Nguyễn Quang Lập-Truyện ngắn

Chị khẽ hích vai tôi ra hiệu phải kiên trì bám trụ trong cuộc nhậu tơi bời kéo dài mười sáu tiếng đồng hồ chưa có dấu hiệu kết thúc, do chồng chị- người đàn ông tuyệt hảo, người đàn ông toàn năng, người đàn ông hết sảy… đứng ra tổ chức.

Ông đứng góc trái dãy bàn hai mươi tám chiếc ghế đang khua chân múa tay hò hét mọi người hãy ngửa cổ nốc vì thắng lợi chưa chắc xảy ra về cuộc ký kết gì đó giữa bên A và bên B, nên B và bên B’ , bên B’ và B’’…

Tôi không không thể biết được người ta ký kết hợp tác gì, mọi cuộc hợp tác bây giờ đều diễn ra trong tình trạng thì thầm, và điều này quan trọng hơn, tôi chỉ là kẻ ăn theo trong muôn vàn kẻ ăn theo đang sinh sôi nảy nở trên đất nước nước đáng kính của chúng ta.

Tôi làm thơ, không biết gì ngoài việc làm thơ, do vậy khi thì người ta xếp tôi vào loại viết để sống , khi khác người ta xếp tôi vào loại sống để viết.

Tôi không biết chắc chắn tôi thuộc vào loại nào, chỉ biết tôi luôn luôn bận rộn, cứ mỗi ngày kỉ niệm tôi lại có năm mươi ngàn nhuận bút, nhiều lúc muốn hét to lên vì sung sướng: Trời ơi ta sẽ ra sao nếu phải sinh ra trên một đất nước không có ngày kỉ niệm nào!

Cố nhiên tôi không thuộc loại hạnh phúc nhất. Xếp thứ tự hai mươi tám chiếc ghế đang hiện hữu trong căn phòng thuộc khách sạn Chiếc dù lớn này, có tính đến may rủi thường niên mà Đức chúa trời vẫn kiên trì nhỏ giọt xuống đầu nhân loại, thì đức lang quân của chị là người số dách về hạnh phúc, tiếp theo là chị, sau đó là các vị còn lại trên những chiếc ghế còn lại, cuối cùng không ai khác chính là tôi.

Tôi bằng lòng với chiếc ghế hạnh phúc cuối cùng và không bao giờ có ý thức tranh đấu với các chiếc ghế khác, trong khi đó chị luôn mồm than vãn với tôi rằng chị là kẻ bất hạnh.

Lúc đầu tôi phì cười khi nghe chị nói như vậy, sau ngẫm lại, nhớ lại đôi lần chị nói đùa chị là con gà mái khổng lồ không đẻ được trứng, hiện sống trong cái chuồng gà tuyệt vời trên ba trăm mét vuông diện tích sử dụng, hiên ngang ngoảnh ra bờ sông Cụt, thì tôi mới nhận ra phần bất hạnh của chị là có thật.

Chị không biết đẻ trứng hay không có trứng để đẻ?- Tô hỏi chị trong một lần chị dắt đi ăn kem cốc. Chị không trả lời, khẽ thở dài. Mãi sau này khi được rúc trong đôi cánh mát rượi của chị, tôi mới vỡ nhẽ hóa ra chị không có trứng để đẻ.

Tôi, thằng con trai hai lăm tuổi, sản xuất trên một ngàn bài thơ tình với các dạng đau khổ khác nhau, đã trở thành con gà trống đầy sinh lực ung dung bước vào chuồng gà tuyệt vời bên bờ sông Cụt ( sông này có tên là Cụt, xin đừng có liên tưởng lung tung mà chết mẹ tôi) cùng với con gà mái khổng lồ bốn mươi tư tuổi, ngày đêm nhảy điệu lambada vào tất cả những thời gian người đàn ông tuyệt hảo, người đàn ông toàn năng, người đàn ông hết sảy… cắp cặp đi ký kết hợp tác, tức là đi làm giàu cho đất nước, theo cách nói của ông trên các diễn đàn.

Bây giờ vẫn cách nói đầy diễn cảm như vậy, ông đang khoa chân múa tay vẽ lên viễn cảnh ngày mai trên các bản hợp đồng chưa ráo mực sẽ mọc lên các loại hạnh phúc chứa chan cho nhân dân trong thành phố, còn tôi sau khi đã nốc no bụng bia lại mơ tưởng mấy chiếc khuy nạm vàng được cài rất tinh vi bên hông trái của chị.

Chị mỉm cười sung sướng, không rõ sung sướng vì viễn cảnh của ông hay vì mơ tưởng của tôi, cả hai đều có thể tốt cho chị.

Khi cuộc nhậu đạt đến cao trào, trước khi gục xuống để cổ họng và miệng biến thành cái ống cống, ông đã chạy đến bế xốc chị, giơ cao chị lên trước mắt mọi người.

Và vẫn cách nói đầy diễn cảm như vậy, ông tuyên bố rằng trước khi ông trở thành người đàn ông tuyệt hảo, người đàn ông toàn năng, người đàn ông hết sảy…thì ông chỉ là cái cây còi cọc, rằng chị là thứ phân đạm, ka-li, hay lân đã rưới xuống đời ông, làm cho ông nhanh chóng trở thành cây cổ thụ, rằng mọi giá trị mà ông có chẳng qua là do chị gửi sang, trước đó ông chỉ là thằng trung cấp hạng bét, rằng chị là con ngựa cái điếc nhưng khỏe mạnh phi thường đã cõng ông từ nhà đồng chí bố vợ kính mến phi nước đại lên các nấc thang danh vọng cao ngất, rằng… và ông gục xuống.

Chị dìu ông lên giường, tôi dìu chị lên giường khác. Bên này là người đàn ông toàn năng, bên kia là con gà trống đầy sinh lực và con gà mái khổng lồ. Hạnh phúc của ông tràn ngập trên các bản hợp đồng chưa ráo mực, hạnh phúc của chúng tôi bò lổm ngổm trên chiếc chiếu đã nhàu.

Tiếng rao bán hột vịt lộn đã tắt cũng là lúc nắng dậy ( chữ thường dùng trong thơ của tôi), chị vừa chải tóc vừa khe khẽ hát, ông vừa soạn lại các bản hợp đồng vừa huýt sáo, tôi vịn lan can nghiên cứu lại một số đau khổ trong một số bài thơ vừa làm, xem mức độ đau khổ đã hợp lý chưa. Tất cả diễn ra êm đềm, ngọt lịm.

Chị tiễn anh ra xe, một chiếc hôn dài, một nụ cười sung sướng, một cái vẫy tay, xe nổ máy. Thế là xong.

Con gà mái khổng lồ lên chuồng. Con gà trống đầy sinh lực đập cánh. Một ngày mới hy vọng tràn trề về những quả trứng hồng bắt đầu. Tôi tưởng thế, chị và ông tưởng thế, không ngờ…

Không ngờ ông túm tóc tôi lôi tôi ra khỏi bụng chị. Một quả đấm vào hạ bộ tuyệt vời của tôi làm cho nó không bao giờ ngóc lên được nữa. Những quả trứng hồng vỡ tan.

Chị bị xé hết quần áo lôi ra đường. Bốn năm sau vẫn thấy chị trần truồng, mặt mày nhem nhuốc, thân thể xác xơ, ôm con búp bê nhựa méo mó đi trên các hẻm phố, vừa đi vừa hát, những bài hát trần đầy viễn cảnh của ông và mơ tưởng của tôi.

Vẫn thấy ông nhiều lần xuất hiện trên ti vi, vẫn cách nói đầy diễn cảm như vậy, ông tuyên bố với nhân dân trong Thành phố về các loại hạnh phúc chứa chan sẽ mọc lên trên các hợp đồng chưa ráo mực.

