Bích Khê-Thơ

Bài 1

MỘNG CẦM CA

Ðây bát ngát và thơm như sữa lúa;

Nhựa đương lên: sức mạnh của lòng thương;

Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa;

Ðây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương;

Ðây bát ngát và thơm như sữa lúa;

– Hồn dạ hương phơ phất ở trong sương.

Không gian tơ — không gian tơ gợn sóng;

Âm thanh gì sắp sửa… Ngọc Kiều ơi !

Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng ?

Hay buồn đêm rào rạt, — ứ muôn nơi ?

Không gian tơ — không gian tơ gợn sóng;

Ngọc Kiều ơi ! — Hồn đến bến xa khơi !…

Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt,

Ngọc Kiều ơi ! — nầy khúc Lạc Mai Hoa.

Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết:

Ta đê mê, ta gảy điệu Tỳ Bà;

Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt

Còn đây em, nầy khúc Mộng Cầm Ca.

Ðâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc ?

Vú non non ? Da dịu dịu, êm êm ?

Ðâu hang báu cho người ta phải khóc ?

– Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm !

Ðâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc ?

– Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ đêm !

Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng

Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.

Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng.

Ðây bài thơ không tiếng của đêm tơ.

Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng

Của hồn thu đi lạc ở trong mơ…

Người cho ta một thanh gươm rất sắc ?

Ô vung lên… cắt mạch nguyệt vàng xanh !

Xẻ mạch trời, — mây xô sao, răng rắc !

Phăng mạch đêm, — hương vỡ, ứa ngầm tinh !

Người cho ta một thanh gươm rất sắc ?

– Ta điên rợ múa giữa áng bình minh.

…..

Bài 2

TỲ BÀ

Nàng ơi ! Tay đêm đang giăng mềm

Trăng đan qua cành muôn tay êm

Mây nhung pha màu thu trên trời

Sương lam phơi màu thu muôn nơi

Vàng sao nằm im trên hoa gầy

Tương tư người xưa thôi qua đây

Ôi ! Nàng năm xưa quên lời thề

Hoa vừa đưa hương gây đê mê

Cây đàn yêu đương làm bằng thơ

Cây đàn yêu đương run trong mơ

Hồn về trên môi kêu: em ơi

Thuyền hồn không đi lên chơi vơi

Tôi qua tìm nàng vay du dương

Tôi mang lên lầu lên cung Thương

Tôi không bao giờ thôi yêu nàng

Tình tang tôi nghe như tình lang

Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi

Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi

Ðâu tìm Ðào Nguyên cho xa xôi

Ðào Nguyên trong lòng nàng đây thôi

Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu

Sao tôi không màng kêu: em yêu

Trăng nay không nàng như trăng thiu

Ðêm nay không nàng như đêm hiu

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân

Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Ô ! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi ! vàng rơi: Thu mênh mông

…..

Bài 3

NHẠC

Ô ! nắng vàng thơm… rung rinh điệu ngọc,

Những cánh hồng đơm, — những cánh hồng đơm

Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương;

Màu trăng không gian như gờn gợn sóng.

Từ ở phương mô nhạn mang thơ về,

Ðàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu.

Ðây giây trinh bạch khóc mướt trong mơ;

Ðây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ ?

Ồ côi lầu mây ánh gì kim cương,

Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường.

Thơ bay ! thơ bay vô bàn tay ngà,

Thơ ngà ngà say ! thơ ngà ngà say !

Nàng ơi ! đừng động… có nhạc trong giây,

Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây;

Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,

Ô nàng tiên nương ! — hớp nhạc đầy hương.

…..

Bài 4

HIỆN HÌNH

Gió thiệt đa tình hôn mặt hoa,

Thơm tho mùi thịt bắt say ngà !

Gió đi chới với trong khung trắng

Lộ nửa vần thơ, nửa điệu ca.

Tôi ráp lại xem. Ồ ! sự lạ !

Một người thiếu nữ hiện trong trăng.

Khăn hồng chùi lệ ngấn đôi mắt;

Da thịt phô bầy ý tuyết băng.

