Kim Oanh-Truyện ngắn

CHIẾC LÁ

Cứ đi làm về, cơm nước xong là Bảo lại mang giấy bút ra gọi vợ ngồi bàn bạc. Em tính đi, đất mình còn rộng, trường cấp 2 gần đây, bỏ không rất phí, nếu mình xây nhà trọ thì mỗi tháng sẽ có thêm vài triệu. Con cái mấy gia đình ở xa về học có chỗ ăn chỗ ngủ. Diệu ngạc nhiên vì xưa nay chồng có bao giờ nói chuyện làm ăn. Chính vì vậy cô cũng hăng hái tham gia.

Bảo cũng lạ, bao nhiêu năm nay toàn lo chơi, hết bi da, bia bọt lại cà phê… giờ hai thứ tóc mới nói chuyện làm ăn. Mà cũng phải, Bảo đã quá bốn mươi, để Diệu chèo chống bấy lâu nay đủ mệt, giờ phải đền đáp chứ.

Nhà xây xong, học trò thuê lèo tèo. Trong đám ấy có một con bé cực kỳ dễ thương. Hơi nhát nhưng biết ý. Mỗi khi Diệu cho nó cái gì nó đều cám ơn rất lễ phép. Vườn tược, nhà cửa nó quét dọn đâu ra đấy. Mới một tháng qua, cả hai vợ chồng Diệu đều quý nó. Nhất là Bảo, anh cứ suýt soa ước gì mình có một cô con gái như thế, con nhà ai mà xinh quá, hay mình nhận nó làm con nuôi đi. Diệu nghĩ thầm khi thì đòi con trai nằng nặc, giờ lại ham con gái, đúng là chả biết đằng nào mà lần.

Mùa thu đã đến cả tháng mà khí hậu vẫn rất khó chịu. Cứ chiều đến là oi bức đến ngạt thở. Mưa được còn đỡ, vần vũ mãi thì đến Bụt cũng phát cuồng. Hôm nay trời nặng muốn đè sập mái nhà mà vẫn không mưa. Bảo đi công tác chưa về, mấy đứa con ngủ riêng. Diệu ra nhà trọ gọi con bé qua phòng mình vì có máy lạnh. Hai cô cháu nằm bên nhau, Diệu hỏi nó vài chuyện nhưng hoá ra con bé cũng rất kín miệng, cái gì cũng dạ dạ, chả có mấy thông tin. Diệu nói nó ngủ đi rồi bật ti vi xem phim Hàn Quốc với những mối tình tay ba, tay tư bất hủ. Khi cô chuẩn bị tắt đèn thì bỗng nhận ra con bé co ro mé giường rất tội nghiệp. Diệu nhẹ nhàng luồn tay dưới gáy, bế nó nằm thẳng ra. Khi cô cúi xuống sát gương mặt nó, cô nhận ra mùi hơi thở rất quen. Bỗng một cảm giác rất lạ không lý giải nổi len vào tâm trí cô, Diệu lật chiếc áo mỏng con bé đang mặc. Ngay phần bụng non tơ phập phồng nhè nhẹ của nó là một cái bớt màu đỏ hình chiếc lá.

Đêm tân hôn hai mươi năm trước Bảo ngượng ngùng nói nhà anh ai cũng có cái bớt hình chiếc lá này, chỉ khác chỗ mà thôi. Ở anh là trên ngực, ở ba anh là phần bụng. Hai đứa con Diệu cũng có cái bớt này và Diệu hay tủm tỉm cười khi nghĩ đó là dấu vết để nhận biết con cháu dòng họ Trần Vĩnh của làng Đông.

BÁT CÁM

Bà Lỷ có 4 đứa con tất cả. Đứa 26, đứa 25, đứa 18 và đứa 10 tuổi. Số con và số tuổi tương ứng với lần và khoảng cách ông Phiệt- chồng bà- về thăm nhà.

Sau giải phóng ông Phiệt không về quê mà lần lượt đưa từng đứa con vào Phan Thiết, người cuối cùng của gia đình là bà Lỷ.

Khi bà Lỷ đến, tôi mới sinh đứa con đầu lòng, khu tập thể đi làm hết nên bà hay qua nhà tôi chơi.

Bà lép kẹp, nhàu như miếng thịt nách, tóc tai xơ xác nhưng ẵm cháu rất khéo. Con tôi ọ ẹ là bà ngọng líu ngọng lô: "Bà xương, bà xương". Tôi ngạc nhiên nhiều điều về bà, khi bà làm như cả cái xóm Lộc ngoài Thanh Hoá là nhà bà vậy, ai cũng thân thiết, khi bà ăn một miếng thịt heo và hỏi tôi cái gì mà ngon thế, rồi bà tần ngần: "Nghe tên thịt heo nhưng chưa ăn bao giờ"

Ông Phiệt ít khi về nhà. Người ta nói ông có bà Hai, bà Lỷ biết nên cũng ghen. Cái ghen của người hiền bao gồm nhắm nhẳng với chồng, lên nhà đối thủ đi loanh quanh hàng xóm ra chiều tôi là vợ ông Phiệt, gặp đối thủ đưa đề nghị...Tất cả chẳng ăn thua gì. Ông Phiệt cứ đi và bà cứ ra cửa ngồi nhìn ngược ngó xuôi y như nông dân mất hết ruộng.

Người miền Nam ít can thiệp chuyện nhà người khác nên bà Lỷ chỉ âm thầm đau khổ một mình. Thế nhưng có một buổi chiều nhà bà ầm ầm tiếng quát mắng, tiếng đập chén dĩa, ông Phiệt nhảy tót lên xe vừa đạp vừa chửi: "Tao không về nữa cho mẹ con mày ăn cám với nhau". Bà Chiêu -hàng xóm- thì thầm : " Bà Lỷ dọn cơm cho chồng, mâm cơm có đúng một bát cám, ông Phiệt tát bà túi bụi, đá mâm cơm và chửi: mày coi tao là heo à". Thiên hạ ngao ngán, gì thì gì chứ dọn cám cho chồng là quá hỗn.

Tôi tiết kiệm tiền, mua nhà rồi dọn đi khỏi khu tập thể lầy lội ấy nên lâu lâu mới gặp bà. Mấy năm sau biết bà ốm nặng khó qua khỏi tôi mới lên thăm. Bà Lỷ nằm dán trên giường, thẫn thờ nhìn qua ô cửa sổ bé tí có mắc miếng rèm cũ bằng thun xanh. Khi tôi chào ra về bà mới kéo tôi lại: "Chị Oanh ạ, tôi dọn bát cám năm ấy là vì tôi từng ăn cám, ăn nhiều lắm, khi ông ấy đi xa, có cám mà ăn đã mừng, cho ông ấy ăn để ông ấy biết. Những năm ấy tôi sung sướng nhất đấy, vì không biết ông ấy xấu thế. Nếu tôi chết, chị cúng tôi bát cám là được." Tôi hỏi ông Phiệt có biết bà từng ăn cám nhường cơm cho chồng khi ông về thăm không, bà nói ngày ấy không biết, bây giờ nói thì không tin.

Đám tang bà Lỷ có đầy đủ chồng con và hàng xóm. Ông Phiệt đứng cạnh quan tài ụt ịt hỉ mũi. Chăm sóc vợ không làm ông ốm đi, nom ông giờ cũng non bảy yến. (Yến = 10 kg. Đơn vị đo lường cổ)

MỘT BÀI THƠ THỰC LÀ LÂM CÚC

Lòng ta

Ta đến thành đô mà lòng không đến

Lòng chẳng ở nhà, đứng đầu ngõ chơ vơ

Ta đến thành đô mà lòng không đến

Không mang theo lòng,

Ta ngác ngác ngơ ngơ.

Có những lúc ta ngồi như đá núi

Trầm mặc trăm năm, cô quạnh ngàn đời

Lòng thương ta, lòng khe khẽ nói

Ôn ào ngoài kia cũng là chốn không lời.

Ta vỗ về lòng,

Đừng đau nữa lòng ơi !

Nguyễn Lâm Cúc

Tôi và Cúc đã bao lần gặp nhau. Không biết nữa và tại sao phải biết, khi thực ra chỉ cần gọi là có thể gặp, dù cách nhau 150 km. Chúng tôi có bao nhiêu cuộc trò chuyện thâu đêm và cũng có bao nhiêu lần im lặng, không ai nói câu gì nhưng ai cũng biết bạn đang nghĩ gì.

Chúng tôi thân nhau mà không giống nhau. Tôi có cuộc đời suôn sẻ bao nhiêu thì Cúc lại trúc trắc bấy nhiêu. Nhiều khi tôi nghĩ chưa chắc gì mình đã hiểu hết cái khổ Cúc mang.

Không ai chọn được số phận. Mình không bằng lòng, mình cựa quậy vậy thôi chứ thực ra mọi thứ đã an bài hết rồi. Bất lực, nhưng cũng được an ủi là ta chẳng có sai lầm gì đâu. Sai lầm sao được khi định làm gì lại luôn nghĩ xem ai sẽ thiệt thòi, nếu là mình thì đồng ý, là người khác thì lại thôi tặc lưỡi cho qua.

Tuy vậy, tôi tự cho là mình hiểu thơ Cúc, vì vậy, cái việc hầu như tôi không làm là bình thơ thì với Cúc tôi cũng làm. Coi như một cách nhìn.

Tôi chọn bài "Lòng ta", nhiều người sẽ chọn "Ca dao buồn". Và họ cho rằng người phụ nữ trong ấy chính là Cúc. Một phần thôi, người ấy và nhất là cái dáng ấy, cái nhìn ấy là lòng Cúc với những thân phận nghèo khổ, cô đơn. Nhưng Cúc đã ở trong "Lòng ta" rất rõ, choán hết cả bài thơ.

"Ta đến thành đô mà lòng không đến

Lòng chẳng ở nhà, đứng đầu ngõ chơ vơ"

Cúc rất vui khi gặp tôi, gặp các bạn ở Phan Thiết, ở Sài Gòn, ở Vĩnh Long... Nhưng thường thì Cúc không nói, chỉ im lặng nghe. Những lúc như thế, đôi khi Cúc cũng chẳng nghe được gì, lòng Cúc đang ở đâu đó, trong những suy tư, những tính toán cho con. Hay lòng Cúc quay về những tháng ngày lên 9, lên 10 một mình gánh củi trong rừng chạng vạng, nghe tiếng tre chà xát vào nhau kin kít như tiếng oan hồn. Hay lòng Cúc bỏng rát lên những trưa hè miền Trung mơ ước có một đôi dép chưa đứt. Hay lòng Cúc lay động, leo lét theo ngọn đèn dầu trên bàn thờ Đen Lai...tôi khó mà biết được. Chỉ khi đọc hai câu thơ trên tôi mới thấy cái cô đơn của bạn. Mình đi rồi mà lòng ở lại, lòng cũng không ở trong nhà lại đứng ngoài ngõ, dùng dằng mãi thế, xót lạnh mãi thế.

