Black Swan (2011)

'Thiên nga đen' giành 4 giải Spirit Award 2011, Phim truyện hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Natalie Portman), Đạo diễn xuất sắc (Darren Aronofsky) và Quay phim đẹp nhất. Tại Oscar 2011, Thiên nga đen được đề cử 5 giải và đã đem về một tượng vàng danh giá cho Natalie Portman ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Trong cuộc đời của bất kỳ nữ vũ công ballet nào, ai cũng từng mơ ước được hóa thân thành "Nữ chúa thiên nga" trong vở nhạc kịch kinh điển Hồ thiên nga. Câu chuyện của Swan Lake kể về một nàng công chúa bị phù phép thành một con thiên nga trắng. Chỉ có tình yêu thực sự của chàng hoàng tử mới giúp cô phá bỏ được lời nguyền ác độc. Nhưng thiên nga đen, em sinh đôi của thiên nga trắng, đồng thời là hiện thân của cái ác, xuất hiện và quyến rũ hoàng tử. Đau khổ và tuyệt vọng, thiên nga trắng đã tự tử. Chúng ta vẫn thường nói cái chết của con thiên nga là một cái chết đẹp, da diết, bi tráng nhưng đầy đau đớn. Đạo diễn Darren Aronofsky đã dựa vào ý tưởng của câu chuyện nổi tiếng này để xây dựng bộ phim thứ năm của mình - Thiên nga đen (Black Swan). Đây cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của ông khai thác đề tài tâm lý học.

Nhân vật trung tâm trong Thiên nga đen là Nina (do Natalie Portman thủ vai), một nữ vũ công triển vọng, tài năng của New York, Mỹ. Mơ ước lớn nhất trong đời cô là được hóa thân thành Swan Queen trong vở nhạc kịch Hồ thiên nga. Cơ hội đến với Nina khi giám đốc nhà hát quyết định tìm một gương mặt mới cho vở ballet này. Tuy nhiên, cô gái được lựa chọn phải có khả năng thể hiện được cả hai hình ảnh với hai nhân cách đối lập - Thiên nga trắng mong manh, thánh thiện và Thiên nga đen cám dỗ, xảo quyệt. Nina là lựa chọn hoàn hảo cho Thiên nga trắng nhưng giám đốc nhà hát lại tỏ ra phân vân khi cô chưa lột tả được hình ảnh tăm tối của Thiên nga đen. Cùng lúc đó, Lily - một vũ công trẻ tới từ San Francisco và có lối sống đầy phóng túng, hoang dã - xuất hiện.

Tình bạn ban đầu giữa hai cô gái trẻ bắt đầu nhuốm màu sắc toan tính, tranh đấu. Một cuộc cạnh tranh ngầm bắt đầu diễn ra giữa Nina và Lily. Ở Nina có sự chuyên nghiệp, cẩn trọng và chính xác trong từng động tác, thêm vào đó là vẻ đẹp trong sáng, ngây thơ. Nhưng cô chưa có được sự trải nghiệm, sự nóng bỏng, phiêu linh như Lily. Nina cảm thấy bất an và bắt đầu gặp hàng loạt ảo giác kỳ lạ. Dường như Lily đang cố gắng đánh cắp vai diễn của cô, bất chấp mọi thủ đoạn. Những nỗi sợ hãi dần xâm chiếm tâm hồn Nina, tạo nên các mối xung đột dữ dội trong suy nghĩ của cô gái trẻ. Nina hoang mang và không còn nhận ra đối thủ thực sự của mình là ai. Từ đây, những bí mật trong cuộc đời cô được hé lộ.

