Tibet

Tây Tạng nguyên là một lãnh thổ và là một quốc gia độc lập ở Trung Á và là nơi cư trú của người Tây Tạng. Tất cả hay hầu hết Tây Tạng (tùy theo cách định nghĩa) ngày nay, với tư cách là khu tự trị, chịu sự kiểm soát của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

Tây Tạng nằm trên cao nguyên Tây Tạng (The Tibetan Plateau). Với độ cao trung bình vào khoảng 4.900 m, vùng đất này thường được gọi là 'Nóc nhà của thế giới'. Phần lớn dãy Himalayas (Nóc nhà của thế giới) nằm trong địa phận Tây Tạng. Đỉnh cao nhất của dãy núi này, đỉnh Everest (8848 m), nằm trên biên giới với Cộng hòa dân chủ liên bang Nepal.

Tây Tạng có khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ và độ ẩm thấp. Có những dãy núi tuyết vĩnh cửu cao 5.000-7.000 m.

2. Khu tự trị Tây Tạng (The Tibet Autonomous Region, TAR), với diện tích 1,200,000 km2, là một đơn vị hành chính cấp tỉnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (từ năm 1965). Trong khi các khu tự trị khác ở Trung Quốc có sắc tộc đa số là người Hán thì Khu tự trị Tây Tạng có sắc tộc đa số là người Tạng.

Tây Tạng nằm trên cao nguyên Tây Tạng, cao trung bình trên 4200 m. Phần lớn dãy Himalaya nằm trong địa phận Tây Tạng. Đỉnh cao nhất của dãy núi này, đỉnh Everest, nằm trên biên giới với Nepal.

Khí hậu ở đây rất khô suốt 9 tháng trong năm. Có những dãy núi tuyết vĩnh cửu cao 5.000-7.000 m. Các hẻm núi phía tây nhận được một lượng nhỏ tuyết mỗi năm nhưng vẫn có thể dùng được được quanh năm. Nhiệt độ thấp là chủ đạo trong khu vực này, trong đó sự hoang vắng lạnh lẽo đến tẻ nhạt bởi không có một loài cây nào ngoài một vài bụi cây rậm và thấp, và gió thổi ngang qua đồng bằng khô cằn mênh mông không hề bị cản trở. Gió mùa từ Ấn Độ Dương gây ra một số ảnh hưởng ở phía đông Tây Tạng. Phía bắc Tây Tạng có nhiệt độ cao trong mùa hè và lạnh khủng khiếp về mùa đông.

Tây Tạng nằm ở vị trí Tây Nam Trung Quốc, ở tầm cao trung bình hơn 4.000 mét trên mực nước biển, do đó quanh năm khí hậu khá lạnh và không khí loãng. Tây Tạng có thể không thích hợp với những ai huyết áp cao hoặc có bệnh về tim mạch.

Thời gian để khám phá Tây Tạng lý tưởng là vào tháng 6, 7, 8 và đầu tháng 9 vì đó là thời gian ấm nhất trong năm. Bạn có thể thách thức bản thân khi chinh phục đỉnh cao nhất thế giới, Everest hay đơn giản hơn là tận hưởng cảnh đẹp của cung điện Potala ở Lhasa, Jokhang, tới cao nguyên Thanh Hải chiêm ngưỡng đồng cỏ rộng lớn với những đàn bò, cừu, ngựa đang mải mê gặm cỏ. Thung lũng thấp nhất thế giới và con sông Grand Yaluntzanpo nằm ở phía đông Tây Tạng cũng đang chờ bạn ghé chân.

Tây Tạng có một nền văn hóa độc đáo của riêng mình với đồng bào dân tộc thiểu số, cổ kính và bí ẩn. Tôn giáo chính tại đây là Phật giáo Tây Tạng, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn độ trong thời gian đầu và đã có những đặc điểm riêng biệt cho tới ngày nay.

Có 4 tuyến đường được coi là mê hoặc nhất dẫn tới Tây Tạng đó là: Thanh Hải – Tây Tạng, Vân Nam – Tây Tạng, Tứ Xuyên – Tây Tạng và Tân Cương – Tây Tạng.

Cùng ngắm những hình nét hoang dại của mảnh đất Tây Tạng:

Các nhà sư.

Những dãy núi phủ đầy tuyết trắng.

Người dân Tây Tạng.

Tây Tạng có nhiều tòa nhà có kiến trúc độc đáo.

Thiếu nữ Tây Tạng đẹp mê hồn người.

Hồ nước đẹp mộng mơ.

Thiên nhiên Tây Tạng hoang dã.

Chợ Tây Tạng.

Theo Eva.vn

Tibet, nóc nhà thế giới, miền đất của những điều bí ẩn chưa được khám phá, miền đất của các chư thiên, miền đất của những giấc mơ trong mộng, miền đất khát khao của một thời tuổi trẻ si dại… nhưng tôi vẫn chưa một lần được đặt chân đến dù đã bao lần tưởng như Tibet đã gần, rất gần. Đi, là có duyên; đến, là có phước, gặp, là có tình… nhưng khi tôi càng khát khao cố gắng để đến Tibet thì khoảng cách giữa tôi và Tibet càng xa vời vợi. Đã bao lần hành trang đã chuẩn bị, visa đã xin, việc đã bỏ… nhưng rồi dang dở vẫn là dở dang… Do vậy, lần này tôi ra đi lòng nhẹ tênh, chỉ hướng về Tibet, chỉ hướng về những con đường lên Tibet…! Đến được là có duyên, có phước, có tình… không đến được, tôi vẫn còn tôi và con đường và những chuyến đi,... Tôi chọn con đường đi làm mục đích, tôi chọn sự lang thang giữa đất trời mênh mang làm điểm tựa, tôi cất giữ những khoảnh khắc chơi vơi, những niềm hạnh phúc khi bàn chân đặt lên miền đất lạ làm hành trang… để lên đường, để hướng về Tibet.

Một mình, một đêm cuối thu, Sài Gòn mưa đổ mịt mù, tôi đi.

Phu Asa vắng vẻ trên đồi trưa – Pakse

Vat Phou mưa chiều cuối thu – Pakse

Hoàng hôn rực lửa trên dòng Mekong – Siphandon, Pakse

Chập chờn trên chuyến xe đêm, nghe giọng ca liêu trai thì thầm từng sợi tình trong đêm “mai tôi đi, mong cho tình xa quên…”, khi ngoài kia trời mưa đổ, hay sương đêm lăn dài từng hạt chầm chậm, trên kính xe lạnh buốt, như những giọt nước mắt long lanh… tôi thấy lòng mình chùng xuống, như tôi đang rơi vào một hố sâu không đáy thăm thẳm... Có tiếng ai đó thở dài trong đêm hay tôi đang nghe tiếng tôi… Nếu thế này mãi, tôi sẽ không đi được, tôi nhắm mắt và mơ về bầu trời Tibet xanh thăm thẳm để cố ru mình vào giấc ngủ chập choạng mệt nhoài. Có lẽ, đó là 1 trong những chuyến xe chơi vơi nhất trong những tháng ngày lang bạt của tôi. May mắn sao, cuối cùng tôi đã qua được để tiếp tục hành trình.

Mái nhà xám hoa vàng rực rỡ – Lijiang

Hẻm nhỏ hoa nhỏ ở làng nhỏ – Lijiang.

