Phan An-Đàn Ông

Phong độ đàn ông

Khi gặp đàn bà, có rất nhiều thứ để khen: khen đẹp, khen xinh, khen trẻ, khen gầy đi, khen béo ra…Không thấy có gì khen được trong những thứ để khen kể trên thì có thể chuyển sang khen áo, khen túi…Khi gặp đàn ông, thường chỉ có một câu khen - phong độ: “Dạo này anh phong độ thế”.

Phong độ là gì? Phong độ như khí độ, có gì đó liên quan đến gió. Phong độ là trạng thái của thể xác, của tinh thần và của tâm hồn. Đàn ông phong độ thể xác phải khoẻ. Yếu đến mức không thể cầm nổi tờ báo đọc hay không thể bật nổi nắp chai bia không thể gọi là phong độ. Đàn ông phong độ như cánh buồm căng gió, như lá cờ bay phần phật. Còn gì đẹp hơn con ngựa đang phi, con thuyền đang lướt và người đàn ông phong độ. Nhiều người hiểu phong độ chỉ ở nghĩa gắn với thể xác, gắn nó với tên của làng chuyên bán rắn nổi tiếng Lệ Mật. Nhiều người lầm tưởng phong độ gắn với rắn, ăn rắn cho phong độ Lệ Mật, để gi gỉ gì gi cái gì cũng rắn.

Đàn ông phong độ cần có tinh thần khoáng đạt. Không hiểu được điều này thì cho dù có thông minh lanh lợi đến mấy cũng không vượt qua giới hạn của sự khôn vặt và sẽ mất đi cái đàng hoàng phong độ của người đàn ông. Khoáng đạt là phong cách sống phóng khoáng đạt rộng rãi cả trong suy nghĩ và cả trong hành động. Đặc biệt trong cách chi tiền người đàn ông phong độ phải hào phóng. Tất nhiên muốn hào phóng phải có nhiều hào để phóng nhưng nếu đã phong độ lo gì không có hào.

Phong độ cũng là sự thể hiện vẻ đẹp về trang phục, tư thế, tác phong. Phong độ của một người không thể có ngay được một sớm một chiều và không thể cố tạo ra phong độ được. Đằng sau phong độ ẩn giấu cả trình độ, tài năng và học thức. Phong độ chính là diện mạo tinh thần - khí chất bên trong được biểu hiện qua lời nói, cử chỉ và thái độ.

Đàn ông phong độ là người chiến thắng trước cuộc đời. Phong độ là sức mạnh tinh thần toát ra từ bên trong để người ta cảm thấy sự vững vàng mà không cần phải nổ, không cần phải bắn pháo hoa, không cần diễu võ dương oai.

Phong độ như thước đo để đánh giá đàn ông. Phong độ là thể hiện được hết cái gì mình có, là đạt đến hết những gì có thể đạt được.Có thể lấy ví dụ về đàn ông phong độ như Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông bơi qua sông Dương Tử, như Tổng thống Mỹ Bill Clinton thổi kèn Saxophone, Tổng thống Nga Putin từ Trung tá KGB trở thành người đứng đầu nhà nước…

Nói đến đàn ông phong độ là nói đến những người đã trưởng thành. Không ai khen những người trẻ phong độ. Những người trẻ chưa đủ phong độ.

Phong độ là sự tự tin trong quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ với đàn bà. Đàn ông phong độ không nhìn đàn bà với cái nhìn van xin. Đàn ông phong độ nhìn đàn bà với cái nhìn bao dung độ lượng, như thể nhìn những người bạn tốt nhất của con người.

Tóm lại người đàn ông phong độ là người đẹp trai mà không hợm hĩnh, giàu có mà không kiêu căng, mạnh mẽ mà không thô kệch, cứng rắn mà không vũ phu, si tình mà không yếu đuối, nồng nàn mà không ngu xuẩn, thu nhập cao mà không phải làm việc quá nhiều, mê du lịch và thích mua sắm đồ, yêu chiều con cái và trọng vợ, biết tôn trọng sở thích riêng tư của người khác, biết nấu nướng, massage, có năng lực điều khiển xe trên đường và vợ trên giường…Người đàn bà phong độ là người có người đàn ông phong độ như trên là người yêu, là người tình hoặc là chồng càng tốt.

Sách Luận ngữ viết: “Quân tử có ba chặng đời. Niên thiếu huyết khí chưa định, tránh “sắc”. Tráng niên huyết khí sung mãn, tránh “đấu”. Có tuổi huyết khí suy nhược, tránh “đắc”. Nói đến phong độ là nói đến tuổi tráng niên huyết khí sung mãn. Tráng niên tránh “đấu”, theo giải thích của Khổng Tử là “đấu khí”, “đấu dũng”, “đấu thắng”, tóm lại là tránh cương cường hiếu thắng. Người tráng niên cần chú ý điều tiết khí độ, nên nhớ câu “tri túc thường lạc” (biết đủ thì thường xuyên vui vẻ). Đàn ông phong độ cần cảnh giác trước lòng tham muốn được thêm thứ mà mình đã được vì điều đó dẫn đến tiếp tục lao tâm, lao lực, rất hại cho…phong độ.