Thiên nga đen được mở đầu bằng hình ảnh một cô gái trẻ đang thực hiện những động tác múa ballet đầy uyển chuyển trong một khung cảnh tăm tối, lạnh lẽo. Trong tiếng nhạc réo rắt như vang vọng lại từ một nơi xa, cô gái ấy thả hồn mình theo từng âm nốt. Đó chính là Nina và giấc mơ của cô. Tham gia trong đoàn kịch của nhà hát đã lâu, ước mơ của Nina cũng như bao vũ công khác là được một lần xỏ chân vào đôi giầy đẹp đẽ nhất của bộ môn ballet - vai diễn Swan Queen trong vở Hồ thiên nga. Cả bộ phim là cuộc hành trình hoàn thiện, trải nghiệm hình ảnh Thiên nga đen, nhưng vẫn giữ được bản chất Thiên nga trắng của Nina, từ nụ cười hạnh phúc khi nhận được vai diễn, những giọt nước mắt trong quá trình khổ luyện tới khi hai phẩm chất xung đột nhau.

Đạo diễn Darren Aronofsky đã tạo cho bộ phim một sắc màu u ám, tăm tối ngay từ những cảnh đầu tiên. Thuộc thể loại tâm lý, rùng rợn nên Thiên nga đen không thiếu đi những cảnh quay giật gân, gây sốc như vết xước rỉ máu trên ngón tay, nhân vật bất thình lình xuất hiện trước ống kính, những vết cào cấu trên cơ thể... Nhưng tất cả những cảnh quay này không hề thừa thãi hay câu khách rẻ tiền mà trái lại, chúng đều ẩn chứa một lý do, một ý nghĩa ẩn dụ riêng, đồng thời tạo được không khí tốt cho tác phẩm. Kịch bản của Thiên nga đen cũng tuân theo cấu trúc ba hồi kinh điển của Hollywood. Nhịp phim được đưa đẩy lên với cấp độ tăng dần, cuộc đấu tranh tâm lý bên trong con người Nina mỗi lúc một dữ dội và những nút thắt được mở ra ở cuối phim.

Khi theo dõi bộ phim, khán giả sẽ thấy rằng đạo diễn và các nhà biên kịch đã làm yếu đi tất cả các cốt truyện phụ, các tuyến nhân vật khác và chỉ tập trung khai thác chiều sâu tâm lý cũng như những trải nghiệm đầy đau đớn của Nina. Ban đầu, Nina là một cô gái thánh thiện, trong sáng, là nàng công chúa mong manh được lưu giữ trong chiếc lồng kính, không chút vẩn đục bởi cuộc sống xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, qua bao thay đổi, mặt tối trong tâm hồn của Nina đã dần bộc lộ và thâm nhập đi khắp con người cô. Chỉ như vậy thì Nina mới làm được Thiên nga đen, mới khiến vai diễn của mình trở nên hoàn hảo. Từng cử động cơ thể, từng ánh mắt, giọng nói cùng những khao khát, ham muốn của nhân vật đã được đào sâu tới tận cùng cảm xúc người xem.

Nina là vai diễn được "đo ni đóng giầy" cho Natalie Portman. Từ 10 năm trước, đạo diễn Darren Aronofsky đã cho cô nghe ý tưởng về Thiên nga đen trong một buổi cafe tại New York, Mỹ. Quả thực, có lẽ sẽ chẳng ai có thể hoàn hảo hơn Natalie Portman cho vai diễn này, giống như Nina là lựa chọn không thể thay thế cho Nữ hoàng Thiên nga. Diễn xuất của Natalie là điểm sáng nhất của Thiên nga đen cho nên các nhân vật, tuyến chuyện khác dường như chỉ góp phần làm tôn lên nhân vật của cô. Trước khi phim bấm máy, Natalie đã dành một năm trời để nghiên cứu nhân vật và bỏ ra 8 tiếng mỗi ngày để tập bơi, tập múa ballet và hình thể. Trong quá trình quay cô cũng chỉ được ăn đúng hai món là cà rốt và quả hạnh. Chính vì vậy khi hóa thân thành Nina, Natalie gần như đã xóa đi ranh giới giữa diễn viên và nhân vật, giữa khán giả và tác phẩm. Chỉ còn lại đó sự thăng hoa của nghệ thuật.