Còn tôi, sau khi đã bố trí hết các dạng đau khổ khác nhau vào các bài thơ của mình, tôi nhanh chóng chuyển sang viết phê bình…

Thị xã Quảng Trị, 1990

Chuyện không có trong sự thật

Cách đây mười năm anh là một chính khách thời thượng. Chị cũng vậy, chị là một nhà giáo mẫu mực. Khắp thành phố, giới thượng lưu không ai không biết tiếng anh chị. Họ sống với nhau êm thấm hai mươi năm trong một biệt thự nhỏ phía tây Thành phố.

Tôi ở gần nhà anh chị. Thuở nhỏ luôn luôn được anh chị gọi sang nhà cho kẹo bánh hay hoa quả, đôi khi cho cả đồ chơi và áo quần. Anh chị không có con trai nên quí tôi như con, cả hai đều vui vẻ gọi tôi là “ông rể tồ”.

Lớn lên một chút, tôi được chị xin cho vào học trường chị dạy, dù tôi không đủ điểm nhập trường, và được chị kèm cặp dạy dỗ rất chu đáo. Chị nói: “ Em tuổi thân, gắng công tu dưỡng, sau này có chữ để dùng”. Anh nói: “ Thằng này làm luật sư nhất định sẽ hảo hạng”.

Khi tôi có truyện đăng báo, chị mừng rú. Chị cầm tờ báo, lôi tuột tôi vào phòng làm việc của anh: “ Đây này, đọc đi rồi biết ai đoán đúng. Em đã bảo là cấm có sai. Chữ nghĩa nghĩa tuyệt vời đấy, đừng có đùa với nó nhé!”

Chị đương nhiên trở thành bạn đọc thân thiết số một của tôi. Tất cả những gì viết ra tôi đều trình chị trước và nhận được vô vàn lời khuyên chí tình của chị. Trí khôn của tôi được mở mang là nhờ chị, chỉ có chị không còn ai.

Từ ngày hai đứa con gái anh chị đi lấy chồng xa, tôi nghiễm nhiên trở thành một thành viên trong gia đình anh chị. Nhiều ngày ăn uống ngủ ngáy luôn ở đấy, không về nhà.

Năm tám tư, anh dự tiệc mừng người bạn nối khố vừa nhậm chức thị trưởng, loáng quáng thế nào bị rơi từ tầng hai xuống. Không chết, chỉ liệt cột sống. Chị mừng quá, khóc hu hu: “ Nhà ta còn hồng phúc”. Anh cũng thế, cũng mừng lắm: “ Phải rời nghị trường cũng tiếc, đang có cơ để phất. Bù lại, được gần em suốt ngày”. Chị ôm anh hôn chùn chụt: “ Chúng mình sắp già rồi, được gần nhau giờ nào hay giờ đó, nghị trường mà làm gì?...” Tôi nghĩ thầm: “ Sau này lấy vợ, cố làm sao kiếm được một người đàn bà như chị”.

Chị dặn tôi: “ Anh phải nằm liệt giường, thích có người tâm sự. Chị lại bận rộn việc dạy, cơm áo gạo tiền. Em nên đến thăm anh luôn”. Tôi vâng dạ nhưng không thực hiện được.

Tôi làm báo ra hàng ngày, công việc lu bu quá, hết vào Nam lại ra Bắc, có khi dăm bảy tháng không ghé thăm anh được một lần. Tự thấy áy náy, bèn nghĩ ra sáng kiến mua một con mèo tam thể tặng anh để anh nằm vuốt ve nó, tâm sự với nó những lúc chị vắng nhà và mua luôn con chó becgie tặng chị để chị có bạn đường, lúc chị đi đây đi đó.

Anh chị mừng lắm, tranh nhau khen tôi thông minh và lịch lãm. Con mèo tên là con Ki, con chó tên là thăng Cóp. Quả thật tôi ki cóp mãi mới dành được số tiền đủ làm việc nghĩa nói trên. Về sự nhạy cảm và tinh ý, anh chị thật tuyệt vời.

Mỗi bận tôi tới thăm là dịp cho anh chị tha hồ ca ngợi con Ki thằng Cóp. Anh kể con Ki rất thích nghe chuyện cổ tích. Nó nằm khoanh tròn bên anh, mắt lim dim nghe anh kể hết chuyện này sang chuyện khác, không biết chán. Đến đoạn hay, hai chân trước của nó cào cào xuống chiếu, miệng kêu “ miu miu” ra chiều thích thú lắm.

Chị kể thằng Cóp là tên nô lệ thông minh và trung thành. Tuồng như nó hiểu hết những gì anh chị mong muốn. Nó làm việc vặt rất giỏi. Tỉ như ra mở chốt cổng mời khách vào, nhặt nhạnh đồ rơi vãi xếp lại một chỗ, thậm chí cả việc đun củi vào bếp nó cũng làm được.

Tôi mừng lắm, cho rằng nhờ tôi mà anh chị vẫn hạnh phúc như xưa.

Tôi đến thăm anh chị ngày một thưa thớt dần. Phần vì công việc, phần vì có chút ít tên tuổi, hoạt động quảng giao của tôi được nới rộng ra, hội hè đình đám luôn luôn, nhiều tháng hầu như tôi không nghĩ gì tới anh chị.

Một lần tình cờ tôi gặp chị dạo chơi với thằng Cóp trong công viên. Chị gầy hẳn, mắt có quầng thâm. Tôi hỏi vì sao thế, chị không nói, lẳng lặng kéo tôi đến một chiếc ghế đá. Thằng Cóp nằm bẹp dưới chân chị, vểnh tai nghe chúng tôi tâm sự, cặp mắt màu nâu nhạt của nó ánh lên vẻ cảnh giác.

Tôi hỏi:” Chị bị bệnh mất ngủ phải không?” Chị thở dài: “ Chẳng có gì giấu được em.” Tôi hỏi: “ Anh chị có chuyện gì phải không?” Chị khẽ lắc đầu: “ Không. Anh vẫn yêu chị. Chị cũng thế, vẫn yêu anh”. Mắt chị rân rấn nước. Tôi không hỏi nữa.

Thằng Cóp thè lè lưỡi liếm chân chị. Nó liếm rất khéo. Nó đưa lưỡi lướt nhẹ từ đầu ngón chân chị, vòng ra sau gót, rồi ghểnh mõm liếm dần lên bắp chân chị. Chị khẽ rùng mình, mặt rúm lại. “ Cóp!”- Chị quát và hất nhẹ nó ra. Nó kêu ư ử, làm mặt giận bỏ đi xa.

Gần nửa giờ sau tôi ngập ngừng hỏi: “ Em hỏi thật chị chuyện này...” Mới nghe thế chị đã giật mình đánh thót, mặt đỏ ửng, miệng lắp bắp: “ Chuyện gì vậy?” Thấy vậy tôi im re, ngồi hút thuốc hết điếu này đến điếu khác.

Chị nửa muốn nghe tôi nói, nửa sợ tôi phải nói ra. Ngồi lâu không chuyện gì cũng chán, chị rủ về nhà làm vài món nhậu chơi. Gặp tôi, anh mừng lắm, nói liên miên, uống rượu tì tì. Xưa nay anh không như vậy. Anh vốn nói năng chừng mực, hầu như không có câu gì nói ra mà không nghĩ trước. Rượu cũng vậy, chỉ đến chén thứ ba ai ép thế nào cũng nhất định “ mình xin thôi”.

Anh già sọm đi, gân mặt nổi nhằng chịt. Hỏi, anh bảo: “ Không. Mình vẫn ăn ngon ngủ yên”. Chị sà vào lòng anh, cầm mũi anh day day: “ Thôi, đừng nói dối nữa ông mãnh ơi”. Anh bỗng nổi cáu, hất tay chị ra: “ Sao em cười nhạt thế?” Chị xịu mặt. Khóc. Bỏ vào buồng nằm.