Ngày nghỉ của đàn ông

Ngày nghỉ là ngày để nghỉ. Ngày nghỉ là của tất cả mọi người: đàn ông, đàn bà, trẻ con…thậm chí là ngày nghỉ của cả chó và mèo. Vậy mà ngày nghỉ là những ngày hết sức vất vả và mệt mỏi đối với đàn ông.

Những ngày vất vả và mệt mỏi có thể bắt đầu ngay từ đêm hôm trước, khi vợ trằn trọc: Anh ơi, em nóng. Nóng thì bật điều hòa nhiệt độ. Điện ban đêm rẻ hơn điện ban ngày. Vợ trằn trọc một lúc rồi lại bảo: Anh ơi, em lạnh. Lạnh thì tắt điều hòa nhiệt độ. Điện ban đêm rẻ hơn điện ban ngày nhưng tắt điều hòa nhiệt độ là rẻ nhất. Vợ trằn trọc một lúc rồi lại bảo y như trong phim hay như trong mơ: Anh ơi, em muốn đàn ông. Chẳng lẽ lại bảo: Giờ này thì lấy đâu ra đàn ông bây giờ? Rõ ràng không thể bảo ngày mai có cuộc họp quan trọng lắm, anh đang phải suy nghĩ chuẩn bị. Ngày mai là ngày nghỉ.

Sáng hôm sau, như thể sau chuyến xe bão táp, vợ muốn đi siêu thị, đi mua sắm, con muốn đi công viên (Công viên nước và Công viên cạn)…Có thể còn nhiều việc thú vị hơn chờ đón đàn ông: sửa điện, sửa nước, sửa đồ gỗ, dọn nhà, lau nhà, thau bể, thông cống, hút bể phốt…tùy sức tưởng tượng, phong phú của ông đốc công trong ngày nghỉ có tên là vợ. Có thể còn có những phương án hay hơn đang chờ đón đàn ông: đi thăm ai đó, đi ăn cơm ở nhà bố mẹ anh chị em…vân vân và vê vê.

Tóm lại, nếu mất cảnh giác, nếu không có sự định hướng đúng đắn, ngày nghỉ của đàn ông sẽ thành một cơn ác mộng, ngày nghỉ mà đàn ông không hề được nghỉ ngơi. Sau ngày nghỉ đàn ông sẽ mệt nhoài, còn sức đâu mà cống hiến, còn sức đâu mà đi cứu thế giới, còn sức đâu mà làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Hiến pháp Mỹ có câu: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, có quyền hưởng hạnh phúc. Và có quyền nghỉ ngơi vào ngày nghỉ. Tất nhiên trên đời này quan trọng nhất là trẻ con, đàn bà, chó mèo rồi mới đến đàn ông nhưng dẫu sao đàn ông cũng cần được nghỉ ngơi vào ngày nghỉ. Đàn ông chúng ta ai cũng có trách nhiệm, ai cũng yêu thương gia đình. Đàn ông chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi vào ngày nghỉ để có sức lực mà trách nhiệm, mà yêu thương gia đình.

Ngày nghỉ, đàn ông nên đưa gia đình đi ăn sáng, uống café. Sau đó đi chơi thể thao. Nếu đi bơi thì cho cả gia đình đi bơi. Nếu đi đánh tennit thì cho cả gia đình đi đánh tennit. Nếu con đã lớn một chút có thể nhân dịp này dạy con bài giáo dục công dân thực hành nghĩa là thuê con nhặt bóng, để con vừa biết giá trị của đồng tiền, vừa có tiền tiêu vặt, vừa khỏe. Trong một buổi, vợ yên tâm nhìn thấy chồng trong tầm mắt của mình, trong tầm kiểm soát của mình, ảo tưởng này sẽ có tác dụng như liệu pháp tâm lý để trong tuần đàn ông có đi biền biệt cũng chẳng sao.

Ngày nghỉ đàn ông nên đưa gia đình đi chơi xa. Nếu định đến thăm ai, đến nhà ai ăn cơm có thể rủ đi cùng. Thế là đỡ phải rồng rắn lên mây, ngày nghỉ này đến ăn ở nhà này, ngày nghỉ sau lại phải mời đến đáp lễ, nghỉ ngơi gì mà chỉ toàn ăn với uống…

Hướng giải quyết vấn đề đại thể là như vậy, nghĩa là ngày nghỉ đàn ông phải nghỉ ngơi và cho gia đình nghỉ ngơi cùng. Còn tùy công việc, tùy thời gian, sở thích của đàn ông chúng ta mà có thể sắp xếp, lựa chọn hình thức nghỉ ngơi thích hợp. Theo cách này, ngày nghỉ vợ sẽ không đòi đi siêu thị, đi mua sắm mà sẽ phải chủ động đi siêu thị, đi mua sắm từ trước – để còn nhân tiện mua cái gì để đi chơi xa mang đi ăn…

Các việc sửa điện, sửa nước, sửa đồ gỗ, dọn nhà, lau nhà, thau bể, thông cống, hút bể phốt…không có việc gì khó, không làm được thì thuê. Nếu không đừng được thì có thể làm vào chiều ngày nghỉ đầu tiên. Nhưng buổi sáng ngày nghỉ đầu tiên nhất thiết phải tạo đà, phải nghỉ ngơi thực sự.

