Nguyễn Nguyên Phước-Truyện ngắn

Con đường ma

Vào một buổi sáng mùa thu cách đây hai mươi năm, một cậu bé mười tuổi tên là Nhân đột nhiên mất tích trên đường đến trường. Tất cả mọi nỗ lực của gia đình và cơ quan điều tra đều không mang lại một kết quả nào. Cậu biến mất như chưa từng tồn tại trên cõi đời này.

Đã có thời kỳ, dân địa phương gọi con đường ấy là con đường ma. Con đường này gắn với một truyền thuyết được một thầy bói chết cách đây gần một trăm năm kể lại. Truyền thuyết kể rằng, trên con đường ma, tại những thời điểm đặc biệt sẽ có sự ngưng đọng thời gian, người nào đi trên con đường ấy vào những thời điểm như vậy sẽ không bao giờ có thể quay về, hắn sẽ đi mãi trên con đường ma. Hắn sẽ không cảm thấy đói, mệt mỏi hay bất cứ một cảm giác gì bởi kể từ thời điểm đó trở đi, hắn không còn khả năng nhận thức được bất cứ điều gì, kể cả cái bổn phận phải tiếp tục đi trên con đường ma. Hắn cũng sẽ chẳng bao giờ già hay chết đi bởi trên con đường ma sẽ không còn những ý niệm về thời gian hay sinh hủy. Trái tim hắn vẫn đập. Máu vẫn chảy trong huyết quản của hắn theo cơ chế của hệ tuần hoàn. Hắn vẫn sống mà chẳng cần ăn uống gì, bởi dạ dày của hắn dẫu có co bóp thì cũng chẳng qua co bóp thế thôi chứ chẳng có mục đích gì khác ngoài việc co bóp, nghĩa là nó chẳng hấp thụ một chút chất dinh dưỡng nào mà cũng chẳng thải ra một chút cặn bã nào. Hai lá phổi của hắn vẫn phồng lên xẹp xuống một cách đều đặn, nhưng cũng giống như cái dạ dày, nhiệm vụ của nó cũng chẳng có gì ngoài lưu chuyển không khí, mà nói thật ra chẳng có ích gì cho cơ thể. Mỗi bộ phận trên cơ thể hắn giờ đây có thể hoạt động hoàn toàn độc lập, chẳng cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ những bộ phận khác. Quả tim của hắn chẳng hạn, nếu tách ra, nó vẫn đập một mình, đều đặn như những tiếng tích tắc đồng hồ cho đến thời điểm kết thúc, mà thực sự chẳng ai biết thời điểm ấy là khi nào. Nói tóm lại, mọi vận động của tất cả các cơ quan trong cơ thể hắn đều chẳng mang ý nghĩa gì ngoài chính bản thân sự vận động ấy cũng như hắn khi đi trên con đường ma thì ngoài cái mục đích của sự di chuyển ấy ra, không còn bất kỳ mục đích nào khác.

Một số người hình dung con đường ma giống như một cái máy tập chạy, người ta cứ thế chạy mãi trên đó, chẳng bao giờ dừng. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì so sánh này có vẻ hợp lý, đi trên con đường ma hay chạy trên máy tập chạy đều cho những kết quả vô vọng như nhau. Nhưng trên thực tế, con đường ma vẫn là một con đường theo đúng nghĩa của nó chứ không phải là một cái máy tập chạy, nghĩa là nó vẫn mang lại cho người ta hình ảnh của một sự di chuyển toàn thân chứ không chỉ đơn thuần là sự vận động cục bộ của một số hữu hạn các bộ phận trên cơ thể.

Một số người khác thì lại cho rằng con đường ma chẳng qua là một vòng tròn, người ta đi mãi quanh cái vòng tròn ấy mà chẳng bao giờ nhận thức được rằng mình đã quay trở lại chính con đường đã qua. Nhận xét này, dù mới nghe qua thì có vẻ hợp lý hơn nhận xét trước, vẫn không phản ánh đúng tinh thần của truyền thuyết. Con đường ma, theo truyền thuyết, không bao giờ lặp lại. Thoạt nhìn, người ta sẽ thấy cảnh vật trên những đoạn đường khác nhau có rất nhiều điểm tương đồng, thậm chí có thể nói là giống hệt nhau, nhưng nếu nhìn kỹ thì rõ ràng có sự khác biệt. Một số người lập luận rằng, ngay cả khi chúng ta nhìn cùng một sự vật ở những thời điểm khác nhau thì chúng cũng không hoàn toàn giống nhau, vì vậy khả năng chúng ta đi lại trên chính con đường cũ là hoàn toàn có thể. Lẽ dĩ nhiên, sẽ rất khó khăn để có thể bác bỏ điều này, nhưng nếu xét trên tinh thần chung của truyền thuyết, một tinh thần tương đối tự do, thì việc áp đặt một khái niệm như vòng tròn vào con đường ma là khiên cưỡng và có vẻ không hợp lý.

Có rất nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra đối với sự tồn tại của con đường ma. Điều này nói chung hoàn toàn dễ hiểu bởi trước bất kỳ sự tồn tại nào luôn có những nghi ngờ được nêu ra nhằm phản bác sự tồn tại ấy. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm một điều rằng, trên thực tế, ít khi người ta đặt câu hỏi bày tỏ nỗi nghi ngờ về sự tồn tại của chính những nghi vấn. Điều gì sẽ xảy ra khi bản thân việc đặt ra những nghi vấn đã là không hợp lý rồi? Vấn đề chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều khi một nghi vấn không hợp lý lại dẫn đến một sự bế tắc trong việc giải thích tính hợp lý về một tồn tại nào đó mà nghi vấn đó đặt ra.

Mặc dù vậy, vẫn phải nhắc đến một câu hỏi đã được nhiều người nêu ra: liệu những người đi trên con đường ma ấy có bao giờ gặp nhau không? Truyền thuyết không nói gì về điều đó nhưng căn cứ trên những cơ sở mà nó xây dựng, người ta có thể đi đến kết luận rằng những người đi trên con đường ma ấy không bao giờ gặp nhau. Giống như những gói mì ăn liền được đặt vào băng chuyền, mặc dù so sánh này cũng không hợp lý lắm bởi những gói mì ăn liền tự nó không thể di chuyển được, mỗi người bọn họ sẽ đi trên những đoạn khác nhau và cứ như thế họ di chuyển trên một con đường chung, có rất nhiều người cùng đi nhưng họ chẳng bao giờ nhận ra điều đó, họ vẫn tin rằng mình là kẻ duy nhất đi trên con đường này và vì thế, đôi khi, họ cảm thấy cô đơn, một nỗi cô đơn mà qua cái cách họ thể hiện người ta có thể cảm thấy một niềm kiêu hãnh rất lớn, nhưng rốt cuộc thì đó chẳng qua chỉ là một nỗi cô đơn hết sức giả tạo.

Cho đến nay, huyền thoại về con đường ma vẫn được lưu truyền trong dân gian mặc dù phải thừa nhận rằng ảnh hưởng của nó đã giảm đi rất nhiều so với ngày xưa. Tuy nhiên, sự phi lý của nó rõ ràng không thể chứng minh được một cách chặt chẽ. Ngoài ra, cũng nên lưu ý một điều rằng, trên thực tế, trong một số ghi chép mà tính xác thực của chúng vẫn chưa được kiểm chứng một cách hoàn toàn, có khá nhiều trường hợp mất tích như cậu bé Nhân và nếu xem xét vấn đề một cách khách quan hơn nữa thì ngay cả sự tồn tại của cậu bé Nhân trước khi mất tích cũng là một điều không thể kiểm chứng được.

San Diego 05.2006

Trên tàu

Tàu dừng ở Huế ba mươi phút. Hành khách nhốn nháo mất một lúc. Bên ngoài, những người bán hàng rong chen nhau đưa đồ ăn cho khách. Thành phố chìm trong ánh sáng nhợt nhạt hắt ra từ những ngôi nhà. Họ mua hai cái bánh sừng bò và hai chai nước khoáng.

“Ngày xưa, suýt nữa thì anh yêu một cô gái Huế.”

“Sao lại suýt nữa?”

“Thì suýt nữa. Thế thôi.”

“Cô ta xinh không?”

“Nhìn ảnh cũng được.”

“Anh chưa gặp cô ta à?”

“Chưa. Chỉ nhìn ảnh thôi. Bọn anh gửi ảnh cho nhau.”

“Thế anh biết cô ta từ khi nào?”

“À, hồi ấy anh học lớp mười một. Cô ấy có một bài thơ đăng báo. Anh viết thư cho cô ấy.”

“Chỉ có thế thôi?”

“Chỉ có thế thôi. Rồi bọn anh viết thư cho nhau thường xuyên. Trong năm năm liền.”

“Rồi sao nữa?”

“Chả sao cả. Rồi bọn anh không viết thư cho nhau nữa.”

“Tự nhiên không viết nữa à?”

“Cũng không hẳn thế.”

“Thế anh viết những gì?”

“Tất cả mọi thứ.”

“Tất cả mọi thứ là những thứ gì?”

“Chẳng có gì.”

“Anh làm em chán rồi đấy. Đầu tiên là tất cả. Sau đấy là chẳng có gì.”

“Thì đúng là chẳng có gì. Toàn những chuyện vớ vẩn.”

“Nhưng anh có bao giờ thế đâu? Tự dưng viết thư cho một người không quen biết, kể toàn những chuyện vớ vẩn.”

“Hồi đó anh muốn viết văn.”

“Anh chẳng bao giờ nói với em chuyện đấy.”

“Chuyện gì cơ?”

“Chuyện anh đã từng muốn viết văn.”

“Chuyện ấy chẳng có gì đáng nói.”

“Chẳng có gì đáng nói? Thế tại sao anh lại viết cho cô ta?”

“Vì hồi ấy anh còn trẻ. Anh khác bây giờ.”

“Tóm lại anh viết cho cô ta những gì?”

“Chả gì cả. Anh nói rồi. Toàn những chuyện lặt vặt. Những cuốn sách anh đã đọc. Một bài hát anh vừa mới nghe. Hà Nội những ngày mùa đông. Đứa em họ vừa mới mất.”

“Thế còn văn chương?”

“Tất nhiên cả văn chương nữa.”

“Cô ta cũng thích viết văn?”

“Tất nhiên rồi.”

“Thế anh viết gì về văn chương cho cô ta?”

“Toàn chuyện vớ vẩn. Những nhà văn anh yêu thích.”

“Anh yêu thích ai?”

“Nhiều người.”

“Nhiều người là những ai?”

“Là nhiều người.”

“Họ phải có tên chứ.”

“Anh chỉ nhớ được vài cái tên. Chẳng hạn như Tolstoy hay Chekhov. À cả Hemingway nữa. Chẳng nhớ hết được. Lâu rồi anh không đọc sách.”

“Sao anh không đọc nữa?”

“Anh chán rồi.”

“Tại sao?”

“Thì chán. Có thế thôi. Em toàn hỏi những chuyện vớ vẩn.”

“Thế tại sao anh và cô ta lại không viết thư cho nhau nữa?”

“Chả tại sao cả. Tự dưng anh không thích viết nữa.”

“Từ lúc nào vậy?”

“Từ hồi anh học năm thứ tư. Thôi, đừng hỏi nữa. Anh chán rồi. Chuyện này chẳng có gì để kể.”

“Kể cho em nghe đi. Em xin anh đấy.”

“Có gì để kể đâu. Sao em lại quan tâm đến chuyện ấy thế?”

“Kể cho em đi mà. Tại sao anh và cô ta không gặp nhau? Anh không muốn à?”

“Thực ra có một lần. Vào mùa hè năm thứ ba. Anh đi làm thêm, dành dụm được một ít tiền. Anh vào Huế. Anh muốn rủ cô ấy đi Hội An.”

“Vậy là anh đã gặp cô ta?”

“Không, anh không gặp. Anh đến Huế vào buổi sáng sớm. Nó không giống như anh tưởng tượng. Anh hoàn toàn thất vọng. Nó quá nhỏ. Xấu xí và nhếch nhác. Anh cảm thấy mình bị lừa.”

“Bị ai lừa? Cô ta ấy à?”

“Không, chả ai lừa anh cả. Anh chỉ có cảm giác mình bị lừa. Có thế thôi.”

“Trong thư viết cho anh, cô ta có viết về Huế không?”

“Tất nhiên rồi.”

“Và anh đã hình dung Huế theo cái cách cô ta miêu tả, đúng không?”

“Ừ. Có lẽ vậy.”

“Chắc chắn vậy. Vì thế mà anh cảm thấy bị lừa. Huế trên thực tế không đẹp như cô ta miêu tả. Và anh cảm thấy rằng cô ta cũng sẽ như vậy. Không xinh như anh tưởng tượng. Anh thất vọng vì điều đó.”

“Anh không biết. Nhưng anh nghĩ cảm nhận của con người ta về thành phố quê hương thường méo mó. Nếu cô ấy đến Hà Nội, chắc cũng có cảm giác giống anh.”

“Nhưng biết đâu cô ta lại yêu Hà Nội.”

“Cũng có thể. Anh không biết. Lúc ấy anh cảm thấy hụt hẫng. Rồi anh nhận ra rằng anh và cô ấy không hợp nhau. Rằng bọn anh chỉ sống bằng cuộc sống tưởng tượng. Bọn anh không thể đi xa hơn, nếu cứ giữ mãi cái ảo tưởng về một cuộc sống mơ mộng và hoàn toàn thiếu thực tế kiểu như vậy. Nó sẽ chẳng đi đến đâu cả.”

“Rồi anh về Hà Nội?”

“Không. Anh đi Hội An một mình. Lúc ấy anh chỉ muốn chết quách đi cho xong.”

“Anh muốn chết chỉ vì cô ta làm anh thất vọng à?”

“Anh không biết. Lúc đó có thể anh đã cảm thấy sợ hãi.”

“Sợ hãi? Sợ cái gì mới được chứ?”

“Anh không biết. Chỉ là cảm giác thế thôi. Cảm giác giống như mình bị bỏ rơi vậy.”

“Sau đó thế nào?”

“Anh không viết thư cho cô ấy nữa.”

“Còn cô ta thì sao?”

“Cô ấy viết thư cho anh vài lần. Anh không viết thư trả lời. Rồi cô ấy cũng thôi. Lần cuối cùng cô ấy viết thư trách anh không hồi âm.”

“Tại sao anh không hồi âm? Nói rõ mọi chuyện với cô ta?”

“Chả tại sao cả. Anh thấy chuyện này thật vớ vẩn.”

“Chuyện gì vớ vẩn? Chuyện em đang hỏi anh hay chuyện anh với cô ta?”

“Tất cả mọi chuyện đều vớ vẩn.”

“Mà tại sao cô ta không ra Hà Nội gặp anh?”

“Anh làm sao biết được?”

