Tuyết Nga-Thơ

1. Năm 1986 mình có việc về Vinh, ghé qua Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh tìm Đức Ban, Phạm Việt Thư rủ nhậu chơi. Vào Hội chẳng biết ai với ai, thấy mấy ông cu cũ, lọ mọ, đi vào đi ra lờ vờ… y chang Hội nông dân tập thể huyện.

Văn thơ khét tiếng khắp nước nhưng ông nào ông nấy áo đại cán quàng khăn len, mũ nan lụp xụp, dép lê loẹt quẹt, đi đứng khóm róm…rất giống anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông.

Thế nên khi thấy một cô bé mặc cái áo tím hoa cà ngồi sau cái bàn cạnh cửa sổ, da trắng ngần, mắt bồ câu, môi hồng tươi đang lúi húi đọc đọc ghi ghi gì đấy thì mình mắt trợn mồm há… không thể tin nổi.

Mình kéo Phạm Việt Thư, nói này, em nào vậy mày. Thư nheo mắt cười cười, nói Tuyết Nga đấy, ngon không, duyệt không. Mình nói ngon ngon duyệt duyệt, rồi hỏi nó làm gì. Thư cười khục khục, nói đẹp thế không làm thơ thì làm cái gì. Mình nói không kiếm đại gia làm chồng lại đi làm thơ, ngu thế không biết.

Thư lại ôm bụng cười, nói ngu ơi ngôi sao sáng của xứ Nghệ đấy. Khi đó mới biết Tuyết Nga năm thứ hai đại học đã có thơ in Văn nghệ quân đội, Xuân Hoài, Trần Hữu Thung khen đứt lưỡi, phục nó tốt nghiệp cái là đem về Hội ngay.

Mình nhảy đại vào tán, mồm miệng như tép nhảy, nói chào em, anh đọc thơ em đã lâu mà giờ mới thấy mặt, đúng là thơ sao người vậy, mê hồn. Tuyết Nga cười to, tiếng cười trong vắt, cái nhìn sáng lấp lánh cho biết ông anh bóc phét sao kém thế.

Mấy hôm liền mình cứ lượn lờ văn phòng Hội, thỉnh thoảng lại nói thế nào, anh xong bài một được chưa. Nó cười he he he, lườm cái nói em đấm chết giờ.

Nó tung tăng đi lấy nước, nói nói cười cười rất tự nhiên như đã quen thân nhau từ lâu, không chút khách khí. Mình nghĩ bụng tình hình xấu, thà nó cứ ra vẻ ta đây, mặt hất lên trời, ngoảy đít đi thì lại dễ tán, đằng này nó cứ một anh hai anh vô cùng thân thiện lại chẳng biết tán làm sao, đành lên mặt đạo đức XHCN đóng vai ông anh, chơi với nhau thân thiết cho đến tận ngày nay.

Lâu lâu mình ghé qua Vinh, tấp vào nhà nó một hai buổi, uống rượu tán phét pha trò vui vẻ tự nhiên như ở nhà em gái. Mê nhất là tiếng cười của nó, lúc nào cũng vang lên trong vắt, vô tư lự, cười và thế a thế a…đáng yêu vô cùng.

Mình nói xứ Nghệ có hai đặc sản quí hiếm gọi là kẹo Cu Đơ thơ Minh Huệ, nó cười hi hi hi, nói thế a thế a. Mình nói Minh Huệ đang làm Đêm nay bác không ngủ 2, Đêm nay bác không ngủ 3… có khả năng làm đến Đêm nay Bác không ngủ 30, nó lại cười he he he, nói thế a thế, đâu có anh phịa.

Mình nói Minh Huệ làm đến Đêm nay Bác không ngủ 3 thì dừng, may, nếu không bắt Bác thức trắng cả tháng thì chết cha. Nó cười ngặt, đấm mình, nói điêu điêu, thế a thế a. Nghe nó cười cứ muốn ngồi tán phét mãi.

Hồi nó mới về Vinh, họa sĩ Trần Khánh nói mày về đây làm gì em, nó hỏi sao, Trần Khánh nói mày là giống công, ở đây toàn gà công nghiệp, mày sống làm sao? Thạch Quì nói nếu mày không muốn làm gà công nghiệp thì phải làm cú vọ mới tồn tại được em ơi. Nghe nói thế nó sợ toát mồ hôi.

Vào cái thời người ta lấy lập trường làm căn bản, tài năng là cái đinh, chuyện gì cũng có thể qui thành trọng tội, đại danh như Thạch Quì cũng lên bờ xuống ruộng không biết mấy lần, nó sống được cũng chỉ vì nó chẳng bận tâm đến mấy chuyện mà ai nấy đều cho là vô cùng quan trọng.

Mấy chuyện chính trường nó mù tịt, chẳng biết ông nào bộ trưởng ông nào thủ tướng, ông nào bí thư ông nào chủ tịch, ông nào có trong sổ đen, ông nào lý lịch xấu, nó cứ mắt tròn mắt dẹt thế a thế a ngơ ngơ như bò đội nón. Lúc đầu người ta tưởng nó giả đò, sau biết chắc nó lơ ngơ thật, chẳng ai thèm chấp nữa. Cái tên Tuyết Ngơ có từ hồi đó- Nghệ An có mười nhà thơ/ Thạch Quì là một Tuyết Ngơ là mười.

Trong Hội mỗi mình nó con gái, từ cái cúc đứt đến việc tổ chức một bữa nhậu, ai gọi Nga ơi anh nhờ cái, nó dạ dạ rồi vui vẻ đi ngay. Đi chợ nấu nướng mua rượu soạn mâm một tay nó cả. Các ông anh cứ thế xếp bằng ngồi nhậu, nói đủ chuyện trên trời dưới biển có khi đến trắng đêm.

Lâu ngày nơi nó ở thành cái câu lạc bộ mini, những người tài danh nhất xứ Nghệ đều tụ về đấy cả. Các ông anh có chuyện bực bội không biết nói với ai lại tìm về nhà nó. Bất luận giờ nào, hễ gõ cửa là nó mở cửa, mặt mày tươi tắn, nói ui anh…Rồi ngồi bó gối nghe các ông anh kẻ đọc thơ người cằn nhằn, kẻ thắc mắc người dèm pha, rồi thét lác chửi bới mắng mỏ đủ cả… nó vẫn kiên gan tiếp chuyện các ông anh, cứ thế a thế a không hề tỏ ra mệt mỏi hay chán nản.

Điều lạ là nó con gái xinh đẹp lại ở độc thân, mấy ông văn nghệ sĩ là đám cáo già trong chuyện trai gái mà bao nhiêu năm nó không hề bị tai tiếng gì, dù rất nhỏ.Tuyệt không một bà vợ nào ghen tuông, hết thảy đều yêu mến nó, hết thảy chứ không phải đa số. Bà nào cũng vậy, nửa đêm tỉnh giấc thấy chồng chưa về, gọi điện hỏi chồng đang ở đâu, nếu nghe chồng nói đang ở nhà Tuyết Nga là yên tâm trùm chăn ngủ. Cũng là một sự hiếm hoi.

Mình nói em cứ đánh đu với mấy ông Khôt ta bit đến khi nào mới lấy được chồng. Lấy đi em ạ, chồng hay lắm, không lấy sớm rồi sau này lại tiếc. Nó cười hi hi hi, đấm lưng mình nói thế a thế a, hay gì hay gì.

Tại đại hội văn nghệ Bình Trị Thiên 1988, từ trái sang phải: Vĩnh Nguyên, Ngô Minh, Hải Kỳ, Tuyết Nga, Nguyễn Quang Lập, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo

Rồi nó lấy chồng, hôm cưới thấy nó khoác tay chồng đi cà nhắc vào hôn trường, nhiều người mừng cho nó mà trào nước mắt. Nó mất mẹ từ hồi nhỏ, chân lại có tật, lúc nào cũng thấy nó mặt mày tươi rói, kì thực nó vất vả vô cùng.

Nó lấy chồng, cả đám ông anh đạo đức XHCN buồn ngẩn ngơ cả tháng, uống rượu say, nói mạ, thằng Hùng cũng gà công nghiệp như tụi mình thôi lại vớ được con công, cha tổ cái thằng may thế. Mình cũng buồn, dẫu rằng buồn là vô lý nhưng cứ buồn, như mình vừa đánh mất cái gì, lạ thế.

Anh em chơi lâu ngay, gặp nhau toàn tán phét, ít khi nghe nói nó đang viết gì, in gì, mình cứ tưởng nó mang tiếng nhà thơ thôi, kì thực chỉ sắm vai người hâm mộ. Một ngày đẹp giời có thằng bạn Bách Khoa gọi điện cho mình, nói mày đọc tập Thơ viết trước tuổi mình của Tuyết Nga chưa, mình nói chưa, nó nói đọc đi đọc đi, hay điếc tai.

Cái ông này hâm mộ thơ Tuyết Nga không kém kĩ sư Tuấn xứ Nghệ , hễ có bài nào của Tuyết Nga vừa in báo là cắt dán, đóng thành tập, suốt ngày ngâm nga như đọc kinh thánh.