Và ngày nghỉ sinh ra là để đàn ông chúng ta tiêu tiền. Hãy tiêu tiền vì gia đình. Tiêu tiền để trong tuần lại kiếm. Đó cũng là một liệu pháp tâm lý, một cách tạo động lực, tạo niềm vui sống.

Mong sao sau ngày nghỉ, được nghỉ ngơi thực sự, đàn ông chúng ta sẽ tươi rói như những quả dưa chuột, chúng ta sẽ trách nhiệm, yêu thương và cống hiến. Chúng ta sẽ cứu thế giới, chúng ta sẽ làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Cả vào ngày nghỉ.

Đàn ông và biển

Ngồi ở quán cafe. Hỏi ông bạn: "Này, ông nói thật đi, ông nghĩ thế nào về Biển". Phản xạ đầu tiên của ông bạn là chối: "Tôi có quen em nào tên là Biển đâu. Các em nhiều tên bỏ xừ, biết làm sao hết được".

"Biển đây là biển nói chung ấy mà, biển để đi tắm ấy".

"À...thế thì thích...".

Đàn ông nói chung ai cũng thích biển. Đàn ông nói chung ai cũng thích đàn bà. Biển như thể đàn bà. Tại sao người ta thường ví biển như đàn bà? Vì đàn bà nói nhiều và biển thì cũng sóng vỗ, ầm ào suốt ngày đêm...Một ví dụ về đàn bà nói nhiều là nàng Sheherazade có thể nói suốt ngàn lẻ một đêm nhưng biển nói nhiều hơn thế gấp triệu triệu lần. Nếu em là biển xanh, anh xin làm bờ cát trắng. Đàn bà đã nói nhiều như biển rồi thì đàn ông chỉ biết lặng im như cát. Được cái may là có người cũng hiểu:"Em biết những lời yêu còn ở trong anh. Như ốc đảo xanh nằm trong sa mạc. Nhưng trước em anh lặng im như cát. Chính điều này làm em yêu anh" (Không đề, Lâm Thị Mỹ Dạ)

Trong tiểu thuyết được Giải Nobel của Heminway - "Ông già và biển cả" có đoạn: "Biển tử tế và rất đẹp. Nhưng nó có thể rất độc ác và tráo trở bất thình lình. Lão luôn nghĩ về biển như lamar, đấy là cách người ta gọi biển bằng tiếng Tây Ban Nha khi họ yêu biển. Thỉnh thoảng những người yêu biển cũng buông lời nguyền rủa biển nhưng họ luôn nói như thể biển là phụ nữ. Vài tay đánh cá trẻ, sử dụng phao nhựa làm phao câu và đi thuyền máy, sắm được khi gan cá mập được giá, gọi biển là el mar, tức giống đực. Chúng nói về biển như một đối thủ, một địa điểm hay thậm chí là một kẻ thù. Nhưng ông lão thì luôn nghĩ về biển như về một phụ nữ, như cái gì đó có thể ban phát hay chối giữ ơn huệ, và nếu biển làm điều ác độc hay tàn bạo thì bởi lẽ lúc ấy biển không thể nào kìm giữ nổi. Mặt trăng tỏa chiếu trên biển như thể tỏa chiếu trên cơ thể của người đàn bà, lão nghĩ...". Ông già mà còn nghĩ về biển cả như thế huống chi những người đàn ông tuổi đang hăng và nhựa sống đang căng.

Đàn ông trước biển, cảm giác cũng chống chếnh như trước người đàn bà đẹp, phải bám lấy chai rượu hay ít ra là chai bia. Để che giấu những con sóng trong lòng. Và để nhắm với những sản vật của biển: tôm, cua, cá, mực, ngao, sò, ghẹ...

Đàn ông ít nói chuyện về biển. Nói chuyện về biển nghe có vẻ lãng mạn. Đàn ông thường che giấu sự lãng mạn, như thể che giấu những phút mềm lòng.Thà nói chuyện về đàn bà, về ô tô, về điện thoại di động còn hơn. Khi nói về biển, đàn ông thường hay nói đến những thứ kèm theo biển: ở biển nào hay, khách sạn nào đẹp, dịch vụ ở đâu tốt...Khi nói về biển, đàn ông hay hỏi nhau: "Ở đấy có gì không?"

Tại sao đàn ông lại thích biển? Đi biển đàn ông ăn khoẻ, uống khoẻ, làm việc khoẻ. Trần mà như thế kém gì tiên?

Như chiến binh chinh chiến khắp nơi được trở về bên người đàn bà yêu dấu, đàn ông sau những vật lộn với đời đến với biển, ngã vào lòng biển. Biển ầm ào như vậy nhưng đứng trước biển là cảm giác bình yên. Nghĩ về biển là nghĩ về sự nghỉ ngơi.

Nên đối xử thế nào với biển? Như thể hỏi: Nên đối xử thế nào với đàn bà. Ông bạn trả lời gọn lỏn: "Kệ nó". Khi đến với biển cũng như khi đến với đàn bà cần chuẩn bị nhiều tiền là được. Để chuẩn bị nhiều tiền cần phải làm việc nhiều. Biển cũng như đàn bà là một trong những kích thích để đàn ông làm việc nhiều.

