China Great Wall

"Ở nơi đó, trong sương mù, trong tráng lệ và trong khủng khiếp, sừng sững Vạn Lý Trường Thành của Trung Hoa” – Văn hào Anh W.Somerset Maugham.

Đi bộ trên Vạn Lý Trường Thành không bao giờ là việc bình thường. Cảm giác trong tôi là một sự pha lẫn giữa yêu thương và căng thẳng.

Bức tường vĩ đại này vươn lên từ sự xung đột phong tục truyền thống Trung Hoa với cách sống tự do, lang bạt của những du dân phương Bắc. Tôi nhìn trên bản đồ, chợt thấy bức tường bắt đầu đi từ chỗ mặt trời mọc tới nơi mặt trời lặn.

Sự thật là từ nhiều thế ký trước, Trung Quốc xây Vạn Lý Trường Thành để ngăn không cho người ngoại bang vào đất của mình.

Vì sự bình yên, hai triệu dân, chưa kể lính, đã đổ máu và mồ hôi để dựng lên bức tường biên ải. Rất nhiều người đã chết vì kiệt sức và xương cốt họ vĩnh viễn nằm lại dưới chân tường thành.

“Muốn biết chuyện cũ, hãy hỏi già Chen” - tất cả những người làng Ninglu nằm dưới chân Vạn Lý Trường Thành, sát biên giới Mông Cổ mà tôi hỏi đều chỉ dẫn tôi như thế.

Và những câu chuyện của Chen - người đàn ông 53 tuổi với một kho truyền thuyết cổ - đã dẫn tôi vào một thế giới đầy huyền thoại của Vạn Lý Trường Thành.

Đó là huyền thoại về một người vợ vì chồng đi phu xây tường và chết bỏ xác, đã khóc đến độ làm sụp đổ cả một đoạn tường.

Đó là huyền thoại về việc U Vương vì quá yêu Bao Tự mặt sầu bi mà đã cho đốt lửa trên Trường Thành để đổi lấy nụ cười của nàng, khiến sau này mất nước.

Đó là huyền thoại về một tài danh tên Yi Kaizhan, dưới triều Minh, đã tiên đoán đúng số lượng gạch cần để xây đoạn tường qua đèo Giải Sơn Ngọc Quan là 99.999 viên.

Những huyền thoại ấy đã làm cho Vạn Lý Trường Thành, cũng như lịch sử và văn hoá Trung Hoa sống mãi.

Không có điện, không có xa lộ. Chỉ có một con đường hùng vĩ, ngoạn mục nhất thế giới.

Hơn cả lịch sử, hơn cả rất nhiều cảnh quan, Vạn Lý Trường Thành là một phần của địa lý Trung Hoa, địa lý Châu Á, địa lý thế giới…và có khi, còn vượt cả ra ngoài những giới hạn đó.