Anh Tuấn là kĩ sư tây học, người miền Nam lấy vợ Nghệ, mê thơ và bóng đá kinh hồn, đặc biệt bóng đá Brazin và thơ Tuyết Nga, suốt ngày lùng sục thơ nó. Vợ anh tình cờ quen em gái nó, bèn xin một tập thơ của nó cho chồng. Anh Tuấn quí hơn vàng, đọc đến thuộc lòng vẫn cứ đọc, hễ trước khi ngủ lại đọc dăm ba bài, ai đến chơi đều đem thơ nó ra khoe y chang ông anh trai khoe thơ em gái.

Không ngờ anh chết vì tai nạn, vợ anh đặt trong quan tài quả bóng và tập thơ Tuyết Nga. Nó nghe vợ anh Tuấn kể thì òa khóc, khóc xong thì sợ rúm ró, sợ anh Tuấn hâm mộ quá lại lôi nó xuống âm phủ thì bỏ mẹ.

Cũng cứ tưởng nó làm thơ hay hay vậy thôi, ai làm thơ viết văn mà không có một ít người hâm mộ, chẳng ngờ ít lâu sau tập thơ Ảo giác nó được giải Hội nhà văn, ít lâu nữa thì được nó tặng tập sách luận văn tiến sĩ của nó, ít lâu nữa thì nghe nói mua được đất xây được cái nhà, ngạc nhiên quá chừng.

Uống bia mừng nó được giải ở quán Xanh, mình cười cười nói đấy, em thấy tác dụng của việc có chồng chưa. Nhờ có chồng mới có cô con gái xinh đẹp, đi đái có người đứng canh ma, thơ in ầm ầm, được giải ầm ầm, lại còn xây nhà xây nhiếc, tiến sĩ tiến siếc, đảng viên đảng viếc… sướng chưa!

Nó cười rất tươi, tiếng cười vẫn vang lên trong vắt, nói thế a thế a… Rồi nó cúi xuống mắt ngân ngấn nước, lát sau ngẩng lên, nói chồng em mất đã bốn năm rồi anh ạ. Mình sững sờ.

Nhìn nó cà nhắc đi ra cổng, một tay khoác vai con gái, một tay xách làn rau, mình ngẩn ra không hiểu sao nó lại có tiếng cười trong vắt bền bỉ suốt cả cuộc đời.

THƠ TUYẾT NGA - ẢO GIÁC VẾT THƯƠNG CHÌM

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Hình như có lần tôi đã nói về thơ: "Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người...". Hay nói như G. Lorca: "Thơ gần với máu hơn là mực". Không hiểu sao khi đọc tập thơ Ảo giác của Tuyết Nga, tôi lại bỗng nhớ đến quan niệm ấy. Và một điều kỳ lạ nữa, tập thơ khiến tôi ám ảnh về Anna Akhmatova - một nữ thi sĩ Nga sinh trước Tuyết Nga đúng 70 năm (1889) - mà số phận được báo trước trong câu thơ đề tặng của Maria Tsvetaeva: "Đời chị là một cái rùng mình - Đến bao giờ thì hết được?". Thơ Tuyết Nga thường buốt nhói những cái rùng mình của một tâm hồn đa cảm: từng trải mà ngây thơ, khát khao và tuyệt vọng, thông minh và dại khờ, khắt khe mà vị tha, trong trẻo mà cuộn xiết. Đấy là thơ của người biết hoá thân vào con chữ để hiện ra hình ảnh của chính mình, hay nói cách khác, người thi sĩ biết đứng lặng lẽ ở ngoài thơ để nhìn ngắm và ngẫm ngợi về bản thân mình hiện diện trong thơ. Phải chăng, thơ, đấy là cuộc đối thoại xuất thần của tâm tưởng:

Hãy nói với ta hương bưởi thơm ra sao ngày Mẹ 18 tuổi

...Mẹ đã dấu hoa cùng với giọt nước mắt ở đâu

để nuôi ta khôn lớn?

Ta, vị hoàng đế lên 3 trong vương quốc riêng Cuộc-Đời-Của-Mẹ

Nhưng Mẹ đã vĩnh biệt ta vào một sáng trong đời

Ta thành kẻ hành khất không nước mắt.

(Hoa tầm xuân)

Đấy là nỗi đau của "kẻ hành khất không nước mắt", hay nỗi đau của vết thương không có sẹo? Nỗi đau luôn hiện diện trong thơ Tuyết Nga như những vết thương chìm. Sự từng trải đã làm nên kinh nghiệm sống, và bản lĩnh đã khiến cho Tuyết Nga biết nén lại nỗi đau mà mình cảm thấy. Những nỗi đau được thu dấu trong tâm hồn, và được nuôi dưỡng để tạo nên hồn thơ đầy trắc ẩn, cho đến lúc nó rùng mình hiện ra trong câu chữ:

Lời ta là những mảnh thuỷ tinh rơi mãi

trái tim co ro nhón gót hãi hùng

máu rỏ xuống âm thầm kỷ niệm

những giọt màu rong rêu.

(Ảo giác 2)

Tuyết Nga không phải là người đối lập với niềm vui, mà chị mang chứa một nỗi đau phản kháng trước những niềm vui nông nổi, giả tạo, những bi uẩn nhờn nhợt, rẻ tiền. Chị nhìn thấy "trong đám cưới của người bạn bị bạc tình/ hạnh phúc/ như tờ lịch được đóng đinh", và chị nhìn thấy cả những hình ảnh quái đản của mọi ngươì trong đám cưới xa xót ấy:

Và em thấy mọi người là loài chim cánh cụt

trong bữa tiệc của người bạn chán đời

nơi niềm vui

như đồng tiền giật tạm.

(Ảo giác 2)

Một cái nhìn thật sắc sảo, xuyên thẳng vào bản chất, vào đáy thẳm sự thật. Nhưng cái nhìn của Tuyết Nga sắc mà không lạnh, cao đạo mà không nhạo báng. Nhờ thế mà nhiều lúc chị nhìn thấy được những điều thật lạ: "Rong chơi khoác chiếc áo Cô đơn" và "Tham lam sụp chiếc mũ Khổ đau" đi về phía "ngọn lửa kham khổ" vừa được "nhóm lên từ đống thời gian mệt mỏi lụi tàn" như một ảo giác xa xăm. Những ảo giác đau buồn mà ấm áp trong thơ Tuyết Nga luôn tái hiện suốt tập thơ như một môtip chủ đạo của tâm hồn thi sĩ. Không khó để nhặt ra những ảo giác ấy:

- Rồi một ngày bạc nắng ngoái tìm nhau

- Trái tim buồn như một trái cây rơi

- Đốm vàng u ẩn một triền sông

- Đừng tin xẻ nửa mùa thu được

Lững thững sông mòn mỏi bãi xa

- Màu thời gian bạc con đường cỏ mọc

- Hanh phúc với tay chạm vào nước mắt

Gió gom về từng mảnh dung nhan

- Có lúc niềm vui mang hình mảnh vỡ

Rơi long cong xuống ngày tháng khê nồng...

...

Ngòi bút thơ của Tuyết Nga dường như muốn thoát ra khỏi các đề tài để hướng thẳng vào tình yêu và thân phận. Cứ tưởng chị là một cây bút chối từ văn học đề tài. Với chị, đề tài chỉ là một cái vỏ bọc đã khô. Chị đi tìm vị ngọt ngào và đắng chát trong nhân quả thân phận và tình yêu, ở đấy chị chia sẻ, an ủi và dâng hiến chứ không phải là nói những lời biện hộ. Nói cách khác, thơ Tuyết Nga chính là sự bóc trần bản thân thi sĩ theo quan niệm của Marcel Reich - Ranicki: "Nhà thơ là những kẻ hoan lạc chuyên nghiệp, có khác chăng là không phải họ thi ca hoá sự loã lồ". Quan niệm này có vẻ hợp với thơ Tuyết Nga, bởi thơ chị không mang vẻ đẹp bốc đồng đỏng đảnh của kẻ trẻ tuổi bị hút vào cuộc tình mà là vẻ đẹp của một mệnh phụ đoan trang:

Thèm đóng gói được mùi đất ải cánh đồng hoàng hôn

chim ngói bời bời

đóng gói được dáng con đò uể oải

cả lối mòn phơ phất bóng cau

đóng gói được một trời sao rụng trong mắt anh phút khuất nẻo

chân trời

đóng gói được nỗi nhớ em run rẩy

ngưng long lanh trên mí mắt âm thầm.

(Nhật ký cuối thế kỷ)

Vẻ đẹp lạ lùng ấy hiện lên lộng lẫy trong bài thơ Bản nháp, một bài thơ tình tràn đầy nồng nàn và khắc khoải đớn đau. Đây là bài thơ vạm vỡ, dâng tràn tình yêu của con người hoà nhập với thiên nhiên rộng lớn, nhưng lại mang chứa sự đối lập sâu sắc về giới tính - sự đối lập của âm dương cộng hưởng. Những ấn tượng mãnh liệt đã hoá thành ảo giác. Ánh mắt, vòm ngực, cánh tay của người trai hay là hình ảnh hùng vĩ của thiên nhiên hiện lên ám tượng người thơ:

Ánh mắt của đại ngàn vạn tuổi vách đá thâm u ánh lửa cháy rừng

Vòm ngực của cánh đồng vô tận tiếng hú dài hoang lạnh hoàng hôn

Cánh tay những vòng ôm của sóng đáy vực sâu nhoà lẫn những chân trời

Anh

Bản nháp của tình yêu một sớm.

