Phạm Thanh Khương-Tản văn

ĐÊM HƯƠNG QUỲNH

Khi chén rượu, lúc cuộc cờ

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên

(Nguyễn Du)

Đêm trong vắt. Ngoài ánh trăng sáng xanh phủ kín sân nhà, tịnh không còn một âm thanh pha tạp. Lũ dế hình như cũng biết được đêm nay thiêng liêng lắm nên tiếng kêu mỏng như sương, trắng bàng bạc ngoài sân. Ngay tiếng gió. Gió mọi đêm ầm ào là thế mà đêm nay cũng chỉ phơ phất, nhè nhẹ thoang thoảng. Tất cả đều thu mình nhường lại đêm cho hương quỳnh khoe sắc.

Tôi cũng không biết được từ bao giờ và khi nào, cây quỳnh đã kéo những chiếc lá dài vươn lên tựa vào những cành giao khẳng khiu bật nụ. Những chiếc nụ mầu hồng hồng tim tím tách ra từ kẽ lá, nơi ban đầu chỉ như một dấu chấm mầu mực tím nho nhỏ trên trang sách. Từ cái chấm mầu mực tim tím ấy, nụ hoa cứ lớn dần, lớn dần. Ban đầu chỉ bằng cái tăm tre cũng mang mầu tim tím. Cùng với thời gian, cái tăm ấy dài dần và lớn lên. Khi cuống hoa to bằng ngón tay út, nụ hoa mới bắt đầu nhỉnh hơn phần cuống. Cứ thế, cuống hoa thả nụ nghiêng xuống đất như lời trao đổi tâm tình với đất về những năm tháng đất cho cây đâm nụ trổ hoa. Lời tri ân với đất về những tháng năm vất vả một đời cây.

Khi cuống hoa mang theo chiếc nụ mầu tim tím ấy được bốn đến năm ngày, cuống hoa dài khoảng hai mươi phân thì chiếc nụ tim tím phía đầu cuống nhỉnh hơn đầu ngón chân cái mang hình của mũi giáo thời cha ông dựng nước bắt đầu hướng lên trời xanh. Có phải không, hoa muốn khoe với trời xanh về sắc màu trinh trắng của mình sắp tới.

Bắt đầu từ lúc này, bằng mắt thường có thể quan sát thấy hoa lớn lên từng giây. Khi nụ hoa to bằng cái chén mắt trâu, dài cỡ ngón tay, phía ngoài đã nhìn thấy rõ những đường xếp của cánh hoa màu tim tím, nơi phía đầu cùng của nụ hoa đã thấp thoáng vài ba nét trăng trắng e ấp bên trong, ấy là lúc hoa chuẩn bị cho lần khai mãn sắc hương.

Hoa lúc này dường như dừng lại, không lớn lên nữa. Cả bông hoa trông như hình chiếc lưỡi câu ai vô tình để vương lại trên cành. Ấy là lúc hoa chờ khi trăng lên để khoe sắc, khoe hương với đất trời về một tấm lòng trinh bạch. Có nhiều lần, cây quỳnh ra cả chục bông như thế.

Hôm nào hoa như thế, ngay từ chập tối, cơm nước xong, cha tôi thường mang chiếc chõng tre ra gần chậu hoa rồi pha ấm trà ngon nhâm nhi chờ khi hoa nở. Vào những ngày ấy, mấy bác hàng xóm cũng sang cùng thưởng ngoạn trà và trò chuyện cùng ông. Nhiều lúc cao hứng, mấy bác lại ngồi lẩy Kiều cho nhau nghe rồi cùng bình phẩm.

Rồi trăng lên. Bóng trăng phủ lên không gian ánh bạc như sương. Khi trăng ngang tầm vai người, những nụ hoa bắt đầu bung cánh. Trước hết là những bẹ hoa mà khi hoa còn đang nụ có mầu tim tím bao bọc bên ngoài xòe từ từ, nhẹ nhàng, đỡ từng cánh hoa trắng muốt nở theo. Cứ thế, cánh trước đỡ cánh sau nở cho đến khi bông hoa to như cái bát chiết yêu.

Gió lên. Gió hây hẩy, phe phẩy làm cánh hoa rung rinh rung rinh. Một làn hương thơm quyến rũ đến mê hoặc, cao sang mà gần gũi, mộc mạc mà thanh tao, chân chất mà quyền quý. Ánh trăng in bóng hoa xuống đất, được gió đẩy đưa, trông như những ngón tay búp măng lướt trên những cung đàn.

Hoa nở hết tận cùng sắc hương thì bắt đầu từ từ khép cánh. Khi các cánh hoa khép lại cũng là lúc đã sang ngày mới. Chỉ một lần thôi rồi mãi mãi hoa khép lòng mình. Trăng đã qua đầu, chuyển về tây. Thế là hoa đã nở xong một kiếp. Có mấy ai được biết. Có được một lần hương ấy một đời hoa đã phải chắt chiu để có. Sắc ấy cây đã phải tần tảo một đời để gạn đục khơi trong cho cánh hoa trắng mãi tấm lòng. Sáng ra, hoa đã tàn nhưng sắc hoa sẽ còn trắng mãi trong tâm tưởng, hương hoa mãi còn thơm ngát trong nỗi nhớ và chờ đợi cho những lứa hoa sau.

Cứ mỗi lần cây quỳnh ra hoa như thế. Mẹ bảo: Đời người cũng chỉ có một lần. Kiếp người ngắn ngủi. Hãy sống như hoa. Chỉ một lần thôi. Dù chỉ một lần ngắn ngủi nhưng hoa đã nở tận cùng, đã hiến đời tất cả sắc đẹp và hương của đời chiu chắt. Nở giữa đêm mà mầu trắng của hoa vẫn cứ muôn muốt một sự trắng trong.

Bây giờ cha không còn. Chậu quỳnh bên góc sân cũng không còn. Sắc quỳnh, hương quỳnh chỉ còn trong nỗi nhớ. Nhiều đêm mất ngủ. Lần ra sân thượng, nhìn phía cuối trời. Phía xa kia, cánh quỳnh nghiêng đầu bên cành giao có còn chờ đợi? Hương quỳnh e ấp nép bên bóng trăng còn có tỏa hương? Và sắc quỳnh nữa. Sắc quỳnh trong trắng tinh khôi nở giữa đêm còn có như câu mẹ nói.

Bất giác tôi gọi thầm trong lòng: Quỳnh ơi! Hương đêm của lòng tôi. Đất không trả lời. Trời không trả lời. Gió không trả lời. Chỉ có đêm trong vắt như gương cùng cánh quỳnh dập dờn trong ký ức và hương hoa thoang thoảng rất xa, rất xa./.

CHỞ NHỮNG MÙA TRĂNG ĐI

Sang xuân mà cái lạnh vẫn ùa về tê tái. Nhìn lá cỏ sang xuân vẫn khép nép cánh tránh rét, lòng chợt buồn về phận kiếp con người. Kiếp người như lá.

Lòng buồn, lặng lẽ ra bờ sông Hồng để tìm về một thuở. Nơi xa ấy, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, nơi ngày mẹ trở dạ, con thuyền tròng trành đã định phận kiếp con người. Khi ấy, ra khỏi lòng mẹ, cha lấy cật nứa trên mái nhà thuyền cắt rốn. Chiếc nhau cha cắt ném tõm xuống sông. Sông có còn cất giữ? Nước có còn bao bọc chở che? Giữa phận người trong đục, sông có còn như xưa hay sông đã lại như thế cuộc kiếp người?

Nước vẫn nước nhưng không còn như trước. Sông vẫn sông nhưng đâu được như xưa. Người vẫn người nhưng trong trái tim đã bớt phần trong trẻo. Đám cỏ bên bờ cũng vẫn là cỏ nhưng chẳng còn khỏa xuống sông nô giỡn cùng con sóng. Sóng vẫn sóng nhưng chẳng còn bạc đầu vì nỗi nhớ giêng hai. Làng chài nằm bên sông lặng tờ vệt khói. Lũ trẻ rúm ró trong gian nhà thuyền thò đầu í éo gọi nhau bỏ mồi bắt cá.

Lại nhớ, ngày ấy, trong căn nhà thuyền nhỏ nhoi như chiếc lá, mỗi độ xuân về tiếng trẻ gọi nhau nheo nhéo đi cầu tre lên đê vạt sương trên ngọn cỏ. Tiếng gọi nhau váng cả triền đê, ùa xuống nô giỡn cùng sông nước. Những khúc Trầm, khúc Bổng, những khúc Rủ khúc Rê, những khúc Tình khúc Héo, những khúc nông khúc sâu dẫu một năm trải qua bao biến cố nhưng khi xuân tràn về vẫn phơi phới những nét xuân. Tiếng cá quẫy lòng khoang lục bục, nước tràn cả lên chiếc sạp tre nơi cha ngồi hút thuốc. Chiếc điếu bát ngày xuân reo lên mỗi khi nhà có khách. Những nếp da nhăn nheo ngâm nước cả tháng cả năm cũng như dãn ra mơn mởn.