“Biết đâu cô ta đã ra Hà Nội, đến nhà anh, rồi chỉ dám đứng từ xa nhìn anh. Còn anh thì chẳng nhìn thấy cô ta. Một mối tình đơn phương và vô vọng. Giống hệt phim của Vương Gia Vệ.”

“Thôi đi mà. Em biết là anh không thích phim của Vương Gia Vệ.”

“Thì có sao đâu. Biết đâu bao nhiêu năm qua, cô ta vẫn âm thầm yêu anh.”

“Thôi đi.”

“Mà cũng có thể cô ta chết rồi cũng nên.”

“Cô ấy bằng tuổi anh. Chẳng có lý do gì để chết cả. Thôi, anh buồn ngủ lắm rồi. Toàn những chuyện không đâu.”

“Nếu cô ta chết, anh có đau khổ không?”

“Anh không biết. Thôi, anh ngủ đây.”

“Có thể cô ta tự tử. Vì thất tình. Vì bị anh ruồng rẫy.”

“Em làm ơn thôi đi có được không?”

“Tại sao tôi lại phải thôi?”

“Rồi. Đừng nổi nóng nữa. Thì cứ coi như cô ấy đã chết. Được chưa nào? Có khác gì đâu. Bây giờ có gặp cô ta, anh cũng chẳng nhận ra. Anh chán nói chuyện này lắm rồi.”

Hai người im lặng. Họ cảm thấy bực bội. Họ nhìn ra ngoài cửa sổ. Tàu bắt đầu chuyển bánh. Người ta tắt hết đèn trên tàu. Thành phố Huế chỉ còn những vệt sáng mờ dần rồi biến mất. Đoàn tàu giống như một con rết khổng lồ đang trườn vào một thế giới tối tăm.

Bây giờ, người đàn ông đã ngủ say. Anh thở khò khè, những tiếng gừ gừ như chực thoát ra khỏi miệng. Mọi người đều đã ngủ. Chỉ còn lại tiếng xịch xịch của tàu hỏa. Người đàn bà không ngủ được. Chị nhìn trừng trừng vào khoảng tối trong khoang tàu, lòng tràn ngập một xúc cảm lạ lùng chưa từng có. Chị cảm thấy rõ ràng hơn bao giờ hết rằng lúc này đây chị có thể tha thứ cho bất cứ ai về bất kỳ chuyện gì, rằng tất cả mọi người đều là những kẻ đáng thương, cuộc đời đã phản bội họ, phần lớn những năm tháng tuổi trẻ của họ đều đã trôi qua trong những toan tính tầm thường và ti tiện.

Gần sáng, toàn bộ hành khách trong toa bị đánh thức bởi một tiếng kêu thất thanh. Hình như vừa xảy ra một vụ tai nạn.

Nagoya 08.2006

Lời nguyện cầu cho một thế giới hư vô

Sau khi mẹ tôi về hưu, bà trở nên mê tín đến kỳ cục. Bà có một niềm tin mãnh liệt vào những sinh thể ở một thế giới khác đang điều khiển ý chí của chúng ta giống như người ta điều khiển những cỗ máy. Hàng tuần, bà và những người bạn của bà tụ tập lại, cùng đọc những bài kinh không rõ xuất xứ, có nội dung phức tạp và rối rắm đến mức tôi tin rằng trên đời này không ai có khả năng lĩnh hội được chúng. Họ nghĩ rằng bằng cách đó, họ có thể giao tiếp một cách vô thức với những sinh thể bí mật kia.

Họ muốn cha tôi tham gia vào những buổi đọc kinh ấy.

“Cũng được thôi.” Cha tôi nói. “Tuy nhiên, là một người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi cần có bằng chứng về sự tồn tại của cái thế giới mà các vị đang cầu nguyện. Nếu không, chẳng hóa ra chúng ta đang thờ cúng cái hư vô hay sao?”

“Tại sao bác lại nói vậy?” Họ kêu lên, giọng đầy phẫn nộ. “Làm sao thế giới ấy có thể là hư vô khi chúng tôi tin vào sự tồn tại của nó. Bản thân niềm tin ấy há chẳng phải là một bằng chứng xác thực nhất hay sao?”

Lý lẽ của họ cuối cùng đã thuyết phục được cha tôi. Ông ngồi đọc kinh cùng họ.

Ngày thứ nhất đọc kinh, ông nhìn thấy những thiên thần bay ra từ cuốn sách kinh, lượn trên mái nhà của chúng tôi và cười ha ha.

Ngày đọc kinh thứ hai, những thiên thần nhảy múa xung quanh ông và thì thầm vào tai ông những lời tục tĩu.

Ngày thứ ba, những thiên thần nói những điều gì đó mà ông không thể hiểu nổi, rồi bọn chúng khóc hu hu. Chỉ đến khi đó, cha tôi mới nhận ra rằng người ta đang đọc kinh cầu cho linh hồn ông được siêu thoát.

Nagoya 12.2006

Ác mộng

Đêm qua, tôi mơ một giấc mơ khủng khiếp. Người ta ban cho tôi một thứ quyền năng gần như tuyệt đối để tôi có thể thực hiện bất cứ việc gì. “Tuy nhiên, họ nói, quyền năng này chỉ đạt đến mức gần như tuyệt đối bởi lẽ có một điều duy nhất mà anh không bao giờ được phép làm, đó là tỉnh dậy khỏi giấc mơ.”

Nagoya 12.2006

Cây thích

Bây giờ đang là mùa thu. Chúng tôi đi dọc bên bờ sông, lẫn vào đoàn người ngắm lá đỏ. Những cây thích nằm cô đơn bên sườn núi, nhìn từ xa chúng giống như những đám lửa.

“Chúng ta phải chia tay thôi.” Nàng nói. “Nhìn cây thích, em hiểu rằng tình yêu của chúng ta không thể tồn tại trong cái thế giới đầy bất trắc này.”

Tôi không nói gì, nói gì lúc này cũng vô ích, bởi bây giờ đang là mùa thu, cây thích sắp rụng lá, nàng cảm thấy tuyệt vọng.

Nagoya 12.2006

Chín giờ tối thứ Hai

Tâm nhận được một mẩu giấy trên đó có ghi “Chín giờ tối thứ Hai”. Sau khi suy nghĩ rất kỹ, cân nhắc tất cả các khả năng có thể, đồng thời tham khảo ý kiến rất nhiều người, Tâm đi đến kết luận rằng thông điệp này chỉ có thể là một điềm báo về một biến cố quan trọng sẽ xảy đến với anh vào lúc chín giờ tối thứ Hai.

Từ đó trở đi, anh luôn ở trong tâm thế chờ đợi một điều gì đó rất đặc biệt sẽ đến vào lúc chín giờ tối thứ Hai. Sau rất nhiều năm chờ đợi, một ngày kia, Tâm cảm thấy quá mệt mỏi, anh không còn có thể chịu đựng nổi cái cảm giác chờ đợi vô vọng ấy nữa và do đó, anh quyết định rằng nếu tuần tới vẫn không có gì thay đổi thì khi đó anh sẽ tự kết liễu đời mình vào lúc chín giờ tối thứ Hai.

Nagoya 12.2006

Người điểm tin

Nhìn bề ngoài, Đinh Hoài Viễn không giống như một người đã có gia đình mặc dù anh đã ba mươi tư tuổi, hiện sống cùng một vợ và hai con gái trong một căn hộ đi thuê ở khu tập thể Thành Công. Khi bộ râu quai nón được cạo nhẵn nhụi, anh có một khuôn mặt hoàn toàn trẻ thơ.

Đinh Hoài Viễn viết những bài điểm tin cho một tờ báo lá cải. Anh viết về rất nhiều sự kiện trong đời sống của chúng ta. Một vụ hiếp dâm tàn bạo trong rừng cao su mà nạn nhân là một nữ công nhân vừa tròn hai mươi mốt tuổi; một ca nạo thai của một nữ sinh học lớp chín; vụ tự tử của một tay cá độ bóng đá; một má mì vừa bị công an bắt, ả quản lý khoảng hơn bốn chục gái mại dâm, những thanh nữ mà ả miêu tả là “sắc nước hương trời”; một tay giám đốc bị cách chức vì đã làm trò đồi bại với hai chị em ruột (một trong số đó là thư ký của ông ta); một thầy giáo quấy rối tình dục nữ đồng nghiệp, vụ việc vỡ lở khi ông này bị một học sinh nam đánh ghen; một gã thanh niên mười bảy tuổi dùng dây thừng xiết cổ bà mẹ nuôi vì bà ta quá lắm lời; một cô gái bị liệt bẩm sinh đã chết vì đói sau cái chết của bà mẹ, nguồn sống duy nhất của hai mẹ con họ là từ số tiền đi nhặt lon bia hàng ngày của bà mẹ (cảnh sát còn tìm thấy cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng cuối cùng của cô gái tội nghiệp đó, điều kỳ quặc là cuốn nhật ký được viết bằng một giọng văn hết sức khôi hài), một bà mẹ bị bắt vì đã nhốt đứa con của mình trong một căn gác xép suốt mười lăm năm trời kể từ khi nó bốn tuổi, thứ duy nhất giúp thằng bé liên hệ với thế giới bên ngoài là một cái lỗ nhỏ, nhìn qua đó nó có thể thấy một phần của bầu trời, khi cảnh sát tìm thấy thằng bé, tầm vóc của nó chỉ tương đương với một đứa trẻ lên mười và khối lượng từ vựng của nó chỉ khoảng trên dưới năm mươi từ trong đó những từ quan trọng nhất gồm có: “ăn”, “ị”, “ngủ”, “mưa”, “nắng” và “mây”.

Cho dù những sự kiện ấy có kinh hoàng đến mức nào thì nhờ vào lối hành văn đầy phóng túng nhưng vẫn giữ được một kết cấu chặt chẽ cũng như độ xúc tích cần thiết cho một bài điểm tin, chúng vẫn mang một vẻ đẹp lãng mạn không ai lường trước được. Ai đã từng đọc những bài điểm tin ấy mà lại không cảm thấy kinh ngạc đến thẫn thờ, một cảm giác giống như người ta vừa tìm thấy dòng chảy u hoài của một ký ức học trò xa xăm nào đó mà họ đã đánh mất từ lâu.

Đinh Hoài Viễn tin rằng bằng cách viết những bài điểm tin như thế anh sẽ tạo ra được mối liên hệ sâu sắc giữa đời sống thường ngày và thế giới nghệ thuật. Khi được hỏi về nghề nghiệp của mình, bao giờ anh ta cũng trả lời hết sức hãnh diện:

“Tôi là người khắc những đường viền lên bức tranh khảm lịch sử của thời đại chúng ta.”

Nếu so sánh lối nói dụ ngôn khoa trương mà rỗng tuếch ấy của Đinh Hoài Viễn với những bản tin viết bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, mềm mại như những cánh bướm mùa xuân thì quả là buồn cười.

Nagoya 01.2007

Babu-san

Tất cả chúng tôi đều biết rằng Babu-san là kẻ dối trá. Thậm chí cả cái tên nửa Ấn nửa Nhật của hắn cũng không phải là tên thật. Chúng tôi không ai biết tên thật của hắn, mà cũng chẳng ai bận tâm chuyện Babu-san có một cái tên khác. Dù sao, chúng tôi vẫn thích cái tên Babu-san và những câu chuyện bịa đặt của hắn. Đôi khi, chúng tôi hay tìm cách lý giải về sức hấp dẫn đặc biệt của những câu chuyện ấy. Nếu chỉ đơn thuần là tài kể chuyện thì có lẽ chúng đã không có được sức hấp dẫn đến như vậy. Giả sử Babu-san kể những câu chuyện khác, những câu chuyện có thật, những câu chuyện vẫn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng tôi, thì có lẽ chả ai buồn nghe. Nhưng cái giả thiết đó chẳng bao giờ xảy ra bởi lẽ Babu-san luôn nói dối, hắn chẳng bao giờ kể những câu chuyện có thật, hắn là kẻ nói dối bẩm sinh, hắn sinh ra là để nói dối cũng giống như người lái đò sinh ra là để lái đò.

Babu-san là người Tamil; hắn sinh ở thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu. Babu-san cao lớn, da ngăm đen, tóc xoăn và để ria mép. Hắn không có đạo. Chúng tôi biết hắn nói dối. Theo lời đồn đại thì hắn theo đạo Hindu vì có lần ai đó nói với chúng tôi rằng bố mẹ hắn theo đạo Hindu. Thậm chí, theo như lời kể thì hắn còn nói được tiếng Hindi tốt như tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, Babu-san chẳng bao giờ nói tiếng Hindi vì hắn ghét những người theo đạo Hindu mặc dù tiếng Hindi và những người theo đạo Hindu chẳng có mối liên hệ gì. Mà nói chung, hắn ghét Ấn Độ.

Có lần, hắn hỏi tôi:

“Mày có đạo không?”

“Không.” Tôi đáp. “Tao không có đạo.”

“Vậy còn Thượng đế?”

“Chúng tao không có Thượng đế.”

“Vậy chúng mày sẽ chống chọi thế nào với những tai ương?”

“Chúng tao chịu đựng.”

“Và không có Thượng đế ở bên?”

“Không. Không có Thượng đế. Còn mày? Mày cũng không có đạo. Vậy mày có Thượng đế không?”

“Có.” Hắn nhún vai đáp. “Thực ra khi tao nói tao không có đạo thì đó chỉ là cách nói thông thường để ám chỉ rằng tao không theo mấy cái đạo thông thường như mấy thằng Ấn Độ khác. Tao có thứ đạo của riêng tao, do tao sáng tạo ra. Tạm thời có thể gọi nó là Babu-sanism. Tao có Thượng đế của riêng tao.”

Hắn còn cho chúng tôi xem bức tranh vẽ Thượng đế của hắn. Hắn vẽ không được đẹp lắm, nhưng theo như lời hắn thì bức tranh vẫn thể hiện đầy đủ sự toàn năng của Thượng đế. Hắn hy vọng một ngày kia ông ấy sẽ được công nhận trên toàn thế giới. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy hắn cầu nguyện bằng một thứ tiếng quái quỷ gì đó do hắn tự chế ra, thực chất đó chỉ là một chuỗi những âm thanh ê a kéo dài lê thê. Sau mỗi lần cầu nguyện như vậy, hắn nói rằng hắn cảm thấy sảng khoái tràn ngập. Từ bé hắn đã luôn cảm thấy hắn được sinh ra với một sứ mệnh đặc biệt. Hắn cho rằng để thực hiện sứ mệnh đặc biệt đó, hắn cần phải giữ mình trong sạch, do vậy hắn không quan hệ với đàn bà. Năm mười tám tuổi hắn bắt đầu lên đường truyền bá cái gọi là Babu-sanism. Một số chức sắc tôn giáo ở thành phố nơi hắn cư ngụ, theo hắn kể, cảm thấy bị đe dọa, đã vận động mọi người trục xuất hắn ra khỏi Ấn Độ. Babu-san lưu lạc hơn một trăm nước lớn nhỏ. Năm ba mươi tuổi hắn bắt đầu chiêu nạp đệ tử. Tổng số đồ đệ mà hắn thu thập được cho đến thời điểm hắn đến chỗ chúng tôi là bảy mươi hai người. Trong hơn mười năm lưu lạc, hắn và môn đồ đã từng bị cảnh sát Bình Nhưỡng rượt đuổi, phải nhịn đói ở Bắc Kinh hai tuần, bị từ chối nhập cảnh ở LAX vì nghi ngờ dính líu đến một vụ khủng bố.