Và đây là hình ảnh của phái yếu hay là thời gian vô hình đang mục rữa:

Trái tim như phế tích nép lặng im hiu hắt phía đêm dài

Kỷ niệm lở trơ nỗi niềm phai nhạt

Những vui buồn loang lổ tháng năm

Lời yêu như cỏ rối miên man không khuất được nhớ thương

đang mục rữa

Em

Bản nháp của tình yêu đầy dập xoá.

Sự đối lập âm dương cộng hưởng với sự "chấm phá bản năng tìm kiếm chính mình" mà vẫn chỉ là "những bản nháp của tình yêu rơi xuống" ! Đây là một trạng thái rất lạ trong thơ Tuyết Nga - một trạng thái sống chấp nhận hay chối bỏ mãi mãi còn bí ẩn. Và hai từ "bản nháp" chính là lời tự thú kì bí của người thơ:

Những chân dung không màu đầy dập xoá

Tình yêu phác lên bất lực chính mình.

Hạnh phúc và nỗi đau trong thơ Tuyết Nga cứ được bóc dần vào tận lõi làm hiện ra sự thức tỉnh tận lòng người. Đấy là những ám ảnh kết tủa long lanh trong ký ức người thơ. Tuyết Nga thổ lộ rằng, chị chỉ làm thơ khi bị tiếng gọi của ký ức hối thúc. Điều đó không chỉ đúng với riêng chị mà đúng với tất cả các nhà thơ làm thơ bởi ám ảnh quá khứ. Ám ảnh quá khứ là cả một dây chuỗi liên tưởng được chắp nối, kể cả quá khứ xa và quá khứ gần, thậm chí cả hiện tại cũng có thể biến thành quá khứ khi liên tưởng phóng nhanh về phía tương lai. Cái đặc sắc của Tuyết Nga là biết dừng lại ở những ấn tượng sâu thẳm trong tâm hồn, những ấn tượng lạ như những bí mật riêng lẻ với những hình ảnh riêng tư nhất. Ngay cả những bài thơ viết cho con của chị cũng đều phát khởi từ cộng hưởng của ký ức hiện tại và ký ức qúa khứ: tuổi thơ của con và tuổi thơ của chính mình:

Giọt nắng sún răng lò cò quanh cửa

giọt nắng ỷ eo theo bà đi chợ

lễ mễ khiêng cả chiếc bánh đa tròn

(Nói với con về bà ngoại)

Gió nói với con đại ngàn thăm thẳm

sóng kể với con bãi bờ mê đắm

câu hát dắt con phiêu lãng những chân trời

(Mẹ chẳng thể nào...)

Những câu thơ thật tự nhiên, không bị gò bó bởi niêm luật, vần vèo. Câu chữ cứ dắt díu nhau tung tẩy, bỗng bất ngờ cắt lát, gập khúc theo cảm xúc quặn thắt của trái tim, khiến những bài thơ tự do nhập vào dòng chảy hiện đại. Những cảm xúc mới mẻ, những nhịp điệu nhanh gấp, những ý tưởng buông bắt, cùng với cảm quan trẻ trung, hiện đại... thơ Tuyết Nga lặng lẽ thở sâu hơi thở trong sạch của thời đại ngày nay.

Rồi một mai ngôi nhà đang xây kia sẽ lại là di tích

ta cũng thành một quá khứ xa xăm...

(Viết ở phố Hiến)

Rất hiếm thấy ở chị những điệu thơ truyền thống, nhưng không phải vì thế mà xa rời dân tộc. Hồn Việt được nuôi dưỡng trong cách nhìn tinh tế và đằm thắm của hồn thơ nữ tính. Thảng hoặc, ta thấy ẩn hiện trong bài thơ tự do bóng dáng lục bát, nhưng không hẳn là thơ lục bát (Đi tìm lời ru) . Cũng thấy có những nhịp thơ lẩn quất cách nói của Xuân Quỳnh: "Tằm đẫy trên nong/ ong trong vòm nhãn/ sen nở trên đầm, người cấy cày trên đất" (Viết ở phố Hiến), khiến ta nhớ "Nước trong phích, hoa trong bình gốm cũ". Nhưng đấy chỉ là chút ảnh hưởng đáng yêu mà không phải nhà thơ nào cũng tránh được. Cái chính là Tuyết Nga đã tạo dựng được một giọng thơ cho riêng mình, một giọng thơ đẹp, sang và vang; tất nhiên nó không phải là sự bắt chước vẻ nhăn mặt của Đông Thi xưa, mà là vẻ đẹp thực sự của cái chau mày Tây Thi thời hiện đại:

Nỗi nhớ xếp hàng trong máy nhắn tin

... Mỹ viện xoá nhoà ký ức về nhau

... Cổ vật lòng ta mai sau.

(Nhật ký cuối thế kỷ)

Trong cái giọng thơ đẹp, sang và vang ấy luôn ẩn chứa một chút gì xót xa đắng đót và nhân hậu bao dung. Khá nhiều bài thơ của Tuyết Nga mà đoạn kết thường xuất hiện một chữ "thôi" như một thái độ không cố chấp, vị tha, ôn hoà hay thủ phận. Cũng có khi chữ "thôi" mang ý nghĩa kiêu bạc và buồn:

- thôi anh mong nhớ sẽ theo về

(Không đề 2)

- thôi ta đi cùng nhau thêm một lần cuối nữa

(Ký ức)

- thôi anh hãy xem nụ cười bình thản

với một ngọn gió buồn đâu đó nữa là tôi

(Thơ tặng hoạ sĩ vẽ chân dung)

- thôi em... thôi em... dòng sông đã chảy

ru em... ru em... mặt trời không tuổi

thôi nào trái tim...

(Dòng sông đã chảy)

- nào thôi con đường nhỏ quanh co nữa làm gì

lòng đâu còn ánh lửa mà ta về lối khuya.

(Sông Đuống chiều cuối năm)

- gió cũng xưa mất rồi

chỉ mình con mới sinh thôi.

(Đi tìm lời ru)

Gần 20 năm trước, chữ "thôi" này của Tuyết Nga cũng đã xuất hiện trong câu kết của bài thơ "Viết trước tuổi mình":

- Thôi em tin cùng anh, niềm tin can đảm ấy.

"Thôi" là hết mà vẫn không là hết. "Thôi" là chấp nhận mà vẫn còn miễn cưỡng. "Thôi" là dứt mà vẫn đầy xao động. "Thôi" là chối từ mà vẫn cứ băn khoăn... Sự xuất hiện nhiều lần chữ "thôi" trong thơ Tuyết Nga như một thông báo về giọng điệu tâm hồn, về sự hình thành thi pháp đầy nữ tính của chị, nó tạo nên phong cách nghệ thuật riêng lẻ, ký hoạ nên chân dung tác giả. Nhưng trong sâu xa của ý nghĩa, chữ "thôi" trong thơ Tuyết Nga chính là niềm an ủi, xoa dịu nỗi đau đớn âm thầm của những vết thương chìm trong tâm hồn một người thơ đa cảm.

# # #

20 năm làm thơ, Tuyết Nga chỉ cho in 2 tập thơ mà mỗi tập chỉ vài chục bài, nhưng chị đã khẳng định tâm hồn thơ đa cảm, thông minh và sắc sảo của mình với khá nhiều giải thưởng đáng trân trọng: Giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Uỷ ban toàn quốc Văn học nghệ thuật Việt Nam 1993, Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1995, Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương (Nghệ An, 1996). Trong khi không ít người làm thơ thi nhau chạy đua về số lượng đầu sách thì Tuyết Nga lặng lẽ đứng về phiá nỗi đau, chăm chút cho từng câu thơ, từng cảm xúc bất thường chợt đến. Có những khoảng trống không thể vội vã lấp đầy. Trầm tĩnh và bình tĩnh cũng là cách thơ của Tuyết Nga. Và với tập thơ thứ 2 này, Ảo giác (nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2002), chị đã đĩnh đạc bước tới một độ cao mới đối diện trước bầu trời rộng lớn của thi ca. Vâng, đấy là sự tiếp bước Xuân Hương, Xuân Quỳnh... những nữ sĩ tài danh của thơ ca chúng ta.

Hà Nội, ngày 8 tháng Ba, 2003

N.T.T.

Người thơ một mình góc khuất

BÌNH NGUYÊN TRANG

Nhiều lúc ngắm nhìn chị Tuyết Nga tôi tự hỏi, không hiểu chị lấy đâu ra từ sức vóc bé nhỏ của mình một nghị lực phi thường đến thế, để vượt qua những khúc quanh của cuộc đời mình mà điềm nhiên với Thơ như hôm nay để lúc nào gặp cũng thấy chị cười tươi rói, rạng rỡ với bạn bè. Nhưng tôi biết nơi con người chị, rất nhiều nước mắt đã lặn vào trong, đã chưng cất thành một nỗi riêng chẳng ai có thể cảm thấu cho hết được. Chị mạnh mẽ đến độ không khi nào cần nhiều lời bày tỏ... Có chăng thì chỉ những câu thơ mới đủ sức "tố cáo" con người thật của chị, mạnh mẽ đấy mà cũng yếu đuối đến vô cùng, nữ tính đến vô cùng...

