Truyện cực ngắn

NHỚ

Ở quê việc học khó khăn nên mới lên lớp Hai, thằng Út đã được gởi ra chị Hai ở phố để theo học.

Lâu lắm Mẹ mới ra thăm. Lần nào chị Hai cũng nhằn Mẹ vì Mẹ cứ nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày; lại còn vứt bả trầu lung tung. Lần nào cũng vậy.

Đưa Mẹ ra bến xe về quê xong, chị Hai về thấy nhà vắng ngắt. Tìm mãi mới thấy thằng Út đứng khóc sau kẹt cửa, tay cầm mấy cái bã trầu khô.

LUẬT LỆ

Bé Vi 3 tuổi. Bé đã nói được rất sõi và rất thích tìm hiểu mọi sự việc xung quanh mình. Ngày ngày đưa đón con đi học, người Mẹ thường giải thích cho con về luật lệ giao thông khi qua ngả tư. Một hôm bé thắc mắc:

Sao chú kia không dừng lại khi đèn đỏ hả Mẹ?

.....

Có khi bé góp ý:

Đèn đỏ mà. Sao Mẹ chạy luôn vậy? Mấy chú công an phạt Mẹ thì sao?

.....

Một hôm, Mẹ dừng lại ngay ngả tư đèn đỏ. Bé giục:

Không có các chú công an. Chạy luôn đi Mẹ!

BỐ TÔI

Bố nghiện chè xanh. Mỗi ngày không có một ấm là Bố mất vui. Ăn uống kém ngon.

Hồi tôi còn nhỏ, suy nghĩ chưa thấu đáo. Một lần tôi cùng đứa bạn đi đá bóng về. Mồ hôi nhễ nhại, khát cháy cổ, vội vồ lấy ấm nước của Bố. Hai đứa tu hết veo. Mẹ trông thấy, khẽ cốc đầu tôi bảo: "Sao con hư thế?"

Bố đỡ lời cho tôi: "Cứ để con nó uống. Đói khát thì có ai chịu được đâu?"

Bữa cơm hôm ấy tôi thấy Bố ăn ít, có vẻ kém ngon.

Giờ tôi đã có gia đình, kinh tế khá giả, toàn uống Lipton. Bố thì đã mất, còn nhớ ấm chè xanh khi đó chỉ có 500đ.

Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa. Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người Châu Phi – đen trùi trũi! Có người hỏi: "Mày có buồn không?". Nó yên lặng nhìn xa xăm!

Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: "Con còn có Nội – nó chẳng còn ai!"

NÉT CHỮ NGOẠI XƯA...

Năm tôi lên sáu, ngoại cầm tay tôi tô những nét chữ đầu tiên, từ cỡ chữ 1 ly đến 4 ly, các kiểu chữ hoa... Từ cái bút chì Gilbert luôn được gọt nhọn, ruột chì vừa đen vừa mềm đến cái bút mực ngòi lá lúa, ngòi rộng nét thanh nét đậm được cắm chặt nơi đầu quản bút bằng giấy do chính tay ngoại xoe rất chặt. Hơi thở của ngoại nhè nhẹ bên tai mỗi lần tôi tập viết. Nhớ một lần đi học về, thấy vở tôi chữ viết không đều, ngoại bắt tôi viết lại ba lần sau khi đã ngửa bàn tay phải lãnh đủ 3 roi đũa cả.

Nghĩ đến lũ trẻ bây giờ mà buồn: bút đủ loại đắt tiền, toàn đồ ngoại. Vậy mà càng lớn, chữ càng xấu.

NÉT CHỮ NGOẠI XƯA...

Năm tôi lên sáu, ngoại cầm tay tôi tô những nét chữ đầu tiên, từ cỡ chữ 1 ly đến 4 ly, các kiểu chữ hoa... Từ cái bút chì Gilbert luôn được gọt nhọn, ruột chì vừa đen vừa mềm đến cái bút mực ngòi lá lúa, ngòi rộng nét thanh nét đậm được cắm chặt nơi đầu quản bút bằng giấy do chính tay ngoại xoe rất chặt. Hơi thở của ngoại nhè nhẹ bên tai mỗi lần tôi tập viết. Nhớ một lần đi học về, thấy vở tôi chữ viết không đều, ngoại bắt tôi viết lại ba lần sau khi đã ngửa bàn tay phải lãnh đủ 3 roi đũa cả.