Sang hè. Khi ì ầm phía cuối trời cùng những bóng mây mòng mọng nước. Chờ mưa. Sau mỗi cơn mưa, lũ cá xót mắt nhao đi tìm nơi nước chảy. Cứ thế tay nhặt tay bỏ lũ cá rô róc ngược dòng vào chiếc giỏ tre bên sườn mang về cho mẹ kho khô, ủ vào chiếc chum sành phòng khi nhỡ mùa thiếu cá. Sau ngày mưa, đêm như trong hơn, trời cũng như sáng hơn. Đứng trên mui thuyền nhìn trăng từ từ nhô lên, rồi đậu lại trên ngọn tre bên bờ sông trong tiếng ríu ran của vợ chồng lũ cò, lũ chim sau một ngày kiếm ăn vất vả. Thoang thoảng trong gió, mùi hương thơm thật dịu. Hương lúa đang vào thì con gái. Tiếng sấm ì ùng gọi cây lúa lên xanh.

Chiều thu. Những chiếc lá la đà bay chùng chiềng, chùng chiềng rồi sà xuống mái nhà thuyền, dập dềnh nô đùa trên sóng. Mặt sông lấp lánh sắc vàng rười rượi. Nhìn về phía chân trời. Sắc mỡ gà trong sắc áo người bồng bềnh cùng mái tóc lanh lánh như sông mỗi khi ra bến. Trên tầng mây trắng. Nhà ai còn để tiếng sáo muộn dìu dặt trên lưng lửng trời. Đêm, ngửa cổ nhìn lên trời cao. Cả một khoảng không mênh mông xanh ngằn ngặt. Những giọt sáo diều rơi xuống nâng khao khát ước mơ bay cao.

Đông về. Cây bàng bên bến trút những chiếc lá cuối cùng trơ những cành khẳng khiu lên trời xanh mời mùa xuân về lại. Mặt sông lặng ngắt, yên ả, trong vắt. Nhìn xuống nước. Bất chợt thấy gương mặt ai thấp thoáng trong chiều lấy nước đợi xuân. Cha lụi cụi trên mui thuyền làm mồi bỏ mó chài. Mùa này lạnh lắm, cha sức khỏe đã kiệt, lượng mồi cha làm cũng ít hơn. Mấy tay lưới cũng nằm ơ hờ bên vách...

Đã lâu quá rồi, tôi rời nhà ra đi. Nước vẫn đấy, sông vẫn đây mà người xưa không thấy. Nơi thăm thẳm của cõi người, nơi cá quẫy lòng khoang, nơi mẹ lụi hụi lo toan cơm cơm nước nước, nơi cha cặm cụi làm mồi bỏ mó đánh chài, nơi lũ trẻ hò hét nhau váng cả khúc sông giờ ở nơi nao?

Đưa tay khỏa vào sông. Sông lặng lẽ trôi, sóng lặng lẽ trườn bờ. Bao nhiêu mùa trăng đã qua. Qua mỗi mùa trăng, sông lại chở những ký ức đi xa, đi xa. Những ký ức cũng vụn dần và chỉ còn thấp thoáng trong nỗi nhớ. Tất cả, tất cả, sông đã chở đi cả rồi qua mỗi mùa trăng. Sông chỉ còn để lại một kiếp người lam lũ lầm than.

Con sông đời vẫn chảy, vẫn trôi trong hoang hoải kiếp người.

HƯƠNG NGÂU

Sáng mồng một, gió nhè nhẹ, nắng mịn màng như lụa, mảnh như sợi tơ vàng mẹ ươm. Thoảng trong gió có hương thơm thật nồng nàn, dịu dàng và cũng thật thướt tha. Đi theo ngọn gió tìm về hương thơm như mời như gọi quyến rũ, bắt gặp hương hoa nép mình trong kẽ lá, giấu mình sau vòm xanh, ủ hương trên sắc cây nhè nhẹ tỏa hương. Hương ngâu lan tỏa trong gió xuân, như tẩm hương cho nắng ngọt ngào.

Những nụ hoa nhỏ li ti như mắt cúc áo, trắng như hạt tấm quê nhà, nằm ép sát vào nhau trong kẽ lá. Những cánh hoa trắng, nhỏ, nằm duỗi mình như bàn tay búp măng nâng từng hạt nắng bay trong hương xuân. Rồi, từ những cánh hoa nhỏ li ti ấy, hương thơm lại theo nắng bay đi, thoa nhẹ lên môi, lên má người thiếu nữ cho sắc xuân thêm hồng; bậu lên khóe mắt mẹ già long lanh nét cười vui cùng con cháu; nhảy lon ton cùng bước chân trẻ thơ đùa vui trong sắc kén vàng của đất trời ngày xuân.

Hoa ngâu từ khi bật nụ cho đến lúc đơm hương bao giờ cũng nở từng chùm. Trên mỗi mắt lá, từng chùm hoa ngâu nhỏ bé tựa vào nhau, hẹn hò cùng lớn lên và cùng bung nở. Hình như biết được tâm tình của hoa, khi bắt đầu mầm nụ hoa bật nở, chiếc lá màu xanh thẫm, dầy cũng từ từ nghiêng về sau thật chậm, thật chậm làm chỗ tựa cho hoa, che chắn cho hoa không vướng bận bụi đường đời khi hoa gửi sắc hương vào nắng.

Trong chùm hoa ngâu có rất nhiều bông hoa nhỏ. Mỗi bông hoa nhỏ, khi nở cũng chỉ có bốn cánh. Có phải không hoa muốn bốn phương tám hướng đất trời sẽ đầy ắp hương thơm. Sắc hoa trắng mịn màng tinh khiết e ấp bên nách lá, phơi mình trong nắng. Từ trong những cánh hoa ấy, hương thơm tỏa ra với đất trời như lấy tự trong những dòng nhựa nuôi cây mà dâng cho đời. Chính vì thế, hương hoa nhẹ mà lắng, thoảng mà say, dịu dàng mà quyến rũ, thanh tao mà vẫn thiết tha, gần gũi mà không pha lẫn trong muôn vàn hương hoa khác trong sắc xuân.

Đưa tay, nhẹ nâng hương thơm ẩn trong sắc nắng, lòng chợt nhớ về câu chuyện xưa. Ngày ấy, ở một làng ven sông, có đôi trai gái, đi đâu làm gì cũng có nhau. Lúc nào cũng tay trong tay không chịu rời xa. Cha mẹ đôi bên thấy đôi trẻ thân thiết nói vui. Sau này khi nào khôn lớn cho chúng về làm chồng làm vợ. Rồi một ngày kia, đất nước có giặc. Lời hẹn thề của đôi lứa chưa thành thì người trai phải ra đi giúp nước. Trước khi đi, người trai có hẹn người con gái, khi nào đất nước thanh bình sẽ là ngày đón người con gái về làm vợ. Người con gái cũng hẹn với người trai, ngày ngày sẽ gửi vào nắng hương thơm của tình mình về bên người yêu dấu. Vì chiến tranh kéo dài, cha mẹ cô gái thương con đành gả cô cho nhà người khác. Khi đất nước yên bình, người con trai trở về mới hay chuyện. Đêm đêm ngày ngày, chàng trai cứ ra nơi hẹn hò buổi chia tay tìm về bóng người xưa. Cứ mỗi lần chàng trai ra đó, chàng trai lại gặp một làn hương rất mảnh bay quanh quất bên người. Nhớ lời hẹn ước khi xưa, chàng trai lần theo hương thơm đi tìm. Chàng trai cứ đi. Đi mãi, đi mãi. Một ngày kia, chàng trai gặp được hương thơm thật dịu dàng nép mình bên kẽ lá tỏa hương. Khi chàng trai vừa đưa tay định hái chùm hoa nhỏ nằm giấu mình bên kẽ lá thì tự nhiên, hương thơm trên cánh hoa mang dáng người con gái xưa hiện về. Cứ thế, họ quấn quýt bên nhau không rời. Họ cứ sống với nhau như thế mãi với nhân gian. Một tình yêu gần mà xa, thật mà ảo, say đắm mà dở dang, thủy chung mà lỡ làng, buồn khổ mà thanh tao, quyến rũ.

Lòng chạnh buồn. Xuân này người không về đón tết. Người ơi. Người có biết không? Bóng người vẫn về cùng sắc xuân, giữa bao dịu dàng từ hương ngâu nỗi nhớ.

CÒN MÃI MƯA BỤI XUÂN?