Các diễn viên khác của Thiên nga đen cũng góp một phần không nhỏ tạo nên thành công cho bộ phim, đặc biệt là Mila Kunis - người thủ vai Lily, và Barbara Hershey, vai bà mẹ của Nina. Vẻ đẹp, hay chính xác hơn là tạo hình của Mila, hoàn toàn đối lập với Natalie. Mang vẻ hoang dã, buông lơi và đầy mê hoặc, nhân vật Lily là hình mẫu điển hình cho Thiên nga đen và là đối trọng với Nina. Các diễn có phần khiêu khích, hơi tưng tửng của Mila Kunis khiến Lily trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Barbara Hershey khiến người xem phải run rẩy khi hóa thân thành một bà mẹ khắc khổ, tận tụy nhưng bên trong luôn có sự gào thét mãnh liệt. Danh vọng bị dập tắt khi mang bầu, mẹ Nina dồn hết yêu thương, thịnh nộ, thất vọng hay những khát khao của cuộc đời bà vào cô con gái. Nhân vật này xuất hiện không nhiều nhưng bấy nhiêu đó vẫn đủ đem tới cho khán giả một cảm giác rờn rợn.

Bối cảnh của Thiên nga đen rất khiêm tốn, chủ yếu là trong địa phận khu Manhattan, New York. Với hai ý tưởng hình ảnh chủ đạo - cái nhìn bản năng về bộ môn ballet, với kiểu quay sơ bộ bằng camera cầm tay và cái nhìn kỳ dị, đáng sợ nhưng lột tả được mọi góc cạnh, đạo diễn Darren Aronofsky và nhà quay phim Matthew Libatique đã sử dụng gương khúc xạ và những chuyển động máy quay đặc biệt để góp phần xóa mờ ranh giới giữa thực và ảo trong phim. Máy quay cũng tựa như nhân vật chính, di chuyển mọi lúc, mọi nơi. Ở một số trường đoạn múa ballet, đạo diễn còn để nhân vật nhìn trực diện về phía ống kính máy quay. Chính vì vậy, đôi khi khán giả có cảm giác như mình đang ngồi trong một nhà hát, trực tiếp thưởng thức vở kịch Hồ thiên nga kinh điển với các diễn viên ở ngay trước mắt.

Những giai điệu mang đậm tính tự sự, trong đó có cả những nốt quen thuộc trong vở Hồ thiên nga của nhạc sĩ nổi tiếng Tchaikovsky được nhà soạn nhạc Clint Mansell biên tập lại và lồng ghép một cách phù hợp, chỉn chu trong từng khung hình, tạo cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Vẫn là tiếng nhạc cổ điển quen thuộc trong Hồ thiên nga, nhưng khi Nina cảm thấy tuyệt vọng, đi đến tận cùng sự đau khổ, âm nhạc cũng kéo khán giả chùng xuống. Khi nhân vật hoang mang, sợ hãi và có sự xung đột mạnh mẽ trong tâm hồn thì từng nốt nhạc trở nên dồn dập, phá cách, gây hoảng loạn, như thể chiếc gương phản chiếu hình ảnh tươi đẹp của người vũ công trẻ đang vỡ tan thành từng mảnh. Tiếng thở, tiếng đập cánh của thiên nga cũng tạo một cảm giác mơ hồ, hư hư - thực thực cho khán giả.

Thiên nga đen còn sử dụng rất nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ, đặc biệt nhất là chiếc gương. Người ta thường nói rằng những tấm gương thường phản ánh chân thực nhất vẻ bề ngoài, hay nói cách khác là bóc trần sự thật. Đối với một người vũ công ballet thì gương là một vật không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. "Trong thế giới của ballet, gương có ở khắp nơi. Các vũ công luôn phải quan sát chính mình, mối quan hệ giữa họ và cái tôi trong gương đóng vai trò rất lớn trong việc định nghĩa bản thân. Mọi nhà làm phim đều thích khai thác về gương, nhưng tôi muốn nâng nó lên một tầm cao mới", đạo diễn Darren Aronofsky cho biết.