Babu-san ăn rất ít, mà lại ăn chay. Khi chúng tôi hỏi hắn về lý do của việc ăn chay, hắn nói rằng đó chỉ là một thói quen từ nhỏ và khi lớn lên hắn không thể ăn được thịt. Dạ dày hắn từ chối những món ăn có thịt, hắn nói vậy. Hắn còn nói thêm rằng, bất cứ việc gì hắn làm đều có tuân thủ một mệnh lệnh nào đó trong cơ thể hắn. Chẳng hạn có lần, theo như hắn kể, hắn ngồi dưới gốc cây và nhịn ăn bốn mươi chín ngày bởi một mệnh lệnh nào đó từ Đấng Tối cao bắt hắn phải thực hiện. Chúng tôi chẳng ai tin những chuyện như vậy nhưng để hắn không mất hứng chúng tôi cố gắng không để lộ chút nghi ngờ nào. Cũng có đôi lần, chúng tôi thấy hắn nhịn ăn trong một vài ngày, nhưng chưa bao giờ quá ba ngày. Babu-san chắc cũng phần nào cảm thấy sự nghi ngờ, dù có phần dè dặt, trong ánh mắt chúng tôi bởi vậy mỗi khi kể xong câu chuyện hắn lại tuyên bố rằng hãy coi như hắn chưa nói gì, rằng tất cả những điều hắn nói ra chỉ là bịa đặt. Tuy không nói ra nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu rằng hắn đang cố tình nhập nhằng mọi chuyện và vì thế chúng tôi lại càng chăm chú lắng nghe cốt để mọi thứ được rõ ràng sáng sủa nhưng càng nghe chăm chú bao nhiêu, mọi thứ càng trở nên rối rắm bấy nhiêu.

Hàng ngày, sau bữa ăn tối, thường vào khoảng chín giờ, cũng có khi muộn hoặc sớm hơn, năm đứa chúng tôi ngồi quây quần bên tivi nghe Babu-san kể chuyện. Lý do chúng tôi ngồi bên nhau thực ra không phải là để nghe hắn kể chuyện mà là để theo dõi tin tức trên tivi song nếu quả thực chỉ có thế thì vô cùng buồn tẻ – sau này, khi Babu-san đã đi rồi, chúng tôi mới nhận ra cái khoảng trống không gì bù đắp được trong đời sống tinh thần khi thiếu hắn. Những bản tin tivi không bao giờ có thể thay thế được những câu chuyện của Babu-san, ít ra là đối với chúng tôi. Nhưng thôi, hãy quay trở lại với những câu chuyện của Babu-san. Như đã nói ở trên, mục đích của chúng tôi là ngồi bên nhau để xem tivi, nhưng chỉ được một lúc thôi là Babu-san bắt đầu nói. Lý do của việc hắn nói thì đơn giản lắm. Chỉ từ một chi tiết vớ va vớ vẩn trên tivi, Babu-san cũng ngay lập tức liên hệ đến một phần đời nào đó trong những câu chuyện triền miên bất tận của hắn. Và thế là hắn kể. Chẳng hạn, có một lần, một chương trình truyền hình khoa học thường thức nói rằng, thực ra thì tôi cũng không nhớ rõ lắm, cấu trúc DNA của lợn rất giống của người. Thế là ngay lập tức Babu-san ngồi thao thao bất tuyệt. Hắn kể rằng, hồi đầu những năm 90, hắn sống ở một làng nhỏ ở phía bắc Pakistan. Dân làng bệnh tật liên miên. Babu-san, nhờ một sự mách bảo của một Thượng đế quyền năng nào đó đã nhìn thấy nguyên nhân của bệnh tật là ở những con lợn. Thịt lợn là món ăn truyền thống của dân làng, hắn khuyên họ từ bỏ món đó. Đáng tiếc là họ đã không những không nghe mà còn nổi giận đuổi Babu-san ra khỏi làng và hai năm sau cả làng bị tuyệt diệt bởi trận dịch. “Chúng mày biết đấy, hồi đó tao làm gì biết về DNA và những con lợn bẩn thỉu đâu.” Babu-san nói. “Nhưng Thượng đế đã nói với tao rằng đó chính là nguyên nhân của tội lỗi. Và cuối cùng thì khoa học cũng đã chứng minh. Từ ngày mai, chúng mày cũng không nên ăn thịt lợn nữa.”

Lần khác, trên truyền hình có một gameshow trong đó mỗi người dự thi được cấp một man [1] và phải sống với số tiền đó trong vòng một tháng, người thắng cuộc sẽ là người có số tiền thừa nhiều nhất. Nhìn cảnh sống chật vật, dù chỉ là tạm thời, của những người tham gia, Babu-san liền liên tưởng ngay đến chuyện hắn bị đói ở Trung Quốc. “Hồi đó”, hắn kể, “tao truyền đạo ở Bắc Kinh. Tao có mười hai môn đồ, tất cả đều là những thanh niên ưu tú. Bọn tao bị xua đuổi như những con chó. Mọi người nhổ nước bọt vào niềm tin của bọn tao. Chúng mày chắc chưa bao giờ bị đói. Bọn tao đã bị đói trong nhiều ngày. Nó hoàn toàn khác lần tao nhịn ăn bốn mươi chín ngày, bởi tự nguyện nhịn ăn và bị đói là hai chuyện khác nhau.” Lần ấy, Babu-san và mười hai môn đồ của hắn sống sót nhờ sự hào phóng của một cô gái điếm nhưng mười hai môn đồ kia cũng chẳng sống được lâu, họ bị đầu độc sau đó ba tháng. Babu-san may mắn thoát chết nhờ cái dạ dày đặc biệt của hắn, nó từ chối tất cả những gì xa lạ, kể cả độc tố. Babu-san nghi ngờ rằng một trong mười hai đồ đệ đã bán đứng hắn cho công an Bắc Kinh nhưng cuối cùng kẻ đó lại chết bởi sự phản bội của chính mình. Một vụ đầu độc đã được dàn dựng để thủ tiêu những kẻ tà giáo. Chúng tôi thì tin rằng chính Babu-san mới là kẻ phản bội. Chính hắn chứ không phải ai khác đã hạ sát mười hai đồ đệ của mình bằng độc dược bởi bản thân hắn cũng không còn niềm tin vào cái thứ tôn giáo mà hắn đang theo đuổi. Có thể hắn sợ một ngày kia, đám đồ đệ chợt nhận ra rằng họ đã bị lừa dối và sẽ căm hận mà giết hắn.

Babu-san không có ý định truyền đạo cho chúng tôi, hoặc cũng có thể hắn đang làm việc đó mà chúng tôi không nhận ra. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của hắn đến chúng tôi là không thể phủ nhận được. Chúng tôi cũng nói dối giống hắn. Thoạt đầu, chỉ là những lời nói dối nho nhỏ, chẳng phương hại đến ai, thậm chí nếu thay bằng những lời nói thật thì cũng chẳng có gì khác. Chúng tôi cảm thấy một cái gì đó rất tự nhiên đột nhiên trôi tuột khỏi đầu lưỡi; thế rồi một lát sau chúng tôi mới nhận ra mình vừa nói dối. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn khi nói dối. Phải thừa nhận rằng chúng tôi là những kẻ có năng khiếu nói dối nhưng cũng phải nói thêm rằng năng khiếu ấy sẽ chẳng bao giờ được phát huy nếu không có Babu-san. Vai trò của hắn, nói tóm lại, là không thể chối cãi được. Dần dần chúng tôi bắt đầu bịa đặt những câu chuyện lớn hơn. Cuối cùng chúng tôi dối trá trong mọi chuyện. Chúng tôi nói dối một cách thản nhiên. Chúng tôi nói dối một cách trắng trợn. Chúng tôi nói dối triền miên. Chúng tôi nói dối mà chẳng thèm ăn năn hối hận. Hễ cứ mở miệng là chúng tôi nói dối. Chúng tôi nói dối mà không nhận ra mình đang nói dối. Dần dần, chúng tôi chối bỏ sự thật. Chúng tôi phớt lờ sự thật. Chẳng ai thèm quan tâm đến một cái gọi là sự thật đang tồn tại đâu đó trên đời. Thậm chí, chỉ cần nghe ai đó nói sự thật là chúng tôi cảm thấy khó chịu. Sự thật để làm gì khi mà tất cả chúng tôi đều hài lòng với sự dối trá? Đôi khi tôi tự hỏi, phải chăng chính cái cuộc sống mà Babu-san mang đến cho chúng tôi thông qua những câu chuyện hư cấu của hắn mới là cuộc sống đích thực, còn cái cuộc sống mà chúng tôi đang sống hàng ngày chỉ là tạm bợ. Phải, biết đâu cuộc ấy mới là cuộc sống đích thực của chúng tôi, là cuộc sống mơ ước của chúng tôi, là lý do để chúng tôi tồn tại.

Chúng tôi có mười hai người, giống như mười hai viên bi đựng trong một cái lọ, chúng tôi thường nói với nhau như vậy. Thỉnh thoảng người ta lắc cái lọ, một viên bi rơi ra ngoài, họ sẽ thay thế một viên khác. Chúng tôi kẻ đến người đi nhưng bao giờ cũng luôn là mười hai người. Nếu kể cả Babu-san thì là mười ba nhưng hắn không được tính, hắn là ngoại lệ, hắn không thuộc về chúng tôi hoặc có thuộc về nhưng chúng tôi không chấp nhận cái hiện thực ấy. Tôi hay tự hỏi, liệu có mối liên hệ nào giữa mười hai đứa chúng tôi với mười hai đồ đệ của Babu-san hay không. Nhân tiện xin nói thêm, trong những câu chuyện của mình Babu-san bao giờ cũng kể rằng hắn có mười hai đồ đệ, không hơn chẳng kém. Mười hai đồ đệ ở Saint Petersburg. Mười hai đồ đệ ở Bắc Kinh. Mười hai đồ đệ ở Paris. Mười hai đồ đệ ở Munich. Mười hai đồ đệ ở Chicago. Mười hai đồ đệ ở Tokyo. Tất cả là bảy mươi hai người. Nếu nói rằng Babu-san xây dựng hình tượng mười hai đồ đệ dựa trên nguyên mẫu là mười hai đứa chúng tôi thì có lẽ hắn đã hoàn toàn thất bại. Chúng tôi đương nhiên không phải đồ đệ của hắn, mà hơn nữa những câu chuyện về hắn và các môn đồ hoàn toàn xa lạ với cuộc sống của chúng tôi. Nhưng biết đâu chính cái nghệ thuật kể chuyện bậc thầy kia khiến chúng tôi không nhận ra mình. Chúng tôi hoàn toàn thơ ơ với cuộc sống của bản thân nhưng lại say mê theo dõi những câu chuyện của Babu-san trong khi những câu chuyện ấy thực ra lại kể về chính cuộc sống của chúng tôi. Phải chăng cuộc sống của chúng tôi thông qua cái miệng duyên dáng và dối trá của Babu-san bỗng trở nên sống động một cách đáng ngờ như thể có một Thượng đế vô hình thổi cho nó một luồng sinh khí để rồi chính chúng tôi cũng không nhận ra? Nghe mà cứ tưởng hắn đang nói về ai đó ở trên chín tầng mây chứ không phải nói về chúng tôi.

Rồi cũng đến cái ngày viên bi thứ mười ba rớt khỏi lọ. Trước giờ ăn tối ngày thứ sáu, chúng tôi nhận được tin Babu-san ra đi. Có lẽ hắn đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ lâu rồi bởi tôi nhớ tuần trước khi uống rượu với chúng tôi – đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi thấy hắn uống rượu – hắn đưa cái ly lên miệng rồi lẩm bẩm: “Cha ơi! Xin hãy cất chén này ra khỏi miệng con.” Một tháng sau ngày Babu-san ra đi, chúng tôi tìm thấy bản nháp lá thư hắn viết cho mẹ trong đống giấy tờ lộn xộn. Chữ viết trong thư nhỏ li ti, rất khó đọc, nhiều đoạn lủng củng, gạch xóa chi chít. Có lẽ khi viết thư – khó có thể đoán được là khi nào vì trong bản nháp không thấy đề ngày tháng – những suy nghĩ trong đầu hắn không được mạch lạc cho lắm.

Mẹ ơi, con bị điên mất rồi! Bây giờ khi đang viết thư cho mẹ, con chỉ còn khoảng một nửa lý trí. Chỉ ít phút nữa thôi, con sẽ hoàn toàn rơi vào trạng thái điên loạn không kiểm soát nổi. Con cảm thấy “nó” mỗi lúc một lớn hơn. “Nó” đang chế ngự tinh thần con. Con hoàn toàn vô phương chống đỡ. Con đã cầu cứu Thượng đế của con, con đã cầu xin Người giúp đỡ nhưng có cảm giác rằng “nó” đã cách ly con hoàn toàn với Người. Con không còn cách nào có thể liên lạc được với Người được nữa. “Nó” đang hãm hại con. Con hoàn toàn tuyệt vọng. Con biết chỉ có Người mới có thể giúp con chống lại “nó”. Nhưng làm sao được đây? Bởi lúc này đối với Người, “nó” chính là con. Làm sao con có thể thoát được? Làm sao con có thể nói với Người rằng “nó” đang chế ngự con và con không còn là con nữa?

Con phải ra đi mẹ ạ. Con yêu mẹ. Con yêu thành phố Chennai. Con yêu đất nước Ấn Độ. Con yêu cuộc sống này nhưng nó không còn thuộc về con nữa. Cuộc sống trước kia là của con giờ đã thuộc về người khác. Con không thể làm sao cho mẹ hiểu được. Suốt đời, con chỉ đi tìm sự thật. Con không tìm thấy niềm tin ở Thượng đế mà cha mẹ dạy con. Con đã cố gắng tạo ra một Thượng đế cho riêng mình nhưng chẳng ai thừa nhận điều ấy. Nhiều lần, con cố tự nhủ rằng chỉ cần con cảm thấy sự hiện hữu của Người là đủ. Nhưng có một sức mạnh nào đó đã thôi thúc con thuyết phục kẻ khác thừa nhận sự hiện hữu ấy. Phải chăng đó chính là ý muốn của Người?

