Rio De Janero Jesus Statue, Brasil
TƯỢNG CHÚA CỨU THẾ RIO DE JANERIO , BRASIL
LÊ THỊ BÍCH HƯỜNG
Ai đã từng đến Rio de Janeiro, cố đô xưa và là thành phố của nắng, của biển, của Carnaval, của vũ điệu Samba, thì không thể không nhìn thấy bức tượng Chúa Cứu thế nổi tiếng nhất thế giới hay là Cristo Redentor như người Brasil vẫn thường gọi. Dù ở vị trí nào trong thành phố, bạn đều nhìn thấy tượng Chúa màu trắng nổi bật trên đỉnh núi Corcovado, hai cánh tay giang rộng như che chở thành phố. Ban đêm, tượng Chúa hiện lên như một cây thánh giá khổng lồ tỏa sáng trên phông nền xanh thẫm của núi trong những đêm hè.
Tên của thành phố Rio de Janeiro gợi nhớ lịch sử thành phố. "Rio" có nghĩa là sông, còn "Janeiro" có nghĩa là tháng giêng. Vào năm 1502, khi các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha lần đầu tiên đến vịnh Guanabara này, họ tưởng nhầm vịnh này là một con sông và lúc đó là tháng giêng nên họ gọi thành phố là Rio de Janeiro- Sông tháng giêng.
Tên của Vịnh cũng rất nên thơ : "Guanabara" có nghĩa là bộ ngực tràn đầy sức sống của biển!!!
Được xây dựng lên vào năm 1931 để tượng trưng cho cơ đốc giáo, bức tượng Chúa Cristo làm bằng bê tông cốt sắt và bên ngoài được phủ đá xà phòng, với chiều cao 30 mét trên bục cao 8 m và nặng 1145 tấn, hai cánh tay giang rộng với khoảng cách gữa các đầu ngón tay là 28m, là một công trình điêu khắc nghệ thuật trang trí (Art décor) lớn nhất thế giới và là một trong những biểu tượng của thành phố Rio de Janeiro và Brasil.
Tượng Chúa theo bản vẽ đầu tiên của họa sĩ tạo hình Carlos Oswald là một phiên bản khác hẳn: Đức Chúa mang thánh giá và tay cầm quả địa cầu đứng trên bục đá tượng trưng cho thế giới. Nhưng rồi dân Carioca (cách gọi người dân thành phố Rio de Janeiro) lại chọn hình tượng Đức chúa mà chúng ta nhìn thấy ngày nay. Sự lựa chọn này đã thỏa mãn không riêng gì ý nguyện của các giáo dân muốn được che chở trong vòng tay của Người mà cả mục đích tôn giáo của việc xây tượng vì hình dáng của Chúa với cánh tay giang rộng đã tượng trưng cây thánh giá và cũng thể hiện sự hiếu khách của người Brasile giang tay đón các du khách thập phương đến thăm.
Không phải ngẫu nhiên mà quả núi mang cái tên hóm hỉnh Corcovado "thằng gù" -mô phỏng theo hình dạng gồ ghề của núi- lại thắng được hai đối thủ "nặng đô" là núi "Pão de açúcar" (Bánh mì đường) - một điểm không thể thiếu được trong các tour du lịch thành phố và đồi Santo Antônio trong đợt bình chọn địa điểm xây tượng Chúa được tổ chức vào năm 1921 để chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm ngày Độc lập đất nước vào năm sau đó. Bí hiểm, quyến rũ như cái tên kinh thánh mà những nhà thám hiểm Bồ đào nha đã đặt tên cho nó vào thế kỷ thứ 16 là "Pináculo de tentação"- "đỉnh cám dỗ", núi mọc lên sừng sững giữa rừng nguyên thủy nhiệt đới (Mata Atlântica), hay còn gọi là công viên quốc gia Tijuca, một công viên đô thị lớn nhất thế giới với diện tích 3.300 ha, với các thác nước trong vắt và là nơi trú ngụ của một vài loài động vật của rừng xanh trong đó có loại bướm màu xanh lam với kích thước to khác thường . Không chỉ có ưu thế về độ cao 710 m so với nước biển, một vị trí tuyệt vời để du khách được mục kích những phong cảnh thơ mộng nhất của thành phố, mà núi còn là nơi hội tụ của các kỳ tích khác. Con đường đầu tiên lên núi đã được Hoàng đế Pedro I đích thân cùng đoàn thám hiểm lên khai phá vào năm 1824 và 60 năm sau, tức là vào năm 1884, Hoàng đế nối ngôi là Pedro II đã khánh thành con đường sắt Estrada de Ferro chạy từ Cosmo Velho lên đỉnh núi Corcovado và là đường sắt đầu tiên ở Brasil được điện khí hóa vào năm 1885. Con tàu mang tên núi được sơn màu đỏ thật vui mắt len lỏi giữa rừng xanh, chạy dọc theo những đường mòn mà một thời các hoàng tộc đã từng rong ruổi bằng ngựa là một phương tiện giao thông yêu chuộng nhất của khách du lịch muốn lên thăm tượng.
