Bình Thuận

ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG...BÌNH THUẬN

Kim Oanh

Bảy giờ sáng, chúng tôi bắt đầu rời Phan Thiết. Đến Phú Long (Hàm Thuận Bắc) cậu lái xe đề nghị dừng lại để ăn bánh hỏi vì ai đi qua đây cũng đều làm thế. Bánh hỏi Phú Long được coi như một đặc sản của Bình Thuận và nó được duy trì từ nhiều năm nay. Bánh hỏi là một thứ sợi làm bằng bột gạo trắng, nhỏ khoảng bằng 1/3 sợi bún. Ăn kèm với rau thơm, lòng heo luộc và bánh tráng mỏng. Lòng heo ở đây rất ngon, vừa trắng tươi, vừa giòn, bao tử rất dày, lòng non tròn căng múp míp, dồi luộc rồi nướng sơ thơm phức..tất cả đều bốc khói cho đến khi mình gần ăn xong

Rau thơm cũng khác lạ vì không chỉ có húng lủi, húng quế, diếp cá, bèo...mà còn có rau cúc. Loại cúc hoa nhỏ rí vàng đậm. Lá không có vị mấy nhưng thơm dìu dịu. Nơi khác nghe nói ăn lá hoa cúc chắc mất hồn nhưng dân Bình Thuận ăn đều. Nước mắm luôn được bày ra hai loại là xì dầu dằm ớt hoặc nước mắm giã. Mắm gĩa không biết lý do gì khi nào cũng nóng hôi hổi, nhưng ăn hoài thì quen, ăn nước mắm nguội lại thấy không nên. Bánh tráng mới là thứ đáng nói. Chúng mỏng tang, mềm dịu, đều đặn, không có lợn cợn gạo, không có vành bánh cứng ngắc. Bánh tráng này đều được làm ra từ làng nghề bánh tráng Phú Long nên ngon là điều tất nhiên.

Ăn xong 3 người hết 60.000 đ cả bọn lại hướng phía Bắc mà tiến. Đi quá Phú Long là gặp những quán bên đường bán thanh long và mãng cầu ta. Thanh long Phan Thiết ngon thế nào thôi không cần nói vì nó chiếm đến 60% sản lượng thanh long toàn quốc. Nhưng mãng cầu ta (quả na) thì phải giới thiệu đôi nét. Ở vùng này phần lớn trồng mãng cầu dai. Trái không lớn lắm, cỡ trái cam giấy thôi nhưng mắt rất đều, khi chúng mở mắt ta sẽ thấy những trái tròn trịa màu xanh ngọc phớt trắng. Mãng cầu ta Hàm Thuận Bắc nổi tiếng vỏ mỏng, thịt nhiều, hạt bé, thơm và ngon. Bình thường người Việt hay cầm nguyên trái, bóc vỏ mà cắn, nhưng có lần tôi vào resort thấy người ta cắt từng lát bày ra dĩa, nhìn có vẻ qúy lắm. Mãng cầu ở đây giá rất mềm, khoảng 15.000đ đến 20.000đ, bằng một nửa thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều nhà trồng mãng cầu lửa khi chín đỏ rực nhìn rất đẹp, vị ngọt cũng thanh hơn nhưng nghe nói loại này nhiều rệp nên ít người theo nổi vài năm. Tiếc rằng mãng cầu vận chuyển khó vì rất dễ dập nát.

Quá vùng mãng cầu sẽ đến vùng dưa hấu của huyện Bắc Bình. Đang đi nắng nóng mà nhìn thấy bên đường những miếng dưa hấu đỏ rực như son chắc nhiều người ghé vào. Chúng tôi cũng không kìm chế nổi. Dưa hấu phải mua nguyên trái, khoảng 20.000đ. Kê dao vào là trái dưa kêu một tiếng tách rất khẽ, xẻ ra một màu đỏ rực, cắn một miếng thật đã khát. Ngày xưa người ta bán nhiều loại dưa, nay chỉ còn một loại là hắc mỹ nhân của Thái Lan. Trái hình bầu dục, có sọc, màu xanh sậm, vị ngọt hơn rất nhiều so với các loại dưa khác.