Cứ mỗi độ xuân về, khi sắc môi người thiếu nữ gửi vào sắc đào, làn da trắng mịn màng gửi vào sắc hoa giành giành, mái tóc mượt mà lóng lánh hương bồ kết, ấy là mùa xuân về. Trong làn mưa bụi phơ phất bay mang hương xuân tràn trên nét cười, lấp lánh khuôn mặt người rạng ngời những niềm vui. Hòa trong tiếng trẻ nô đùa, lắng tai nghe, trong làn mưa bụi, gặp âm thanh thật nhẹ, thật mỏng, ấy là tiếng tí tách hạt nẩy mầm. Phảng phất đâu đây, la đà trong làn khói hương thơm nồi bánh chưng thấm mồ hôi mẹ, mặn chát mồ hôi cha, bắt gặp bao niềm thương nhớ. Mùa xuân đã đến. Mùa xuân gõ cửa gọi người.

Bao giờ cũng thế, vào thời khắc giao thừa, người làng chài lại đứng trên mũi thuyền nhìn về hướng đông, nhìn lên trời cao xem mùa cá cho năm mới. Năm nào phía chân trời hửng sáng, ấy là năm mùa cá tràn đầy. Mặt sông lặng lờ, lấp lánh ánh bạc soi rõ gương mặt người giữa giây phút chuyển giao. Tiếng cá quẫy lòng khoang lục ục cùng người đón một mùa xuân no ấm đủ đầy. Xuân rạo rực và lòng người rạo rực.

Năm ấy, chiều ba mươi, thấp thoáng trên bờ đê, lẫn trong hương xuân, bóng người thiếu nữ dịu dàng bay trong làn mưa bụi. Mẹ ngồi làm bữa tất niên, nhìn mùa xuân trên sắc xanh của trời, của nước và của cỏ bên đê ước ao bóng xuân ấy làm con dâu của mẹ. Sắc xuân bay đi, mẹ thẫn thờ chợ đợi và mong ngóng. Mẹ chờ ông Bụt trong câu chuyện cổ tích trở về. Mẹ chờ cô Tấm trong quả thị bước ra. Cha ngồi trong khoang, kéo chiếc điếu bát vào lòng, khề khà bên chén rượu cuối năm. Nghe tiếng cá quẫy dưới lòng khoang đã thưa, cha ngoái đầu ra giục. Mó cá trên khúc Trầm đã bỏ từ sáng. Liều liệu mà lên đó xem sao. Khoác vội lên vai tấm chài, men theo con đường mòn của người, men theo sắc cỏ xanh mướt trên đê tôi tìm về khúc Trầm, tìm về dấu mó cha bỏ ban sáng. Nhìn tăm nổi trên mặt sóng, nghe tiếng lọc cọc cây báo cá. Tôi xoay người, buông tay, tấm chài xòe tròn cánh hoa rơi trên mặt nước. Bông hoa chài cuối năm rạo rực trong niềm ước của mẹ.

Rồi mùa xuân qua đi. Mẹ vẫn nhìn về phía đê, nơi có bóng xuân dịu dàng tha thướt bay như chờ như đợi. Mỗi độ xuân về, mưa bụi xuân vẫn phơ phất bay, chỉ có dáng mẹ ngày mỗi ngày hao gầy cùng mong ước chiều ba mươi tết.

Năm năm tháng tháng, làng chài đã chuyển lên bờ. Sông vẫn đời sông, nhưng sông không còn như trước nữa. Bóng nước lăn tăn tăm cá cũng thưa vắng. Xuân vẫn xuân nhưng sắc xuân như nhạt phai, môi người thiếu nữ năm nào không còn gửi vào sắc đào nên cánh hoa chỉ phơn phớt hồng. Bông hoa chài chiều nào giờ đã đi vào quá vãng. Dáng mẹ lưng còng, không còn lui cui làm cơm cúng chiều ba mươi được nữa. Cha cũng đã về tiên tổ nhưng tiếng điếu bát reo vui nhắc mó bỏ mồi vẫn như đâu đây về một thời lo toan, vất vả.

Chiều ba mươi, tôi đi trong mưa bay. Hạt mưa phủ lên tóc những hạt bạc. Giật mình. Tóc cũng đã bạc rồi. Hạt mưa bụi bay lẫn trong màu tóc trắng đời người. Trong màu trắng của mưa bụi và màu tóc, bóng người xưa trong mưa bụi vẫn bay. Tôi tự hỏi: Bao giờ người trở lại cùng xuân, cùng mưa bụi chiều nay./.

VỚI CƠN MƯA HẠ

Giá lạnh tràn về. Tiếng gió luồn buốt giá. Lang thang trong giá lạnh, lòng chợt nhớ về một mùa hạ cháy bỏng hoa phượng. Những bông hoa lửa thắp sáng trên vòm cao, trong tiếng ve gọi người thổn thức. Ngọn lửa của thương yêu và nhớ nhung. Gặp giá lạnh, lòng chạnh buồn, nhận ra. Khi nỗi nhớ còn nguyên khôi, nỗi nhớ sẽ thành ngọn lửa, thắp cho lòng ta sáng trong trên mỗi bước đường đời. Khi nỗi nhớ chỉ còn là kỷ niệm. Nỗi nhớ kỷ niệm một thời lại thành băng giá của mùa đông. Giá lạnh của thiên nhiên hợp cùng giá lạnh của lòng người, cái lạnh tái tê và cóng buốt.

Nhớ tiếng ve ran. Nhớ cơn mưa hạ bất chợt. Nhớ tiếng ào ào đổ nước trên vòm biếc. Lặng nghe lá trở mình thao thức. Nhớ ánh nhìn giận hờn mà chan chan niềm thương. Hạ cháy bỏng mà nồng nàn, hạ rừng rực mà dịu mát lá thu rơi, hạ ồn ào mà lặng thầm thương yêu hết đỗi. Những giọt nước tinh khôi cứ thấm, cứ chảy hoài trong nỗi nhớ.

Nỗi nhớ thức giấc trong mỗi bước chân đi. Gặp dáng mẹ tần tảo, lại nhớ ngày nào trong cơn mưa rủ nhau ra bờ ao khỏa nước. Mẹ chạy mưa từ đồng về, vừa quăng cái nón, lôi hai đứa vào nhà. Mẹ vừa giơ roi người ấy đã khóc. Khi mẹ hết giận, mình hỏi. Mẹ đã đánh đòn đâu mà khóc? Người ta khóc hộ mình trước để mẹ không đánh. Thế mẹ đánh thật thì sao? Thì người ta chịu đòn chung với mình. Nhưng người ta là con trai, đằng ấy là con gái. Mẹ đánh đau, chịu làm sao được? Nhưng mà mẹ có đánh đâu. Rồi người ấy lấy nửa củ khoai giấu trong túi áo chia cho phần nhiều. Sao đằng ấy cho tớ nhiều thế? Con trai phải ăn nhiều vào. Con gái người ta ăn ít. Nửa củ khoai dùng dằng mãi chưa xong. Mẹ nhìn hai đứa mắng yêu: Chả tổ bọn mi. Chả khóc nữa đi. Thương nhau thế rồi sau về mà làm chồng làm vợ cho mẹ đỡ khổ. Năm năm tháng tháng, làm chồng làm vợ theo nguyện ước của mẹ cứ xa dần, xa dần rồi xa mãi. Chỉ còn nỗi nhớ trận roi giả và tiếng khóc "đằng ấy" trong mơ.

Rồi nhớ. Cái lần trốn đơn vị đi chơi. Gặp cơn mưa bất chợt chạy vội trú dưới mái hiên nhà. Mưa sầm sập, trắng một trời màu nước. Trong màu trắng xóa ấy cứ có mùi thơm phảng phất bay. Rồi ngọn gió, đưa sang hương bồ kết dịu dàng, phủ tràn lên mặt. Bối rối và khó chịu nhưng cũng mong muốn và chờ đợi, nửa muốn nói mà nửa muốn giữ lại làn tóc có hương bồ kết vấn vương. Rồi làn tóc quay sang bối rối, đưa tay thu hương bồ kết trở về không cho thoa hương trên gương mặt người xa lạ. Rồi cơn mưa tạnh. Lòng lại mong trời cứ mãi đổ mưa để được giữ hương bồ kết từ mái tóc bên hiên nhà ở lại. Đêm đêm, giật mình đưa tay lên mặt để tìm hương bồ kết tránh mưa.

Lại nhớ. Hôm tuần tra mùa hạ gặp cơn mưa rừng bất chợt. Cậu chiến sĩ mới nhìn lên vòm cây thao thiết: Tiếng mưa như tiếng vỗ tay. Nghe thế, vội cầm tay cậu chiến sĩ cắm đầu cắm cổ chạy lên đồi cao. Mưa như thác đổ. Chỉ nghe ào ào ùng ục trên vòm lá. Lên đến nơi, ngoái cổ lại nhìn. Cả một thác lũ đã cuồn cuộn đổ về. Con suối vừa lội qua cuồn cuộn nước. Tiếng nước đổ lẫn trong tiếng gầm gào rú rít của bầy thú ăn cỏ bên suối bị lũ cuốn trôi. Nhìn khuôn mặt, người nào người nấy tái dại rồi đổ òa lên cười. Thế là thoát nạn. Lúc đó mới hay, mưa rừng bão biển là như thế nào.

