới phát biểu cảm tưởng, rồi mọi người chúc tụng. Sâm panh nổ đôm đốp, tiếng chạm cốc lanh canh. Thu đứng dậy để bắt tay, chạm cốc chúc mừng các sếp mới. Chợt tim Thu như ngừng đập khi nàng nhìn thấy người bên cạnh cũng vừa đứng dậy. Đó chính là Sơn, người tình năm xưa của nàng. Chắc hẳn anh vừa bay từ Sài gòn ra dự cuộc họp quan trọng này. Già hơn nhiều, bụng hơi phệ, đầu hói, nhưng vẫn phong độ, trầm tĩnh, trí thức như xưa. Thu choáng váng nhìn Sơn, không thốt lên lời. Sơn gật đầu chào nàng, lúng túng với cảm giác có lỗi. Có phải vì cái cảm giác lúng túng có lỗi của Sơn mà mắt nàng ánh lên một nỗi chán ngán và coi thường? Thu im lặng và bước tránh sang bên để chạm cốc với một đồng nghiệp khác, vẫn thoáng nhìn thấy Sơn lảng tránh và cụp mắt xuống như một tội đồ. Không khí vui vẻ trong phòng họp bỗng trở nên ngột ngạt đến nghẹt thở. Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Gần hai mươi năm trời trôi như bóng câu qua cửa sổ, và bây giờ nhờ cặp mắt cận mà quên đeo kính, Thu vớ được quả đắng này.

Con cá mất là con cá to. Ai có thể ngờ người ta đôi lúc vô tình đến mức không nhận ra con cá to nhất của đời mình khi bất ngờ chạm trán.

Thị Nở thời Bờ Lốc

Thị vừa di chuột vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ online là Thị lấy đủ các loại nick để chửi cho sướng miệng (và nhiều khi để vỗ về cái nick chính của mình). Bắt đầu Thị chửi những kẻ hay copy trên mạng mà không chịu “tối tác” như Thị. Có hề gì, In tơ néc có nhiều kẻ như vậy lắm. Tức mình, Thị chửi hết những “bà sồn sồn” trên mạng dám cả gan mê thơ Hâm sĩ của Thị. Nhưng các bà các cô trong làng Bờ Lờ Tờ Vờ (BLTV) ai cũng nhủ: "chắc nó trừ mình ra." Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức đến giật mô đem đi được mất! Đã thế, Thị phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với Thị. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí chai rượu của Thị không? Thế thì có tốn tiền Thị online không? Không biết đứa nào cứ vẽ ra các loại diễn đàn làm cho Thị khổ đến nông nỗi này. Aha, phải đấy, Thị cứ thế mà chửi, Thị nghiến răng mà chửi cái đứa đã xúi giục Thị lên các diễn dàn! Nhưng biết đứa nào đã lôi kéo Thị lên diễn đàn! Có trời mà biết, Thị không biết, khắp các diễn đàn trong và ngoài nước cũng không ai biết.

Một bác đi lang thang trên mạng, một buổi sớm tinh sương đã thấy Thị vênh váo giữa đám đàn bà con gái trên box Văn thơ bên Ba Mờ, bác ta liền hăm hở lôi sang bên Ba Nờ. Bên Ba Nờ đang vào hồi thịnh, lại giới thiệu Thị qua Vờ nờ tờ quờ (VNTQ), và khi sang đến bên này, thì Thị lang bang, hết nhậu với hội văn thơ ở làng này lại đi cà fé với hội thơ văn ở Fố rùm khác. Về đến Ba Nờ, Thị đong đưa với bác Admin Hâm sĩ. Hình như có mấy em còn trẻ lắm là fan của Admin Hâm sĩ, mà lại hay nhõng nhẽo, tán tỉnh admin viết văn, làm thơ… Người ta bảo bác Admin lên mạng thì oai phong lẫm liệt, cả diễn đàn phải nể, mà cũng ngại mấy em tre trẻ này. Mấy em ấy thì xinh xắn, suốt ngày post những là “chiều tím, mắt long lanh, môi chúm chím”, lại copy tràn lan văn thơ ở chỗ khác về, đôi khi tương mấy câu không đầu không đũa, nhưng bác Admin thì tính hay cả nể lắm. Những người cả nể hay ngại xoá bài mà chúa đời là đa tình. Có người bảo Thị ghen với mấy em tre trẻ hâm mộ Hâm sĩ mà không dám nói. Có người thì bảo Thị được các admin ưu ái nên tự tung tự tác thích thì post thơ không thì thôi. Mỗi người nói một cách. Chẳng biết đâu mà lần. Chỉ biết một hôm Thị thấp thoáng xuất hiện ở Ba nờ Quán với Hâm sĩ. Thị đi họp làng Ba nờ lần này ở trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết Thị là ai. Trông đặc như một mụ sồn sồn chuyên đong đưa trên mạng! Tóc tai thì vàng khè, răng thì hô, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt liếc ngang liếc dọc đưa tình! Thị mặc váy áo màu đỏ choét, bên ngoài khoác áo bành tô to sụ, đi cái xế hộp đời mới trắng lóa, hai tay xách hai túi thơ to tướng! Trông gớm chết!