Hẻm đơn sơ nhưng rực rỡ – Lijiang

Hoa tím mùa thu bên cánh đồng vàng – Dali

Rồi tôi lăn dài, trượt dài qua những tháng ngày lang bạt khi rừng, khi núi, khi suối, khi sông, khi đô thị phồn hoa, khi chốn quê dân dã, khi nắng lên bên rừng, chiều xuống bên sông, khi đêm chơi vơi một mình một bóng liêu xiêu quán lạnh gió khuya về… Từ Sài Gòn, tôi đi sang Lào qua ngõ Bờ Y để vòng lại Vat Phou chiều mưa bay mờ mịt, lạc bước Phu Asa lúc nắng lên trên đồi, chôn chân ở vùng 4.000 đảo Siphandon hiền hòa có những ngày mưa bay trắng xóa đất trời nhưng chiều về hoàng hôn lại đỏ rực thiêu cháy cả con sông dài… Rồi từ Nam Lào, tôi lướt nhanh đến Bắc Lào. Tôi vội vã ngang qua Vientiane, Luang Prabang, Udomxay… để có những ngày buốt giá trên con đường mưa mờ mịt đến miền gái đẹp Luang Namtha, những chiều lang thang một mình trên con đường ven sông hun hút không một bóng người của đất Lào xinh đẹp hiền hòa mến khách.

Rực rỡ dòng sông mùa thu – Shangrila

Rời Luang Namtha, rời Lào, tôi sang Trung Quốc bằng cửa khẩu Boten – Mohan, rồi lướt nhanh qua Mengla, Zinghong để đến cao nguyên 4 mùa Junnan. Tôi lang thang nơi đây cầu mong tìm kiếm được một chuyến đi từ Kunming đến Tibet bằng đường bộ. Mùa thu vàng Tibet chưa đến, tôi đã chìm đắm trong sắc thu hực hỡ của Lijiang, Dali, Shangrila, Deqin… của cao nguyên xuân thì mơn mởn Junnan.

Hẻm núi mù sương Emeishan, một mình tôi đi

Hoàng hôn mây mù vẫn rực nắng – Shangrila

Những mái nhà rêu phong xanh rì hoa vàng lấp lánh, những con ngõ làng gạch xưa đỏ au treo tòn ten những túm bắp vàng ấm áp của ngày mùa no đủ, những cụ bà ngồi hong nắng thu trước những căn nhà cổ nhưng tuổi đời chắc nhỏ hơn mình, những đồng hoa cải vàng ươm mùa thu chạy hun hút khắp cao nguyên… những buổi sáng vòng quanh chùa xưa Deqin, những trưa lạnh miệt mài đi tìm dòng sông mùa thu ở Shangrila, những đêm lạnh ấm áp Dali vui say bên những gánh hàng rong, những người dân quê mộc mạc… những chiều đứt thở cùng các em bé quay chiếc Đại Pháp luân chung ở Shangrila, một chiều mùa thu sương mờ mịt một mình ngắm núi tuyết Meili ở Deqin,… Ôi cao nguyên xuân thì Yunnan…!

Đàn bò Yak bên đồng cỏ mùa thu – Shangrila

Ngựa tung tăng bên hồ chiều – Shangrila

Con đường bộ từ Junnan sang Tibet không dành cho tôi và những người ngoại quốc. Tôi lại bị chận lại ở Deqin, Shangrila khi muốn đi tiếp sang Kangding, Sichuan. Hết đường, bí lối, không còn cách… tôi phải nhảy lên chuyến xe đêm vòng lại Kunming, để hướng đến Chengdu. Một mình, tôi ngơ ngác lạc loài giữa Chengdu sầm uất đông đúc… tự mình lần mò tìm đường lên Tibet.

Hồ biếc xanh, cánh chim dập dìu trong nắng sớm – đường sắt Chengdu-Lasha

Lasha, mênh mang vàng thu nắng

Mọi cánh cửa, mọi con đường tưởng như lại đóng sầm trước mặt tôi một lần nữa, thì Tibet đã mỉm cười với tôi. Tôi may mắn được tham gia vào một nhóm có 3 bạn, 2 nam, 1 Anh Quốc, 1 Thụy Điển, 1 nữ người Mỹ - có cùng giấc mơ Tibet, cũng đang tìm đường lên Tibet. Mọi khúc mắc vì những điều kiện và lý do cá nhân cuối cùng cũng đã được thỏa thuận, được thống nhất. Những ngày đợi chờ xong thủ tục, tôi lại lang thang tiếp Chengdu, Leshan, Emeisan, Langzhong. Và cuối cùng, vào một đêm mùa thu Chengdu lành lạnh, tôi đã hạnh phúc bước lên chuyến tàu T1, chuyến tàu sẽ đưa tôi đến miền đất mơ ước trong những ngày thu thênh thang vàng nắng Tibet!!!

Bây giờ, tôi rủ rê bạn đi cùng tôi lên Tibet nghen, trong những ngày thu Tibet thênh thang nắng vàng, lộng lẫy lá vàng, rực rỡ hoa vàng…! Mình đi nghen!!!

Sau bao lần chần chừ, tôi quyết định sẽ rời Sài Gòn một đêm giữa tháng 9. Đêm đó, Sài Gòn mưa nhiều dù đã gần hết mùa mưa. Chuyến xe đêm Sài Gòn – Gia Lai hình như chở nặng hơn mọi ngày, lầm lũi bò trong màn mưa dày đặc hướng về miền cao nguyên, mang theo một người đang thẫn thờ nhìn ra màn đêm trắng xóa mưa bên ngoài.

Thường, mưa cuối mùa ở miền Nam không nhiều sấm chớp dù có thể rất nặng hạt, nhưng ở vùng núi rừng thì khác, lại rất nhiều – mưa nguồn chớp bể mà. Đường rừng núi về khuya âm u, tối mù mịt. Thi thoảng vài tia chớp góc trời xa đủ sáng để thấy mưa bay lúc nhặt lúc thưa bên ngoài. Trên cửa kính, những hạt sương mưa li ti bám đầy như những hạt ngọc, lâu lâu rủ nhau tụ tập lại thành giọt chạy ngoằn ngoèo trên kính, như những giọt lệ từ trời. Có tiếng hát liêu trai văng vẳng mộng mị à ơi “… mai tôi đi, mong cho tình xa quên…”, “.. Mưa ơi mưa, rơi từ vực sâu? Hay mưa rơi từ đỉnh trời đau…” ru kẻ lang bạt, lòng đang mềm như nước, vào trong giấc ngủ chập chờn.

Khuya, ở 1 khoảng rừng nào đó, trong 1 khoảnh khoắc chập chờn mụ mị… bỗng không còn thấy mưa mà lại có ánh trăng hạ tuần xiên xiên qua cửa sổ. Trăng không tròn, trăng không vàng, thật lạnh, thật hư hao… nghiêng qua cửa sổ… rồi vội đi để lại một cảm giác hư ảo, rã rời…

Chuyến xe đêm đến phố núi cao rất sớm, lúc mới hơn 5 giờ sáng. Đến giờ này, phố vẫn còn chút sương chưa không còn đầy sương như ngày xưa. Rừng xưa đã không còn nên sương giờ mỏng teng, nên tan nhanh, khi mặt trời còn chưa kịp lên. Lang thang trên phố sớm một hồi, tôi vào quán café ven đường ngồi chờ chuyến xe Gia Lai – Pakse. Tiếc là Gia Lai đã không còn chút gì của “Còn chút gì để nhớ cả”…

Hồ ở Gia Lai

Một con đường thông xanh hiếm hoi còn sót ở Gia Lai

Chuyến xe Diên Hồng, Gia Lai – Pakse khởi hành rất trễ, đền gần 8.30am mới rời khỏi Gia Lai. Đây là lần thứ 2 tôi đi cung đường Gialai-Kontum-BoY-Pakse. Lần trước là trong 1 hành trình 5 ngày đi 4 nước (!?), hành trình sau đó có được đăng trên tờ báo xuân Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, người viết dĩ nhiên không phải là tôi…

Pakse một chiều có nắng

Xe đến Bờ Y lúc 1pm, làm thủ tục nhanh. Khoảng hơn 1.30pm xe lại tiếp tục lên đường. Xe chạy qua khúc đường gần Bờ Y này vào ban ngày, trời nắng, thấy rõ rừng đã bị đốn rất thưa nên không còn ấn tượng mạnh như lần đầu tôi đi. Chỉ sau khi qua khỏi Attapeu, trời lại đổ mưa tiếp, cảm giác chiếc xe cô đơn lầm lũi chạy trong cơn mưa rừng dày đặc giữa bầu trời xám xịt... thật ấn tượng. Và rất dễ chịu! Cứ thế xe chạy mãi, chạy mãi trong mưa, từ chiều, đến đêm.