Tuyết Nga hình như chưa bao giờ làm một cơn "sang chấn" lớn đối với bạn đọc. Ngay cả khi tập "Ảo giác" của chị được trao giải thưởng Hội Nhà văn thì cũng không gây một cơn bàng hoàng như một số tác giả khác. Giữa thời buổi người ta chuộng những ấn tượng mạnh, những "cú đấm" nghệ thuật gây sốc tức thì, gây ngạc nhiên ngay ở lần đọc đầu tiên thì chị Tuyết Nga lại đang kiên trì một con đường thơ lặng lẽ và lẩn khuất. Những bài thơ của chị bẩm sinh sẵn sàng từ chối những bạn đọc một lần (rất đông trong đời sống vội vã hôm nay). Nó chỉ chọn để ập vào những ai chịu đọc đi đọc lại vài lần, và trong một trạng thái hoàn toàn thảnh thơi, lắng dịu.

Bởi vì như chị nói: "Đa đoan, phá cách không phải là tính cách của tôi. Tôi không làm thơ để chứng tỏ, mà làm thơ là để bày tỏ". Không chủ trương làm mới về hình thức, câu chữ của chị là tiếng nói vọng ra từ sâu thẳm cõi lòng, không định làm rắc rối hay mệt mỏi người đọc. Chỉ đơn giản là chị muốn truyền một thứ xúc cảm của riêng mình. Và những câu thơ tưởng không gì quá đặc biệt lại có khả năng ám ảnh người đọc rất lâu: "Một mùa ta đã quên cúc bất tử ven đường/ một vùng sóng không reo không gầm gào/ biển đứng/ bỏ lang thang ký ức ngủ hiên nhà..." (Hơi ấm)

Số phận đã buộc chị Tuyết Nga phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Nỗi đau mất mẹ ngay từ rất sớm vẫn quặn thắt trong trái tim chị đến giờ: "Ấu thơ gầy guộc buồn còn nép gốc bàng kia". Mẹ, giống như những giấc mơ, từ lâu đã chỉ trở về bên chị trong giấc ngủ, trong những ký ức đã nhòa, đã cũ bởi thời gian. Và mỗi khi trở về thực tại, thì chỉ có trí tưởng tượng như tiếng chim rơi trên cánh đồng làng: "Sót trên đồng tiếng chim Từ quy/ ai qua chiều sậm bóng/ mẹ nhóm rơm vàng/ đợi em" (Quê chồng). Nào đã hết nỗi nhọc nhằn tuổi thơ mà người con gái miền Trung biết làm thơ từ rất sớm phải gánh chịu. Tai họa trên đường còn làm tổn thương đôi bàn chân quá nhiều khát vọng khám phá của chị.

Nhưng dường như ông trời cũng biết điều khi ban cho chị một tình yêu mãnh liệt vào cuộc sống, niềm lạc quan và nghị lực đủ lớn để đối mặt với số phận của mình. Trái tim kiêu hãnh của chị đã mách bảo con đường đi để đến ngày hôm nay với những niềm vui hạnh phúc thường nhật như biết bao nhiêu người phụ nữ khác trên đời.

Trời đã cho chị một khả năng thơ nhưng trời cũng cho chị một bản năng đàn bà mạnh mẽ và chị biết cân bằng những yếu tố đó. Nhớ lại những năm tuổi trẻ, khi chị quyết định lựa chọn người đàn ông mà chị yêu, tràn ngập hạnh phúc trong gia đình với một cô con gái nhỏ, có người bạn họa sĩ khi đến thăm nhà chị đã thốt lên: "Em đã trả cho nghệ thuật một cái giá rẻ mạt vậy sao?". Câu nói ấy ngụ ý rằng, dường như có gì phi lý khi chị đã lựa chọn một đời sống gia đình hạnh phúc mà vẫn muốn những câu thơ hay ở lại bên mình. Nhưng Tuyết Nga chỉ mỉm cười. Có thể đã rất nhiều người nghĩ rằng cần phải hy sinh rất nhiều thứ, ngay cả hạnh phúc riêng tư, để có thể trọn vẹn với nghệ thuật.

Tuyết Nga không phải kiểu người có quan niệm như vậy. Chị nhiều đắm say và cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng, đâu là những chốn nương náu cần thiết cho cuộc đời mình. Chị yêu gia đình và gìn giữ gia đình như báu vật, bởi trước tiên chị là một người đàn bà. Chị nói, chị không thể đánh đổi gia đình lấy bất cứ điều gì. Chị không muốn (và không thể) mang thơ ra để làm vật đối trọng để buộc mình phải lựa chọn. Cho dù, vẻ đẹp của thơ đã vướng vào chị như số phận. Chị thấy rằng, chỉ có một đời sống gia đình mới khiến chị cảm thấy mình đích thực là phụ nữ.

Những người bạn làm thơ cùng thế hệ của chị, rất nhiều người đã chật vật biết bao để tìm kiếm hạnh phúc. Không hiếm người đến chặng cuối của đời mình mới chợt bàng hoàng nhận ra không có gì nhiều để nương tựa: gia đình, những đứa con ngoan, thậm chí cả những câu thơ còn trong trí nhớ. Nhưng với Tuyết Nga, cơ may, hay duyên trời, hay là bẩm sinh chị hiểu được rất rõ sự tương đối của hạnh phúc mà miệt mài bồi đắp, nâng niu.

Rất ít người nhận ra một Tuyết Nga thi sĩ khi nhìn chị tất bật lo toan cho chồng con, cần mẫn với công việc của một viên chức, nghiên cứu và học hỏi không ngừng để đạt tới học vị Tiến sĩ Ngữ văn. Ngoài ra là bận bịu với công việc viết báo cho các tòa soạn. Công việc nào chị cũng rất chu toàn. Chị hoàn thành nhiều công việc để được nhìn thấy thành quả và niềm vui, để được đền đáp. Nhưng cho dù con người thơ của chị Tuyết Nga được giấu kỹ đi thì những thử thách định mệnh dành cho chị vẫn còn nguyên đấy. Dường như cuộc thỏa hiệp với đời sống để được bình an trong thương yêu như chị mong muốn đã không thành. Số phận nghiệt ngã vẫn mang đi người chồng yêu dấu của chị. Để một ngày chị bàng hoàng nhận ra rằng chỉ còn lại một mình với cô con gái nhỏ đang cắp sách tới trường. Những câu thơ vang lên thảng thốt: "Đưa em về mà anh đi đâu/ ngơ ngác từng lối cỏ" (Quê chồng)

Chị đã sống những ngày hoàn toàn rỗng, bởi những mất mát đè nặng. Con gái yêu giờ thành chỗ dựa cho chị. "Ngày tôi nằm mê man, nhìn con cứng cỏi làm điểm tựa cho mình, thấy lòng xót xa. Tôi nghĩ, không phải mình, con mới là mất mát nhiều hơn cả. Và bỗng nhiên tôi thấy mình mạnh mẽ trở lại".

Chị kể, ngày anh còn trên đời, đến cả ban đêm vào nhà vệ sinh chị cũng cần anh đứng ngoài. Vậy mà khi nhận ra chỉ còn lại một mình, vì con, chị có thể vượt qua trăm ngàn nỗi sợ. Chị làm mọi việc có thể để lo lắng, bù đắp cho con. Mua được mảnh đất nhỏ từ rất lâu nhưng chưa kịp làm nhà thì anh đi, nay chị quyết tâm hoàn thiện để con có được chỗ học hành cho chu đáo. Hai mẹ con chị vất vả bận bịu bao ngày tháng với gạch, ngói, vôi vữa, cát sỏi. Bạn bè ai cũng mừng khi tới thăm tổ ấm giản dị của mẹ con chị.

Chị Tuyết Nga từng nói: "Thơ tôi là một phần cuộc sống của tôi, cái phần nếu không có thơ sẽ ít ai được biết". Men theo con đường Thơ ấy, tôi nhìn thấy nỗi cô đơn đặc quánh của chị. Và có thể cả những giọt nước mắt âm thầm rơi xuống trong một ngày tháng mười tĩnh lặng hay một đêm mùa đông sâu thẳm và mơ hồ.

Những buồn vui đau khổ không thể nào tránh khỏi của kiếp người trôi qua trái tim yếu đuối đàn bà và nhạy cảm thi sĩ đã lắng xuống thành phù sa quyện vào con chữ: "Em ở lại/ cùng tháng Mười ở lại.../ dù vé tàu định mệnh đã cầm tay/ đã bấm khóa nhớ thương đã chốt trong ký ức/ đã trao quà từ biệt, đã ra ga..." (Tháng Mười). Hay trong một quán nhỏ cà phê nào đó, chị ngồi với "nỗi nhớ đeo găng một mình góc khuất" để hồi tưởng những điều đã ra đi và cả những điều đang ở lại trong đời sống của mình.

Tìm gặp Tuyết Nga trong thơ thấy chị giống con người thật của mình ở chỗ không khoa trương, không ồn ào. Nhưng con người thơ của chị lại buồn hơn con người thật ngoài đời rất nhiều. Chỉ có điều những nỗi buồn ấy đã được chưng thành một thứ mật, cô đặc tưởng như rất nhiều cơn địa chấn mới tích tụ đủ. "Em như đá/ từng giọt buông thạch nhũ dưới vòm đêm/ em như đá/ bốn mặt vô tri bốn mặt im lìm" (Như đá).

