Ninh Thuận

ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG...NINH THUẬN

Kim Oanh

Với người Bình Thuận- Ninh Thuận, thổ cẩm Mỹ Nghiệp là một tên tuổi. "Tên tuổi" ấy nằm khiêm nhường trên một con đường trước khi vào thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, cách quốc lộ 1A non cây số. Vài ba căn nhà bày biện ít chuyên nghiệp, người đến thưa thớt. Chúng tôi định quay ra thì găp hai cô gái Chăm tươi cười chào đón, vì thế lại tấp xe vào

Hai cô gái là chủ tiệm, một cô tên Thiên Thị Bính, một cô là Thiên Thị Châu. Cửa tiệm nghèo nàn, chật hẹp, bày biện rất thiếu khoa học, cái nọ che giấu cái kia nhưng thực tế là cả một kho tài sản qúy. Hầu như ở đây không thiếu đồ vật nào có thể làm từ vải như quần áo, ga trải giường, túi xách, nón, đồ đựng bút, giỏ đựng mỹ phẩm, khăn bàn, cà vạt...Có thể nói không ngoa là cái nào cũng qúa mức sắc sảo. Tôi chọn một tấm vải trải giường kích thước 1,8m x 2m màu đỏ, được bảo là 300.000đ, một chiếc khăn qùang cổ và 3 chiếc ví xinh xinh lồng vào nhau. Đồng nghiệp của tôi cũng mua một giỏ treo báo trên tường.

Tuy quán nghèo và là các "thương nhân" người dân tộc nhưng hai cô gái Chăm này quả là có nghệ thuật lấy lòng người. Các cô giở tung rất nhiều tấm vải cho tôi xem và luôn miệng bảo chị cứ xem thôi, không mua cũng được.

Đừng tưởng người Chăm nào cũng biết dệt vải, cho dù là ở Mỹ Nghiệp, và cũng đừng tưởng đã biết dệt thì kiểu gì cũng biết. Có ít người Chăm theo nghề dệt vì thu nhập quá thấp và hàng bán chậm. Ngày xưa họ chỉ dệt đủ dùng, nay dệt có bán nhưng khách không mấy người biết giá trị của nó để sử dụng. Cách đây khoảng 17 năm tôi có mua 1 tấm giá 100.000đ. Giờ với bao nhiêu hàng lên giá thì miếng vải cũng chỉ gấp đôi so với hồi đó. Bính nói tấm tôi sở hữu dệt 6 ngày.

Tấm con voi màu đỏ rộng hơn phải dệt 2 tuần, nhưng tấm có hình thần Siva là kỳ công nhất, 2 người dệt liên tục mất 1 tháng và họ sẽ bán 1.200.000đ. Nhưng đó là sản phẩm của các "chị già" chứ Bính không dệt nổi kiểu cầu kỳ ấy Những thứ khác ít công và chỉ hơn như vải khổ nhỏ, giỏ xách, bóp...thì ai làm cũng được, chỉ cần chịu khó một chút.

Bính và Châu cũng không ngần ngại dẫn tôi đến khung dệt của họ để hướng dẫn cho tôi những động tác của cái nghề làm không ra tiền này. Thấy tôi tối mắt tối mũi với những khung dệt cả ngàn sợi, các cô cười bảo riêng phần móc chỉ hết 1 ngày.

Chia tay, nhìn con đường chỉ toàn người trong thôn qua lại, tôi nghĩ con số các cô nói mỗi tháng thu nhập cao lắm là 6 triệu cho hai người có lẽ đúng. Mong sao những chuyến xe du khách sẽ đến đây nhiều hơn.

Phan Rang- Tháp Chàm là xứ sở của rượu nho và tỏi. Rượu nho được làm từ nhiều gia đình nên có mùi vị tương đối khác nhau. Nói chung chúng thơm, hơi ngọt, không quá nặng đô với nữ nhưng uống dễ say. Các chủ quán rót thoải mái mời khách, uống xong không mua chai nào cũng được, nhưng phần lớn là mua vì giá rẻ, mặc dù mua về chẳng biết làm gì. Tôi đã từng mua cả thùng nhưng đến khi hết hạn dùng mới nhớ đến nó. Tỏi Phan Rang được tiếng là chắc và thơm, không to đùng và nhạt như tỏi Tàu nhưng đó là xưa kia, giờ đây sản phẩm này cũng bị thị trường làm cho hư đốn. Người ta bán tỏi non nhiều, mua về ít bữa là chỉ có vỏ, ruột teo lại vàng khè, chả có tí mùi vị nào. Có tiệm bán tỏi giới thiệu loại một củ chỉ có một múi, giá gấp 5 lần tỏi thường. Có lẽ nó sẽ thơm và chắc hơn, thậm chí già hơn nhưng tôi cũng không thích mua.

Phan Rang không nhiều khu du lịch như Phan Thiết và cũng có vẻ khô khan hơn Phan Thiết. Nhưng Phan Rang có một vịnh Vĩnh Hy đẹp như miền cổ tích. Vĩnh Hy cách thành phố Phan Rang- Tháp Chàm 40 km, nơi có rất nhiều cá thu và nhiều dãy núi ken sít nhau trên biển, én bay loạn cả mắt. Tôi mà là đại gia thì kiểu gì tôi cũng vào bằng được Vĩnh Hy để làm tàu đáy kính cho du khách đi xem san hô, để tìm xem liệu có Phong Nha "phẩy" nào ẩn trong các hang động Vĩnh Hy hay không và để người thiên hạ biết nước biển xanh màu ngọc là như thế nào. Tiếc là cho đến hôm nay, Vĩnh Hy vẫn đang "tiềm ẩn"

Qua khỏi thành phố Phan Rang- Tháp Chàm bạn sẽ thấy 2 ngọn tháp cổ, nhưng bạn nên gọi đó là Ba Tháp vì tên cũ là vậy. Giờ đây một tháp đã bị sụp mất rồi. Tháp nằm ngay bên quốc lộ 1A. Ngày xưa đi qua tôi hay ngắm chúng và nghĩ nó hơi lạ, vì các tháp Chăm thường nằm trong làng, trên đồi cao hay trong một nơi khá hẻo lánh không như tháp này. Giờ người ta đã trùng tu lại. Cô giáo tôi bảo nguyên tắc trùng tu là giống nhưng không phải y hệt mà phải có sự phân biệt. "Sự phân biệt" ấy ở đây quá rõ. Nhìn ngọn tháp Chăm mới tinh khôi, tường láng mịn như lụa mà chán, mà tiếc. Có mấy khách nước ngoài đội mưa đứng nhìn tháp, không biết họ có nghĩ như mình không. Tự nhiên tôi cứ mong thời gian với những ngọn tháp này trôi thật nhanh để nó lấy lại vẻ cổ kính xưa kia.

Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, Phan Rang đi qua trong những tiếc nuối của tôi về một Phan Rang cổ kính, về một Vĩnh Hy đẹp như thần thoại, về những múi tỏi thơm xưa kia.

Tự nhiên tôi thấy mình bất lực khủng khiếp.