Và đến Pakse trời cũng mưa. Đã gần 8.30pm, có nghĩa là mình đã ngồi xe hơn 24h chạy mãi trong đêm và trong rừng.

Cũng đã 1 năm rồi mới quay lại Pakse.

Đã hơn 5 tháng từ mùa Pimai tôi mới quay lại Lào.

Đã...

Đã...

Tôi lang thang trong đêm Pakse một mình dưới trời mưa nhỏ, đêm vắng thật vắng và thanh bình..., đêm thứ 2 xa nhà rồi cũng trôi qua dưới những cơn mưa…

Sau đêm mưa, sau những ngày mưa dầm… đất trời Pakse như sũng nước. Không khí ướt rượt, bầu trời chập chùng mây xám. Nói nào ngay, tôi lại thích lang thang trong thời tiết này. Vì tôi đi là để chơi, để biết chứ không phải để chụp hình nên trời càng mát mẻ tôi càng thích – đỡ mệt người.

Thuê xe ở Pakse cũng có 2 định nghĩa, “ngày” là gồm từ sáng đến tối hay ngày là 24giờ, bạn lưu ý nhé. Tôi lơn tơn leo lên một chiếc “ngày 24giờ”, hướng ra quốc lộ 13, qua chợ Đào Hương, hướng về nam Lào tôi chạy.

Bầu trời Pakse xám xịt những ngày mưa – lúc đứng trên đồi gần đến Phou Asa

Lần trước vội vã ghé Pakse tôi đã sang Chongmek, Thailand trước rồi trên đường từ Chongmek về mới ghé Vat Phou, con đường đó rất kinh khủng, không phải con đường mọi người thường đi. Kỳ này, tôi cũng ghé lại Vat Phou vì hôm trước đến nơi đã gần 6pm rồi, chẳng ngắm được gì. Nhưng trước khi ghé lại Vat Phou, tôi sẽ thăm “Cánh đồng Chum” Nam Lào, tức Phou Asa – vì nguồn gốc và mục đích sử dụng của Phou Asa cũng còn mờ mịt như những chiếc đại Chum ở Xiengkhoang, và tôi còn sẽ ghé thăm Vat Tomo hoang tàn, nằm ngay bên giòng Mekhong đang cuồn cuộn phù sa những ngày nước nổi.

Con đường vào Kiet Ngong, đất đỏ như son – dẻo quẹo, dính và dễ trợt…

Km30 là nơi bạn sẽ rẽ phải để đi Vat Phou, nhưng nếu muốn đi Phou Asa bạn phải đi tiếp khoảng 20km nữa, rồi rẽ trái đi tiếp 11km đến làng voi nổi tiếng Kiet Ngong. Từ đó chạy lên một con dốc cao đến nổi bạn sẽ phải quăng xe gắn máy dưới một gốc tre um tùm để nó khỏi tụt xuống. Sau đó bạn sẽ chọn, một là cỡi voi đi lên Phou Asa, một là lái xe số 11 lên đỉnh đồi (lái xe số 11 tức là đi bằng 2 cẳng – từ mới học trong “Ma thổi đèn” thấy hay hay). Dĩ nhiên là tôi chọn xe số 11 rồi.

Những vạt hoa quê, bé nhỏ dại khờ, lung linh những giọt sương mưa đẹp lạ lùng, sáng cả bầu trời u ám…

Tôi chọn xe số 11 vì 2/ tiết kiệm tiền; b/ đã biết sự “sung sướng (!)” khi cỡi voi rồi; c/ là vì những vạt hoa bé li ti nhưng sáng một góc trời trên con đường đi… mà cỡi voi thì không xem hoa được, chỉ có cỡi ngựa xem hoa thôi...

Người ta cỡi voi ở trên cao như thế này…

…thì làm sao chiêm ngưỡng những bông hoa dại bé bỏng xinh như thế này….

Phou Asa hôm nay thật vắng, lúc tôi lên vừa đến chân đồi thì mấy du khách lớn tuổi vừa cỡi voi đi xuống, thế là tôi mua luôn cả một khung trời xám Phou Asa một ngày mưa bỗng đẹp lạ.

Dưới chân núi, khói bếp nhà ai trong sương mưa, gợi nhớ làm sao ngày quê cũ

Phou Asa, là tên mới được đặt vào thế kỷ XIX, lấy tên một nhóm kháng chiến quân anh dũng Lào, cho những di tích đá đã có ngàn năm tuổi, theo cư dân địa phương – còn theo các nhà khoa học thì không phải, chưa đủ ngàn năm… Thây kệ, tôi chẳng quan tâm, chỉ biết là nhờ có cái địa danh đó mà sáng nay tôi đã lần mò đến đây, một mình lang thang trên đồi cao ngày mù sương…

Phou Asa xa xa kia rồi…, nhìn xa thấy bé vậy chứ không phải vậy đâu!

Những trụ đá nhìn gần hơn tý nữa, đá xám giữa trời xám – tone / tone!!!

Đến bây giờ, người ta cũng chưa biết rõ người xưa xây dựng Phou Asa để làm gì? Những viên đá mỏng được xếp chồng lên nhau thành những cây trụ đá cao khoảng 2m, phía trên đầu cột lại nở xòe ra như tai nấm (hay như biểu tượng Linga?), những cột đó xếp viền quanh một đỉnh đồi có diện tích 180mx50m, chính giữa là một ngôi đền cũng xếp bằng đá lát tạo nên, giờ chỉ còn rêu phong um tùm bao phủ.

Trụ đá trên đồi cao nhìn xuống đồng xanh

Giống nấm đá hay giống Linga?

Có thuyết cho rằng, đỉnh đồi này là nơi thờ cúng của thầy Sa, người lãnh đạo cuộc kháng chiến của dân làng ngày trước nhưng điều này chưa hợp lý vì cuộc kháng chiến đó vào TK XIX, còn những trụ đá này đã gần ngàn năm tuổi. Cách xếp đá này lại na ná kiểu xếp đá thiêng của những Phật Tử Tây Tạng mà ta vẫn thường thấy ở cao nguyên Thanh Tạng. Những cây trụ đá này, lại giông giống hình ảnh của Linga, mà một thời kiến trúc Hindu cũng đã tràn ngập khu vực này… do vậy câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Dãy trụ đá còn nguyên vẹn nhất

Đền xưa giờ chỉ còn rêu phong

Dù sao, đây cũng là một kỳ tích của người xưa vì nhìn những trụ đá đã gãy đổ, chúng ta sẽ không thấy dấu vết của chất kết dính. Nếu chỉ xếp đá phiến như vậy thành trụ và tồn tại được cả ngàn năm thì không phải là việc đơn giản.

(cont.)

Vết thời gian

“Chào nụ hoa bé bỏng, dịu dàng bên đám cỏ”… tôi chia tay Phou Asa…

Có thời gian lang thang một mình trên đồi Phou Asa cũng thích, nhất là trong một ngày trời dịu mát như hôm nay, khi xung quanh cỏ cây xanh mát mượt mà, những cơn gió mang nặng hơi nước mơn man mát rượi, nhất là được một mình vắng vẻ, lăn ra nằm đọc sách, lâu lâu quăng sách qua một bên ngắm nhìn đất trời thênh thang cũng hay. Nhưng tiếc là không đem theo cuốn “Sợi xích” hay “Cô giáo T” nào nên đành thôi, xuống núi, đi dzìa.

Đảm đang...

Hồn nhiên – hình này chưa xin phép... Không sao hén, con nít mà...