Đàn ông thích biển, có nhiều đàn ông thậm chí say mê biển, yêu biển. Say mê, yêu - như với đàn bà, tìm mọi cách để đến với biển, để được ở bên biển, để được nghe sóng vỗ... Có người có hẳn cả một bộ sưu tập cát từ những bãi biển đã từng đi qua. Có đàn ông đến với biển nhưng thậm chí chẳng nhúng mình xuống nước. Chỉ ngồi trên bờ, ngắm biển, hít thở không khí biển và uống, tất nhiên.

"Tại sao tự nhiên lại nói về biển?"

"Mùa hè!"

Có hẳn cả một cụm từ: "Mùa hè ở biển". Một cụm từ đẹp, đầy gợi cảm.

Đàn ông và núi

Đàn ông thường không giấu giếm quan hệ của mình với núi. Đàn ông hay khoe: “Vừa ở trên núi về” hay “Lại sắp lên núi rồi”.

Nói chung, đàn ông thích núi. Chuyện lên núi rồi phải xuống đàn ông thường lờ tịt đi, coi như không có chuyện đó. Núi và đàn bà có gì giống nhau? Leo lên thì thích nhưng leo xuống thì mệt.

Núi được định nghĩa như một dạng địa hình lồi, có sườn dốc và độ cao, nằm trải dài trên một phạm vi nhất định. Theo Từ điển Britannica, phải cao hơn 610m so với mực nước biển mới được gọi là núi nhưng chỉ cần dạng địa hình lồi làm bằng đá và cao cao một chút là đã được đàn ông gọi là núi. Đàn ông vốn phóng khoáng, đàn ông thường không chấp những chuyện nhỏ nhặt.

Núi được coi là cái gì đó thanh cao. Như thể trên núi người ta chỉ nghĩ toàn những chuyện tốt đẹp.

Cũng như khi ở biển, trên núi không khí trong lành, đàn ông ăn khoẻ, ngủ khoẻ và nếu phải làm việc thì làm việc khoẻ.

Trên núi, đôi khi đàn ông ăn cả thịt thú rừng. Hồi lâu lắm rồi, muốn ăn thịt thú rừng, đàn ông phải tự săn bắt lấy. Bây giờ chỉ việc trao đổi với người trên núi, có mấy tờ giấy nhỏ nhỏ xanh xanh đỏ đỏ là có thịt thú rừng dọn ra, nấu nướng ngon lành. Nhẹ nhàng thì có thịt lợn rừng, gà rừng, chuột rừng, thịt nai... Nặng nề hơn và quốc cấm thì có thịt bò rừng, tê tê, kỳ đà…Hưởng những sản vật của núi, đôi khi đàn ông nên tự hỏi: ta dã làm gì cho núi? Con đường vào trái tim đàn ông đi qua dạ dày. Đàn ông thích núi một phần vì núi ngon. Trên núi có nhiều món ngon.

Đàn ông thích núi còn vì núi bổ. Núi cung cấp nhiều thứ giúp ích cho sức khoẻ đàn ông: tắc kè, cao hổ cốt, mật gấu, sừng tê giác, con bổ củi…

Đàn ông thích núi vì núi có thể có cái gì đó bí ẩn, núi có thể hiền lành như đá nhưng cũng có thể bùng cháy như…núi lửa.

Còn một lý do đàn ông không nói ra: đàn ông thích núi còn vì núi…gợi tình. Ở gần Hà Nội có Núi Đôi. Ông bạn của người viết bài này khi thành lập công ty nhất định đặt tên công ty là: Công ty trách nhiệm hữu hạn Núi Đôi -như trong bài thơ của Vũ Cao: “Bảy năm về trước em mười bảy. Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng…Lối ta đi giữa hai sườn núi. Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi”. Mãi về sau quần chúng nhân dân mới khám phá ra đặt tên như thế là vì ông bạn say mê một cô gái có bộ ngực rất đầy đặn. Ở Đà lạt có Núi Bà (Lang Biang), gọi là Núi Bà vì nhìn từ xa, hai chỏm núi như hai chỏm ngực khoẻ của người đàn bà nằm ngửa.

Núi - như Đà Lạt “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” - cho người này niềm vui, cho người kia sức khoẻ. Lên núi không được niềm vui thì được sức khoẻ. Lên núi nhiều khi được cả niềm vui lẫn sức khoẻ.

Đàn ông thỉnh thoảng phải lên núi để di dưỡng tính tình. Trên núi có thể có những cây thông. Nếu như cây tre tiêu biểu cho đồng quê Việt Nam thì cây thông tiêu biểu cho núi. Cây thông là niềm ước mơ thanh thản, là hy vọng thoát khỏi cuộc sống bằng phẳng đơn điệu để tìm đến những đỉnh cao xanh và đạt tới sự lâu dài.

Đàn ông lên núi để có thể đứng núi này trông núi nọ. Đàn ông thường thích đứng núi này trông núi nọ và không nên trách đàn ông về điều đó.