"Ta đến thành đô mà lòng không đến

Không mang theo lòng,

Ta ngác ngác ngơ ngơ."

Người ta có thể không cơm áo, không gạo tiền, không bè bạn...nhưng mấy ai không lòng. Mà với Cúc lại như thế, bởi ngay cả lòng cũng có lúc tách ra, đứng ngoài Cúc, nhìn Cúc mà không đi theo Cúc. Bởi đáng ra vẫn phải có lòng mà giờ lòng không đi theo nên cái cô đơn càng đo đếm được. Hoá ra với lòng mình Cúc cũng không có quyền nốt, nó ở đâu đó, đi hay không cũng phụ thuộc vào buồn vui của nó.

Chữ " ngác ngác ngơ ngơ" của Cúc đã có lần tôi đổi thành "ngơ ngác, ngác ngơ". Nhưng nghĩ lại, tôi thấy Cúc dùng chữ đúng hơn bởi đây là tâm trạng của một người không suy nghĩ được làm sao cho phải, chữ nào cho đúng thì dùng sai đi mới chính là thể hiện đúng tâm trạng của mình.

Cái cô đơn ngay với cả chính mình được Cúc khắc hoạ thêm:

"Có những lúc ta ngồi như đá núi

Trầm mặc trăm năm, cô quạnh ngàn đời"

Tôi không thích hai câu thơ này và nó không gây cho tôi chút cảm hứng nào để bình nhưng nó lại là hình ảnh khiến cái cô đơn của Cúc nặng nề hơn, bền bỉ hơn, theo đuổi Cúc mãi mãi.

Bốn câu cuối:

"Lòng thương ta, lòng khe khẽ nói

Ôn ào ngoài kia cũng là chốn không lời.

Ta vỗ về lòng,

Đừng đau nữa lòng ơi !"

Với tôi, bốn câu này mới chính là Cúc. Chỉ Cúc mới có cái kiểu tách mình với lòng mình làm hai để tâm sự, để chia sẻ. Giống như với chị, cái bóng của chính mình cũng giúp mình đỡ cô đơn:

"Thấy tôi lẻ mãi không đành

Thương tôi bóng ngả xuống thành hai, ba"

( Thương tôi bóng lẻ- Nguyễn Lâm Cúc)

Và chỉ lòng Cúc mới biết rằng chốn ngoài kia, ồn ào thế cũng vô vị. Thật ra khi lòng mình đã mang một nỗi buồn đến "Trầm mặc trăm năm, cô quạnh ngàn đời" thì làm gì có chốn nào vui. Cười cũng như một cái nhe răng, nói giống như cái máy môi:

"Nhe răng ra đếm nụ cười

Để khoe cho hết một đời rỗng không"

(Để khoe cho hết-Nguyễn Lâm Cúc)

Lòng đã khe khẽ chối bỏ hết thiên hạ để nói với Cúc, và Cúc biết lòng nói như thế là nói dối, bởi ai chẳng biết vui cười sướng biết bao nhiêu. Có lẽ lòng đau lắm vì Cúc buồn thế. Và thật bất ngờ khi Cúc viết

"Ta vỗ về

Đừng đau nữa lòng ơi".

Xin bỏ một chữ trong 2 câu thơ trên vì theo tôi, không cần chữ "lòng" trong câu "Ta vỗ về lòng" bởi từ đầu đến cuối chỉ có Cúc với lòng thôi, có ai nữa đâu. Bây giờ lại đến lượt Cúc nói với lòng mình, nhưng không giả dối như lòng, Cúc biết mình cần lắm những tiếng cười trong vắt, cần lắm những niềm hy vọng thành sự thật, cần lắm cảm giác tràn ngập niềm vui. Mình không được chỉ vì mình kém may thôi chứ ai mà thích khổ. Nhưng không được thì thôi, Cúc vỗ về lòng, bảo lòng đừng đau nữa, có Cúc chia sẻ rồi.

Bài thơ này thực là Cúc, khi đối thoại với chính lòng của mình, thực là Cúc khi buồn mà vẫn cố an ủi người khác, thực là Cúc khi ở đâu cũng thấy cô đơn, thực là Cúc vì khi đọc lên tôi đau như ai cắt ruột mình.

Tôi không thích bình thơ vì tôi sợ hiểu nhầm người khác. Thơ Cúc cũng vậy, có thể trong lúc bình này tôi đã nói những điều chưa phải. Nhưng thơ Cúc với tôi là những hạt thóc sắc lẹm gặt từ mùa cô đơn. Tôi đem chúng về cất giữ, lâu lâu, khi lòng tôi trùng xuống, tôi đem thơ Cúc ra phơi phóng, quạt sạch tro bụi và tôi nắm chúng trong tay. Từng câu thơ như từng hạt thóc đâm vào tay tôi làm tay tôi chảy máu, làm lòng tôi đau nhói. Nhưng tôi vẫn nắm như thế, bởi tôi không thể nắm Cúc trong tay mà bảo rằng:

"Bạn bè ơi, thế gian này.

Có Oanh, Dung mới nở đầy hoa thơm".

(Không đề- Nguyễn Lâm Cúc)

TIN NHẮN MỘT CHIỀU

Bà mệt mỏi và đau đớn ngồi cạnh quan tài ông.

Hai người lấy nhau do tình thương và sống với nhau vì nghĩa. Họ tôn trọng và có trách nhiệm với nhau. Thế là đủ cho sự yên ấm và các con thấy hạnh phúc. Nhưng qúá thiếu cho những khi trời về chiều rơi vài hạt mưa, không gian u ám và hơi lạnh, để họ thấy cái giây phút được thổ lộ tâm tình với ai đó phải được tính đến trong bao nhiêu thời gian đi qua đời họ.

Bà không làm thế, không phải bà quá bận, không phải bà thiếu lãng mạn hay bà không có ai theo đuổi. Chỉ đơn giản là bà nhìn tình yêu như một sự hy sinh mà đời bà hy sinh đủ rồi.

Ông cũng sống như bà cho đến ngày ông gặp một cô bạn cũ đã mất chồng. Họ trao đổi qua điện thoại. Khi về nhà hầu như không bao giờ ông nhắn tin hay nhận tin, nhưng rồi bà cũng biết. Thay vì đau xót, căm phẫn thì bà lại ngồi im và nghĩ. Bà vẫn chưa biết làm thế nào để giải quyết chuyện này thì ông bị phát hiện ung thư.

Ông nằm đó, mắt bạc phếch và trong veo như trẻ con nhìn ra khoảng trời bên cửa sổ. Rồi ông có tin nhắn và nhẹ nhàng trả lời tin nhắn. Bà tảng lờ dọn dẹp mấy chai nước, cất cam và sữa vào tủ.

Tin nhắn không nhiều, khoảng 8h sáng và 5h chiều. Mỗi khi có tín hiệu bà lại vội vàng bật dậy đi tìm việc gì đó để làm. Dần dần bà cũng chờ tin nhắn như ông, nhất là khi thấy ông như khoẻ hơn khi có tin nhắn.

Bây giờ thì ông nằm đó sau ba ngày không trả lời mà chỉ nhận tin nhắn.

Bà run rẩy bật máy lên:

“ Không thấy anh trả lời tin nhắn nữa. Em nghĩ anh đã kiệt sức rồi. Thôi, đi đi anh, cái chết không có gì đáng sợ, chỉ là sự yên nghỉ thôi. Em vẫn ở bên cạnh anh.”

“ Anh sợ em nhìn thấy anh trong bộ dạng thảm thương, xộc xệch, tóc dựng đứng lên, tay gầy khô như que củi ư…Thì em vẫn nghĩ anh như vậy. Anh có đẹp trai bao giờ đâu.”. “

“Để em kể cho anh nghe một câu chuyện vui…”

“ Anh biết không, mất ngủ lại làm em trẻ ra hay sao ấy, hôm nay em va phải một người đi đường, họ mắng em là : con điên. Đáng ra phải là bà điên chứ nhỉ…”

“ Em sợ quá và lo thắt ruột anh ạ. Có phải ngày ấy đang đến không anh. Ngày mà tin nhắn đi, anh không trả lời nữa ấy”…

Bà đi tìm bộ sạc, cắm vào và nhìn những vạch đen chạy đều đều cho đến khi nó dừng lại. Nhón chân lên, bà đặt chiếc điện thoại trên ngực ông, nơi trái tim giằng xé giữa người đàn bà ông yêu và người đàn bà ông thương đã thôi đập.

Tin nhắn sẽ được gửi đến để sưởi ấm trái tim ông thêm 5 ngày nữa dù ông đã ở dưới đất.

Các tin nhắn một chiều.

ANH YÊU VẺ LƠ ĐÃNG CỦA EM

Duy là nhà thơ, nhiều lần còn lên truyền hình, khác giới yêu anh mê mệt. Chưa chồng, đã bỏ chồng, còn chung sống với chồng... Giải thích vì sao họ yêu thì chịu nhưng cứ biết cả cuộc đời, từ khi mới trổ mã đến lúc ngoài 50 anh vẫn thường xuyên nằm trong tầm ngắm của mọi lứa tuổi phụ nữ.

Duy không rõ lắm về chữ Mối Tình Đầu. Với anh, ai cũng là mối tình đầu. Khi yêu thì như điên như cuồng, ở bên nhau mà vẫn nhớ nhau. Xa một chút là phát hoảng loạn. Nhưng bao nhiêu cuộc tình rồi cũng đi qua, khi thì vì cái này, khi thì vì cái kia, khi thì chẳng sao hết, tự nhiên hết yêu. Anh khổ vì phụ nữ cũng nhiều như phụ nữ khổ vì anh. Tất nhiên người khổ nhất là vợ anh- người biết chắc là không bao giờ mất danh phận làm vợ nhưng cũng chẳng bao giờ giữ nổi chữ ấy cho trọn vẹn

Bẵng đi một thời gian Duy chẳng yêu ai hết. Tự nhiên thấy bão hoà. Đẹp như hoa hậu cũng là cười cười nói nói, thông minh như mấy cô tiến sĩ cũng lý luận này kia khác nọ, nghe vui tai, hôn một cái lại quên biến, nói năng như mấy bà giật mình nói nhịu.

