Médicis

Giá bạn đừng hẹn bắt đầu chuyến hành trình nơi bồn phun nước Barcaccia trước quảng trường Espagne để tôi khỏi bị đeo đẳng bởi cảm giác lạ lùng về một vẻ đẹp không hoàn thiện. Con thuyền đá nham nhở ngập nước, nước trào khỏi mạn như sắp nhấn chìm thuyền. Nước tạt vào đá, tung hê đá, hình như sắp cuốn trôi đá...Nước trường tồn hay đá trường tồn?

Một trăm ba mươi bảy bậc đá trong mù sương vương vất, đồi Pincio được bức tường thành của hoàng đế Aurélien bảo bọc, lại không có tên trong bảy ngọn đồi linh của thành La Mã cổ đại. Ám ảnh nơi đây bóng quan chấp chính Valerius Asiaticus, bị nàng Messaline bức tử chỉ để thỏa mãn quyền sở hữu khuôn viên bán nguyệt và u uẩn oan hồn của chính nàng, chết dưới tay quân đội của Claude, chồng mình.

Chắc chắn, đời vua Sylla, địa danh phải là nơi thanh quang thì tướng Lucinius mới chọn thiết kế những khoảng vườn đẹp nhất lúc thu cung xếp kiếm bãi quân, phải mạch thuận khí hòa thì hoàng đế Honorius mới dừng chân xây ngự điện và cũng phải có thế chiến lược thần uy thì tướng Bélisaire thuộc triều đại Justinien mới lấy làm điểm đóng trại xây đà bảo vệ thành.

Nước không dâng theo những bậc thang, không cuốn mất đồi Pincio theo nỗi vẩn vơ của bạn và tôi. Nước vẫn chỉ chảy luân hồi trong Barcaccia. Trên đây, có một bồn phun lớn khác, trong, phẳng. Đá ngà ru phớt ánh hồng, marmor luculleum, loại đá được Lucinius đưa vào thành từ Thổ Nhĩ Kỳ, đặt trên nền granite Ai-cập mà Corot một thuở vẫn dày công sơn chuốt sẽ cuốn hút người phiêu lưu vào biển nghệ thuật cổ kỳ bí sau cánh cổng trang nghiêm ngay trước mặt, giữa hai cột đá hoa lạnh lùng của Dinh thự Médicis.

Casina Crescenzi, tên gọi ban sơ ngôi nhà thuần tuý trước khi thuộc quyền sở hữu của Giáo chủ Ricci. Ý tưởng ông kết hợp với bàn tay thiết kế của kiến trúc sư người Florence, Nanni di Baccio Bigio dựng nên dinh thự ghi dấu nghệ thuật phục hưng. Ông mất lúc công trình còn dang dở. Giáo chủ Ferdinand de Médicis, con thứ tư của đại công tước Toscane Côme I, tiếp quản dinh thự năm 1576.

Mười bốn tuổi, nhận chức Giáo chủ mà chưa từng là Cha cố. Giễu cợt Nhà Thờ nhưng ham chức vị bổng lộc Nhà Thờ. Ngông nghênh, cao ngạo và quyền uy. Ngài Giáo chủ thích ngang nhiên đeo kiếm dạo chơi cả khi luật không cho phép, có khả năng kéo chuông các đồng hồ toàn thành La Mã đổ trước giờ để cứu bạn thoát án tử hình của Hồng y Giáo chủ, vừa có thể đã là người mưu sát thâm độc cả ba anh trai nhằm đoạt ngôi vị và, lại mang trong mình một niềm mê đắm dành cho nghệ thuật, là nhà bảo trợ và sưu tầm di tích cổ đại có ảnh hưởng lớn với các thế lực đương thời. Có vô lý không, khi phải rạch ròi ý niệm giữa cái được gọi là lòng đam mê nghệ thuật chân chính và sự khát khao sở hữu tuyệt đối những di sản văn hóa quý hiếm của loài người?

Tìm hiểu kho nghệ thuật dinh thự, người ta khám phá được tính cách của chủ nhân, được khắc họa tinh vi.

Cũng như các nhà sưu tầm lớn cùng thời, Giáo chủ Ferdinand tham vọng biến nơi ở thành một bảo tàng, mời kiến trúc sư Ammannati, cũng gốc Florence, thiết kế lại dinh thự cho xứng với dòng hoàng tộc Médicis, mang kiến trúc florentin.

Họa sĩ Jacopo Zucchi trình bày nhiều họa phẩm tâm huyết lấy chủ đề từ thần thoại Hy lạp. Bức họa trên vòm sảnh «Tiên Nữ» như dụ người xem vào tiên cảnh. Jupiter khỏa thân, bồng bềnh trên mây giữa Minerve Terpsichore. Mười bức bao quanh là các nữ thần. Mỗi nàng đại diện một thiên thể chiếu mệnh: mặt trời, mặt trăng… mờ ảo ngà ngọc, voan mỏng, ngực trần, buông lơi tròn trịa những dây kết táo, đào, lê lơ lửng trên cao đủ để chiêm ngưỡng mà không thể sáp gần. Họa sĩ mô tả nét quyến rũ mà tạo hóa ban cho người đàn bà, lấy đó làm nền tôn nổi lòng sùng kính của họ trước vẻ đẹp bất tử của người đàn ông. Người ta tìm thấy những bức tranh này trong phòng ngủ treo trước giường Giáo chủ. Jupiter, là Ngài chăng, chủ nhân của các nàng Tiên Nữ?