“Nó” lại vừa xuất hiện mẹ ạ. Nó đang cười nhạo con. Đoạn trên con vừa viết có thể không phải của con mà là của “nó” mẹ ạ. Làm sao con có thể nói được với mẹ đây? Làm sao mẹ có thể phân biệt được chỗ nào là con viết, chỗ nào là “nó” viết? Bởi chính con, con cũng không thể phân biệt được điều đó. Bây giờ, con phải hành động theo suy nghĩ của “nó”, phải suy nghĩ theo lý trí của “nó”. Con hoàn toàn bị khuất phục. Cũng có đôi khi con phản kháng. Như lúc này đây, con đang phản kháng. Mà không, nói đúng hơn là con vừa phản kháng, vừa khuất phục.

Thượng đế của con, con biết sự hiện diện của Người nhưng chính bản thân cái sự “biết” ấy lại có thể không phải của con. Rất có thể Thượng đế mà con cảm nhận được là một Thượng đế khác, một Thượng đế mà “nó” muốn con phải thừa nhận như con đã thừa nhận Người. Nhưng làm sao con có thể công nhận được điều đó? Một mặt, con muốn chối bỏ Người bởi con biết rằng cảm nhận của con về Người là một cảm nhận không trung thực, cảm nhận ấy bị “nó” đánh tráo nhưng mặt khác, con vẫn phải công nhận Người theo cách của “nó” bởi không còn cách nào khác. Con chấp nhận sự tồn tại của Người nhưng lại luôn nghi ngờ tính trung thực của tồn tại ấy. Làm sao không nghi ngờ cho được, khi mà suy nghĩ của con lại bị điều khiển bởi ý chí của “nó”?

Con đã quá mệt mỏi rồi. Con muốn được nghỉ ngơi. Nhưng làm sao con có thể nghỉ ngơi được? Làm sao con có thể biết một cách chắc chắn rằng ước vọng nghỉ ngơi của con là của chính con chứ không phải của “nó”? Làm sao con biết được sự mệt mỏi nơi tâm hồn con không phải là do “nó” điều khiển?

Con phải đi rồi mẹ ơi. Con phải chạy trốn. Con phải chạy trốn khỏi sự truy đuổi của “nó”. Nhưng làm sao con có thể chạy trốn được, mẹ ơi. Con không còn nơi trú ẩn. Làm sao con có thể tách riêng bản thân con ra khỏi “nó” để khi con nói rằng con yêu mẹ thì đó là tình cảm xuất phát tự bản thân con chứ không phải một thứ tình cảm theo quy ước của “nó”?

Chúng tôi thường gọi bản nháp ấy là lời nói dối cuối cùng của Babu-san. Một di chúc, nếu có thể gọi như vậy, rẻ tiền và bệnh hoạn. Babu-san, kẻ suốt đời nói dối, lại mơ ước tìm kiếm sự thật cơ đấy! Mà sự thật nào kia chứ? Chẳng phải hắn và chúng tôi đều hài lòng với cái sự thật do chính hắn bịa ra hay sao?

Babu-san ra đi mang theo cái nghệ thuật nói dối bậc thầy. Tự đáy lòng mình, chúng tôi luôn cầu chúc cho hắn cuối cùng sẽ tìm thấy cái sự thật mà hắn hằng theo đuổi. Vị trí của hắn trong đời sống tinh thần của chúng tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ có ai thay thế được. Mà cũng có thể, biết đâu đấy, một ngày kia, khi nó không còn nữa chúng tôi sẽ lại nhận ra một sự thật rằng cái vị trí tưởng chừng không ai có thể thay thế nổi ấy hóa ra chưa bao giờ thực sự tồn tại.

Babu-san ra đi không để lại địa chỉ. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe phong thanh đâu đó có người tình cờ gặp hắn. Lần cuối cùng tôi nghe tin về hắn là vào mùa hè năm ngoái, hắn bị bắt tại sân bay Narita cùng với bức tranh vẽ một Thượng đế chưa bao giờ được công nhận.

Nagoya 12/2005

Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền

“Cho một cốc nữa đi!” – ông già ngồi trong góc nói giọng lè nhè. Quán rất hẹp, chỉ có đủ chỗ cho sáu người ngồi trên một hàng dài những chiếc ghế cao vẫn thường thấy trong quán bar. Lâm ngồi vào chiếc ghế thứ ba tính từ ngoài vào, nó là cái duy nhất còn trống. Trước mặt anh là một bình rượu thuốc, ngâm đủ các loại củ. Lâm đưa mắt nhìn xung quanh tường, trên đó dán rất nhiều tên món ăn. Tấm rèm vải màu đen che một phần phía trên cửa chính tạo cho anh cái cảm giác dễ chịu như thể vừa bước vào một tửu quán kiểu Trung Hoa đích thực.

Ông chủ quán đưa cho Lâm tờ thực đơn, một cái khăn mặt khử trùng còn nóng hổi, một cốc nước chè và một đĩa đậu quả luộc. Tất cả quán rượu ở đây đều có cùng một kiểu phục vụ với cùng một kiểu khai vị. Lâm gọi một chai bia.

Ông già trong cùng bắt đầu lè nhè. “Thế đấy.” ông ta nói, “Tôi bắt đầu đi làm năm hai mươi hai tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học Osaka. Hồi ấy tôi muốn đi nghỉ mát ở đảo Bahamas. Tôi đã để dành tiền. Tôi lấy vợ, có con, rồi về hưu. Bây giờ tôi vẫn chưa đến Bahamas. Bây giờ tôi chẳng muốn đi đâu cả.”

“Ông ấy say rồi!” ông chủ quán nói và đưa chai bia cho Lâm. “Tuần nào cũng thế. Uống được ba chai bia là say.”

“Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền.” Ông già trong góc tiếp tục lè nhè. Giọng ông ta có cái gì đó hơi hờn dỗi. “Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền.” Ông ta lại tiếp tục kêu lên. “Chúng ta”, ông ta nói rồi dừng lại một lát, cười ha ha, rồi tiếp tục, “những chàng trai rẻ tiền.”

Ngồi phía bên phải Lâm là một người đàn ông trung niên, có lẽ là dân lao động chân tay. Ông ta quay ra bắt chuyện với anh.

“Anh là người Trung Quốc à?”

“Không, người Việt Nam.”

“Thành phố nào vậy?”

“Hà Nội.”

“Hà Nội à? Nơi ấy rất tuyệt.”

“Ông đến rồi à?”

“Chưa. Tôi chưa đến.”

Ông ta cười xòa. Lâm cũng cười theo. Anh thấy thật thoải mái.

“Anh thấy con gái Nhật xinh không?”

“Xinh lắm.”

“Bạn gái anh là người Việt Nam hay người Nhật?”

“Người Việt Nam.”

“Thế à?”

“Vâng.”

“Thế ở Việt Nam người ta có ngủ với nhau trước khi cưới không?”

“Có.”

“Thế à?”

Ông ta dừng lại một lúc rồi bắt đầu kể lể.

“Tôi sinh ra ở Shizuoka. Ngay sát biển. Đứng từ làng tôi có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ. Đã lâu rồi tôi chưa về quê. Sau khi bố mẹ tôi mất, tôi bán nhà và không bao giờ về lại Shizuoka nữa. Thỉnh thoảng trong giấc ngủ tôi vẫn mơ thấy biển. Biển ở chỗ tôi khác ở đây. Cả gió cũng khác. Gió ở chỗ tôi mặn hơn một chút. Chỉ cần hít một hơi là cảm thấy liền.”

Ông ta gọi tiếp một chai bia và không nói chuyện nữa. Có thể ông ta muốn được yên tĩnh, hoặc cũng có thể ông ta đang nghĩ ngợi chuyện gì đó.

Phía bên trái Lâm là một gã còn trẻ, chắc chỉ hơn anh một vài tuổi là cùng. Gã uống bia tì tì và dường như không để ý đến xung quanh. Mặt gã đỏ như cua luộc. Người đàn ông ngồi ngoài cùng hầu như không nói gì. Ông ta uống rất chậm, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn xung quanh, nét mặt buồn bã.

Ông già ngồi góc trong cùng đã xỉn lắm rồi. Ông ta bắt đầu hát. Thật ngạc nhiên là ông ta hát khá hay. Một bài enka nào đấy. Ông ta hát không rõ tiếng nên Lâm chỉ có thể nghe loáng thoáng. Hình như bài hát nói về một cô gái đi trên đường phố có tuyết rơi và nhớ về người yêu đã mất. Khi ông già hát xong, mọi người trong quán đồng loạt vỗ tay, trừ gã trai ngồi bên trái Lâm. Ông già trở nên hào hứng. Ông ta gọi hai chai bia, bảo chủ quán rót cho mỗi người một ly rồi bắt đầu nói lảm nhảm.

“Này, ông bạn già. Cảm ơn vì ly bia nhé.” ông già nhỏ bé ngồi bên cạnh ông ta nói.

“Khi say ông ấy chỉ nói thôi. Không nghe thấy gì hết.”, ông chủ quán nói, “Có hét vào tai ông ấy cũng vô ích thôi.”

“Chúng ta là những chàng trai rẻ tiền.” ông già ngồi trong góc nói giọng đầy hân hoan như thể ông ta vừa tìm lại được cụm từ đã đánh mất sau một thời gian dài. “Chúng ta rất rẻ tiền.” Ông ta kéo dài từ “rất” một cách sung sướng. “Hết sức rẻ tiền. Rẻ tiền. Hết sức rẻ tiền.”

Ông chủ quán nướng một con mực tươi. Mùi mực nướng hơi khen khét thơm lừng khắp phòng. Ông ta đặt con mực trên đĩa, rắc một ít gừng thái nhỏ lên trên, rồi cắt ra làm sáu khúc. Mỗi khúc cho vào một cái đĩa nhỏ rót sẵn soyu. Ông mời mỗi người một khúc.

“Cái này miễn phí.” ông ta cười hiền lành.

Lâm quết một ít wasabi lên rồi bỏ cả khúc mực nướng vào miệng. Một cảm giác cay xộc lên mũi khiến anh trào nước mắt. Phía trong góc, ông già vẫn tiếp tục lảm nhảm nhưng lúc này giọng ông ta, có lẽ do mệt, đã nhỏ hơn nhiều; nó gần như là những tiếng thì thầm vậy.

Uống xong hai chai bia, Lâm thanh toán tiền rồi bước ra khỏi quán. Trời về đêm lạnh và yên tĩnh. Thật khó mà tưởng tượng được đây là một khu phố náo nhiệt lúc ban ngày. Lâm rảo bước bên lề đường vì không có vỉa hè. Anh cảm thấy có cái gì đó đang mất đi. Ở giữa khu phố lạnh giá này. Ở trên đất nước xa lạ này. Ở trong quán rượu với những người đàn ông đang say. Ở trên con đường với những cột điện thẳng tắp.

Lâm dừng lại bên máy bán thuốc lá tự động, đút tờ một ngàn yên vào. Đột nhiên, có một giọng nói từ phía sau: “Này, chàng trai!”

Lâm giật mình quay lại. Là người đàn ông ngồi cạnh anh lúc nãy trong quán rượu. Ông ta nhe răng cười, vỗ vai anh: “ Gambate ne!!! [1] ” Rồi ông ta lảo đảo bước đi trong bóng tối.

Nagoya 01/2006

Thuyết tiến hóa ngược

Ngày mai, tôi có một bài thi vấn đáp vào lúc chín giờ sáng. Chắc chắn đây là một bài thi khó khăn, mười giáo sư sẽ hỏi tôi. Những câu hỏi của họ, theo như cảnh báo của thầy tôi, hoàn toàn không thể đoán trước được. Bây giờ là chín giờ tối, còn mười hai tiếng đồng hồ nữa; tôi chẳng biết nên làm gì. Đằng nào mọi sự chuẩn bị cũng chỉ là vô ích, bởi những câu hỏi của các vị giám khảo sẽ đến theo cách bất ngờ nhất, không ai lường trước được.

Môn học của chúng tôi có lẽ trên thế giới không nơi nào có. Tên của nó rất đặc biệt: hybrid. Tất nhiên là không có textbook; đã rất nhiều lần tôi dùng google hy vọng sẽ tìm được một trường đại học nào đó dạy cái course dở hơi này nhưng hoàn toàn vô vọng. Môn “hybrid” do mười ông giáo trong trường dạy. Mỗi ông dạy một buổi. Mười ông mười chuyên ngành, chẳng liên quan gì đến nhau. Buổi đầu tiên, chúng tôi học Khoa học vật liệu. Buổi thứ hai, Khoa học máy tính. Buổi thứ ba, Sinh học phân tử. Buổi thứ tư, Vật lý lý thuyết. Buổi thứ năm, Sự hình thành các nền văn minh. Buổi thứ sáu, Hóa học phân tử. Buổi thứ bảy, Lịch sử những học thuyết kinh tế. Buổi thứ tám, Toán học cao cấp. Buổi thứ chín, Công nghệ nano. Buổi thứ mười, Thuyết tiến hóa ngược.

Buổi đầu tiên, thầy giáo của tôi dạy. Thầy tôi là một người kỳ quặc. Ông luôn thể hiện mong muốn làm những điều đặc biệt. “Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta giống như những người khác. Chúng ta sinh ra là những kẻ duy nhất trên thế giới này và cuộc đời chúng ta phải thể hiện sự duy nhất đó.” Ông thường nói vậy và kết luận. “Nếu chúng ta không thể hiện được sự duy nhất đó, chúng ta hoàn toàn chẳng có lý do gì để tồn tại”. Môn “ hybrid” do ông đề xuất. Lý do của đề xuất đó chắc cũng có phần nào liên quan đến cái philosophy kỳ cục trên.

“Các bạn có mặt ở đây hôm nay để học một môn học đặc biệt mà có lẽ ngoài trường ta chẳng có nơi nào trên thế giới có.” Ông mở đầu một cách trịnh trọng. “Môn học này là tổng hợp của mười chuyên ngành khác nhau. Các buổi học sẽ độc lập với nhau nhưng chúng đều nằm trong một tổng thể. Thế giới này là một tổng thể trong đó mỗi cá thể nhìn bề ngoài có vẻ như tồn tại độc lập nhưng thực chất chúng có những mối liên hệ vô hình mà thông thường chúng ta hay bỏ qua. Mục đích của môn học này là nhằm cung cấp cho các bạn một cái nhìn toàn diện về các cá thể để từ đó các bạn sẽ tìm ra được mối liên hệ giữa chúng. Những mối liên hệ này hoàn toàn bí mật. Không có đáp án. Bản thân tôi, người đề xuất môn học này, cũng hoàn toàn không biết gì về những mối liên hệ ấy.”