Lên núi đôi khi đàn ông nghe thấy tiếng sấm. Trong Kinh Dịch có một quẻ là Lôi phong tiểu quá - Sấm trên Núi. Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì chỉ nên làm quá trong việc nhỏ và đừng nên quá cương mà nên mềm mỏng một chút.

Lên núi đôi khi đàn ông thấy có chùa. Đàn ông đôi khi hào sảng kiểu: “Ra đi gặp vịt cũng lùa. Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu”.

Lên núi để mở rộng tầm mắt. Lên núi để nhìn về phía chân trời xa xa.

Lên núi nhiều khi phải leo rất mệt. Đàn ông thực thụ tự leo núi, leo núi trước tiên là để chiến thắng chính mình. Đàn ông thích cảm thấy mình là người chiến thắng. Leo lên đỉnh núi, đàn ông thấy mình là người chiến thắng.

Khi đàn ông di chuyển

Ông bạn tôi dù đang ở đâu - đang uống bia, đang đi massage, đang hát karaoke, thậm chí đang ngồi ở nhà uống rượu - khi được hỏi qua điện thoại di động:”Anh đang ở đâu đấy” đều trả lời: “Đang di chuyển”.

Di chuyển ở đây không phải là sự xê dịch của thể xác mà là một trạng thái của tâm hồn. Dù đang ngồi ở nhà hay ở đâu chúng ta cũng đều có thể di chuyển. Di chuyển như thể như một phép thắng lợi tinh thần kỳ bí của phương Đông, giúp chúng ta thoát tục. Di chuyển là một cách di dưỡng tính tình như chơi bonsai hay thư pháp.

Đàn ông Việt hay hỏi nhau: “Sắp tới được nghỉ có đi đâu không?” và hay khoe nhau: “Tôi cho vợ con đi Nhật”, “Tôi đưa vợ đi Lào chơi” hay ít ra “Tôi mang gia đình vào Đà Nẵng tắm biển”. Nếu vợ con, gia đình không thích di chuyển (thật ra ai cũng thích di chuyển), đàn ông không di chuyển một mình mà túm năm tụm ba để cùng di chuyển. Nếu đàn bà thường thích bìu ríu với nhau - đi toilet cũng rủ nhau cùng đi thì đàn ông chỉ khi di chuyển mới hay làm cùng nhau – như thể đi săn tập thể, đi chơi tập thể. Một đám đàn ông di chuyển là một cảnh tượng hoành tráng với hào khí nam tính bốc lên ngùn ngụt.

Khi di chuyển đàn ông không thay đổi mà chỉ có cảnh vật và đồ vật xung quanh thay đổi. Dù ở đâu, đàn ông cũng uống rượu, uống bia, cũng đi massage, cũng đi hát karaoke…Chỉ có rượu, có bia thay đổi, chỉ có quán massage và quán karaoke thay đổi. Đàn ông di chuyển để tìm cái mới, cái lạ trong những cái quen thuộc, những cái đã cũ mèm. Đàn ông thật ra rất bảo thủ, thích yên ổn. Đàn ông ít thích tìm cái gì hoàn toàn mới…

Khi đàn ông di chuyển tập thể, đàn ông tìm thấy sự tự do khoáng đạt, như thể không sợ ai hết, nếu có mệnh hệ gì đã có bạn bè ở ngay bên cạnh đỡ cho.

Đàn ông di chuyển cũng gia đình sẽ khác hẳn, yếu hẳn, thụ động hẳn – chỉ như một gã đi theo mang hành lý và trả tiền, hoặc như đứa con lầm lạc trở về gia đình đang cố hết sức lập công chuộc tội, hoặc ra vẻ uyên bác, từng trảI cái gì cũng giảng giải…

Tóm lại, đôi khi đàn ông nên di chuyển tập thể. Di chuyển đôi khi chỉ là sự tụ tập để đi từ nhà này qua nhà khác, từ vùng này qua vùng khác hay từ nước này sang nước khác. Di chuyển để thấy gần gũi với nhau hơn, để có cơ hội chứng tỏ tình bạn vui buồn có nhau – một thứ đã dần trở nên hiếm hoi.

Sự di chuyển của đàn ông Việt có những nét riêng. Mỗi người đàn ông Việt khi di chuyển thường mang theo chai rượu ngon. Rượu ngon phải có bạn hiền. Bạn hiền đã có sẵn ở bên cạnh. Vậy thì tại sao không uống và không say? Vậy thì tại sao lại không di chuyển?

Đàn ông và hàng hiệu

Đàn ông là gì chúng ta biết rồi. Nếu chưa biết có thể soi gương hoặc nhìn sang người bên cạnh hoặc nhìn sang nhà hàng xóm.

Còn hàng hiệu là gì? Hàng hiệu nói một cách nôm na và theo nhịp rap là hàng có thương hiệu dành cho những người sành điệu. Tất nhiên không phải sản phẩm nào có thương hiệu cũng là hàng hiệu mà đó phải là những sản phẩm có tên tuổi, đắt tiền, được sản xuất với một số lượng nhỏ nhằm phục vụ nhóm người có hiểu biết, có văn hóa, có thu nhập cao, có ảnh hưởng và phong cách sống riêng.