Thằng Cóp nhảy chồm lên đùi tôi. Tôi vuốt ve nó, cho nó miếng sườn lợn. Thấy thế, anh đập bàn quát: “ Cóp! Cút ngay!” Thằng Cóp cụp tai lủi mất. Tôi hỏi: “ Sao tự dưng anh lại nổi đoá với nó?” Anh cau mày: “ Nhìn mặt nó gian lắm!”

Tôi xin phép ra về, anh vội vàng giữ lại: “ mười phút nữa về, được không?” Biết anh có chuyện gì quan trọng, tôi ngồi lại. Đợi mãi vẫn không thấy anh nói gì, hút hết bao thuốc vẫn không nói gì, mắt vẫn trân trố nhìn lên trần nhà.

Tôi nói: “ Cóc lẽ em sẽ kiếm một cái đầu vidéo, anh chị xem phim cho vui.” Anh bảo: “ Thôi.” Sau lại bảo: “Ừ, hay đấy”. Quá nửa đêm anh mới cầm tay tôi, run run: “ Em biết hoàn cảnh anh chị rồi đấy...” Anh ngừng, vớ cốc to rượu tu sạch mới nói tiếp: “ Tự lòng thành của anh... Em là em của anh chị. Em có quyền làm cho anh... và chị vui”. Nói rồi mặt anh đuỗn ra, nước mắt giàn giụa: “ Chị buồn lắm!”

Tối đó tôi không ngủ được.

Chiều sau tôi đến rủ chị đi tắm biển. Anh mừng ra mặt, luôn mồm giục chị. Chị tỏ vẻ không ưa lắm. Anh cười nửa miệng. Thằng Cóp quanh quẩn bên chân chị, nó đòi đi, chị không cho. Chị lừa nó vào buồng sập cửa, nó tinh ý lủi mất.

Tôi chở chị ra biển được năm phút đã thấy thằng Cóp vọt tới. Nó sà vào lòng chị, miệng ư ử, đuôi ngoáy tít. Chị đẩy nó ra, mắng: “ Mày khôn như chó!” Tôi phì cười: “ Có nó thêm vui, việc gì!” Chị lườm tôi: “ Chuyện!...”

Chị ngồi trên phao, tôi bơi đứng đẩy chị ra xa. Chị cười nói ríu rít. Thằng Cóp bơi theo chúng tôi, được vài chục mét, bị sóng đánh nó phải quay trở vào. Nó đứng trên bờ tức tối sủa nhặng xị. Chị nhìn nó cười: “ Đáng kiếp!” Tôi nói: “ Chị quan tâm đến nó làm gì?” Chị sầm mặt: “ Nó hư lắm”.

Nhiệm vụ của tôi là làm sao cho chị vui, anh dặn thế. Tôi đẩy phao chị bay qua từng đợt sóng. Chị bấu chặt lấy tôi, không ngớt miệng kêu: “ Ôi, sợ quá!” Và cười ré lên, sặc nước.

Mặt trời sắp lặn, tôi đưa chị vào bờ. Chúng tôi nằm sấp trên cát ấm. Thằng Cóp vui mừng lao tới, chồm lên lưng chị, thè lưỡi liếm lưng. Chị hét lên một tiếng kinh hồn, co cẳng đạp vào mặt thằng Cóp. Nó lăn ra, lộn mấy vòng trên cát. Nó cụp đuôi, hằm hằm nhìn tôi như nhìn một thằng vô lại, như chính tôi đánh nó chứ không phải là chị.

Bây giờ mới nhìn thấy trên lưng chị có nhiều vết bầm đỏ. Định hỏi chị vì sao nhưng lại thôi. Chị nói: “ Đã lâu lắm chị mới có một buổi chiều như thế này”. Tôi hỏi: “ Chị có thích không?” Ngón tay trỏ của chị gí vào trán tôi: “ Ngốc ơi, lại còn hỏi nữa”.

Tôi cười cười, nửa đùa nửa thật: “ Em không đưa chị đi tắm luôn luôn được. Chị muốn có nhiều buổi chiều như thế này, tốt nhất chị nên kiếm lấy một tình yêu, dù chỉ là tình vờ...” Ngỡ chị cười to, ném cát vào tôi: “ Này, xui dại này”, không ngờ chị im lặng, đăm đắm nhìn ra biển.

Sẫm tối, gió biển hùn lên. Chị lật người ép sát vào người tôi, nói: “ Em ôm chặt vào, chị lạnh quá”. Chị mềm và ấm và ngậy mùi đàn bà. Tôi nuốt nước bọt nằm im.

Thằng Cóp từ đâu lết tới, nó ngoạm vào chân trái tôi kéo mạnh ra. Tôi nghĩ bụng: “ Mẹ, nó là chó mà ranh thật”. Và bật dậy. Chị ngơ ngác hỏi: “ Sao thế?” Một lát sau chị thở hắt ra: “ Cũng đúng thôi...chị là chị của em”. Chị ngã vào vai tôi thì thầm: “ Em khuyên chị kiếm lấy một tình vờ phải không? Chị không làm thế được...”- “ Chị yêu anh quá phải không?”-“ Ừ, yêu muốn chết đi được. với lại... chị nhỡ sắm vai sang trọng mất rồi”. Chị ôm tôi nấc lên. Tôi ngậm ngùi đưa chị về nhà, không nói một lời.

Tối đó tôi lại không ngủ được. Hễ chợp mắt lại thấy con vượn đen cụt đầu. Hãi quá, đái cả ra quần.

Hôm sau, tôi kiếm cớ đi công tác, đi thật xa thật lâu ngày. Được một tuần, ruột gan bỗng cồn cào, làm việc gì cũng hỏng, đành quay về.

Thấy tôi, anh mừng quýnh: “ Đi đâu mà lâu thế?” Tôi thú thật: “ Đang ở tỉnh Q. không hiểu sao ruột gan như lửa đốt. Ở nhà có chuyện gì không? Chị đâu?” Anh cười cười: “ Có chuyện gì đâu. Vẫn thế. Vẫn mất ngủ. Chị ở trong nhà tắm. Dạo này sáng nào chị cũng ở trong nhà tắm cả tiếng đồng hồ.”

Con Ki thấy tôi, nó rón rén sà vào lòng. Thằng Cóp lấc láo nhìn tôi, không thèm vẫy đuôi. Tôi nói: “ Con Ki, thằng Cóp mỗi đứa một tính”. Anh gật đầu: “ Ừ. Dạo này chúng nó hay đánh nhau lắm. Con Ki luôn gây sự với thằng Cóp. Có hôm nó cắn cổ thằng Cóp rách bươm”.

Anh với tay lấy chai rượu trong hộp đầu giường: “ Uống một chút gọi là tẩy trần”. Tôi xua tay: “ Mới bảnh mắt uống rượu hại gan lắm. Dạo này sức khoẻ anh xuống cấp nghiêm trọng”. Anh gạt đi: “ Ối dào, bây giờ chết đã quá muộn!” Tôi ngậm thinh.

Uống. Uống nữa. Mặt anh đỏ rực. Đột nhiên anh đập tay vào đùi tôi: “ Này, anh bảo thật, đừng giận nhé! Em mang hoạ vào nhà anh đấy!” Tôi giật mình: “ Sao ạ?” Anh nghiến răng: “ Chính con Ki, thằng Cóp làm vợ chồng anh mất ngủ”. Tôi cãi: “ Không phải thế”- “ Phải!- Anh quát- Ngày mai em thủ tiêu chúng nó đi cho anh!”

Tôi nói: “ Phải hỏi chị. Bán thằng Cóp nhỡ chị buồn thì sao?” Anh

gầm lên: “ Buồn cái con c...” Tôi há hốc mồm. Lần đầu tiên anh văng tục. Anh tống vào họng cả chục viên thuốc ngủ, nằm thở dốc một lúc rồi lịm đi.

Rung lên trong tôi một nỗi đau đớn và thương xót.