Tưởng rằng thế là thôi, chán phụ nữ như chán vợ thì bỗng nhiên Duy lại gặp Khuê, một phụ nữ rất bình thường. Trong cuộc gặp mặt, ai cũng trổ hết tài ngoại giao, nào cười, nào nói, nào hỏi thăm, nào khuyên nhủ, nào hứa hẹn giúp đỡ... Trong những sự ngạc nhiên thích thú giả tạo, những lời ngon ngọt chỉ cần thay tên người nhận là dùng ở đâu cũng còn tính thời sự thì Khuê lại im lặng lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Tóc cô...hình như dài vừa phải, hơi mỏng. Dáng cô...hơi cao, hơi gầy, có vẻ nữ tính chứ không bốc lửa...Mắt cô...mí khá rõ, lông mi dài nhưng không cong vút mà lại thẳng như đan vào hàng mi dưới khi cô chớp mắt. Cô ngồi im lặng nhìn ra ngoài, chân đung đưa.

Duy nhìn đôi chân cô. Tuyệt. Không mang vớ, không mang giày- chủ nhà quy định thế-. Bàn chân nhỏ, nếu sống vào đời nhà Thanh bên Trung Quốc chắc không phải bó chân. Một đường gân xanh mờ mờ chạy từ khe giữa ngón cái và ngón bên cạnh lên đến giữa cổ chân . Nghe bảo nếu lòng bàn chân có đường chỉ chạy vào giữa hai ngón ấy thì sẽ là một ...ngôi sao giường chiếu. Bàn chân cô không mập mạp như chân trẻ em, không gầy guộc như chân vợ anh. Nó vừa yếu ớt vừa không mất sức sống. Duy nhớ Mạc Ngôn đã tả đôi bàn chân của cô dâu trong Cao lương đỏ: Như một cánh chim non. Anh nhìn bàn chân cô hồi lâu, quay đi, rồi lại nhìn tiếp. Ao ước được ủ nó trong đôi bàn tay to và thô của mình, chắc nó sẽ mềm mại lắm.

Khuê bắt gặp ánh mắt Duy, chỉ thoáng qua nhưng cô hiểu. Cô thôi đung đưa chân nhưng vẫn lại nhìn lơ đãng qua cửa sổ.

Duy xin số điện thoại của Khuê, làm thơ tặng cô, nói thích cô. Anh biết cô đã ly dị, anh thì không, nhưng với anh, yêu và có vợ cũng hiển nhiên như bao chuyện khác. Dần dần hai người đi chơi với nhau. Cô vẫn hay nhìn ra ngoài khi câu chuyện tạm gián đoạn. Không hồ hởi, không quan tâm đến sự nổi tiếng của anh, không hỏi thăm công việc của anh, cô cứ thế ngồi nghe anh nói, đôi mắt lâu lâu lại lang thang đâu đó trong miền ký ức và trong trí tưởng tượng. Duy nghĩ mình yêu cái vẻ lơ đãng của cô. Nó có cái gì đó vừa xa lạ vừa thân quen, vừa sang trọng vừa yếu ớt, vừa dựa dẫm vừa thờ ơ....Người ta vẫn nói, trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn người ấy là nô lệ, chắc thế. Duy nhìn thấy trong cái lơ đãng ấy bao nhiêu điều người khác không có. Ít ra cô không hề choáng trước tên tuổi của anh, không vụng về khi anh cứ chiếu cặp mắt đục cả đi vì si mê vào cô. Cô ngồi im làm công việc trong đầu óc của mình mặc kệ anh với một trí tưởng tượng còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần. Cứ thế...

Một ngày, anh đem chuyện ấy nói với ông bạn thân nhất. Ông bạn hạnh phúc như giời nghe hết câu chuyện một cách kiên nhẫn giống như ta từng nghe người đang yêu thổ lộ, dù chán đến tận cổ thì vẫn phải nghe vì biết bên nói sẽ chẳng bao giờ ngừng nói, cho đến khi hết yêu.

Nghe xong, ông trầm ngâm: "Ông nói yêu vẻ lơ đãng ư, vì nó chạm tự ái ông chứ gì. Cô ấy mà vồ lấy ông thì ông cũng sẽ bỏ như bao cô khác. Vậy, tôi nói cho ông biết, cái vẻ lơ đãng ấy chỉ là tạm thời thôi. Vì sao ư? Phụ nữ khi yêu họ tự chia tình cảm của mình ra nhiều giai đoạn lắm. Đầu tiên các nàng ngúng nguẩy chờ dỗ dành, rồi các nàng lim dim tận hưởng tình yêu. Thế rồi mọi chuyện hỏng bét khi các nàng thể hiện quyền chiếm hữu nô lệ. Nào là anh ăn chưa, hút thuốc ít thôi, mặc đồ ấm vào, ngủ sớm đi...Nhà thơ như ông lại còn khổ gấp mười vì rồi ông sẽ chẳng làm thơ cho nàng nữa, nghĩ tới nàng chữ nghĩa nó chạy hết. Khi ấy sẽ là bài thơ này cho ai, quen ở đâu, sao không có ai được, hình tượng để làm thơ là thế nào...Tóm lại, vẻ lơ đãng không còn. Tôi cũng từng yêu một cô như thế, ban đầu cô ấy lơ đãng, sau này là tôi lơ đãng, rồi cả hai cùng lơ đãng."

Rời nhà ông bạn, Duy vừa đi vừa nghĩ: "Nếu nàng mất đi vẻ lơ đãng thì mình có yêu nàng không nhỉ? Có thể có chứ vì nàng đáng yêu, nàng có bàn chân rất đẹp, được người yêu quan tâm thì tốt chứ sao. Nhưng cũng có thể không vì nàng lại giống vợ ta". Duy hốt hoảng nhớ tới vợ mình. Ừ nhỉ. Hồi ấy mình cũng yêu nàng ghê gớm. Nàng rất ngây thơ, hỏi cái gì cũng đáp lại bằng câu: " Anh bảo gì cơ ạ?". Nghe suớng thế chứ lỵ. Cứ tưởng nàng coi mình bằng giời nên mới thế, sau này cưới rồi. Có thai, nói em đọc thêm sách báo xem ăn uống thế nào cho tốt, đáp "Anh bảo gì cơ ạ?". Nói nấu canh cải mà cho hành vào ăn gắt lắm, sao em không bỏ gừng, đáp "Anh bảo gì cơ ạ?". Chán. Nhưng con cái cứ ùn ra, đứa nào cũng thiên thần mê ly, bỏ thế nào được. Thôi thì cứ yên tâm xây dựng hậu phương vững mạnh, Duy ra tiền tuyến kiếm cảm xúc làm thơ viết văn, lấy tiền về nuôi nơi thiếu cảm xúc...Chợt điện thoại báo có tin nhắn, Duy dừng xe, móc túi quần. Nàng...Tin nhắn: " Trời đang mưa. Chắc anh lại đang hút thuốc , vừa phải thôi anh ạ, thuốc lá có hại lắm".

Duy thẫn thờ nhìn màn hình điện thoại cho đến khi nó tắt đi, anh không trả lời và chợt thấy mình lơ đãng.

NHỤC HƠN CON ĐIẾM

Hai chị em ngồi im lặng cả giờ. Mỹ bối rối vì lần đầu tiên thấy Sơn có mùi rượu mà cô lại không dám hỏi. Cô chờ mãi, chờ mãi cho đến khi Sơn hỏi cô nghĩ sao về Sơn.

Nghĩ sao à, có gì đâu nhỉ. Sơn rất đẹp trai, trắng trẻo và thanh tú, Sơn 18 tuổi…

Sơn buồn buồn nói em nhục hơn con điếm.

Mỹ giật mình. Các cô gái cave dù có ăn mặc, để đầu tóc như mọi người thì vẫn bị những con mắt trong sạch của thiên hạ nhặt ra khỏi đám đông. Vì thế các cô thường ít dám đi chơi. Nhưng Mỹ tưởng Sơn không biết nghề của cô. Vậy chắc Sơn nói câu ấy là để an ủi cô, có ai nhục hơn một con điếm đâu.

-Cách đây 2 năm em làm ở cơ sở massage của tỉnh. Lão ấy đến vài lần rồi giở trò với em. Em không dám gay gắt mà chỉ gạt tay lão ra và không xoa bóp nữa. Lão ấy góp ý với hội trưởng là em gây khó khăn cho khách nên cuối cùng em phải thôi việc. Em đã đi một nơi nữa nhưng cũng bị lão theo, đây là nơi thứ 3 và có lẽ cũng là nơi cuối cùng. Hồi chiều lão đến, bảo em nếu khó chịu thì làm một ly rượu. Cái cảm giác chiều nay ấy…buồn nôn lắm.

Đó cũng là cảm giác thường trực của Mỹ. Những bộ mặt nhầy nhụa mồ hôi, những cái miệng mùi chuột chết, những bàn tay xù xì rách da rách thịt…Nhưng sao Sơn không thấy cô nhục bằng nó?

- Chị dù sao cũng thuận theo lẽ tự nhiên khi phải chung đụng với đàn ông. Còn em…Em cũng biết em khó mà lấy vợ nhưng em cũng ham muốn con gái. Lão ấy cứ bất chợt đến, không biết lúc nào để mà đề phòng, chỉ chọn mình em, bỏ ra 40.000 đ và em phải xoa bóp cho lão một giờ theo quy định một suất massage. Lão nằm đó, tận hưởng em, sờ soạng em, bóp em đau điếng. Em hết đường rồi, em có phải là điếm đâu mà hoàn lương.

Mỹ nghe lòng quắt lại, ừ đúng là nghề của cô vẫn còn có một con đường.

-Chị ạ, chiều nay em không khóc nữa nhưng em cứ bị nấc. Những tiếng nấc dội vào lòng em, y như đè trái tim em trĩu xuống. Xuống đến gan, ruột non, ruột già... Khi em đi cầu trái tim em sẽ đi ra luôn. Mà cho dù nó không ra thì cũng thối lắm rồi.

Mỹ nhìn Sơn qua hàng nước mắt. Sơn làm sao đổi nghề được, làm sao thoát được gã nửa đàn ông- nửa đàn bà kiên nhẫn, tham lam và nhiều dục vọng ấy được.

Nó chỉ là một đứa bé nghèo khiếm thị phải đi làm cho cơ sở massage Ánh Sáng.

“CÁI TÔI” LÀ CÁI GÌ?

