Phan An Khoa-Chuyện vỉa hè

Chuyện Vỉa hè

Phan An Khoa

Từ "vỉa" có nhiều nghĩa. "Vỉa" có thể là một phần nào đó viền ngoài, có thể là động tác vút lên. Tôi thích nhìn "vỉa" theo cách nhìn của nhà địa chất. Khi đó "vỉa" là những tầng quặng bí ẩn chờ khám phá.

"Vỉa hè" thì dĩ nhiên không phải các tầng địa chất. Vậy nhưng vẫn có những điều cần và muốn được khám phá. Thường thì vỉa hè được lát bằng gạch. Xửa xưa thì là gạch chỉ. Thứ gạch nung từ đất đỏ au, dễ hút nước và nhanh chóng khoác lên mình tấm áo rêu xanh sậm. Sau thì được đổi thành gạch xi măng. Gạch xi măng thường vuông, to chứ không dài, mảnh hình chữ nhật như gạch chỉ. Thứ gạch này không hiểu sao hàm lượng cát lại hay cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Nó dễ tổn thương ngoài rìa. Độ mài mòn cao nên rất tốn dép nhựa. Sau nữa thì nhiều nơi vỉa hè lát bằng đá. Đá thì thách thức thời gian tốt hơn. Đá mang lại sự sang trọng nhưng đôi khi làm người ta lố bịch vì sự trơn trượt. So với gạch chỉ và gạch xi măng thì đá thiếu hẳn sự thân thiện. Tình cảm vốn hay gắn với những gì nồng, ấm, mềm, ẩm, ướt. Công nghệ cao cho phép lai tạo giữa màu của gạch chỉ với chất liệu của gạch xi măng thành gạch tự chèn. Gạch này có nhiều hình dạng. Vỉa hè bỗng trở thành các bài tập hình học. Có khi lại như vuông thổ cẩm. Gạch tự chèn thoát nước tốt, dễ trang trí, tiện thi công, bề mặt cứng. Nói chung là lý tưởng để lát vỉa hè nếu như người ta không muốn cậy nó lên mà thay bằng những viên gạch,… tự chèn khác. Mọi thứ rồi sẽ đổi thay, kể cả những viên gạch lát hè đường. Rồi mai đây, rất có thể chúng ta lại thấy vỉa hè được lát bằng loại gạch mới. Gạch cao su. Gạch này thì chắc chơi đá cầu rất sướng, ngã đỡ đau nhưng chơi quay thì cần cẩn thận.

Vỉa hè là nơi nâng đỡ những bàn chân. Có gót giày kiêu kỳ, có đế giày mòn lệch, có bàn chân chai sạn và có cả tiếng bi bô của em bé tập đi vừa rơi xuống êm đềm. Đời mấy ai nhìn lại dấu chân mình vừa qua. Được mấy ai sẻ chia với thân phận kẻ lót đường. Nhưng có sao đâu, vỉa hè vẫn hân hoan chào đón mọi người vào mỗi sớm. Cơ hội chia đều và bình đẳng cho nhau dưới ánh mặt trời.

2.

Gạch chỉ có ông bạn đồng hao là gạch lá nem. Gạch lá nem cũng từ đất nung, vuông như gạch xi măng. Gạch này thường lát sân nhưng lát vỉa hè những nơi gần đình đền miếu phủ thì rất hợp. Nó thẩm thấu được thời gian, trầm lặng và hay ưu tư dù không nhăn trán. Con trai của gạch chỉ cũng là một loại gạch nung. Nhỏ xinh, hình vuông có những khía đều như khi người ta lọc mắt dứa. Nhìn chung, những loại gạch nung hay hoài cổ. Đám con trai của gạch chỉ dễ làm người ta nhớ đến những ngôi biệt thự quét vôi vàng kiểu Pháp. Ở đó, hàng rào sắt uốn cong thả những chùm ti gôn mơ mộng. Chẳng ai cấm đâu nhưng ai muốn đi bộ ngoài những ngôi nhà đó, trộm nhìn ai đó, cũng hay bị giật mình khi bất chợt có bóng ai hiện ra trước hiên nhà. Cứ như mình đang thưởng thức trộm.

Vỉa hè còn có những viên "giả gạch". Chả lẽ đến gạch vỉa hè còn làm giả? Không phải, người ta chỉ làm gian làm dối thôi. Còn viên giả gạch được tạo ra từ những lớp xi măng láng trên hè phố. Bác thợ dùng thước và mũi bay vạch thành những ô vuông đều tăm tắp. Lũ trẻ chơi ô ăn quan hoặc chơi bi thì khá tiện lợi.

Không chỉ làm từ đất nung, xi măng, hỗn hợp cát và xi măng hay cao su, vỉa hè còn được lát bằng những viên gạch làm từ vật liệu rất tầm thường là rác thải. Nghe ra rất rẻ rúng nhưng không phải vậy. Với Việt Nam vỉa hè còn rất sang và xa xỉ nữa là đằng khác. Có năm vỉa hè được thay tới mấy bận. Chẳng ai biết được số phận những viên gạch cũ thế nào. Tôi e rằng chúng lại thành rác thải mất thôi.

Bạn thích là viên gạch gì? Tôi thích làm viên gạch chỉ. Tôi thích uống nước, thích có nhiều rêu và thích màu xanh sẫm. Bây giờ tôi là tôi nhưng từ lần sau tôi là viên gạch chỉ.

3.