Tôi tin rằng những câu thơ chỉ có thể đạt đến sự điềm nhiên khiến ta rùng mình như vậy khi trái tim nữ sĩ đã trải qua tận cùng mọi hệ lụy buồn đau, cô độc trên đời. Và không còn nghi ngờ gì nữa, những câu thơ đã trở thành chốn nương náu cho Tuyết Nga. Ở đó chị có thể bày tỏ mình và nhận được sự tri ân của nhiều trái tim, nhiều tấm lòng.

Chị dành những lời trân trọng cho thơ: "Ngẫm lại tôi thấy mình chẳng có gì đáng kể ngoài thơ. Chính là thơ đã cho tôi rất nhiều, có thể nói là tất cả. Thơ cho mình sự yêu quý, lòng ngưỡng mộ của nhiều người. Và các cơ hội trong đời sống cũng từ thơ mà tới". Biết ơn là một thái độ ứng xử của chị đối với Thơ. Dù đời sống hôm nay ở đâu đó người ta bạc bẽo với Thơ chăng nữa, thì Tuyết Nga vẫn bảo toàn niềm tin rằng, trong những thời khắc khó khăn nhất của đời người, chính là những câu thơ đã chia sẻ và cứu rỗi chị.

Câu nói quen thuộc mà Tuyết Nga thường nhắc lại: "Sống đã rồi hãy viết", ngụ ý rằng những con chữ chỉ có thể ám ảnh người đọc khi người sáng tạo ra nó đã trải nghiệm tận cùng những cung bậc sâu sắc của cuộc đời.

Chính vì vậy, mà như ở phần đầu đã nói, thơ Tuyết Nga dù không gây sốc nhưng lại có khả năng len lỏi trong trí nhớ người đọc bằng sự tinh tế và đằm sâu của một tâm hồn thành thật, không xiêm áo, cầu kỳ. Thơ của chị giống như hương của một loài hoa, rất khiêm nhường ẩn sâu trong đám lá, cần tri âm của những người đủ bình tĩnh trong cuộc kiếm tìm.

Điểm lại, các tập thơ đã xuất bản của Tuyết Nga đều giành được một giải thưởng văn học nào đó, trong đó có những giải thưởng lớn như Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thơ Báo Văn nghệ.

Nhưng chưa khi nào Tuyết Nga sử dụng những hào quang ấy để "làm đẹp" cho hình ảnh của mình, giống như một số tác giả ta đang gặp đâu đây trong đời sống văn nghệ. Chị không cần những lấp lánh phù phiếm ấy. Viết, đối với chị, chỉ đơn giản là một nhu cầu. Và tin rằng những giá trị thật sẽ luôn tồn tại, không cần ngợi khen hay xưng tụng. Thái độ ấy đủ để những người trẻ muốn đi lâu dài với văn chương phải suy ngẫm...

Tuyết Nga - Mười thương...

Phan Chí Thắng

Tập thơ "Hạt dẻ thứ tư" chỉ có hai mươi chín bài, tôi có nó trong tay đã mấy lần hai mươi chín ngày mà hôm nay mới dám cầm bút viết về tập thơ xinh xắn nhẹ nhàng mà nặng trĩu suy tư này.

Định viết về thơ Tuyết Nga, không hiểu vì sao trong tôi vang lên làn điệu dân ca Huế, một trong số mấy bài "Mười thương" trong kho tàng dân ca Việt Nam.

LÝ MƯỜI THƯƠNG

(Dân ca Huế)

Một thương tóc xõa ngang vai,

Hai thương đi đứng, vẻ người đoan trang

Ba thương ăn nói có duyên,

Bốn thương mơ mộng mắt huyền thêm xinh

Năm thương dáng điệu thanh thanh

Sáu thương nón Huế nửa vành nên thơ,

Bảy thương những cuộc mong chờ

Tám thương thơ thẩn bên bờ Hương Giang,

Chín thương bến Ngự sang ngang

Mười thương tà aó dịu dàng gió bay

Một thương tóc xõa ngang vai,

Tại sao tóc xoã ngang vai là cái phải thương đầu tiên? Vì sao tóc xoã ngang vai lại là tiêu chuẩn hàng đầu để được thương trong quan niệm của người xưa? Tôi không cắt nghĩa được điều này.

Lần đầu tiên gặp Tuyết Nga, tôi - một người ít quen biết các nhà thơ - được Hoàng Cát thì thầm: "Con bé này làm thơ hay, tính tình dễ thương". Nguyễn Trọng Tạo nói ngắn gọn theo phong cách của anh, cấm cãi: "Tuyết Nga làm thơ giỏi lắm". Thế mà tôi lại gặp một "cô bé" tóc xoã ngang vai, đôi mắt đẹp, dẫu rất buồn nhưng trong sáng, rất ít nói, cười và lắng nghe là chính. Sau tiệc rượu, Tuyết Nga, cô em út, lặng lẽ rửa hết một chồng bát đĩa nồi niêu, còn đám ông anh tiếp tục ngồi bàn chuyện thơ phú.

Nhìn bề ngoài, khó ai có thể nói Tuyết Nga là người viết những câu thơ với những biên độ lớn của tư duy và cảm xúc.

Một thời gian rất lâu tôi mới gặp lại Tuyết Nga, nàng thật thà nói ra ấn tượng tôi đã gây cho người mới gặp lần đầu: mặt khó đăm đăm!

Cái người mặt khó đăm đăm ấy đang viết về thơ và nhà thơ Tuyết Nga - người đàn bà tóc xoã ngang vai.

Hai thương thật là đoan trang

Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã viết "Bạn văn 18" rất hay, nói rõ về cô bạn văn - em gái đoan trang Tuyết Nga. Ta rất khó tìm ra những câu thơ, bài thơ Tuyết Nga viết về sự đoan trang. Người đoan trang đâu có nhu cầu khẳng định sự đoan trang của mình?

Chất đoan trang trong thơ Tuyết Nga nằm ở sau những câu thơ, ở cách nhà thơ nữ nhìn nhận và tìm về tình yêu.

Tôi đã học con đò cách đi qua những năm tháng long đong học bến nước mùa sông khô cách nhận ra vóc dáng niềm chung thuỷ. Cọng cỏ cuối bãi bồi dạy tôi biết nhặt lên niềm hy vọng, biết nói thầm lời nói yêu anh. (Nếu những dòng sông chết)

Tôi có cảm giác Tuyết Nga không biết ghét ai bao giờ, có vẻ như nhà thơ tìm được một điểm có độ cao, từ đó chị chỉ nhìn thấy những hình khối lớn, bỏ qua những chi tiết vụn vặt của mỗi người, mỗi sự kiện.

Khi ai đó nhắc về một khuyết điểm, một hành vi chưa hay lắm của một người nào đó, Tuyết Nga thường thốt lên: "Thương anh ấy quá" hay "Thương con bé quá". Chỉ thương cho người có lỗi, Tuyết Nga không biết giận. Trong thơ chị ta không tìm thấy chữ giận, không tìm thấy một chút xíu sự oán trách.

Ta chỉ thấy sự bao dung và tinh cảm chân thành. Với cái người đàn ông đã có ly cà phê uống cùng người khác, có lời hẹn cùng người khác, nhà thơ đã xếp tất cả vào ngày hôm qua, để rồi ghi nhận cái đáng nhớ nhất:

Còn mãi trên tay khói sương phù điêu mùa thu hoang lạnh

miền anh nhớ em. (Sắp đặt)

Ba thương ăn nói có duyên

Trong đám đông, Tuyết Nga thường ít nói, chị là một chuyên gia cười trừ, nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt đượm buồn. Chị thích lắng nghe, biết cách bí mật dẫn dắt câu chuyện. Nhưng khi đã nói, chị dùng từ chính xác, đi thẳng vào vấn đề, và lại... cười!

Cái duyên dáng trong thơ Tuyết Nga không nằm ở ngôn từ, vần điệu. Nó ở cách chị nhìn cuộc đời, nhìn vạn vật:

Nắng thia lia trên những vòm lộc biếc

Hoa oải hương dịu dàng ngước lên cuối chiều... (Hạt dẻ thứ tư)

Thơ Tuyết Nga không nũng nịu, hơn dỗi, yêu đương khốc liệt. Có thể nói trong số các nhà thơ nữ Việt nam hiện đại, Tuyết Nga ít làm thơ tình nhất, theo nghĩa thông thường của hai chữ thơ tình, song tình yêu không vắng mặt trong bất kỳ bài thơ nào của Hạt dẻ thứ tư, thậm chí nó là đề tài chủ đạo của tập thơ.

Bốn thương mơ mộng mắt huyền

Nhà thơ Tuyết Nga chưa bao giờ ngừng mơ mộng. Ngoài đời, cặp mắt chị đúng là ảo huyền mơ mộng. Hình như mơ mộng là nét xuyên suốt thơ Tuyết Nga:

Sau chập chờn những giấc mơ....

Có còn cho em hạt dẻ thứ tư? (Hạt dẻ thứ tư)

Trong bài Quê chồng, Tuyết Nga đã có một giấc mơ kỳ lạ, mơ giữa ban ngày, mơ điều không thể có được nữa: mơ về người chồng

anh đã người nghìn năm nữa (Như đá)

Một thứ mơ mộng giai dẳng và mãnh liệt:

Đưa em về mà anh đi đâu?

ngơ ngác từng lối cỏ

dắt con lần về ngõ

sà vào tiếng của mẹ già (Quê chồng)

Nhân vật người chồng ẩn sau bài thơ. Nhà thơ đang kể chuyện, đang nói với chồng đã khuất chuyện quê chuyện nhà, chuyện mẹ chuyện chị... Đưa em về mà anh đi đâu? Câu hỏi nhói lòng người đọc, nó cho ta cảm nhận được cái mộng mơ siêu thực mà rất thực của Tuyết Nga.