Cũng chính vì vẻ đẹp mê hồn của núi mà Đức cha Pedro Maria Boss người Bồ Đào Nha, lần đầu tiên đến Rio de Janeiro vào năm 1859, đã đề nghị với công chúa Isabel cho xây dựng một tượng đài tôn giáo trên đỉnh núi này.
Ai đã từng thăm tượng sẽ không thể quên được cảm giác kỳ diệu mà phong cảnh ở đây đã hào phóng tặng cho con người. Leo 222 bậc thang giữa trưa nắng hè 39-40 độ không phải là chuyện đơn giản nhưng khi bạn vừa đặt chân đến nền chân tượng thì mọi mệt mỏi đều tan biến mà thay vào đó một cảm giác khó ngòi bút nào tả xiết. Đó là cảm giác được hòa quyện với mây trời, cảm giác bồng bềnh giữa các làn mây trắng, cảm giác được mơn trớn, vuốt ve bởi các làn gió mang vị mằn mặn của biển thổi vào đất liền và nếu nhìn theo hướng mắt của Chúa xuống phía dưới chân núi thì ta sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp của thành phố mà đã được mệnh danh là "cidade maravilhosa"- thành phố kỳ diệu.
Ở giữa núi và biển, bao bọc bởi các quả đồi, thành phố hiện lên trải dài uốn lượn với các tông màu chuyển tiếp hoặc tương phản chẳng khác gì như trong bức tranh của các họa sĩ theo trường phái ấn tượng. Màu trắng của mây, của cát, của các nhà cao chọc trời chạy dọc bãi biển Copacabana nổi bật trên phông nền màu xanh của biển, của trời và màu xanh lá cây rừng. Nước ở vịnh Guanabara xanh như ngọc được điểm xuyết bởi các hòn đảo nhỏ nổi rải rác trên vịnh hay các thuyền buồm trắng. Mặt hồ Rodrigo de Freitas, bình thản và bất động như một tấm gương thủy tinh pha lê khổng lồ làm nền cho màu xanh lam của các dãy núi xa xa, màu tím lilas của quả đồi khi chợt có áng mây che phủ...
Ảnh : Bãi biển Copacabana, nhìn từ núi Corcovado, là nơi thường tổ chức bắn pháo hoa trong các lễ hội.
Cảm giác đứng trước tượng Chúa cũng thật đặc biệt: con người thật bé nhỏ trước bức tượng có chiều cao hơn 20 lần, đầu tượng cao 3,75 m, bàn tay dài 3,2 m, khoảng cách giữa các đầu ngón tay là 28 m, chưa kể đến trọng lượng của đầu tượng là 30 tấn và trọng lượng cánh tay là 57 tấn!!! Có lẽ đây cũng chính là mục đích của những nhà thiết kế tượng khi xây dựng các công trình tôn giáo, làm cho con chiên luôn cảm thấy nhỏ bé trước Chúa và thấy Chúa trời vĩ đại biết bao.