Nghĩ đến lũ trẻ bây giờ mà buồn: bút đủ loại đắt tiền, toàn đồ ngoại. Vậy mà càng lớn, chữ càng xấu.

MẸ VỢ

Cậu em vợ tôi điện thoại báo cho tôi bà mẹ vợ tôi bị trượt chân té gãy tay. Thế là cuống lên, tôi phóng xe từ cơ quan về đưa bà đi bó bột.

Sau khi xong mọi việc và chở cụ về nhà, tôi mệt nhọc quay về ghé thăm mẹ tôi. Lúc đó tôi mới chưng hửng là mẹ tôi cũng vừa mới té và đã được cậu em rễ chở vào bệnh viện.

Bàn tay mẹ

Cắt móng tay cho mẹ. Con chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương. Những lóng tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh. Bàn tay ấy từng tắm rữa cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ.

Áo con lành nhờ bàn tay mẹ. Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm nhai. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy như không còn cách nào gầy nữa. Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được. Con thương mẹ vô cùng.

Tấm lòng con trẻ

Như mọi lần, hai mẹ con chị vừa ăn cơm vừa xem tivi. Chị vô ý đánh rơi muỗng, cơm văng tung toé. Thằng bé nhanh nhẫu đứng dậy:

- Má làm rớt muỗng à? Tại má cầm lâu mỏi tay đó mà! Để con lấy khăn lau, chớ hổng sao đâu.

Chị sững người nhìn theo cái dáng lon ton của thằng bé.

Mới hôm qua chị đã nổi giận khi con mình vô ý đánh đổ thức ăn! Chao ôi!

Lẽ ra tấm lòng độ lượng này phải là của người lớn chúng ta.

HÃY NÓI MỘT LỚI CHÚC

Vào một buổi sáng, khi tôi đang đi bộ như thường lệ thì có một chiếc xe tải đi chầm chậm lại và dừng cạnh tôi. Tôi nghĩ chắc người lái xe, một người đàn ông có tuổi, muốn hỏi đường, nhưng ông đến bên tôi và cho tôi xem một tấm hình chụp một cậu bé khoảng năm tuổi.

- Đây là cháu trai của bác – Ông nói – bây giờ nó đang ở trong bệnh viện.

- Chắc là ông ấy muốn xin một ít tiền – tôi nghĩ thầm và đưa tay định rút ví ra.

Nhưng ông muốn một thứ khác.

- Bác đã gặp tất cả những ai mà bác có thể chỉ để đề nghị họ hãy dành cho cậu bé một lời chúc. Cháu sẽ chúc cho nó sớm khoẻ lại chứ?

Tất nhiên tôi không thể từ chối.

Tác giả: Lee Ryan Miller

Tamhondep dịch (theo inspirational stories)

KHÔNG BỎ CUỘC

Có sáu con ếch đang đi trong rừng. Bỗng nhiên có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Những con còn lại thấy cái hố quá sâu và nghĩ rằng lần này chắc chắn hai bạn của chúng sẽ chết. Chúng khuyên hai con ếch dưới hố hãy chấp nhận cái chểt nhưng cả hai vẫn đang cố nhảy lên miệng hố.

Cuối cùng, một trong số hai con ếch đã nghe lời những con ở trên và chấp nhận cái chết. Còn con kia vẫn tiếp tục cố hết sức nhảy lên khỏi miệng hố mặc cho những con còn lại nói nó đừng phí công vô ích. Rồi nó cũng nhảy được lên khỏi hố.

Lúc đó những con kia mới hỏi tại sao lại không nghe lời của chúng. Con ếch mới giải thích là do nó bị điếc và nó nghĩ là những đồng loại của nó đang khuyên nó cố hết sức để thoát ra.

Đôi giày

Vào một ngày nọ, khi Gandhi bước lên tàu thì đột nhiên một trong hai chiếc giày ở chân anh bị rơi xuống đường tàu. Anh không thể lấy lại được nó nữa vì tàu đã bắt đầu chuyển bánh.

Bỗng nhiên Gandhi từ từ lấy nốt chiếc giày còn lại ra và ném nó lại gần chiếc giày kia trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng hành.

Khi được hỏi tại sao lại làm như thế, Gandhi mỉm cười và nói: "Sẽ có một người nghèo khổ nào đó tìm thấy chiếc giày nằm trên đường ray và anh ta sẽ có cả một đôi giày để đi."