Nóng thì là mùa hè. Nắng tràn trên thân thể tôi. Có những lớp rêu khô rồi trôi theo gió tựa như những tế bào chết trên lớp da người. Cơn mưa rào đổ nước nhanh đến độ uống không kịp, tôi đành làm nước tắm. Khi tôi thấy mình sảng khoái thì cũng là lúc mặt hồ dềnh cao. Rác cũng dềnh lên. Những cành khô quất làm tôi đau nhói. Bọn túi ni lông làm tôi nghẹt thở. Chú cá rô rạch qua để lại những vết cào còn tên chuột cống làm tôi rúm mình vì những giọt nước đen hôi thối. Bù lại, về đêm khí trời dịu mát hẳn. Tán lá cây rung rinh đổ bóng trên mặt những vũng nước loang lổ. Trông tôi lúc ấy mặt mày méo mó như mẻ thuỷ tinh thổi hỏng. Lũ kiến chậm rãi từ gốc cây bò xuống tìm lối về nhà.

Mùa thu sang vỉa hè chừng vui hơn với những niềm vui sâu lắng. Đám lá chuyển từ xanh sang vàng nhẹ nhàng đậu xuống kể chuyện. Những câu chuyện không đầu không cuối. Nhiều lúc đám lá tranh nhau kể. Chuyện về đôi chim ngày nào cũng cãi nhau mà một năm hai lần chim mái vẫn đều đặn nằm ổ. Chuyện có chú chuồn chuồn mải chơi không để ý, đám lá đã vẫy tay báo hiệu mà vẫn không kịp. Chú ta sa vào, giãy giụa vô vọng giữa tấm lưới trong suốt dưới ánh mặt trời của lão nhện. Kể đến đó, chiếc lá vẫn run cái cuống khô vì sợ hãi. Phần lớn những câu chuyện kể tôi nghe không kịp. Chiếc lá này chưa xong lá khác đã ào tới. Mùa thu đôi lứa dạo trên vỉa hè cũng nhiều hơn. Họ đi sát nhau hơn, có lúc như chập vào làm một.

Sang đông, vỉa hè vắng lại. Có buổi sớm rét mướt, hai phần ba thành phố còn nằm trong chăn, trên vỉa hè vẫn có bác trộn than mê mải moi bùn nhào nặn. Có buổi tối rét đậm, hai phần ba thành phố đã nằm trong chăn, ngoài vỉa hè vẫn có chú bé đánh giầy nghẹo cổ gặm bánh mỳ. Cái bánh mỳ của chú, nói dại, chẳng may rơi xuống vỉa hè, có khi không phân biệt được đâu là gạch đâu là bánh. Vắng thế nên mùa đông là lúc vỉa hè được nghỉ đông. Không như trẻ em lại nghỉ hè. Đó là khoảng thời gian chúng tôi tích luỹ sức lực. Ai nấy chăm chỉ thể dục để thân hình đầy đặn. Vá víu những vết thương.

4.

Nói chuyện về vết thương. Bề ngoài có khi gạch cũng như… người. Tức là da thịt cũng trầy xước khi bị thương và tâm hồn cũng đau nếu là vết thương lòng. Thậm chí con người còn chịu đựng tốt hơn hòn gạch. Nếu như cùng lúc bạn vừa bị mất việc, người yêu bỏ và lũ quét cuốn trôi nhà thì trái tim bạn chưa chắc đã vỡ. Còn tôi, chỉ những chấn động của lũ xe tải chạy ngang đường cũng đủ làm tim tôi vỡ nát như cốc sữa chua để trong ngăn đá tủ lạnh rồi đột ngột bỏ ra ngoài. Khi tôi đau, tôi không bày tỏ được với ai. Không nhúc nhích, không cầu nguyện, không kêu cứu. Nỗi đau cứ lặn vào trong tâm khảm tạo thành những vệt nứt mơ hồ. Bạn bè làng xóm cũng không giúp được. Giữa tôi và họ chỉ là mạch vữa, mạch cát mong manh nhưng không thể vượt qua.

Những vết xước trên da người rồi sẽ lành còn vết thương trên da tôi sẽ chỉ sâu thêm. Tôi không có khả năng tự bù đắp cho mình. Thịt da tôi là cái gì đó hữu hạn và không thể tự tái tạo. Từ vết xước nhỏ rồi nắng mưa sẽ biến thành vết hằn sâu hoắm. Tôi thích rêu là vì vậy. Rêu che chắn cho tôi. Rêu làm tôi dịu mát và che đi những khiếm khuyết. Rêu đối với gạch cũng như quần áo đối với con người. Thiếu quần áo con người thường co rúm lại vì bản năng tự vệ. Tôi thiếu rêu thì tôi cũng chỉ biết nằm trơ vì tôi không thể tự co mình.

Những viên gạch đi qua năm tháng để lại quanh mình thứ màu bàng bạc. Đó là màu thời gian. Khi động vào có lớp bụi khẽ rơi ra. Đó là bụi thời gian. Người ta hay ngắm những cổng làng hay những con đường làng bằng gạch mà trầm trồ vì sự vĩnh cửu. Người ta coi đó là những chứng tích, cho rằng chúng tôi có khả năng thách thức vòng quay của mặt trời và mặt trăng. Có hay đâu bao vết thương của những thăng trầm đã chìm sâu vào thớ gạch. Nó len lỏi như những mao mạch và phá huỷ từ bên trong. Gạch đã chết từ khi thôi làm đất. Nếu không tin bạn thử gỡ một viên ra mà xem. Dù có cẩn thận đến mấy thì viên gạch cũng rã rời thành bao mảnh. Người đời gọi hiện tượng đó là gạch bị "om".