“Vậy làm thế nào để đánh giá trình độ của học viên” – cậu sinh viên người Nhật nhuộm tóc vàng hoe thắc mắc – “khi chúng ta không có một đáp án rõ ràng.” Thầy tôi mỉm cười. Ông luôn mỉm cười trước những câu hỏi, đó gần như là một thói quen bắt buộc đối với ông mà dần dần chúng tôi bị ảnh hưởng; chúng tôi luôn cố gắng mỉm cười trước những câu hỏi, mặc dù rõ ràng cái sự mỉm cười của chúng tôi, cũng giống như của thầy tôi, thường chẳng ăn nhập gì với câu hỏi.

“Chúng tôi sẽ đánh giá dựa trên sự hài lòng của các giáo sư đối với thái độ tiếp nhận của các bạn.” Ông nói với vẻ bí hiểm không che đậy. “Sự hài lòng, đương nhiên, chỉ là một trong những tiêu chí, song nó là tiêu chí quan trọng nhất.”

Rồi ông bắt đầu bài giảng. Cả lớp học có lẽ chỉ có mình tôi hiểu điều ông đang nói, những đứa còn lại học chuyên ngành khác hẳn là không thể hiểu được những kiến thức thuộc một ngành hẹp, hay nói đúng hơn nó chỉ đơn thuần là một đề tài nghiên cứu của ông. Ông còn biết nói gì hơn nữa; nhiều năm nay, ông chỉ nghiên cứu vấn đề này và ngoài nó ra ông chẳng quan tâm đến những cái khác. Cứ thế, ông nói mãi về một đề tài, có lẽ định hy vọng rằng từ đó chúng tôi sẽ khái quát được vấn đề. Khoảng mười lăm phút sau khi bài giảng bắt đầu, trừ tôi ra tất cả sinh viên trong lớp đều ngủ gật. Tựa lưng vào thành ghế tạo thành một tư thế chắc chắn, cằm tỳ vào ngực, bọn chúng say sưa ngủ.

Buổi học thứ hai thì đến lượt tôi ngủ. Lúc đầu tôi nhìn chằm chằm vào ông giáo sư, cố gắng nghĩ xem ông ta đang nói gì nhưng chỉ được một lát rồi tôi bỏ cuộc. Bài giảng của ông chậm rãi, đều đều như bản tin CNN; tôi lim dim mắt và ngủ lúc nào không biết. Trong giấc mơ, tôi thấy mình dự đám cưới cô bạn gái học hồi cấp hai. Cô mặc váy trắng, trùm khăn voan trắng, đi giày trắng và khuôn mặt đánh phấn trắng bệch giống như một con bù nhìn. Đi bên cạnh cô, chú rể mặc toàn đồ đen, màu đen nhiều đến mức nó lấn át toàn bộ màu sắc khác trên người anh ta khiến tôi không thể nhìn rõ mặt. Cô dâu mỉm cười nhìn tôi.

Khi chuông đồng hồ kết thúc giờ học vang lên, tôi tỉnh giấc và chỉ còn nhớ được giấc mơ đến chi tiết cô dâu mỉm cười. Và đến lúc đó tôi mới chợt nhận ra rằng trên thực tế bạn tôi đã chết vì tai nạn giao thông năm mười lăm tuổi. Khuôn mặt bạn bị biến dạng đến mức người ta phải phủ lên nó một mảnh vải trắng; nhìn qua nắp kính quan tài, tôi thậm chí không thể hình dung ra khuôn mặt trước kia. Nó vĩnh viễn mất đi trong ký ức của tôi kể từ đó. Buổi học thứ ba, tôi tiếp tục giấc mơ về cô bạn học, chỉ có điều lúc này trong giấc mơ tôi đủ tỉnh táo để biết rằng đây là một giấc mơ và rằng thực tế bạn tôi đã chết từ mười lăm năm trước; tôi bắt buộc phải mơ, giống như trong một đường hầm không lối thoát người ta bắt buộc phải đi dẫu biết rằng đó là một việc không có kết quả. Trong giấc mơ lần này, bạn tôi sinh con, một bé trai kháu khỉnh. Thằng bé khóc ré lên khi tôi bế nó. Tôi đành phải đặt nó xuống và hốt hoảng nhận ra trên lưng nó có một vết chàm in hình bàn tay của tôi. Được một lúc, tôi trấn tĩnh lại và tự nhủ: “Không việc gì phải sợ cả.” Đây chẳng qua chỉ là một giấc mơ, cô bạn tôi đã chết từ năm mười lăm tuổi, do đó cô ta không thể lấy chồng và đương nhiên cũng chẳng thể có con. Từ những suy luận có tính logic như vậy, tôi kết luận rằng vết chàm trên lưng thằng bé là không có thật bởi bản thân thằng bé chẳng hề tồn tại.

Những buổi học tiếp theo, giấc mơ cứ ngắn lại hay nói đúng hơn là ký ức của tôi về giấc mơ bị ngắn lại và kể từ buổi học thứ sáu trở đi, khi tỉnh dậy tôi không thể biết được giấc ngủ vừa qua tôi có mơ hay không. Và cũng kể từ buổi thứ sáu trở đi, tôi không còn phân biệt được sự khác nhau giữa những buổi học. Buổi học thứ sáu, thứ bảy, thứ tám và thứ chín giống hệt nhau, tôi ngồi xuống ghế, lim dim mắt và ngủ. Những giấc ngủ giống hệt nhau, bởi chúng không có những giấc mơ đi kèm. Buổi học thứ mười thì tôi hoàn toàn tỉnh táo, có thể là do cái ý nghĩ đây là buổi học cuối cùng và nó hẳn phải quan trọng hơn những buổi học khác, mà cũng có thể là do cách giảng bài của ông giáo dậy môn này. Đó là một ông già bé nhỏ, trán hói, mắt híp, lông mày rậm và dài; ông có nụ cười khô khốc. Ông nói rằng ông hoàn toàn không biết gì về môn này, người ta đã ép ông phải dậy nó, họ thậm chí chẳng quan tâm đến chuyên ngành của ông. Rồi ông kể về thời kỳ gian khổ ông dạy học trên Tokyo. Ông kể ông đã mệt mỏi như thế nào trong lúc ngồi đợi người ta cất nhắc ông lên full professor. Ông kể đời sống ở Tokyo trong những năm ấy khó khăn ra sao. Ông kể về căn phòng hẹp nơi vợ chồng ông và hai đứa con ở, mỗi khi có khách, mọi người, cả chủ nhà lẫn khách, đều cảm thấy lúng túng. Ông kể về những buổi chiều ngồi trên tầu điện ngầm, ông cố nhớ tên một người bạn cùng lớp đại học nhưng không sao nhớ nổi. Cứ như thế, ông kể lan man những câu chuyện dây cà dây muống, những câu chuyện chẳng có đầu mà cũng chẳng có đuôi; chúng nối tiếp nhau bằng những liên hệ rối rắm. Buổi học kết thúc và chúng tôi quên không hỏi ông thuyết tiến hóa ngược là gì. Mà có khi, ông cũng chẳng biết.

Lúc này là mười một giờ, đã hai tiếng trôi qua. Tôi xem tivi nhưng không sao tập trung để có thể nghe trọn một bản tin. Có lẽ do tôi quá lo lắng về bài thi ngày mai? Tương lai của tôi phụ thuộc rất nhiều vào kết quả bài thi này, thầy giáo tôi nói vậy nhưng ông không cho biết cụ thể. Ông chỉ mập mờ nói rằng người ta sẽ không đánh giá khả năng của tôi dựa trên một bài thi nhưng bài thi này lại quan trọng đối với tôi. Cảm giác lo lắng mỗi lúc một rõ rệt khiến tôi cảm thấy khó chịu đến mức tôi đành phải tắt tivi, lên giường nằm.

Nằm mãi không ngủ được, tôi nghĩ về môn Thuyết tiến hóa ngược. Không hiểu ai nghĩ ra cái tên đó. Không lẽ lại là thầy tôi? Liệu khi đặt cái tên như vậy, ông có nghĩ đến một bằng chứng xác thực nào cho cái lý thuyết tưởng tượng ấy không hay chỉ đơn thuần bằng trực giác ông tin rằng có sự tồn tại những quá trình vận động ngược khiến cho mọi vật trở lại cái thuộc về bản thân nó trước kia. Ngày trước, ông ngoại tôi cũng có kể một câu chuyện, chẳng biết có thật hay không, nhưng nếu xem xét một cách kỹ lưỡng thì nó có thể là một chứng tích của quá trình tiến hóa ngược.

Ông tôi kể rằng khoảng bảy mươi năm về trước, làng chúng tôi đang ở hiện nay nằm cạnh một khu rừng. Để đi chợ người ta phải băng qua khu rừng, nơi cây cối khá rậm rạp, có khá nhiều rắn rết và thú dữ; thậm chí người ta còn đồn rằng có một bọn thảo khấu ẩn nấp trong khu rừng nhưng hành tung của bọn chúng khá bí mật. Hồi đó, ở làng có một thiếu phụ đi qua khu rừng vào lúc nhập nhoạng tối và bị một bầy khỉ cưỡng hiếp – theo lời kể của thiếu phụ thì những kẻ cưỡng hiếp bà có vẻ là bầy khỉ hơn là bọn cướp; tuy nhiên do trời nhập nhoạng tối nên khó có thể khẳng định một cách chắc chắn. Sau đó, người thiếu phụ mang bầu và vấn đề trở nên phức tạp trong việc xác định ai là cha của đứa trẻ trong bụng bà vì tối hôm trước bà đã ngủ với chồng. Thiếu phụ sinh đôi, một đứa chết ngay từ lúc lọt lòng, người nó toàn lông lá có phần giống khỉ, chi tiết này khiến cho lời kể bà ta bị khỉ hiếp có phần thuyết phục hơn; một đứa thì khỏe mạnh. Đứa trẻ ấy phát triển bình thường nhưng khuôn mặt của nó luôn ẩn chứa nét u buồn như thể đang tìm kiếm một cái gì đó đã mất. Nó không có bạn bè và luôn tìm cách xa lánh mọi người. Năm hai mươi tuổi, nó chết. Đầu tiên, nó sốt cao, mặt đỏ bừng, da mọc vẩy, rồi tróc ra, sau đó mọc đầy lông; chân ngắn lại, tay dài ra. Đến lúc tắt thở thì nó hoàn toàn giống một con khỉ. Người ta phải phủ vải trắng khắp người nó để che lông, chỉ chừa lại hai cái lỗ để có thể nhìn thấy hai mắt nó đã nhắm nghiền và từ đó họ có thể phân biệt được đâu là đầu, đâu là chân để đặt vào quan tài cho đúng. Câu chuyện này, chẳng biết có thật hay không, được ông tôi kể lại một cách say mê như thể ông là người chứng kiến toàn bộ sự kiện kể từ lúc người đàn bà bị đàn khỉ hiếp cho đến khi gã thanh niên hai mươi tuổi qua đời.

Tôi nằm trên giường trong bóng tối, thấy thoải mái hơn dù rằng cảm giác lo lắng vẫn còn nguyên vẹn. Căn phòng này mang cho tôi cảm giác an toàn, luôn luôn là như vậy. Ở trường, tôi thường ở trong một tư thế sợ hãi rằng thầy tôi có thể đột nhiên đòi gặp tôi rồi đưa ra một yêu cầu vượt quá khả năng của tôi hoặc chỉ trích tôi đã không tuân thủ những nguyên tắc của ông, những nguyên tắc mà trong nhiều tình huống chúng hoàn toàn không thể tuân thủ được. Hơn nữa, ở đây tôi luôn cảm giác tự do cá nhân của tôi bị vi phạm nghiêm trọng, dường như ai đó đang rình mò tôi. Mọi hành vi, cử chỉ của tôi ở trường, nếu không để ý cẩn thận, sẽ gây bất lợi cho công việc, cho tương lai của tôi. Trong khi đó, ở căn phòng của ký túc xá, không ai làm phiền tôi. Tôi thường hay tắt đèn, nằm yên trên giường trong căn phòng tối om và cố gắng không suy nghĩ gì cả. Thực ra chẳng bao giờ tôi đạt được trạng thái không-suy-nghĩ-gì-cả nhưng dù sao nằm yên trên giường, cố gắng tự an ủi rằng ngày mai muốn ra sao thì ra cũng khiến tôi dễ chịu hơn. Từ hồi sang đây, thời khắc hạnh phúc nhất luôn là thời điểm trước khi lên giường đi ngủ. Trước khi đi ngủ, tôi thường cố gắng không nghĩ về tương lai, những ý nghĩ như vậy thường làm cho người ta hoặc phấn khích hoặc mệt mỏi dẫn đến chứng mất ngủ. Nhưng không thể không nghĩ ngợi gì; bởi thế, tôi thường nghĩ về quá khứ; bởi nó không thể thay đổi được nên nó mang lại cảm giác an toàn. Tôi bật điều hòa, tắt đèn, đóng kín phòng, kéo rèm thật kỹ để không môt tia sáng dù là nhỏ nhất có thể lọt vào, rồi đông cũng như hè, trùm kín chăn qua đầu cho đến khi cảm thấy bóng tối hoàn toàn tràn ngập không gian xung quanh, tôi mới từ từ mở chăn ra. Cảm giác dễ chịu bao trùm trong tôi sẽ kéo dài cho đến khi tôi chìm vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ, tôi hay gặp ác mộng. Những cơn ác mộng không kéo dài hoặc cũng có thể chúng kéo dài nhưng tôi không nhớ nổi. Chẳng hạn, có lần tôi mơ rơi xuống một cái giếng và gặp một chuyện khủng khiếp nhưng cụ thể chuyện khủng khiếp ấy là chuyện gì thì tôi không nhớ, chỉ biết rằng nó rất kinh hoàng, kinh hoàng đến mức dù không nhớ được những chi tiết, tôi vẫn nhớ được rằng trong giấc mơ mồ hồi ướt đầm trên mặt. Hay một lần khác tôi mơ thấy mình trở về những năm học cấp ba, bạn bè vẫn thế nhưng thầy giáo tôi lại là ông thầy hiện nay ở Nhật; tôi không nhớ rõ trong giấc mơ, tôi đã phạm một sai lầm gì đó và ông đã đuổi tôi ra khỏi trường. Cứ như vậy, những cơn ác mộng xuất hiện thường xuyên, không thể kiểm soát, không thể đoán trước; chúng khiến toàn thân tôi cứng nhắc như bị cùm.