Cu Thịnh yêu cái Nhi. Cả hai nhà đều nghèo nên cuối cùng cu Thịnh về ở rể nhà cái Nhi, làm phận chó chui gầm chạn.

Nhà Nhi tuy có rộng hơn nhà Thịnh nhưng cũng 3 cặp vợ chồng cùng bố mẹ, ông bà và một đống cháu. Đứa thì mới biết bò, đứa lớp một, đứa đã biết nhìn xem trên ngực áo bạn gái có cái gì cao cao. Vì thế ban ngày mọi người toả đi làm, hít thở bụi đường, bụi máy xay gạo, bụi rê thóc... Ban đêm các cặp vợ chồng đều nín thở. Anh Thịnh nín thở mệt nhất vì vợ chồng anh trẻ nhất, lại có cái giường kê ở trung tâm “phòng ngủ” cả nhà. Giường cũ, không mấy chắc chắn và không thèm giữ trật tự. Tuy nín thở, anh chị cũng có 3 đứa con.

Bác Thịnh được đi tập huấn một lớp ngắn hạn và về làm ở xã, chỉ là làm việc nhỏ thôi nhưng đó cũng là một bước đổi đời. Bác như trẻ hẳn ra, mặt mày hồng hào, nói cười mắt tít lại. Bà con trong thôn ai cũng bảo cứ tưởng phụ nữ mới hồi xuân ai dè nam giới hồi xuân nom cũng tình tứ phết.

Từ đó, bác Thịnh hay đi họp trên xã, trên huyện, thậm chí có lần còn được đi báo cáo trên tỉnh. Mỗi lần đi về bác đều mua quà cho vợ, những món quà khiến bác gái cứ vừa liếc trộm vừa bảo ghê chết.

Cụ Thịnh nay đã già, ngồi gối cao hơn tai. Cụ hay xem phim Hàn Quốc và cũng hay thở dài nhìn vợ.

Người viết bài này dịch cái thở dài như sau: “ Tội nghiệp bà Nhi, bà ấy chưa bao giờ biết cái tôi là cái gì. Mình cũng suýt không biết, may mà mấy cô ở khách sạn…”

NẰM NGHIÊNG NGHIÊNG BÊN ĐỜI

Lâu lâu ra đường Ngân lại nhìn những chiếc ô tô đang lao về phía mình và nghĩ: "Có khi nào chính nó đâm chết mình không nhỉ".

Chiếc ô tô không đâm chết Ngân nhưng nó làm cô bị thương rất nặng. Hai tháng sau Ngân xuất viện với nửa gương mặt biến dạng vì mất một con mắt và vì sẹo.

Gia đình Ngân ai cũng đẹp. Các nét trên gương mặt họ chuẩn xác đến nỗi qua bao nhiêu lần kết hôn, cho dù có khác đi một chút thì dòng họ của họ vẫn gồm những người đẹp. Với họ, nhan sắc giống như một thứ tài sản. Từ đó họ mua được sự tự tin, lòng mến mộ và nhiều thứ khác nữa như việc làm, bạn bè...

Với người không nhan sắc, họ có nhiều tài sản ngang ngang giá. Nhưng người đẹp thì nhan sắc là tài sản lớn nhất. Mất nó, có nghĩa mất nguồn quan trọng và họ thấy hoảng hốt.

Ngân cũng vậy. Một lần thức giấc, cô thấy chồng đang chăm chú nhìn mình. Từ đó cô biết cô đã bị thẩm định lại giá. Cô chuyển từ tư thế nằm ngửa thoải mái sang nằm nghiêng, nửa gương mặt với con mắt giả trao tráo chết chóc vùi sâu vào bóng tối, vào lớp chăn tơ tằm mềm mại.

Cô bỏ việc làm, ở nhà và từ sáng đến tối dành hết thời gian trả lời câu hỏi: Sống tiếp hay là chết.

Thật may, thời buổi này ai đi ra đường cũng che mặt kín mít, đến con mắt cũng biến mất sau tròng kính đen sì. Ngân che mặt, đeo kính đi chợ và tìm thấy cảm giác thoải mái, quyền uy trước kia. Cô hỏi giá, trả giá, chê bai hàng không chất lượng, dạy bảo người bán vài câu theo kiểu "Lời khuyên của thượng đế" rồi về. Thế giới không ai nhìn thấy cô dần dần lấn át thế giới thực.

Từ đó, Ngân đến với mạng. Cô lập blog, lấy tên giả, nick đẹp và bắt đầu đưa những chuyện xưa nay chỉ ngồi lê đôi mách với đám nhân viên văn phòng lên.

Cô có nhiều thời gian, sự buồn chán cô đơn khiến cô quan tâm đến mọi người, nhất là người không may. Cô trả lời ần cần các cảm nhận và dần dần, cô thành một ngôi sao blog. Những khi không có chồng, Ngân lại nằm ngửa thoải mái nhớ đến những lời trao đổi trên blog và mỉm cười thú vị.

Ngân đã biến mất trước cuộc đời thật. Nhưng may mắn là có một cuộc đời khác để cho cô tiếp tục sống

ĐÁNH MẤT MỘT ÔNG CHỒNG

Ở cơ quan, nàng không có quyền bắt ai chờ đợi vì nàng ngồi nơi cuống phễu, từ đó mọi thứ mới ào ra.

Ở nhà, nàng không có quyền bắt ai chờ đợi. Chồng nàng cần những bữa ăn ngon, đẹp mắt, bổ dưỡng và quan trọng nhất là nóng sốt và luôn thay đổi để chuẩn bị cho những công việc đã tới và sắp tới. Con nàng cần được đi ngủ đúng giờ, mặc những bộ quần áo trang nhã mà không đắt tiền, sành điệu mà không đua đòi, nó cũng phải đứng thứ nhất trong lớp và giật một số giải thưởng trong học tập và sinh hoạt đoàn đội. Gia đình nàng và gia đình chồng nàng phải được chăm lo một cách ân cần, chia sẻ, không có sự phân biệt dâu hay con cái...

Những cái "phải" ấy khi thực hiện bằng được đã khiến đôi mắt mơ màng của nàng ánh lên những tia sắc sảo, quyết đoán rất ít nữ tính, khiến nàng đi dần lên đến những chức vụ mà nàng hoàn toàn muốn chối bỏ.

Những cái "phải" chậm thực hiện được làm cho ngày của nàng đen sì và tối đến nó cứ óng ánh óng ánh thành những sợi tóc bạc găm vào mái đầu nàng.

Những cái "phải" không thực hiện được khiến cái nhìn của nàng hướng về gia đình bé mọn có vẻ giống cái nhìn bất lực hối lỗi của con chó già thấy kẻ trộm cũng không sủa được thành tiếng. Khiến cái cau mày suy nghĩ ngự lại nơi trán nàng, nơi đuôi mắt nàng thành những thời gian nghiệt ngã.

Nàng lê về nhà. Đã 6h tối, phố xá lên đèn, những ngọn đèn vàng vọt buồn bã và hết sinh khí.

Nàng uể oải mở cổng, sắp xếp trong đầu: mặc tạp dề, lấy nồi, đổ gạo, mở tủ lạnh...Nhưng khi cánh cửa vừa hé ra, nàng nghe một mùi thức ăn ấm sực lên với hành khô, tỏi phi, rau xào và mùi cá.

Nàng nhìn thấy chồng. Anh đứng quay mặt vào bếp đang bận tay đảo liên tục. Anh thấy em về trễ nên nấu rồi, chắc chẳng ra gì đâu, ăn tạm vậy. Mệt không em. Nàng tựa cửa thở phào và mỉm cười.

Đấy là người con trai nàng yêu khi mới 18 tuổi. Anh đẹp trai, vui tính, học rất giỏi. Đấy là người chồng nàng yêu, anh tháo vát, tiết kiệm, thương yêu vợ con hết mực. Đấy là người đàn ông nàng yêu, anh thành đạt trong sự nghiệp, ăn mặc đúng kiểu, giao tiếp rất giỏi...

Nhưng...tất cả là ảo ảnh. Hoặc không phải ảo ảnh mà là đã lùi xa. Vì nàng đã thấy những hình ảnh ấy rồi, những hình ảnh nàng đã làm mất.

Bếp vắng tanh. Nàng lại sửa soạn công việc : Đeo tạp dề, lấy nồi...

30 phút sau tất cả đã xong, một mâm cơm nóng hổi, thơm lừng, đủ màu sắc được dọn ra.

Nàng đi lên lầu, mở cửa phòng chồng, nơi anh đang ngồi trước máy vi tính với những con số. Nàng hít một hơi thật sâu để tiếng nói phải bật ra mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, phơi phới niềm vui, giống như chuyện mời được chồng xuống ăn cơm là cả một đặc ân, vai này nàng diễn rất đạt. Anh ơi, ăn cơm thôi.

Chồng nàng quay đầu lại. Ừ, anh đói quá

Nàng đi trước, từng bước mệt mỏi, từng bước lùi về những ngày xa ấy. Mình đã đánh mất người yêu, người chồng, người đàn ông của mình vào khoảng nào nhỉ. Đến hết cầu thang nàng sực hiểu ra: Mình đã đánh mất anh ấy vào đúng cái ngày

"-Em ơi, anh tiết kiệm được một ít tiền, em cầm trả nợ dần đám cưới tụi mình đi, không thì họ sẽ đòi phiền lắm

-Thôi, anh giữ lấy mà đi cà phê với bạn bè, em làm ra tiền mà, em trả hết rồi, để đến bây giờ thì họ làm thịt mình chứ phiền hả"

Ngày ấy nàng đã tước hết mọi vai trò của anh và đặt vào tay anh vị trí mà chính nàng cũng không làm nổi: Trợ lý vợ