Lại nhớ, lại nhớ và lại nhớ. Nỗi nhớ kéo dài theo năm tháng sống. Cây vẫn đời cây, lá thay đời lá, người theo đời người. Tiếng mưa hạ chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm tái tê mỗi độ hè về và lòng lại gặp kỷ niệm xưa mỗi khi giá lạnh mùa đông. Ước nguyện con dâu của mẹ chỉ vì cái chuyện không đâu mà làm cho hai đứa xa nhau. Chạy vã mồ hôi gặp mưa rừng khi tuần tra bởi chỉ quen nơi đồng bằng mà không biết lối sống, thời tiết nơi rừng núi. Cơn mưa rào có mái tóc mang hương bồ kết vấn vương, trời đã cho và đất đã xe, nhưng chỉ vì chuyến đò mưa qua mau nên thành sự vô tình của lòng người không còn lưu lại. Kỷ niệm những cơn mưa hạ cứ thế đi qua, thành nỗi nhớ và đánh thức buốt giá của lòng người.

Trong giá lạnh tái tê mùa đông xứ Bắc, nỗi nhớ cứ ngược chiều trở về tiếng hạ mưa rơi. Dẫu vẫn biết. Đông qua rồi xuân tới. Xuân đi rồi hạ sẽ về. Hạ ơi. Tiếng mưa còn có như xưa!

ĐI TRONG SẮC TÍM BẰNG LĂNG

Không chờ mưa bay khi sắc xuân vừa chớm. Chẳng đợi tiếng ve se sắt gọi chào. Cũng không ngóng mùa thu khi lá vàng để sánh cùng màu nắng hay chút se se của giá lạnh đầu đông. Có một loại hoa cứ nở tím bốn mùa. Mặc nắng hay mưa, mặc gió mùa hay sương sa, mặc phồn hoa và cám dỗ, hoa cứ nở, nở tím trong nỗi nhớ và niềm tin. Những cánh bằng lăng vẫn nở tím bên trời.

Đi trong sắc tím của hoa ta gặp lại biết bao niềm thương nhớ. Gặp nét chữ tim tím thuở cắp sách đến trường còn thơm mùi mực trên trang vở học trò, nơi bàn tay cô dạy cho từng nét chữ, những nét chữ nét người bước chập chững vào đời. Gặp lại một thời xôn xao trong giấc ngủ, bởi một tà áo tím vô tình còn vương lại trong chiều. Gặp lại một thời chờ đợi của tình yêu, ngập ngừng trao nhau cánh hoa vừa hái. Cánh hoa mỏng manh tim tím nói thay lời, giữ lại niềm tin, giữ lại lời nguyện thề vụng dại, lời hẹn hò mỗi khi bước chân xa. Cánh hoa thành sức mạnh nâng ta đi trong dài rộng đường đời, như bàn tay ấp ủ thương yêu chia sẻ cùng ta khi gian nan vất vả. Cánh hoa nhỏ bé, mong manh cho ta được làm người trước những phồn hoa và cạm bẫy.

Hoa đấy, sắc bằng lăng cứ tím. Tím suốt một đời, tím suốt một thời, màu của ngôn ngữ bao lứa đôi muốn gửi trao, màu của tình yêu, màu của lòng chung thuỷ. Đi trong sắc tím bằng lăng, đi trong niềm tin yêu người gửi trao để cho ta nhận ra chân giá trị cuộc đời. Ta đi giữa xôn xao sắc nắng, đi giữa nhân gian mà vẫn nhận ra mình. Lòng chung trinh lời của hoa muốn gửi.

Vào những ngày bằng lăng nở rộ, đứng từ xa nhìn lại, cả cây bằng lăng như một mâm xôi đậu đen có màu tim tím. Rồi, cứ từng bước, từng bước chân lại gần, hãy bước chân thật chậm, thật chậm, ta sẽ nhận ra từng chùm rồi từng bông bằng lăng nở rõ dần, hé dần bắt đầu là những cánh hoa rồi mới đến cả chùm hoa. Gần hơn chút nữa, ta sẽ nhận ra trong cả chùm hoa màu tim tím ấy là những bông hoa đan vào nhau, dựa vào nhau, tựa vào nhau mà không lẫn, mà không chung, vẫn rành rẽ sắc màu của từng cánh, từng bông trong cả một chùm ken đặc một màu tim tím.

Không như những sắc màu của các loại hoa khác. Hoa bằng lăng khi nở thường nở rộ, gần như đồng thời cùng một lúc, cùng một ngày, thậm chí ta có cảm giác cùng một giây, cả chùm hoa bằng lăng gọi nhau khoe sắc tím. Nếu có ai đó, để thời gian sống cùng hoa, chia sẻ cùng hoa, chúng ta sẽ nhận ra, trong cả chùm hoa có chung một màu tim tím ấy cũng có bông nở sớm, có bông nở muộn. Chính sự đùm bọc, chính sự nương tựa vào nhau của cả chùm hoa mà dù nở trước hay nở sau, những bông bằng lăng vẫn có chung tiếng nói của sắc màu. Tất cả sắc hoa đều nói chung một ngôn ngữ của hoa với người. Bông nở sớm khoe với người sắc màu của hoa và cho cả những bông nở sau. Bông nở sau lại khoe sắc màu, mách với người về sắc màu của những bông đã nở, đã lụi tàn. Hoa nói cho nhau, nói hộ nhau về tương lai và về cả quá khứ. Mỗi bông không chỉ tự khoe sắc cho riêng mình mà còn cho cả loài hoa của mình.

Trong cả sắc hoa mang màu của nỗi nhớ, niềm thương và lòng tin yêu trao gửi, có những chùm hoa bằng lăng, cả chùm, từng bông khi nở luôn hướng lên trời cao. Những cánh hoa như nói cùng người về miền trông đợi, về nơi hò hẹn, về những kỷ niệm thương yêu. Chúng như niềm kiêu hãnh, muốn dâng hiến, muốn thể hiện, sẵn sàng chấp nhận và đương đầu với bão gió mưa sa, dám khẳng định bản thân dù có phải vất vả, lam lũ hay bần hàn. Những cánh hoa trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm. Cánh hoa trong các chùm hoa này thường có màu tím sáng.

Cũng có chùm hoa, không theo chúng bạn, chúng trổ hoa nằm ngang với mặt đất. Những chùm hoa này không muốn bản thân mình như những nhóm đông, quyết không làm đám đông của loài, chúng muốn tự khẳng định mình, tự khẳng định bản ngã. Cánh hoa trong các chùm hoa này thường có sắc hoa không đều, cánh đậm, cánh nhạt. Những cánh hoa ấy đại diện cho tính độc lập, cho sự tự khẳng định vào chính mình mà không chịu làm đám đông, không chịu sự ảnh hưởng của loài.

Cũng có chùm hoa, ngay từ khi thoát ra từ đầu búp chúng đã nhằm hướng xuống đất mà nở. Đó là những chùm hoa luôn mang màu nhợt nhạt. Chúng sợ nắng, sợ gió, sợ những vất vả phải nếm trải. Chúng không dám đương đầu với gió mưa như đồng loại. Chúng lấy an phận làm trọng, lấy yên ổn làm trọng. Mọi trái ngang chúng lầm lũi im lặng. Chúng chấp nhận sự mờ nhạt ngay cả trong đám đông, ngay cả với bản thân mình.

Trong cả một sắc hoa tim tím đa sắc về tính cách ấy, ta cũng bắt gặp một vài chùm ẩn mình sau những cành lá biếc. Những cánh hoa cứ nép sát vào lá, vào cây mà trổ hoa. Chúng nhận một đời hoa khuất lấp sau sắc lá, màu cây. Những sắc hoa trong những chùm hoa này không còn màu tim tím của nhớ thương và chờ đợi. Màu tim tím ấy ẩn sâu vào cuống hoa để phía đường viền của cánh mang màu trăng trắng cùng những điểm đen đen, có những nốt châm chấm của vết rạn. Ta cũng sẽ lại bắt gặp ở đây, có những chùm hoa không bao giờ nở được. Những màu tím của chờ đợi đã hoá thân vào sắc màu của lá, của cây. Cả một đời phải nhờ sắc hoa của đồng loại mà khoe cùng nhân thế.

Đi giữa mùa hoa, đi giữa sắc màu tim tím của hoa, ta nhận ra, sắc hoa hay sắc người, sự bừng nở của hoa hay kiếp con người, phận người mà hoa muốn nói. Hoa đấy người đây có bao điều vời vợi mà trong từng giây, từng phút, từng ngày cứ thấp thoáng trong bước chân qua ta đã lãng quên, không biết. Trong sắc hoa tim tím biếc đã nói cho người về vạn kiếp nhân sinh.