Hôm trước ở làng Ba nờ Thị bị cả làng tẩy chay vì tội đạo thơ dịch mà còn hợm hĩnh hiếu thắng, hôm sau đã thấy chán đời ngồi ở quán Ông già chính hiệu uống rượu với thịt gà suốt từ chiều cho đến tối muộn vì bị Hâm sĩ quên lãng. Rồi say khướt, Thị mò vào Bờ Lờ Tờ Vờ, gọi khắp những bà "sồn sồn” dám cả gan thích thơ Hâm sĩ của Thị ra mà chửi. Thấy điệu bộ hung hăng của Thị, chả bà nào dám ra nói với Thị một vài lời phải chăng. Mắc phải cái mụ ghen tuông bệnh hoạn, lại liều lĩnh quá, lại say rượu, tay lại nhăm nhăm một con chuột, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả…. Thôi thì cứ giữ váy cho thật chặt, rồi mặc thây cha thị, thị chửi thì tai liền miệng ấy, chửi rồi lại nghe. Thành thử chỉ có ba con chó dữ, với một mụ chửi như hát hay. Thật là ầm ĩ! Người làng Bờ Lờ Tờ Vờ phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ trong bụng thì họ hả hê: xưa nay họ toàn chỉ nghe các thành viên cao quý tranh tụng về văn thơ nghe nhạt thếch, bây giờ họ mới được nghe có kẻ chửi như hát hay. Mà chửi mới sướng miệng làm sao! Mới ngoa ngoắt làm sao! Họ bảo nhau: phen này làng Bờ Lờ Tờ Vờ đố còn dám tự hào là ngôi làng thanh lịch nhất trong tất cả các ngôi làng nữa! Văn hoá văn minh bờ loc đến xuống cấp mất! Cũng có người hiền lành hơn bảo: “Phúc đời nhà nó, chắc Tẩm sĩ không có nhà…” Tẩm sĩ đây vốn nổi tiếng là thích văn thơ, mê chuyện cười, thấy chuyện trái tai gai mắt là nổi máu hiệp sĩ vào can thiệp ngay. Phải Tẩm sĩ thử có nhà xem nào! Quả nhiên họ nói có sai đâu! Đấy, có tiếng người sang sảng quát: “Mụ muốn lôi thôi gì? Cái mụ ghen tuông bệnh hoạn này! Mụ muốn lôi thôi gì?...” Đã bảo mà! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng Tẩm sĩ. Tẩm sĩ đã vào! Tẩm sĩ đã vào! Phải biết… A ha! Một bài vè rất kinh! Ôi! Cái gì thế này! Tiếng gõ phím cành cạch, tiếng nhấn chuột toanh toách! Thôi thì cứ gọi là ngả nghiêng vì cười! Ôi Thị chửi! Thị vừa chửi vừa kêu làng như bị người ta chọc vào nách! Ối Thị kêu!

- Ôi làng nước ôi! Cứu tôi với…Ôi làng nước ôi! Tẩm sĩ nó post thơ lột mặt nạ của tôi! Nó post chuyện Đường xưa Gà thích đong đưa để bỉ tôi, làng nước ôi!...

Và họ thấy Thị lăn ngay vào Bờ loc của admin, vừa kêu vừa nghĩ thơ vè bỉ lại. Nom kinh quá! Gần hai mươi thành viên đồng loạt login vào xem, cười rất to. Tẩm sĩ hơi tái mặt, nhìn màn hình mà cười nhạt, rồi lại cười hể hả! Hừ! Ngỡ là gì, chẳng hoá ra thị chỉ giỏi ăn vạ, cóc biết làm vè vui như mình! Quả này thì Thị mất điểm trên In tờ nec.

Người ta tuôn đến xem. Mấy Bờ loc xung quanh cũng cử người sang copy bài vè của Tẩm sĩ về post lại! Thật ồn ào như chợ vỡ. Các bà "sồn sồn” cũng vững dạ vì có Tẩm sĩ, liền bỏ váy không giữ nữa, chạy ra ngó. Thật ra, các bà muốn xem Thị ra làm sao? Không khéo Thị có ý rạch mặt ăn vạ trong làng này thì phiền.

Những đại biểu ưu tú của Làng Blog Việt

Nhân dịp sinh nhật của Blog Việt, chúa Jesus mời những đại biểu ưu tú nhất của Làng Blog Việt lên thiên đường dự tiệc. Tuy nhiên trong giấy mời lại quên dặn mang theo chứng minh thư, nên khi lên không ai mang theo cả. Vì vậy chúa phải cử thánh Paul kiểm tra từng người xem có đúng là người được mời hay không.

Đại biểu thứ nhất là một chàng thông minh sáng láng, trán cao bóng nhoáng.

Thánh Paul hỏi:

- Ông tên là gì?

- Tôi tên Nguyên Hùng

- Ông có tài gì?

- Tôi có tài thiết kế Blog thuê, nhất là cho các em xinh tươi chưa quen dùng chuột.

- Thiết kế thử ta xem!

Nguyên Hùng bấm chuột toách toách, 10 giây sau đã đưa ra một loạt các blog có banner hồng hồng tím tím, hoa lá cành, mây trăng, sông nước đủ hết.

Thánh Paul tròn xoe mắt:

- à há, đúng Nguyên Hùng rồi, mời vào!

Đại biểu thứ hai là một chàng "đẹp chai", phúc hậu nhang nhác giống Đường Tăng.

Thánh Paul hỏi:

- Ông tên gì?

- Tôi tên Đức Đát.

- Ông có tài gì?

- Tôi có tài xuất khẩu thành thơ, nhất là thơ cổ động cho các ngày lễ lớn.

- Xuất thử ta xem!

Đức Đát múa bàn phím toanh toách, 10 giây sau đã đứng dõng dạc ngâm liền một mạch 3 bài thơ, một mừng ngày sinh Các Mác, một mừng ngày sinh Bác Hồ, một cổ động toàn dân đi bầu cử.

Thánh Paul vốn dĩ chỉ thích thơ tình, vội vã xua tay:

- Đúng Đức Đát rồi, mời vào!

Đại biểu thứ ba là một chàng cao ráo, lãng tử tuy ăn mặc hơi bụi bặm trông như anh xe ôm.

Thánh Paul lại hỏi:

- Ông tên gì?

- Tôi tên Trung Kim.

- Ông có tài gì?

- Tôi không những đa tài mà còn đa tình nữa.

- Biểu diễn ta xem!

Trung Kim chạy ngay đến chỗ cây táo. Chỉ một phút sau đã quay trở lại trong tiếng nhạc Đam San hào hùng, một tay xách túi thơ “Khao Khát”, một tay dắt theo nàng Eva xinh đẹp, đến lá nho cũng chẳng có, với đôi mắt nóng bỏng nồng nàn suýt làm tan chảy cả thánh Paul.