Những ô gạch nhỏ cũng trên vòm sảnh «Tiên Nữ», là mười hai cung chiêm tinh Hoàng đạo theo thần thoại Hy lạp. Một trật tự bị đảo lộn hữu ý: con sư tử, đứng thứ năm theo thứ tự được xếp kế cận con cừu, thứ nhất, cơn khát chiếm ngôi hay cũng là thông điệp rõ ràng từ Ferdinand, sinh dưới cung hải sư (sư tử) và anh trưởng của mình, Francesco, cung bạch dương (cừu) ?.

Vô số sưu tập cổ đại được đưa về đây, bố cục thành các trích đoạn, được lồng lên tường mặt tiền của dinh thự, trước thư viện và ngoài khuôn viên. Um bóng bảy hec-ta vườn: thông, bách, sồi lặng lẽ trùm tượng đá. Những đầu lâu bằng đá chột mắt, sứt mũi, què quặt, có miếng chỉ là một mảnh áo lửng lơ ốp lên tường, bóng chập chờn giữa những thân cây cong quắt và nhọn gai, hoặc lăn lóc trên cỏ, ẩn hiện trong âm u. Tường kín tĩnh lặng, vẻ hoang phế, xám rêu bụi, có kiêu kỳ mà lạnh lẽo đến…rùng mình.

Sâu tận vườn trong, phía phải, người xem đứng lặng hồi lâu trước nhóm tượng Niobides điển hình nghệ thuật baroque, dàn trí một bi kịch trong huyền thoại. Appolon trừng phạt thói kiêu căng của Nữ hoàng Niobé, sau sinh hạ được nhiều con đã buông lời chế giễu người mẹ khác, giương cung bắn chết mười ba trong số mười bốn con của bà. Tượng Nữ hoàng và các con gái, áo choàng dài xoắn xuýt kinh hoàng. Các con trai, trong nhiều tư thế giãy giụa, tuyệt vọng. Khung cảnh huyên náo trong câm lặng giữa không gian huyền bí của khu vườn đẩy cảm xúc đau đớn tới tận cùng.

Ngay khi chiếm được ngôi vị, Giáo chủ lập tức cho chuyển về Florence phần lớn bộ sưu tập của mình tại dinh thự Médicis. Những gì Ngài làm được cho nghệ thuật và kịch Opéra mà sử sách đã ghi không nhỏ. Dấu ấn của Ngài tại Dinh thự này, điển hình cho sự kết hợp tàn khốc giữa quyền lực và tội ác, giữa gu thẩm mỹ vừa tinh tế vừa man rợ.

Có thể nào, giá trị nghệ thuật chỉ tìm thấy trong quỹ đạo lý thuyết: Chân-Thiện-Mỹ?

Dinh thự Médicis sang trang mới.

Ngày ấy, bạn và tôi, lang thang cùng giá vẽ «rong» từ sông Seine sang đồi Montmartre. Cả tuần không có một khách chân dung, chúng ta ngắm nhau, vẽ nhau trong một buổi chiều lạnh giá. Một cụ già dừng trước bạn, khen, tài tình hơn cả học viên của dinh thự Médicis. Lời khen ấm áp đủ no một bữa chiều.

Chúng ta nhớ cái tên Médicis từ hôm ấy.

Gặp nhau ở thành Rome tại lễ khai mạc triển lãm tranh của bạn, tôi nhắc lại lời ông cụ năm xưa : Bạn đã thành công, hơn cả một học viên trú của Viện Hàn Lâm Pháp tại Rome.

Ta hẹn nhau tới đây như muôn khách du lịch khác. Dinh thự Médicis hay Viện Hàn Lâm Pháp, thiên đường của người này, tù ngục của người kia?

«Ở bất cứ nơi nào của thành Rome, chỉ cần ngước mắt lên, dinh thự Médicis ngự trên tầng cuối giáp bầu trời*…»

Thiêng liêng như thế, bởi tòa nhà lịch sử này là nơi Hoàng đế Napoléon Bonaparte gửi gắm Viện Hàn Lâm, nơi những tinh hoa của nước Pháp từ năm 1803 tới nay, tự nguyện lánh rời xã hội, đốt một khoảng thời gian trong đời trọn vẹn cho nghệ thuật.

Vua Louis XIV cho rằng văn hóa Pháp sẽ có giá trị thu phục hơn, mang tầm tư tưởng sâu rộng hơn khi truyền đạt được tinh thần nghệ thuật cổ đại. Các họa sĩ, các nhà điêu khắc chỉ có thể hoàn thiện kiến thức cổ đại khi được tiếp xúc với các bậc thầy tại chính nôi nghệ thuật cổ đại. Học viện nghệ thuật thành lập tại Rome theo tinh thần này, trải qua nhiều thăng trầm trước khi được chuyển chính thức về Médicis.