ĐẶC CÔNG THUỶ LÊN BỜ

Xóm nhà chồ ven sông Cà Ty cứ khoảng 9 giờ tối là leo lét đèn, phần lớn đã đi ngủ, vài nhà thức thì cũng rón rén như đã canh 3. Nhưng có 1 căn nhà bé tí thì thường xuyên để đèn. Thụy chọn chỗ ấy để tiếp nước. Sau khi vo quần dài và chiếc áo thun lại một cục tròn như trái bưởi, Thụy nhét nó xuống dưới một miếng ván kênh lên rồi nhẹ nhàng trườn đi. Bàn chân tiếp nước mát lạnh khiến Thuỵ muốn nở một nụ cười. Cuộc đời trai trẻ của Thuỵ gắn với sông nước ở đảo Phú Qúy. Chẳng biết tại sao người vợ lấy do yêu nhau đến phát khùng lên cuối cùng cũng thấy chán. Thực ra là cô ấy chán Thuỵ. Anh không đáp ứng một vài điều gì đó của cô. Thế thì chia tay, con còn nhỏ được giao cho mẹ. Ra quân không vợ, không con, không tiền… nhưng ông chú lại gọi về cho một mảnh thanh long đang thu hoạch, bảo: “ Làm lấy mà ăn, về quê cũng thế, ngoài ấy tất đất tấc vàng chẳng chen nổi đâu, khéo lại sinh chuyện giành giật anh em mất thân thiết”. Thuỵ ở lại, chẳng biết trồng thanh long là gì nên cứ loanh quanh mấy lão nông trong xóm hỏi kỹ thuật. Ai thấy anh chàng hiền lành, rắn rỏi lại có cái mác đặc công ra cũng muốn gả con gái cho. Thụy ngán đàn bà nên cứ ừ hử thoát thân đã. Lạ một nỗi cái nghiệp nước nó chẳng tha anh. Cứ ngày quần quật với vườn, tối Thuỵ lại xuống sông. Sông Cà Ty thông ra biển, khúc trong hẹp, càng ra ngoài càng rộng, bơi vài trăm mét là đã nghe sóng đập ì oạp. Nước sông , nước biển giao hoà lúc mặn lúc lợ. Mùa tôm vào đẻ, đi bắt tôm là cái thú không thể bỏ được của Thuỵ. Thế giới dưới nước yên lặng của anh và bọn tôm rất thân thiện, Thụy đi theo chúng, nhẹ nhàng, không ra tay, cả 2 bò dọc bờ kè. nhích dần vào trong, đến một vách đá nhô ra nào đó thì nghỉ. Thụy nhìn nó, mỉm cười , khoát tay trườn đi. Đôi khi anh mang theo những chai nhựa đựng nước khoáng cũ, bỏ thức ăn vào trong, lũ cá đối chui vào ăn rồi không ra dược, chỉ cần cầm chai lên xóc 1 cái là cu cậu văng ra , giãy đành đạch.

Đi nhờ cái nhà chồ đó đến ngày thứ 3 thì Thụy phát hiện chủ nhà là một cô gái, vóc dáng còn trẻ, cô ngồi quay lưng về phía cửa, chưa bao giờ quay lại. Quan sát phía dưới nhà thấy buộc một chiếc xuồng nhỏ có mấy cái cần xế đựng trái cây, bếp lò, can nhựa…thì ra cô nàng chèo xuồng đi bán dạo trên sông. Người nghèo, nhà chẳng có gì, chỉ mỗi cái ti vi lúc nào cũng phát đủ thứ chương trình, nối nhau như một nhiệm vụ bất di bất dịch. Cô ta chắc chưa chồng. Con gái vùng biển lấy chồng cũng không khó nhưng không biết tại sao chủ nhân căn nhà lại ở không suốt, chẳng thấy đi chơi. Thụy quan sát cô ta nhiều lần nhưng cô ta chẳng hề hay biết. Vì thế mới có chuyện oái oăm là bỗng dưng một đêm nghe tiếng dội nước. Thuỵ vừa định thò chân xuống sông , giật nảy cả mình, nhìn lên, cô ấy đã bắt đầu việc tắm rửa của mình. Anh vội vàng lao đi, khi về nhìn thử xem chủ nhà ngủ chưa mới lên bờ. Ngày hôm sau cũng vậy, rồi ngày hôm sau nữa. Bây giờ thì Thuỵ biết cô ấy chẳng hề nghĩ mình bị quan sát. Người khá mảnh mai, chắc do nhiều năm chèo thuyền, tóc dài che hết một phần lưng khi tắm, đèn mờ không nhìn thấy rõ mà cũng chẳng cần rõ, Thụy thấy người ngây ngây như sốt. Muốn chuyển giờ ra sông để tránh cảnh đáng xem mà không dám xem, nhưng chẳng hiểu sao cứ đến giờ đó lại đi, lại vo quần áo nhét xuống miếng gỗ, lại nhìn lên và nghe tiếng nước xối. Nhưng qua đến ngày thứ bảy thì Thuỵ lên cơn sốt thật ngay khi vừa về đến nhà cô gái, anh cố leo lên miếng ván bắc làm cầu rồi nằm vật ra. Biết cô gái đỡ mình vào, lau người, thay quần áo dùm, rồi xoa dầu…Khuya anh tỉnh dậy, cơn sốt qua đi nhanh như nó đến, thay vào đó là một cơn sốt khác khi nằm cạnh là cô chủ nhà, mềm mại ấm áp. Anh ngồi dậy, chưa biết làm gì thì một cánh tay đã nhẹ nhàng níu anh xuống. Má con gái mịn như nhung, hơi thở thơm mùi một loại trái cây nào đó mà giờ này anh không nhớ nổi, mái tóc dài quấn lấy 2 người. May mà nhà chồ cũng còn vững…

Thuỵ đưa cô về giới thiệu với chú. Cô tên là Ba Ngọc, đã 27 tuổi, chưa chồng, đúng là quanh năm chèo đò đi bán dạo cho các thuyền nào là nước ngọt, rượu, trái cây…

Chú Thuỵ thở ngắn thở dài. Khi Thuỵ đưa Ngọc về , quay lại, chú bảo:

-Chú biết nhan sắc là thứ có hay không cũng chẳng quan trọng nhưng đàn bà con gái mà hỏng hết một mắt thế này thì…

Thuỵ cười:

-Chuyện đó có sao đâu chú

Ông chú cũng thiếu lý lẽ nên chịu thua. Ngọc kể hồi bé bị anh trai xô ngã trúng cọc nhà nên bị hỏng một mắt. Vì thế cô không lấy được chồng. Thuỵ nhìn Ngọc nghĩ : “ Không hỏng mắt thì chẳng đến lượt mình”. Lạ là anh chẳng thấy chuyện cô chỉ có một mắt là quan trọng. Cô nhìn rất uyển chuyển, người mềm mại như sợi dây mây, người nhỏ nhưng ngực nở nang, rất thích. Những lúc 2 người với nhau trong đêm Thuỵ chỉ muốn cô xấu bớt đi để chẳng thằng nào nhòm ngó.

Ba Ngọc yêu Thuỵ như điên, lúc nào mắt cũng cười, miệng cũng cười, da mặt cứ hồng rực lên. Vắng người một chút là đứng sát vào, không làm được gì thì cũng chạm chân, chạm tay. Thuỵ cũng say Ba Ngọc đến mệt chết người, nhưng anh chẳng dừng lại được. Chín tháng sau Thuỵ lên chức ba, con gái, rồi năm rưỡi sau một lần nữa, con trai. Dân trong làng xì xào về cô dâu một mắt giờ đã hoan hỉ chúc mừng. Ngọc chẳng bao giờ nề hà chuyện chồng mình giúp đỡ hàng xóm nên cuối cùng cô cũng được yêu thương.

Tôi nghe bạn bè xúi mua một miếng đất gần nhà Thuỵ nên lâu lâu chạy sang chơi. Thấy bên hiên nhà lúc nào cũng có một cái thúng chai loại đường kính miệng 1 mét, rửa sạch sẽ. Một ngày lai rai bên bàn nhậu, Thuỵ cười cười:

- Hồi mới lấy nhau, hỏi bả thích gì, bả nói thích được tắm trong bồn tắm. Trời đất ơi, ngư dân mà thích bồn tắm. Bây giờ chưa đủ tiền xây nhưng tui xin lại cái thúng chai cũ, trét dầu rái lên, đêm nào bả cũng tắm, khoái muốn chết.

- Hình như chuyện của 2 người cũng bắt đầu từ tắm táp gì đó phải không- Tôi hỏi dò

Thuỵ nháy mắt, ghé tai tôi:

- Nói ra quê chết nhưng mình là đặc công thuỷ mà thua bả. Tui đi giờ nào, về giờ nào bả biết hết. Bả ưng tui, mà tui không dám nên bả lập phương án mới. Bả quyết định tắm vậy…vậy đó, để tui hết chịu nổi phải nhào vô chớ sao.

Tôi phì cười phun cả rượu ra, nếu Ngọc không làm vậy thì cô ấy đâu lấy được chồng, Thụy đâu có vợ, mà lại là một cặp yêu nhau đắm đuối mới vui chứ. Trong trường hợp này sex đúng là hiệu quả. Tiếng cười thoải mái của 2 gã đàn ông còn “sung” vang dội khiến Ba Ngọc tò mò. Thấy chúng tôi ngả nghiêng, Ba Ngọc nguýt một cái bằng con mắt còn lại. Tình tứ, duyên dáng quá, tôi cũng thấy xốn xang nên ra về.

HƠI THỞ CỦA BIỂN

Hai người đi bên nhau trên bãi biển xâm xấp nước. Cát trong khu du lịch cao cấp mịn và trắng không một cọng rác. Ánh trăng yếu ớt chiếu lên những con sóng lâu lâu lại làm ướt bờ cát. Không nói.

Họ quen và thân nhau trên mạng. Nói thân thì thật tức cười khi hai người chưa từng giáp mặt. Nhưng điều đó là sự thật, họ biết tính nết của nhau rõ đến nỗi tất cả những ẩn ý đều được bên kia đón nhận mà không ai trên blog đoán ra. Cứ như thế, từ thế giới ảo họ bước ra thế giới thật. Bây giờ cũng vậy, dù không ai nói ra nhưng họ hiểu người kia đang nghĩ gì và họ vui vì ấn tượng mà mình mang lại.

Long hít vào một hơi thật sâu để nén những cảm giác xao xuyến đang dâng lên mỗi lúc một mãnh liệt trong anh.

Trên blog, Ly đưa một bông hoa màu trắng thay cho bức chân dung. Cô hay tự nhận mình là một bà già xấu xí và nông cạn. Chỉ có những vần thơ cô viết là đằm thắm. Vì thơ mà Long có cảm tình với cô. Anh cũng nhận mình là một nhà thơ tỉnh lẻ, thực tế Long là một kỹ sư và anh viết cho đỡ căng thẳng khi cuộc sống càng ngày càng không như anh mong muốn.