Công trình xây dựng Tượng kéo dài 5 năm ( 1926-1931) gắn liền với tên tuổi của kỹ sư Heitor da Silva Costa, người Brasile, tác giả/ người phụ trách dự án và nghệ sĩ/họa sĩ Carlos Oswald về bản vẽ của đài kỷ niệm. Nhưng phần điêu khắc bức tượng lại do nhà điêu khắc tài ba quốc tịch Pháp gốc Ba lan là Paul Landowski thực hiện phần đầu và tay tượng. Bức tượng được phủ bên ngoài bằng các mảnh đá steatite nhỏ ghép lại mà người dân ở đây gọi nôm na là "piedra sabão" hay đá xà phòng, gợi cho ta nhớ đến các tác phẩm theo trường phái Ba-rốc nổi tiếng của nhà điêu khắc đã đi vào huyền thoại là Aleijadinho với tựa đề "Doze Profetas" hay "Mười hai nhà tiên tri" ở thành phố Congonhas do Campo, bang Minas Gerais, mà đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Cũng chính vì lẽ đó mà đá này đã được chọn để trát bên ngoài tượng. Đây là loại đá mềm có thể lấy móng tay cạo ra được rất dễ tạo hình, nhưng lại có sức kháng cự lớn và không bị biến dạng hoặc lở, nứt khi thời tiết thay đổi.
Phía bên trong tượng được bọc các tấm kim loại titan nhẹ, nhưng rất bền vững, chống được sự sói mòn gây ra từ địch thủ đáng gờm là muối mặn. Tấm titan này do một công ty Bắc Mỹ tặng. Vữa để đắp tượng làm chủ yếu bằng cát, đường và dầu cá voi.
Công việc bảo quản, trùng tu công trình cũng không phải đơn giản. Từ khi xây dựng đến nay, bức tượng có nhiều phần nứt, lở, tính đến hơn 6 m² diện tích cần phải trùng tu.Người thực hiện nó phải có "sangue frio" có nghĩa "máu lạnh" như cách nói của dân địa phương thì mới làm được vì thường phải làm việc ở độ cao chóng mặt. Thế nhưng đối với phần lớn công nhân thì đây lại là một kỷ niệm khó quên vì họ gọi bức tượng là "Thánh" và luôn tin tưởng Thánh sẽ "ban phước lành".
Về phần hệ thống đèn chiếu sáng bức tượng, có chi tiết liên quan đến nhà khoa học Italia nổi tiếng Guliemo Marconi, người đã sáng chế ra hệ thống điện báo không dây cáp và đã được giải thưởng Nobel vào năm 1909. Marconi, từ bên Italia xa xôi, đã phát một tín hiệu điện được truyền tải qua một ăng- ten dựng tại phường Jacarepaguá ở Rio de Janeiro thông qua một trạm nhận tại Dorchester (Anh) để bật sáng các ngọn đèn của bức tượng Cristo Rendentor ở Rio de Janeiro, đánh dấu lễ khánh thành tượng Chúa cứu thế được Tổng thống Brasil thời đó là Getúlio Vagas chủ trì vào ngày 12/10/1931. Chính vì thế mà dưới chân bức tượng có gắn một tấm biển do cộng đồng người Italia tại Brasil đề tặng năm 1974 nhân dịp kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của nhà khoa học. Rất tiếc là hôm đó do thời tiết xấu nên việc truyền tải của Marconi không thành công và hệ thống đèn đó được tỏa sáng trực tiếp từ thành phố Rio de Janeiro. Mặc dù vậy, buổi lễ khánh thành Tượng Chúa Cứu thế vẫn được tiến hành rất long trọng và đã in đậm vào tâm khảm của người dân thành phố thời đó.
Về địa điểm nơi phát tín hiệu thì có hai nguồn tin khác nhau. Theo bảng về các số liệu của tượng do chính quyền Thành phố Rio de Janeiro gắn dưới tượng thì nhà khoa học Marconi phát tín hiệu từ thuyền buồm Electra đậu tại Vịnh Napoli còn theo bảng đề tặng của Hội người Ý tại Brasil thì lại nói là từ "Roma thành phố vĩnh cửu", nhà khoa học đã thắp sáng đài kỷ niệm của "thành phố Rio kỳ diệu",trùng với thông tin ghi dưới tấm ảnh chụp nhà khoa học do Hội Marconi cung cấp.
Ảnh: do Hội Marconi cung cấp với lời tựa: Marconi, trong văn phòng của mình tại Roma, ngày 12 tháng 10 năm 1931, truyền tải tín hiệu để bật các ngọn đèn chiếu sáng tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro - Từ trái sang phải: Hầu tước Solari, Đại sứ Brasil, Marconi và ngài Pession
Bức tượng Cristo Redentor đã là nguồn cảm hứng của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng không chỉ ở Brasil như Tom Jobim với các bài hát "Corcovado", "Samba do Avião" hay Chico Buarque với "Samba do Grande Amor" hay ca sĩ, bộ trưởng Bộ văn hóa Gilberto Gil trong "Expresso" mà cả ở nước ngoài như Duke Pearson đã sáng tác bài hát " Cristo Redentor" trong quyển album nhạc jazz của Donald Byrd năm 1963 với tựa đề A New Perspective.