Thánh Paul hoảng hồn, vội vàng phán:

- Đúng Trung Kim rồi, xin mời vào!

Đại biểu thứ tư là một chàng cao lớn điệu đàng rất sì po.

Thánh Paul hỏi:

- Ông tên là gì?

- Tôi tên Chí Thắng.

- Ông có tài gì?

- Tôi có tài giật tít topic vô cùng mùi mẫn để câu khách.

- Giật thử ta xem!

Chí Thắng hí hoáy giật.. chuột tách tách, 1 lúc sau đã đưa ra một loạt các tít topic giật gân, nào là “Người đàn bà xa lạ”, nào là “Người đàn bà đeo cặp kính đen”, nào là… “Người đàn bà chưa bao giờ cởi truồng”.

Thánh Paul cười lớn mà rằng:

- Thế thì nhà ngươi đích thị là nhân vật TYPN của Vũ Trọng Phụng. Đúng Chí Thắng em của Chí …Phèo rồi, mời vào.

Đại biểu tiếp theo là một chàng tóc ánh bạc, có vẻ ngoài khắc khổ và nghiêm nghị như một ông thầy tu, duy chỉ có ánh mắt khá tinh quái.

Thánh Paul hỏi:

- Nhà ngươi tên gì?

- Tôi tên Đình Chiến.

- Nhà ngươi có tài gì?

- Tôi có tài ngồi trong góc khuất mà phát hiện ra những “góc khuất” thú vị của các nàng blogger xinh đẹp, nơi mà không ai có thể ngờ đến.

- Phát thử ta xem!

Đình Chiến quay ra hí hoáy với mũi giày của mình, một phút sau đã hiên ngang đứng dậy xán đến chỗ mấy chị em Blogger đang túm năm tụm ba nói chuyện, mời Kim Oanh cùng khiêu vũ. Kim Oanh hôm đó rất thời trang trong trang phục mini juýp. Sau khi phấn khởi xoay mấy vòng trong vũ điệu lambada với Đình Chiến, bỗng Kim Oanh nghi ngờ nhìn giầy của Đình Chiến mà kêu tướng lên:

- Sao anh lại gắn gương soi vào mũi giày? Định quan sát “góc khuất” của bạn khiêu vũ hay sao? Ối chị em ơi ra đây mà xem này.

Bị chiến bại với âm mưu quan sát “góc khuất”, Đình Chiến khá tức tối và cũng hơi xấu hổ với Thánh Paul, trong khi chị em blogger thì được một trận cười nghiêng ngả.

Đình Chiến vội vàng bổ sung thêm để chữa ngượng:

- Tôi còn có tài xuất thần trong việc ghi cảm nhận hài hước, tinh quái đến mức… gây sự với các blogger, đặc biệt là các blogger nữ xinh đẹp và dí dỏm.

- Xuất thử ta xem!

Đình Chiến trầm ngâm suy nghĩ, một phút sau đã hoàn tất mấy cảm nhận sắc sảo, hài hước trêu chọc Kim Oanh, Hoài Vân, Lâm Cúc….làm cho mọi người ôm bụng mà cười.

Thánh Paul cũng cười lớn mà phán:

-Thế thì nhà ngươi phải đổi tên thành “Gây Chiến” mới đúng, “Đình Chiến” cái nỗi gì? May mà nhà ngươi còn có tài ghi cảm nhận vui, chứ cái mẹo vặt quan sát “góc khuất” của chị em thì không phải tài năng gì cả. Thảo nào mà nhà ngươi bị bà xã vặt trụi hết cả râu, thật đáng đời. Thôi mời vào!

Vãn cảnh chùa Trấn Quốc

Tôi vốn không phải là người mê tín. Mùng một, ngày rằm tôi cũng thắp nén nhang với đĩa trái cây trên bàn thờ cha tôi, với lời khẩn cầu thành kính. Tuy nhiên, tôi hầu như không đi lễ chùa trong những ngày này. Ngược lại, cô em gái tôi rất mê tín đến mức dị đoan. Mùng một, ngày rằm cô em thường cất công mua sắm đồ sính lễ và đi lễ các chùa lớn, linh thiêng có tiếng. Tình trạng ngày lễ tết ở các chùa thì kinh khủng. Cô em đi về rồi ca thán nào là chen chúc hết thở, nào là xô đẩy mãi mới đặt được mâm sính lễ, nào là tòan vái vào lưng người đứng trước, nào là khấn mà không nghe thấy tiếng nói của chính mình….

Ta dại ta tìm chốn hoang vu, ta vốn không thích những nơi lao xao chen chúc. Tôi thi thỏang đi vãn cảnh chùa vào những lúc “vắng như chùa Bà Đanh”. Có một lần tôi rủ một cô bạn lang thang vào chùa Trấn Quốc vào một buổi sáng chủ nhật thanh bình. Đây là ngôi chùa theo tôi là đẹp nhất Hà nội. Phong cảnh xung quanh đẹp, chùa cũng đẹp. Hai đứa bọn tôi lang thang khắp nơi, quả thực cũng hiếm khi có dịp vào nơi đây mà trong lòng thư thái, ung dung, hưởng an nhàn thanh tịnh nơi cửa phật. Thế rồi tại đây, chúng tôi lặng người đi trước những điều răn của Phật, những điều mà tôi cũng đã từng đọc được ở đâu đó đôi lần và tản mạn, nhưng chưa bao giờ có thời gian ngẫm nghĩ sâu xa như vậy. Cô bạn chụp lại bức ảnh những điều răn này và về nhà chúng tôi chép lại.

14 ĐIỀU RĂN CỦA PHẬT

1). Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.

2). Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.

3). Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.

4). Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị.

5). Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình.

6). Tội lỗi lớn nhất của đời người là lừa người, dối mình.

7). Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti.

8). Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã.

9). Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.

10). Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ.

11). Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm.

12). Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung.

13). Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.

14). Yên ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

Hội thảo

Một Tổng công ty hoành tráng nọ cử 1 phái đoàn hoành tráng đi dự Hội nghị quốc tế chuyên ngành. Tổng cộng đoàn dự Hội nghị khoảng 20 người với le phi hoi thao, chi phí vé máy bay, khách sạn, chi tiêu trong 1 tuần tạm tính 2500 $ x 20 người = 50 000$ = 800,000,000 VNĐ. (Chưa tính lương của 20 người trong 1 tuần)

Kết quả thu được gì?

Ngày Hội nghị đầu tiên được tổ chức khá hoành tráng, buổi sáng đầu giờ gần đủ các thành viên trong đoàn tham gia. Đến lúc giải lao, quá nửa thành viên mất tích. Buổi chiều thì chỉ còn lại 5 thành viên (1/4 đoàn) kiên nhẫn ngồi tham gia. Đó là chưa nói đến chuyện phần lớn các thành viên ngồi trong Hội trường mà vẫn giữ được tác phong rất ... vô văn hóa của Việt Nam ta là ...ngủ gật, nói chuyện riêng, nghĩ đến lúc đi chơi hay đến những gì phải mua sắm làm quà cáp cho người thân, không thèm nghe (hay không nghe thủng) tiếng Anh của Hội nghị.

Ngày Hội nghị thứ 2 được tổ chức theo chuyên đề, nghe và thảo luận các báo cáo tại nhiều Hội trường khác nhau. Tất nhiên là dễ trốn hơn nhiều, và kết quả là cũng chỉ còn độ 1/4 đoàn tham gia, còn lại là lặng lẽ ...mất tích.

Ngày Hội nghị thứ 3 được tổ chức xem triển lãm chuyên ngành. Có khoảng gần 1 nửa đoàn tham gia, chủ yếu để thỏa mãn sự tò mò xem triển lãm có gì hay ho không và để nhận quà lưu niệm của các gian hàng triển lãm. Vì vậy dĩ nhiên là chỉ cần cưỡi ngựa xem hoa 1 lúc cho có mặt rồi lại... chuồn chuồn đi shopping.

Tham gia đọc báo cáo là mấy thành viên trẻ tuổi, tuy thiếu kinh nghiêm nói năng nhưng bù lại chịu khó viết bài, chuẩn bị bài và.... căng thẳng thần kinh đến mức cưc độ khi lên đọc bài. Còn mấy bác sếp già đầu hói (hoặc mấy thứ tóc), bụng phệ thì chỉ chỉ đạo các em thôi chứ bản thân mình thì tiếng anh hơi yếu, lại bận rộn làm gì có thời gian viết bài, chuẩn bị bài cho Hội nghị quốc tế cơ chứ? Các bác có hạ cố đi Hội nghị chỉ là để làm trưởng đoàn, hay để chỉ dẫn cho các em, hay để chê bai các em còn ... xanh lắm, chưa có nhiều kinh nghiệm viết bài tham gia Hội nghị quốc tế. Thực ra là các bác chẳng thèm quan tâm các em viết gì, đọc gì, cũng như quan khách quốc tế nói gì, viết gì. Các em thì toàn viết những vấn đề to tát dễ sợ như chính sách phát triển nền kinh tế mũi nhọn của đất nước, khả năng áp dụng công nghệ mới và kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp then chốt của nước nhà. Tuy biết đấy là việc của mình nhưng các sếp vẫn chẳng thèm quan tâm, viêc của các sếp ở đây là tham quan du lịch và mua sắm cơ mà. Thực sự là bệnh lười làm việc, thiếu suy nghĩ và thói vô trách nhiệm của các sếp thật choáng.

Nước VN ta nhỏ hay không nhỏ? Thanh danh, uy tín của đất nước trên trường quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào.... tinh thần tham gia Hội nghị quốc tế và hơn nữa là ý thức trách nhiệm của các sếp đối với những vấn đề vĩ mô mà lẽ ra các sếp phải chịu trách nhiệm.

Hãng Sorry Airline và sự độc quyền được qui định trong luật hàng không

Nếu bạn đã từng có dịp hân hạnh vi hành cùng hãng hàng không quốc gia Việt Nam thì chắc chắn bạn biết hãng hàng không quốc gia Việt Nam nổi (tai) tiếng này còn có tên thứ hai là Sorry Airline do những vị “khách bị hành” ưu ái đặt cho. Tôi là một hành khách thường xuyên của hãng này, vì tôi luôn phải đi lại tuyến Hà Nội- TP Hồ Chí Minh vì lý do công tác, mà tuyến bay nội địa béo bở nhất này hầu như bị Sorry Airline độc quyền “phục vụ”. Ai cũng biết hãng này độc quyền “phục vụ” đến 90%, còn lại khỏang 10% là hãng Pacific Airline, một hãng anh em ruột của Sorry Airline. Tuy nhiên cái sự độc quyền này thậm chí còn được ưu ái qui định trong Luật hàng không của nhà nước ta thì không phải ai cũng biết. Sau đây là một ví dụ tiêu biểu của phong cách phục vụ độc quyền “hành khách” của hãng Sorry Airline.

Ngày 15.10.2006, tôi dậy sớm từ 5 h sáng để ra sân bay Nội bài, những mong kịp đáp chuyến bay 8:00 am của hãng Sorry Airline đi TP Hồ Chí Minh. Khi làm thủ tục tại quầy VIP, tôi thất vọng nhìn thấy một tờ thông báo dán trên mặt quầy “ Vì LÝ DO KẾ HỌACH THAY ĐỔI, chuyến bay VN 213 sẽ bị chậm đến 8:40”. Một lý do vô cùng khó hiểu, kế họach bay trong ngày thay đổi vào phút chót và hòan tòan không được thông báo trước cho khách hàng kể cả khách hàng VIP. Chặc lưỡi thôi thì ngồi lê ở phòng chờ sân bay thêm 40 phút cũng là… “chuyện thường ngày ở huyện”, tôi làm thủ tục check-in và vào phòng chờ.