Những tấm gương đóng vai trò không nhỏ trong cấu trúc hình ảnh của Thiên nga đen, đồng thời cũng phát triển song song với tâm lý của nhân vật Nina. Mỗi lần nhìn mình trong gương là bên trong con người Nina lại có một chấn động nhỏ. Hình tượng chiếc gương đồng thời cũng phản ánh hai mặt đối lập cùng tồn tại trong một con người - Thiện và Ác. Tâm lý con người là một thứ vô cùng phức tạp mà chẳng ai có thể nói trước được. Khát vọng luôn đồng hành cùng với tham vọng. Chẳng ai hoàn toàn là người tốt nhưng cũng không ai là kẻ xấu xa. Cái Thiện và cái Ác vẫn luôn tồn tại song song nhau - đó là quy luật bất biến của cuộc sống.

Hình ảnh kết thúc phim để lại một nỗi ám ảnh, day dứt bên trong suy nghĩ của mỗi người xem. Nina đã thành công hay thất bại? Cô ấy là người chiến thắng hay trở thành kẻ thua cuộc của chính bản thân mình? Vinh quang hay sự nhục nhã đã đến với Nina?... Đó là những câu hỏi chẳng bao giờ có lời giải đáp. Nhưng trên hết, Nina đã chạm tới cái ngưỡng của sự hoàn hảo. Có rất nhiều định nghĩa về sự hoàn hảo trong nghệ thuật. Đó có thể là cái xấu xa, cái đẹp đẽ, có thể là điều viển vông hay thực thế, cũng có thể là sự mù quáng tới mãnh liệt hay sự tỉnh táo tới mức khó tin. Tuy nhiên, khi một người nghệ sĩ vượt qua được tất cả những rào cản của chính bản thân để cống hiến hết mình, thậm chí là hy sinh vì tác phẩm, người đó đã nhìn thấy thứ ánh sáng huy hoàng nhất, dù nó chỉ lóe lên trong một khoảnh khắc rất ngắn rồi vụt tắt. Đó chính là sự hoàn hảo.

(Bài viết và hình ảnh từ internet)

"Perfection is not just about control. It's also about letting go. Surprise yourself so you can surprise the audience. Transcendence! Very few have it in them" - this movie is all about "lose yourself to find yourself"

1. Xin tạm dịch cái phần mở đầu ở trên, được trích từ câu thoại trong phim khi biên đạo múa Thomas Leroy nói với cô vũ nữ ballet Nina "Hoàn hảo không chỉ là sự kiểm soát. Đó còn là sự buông đi. Làm bất ngờ chính em để em có thể làm bất ngờ khán giả. Thăng hoa. Chỉ vài người có được tố chất ấy" - chủ đề của bộ phim này nằm gói gọn trong câu nói ấy - đánh mất bản thân để tìm thấy bản thân.

Black Swan (Ngỗng trời đen, hay nói theo tiếng Hán Việt, Hắc Thiên Nga) được mở đầu bằng một giấc mơ mô tả toàn bộ bộ phim " I had the craziest dream last night about a girl who has turned into a swan, but her prince falls for the wrong girl and she kills herself. " - "Tôi có một giấc mơ điên khùng nhất đêm qua về một cô gái biến thành thiên nga, nhưng chàng hoàng tử của nàng đã yêu nhầm cô gái khác và nàng đã tự giết mình"... Nina Sayers (Natalie Portman), nữ vũ công ballet trẻ với khát khao được vào vai chính trong vở Hồ thiên nga đến ám ảnh, phải gánh chịu áp lực từ người mẹ vốn từng là một vũ công ballet, từ người thầy đầy kinh nghiệm trong cả nghề nghiệp lẫn cuộc sống lẫn tình trường, và cả từ sự cạnh tranh khắc nghiệt với những đồng môn. Nina mong manh, dễ vỡ, trong trắng có thể dễ dàng hóa thân vào vai Thiên nga trắng, nhưng cô không có được sự tự do, nổi loạn, quyến rũ, mê hoặc của thiên nga đen. Để hóa thân vào thiên nga đen, Nina phải 'đánh mất chính mình', để rồi cô 'tìm thấy chính mình'. "Người duy nhất cản đường em, chính là bản thân em' - Thomas nói.