Bức tượng đã được Viện Di sản Lịch sử quốc gia (IPHAN) Brasil ghi vào danh sách công trình kỷ niệm quốc gia năm 1973 và được chính thức đưa vào danh sách bình bầu 7 kỳ quan mới của thế giới trong cuộc bình chọn quốc tế do nhà làm phim Thụy điển Bernard Weber khởi xướng ở Lisbone (Bồ đào nha) ngày 7/7/2007 với hơn một trăm triệu phiếu bầu qua internet và điện thoại. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có tài liệu chính thức nào từ phía Unesco nhưng Cristo Rendentor đã là kỳ quan trong trái tim của những người dân thành phố Rio De Janeiro, người Brasil và của du khách đã từng một lần đến thăm.
TƯỢNG CHÚA GIANG TAY
Tượng Chúa Giê-su, gọi theo cách dân dã là Tượng Chúa giang tay, là bức tượng chúa Giê-su Cristo đứng trên đỉnh Núi Nhỏ (còn gọi là núi Tương Kỳ hay núi Tao Phùng) của thành phố biển và dầu khí Vũng Tàu. Từ cách xa trên 50 kilômét, du khách đã có thể thấy bức tượng cao trắng xóa nổi lên giữa biển trời xanh thẳm. Muốn lên tượng, bạn hãy vòng theo đường Hạ Long, con đường ven biển được coi là đẹp nhất Việt nam, đến Mũi Nghinh Phong quanh năm lộng gió, nơi bãi tắm kín đáo nấp vào thiên nhiên, nước biển ngăn ngắt xanh tung bọt trắng trên những phiến đá...
Vũng tàu như một cánh tay vươn ra biển Đông chào đón những con tàu ngược xuôi trên vùng biển luôn tấp nập. Ngay từ thế kỷ 16, các nhà hàng hải Bồ Đào Nha đã chú ý đến vùng đất với 5 ngọn núi rất dễ nhận ra trong tầm nhìn từ ngoài khơi, như một vòng cung ôm gọn lấy thành phố: núi Nhỏ, núi Lớn, núi Long Sơn, núi Dinh, núi Long Hải. Và họ đã đặt tên cho Vũng Tàu là vùng đất "Năm dấu thánh của Chúa". Người Pháp gọi Vũng tàu là Cap Saint Jacques và khi muốn đi Vũng tàu thường nói " Aller au Cap ", từ đó người Việt gọi Vũng tàu là " Ô Cấp ".
Ít người biết rằng, lịch sử tượng đài Chúa Giê-su trên núi Tao Phùng lại khởi đầu từ một công trình khác.
Năm 1972, giáo xứ Vũng Tàu khởi công xây dựng một bức tượng Chúa Giêsu cao 10m trên bệ cao 5m ở Ô Quắn (bãi Vọng Nguyệt, ngay trước mũi Nghinh Phong).
Do khiếu nại của Giáo Hội Phật Giáo rằng địa điểm này đã dành cho GH Phật Giáo, tháng 01/1973 chính quyền thành phố ra lệnh ngừng thi công và cho tháo gỡ hàng rào thuộc công trình xây dựng.
Sau đó chính quyền và đại diện hai bên tôn giáo đã đi đến thoả thuận là Giáo Hội Công Giáo sẽ xây dựng các công trình của mình trên núi Tao Phùng và để lại mũi bãi Ô Quắn cho Giáo Hội Phật Giáo sử dụng.