Nường hé môi ra. Bay điệu nhạc

Mắt như xuân mà ngọt tợ hương:

Ôi sao là khúc Ba sinh lụy

Rào rạt như đầy nỗi cảm thương !

Tiếng ngọc, màu trăng quấn quít nường

Phút giây người bộ mỏng như sương.

– Nường tan ra nhạc ? — Tan ra nhạc !

Khung trắng trời mây trắng lạ thường !

…..

Bài 5

HOÀNG HOA

Lam nhung ô ! màu lưng chừng trời;

Xanh nhung ô ! Màu phơi nơi nơi.

Vàng phai nằm im ôm non gầy;

Chim yên neo mình ôm xương cây.

Ðây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa:

Ðông nam mây đùn nơi thành xa…

Oanh già theo quyên quên tin chàng !

Ðào theo phù dung: thư không sang !

Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi:

Làn trăng theo chàng qua muôn nơi;

Theo chàng ta làm con chim uyên;

Làn mây theo chàng bên nhung yên.

Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,

– Hồn ta ? hay là hồn tình lang ?

Non Yên tên bay ngang muôn đầu…

Thâm khuê oan gì giam xuân sâu ?

– Ai xây bờ xanh trên xương người ?!

Ai xây mồ hoa chôn đời tươi ?!

…..

Bài 6

NGHÊ THƯỜNG

Ô trời hôm nay sao mà xanh !

Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành,

Nhung mây tê ngời sao kim cương,

Dạ lan tê ngời say men hương;

Lầu ai ánh gì như lưu ly ?

Nụ cười ai trắng như hoa lê ?

Thủy tinh ai để lòng gương hồ ?

Không gian xa cừ hay san hô ?

Ðêm ôm hồn tôi chơi phiêu diêu

Bắt gặp nàng thơ diện yêu kiều;

Man mác cho nên nhớ chị Hằng:

Hai tôi nhịp nhàng lên cung trăng…

Ồ là ngọc thạch hay trân châu ?

Mã não hay là hổ phách đây ?

– Cung thiềm vắt vẻo cài lên mây,

Tiên nữ ra chào, tình ngây ngây…

Nầy ! muôn ngọc nữ ngớp y thường

Tóc quyện bay mùi tô hợp hương –

Uốn mình say lượn sóng xiêm nghê;

Khúc Phụng cầu hoàng sôi đê mê…

Diễm lệ, Hằng Nga bước xuống đền:

Ðiệu ca thần diệu vẳng đưa lên…

– Chúng tôi lạc giữa mộng như ngà

Ngỡ vướng vào muôn tơ lụa sa…

… Hai tôi vừa ghé bến sông Ngân:

Ô ! nàng Xuân Hương ngực để trần

Ngâm bài “Vấn nguyệt” tiếng trong ngần

Nhìn xuống nhân gian cười như điên.

…..

Bài 7

TRANH LÕA THỂ

Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố Nữ,

Ô tiên nương ! nàng lại ngự nơi nầy ?

Nàng ở mô ? Xiêm áo bỏ đâu đây ?

Ðến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?

Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;

Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.

Ðêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc.

Vài chút trăng say đọng ở làn môi.

Hai vú nàng ! hai vú nàng ! chao ôi !

Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.

Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động !

Tôi run run hãm lại cánh hồn si…

Ồ hai tay rơi chén ngọc lưu ly;

Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả;

Cho tôi nàng ! cho tôi nàng ! tất ca?…

Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao

Cho đê mê, chới với, hồn lên cao,

– Một tinh cầu sẽ tan ra biển lệ.

Tiên nương hỡi ! nàng sống trên thế hệ,

Bóng thời gian phải quỵ dưới chân nàng –

Xuân muôn đời di dưỡng giữa vùng tang !

Gương phép tắc suốt soi ngàn mộng ảnh !

Cớ làm sao nâng niu bầu giá lạnh,

Ấp tranh người, lơ đãng ngắm thi nhân ?

Hay nàng nhớ nhung các phượng đền lân ?

Hay nàng ước mơ tình trong trắng ngọc ?