Tuyết Nga cũng mơ mộng về một người đàn ông - hình tượng nào đó:

Anh đến từ xa thẳm

một mùa ta đã quên cúc bất tử ven đường

một vùng sóng không reo không gầm gào

biển đứng... (Hơi ấm)

Mơ về một hơi ấm. Niềm mơ của bất kỳ một người đàn bà nào.

Năm thương dáng điệu thanh thanh

Tuyết Nga làm thơ không giống như người đầu bếp dọn ra những món ăn ngon, bắt mắt bắt mũi, mới nhìn đã thấy thích.

Tuyết Nga không có (theo tôi) những bài thơ mà mới đọc lần đầu người ta đã muốn học thuộc lòng. Thơ Tuyết Nga là loại thơ phải đọc đi đọc lại nhiều lần, mỗi lần ta lại tìm thấy thêm một cái gì đó, như phải cố gắng bóc dần nhiều lớp vỏ bọc để được chiêm ngưỡng một món quà quý giá ẩn sâu bên trong.

Có vẻ như bị khó chịu khi phải chọn từ theo vần, nhà thơ viết như thấy cần phải viết ra như thế, chứ không phải để chiều lòng người đọc. Lời bạt "9 mô-đun kiểu Điềm Phùng Thị, em phía ngoài không gian" cho ta thấy tác giả có ý thức về không gian Thơ - Hội hoạ - Điêu khắc của mình. Và cũng giải thích vì sao Tuyết Nga có nhiều bạn thân là các họa sỹ, nhà điêu khắc.

Những câu thơ không vần, chỉ cần hình ảnh và âm thanh:

Người đàn bà không có gương mặt

bóng to trùm hết đêm

cất tiếng gọi hoang dã

biến ta thành Lọ lem trốn dưới gầm bàn. (Nước mắt Lọ Lem)

Bên cạnh

Khát vọng thiên di biệt xứ

mùa thu cầm tù đường chân trời

Những lối mòn tận lực

nhưng không thể, trong ú tim trên cánh đồng hoa vàng

...

Ai hát một điệu tình du mục

đâu đó

Tóc thề vừa buông lặng

hắt sáng lên chới với những đóa vàng. (Ấn tượng Van Gogh)

Là một bức tranh nhiều hơn là một bài thơ?

Cái thanh thanh, cái thanh thoát trong thơ Tuyết Nga là ở chỗ nó luôn không đại ngôn, nhà thơ không gồng mình lên để gào thét về nỗi đau thân phận, nỗi đau đời người, nhất là đời một người thơ tài hoa luôn phải kèm theo cô đơn.

Sáu thương nón Huế nửa vành

Tôi thán phục hai chữ "nửa vành" của tác giả vô danh đã viết nên bài Lý mười thương này.

Sự không trọn vẹn, nỗi cô đơn, kiếp độc hành trong thơ Tuyết Nga khác hẳn sự cô đơn tuyệt vọng trong Hàn Mạc Tử, bậc thi nhân đàn anh mà chắc chắn Tuyết Nga rất ngưỡng mộ.

Nhà thơ cô đơn:

Không ai đưa về dưới mưa người đi con đường trắng xoá

có gì thừa trong lặng lẽ

phút ngày ngã xuống lênh đênh (Trong mưa)

Vì cô đơn nên:

Tìm trong bóng mây tìm nơi sóng cây tóc xanh mơ ngủ

tìm trong lòng ai tìm nơi khói sương những lời đã ngỏ

mùa nồng nàn. (Mùa nồng nàn)

Bài Mùa nồng nàn gợi nhớ ca từ và giai điệu nhạc Trịnh Công Sơn.

Rất nhiều khi nhà thơ thấy mình "Một mình ta rơi tự do".

Bất lực. Chấp nhận số phận, tung những đồng xu cầu may (Đồng lucky) bởi ngày tự đắm rồi mình trơ cạn (Trên con đường mùa đông), nhà thơ vẫn...nhẫn nại gieo hy vọng trái mùa (Trên con đường mùa đông), dẫu biết Rồi đông cũng xanh rồi mây cũng xa rồi xuân cũng qua... (Mùa dỗ dành) nhưng cuối cùng nhà thơ vẫn thấy:

bên ngoài ô cửa sổ mắt lá rưng rưng

bên ngoài khung cửa sổ mặt trời vừa ngẩng lên

...

Kìa cỏ rất non... kìa biển rất trong... (Tự khúc)

Đời vẫn xanh vời vợi. Trong biển cả cay đắng, trong nỗi cô đơn của người thường và con người nghệ thuật, Tuyết Nga vẫn thấy cuộc đời này là nontrong. Nếu Tuyết Nga dừng lại ở chỗ gặm nhắm, thậm chí kiêu hãnh về nỗi cô đơn của mình, ta đã không mừng đến vậy?

Bảy thương những cuộc mong chờ

Thơ Tuyết Nga là thơ của những cuộc mong chờ.

Như diều buông dây hư không biền biệt ta trôi tới nơi khói sương huyền mặc

ta lạc tận miền trăng nguyệt thực

lang lang thang lang lang

mang trong mình di chỉ của quê hương (Di chỉ)

Đã mang di chỉ của quê hương thì phải mang tiếp di chỉ đi tiếp?

Người lang thang đi tìm cái mà người đó chờ đợi. Mong đợi đến hoá đá như người đàn bà vọng phu, Tuyết Nga cũng Như đá, chỉ mới "như" thôi, may quá. Như đá bởi mong đợi thắt mình dấu trong ban mai từng ẩn ức cô tròn cuội sỏi... bốn mặt vô tri bốn mặt im lìm (Như đá)

Câu hỏi

Có còn cho em hạt dẻ thứ tư?

Là một ước nguyện, một mong chờ. Tôi hình dung chú sóc nhỏ với cặp mắt tròn xoe đang nhảy nhót trên cành, và cuối cùng có được hạt dẻ của mình, nó dùng hai chân trước cầm lên, sung sướng...

Hy vọng rồi thất vọng, nàng Lọ Lem của chúng ta có một lần duy nhất giận dỗi, nhưng là giận với Bụt với Tiên:

Đi đi...

cả Bụt

Cả Tiên (Nước mắt Lọ lem)

không tin đàn chim có thể nhặt cho cho ta những ngày hạnh phúc. (Nước mắt Lọ lem)

Nhưng nhà thơ vẫn lại tiếp tục mong ước:

Đừng nói với tôi rằng dòng sông đã chết! (Nếu những dòng sông chết!)

Tám thương thơ thẩn bên bờ Hương Giang

Trong tập "Hạt dẻ thứ tư", Tuyết Nga chỉ hai lần nhắc đến sông. Một lần là nhắc đến giòng sông quê hương

Dốc tận đáy lòng mà ngày tới biển sông Lam lửng lơ khép buồm thiêm thiếp

di chỉ vào ta Nỗi Buồn

Tựa Nước (Di chỉ)

và nguyên một bài Nếu những dòng sông chết.

Dòng sông là hình ảnh gắn liền với sự sống, sự sinh tồn. Nó còn là hình ảnh quê hương, tuổi ấu thơ... Nhiều nhà thơ, nhạc sỹ viết về giòng sông.

Tuyết Nga không viết về con sông cụ thể, con sông trong bài thơ này không có tên, nó là chính cuộc đời:

Thượng nguồn bỏ ngỏ hồn ai mới đong, mắt ai còn đang neo chiều sóng sánh, quá khứ lội sông tìm quanh câu hát... người vừa níu được bóng mình dạt trôi. Đừng nói với tôi rằng sông đang chết.

Mượn hình ảnh dòng sông để nói về giòng đời, để chiêm nghiệm cuộc sống.

Chín thương Bến Ngự sang ngang

Tất nhiên là Tuyết Nga không ở Huế, không đi đò sang Bến Ngự.

Cuộc sang ngang ở Tuyết Nga là một cuộc di chuyển trong thơ Việt nam. Khó có thể nói chị là người tiên phong mở đường, chỉ biết chị là người kiên trì đổi mới thơ.

Thơ nằm trong đền thờ thiêng liêng của Nghệ thuật, nơi Thơ giao hòa cùng Nhạc và Hoạ.

Thơ là Triết lý được trình bày bằng ngôn ngữ thơ.

Có thể nói rằng, khi làm thơ, Tuyết Nga suy nghĩ bằng con tim và cảm xúc bằng trí tuệ:

Ngôi nhà miền đẹp trời một ngày

có Người

nồng nàn thơm men chai rượu vừa bật nắp

nước và lửa và mèo con ríu rít

tiếng nói cười mùi oải hương chen nhau

nhưng... trái tim đang đập ở đâu? (Hạt dẻ thứ tư)

Nhà thơ với thân mình mảnh dẻ, nụ cười dịu dàng biết giật mình khi Rừng U Minh cháy:

Cổ thụ một ngày chết như trẻ thơ...

Nhà thơ không chỉ bó mình trong tâm cảm riêng của một con người, nhà thơ giải thoát được mình khi cảm nhận, chia sẽ được những nỗi đau nhân quần.