Sau khi đạt được thỏa thuận,dưới sự chủ trì của hội Thiên Chúa Giáo Vũng Tàu, các họa sĩ điêu khắc như Cao Uy, Văn Nhân và các vị có chức sắc trong giáo hội đã tham khảo hàng nghìn bức ảnh Chúa Kitô và thiết kế mẫu phác thảo. Các phác thảo được gửi tới triển lãm văn hóa - nghệ thuật tôn giáo để nhận được thêm ý kiến đóng góp. Thiết kế phải thay đổi hoàn toàn : từ vị trí bãi biển thấp nơi chân núi kin đáo chuyển lên đỉnh núi cao với những khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa : gió mùa Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10, gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình trên núi chỉ 27 độ C nhưng với lượng nắng gắt từ 2800 đến 3000 giờ /năm , lượng mưa bình quân 1500 mm/năm và độ ẩm không khí bình quân năm là 80%.
Tuy thế, chỉ một tháng sau khi các bên thoả thuận địa điểm, ngày 18/03/1974 , chính quyền địa phương đã chính thức cho phép xây dựng tượng đài Đức Chúa Giang Tay trên đỉnh núi Tao Phùng.
Dự kiến đào móng sâu 6m nhưng mới đào được 3m thì chạm phải nền xi-măng: có vẻ như đó là nắp đậy của một khoảng trống phía dưới ... Lớp xi- măng được xuyên thủng, một người được thả trong một chiếc thúng buộc dây xuống khoảng trống tối om phía dưới đã phát hiện ra đây là một hệ thống địa đạo được che chắn bằng xi-măng cốt thép. Chỗ bị phá thủng chính là lối đi giữa của hai dãy phòng, mỗi bên 7 phòng, mỗi phòng dài 7m rộng 4m. Đây có thể là hệ thống phòng thủ do người Pháp hoặc người Nhật xây dựng trước kia. Rải rác trên sườn núi có các cửa hầm dẫn vào khu chỉ huy trung tâm nằm dưới đỉnh Tao Phùng, tất cả đã bị cỏ cây che phủ. Phát sinh từ khoảng trống của căn hầm này đã khiến móng của tượng đài phải xuống sâu hơn.
Xử lý xong phần móng, mọi người bắt tay vào việc dưới sự chỉ đạo của linh mục chánh xứ Nguyễn Minh Trí cùng ông Lê Quang Tuyến.Kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách kỹ thuật bê-tông cốt thép, điêu khắc gia Văn Nhân đảm nhận phần mỹ thuật của tượng đài. Hàng ngày luôn có hơn 50 thợ giỏi thi công. Vật liệu xây dựng, trừ xi-măng trắng, đều là trong nước : cát và sỏi của sông Đồng Nai, cẩm thạch từ núi Non Nước, Đà Nẵng. Do điều kiện xây dựng khó khăn (núi cao, nền đá, khó bắc dàn giáo..),thời gian thi công kéo dài.
Đến ngày 30/4/1975, công trình phải tạm dừng lại.
Thế là tượng Chúa Giêsu cô quạnh trên đỉnh Tao Phùng giữa um tùm cỏ dại. Rồi hệ thống thu lôi bằng dây đồng của tượng đài đã bị mất cắp.
Việc xin phép tu bổ, hoàn tất công trình kéo dài đến năm 1992. Sau khi được cấp phép tu sửa, các phần bên trong tượng đài còn dang dở đã được hoàn tất và người ta thực hiện thêm 2 bức phù điêu ở mặt chân tượng Chúa, xây thêm tượng Đức Mẹ ôm xác Chúa (Pieta), hoàn tất lối lên từ dưới chân núi Tao Phùng, mua lại lữ quán Nghinh Phong làm nơi dừng chân cho khách hành hương ...
Điêu khắc gia Văn Nhân đang sinh sống ở nước ngoài, lòng luôn hướng về quê mẹ với ước mong được hoàn tất tượng đài Chúa trước khi nhắm mắt. Ông vui sướng nhận lời trở về quê nhà tiếp tục công việc chỉ đạo thực hiện các chi tiết ở trên cao .
Ngày 01/12/1994, Đức Giáo Mục giáo phận Nguyễn Minh Nhật về làm phép và khánh thành công trình, một chốn hành hương nguyện cầu mới đối với giáo hữu Công giáo.
Thân tượng
Tượng Chúa được đặt quay mặt về hướng nam nhìn ra biển Đông. Nét mặt chúa bao dung, nhân từ, hai tay giang rộng về phía đại dương như đón nhận, chở che, bao bọc chúng sinh.
