Đà Nẵng mùa đông

Lần này vào Đà Nẵng hội nghị, mình "rắp tâm" ở lại đi chơi thêm vài ngày. Lý do là vì mới "khai quật" được một tên bạn học phổ thông từ thời xa xưa, đã trở thành "thổ dân" Đà nẵng từ ba chục năm nay. Kết thúc hội nghị là í ới gọi nhau rồi lên kế hoạch "tư du" thành phố.

Đầu tiên là danh thắng Ngũ Hành Sơn cách thành phố khoảng 8 km. Quần thể Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn(Âm Hỏa sơn va Dương Hỏa sơn), Thổ Sơn được vua Minh Mạng đặt tên cho mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ. Nhan sắc Ngũ Hành Sơn với tên gọi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ bởi đá núi mỗi nơi mỗi khác. Đá cẩm thạch tại Ngũ Hành Sơn có màu ngũ sắc, phân chia theo từng núi: đá ở Thủy Sơn màu hồng, ở Mộc Sơn màu trắng, ở Hỏa Sơn màu đỏ, ở Kim Sơn màu thủy mặc và ở Thổ Sơn màu nâu. Thăm Ngũ Hành Sơn trong nắng vàng với tiết trời êm dịu, lưng thấm đẫm mồ hôi nhưng thấy nhẹ lòng, bỏ quên sau lưng bao chuyện thế gian. Thật thú vị khi đứng trên đỉnh cao của núi Thủy Sơn, ngắm nhìn Ngũ Hành Sơn thay đổi màu theo sắc nắng. Đó là sự kỳ ảo như nhan sắc của một cô gái kiêu sa đang soi mình trên biển Đông bốn mùa lộng gió và thơm mùi muối mặn.

Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không. Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn,Hỏa sơn(được chia làm 2 loại: Âm Hỏa sơn và Dương Hỏa sơn) va Thổ sơn.

  • Kim sơn là hòn núi khiêm tốn nhất trong 5 ngọn núi kéo dài từ đông sang tây, sông Trường nối dài ra sông Đà Nẵng, có đò Bến ngự ngày xưa Vua chúa thường cập bến nơi đây để ngọan cảnh, qua thời gian biển dâu biến thành ruộng đồng, sông Trường có tên „Lộ Cảnh Giang là sông Cổ Cò“, đã bị vùi lấp biến thành ruộng hoặc hồ nước còn dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp kín

  • Mộc sơn phiá đông nam nằm song song với núi Thủy sơn dù mang tên là mộc, nhưng cây cối mọc rất ít núi cũng có hang động nhỏ, Mộc sơn có khối đá cẩm thạch trắng giống hình người

  • Thuỷ sơn phiá đông bắc là núi đẹp nhất, du khách thường đến ngoạn cảnh gọi là Chùa Non Nước, phong cảnh hữu tình có thể nói núi Thủy sơn nằm dài từ đông sang tây rộng 15 ha, có nhiều Chùa được xây cất lâu đời, có động Thạch nhũ, có hai chùa đẹp chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, đường lên núi làm bằng từng cấp lót đá, trên đỉnh 3 ngọn núi mang tên là „Tam Thai“ bởi vì nó giống như „Sao Tam Thai“ tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phiá nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc. Ngày nay phần lớn du khách đến Thuỷ sơn bằng xe từ đường Huyền Trân, hai bên đường là làng chuyên về nghề điêu khắc tạc tượng, bằng đá cẩm thạch

  • Hỏa sơn ngọn núi hướng về phiá tây nam sườn núi hiểm dốc hang động hoàn toàn im lặng, đối diện với hòn Kim Sơn, bên trái đường Sư Vạn Hạnh, trên dãy núi Hỏa sơn còn lại những đống gạch vụn từng mảnh hay đôi khi nguyên vẹn, trong những hố đá gạch sụp lở đó là di tích đền tháp của người Chiêm Thành. Hoả sơn nơi người ta khai thác lấy đá cẩm thạch. Đá cẩm thạch non nước có nhiều vân, sắc đẹp hồng, xám, trắng, những loại đá khác nhau rất hữu ích cho công nghiệp, đá vụn để trãi đường, tô tường nhà. Hỏa Sơn gồm có một hòn Âm và một hòn Dương, nối liền với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao hẳn lên.

Âm Hỏa Sơn nằm phía đông, gần đường Lê Văn Hiến, chóp núi tròn nhô lên cao hơn. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy nghiêng cắt ra từng đoạn, cây cối mọc ở các kẻ đá, ở mỏm núi phía đông có một cái hang thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc. Nhân dân địa phương thường đi theo đường này đến các hòn Kim Sơn và Thổ Sơn.

