France Champagne

Người đàn ông lang thang khắp miền quê nước Pháp, một ngày nọ dừng chân tại bình nguyên mướt xanh có những cánh rừng, hồ nước và vườn nho yên ả, mê mẩn với loại rượu champagne được tinh chất tại vùng đất Champagne. Người bạn làm nghề xoay chai trong hang rượu của lâu đài Taittinger chọn cho ông một chai thủy tinh quý màu lục biếc chứa những bọt tăm vàng óng. Ông gói ghém gửi về cho người vợ trẻ yêu quý nơi quê nhà.

Người vợ cất món quà còn tỏa hương thơm dịu của đồng nho vào đáy tủ, chờ đợi ngày sum họp. Dăm ba hôm lại mang ra ngắm nghía, lau chùi.

Sau chuyến bôn ba sống còn dài nhất trong đời chống chọi với dòng xoáy hạ âm của eo Tam giác quỷ, ông trở về bình an vào một chiều hè tháng 7. Chai rượu champagne được mang ra đặt vào xô đá lạnh. Tiếng boong ngân rung giữa những chiếc ly pha lê Baccarat lấp lánh, tiếng thở khẽ hồi hộp của hơi ga khi bàn tay khéo léo của ông đặt vào đáy chai và nghiêng nhẹ thân chai, sóng bọt òa reo trong tích tắc giây rồi rút dần... tan vào êm dịu. Cô bé ngẩn ngơ giữa vòng tay cha mẹ giao nhau phút nâng ly, ngỡ rằng thứ nước diệu kỳ kia đã làm nên ánh nồng nàn trong mắt cha, lung linh trong mắt mẹ…

Bao nhiêu lần tôi đi giữa đồng nho dưới cái nắng gắt gay tháng 7. Bạt ngàn lá nho xinh kề bên những chùm nho trĩu trái tươi non vươn lên đón nắng như muôn vàn bàn tay đưa đẩy gọi mời. Những đường gân lá mảnh, cân đối trên những chiếc lá xanh hay nhuốm đỏ buổi chiều thu gợi đến một nỗi buồn sâu thẳm. Ông cụ làm nghề xoay rượu đã nghỉ hưu mà tôi vẫn gọi tonton đón đưa tôi trên chiếc thuyền gỗ ẩm mốc len lỏi giữa lạch nước rêu phong. Câu chuyện nhọc nhằn của đời người quanh năm suốt tháng lặng lẽ chăm chút cho sự trong trẻo của bọt tăm trong hang chập choạng, hút sâu hai mươi mét dưới lòng vôi đá bằng việc xoay chai. Người vợ lam lũ bỏ ông về với Chúa đã vót vét ba mươi năm, để lại vườn nho của mẹ cha. Tuổi già quạnh hiu, ông tự trồng nho, chiết rượu cho mình.

Một năm vài ba lần tôi về với tonton. Khi là mùa hái nho và ép nho vào cuối tuần tháng 9. Trong chiếc mũ rộng vành, với chiếc giỏ mây to vừa phải có đôi găng ông dành sẵn, tôi cùng bọn trẻ theo ông dọc những luống nho. Nho ông trồng trên mảnh đất cằn, trộn lẫn giữa vôi với sét nhưng dường như chỉ thứ đất này và khí hậu nóng lạnh khắc nghiệt nơi đây mới làm nên sức sống trên chùm nho bóng mọng và có vị ngọt thơm tinh tế đặc trưng trong rượu xứ Champagne. Kỳ nghỉ lễ Phục sinh, ông hăm hở chắt nước nho lúc này đã thành rượu từ thùng gỗ sồi vào chai, đóng nút, chuyển vào hang, chờ thêm hai ba năm nữa. Một trăm bốn mươi bậc thang dẫn xuống gian hầm lạnh chỉ chừng mười độ, hai mươi lần mỗi tháng xoay chai từ lúc nằm ngang cho tới khi thẳng đứng để cặn men lắng xuống miệng chai đợi ngày được gạn ra...Vào tháng giêng, những hàng nho đã được tỉa cắt, rễ ngủ yên dưới tuyết, cành ngoi tua tủa giống những hàng đinh ba ảm đạm, ông buồn.

Bên lò sưởi gạch lách tách thơm nồng mùi củi cháy, tonton uống và than thở. Ấy là lúc ông nhớ người vợ hiền lành xấu số lúc nào cũng tất bật trong những năm tháng ngắn ngủi sống cùng ông. Thứ champagne trong vắt, đẹp quyến rũ kia, là để dành cho đàn bà. Đàn bà nhấm nháp chút men, cười nói huyên thuyên, như đang tận hưởng men hạnh phúc. Vợ ông, tay phồng rộp vất vả bên ruộng nho, chồng làm trong hang rượu, lại chưa từng một lần được nếm champagne. Vậy mà bà vẫn vui, vẫn ca hát mỗi lần địu giỏ hái nho. Mười hai ngày hái nho, bà hát hò không mệt mỏi. Có lẽ bà cũng hạnh phúc với ông, cái hạnh phúc chẳng cần nếm thêm men, chẳng cần soi trong long lanh tăm bọt champagne.

Đã có lần tôi hỏi sao tonton không sống cùng ai nữa, ông thở dài: Ta trót mang nợ với ruộng nho của bà ấy mất rồi.

Người đàn ông biền biệt tha phương một ngày quyết định về nghỉ hẳn. Nhưng ông không về căn nhà có người vợ đã chờ đợi bốn mươi năm cùng nhiều chai rượu champagne ông gửi mà là căn nhà của người đàn bà xa lạ khác.

Cô bé nay đã lớn và đi lấy chồng xa, một ngày về thăm mẹ, đếm tuổi trên tay, nhớ ánh mắt mẹ năm xưa, muốn mở cùng mẹ một chai rượu champagne.

Đặt ly vào tay bà, cô cẩn thận gập lại những ngón tay xương xẩu.

Chiếc ly như vừa bị thả vào khoảng không hờ hững. Bọt trào sóng xoãi trên bàn giữa những mảnh vụn pha lê. Người mẹ luống cuống, khum hai bàn tay tựa hai chiếc lá nho cong queo hứng dòng rượu đang tuôn, lắp bắp những lời xin lỗi.

Người con gái dìu mẹ về giường, nhẹ nhàng vuốt mãi những ngón tay sao cho chúng duỗi mềm hẳn trong tay mình. Gỡ chải chùm tóc bạc còn soi sót sợi đen, thấp thoáng mái tóc dày mượt của cô thiếu nữ thành Vinh năm nào từng chao nghiêng bóng nước sông Lam... Vỗ về… vỗ về cho tới khi đôi mắt đục mờ của bà khép ngủ, má dụi trên vai con như đứa trẻ thiếu thèm hơi mẹ.

Những chai champagne trong tủ có lẽ sẽ không bao giờ được mở bởi bàn tay người đàn ông bà hy vọng chờ đợi một đời.

Lại một ngày hè tháng 7 về thăm lại Champagne. Xót mẹ, thương cha, thương cho cả những mối tình dang dở. Vườn nho kia sẽ im lìm nín thở dưới mênh mông tuyết lạnh lúc về đông nhưng rồi sẽ lại nảy lộc đâm chồi ngay khi bắt gặp chút nắng xuân. Nước nho lại lên men và tăm bọt lại rì rào trong ly champagne những bản tình ca muôn thuở còn tình yêu đã ngủ yên giữa giá băng liệu có trở dậy bao giờ?

Chú thích: *Tonton: bác, chú (tiếng Pháp)

(Bài viết của Nico)