Chữ đẹp không xứng đáng với Ly bởi người đẹp là tác phẩm tâm đắc của tạo hoá nhưng cô lại là phút xuất thần không bao giờ có lại lần thứ hai. Cô có gương mặt thanh tú đến lạ nhưng cái nhìn thẳng thắn không chút bối rối. Cô hầu như không nói nhưng tất cả mọi suy nghĩ đều được diễn đạt qua đôi môi xinh như 2 chiếc vỏ sò. Khi mới nhìn thấy Long lần đầu, Ly cười thật thoải mái, đôi môi ít son phấn xếch lên vui vẻ. Khi anh nói không ngờ cô thật xinh đẹp, trên đôi môi cô có một chút làm như mỉa mai nhưng rõ ràng nó cũng ẩn giấu một nụ cười. Khi anh định khai thật về mình, anh nhìn vào đôi môi cô và không nói nữa. Còn bây giờ đôi môi ấy hơi dẩu ra, nửa như ham hố, nửa như dỗi hờn. Long cố nghĩ rằng mình không có ý định hôn cô một lần cho đỡ khát khao.

Phía xa, những chiếc thúng chai nằm um úp thân thiết bên nhau. Đêm có trăng nên thuyền câu mực không giăng một thành phố diễm lệ trên mặt nước. Không gian vắng vẻ trong thanh bình. Bóng những tàu lá dừa đan qua đan lại trên đất khiến cho 2 người muốn đi gần nhau hơn. Tiếng bọn dế ra uống sương đêm và ăn cỏ non da diết giục người ta tìm đến những gì tươi sáng nhất. Không ai bắt đầu cất tiếng vì họ rất sợ cảm giác yên ổn trong mỗi người bị phá vỡ mất. Những xao xuyến đi nhè nhẹ trong tim.

Qua một rãnh nước đang cố len lỏi ra biển, Long kéo Ly dừng lại. Anh không ngờ cô ép sát vào anh, gọn trong một vòng tay. Lần đầu tiên Long có cảm giác thật rõ ràng khi ôm một người vừa tầm mình đến thế. Cơ thể cô mềm mại, rắn chắc và ngoan ngoãn toả ra một hơi ấm dịu nhẹ. Hương thơm từ mái tóc cô lẫn trong mùi mằn mặn của gió biển, gương mặt cô vương những hạt cát li ti nhưng đôi môi mượt mà mềm như lụa, ươn ướt và có mùi của trái sơ ri vừa chín. Trời nổi gió, một con sóng ào đến vỡ tan trên cát lôi hai người ra khỏi thời gian mê mải mà họ không thể đo đếm được.

Đêm qua đi rất nhanh trong nỗi nhớ về đôi môi dịu dàng của Ly, nỗi nhớ về cơ thể ấm áp và mềm mại của Ly, về mùi hương cô mang theo, về cái nhìn ẩn chứa điều gì đó còn chưa nói hết.

Ngày hôm sau Long về tới Sài Gòn. Anh vội vàng mở máy, tìm vào trang cô. Một dòng chữ đập vào mắt: “Không thể đọc ra các chủ đề mà bạn yêu cầu” . Anh bấm F5 nhiều lần nhưng tất cả đều vô ích. Điện thoại Ly chưa một lần trong vùng phủ sóng. Qua nhà của mình, Long thấy một cảm nhận mới: “ Em phải đi xa, không bao giờ còn là thành viên của blog này nữa. Hãy nhớ về em một chút nhé”. Người viết ký tên : “Hơi thở của biển.”

Long ngây người. Một sự ban phát, một chút phiêu lưu, một tình yêu kìm nén, một kỷ niệm ngọt ngào…hay là tất cả.

Long ngồi trên blog hai tháng nữa để biết rằng tất cả vẫn là thế giới ảo. Hay chính đêm ấy cũng là ảo giác. Hay anh chưa từng gặp Ly trên đời. Cô là ai nhỉ, cái tên Ly là thật hay chỉ là một cái nick. Cô có gia đình hay độc thân, cô có yêu anh không?...

Tất cả các câu hỏi đều không bao giờ được trả lời. Nó thuộc về thế giới ảo. Thế giới đẹp bàng bạc và không có thật.

TÔI 5 TUỔI

Năm tuổi, tôi lần đầu tiên nhìn thấy mặt của mình.

Hồi ấy nhà tôi ở Vĩnh Linh- Quảng Trị, túi bom của cả nước. Nhà tôi là hai cái hầm chữ A nối với nhau bằng một đường giao thông hào. Trong nhà không có giường mà chỉ là những cành phi lao trải chiếu chăn lên. Nhà không có tủ, không có bàn, không có gương soi. Tôi hoàn toàn không biết mặt mình cho đến khi lên 5 tuổi. Lần ấy, thay vì cắt tóc cho con, mẹ lại nhờ một ông thợ. Ông ấy có cái gương đặt trước mặt. Tôi nhìn thấy mình với một cuộn tóc quấn trong kẹp ba lá và gài lại chính giữa đỉnh đầu (Giờ này không ai gài tóc kiểu ấy nữa). Tôi rất muốn người ta cắt bằng cách xén ngang cái cuộn tóc ấy đi nhưng họ không làm thế vì họ biết cắt tóc. Tôi không có ý niệm về cái đẹp, xung quanh người ta cũng không ai nói xấu đẹp nên tôi không biết từ này.

Cho đến 5 tuổi, tôi gặp nhiều nhất tổng cộng là 20 người, gồm gia đình tôi, gia đình mà tối tối mẹ tôi nhờ các cô chú cõng tôi qua gửi (phân tán con cái để có chết thì cũng còn lấy 1, 2 đứa) và hiếm hoi những người đi qua hầm. Tôi đến gia đình đó, chui vào ngủ, không ai nói chuyện với tôi, tôi không nói chuyện với ai. Sáng hôm sau ngủ dậy lúc nào thì về lúc ấy. Không có ai đưa đón, không có ai bắt đi học mẫu giáo. Nếu có máy bay thì nhảy xuống giao thông hào mà đi.

Cho đến 5 tuổi tôi vẫn không có ký ức về người chị thứ hai. Chị thường được đi ngủ gửi sớm hơn tôi. Tôi chỉ nhớ chị thứ nhất vào ngày chị kéo cành phi lao ngụy trang hầm làm chết một con gà con, chị đã thổi vào mỏ nó rất lâu mà nó vẫn chết.

Vào một buổi sáng tự đi về như thế, tôi gặp một đứa con gái khác lớn hơn một chút. Nó nói: " Nhà mày chết hết rồi". Tôi không có khái niệm về cái chết nên cũng nhẩn nha đi về nhà.

Mẹ tôi trần truồng, cháy rộp từ đầu xuống chân đang dựa lưng vào vách hầm cháy nham nhở và được người ta đổ xà bông.

Em tôi với những khúc chân tay bị quấn băng to sù sụ, băng xanh để không bị lộ khi máy bay tới. Em út cháy thảm hại nhất quấn kín mít, và nó qua đời ít lâu sau đó, không phải do trận cháy này . Ba tôi không có mặt vì ông là y tá, có bom là chạy đi chứ không nghĩ nhà mình cũng có thể bị bom. Tôi và hai chị được đem gửi nên lành lặn. Sau đó hai chị ra Bắc theo trường con em miền Nam. Tôi đi theo mẹ và đứa em sống sót đi bộ ra Bắc khi mẹ tôi khoẻ.

Cho đến 5 tuổi, tôi đã từng nói chuyện với ai? Có lẽ hiếm lắm vì trẻ con chui hết dưới hầm, người lớn đi làm và đi tránh bom. Gia đình thì luôn luôn phân ra từng mảnh nhỏ.

Cho đến 5 tuổi, những điều sơ đẳng nhất về cái xấu, cái đẹp, miếng ăn ngon dở, cái kẹo, trái cây, quần áo đẹp, dép êm chân...tất cả đều chưa đến trong tôi. Chỉ là những tháng ngày loanh quanh trong giao thông hào, thơ thẩn vào rừng phi lao, nhìn lên trời để tránh máy bay, nghe bom đạn rít. Và cũng sẽ không biết đau, biết vui khi gặp những việc cần phải như vậy.

Khi con tôi 5 tuổi, nó phá quá, tôi giả bộ đuổi đi không nuôi nữa. Nó vào nhà quay số : " Chị Dẽm đấy à chị Dẽm. Em đến nhà chị, chị nuôi em nhé" ( Diễm là cô bé giúp việc nhà bác nó). Tôi phì cười : "Mẹ tha cho con lần này đấy, cất quần áo đi". Lúc ấy nó mới oà lên khóc nức nở. Khôn thế, chẳng như mẹ ngày xưa, chiến tranh làm cho mẹ tha thẩn, chẳng có chút kiến thức gì về xung quanh cho đến khi 5 tuổi. Chiến tranh đã lấy mất tuổi thơ của mẹ .

SUỐI NƯỚC NÓNG BƯNG THỊ

Ngay cả người Phan Thiết cũng ít biết Bưng Thị dù chỉ cách có 35 km. Bưng Thị nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Ta kóu, gần như không có đường vào.

Tôi đi Bưng Thị lần thứ nhất bằng cách thông thường , đó là ghé trạm kiểm lâm nhờ chỉ đường. Các anh nhìn mấy nhà báo lỉnh kỉnh máy móc nói: “Không đi được“. Nhưng do bọn tôi cứ chứng minh là mình quen đi bộ nên cũng được chỉ. Đi hết cả buổi sáng mà chẳng thấy cái bưng nào, đành quay ra, chạy xe sang xã khác cách đó cả hai chục km để đi vào phía bên kia bưng, vẫn không được, đành về.

Lần thứ hai chúng tôi vào nhà dân nhờ một cái máy cày Liên Xô cũ to đùng chở đi. Hương Giang ngồi với bác tài, ba đứa tôi ngồi trên…lưỡi cày. Đường không có nên cứ chui rừng mà đi. Đang chui, một cành cây quyệt xuống lôi cái nón của tôi ra khỏi đầu và treo lơ lửng trên cao. Mặc kệ, cả bọn tạm biệt nó rồi lại đi. Cuối cùng cũng vào tới nơi. Bưng Thị có gì mà hấp dẫn nhà báo thế? Hẳn sẽ có người tò mò.