Đi trong sắc tím bằng lăng ta nhận ra cuộc đời trong những cánh hoa. Cánh hoa của nhân gian, cánh hoa của trần thế cùng bung nở trong cõi con người.

Lửa Phượng

Như lời hẹn của những lứa đôi một thời yêu nhau mà không cập bến, cứ đúng tháng Năm, hoa phượng lại nở rực một góc trời. Màu đỏ, màu của máu, màu của lửa, màu của sức sống, màu của hẹn hò. Cứ đến tháng Năm, những lứa đôi yêu nhau lại lấy ngày hoa phượng thắp lửa trên cành cao mà về nơi xưa kỷ niệm, về với bao ngọt ngào của ngày cắp sách cùng những ký ức đi mãi kiếp con người. Nơi ấy, nơi thẳm sâu của tâm hồn, nơi thẳm sâu của ký ức, nơi thẳm sâu của tình yêu và cũng là nơi còn thơm mãi nụ hôn của thời cắp sách còn đọng trên môi. Bất chợt trên đường đời, khi ta chịu nỗi buồn, khi ta nhận niềm vui, khi ta gặp nỗi đau, khi ta còn hạnh phúc, ta lại đưa tay lên môi để tìm về nơi ghi dấu tình yêu, nơi ngọt ngào hạnh phúc. Ấy là khi ta muốn sẻ chia, ấy là khi ta muốn tìm về nơi điểm tựa của cuộc đời. Để từ đấy, ta vượt lên nỗi đau, ta nhân lên hạnh phúc cho tâm hồn ta sáng trong, cho ta biết nâng niu cái đã có, đang có và sẽ có sống với đời, với người, như ánh hoa kia cứ cháy mãi, cháy mãi suốt cả đời vẫn giữ nguyên màu lửa.

Nhìn hoa phượng nở giữa mùa, nhìn những chùm lửa đỏ cháy sáng trên cành cao, trong tiếng ve ngân khi du dương, khi réo rắt đến thắt gan thắt ruột lại nghe trong lồng ngực mình tiếng đập của con tim xao xuyến. Chút xao xuyến thẹn thùng, chút ngập ngừng của thuở mới yêu. Cái thuở giấu trong cặp, ủ trong trang sách cánh hoa đỏ thắm môi người. Nơi chín mọng khát khao và mong ước được nếm trái cấm, nơi có vị ngọt đời người, nơi chứa cả vị đắng của kiếp nhân sinh. Nơi ấy, nơi bắt đầu của trải nghiệm, nơi bắt đầu ta nhận ra thế nào là hạnh phúc.

Tháng Năm, khi bắt đầu tiếng ve ngân lên cũng là bắt đầu của những nụ hoa nhỏ xinh như cái cù gỗ găng, gỗ ổi nhú lên từ nách lá của bàn tay xoè ra hứng nắng, đón mưa, đỡ gió. Cái nụ hoa mang hình cái cù ấy cứ tích cóp từng tiếng ve giấu mình trong màu xanh lá biếc mà lớn lên. Trong cái nụ hoa ấy, những cánh hoa cũng tích dần, tích dần từ nắng, từ mưa, từ gió những âm thanh vi vút của đời để đưa sắc màu của lửa thấm dần vào mỗi cánh hoa.

Mỗi cánh hoa khi còn ấp nụ, mỏng như tờ giấy, trăng trắng như trang vở, cứ thế, chắt chiu từng chút, gom góp từng chút hương trời, hương đời, hương người cho cánh hoa ngày mỗi ngày thêm màu của lửa. Màu hồng của cánh hoa ẩn giấu bao niềm tâm sự.

Phải ngày nắng nhạt, màu lửa trong cánh hoa kia cũng nhạt. Đúng ngày thiếu mưa, màu lửa trên cánh hoa cũng không còn thắm. Gặp ngày ít gió, cánh hoa cũng không còn mỏng manh chấp chới để bay theo tiếng diều vi vút nhắn nhủ trên cao. Và như hiểu nỗi lòng con người, nỗi niềm chờ đợi, khi chứa trong nụ hoa, cánh hoa đã có nắng, có mưa, có gió, có tiếng vi vút sáo diều, có tiếng ve thăm thẳm. Khi ấy, nụ hoa mới bung ra, từng ngày, từng ngày, chậm chạp mà sâu lắng, rực rỡ mà thiết tha, nhẹ nhàng mà quyến rũ, đam mê mà chan chan nỗi nhớ, khát khao, chờ đợi. Đấy là khi hoa dâng hết cho đời những sắc màu như lửa của mình cho tình yêu, cho hạnh phúc. Đó cũng chính là lúc trong mỗi cánh hoa chứa vị ngọt của tình yêu, thấm chút đắng của cuộc đời và có cả chút mặn nồng của lời hò hẹn. Lời hẹn cháy thành lửa trong nụ hoa nhỏ bé giữa tiếng ve bỏng rát trưa hè. Khi đó, trong nhuỵ hoa sẽ có chút the the nơi đầu lưỡi. Ấy là hoa muốn nói với người những gì còn lẩn khuất phía sau của cuộc đời mà ta ngỡ đã mang trong mình màu lửa. Nơi ấy, nơi ta sẽ đến, nơi ta sẽ qua có cả đắng đót và cả ngọt cả bùi của phận làm người. Lời nhắn nhủ của cánh hoa gửi vào trong mỗi màu lửa cháy, bức thông điệp mà không một ai không qua.

Rồi cánh hoa như kiếp con người. Từng chùm, từng bông, từng cánh khi đã cháy hết mình, dâng hiến hết mình, sống tận cùng của nỗi khát khao sẽ nhẹ nhàng theo gió trở về với thăm thẳm trời xanh. Nơi ấy, hoa ủ vào lòng mình mọi kỷ niệm muộn phiền, mọi đớn đau, sầu tủi để giữ cho ký ức mãi còn cháy khôn nguôi. Cũng khi ấy, hoa nở ra ngàn vạn niềm vui cho một mùa hoa mới, cho bao lứa đôi, giấu trong trang vở lời hẹn hò e thẹn chưa nói thành lời. Và hoa lại cho những mối tình đã qua, cho những người đã qua, chờ một mùa hoa mới để tìm về lời hẹn. Hoa dâng cho đời, dâng cho người những ngọn lửa của niềm đam mê và đắm đuối, những khát khao được sống lại trong vạn sắc hoa, cứ rừng rực đi giữa mùa hè cháy bỏng. Như đời hoa, bật lên từ tiếng ve, đỏ như lời yêu thương nồng cháy, cháy đến hết mình để lại trở về trong thăm thẳm lời yêu.

Đi giữa mùa hoa, đi giữa bao kỷ niệm, nỗi nhớ bỗng bật lên thức dậy gọi tên người. Mùa hoa phượng đã thắp lửa trên cành, còn người, nỗi nhớ còn có cháy? Mùa hoa này ta vẫn gọi tên nhau. Người có nghe không, tiếng ve đang thổn thức cùng hoa thắp lửa chiều hè.

Người ơi! Người có trở về nơi xưa hò hẹn. Nơi nỗi nhớ cháy thành lửa gửi trong mỗi cánh hoa cứ cháy mãi khôn nguôi. Nơi cánh hoa mang phận kiếp con người.

TẾT CHỢ QUÊ MỘT THUỞ

Thế là vừa đúng 30 năm tôi mới có dịp trở lại quê ăn tết. Tôi đã đi nhiều nơi, cũng đã trải qua nhiều cái tết ở các vùng quê khác nhau. Mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng dù ở đâu, dù bất cứ nơi nào hình ảnh chợ quê nằm bên gốc cây bàng già mốc meo, sù sì ở cái làng Nang quê tôi, nơi chôn nhau cắt rốn ở vùng đồng đất Thái Bình cứ hằn trong nỗi nhớ, là sự ám ảnh mỗi độ tết đến xuân về.

Ngày đó, vào khoảng những năm sáu mươi, bẩy mươi của thế kỷ 20, khi mà mọi chế độ tiêu chuẩn đều nằm trên tờ giấy với cuốn sổ quy định từ lạng muối, cân đường, hộp sữa đến lạng thịt, lạng mỡ lợn, vài ba lạng đỗ xanh, dăm ba bó lá dong để gói tấm bánh chưng, bánh dầy cũng được ghi chép chi tiết đến từng đầu người, đầu hộ. Cứ vào những ngày giáp tết, người người tay cầm cuốn sổ bìa xanh quăn góc, trên mỗi trang giấy còn vương mùi nước mắm, mùi dầu hỏa xếp hàng chờ đến lượt. Nằm ngay cạnh cửa hàng hợp tác xã mua bán là cái chợ quê ẩn mình dưới gốc cây bàng có tới cả chục tán xòe rộng che kín cả khu đất giữa làng với mỗi chiều dài rộng vài ba chục bước chân. Cái mảnh đất bằng phẳng ấy là cái chợ quê của làng tôi.