Tại sao đàn ông vốn có nhiều thứ để quan tâm, ví dụ như đàn bà, bóng đá, bia (nhất là vào lúc trời nóng nực)...Tại sao đàn ông phải quan tâm đến hàng hiệu? Đàn ông dùng hàng hiệu để khẳng định cá tính, khẳng định phong cách, khẳng định đẳng cấp. Đối với đàn ông, quan trọng là phong độ nhưng phong độ có thể là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi. Dùng hàng hiệu không chỉ được coi là để chứng tỏ sự sang trọng, mà còn chứng tỏ sự sành điệu của người chơi. Chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng không có áo ai biết đấy là thầy tu. Chiếc áo không làm nên phong cách của đàn ông nhưng không mặc áo hàng hiệu ai biết đấy là đàn ông sành điệu. Đàn ông dùng hàng hiệu không chỉ là khoác lên người những bộ áo quần và phụ tùng của các hãng tiếng tăm mà còn phải làm cho người ta kính nể theo tiêu chí “Ba Đ”: Đẹp, Độc (hay còn gọi là 102 nghĩa là có một không hai), Đắt. Ngoài giá trị thương hiệu, ngoài ý nghĩa thời trang, đàn ông thích hàng hiệu bởi chất lượng sử dụng và độ bền của chúng cao gấp nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại.

Ngày xưa anh nào mặc áo sơ mi cổ cồn, thắt caravat, đội mũ cát, giắt đèn pin ở thắt lưng, đi xe đạp Favorit đeo thêm chiếc đài Oriongtong được coi là cực kỳ sành điệu. Ngày xưa xe đạp Favorit, đài Oriongtong được coi là hàng hiệu. Bây giờ, có rất nhiều hàng hiệu: xe thì có xe ô tô Mercedes, BMW (giá vài trăm ngàn USD); đài thì có dàn âm thanh Maranzt với loa Sonus Faber (giá vài chục ngàn USD)…Nếu kể những thứ mang trên người thì đàn ông lịch lãm, sành điệu đeo đồng hồ Patek Philip, Vancheron Constantine, Rolex, Longines …(giá ít nhất vài ngàn USD), mặc đồ Valentino, Pierre Cardin, Givenchy, Giordan…(giá vài trăm USD). Điện thoại di động, kính, bút, bật lửa... cũng là những thứ thường gây “nghiện” cho đàn ông ví dụ như điện thoại di động Vertu (giá thấp nhất 6.000 USD) hay bút St.Dupont, Parker, Mont-Blanc... được quảng cáo là làm tăng phần quyến rũ, sang trọng cho người đàn ông.

Khác với đàn bà, đàn ông khi dùng hàng hiệu chọn được thương hiệu nào phù hợp sẽ rất trung thành với thương hiệu đó. Đàn ông muốn những đồ vật thật sự, không thích khuynh hướng mơ hồ. Đàn ông dùng hàng hiệu chứ không phải nạn nhân của hàng hiệu.

Trong đống đồ đạc của mình, đàn ông cũng nên có một vài thứ hàng hiệu nhưng khi mua hàng hiệu đàn ông vốn phóng khoáng, không để ý đến những cái tiểu tiết nên cẩn thận tránh mua phải hàng hiệu Made in USA hay Made in France - Near Cho Lon (Sản xuất tại Mỹ hay Sản xuất tại Pháp bên cạnh Chợ Lớn).

Ngoài chuyện để dùng, với đàn ông hàng hiệu còn được lôi ra để…chọc nhau và để bàn tán. Đàn ông có thể chọc nhau về chuyện dùng dùng đồng hồ Longines hàng hiệu giá 20 USD hay bàn về chuyện trên những chiếc bánh mỳ McDonald hàng hiệu có thể đếm được chính xác 173 hạt vừng, chuyện chiếc điện thoại di động Vertu nạm kim cương có giá hàng trăm ngàn USD…

Đàn ông có nhất thiết phải dùng hàng hiệu không? Đối với đàn ông, thế giới quả là rộng lớn và có nhiều việc phải làm, nếu được quan tâm hướng dẫn hay mua tặng hàng hiệu cho để dùng thì tốt, còn nếu không thì cũng không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới.

Câu “Người đẹp vì lụa” có thể đổi thành “Người đẹp vì…hàng hiệu” nhưng cái đẹp đó không hoàn toàn đồng nghĩa với sự đánh giá cao của xã hội. Cái đẹp ở nhân cách, ở thái độ sống của đàn ông mới là thật sự và đáng được tôn xưng.

Khi đàn ông vớ…chạn

Lúc chỉ có mấy gã đàn ông đã có vợ ngồi với nhau, anh em ngồi nói chuyện vớ…chạn. Đại để là bây giờ nhiều nhà đã có tủ lạnh rồi lò vi sóng, nhiều nhà đã có cái để làm lạnh cho cứng rồi lại có cái để hâm nóng cho mềm. Mình thì vớ phải cái chạn (tiếng Pháp là cái gạc măng giê – cái để đồ ăn) một dạng tủ có quây lưới chống ruồi muỗi và dùng để xếp bát đĩa, nước mắm, xì dầu… thì làm gì mà không thấy chán.