5.

Có bao nhiêu vỉa hè thì có bấy nhiêu đời viên gạch. Đời gạch dĩ nhiên không giống Đời cô Lựu. Đời cô Lựu phụ thuộc vào soạn giả cải lương còn đời gạch vỉa hè phụ thuộc vào nơi nó ở.

Bà vợ mỡ màng, người hay ướt sũng còn ông chồng đen nhẻm, vóc dáng gầy gò đích thị là vợ chồng anh chị gạch ở phố ẩm thực. Nước dùng ở đó lúc nào cũng chực trào ra còn lò than thì như nung lại gạch hàng ngày. Anh bạn tề chỉnh, tay chân vuông vắn, mặt mũi sáng bong thì chỉ có ở phố khách sạn. Bác gạch nom thờ ơ, cảnh phục trang nghiêm nhưng tay chân đầy trễ nải là trên phố đại sứ quán. Mấy chị mặt bóng lừ như soi gương được, thấy khách qua là hé mắt cười duyên thì ngụ ở phố mỹ phẩm. Mấy gã sứt sẹo đầy người đang bảo kê cho mấy mợ mồm thía lia chuyên bị kê dép lên đầu thì không đâu khác phố chợ cóc. Ở phố học sinh, có chàng gạch một mắt nhìn áo trắng, một mắt ngước lên vòm cây, mồm lúng búng không thành tiếng. Áo rêu phẳng phiu thêu vài chiếc lá, thi thoảng lại một đôi ngọn cỏ nhú chồi đợi nắng là mấy cụ gạch phố cũ phố cổ. Nằm xoãi chịu trận, mặt đầy khói nhang là mấy bà goá phố tai nạn giao thông. Thân phận hiền từ, lim dim mắt ngủ là cụ gạch phố nhà chùa. Môi son đỏ choét, bốn góc cứ chực bật lên ngáng kẻ qua đường là mấy ả phố cave. Khói thuốc thơm lừng, quần là áo lượt nhưng hay nói bậy là mấy anh chị phố công chức.

Có đời gạch thanh bình, lúc nào cũng lãng mạn được phủ bóng dưới ba hàng cây như những vỉa hè chạy quanh hồ Thiền Quang nhưng có những đời gạch phơi nắng võ vàng lại toàn bị que kem ném bèn bẹt vào mặt như vỉa hè không bóng cây xanh phố Tràng Tiền. Có đời gạch hồn nhiên, tươi trẻ nơi vỉa hè bao quanh công viên, vườn trẻ nhưng cũng có đời gạch thấp thỏm, sợ sệt nơi vỉa hè của đồn cảnh sát, trại giam. Có đời gạch chết trẻ, vừa mới lát chưa bao lâu đã bị đào lên thay thế nhưng có đời gạch trường thọ, càng để lâu càng không ai dám đụng. Ấy là chết lần thứ hai. Chết gì thì chết cuối cùng vẫn là chết. Người chết thành hồn ma còn gạch chết thì thành "đống gạch vỡ" - ngoài Bắc hay "đống xà bần" - trong Nam.

6.

Trong thơ ca, gạch vỉa hè cũng chịu nhiều thiệt thòi. Có lẽ ít ai chịu ghi những sáng tác thơ văn của mình có nguồn gốc xuất xứ hoặc địa điểm sáng tác là vỉa hè. Dù rằng không ít những áng văn hay, tứ thơ trác tuyệt đã ra đời khi tác giả của chúng đang ở vỉa hè. Phía dưới tác phẩm, ghi là Một tối mùa đông, Dưới chân thành cổ, Kinh đô ánh sáng, Sau mưa, Từ miền xa thẳm,… chắc sẽ trữ (nhiều) tình hơn là ghi cụt lủn Vỉa hè. Thơ vỉa hè hay bị lẫn với thơ đề. Dù có là vỉa hè bằng đá hoa cương đi chăng nữa.

Kể cũng hơi bội bạc cái vỉa hè. Thử ra phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí xem, vỉa hè bày đầy thơ ca nhạc hoạ từ nổi tiếng đến tai tiếng. Các nhà thơ, nhạc sĩ ngự trên vỉa hè đầy gió bụi mà chả thấy ai kêu ca gì. Ai cũng hiểu, sách mình ra được đấy là cơ hội đến với công chúng, cơ hội được mua về nhiều gấp bội lần những giá sách sang trọng trong tủ kính lấp lánh đằng kia.

Vỉa hè đã hẩm hiu thế nên gạch lát vỉa hè có số phận đìu hiu không kém gì. Trong âm nhạc nếu chỉ tìm thấy một "chiều tím loang vỉa hè" thì cũng chỉ tìm thấy một "hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui" trong suốt chiều dài âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Nhà thơ Tố Hữu, hồi còn chưa nổi tiếng, trong một tâm trạng bất hợp tác với chế độ đương thời cũng đã "nện gót trên đường phố Huế. Dửng dưng không một cảm tình chi". Thể nào chả có lúc nhà thơ đi trên hè phố (vì không lẽ lúc nào cũng đi dưới lòng đường) nhưng dù có "nện gót" trên hè phố Huế (tức là phố ở Huế chứ không phải ở Hà Nội) thì chắc lúc ấy nhà thơ cũng "dửng dưng" với những viên gạch vỉa hè y như vậy mà thôi.