Chăm chú với cái laptop và những cuốn sách ebook thú vị của mình, tôi hầu như quên mất thời gian cho đến 8:40. Lúc đó tôi chợt thấy lạ khi thấy nhân viên hàng không lật đật đẩy các xe chở mấy khay thức ăn đến gate số 2, nơi mà hành khách đi chuyến bay VN 213 làm thủ tục boading. Chắc chết rồi, khi mà hành khách bị “phục vụ” ăn sáng tại phòng chờ. Các quí khách lo âu và hồi hộp chờ đợi mãi đến 9:30 thì tiếng loa phóng thanh mới êm ái cất lên: “Xin hành khách chú ý: Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin trân trọng thông báo, vì LÝ DO MÁY BAY VỀ CHẬM, chuyến bay VN 213 đi TP Hồ Chí Minh sẽ bị chậm, giờ khởi hành dự kiến là 12:00. Hành khách nào có yêu cầu liên hệ nhân viên ở gate số 2 để được thông tin chi tiết hơn. Chúng tôi sẽ phục vụ quí khách bữa ăn sáng tại gate số 2. Chúng tôi xin lỗi vì sự châm trễ của chuyến bay.”

Các quí khách kẻ thở dài ngao ngán, người văng tục chửi thề. Chuyến bay chậm đến 4 giờ đồng hồ vì những lý do lãng nhách thậm vô lý. Và điều này được thông báo cho quí khách một cách thản nhiên, chuyên nghiệp, tiêu biểu theo phong cách "Sorry Airline".

Tại gate số 2, các nhân viên hàng không mặc áo dài xanh nước biển thướt tha tụ lại thành một nhóm khỏang gần chục người, kẻ buôn dưa lê với đồng nghiệp, người ngồi buồn xa vắng sau quầy, thản nhiên vô cảm trước nỗi đau khổ của các quí khách “bị hành”. Cũng là bình thường thật, vì đây đâu phải chuyên lạ đó đây, và vì đây đâu phải nỗi đau khổ của các nhân viên phục vụ. Quí khách làm thượng đế mãi rồi thì cũng phải chia sẻ nỗi khổ với giai cấp phục vụ chứ? Tại sao Giám đốc của hãng không giảm biên chế ít nhất là 70% số nhân viên mặt đất tại đây, vì thực tế chỉ cần một nhân viên trực quầy cộng thêm 2 nhân viên phát bữa ăn sáng cho khách. Cái cơ chế "xin-cho" được biểu hiện rõ rệt qua cách phục vụ quí khách của các nhân viên hàng không với vẻ mặt vô cảm, lạnh tanh và những câu nói khó chịu.

Do nhiều chuyến bay bị dồn lại cùng lúc, các quí khách thậm chí không còn ghế để ngồi, đành ngồi bệt la liệt dưới đất để thưởng thức bữa sáng của hàng hàng không. Quang cảnh trông như một ga xép chờ mấy chuyến tàu chợ. Cũng phải nói thêm là mấy quán ăn trong phòng chờ của Sorry Airline phục vụ quí khách bằng cách chặt chém cắt cổ với giá cả tăng gấp 200-300% so với thị trường bên ngoài. Điều này cho phép tôi nghi ngờ hàng không cố tình chậm trễ vài chuyến bay trong ngày để tăng doanh thu (và lợi nhuận tương ứng) của mấy quán ăn vốn ế ẩm vì chặt chém quá mức này.

Chung qui cũng vì cái sự độc quyền mà hãng Sorry Airline có thể hành xử kiểu này với hành khách mà vẫn "bình chân như vại" không sợ mât khách. Quí khách đâu có lựa chọn nào khác là cứ phải tiếp tục vi hành cùng Sorry Airline, cho dù có "bị hành" đến cỡ nào đi chăng nữa. Hay là các quí khách chuyển sang vi hành cùng Đường sắt Việt Nam hay Đường bộ Việt nam?

Cám ơn và hẹn gặp lại quí khách trên những chuyến bay tới của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.

Tản mạn về nỗi cô đơn

Ta lấy thời gian đo nỗi nhớ

Lấy biển khơi đo độ rộng tâm hồn

Lấy cuộc đời đo tình yêu dang dở

Nhưng biết lấy gì để đo nỗi cô đơn?

(ST)

Cô đơn là tâm trạng của tôi, của bạn, của rất nhiều người trên thế giới này. Cho dù có đến 6 tỷ người trên thế giới rộng lớn bao la này, bạn vẫn cảm thấy cô đơn vào một lúc nào đó, vào một ngày nào đó.

Đó là những buổi chiều chủ nhật mưa gió hay rét mướt căm căm… khi mà bạn ngồi một mình ngắm hòang hôn đổ dài trên bãi biển hay trên triền núi xa xa, khi mà bạn không có một ai bên cạnh để chia sẻ nỗi niềm, khi mà bạn có cảm giác trống vắng đến nao lòng…

Đó là những buổi tối vắng lặng, khi mà bạn ngắm nhìn cái điện thọai vô hồn, lướt tìm cả mấy trăm số thân quen mà không biết gọi cho ai để chia sẻ nỗi lòng…

Đó là những đêm dài lạnh lẽo, khi mà bạn một mình ôm gối suy tư với những nỗi vui buồn của cuộc đời trong màn đêm thăm thẳm...