Khác hẳn với các phiên chợ khác. Vào ngày giáp tết, trên mảnh đất nhỏ làng để dành làm chợ người ta quy ra các khu bán hàng hóa khác nhau. Chỗ bán rau, nơi bán thịt, khu bán hoa quả, chỗ bán đồ thờ, giấy tiền, hàng mã, đồ trang trí ngày tết. Hàng quà của chợ chủ yếu là sản phẩm từ vườn, từ ruộng, từ ao, từ chuồng của các gia đình làm lụng, trồng cấy, chăn nuôi còn dư thừa hay bớt ra nhân ngày tết đem bán để có tiền sắm lễ, dành dụm làm quà mừng tuổi cháu con.

Đông nhất trong chợ người qua kẻ lại có lẽ là mấy nơi bán lá dong rừng, bán hoa quả cam, quýt và bán đồ lễ. Chỗ bán lá dong rừng, cái thứ lá dài, cứng, dày, giòn có màu xanh thẫm. Lá dong rừng không to và mềm như lá dong nhà. Bề mặt của lá chỉ rộng không quá gang tay mà những nhà trong vườn không có được dải lá dong quê mua về để gói bánh chưng, bánh giò, bánh dầy. Kế bên hàng bán lá dong là vài ba bà trong làng làm hàng xáo. Không như các chợ phiên khác, vào ngày tết, các bà thường chỉ bán duy nhất gạo nếp. Những thúng gạo nếp vun đầy có ngọn, hạt trắng, mây mẩy, ong óng người làng mua về đồ xôi, gói bánh. Bám xung quanh cái gốc bàng có hàng phiến đá đã nhẵn thín những dấu người ngồi là vài ba bà mang dăm ba ống đỗ xanh trồng trong vườn nhà, cùng dăm ba mẹt bán kim chỉ của mấy bà buôn hàng xén, tạp hóa và dăm ba người ngồi sau chiếc thúng có vài ba trái bưởi, quả phật thủ hay đôi ba nải chuối vừa lấy từ trong bồ ủ ra còn phảng phất thơm mùi hương rấm.

Ồn ào và ầm ĩ nhất có lẽ là mấy hàng bán thịt lợn. Trên cái tấm phản đóng ghép từ hai ba tấm gỗ xoan, gỗ nhãn kê lưng lửng thắt lưng người là những tảng thịt lợn còn âm ấm nóng. Miếng thịt hồng, tươi, chắc vưng vức được xẻ ra theo yêu cầu của mỗi người mua. Có lẽ lợn nuôi chuồng nhà mới giết mổ nên miếng thịt trông không thâm đen và nhão như thịt của cửa hàng hợp tác xã bán. Tiếng hỏi giá nhỏ nhẹ của người mua, câu trả lời chao chát, gắt gỏng của mấy bà hàng thịt, tiếng dao gại vào thanh đá loẹt xoẹt, tiếng nhắc trả tiền thừa, tiếng chặt xương côm cốp rổn rảng. Thường mỗi nhà chỉ đủ tiền mua dăm ba lạng về để làm nhân gói bánh chưng cho kịp ngày ba mươi thắp lên bàn thờ tổ tiên cho đủ lễ. Mặc dù thịt lợn nuôi chuồng nhà nhưng do người mua chỉ dăm ba lạng nên miếng thịt cắt dài trông như giải vải.

Âm thầm và có lẽ sạch sẽ nhất là chỗ bán câu đối tết. Phía trên chiếc chiếu trải nằm ếp xuống mặt đất là những tấm giấy điệp màu hồng mấy cụ đồ nho già tay vê vê xoăn đầu bút lông. Khi nghiêng người, lúc cúi rạp, các cụ đồ nắn nót viết từng nét, từng chữ theo lời người đặt. Mỗi khi viết xong, các cụ gác ngọn bút lên mép chiếc nghiên, ngả người về sau, vươn tay, bẻ đốt giải mỏi. Ở khu này, tuyệt nhiên không có lời rao giá trả giá. Tùy vào số lượng chữ ít hay nhiều của người xin, tùy vào người viết là ai, đợi khi chữ viết khô, người viết cuộn tròn tấm giấy lại mà người mua cứ lặng lẽ bỏ vào trong chiếc bị cói khi dăm ba hào bạc lẻ, hoặc nhiều vài ba đồng trả công người viết.

Nơi thơm nhất, tịnh nhất là chỗ mấy cụ nhà chùa bán hương và bán giấy tiền vàng. Mùi hương thơm dìu dịu từ những sợi khói hương trầm phơ phất bay lên. Câu chào mua hàng cũng nhẹ, lời trả giá cũng mềm. Bàn tay gói hàng trả khách nhẹ nhàng gửi theo câu tụng nhẹ. Trên gương mặt người bán, trong ánh mắt người mua chan chan một miền hoài vọng.

Đông, xôm và vui nhất là khu bán pháo tết. Cứ mỗi chỗ người bán pháo tết thường có lũ trẻ quây vòng trong vòng ngoài. Để thu hút người mua và cũng làm mồi cho lũ trẻ bắt bố mẹ mua pháo tết, thỉnh thoảng người bán lại gỡ đôi ba quả từ dây pháo dở châm đầu que diêm ném xuống cạnh chân hoặc tung lên cao. Tiếng pháo nổ lẹt đẹt, đì đùng như kéo mùa xuân về sớm, cho lũ trẻ háo hức chờ giao thừa mà quên đi chuyện sắm áo mua quần diện tết. Thi thoảng, mấy hàng bán pháo lại hào phóng châm lửa cho quả pháo thăng thiên loẹt xoẹt bay vút lên trời, để lại phía sau cái màn khói trắng ngoằn ngoèo kéo theo bao con mắt mơ ước.

Còn một nơi trong chợ mà thường mỗi khi mua hàng xong các bà các mẹ lại ghé qua là chỗ bán ngô rang để mua làm quà cho lũ trẻ mỗi khi chợ về. Những thúng ngô rang nở bung trắng trắng còn lấp lánh ánh vàng vàng của vẩy ngô bám lại. Người nhiều mua cả ống, người ít nửa cóng, thậm chí chỉ một phần ba cái cóng bò làm từ vỏ hộp sữa ông thọ. Tiền mua quà chợ là vài đồng năm xu còn lại khi đã mua sắm còn dư. Tiếng đồng xu người bán thả vào trong chiếc cóng bơ loong coong, loong coong.

Có lẽ, nơi bán nhanh tan và ít người đến nhất là chỗ bán gà, vịt, ngan. Người làng bao giờ đến gần tết cũng thường chuẩn bị từ vài ba tháng đã cho xuống ổ một hai đàn gà con. Những gia đình đi mua chẳng qua là do giáp tết, trời lạnh, có giá, đàn gà gặp sương muối bị cúm, không còn gà cúng nên phải đi mua. Người quê tôi gà cúng khi giáp canh, lúc giao thừa nhất quyết phải là gà nhà nuôi. Các cụ cao niên thường cho rằng, con vật cúng thần linh, gia tiên vào giờ khắc đầu tiên của năm thì phải của nhà trồng cấy chăn nuôi. Còn nếu đồ mua ngoài chợ của nhà khác có cúng cũng không thiêng vì là vật của người. Vì thế, nếu gia đình nào chẳng may phải đi mua thì thường phải mua về nhà trước ba bốn hôm để cho con vật được ăn cơm, ăn gạo nhà mình, lấy vía trước khi làm lễ.

Gần trưa chợ vãn rồi tan. Trên tay, trong chiếc thúng cắp nách tong tả theo người ra về là những câu thăm hỏi giá bán giá mua với những hàng quà sắm sanh ngày tết cùng gương mặt người ủ nét xuân cười. Tay bám gấu áo mẹ, le te chạy theo, lũ trẻ trên tay cầm con tò he sắc mầu mùa xuân đã hội.

Tôi lắng nghe trong gió, trong dìu dịu hương trầm tiếng người xưa vọng lại. Tôi nhận ra, cái dư âm chợ quê theo mẹ đi chợ sắm tết ngày nào đã làm nên ký ức khôn nguôi trong tôi mỗi độ xuân về. Cái góc chợ quê nhỏ nhoi bên gốc cây bàng già với những hương vị vườn tược làng quê đã cùng người làm nên những mùa xuân của một thời gian khó.

30 năm trở lại, chợ quê nay đã xa rồi. Tết đến, người làng rủ nhau lên siêu thị mua hàng, sắm lễ. Chợ quê đìu hiu khuất lấp sau những dãy nhà cao tầng mới dựng. Cây bàng già xưa ai đã hạ. Những phiến đá bao quanh gốc nhẵn dấu người ngồi nay cũng không còn. Nơi xưa, chỗ mấy cụ đồ nho cho chữ chỉ còn bóng người phơ phất trong tâm trí. Tháng tháng, năm năm biết chợ quê có còn trong nỗi nhớ những người trẻ bây giờ, trong những người bán quê lên phố thị.