Tôi lao vào buồng tắm. Chị trợn mắt, hai tay ấp ngực. Tôi ôm ghì lấy chị, hổn hển nói: “ Em yêu chị!”- “ Không!” Chị xô tôi ngã ngửa, lấy chổi vệ sinh quất tôi tối tăm mặt mũi. Tôi ôm mặt bỏ về. Ra đến cổng cũng vừa chị đuổi kịp. Chị vừa khóc vừa nói: “ Đừng bỏ chị mà đi. Chị chỉ còn một mình em thôi!...”

Tối hôm đó tôi ngủ lại buồng chị, xoay trở đủ cách vẫn không làm chị thoả mãn. Chị tấm tức khóc. Tôi nói: “ Chị đừng khóc nữa. Rồi thế nào em cũng làm chị vui”. Chị nói: “ Không phải đâu. Em tuyệt lắm, lỗi là ở chị”. Chị lại khóc rưng rức, dỗ thế nào cũng không nín.

Chị hỏi đi hỏi lại hoài một câu: “Chị mất mùi rồi phải không?” Tôi nói chị mắc bệnh hoang tưởng. Chị không tin. Thằng Cóp rên rỉ cào cửa buồng suốt đêm, đôi khi nó tru lên như bị trọng thương. Con Ki mấy bận xông vào đánh nhau với thằng Cóp, chúng vờn đuổi nhau, gầm rú vang nhà. Tôi nghĩ: “ Anh nói đúng. Cần phải tống khứ con Ki, thằng Cóp”.

Khó ngủ quá, tôi xoay trở chị, mân mê. Chợt lại thấy những vết bầm trên lưng chị, lần này nhiều hơn. Hỏi, chị nói: “ Chị thường bị cảm mạo, ngày nào cũng nhờ người đánh gió.” Tôi không tin. Da bụng chị run bần bật.

Quá nửa đêm tôi buồn nôn. Nôn thốc tháo. Đợi chị thiếp đi, tôi trốn về. Thằng Cóp thoáng thấy tôi liền xông tới. Mắt nó vằn máu. Nó gằn một tiếng sởn óc và nhảy chồm lên mặt tôi. Tôi ngã. Khiếp đảm đến nỗi không kêu lên được một tiếng nào.

Thằng Cóp cắn xé, vày vò tôi như vày vò một miếng giẻ rách. Tôi ngất đi. Tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong phòng cấp cứu. Chừng như mấy ngày đêm chị ngồi bên tôi, nom chị hốc hác ghê gớm.

Chị cầm tay tôi úp vào mặt mình, nghẹn ngào: “ Tha lỗi cho chị”. Tôi gắng cười: “ Gớm, chị cứ nghĩ lẩn thẩn. Chị có đánh em bị thương thế này em cũng chả trách chị, nữa là...” Nước mắt chị hai hàng, tôi ngủ một giấc dài, tỉnh dậy vẫn thấy hai hàng nước mắt chị.

Tôi ra viện và quyết định ngay lập tức phải tóng khứ con Ki, thằng Cóp. Buổi trưa tôi đến nhà anh chị, định bụng sẽ cùng anh chị nhậu một trận tơi bời mừng thoát nạn rồi mới xử lý vụ” Ki Cóp”. Vào nhà, thấy giường anh trống hoác, chăn màn rơi lung tung, thốt nhiên tôi ớn lạnh xương sống.

Tôi lao vào nhà trong và sững người thấy anh nằm sấp trước cửa buồng chị. Tôi bế xốc anh dậy, hỏi: “ Sao thế này?” Mặt anh đờ dại, trắng dã. Anh run rẫy chỉ vào buồng: “ Chị chết rồi!”

Dường như có ai túm tóc tôi lôi ngược lên.

Tôi điên dại phá cửa buồng. Chị treo rũ trên trần nhà. Mùi nước hoa sực nức. Góc phòng có đến mấy chục vỏ chai nước hoa. Dưới chân chị, thằng Cóp nằm ngửa. Nó bị một nhát dao xốc ngược từ cổ họng ra sau ót.

Tôi không khóc. Lặng lẽ ôm chị vào lòng. Lặng lẽ vuốt mắt cho chị. Tôi hôn lên trán chị, thì thầm: “ Dù thế nào chị cũng được lên thiên đường. Chúa đã hiểu chị...”.

Lò Sũ, ngày thầy thuốc-1995

Đường đời không lối rẽ

Hai mươi năm trước tôi làm ở tạp chí Cửa Việt, tờ văn nghệ địa phương thôi nhưng được cả nước biết tới, thích lắm, tự hào nữa. Trước tết khoảng hai tháng bao giờ tôi cũng mò ra Hà Nội, vừa moi bài vở vửa tận hưởng mùa lá rụng và nhấm nháp chút văn hóa Bắc Hà.

Nhậu ở Hồ Tây, ăn ốc bươu uống bia hơi, bạn văn có thằng Phương là chỗ quen biết cũ, tôi nói ông có cái gì kha khá ném cho tôi cái dùng số tết với, đang kẹt quá. Thằng Phương ngửa cổ cười khá kha kha, nói ông cũng tin tôi viết được văn à. Tôi vỗ vai nó phát, nói không tin ông thì tin thằng đéo nào. Phương cười khá kha kha, nói chí lý chí lý.

Là nói vậy, chỉ là cách lấy lòng cánh viết lách với nhau thôi, chứ thực tình chẳng hy vọng gì ở nó, xưa nay thằng Phương không mặn chuyện viết lách. Nó khởi nghiệp bằng tin tiến độ, đắm đuối với lối viết “ Nét mới” “điểm sáng”, đến khi giới viết lách bất ngờ đổi mới, quyết định nhúng toàn bộ chữ nghĩa vào đời sống, thì nó trơ khấc ra, tự nhiên tắc ngỏm.

Thằng Phương đang nổi tiếng trong cái nghề MC hoa hậu và người mẫu thời trang. Nó không trẻ cũng chẳng đẹp trai ( đẹp hơn Đỗ Trung Quân chút chút, hi hi) nhưng cái khoản nói năng, ứng đối lưu loát thì không ai bì kịp.

Thời các đám cưới đang ở tình trạng nửa họp nửa mét tinh, người ta tranh nhau đăng kí nhờ nó làm chủ hôn, có khi trước cả nửa năm. Làm lính như nó thật khỏe re, sáng vác mõm đi tối vác bị về. Cơm rượu no say lại được tiếng hoàn thành xuất sắc công tác dân vận. Chúng tôi cũng nhờ nó mà được trơn mồm ngọt lưỡi, đỏ da thắm thịt.

Làm thằng lính hễ không tài cán gì thì thôi chứ ló ra cái tài nào là lập tức được sử dụng tối đa, vinh dự bao nhiêu cơ cực bấy nhiêu, kể cả cái tài tầm thường là tài cắt tóc.

Có lẽ chỉ cái tài bẻm mép của thằng Phương là xem ra vớ bẩm.Ở hậu phương thì ba ngày tiệc nhỏ năm ngày tiệc lớn, nó đều có chỗ ở chiếu trên. Ra trận cũng khỏi sa vào tầm tên bay đạn lạc. Một mình một cái loa, nó ngồi rung đùi “ bắn” vào tai địch, bắn liên thanh cả giờ không nghỉ, chẳng những địch vuốt mặt không kịp mà đến cố tổ cao tằng địch cũng muốn đội mồ đứng dậy.

Chiến dịch nào thằng Phương cũng có tên trong sổ báo công. Rõ cái mồm ngàn vàng khôn chuộc, tam vinh tứ khoái đều nhờ nó mà nên cả, hi hi.

Cứ nghĩ thằng Phương nói vậy thôi, đời nào nó viết, té ra nó ném vào mặt tôi cái ký Chuyện tình đêm cuối năm chừng mười trang, vỗ đùi tôi đánh bốp, nói chuyện thật chứ không bịa đâu nhé!