Dân làng ở đây thật hiền lành dễ mến, chỉ có điều là vì không có khách du lịch nên những bạn trẻ có thể nói được tiếng Anh đi đâu mất tiêu ráo trọi. Thật ra, rất ít du khách đến Phou Asa bằng xe máy như tôi, mà họ thường đến từ làng Kiet Ngong gần đó. Kiet Ngong là một làng voi nổi tiếng của Lào (tính về vĩ độ thì làng này ngang ngang với mấy làng voi Tây Nguyên – giờ chỉ là chuyện xưa tích cũ). Ở làng đó có mấy khu du lịch sinh thái và mấy khách sạn, nhà nghỉ thuộc dạng eco-resort. Khách nước ngoài quân Nguyên đông đảo thường ghé đó nghỉ ngơi thăm voi… rồi cỡi voi đến Phou Asa. Do vậy lâu lắm mới có 1 thằng khùng khùng như tôi lơn tơn lên đó. Mà đúng là chỉ có ở Lào di tích này mới còn, chứ nếu ở xứ … (bạn tự điền vào nghen) thì cứ mỗi người gỡ 1 viên đá về làm kỷ niệm, đánh dầu một chuyến đi thì chắc mấy cái trụ đá này giờ “chỉ còn là kỷ niệm mà thôi…” tèn tén ten…

Chào nhé, Phou Asa

Lê la trong làng một hồi, tôi lại lên xe, phóng tiếp về Vat Tomo, một di tích tiền Angkor ít người biết đến ở Pakse… Ít người biết thì càng tốt chứ sao.

Từ Phou Asa, tôi chạy trên đường đất đỏ 11km mới ra lại quốc lộ 13, rẽ phải đi về lại Pakse, đi một đoạn thì tấm bảng chỉ đường vào Vat Tomo nằm bên trái. Rẽ trái đi vào con đường làng, đến lúc nghe sóng sông Mekong ì oạp vỗ từ xa xa thì cũng là lúc đến 1 cánh rừng um tùm ôm lấy Vat Tomo đang nằm ẩn sau trong đó.

Đường vào Vat Tomo

Vat Tomo, Tomo Temple hay Uo Moung là một ngôi đền Khmer, được xây dựng từ TK XIX, dưới thời của vua Khmer Yasovarman I. Nằm bên sông Mekong, chức năng của ngôi đền này chưa được xác định rõ nhưng do ngôi đền này hướng về phía đền Vat Phou nên người ta cho rằng ngôi đền có liên quan đến quần thể đền Vat Phou.

Trong cánh rừng um tùm này, Vat Tomo hoang phế tả tơi đang ẩn sâu – một mình tôi lò dò vào

Quăng xe bên bìa rừng vắng tanh không một bóng người, tôi lần mò đi vào Vat Tomo. Thú thật là tôi đã từng lang thang nhiều khu di tích Khmer nhưng chưa bao giờ tôi thấy một di tích nào hoang phế như Vat Tomo… nhất là cánh rừng mưa nhiệt đới mùa này đang um tùm xanh tốt, những cơn mưa từ lá khi gió về rơi lộp độp làm cảm giác lạnh sau gáy ngày càng tăng – nhất là khi chỉ có một mình tôi trong hoàng tàn đổ nát, trong um tùm rừng rậm nơi này…

Len lỏi vào rừng rậm, tôi hướng nhìn lên cao để hy vọng nhìn thấy đỉnh đền nhô lên cao, hòng xác định phương hướng, nhưng đi mãi chẳng thấy cái đỉnh nào cả. Tưởng đã sai hướng tôi bắt đầu nhìn quẩn quanh, mới thấy rải rác xa xa những tảng đá đen nằm lăn lóc… Nhìn kỹ lại tôi mới thấy, đó là mảnh vỡ của các phù điêu đá, tượng đá hay chính là các viên gạch xây nên đền đài. Và đi tới nữa, tôi mới thấy và tôi mới biết là sẽ chẳng có cái đỉnh đền đài nào cả, vì Vat Tomo đã sụp đổ hoàn toàn…

Những gì còn lại của Vat Tomo

Nhưng điều tôi ấn tượng kế tiếp sau đó, là cách người dân Lào nghèo khổ hiền lành với di sản của cha ông. Không có kinh phí để xây dựng, in ấn các bảng biểu hướng dẫn, họ đã viết tay bằng sơn trên bức tường đã sứt mẻ, xuống màu theo thời gian, vôi vữa tróc lở… của 1 căn phòng nhỏ giữa rừng, có lẽ ngày trước những người làm công tác khảo cổ dùng để trú ngụ. Ở 1 góc còn nguyên vẹn nhất của bức tường, một người nào đó đã viết những dòng chữ mộc mạc lên tường, kể với khách du về sự tích chùa Tomo, về di sản của cha ông họ.

Tấm bảng hướng dẫn du lịch đẹp nhất trong đời mà tôi từng thấy

Tôi thật sự đã sững sờ và lặng người khi nhìn những dòng chữ mộc mạc, như những tâm hồn mộc mạc của người Lào, bằng tấm lòng của mình đã cố gắng gìn giữ từng chút một di sản của cha ông… theo cái cách nghèo khó nhưng vô cùng cao quý của họ.

Vat Tomo đã thật sự không còn gì, chỉ còn những bức tường thành rêu phong xanh rì. Chưa có một di tích Angkor nào tôi đã đến mà rêu phong mọc dày như ở Tomo này. LP có nói một trong những điểm lạ của Vat Tomo là linga 2 mặt. Thường thì chỉ có linga trơn hoặc 4 mặt (hay gặp ở Nepal) chứ 2 mặt là hiếm lắm. Không biết có ai vào khuân đi đi mất hay không chứ tôi đi kiếm ròng rã quần nát cái vạt rừng đó mà cũng không tìm thấy để khiêng lên đây khoe với các bạn chơi….

Một nhánh nhỏ dòng Mekong lững lờ chạy bên

Rêu xanh trên đá xưa

Lòng vòng trong rừng, trong hoang tàn, tôi vạch theo rối nhỏ đi xuống bờ một nhánh nhỏ của dòng Mekong chạy ven Vat Tomo. Có lẽ nguồn nước từ con sông này thêm với khí hậu nhiệt đới ẩm mưa nhiều đã làm cho khu rừng thật xanh tốt, và nhất là đám rêu bao phủ trên những gì còn lại của Vat Tomo.

Những gì còn lại của Vat Tomo

Lang thang một hồi một mình trong rừng hoang vắng chợt nghe sấm chớp ì đùng mây đen vần vũ… sợ cái cảnh đi đò ngang qua dòng Mekong giữa cơn mưa lũ tôi vội vã lên xe chạy thật nhanh. Nhưng khi đến dòng Mekong thì mưa đã trắng trời.

Tại sao sợ con phà nhỏ qua dòng Mekong. Xem hình thì hiểu ngay mà!!! Nhưng chưa hết đâu…!

(cont.)

Chiều mưa mù nên cũng ít khách viếng Vat Phou

Cụm di tích Vat Phou là 1 điểm must-see của Nam Lào theo tất cả các sách du lịch. Nằm ở độ cao 1400m, cụm di tích Vat Phou xem ra rất khiêm tốn với các di tích Angkor, nhưng những kiến trúc tinh tế, những điêu khắc, những bức tượng… của Vat Phou đã tạo ra nét đặc biệt rất riêng cho nơi này.

Hồ nước trước mặt cụm đền đài

Con đường với những trụ đá 2 bên mô phỏng linga dẫn đến chân núi

Những kết quả nghiên cứu, đây là nơi thờ phụng từ thế kỷ V. Kiến trúc tổng thể nơi đây được cho là mô phỏng theo “thiên đàng” trong hình dung của người xưa. Quá trình xây dựng của Vat Phou cũng rất khác. Cụm đền đài này cứ được xây dựng bổ sung qua nhiều thế kỷ, từ thời tiền Angkor (TK V) cho đến giai đoạn Angkor muộn sau này.