Đàn ông rất lạ, cái gì cũng có thể khoe, cái gì cũng có thể kể chuyện được. Có anh khoe mình nể vợ và vớ chạn đến mức hễ vợ nói một câu là sợ bỏ đi mấy ngày mới dám về nhà. Có anh khoe mình vớ chạn đến mức bỏ đi biệt mấy năm mới về nhà, hai đứa con nhìn thấy lạ quá, hỏi nhau: “Này mày ơi, ông nào đang ngồi uống nước trong nhà mình đấy?”. Có anh kể chuyện năm 1976 phi công anh hùng của Nga Belenko, vớ chạn đến mức lái ngay cái máy bay MIG 25 mẫu mới xuất xưởng sang Nhật, báo hại cho Tổ hợp quân sự của Nga phải chế tạo MIG 29 để thay thế. Nguyên nhân "tạo phản" của Belenko đơn giản chỉ vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc giữa anh ta và người vợ thích sống hưởng thụ, hay lui tới nhà hàng, vũ trường… và không quan tâm tới gia đình. Vợ chồng cãi vã nhau thường xuyên. Belenko mong muốn được giải thoát và trong một lần bay, anh đột nhiên nảy sinh ý định bỏ trốn…

Theo quan điểm của đàn ông, trên đời có hai loại đàn bà là đàn bà xinh đẹp và đàn bà có tâm hồn. Theo quan điểm của đàn bà, trên đời có hai loại đàn ông là đàn ông có vợ và đàn ông chưa có vợ.

Tại sao đàn ông có vợ vớ chạn? Đàn ông có vợ vớ chạn là vì dạo này ở ngoài đường thì vui mà về nhà thì buồn, là vì người yêu thằng bạn thì xinh - đàn ông ai cũng thích đẹp mà vợ mình thì đảm đang quá - suốt ngày thấy cầm cái giẻ lau, là vì cô bạn mới quen thì tin mình là một siêu nhân hay ít ra là một thiên tài mà vợ thì cứ coi mình như rơm rác, là vì mình đang nghĩ chuyện cứu thế giới mà vợ thì mở mồm ra là kêu than mình kiếm tiền không đủ và kể chuyện chồng người kiếm tháng bi nhiêu, là vì thời đại mới bi giờ nhiều chị em làu làu Kamasutra mà vợ mình thì nói đến “Tiên ông nhổ củ cải” hay “Vác cày qua núi” là cứ giãy đàng đạch...Nói chung kể những lý do khiến đàn ông vớ chạn thì có uống 100 cốc bia cũng không hết.

Chán cũng như yêu, là một trạng thái phức tạp của tình cảm. Có “Đố ai định nghĩa được chữ yêu/Có khó gì đâu một buổi chiều…” (Thơ Xuân Diệu), thì cũng có “Đố ai định nghĩa được chữ chán…”. Đàn ông sẽ không bao giờ chỉ ra được rạch ròi tại sao tôi tôi lại yêu cô ấy, tại sao tôi lại chán cô ấy. Mà đã chán rồi thì sao thấy…chán thế, chán như đi tù chung thân không có hy vọng được ân xá, chán như phải sống cũng một người hàng xóm không tốt bụng, chán như vớ phải cái chạn lúc nào cũng xầm xì, lầm lì hay lúc nào cũng môi bĩu, mắt lườm… Chán thì dễ dẫn đến ngoại tình. Điều tra xã hội học cho thấy 85% đàn ông từng có quan hệ ngoài hôn nhân với động cơ đầu tiên để ăn vụng là đi tìm sự mới lạ, động cơ thứ hai là vớ chạn… Chán quá mức rồi hay dẫn đến xẻ đàn tan nghé – con số thống kê cho thấy ở hai thành phố lớn nhất nước ta cứ có 100 vụ kết hôn thì có tới 30 vụ ly hôn.

Liệu vớ chạn có phải là một đặc tính cố hữu của đàn ông có vợ hay không? Hồn nhiên vô tư mà nói thì đàn ông đúng là có tính cả thèm chóng chán, điều này khoa học thừa nhận là nó đã ăn vào gen rồi. Đàn ông lúc yêu thì sùng sục lao vào kiểu: “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” (Thơ Nguyễn Bính), lúc cưới rồi thì lạnh lùng định nghĩa: “Vợ là thứ đồ cổ càng để lâu càng mất giá”. Đàn ông nhiều khi không yên phận mà chán ghét kiểu cứng nhắc, cuộc sống thiếu hương vị. Đàn ông nhiều khi thích thay đổi không ngừng, tìm kiếm cái mới và sự kích thích để sống.

Tuy nhiên cứ nói chuyện vớ chạn vậy thôi chứ đàn ông có vợ thật ra biết thừa vợ là cơm nguội nhà ta nhưng là đặc sản với thằng cha láng giềng.

Đàn ông và tình ảo

Tình ảo là tình yêu qua net, là tình yêu online, là yêu ai đó mà chưa hề gặp mặt, chưa hề táy cổ năm. Thật sự là với đàn ông bản tính thích “tiền tươi, thóc thật” chuyện yêu trên mạng chỉ là chuyện bất đắc dĩ, chuyện bị ép hạ.