Tôi không đọc cứ gật bừa, nói được được hay hay. Thằng Phương thích lắm, ngửa cổ cười khá kha kha, nói tao chỉ phắn ra một mẩu tình đem bán lấy vài trăm uống bia. Mai mốt kẹt tiền tao lại phắn ra một mẩu khác. Toàn chuyện tình máu lửa, vừa hoành tráng vừa ẩm ướt, thách đứa nào gạt của tao được một chữ.

Quen tính thằng Phương và quen thói huênh hoang vui vẻ trong các cuộc rượu của giới văn bút tỉnh chẵn, tôi mỉm cười không nói gì. Về nhà, tôi lẳng lặng gạt đi năm trăm chữ rồi cho in. Cái kí không lấy gì hay lắm nhưng cần cho số tết, cần chút tráng ca làm gia vị trong bữa tiệc ngồn ngộn những trò vui vẻ.

Ngỡ cái ký ba thật bảy bốc phét của thằng Phương sẽ chẳng làm ai xuýt xoa, thế mà có chuyện.

Một đêm mưa gió có một người đàn bà gõ cửa nhà tôi, chị chừng 40 tuổi nhưng thoạt nhìn cứ tưởng trên năm mươi, mặt mày hom hem, chỉ đôi mắt vẫn còn tươi sáng lắm.

Chị đứng dúm dó một gốc nhà, trân trố nhìn tôi, nói anh có phải nhà văn Lập không, tôi nói vâng. Chị nói bài Chuyện tình đêm cuối năm, cái người tên Hương là tui. Tui không phải tên Hương, tui tên Trâm, nhưng chuyện là chuyện của tui với anh nớ.

Tôi giật mình nghĩ bụng ôi thôi bỏ mẹ rồi, cha Phương bịa tào lao cái gì, người ta đến thắc mắc kiện cáo đây.Dường như chị đoán được, vội vã xua tay, nói không không, tui đến đây không phải đôi co chuyện đúng sai. Tui chỉ hỏi anh nớ tên Phương chứ không phải tên Quỳ phải không. Tôi nói vâng, Quì là bút danh của anh Phương. Chị hét to cha mạ ơi, rứa là đúng rồi. Rồi ôm mặt khóc rống lên.

Chuyện tình của chị với thằng Phương cũng đã hai mươi năm, với thằng Phương đó chỉ là cuộc tình chốc lát, nằm trong danh sách gần năm chục nàng của nó, còn với chị là mối tình đầu.

Cái ký thằng Phương viết thì hay ho lắm, chuyện lần đầu nó gặp chị nó viết giống như phim: “ Bỗng từ chiến hào, một nữ du kích lao lên, qua ánh lửa xanh lét của đạn pháo, chị bỗng sáng ngời và lấp lánh”. Chị nói mô có anh, anh Phương gặp tui ở giếng làng. Hi hi thì nó cũng kể rồi.

Chị ra giếng giặt áo quần, thằng Phương đi qua thấy trăng trắng múp múp bèn sà vào ngồi thành giếng cợt nhả đôi câu, đại loại người đâu xinh thế nhẩy, sao giặt áo một mình thế này hả iem, để anh múc nước cho iem, nha iem! Chị nghe rác tai, bê thau áo quần đi thẳng. Thằng Phương nhìn cái mông tròn lẳn của chị, nói đ.mẹ, chết tao cũng giết cho được con này.

Thằng Phương thổi sáo giỏi, phải nói là siêu, nó nói chỉ một cây sáo này thôi tao đã giết được mấy chục con nhà quê rồi. Chắc chị cũng trong số “ mấy chục con nhà quê” đó.

Mấy hôm liền sau đó, tối nào nó cũng ra ngồi tựa thành giếng thổi sáo, chị ra giếng giặt áo nó cũng mặc kệ, cứ mải miết thổi. Hôm sau, hôm sau nữa… tiếng sáo của thằng Phương đã hớp hồn chị đến nỗi nó chưa kịp ngõ lời, chị đã ngã vào lòng nó rồi.

Thằng Phương mô tả cuộc tình trong ba mươi đêm của chị và nó rất hấp dẫn, buồn cười nữa. Nó nói đàn bà kêu la rên rỉ tao biết cũng đã nhiều, nhưng con này nó kêu như mèo kêu chúng mày ạ. Tôi cười, nói ông nói phét. Nó trợn mắt vung tay thề, nói mẹ, tao nói sai trời đánh tao chết liền. Rồi nó nhái lại tiếng mèo kêu của chị, nói ôi anh ơi anh ơi, mau lên mau lên, em sắp sướng rồi. Cả hội cười sằng sặc, tôi cũng cười sằng sặc.

Tôi gọi điện cho thằng Phương, nói tình hình như vầy như vầy. Nó cười khá kha kha, nói tiên sư con mẹ này cũng biết đọc báo à bay. Tôi nói mày liều hồn nàng còn thương mày lắm đó. Thằng Phương cười khá kha kha, nói tiên sư bố mày, tao tưởng mày thông minh lắm. Tôi nói thì tao đọc bài mày, tưởng mày còn da diết với nàng lắm. Nó lại cười khá kha kha, nói da diết cái củ khẹc.

Mới ngày hai mươi chị đã cúng tất niên, gọi điện rối rít mời tôi ra cho bằng được. Nể quá tôi đành đi. Vào nhà thấy cái ảnh thằng Phương trên bàn thờ, ngạc nhiên quá trời. Chị nói tại khi chia tay, anh Phương nói nếu hòa bình anh không về tìm em thì có nghĩa là anh đã chết. Tôi rủa thầm tổ cha cái thằng láu cá, cắt đuôi êm như nhíp.

Nhìn cái nhà trống hoác như cái trại giữ vịt, biết ngay nhà vắng đàn ông, tôi nói thế từ bấy đến giờ chị vẫn thờ anh Phương à? Chị thở hắt ra, nói thì vẫn.

Chị ngồi bệt, rưng rưng nước mắt nói tui chỉ ân hận không giữ được đứa con cho anh Phương, tôi há hốc mồm. Hóa ra chị có với thằng Phương một đứa con gái, chuyện này nó không biết, chị có gửi cho nó mấy chục lá thư mà chẳng thấy nó hồi âm, chiến tranh loạn lạc chuyện đó cũng dễ hiểu. Con gái chị mất năm mười ba tuổi vì bệnh hoại thư đường ruột, cháu mất khi chưa kịp chụp một cái ảnh nào để chị đặt lên bàn thờ.

Từ đó chị thủ tiết thờ chồng con, kiên quyết không đi bước nữa. Chị gạt nước mắt gượng cười, nói ai cũng kêu tui ngu, mới yêu đương sơ sơ, cưới hỏi chi mà chồng con. Mặc kệ thiên hạ anh ạ, mình đã có con với ai thì đương nhiên người đó là chồng mình chớ.

Tôi nghẹn đắng không biết nói sao.

Tôi lại gọi điện cho thằng Phương, nói tình hình như vầy như vầy, nó nói chết chết chết, tình hình xấu. Tôi nói mày làm sao thì làm, tao đéo biết đâu. Nó nói thôi được, thế này nhé, nhuận bút của tao được bao nhiêu, ba trăm ngàn à, số tết mà bèo thế. Mày cầm giùm tao đưa cho nó, bảo tao gửi vào làm quà tết. Mày phải nói kheo khéo, gái nhà quê hay sĩ diện hão lắm đấy. Mày có thông minh không hả Lập?

Tôi cầm tiền ra vừa đúng lúc chị gói ghém chuẩn bị lên tàu ra Hà Nội. Tôi nói chị ra làm gì. Chị cười như không, nói tui phải chộ cái mặt anh Phương cái rồi chết cũng cam tâm. Tất nhiên chị biết thằng Phương đã vợ con đề huề rồi, nhưng cản không nổi.

Tôi gọi điện cho thằng Phương báo nó giờ tàu chạy để nó ra đón chị. Nó nói chết chết chết, tao đang ăn tết ở Vũng Tàu với vợ con, biết làm thế nào.