Đây là một suối nước nóng thuộc huyện Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận. Vào năm 1976 một đoàn địa chất đã khoan ở đây hai mũi và cắm xuống hai chiếc ống đường kính khoảng 10 cm. Hai ống nằm cách nhau hơn một mét nhưng một bên là nước nóng, một bên là nước lạnh. Thời gian đã làm ống nước lạnh hỏng mất, nước nóng chảy chan hoà trên mặt đất, nóng đến 76 độ C. Người ta thường mang trứng gà đến thả vào dòng chảy rồi lấy ra ăn. Chúng tôi trải nilon nằm dưới rừng dầu, cắt cơm nắm chấm với muối mè ăn. Vào mùa trái chín, mỗi cơn gió nhẹ thổi lên là hàng trăm bông hoa dầu bay ra khỏi cây phiêu du trong gió. Hoa dầu ở thành thị thảng hoặc cũng có nhưng nhỏ xíu, hoa dầu trong rừng trái bằng trái nhãn, hai chiếc tai thỏ xinh xinh dài khoảng 5 cm, khi bay theo gió, trái xoay tít như chong chóng. Nhìn lên có cảm giác một bầy chuồn chuồn đang lượn trong không gian. Nhờ những chiếc tai dài này mà trái dầu phát tán đi khắp nơi để mọc thành cây dầu mới- một cây cung cấp nhựa cho người dân biển trét thúng chai đi đánh bắt hải sản -. Cây dầu bị khai thác theo kiểu chặt vát một miếng ở thân, phía dưới miếng chặt phải có một diện tích khá trũng để chứa dầu, người dân sẽ múc dầu từ đó khi đầy chứ không gắn chén vào cây như cao su. Cách khai thác này có vẻ huỷ diệt quá nhưng khi chúng tôi nằm dưới tán rừng này ở một góc phù hợp những cây dầu bị vát cùng một miếng như nhau nhìn lại ngồ ngộ.

Nhưng thú nhất là đi dưới rừng Bưng Thị với chi chít cây nắp ấm. Trong cuốn Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi cây nắp ấm là cây ăn côn trùng, chữa được nhiều bệnh trong đó có bệnh phù thủng vàng da. Cây nắp ấm mới mọc đã có một cái ấm bé tẹo màu vàng xanh nhàn nhạt để thu hút côn trùng bò vào, thường chúng sống ở vùng đất nghèo dinh dưỡng nên hút chất dưới đất chẳng đủ nuôi cây. Cây càng lớn cái ấm càng to, chúng dài khoảng 25 cm trông như một chiếc ống nghiệm, phía trên có một vành môi màu đỏ tươi rất đẹp và trơn, trên ống là một cái nắp nhỏ. Khi côn trùng ngửi thấy mùi thơm sẽ bò vào, ngã xuống ống và không thể nào lên được, nắp sẽ dậy lại và côn trùng bị tiêu huỷ từ từ. Tôi nhìn vào trong từng ống, ống nào cũng có vài ba con côn trùng, không hiểu chúng bị tiêu hủy bằng cách nào nhưng nếu không tiêu hủy được thì mỗi ấm chứa khoảng vài chục con chứ không phải vài con vì con nào cũng đang còn sống. Cây nắp ấm cũng có lá, những chiếc lá rất dài, lá và ống được nối với nhau bằng một đoạn dây dài gấp 3 lần ống. Cây lớn, ấm treo lủng lẳng vắt lên những cây khác để săn mồi, cây nhỏ thì ấm đặt chi chít dưới chân nhìn yêu vô cùng.

Nắp ấm và dầu chỉ là hai trong số hàng nghìn loài cây của Bưng Thị. Cây dương xỉ ở đây cao quá đầu người và xanh mướt mát. Nhiều loại dây leo không tìm nổi gốc, to như bắp chân người cứ vặn vẹo từ cây nọ bò sang cây kia. Phần lớn tôi không biết tên tuổi của chúng nhưng những thảm cỏ thì tuyệt. Chúng dày, mượt, mê man hoa dại tím, trắng, vàng, xanh nhạt… Hoa dại biến cỏ thành những tấm thảm trải dài trong rừng, khiến giấc mơ chuyện cổ tích thời con trẻ bỗng như có thật. Mùa chúng tôi đi không có, nhưng đầu xuân, cánh rừng này tím ngát Địa lan. Chúng là nguyên nhân của các cuộc tham quan nở rộ gần Tết.

Giống như trên bờ, con suối nhỏ và rất cạn cũng có hai làn nước trong cùng một dòng chảy. Một bên nước 46 độ C bốc hơi nghi ngút, một bên nước gần như nước để trong ngăn dưới tủ lạnh. Chỗ hai làn nước giao nhau âm ấm. Có những con cá bé bé bơi lội tung tăng trong nước lạnh tuyệt nhiên chưa nhảy qua nước nóng bao giờ. Chúng tôi cứ thò tay vào nước nóng kêu oai oái rồi lại chọc chân vào nước lạnh, trầm trồ thán phục sự kỳ diệu của thiên nhiên. Chơi trên bờ chán, tôi và Giang lội xuống suối, con suối cạn thế bỗng cứ lún dần lún dần, hai đứa vừa kêu om sòm vừa phải bám víu vào những gì có thể để lên lại trên bờ. Hoá ra lá cây mục khiến dòng suối nhìn cạn chứ thực ra không biết nó sâu đến đâu. Suối cũng không hẳn là có dòng chảy, có bờ, ven bờ hoa dại nở lác đác…như tôi vẫn nghĩ. Suối nằm lẫn trong cây. Có nhiều cây lá dài lằng nhằng bé tí như lá thông , có cây lá to hơn lá chuối, rừng rậm không có gió lớn nên chúng lành lặn, xanh mướt nhìn như lụa.

Đi dọc bờ suối toàn gặp rắn, con thì xanh, con thì vàng, không lớn lắm nhưng rất đáng sợ nên chúng tôi phải cầm theo những cây que dài để xua đuổi rắn trước khi bước vào thế giới của chúng.

Buổi chiều chúng tôi ra khỏi rừng, đi ngang chỗ cái cây giữ nón của mình, nhìn lên không thấy nón đâu, hoá ra gió đã lấy lại dùm. Chúng tôi nhảy xuống nhặt nón và leo lại lên chiếc xe đi chậm còn hơn người ta đi bộ.

Lần thứ ba tôi vào Bưng Thị cùng nhóm làm phim của đài THVN, có xe huyện Hàm Thuận Nam đưa đi. Tài xế rất giỏi đường, nhìn trước mặt là cây nhưng khi xe lao vào thì lại có đường nên chúng tôi đến nơi rất nhanh. Mọi người bỏ xuống suối nước nóng 50 cái trứng gà và chờ 10 phút. Trứng chín rất lạ, đập ra lòng trắng không chín, chảy đi hết còn lại lòng đỏ, nhưng lòng đỏ co lại biến thành một viên bi vàng sẫm ăn không bị chín qúa cũng không lòng đào mà dẻo và thơm, ngon lạ lùng. Đạo diễn Bùi Phùng bảo : “ Tôi ghét nhất trứng gà luộc” nhưng cuối cùng ăn đến 4 trái. Cháu ngoại nhạc sĩ Phạm Tuyên mới hai tuổi cũng ăn được 3 trái. Tôi được mời làm dẫn chương trình, ăn nhiều không tốt nhưng vì ngon quá nên mặc kệ lời nhắc của đạo diễn. Khi về tôi mang theo một chai nước, đổ vào nồi, cho trứng vào luộc, chín như luộc bằng nước máy. Lạ thế.

Huyện Hàm Thuận Nam biết Bưng Thị rất qúy và độc đáo nhưng chưa biết nên chọn cách đầu tư nào để vừa giữ được cảnh quan thiên nhiên vừa khai thác tiềm năng cho hiệu quả. Để nhiều người biết Bưng Thị- nơi một dòng suối có hai nhiệt độ nước, nơi trứng chín lòng đỏ chứ không chín lòng trắng, nơi cây nắp ấm đung đưa dụ côn trùng, nơi hoa dại nở ngát trời…là một ước muốn của tôi, tôi muốn khoe với nhiều người cảnh đẹp này, muốn họ được hoà mình vào nó, được xoè tay đón hoa dầu rơi. Nhưng tôi cũng sợ Bưng Thị sẽ ồn ào hơn, đô thị hơn. Chúng tôi đã hẹn nhau quay lại Bưng Thị, mang theo một cái xẻng con và tấm nilon, chúng tôi sẽ đào một cái hố, lót nilon xuống để có một bồn nước nóng sang trọng giữa rừng rậm. Nhưng tất cả vẫn chỉ là hẹn, còn thực hiện nó, có lẽ chờ mùa Địa Lan nở tím trời

LẠI CHƯA BIẾT TÊN

Trái với suy nghĩ của Phi, Thành- thằng con trai một sếp trên Uỷ ban gửi - không chỉ hiền mà còn rất ngoan. Những ngày đầu đi làm, Thành đến trước chờ cô tạp vụ rồi cùng dọn nhà vệ sinh, lau bàn ghế, rửa ấm chén... Những bộ quần áo đắt tiền của nó lem luốc, trán lúc nào cũng lấm tấm mồ hôi. Có gì để làm là mắt nó sáng rực lên, cười như hoa nở. Can thì Thành bảo: “ Ở nhà má con không cho làm gì, chán lắm “. Thấy vậy, ai cũng ý tứ hơn, uống xong đổ nước cặn, úp ly, rác bỏ vào gỉo, công văn ngay ngắn trên bàn… Có lẽ ai cũng muốn thằng bé khỏi mệt công đi dọn. Vì thế chỉ một tuần sau Thành lại hết việc, nó sà bên này bên kia: “Chỉ cho con làm đi, con làm được mà“, nhưng ai cũng nựng nó một cái rồi kêu nó đi chơi đi. Nó trượt Đại học thì đi làm chứ đã được đào tạo gì đâu. Thành buồn, ngồi thừ ra, đôi mắt trong veo nhìn lung tung.

Buổi chiều Phước chạy như bay vào phòng đưa cho Phi một tờ giấy cũ kỹ, úa vàng:

- Anh ơi, người dẫn đường đi tìm mộ liệt sĩ đến rồi, đang ở nhà khách. Ông ấy là đồng đội cũ, về nhà làm nông, bây giờ mới có kinh phí đi vào Bình Thuận. Mảnh giấy này ghi cách đây gần 30 năm, có tên, quê quán, thứ tự mộ.

Thành nghe câu chuyện sà qua :

- Cho con đi với.