Dù chất liệu xây dựng là bê tông cốt thép, bên ngoài tô đá rửa, nhưng các chi tiết như tư thế tượng, nét mặt, trang phục ... đều được thể hiện một cách mềm mại, sinh động, giàu thẩm mỹ. Tượng cao 32 m, toạ lạc trên độ cao 170 m nhìn ra biển. Tượng có sải tay dài 18,4m, hai bàn tay tượng dài 2,2m, ngón giữa dài 1,1m có 9 tia hào quang làm bằng kim loại vừa trang trí vừa có tác dụng thu lôi.
Một trong những nét khác biệt đặc trưng của tượng chúa Vũng tàu là ba chữ "thọ" phía trước, vừa nói đến sự hiện hữu vĩnh hằng của Chúa, vừa thể hiện một phong cách trang trí giàu chất Á Đông. Đó cũng chính là hệ thống "cửa sổ" thông khí và chiếu sáng cho phía bên trong lòng tượng để du khách có thể lần theo cầu thang xoắn ốc từ chân tượng lên tới tận đỉnh. Trong lòng tượng có đủ chỗ đứng cho hàng trăm người. Sau khi vượt qua 133 bậc tam cấp trong lòng tượng, du khách có thể đi ra phía bên ngoài, đứng dọc theo hai bên vai và tay áo tượng, được thiết kế như hai chiếc ban công an toàn, chắc chắn. Mỗi bàn tay có một cửa sổ để ngắm cảnh và có thể chứa được 6 người. Nơi đây, trên độ cao hơn 200m, du khách sẽ quên hết mệt mỏi khi được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Vũng tàu như trong một thung lũng nối liền với biển xanh bao la, những triền núi xanh thấp thoáng màu trắng- đỏ- vàng của hoa sứ, hoa đại, hoa giấy... Thời tiết dù nóng nực, nhưng đã lên đây thì chỉ còn nghe ù ù gió thổi mát rượi.
Phù điêu đế tượng
Tượng Chúa đặt trên một bệ bê tông có bốn góc tạo hình cánh cung cao 10m, dài 12m, thực chất là một gian phòng với bốn mặt bên ngoài trang trí phù điêu. Mặt trước là bức "Bữa tiệc ly" (hay "Buổi họp mặt cuối cùng") phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leona de Vinci; mặt sau là bức "Đức Chúa trao chìa khóa cho Phêrô".
Hai mặt bên là các bức "Chúa đứng trước toà án Philato" và "Ba đạo sĩ từ phương Đông đến bái lạy Chúa Hài Đồng"
4 bức phù điêu che kín 4 mặt của đế tượng mà bên trong là phòng trưng bày phiên bản của các bức danh họa liên quan đến kinh thánh được lưu trữ tại bảo tàng viện nổi tiếng như Louvre , St Petersbourg , Vatican .. Trong 4 bức phù điêu, có hai bức đã được hoàn tất trước ngày 30/04/1975.
Trận địa pháo cổ
Trên đỉnh núi ở hai bên tượng Chúa có hai cỗ pháo lớn - là một trong số 11 đại pháo của trận địa pháo cổ Núi Nhỏ. Đây là một trong ba trận địa tạo thành tuyến phòng thủ Vũng Tàu do người Pháp xây dựng cuối thế kỷ 19, hoàn thành năm 1905. Trận địa pháo Núi Nhỏ được bố trí thành ba cụm theo thế vòng cung bao quát cả vùng Biển Đông và Nam Vũng Tàu. Cụm dưới chân tượng Chúa gồm 3 khẩu ở độ cao trung bình 136m so với mực nước biển, có cùng kiểu dáng, cấu tạo, cỡ đạn là 240mm, nòng dài 12.33mm. Trên thân pháo có ghi kí hiệu, kích cỡ nòng súng, kiểu dáng,năm sản xuất, trọng lượng pháo và phân hiệu của đội. Các cỗ pháo được đặt trong một công sự đào sâu dưới mặt đất, có đường kính 10.5m, có thể quay tròn và nâng hạ nòng nhờ hệ thống bánh răng cưa gắn với bệ cố định. Người ta cho rằng đây là một trận địa pháo thường trực vì giữa các cỗ pháo liên hệ có hệ thống giao thông hào và hầm trú ẩn liên kết với nhau.