Đi hết con đường và nhìn lại

Những gì còn lại

Tuy nhiên, cụm đền đài này đang đứng trước nguy cơ bị lún dần và có thể sụp đổ do sự ăn mòn của các nguồn nước. Điều này rất dễ thấy khi so sánh các bậc thang của 2 khu Nam & Bắc của ngôi đền chính. Tuy nhiên các nỗ lực gần đây của nhiều nhà khoa học đã ngăn chận được tương đối những điều này. Và có lẽ, một phần cũng do ý thức của dân Lào rất tốt, chứ nếu ở … (bạn tự điền vào) thì có lẽ nó đã tan hoang từ đời nào rồi.

Con đường sau khi đã qua 1 cổng, với những gốc sứ già

Từ lúc ban đầu, cụm đền được xây dựng để thờ phụng thần Siva, lúc Vat Phou còn nằm trong đế chế Khmer. Sau đó, các ngôi đền được tiếp tục xây dựng, nhiều nhất vào TK XI. Đặc biệt là chúng vẫn được tiếp tục thêm nhưng bắt đầu nghiêng về hướng Phật giáo Tiểu thừa. Và bây giờ đây là miền đất thiêng của các Phật tử Lào.

Một ngôi đền xưa

Hết con đường “linga”, con đường sẽ theo lên núi, dưới những hàng cây

Cũng giống hầu hết các ngôi đền Hindu - Khmer (một số ngôi đền ở Koh Ker không tuân theo hướng này), Vat Phou quay về hướng đông, sau lưng có một ngọn núi che chở. Trước mặt có các hồ nước… nói chung là rất “phong thủy”!. Từ Vat Phou, ngày có con đường chạy xuôi về phía nam… chạy mãi đến Angkor bây giờ.

Nắng có vàng ươm trên con sông đỏ?Trời có xanh rất xanh và mây có trắng rất trắng?

Tôi đòng đưa trên võng một lát, Mr. Phao, anh chủ nhà trọ quay về (tình cờ, đây cũng là nơi bạn chaubaogia sau này có ghé). Nói chuyện một hồi về tình hình đất đai con người sông nước nhân tình thế thái..., anh đi lo công việc… để lại tôi một mình với 1 cuốn sách cầm nhưng đọc không nổi vì những chai Beerlao óng ánh và dòng sông sóng sánh ngoài kia.

Hoa dại rực rỡ bên hiên

Cánh đồng lúa lung linh sắc màu

Tôi cứ lơ mơ trên võng đến chiều. Lúc này nắng đã lên xua tan những đám mây sũng nước. Quang cảnh nơi đây giờ như một bức tranh quá nhiều màu sắc…sông đỏ, trời xanh, mây trắng, dừa xanh biếc, đồng xanh nõn, đồng chín vàng, nắng vàng rờ rỡ, trong vườn, bên mép sông… nhiều loại hoa phô phang các sắc màu rực rỡ, đàn bướm tíu tít bay từng vạt giống vườn hoa cải ai gieo giữa trời… làm chốn đảo nhỏ khúc sông quê như cảnh thiên đường…

hiều đã rờ rỡ nắng trên sông. Tôi cũng đã hết mệt. Sức lực đã quay về, chắc nhờ Beerlao (?!) hơn là vì giấc trưa chập chờn... Tôi lò dò bước xuống võng, rời nhà và đi xuôi Don Det, huớng về chiếc cầu đá nối liền 2 đảo Don Det, Don Khone.

Màu nắng lạ trên sông của những ngày mưa mùa.

Tôi đã đến Don Det một lần. Lần đó, tôi đã đi viếng hết các điểm “must see” của 2 hòn đảo này như thác nước Liphy Fall, đi đò sang bên đất Cambodia xem cá heo nước ngọt, đường ray xe lửa, chiếc cầu đá từ những năm 40 thế kỷ trước, những ngôi nhà kiểu Pháp,… nên giờ tôi cũng lười quay lại mấy nơi đó, chỉ muốn ra chiếc cầu ngồi chờ hoàng hôn.

Cánh đồng Don Det

Tôi rất thích cách người Lào làm ruộng và bảo vệ cây, bảo vệ rừng. Khi vỡ đất làm ruộng, người Lào không chặt bỏ những cây gỗ nằm giữa ruộng mà giữ lại. Do vậy, ở Lào, bạn khó thể thấy những cánh đồng cò bay thẳng cánh mà chỉ thấy ruộng lúa và rừng cây nằm chung với nhau. Thực ra, số lượng cây đó cũng không quá nhiều như rừng, nhưng khi bạn phóng tầm mắt nhìn rộng thì những cây đơn lẻ trên cánh đồng sẽ làm thành một “màn” cây và cho bạn cảm giác như một cánh rừng. Ở Lào rừng rất nhiều, có lẽ do họ rất tôn trọng và gìn giữ cây cối. Họ còn cúng xôi cho cây nữa mà. Nhưng gần đây, rừng của họ bị tàn phá rất nhiều. Dĩ nhiên không phải bởi họ, những người yêu cây, quý rừng. Trên chuyến xe bus từ Luang Prabang về Vientiane những ngày tháng 4. 2010, 1 thanh niên Lào ngồi kế bên đã thở dài khi nói về thiên nhiên Lào đang bị “destroy” – nguyên từ của bạn ấy… tuy bạn ấy không nói là ai, nhưng chắc ai cũng biết…

Những con đường quê đẹp thanh bình trong dáng tre, bóng nắng

Lan man trong những con đường quê êm đềm, những cánh đồng tươi tốt, những hàng cây căng tran sức sống sau mưa… khi tôi đến được chiếc cầu đá xưa cũ, mây mù lại ùn ùn kéo về ụp xuống Siphandon một màn mây đầy nước…

Chiếc cầu đá gần trăm năm tuổi vẫn vững vàng giữa dòng nước xiết cuồn cuộn

Cả ngày hôm sau cũng như ngày hôm trước, cũng chỉ nằm đong đưa trên võng, đọc sách và thả người theo sông, không suy nghĩ nhiều. Vậy mà trận cảm cũng như cơn đau họng đã lùi hẳn. Như vậy là đủ sức cho hành trình thăm thẳm phía trước rồi.

Ngày lười nhác, tôi còn lười hơn dòng sông kia

Lại một chiều nữa bên dòng sông mẹ Mekong. Sông vàng sóng sánh, bia vàng óng ánh, nắng vàng dịu dàng, bánh kếp vàng quyến rũ…

Rồi sau khi rời net lúc 5pm, đang lang thang trên đảo nhỏ Don Dhet, chợt thấy bên kia cánh đồng chợt ráng chiều đỏ rực. Chợt nhớ, hôm nay nắng nhiều, hoàng hôn sẽ về bên kia đảo. Thế là tươm tả bương đồng, chạy ngang qua bờ Tây của đảo, kịp lúc hoàng hôn bắt đầu về rực rỡ trên dòng Mekong hùng vĩ.

Khởi đầu cho một “hoàng hôn rực cháy trên dòng Mekong”

Mặt trời chìm xuống rất chậm và sau khi đã chìm hẳn, ánh dư quang vẫn còn rất lâu. Bầu trời lúc này rực rỡ nhiều gam màu đậm pha vào nhau thật dữ dội. Mặt sông đã lấp lánh lam tím trước khi chuyển sang xanh đen và chìm vào bóng đêm.

Mặt trời đã ngủ yên dưới dòng nước, sao bầu trời vẫn rực sáng như dòng sông vẫn còn đang cháy

Mặt sông chuyển màu rất mê hoặc

Ngồi trên căn chòi bên bờ sông gió nhẹ, thiên nhiên màu sắc hùng vĩ ngoài kia, nhẹ nâng ly Beerlao... mọi chuyện như tan vào hư không.

Ánh dư quang vẫn còn luyến tiếc cõi dương trần, vẫn phả vào bầu trời Mekong một màu sắc huyền ảo!

Có bao giờ tôi quên buổi chiều này?