Chợ quê hời, chợ quê hỡi, chợ quê ơi!

LỘC VỪNG HOA ĐỎ

Cứ vào mùa mưa, cây hoa lộc vừng lại trổ hoa, rủ sủ xuê xuống tận gốc. Mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua, cả chùm hoa lại đung đưa làm duyên. Những chùm hoa như chuỗi hạt cườm cườm mầu hồng ngọc, lấp lánh sáng. Trên cuống hoa, những bông hoa nhỏ hơn cúc áo, mầu hồng hồng buông xuống trông như ánh sao đổi ngôi, kéo một vệt dài trên bầu trời vào mỗi đêm trăng thanh gió mát, thuở ấu thơ hay trốn nhà theo chúng bạn ra nằm ngoài đê nghe tiếng sáo diều vi vu trong hương lúa của thì con gái. Mặc dù chỉ có chút đất trong chậu nhưng có lẽ loài hoa ưa nước này đã biết chắt chiu từng mi li gam chất dinh dưỡng từ đất, từ nước, từ nắng có được để nuôi cây, ra lá và nuôi hoa.

Khi chiếc lá đã mang mầu xanh thẫm, màu của lá không còn thời non tơ, mơn mởn thì từ chính những đầu búp ấy, nụ hoa bật ra. Những ngày đầu tiên, nụ hoa chỉ nhỏ như đầu que tăm. Chỉ có khác, nụ hoa lúc này không có điểm mầu nâu nâu của cánh lá thuở tách ra từ kẽ búp có những sợi lông tơ rất nhỏ. Những nụ hoa ấy, chúng cứ xanh cái mầu xanh của cây. Dường như trên đầu búp, chúng vẫn còn lưu luyến một thời cây chắt chiu từng chút nhỏ dinh dưỡng để làm nên mầu xanh. Mầu xanh của sự thanh bình và luyến ái.

Rồi ngày thứ hai, thứ ba và một tuần. Khi cái nụ hoa bật ra từ đầu búp ấy cứ kéo dài, kéo dài đến sáu mươi, bẩy mươi phân. Trên cuống hoa, những nụ hoa nhỏ như hạt vừng cứ ôm sát vào nhau, dựa vào nhau tạo thành một khối trông như bông lúa lúc tách đòng. Cứ thế, chúng ôm nhau qua mưa, qua gió, qua sương sa và nắng gắt. Chỉ khi nào, những nụ hoa nhỏ như hạt vừng to lên bằng hạt gạo rồi to bằng những hạt rũ rĩ ngày bé hay lấy về, dùng chỉ xâu thành từng chuỗi hạt làm vòng đeo cổ. Đó chính là lúc nụ hoa đã đủ sức tách ra thành một nụ riêng. Đây cũng là lúc mỗi nụ hoa tự vươn ra khỏi cộng đồng rứt từ ruột của cây để làm nên sắc hoa cho riêng mình.

Sức lớn của nụ hoa trên cuống hoa khi ra đứng một mình lớn lên rất nhanh. Lớn lên trong từng giây. Có khi chỉ một chớp mắt, cái nụ lúc trước còn bọc kín trong mầu xanh của lớp vỏ thì bây giờ đã he hé sắc hồng, đỏ tươi như son, trông như sắc diện trên đôi môi của cô thiếu nữ bước sang tuổi cập kê. Khi nào, cái nụ hoa đó đủ sức nâng ngang với cuống hoa. Lúc đó, đứng thật im, lắng tai thật sâu, nghe thoảng trong gió nhẹ tiếng tí tách, tí tách rất nhỏ, rất nhỏ từ đầu nụ hoa. Ấy là khi lớp vỏ bao bọc mầu son của nụ hoa nứt ra, báo hiệu thời khắc của nụ hoa bắt đầu nở ra rực rỡ. Đây cũng chính là thời điểm sắc hoa đẹp nhất, lôi cuốn nhất và đầy sức sống nhất. Hoa đang vào tuổi xuân thì phơi phới.

Trên một cuống hoa lộc vừng có rất nhiều nụ. Nếu gọi một nhánh hoa lộc vừng là một bông hoa thì trên bông hoa ấy có rất nhiều nụ. Mỗi nụ lại là một bông hoa hoàn chỉnh. Bông hoa lộc vừng đỏ tươi, rực rỡ từ cánh cho đến nhụy. Cánh hoa lộc vừng không giống như các cánh hoa khác. Cánh hoa lộc vừng nhỏ như sợi chỉ đỏ, trên đầu mang một chấm trăng trắng. Những sợi chỉ đỏ tươi như son ấy bao bọc lấy một nhụy hoa cũng nhỏ như sợi chỉ. Thường một bông hoa to bằng hạt cườm cườm như thế có hơn hai chục cánh hoa nhỏ tạo thành vòng tròn ôm lấy nhụy hoa cũng nhỏ như sợi tóc điểm sương. Khi ấy, bông hoa lộc vừng không khác gì chùm pháo hoa nở đỏ trên bầu trời trong những đêm lễ hội. Đây cũng là lúc các bông hoa đua sắc cùng nhau để làm nên màu son mà ai đã một lần chứng kiến còn nhớ mãi về một sắc hoa trong đời. Hoa lộc vừng lúc này như người con gái vào thời khai hoa, viên mãn.

Mặc dù phải chắt chiu từng mi li gam chất dinh dưỡng cả năm để cho hoa có được một lần bung nở, một lần dâng hiến tất cả sự đẹp đẽ và sức lôi cuốn của mình cho đời, hoa lộc vừng chỉ nở vài ba giờ thì những cánh hoa đã rụng. Cả một chùm cánh hoa nhỏ như sợi chỉ cùng một lúc rời xa. Những cánh hoa rụng, có bông theo gió bay đi rắc ra xung quanh một mầu đo đỏ của nỗi niềm thương nhớ, gợi về một thời vàng son, khoe sắc. Có đôi ba bông, dường như còn lưu luyến cứ dùng dằng cùng cây chưa muốn rời xa, không chấp nhận quy luật của đời sinh bệnh lão tử để làm cuộc biệt ly. Cũng có bông, không chịu theo gió, rơi xuống ngay dưới gốc cây, cánh hoa hướng lên trời cao, lên vòm lá xanh như để trò chuyện với những lời tri âm và đón đợi những cánh hoa sau lại về cùng một nơi, chờ hội tụ cho lần ra sau, cho mùa hoa sau đỏ hơn, dầy hơn và thắm hơn.

Và cứ thế, năm này qua năm khác, mùa này qua mùa khác, cây lộc vừng cứ chắt chiu từng mi li gam chất dinh dưỡng có được từ chút đất trong chậu, từ chút nước, từ chút nắng, gió và sương sa để đến mùa cây lại trổ hoa. Những bông hoa cũng nở rất nhanh rồi tàn, rồi rơi để chờ đợi cho mùa nở mới. Và ta lại thắc thỏm chờ đợi ngày trên đầu búp bật ra nụ hoa mầu xanh xanh của lá, của cây vào một mùa hoa mới.

Đời hoa dẫu ngắn, nhưng ai đó đã một lần được cùng hoa đi suốt chặng đường khoe sắc. Trong trái tim sẽ còn lưu mãi nỗi nhớ thổn thức về một loài hoa chắt chiu góp gom nên sắc mầu tươi đỏ như son cho mình và dâng lộc cho đời vạn hỉ.

RAU KHOAI

Mỗi bữa ăn của tháng năm tuổi thơ tôi là những năm tháng gắn liền với củ khoai, củ sắn. Vào những ngày giáp hạt, tháng ba, ngày tám, khoai sắn cũng không còn, ngọn rau khoai luộc ăn trừ bữa. Phải năm hạn hán, ngọn rau khoai cũng gầy nhẳng xác xơ, dai ngoanh ngách. Luộc lên ăn còn chát sin sít vì nhựa.

Có một năm trời làm đói kém, ngọn rau khoai cũng chẳng có để ăn. Nhà đông anh em, ngọn khoai cũng chia mỗi người được một lưng lưng đã hết. Thương tôi đói vẫn cố học. Bác hàng xóm mỗi khi thấy tôi đi qua gọi vào cho thêm lưng lưng bát rau khoai luộc nữa.

Đất đồng bằng Bắc bộ thường chia ra làm hai vụ lúa và hai vụ màu. Lúa có vụ mùa, vụ chiêm. Khí hậu thời tiết khu vực đã định hình đồng đất thành câu chiêm khê mùa thối. Hai vụ màu thường là tận dụng chân mạ khi đã xong vụ cấy, chờ cây lúa sinh nở người dân đem đánh luống trồng khoai. Ấy là vốn lo xa nhỡ khi thất bát.