Mười thương tà aó dịu dàng gió bay

Các cụ tài thật, khéo léo thật. Cái thương đầu tiên là thương tóc xoã ngang vai, cái thương cuối cùng là tà áo gió bay - những thứ hoàn toàn chỉ là bề ngoài gắn bó lỏng lẻo với mỹ nhân. Đó cũng là một cách nói.

Thơ Tuyết Nga đầy triết lý, nhiều suy tư. Song mọi triết lý suy tư ấy, mọi câu thơ thoạt nhìn tưởng như là trúc trắc ấy, là của một người phụ nữ dịu dàng đôn hậu.

Ít ai như Tuyết Nga rất thèm làm cơm mời các anh cách chị đến nhà, ít ai như Tuyết Nga dám giận một người bạn khác khi người bạn này chậm đưa Tuyết Nga đến thăm một ông bạn kia đang rất cần đến thăm.

Viết về thơ Tuyết Nga là một thách thức rất lớn. Tôi viết những gì tôi cảm, tôi nhận được từ Hạt dẻ thứ tư. Có thể đó chỉ là một phần hiểu và biết, từ một góc nhìn còn hẹp. Cái đáng nói của thơ Tuyết Nga là ở chỗ đó: không ai dám nhận là mình đã hiểu được khoảng 60% thơ của chị!

Cuối cùng, để nói về tập thơ Hạt dẻ thứ tư của nhà thơ Tuyết Nga, tôi muốn dừng lại ở bài Bup bê Baby, mặc dù khó chọn bài nào là bài hay nhất trong cả tập thơ vì bài nào cũng đều là "hàng khủng".

Bé Búp bê xinh đẹp, chỉ là một món đồ chơi mỹ miều, rực rỡ phấn son, được nhiều người nâng niu chiều chuộng vì nó có:

cái nhìn thuỷ tinh dẫn lối nụ cười xoã tuổi hai mươi em đi sóng sánh

thánh thót

những lời cài đặt trước.

Nhưng dù sao em vẫn không phải là con người như ta với những khổ đau, sướng vui:

Em chẳng thể nào ngồi xuống bên người sớt lại hoang vu dỗ yên cay đắng

em chả thể như ta mặc mùa hoá đá

Trái tim như bếp lửa cuối ngày.

Lập luận như thế là đủ cho người đọc phân biệt được cái chân với cái giả.

Nhưng nếu chỉ có thế thì đã không phải là Tuyết Nga. Nhà thơ nữ của chúng ta đã sẵn sàng chia sẻ niềm vui sống với bé Búp bê:

Ta lặng lẽ về ngồi với cỏ cây chia thêm cho em những ngày lắng gió

và chính chị đã cảm ơn bé Búp bê:

không em

làm sao ta hiểu hết

hạnh phúc ta da thịt của đời thường.

Ở khổ thơ cuối, bài thơ bùng lên ngọn lửa yêu thương nơi con tim khổ đau mà vẫn nhân hậu.

Xin cảm ơn nhà thơ, chúc nhà thơ còn tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho thi ca Việt nam nhiều hơn nữa!

Hà Linh

Vẫn ấp ủ vào dịp 20-10 tôi sẽ viết được một chút gì để dành tặng những người phụ nữ tôi yêu. Rằng sẽ tìm một bài thơ nào đó làm tựa đề để trút lòng mình. Vậy mà tôi lại kẹt vào một chuyến đi xa. Trở về vội vã đã không kịp nữa rồi. Ngày tháng trôi hoang hoải như cơn gió heo may.

Thôi đành an ủi, tình yêu không chỉ đóng khung trong một ngày. Miễn là Tháng Mười vẫn còn. Miễn là tình yêu của tôi với Tháng Mười vẫn vẹn nguyên.

Và may sao, tôi lạc tới "Tháng Mười" của Tuyết Nga. Tuy vậy, khi đọc "Tháng Mười" tôi không bị tình cảm đẹp đẽ với tác giả làm mụ mị. Tôi vốn ương ngạnh, chậm thừa nhận cái hay của thơ Tuyết Nga khi đọc trên Vnweblogs, mà chỉ tò mò vì những tứ thơ lạ thôi. Chị Phạm Dạ Thủy có lần vặn tôi: "Sao Hà Linh lại dám chê thơ Tuyết Nga. Chưa có ai làm thế đâu". Và bài này cũng vậy, viết là viết theo cách tôi tìm hiểu tâm trạng của tác giả ẩn sau bài thơ, chứ không bình kiểu lăng xê hoặc moi móc. Bài thơ tự nó có sức chuyển tải cái đẹp riêng khi đến với bạn đọc, đâu phụ thuộc vào bài viết hay dở, vào cái đầu hay con tim của kẻ thích bình thơ.

Tôi xin "Em" bước ra khỏi "Tháng Mười", để tôi là "Em" với "Tháng Mười" này. Tôi vốn yêu tháng Mười, nắng nhuộm vàng óng, gió hong mát xanh cuộc sống với những kỷ niệm dịu êm, dẫu bây giờ cuộc đời đã ghềnh gập, đã phôi phai quá rồi. Thế nhưng "Tháng Mười" của Tuyết Nga hiện buồn vì Thu sắp qua, Đông đã cận kề, một chu kỳ sắp hết, một bìa lịch sắp bong khỏi bức tường trơ trụi của cuộc đời. Vậy mà cái hốc hy vọng từ mùa Xuân ươm hạt vẫn chưa nảy mầm, vẫn còn trống trơ trong nắng hanh hao. Và cơn khát cuối mùa ngút ngát như trời cao rỗng gió, ám ảnh đến nao lòng. Chỉ khi một mình tôi lang thang cuối Thu vấp vào mảnh lá úa vàng, tôi mới xa xót cùng "những hy vọng bỏ ngỏ/những cơn khát trời cao không gió". Để rồi lặng chìm vào ký ức xa xôi.

Ngày ấy tôi đã mơ về hôm nay xa lắc, mơ là người hai tay hứng lấy tình yêu, hứng lấy bài ca tuyệt diệu, hứng những long lanh kết quả của trí lực và tận lòng và giữ chặt được hạnh phúc nhỏ nhoi. Con đường đi đã quá dài rồi mà mơ ước cũ vẫn chỉ là "cơn mê chiều hoang hoải con đường xa" thôi. Cả hạnh phúc bình dị cũng đã xa rời.

Thế nhưng cuộc sống thật vị tha khi tặng cho tôi giữa trống trải lãng quên hình bóng một người thương. Chính vì "trên phố khuya cây lặng lẽ sang mùa anh về lại góc hồn quên lãng", mà Tháng Mười lại một lần đau đáu vào tôi.

Như dòng thời gian tự chảy, bài thơ "Tháng Mười" tự khơi mạch, tiếp tục dòng suy tư, trăn trở đã có từ lâu. Những hình ảnh buồn bã mà đẹp, âm thanh như vọng từ cơn mê trôi đến người đọc, xa xót đến nao lòng:

Những hy vọng bỏ ngỏ

những cơn khát trời cao không gió

cơn mê chiều hoang hoải con đường xa

trên phố khuya cây lặng lẽ sang mùa anh về lại góc hồn quên lãng

Anh đến lặng lẽ, đứng vào góc tâm hồn, nơi bây giờ em cất giấu những lãng quên. Dường như cái lạnh đang tan dần, quên lãng đang hiện hình về lại với phiên bản vui. Vọng đâu đây đến căn phòng nhỏ Celine Dion "My Heart will go on". Dường như "từng ý nghĩ duỗi dài thư giãn tiếng ai reo cuống quýt "Thiên đường!".

Nhưng bên ngoài căn phòng, ngoài góc tâm hồn nhỏ bé ấy là cuộc sống xô bồ. Như một con đường mê hoặc, vừa thiên đường đã vực khe, nếp gãy, bài thơ chợt mắc vào lòng ta nỗi đau chênh vênh giữa sự thanh thản thánh thiện của lòng với thế giới đầy vật lộn, lem lấm xung quanh:

sau ly cốc nồng nàn sau gạch vỡ

ai vừa chìm xuống đáy đêm sâu

Thật mong manh khi yêu quý ai đó, níu nuối một bóng hình ở trong lòng. Chỉ còn đêm. Đêm vẫn là nơi cất giấu những thầm kín riêng tư.

Đêm cổ điển đêm còn anh để thức tóc em nghiêng xuống giấc anh kìa

trong mơ anh có hay bóng tóc

vớt dịu dàng xa lắc tiếng ru xưa

Tôi sững sờ trước bức tranh đêm. Đêm cổ điển có phải là đêm ta sống trong tình yêu cổ điển? Sống trong đạo đức ca dao? Trong thanh thản yêu, yêu thánh thiện? Đêm có sóng tóc của người con gái nghiêng xuống kề bên, vớt những tiếng ru dịu vợi từng thổi mát tuổi hoa niên. Anh đến vô tình, có thể chỉ là gió thoảng, nhưng anh đi vào đêm cổ điển, anh đã là quà tặng của cổ tích rồi chăng? Anh có biết em thả xuống cho anh lời ru bằng cả chuỗi tháng ngày em sống, bằng những thầm thì giấu trong mái tóc vẫn đang xanh.