Đó cũng có thể là một buổi sáng mùa hè nắng đẹp, khi mà bạn tỉnh giấc bên người bạn đời mà bạn không còn yêu thương, không còn có thể chia sẻ nỗi niềm, chỉ còn lại những nghĩa vụ mệt mỏi của cuộc sống chung…

Đó cũng có thể là một buổi chiều nhộn nhịp tan sở, khi mà bạn chen lấn trong đám đông cả trăm người trên đường về nhà, sốt ruột, mệt mỏi chờ mong đèn đường chuyển màu từ đỏ thành xanh…

Đó cũng có thể là một buổi tối vắng lặng, khi mà bạn ngồi chờ đợi khắc khoải bên mâm cơm đã nguội lạnh mà người bạn đời của bạn vẫn còn la cà nhậu nhẹt đâu đó chưa về…

Có nỗi cô đơn mà bạn thực sự thấm thía cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khi mà bạn thực sự một mình không có ai bên cạnh và cũng không thể chia sẻ nỗi lòng được với bất cứ ai.

Nhưng còn có nỗi cô đơn chỉ thuần túy theo nghĩa bóng, khi mà bạn có ai đó bên cạnh mà lại không thể chia sẻ nỗi lòng. Và đôi khi nỗi cô đơn này lại trở nên mênh mông đến mức không thể chịu đựng nổi.

Bạn chỉ có thể hiểu bản thân mình tường tận khi mà bạn thấm thía nỗi cô đơn. Hãy nói cho tôi biết bạn làm gì mỗi khi cô đơn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai. Lúc cô đơn bạn thường làm gì? Tìm đến một người bạn để chia sẻ? Tìm một thú vui để thư giãn? Lang thang trên mạng đọc sách báo hoặc trao đổi ý kiến trên các forum? Tìm đến một ly rượu hoặc một liều ma túy để quên đi cảm giác trống vắng? Hay đơn giản chỉ tự suy ngẫm về thế thái nhân tình để rồi có thể sống tốt hơn? Như vậy cô đơn đôi khi là cần thiết cho một số người trong chúng ta. Chỉ có điều đừng để sự cô đơn kéo dài triền miên, nó sẽ gặm nhấm tâm hồn bạn, làm nản lòng bạn, làm bạn trở nên sầu não, bi quan với cuộc đời. Đừng để mình rơi tự do với nỗi cô đơn. Hãy nhấc điện thọai lên gọi cho người bạn thân nhất của bạn cho dù chỉ để nói một câu thăm hỏi sức khỏe. Bạn hãy tưởng tượng người bạn đó của bạn cũng đang cô đơn, bất ngờ nhận được một tin nhắn vui vui của bạn, hay một câu hỏi thăm sức khỏe của bạn, người bạn đó sẽ thấy hạnh phúc đến chừng nào.

Dear friend!

one day, if you feel sad and lonely

call me

I don't promise you that I can make you happy

but I 'm sure that i can share your sorrow

one day, if you want to run away

call me

I don't say that I'll stop you

but I can run with you

but friend

one day, if you call and there is no answer

come to see me

perhaps I need you then!

Hẹn hò qua mạng

Truyện ngắn

Sau một cuộc hôn nhân bất hạnh, Hạnh chia tay với người chồng thiếu trách nhiệm và sống một mình nuôi con đã năm năm. Như con chim sợ cành cong, nàng thu mình lại và hầu như không giao du tìm kiếm tình yêu mới trong năm năm qua. May cho nàng là thời đại ngày nay có mạng internet với những trang làm quen kết bạn, tìm bạn trăm năm đầy rẫy như lá rụng mùa thu. Sau những giờ làm việc và những công việc nhà bất tận buổi tối, nàng lang thang vào mạng. Và nàng đã lựa chọn phương án tìm bạn đời qua mạng như một giải pháp tương đối thận trọng cho cuộc đời mình.

“Thiếu phụ 35 tuổi, đã ly hôn, sống với một con trai 10 tuổi, tính tình giản dị, sống nội tâm, quí trọng gia đình, yêu văn thơ, thích du lịch. Mong muốn tìm bạn nam có cùng hoàn cảnh, hiểu biết, có học thức, nghiêm túc, tuổi trên 35, nếu hợp có thể sẽ là bạn đời”

Sau khi gửi mấy dòng này cùng một tấm ảnh chân dung lên trang E tình yêu, Hạnh nhận được rất nhiều thư làm quen. Nhiều thư đến mức nàng phải soạn sẵn một thư trả lời ban đầu và gửi lại cho tất cả như nhau, chỉ thay mỗi tên người nhận.

Sau vài tuần và dăm ba thư qua lại với tất cả các đối tượng, Hạnh chỉ chọn được ba người có cùng hoàn cảnh (điều kiện tiên quyết của nàng) có vẻ phù hợp nhất để tiếp tục thư từ. Một người tên Thành là công chức ở Hà nội, tỏ ra điềm đạm, hiểu biết, thông minh, sống một mình gà trống nuôi con, hơi vụng về và có vẻ chân thực. Người thứ hai là một kỹ sư tên Sơn làm việc ở Sài gòn, viết thư ngắn gọn, giản dị với lời lẽ dễ thương, sống một mình sau ly hôn. Người cuối cùng là một Việt kiều tên Hiếu sống ở Pháp với những bức thư buồn và tha thiết nhớ về quê hương từ nơi xa xứ.

Một cuối tuần nọ, kỹ sư Sơn gửi thư cho nàng: “Hay là mình gặp nhau đi, cuối tuần này anh nghỉ làm hai ngày mà không biết làm gì, buồn quá”. Sơn là người ở cùng thành phố với Hạnh, nên nàng cũng nghĩ thầm, tại sao không thử gặp xem sao. Nàng đắn đo mãi mới nhắn tin lại vào số di động mà Sơn đã ghi cho nàng: “Đồng ý, mình gặp nhau ở quán cà phê Nhạc Trịnh lúc 7h tối thứ bảy, bàn đầu tiên bên trái”.

