Prague Orloj

Người ta nói: chưa đến chiêm ngưỡng đồng hồ thiên văn trên tháp cổ Orloj điểm chuông một lần thì coi như chưa đến Praha. Orloj có nghĩa là "đồng hồ".

Chiếc đồng hồ quả là một kiệt tác nghệ thuật độc nhất vô nhị. Chúng ta hãy quan sát đồng hồ với 3 phần:

Ở trên cùng có một chú gà trống vàng nằm trong hốc. Có 2 ô cửa sổ nhỏ, bên trong có tượng 12 thánh tông đồ (Apostles) của chúa Jesus, mỗi vị tượng trưng cho một tháng trong năm.

Bình thường, hai ô cửa sổ này luôn đóng.

Nằm giữa là đồng hồ Thiên Văn,mặt rất lớn với những chữ số La Mã, gồm 3 vòng tròn không đồng tâm để xem thiên văn. Trên mặt đồng hồ vẽ trái đất ở giữa, mặt trời và mặt trăng xoay xung quanh trái đất theo thuyết "địa tâm". Đồng hồ không chỉ cho xem thời gian hiện tại, mà còn có thể xem thời gian theo cách tính của người Bohemian xưa, quan sát sự xoay chuyển của mặt trời và mặt trăng, chu kỳ mặt trăng, thời gian mặt trời mọc và lặn, độ dài của đêm thiên văn và một số dữ liệu khác...

Hai bên đồng hồ Thiên Văn có 4 bức tượng là hiện diện của những gì bị ghét nhất, từ trái qua phải là:

- Kẻ hợm mình - phù phiếm : tượng người cầm gương;

- Kẻ bủn xỉn : tượng người Do Thái tay giữ túi vàng ( người Do Thái bị ghét vì cho vay nặng lãi)

- Thần chết : bộ xương, tay giữ dây chuông, tay cầm đồng hồ cát

- Kẻ ngoại giáo- ngoại xâm : một người Thổ (những cuộc xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ từng là một nỗi kinh hoàng của Trung Âu)

Bên dưới đồng hồ Thiên Văn là một đồng hồ lịch vẽ 12 bức hình tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Đây là một phiên bản của bức hoạ do danh họa người Czech là Josef Manes thực hiện vào thế kỷ 19, bản chính hiện lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Praha. Hai bên đồng hồ lịch, từ trái sang phải có các tượng của những người được trọng vọng : một sử gia, một vị thần, một nhà thiên văn và một nhà triết học.

Hàng ngày, cứ khoảng 15-20 phút trước khi đến mỗi giờ chẵn, có rất đông người tụ tập ở quảng trường dưới chân tháp để chiêm quang cảnh sau:

Ở khu vực đồng hồ Thiên Văn: Còn chừng một phút tới giờ chẵn thì Thần Chết một tay giật dây chuông, tay kia lật đồng hồ cát.

Thần Chết cúi đầu trước người Thổ như mời đi cùng.

Người Thổ lắc đầu như muốn nói : không, ta không muốn đi cùng thần Chết đâu!

Kẻ Bủn Xỉn thì đo cái ví trong tay xem nó có nặng chưa trong khi Kẻ Hợm Mình thì ngắm mình trong chiếc gương, cả hai cùng gật gù thỏa mãn.

Lúc này phía trên đồng hồ, hai cửa sổ được mở toang ra và từ mỗi bên có 6 vị Thánh Tông đồ lướt ngang qua cửa sổ, xoay người nhìn xuống khán giả như để chào mừng. Thánh Paul dẫn đầu , thứ tự đi ra lần lượt như sau:

Cửa bên trái : Thánh Paul tay cầm kiếm và quyển sách/ Thánh Thomas cầm ngọn giáo/Juda Tadeus tay trái cầm quyền sách/ Thánh Simon tay cầm một cái cưa/ Thánh Bartholomew cũng cầm quyển sách/ Thánh Barnabas (Nathael) cầm cây cói giấy.

Cửa bên phải : Thánh Peter cầm chìa khoá/ Thánh Mathew cầm rìu/ Thánh John với con rắn/ Thánh Andrew với cây thánh giá/ Thánh Philip cũng cầm thánh giá/ Thánh Jacob cầm lưỡi cắt lanh

Những tượng này đi lắc lư theo tiếng chuông và khi 12 ông qua hết thì đúng giờ chẵn, đồng hồ điểm chuông. Show diễn kết thúc khi có chú gà trống thò ra ngoài, gáy từng tiếng rất chuẩn xác. Và tất cả mọi người quan sát đều vỗ tay.

Đồng hồ thiên văn đến nay đã gần 600 tuổi, là loại đồng hồ cơ, hiện vẫn hoạt động tốt. Công trình do nghệ nhân đồng hồ Mikuláš of Kadaň (có sách viết là Hanus) và nhà toán học- thiên văn học Jan Sindel thực hiện năm 1410. Đồng hồ lịch và những pho tượng Gotic để trang trí phía bên ngoài được làm thêm năm 1490.

Có sách viết rằng người thợ làm chiếc đồng hồ này (Hanus) đã bị hội đồng thành phố Praha xử chọc mù mắt sau khi hoàn tất tác phẩm của mình để trên đời không có một tác phẩm tương tự thứ hai. Sau đó trước khi chết, Hanus đã cố tình phá hỏng chiếc đồng hồ và nguyền rủa rằng kẻ nào sửa chữa nó thì không chết cũng hóa điên.

Chiếc đồng hồ đã được sửa chữa vào những năm 1865-1866. Khi ấy, người ta đã thêm vào 12 vị thánh tông đồ để cầu nguyện an lành cho thành phố và cho những người sửa chữa nó.

Trong thế chiến thứ II, công trình bị tên lửa Đức tàn phá và được phục chế lại sau chiến tranh. Nghệ nhân khắc gỗ Vojtech Sucharda đã làm lại tượng 12 vị thánh.

Đồng hồ Thiên Văn Orloj là niềm tự hào của người Séc và là biểu tượng của thủ đô Praha.