Một lãng tử "Tô Vũ chăn dê" giữa thành phố, người đã lấy vỉa hè làm nhà suốt nửa đời còn lại của mình là nhà thơ Bùi Giáng. Biết bao vỉa hè Sài Gòn ông đã từng qua và cư ngụ. Ở đó, ông đã để lại cho đời những vần lục bát điếng đau, mơ hồ và siêu thực. Nhà thơ đứng đó, một kẻ hành khất tình yêu giữa vỉa hè quen mà lạ. Cái vỉa hè nằm ở giữa thời gian, một nơi không xác định, chỉ biết là "mùa xuân phía trước miên trường phía sau".

Nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi cũng có những câu thơ bất hủ thường xuất hiện trong các đề thi Văn các cấp. "Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Tôi cứ hy vọng cái "thềm nắng" ấy chính là cái thềm gạch, nơi nhô ra ở vỉa hè. Khổ thế đấy! Chưa già mà đã hay tủi thân, lại hay hoài niệm. Ai bảo đời những kẻ thấp bé không có ước mơ to. Tủi thân vì phận "gạch" cứ phải đi kèm với "đá", không biết có được như "tùng" với "bách" hay là "tre" với "trúc" không? Tôi chẳng thể yêu cầu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bỏ chữ "đá" ra khỏi câu hát hay cũng chẳng thể bắt nhà thơ Nguyễn Đình Thi ghi rõ là "thềm gạch" thay vì "thềm nắng" được. Tôi cũng chẳng thể hỏi xem nhà thơ Tố Hữu có thật "dửng dưng" với chúng tôi không hay "gã điên" Bùi Giáng có nhớ đến Nhà Xuất bản Vỉa hè không? Họ đã chết cả rồi.

7.

Gạch là một chất liệu. Điều này hiển nhiên chỉ trừ trong thơ ca. Giả dụ thơ ca mà cứ lấy gạch vỉa hè ra làm chất liệu chắc thành trường ca hay trường thi về công nhân giao thông công chính mất. Thơ ca thiên về mạch vữa hơn. Cái sự kết dính dễ nên thơ hơn. Chả thế mà những người sành đọc thường khoe là mình đọc giữa hai hàng chữ. Cũng bởi thế mà trong thơ ca người ta chỉ dùng "gạch nối", "gạch chéo" hay "gạch đầu dòng" mà thôi. Bỏ qua vụ thơ ca, bước qua một lĩnh vực còn cao siêu hơn nhiều, đó là lịch sử. Giật mình vì hoá ra trong cái thế giới dùng quá khứ để soi rọi tương lai này, gạch lại có một vị trí hết sức trang trọng và quan trọng.

Khi Hoàng thành Thăng Long được phát lộ, điều làm bàng hoàng nhiều nhà khoa học và nghiên cứu chính là gạch. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy gạch Giang Tây quân thời Cao Biền, gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên thời Đinh, gạch, ngói các thời Lý, Trần, Lê. Trong số di vật còn tìm được cả gạch có tự dạng Chăm cổ. Gạch được dùng khắp nơi. Gạch xây thành, làm rãnh thoát nước, thành giếng, lát đường đi và dĩ nhiên có cả những vỉa hè.

Chưa bao giờ đời gạch lại lên men đến thế. Gạch được cọ rửa cẩn thận, đặt lên lớp nhung đỏ, bày trong tủ kính. Mỗi ô kính còn có đèn mắt trâu mắt cua hắt sáng bảo đảm tối đa sự huyền ảo. Riêng về các loại gạch với những lằng nhằng Hán tự đã có cả loạt bài viết dài. Thử tưởng tượng mà xem. Cách đây cả ngàn năm, có lúc gạch đã là chất liệu của chiến tranh. Không biết thời đó gọi là gì, bây giờ gọi là "củ đậu bay". Tục ngữ dân gian hiện đại còn lưu dấu "Ba năm võ Tàu không bằng một chầu củ đậu". Thế mới hiểu vì sao mấy nghìn năm dân nước Việt (Nam) vẫn giữ được mình bên cạnh gã hàng xóm thâm nho. Rồi đùng một cái, gạch thành chất liệu của lịch sử. Cứ thản nhiên sù sì sứt sẹo mà kể chuyện đời mình. Xếp những đời gạch cạnh nhau và chồng lên nhau, bỗng có cả một pho sử bi hùng và tráng lệ.

Bao nhiêu thời gian nữa nhỉ? Nước chảy mây trôi đến bãi bể còn thành nương dâu, rừng rậm còn hoá ra sa mạc. Đống gạch vỡ hay đống xà bần ngoài kia sẽ được đời sau tôn sùng dùng phương pháp đồng vị các-bon mà đo đếm. Để rồi cúi xuống vỉa hè dưới chân mình soi xét những thời đại đã xa.

8

Có bao nhiêu đời vỉa hè thì có bấy nhiêu đời gạch. Điều này đã rõ. Thử nghe và xét lại thì đời gạch vỉa hè những phố bia hơi là khổ nhất. Nỗi khổ ấy chính là từ bệnh tật mà ra. Bệnh "tiểu đường" là bệnh khá phổ biến trong thời đại hiện nay. Trong y học, bệnh còn có tên là "đái tháo đường". Ra đến vỉa hè thì bệnh được gọi nôm na mách qué hơn, là "đái đường" hay "tè đường" cũng được.

