Praha

Theo tư liệu ghi chép đầu tiên, thành Praha được xây dựng từ năm 965, cách đây 1000 năm, có diện tích là 500 km2 và dân số hơn 1 triệu người. Hồi đó có một thương gia ả Rập đã có bài viết ca ngợi những ngôi nhà bằng đá tuyệt đẹp với những khu chợ sầm uất và giầu có. Đây là nơi tập trung buôn bán của nhiều thương gia thuộc các quốc tịch khác nhau. Vào thế kỷ thứ XII, thành Praha đã được mở rộng thành một thị trấn dọc theo 2 bờ sông Vltava với một cây cầu nối liền hai khu. Thành Praha cổ giầu có với những ngôi giáo đường, những tòa tu viện với vòm cửa kính hình bán nguyệt, một số đã được trùng tu theo kiểu hình tam giác.

Đến ngày nay, Praha còn giữ nguyên vẹn hàng trăm cung điện, lâu đài, với những vòm tháp vàng nguy nga. Đây là những công trình kiến trúc tuyệt vời, nói lên sức lao động sáng tạo của nhân dân Séc trong hàng chục thế kỷ qua. Từ lâu đài Praha, Nhà thờ Praha, Tu viện thánh Gio-oóc, Tháp tòa Thánh trong Dinh Tổng thống, Tháp chuông cổ Oóclôi, đến Cung điện Mùa hè Hoàng gia..., tất cả đều cuốn hút du khách say mê chiêm ngưỡng.

Cảnh quan chính của Praha nằm trên một quả đồi nhỏ, nơi diễn ra những cuộc tế lễ thời cổ, cung điện của các vua và các hoàng tử Bohemian bao quát cả thành phố.

Lâu đài có tên là Praha được xây trên đồi này, về sau, tên Praha được dùng để gọi toàn bộ thị trấn bao quanh lâu đài.

Lâu đài Praha là một quần thể gồm nhiều lâu đài rộng tới 45 hecta, với nhiều dinh thự và cơ sở tôn giáo, nhiều hoa viên, tất cả có tường thành bao bọc. Trên ngọn tường thành có nhiều tháp. Các ngôi nhà được xây dựng qua nhiều đời. Đây là nơi diễn ra các nghi thức tiếp đón các phái đoàn cấp Nhà nước. Còn Cung điện Vua Rudolph II, ngày nay được dùng làm phòng hoà nhạc, tiếp tân.

Nội thất các cung điện cũng như các hoa viên trong khu Lâu đài Praha được trùng tu lại toàn bộ theo phong cách hiện đại, nhưng vẫn giữ được những nét phong vị cổ.

Phần cổ kính nhất trong khu Lâu đài Praha là Cung điện thứ ba. Các nhà khảo cổ đã phát hiện tại đây một quần thể cung điện có từ thế kỷ IX. Cung vua thì chỉ là một cấu trúc bằng gỗ, nhưng các toà nhà tôn giáo được xây bằng đá từ thế kỷ X. Đó là Nhà thờ thánh Vitus và Tu viện thánh Gio-oóc và Nhà thờ Đức Bà. Theo dòng lịch sử, các thành luỹ ngày càng được nới rộng, củng cố, các cung điện ngày càng nguy nga để xứng đáng với thủ đô của một Vương quốc Tiệp thống nhất (từ năm 995), và một thủ phủ tôn giáo với Tòa tổng giám mục (từ năm 975).

Nhà thờ chính tòa Praha đã trở thành biểu tượng của quốc gia Tiệp Khắc. Vương miện của Vua Tiệp được cất giữ tại nhà nguyện thánh Wencaslas (nằm bên trong nhà thờ chính toà). Nhà thờ cũng là nơi an nghỉ của các ông Vua Tiệp và các vị giáo chủ.

Không kể các cơ sở tôn giáo, thì hoàng cung chiếm một diện tích rộng nhất trong khu lâu đài Praha thời trung cổ (dài 62 mét, rộng 16 mét, cao 13 mét). Hoàng cung được xây dựng từ đời Vua Vladislav Jagellon từ năm 1492 đến 1502, thường là nơi tổ chức những lễ nghi chính thức của Nhà nước, thời phong kiến cũng như thời hiện đại. Tổng thống nước Cộng hoà được bầu cử và tấn phong tại đây.

Những toà nhà quan trọng khác trong khu lâu đài Praha là Nhà thờ Chư thánh và đặc biệt là Nhà thờ Thánh Gio-oóc với Tu viện ở bên cạnh. Tu viện đã bị bãi bỏ vào cuối thế kỷ XVIII và hiện nay là Viện Bảo tàng hội hoạ quốc gia.