Tối thứ bảy, sau khi trang điểm kỹ lưỡng, Hạnh vẫn không tự tin lắm khi ngắm mình trong gương: Một thiếu phụ không còn trẻ trung với khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt dịu dàng đượm buồn đang nhìn nàng. Nàng đến chỗ hẹn với tâm trạng lo lắng, bồn chồn. Quán Nhạc Trịnh là một quán khá lịch sự, yên tĩnh với âm nhạc du dương của tình yêu, nơi Hạnh đôi lúc ghé vào với cô bạn cùng văn phòng để nghe nhạc và thư giãn. Khi bước vào quán, nàng nhìn thấy một thanh niên khá trẻ, có lẽ trẻ hơn nàng, đang ngồi một mình bên góc bàn phía trái, ly cà phê bên cạnh một cái gạt tàn bốc khói. Hạnh do dự đến gần khi thấy anh ta đứng dậy đón nàng:

- Hạnh đúng không?

- Dạ, anh Sơn?

- Anh chờ em hơi lâu rồi, sao em đến muộn vậy?

- Em bị tắc đường chút xíu.

Ngồi xuống đối diện với Sơn, Hạnh lúng túng đưa mắt nhìn trả ánh mắt dò hỏi, xét nét của Sơn. Có vẻ như anh ta đang quan sát và đánh giá Hạnh. Quả là một thanh niên đẹp trai, cao lớn, dáng tự tin và trí thức. Mãi sau đó khá lâu nàng mới lấy lại được bình tĩnh để trò chuyện với Sơn. Câu chuyện cũng mặn mà, đem đến cho cả hai nhiều thông tin mới về nhau. Hạnh thấy nói chuyện với Sơn khá hợp, anh có cùng sở thích văn thơ và biết lắng nghe nàng với ánh mắt nhìn khuyến khích, đầm ấm.

- Anh không phải tên Sơn, mà tên Long - Hạnh chợt nghe tiếng anh ta nhỏ nhẹ.

- Vậy sao? –nàng ngơ ngác.

- Anh mới 34 tuổi, chứ không phải 37 như đã nói qua thư.

- Em cũng đoán thế. – Nàng ngập ngừng xác nhận.

- Và đây mới là thông tin quan trọng nhất: anh không ly hôn, mà chỉ sống một mình xa gia đình. Vợ con anh ở Hà Nội, còn anh phải vào công tác Sài Gòn biệt phái trong ba năm.

- ….

Nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của Hạnh, anh ta hơi lo lắng.

- Anh nghĩ là anh nên trung thực với em ngay từ lần đầu gặp gỡ. Anh nghĩ em và anh có thể là bạn tâm tình. Anh không muốn lừa dối em, anh tự nguyện nói thật với em ngay từ đầu để mình không trách gì nhau sau naỳ.

- Cám ơn anh đã thành thực. Nhưng em không nghĩ là em có thể tiếp tục tin anh, biết đâu anh lại có tên khác nữa chứ không phải là Long thì sao nhỉ? - Hạnh tỏ vẻ chán nản.

- Em phải tin anh, và anh vẫn nghĩ mình có thể là bạn mà em?

- Em cũng không nghĩ mình có thể là bạn nếu như anh vẫn vướng bận gia đình và chỉ ở Sài gòn trong thời gian ngắn.

- Anh rất muốn được chia sẻ tình cảm với em trong những thời gian rảnh rỗi ở phương trời xa xôi này, khi anh được tự do một mình.

- Xin lỗi, chắc em phải về rồi. Rất hân hạnh được quen biết anh. - Hạnh chán ngán nhìn đồng hồ, đã gần 10 giờ.

- Hạnh, anh thực sự thích em và muốn kết bạn với em mà. - Hạnh nghe tiếng anh ta nài nỉ, nhưng nàng đã đứng dậy và hướng về phía cửa.

Hạnh lấy xe máy và ra về, trên đường đi vẫn nghe tiếng anh ta lải nhải từ cái xe máy bên cạnh. Làm thế nào để cắt đuôi nhỉ?

- Xin lỗi anh về trước đi, em phải ghé nhà cô em gái có chút việc. - Hạnh dừng lại tạt vào một ngôi nhà bên đường và bấm chuông. Anh ta do dự một giây rồi đi thẳng. Hú vía, Hạnh chờ một lát rồi vội vàng rẽ trái, trước khi chủ nhà kịp ra mở cổng cho kẻ bấm chuông phá rối là Hạnh.

Thế là xong, Hạnh thở dài sau khi xóa thư từ, địa chỉ email của anh chàng “kỹ sư Sơn” khỏi hộp thư của mình. Mạng là vậy sao, hư ảo thật khó lường.

(còn tiếp)

Nhật ký chuyến đi Mỹ 9.2007

Chuyến đi Mỹ dài dằng dặc đầy mỏi mệt. Khởi hành từ Hà Nội, chúng tôi bay qua Hongkong bằng chuyến bay của Việt Nam Airline mất 2 giờ, sau đó transit mất 2 giờ rồi chuyển sang Cathay Pacific Airline bay tiếp đi Los Angeles. Chặng đường Hongkong-Los Angeles mất 13 giờ bay. Ngồi gò bó trên ghế chật chội, ngủ gà ngủ gật, tôi chỉ ước ao được nằm thẳng lưng trên cái giường của mình làm một giấc ngon lành cho khỏe. Đến LA, chúng tôi dự kiến chờ mất ba giờ trước khi chuyển tiếp bay American Airline đến Denver. Tuy nhiên vì thiếu nhân viên phi hành đoàn, chuyến bay bị chậm mất 5 giờ nữa, như vậy là chúng tôi phải chờ đến 8 giờ tại sân bay LA, một sân bay cũ và đông đúc, chật chội toàn người là người. Tôi tranh thủ xạc pin cho laptop và hí hoáy vào mạng wifi, nhưng không vào được vì Tmobile của hàng không đòi hỏi password. Thi thoảng lại nghe nhà đài hàng không nhắc nhở hành khách chú ý đề phòng kẻ gian kẻo mất đồ đạc. Một bịch bánh sandwiches và chai nước suối cho mỗi người trong đoàn ăn lót dạ đáng giá 11$/người. Mới hay các hãng hàng không trên thế giới đều “xử đẹp” với hành khách khi cơ nhỡ một cách không thương tiếc. Chuyến bay của American Airline khởi hành lúc 11:30 đưa chúng tôi rời LA bay đến Denver mất hơn hai giờ. Denver là một thành phố thủ phủ của bang Colorado huyền thoại, nơi có thung lũng Bryce Canyon nổi tiếng. Sân bay Denver mới xây dựng nên khá hiện đại và rộng lớn, là nơi tran sit đi khắp nước Mỹ. Một nhân viên công ty đối tác chờ đón chúng tôi về khách sạn ở thành phố Cheyenne. Thêm 2 giờ đi đường trên một chiếc xe rất ngầu và sang trọng với 1 tài xế nhiệt tình và vui chuyện, chúng tôi đến thành phố Cheyenne yên bình nằm ở bang Wyoming. Lúc này đã là 5 giờ sang giờ địa phương. Chúng tôi chỉnh lại giờ bằng cách văn đồng hồ ngược lại 13 giờ so với giờ Hà nội, hơn nửa vòng trái đất. Chúng tôi đã bay ngược lại so với vòng quay của trái đất. Như vậy chặng đường của chúng tôi kéo dài 30 giờ đồng hồ kể cả giờ bay và giờ chờ đợi.