Người bị bệnh tiểu đường dễ dẫn đến các bệnh về tim, thận hơn người thường. Để phòng tránh thì cần năng động, ăn uống và sống lành mạnh. Nói thì dễ nhưng làm thì thực khó. Hà Nội rất nhiều quán bia hơi. Càng gần công sở, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước lại càng nhiều. Cái thú bia hơi cũng lạ, cứ phải vỉa hè, bệt bạt, cốc thủy tinh xấu xí mới là ngon, mới là đúng điệu. Nhạc sỹ Trần Tiến có một bài hát chưa phổ biến ca ngợi thú vui đó như sau: "Hà Nội lúc nào cũng vui. Rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè".

Công bằng mà nói thì bia hơi vỉa hè khó mà được xếp vào dạng ăn uống lành mạnh được. Đông như thế, ồn ào như chợ vỡ, từng chồng cốc thủy tinh cao nghễu nghện. Ô tô tải loại 2,5 tấn chở từng bom từng bom bia đến ném như đánh vật xuống cái lốp xe cũ rồi lại hối hả gom những bom rỗng mang đi. Nhà vệ sinh nam nữ đều tấp nập như sĩ tử đi thi. Nước chảy róc rách đêm ngày không biết trôi về đâu xa lắm. Uống như thế mà không "đái đường" mới lạ.

Thường thì bia hơi lợi tiểu nên đã không đứng dậy thì thôi, đã đứng là cứ liên tùng tục. Nốc bia ở vỉa hè xong rồi lại tìm cách trả lại vỉa hè. Góc tường, sau trạm xe buýt, gần hòm biến thế, dưới gốc cây. Đấy thực là những địa điểm lý tưởng để dòng tâm sự tuôn trào. Lạ cái là dân mắc bệnh tè đường toàn nam nhiều hơn nữ. Tôi trộm nghĩ, chắc tại đàn ông chỉ cần kéo khoá cái rẹt là có thể vừa tưng tưng vừa xả được. Còn đàn bà cứ phải phơi hết miền hậu ra thì mới mong vào "WorldCup". Cái nữa là đàn ông đứng nên lượng amôniắc hấp thụ được ít hơn trong khi đàn bà thì ngồi nên có bao nhiêu mũi được hưởng hết. Bây giờ chỉ cần ra sắc lệnh đàn ông "đi nhẹ" cũng phải đúng kiểu đàn bà, đảm bảo bệnh "tiểu đường" phải giảm đi quá nửa. Thế thì may mắn cho đời gạch vỉa hè chúng tôi lắm thay.

9.

Có những vỉa hè buồn tênh. Bạn đã bao giờ ở một nơi xung quanh cái gì cũng đẹp, cái gì cũng tiện nghi những lại vắng hơi người chưa. Bạn tôi (tức là viên gạch vỉa hè) đã từng ở rồi đấy.

Giọng bạn tôi lúc nào cũng chậm và buồn. Mà kể cũng buồn thật. Lúc trẻ thì ham chơi cơ mà chơi không mãi cũng nhàm. Tuổi trẻ còn muốn thể hiện, muốn khẳng định mình nữa. Đằng này, bạn tôi đứa nào cũng kháu khỉnh, tràn đầy sức sống, ở giữa những tầng tầng biệt thự, cây cối xanh um, không gian thoáng đãng đến ai cũng phải mơ ước mà lại mặt cứ thườn thượt ra buồn.

Ấy là những khu đô thị mới. Đường phố phong quang nhờ quy hoạch. Dân cư sang trọng bởi lắm tiền. Thế nhưng những biệt thự đẹp nhất, những căn hộ liền kề đầu hồi 2 mặt tiền đều được hoàn thiện vôi ve phẳng lỳ, điều hoà lắp sẵn, cửa gỗ đen bóng lại cứ nằm trơ lặng vô hồn. Cái thì cổng nhà bịt gạch, cái thì gỗ cốp pha đóng dàn ngang im ỉm. Hỏi ra mới biết vi-la nọ của ông Tổng*, biệt thự kia của ông Thứ trưởng*, cái nhà đầu hồi 2 mặt phố là của bà Chủ nhiệm Uỷ ban*. Ông Tổng thì để dành đấy làm quà cho thằng con trai mới 7 tuổi nếu thi đỗ vào Đại học. Ông Thứ trưởng thì đang định tặng cho đưa cháu dâu con ông bác họ đằng xa nhà bên vợ còn đương học dở văn công. Bà Chủ nhiệm thì sợ mỗi lần đến ngày rằm phải đi thắp hương biện lễ đến 4,5 nhà mệt quá không chịu được. Thế là những ngôi nhà nằm đấy. Thế là bạn tôi lại buồn vì không được ai dẫm… lên mặt để được tiếng là phục vụ.

Một bữa có bà đi Vespa đánh rơi tờ báo gói xôi. Tôi đọc được chuyện đồng bào dân tộc ở đâu đó hiến đất tặng xã xây trường cho trẻ. Tôi mới bảo bạn tôi là hay mình thử kêu gọi đồng bào người Kinh ở thành phố hiến nhà không ở làm nhà trẻ xem có được không. Mới mở mồm đã bị nó mắng cho là ngu (cái thằng, chắc bức xúc vì không có việc làm đấy mà). Nó bảo, còn khuya nhé, người ta đang tại chức ngon vị, đã bị sờ gáy đâu mà phải vác "của chùa" đi làm từ thiện. Ngẫm ra cũng phải, tôi cũng ngu thật. May mà chuyện này ít người biết. Không người đời thế nào cũng bảo: Ngu như gạch!