Giải khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome) như chiếc chìa khóa vàng mở cánh cổng đến thành Rome. Từ đây, họ phải gửi tác phẩm về Paris để chứng minh bước tiến bộ của mình, thực hiện một sao bản từ thời cổ đại đến phục hưng.

Họ đã là những nhân tài trước khi tới Rome chứ không phải Rome đào tạo họ thành những nhân tài: Coypel, C.Joseph Natoire, Boucher, Van Loo…đã là những bậc thầy, những nghệ sĩ lớn của Hoàng Gia. Suốt thế kỷ XIX, cuộc dừng chân của Baltard, Berlioz, Bizet, Carpeaux, Debussy…và đầu thế kỷ XX, những học viên nữ đầu tiên Pauvert, (giải hội họa Rome, 1925) và Boulanger (Giải âm nhạc Rome, 1913), tô điểm danh tiếng và làm sang trọng Viện Hàn Lâm.

Riêng bộ môn âm nhạc, được gọi là «tuổi vàng»: phần lớn những nhạc sĩ rời khỏi Médicis đều trở thành những soạn giả lớn opéra : Halévy, Thomas, Bizet, Massenet, Charpentier.

Khiêm nhường mà kiêu hãnh, một tên tuổi Việt, «Ngô Viết Thụ - kiến trúc sư» như đốm sao giữa danh sách năm học trú viên năm 1956 thân thương tỏa ấm lòng người cùng xứ sở.

Nhưng trong số gần 800 tài năng có may mắn nhận học bổng cao quý bước qua ngưỡng cửa Dinh thự Médicis, bao nhiêu người đã biến mất không để lại dấu tích gì, bao nhiêu người đã từng gào thét : tôi muốn trở về nhà, rút ngắn thời gian lưu trú, được gọi là nhà tạm giam bằng vàng hay trại sáng tác để kết thúc sự nghiệp của người nghệ sĩ…điên: Debussy, Favier

Việc sao chép các bậc thầy cổ đại không còn phù hợp với thế kỷ mới trước sự đòi hỏi bức bách của sáng tạo và nghệ thuật mới.

Dinh thự đầy ắp những di tích cổ đại, trĩu nặng lịch sử. Tượng cổ và hồn ma, sự hiện diện tranh, tượng chân dung thế hệ trước và bóng của những thiên tài, niềm hy vọng của đất nước và áp lực sáng tạo «thần đồng»…Thoát khỏi đời thường, cô lập với thế giới, người nghệ sĩ vốn nhạy cảm với vui buồn của cuộc đời mất thăng bằng.

Viện Hàn Lâm Pháp tại Rome vẫn luôn là lâu đài mơ ước dành cho những nhân tài dám ước mơ. Và, Dinh thự Médicis vẫn mang một sức hút ma quỷ.

Mờ lạnh sương ẩm ướt bậc đá. Chuông điểm, ngân rung từ sâu thẳm muôn trái tim nhỏ bé tỏa không trung. Bạn và tôi, im lặng, đếm những bậc thang của con đường trở lại. Người đàn ông ôm ghi ta, ngồi bên Barcaccia, gẩy nốt trầm buồn. Phía bên kia, giữa nhóm nhạc folk, một cô gái hát, giọng giống Joan Baez. Bài hát kết thúc. Giọt nước ngấn rơi. Cô trở về với ly bia, một thoáng xa vời.

Bạn thì thầm, thành phố không có những nghệ sĩ tự do, thành phố đang ngừng thở.

Nico - 22/12/2010

Tư liệu tham khảo :

- Journal Romain (R.Camus)

- Les Origines de Rome (R.Bloch)

- (*)Villa Médicis (D.Fernandez)

- Journal de la Villa Médicis (O.Jacob)

Hằng năm, Viện Hàn Lâm Pháp tại Rome chọn khoảng 20 trong số hơn 300 hồ sơ, phân bố trên 10 bộ môn : kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn học…. Các thí sinh dự tuyển tuổi bắt buộc trên 20, dưới 45, không phân biệt quốc tịch nhưng phải thông thạo tiếng Pháp, có kiến thức về văn hóa Ý, phải có tác phẩm và trình bày dự án (công trình nghiên cứu) hướng tới tinh thần hợp tác văn hóa Pháp-Ý.

Học bổng Médicis, 3.300 euros/ tháng, có giá trị từ 6 tháng đến 2 năm tùy theo quy mô dự án.

Địa chỉ liên hệ :

Direction générale de la création artistique

Département des artistes et professions

Secteur de l’Académie de France à Rome

62, rue Beaubourg

75003 Paris

Renée Ivorra

Tél : 01 40 15 73 43

Fax : 01 40 15 74 34

renee.ivorra@culture.gouv.fr

(bài viết của Nico)