Tôi đi qua bài thơ như đi theo con đường mê. Tuyết Nga vẽ con đường trong bức tranh "Tháng Mười" chìm trong sương thu, ẩn hiện trong đêm. Thơ Tuyết Nga vốn thế. Không hề dễ dãi, ngôn từ chắt lọc, ẩn dấu những bất ngờ. Đọc câu trước ít khi đoán biết được câu sau. Mỗi câu chữ dường như thách đố, kiêu hãnh, khiến ta cứ phải đi thật xa tìm kiếm phía sau thơ. Chính ở chỗ mắt ta không thấy con đường, thì chợt điều gì đó lắng đọng bên trong ta lại mách bảo. Dường như đâu đó có ánh sáng rất sâu ở đằng sau những vần thơ. Tôi với thói quen nhắm mắt quay đi mỗi lần đọc được bài thơ đầy ẩn dụ của bạn bè, chợt nhận ra hình ảnh cuối cùng của bài thơ:

Em ở lại

cùng Tháng Mười

ở lại...

dù vé tàu định mệnh đã cầm tay

đã bấm khóa nhớ thương đã chốt trong ký ức

đã tặng quà từ biệt, đã ra ga

Cuộc chia ly với đêm cổ điển thật riêng tư, mới lạ như chính dòng tư duy, ẩn ức của tác giả. Chỉ có Tuyết Nga thôi (ít ra là trong rất nhiều những tác giả tôi đã đọc) mới có cuộc chia ly nói mà như không nói ra như thế. Chia ly mà không thể chia ly. Đã phải ra đi mà vẫn ở lại. Cuộc phân thân thật đau đớn vô cùng. Thể xác đã "ra ga", lên với con tàu, mà còn để lại tâm hồn mình. Đó chính là tình yêu gửi lại. Tháng Mười trôi đến ngày "29" rồi mà bỗng dưng đông sững trong lòng, vĩnh viễn dừng hóa đã thành bất tử.

Dừng lại cho ai? Xa xót cùng ai? Đã một năm bài thơ viết ra, gửi cho ai nỗi đau chia ly ấy. Nỗi đau hoang hoải, âm thầm. Đó là sự gửi lại kín đáo mối tình trong cổ tích, để cho người đã từng hiện diệntr ong đêm cổ tích thôi chăng? Hãy mở lại những món quà từ biệt mà Tuyết Nga đã tặng, hãy nhẩm lại lời giã biệt mà Tuyết Nga đã nói trong những bài viết trước "Tháng Mười", ta bỗng nhói tim trước sự chia ly, trước tình yêu gửi lại giấu kỹ trong "Tháng Mười". Chỉ có tình yêu đẹp đến thánh thiện mới có sự lưu luyến kín đáo đến thế.

Ai cũng biết thơ là cõi lòng chân thực nhất của người, thoát thai từ câu chuyện đời thường, mà chính bạn bè, người đọc mang đến cho tác giả, để tác giả hóa thân thành những vần thơ. Có bao giờ khi đọc ta tự hỏi, mình ở đâu trong góc khuất của bài thơ? Để rồi ân hận khi vô tình lướt lát trước niềm vui, nỗi đau của tác giả. Người con gái ra đi thật nhân hậu, đầy đặn và cam chịu. Có thể anh không biết em đã đớn đau với cuộc đi định mệnh, nhưng em không trách ai, chỉ lặng lẽ một mình lấy vé, chốt lại thương yêu trong ký ức, lặng lẽ tặng quà, nói lời từ biệt, rồi đi. Đấy cũng là chia ly với chính mình, âm thầm buồn một mình, buồn cho mình.

"Tháng Mười" với từng dòng thơ là một bài thơ đẹp, về cả hình ảnh, tứ thơ và con đường mơ muội dẫn dắt người đọc. Trong đó là sự gửi gắm đau đáu vào "Tháng Mười" một tình yêu để lại, cho tôi, cho chính Tuyết Nga, cho các bạn nữa. Và tôi, với bài viết này xin chia tay với Tháng Mười trước ngưỡng cửa mùa Đông, xin tặng lại cho Tuyết Nga thay lời cám ơn vì cảm xúc đẹp đẽ của thơ. Bạn đọc hãy đừng vội, hãy hình dung dưới đáy nước mơ hồ của ngôn từ, có thể thấy món quà mà Tuyết Nga để lại. Có thể đó là chiếc lá ước vừa với giấc mơ của bạn về Tháng Mười đẹp đẽ ở mùa sau, có thể là tấm lòng nhân hậu dành cho bạn, những người một thời đã chia sẻ, cảm nhận thơ Tuyết Nga:

THÁNG MƯỜI

Tuyết Nga

Những hy vọng bỏ ngỏ

những cơn khát trời cao không gió

cơn mê chiều hoang hoải con đường xa

trên phố khuya cây lặng lẽ sang mùa anh về lại góc hồn quên lãng

Từng ý nghĩ duỗi dài thư giãn tiếng ai reo cuống quýt "Thiên đường!"

sau ly cốc nồng nàn sau gạch vỡ

ai vừa chìm xuống đáy đêm sâu

Đêm cổ điển đêm còn anh để thức tóc em nghiêng xuồng giấc anh kìa

trong mơ anh có hay bóng tóc

vớt dịu dàng xa lắc tiếng ru xưa

Em ở lại

cùng Tháng Mười

ở lại...

dù vé tàu định mệnh đã cầm tay

đã bấm khóa nhớ thương đã chốt trong ký ức

đã tặng quà từ biệt, đã ra ga

29/10/2007

Nỗi buồn khuê các...

VƯƠNG CƯỜNG

( Đọc bài thơ RỒI MỘT NGÀY của TUYẾT NGA )

Thơ Tuyết Nga rất sâu ,rất riêng , rất gần mà cũng rất xa, rất quen mà cũng rất lạ . Cô gái chàng trai nào nông nổi cũng tưởng yêu được ngay . Nhiều chàng nhầm mà không hề biết mình nhầm ! Hình như có một thiếu nữ trong khuê các...

Tất cả chỉ hiện lên trên nét mặt rạng rỡ cả vui buồn , đau khổ và hạnh phúc . Chàng trai nào muốn làm quen cũng phải là người trong mình có nhiều phẩm chất , nhiều đến nỗi phong thái và sắc mặt , bản lĩnh như không có gì cả . Lòng thì dậy sóng mà cử chỉ vẫn như không . Cô gái khuê các, sinh ra trong một gia đình gia giáo, có truyền thống học thức nhưng học thức ấy sát với đời sống quanh mình . Lẫn vào trong bùn đất , lăn lóc với nắng mưa nhưng không bẩn áo bao giờ .

Hoàng tử ơi, muốn yêu hãy xem lại mình trước khi bước qua cái cổng vòm cong cong cổ kính, hình như nở bung một dàn hoa giấy,một bàn tay thon thả, chan hòa với kiến trúc xung quanh , một chiều trời xanh và gió thoảng. Nhưng khung cổng lại rất thẳng như mời bạn bước vào.

Tôi cảm thấy thơ Tuyết Nga như vậy chẳng biết có đúng không. Ngay như bài Rồi một ngày này, bạn có thấy có nét buồn khuê các như tôi vừa nói không ? Tôi có cảm giác thiếu nữ này nhìn thoáng qua, biết hết mọi sự vật quanh mình . Muốn biêt nàng là ai thì cũng chỉ còn một cách ngắm nàng lịch lãm từ xa và tự biết .

Thơ như vậy , thật khó bình lắm . Nó tinh tế quá , hình như hễ muốn nói một điều gì về nó ta đã thô mất rồi. Tôi đọc thơ Tuyết Nga thì thấy sợ như thế đấy .

Có khi, tôi muốn thử bình bài thơ ấy. Muốn lấy cái hồn nhẹ thoảng để nói về một cái hồn như hương như hoa như mùi thơm nồng nàn của rượu hay là hương gì chưa rõ tên nhưng rất quyến rũ .

Nhưng tôi cũng biết dù bình hay đến bao nhiêu cũng chỉ là một phần rất nhỏ của bài thơ . Tác phẩm bao giờ cũng có trách nhiệm sống lâu hơn tất cả các lời bình . Bài thơ là người mẫu mà lời bình là họa sỹ ...Thế rồi, tôi ngước lên nhìn cái cổng vòm có dàn hoa giấy ấy một lần nữa, rộn ràng, lẳng lặng quay đi...

Rồi một ngày...

TUYẾT NGA

Rồi một ngày như đá

phong rêu trơ trọi lối mòn

anh sẽ nhớ một trời thu cũ

em rụng về như lá trước anh.

Rồi một ngày như khói

rỗng không buồn lả mái nhà

em sẽ khóc một ngày nắng hạ

anh đổ về như sóng quanh em.

Ngàn nỗi âm thầm rơi trước heo may

ngàn mảnh vỡ giữa khung trời hụt hẫng

gầy trên tay và xanh xao trên đất

những mảnh vỡ rưng rưng ngàn nỗi mong chờ.

Quá khứ thẳm sâu day dứt không ngờ

những khát khao bạc trắng

những nếm trải đắng cay đẫm mềm hạ vắng

nỗi cô đơn dằn giữ vô hồi.

Em nói những lời chợt đến trên môi

và anh quay đi

lưng chừng ký ức...

rồi một ngày bạc nắng ngoái tìm nhau

cả trời thu mục nát

cả biển sóng đã khô thành cát

miên man năm tháng vô thường.