* Những nhân vật không có thật (Tổng, Thứ trưởng, Chủ nhiệm) hiện tại đã về hưu.

10.

Một cuốn truyện trẻ con tôi đọc lâu lâu rồi. Chỉ nhớ là trong truyện có một bác làm nhiệm vụ giữ trật tự cầm loa nhắc nhở mọi người. Bác nhắc bằng cách lẩy Kiều: "Tà tà bóng ngả về tây. Mời cô áo trắng đi lên vỉa hè". Bối cảnh truyện là ở Hải Phòng. Chắc cũng lâu rồi, phải tầm những năm 80s. Ngày ấy xe đạp nhiều, văn minh loa phường vẫn còn phát triển. Có thế bác mới thong dong mà lẩy Kiều ngoài phố được. Bây giờ mà làm như vậy, loạng quạng xe máy húc cho lòi ruột.

Truyện đấy do các Lưu Công Nhân vẽ minh hoạ. Sau này mới biết bác ý nổi tiếng chứ hồi nhỏ xem tranh bác Công Nhân thì thấy đúng là bác "công nhân". Tức là góc cạnh, méo mó không gần gụi với trẻ em cho lắm. Tranh trẻ con thì thích nhất bác Tạ Lựu vẽ. Bác Lựu vẽ nét cũng tròn, vẽ con hổ mà nhìn hiền ơi là hiền, cứ tưởng con mèo béo.

Cái ngày xưa hiền hậu bây giờ bói không ra. Một tấc vỉa hè cũng là tấc vàng chứ không chỉ "tấc đất - tấc vàng" nữa. Đoạn phố nào mới lát xong chỉ qua đêm đã thấy những vạch vôi trắng phân chia địa giới rồi. Vỉa hè thành cái đại siêu thị tổng hợp. Bác nhắc đường ngày xưa mà muốn đi nhắc thì có khi bác vi phạm trước vì thể nào bác cũng phải đi xuống lòng đường mà nhắc. Nhắc rằng "Dựng xe khoá cổ khoá càng. Đi xe đảm bảo an toàn giao thông". Nhắc rằng, xe máy không được để dưới lòng đường, phải mang lên … vỉa hè mà để. Người đi bộ thì tự tìm lối mà đi.

Có một nguyên nhân biến vỉa hè thành chợ mà tôi trộm nghĩ không biết đúng không. Đó là ở các thành phố lớn Việt Nam mình, hễ mặt đường nào to đẹp thì dành cho các cơ quan công quyền hết cả. Vào đầu thành phố đã thấy nào là Toà án, Uỷ ban Nhân dân, Kho bạc, Thanh tra,… mà chả thấy các doanh nghiệp, ngân hàng, siêu thị, trung tâm thương mại,… đâu cả. Người ta cần vị trí đẹp để kinh doanh, để giao thương, để làm giàu làm đẹp chứ còn các cơ quan công quyền thì, tôi lại vô phép trộm nghĩ lần nữa, có chui vào ngõ ngách thâm sâu thì dân vẫn cứ phải tìm đến. Vì nói thật, ai mà được bỏ các vị đây?

11.

Vỉa hè của những con đường Hà Nội có từ bao giờ? Câu hỏi vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì chắc chắn vỉa hè chỉ xuất hiện cũng với quá trình hình thành đô thị không xa lắm đây thôi. Khó là vì có mấy ai bỏ công ra mà đi chép sử về những cái vỉa hè. Tôi đọc trong Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài thấy ông viết khoảng chừng những năm 1890 thì Pháp cho mang đá từ mạn chùa Trầm về xẻ và lát những vỉa hè đầu tiên của Hà Nội. Chỗ Hàng Khay, Tràng Thi bây giờ. Như vậy, kể từ khi viên đạn đầu tiên của Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873 thì chừng 20 năm sau, Pháp đã đặt ách đô hộ đến tận vỉa hè Hà Nội.

Nhẩm đến giờ, vỉa hè Hà Nội đã có ngoài trăm năm tuổi, cũng đáng gọi Cụ như Cụ Rùa nhàn du thế sự cõi Hồ Gươm. Thời đó, Hà Nội bé như cái nhân bánh gối, mà hai vỏ gối chính là Hà Đông và Bắc Ninh. Gắn bó với những cái vỉa hè tủi nhục thời đầu Pháp thuộc là những gánh hàng rong, những chú đánh giày. Oái oăm thay, hơn thế kỷ sau, hình như vẫn thế.

Sài Gòn thì sao? Hơn ba trăm năm tuổi nhưng chưa chắc tuổi khai sinh của vỉa hè Sài Gòn đã muộn hơn Hà Nội. Trong bài viết Phố của Thành phố năm 1957 (cách đây 50 năm), nhà nghiên cứu, nhà văn Bình Nguyên Lộc mô tả:

"Sàigòn đặc biệt vì có phố không vỉa hè, thí dụ đoạn phố Đề Thám trước dãy nhà cũ đối diện với hông nhà thờ Tin Lành. Thật ra thì có một vỉa hè rộng độ tám tấc, nhưng đã lì xuống bằng với mặt đường, ô tô tha hồ leo lên và người đi bộ rất lắm khi phải nhảy vào nhà người ta để thoát chết.