Một trong những cung điện nổi tiếng của thủ đô Praha là Cung điện Mùa hè Hoàng gia Praha hay còn gọi là Cung điện Benvidơ (gốc tiếng Italia, có nghĩa là "cung điện tuyệt đẹp"). Cung điện được coi là toà nhà đẹp nhất thời Phục hưng của Cộng hoà Séc. Tới thăm cung điện Mùa hè, du khách còn có thể thực hiện một cuộc du ngoạn quanh Thành Praha. Cung điện Mùa hè Hoàng gia được thiết kế trên một nền vững chắc với những phần trang trí đúng kiểu Hoàng gia. Bao quanh Cung điện là những trục gạch được trang trí hình người, với 36 cột đỡ mái vòm. Mái là bộ sưu tầm duy nhất về nghệ thuật thời Phục Hưng. ở giữa cung điện còn có một "Đài phun nước hát" là đài phun nước nổi tiếng nhất trong số những đài phun nước ở Praha. Cung điện này hiện nay là một trong những nơi thu hút nhiều khách nước ngoài tới tham quan Cộng hoà Séc.

Từ trên đỉnh đồi Strahov nhìn xuống, Praha như một bức tranh phong cảnh thời Phục Hưng. Nối liền hai nửa thành phố nằm bên bờ sông Vltava là hàng chục chiếc cầu đá đồ sộ với hàng dãy tượng đài, mỗi tượng đài là một câu chuyện truyền thuyết. Nhìn từ trên xuống, thành phố có nhiều tầng, nhiều lớp bởi những toà biệt thự bên sườn đồi, những con đường uốn lượn và những thung lũng xanh đẹp mê hồn.

Phủ Tổng thống nằm trong một toà lâu đài cổ trên đồi Strahov. Người ta dành một nửa cho khách du lịch tham quan, còn một nửa là nơi làm việc của Tổng thống và những người điều hành đất nước.

Quảng trường "con gà trống" cũng được du khách tới tham quan nhiều. Tại đây du khách được ngắm những chú gà và lắng nghe tiếng gáy, chú gà trống này chỉ xuất hiện đúng 12 giờ trưa trên chiếc đồng hồ lớn đặt trên toà nhà nằm ở trung tâm của Quảng trường. Không chỉ vậy, người ta còn tới đây để ngắm nhìn các cô gái Digan ngồi tết tóc chỉ màu cho nhau, nghe hoà nhạc hay xem những nghệ sĩ xiếc rong biểu diễn.

Mặc dầu trải qua nhiều biến thiên lịch sử, thành phố Praha được bảo tồn khá tốt. Những di tích còn lại hiện nay là chứng tích của nhiều triều đại, của bao lớp sóng phế hưng trong lịch sử nước Tiệp. Về mặt nghệ thuật, các đền đài, miếu mạo tượng trưng cho nhiều phong thái nghệ thuật kiến trúc, từ Roma, Gothic, đến Phục Hưng, Barốc và tân nghệ thuật, kể cả nghệ thuật lập thể.

Praha nằm ở vị trí thuận lợi của trung tâm Châu Âu nên đã trở thành địa danh du lịch đầy hấp dẫn. Trung bình hàng năm, lượng khách du lịch tới đây nhiều gấp 3 lần số dân thành phố. Với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, người ta đặt tên cho Praha là "Thành phố trăm tháp vàng"./.

Charles Bridge seen from Prague Castle

St. Vitus Cathedral

Một góc nhìn rất đẹp xuống cảnh quan thành phố từ Cathédrale St-GUY

Chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng, trong vòng 400 năm qua, không sai một phút, cứ mỗi giờ, chúa Jesus và 12 vị tông đồ quay đi một vòng. Ở nóc đồng hồ có chú gà trống vàng, cứ 12 giờ trưa lại cất tiếng gáy vang. Chính vì vậy, người Việt Nam sinh sống ở Séc quen gọi là quảng trường “Con Gà”. Mọi người nói rằng, nếu ai nghe được tiếng gà gáy thì chuyến du lịch sẽ gặp nhiều điều may mắn.

Cầu tình nhìn từ tu viện St-Carmel

Dòng sông Vitava như dải lụa phủ xanh mây trời, chia thành phố thành 2 phần. Tả ngạn là khu đồi với những lâu đài, kiến trúc cổ. Hữu ngạn là quận Srato Mesto. Hàng chục cây cầu đá cổ kính uốn cong nối đôi bờ. Lớp lớp tòa biệt thự đan xen những thung lũng xinh đẹp mơ màng.

Chales Karluvmost là chiếc cầu đẹp nhất, được xây dựng từ thế kỷ 14, mang tên vị quân vương để lại nhiều dấu ấn nhất. Cầu dài 515m, rộng 10m. Dọc hai cầu dựng khoảng 30 bức tượng thánh. Đây là một kiệt tác bằng đá. Lên đây các bạn sẽ có cảm giác thật lãng mạn và bay bổng, nước dưới cầu tung bọt hát ca, đôi bờ sông những tòa lâu đài tráng lệ, cổ kính và bạn sẽ hiểu tại sao người Việt ở đây đặt cho nó một cái tên thật thơ mộng “Cầu tình”.

Charles bridge with Prague Castle in the background

Cảnh quan nhìn từ St-Carmel

Nhà hát lớn bên sông Vltava

Một trong những địa danh nổi tiếng nhất là quảng trường dân chủ, thuộc quận Hradcany – quận lâu đời nhất của Praha.

Pha lê Bohemia

(Bài viết và ảnh được sưu tầm từ internet, http://www.aviewoncities.com và http://www.vnphoto.net)