Mệt mỏi quá, nhân phòng, tắm giặt xong rồi tôi lăn ra ngủ, sung sướng với cảm giác nằm thẳng lưng trên cái giường đệm ấm áp. Mãi đến chiều tôi mới lọ mọ tỉnh dậy kiếm gì đó ăn sáng. Buổi chiều nhân viên hãng hẹn đến đón đi tham quan thành phố rồi lại hoãn. Tôi chẳng biết làm gì ở nơi khỉ ho cò gáy này ngoài việc hí hoáy vào mạng. Thế rồi mạng wifi của khách sạn bị sự cố gì đó, hôm qua vào ngon lành, nay thì cứ báo lỗi hoài. Thật là cô đơn giữa một thành phố xa lạ và lạnh lẽo. Tôi cũng lang thang ra ngoài khách sạn ngó nghiêng một chút, nhưng có vẻ đi bộ xung quanh khách sạn cũng không có gì hay ho ngoài những vườn cây, đồng cỏ và những khách sạn khác kế bên. Đây là xứ sở của dầu khí và thảo nguyên. Thật sự hoang vắng và xa lạ nơi đây.

Một tuần học trôi qua thật nhanh. Ngày cuối cùng chúng tôi về Denver để đi chơi và mua sắm nơi đây. Wal Mart thật hấp dẫn với đủ thứ hàng phong phú. Tôi thích nhất là socola, mỹ phẩm và thú vị nhất là mua được khá nhiều quần áo đẹp với giá cả hợp lý. Mỗi lần đi nước ngoài tôi lại tranh thủ mua sắm, dự phòng mỹ phẩm xài dài dài cả năm, dự phòng socola ăn vài tháng. Mấy bộ váy áo vải thun lạnh đẹp như mơ và vừa khít như được may cho người mẫu là tôi. Khoái chí thiệt, chẳng mấy khi chọn mua được mấy bộ đồ vừa ý đến thế.

Chặng đường về xem ra còn dài hơn cả chặng đi vì thời gian transit quá lâu. 5h ở Denver, 5h ở LA, 4h ở Hongkong, cũng may không chuyến bay nào bị chậm giờ. Về đến Hà nội vào 10h sáng ngày thứ 2, tôi thở phào sung sướng. Thủ tục nhập cảnh và hải quan bây giờ nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều, một loáng đã xong hết. Thật hạnh phúc khi về đến nhà mình với con trai yêu quí.

Tết Hà nội

Ở phương xa về ăn Tết Hà nội là một hạnh phúc mà những kẻ tha hương mong đợi khắc khoải. Thèm cái cảm giác được đi dưới mưa phùn bay bay, thấy cái lạnh se se ngấm vào da thịt, để má hồng rực lên trong cái lạnh mùa đông. Thèm cái cảnh nhộn nhịp trong chợ hoa Hà nội, mê mải ngắm sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của cam, quất cảnh và …sắc đẹp của những cô bán hoa. Thèm được bày biện và ngắm nhìn mâm ngũ quả đúng chất Hà Nội, nải chuối xanh, bưởi vàng, quýt đỏ, phật thủ vàng tươi, trang điểm thêm vài quả quất xanh vàng.

Mùa xuân Hà nội. Mưa phùn ẩm ướt dăng kín trời đất. Bầu trời âm u xám xịt. Trời se lạnh, cái lạnh cuối đông đầu xuân thật dễ chịu. Ngồi trong phòng lặng ngắm mưa rơi như bụi bay ngoài cửa sổ. Mưa phùn rắc phấn trên những ngọn lá, cánh hoa để làm nên những hạt ngọc long lanh trong nắng sớm ngày mai.

Thật tội nghiệp cho những ai đang lang thang ngoài trời không có một mái ấm gia đình hay cho những ai cần phải đi lại, làm việc trong thời tiết này. Tuy nhiên, lúc này ngồi trong căn nhà sáng sủa ấm áp của mình mới cảm thấy hết cái hạnh phúc nhỏ bé và giản dị của con người: mái ấm gia đình.

Trong căn phòng xinh xắn, tiếng nhạc vui vẻ tràn ngập lẫn tiếng nước sôi reo trên bếp và mùi thức ăn ngào ngạt. Cậu bé đang cặm cụi học bài trong phòng, chân nhịp theo tiếng nhạc. Người mẹ thì lúi húi trong bếp nấu bữa tối, miệng lẩm nhẩm theo lời ca khúc đang rộn rã trong phòng.

Hạnh phúc là khi mà người ta thấy bình yên trong tâm hồn, trong trái tim mình, phải không các bạn?