Thật lâu, sau khi mọi người về hết tôi vẫn còn ngồi. Thói quen của tôi là thường ngồi lại để tận hưởng những giây phút vắng lặng. Chỉ ngồi 1 tý vậy mà đã hơn 7pm. Trời thật tối, cũng may là trời nắng cả ngày nên đường đỡ sình lầy. Tuy vậy cũng phải bấm đèn pin lần mò hơn 20p mới về đến Mr. Phao guest-house. Khác đêm qua, hôm nay không có khách nào ngồi ở nhà hàng của GH. Tôi cũng lười nên nằm ì ở phòng đu đưa võng, đến lúc gần đến giờ tắt đèn mới ra gọi "cái gọi là bữa tối" và vác về phòng, tiếp tục vừa đu đưa vừa nhâm nhi.

10.30pm, trễ hơn hôm qua, đèn tắt hết, trời tối đen. Thành thật mà nói, tính đến đêm nay và cả đêm năm ngoái, tôi ở Siphandon là 3 đêm nhưng chỉ có đêm nay là hoàn toàn tỉnh táo 100% để tận hưởng đêm vùng 4.000 đảo. Vừa đong đưa, vừa nghe T.N trầm lắng "... con dế buồn tự tử giữa đêm sương..." vậy mà cũng đến lúc trăng lên. Trăng ngày 23 AL đó bạn, đã qua ngày mới rồi. Ngắm trăng muộn, lẻ loi 1 lát mới chui vào trong, thăng đường!!!.

Bình minh trên dòng Mekong ở Don Dhet

Ruộng trong nắng sớm

Vậy mà sáng sớm hôm sau tôi cũng lồm cồm bò dậy trước bình minh. Phải tự khen cho mình. Bên ngoài khá lạnh, bình minh vẫn chưa lên, vác cái áo lạnh ra nằm trên võng, mắt nhắm mắt mở chờ bình minh lên. Bên kia sông, chuông chùa thong thả lan trên sông, trong sương, trong gió cứ như đâu gần đây. Bình minh cũng đẹp nhưng không ấn tượng lắm. Chụp xong mấy tấm hình, nằm ngắm bình minh tiếp. Ngắm xong, mở mắt là 7.30am!!!

Hoa trong nhà trọ Mr. Phao

Chùa bên kia sông

Sông Mekong, đoạn ở Don Dhet

Ngay đêm đầu tiên đến Lasha, tôi lang thang trên phố khuya đến gần 11pm mới về.

Ngay sáng đầu tiên đến Lasha, tôi lang thang trên phố sớm lúc 6am giờ TQ (tức chỉ khoảng 3-4am giờ ở các nước bình thường vì Tibet phải xài chung múi giờ với TQ dù cách xa ngàn dặm)...

Trong những lúc phố vắng thênh thang, chỉ có những người dân Tạng mệt nhọc lầm lũi trên phố, chỉ có những cơn gió hè Tibet hun hút chạy qua những phố xưa... tôi mới cảm thấy chút không khí Tạng trở về...

Chiếc cầu bắt qua dòng Yarlung Tsangpa chạy ngang Lasha

Cánh đồng hoa cải mùa hè ở Lasha

Trong những đêm miệt mài góc chùa Jokhang ngưỡng mộ nhìn những người thành tâm quỳ lạy miệt mài, những sáng tinh khôi lang thang trong không khí cao nguyên trong lành pha chút hương thơm ngải cứu đốt ở các đền chùa, tiếng khấn vái lâm râm của dòng người hành hương, tiếng lách cách thanh thanh bé nhỏ của những vòng xe cầu nguyện,... tôi mới thấy mình về Tây Tạng.

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: :::::::::::::::::

Đến Lasha lần này, tôi được viếng Tu viện Ganden, mà lúc tôi đi lần trước vẫn còn bị cấm cửa. Nhiều những câu chuyện hay tôi nghe và học được trong chuyến đi lần này hơn đợt trước rất nhiều.

Đường đến Tu viện Ganden

Một góc tu viện Ganden tôi mến yêu - dù chẳng có gì đặc biệt

Và, ngay ngày đầu tiên đến Lasha, tôi đã cố hết sức để làm vòng khora đầu tiên quanh Ganden, mất 90phut (vì có lạc đường) và cảm thấy hạnh phúc khi thực hiện được vòng khora không dễ cho ngày đầu tiên ở độ cao trên dưới 4.000met này.

Tôi nghĩ ít có nơi nào có nhiều mây trắng giữa trời xanh đến thế

và bầu trời lại gần với mặt đất đến thế

Một ngày bão giông gió cuốn của Hà Nội càng khiến nỗi nhớ những ngày xanh nắng của một nơi rất xa kia nôn nao nhiều hơn... Tôi sẽ chia sẻ cùng mọi người những kỷ niệm vui buồn đầy ắp trong hành trình đi tìm mây trắng vào những ngày tháng sáu trên xứ sở mái nhà của thế giới- Tây Tạng.

Hành trình của chúng tôi từ Hà Nội (2 người) như sau:

11 /6 : Hà Nội- Nam Ninh- Thành Đô

12/6 : Thành Đô- Lhasa

13/6 : Trên tàu Thành Đô- Lhasa

14/6 : Lhasa

15/6 : Tu viện Drepung và Sera

16/6 : Potala và Jokhang

17/6 : Tu viện Ganden và hồ Namtso (ngủ đêm tại Namtso)

18/6 : Từ Namtso quay lại Lhasa

19/6 : Lhasa- Gyantse, thăm Pelchor Chode, Dzong

20/6 : Shigatse (thăm Tashilhungpo)- Sakya

21/6 : Tu viện Rongbuk và Everest Base Camp (ngủ đêm tại EBC)

22/6 : EBC- Saga

23/6 : Saga- Paryang

24/6 : Paryang- Hồ Manasarovar (ngủ đêm tại khu vực hồ)

25/6 : Tới Darchen

26/6 : Ngày 1 của kora vòng quanh Kailash (ngủ đêm tại tu viện Dira-puk)

27/6 : Ngày 2 của kora quanh Kailash, vượt con đèo cao nhất của hành trình là Drolmo-la (5630m) (ngủ đêm tại tu viện Zutul- puk)

28/6 : Ngày 3 của kora quanh Kailash- Darchen- Tirthapuri- Guge Kingdom

29/6: Thăm Tsaparang, Tholing ở thung lũng Zanda

29/6: Guge Kingdom- Paryang

30/6: Paryang-Zhangmu

1/7 đến 4/7: Kathmandu

Thành Đô là địa điểm chúng tôi hẹn gặp và bắt đầu hành trình tới Tây Tạng cùng 2 nhóm bạn đồng hành bay từ TPHCM qua KL/BKK và 1 nhóm từ Bắc Kinh tới.

Ngày kế tiếp ở Thành Đô vẫn mưa dầm rả rích. Việc tìm taxi đi chơi bất cứ địa điểm nào cũng hết sức khó khăn, mà khi tìm được taxi rồi thì thật ấn tượng khôn tả với động tác khạc nhổ của các bác tài xế Thành Đô. Có bác cá biệt còn tự nhổ ra cả xe mình...

Sáng hôm ấy đại lý của FITSnowland mang vé tàu đến khách sạn cho chúng tôi. Trước khi đến Thành Đô, thực ra đã có liên hệ với SimCozy nhờ mua vé tàu nhưng vì cả mấy nhóm không mua tour của Simcozy nên thấy các bạn không hào hứng giúp cho việc mua vé. Với đại lý của FITSnowland, mỗi vé phải trả thêm 100 RMB tiền phí. Giá vé tàu Thành Đô- Lhasa hiện giờ như nầy

Vé ngồi: 331 RMB

Nằm cứng tầng 3: 671RMB

Nằm cứng tầng 2: 692RMB

Nằm cứng tầng 3: 712 RMB

Nằm mềm tầng 2: 1065 RMB

Nằm mềm tầng 1: 1104RMB

Nhóm 1 của chúng tôi có 8 người chiếm trọn 1 khoang 6 giường và 2 giường nằm ở khoang khác. Nhóm Tibet- Tân Cương có tới 2 nhân đi vé ngồi, chúng tôi không nhìn thấy nhau trong suốt hành trình trên tàu vì có sự ngăn cách giữa khu vực ghế ngồi và toa nằm.