EM TÔI

Ba tháng trước ba Mẹ tôi ly thân, thằng Tý mới lớp một, tôi lớp 9. Hôm nay, giờ cơm chiều Ba Mẹ tôi chẳng buồn nói với nhau một tiếng. Thằng Tý đi học về, cả nhà lên bàn cơm dọn sẵn. Chợt thằng Tý nói: Chị ơi, thằng Tân bạn em, không chơi với em nữa vì bọn em đã ly thân. Hôm nay, nhà nó dọn đi, nó chuyển trường, biết vậy em không ly thân với nó, nó sẽ không chuyển đi.

Ba Mẹ tôi nhìn nhau, tôi rơi nước mắt.

IN THƠ

Đọc trang thơ trên một số tạp chí tôi rất buồn cho thơ. Toàn lên tuổi cả. Lũ vô danh chúng tôi kiên trì viết, gửi chỉ nhận được hồi âm: mong sáng tác mới. Lại vắt mình rạo rực trong cõi mù tăm. Chợt nghĩ ra một cách tôi gửi đến tạp chí một chùm ba bài cũ đã gửi. Cả ba bài đều được in ngay vào số đặc biệt giới thiệu chân dung văn học.

Có điều tôi phải trả giá. Đứa con tinh thần không lấy họ tên cha mà thay bằng bút danh của một nhà thơ vang bóng.

Một cuộc đời đáng được cứu sống

Một người đàn ông đã liều cả tính mạng của mình để bơi đến vùng nước chảy siết rất nguy hiểm để cứu một đứa bé đang bị nước cuốn đi.

Sau khi bình tâm lại sau sự cố hãi hùng đó, cậu bé nói với người đàn ông rằng: "Cám ơn chú đã cứu sống cháu. cháu không biết phải làm gì để tạ ơn chú đã liều mình cứu cháu!".

Người đàn ông nhìn thẳng vào mắt cậu bé rồi bảo rằng: "Không có gì đâu, cậu bé ạ! Chỉ cần cháu chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, cuộc đời của cháu là đáng được cứu sống".

Sống

Có ba người mặt mày buồn bã đến hỏi ý kiến bác sĩ tâm lý, làm thế nào để bản thân sống được vui vẻ.

“Các ông trước tiên nói xem các ông sống vì cái gì?” Bác sĩ hỏi.

Ông A nói: “Vì tôi không muốn chết, vì vậy mà tôi sống”.

Ông B nói: “Vì tôi muốn nhìn xem ngày mai có tốt hơn ngày hôm nay hay không, vì vậy mà tôi sống”.

Ông C nói: “Vì tôi có một gia đình phải nuôi dưỡng. Tôi không thể chết, vì vậy mà tôi sống”.

Bác sĩ lắc đầu nói: “Thế thì đương nhiên các ông không được vui vẻ rồi, vì các ông sống chỉ vì sợ hãi, chờ đợi, trách nhiệm bất đắc dĩ, chứ không vì lý tưởng”.

Con người nếu mất đi lý tưởng thì sẽ không thể sống vui vẻ được.

TÌnh bạn

Mở rộng hẻm. Cả xóm hân hoan. Riêng con bé ôm gốc mận già thút thít khóc. Làm sao cứu được người bạn lớn? Cứu những chùm mận căng bóng, cắn vào, mát ruột giữa trưa hè? Chả ai chịu để một cây mận đứng chơ vơ giữa đường cả!

Ngày đốn cây. Con bé trốn qua bà ngoại. Chiều về, nhìn góc sân trống huơ, nó òa khóc nức nở. Thương quá! Bố chọn đoạn thân mận đẹp nhất, khắc vào đấy mặt một ông cụ hiền từ.

Bây giờ, buồn vui nó lại rủ rỉ cùng cụ Mận!

Gừng cay muối mặn

Nắm tay tôi, anh âu yếm: “Nếu như sau này anh làm ăn thất bại, và chỉ có gừng với muối để nuôi em, em có bỏ anh không?”

Tôi cười. Lẽ nào có chuyện đó đâu anh.

Gia đình tôi phá sản. Mỗi người ly tán một nơi.

Một ngày mưa. Anh nói không thể mang lại hạnh phúc cho tôi. Anh có nhiều điều khổ tâm và khó nói…Tôi cười.

Tôi vẫn một mình đi giữa cuộc đời. Anh ơi gừng cay muối mặn là đây?!