Nắng nóng còn hơn Bắc Bình nên Tuy Phong (huyện đầu tiên của Bình Thuận về phía Bắc) ít bày bán trái cây. Bên đường là những sạp bán san hô biển. Nhiều người vẫn bảo mua cây san hô, nhưng thực ra chúng là con. Mỗi năm san hô chỉ lớn lên được 1 cm, vì thế một cây bé tí bán 3000đ cũng có tuổi thọ vài trăm năm. Nơi nào bảo san hô dùng trong y học giá cả triệu một ký, ở đây chỉ cần 10.000đ là có một cây san hô đẹp long lanh. Tôi rất hay mua san hô vì chưa từng thấy cây nào giống cây nào và vì cây nào cũng đẹp. Khai thác san hô là trái phép, mua bán cũng thế vì vậy khi nhìn chúng bị bày bán rẻ như cho tôi thấy xót xa vô cùng. Tiếc rằng Bình Thuận chưa làm gì mạnh để dẹp những điểm bán này. Giờ đây, đi qua Tuy Phong người ta vẫn thấy san hô bị tẩy trắng, bị nhuộm xanh, nhuộm đỏ bày bán công khai. Bạn có thề nhìn thấy trên bờ cả một phần thế giới dưới đại dương với san hô sừng hươu, san hô nấm, san hô não, sao biển...và các loại đá biển dùng làm hòn non bộ. Thấy tôi nói những cành san hô này nhỏ, chủ một sạp kêu tôi đi theo vào nhà và gỉơ tấm nilon ra, từng cây (con) san hô lớn như chiếc bàn được xếp chồng lên nhau, giá chỉ 100.00đ/cây. Tôi trả 60.000đ và đi, nghĩ bụng nếu họ kêu quay lại thì mình không biết cốp xe có nhét nổi cây này không.

Tuy Phong còn là đất Bằng Lăng. Gần đến tết Katê là chúng nở tím núi tím đồi, ngắm mãi không chán. Người Chăm gọi hoa bằng lăng là Tagula và có hẳn những bài hát về chúng. Bằng lăng núi cũng chủ yếu là tím, trắng pha tím nhưng khi chúng đứng cạnh nhau làm thành một rừng thì người ta có thể hiểu là trên thế gian này các màu đều có lý do để tồn tại.

Vùng đất đầu tiên của Tuy Phong và cũng của Bình Thuận từ phía Bắc vào là Cà Ná. Một khoảng cách độ 50 mét ngang bạn có thể thấy 3 loại giao thông là đường thuỷ, đường bộ và đường sắt. Đôi khi một con tàu sình sịch đi qua hú còi tha thiết lẫn với tiếng ô tô bim bim sẽ khiến bạn quên nhìn con tàu đang rẽ sóng ngay dưới chân bạn, bởi chúng diễn ra cùng một lúc. Tôi đi dọc Việt Nam và nghĩ có lẽ đây là nơi 3 loại đường ở gần nhau nhất.

Chủ quán Cà Ná là một người đàn bà tên là Năm Tốt. Chị hiền hậu, nhẹ nhàng khác hẳn với nhiều người chủ quán tôi biết. Vốn là một cựu tù Côn Đảo, khi về hưu chị đã ra Cà Ná mở quán. Từ năm 1997 đến nay, số lương hưu của hai vợ chồng dành hết cho việc dạy học. Chị mua quần áo, sách vở, bút, bảng và cả giày dép cho những đứa bé trong vùng vì ở đây không có trường cấp 1 rồi đến nhà xin cho chúng đi học. Mười hai năm, không biết có bao nhiêu đứa bé biết chữ từ mái trường bé xíu do chị xây này. Năm nay trường có 4 lớp từ 1 đến 4, tổng cộng 68 em. Cô giáo Phụng chia ra làm 2, sáng dạy 2 lớp, chiều 2 lớp. Lương do chị Năm trả. Mùa mưa này, vợ chồng chị Năm đang mua giống bằng lăng về trồng dặm vào những chỗ bị khai thác bán cho người thành thị thích bon sai, cây kiểng. Chị mới trồng được trên 100 cây nhưng phấn khởi vì chúng sống hết.

Rời Tuy Phong, chúng tôi bước chân sang mảnh đất Ninh Thuận "nắng như rang, gió như phang" với dự định về làng thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Bình Thuận lùi xa dần, qua ô cửa kính, mái trường bé xinh lợp ngói đỏ của chị Năm Tốt giống như một bông hoa nổi lên trên nền biển biếc. Dù thế nào tôi vẫn cứ yêu Bình Thuận và khi vừa ra khỏi mảnh đất này trong tôi thoáng một chút buồn nhè nhẹ.