Dương Hỏa Sơn nằm ở phía tây. Ngày xưa, khi còn giao lưu được giữa Hội An và Đà Nẵng bằng đường thủy, ở đây có một bến sông, ghe thuyền đi về buôn bán vô cùng tấp nập. Trên bờ sông, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có khu miếu Ông Chài, hiện đã bị đổ nát. Tên dân dã "núi Ông Chài" có thể bắt nguồn từ đó. Tại một điểm cao trên sườn núi cheo leo, vách đá thẳng đứng, phía bắc Dương Hỏa Sơn nhìn về phía Kim Sơn, có ba chữ Hán lớn, nhìn từ xa rất rõ "Dương Hoả Sơn" và một dòng chữ nhỏ phải đến gần mới thấy : "Sắc Minh mạng thập bát niên thất nguyệt nhật cát lợi".

    • Thổ sơn là núi thấp nằm chính giữa có dạng vuông, cạnh không đều nhau, Thổ sơn không có phong cảnh đẹp chỉ có đất sét đỏ và đá cát lẫn lộn. Theo truyền thuyết Thổ sơn là nơi linh địa ngày xưa người Chiêm Thành đồn trú nơi đây, còn tìm thấy những nét về văn minh người Chiêm Thành điêu khắc vào đá như một cứ điạ từ đó xuất phát đi cướp phá các vùng biển có tàu buôn đi từ Trung hoa xuống đến vùng biển Mã lai. Thổ sơn thấp bao quanh những ngọn núi cao hơn.

Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn nhìn từ núi Thủy Trúc

Chùa Quan Thế Âm bên núi Kim Sơn

Đường lên núi Thủy Sơn từ cổng số 1

Cổng Chùa Tam Thai

Chùa Tam Thai

Đường vào động Huyền không

Tháp Xá Lợi

Góc nhìn ra biển từ Vọng Hải Đài

Cổng Chùa Linh Ứng tại Thủy Sơn

Chùa Linh Ứng tại Thủy Sơn là ngôi chùa cổ nhất trong ba ngôi chùa Linh Ứng, xây dựng từ thế kỷ 19 thời vua Minh Mạng.

Nhìn ra trời xanh từ trong lòng động Tàng Chơn

Đường xuống từ núi Thủy Sơn

Điểm đến tiếp theo là bãi biển Mỹ Khê, bãi biển dài dằng dặc và vắng hoe. Anh Thanh thiết kế một cái sân rộng mênh mông với hai chuồng chim bồ câu hai đầu để thả lên trời cho bà con ngắm.

Bãi biển Mỹ Khê

Tượng Phật quan thế âm nhìn từ bài biển Mỹ Khê

Bãi tắm Tiên Sa nước xanh trong như ngọc, cũng vắng hoe, thích hợp cho nghỉ cuối tuần với gia đình một cách riêng tư và bình yên. Giá villa bên cạnh rất bình dân khoảng 200 ngàn/ngày. Tự nhủ sẽ quay lại nơi này để trốn thế giới phù hoa vào một dịp cuối tuần nào đó.

Villa bên bãi tắm Tiên Sa

Nằm ở độ cao 693m so với mực nước biển, bán đảo Sơn Trà là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Đứng bất cứ ở đâu trên đất Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy ngọn núi này.

Năm 2004, chùa Linh Ứng Bãi Bụt được khởi công xây dựng và năm 2010 được khánh thành. Đây là ngôi chùa đẹp nhất, lớn nhất trong 3 ngôi "Linh Ứng Tự" ở Đà Nẵng. Linh Ứng Non Nước nằm trên hòn Thủy - 1 trong 5 ngọn Ngũ Hành Sơn; Linh Ứng Bà Nà nằm trên chót vót đỉnh Bà Nà và Linh Ứng Bãi Bụt nằm ở lưng chừng núi Sơn Trà án ngữ một góc biển trời Đà Nẵng.

Từ chùa Linh Ứng, nhìn ra phía trước là vịnh Đà Nẵng biển lặng yên đẹp như tranh. Bên phải là một phần bán đảo Sơn Trà với bãi biển tuyệt đẹp viền quanh thành phố Đà Nẵng. Xa xa là Ngũ Hành Sơn Cù Lao Chàm đèo Hải Vân bềnh bồng trong mây. Sau lưng chùa là núi rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Đặc biệt, Linh Ứng nằm ở một vị trí mà đi từ rất xa trên đường ven biển Sơn Trà Điện Ngọc, du khách có thể nhìn thấy ngôi chùa với mái ngói xanh xanh nằm vững chãi bên sườn Đông của bán đảo. Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất của thành phố về cả mặt quy mô cũng như về mặt nghệ thuật.

Điện chính có sức chứa lớn, là nơi trang nghiêm và thanh tịnh nhất. Chính giữa là tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mô Ni, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, và bên trái là Tam Tạng Phật, bốn vị Thần Long Hộ Phát cùng 18 vị La Hán được sắp xếp theo một quy luật, bảo vệ cho chính điện.