Chú bé và ông già

"Cháu hay làm rớt cái muỗng khi ăn," chú bé nói.

"Ta cũng vậy," ông già nói.

"Cháu hay đái dầm," chú bé thì thầm.

"Ta cũng vậy luôn," ông già cười.

"Cháu hay khóc nhè," chú bé nói.

"Ta cũng vậy," ông già gật đầu.

"Nhưng tệ nhất là," chú bé nói, "người lớn hông thèm chú ý đến cháu gì hết."

Và chú bé cảm thấy bàn tay nhăn nheo nhưng ấm áp của ông già quàng lên vai mình.

"Ta hiểu cháu muốn nói điều gì," ông già bé nhỏ nói.

Đổ lỗi

Nếu bạn đổ lỗi lầm của mình cho cuộc đời, cuộc đời sẽ sẵn sàng đón nhận.

Nếu bạn đổ lỗi cho số phận, số phận chẳng có lý do gì khước từ.

Nếu bạn đổ lỗi cho những người hiền, họ sẽ cười và nhận lỗi về mình.

Có khi nào bạn đổ lỗi cho mình chưa? Chắc rất ít người trong chúng ta làm được điều này. Song đó lại là cách tốt nhất để bạn có được một tương lai không mắc phải lầm lỗi. Hãy thử ít nhất là một lần bạn nhé - đổ lỗi cho chính mình.

Ngày không có em

- Nếu một mai không có em, anh sẽ làm gì anh yêu?

Chàng trai trả lời: “Anh sẽ chẳng làm gì, sẽ mãi mãi trở lại với những ngày im lặng mà anh đã từng.”

- Tại sao lại như vậy? Anh không nhớ em sao? Anh không thương em nữa à? – Cô gái giận dỗi hỏi.

- Không đâu em yêu, với anh, mất em là kể như anh đã mất nửa phần đời. Anh dùng nửa phần đời còn lại lặng lẽ ôm ấp nửa đã bị thương, chỉ để cho anh biết rằng em vẫn còn bên anh. Dù sự thật không là thế nhưng trong tâm trí anh: em vẫn tồn tại!

Thiên thần

Chàng trai yêu một cô gái nhưng cô gái không hề lưu tâm nhận ra điều này. Ngày nọ chàng trai bệnh và sắp ra đi. Và cô gái hỏi: “Tại sao cậu lại rời xa mình?”. Chàng trai trả lời “để mình có thể trở thành thiên thần của cậu và yêu cậu mãi mãi”.

Hoa điên điển

Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển . Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.

Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.

Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.

Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.

Khóc

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.

Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.

Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:

- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.

Bão

Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.

Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...

Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.

Tình Đầu

Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:

- Ba tìm gì vậy?

- Tìm tuổi thơ của ba.

- Chưa tới nhà nội mà?

- Ba tìm thời học sinh.

- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?

- À, ba tìm người... ba thương.

- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?

- Ừ, thì cũng ... thương.

- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.

- Ba cũng không biết.

Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.

Bàn Tay

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

Khóc và cười

Hôm nay đọc bài báo , thấy có câu nói :

"Khi bạn sinh ra tất cả mọi người xung quanh đều cười, riêng bạn thì khóc . Bạn hãy sống sao khi bạn chết đi tất cả xung quanh đều khóc , chỉ riêng bạn thì cười "

Tìm hạnh phúc ở đâu trong cuộc sống để thấy mình sống là có ý nghiã ....

Giao mùa

Không có mùa đông, nên mỗi khi gió bấc về trời se se lạnh lại thấy bùi ngùi ở trong lòng.

Hồi hai đứa yêu nhau thường bảo, mùa này là mùa đi chơi. Trời không nắng, chở em trên chiếc xe đạp, em vui lắm. Mới đó mà đã năm năm, tiếng cười em như vẫn còn đâu đó nhưng người thì đã khuất xa.

Mỗi khi trời giao mùa phai nắng, một niềm nhớ không rõ nguyên nhân chợt se sắt nhớ chuyện ngày xưa.

XA XỨ

Bùi Phương Mai

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học. Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..."

Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..."

Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..."

__________________________________

CHUYỆN CỦA NỘI

Nguyễn Quốc Việt

Nhận vé máy bay, cả nhà mừng tíu tít... Dường như nội cũng mừng lắm. Nội vào ra hết sờ cái cột, sửa thân bầu, lại bứt mấy đọt mồng tơi nấu canh. Con cháu cười nội lẩm cẩm...