Ôi ! nàng ôi ! Làm sao nàng chẳng khóc

Người thi nhân, vẻ đẹp của khiêu dâm –

Trăng thanh tịnh còn lóng trong thơ câm,

Nhạc vô minh hằng sôi trên nét chữ ?

Ôi ! Nàng ôi ! thốt lên, lời ngọc nữ,

Lời trân châu rúng cả phiếm lòng tôi…

Ngọc Kiều ! Ngọc Kiều ! Ðến cặp song đôi

Cho tôi đọ vẽ hương trời sắc nước;

Vẽ huyền diệu ứ men say lướt mướt;

Vẽ yêu tinh dồn giận thấu vô gan;

Ta thiếp đi — trong một phút mê loàn

Xuống muôn đợt rồi bay lên tột bực…

…..

Bài 8

MỘNG

Ồ ! Mộng đêm thu, mây vút xa,

Say sưa lộ sắc cạnh Ðào Hoa:

A ta ! Lý Bạch ! hồn ba lệ !

Rượu nốc vào: rung khúc đập ca…

Mộng trắng phau phau, vót cung nga:

Xuân Hương ! người ngọc, máu say ngà !

Nhấn dây tơ loạn, — buồn lơi lả

Ðờn phất hương trăng, nẩy điệu ra…

Muôn dặm sông Ngân, con mộng lớn,

Ô ! là đài điện ánh trân châu…

Có người thi sĩ nhặt hoa rụng.

Những cánh đau thương sắp mặt lầu !

……………………………………….

Cỏ thơm lay nguyệt thu như mướt

Ðùa mộng mơ bên suối ngọc tuyền;

Trên bờ ai chết khô ra xác ?

Ðây Ngọc Kiều đây !

Trinh tiết nguyên.

…..

Bài 9

SỌ NGƯỜI

Ôi khối mộng của hồn thơ chếnh choáng !

Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương !

Ôi bình vàng ! ôi chén ngọc đầy hương !

Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng !

Ôi thần tình ! người chứa một trời thương.

Người yên tịnh nhưng người đi muôn dặm

Máy thu thanh hòa âm nhạc thơm tho !

Miệng yêu kiều mơn ánh sáng say no !

Nguồn trinh tiết gây hồng tươi xanh thắm !

Bầu sữa người êm mát vạn sầu lo.

Một đêm vàng — một đêm vàng âm điệu

Ðầy nhựa thơm, xanh mịt ngàn phi lau

Mộng ngời lên bay đến một bến tàu –

Biển ngọc bích, thuyền buồm say sóng dịu;

Hương ngọt ngào, ánh sáng chớp mau mau.

Hương say người như say men tình ái,

Kề ngực trăng người mớm vị say sưa.

Người chưa say vì hương vị chưa bưa:

Dìm trăng xuống một vùng trăng nước giãi

Và xóa lên… diêu động bóng ngàn xưa.

…Hoa thần bí vấn vương hồn ngọc nữ;

Ðộng đào nguyên chấp chóa ánh lưu ly;

Ô ! sắc phàm trên bộ mặt từ bi;

Ô ! tiên nương trong tình xuân đầy ứ;

– Một u sầu dìu dịu của cung phi.

Ôi ! Sọ người ! Sọ người ! — Gương phép tắc.

– Ngọc Kiều ơi ! ghé lại ngắm dung nhan.

Ngọc Kiều ơi ta chợp lấy tim nàng,

Tim nàng bằng đá, tim nàng bằng sắt.

Ngọc Kiều ơi ! hơi độc sắp tràn lan !

Người ngất ngư — Chết trong muôn thế kỷ !

Chạy điên rợ đứng sựng giữa xương ma.

Người là ai ? Người có phải là ta ?

…………………………

…..

Bài 10

ĐỒ MI HOA

Lòng nao nức như hương trầm mới dậy:

Gió tâm tư say chúi nửa lừng mơ…

Ðêm kim sa hay sao mà run rẩy ? –

Không khí men, trăng liễu mướt đường tơ.