Nó nói phét, chị đã nhìn thấy nó nhưng nó nhanh chân lẻn mất, đem vợ con sang trú ẩn ở nhà ngoại. Mồng ba tết chị về nhà, nói chưa chộ mặt anh Phương nhưng chộ được cái lưng anh cũng thỏa mãn lắm rồi.

Rồi chị ngồi lặng lẽ khóc.

Sau đó tôi đem vợ con ra Hà Nội kiếm ăn. Bốn năm sau mới nháo về thăm viếng bạn cũ ở Quảng Trị, có ghé qua thăm nhà chị.

Chị không còn đó nữa, cái nhà cũng bay đâu mất tiêu, hỏi chị đi đâu chẳng ai biết. Cây xấu hổ mọc vống lên trùm lấp cả khu vườn.

Mấy người hàng xóm nói không có ai dám dựng nhà trong khu vườn của chị. Người ta đồn khu vườn ấy có ma. Đêm đêm, trong các lùm cây xấu hổ, ma ngồi nghiến răng ken két.

1993-2008

Những giấc mơ phải gió

Có hơn chín ngàn đêm tôi mơ thấy nàng. Khi nàng chỉ thoáng qua trong giấc mơ phù phiếm nào đó, khi nàng là nhân vật chính trong giấc mơ thật ly kỳ hấp dẫn giật gân kiểu truyện trinh thám An Nam chẳng may tôi đọc được, hoặc một giấc mơ thật ai oán đầm đìa nước mắt, kiểu các vở cải lương ở những đoạn xuống xề.

Biết làm sao, tôi vẫn yêu nàng vẫn nhớ nàng vẫn thấy nàng, luôn luôn thấy nàng.

Tôi thấy nàng ngã nhào trước mũi chiếc xe tải rách. Trong khi thằng chó đẻ ấy ( tức là chồng nàng) đứng đực ra, mặt như ngỗng ỉa thì tôi lao tới đấm vào mặt thằng lái xe. Quả đấm mạnh đến nỗi quai hàm thằng lái xe vỡ ra, hắn gục xuống đường nhựa.

Tôi bế xốc nàng dậy, chửi vung với những ai muốn dính tới nàng. Với bộ ngực đẫm máu nàng, với cái đầu ngẩng cao, tôi chạy.

Tôi thấy tôi là con đà điểu khổng lồ mang trước ngực con chim non rã cánh, chạy bời bời giữa mênh mông cát trắng mênh mông rừng rậm...Với tốc độ phi thường tôi lao vào bệnh viện.

Ngồi thu lu ngoài phòng hồi sức, toàn thân đầm đìa máu nàng và mồ hôi của tôi, thè lưỡi liếm từng giọt mặn, mắt vẫn dán vào tấm kính mờ, tôi hồi hộp đếm từng giây.

Không có ai kêu gọi hiến máu, tôi đã chờ đợi hàng giờ vẫn không có ai kêu gọi. Các bác sĩ y tá đeo các bộ mặt nghiêm trọng qua lại trước mặt tôi, gặp phải quá nhiều lần câu hỏi của tôi về tình trạng của nàng, họ trở nên cau có giận dữ. Bỗng dưng tôi muốn đấm vào những bộ mặt kiêu ngạo kia.

Đúng lúc có ý nghĩ ấy, tôi chợt nhớ ra vai trò của mình, đám bác sĩ y tá này đều thuộc quyền quản lý của tôi, chí ít cũng ở mức gián tiếp. Thời buổi khắc xuất khắc nhập này kiếm được một chức vụ trọng yếu trong Thị xã cũng chẳng lấy gì vẻ vang cho lắm, nhưng bây giờ tôi có thể sử dụng nó để cứu nàng.

Một nữ y tá chẳng những không sợ hãi, thị còn tỏ ra khiêu khích, nhếch mép cười cái xoẹt, nói cô ta là gì với anh mà anh nhặng lên thế. Tôi muốn cho thị một tát, tất nhiên điều đó đã không xảy ra. Tôi thở hắt vào mặt thị, nói cô không biết tôi là ai à? Nữ y tá cười hé he he, cái kiểu cười đến Phật cũng nổi đoá, nói thưa tôi biết rồi, Thị xã bằng cái nia, ai làm gì sao tôi không biết. Có điều anh vẫn chưa trả lời cô ta là gì đối với anh. Tôi nghiến răng dí ngón tay vào trán thị, nói là vợ tôi, hiểu chưa.

Kỳ lạ thay, vào thời điểm quỷ tha ma bắt ấy, tôi thấy ngón tay trỏ của tôi đang dí vào trán vợ tôi.

Tôi trợn mắt ú ớ và bừng dậy. Dưới ánh sáng màu tím nhạt của ngọn đèn ngủ, vợ tôi ngang nhiên phơi bày những vũ khí cần thiết cho các cuộc thi đấu hạnh phúc.

Thị mở mắt ngáp cái rõ dài, nói anh ú ớ cái gì thế. Tôi mỉm cười nhắm mắt, nói à không, lại chiêm bao một chuyện chẳng ra gì. Thị dịch lại, đặt cánh tay trần mập tròn lên ngực tôi. Tôi biết thị đang muốn cái điều tôi đang chán.

Tôi ngủ. Thị cũng ngủ. Thị vốn vậy, chưa bao giờ tỏ ra thích thú một điều gì nhưng bất cứ điều có thể tốt cho mình thị đều sẵn sàng đón nhận: những đồng tiền tôi kiếm được bằng xảo thuật, vị trí tôi kiếm được bằng khéo léo, và dĩ nhiên cả khả năng quyết chiến quyết thắng bẩm sinh của tôi trong các cuộc thi đấu hạnh phúc.

Tôi không hề ân hận đã cưới thị làm vợ, bởi vì đó là kết quả một cuộc tình không đến nỗi tồi, cũng ai oán đầm đìa nước mắt, cũng ly kỳ hấp dẫn giật gân. Vả, thị thường hoàn thành khá xuất sắc phận sự một đồng chí vợ, đóng khép háng vô cùng điêu luyện, đàn bà không phải ai cũng có thể biết.

Thị đã có với tôi hai mặt con. Đứa con gái đầu lòng xinh đẹp quá mức tưởng tượng. Nó có một giọng ca đặc biệt ai oán, có tính bảo tồn văn hoá dân tộc. Chúng tôi vẫn thấy nó liên tục xuất hiện trên ti vi với vai công chúa, lúc này là con của ông vua này, lúc khác là con của ông vua khác. Bất kì vở kịch nào nó cũng yêu một thằng đói rách lầm than, trong khi cha nó ép nó lấy một thằng giàu sang nhưng khốn nạn. Loanh quanh hơn một tiếng đồng hồ, rốt cuộc thằng khốn nạn hoặc chết chém hoặc đi đày, thằng đói rách cưới nó và lên ngôi hoàng đế.

Thế là tạm ổn, dù lương bổng chẳng ra sao nhưng đã hơn một tá bọn háo sắc lắm tiền, nó vẫn gọi là lũ ngu lâu, luôn sẵn sàng tặng hoa và dắt nó đi nhà hàng.

Thằng thứ hai đáng ngại hơn. Nó làm ngành y, khổ thay lại có thiên hướng văn chương. Vợ tôi vẫn thở vào thở ra, nói thị vẫn không tưởng tượng nổi chuyện gì sẽ xảy ra khi nó đang cầm dao mổ bụng người, bỗng trong cái đầu rất hạn chế của nó bỗng chập chờn thơ và bướm.

Đặc biệt nó ăn nói rất lung tung, ngồi đâu cũng chê bai ông này ngu thế này lão kia tham thế nọ, đối với nó phàm là xếp đều là thứ rác rưởi. Dẫu sao tôi vẫn yên tâm, nó chỉ lộng ngôn ở nhà, nơi đám đông ở công sở nó đã gắng công rèn luyện tính điếm, đến nay khả năng điếm của nó bộc lộ khá hoàn hảo. Đã là điếm thì bị người đời khinh bỉ là chắc chắn, nhưng ấm no theo đó mà chắc chắn hơn.