Mấy chị lớn tuổi cười “cậu chẳng biết đi tìm mộ liệt sĩ là gì cả “. Nhưng dù ai nói vắt nhiều, đỉa đen nước, đi bộ 2 ngày, đào bằng dao găm, mùi khó chịu…Thành vẫn khăng khăng. Nhìn nó sắp ứa nước mắt, Phi đành nhượng bộ. Nhưng trong cơ quan có người bĩu môi: “ Ngữ ấy vào đời cũng là thứ ăn hại, 20 rồi mà như 8-9 tuổi“

Đường lên núi Chà Vầu rất khó đi lại gặp ngày mưa nên 2 ngày đoàn mới về tới nơi. Lúc ấy đã xế chiều Phi ra xe đứng nhìn. Phước hồ hởi:

- Tìm được hết anh ơi, tiếc là không quấn võng nên gần tan hết, chẳng phân biệt nổi, may nhờ tờ giấy này chứ không thì lại thành liệt sĩ vô danh

Phi leo lên xe bò tháo dây, giỡ tấm bạt ra, những bộ hài cốt liệt sĩ được bó trong nilon nằm san sát cạnh nhau có những vệt xanh rất lạ. Anh ôm từng bộ lên vội vàng lật qua lật về, không còn một dòng chữ nào trên đó, Phi xé một miếng nilon lớn , một khúc xương rơi ra, bên trong tuyệt nhiên không có tờ giấy ghi tên họ , quê quán liệt sĩ như đội quy tập vẫn làm.

-Tên liệt sĩ viết ở đâu- Phi quát.

Phước nhìn sang Thành, Thành trả lời:

- Con lấy viết lông viết bên ngoài .

Phước lắp bắp:

- Chú đã đưa giấy nói con viết tên liệt sĩ bỏ vào từng bộ trước khi quấn lại rồi mà

- Cuộn giấy chú đưa bị rơi khi qua suối nên con không có giấy để làm như chú bày

Đường xa, mưa ướt, nilon trơn, các bộ hài cốt cọ xát vào nhau, tên liệt sĩ viết bằng viết lông giờ thành một bệt màu nhợt nhạt. Phi khuỵu xuống cạnh chiếc bánh xe bò bằng gỗ, nhìn thằng Thành:

- Mày giết chết 9 liệt sĩ rồi con ơi.

Phi nhắm mắt lại, thấy rất rõ hàng bia mộ trắng toát ghi 6 chữ : “Liệt sĩ chưa tìm thấy tên“ .

TACHIANA LÀ AI

Đêm khuya trong Ký túc xá có một tiếng đàn guitar nhè nhẹ, buồn buồn, ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Tiếng đàn làm giấc ngủ của tôi có một chút xao xuyến. Người ấy ngồi chơi đàn ở chiếc ghế đá gãy 2 chân, chiếc ghế dựa vào cây phượng già, cây phượng lúc nào cũng chực đổ nhưng nó vẫn đứng đó, lủng lẳng trên cành những chiếc vỏ, ruột xe đạp sinh viên hỏng. Cây phượng trở thành hậu cảnh, chiếc ghế là trung cảnh và người chơi đàn là ngôi sao sân khấu hào hoa, lãng mạn nhất trong kí ức của tôi.

Tôi chờ ở cầu thang lúc 23h30. Chàng xuống. Quần jean, áo thun, nam tính, xách cây đàn guitar thùng. Đi qua tôi vài bậc cầu thang chàng dừng lại, quay nhìn và : “Chào Tachiana”. Tôi mắt to, eo nhỏ, việc gì phải trả lời.

Những buổi trưa và chiều xếp hàng lấy cơm ở nhà ăn ký túc xá. Tôi biết có chàng, chàng biết có tôi, không tiến xa hơn, chẳng hiểu vì sao. Đôi lần chàng đứng xích ra nhường chỗ cho tôi và rất nhỏ: “Chào Tachiana”.

Ra trường, tôi về Phan Thiết, chàng về Mỹ Tho, tôi biết chàng tên là Thông, Nha sĩ.

Hai mươi lăm năm sau đi qua Mỹ Tho. Không khó để tìm ra phòng khám của chàng. Tôi chờ hết người mới vào. Chàng đã cởi áo blu, đang nhìn gì đó trong cuốn sổ:

- Xin mời ngồi

Tôi ngồi

- Chị bị sao?

- Tôi…đau răng

Chàng nhìn lên. Ngạc nhiên, thích thú, một nét cười thoáng qua. Chàng gấp sổ lại:

- Răng đẹp tuyệt trần, không đau gì hết nhưng phải uống thuốc để giữ mãi vẻ đẹp này.

Tôi im lặng. Tôi nữ tính, ngọt ngào, có gia đình rồi. Vì sao phải tiến xa?

Tôi cầm đơn thuốc chàng đã bỏ trong bì thư đi ra . Chàng tiễn đến cửa xe taxi.

Xe chạy, tôi mở đơn thuốc, nhìn thấy : “Chào Tachiana”

Cái gì nhỉ? Một chuyện tình, một hoài niệm, một niềm vui nhặt được…Không biết. Và Tachiana là ai trong văn học Nga vậy trời?

ÔI QUÊ HƯƠNG...

Mẹ tôi nghẹn ngào trong điện thoại: "Con ra ngay đi, thím con nằm hôn mê cả tuần rồi".

Thím dâu tôi năm nay 63 tuổi. Buổi sáng thím dậy nấu cơm cho cả nhà, mới bước chân xuống thì chóng mặt, ngã vật ra. Thím bị tai biến mạch máu não. 10 ngày không tỉnh lại và ra đi luôn.

Thím tôi hiền và siêng năng như bao phụ nữ nghèo quê tôi. Trong xóm ai ốm đau là thím nấu cháo xách chạy. Thím tốt bụng một cách tự nhiên, không cần theo giáo lý nào.

Thím tôi không bao giờ nói nặng với ai. Có đứa con gái duy nhất đi làm ăn xa, lấy phải thằng rể vũ phu. Biết con bị chồng đánh bị thương, thím lần đầu tiên ra khỏi làng, vượt 1000 km, đến nhà con, thằng rể ra chào mẹ mới vào. Thím nói: " Tui không mạ con chi với eng hết" rồi khóc oà lên. Nửa tháng ở đó cũng không mắng được thằng rể câu nào chỉ nắm tay nắm chân con gái mà rơi nước mắt. Thằng rể thấy vậy sau này hối hận, tử tế với vợ con. Ngày đưa thím đi, nó khóc thật sự, khóc đến lả cả người.

Thím tôi thơm thảo, cháu đi học ra thăm, thím vơ quàng vơ xiên hết mọi thứ ăn được trong nhà bỏ vào bị mà không chịu đưa, cứ giữ khư khư chờ con gà nhảy ra khỏi ổ là lấy quả trứng nóng hổi ra đưa luôn cho cháu.

Tôi chưa một lần nhìn thấy thím nằm. Khi tôi ngủ thím còn lục đục dưới bếp. Khi tôi dậy, thím đã ngồi chờ với mâm cơm mới nấu.

Tôi nói với chị tôi: "Ra đến nơi, em sẽ nhìn thấy thím nằm một lần". Nhưng tôi ra thì thím đã ở trong quan tài đóng kín. Tôi hỏi sao không làm mặt kính để tôi nhìn mặt thím, người nhà nói quan tài này do hội Cựu chiến binh làm.

Mẹ tôi nói tội lắm con ơi, thím nằm gầy như con gà tre, tay khô khốc cáu đen như những cái chân gà tre. Thím con suốt đời cào bới ngoài đồng móng tay không cần cắt cũng không ra được.

Đám ma đưa thím đi trên đường làng, qua ngã rẽ vào xóm nhà thím, đứa con gái kêu : "mạ ơi, đường ni về nhà mạ" vì mỗi lần nó về quê cứ hay nói xe ôm: "rẽ đường ni, đường ni". Anh trai thím bị bệnh tâm thần đi song song đám tang, trên đường bờ ruộng. Không biết trong trí óc lẫn lộn của ông có nhớ gì về em gái không. Nếu nhớ, ông phải nhớ luôn hai người anh đầu là liệt sĩ ngày ngày nhìn thím tôi qua hàng khói hương. Nếu nhớ, ông cũng phải nhớ đứa em tất bật chân đi không bén đất chưa bao giờ dám ăn cái gì ngon.

Cô con dâu mồ côi coi mạ chồng như mạ ruột và rồi nó cũng tất bật, cũng đảm đang, cũng phúc hậu, cũng nghèo khổ như thím tôi.

Mấy ngày đám ma đám cháu tha thẩn chơi không ai chăm sóc. Tôi nhìn chúng thật xinh đẹp, ngoan ngoãn, rất muốn nhận về nuôi dùm ít năm nhưng gia đình không chịu xa con.

Chúng tôi biết nhà quê không có cây ATM nên mang theo tiền mặt, tối đi ngủ thấy cửa không có chốt thì thắc mắc. Em tôi ra trước cả tuần bảo ở đây làm cửa cho đẹp chứ không làm chốt hoặc có làm cũng không dùng, chưa ai mất trộm bao giờ, honda cũng để ngoài sân mà nhà không có cổng.

Tôi bàn với các chú thím còn lại đưa gia đình vào Bình Thuận, mấy chị em tôi sẽ lo việc tìm đất đai, công việc, lo cho các cháu học hành chứ nếu không cũng sẽ nghèo đời này qua đời kia, nghèo đến nỗi chẳng có gì cho kẻ trộm lấy. Nhưng không ai muốn đi. Lý do là ông bà nằm đây hết, phải lo nhang khói, ai cũng nghèo nhưng không đói vì nuôi gà , vịt, heo, bò, trồng cải, dền ớt...được rồi. Thuyết phục mãi không được, tôi buồn không nói nữa, đứa em bảo mọi người không nghĩ họ khổ đâu, thím dâu, vợ của em cùng cha khác mẹ mất mà cả nhà mình ra tận Vĩnh Linh lo tang ma thì họ thấy được an ủi rồi. Mình cứ sống như vậy và họ cứ sống như vậy đi, ai nói tụi mình sướng hết còn họ khổ hết đâu.

Gia đình tôi lại lên xe về Phan Thiết. Hết huyện Vĩnh Linh, qua cầu Hiền Lương, đến thị xã Đông Hà...Những cái tên quen thuộc qua lời mẹ cha hiện ra qua những biển báo rồi khuất dần.

Nếu ngày ấy ba tôi không thoát ly, không đưa cả nhà ra khỏi đất Quảng Trị thì hôm nay biết gia đình tôi còn lại mấy người và chắc chúng tôi cũng lam lũ như chú thím tôi, con cái cũng khó khăn như các cháu tôi. Nhưng mấy ngày về quê tôi mới thấy hai chữ Vĩnh Linh gắn bó với mình đến nhường nào. Nơi tôi được sinh ra đó, nơi có những người đàn bà như thím dâu của tôi-cho đến khi qua đời không hề làm ai bẽ mặt hay buồn phiền. Sống như vậy rất khó, nhưng miền quê nghèo của tôi có nhiều người như vậy.