Tôi không biết mình ngủ lúc mấy giờ, có lẽ lúc hai giờ sáng. Khi tôi tỉnh dậy, trời đã sáng. Tôi nhìn đồng hồ, mười giờ kém hai mươi. Bài thi đã bắt đầu cách đây bốn mươi phút. Đã quá muộn. Tối hôm qua, tôi quên đặt chuông đồng hồ. “Đằng nào cũng không thể thay đổi được nữa rồi. Chẳng việc gì phải vội vã.” – tôi thầm nghĩ và bật máy tính check mail như mọi ngày. Trong lúc chờ đợi máy tính khởi động, tôi ngồi suy tính cách đối phó với thầy tôi. Tôi không thể nói rằng tôi không dự thi là do ngủ dậy muộn. Cách tốt nhất bây giờ là giả vờ ốm. Tôi sẽ giả vờ mắc một chứng bệnh gì đó. Người ta không thấy tôi lên lab làm việc. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày. Họ sẽ mò vào phòng tôi và thấy tôi nằm liệt giường. Họ sẽ đưa tôi đi bệnh viện. Họ sẽ bày tỏ sự thương cảm đối với tôi. Sẽ chẳng còn ai quan tâm đến việc tôi vắng mặt trong buổi thi. Một kế hoạch hoàn hảo. Bị ốm là một cái cớ tốt. Không ai có thể khiển trách tôi chỉ vì tôi bị ốm.

Cảm thấy phấn chấn, tôi mở hộp thư ra và kinh ngạc vì nhận được một cái mail đề ngày nhận là ngày mai. Nhìn lại trên máy tính, tôi càng ngạc nhiên hơn vì ngày thi thực tế đã diễn ra hai ngày trước đây. Thời gian theo ghi nhận của tôi hóa ra đã bị chậm mất hai ngày. Vấn đề là nó bắt đầu bị chậm từ bao giờ? Từ khi nào trong ý thức của tôi, ngày mai hóa ra lại là ngày hôm qua? Chắc hẳn nó mới xảy ra gần đây vì cách đây sáu tháng, tôi mới dự một hội nghị; trong hội nghị đó, tôi đã trình bày kết quả nghiên cứu của mình vào đúng thời điểm được ấn định sẵn. Như vậy, tại thời điểm diễn ra hội nghị, cách đây sáu tháng, thời gian trong ý thức của tôi trùng với thời gian thực. Sau hội nghị, tôi về nhà và bắt đầu làm việc như bình thường và trong khoảng thời gian đó, có một lúc nào đó ý thức của tôi đã quên mất hai ngày trôi qua.

“Tốt nhất, nên bắt đầu từ ngày hôm qua” – tôi tự nhủ – “nếu không mình sẽ bị rối trí.” Đầu tiên, hãy giả thiết rằng giấc ngủ của tôi không thể kéo dài đến hai ngày. Điều này hoàn toàn hợp lý. Làm gì có ai ngủ đến bốn mươi tám tiếng đồng hồ, nhất là trong suốt bốn mươi tám tiếng đó lại không cảm thấy đói. Bây giờ tôi chỉ thấy hơi đói, mà cái đấy là hiển nhiên vì sáng nào tỉnh dậy tôi cũng cảm thấy hơi đói. Nếu tôi nhịn bốn mươi tám tiếng đồng hồ thì có lẽ lúc này tôi đã lả người vì đói mất rồi. Vậy hãy bắt đầu từ sự kiện gần đây nhất. Đầu tiên là giấc ngủ. Trước khi đi ngủ, tôi nghĩ về thuyết tiến hóa ngược và câu chuyện ông ngoại tôi kể ngày trước. Rồi trước đó, tôi không ngủ được; tôi nằm trên giường. Trước khi nằm trên giường, tôi xem tivi. Rồi gì nữa nhỉ? Trước khi xem tivi, tôi đã làm gì? Có thể, tôi đã ăn cơm. Chắc vậy. Vì ngày nào tôi cũng xem tivi sau khi ăn tối. Có lẽ tối qua cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi ăn cơm, hẳn tôi phải nấu ăn. Ngày hôm qua, hình như tôi xào mực vì tôi nhớ là sau khi nấu ăn xong tôi phải rửa tay bằng xà phòng cho hết mùi tanh. Mùi tanh cũng có thể từ món cá, nhưng nếu như tôi ăn cá, thì bây giờ trong thùng rác hẳn phải có xương; tôi đã kiểm tra thùng rác và chẳng thấy gì. Vậy là tôi không ăn cá, mà ăn mực. Trước khi ăn tối, tôi xào mực. Trước khi nấu ăn, tôi đã làm gì nhỉ? Có lẽ, trước khi về nhà nấu ăn, tôi đã làm việc trên lab. Thường tôi kết thúc công việc lúc bảy rưỡi tối, sau đó tôi về nhà. Tôi sẽ mở tủ lạnh lấy một phần đồ ăn trong ngăn đá cho vào lò vi sóng; ngăn đá là nơi chứa thức ăn dự trữ cho cả tuần mà tôi thường mua vào ngày chủ nhật. Phải, ngày nào tôi cũng làm như thế, không có ngoại lệ. Ngày hôm qua chắc cũng vậy. Vậy là hôm qua, tôi làm việc trên lab cả ngày. Rồi kết thúc lúc bảy rưỡi. Rồi về nhà nấu ăn. Rồi ăn cơm. Rồi xem tivi. Rồi lên giường. Rồi nghĩ về thuyết tiến hóa ngược. Rồi đi ngủ. Vậy tôi đã làm gì ở lab? Tôi làm việc, tất nhiên. Ngày nào cũng như ngày nào, tôi làm việc. Thường tôi bắt đầu lúc tám giờ sáng. Hôm qua, chắc cũng thế. Không thể muộn hơn. Vậy thì trước tám giờ ngày hôm qua, tôi đã làm gì? Chắc tôi check mail. Khi ngủ dậy, đầu tiên tôi sẽ đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh, rồi check mail. Phải, tôi check mail. Như vậy, nếu hôm qua, có ai gửi mail cho tôi và tôi xem ngày thì tôi sẽ biết là mình bị chậm mất hai ngày. Nhưng vấn đề là gần một tháng nay chẳng ai gửi mail cho tôi, mà hơn nữa, nếu họ có gửi thì tôi cũng chẳng để ý đến ngày ghi trên cột Received của chương trình Outlook. Như vậy là những sự kiện ngày hôm qua chẳng mang lại một thông tin khả dĩ nào để từ đó tôi có thể dò được thời điểm mà ý thức về thời gian của tôi không còn chính xác nữa. Mà ngày hôm kia cũng vậy vì ngày hôm kia, xét cho cùng, cũng chẳng khác gì ngày hôm qua. Nhưng ngày hôm kia lại là ngày thi. Vậy thì trong ngày thi đó, tôi đã làm gì? Mọi ngày tôi vẫn làm việc. Nếu hôm nào có buổi thi, tôi sẽ vắng mặt trong thời gian thi. Vấn đề là ở chỗ ngày hôm kia, tôi có đi thi hay không? Thực sự, tôi không nhớ vì nếu nhớ thì tôi đã không nhầm ngày thi là ngày hôm nay. Như vậy, có thể kết luận là tôi đã không đi thi. Nhưng kết luận như vậy kể ra cũng hơi vội vã và có phần vô lý, bởi nếu ngày hôm kia, tôi không đi thi thì thầy tôi sẽ phát hiện ra và ông sẽ khiển trách tôi. Nhưng biết đâu ông lại cố tình im lặng trước lỗi lầm của tôi, ghi nhớ nó để rồi đến một ngày nào đó không xa, mặc dù tôi chẳng biết cái ngày đó là ngày nào và liệu nó có tới hay không nhưng nói chung thầy tôi chẳng bao giờ quên những lỗi lầm của tôi, ông sẽ gợi lại chuyện cũ như một lời đe dọa. Bây giờ có lẽ chỉ có thầy tôi mới thực sự biết tôi có thi hay không. Không lẽ lại hỏi ông? Nếu hỏi vậy, ông sẽ có ấn tượng rất không tốt về tôi. Làm sao có thể có ấn tượng tốt với một sinh viên thậm chí không nhớ nổi mình có đi thi hay không. Không, tôi không thể hỏi ông. Vậy làm thế nào để biết được thực sự tôi đã dự thi hay không? Có lẽ nên chờ kết quả thi. Nếu tôi không dự thi, tôi sẽ không có điểm. Mà không, điều này cũng không khả thi. Kể từ đầu học kỳ, theo quyết định của ông hiệu trưởng mới, mọi kết quả thi của sinh viên, bất kể trượt hay đỗ, đều được giữ bí mật.

Nagoya 09/2005

Sự khởi đầu của ký ức

Bây giờ trong hình dung của y, nơi ấy sặc mùi xú uế. Y đã phải chịu đựng nó trong rất nhiều năm. Ở nơi ấy, y đã phải tranh giành thức ăn với những con giun đũa và đám sán lợn. Bọn chúng mới háu ăn khiếp làm sao. Thức ăn nào có ngon lành gì cho cam. Chỉ là một thứ chất lỏng sền sệt, bắt đầu lên men, mùi chua chua nồng nồng. Ngày nào y cũng phải chịu đựng những tiếng đập thình thình, lẫn trong đó là cái âm vang chát chúa như tiếng quai búa ở lò rèn. Y phải hít hà cái luồng khí hôi hám, nóng hầm hập phụt ra từ cái ống phía trên đầu y. Cuộc sống của y bị đầu độc từng giây và cứ thế nó kéo dài liên miên hàng thế kỷ. Ôi, cái lũ rác rưởi, bệnh hoạn ấy đã hành hạ y. Bọn chúng viện những lý lẽ cao cả, thiêng liêng, rối rắm và rỗng tuếch để hành hạ y. Bọn chúng vỗ về y, dọa nạt y, an ủi y, thông cảm với y và cưỡng bách y. Tất cả chỉ để cho một thông điệp duy nhất mà bọn chúng muốn y thực hiện: hãy tiếp tục chịu đựng. Y còn phải chịu đựng cho đến khi nào nữa? Y đã phải chịu đựng sự khủng khiếp này đã bao lâu rồi? Y không còn muốn nhớ nữa.

Bây giờ người ta dẫn y ra khỏi nơi ấy. Chặng khởi đầu của hành trình là một đường ống tối tăm và chật hẹp. Tối như bưng nên y chẳng nhìn thấy gì hết. Y vấp ngã dúi dụi. Họ lại kéo y lên bắt y đi tiếp. Y chẳng muốn đi nữa. Y muốn kết thúc ở đây. Nhưng họ không đồng ý. Y giả vờ ngất đi nhưng họ biết sự giả vờ ấy. Họ dội lên đầu y những gáo nước lạnh và thế là không chịu đựng được nữa, y đành phải đứng dậy. Trong bóng tối y đã nhìn thấy cái viễn tượng đau buồn ấy. Y nhìn thấy y nằm cô đơn trên một chiếc giường lớn. Khuôn mặt y già nua và khắc khổ. Đám con cháu vây quanh y. Bọn chúng thì thào những chuyện gì gì ấy, y không nghe được. Cái lũ con cháu thối tha ấy. Chúng nó im lìm chờ đợi giờ phút y lìa đời hệt như cái ngày y chờ đợi đứa con đầu lòng của y ra đời. Y đã phải chầu chực rất lâu ở bệnh viện, rất lâu rồi cũng đến cái thời khắc y nhìn thấy cái thằng bé đỏ hỏn. Trông nó thật nhầy nhụa. Lúc ấy trong lòng y thật dửng dưng. Y nuôi nó lớn lên. Y muốn nó phục tùng ý chí của y như y đã từng phục tùng ý chí của cha y. Y muốn đặt dấu ấn tinh thần của y lên cuộc đời của nó nhưng y đã không làm được điều đó. Còn cha y, ông ấy đã thành công. Ông ấy đã đặt cái dấu ấn tính cách của ông ấy lên cuộc đời y. Ngay cả khi cha y chết đi, cái dấu ấn ấy vẫn còn nguyên vẹn và càng ngày nó càng rõ rệt hơn.

Y xúng xính trong bộ veston mới. Y cùng vợ y đi lại quanh bàn tiệc để nghe họ nói những lời lẽ tốt đẹp mà y biết rõ mười mươi là giả dối. Y thấy mình thật hạnh phúc khi được sống trong bầu không khí giả tạo êm đềm ấy. Hơn bao giờ hết, y cảm thấy rõ tính thiết thực của sự giả tạo. Trong lòng y dâng lên khao khát muốn hòa mình vào đám đông cuồng ngộ kia vì y biết rõ chỉ khi đó y mới quên hết được những nỗi cô đơn mà y sẽ còn phải chịu đựng lâu dài. Một sự kết hợp lâu dài nằm trong ý nguyện của Thượng đế, họ đã nói như vậy và y tin vào điều ấy như tin vào ngữ nghĩa của ngôn từ. Ngoài cái đó ra, chẳng còn gì hết.

Y nhớ đến những buổi sáng, y thức dậy trong sự cương cứng, sự cương cứng làm ý chí y tê liệt. Những khao khát tình dục dày vò y, khiến y cảm thấy nhức nhối một cách mơ hồ. Mắt nhắm mắt mở, y lò dò đi ra chỗ vòi nước, vò cái khăn mặt trong dòng nước lạnh chảy ra từ cái vòi. Trong thoáng chốc, y bước lần theo dòng hồi ức của thủa xa xưa khi y vẫn còn là một thằng bé lên mười. Khi ấy, rửa mặt xong, y quay vào nhà, nhìn thấy thân thể mẹ y trần truồng nằm bên cạnh một gã đàn ông xa lạ. Gã đàn ông ấy mang hình hài của cha y nhưng ở thấp thoáng nơi tiềm thức y biết rằng gã không phải là cha y. Kể từ đó, y bị chứng tâm thần phân liệt hành hạ. Y thường xuyên có cảm giác mình đang sống trong một thế giới khác, một thế giới còn thực hơn rất nhiều cái thế giới mà y đang sống. Thế giới ấy không bị biến dạng như cái thế giới hiện tại. Trong thế giới ấy, tất cả mọi người đều là những người hùng. Y cũng là một người hùng, y biết rõ điều đó. Bác sĩ bảo rằng y bị chứng rối loạn lưỡng cực. Y thấy buồn cười vì cái thuật ngữ ngớ ngẩn ấy. Ông ta đâu biết rằng y đang sống trong một thế giới khác. Lẽ ra, y chỉ nên sống trong cái thế giới ấy thôi nhưng thi thoảng y lại nghe thấy những tiếng thầm thì vọng về từ thế giới thực và khi đó một nỗi nhớ nhung bất chợt dâng lên, nó dày vò lý trí y, nó khiến cho y day dứt khôn nguôi, để rồi không thể chịu đựng được nữa, y đành phải quay về với thế giới thực. Ôi, cái thế giới thực đáng nguyền rủa ấy.