Tôi không có ý định kê khai lý lịch, sở dĩ phải dài dòng như vậy để bạn đọc yên tâm xác định ngay tôi là một kẻ chẳng ra gì. Dù vậy cũng có một thời tâm hồn tôi chưa hề bị cảm cúm, theo cách nói hiện đang rộn ràng khắp thế giới, một thời tâm hồn tôi chưa bị ô nhiễm môi trường.

Thời đó tôi yêu nàng.

Cách nhau mười tám cây số đường rừng đầy mìn claymo, chúng tôi vẫn cố sức gặp nhau, chỉ bên nhau năm phút vẫn cố sức tìm mọi cơ hội ghì chặt vào nhau. Tôi hôn nàng, muôn vàn cái hôn của tôi đã dính mồ hôi khắp cơ thể nàng. Mỗi lần tôi ngập vào nàng, chiến tranh chết đứng, chỉ còn tiếng nàng rên rỉ đừng có con anh nhé, đừng để em có con...

Lúc đầu tôi tưởng nàng sợ bị kỉ luật, không, một lần nàng áp vào ngực tôi thì thầm, nói em thích có con với anh đi quá đi mất, nhưng em sợ em chết con nó khổ. Tôi rùng mình, trong suốt cuộc chiến tranh tôi trải qua chưa lần nào tôi rùng mình, chỉ trừ có lần ấy.

Bây giờ mỗi lần tôi mơ thấy nàng ở cái lúc nàng rên rỉ như vậy, tôi lại rùng mình, trán vã mồ hôi.

Chiến tranh đã đi qua, không đúng, tôi tạm biệt chiến tranh mò về hoà bình, đã ăn nằm với hàng tá đàn bà với nhiều lý do khác nhau nhưng tôi chỉ mơ thấy nàng. Có chín ngàn đêm như thế. Khi nàng là nhân vật chính trong giấc mơ thật ly kỳ giật gân kiểu truyện trinh thám An Nam chẳng may tôi đọc được, hoặc một giấc mơ khác thật ai oán đầm đìa nước mắt kiểu các vở cải lương ở những đoạn xuống xề.

Sở dĩ một lần nữa tôi buộc phải dài dòng để bạn đọc hòan toàn yên tâm tôi là một thằng chẳng ra gì. Hay học theo lối nói của một nữ vắn sĩ trẻ, sớm nổi tiếng thế giới, vẫn dùng văn mình để nhạo những kẻ đã từng ngủ với mình, có lẽ tôi là sự đính kết vô duyên giữa một trang bất kì trong sách Đạ Đức Kinh của Lão Tử với một trang bất kì trong sách Quan Điểm Không Hiện Thời của Nietzche.

Ôi tôi ơi! ( Nhại theo thơ bác Điềm và nhạc bác Sơn) Làm sao tôi có thể tin được có đêm tôi đã nhìn thấy tôi lần mò đến nhà nàng. Hơn một tên trộm cấp quốc gia, tôi chui xuống gầm giường, nơi nàng đang ngủ với thằng chó đẻ ấy ( tức là chồng nàng). Nàng đánh mông thật chuyên nghiệp và rên rỉ với hắn, nói đi nói lại đừng có con anh nhé, đừng để em có con...

Như một con chó sắp chết, từ dưới gầm giường tôi tru lên. Nàng kinh hoàng nhìn tôi. Tôi lừ lừ tiến tới nàng, bất ngờ nhổ nước bọt lia lịa vào mặt nàng và bỏ chạy và bừng tỉnh.

Mặt vợ tôi dính đầy nước bọt.

Thị chồm dậy, gắt anh làm cái gì thế. Tôi vội vàng lấy khăn lau mặt cho thị, nói anh vừa chiêm bao một chuyện thật gớm chết đi được. Lập tức thị chồm dậy, nói chuyện gì chuyện gì.Tôi nói à không, một chuyện tầm phào.

Thị nhìn tôi hồi lâu, bất giác thở dài, nói dạo này anh chiêm bao, mê sảng luôn luôn. Tôi cười nhạt , nói họp hành kinh quá, thần kinh căng thẳng thành ra thế. Thị lắc đầu, nói anh nên cẩn thận, tìm cách nào, không thì nguy lắm. Tôi lại cười nhạt, vuốt ngực thị cái, véo mông thị cái nữa nói chuyện gì. Thị lại cười như mếu, cái miệng trề ra, nói chuyện gì, biết rồi còn hỏi.

À, vụ án một ngàn nấm giả, cả nước ai không biết.

Thị lo lắng là phải, nếu nàng là thị chắc nàng cũng lo lắng cho tôi như thị thôi. Tôi dám chắc thị yêu bản thân tôi nhiều hơn những gì tôi có và đem về cho thị, dù thị đương nhiên là một ả tham lam.

Thị lo lắng vì biết rõ đây là chuyện hệ trọng. Hệ trọng không phải chỉ vì nhà nước đã mất đi món tiền khổng lồ cho việc qui tập mộ liệt sĩ, cái chính là bao nhiêu năm nay cứ đến ngày lễ tết, hàng chục ngàn người đã thắp hương quì lạy, kính cẩn nghiêng mình trước những nấm mộ xương động vật.

Thị bỗng kêu lên ôi giời ơi sao khổ thế này, tôi chồm lên thị, tính bịt miệng thị bằng khoái lạc, thị đẩy tôi ra, khép đùi nằm nấc nấc.

Biết thị đang khóc, tôi nhắm mắt ngủ liều. Đàn bà thường giải quyết chuyện hệ trọng bằng nước mắt, không việc gì phải dỗ dành. Tôi cố ngủ.

Hình như tôi đếm đến tám ngàn chín trăm hai mươi sáu thì thiếp đi, hình như tôi có nói mớ lụt thì lút cả làng, và thị có la lối gì trong đêm. Tôi không biết, khi không còn cách gì để biết thì tốt nhất không cần biết nữa...

Tôi cố gắng bận rộn với những giấc mơ gặp nàng. Tâm hồn dễ cảm cúm của tôi thường vẫn gặp may.

Tôi gặp nàng ở chân đồi 214, lần này nàng “đang bị”, không sao, tôi say sưa oanh tạc vùng trời của nàng, mải mê hai núm vú nhỏ xíu hồng tươi thơm thơm mùi trinh nữ.

Nàng vò nát tóc tôi, hỏi đi hỏi lại ai đã cho tôi cái lược dắt ở túi. Tôi nói anh làm tặng em chứ ai cho, nàng cú đầu tôi cái, nói em chả tin, nàng nào cho anh thì khai ra mau lên. Tôi cố gắng dùng lưỡi chứng minh với ngực nàng, nàng run lên, rồi khóc. Tôi biết nàng thương tôi đã rủi ro gặp nàng vào lúc nàng “ đang bị”.

Tôi hôn và nói không sao, hôn và nói không sao, hôn và nói không sao, đến cao điểm hưng phấn không được giải toả tôi cắn đứt tung sáu chiếc cúc áo của nàng. Những chiếc cúc màu đỏ , nhỏ xíu như những hạt dưa.

Nàng kêu lên đứt hết cúc áo em rồi... làm sao em về đơn vị.. Tôi ngồi ngẩn tò te. Nàng cú đầu tôi, nói anh hư lắm...Tôi ngẩn người nghĩ mãi không ra làm thế nào để khâu lại những chiếc cúc áo cho nàng. Nàng cười rích rích, nói ngốc lắm, chiến tranh có nghìn cách nói dối, biết yêu thì phải biết nói dối chứ. Tôi vẫn ngẩn tò te.

Nàng lại cười rích rích, dúi chiếc cúc vào tay tôi, nói cầm lấy một chiếc cúc làm kỉ niệm, em đổi chiếc lược đuya ra của anh đấy. Rồi nàng ra về với một đống cây dây rừng chằng chịt quanh người, vừa đi vừa cười rích rích, nói em đã sáng tác được chuyện đứt cúc áo cho thủ trưởng em nghe rồi, hay cực, ke ke ke.