Từ ngày lên máy bay cho đến khi định cư nơi trời Tây, nội luôn săm soi một gói giấy vẻ quí lắm.

Chiều đông ảm đạm, nội ra đi, tay vẫn nắm chặt cái gói nhỏ. Bố nhẹ nhàng gỡ ra, một cục đất màu nâu rơi xuống... vỡ tan...

BÀN TAY

Võ Thành An

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

______________________________________

TẤM LÒNG CON TRẺ

Võ Thị Yến Vĩ

Như mọi lần, hai mẹ con chị vừa ăn cơm vừa xem tivi. Chị vô ý đánh rơi muỗng, cơm văng tung toé. Thằng bé nhanh nhẫu đứng dậy:

- Má làm rớt muỗng à? Tại má cầm lâu mỏi tay đó mà! Để con lấy khăn lau, chớ hổng sao đâu.

Chị sững người nhìn theo cái dáng lon ton của thằng bé.

Mới hôm qua chị đã nổi giận khi con mình vô ý đánh đổ thức ăn! Chao ôi! Lẽ ra tấm lòng độ lượng này phải là của người lớn chúng ta.

_______________________________________

LÒNG TIN

Thanh Vân

Xe ngừng…

- Mận ngọt đây!...

- Bao nhiêu tiền bịch mận đó?

- Dạ 2000.

- Hổng có tiền lẻ!

- Để con đổi cho!

Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút…

- Trời! đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi!

- Ai mà tin cái lũ đó chứ!

- Bà tin người quá!...

Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải:

- Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho!

______________________________________

SỐNG Ở ĐỜI

Phạm Quốc

Từ hồi còn học trung học, bố tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việc làm, lập gia đình… bố vẫn giữ thói quen như thế. Bố dạy tôi: "Phải luôn tôn trọng giờ giấc, và đừng để ai khó chịu vì mình chậm trễ con ạ".

Năm ngoài được thăng chức giám đốc, bố thay đổi thói quen đột ngột: bố vặn đồng hồ cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, bố trả lời: "Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại dễ dàng với người khác con ạ".

_______________________________________

SẮC HOA VÀNG

Võ Thành An

Em ở thành phố về, tôi bơi xuồng đưa em đi chơi đồng mùa nước nổi. Gặp ở bờ đê có rất nhiều cây trổ sắc hoa vàng. Em hỏi: "Hoa gì đẹp quá, không hái về chưng à?" Tôi nói: "Bông điển điển".

Chiều về ngồi vào mâm cơm có tô canh chua bông điên điển. Tôi bảo: "Ngon lắm, ăn đi!" Em buồn nôn: "Hoa không đem chưng được thì ăn à?"

Chẳng biết giải thích như thế nào cho em hiểu giữa chốn quê nghèo mùa nước nổi.

______________________________________

CÁI NỤ

Nguyễn Thị Bích Phụng

Cái Nụ là con nuôi. Mẹ Hà cho tôi và Nụ cùng đi học. Tôi thường đỏng đảnh, đố kỵ Nụ. Điều đáng ghét là Nụ vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, lời biển cả…

Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên ấy. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí trong lần tai nạn. Mẹ nhìn tôi xa lạ, rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó:

-Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi… mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng… “tùng dinh dinh là tùng dinh dinh, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh”.

Câu hát như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.

GIA ĐÌNH

Đào Thị Diễm Tuyết

Mấy năm trước, cháu được một tuổi rưỡi, nói bập bẹ, mới biết đi. Bà vỗ tay mừngcháu. Mẹ cười hạnh phúc.

Hai năm sau, cháu đã vào lớp một. Bà bị tai biến mạch máu não, nằm liệt gường, không nói được. Nụ cười hiếm thấy trên khuôn mặt mẹ.

Sau nhiều tháng điều trị, bà bỗng nói được, rồi bà chống gậy tập đi. Bà đi được,cháu vỗ tay mừng bà. Mắt đẫm lệ, mẹ cười.

MỘT BUỔI SÁNG

Thanh Hải

Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn: - Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.

Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống. Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả: - Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?

Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.

TÌNH MẪU TỬ

Thạch Nhung

Mẹ cho gà ấp trứng vịt. Trứng nở. Đàn vịt con lội dưới ao sâu. Mẹ gà táo tác chạy theo trên bờ trông con. Mẹ bảo "Mẹ gà con vịt mà tình mẫu tử thiêng liêng vậy đó!".