Rau khoai có hai vụ. Vụ hè thu và vụ đông xuân. Vụ hè thu, khi dây khoai đem lấp xuống luống, được lúc nắng nhẹ mưa vừa, dây khoai tốt xanh leo lẻo. Ngọn dây khoai lúc này mập mạp vâm váp như cái đũa con, bò ngêu ngao khắp mặt ruộng. Những cái ngọn trăng trắng còn bám phấn, phía trên nhú vài ba cái búp trông không khác gì cái tai con chuột nhắt thập thụt góc nhà hay cái tai nấm vừa nhú bám trên thân cây sắn dựng sát bờ rào.

Gặp những ngày có mưa, sau hai ba hôm ra thăm ruộng khoai, trải dọc phía trên các mặt luống là từng chùm, từng chùm ngọn khoai đua nhau vươn lên ngoe nguẩy, vẫy vẫy gió. Lấy tay bấm ngọn từ cái nách lá bắt đầu hoe hoe vàng đem về luộc hay xào. Nếu là món luộc thì thêm bát nước mắm pha với dăm nhánh tỏi đập dập hoà vào. Gắp ngọn rau, thả nhẹ vào bát nước chấm, đưa lên miệng. Nhẩn nha nhai. Ngọn rau khoai mới bùi, giòn, pha lẫn chút hăng hăng nhằng nhặng của đồng đất.

Nếu cầu rình hơn, làm món xào. Cũng đem rau khoai luộc lên để cho hết cái vị chan chát của nhựa. Xong, lấy cái chảo, tra ít mỡ lợn, đợi cho mỡ sôi, nhón từng ngọn mà bỏ vào. Nghe tiếng mỡ reo quấn lấy ngọn rau lèo xèo, ngửi cái mùi mỡ thơm bốc lên thích đến từng cánh mũi. Bao giờ ngọn rau đã cuốn với mỡ, tai tái, tra dăm ba nhánh tỏi đập nhỏ. Lúc này không chỉ có mùi thơm của mỡ, của ngọn khoai mà còn thêm mùi thơm của tỏi. Ngọn khoai xào săn, ngọt, bùi và có mùi thơm thơm đến ứa nước bọt.

Ấy là cách làm của mấy nhà khá giả. Còn nhà tôi. Bứt ngọn rau về, ném vào rổ, tha ra ao, quẫy rửa cho sạch rồi cuộn lại, tống tất vào nồi mà luộc. Khi rau chín, nghiêng cái xoong, đổ chụp vào cái rá. Rạch mớ rau luộc cho cạn nước. Đến bữa ăn, mỗi người được phần lưng lưng cái món rau luộc đấy.

Con đường làng lầy lội cùng những bát rau khoai đã cùng tôi sớm sớm chiều chiều tha từng con chữ học làm người. Có nhiều ngày đói quá, ăn nhiều ngọn rau mà ngồi trong lớp, nghe cô giáo giảng bài bụng sôi, réo ùng ục. Xin phép cô ra ngoài nhiều quá làm cô giận nghĩ tôi không thích nghe cô giảng. Tôi trở thành cậu học trò khó bảo. Mỗi khi nhà trường họp phụ huynh thường phải nói dối cô bố mẹ đi vắng. Lòng sợ rằng, nếu bố mẹ đi họp, nghe cô giáo phản ánh lại nghĩ thương con mà giữ ở nhà. Kiếp con nhà nghèo đeo đẳng đầy tủi khổ.

Năm tháng qua đi, thời gian không thể níu giữ đầy đọa mãi kiếp con người. Dẫu chỉ có ngọn khoai, ngọn sắn nhưng tôi vẫn cứ lớn lên. Cái sự lớn lên của lẽ tự nhiên, của quy luật vạn vật mà không cái gì có thể cưỡng nổi.Buông ghế học trò, được làm kiếp sinh viên. Mỗi khi nhà bếp nấu, xào hay luộc rau khoai, thậm chí chỉ ngửi thấy mùi ngọn rau khoai là đã nổi da gà, người nôn nao ậm ẹo muốn nôn. Bạn bè không biết, chỉ nghĩ rằng tôi bị dị ứng thức ăn. Còn tôi, tôi biết. Đây chính là di chứng của những ngày rau khoai, rau sắn phải ăn quá nhiều. Nhiều đến phát sợ.

Thời gian lãng đãng trôi. Tuy vẫn còn sợ nhưng lòng vẫn tạc lòng, nhờ có ngọn khoai, ngọn sắn mà tôi vẫn sống. Sinh ra được sống, liệu ở đời có gì hơn thế.Đi đây đi đó, được bạn bè mời mọc. Công việc phải tiếp xúc quan hệ, tiệc tùng. Các món ăn ở đời từ lạ đến quen, từ mới đến cũ, chi chi chằn chằn đều được nếm, được ăn. Tưởng quên món rau khoai ai dè, khi trước mặt cao lương mỹ vị lại nhớ món rau khoai một thời lam lũ.Cuộc sống ngày mỗi đủ đầy, các món rau đồng quê, các món ăn dân dã bỗng trở thành đặc sản. Bạn bè nói vui: Nhớ về cội nguồn. Ừ. Cội nguồn ta ở đâu mà ta đánh mất để bây giờ phải nhớ, phải về. Tủi lắm ngọn khoai, ngọn sắn. Tủi lắm những tháng năm ngọn sắn, ngọn khoai cho ta sống, cho ta lớn, cho ta được có bây giờ.

Thi thoảng nhớ quá, chọn sau ngày mưa, chạy xe qua chợ, mua mớ rau khoai về cặm cụi nhặt lấy ngọn, cọng rồi hì hụi xào tỏi. Lâu lâu không ăn lại nhớ đến xao lòng.Mấy bữa nay bạn bè rủ đi ăn tiệc, uống rượu nhiều bụng nóng.

Tối hai bố con ngồi, buột miệng.

- Lâu quá rồi bố không được ăn rau khoai xào. Thèm quá.

Thực lòng cũng sợ con lớn lên rồi quên món rau đồng quê, quên những tháng năm tủi cực của thế hệ cha, mẹ. Lớn lên ở nơi đô hội, khi mở mắt ra là đã thấy những thứ "một thời xa xỉ" nên con cái dễ hư. Phần cũng thèm ăn rau khoai, cái thèm của kẻ nhà quê ra thành phố ở. Cái gốc gác quê mùa nhiều người không dám nhắc.

Nghe tôi nói thế, con trai vội bảo

.- Bố để sáng mai con đạp xe về chợ quê mua cho.

Từ chỗ ở vào chợ quê cũng 5-6 km. Thương con nắng nôi, đường xá khó đi, nghe con nói vậy vội gạt đi.

- Thôi để mấy bữa nữa, mưa xong vài ba ngày đi mua cho non.

Sáng dắt xe đi làm, đinh ninh con không phải đi chợ xa mua cho mớ rau khoai vì cái thói giở chứng nhà quê.

Chiều đi làm về, nhìn thấy mớ rau khoai ngâm trong chậu nước cho tươi, cho vợi nhựa mà rưng rưng.

Mang rau ra nhặt. Thương con và buồn vì cái thói đời, buồn vì cái tình con người gửi trong nắm ngọn rau quê kiểng.Vài ba ngọn làm màu bên ngoài, bên trong là những lá già, sâu sia, màu vàng vàng, bủng beo, héo úa. Mớ rau chỉ đáng hai, ba nghìn nhưng nghĩ thương công con đạp xe đi mua đành cặm cụi ngồi nhặt lấy dăm ba đầu ngọn, những chiếc lá chưa già, úa, cố làm lấy bữa rau xào.

Nào dầu rán, tỏi, bột nêm hai bố con xì xụp xào mà đĩa rau khoai lá nhiều hơn cọng cứ bết vào nhau èo uột, nhen nhét, nhơn nhớt.

Ngồi vào mâm. Không biết con trai có hiểu không mà thỉnh thoảng lại hỏi.

- Rau khoai bố ăn có thấy ngon không?

Miếng cơm nghẹn lại. Nói không sợ con buồn. Nói thêm sợ con tủi. Nói kỹ sợ con nhìn đời khác.

- Ngon. Ngon lắm con ạ.

Con trai nhìn tôi gắp miếng lá rau khoai xào bỏ vào bát. Con cười.

Nhìn con cười mà lòng tôi buồn rười rượi. Con tôi đâu có biết. Phủ bên ngoài vài ba ngọn khoai dài còn bên trong chỉ là những lá mà có chăng để nấu rau lợn. Người bán rau đã bán dối cho con, đứa học trò thương bố, đạp xe vào chợ quê. Con những nghĩ nơi ấy như chuyện tôi vẫn kể về tình người một thuở. Nơi mà tôi đã lớn lên từ ngọn khoai, ngọn sắn cùng tình người ăm ắp yêu thương.

Thời gian vẫn thế. Kiếp người dâu bể nay đã khác rồi. Cái tình đắng đót làm sao. Rau khoai cũng vẫn gọi rau khoai nhưng đã khác xưa rồi. Giật mình thảng thốt.

- Rau khoai ơi! Rau khoai ơi! Ngày 17 tháng 9 năm 2009.