Điểm nhấn quan trọng của Chùa Linh Ứng Bãi Bụt là tượng Phật Quán Thế Âm. Quan âm Phật đài - tượng Quán Thế âm cao 67m là tượng Quán thế âm đứng cao nhất Việt Nam hiện nay. Tượng đứng tựa lưng vào núi hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa, mang theo bao lời cầu mong về một vụ mùa sóng yên biển lặng và quốc thái dân an. Công trình hoành tráng này do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công. Trên mão tượng Quán Thế Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng có 17 tầng mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng vẻ mặt tư thế khác nhau gọi là "Phật trung hữu Phật". Từ trên các toà tháp của tượng, du khách thập phương có thể nhìn được toàn bộ cảnh thành phố, núi rừng và biển đảo Sơn Trà một cách hoàn hảo nhất. Phóng tầm mắt ra xa hơn, núi Ngũ Hành Sơn cùng bãi biển bao quanh bởi bờ cát dài trắng mịn đã hiện ra tỏ tường. Sáng sớm khi nắng lên hay lúc chiều về, bầu trời xanh trong cùng gió trời mát mẻ sẽ mang lại cho du khách một ấn tượng tuyệt vời mà hiếm nơi nào có thể có được. Về đêm, đứng từ cổng chùa nhìn xuống du khách còn nhìn thấy một vệt sáng dài của của ánh đèn thành phố hệt như một vệt sao băng trên bầu trời đêm, đẹp tuyệt vời.

Chùa Linh Ứng-Bãi Bụt tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi, mặt nhìn ra biển Đông bao la, xa xa bên tả là đảo Cù lao Chàm án ngự, phía hữu là ngọn Hải Vân ngăn che với Hàn giang hiền hòa thơ mộng. Sơn Trà còn là nơi giao hòa giữa biển trời với núi sông trong khoảng không trầm lặng, với tiếng vỗ rì rầm của biển cả và lời kể về một câu chuyện thuở xưa: Vào thời vua Minh Mạng, dân chài ven biển nơi đây đã phát hiện một tượng Phật trên bãi cát, lập am thờ tự. Ngài Quán Thế Âm cứu khổ cứu nạn xuất hiện cứu người vượt vòng trầm luân, kể từ đó sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn, từ đó nơi đây có tên gọi là Bãi Bụt, hay còn gọi là Cõi Phật giữa chốn trần gian.

Tượng Phật quan thế âm

Cổng Chùa Linh Ứng

Chùa Linh Ứng bên Bãi Bụt

Tượng Phật quan thế âm

Đến chùa Linh ứng lúc 3h chiều, bọn mình lòng vòng đi dạo xung quanh chụp hình và quyết định chờ đến hoàng hôn để ngắm hoàng hôn từ đây. Một cảnh đẹp mê hồn. Biển mênh mông trải dài đến chân trời. Xa xa là bán đảo Sơn Trà, bãi tắm Mỹ Khê và những con thuyền đánh cá lên đèn nhấp nhánh như một thành phố nổi trên biển. Mặt trời đỏ lựng dần dần lặn xuống chân trời. Và bức tượng Phật dần dần sáng lên bởi ánh đèn chiếu sáng từ chân tượng, vàng óng trên nền trời xanh thẫm.

Tượng Phật quan thế âm trong ánh chiều tà

Tượng Phật quan thế âm được chiếu sáng trong ánh chiều tà

Hoàng hôn Đà Nẵng nhìn từ tượng Quan thế âm bồ tát

Ngày hôm sau vẫn còn một buổi sáng dạo quanh thành phố. Đà nẵng là một thành phố nhỏ nhắn, xinh xắn với khoảng 800 ngàn dân. Đường Bạch Đằng là con đường đẹp nhất thành phố chạy dọc bờ tây sông Hàn. Vỉa hè dọc sông Hàn được xây dựng rất khang trang và đẹp. Đi dạo dọc bờ sông, du khách sẽ được ngắm nhìn những cây cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn (cầu quay) và xa xa là cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Tuyên Sơn và tương lai sẽ là cầu Rồng ngay cạnh cầu sông Hàn đang khởi công xây dựng. Ở đây cũng có cả UBND thành phố với một tòa nhà cổ kính, nhỏ nhắn. Từ khách sạn Varna nằm bên kia bờ sông Hàn, có thể xem cây cầu quay vận hành mở ra cho tàu bè qua lại từ nửa đêm cho đến 4h sáng. Lên tầng 23 của khách sạn Hoàng Anh để ngắm thành phố từ trên cao cũng rất thú vị. Trên tầm cao thấy Đà nẵng đẹp, sạch sẽ và khang trang hơn hẳn Hà Nội, Sài Gòn, cho dù nhìn về tổng thể vẫn là một thành phố nhỏ, nghèo, và đang phát triển.

UBND thành phố

Bờ tây của sông Hàn dọc đường Bạch Đằng

Thành phố nhìn từ tầng 23 của HAGL Đà Nẵng Hotel

Cầu Thuận Phước

Cầu sông Hàn trong nắng trưa

Lượn vòng qua cầu Thuận Phước trong đêm giáng sinh.

(Tư liệu từ wiki, ảnh HV)