Mẹ nuôi mái gà khác. Gà mẹ dắt con kiếm mồi. Gà mẹ mê mồi bay qua bờ mương bên kia. Gà con nháo nhác lao theo mẹ. Từng con, từng con rơi tõm xuống ao. Mẹ giận mắng "Sao có con gà ngu thế!".

Bố mất. Mẹ lấy chồng khác. Những lúc buồn, tôi lại nhớ đến những mẹ gà.

GIỖ ÔNG

Bình Nguyên

Sớm mồ côi. Từ nhỏ anh em nó sống cùng nội trên mảnh đất của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú nó lấy lại căn chòi, khuyên "lớn rồi... nên tự lập". Anh em dắt díu nhau tha hương.

Trưa. Phụ hồ về "nhà" - (ở dưới gầm cầu). Mệt. Đói. Giở nồi cơm, nhãonhư cháo. Thằng anh mắng "đồ hư". Con em mếu máo "em nấu để...giỗ ông".

Ngẩn người. Chợt nhớ, hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà...! Ôm em vào lòng, nó gọi trong nước mắt: Ông ơi!!!

MỘT MÌNH

Nguyễn Thái Sơn

Em lớn dần, cái tuổi rất dễ tự ti và mủi lòng. Nhà vẫn nghèo, ba mất sớm, mẹ làm lụng một mình. Mẹ chỉ có hai tài sản quý giá nhất, đó là em và chiếc xe đạp.

Hôm thi cấp tỉnh, mẹ dậy sớm, gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ ấy đưa em đến nơi thi. Quanh quẩn, toàn xe máy. Dường như tất cả nán lại cổ vũ tinh thần cho con em mình. Em ngẩng nhìn mẹ, giọng em đượm buồn nhưng đĩnh đạc "Thôi, về đi mẹ!".

Chuông điểm hết giờ. Ngoài cổng nhốn nháo hẳn lên. Lời han hỏi rộn ràng, tiếng máy xe dòn nổ. Nắng rát, em về lầm lũi, chỉ cái bóng là "người bạn đường" đi kè bên chân.

Nhìn những chiếc xe chở bạn bè cùng trang lứa lướt qua, em thấy sự cô độc nhân đôi. Nhưng lạ thay, em bỗng càng thương mẹ hơn vì giờ này mẹ cũng đang hẩm hiu ngoài đồng xa.

Em ra đồng, chờ mẹ cùng về. Em thấy mắt cay cay: Mẹ đang cấy... một mình.

BÀ và CHÁU

Trần Công Thi

Mẹ mất. Ti và bà ngoại phải đến ở nhờ nhà bác Sáng. Bác Sáng là con trai cả của bà ngoại. Đêm. Ti ngủ với bà. Bà ngoại già rồi, lẩn thẩn, lại mắc bệnh đái dầm, ai cũng biết. Buổi sáng, khi quét nhà, nhìn thấy vũng nước dưới gầm giường, bác gái chì chiết:

- Đứa nào đổ nước ra đây thì lau ngay đi, bà không hầu mãi đâu nhé!

Bác trai ngồi im. Ti lặng lẽ đi lau vũng nước, chợt thấy mắt bà ngoại cũng rưng rưng.

CON NUÔI

(st)

Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói: - Mình biết tất cả về con nuôi đấy.

Một học sinh khác hỏi: - Thế con nuôi là gì?

Cô bé trả lời: - Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng.

LỜI HỨA

(st)

Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: "Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi". Mắt thằng Linh sáng rỡ.

Ngày lại ngày. cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.

Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: "Chú hứa chở con đi chơi...cả năm qua con ngoan...không hư một lần nào..."

TRUYỀN THUYẾT

(st)

Một người bị bệnh. Phù thủy bảo: "Anh phải trao trái tim người mẹ cho ta mới khỏi bệnh". Anh con trai về giết mẹ lấy trái tim mang đến. Giữa đường, anh vấp ngã, trái tim mẹ cất tiếng dịu dàng: "Con vấp có đau không?".

ĐI CHỢ XA

(st)

Một nhà thơ hồi tưởng lại thuở thơ ấu: "Hồi ấy mẹ mình đi chợ mua rau phải lặn lội chợ xa, không đi chợ gần nhà. Hỏi thì mẹ mình bảo: mua gần nhà đắt, mua chợ xa mới rẻ được vài xu, có cái để dành cho chúng mày ăn học chứ!".