Lại có vỉa hè mà người đi bộ không được xử dụng, thí dụ vỉa hè Cô Giang tại chợ Cầu Muối. Người đi bộ ở đoạn này hễ xuống đường thì bị xe cán, còn lên lề thì bị mấy chị bạn hàng đuổi, vì mấy chị mướn vỉa hè ấy có đóng tiền chỗ đàng hoàng. Thành ra qua đoạn đường đó như đi qua cầu đoạn trường, lên lề thì đoạn tâm còn xuống phố thì đoạn cẳng. Có lắm vỉa hè công khai dùng làm ga-ra, nói công khai vì xe để trên ấy nằm đó năm này qua năm khác mà không sao cả. Thế nên chỉ mướn một căn phố bé nhỏ thôi mà người ta có thể mở ga-ra to là nhờ vậỵ

Nói đến vỉa hè không thể không chú ý đến những vỉa hè mức độ khác nhau, khách đang đi bỗng sụp chân suýt ngã. Ấy, nhà bên này xây cao một tấc năm, nhà bên kia chỉ xây một tấc thôi mà. Vì mạnh ai nấy xây vỉa hè nên vỉa hè lại mang đủ mầu sắc có quãng xanh, quãng vàng, quãng xám, và lại kiến thiết bằng đủ cả vật liệu: gạch xi-măng, xi-măng tráng, gạch thẻ, gạch Tàu, nhựa, đá ong. Sợ nhất là vỉa hè đá ong trên đường Thủ Khoa Huân. Đá ong lổm chổm khiến bộ hành không lọi chân cũng trặc cẳng.

Nếu đô thành tự làm lấy vỉa hè rồi bắt người ta trả tiền thì tình trạng này đã không có".

Oái oăm thay, nửa thế kỷ sau, hình như vẫn thế.

12.

Đôi khi trên những vỉa hè, bạn bắt gặp một đôi “viên gạch” rất lạ. Đó là những tấm gang dày được đúc hình tròn hoặc vuông vắn. Xem kỹ ra thì những viên gạch này không chỉ đến cùng một họ. Cùng là ở với bà mẹ vỉa hè nhưng có những ông bố khác nhau như: Điện Lực, Thoát Nước, Viễn Thông, Môi Trường,…

Có tấm gang lật lên thấy ở dưới đen ngòm miệng cống. Có khi lại có nguyên một cái hộp đấu dây cáp nằm im lìm. Riêng họ nhà Công Viên Cây Xanh thì không đổ kín mà đan thành các ô lưới hình vuông hoặc dẻ quạt. Tấm gang được đúc làm 2 nửa rồi ghép lại một vòng quanh gốc cây. Sợ bị lấy mất, nhiều tấm đã được hàn kín lại, thành thử cây lớn lên rồi gốc ăn trùm cả lên cái miệng gang như vòng kim cô không biết đến bao giờ mới gỡ ra.

Nhìn qua thì tấm gang nom cũng tầm thường như… hòn gạch nhưng xem xét kỹ trên mình nó cũng gợi ra vô khối thông tin. Quanh những con phố yên bình với những vỉa hè rợp mát nằm quanh những biệt thự cổ của Hà Nội có thể bắt gặp tấm gang in trên nó tên năm 18xx. Đó là những tấm gang được đúc ở những xứ xa xôi nào tận Pháp mang đến Hà Nội. Cùng với kiến trúc và những loài cây, người Pháp đã mang sang cả gạch lát cả những tấm gang dùng trong nhà, ngoài vỉa hè để tạo ra một không gian Pháp trên đất nước nóng ẩm đặc trưng miền nhiệt đới.

Hay có tấm gang đúc nổi hình Con Sò, cái lô-gô quen thuộc của hãng dầu lửa Shell (Hà Lan). Một thời, “viên gạch” này đã “ngự trị” trước vỉa hè toà nhà Shell (đường Lê Duẩn – Tp. Hồ Chí Minh) những năm đầu thế kỷ 20.

Trên hè phố Thủ đô, cũng không khó nhận ra những tấm gang có hình cách điệu Khuê Văn Các ở giữa. Những viên-gạch-gang này không chỉ để cổ động cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long mà còn nhắc cho du khách biết rằng, họ đang đi trên những con đường Hà Nội. Những “viên gạch khác thường” này vì thế mà đáng nhớ và nhiều thêm ý nghĩa.

13.

Một vị mục sư da đen người Mỹ có câu nói nổi tiếng: Tôi có một giấc mơ! Người đời thường bảo mơ chả lo bị ai đánh thuế, vì thế mà “đêm đêm nằm mơ phố”, tôi (tức là cái vỉa hè) cũng có cho mình một giấc mơ, nho nhỏ.

Tôi mơ những con phố Hà Nội hay ùn tắc như Đê La Thành sẽ không mở cửa trước 8 giờ sáng và đóng cửa trước 4 giờ chiều những hàng sắt, hàng mộc vừa cồng kềnh vừa ồn ã khói bụi. Những giờ cao điểm đó, cũng có mấy ai mua bán, đặt hàng được gì đâu, mở cửa bày hàng ra vỉa hè chỉ thêm vướng víu tắc đường.

Tôi mơ những chị những cô hay chăm chỉ quét dọn nhà mình và vỉa hè trước cửa vào mỗi chiều mỗi sáng hãy gom rác rến cho gọn lại và đổ đúng nơi quy định. Ai lại cứ vung chổi hất từ nhà ra hè, rồi từ hè ra đường chỉ cốt sạch nhà mình mà không biết mình đang làm một việc vô ích và luẩn quẩn. Rác và bụi bay ra đường, xe chạy từ sáng đến tối thì rác và bụi sẽ đi đâu? Sẽ lại quay vào nhà mình đó!