44 giờ đồng hồ trên chuyến tàu Thành Đô-Lhasa (3360km) quả thực là dài hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều. Chúng tôi hi vọng việc chọn đi tàu sẽ giúp mọi người thích nghi dần với độ cao để có sức khỏe cho hành trình hơn 20 ngày đi sắp tới tuy nhiên do vỏ tàu được thiết kế đặc biệt, khi lượng oxy ngoài trời bắt đầu loãng đi nhiều ở độ cao từ 3000m trở lên thì trong khoang tàu cũng tự cân bằng đủ lượng oxy cho hành khách cho nên mức độ thích nghi khi đi tàu chắc không khá hơn với việc đi máy bay. Bắt đầu từ độ cao 3600m, các triệu chứng của AMS bắt đầu xuất hiện và chúng tôi bắt đầu không phấn khích với việc leo lên giường tầng 3 như lúc đầu. Tại mỗi vị trí giường nằm đều có khu vực nhét ống thở để hành khách có thể hít nếu cảm thấy quá thiếu oxy nhưng cũng rất may mắn chưa một ai trong nhóm phải dùng tới ống hút này. Hơn nữa trên tàu đa phần là hành khách người Trung Quốc với thói quen không bấm nút Flush ở nhà vệ sinh đã khiến cho mỗi lần phải sử dụng toilet như một lần bị tra tấn. Ngoài thời gian ngủ, chúng tôi bận bịu với công việc ăn, đánh bài, uống thuốc Tanakan (hoạt huyết dưỡng não) + các loại vitamin và canh toilet sạch cho nhau.

Ngoài ra lựa chọn việc đi tàu cũng vì hi vọng có dịp được ngắm một số cảnh quan nổi tiếng như hồ Thanh Hải, đèo Tanggula, dãy Côn Lôn hay Khả Khả Tây Lý không nằm trong hành trình chủ yếu nằm ở vùng U,Tsang và Ngari lần này. Tuy nhiên do sự ồn ào của hành khách và thông tin trên loa tàu thì chủ yếu là tiếng Trung Quốc nên chúng tôi chỉ có thể nhận ra được hồ Thanh Hải trên chặng đường đi. Dãy núi Côn Lôn và đèo Tangula (5072m) thì chắc đã đi qua trong đêm vì khi tỉnh dậy đã thấy GPS chỉ con số max elevation mất rồi

Mọi người cũng lưu ý một điểm là hệ thống xạc điện trên tàu hoàn toàn không hoạt động. Trước khi rời Thành Đô vì chủ quan về thông tin có ổ cắm trên tàu nên tôi không hề chuẩn bị xạc pin cho các thiết bị điện tử, tới lúc qua những dòng sông băng, những thảo nguyên bát ngát dưới trời xanh đầu tiên của đất Tạng thì cả 3 cái máy đều không còn một chút năng lượng, tiếc hùi hụi mà hoàn toàn bất lực vì cả đoàn không một ai dùng thiết bị giống mình mà cho mượn.

Đây là hình ảnh hiếm hoi về hồ Thanh Hải, hồ nước mặn lớn nhất trên cao nguyên Thanh- Tạng mà tôi chụp được qua cửa sổ tàu

chùa Jokhang- linh hồn của Lhasa và cả Tây Tạng. Khách sạn này nằm ở vị trí khá tiện lợi cho việc đi lại, mua bán và có đầy đủ các dịch vụ khách du lịch cần như internet (dù rất chậm), in sao đĩa CD/DVD hay giặt quần áo với giá cũng không quá đắt, đặc biệt nếu bạn lựa chọn việc ở phòng dorm phía ngoài.

Ở FITSnowland, một lần nữa 2 đứa chúng tôi lại gặp phải vấn đề với cái toilet trong phòng giá 50 tệ/ người và cũng rất buồn cho chúng tôi là toilet luôn là vấn đề nan giải trong suốt cả hành trình này.

Tôi nghĩ có lẽ không cần phải nói nhiều về Lhasa với cung điện Potala nằm ở độ cao so với mực nước biển nhất trên thế giới hay đền Jokhang vì gần đây thông tin chia sẻ về những nơi này đã rất kỹ lưỡng trong các topic bên mục Diệu kỳ châu Á, chỉ xin chia sẻ với mọi người một vài bức ảnh chụp phía ngoài Potala trong những thời khắc khác nhau trong ngày

Quảng trường trước mặt Potala khi bình minh lên

Potala soi bóng dưới ao trong nắng hè gay gắt

Một góc khác phía ngoài Potala

Ngày thứ 2 ở Lhasa, một sự cố nghiêm trọng xảy ra khiến chúng tôi đã nghĩ không còn cơ hội vào trong Potala...

Trong suốt hành trình lần này tôi luôn quán triệt phương châm không chụp ảnh khi phải trả tiền nhưng ở Sera đã tự phá lệ một lần trả phí để chụp ảnh hai cái mandala bằng cát (2mx2m) các lạt ma đã làm trong cả 7 tháng trời

Thực ra trong cả hành trình trên đất Tạng lần này chúng tôi cũng chỉ có cơ hội được nhìn thấy mandala 3D thực thụ thế này duy nhất ở tu viện Sera

Nắng sớm

Tuyết bên đường

Này thì cừu, lúc này vẫn còn rất hăng hái thi nhau chụp

Hồ Thanh Hải

Buổi sáng ngày thứ 3 trên đất Tạng, chúng tôi lên đường đi thăm tu viện Ganden. Đây là lựa chọn số 1 cho du khách mới đến Tây Tạng làm quen với sự thay đổi độ cao thêm gần 1000m nữa so với Lhasa.

Con đường trải nhựa đẹp đẽ đi ra ngoại ô thành phố đưa chúng tôi đến với không gian khoáng đạt của núi non hùng vĩ, cây cỏ đang tràn đầy sức sống giữa mùa hè

Có những đoạn cảnh trí đẹp như tranh vẽ

Những cánh đồng hoa cải vàng rực rỡ chạy dọc theo thung lũng Kiychu

Đó là một ngày rất nhiều mây, bầu trời không trong xanh như hai ngày trước nhưng lại là cơ hội tuyệt vời cho cả bọn chúng tôi lao xuống các đồng cải để pose mà không bị cháy nắng

Tu viện Ganden nằm tít trên đỉnh núi Wangbur cách Lhasa khoảng 40km về phía đông.

Để lên tới tu viện, xe phải đi qua 17 khúc quanh như thế này

Phía dưới là Kyi-chu, nếu tới thời điểm này cải vàng có lẽ sẽ ngập tràn cả thung lũng

Cùng với Drepung và Sera, Ganden là một trong 3 tu viện quan trọng nhất của phái Hoàng mạo ở Tây Tạng do vị tổ sư Tsongkhapa (Tống Khách Ba) sáng lập. Những gì có thể nhìn thấy hiện nay ở Ganden là thành quả trùng tu xây mới từ năm 1982 vì trong Cách mạng văn hóa của Trung Quốc toàn bộ tu viện đã bị tàn phá nặng nề. Tất nhiên nếu so với những tấm ảnh cũ của Ganden từ trước năm 1959 thì quy mô hiện tại của Ganden còn xa mới bằng tu viện cũ xây từ 601 năm trước.

Đứng chụp ảnh tại khu vực có tấm biển chỉ dẫn bằng tiếng Trung Quốc này, một lần nữa hướng dẫn viên lại nhắc nhở chúng tôi không được quay ngược ống kính lại phía sau vì có một bốt cảnh sát đang theo dõi phía ngoài và anh cũng nhắc luôn "trưa nay đi về lại Lhasa chúng mày đừng có quay lại khu đền Ramoche ăn trưa nữa nhé". Thế mới buồn :|

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::::::::::::

2 bạn đồng hành của tôi không viếng lại Cung Potala vì đều đã đi rồi. Tôi vẫn viếng cung Potala, dù tôi cũng đã đi rồi.