TRANH VUI

(st)

Một bức tranh vui xem được trên báo: Tranh vẽ một chiếc tàu vũ trụ vừa bay lên không gian. Bất ngờ có một bà mẹ vẻ mặt đầy lo âu bay theo phía sau và gọi nhà du hành vũ trụ: "Con còn quên bàn chải và kem đánh răng đây này!".

TRANG VIẾT và CUỘC ĐỜI

(st)

Trong những tác phẩm của chị, gia đình có sự mất mát chia lìa thì nhân vật "người chồng" luôn... bị chết trước vợ. Anh giận, cho rằng chị ám chỉmình. Chị bảo: "Nếu trang viết là cuộc đời thì em chỉ muốn anh không phải chịu nỗi buồn của người còn lại.".

Vậy mà chị ra đi trước anh. Trơ trọi một mình, anh mới thấm thía nỗi chống chếnh, quạnh hiu của một tâm hồn lẻ bạn.

Kiếp sau (Thanh Lam)

Cãi nhau kịch liệt, người vợ nức nở :

- Ông không thương tôi, ông không lo lắng gì con cái.

Ứa nước mắt, người chồng nói :

- Không thương bà, sao có được bốn mặt con. Đứa lớn gần 40, đứa út đã 30. Không lo cho con, mà chúng sống được. Không đứa nào hư cả.

Người vợ còn sụt sùi :

- Kiếp sau tôi không lấy ông đâu!

Người chồng (giọng kiên quyết) :

- Được đầu thai lên, tôi cũng cứ đi tìm bà. Làm gì kiếm được một người như bà?

Tối, họ đưa nhau đi xem phim : "Anh vẫn yêu em".

Ăn cơm (Nguyễn Thanh Bình)

Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.

Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.

Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng :

- Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!

Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến :

- Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!

(Quỳnh Châu)

Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ - Và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm.

Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái dỗ dành : "Ngoại có đi đâu!Ngoại ở đây mà!". Vậy là nó nín.

Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo :"Mẹ có đi đâu!Mẹ ở đây mà!" rồi lấy tay đặt lên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.

Cái bóng (Hải Âu)

Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà gia đình dành cho mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung có nhiều thăng trầm.

Một ngày, bà nhẹ bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra vào ngẩn ngơ như thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khỏang trống. Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà..

Bố và con (Trần Ninh Bình)

Anh phụ trách công việc giao tế ở một công ty, lúc nào cũng tươi tắn, lịch sự và hòa nhã. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, buổi tối tắm rửa xong, đang nằm đọc báo trên giường trải drap trắng toát thì con bé bốn tuổi, mồ hôi mồ kê, chân tay lấm láp trèo lên. Anh cau mặt gắt con sao không chịu đi rửa chân tay trước. Con bé mếu máo :" Bố ơi, từ sáng tới giờ bố chưa mi con cái nào!"

Mẹ ghẻ (B.P.M)

Cô tôi muộn chồng vì quá dữ tính, ruột thịt cũng chẳng ai muốn gần, đành lấy dượng, đã góa vợ.

6 tuổi, Lộc về với mẹ ghẻ, làm đủ việc mà lằn roi mới vẫn chồng lên dấu đòn cũ.

Lộc 15 tuổi, dượng chết. Đinh ninh Lộc bỏ đi nên ngày mở cửa mả, cô đuổi khéo :

- Có muốn về với bà ngoại mày không?

Lộc cúi đầu, nói trong nước mắt :

- Con đi rồi, mẹ ở với ai?

Sau câu nói, dường như bà mẹ ghẻ ở lại với nấm mồ, cô tôi về, đi chùa, ăn chay. Lộc trở thành cậu ấm - rồi trở thành thạc sĩ, mẹ con thân thương như một phép màu...

Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu)

Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngòai 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.

Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói : "Ba sợ các con còn giận mẹ...".

Mồ côi (Nguyễn Văn Hùng)

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm : Giá như mẹ đừng "đi xa", thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.

Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói : Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con. Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh.

Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ : Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên...

NGÀY SINH NHẬT ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG -DIỆU AN

Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất.

Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?

Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?

Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?

Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.

Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.

Mẹ tôi ( Lăng Dũng)

Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con sơ tán khắp nơi.

Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ mới quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.

Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ oà...

Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ ...mẹ lại một mình.

Lát nữa về (Phạm Thu Hiền)

Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào.

Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành :

- Nín đi con ! Lát mẹ về.

Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ :

- Nín đi mẹ ! Con đi chơi với ba, lát con về..

Con trai (Linh Diệu)

Bà Nội sanh mỗi mình bố.

Mẹ cũng chỉ có mỗi Bé thôi. Mẹ sanh phải mổ mà.

Bé đã lên 5, thích em trai lắm. Bố cũng vậy. Bà Nội thì khỏi nói, lúc nào ôm Bé cũng thở dài : Phải chi...

Một hôm Mẹ khóc - Rồi Mẹ nằm vùi, lặng ngắt , xanh xao. Cả nhà tự nhiên im ắng hẳn. Suốt tuần.

Bố với Bà Nội đem về cho Mẹ một chú nhóc thật xinh. Bé thì mê mẩn, nhưng Mẹ chẳng khỏe lên tí nào. Mẹ bảo : Bố đổi em bé bằng trái tim Mẹ đấy!

Vòng cẩm thạch (Jang My)

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường...Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo.

Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiệc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía , cười :

- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.

Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.

Đồ cổ (Lê Nguyễn Thục Quyên)

Biết tôi chuyên nghiên cứu đồ cổ, anh mời đến, cho xem bộ sưu tập đời Lý. Quý chúng lắm nên hàng ngày anh lau chùi kỹ lưỡng, đặt chúng nằm trang trọng trong phòng khách thật đẹp. Để có được nó, nghe đâu anh tốn công ròng rã mười năm trời...

Có tiếng ho yếu ớt bên chái nhà tối tăm nơi góc sân. Tò mò tôi liếc nhìn...Một cụ già nhỏ bé đang run rẩy trên chiếc giường con trải manh chiếu rách, cáu bẩn, tồi tàn. Bên cạnh là tô cơm khô cứng tự bao giờ....

Món đồ cổ trở nên vô nghĩa.

Ngày thứ 7 (Đ.T)

Thuở bé tôi luôn luôn chờ đợi ngày thứ bảy. Vì đó là ngày ba tôi thường đưa cả nhà đi ăn tối, đi xem phim. Đến tuổi dậy thì, ngày thứ bảy càng đáng yêu hơn vì đó là ngày tôi đến nơi hẹn với người yêu. Khi lập gia đình, tôi cũng mong ngày thứ bảy để được nghỉ việc, được giặt ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa...Và bây giờ tôi sợ ngày thứ bảy! Đó là ngày chồng tôi họp bạn nhậu, con tôi hẹn với người yêu, tôi hoàn toàn cô đơn.

Cần thiết (T.T)

Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ.

Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi : "Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền". Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp : "Anh chỉ cần em".

Nuôi mẹ (Nguyễn Thị Thao)

Con ở Đức về, giàu có, đón mẹ ra nuôi.Con dâu hồ hởi, cơm quà cho mẹ chu đáo. Giường mẹ màn mới, quạt riêng.

Mẹ như vàng.

Chồng biếu mẹ mọi thứ. Thương mẹ, anh hay gần gũi, trò chuyện, lại gởi quà về quê. Vợ nhìn soi mói. Bữa ăn thiếu đậm đà. Tối đến màn chẳng mắc. Lạnh nhạt...

Mẹ thành bạc.

Mẹ ốm, nằm một chỗ, khó ăn, khó ngủ, ho... Chồng chăm mẹ. Một mình vất vả mọi việc, vợ bực bội và lạnh lùng : "Xem thế nào đưa mẹ về quê..."

Mẹ thành rác vứt bờ tre.

(Dân gian có câu : Ngày thứ nhất mẹ là vàng; Ngày thứ hai mẹ là bạc; Ngày thứ ba mẹ là rác vứt bờ tre)

Cưới vợ (Hoàng Xuân Thế Vinh)

Mẹ mất, trối lại : "Ông phải cưới vợ cho nó, nhớ chọn người cùng làng".

Mình đi làm xa, ông cụ sống một mình. Thật tội. Nhờ mai mối, năm nào mình cũng về làng "coi mắt", nhưng chưa ưng ý đám nào. Ông cụ có vẻ buồn.

Công việc bề bộn ít có dịp về thăm. Bỗng nhận được điện tín :"Về gấp, đã tìm được nơi ưng ý". Bỏ hết công việc vội vã về để làm vui lòng ông cụ.

Tháng sau đám cưới được tổ chức, cô dâu là bà mai và chú rể là ông cụ.