Đường lên tượng
Vũng tàu có một đường ven biển chạy vòng tròn ôm lấy thành phố nên du khách xuất phát từ Bãi Trước hay Bãi Sau cũng đều đến được Mũi Nghinh Phong theo đường Hạ Long
.
Đến Mũi Nghinh Phong, trước khi leo lên Tượng Chúa, du khách thường đứng lặng ngắm bãi Vọng Nguyệt, đảo Hòn Bà, khu vực của Phật Giáo. Hòn Bà còn có tên gọi khác là Archinard, chỉ cách bờ hơn trăm mét. Khi triều xuống, ta có thể đi bộ ra tận đảo. Bãi tắm ở đây có vách núi bao bọc nên kín đáo, nước khu này cũng trong xanh hơn, trên bãi lại có nhiều đá thiên nhiên rất đẹp. Vẻ đẹp thơ mộng ấy làm tần ngần du khách:
Bảng lảng mây
Chiều huyền ảo lung linh
Em thổ lộ tâm tình
Sóng nghiêng xô bờ đá
Đảo Rù Rì ngạt thở
Tím lịm núi Tao Phùng
Hoàng hôn buông
Biển xao xuyến mở lòng
Tạc em vào chiều
Những đường cong tạo hóa
Trong chạng vạng
Tiếng côn trùng gọi bạn
Trai gái dập dìu lứa đôi
Trăng hồn nhiên
Làm nhân chứng cho đời
Tôi ngơ ngác
Tôi thành xa lạ
Giữa chốn phồn hoa
Trần thế - thiên đường
Thơ sưu tầm
Đường lên núi vào mùa mưa chìm trong màu xanh mát của lá, mùa khô thì rực rỡ sắc màu của hoa. Có những nơi nghỉ chân có thể ngồi ngắm cảnh sơn thuỷ hữu tình, ngắm hoa và tượng thiên thần, giải khát, mua quà lưu niệm do các nữ tu dòng Mến Thánh Giá phụ trách. Trong công viên dưới chân tượng trên đỉnh núi có nhiều ghế đá trắnng để du khách có thể ngồi thư giãn, cầu nguyện. Tiến sát ra các mép núi chênh vênh, thành phố biển hiện ra đẹp sững sờ trong lãng bãng những làn sương núi . Xa xa thấp thoáng những con tàu trắng trên đại dương xanh thẳm hiền hòa...(Ảnh sắp xếp theo đường lên núi, từ dưới lên trên)
Khu du lịch Mũi Nghinh Phong- Vọng Nguyệt với quần thể kiến trúc tượng Chúa Giang Tay và chùa trên đảo Hòn Bà là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với kiến trúc nghệ thuật Việt Nam hiện đại mang đậm tính dân tộc và tôn giáo.
Tôi viết bài này như một so sánh với bài Tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro của chị Bích Hường tại http://bichhuong.vnweblogs.com .
Có người thắc mắc tại sao tượng Chúa ở Việt Nam không được thế giới công nhận là cao nhất thế giới. Xin trả lời ngay: thân tượng ở Việt Nam cao hơn tượng Brasil, nhưng vị trí đặt tượng của Brasil (núi và bệ tượng) đều cao hơn hẳn. Đó là chưa kể phong cảnh rất hùng vĩ, ấn tượng từ trên núi đặt tượng Brasil.
Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng có thể đến một lúc nào đó, với sự nỗ lực hơn nữa của Việt Nam, thế giới sẽ công nhận kỷ lục của Việt nam về chiều cao thân tượng (nếu không có quốc gia khác lại làm mới cao hơn). Một lúc nào có thời gian, chị Bích Hường có thể dịch bài này ra các thứ tiếng mà chị biết như Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha... để giới thiệu đến với những vùng mà chị đã và đang sinh sống được không? Được biết chị đã được bè bạn tôn vinh là " Đại sứ văn hóa của Việt Nam" mà?
Tượng Chúa ở Rio De Janeiro
- Chiều cao thân tượng: 30 m
- Chiều cao bệ tượng : 8 m
- Chiều cao núi : 710 m (trên mặt nước biển)
Tượng Chúa ở Vũng tàu
- Chiều cao thân tượng: 32 m
- Chiều cao bệ tượng : 7 m
- Chiều cao núi : 176 m (trên mặt nước biển)
Ghi chú: Tư liệu tham khảo từ nhiều nguồn trên Internet.