Tôi mơ trước vạch dừng chờ đèn đỏ khi cái đồng hồ đếm ngược còn hàng chục giây, có ai đó khẽ quờ tay tắt cái khoá điện xe máy. Khi ấy, giữa đám đông ngột ngạt khói bụi và tiếng ồn, sẽ có một khoảng không tĩnh lặng đầy dễ chịu. Thêm một người nữa, một người nữa làm theo động tác tắt khoá điện đầy dễ dàng ấy, bớt được bao nhiêu nhiên liệu cháy dư thừa, bớt được bao nhiêu sự ô nhiễm mà cái khẩu trang bé con con trên mặt không thể nào ngăn hết được.

Tôi mơ khi tắc đường thì xe máy ô tô đừng vội lao lên cái mặt tôi mà tìm đường thoát. Để cho tôi thở với sau những đêm trơ mặt cùng quẩy nóng, cháo vịt và chân gà nướng. Nếu không chịu nhường nhịn nhau mà viên gạch nào cũng cong cớn mặt lên mà chen lấn thì những vỉa hè đâu còn phẳng phiu nữa và những bức tường đã đổ sập từ lâu.

Tôi mơ sau khi lật vỉa hè lên để chôn dây hay vét cống người ta nhớ lấp và lát ngay lại. Những cái nắp cống đừng vô duyên chòi lên hay thụt xuống giữa mặt vỉa hè như nốt ruồi không đúng chỗ. Lòng đường đừng bất chợt cao lên để vỉa hè tôi thành dòng sông nhỏ và chính tôi cũng không mong mình cao lớn thành đê để những căn nhà tội nghiệp tự nhiên lại có thêm hầm.

Khi những tàng cây rùng mình để rơi những giọt sương mát lạnh làm thức giấc, nhớ lại những giấc mơ tôi thấy thật buồn cười. Giấc mơ nào cũng bé tí tẹo và không hề khó thực hiện. Thế mà sao tôi vẫn nhọc nhằn mơ?

14.

Không ai đặt giới tính cho những cái vỉa hè nhưng không vì thế mà các vỉa hè không biết đến tình yêu. Gạch không chỉ biết lặng im xây lên những đền đài thành quách mà còn biết rung động theo những cung bậc tình cảm, kể cả những lúc trên đường không có xe cộ chạy qua.

Viên gạch góc phố chị hàng rong hay ngồi mà hôm nào vắng chị ta với cái đòn gánh hoặc cái nón mê là nó cũng nhớ. Những khi ấy, nó lại băn khoăn là sao toàn thấy người mua đi rong mà lại gọi là “gánh hàng rong”? Viên gạch mép vỉa hè thì lại áy náy sao mình không lùn và vát mỏng đi chút nữa, có phải cái anh chàng ngồi xe lăn hàng sáng đỡ vất vả khi vần bánh xe lên xuống vỉa hè hay không?

Thảng hoặc, khi những loài hoa phượng đỏ, bằng lăng tím, muồng vàng, sấu trắng theo gió rắc đầy trên phố, những cái vỉa hè cũng chộn rộn tương tư mà nhớ thương nhau. Bi kịch của cái vỉa hè bên này với cái vỉa hè bên kia cũng như hai đường ray tàu hoả. Chạy song song với nhau suốt đời nhưng không được gặp nhau, ngóng nhau chỉ bằng những lối băng ngang ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Có đôi vỉa hè yêu nhau, gặp cái ngã ba là chỉ còn lại một bên, một bên đã rẽ sang hướng khác. Thế còn may hơn gặp ngã tư, qua bùng binh thì mất hút nhau mãi mãi. Cuộc đời éo le cũng có khi đẩy những cặp vỉa hè vào đến ngã Năm, ngã Sáu, ngã Bảy. Những cuộc tình này đan vào nhau không biết đâu mà gỡ, thảo nào, lâu lâu lại giật mình vì có đám xe cộ đâm nhau.

Cũng có vỉa hè từ phố nhỏ băng ra phố lớn, từ phố lớn ra đại lộ, quốc lộ. Mải mê quên cả lối về. Có vỉa hè viền quanh những con phố nhỏ giao nhau như bàn cờ nên cuộc sống cũng quẩn quanh. Qua vài ngã tư là lại gặp lại mình. Phố cổ thành từ đó.

Hết

(2007-2008)

Loạt bài lẩn mẩn lan man này tôi nảy ý định khi thấy trên một số diễn đàn những box bàn chuyện không quan trọng được người ta đặt tên là Chuyện Vỉa hè. Không nói ra nhưng cái sự ngồi lê đôi mách buôn dưa lê bị nhét vào vỉa hè cũng có ý gì đó coi thường?! Tôi viết để thấy rằng cái vỉa hè, đặc biệt là cái vỉa hè ở Việt Nam, cũng có rất nhiều điều thú vị. Qua hết một số quan sát bề ngoài, dần dần vấn đề cũng trở lên khó viết, vì thế mà tôi bỏ bẵng cái loạt bài này đến cả năm. Vô tình (hay có duyên), báo Thể thao Văn hoá sử dụng trong mục Blog365 đăng đều đặn, là một cú hích để tôi hoàn thành nốt, tuy chưa hài lòng. Hôm nay báo đăng kỳ cuối (10 kỳ so với tôi viết 14 kỳ vì đã biên tập lại). Tôi cũng post nốt phần cuối cái loạt Chuyện Vỉa hè lấy Hà Nội làm bối cảnh chính này với chủ đề muôn thuở - Tình yêu!