Những cơn đau nơi mạn sườn đến bất thình lình giống như những cú thụi vô hình luôn đến vào những thời điểm người ta mất cảnh giác nhất. Y cảm thấy một vị chua chua nơi đầu lưỡi. Rồi những cú ợ chua liên tiếp xộc lên miệng y. Y nghe rõ tiếng quả tim của y đập thình thịch, nghe rõ cả dòng chảy róc rách của những mạch máu. Y cảm thấy cơn đau quặn trong bụng, nó bắt đầu từ dạ dày đi xuống ruột non, rồi chạy qua manh tràng tới ruột già, cuối cùng nó dừng lại ở hậu môn và từ đó chảy ra một dòng phân lỏng sền sệt có mùi khắm lặn. Y thấy mình đang bay trong một không gian đặc quánh màu vàng. Nhìn xung quanh, y thấy những cục phân đang lờ đờ trôi trong cái không gian đặc quánh ấy, chỉ khi ấy y mới hiểu rằng y đang sống trong một thế giới toàn phân. Đây có lẽ là một cái bể phốt khổng lồ. Điều kỳ lạ là y chẳng ngửi thấy mùi gì hết. Hay là mũi y bị điếc nhỉ? Những cục phân vẫn cứ lờ đờ trôi, thỉnh thoảng gặp một dòng nước xoáy, chúng bị xé nát ra thành những mảnh vụn giống như khi người ta xả nước toilet. Rồi một cơn xoáy rất lớn ập đến, nó toan xé vụn người y như xé vụn một cục phân. Người y xoắn lại, hai tay mềm nhũn, chân của y bị bẻ gập cong theo dòng xoáy. Trong khoảnh khắc, y thấy người dài ra, bẹp lại, rồi lại dài ra, bẹp lại. Một không gian tối tăm bao trùm lấy y. Từ chỗ ấy, y lại tiếp tục hành trình trong một mê lộ khác.

Đầu tiên, y thấy mình trong hình hài của một đứa bé con bị nhốt trong nhà, y nhìn thế giới qua những song cửa sổ làm bằng gỗ xoan, y lặng lẽ ngắm nhìn cơn mưa bong bóng, y nhìn thấy một đoàn người đi theo hàng dài, họ khoác trên mình những tấm áo mưa được cắt ra từ những mảnh nylon trắng đục. Y khoan khoái ngắm nhìn cảnh tượng ấy nhưng rồi đột nhiên cái nhìn của y bị lôi tuột xuống cống, như thể có một sợi cáp quang vô hình đã bẻ cong luồng sáng rọi vào hai con mắt y, dẫn lối tầm nhìn của y giống như sợi chỉ của nàng Ariane dẫn chàng Thésée đi trong mê lộ. Y nhìn thấy những con chuột bơi lóp ngóp, những con cá săn sắt đã chết, bụng nổi trương phềnh, những con nhái bén mắt lơ láo như những hạt đậu xanh. Cái nhìn của y giống như một con giun đũa bò dọc theo con đường ngoằn ngèo của hệ thống cống ngầm thành phố, cứ đi được một đoạn, nó lại bị tắc trong đám lá khô, những cái túi nylon, những mảnh bìa carton, những cái băng vệ sinh vẫn còn nguyên vệt máu, những mảnh gỗ nhỏ, trên ấy có ghi những ký hiệu kỳ quặc và khi đó, ngay lập tức nó bị đánh bật trở lại, rồi nó lại bắt đầu lần mò theo một con đường khác, rụt rè như bàn tay đang lần sờ dọc theo cái đùi; bằng cách đó, nó trôi từ từ ra cửa sông. Từ trên miệng cống lớn, y nhìn thấy một chiếc thuyền rách trôi giữa dòng sông; trên con thuyền rách nát đó, một gã đàn ông trung niên đang cố vượt những con xoáy. Gã đàn ông ấy chính là y. Những con xoáy nối tiếp nhau, y chưa kịp vượt qua con xoáy này thì một con xoáy khác đã ập tới, chúng hành hạ ý chí của y, chúng làm cho y khiếp nhược, chúng muốn biến y thành kẻ thối chí. Nhưng y đâu có chấp nhận điều đó. Trong thế giới này, y là một người hùng. Một người hùng đâu dễ dàng buông xuôi. Y chỉ chịu buông xuôi khi cuối cùng cái mái chèo đã bị cuốn trôi trong cú vật lộn kinh hoàng với một con xoáy lớn. Hai bàn tay nát bươm đang rỉ máu nhưng y cảm thấy hạnh phúc vì cuối cùng thì y cũng tìm được một lý do chính đáng bao biện cho việc buông xuôi con thuyền: y đã hoàn toàn kiệt sức. Một lát sau, con thuyền bị sóng đánh nát. Toàn thân tả tơi, y thả hai tay ra, mặc kệ cho dòng nước làm công việc của nó. Nhưng hóa ra y không bị làm sao cả. Y dạt vào bờ trong bộ dạng của một kẻ thất trận. Y nằm ngửa bên bờ sông, ngắm bầu trời màu trắng nhờ nhờ sau cơn bão. Trên nền trời, y lại nhìn thấy hình ảnh già nua thảm hại của y đang đi trên đường.

Thân thể y đã bị tàn phá nặng nề. Y béo bệu, toàn thân như bị phù thũng, trên đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc. Buổi chiều hôm ấy, y đi bằng những bước nặng nề khó nhọc của một con voi què chân. Con đường từ công viên về nhà vốn không dài lắm, chỉ cần đi qua một con phố, rồi rẽ vào một cái ngõ hẹp, đi thêm một đoạn nữa sẽ tới một ngôi nhà hai tầng, trước sân có một giàn hoa giấy. Nhưng chiều hôm ấy, con đường cứ dài ra, càng đi xa nó càng hẹp lại, ánh sáng yếu dần. Cuối cùng thì y kinh hãi nhận ra rằng y vừa chui tọt vào cái đường ống tối tăm chật hẹp ấy, chính là nơi y đã khởi đầu hành trình của mình. Bây giờ chẳng hóa ra những nỗ lực của y là công cốc hay sao? Y gào lên nhưng nỗi thất vọng cùng cực đã làm cho giọng của y yếu ớt như tiếng phều phào của một người mất tiếng. Chẳng còn lựa chọn nào khác, y lại phải tiếp tục đi theo cái đường ống chật hẹp ấy. Nhưng tận cùng cái đường ống ấy hóa ra lại là một lối thoát; đi được một đoạn, y đã nhìn thấy ánh sáng chói chang ở phía bên kia. Y hớn hở bước nhanh về phía ấy. Vô cùng sung sướng vì cuối cùng cũng thoát khỏi nơi ấy, y òa khóc nức nở. Một quầng sáng chói lòa đập vào mắt y. Rất nhanh, y nhắm mắt lại. Quầng sáng ấy trong thoáng chốc chỉ còn là hư ảnh của ký ức. Y thấy mình rơi xuống một cái hố rất sâu. Từ đáy hố, y nhìn thấy những mặt người lố nhố, họ đang cầm trên tay những nắm đất, lặng lẽ bỏ xuống cái hố.

Nagoya 09/2007

Những số

Đã hơn hai mươi năm nay, bàn tay cha tôi hầu như không thay đổi mặc cho những bộ phận khác trên thân thể ông già đi theo thời gian. Kể từ khi tôi năm tuổi – đó cũng là thời điểm xa nhất trong quá khứ mà tôi còn có thể nhớ được – bàn tay cha tôi đã nổi những đường gân chằng chịt như những đường gờ trên chiếc can nhựa. Bàn tay có lẽ là bộ phận chóng già nhất trên cơ thể, một khi đã già rồi nó sẽ không thể già hơn nữa. Tôi không bao giờ nhìn thấy bàn tay trước kia của cha tôi khi ông còn trẻ. Những tấm ảnh chụp ông hồi đó hầu hết là ảnh bán thân; ngay cả trong những tấm ảnh hiếm hoi chụp toàn thân cũng không có cái nào có hình ảnh bàn tay, hoặc ông đút tay vào túi quần hoặc chắp tay đằng sau như đang cố tình che giấu nó.

Ở quê tôi, người ta tin rằng bàn tay là hình ảnh phóng chiếu của số phận. Thậm chí, có những người chỉ cần nhìn vào bàn tay là họ có nói về quá khứ, hiện tại và tương lai với một độ chính xác đến kinh ngạc. Cha tôi không tin vào số mệnh trong lòng bàn tay. “Bàn tay chỉ có thể cho ta biết về quá khứ”, ông nói, “nó hoàn toàn vô dụng trong việc ước đoán tương lai.”

Mặc dù không phải là một người mê tín nhưng cha tôi lại bị ám ảnh với số. Ông thường nói: “Mỗi số đều có một số phận lệ thuộc. Có những số không thể đứng riêng một mình. Nó luôn phải đi kèm với những số khác.” Có lẽ suy nghĩ đó là khởi nguồn cho hứng thú đặc biệt của cha tôi đối với trò xổ số mặc dù về bản chất ông không phải là người máu mê cờ bạc. Có một thời gian dài, khi kinh tế gia đình tôi còn khó khăn, cha tôi không hề mua một tấm vé số, nhưng điều đó không ngăn cản ông vẫn tỉ mỉ ghi chép kết quả xổ số vào cuốn vở học sinh.

Thực sự, đối với tôi, niềm hứng khởi sâu xa của cha tôi đằng sau cái công việc ghi chép buồn tẻ và vô nghĩa ấy rất khó lý giải. Nó càng trở nên khó giải thích hơn khi tôi tiếp tục công việc bàn giấy của cha tôi sau khi ông về hưu. Đối với tôi, công việc ấy giống như một gánh nặng mà người ta suốt đời phải mang theo. Đứng từ ngoài nhìn vào, người ta sẽ có cảm giác chúng tôi là những kẻ nhàn rỗi, vô tích sự, hầu như không phải làm gì nhưng nếu thực sự làm công việc đó họ sẽ cảm thấy cực kỳ bận bịu và căng thẳng bởi những áp lực vô hình. Chúng tôi quay cuồng giữa những chồng giấy tờ ngày một cao hơn cùng với những đòi hỏi cũng ngày càng phi lý hơn. Để giải quyết cái đống công việc khổng lồ ấy, người ta cần phải có một sức làm việc phi thường mà tôi tin rằng trong số chúng tôi không ai có thể kham nổi. Bởi thế không còn cách nào khác, chúng tôi phải làm công việc đó một cách hời hợt, dửng dưng như thể định mệnh đã quy định như thế rồi, không thể tránh được. Từ góc độ ấy mà suy xét thì khó có thể hiểu được tại sao cha tôi lại có hứng thú với việc ghi kết quả xổ số, một công việc mà theo tôi cũng vô nghĩa không kém gì công việc ông đã từng làm ở cơ quan. Những người khác ở cơ quan, trong đó có tôi, đều có những trò giải trí khác. Chẳng hạn, chúng tôi đánh tá lả hay chơi game – những việc đó ít ra theo tôi còn có mục đích và ý nghĩa rõ ràng hơn công việc bàn giấy hay việc ghi kết quả xổ số.

Cha tôi không phải là người quảng giao. Trong số không nhiều những người bạn của cha tôi, chú Dân có lẽ là một trường hợp hi hữu. Đường chỉ tay của chú Dân ngay từ khi lọt lòng đã có những dấu hiệu đặc biệt. Nó không có bốn đường chỉ tay như người bình thường, thay vào đó đường sinh mệnh, đường tình duyên, đường sự nghiệp, đường sức khỏe hợp thành một vòng tròn rõ nét đến mức nếu nhìn chú khum khum lòng bàn tay người ta sẽ có cảm giác như chú đang nắm số không trong lòng bàn tay.

Hai người gặp nhau lúc họ hai mươi tuổi. Họ làm công nhân khuân vác ở bến Phà Đen. Chú Dân sinh sau cha tôi hai tháng. Hoàn cảnh hai người giống nhau: đều từ nông thôn thoát ly lên thành phố. Chú Dân khi đó theo miêu tả của cha tôi trắng trẻo và đẹp trai. Cũng theo lời cha tôi kể lại, hồi đó chú Dân đã bộc lộ một năng khiếu không thể phủ nhận về hội họa. Thời kỳ này, cha tôi cũng có nhiều hứng thú với hội họa, mặc dù năng khiếu của ông không rõ rệt như chú Dân. Qua một người bạn giới thiệu, cha tôi và chú Dân theo học một ông họa sĩ già. Tất cả đám công nhân khuân vác ở bến Phà Đen đều hy vọng một ngày kia chú Dân sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Thế nhưng, trái với mong đợi, sau một thời gian theo học, chú Dân đột nhiên không còn hứng thú vẽ bất cứ thứ gì nữa. Hứng thú với hội họa của cha tôi kéo dài lâu hơn nhưng rồi ông cũng phải từ bỏ khi nhận ra mình không có khả năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Ông nói với chúng tôi rằng ít ra đó cũng là một điều may mắn: nhận ra mình bất tài khi còn trẻ.

Rồi cuộc đời họ đi theo hai lối khác nhau. Cha tôi làm công nhân nhà máy cơ khí Mai Động; sau đó khoảng mười năm, ông được cử đi học hàm thụ kinh tế rồi chuyển sang làm ở phòng điều độ. Chú Dân học trung cấp điện; ra trường chú làm thợ điện cho một nhà máy trên Thái Nguyên. Chú Dân lập gia đình trước cha tôi một năm. Kể từ đám cưới của cha mẹ tôi, trong vòng mười hai năm, hai người không gặp nhau. Họ thường viết thư cho nhau vào dịp cuối năm. Họ kể về những khó khăn trong cuộc sống gia đình, nhắc lại những kỷ niệm xưa, hỏi han tin tức những người quen. Thực ra, họ chẳng có gì nhiều để kể. Nếu tóm tắt cuộc đời hai người trong những năm tháng ấy tôi nghĩ chắc cũng chẳng cần đến hai trang giấy.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên chú Dân đến nhà tôi vào một buổi chiều giáp tết âm lịch. Năm ấy tôi mười tuổi, em gái tôi tám tuổi. Chú hoàn toàn khác với tưởng tượng của hai anh em tôi. Trong hình dung của chúng tôi thông qua những câu chuyện mà cha tôi vẫn kể cho cả nhà nghe trong những buổi tối mất điện, mà hồi ấy mất điện thường xuyên, chú Dân là một người đàn ông dong dỏng cao, hơi gầy, khuôn mặt cương nghị và cuốn hút. Vào cái buổi chiều mùa đông ấy, khi hai anh em tôi mới đi học về, đang rửa chân ngoài vòi nước công cộng, cha tôi gọi chúng tôi vào nhà, chỉ vào một người đàn ông to béo, đầu hơi hói và nói: “Đây là chú Dân.” Phải mất một thời gian dài tôi mới có thể quên được được hình ảnh người đàn ông dong dỏng cao hơi gầy, nét mặt cương nghị mà trước kia tôi vẫn thường tưởng tượng mỗi khi nghe ai đó nói về chú Dân. Chúng tôi không vì thế mà bớt yêu quý chú nhưng dù sao trong tâm hồn trẻ thơ của hai anh em tôi cũng có một chút thất vọng. Giá kể như chúng tôi không gặp chú thì có lẽ hình ảnh ấy sẽ đẹp một cách trọn vẹn.