Chuyện buồn kể nhiều không hay trong topic ngắn vội vã này, nhưng tôi thật sự thất vọng và rất mừng là tôi đã may mắn được viếng Potala 2 năm về trước. Còn bây giờ....

Rồi tôi về, leo lên nhà hàng trên sân thượng ngồi, lặng nghe, lặng ngắm một nhóm phu hồ cả nam lẫn nữ đang vừa ca hát vừa đằm cái mái nhà. Họ lao động nhịp nhàng như đang biểu diễn trên sân khấu. Cứ dàn hàng ngang và tay cầm những chiếc đầm (để nện chặt đất), họ nhịp nhàng bước lên, đầm, bước ngang, bước lui... theo điệu nhạc rộn ràng cả một trưa nắng Jokhang... Tôi như say, như mê... mải mê nghe điệu nhạc Tạng rộn ràng trong khi đang lao động của họ. Cuộc sống của họ đơn giản như vậy thôi, sao quá khó kiếm tìm...

Cung Potala trong nắng trưa

Cung Potala trong nắng chiều

Xế chiều, nắng thật gắt quanh Potala... điều này lại rất tốt, làm các bạn Hán trốn nắng nơi đâu, trả lại Potala cho những người dân Tạng hiền lành vẫn nhẫn nại hành hương vòng khora quanh Potala linh thiêng mến yêu của họ...

... và còn có một người....

2010.06.16 Chuyện ngày cũ bên cung Potala

Chiều đó, sau khi gõ net lóc cóc, bpk lại một mình về lại Potala

Nắng đã vàng rực trời Lasha. Những ngày hè, Lasha thật nắng nóng, còn hơn cả Đà Lạt nữa, và cái nắng vàng cuối ngày lại nhuộm Lasha, nhuộm Bạch Cung, Hồng Cung của Potala thêm màu huyền hoặc.

Potala trong chiều xanh

Thong thả theo dòng người thành kính vòng khora quanh Potala, tôii thi thoảng lơ đễnh đưa tay quay bánh xe cầu nguyện chạy vòng quanh cung. Có lúc tôi vừa đi vừa quay, vừa cầu nguyện suốt cả vòng khora nhưng chiều nay, tôi chỉ đi theo dòng người, mà thôi. Nhưng tôi hơi ngạc nhiên là sao lúc nào những bánh xe cầu nguyện nơi cung Potala luôn nhẹ nhàng êm ái khi quay. Tôi chỉ nghĩ rằng có lẽ do nhiều hành hương nơi đây, quay nhiều nên trục những bánh xe này mòn nhẵn dễ quay.

Tôi vẫn nghĩ vậy, cho đến chiều nay....

Trong bóng chiều đổ vàng, trong dòng người nghiêm trang vòng theo dòng khora, cả những tiếng vui đùa vô ý thức của những thanh niên Hán, có một người cần mẫn cầm bình dầu đi nhỏ từng giọt, từng giọt... vào từng chiếc bánh xe cầu nguyện. Nhưng tôi vũng chẳng kể với các bạn điều này làm gì, nếu như người đó không phải là một cụ bà đã trên dưới 80 tuổi, lưng đã còng xuống theo thời gian. Lặng người, tôi cứ đi theo cụ, cụ cứ miệt mài, cần mẫn nhỏ từng giọt dầu, sau đó, lại quay xem bánh xe đã êm chưa, nếu chưa, cụ lại châm tiếp.... Cứ thế cụ cứ đi theo vòng khora, không ngơi nghỉ. Đi theo cụ, đôi lúc tôi còn nghẹn hơn khi có những bà cụ khác chống cặp nạng vẫn lò dò vừa đi vừa quay bánh xe cầu nguyện, hoặc có những bà cụ khác, còn già hơn cả cụ này cũng đi theo vòng khora... 2 cụ trò chuyện đôi chút, rồi bà cụ kia tiếp tục đi, "bà cụ châm dầu" vẫn lặng lẽ công việc của mình.

Người Tibet vậy đó!

Có lẽ sẽ có những câu chuyện hay khác về hành trình Tibet các bạn khác sẽ kể lại, nhưng tôi lại muốn kể với các bạn một câu chuyện làm tôi lặng người cả buổi chiều ở Potala này.

2010.06.17-18 Hồ thiêng Namtso vẫn kiêu hãnh rực sáng trong ngày hè rực nắng

Cụ bà cần mẫn nhỏ từng giọt dầu vào từng chiếc trục bánh xe

Đêm trong quán bar ở Lasha, tôi say đắm trong các vũ điệu Tạng sôi động

Sau đêm "ăn chơi" ở quán bar của người Tạng đến gần 1am, sáng hôm sau, tôi lại lên đường đi hồ Namtso, hồ thiêng và cũng là một trong những cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất của Tibet. Hành trình viếng thăm và nghỉ lại đêm ở hồ, ở độ cao 4.700m, cao hơn Lasha 1.100m cũng là một trong những thử thách cho hành trình đến Everest Base Camp (5.200m) và sau cùng là Kailash (5.600m). Và với tôi, tuy là đi Tibet lần 2, nhưng đây là lần đầu tôi được viếng hồ Namtso (lần trước bị cấm), do vậy, tôi hạnh phúc lên đường....

:::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::: ::::::::::::

Nhưng tôi không hạnh phúc trên đường đi (lẫn về) khi gặp những đoàn xe quân sự hùng mạnh tiến về Tibet. Bầu trời trong xanh vời vời, những con đường hun hút lá, những cánh đồng hoa cải miên man vàng hơn hớn khép nép dưới chân những dãy núi tuyết trắng phau... như bị xé tan tàn bạo bởi "những con crocodile" - như lời của Pema - HDV

Những tôi không hạnh phúc khi ở Namtso mỗi ngày tôi thấy có hơn 50 chiếc xe khách du lịch (24-48 chỗ) ầm ập chở những bạn Hán vui tung tăng hớn hở tràn về xâm chiếm Namtso, với đầy những "súng to, ống dài" phô phương khắp chốn...

Nhưng tôi không vui lắm khii những người dân Tạng hiền lành nơi đây đã bị thay đổi, khi ngỏ lời gạ gẫm các bạn gái cùng đi rằng có muốn đi "..." với các bạn thanh niên trẻ ấy không. Nếu như không muốn nói là tôi đã sốc, vì câu chuyện không dừng lại một lần.

Namtso bây giờ vậy đó sao?!

::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::::

Bỏ qua hết tất cả, tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn chút hình ảnh rực rỡ của Namtso những ngày này. Tôi không biết mai này Namtso sẽ ra sao? Bầu trời có còn xanh trong hay đã nhuốm chút khói bụi như Lasha bây giờ, và những Baber shop trá hình sẽ mọc lên như nấm như ở Shigatse hay không?... Tôi chẳng biết, chỉ biết hồ thiêng bây giờ còn tươi đẹp và linh thiêng lắm. Bỏ qua những phiền muộn, tôi đã rất hạnh phúc được đến nơi này.

Những đoàn xe xé nát Tibet

Namtso lặng lẽ lúc bình minh không có nắng

Namtso rực rỡ nhìn từ trên đồi cao

Namtso lấp lánh trong chiều

:::::::::::::::::::::::::::::::::::

Chuyện về Namtso còn dài... Bây giờ, tôi phải rời net, để về, để đến nhà Pema, nơi người dì và các cô em gái Pema đang chuẩn bị bữa liên hoan thân mật đón chào những "đứa con mới", như cách dì gọi. Hy vọng, tôi sẽ có những câu chuyện đầy tình người Tibet để chia sẻ đến các bạn!