Ðây một đóa đồ mi, — ta đón lấy,

Ấp hồn hoa… đem giặt giữa bài thơ.

Ðài nộn nhụy hóa nguồn trinh tinh khiết

Ướp một làn hương rượu quyện lâng lâng;

Tràng cánh trắng biến ra da thịt tuyết,

Một tiên nương mừa tựa một giai nhân,

Ngửng đôi mắt chứa mùa xuân phẩm tiết,

Giữa bài thơ… đưa vẳng tiếng ngân ngân.

Ôi sắc đẹp ! anh hoa dồn vũ trụ !

Phẩm tràng sinh ! tinh chất khí âm dương !

Mi làm long phím lòng muôn trinh nữ;

Muôn tài hoa nghiêng trước vẻ thiên hương.

Mi rớt ngọc cho vang muôn tình tứ;

Mi nhả sâm ngọt lịm vạn sầu thương.

Giai nhân đi trong chiêm bao ẻo lả

Ðể lời ca gợn sóng khí hoa men;

Tay búp sen kẻ lên vàng óng ả

Những đường thêu kim tuyến rúng đêm huyền.

– Ngừng hơi tho+?… ta nép trong bóng lá

Ðể vần thơ theo nhịp điệu thuyền quyên.

Ta những muốn sầu thương thôi biểu lộ

– Sắc trong màu, màu trong sắc; hân hoan…

Ta những muốn mùa đông nhường lại cho^~.

– Nhạc gầy hương, hương gầy nhạc; lan man…

Ta những muốn màn đen về cõi mộ

– Cả không gian là bể sáng tràn lan…

Rồi sắc đẹp hiện ra trong chính phẩm

Linh thiêng như mây nước đỉnh Nga My !

Và muôn hồn hoa lên vì say ngấm.

Và muôn lòng phát tiết cả uy nghi;

– Ðêm nầy đây ngời ngọc ngà sa gấm

Sắc đẹp vừa hiện giữa đóa đồ mi.

…..

Bài 11

DUY TÂN

Ðường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới

Của lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong.

Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng

Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng.

Trong vòm xanh. Màu cưới màu, bình lặng,

Gây phương phi: chiếu sáng ngả sang mờ

Vì hình dung những sắc mát, non, tơ,

Như mặt trời mọc qua khóm liễu, một

Hoàng hôn. Ôi đàn môi, chim báu tới:

Chữ biến hình ảnh mới, lúc trong ngâm

Chữ điêu khắc, tỉa nghệ thuật sầu câm,

Ðầy thẩm mỹ như một pho thần tượng.

Lúc trong ngâm, giữa kho vàng mộng tưởng,

Múa song song khiêu vũ dưới đêm hồng

(Những con cừu tim trẻ mướt như lông

Nên da thịt lên làn sa lụa mỏng,

Mỗi con cừu bốc lên men hy vọng…)

Thơ nhịp nhàng ý nhị nhịp theo thơ.

Tôi cắn vào trái bổ vỏ xanh mơ

Tìm chất quý thơm tinh mùi khoái lạc

Bằng hơi mộng, trong hàm răng, tản mác

Mộng ?

Thiên tài ?

Trên hỗn độn khỏa thân

Ðẹp tỷ mỷ, hỡi rung động truyền thần

Ròng âm nhạc của lòng trai ấp mái

Người họa điệu với thiên nhiên, ân ái

Buồn, và xanh trờị (Tôi trôi với bờ

Êm biếc — khóc với thu: lời úa ngô

Vàng… khi cách biệt — giữa hồn xây mộ –

Tình hôm qua — dài hôm nay thương nhớ,

Im lặng nhìn bông ý, lặng lờ lên

Những dáng hình thanh khi’…) Giữa mông mênh,

Ðường nhiếp ảnh, sắc khua màu — Tiếng thở

Hỡi hội họa, đến muôn đời nức nÒ

Ta nhịp nhàng ý nhị nhịp theo Ta

Lời nối lời bố thí lộc tinh hoa

Của âm điệu, mơ màng run lẩy bẩy

Một hỗn hợp đẹp xô bồ say dậy

Bằng cảm tình, bằng hình ảnh yêu thương

Và mới mẻ — trên viễn cổ Ðông phương !