Tôi để chiếc cúc áo của nàng dưới đáy ba lô, đinh ninh đấy là kỉ vật tuyệt vời nhất của tôi trong chiến tranh. Ba ngày sau tôi đánh mất chiếc cúc trong một trận pháo bầy.

Trận pháo bầy đã làm tôi trọng thương, ngay lập tức được chuyển về tuyến sau, kể từ đấy tôi không bao giờ gặp được nàng nữa, không bao giờ. Tuy vậy tôi vẫn gặp nàng trong chín ngàn cơn mộng mị, chỉ chiếc cúc là vĩnh viễn biến mất.

Thế mà không.

Tôi thay áo, rút giấy tờ ra khỏi túi, chiếc cúc bỗng hiện ra trước mặt tôi. Nó đây rồi, chiếc cúc màu đỏ, nhỏ xíu như hạt dưa. Tôi kêu to nó đây rồi, nhảy lên hét lên nó đây rồi, nhảy lên nhảy lên hú lên hú lên nó đây rồi, chợt vấp ngã và bừng tỉnh. Không phải, tôi đã ngồi dậy từ lúc nào, đang chằm chằm nhìn giọt trinh tiết của cô gái mười sáu tuổi, món hàng qua đêm thằng Bốn mua tặng tôi.

Cô gái hốt hoảng vùng dậy, che qua quít bộ ngực non, nói anh làm gì mà hú hét ghê thế. Nó gọi cái thằng bằng tuổi cha nó bằng anh nghe ngon trớt. Tôi móc tiền đưa cho nó, nói cô đi đi. Nó ôm cổ tôi hôn đánh chút, cố tình dí bộ ngực non vào mặt tôi, nói không mừ không mừ, anh Bốn nói em phục vụ anh suốt đêm mừ.

Hai cái núm vú nhỏ xíu hồng tươi thơm thơm mùi trinh nữ quệt qua quệt lại trước mũi làm tôi bỗng nổi khùng, nói cô đi đi. Cô gái tròn mắt ngạc nhiên, cái háng trắng nhỡn xoè ra khép lại, nói anh đuổi em thật à, cái háng trắng nhỡn lại xoè ra khép lại, nói em thích anh nắm mừ, yêu em nắm mừ, nàm đi nàm đi. Thốt nhiên tôi buồn nôn, ôm bụng quằn quại, hét lên cô đi đi, cô cút đi. Cô gái sợ hãi đi ra, để lại mình tôi với giọt trinh tiết.

Thằng Bốn từ phòng bên nhào sang, nói hai giờ sáng rồi, anh còn kêu ai ầm ĩ thế. Tôi cười nhạt, nói à, chiêm bao gặp bạn cũ. Thằng Bốn không nói gì, xốc ấm trà, nói có lẽ anh lo lắng quá, tâm thần bất ổn. Đừng sợ, cứ để đấy em lo. Nghe cái giọng véo von của hắn, tôi nổi cáu nghiến răng, nói sợ cái con cặc.

Thằng Bốn im lặng, tôi cũng im. Chưa bao giờ tôi văng tục với thằng Bốn. Hắn là đệ tử ruột, đệ tử xanh cỏ đỏ ngực, để tử trăm phần trăm, đệ tử chùm khế ngọt... Vậy mà hắn đã hại tôi cái việc chết người.

Thằng Bốn đã tổ chức ăn cắp hai trăm nấm mộ liệt sĩ ở một nghĩa trang, chia mỗi mộ thành năm bảy gói, nhét xuống một ngàn mộ giả kia. Thằng chó chết làm xong mới báo, buộc tôi phải im lặng.

Tôi muốn đấm vào mặt thằng Bốn cho tan thành năm bảy mảnh, đấm nát mặt hết một trăm hai chục đứa đã cùng hắn làm cái vụ chết người kia. Tôi nhìn hắn... hắn nhìn tôi, tôi trợn mắt... hắn trợn mắt, tôi nghiến răng... hắn nghiến răng... A, thằng này láo, tôi tung người tương vào mặt hắn một quả đấm.

Choang!

Tấm cửa kính hai buồng vỡ tan, tay tôi nát nhừ đỏ máu. Thằng Bốn giật nẩy người, lao đến đỡ tôi, nói anh tính tự sát hay sao. Thì ra tôi đấm tôi. Chà, máu ra nhiều quá.

Ba ngày sau, từ Sài Gòn trở về, đúng chín giờ đêm tôi bị bắt. Rủi ro quá đi mất, tôi bị bắt đúng lúc thằng con trai thứ hai của tôi vừa đọc xong bài thơ tỏ tình với cô gái nó vừa phẫu thuật thành công, cả nhà đang xem đoạn kết vở kịch gì đó tôi không nhớ tên nữa, chỉ nhớ đến đoạn thằng đói rách đã cưới con gái tôi và lên ngôi hoàng đế.

Tôi bị đẩy lên xe bịt bùng, vợ tôi hét lên một tiếng rợn người, ngã lăn quay dưới chân mấy viên cảnh sát. Tôi ôm mặt cúi đầu, cố gắng không nói gì không làm gì không nghĩ gì.

Xe chạy, tiếng xốc nặng và trầm, không cách gì không nghĩ được. Có thể án chung thân, có thể án tử hình.

Thế là hết...ối tôi ơi!

Giá tôi được chết ba ngày sau khi cắn đứt sáu chiếc cúc áo của nàng, sao tôi không chết mà chỉ bị thương thôi nhỉ. Chết lúc đó thật tuyệt vời, bởi vì một tháng sau nàng cũng chết vì một trận bom khác cách suối Mil, chỗ tôi ở, không đầy mười tám cây số đường rừng.

Thật ra tất cả những giấc mơ tôi gặp nàng đều phù phiếm, kể từ đây có thể tôi được gặp nàng thật, chỉ sợ linh hồn những cái chết khác thời sẽ không được gặp nhau.

Thằng Bốn bỗng hiện ra trước mắt tôi, hắn báo đã xử lý thành công tốt đẹp việc chia chác hai trăm mộ liệt sĩ cho một ngàn mộ giả. Chỉ có một liệt sĩ gái thôi anh ạ, hắn nói.- Sao biết, tôi nói.- À, một chiếc lược đuya ra và năm chiếc cúc màu đỏ. Chỉ con gái mới xài cúc màu ỏn ẻn vậy thôi, hắn nói và cườì sằng sặc.

Tôi xốc ngược cổ áo thằng Bốn lên, nói mộ ấy ở đâu. Hắn lại cười sằng sặc, nói chia chác tùm lum, biết chỗ nào nữa anh...

Thế là hết.

Không còn cách gì có thể gặp nàng nữa, nàng đã bị chia năm xẻ bảy, linh hồn nàng đã bị đày đi ba chốn bốn nơi. Cái mặt thằng Bốn đang cười sằng sặc bỗng phồng to như cái mâm bỗng dúm lại như cái đít bát lại bỗng phồng to như cái mâm.

Đồ chó đẻ!

Tôi gầm lên và sực tỉnh.

Viên trung sĩ cảnh sát hơi ngạc nhiên, nói anh chửi ai thế. Tôi bíu vào thành xe thở dốc, cố gắng thật bình tĩnh, nói à không, tôi chửi tôi.

Viên trung sĩ cảnh sát mời tôi điếu thuốc, y tự tay châm lửa cho tôi, nói hút một điếu cho nó tĩnh tâm. Tôi hít lấy hít để cái thứ thuốc lá Mart khai mù của xí nghiệp thuốc lá Mart, thằng Liên chưa gây dựng đã sập tiệm. Viên trung sĩ ái ngại nhìn tôi, nói anh nói chơi vậy chớ từ cổ chí kim có thấy ai chó đẻ ra đâu.

Ngày thầy thuốc 1993 viết xong, 2008 sửa lại.