2. Khi đến thăm chị gái học múa ballet ở trường nghệ thuật biểu diễn ở New York từ nhiều năm trước, chàng trai trẻ Darren Aronofsky - đạo diễn của những bộ phim vô cùng ám ảnh như Pi, Requiem for a dream, The fountain và The Wrestler - đã bị chinh phục bởi thế giới của những vũ công ballet - “một thế giới hoàn toàn tách biệt của những con người không hề quan tâm gì đến điện ảnh” - Darren nói. Khi Darren thuê các biên kịch viết lại kịch bản The Understudy, ý tưởng làm một phim về thế giới múa ballet lóe lên trong đầu Darren. “Nó có một chút của All about Eve, một chút The tenant của Polanski, một chút của the Double của Dostoevsky. Tôi đọc cuốn the Double của Dostoyovesky, kể về một người đàn ông thức dậy và ai đó đã lấy mất cuộc đời anh ta. Tôi nghĩ nó khá rùng rợn - bản thân mình bị đánh cắp bởi chính mình - và tôi nghĩ nhiều người có thể liên hệ bản thân họ với câu chuyện đó. Khi tôi xem vở Hồ thiên nga, và tôi biết có một vũ công đóng cả hai vai Thiên nga trắng và Thiên nga đen, tôi chợt nghĩ - Tuyệt, ý tưởng này thật tuyệt vì cô ấy đóng hai vai khác nhau để giành tình yêu của chàng hoàng tử. Ý tưởng xuất phát từ đó”

Từng muốn khai thác đề tài múa ballet từ bộ phim The Wrestler, trong đó Darren dự định để nhân vật đấu sĩ của mình yêu một vũ công ballet để tăng sự tương phản giữa chất xù xì gai góc bạo liệt của một đấu võ tự do với nét uyển chuyển mong manh của một vũ công ballet, nhưng Darren đã sửa kịch bản The Wrestler lại. “Tôi nghĩ, thế giới của những người đấu võ tự do và những vũ công ballet rất quyến rũ và có nhiều điều để kể, khai thác cả hai là quá nhiều cho một bộ phim”. Nếu đấu quyền anh được xem là nghệ thuật hạ cấp nhất - có lẽ chẳng ai gọi đấu võ tự do là nghệ thuật - thì ballet được nhiều người xem là nghệ thuật cao cấp nhất. “Thế nhưng với tôi, những người biểu diễn của cả hai bộ môn này thật tương đồng - họ đều sử dụng cơ thể của họ để biểu cảm một cách tuyệt vời”

3. Cảnh mở đầu phim, với tài năng quay phim của Matthew Libatique (từng làm việc với Darren Aronofsky trong The Fountain và Requiem for a dream) đã thể hiện được tài năng của Natalie Portman khi chỉ bằng một cú máy dài ghi lại phần biểu diễn ballet tuyệt đẹp của Nina Sayers. Nhiều cú máy ấn tượng trong phim đã để lại những cảm xúc mạnh mẽ. Nhiều cú máy khác gần như 'ẩn mình' mà nếu không phải là một người trong nghề sẽ khó thấy hết sự phức tạp của những cú máy này (chẳng hạn, khi trong phòng tập ballet đầy những tấm gương phản chiếu). Matthew Libatique đã chọn tông màu đầy nữ tính cho bộ phim - trắng, hồng, xanh lá nhạt - để tôn thêm nét đẹp của những điệu vũ balê và cho câu chuyện. Mặc dù lối quay handheld rung bần bật đã không còn mới mẻ và sáng tạo, hay nói đúng hơn, bắt đầu khiến cho tui thấy phát mệt và phát bệnh, thì với Black Swan, handheld đem đến cho bộ phim một cảm giác thật và tương phản mạnh mẽ. Ánh sáng ít được trau chuốt tô điểm, phim được quay bằng máy 16mm phóng lớn khiến hình bị rạn nứt, tổng thể trông bộ phim có vẻ như 'xấu xí', nhưng nó tương phản mạnh mẽ với vẻ đẹp của ballet, mà vì lẽ đó, trở nên hấp dẫn và tôn vinh cái đẹp của ballet hơn cả. Hơn nữa, nó khiến cho người xem cảm thấy khó chịu, chóng mặt, mệt mỏi, như chính tâm trạng của Nina Sayers khi chịu đựng áp lực.