(Ai có nghe sức tiềm tàng bí mật ?)

Thơ lõa thể ! — Giai nhân tuần trăng mật,

Nữ thần ơi ! Ta nô lệ bên người !

…..

Bài 12

HỒ XUÂN HƯƠNG

Canh sương quán lạnh nguyệt tà song

Bên gối hương lan đến ấp lòng.

Người vợ trong thơ gần cách mộng

Ðêm nay chẳng biết có về không ?

Văn chương quán thế không ai biết

Trong mộng mình về thưởng với tôi

Xanh liễu ngoài song thay đổi lá

Ðã ghen tài sắc mấy đêm rồi ?

Ðêm nay nửa gối nghiêng nghiêng mộng

Muôn dặm người xa đã thấy về

Xanh liễu ngoài song vừa đổi biếc

Màu thi sắc lá đọ dung nghi.

…..

Bài 13

NGŨ HÀNH SƠN

Lại chơi hòn Non Nước

Chẳng mọc cánh mà bay

Bạn bè thôi bỏ hết

Ngất ngưởng Vọng Hải Ðài

Ngó lên trời xanh ngắt !

Cheo leo quán sông Ngân:

Phải chăng chàng Lý Bạch

Ngồi chuốc chén đêm ngày:

Thuyền neo bên lau lách,

Sông lạnh bóng sao rơi

Mặt nước vỗ bành bạch

Da trăng trắng tợ hàu

Ðứng trên đài Vọng Hải

Ngỡ tới Hoàng Hạc lâu

Tuyệt thay hòn Non Nước !

Hồn Thôi Hiệu ở đâu

Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, lạy

Trên, dưới, đất, trời, chầu

Vàng sao ngời mắt rạng

Sương châu nhỏ giọt sa

Gọi sắc cỏ thơm dậy

Lẩn quất khí rừng hoa

Gọi hồn đại hải lại

Nhập khói động Huyền Không

Ðiều thú về hết thảy:

Phụng hoàng múa theo công,

Rồng xuống khoe năm vẻ

Bạch viên ngoạm trái đào

Thần tiên rủ yêu quái

Cử lên nhạc tiêu thiều

Sực nức lò hương xông;

Trập trùng màu xiêm áo;

Lác đác trổ mưa bông;

Phật Như Lai thoạt hiện

Trên bảy sắc cầu vồng

Quái thay hòn Non Nước

Nghe giảng đủ mười tông

Muôn năm lòng đá rắn

Nhuần thấm giọt từ bi

Biển xanh thay chất mặn;

Rừng thẳm lọc hơi sầu

Có ai biết trên cao

Da trời máu thịt sứa

Da trời se chất sữa

Truyền cảm hứng mênh mông

Gió thơm vùng nổi dậy:

Cảnh sắc biến thành không

Ta trên đài Vọng Hải

Ngất ngưởng mặt thần đồng

Khôi ngô và lẫm liệt

Cất tiếng hát trong veo;

Trước chơi hòn Non Nước

Thi hứng, suối tuôn đèo

Không hiểu người đến trước

Mấy kẻ biết “đăng đài” ?

Không biết người đến sau

Ngất ngưởng sẽ là ai ?

Từ nay lên Ngọc Ðiện

Chỉ nhượng Phật Như Lai

Lượn theo thế biển rừng

Xếp lại hình lá cỏ:

Ðộng hóa mây năm vùng

Ðại bàng bay chẳng tới

Ngòi nhược thủy bao quanh

Suối thiên thai chảy dựng

Rắn bảy đầu đến khoanh

Bảy lần đài Vọng Hải

Ta sẽ ngồi nhập định

Bốn mươi chín ngày đêm

Mặt nguyệt rót êm đềm;

Mặt trời tuôn sáng tạo

Thần trí mở kho tàng

Tượng trưng vây cao đạo

Chỗ chính phẩm văn chương

Ta bước xuống long sàng

Viết trên hai tảng đá

Bài hậu Ngũ Hành Sơn

Ngó trời cười sang sảng

Trở lại giữa bạn bè

Vỗ hai bàn tay trắng !