Sau đó mấy tháng, gia đình chú Dân chuyển về Hà Nội. Chú Dân và cha tôi gặp nhau thường xuyên hơn. Hai người thường ngồi đối diện với nhau bên bàn uống nước. Xen giữa những khoảng im lặng kéo dài, họ chậm rãi kể lại những sự kiện xảy ra hồi còn làm công nhân khuân vác ở bến Phà Đen. Họ trầm ngâm đắm chìm trong quá khứ. Họ kể lại cái cảm giác lần đầu tiên ra Hà Nội, ngồi trong quán ăn, cha tôi theo thói quen của người nhà quê mời tất cả mọi người xơi cơm làm thực khách trong quán bò lăn ra cười. Họ kể về vợ chồng ông chủ nhà, nửa đêm bà vợ đánh thức ông chồng dậy làm tình, ông chồng cáu ầm lên, còn đám công nhân khuân vác cười rúc rích. Họ kể về những năm tháng khó khăn cả hai đều đói phải đi xin cháy ở quán cơm. Cha tôi lúc đó phải gửi tiền về quê nuôi hai đứa cháu gái mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chú Dân cũng phải nuôi hai đứa em. Họ kể những chuyện đó với một cảm giác thoải mái dù những năm tháng đói kém chưa hẳn đã lùi xa. Gia đình tôi phải ăn cơm độn mì và bo bo. Thức ăn chủ yếu muối vừng và lạc rang. Gia đình chú Dân chuyển từ nông thôn lên còn khó khăn hơn. Cô Hằng, vợ chú Dân là giáo viên dạy văn ở trường cấp ba trên Thái Nguyên, phải chạy chọt cả năm trời mới chuyển được về dạy ở một trường cấp một ở Hà Nội. Hai đứa con gái chú gầy như hai que củi, một đứa bằng tuổi tôi tên là Trang, một đứa kém tôi ba tuổi tên là Thúy.

Ba năm sau khi về Hà Nội, chú Dân bỏ việc cơ quan. Chú chuyển sang đạp xích lô. Hồi ấy bỏ cơ quan nhà nước là việc động trời nhưng có lẽ đối với chú Dân điều ấy không có nghĩa gì hết. Chú đạp xích lô đến nhà tôi, cười nói oang oang, nét mặt rạng rỡ. Chú nói rằng thu nhập từ nghề đạp xích lô cao hơn rất nhiều so với lương nhà nước. “Tôi cảm thấy như vừa được hồi sinh.” Chú nói với cha tôi. “Có vẻ như cuối cùng tôi đã tìm thấy nó, cái ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà tôi luôn khao khát. Cuộc đời thật ngắn ngủi, vậy tại sao người ta cứ phải cố gắng chịu đựng một cuộc sống mà mình không thích?”

Rồi vợ chồng chú Dân li dị. Cô Hằng cùng Thúy quay trở lại Thái Nguyên, Trang ở lại với chú Dân. Chú Dân hoàn toàn không thay đổi chút gì sau khi li dị. Chú vẫn là con người tháo vát, nấu ăn ngon, giỏi việc chợ búa. Chú có thể sống thoải mái mà không cần đến bàn tay phụ nữ. Trang cũng chỉ ở với chú được ba tháng rồi nó trốn nhà, nhảy tàu về Thái Nguyên về với mẹ. Chú Dân sống một mình, hầu hết tiền kiếm được chú gửi về cho vợ nuôi con. Cả chú Dân và cô Hằng đều không tái giá. Có lẽ họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống độc lập, ít ràng buộc. Chú Dân thỉnh thoảng lên Thái Nguyên thăm vợ và con, ở lại vài ngày, giúp cô Hằng làm những việc nặng mà phụ nữ không thể làm được. Theo cách đó, dường như họ không giống như một cặp vợ chồng đã ly hôn.

Hàng ngày, chú Dân dạy từ ba giờ sáng đi bắt lợn cho một chị bán thịt ở chợ Thành Công. Người ta đồn rằng chú Dân bắt bồ với chị ta. Đó là một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, người đẫy đà, mắt hơi híp, chồng làm thủy thủ viễn dương, quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ về nhà. Chú Dân hay đến nhà tôi, hầu như tuần nào chú cũng đến. Kể từ khi chú li dị vợ, mẹ tôi không còn quý chú như ngày trước nữa. Cha tôi thì vẫn thế. Ông vốn ít nói nên lúc nào trông ông cũng như vậy. Tôi có cảm giác cha tôi không bao giờ thay đổi. Ba mươi năm trước ông như thế nào thì ba mươi năm sau ông vẫn cứ như vậy. Chỉ già đi thôi.

Thỉnh thoảng, chú Dân lại chở hai anh em tôi đi ăn kem. Chú chở chúng tôi đến một hàng kem ở gần bệnh viện, mua cho chúng tôi mỗi đứa một que kem, loại kem que rẻ tiền mà hồi ấy dân bán rong vẫn thường rao đổi đồ đồng nát, rồi chú thả chúng tôi tha thẩn trên vỉa hè, còn chú ngồi đánh cờ cùng những người bạn đạp xích lô, đám thợ cắt tóc và một ông già bán vé số ở gần đấy. Đối với hai anh em chúng tôi, những người bạn ấy của chú Dân thật đáng mến, lúc nào cũng vui vẻ, vô tư. Chẳng có gì có thể làm họ phiền lòng. Họ hoàn toàn khác với những người ở cơ quan cha mẹ tôi, những con người suốt ngày than vãn, ca cẩm về đủ thứ chuyện trên đời, như thể họ đang bị ép phải sống một cuộc sống tù đày vậy.

Vào dịp nghỉ hè, hai đứa con gái chú Dân ra Hà Nội sống với bố một tháng. Chú Dân thường chở hai đứa đến nhà tôi chơi. Tôi chưa bao giờ thấy hai đứa con gái chú Dân thoải mái, khuôn mặt u sầu của chúng lúc nào cũng e dè sợ sệt. Hà Nội đối với hai đứa chúng nó là một nơi đầy bất trắc. Hơn nữa, người ta hẳn khó có thể cảm thấy thoải mái với cuộc sống tạm bợ cùng với một ông bố đạp xích lô. Trang có lần nói với tôi rằng nếu không vì mẹ nó bắt ép chắc hai đứa chúng nó chẳng bao giờ về Hà Nội sống cùng chú Dân trong căn nhà chật chội ấy.

“Dù có thế nào, ông ấy vẫn là cha các con.” Trang kể với tôi rằng mẹ nó đã nói với hai chị em nó như vậy. “Ông ấy là một người tốt. Cuộc đời đã quá bất công với ông ấy nên mẹ con mình không được làm điều gì không phải với ông ấy.” Mỗi lần hai đứa sắp ra Hà Nội nghỉ hè, chú Dân lại phải sửa sang lại căn nhà. Chú mua vôi ve, tự quét lấy. Chú kê lại giường tủ, sắp xếp lại đồ đạc, vứt đủ thứ linh tinh để căn hộ một phòng ấy trông rộng rãi và sáng sủa hơn. Ngoài sách giáo khoa, chú còn mua cho hai đứa rất nhiều truyện ở một cửa hàng sách cũ. Cuối tuần chú chở hai đứa đi xem phim. Chú Dân làm tất cả những việc đó một cách hoàn toàn tự nhiên như thể hai đứa vẫn sống cùng chú cả năm trời vậy.

Cứ như vậy chú Dân sống bằng nghề đạp xích lô trong mười năm. Chú sống một cách thoải mái, không rượu chè, không bài bạc, những lúc rảnh rỗi ngồi tán chuyện và đánh cờ tướng cùng vài người bạn ở cái vỉa hè bệnh viện, nơi ngày trước chú vẫn chở hai anh em tôi ăn kem. Khi chị bán thịt lợn ở chợ Thành Công bỏ nghề, cùng chồng lúc này đã thôi làm thủy thủ viễn dương mở cửa hàng karaoke, chú Dân kiếm được công việc chở hàng thuê cho mấy bà buôn hàng xén. Số tiền chú kiếm được đủ nuôi hai đứa con gái học xong đại học. Hai đứa không còn rụt rè như trước nữa. Chúng sống cùng chú Dân trong cái căn hộ chật chội ngày xưa bây giờ đã được cơi nới thêm một ít và có thêm một cái gác xép bằng gỗ, ít ra nó còn tốt hơn những căn nhà ổ chuột dành cho sinh viên ngoại tỉnh. Chúng không còn cảm thấy xấu hổ vì có ông bố đạp xích lô. Chúng cảm thấy thoải mái với cuộc sống ở Hà Nội. Dù sao chúng cũng may mắn hơn những đứa ở nông thôn ra Hà Nội trọ học. Trước khi Trang ra trường, chú Dân đã chạy cho cả hai đứa có hộ khẩu Hà Nội, hồi ấy là một lợi thế xin việc cho sinh viên mới tốt nghiệp. Rồi cả hai lấy chồng, gần như cùng một lúc. Trang theo chồng vào Sài Gòn, Thúy ở lại Hà Nội. Cô Hằng vẫn ở Thái Nguyên. Cô chưa muốn về hưu.

Chú Dân không còn đạp xích lô nữa. Chú bán vé số thay cho ông lão ngồi trước cổng bệnh viện, người vừa mất một tuần trước đó vì ung thư dạ dày, thọ bảy mươi nhăm tuổi. Thu nhập từ nghề bán vé số không nhiều như đạp xích lô nhưng đều đặn và ít tốn sức. Cha tôi lúc này đã về hưu. Thỉnh thoảng ông vẫn ra hàng chú Dân mua một tấm vé số. Họ thường ngồi nói chuyện với nhau rất lâu dưới bóng cây bàng.

Chú Dân kể lại rằng chú bắt đầu mua xổ số từ hồi đạp xích lô. Chú mua gần như hàng ngày. “Tấm vé số mang đến cho tôi niềm vui.” Chú Dân nói. “Hầu như ngày nào tôi cũng mua một tấm. Cảm giác chờ đợi thật hạnh phúc. Có lần tôi trúng giải ba, vừa đủ tiền mua cho con Trang cái xe đạp mini cũ. Còn lại toàn trượt.” Rồi chú Dân và cha tôi say sưa nói về những con số của ngày hôm qua hay ngày hôm kia. Họ kể về những người trúng giải mà họ biết, thực ra phần lớn họ nghe ai đó kể lại, mà người kể lại rất có thể được nghe kể lại từ một người khác nữa. Cứ như vậy, họ cảm thấy niềm vui của họ là bất tận. Họ quên đi tuổi già, thất bại, bệnh tật và những thiếu thốn vật chất. Cha tôi không còn than phiền như trước kia. Ông cũng không còn ghi kết quả xổ số vào những quyển vở nữa. Ông kết thân với đám bạn của chú Dân trên vỉa hè bệnh viện. Ông cảm thấy hạnh phúc vì có lương hưu, một sự bảo đảm nho nhỏ nhưng chắc chắn.

Chú Dân qua đời cách đây bốn năm. Chú không phải chịu quá nhiều đau đớn như phần lớn những người bị ung thư gan. Khi người ta phát hiện ra bệnh của chú thì nó đã ở giai đoạn cuối, chú Dân chỉ còn sống thêm được hai tháng nữa. Trang từ Sài Gòn ra thăm chú được gần ba tuần. Phần lớn công việc chăm sóc ở bệnh viện do cô Hằng đảm nhiệm. Hồi ấy, cô Hằng chuẩn bị lĩnh sổ hưu nên cũng rảnh rỗi. Hàng ngày, vào buổi tối, tôi và em gái tôi thay phiên nhau chở cha tôi đến bệnh viện thăm chú Dân. Cha tôi thường ngồi rất lâu ở đó. Ông nhanh chóng quen tất cả bệnh nhân trong phòng, hầu hết đều bị bệnh gan, đang cận kề cái chết, da vàng như nghệ, bụng to như cái trống, họ thở một cách khó nhọc. Ông nói chuyện với họ tự nhiên như những người bạn lâu ngày không gặp lại. Chú Dân nói rằng ban đêm những người này rất đau đớn, họ kêu gào thảm thiết làm làm chú rất khó ngủ. Chú cũng bị những cơn đau hành hạ nhưng có lẽ không khủng khiếp như bọn họ. Chú nằm viện được gần một tháng thì cô Hằng xin chuyển chú được về nhà để tiện chăm sóc. Chú Dân chỉ bị hôn mê nửa ngày trước khi mất. Chú nói với cha tôi rằng chú cảm thấy thoải mái khi được chết ở nhà, không khí ở bệnh viện quá ngột ngạt đối với chú.

Đồ đạc chú Dân để lại hầu như chẳng có gì: một cái cassette Sony một cửa băng, một cái xe đạp mini Trung Quốc, một cái đồng hồ báo thức Liên Xô và một chồng vé số mà chú đã mua trong hơn mười năm đạp xích lô. Cô Hằng mang tất cả những thứ đó về Thái Nguyên. Mấy thứ đồ gỗ thì cô cho mấy người hàng xóm làm củi. Căn nhà trở nên trống trơn. Một năm sau khi chú Dân mất, căn nhà được bán đi, cô Hằng giữ lại một số tiền nhỏ, còn lại chia hết cho Trang và Thúy. Rồi Thúy theo chồng chuyển vào Vũng Tàu. Tất cả những gì thuộc về chú Dân trên mảnh đất mà chú đã sống gần ba mươi năm cuối cùng cũng hoàn toàn biến mất. Cách đây mấy tháng, tình cờ tôi có dịp đi ngang qua ngõ nhà chú Dân ở ngày trước. Ngôi nhà cũ đã được phá đi, người chủ mới xây một ngôi nhà nhỏ ba tầng, mái hình chóp lợp tôn Austnam, bên ngoài quét ve màu nâu đỏ.

Sau đám tang chú Dân, cha tôi già hẳn đi. Không ai dám để ông đi ra ngoài một mình, nếu không kiểu gì ông cũng sẽ lần theo con đường dẫn đến cái vỉa hè bệnh viện nơi chú Dân ngày trước bán vé số; ông sẽ ngồi ở đấy, thẫn thờ hàng giờ đồng hồ nhìn những bệnh nhân mặc áo trắng buồn bã đi lại trong bệnh viện. Chúng tôi bất lực nhìn cha tôi chìm dần vào một thế giới tăm tối nào đó như thể nhìn một người đang từ từ chìm xuống đầm lầy mà không có cách nào kéo lên được. Dần dần, cha tôi không thể phân biệt được thời gian, thế giới lúc này đối với ông chỉ còn là một lớp sương mù dày đặc những sự kiện của quá khứ và hiện tại chồng chéo lên nhau. Cách diễn đạt của cha tôi cho thấy rằng ông không nhận thức được cái chết của chú Dân. Có lần ông hỏi tôi sao lâu rồi không thấy chú Dân tới chơi, rồi ông lẩm bẩm như thể nói với chính mình “Số phận của chú Dân là số phận của kẻ lạc lối. Những đường chỉ tay có lẽ là như vậy.”

Nagoya 9.2006