4. Natalie Portman đã có một vai diễn để đời. “Tôi học múa ballet từ bé cho đến năm 13 tuổi. Tôi luôn mơ ước được đóng một bộ phim về múa. Đó là loại hình nghệ thuật biểu diễn đầy cảm xúc nhất” - Natalie Portman nói. Cũng như Nina, Natalie Portman vốn từng là một nữ diễn viên trong sáng hồn nhiên với những vai diễn “sạch sẽ”, cho đến một ngày kia, cô quyết định... trưởng thành. Những vai diễn quyến rũ hơn đã giúp Natalie Portman thoát xác khỏi hình ảnh cô gái luôn e ấp từng một thời tuyên bố “không bao giờ khỏa thân trên màn ảnh”. Để vào vai một vũ công ballet, Natalie Portman đã phải luyện tập múa ballet trong suốt sáu tháng với vũ đoàn ballet New York cũng như tập bơi (bơi một dặm mỗi ngày) và rèn luyện cơ thể để có vóc dáng của một vũ công ballet thực thụ (tập đi trên ngón chân mỗi ngày 15 phút). “Cơ thể tôi bị shock bởi cường độ tập luyện căng thẳng. Cả người tôi đau nhừ suốt thời gian đầu. Trong khi đó, tôi cũng phải giữ mình, tránh bị thương bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến đoàn phim” - Natalie tâm sự.

“Những vũ công ballet chuyên nghiệp thường theo đuổi sự nghiệp từ năm họ 4, 5 tuổi. Cơ thể của họ vì thế được định hình rất đặc biệt. Thế nhưng Natalie Portman đã làm được điều đó. Ngoại trừ những cảnh toàn đỏi hỏi kỹ thuật biểu diễn vô cùng khó, tất cả những cảnh múa còn lại đều do Natalie thể hiện. Tôi hầu như không tìm người đóng thế cho cô ấy” - Darren chia sẻ. Natalie đã sụt 12 cân để vào vai Nina sau sáng tháng tập luyện. Không chi tập luyện về cơ thể và vũ đạo, Natalie phải học cả cách diễn xuất trong ballet. “Tôi phải học cách diễn đôi mắt của mình, đôi tay của mình, và cả chuyển động của những ngón tay để thể hiện sự khác biệt giữa Thiên nga Trắng và Thiên Nga đen” - Natalie nói.

5. Black Swan là một phim hay, nhưng là một phim không khiến tui xúc động. Tui hầu như ít chia sẻ và đồng cảm với cảm xúc của Nina. Ngay cả với cái kết 'có hậu', khi mà Nina thốt lên 'I was perfect' (Tôi thật hoàn hảo). Nhưng tui rất chia sẻ với một thông điệp của bộ phim - ""Perfection is not just about control. It's also about letting go. Surprise yourself so you can surprise the audience"... Đó là câu chuyện về tính kỹ thuật và ngẫu hứng trong nghệ thuật. Trình diễn bằng kỹ thuật có thể đạt đến đỉnh cao, nhưng để hoàn hảo còn đòi hỏi cả sự ngẫu hứng, mà chỉ trong một tích tắc, trong một thời điểm thăng hoa nhất định, người nghệ sỹ sẽ đạt đến. nghệ thuật luôn đòi hỏi cả kỹ thuật lẫn ngẫu hứng - kỹ thuật là thứ có thể học được, nhưng ngẫu hứng xuất phát từ bên trong, từ vốn sống, từ kinh nghiệm, từ cảm xúc mà không phải ai cũng có thể có được...

6. Black Swan đang chiếu tại Việt Nam từ 25.3.2011, do Megastar phát hành. Đáng xem ở rạp bởi quay phim đẹp và đặc biệt là âm thanh xuất sắc. Bạn sẽ không thể nghe thấy những tiếng động kỳ lạ, tiếng cười rúc rích, tiếng lông vũ xào xạc, tiếng tim đập, tiếng thở dồn đến rùng rợn trong phim nếu xem bản phim lậu ở nhà.

(Phanxine)