Bích Khê

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24 tháng 3 năm 1916 tại xã Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông là con thứ chín trong một gia đình nho học, người ông từng tuẫn tiết vì không chịu theo Nguyễn Thân đàn áp cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Cha ông từng tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.

Thuở nhỏ, Bích Khê học tiểu học ở Phước Lộc và Đồng Hới, học trung học ở Huế rồi ra [Hà Nội]] học ban tú tài nhưng nửa chừng bỏ dở.

Năm 1931, 15 tuổi, ông đã biết làm thơ Đường luật, ca trù.

Năm 1934, cùng người chị ruột tên Ngọc Sương vào Phan Thiết mở trường dạy học tư và học thêm.

Năm 1936, chị Ngọc sương bị mật thám Pháp bắt, trường đóng cửa, Bích Khê trở lại quê nhà.

Năm 1937, bị bệnh phổi, sau khi điều trị trở về lên sống trên núi Thiên Ấn thuộc Quảng Ngãi, rồi lại ngược xuôi trên một chiếc thuyền quanh các ngả Sa Kỳ - Trà Khúc.

Năm 1938, lại cùng chị Ngọc Sương (khi ấy đã được thả) vào Phan Thiết mở trường dạy học, được vài năm lại bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa.

Năm 1941, Bích Khê dạy học ỏ Huế.

Năm 1942, bệnh phổi tái phát, ông trở về Thu Xà. huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngày 17 tháng 1 năm 1946, Bích Khê lìa bỏ cõi đời và cõi thơ lúc 30 tuổi.

Trước khi đến với Thơ mới, một thời gian dài (1931-1936), Bích Khê đã viết ca trù, thơ Đường luật, đăng trên các báo Tiếng Dân, Tiểu thuyết thứ Năm, Người mới...

Sau 1937, ông chuyển hẳn sang làm “thơ mới” do sự tác động của Hàn Mặc Tử và chịu nhiều ảnh hưởng của nhà thơ vắn số này...

Các sáng tác của Bích Khê:

    • Tinh Huyết (1939): tác phẩm duy nhất ra đời khi ông còn sống và rất được người yêu thơ chú ý.

Bốn tập thơ & một tập tự truyện chưa xuất bản, gồm:

    • Tinh Hoa (sáng tác từ 1938 đến 1944)

    • Đẹp (sáng tác năm 1939)

    • Ngũ Hành Sơn (chưa có thông tin)

    • Mấy dòng thơ cũ (tập hợp khoảng 100 bài thơ đường luật đã đăng trên các báo từ 1931-1936)

    • Lột truồng (tự truyện, chưa rõ năm sáng tác).

Người lưu giữ thơ Bích Khê đầy đủ nhất là thi sĩ Quách Tấn. Năm 1971, Quách Tấn viết và cho xuất bản cuốn Đời Bích Khê. Năm 1975, ông cho in Thơ Bích Khê (Nxb Nghĩa Bình, 1988) và Bích khê tuyển tập (Hà Nội, 1988)...

Mặc dù ghé chơi cõi đời này chỉ vỏn vẹn 30 năm (1916-1946), nhưng Bích Khê là một tên tuổi được chú ý nhiều trên thi đàn. Người ta chú ý vì sự đổi mới, sáng tạo không ngừng trong thơ ông. Bích khê là một trong những người đầu tiên của phong trào thơ mới, hơn thế nữa, ông là làm cho thơ mới mới hơn ở đặc điểm trừu tượng và siêu thực. Bích khê là người có đóng góp đáng kể vào kho tàng văn hóa dân tộc. Nhắc đến Bích Khê, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Bích Khê đã ghé lại cõi đời này trong chốc lát, chỉ để làm xong một việc, là Đổi Mới Thơ và làm giàu có cao sang thêm tiếng nói của dân tộc mình”. (NHĐ)