Có người nói đàn ông nghĩ ra Internet còn đàn bà nghĩ ra tình online. Đàn ông nuôi tình online vì đàn bà thích thế, hay chỉ khi không có lựa chọn nào khác. Dân gian có câu: “Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai”. Nói chung đàn ông yêu online phải có cái pix, nghĩa là có cái ảnh của đối tác xem trước mới turn on được. Đàn bà thì đôi khi chẳng cần biết đối tác “đầu cua tai nheo” gì chỉ cần dịu dàng quá dịu dàng không chịu nổi là được. Có thể đó là do giữa bộn bề áp lực, giữa xám xịt và tẻ nhạt của cuộc sống, rất nhiều đàn bà online tìm sự đồng cảm qua những dòng chát vô hồn. Và đàn ông - vì thích câu cá thì phải dùng mồi mà cá thích nên cũng phải online.

Trong thời buổi với nhiều người lướt web và chat là nhu cầu không thể thiếu hàng ngày - giống như cafe và không khí vậy, tình online đến dĩ nhiên như những cơn mưa mùa hạ. Và yêu say đắm một người qua net không phải là điều lạ - vì tình ảo có sức quyến rũ mê hồn. Khi trò chuyện qua net nhất là với mục đích câu kéo, đàn ông thường khoác cho mình một bề ngoài dễ thương, một phong cách lịch sự kèm theo những câu nói ý nhị, duyên dáng như của Hoàng tử xứ Đan Mạch. Quả là hư ảo bao giờ cũng đẹp hơn thực tế phũ phàng. Thế giới ảo mang lại cho người ta nhiều tưởng tượng, nhiều giấc mơ...

Người viết bài này có ông bạn hơn 30 tuổi đầu rồi mà vẫn cô đơn lắm, vẫn thường ước ao có một người bạn khác giới để có thể thật sự tin tưởng, để có thể cảm nhận được sự ấm áp, để tin rằng thật sự có tình yêu ở trên đời. Cảm thấy buồn chán thất vọng vào con người thực và tình yêu thực, ông bạn hay lang thang trên mạng tìm hạnh phúc. Nhưng thế giới ảo liệu có chỗ tồn tại cho một tình yêu thực? Chìm đắm trong mối tình ảo hay những viễn cảnh xa xôi như cổ tích, ông bạn có nhận ra tình online đến quá nhanh và kết thúc đầy bất ngờ giống như khi Sign in rồi lại Sign out?. Dù đau đấy, nhưng dẫu sao ông bạn cũng có một khoảng thời gian hạnh phúc, hạnh phúc với chính mình. Men say ấy mấy ai mà có được. “Tình nào là tình có thật hỡi người? Chỉ một mình, mình đắm chìm trong men cay”.

Có nghiên cứu chỉ ra rằng đàn ông yêu online thường là người có trình độ học vấn cao nhưng không thoả mãn và cảm thấy bị tách biệt với mối quan hệ xung quanh. Tính cách đàn ông của họ ở đây không phải vấn đề đáng bàn. Đơn giản Internet là một cách hiệu quả giúp đàn ông thoát khỏi hoặc tránh phải giải quyết những rắc rối trong cuộc sống - mà trong số đó chuyện yêu đương rõ ràng là rắc rối nhất. Đàn ông yêu online, nếu thấy rắc rối có thể lẳng lặng mà đi rồi khuất bóng.

Một ông bạn khác của người viết bài này tuyên bố thẳng là chẳng quan tâm lắm đến tình online bởi binh pháp Tôn Tử có câu “Lấy nước xa không chữa được lửa gần”, xung quanh đầy người đẹp còn chưa tán cho hết, nghĩ gì đến em nào xa tít mù khơi sờ không tới. Nhưng khi có một em giới thiệu là 9x chát chít làm quen, gửi cho cái ảnh đang ngồi đánh bia lô, à quên piano thì cũng cắn câu ngay. Mặc dù ông bạn có hối hận là không ngờ là mình lại đổ nhanh như tốc độ ADSL nhưng cũng đi khoe khắp nơi kiểu “ai chẳng muốn có một người bạn gái trẻ đẹp mà lại chơi piano (ý là trí thức, quyền quý) như thế này”. Ông bạn tự an ủi là em ấy như thế thì làm sao mà đỡ được và có thêm tình yêu online cũng hay - cho cuộc đời thêm chút màu sắc cầu vồng, cho đời Yahoo Messenger được thêm lắm icon cười và flirt. Ông bạn này có biết đâu em 9x ấy chính là ông hơn 30 tuổi đầu (đã được kể ở trên kia) đóng giả.

Đàn ông yêu online hầu hết đều thừa nhận là biết đối tác trông như thế nào, thường xuyên gọi điện cho đối tác và thậm chí…đã từng gặp nhau. Tuy nhiên, khi đã đối diện với người tình ảo, chuyện tình trên net không còn "ảo" nữa mà chuyển từ giai đoạn on nai (online) sang ấp nai (offline).

Tình ảo là sự lựa chọn của thời đại Internet. Nhiều khi đàn ông huênh hoang về những người tình ảo trên mạng như là chiến công. Đàn ông có nhiều tình ảo là chuyện thường. Chỉ là vi vu trên net, cô đơn trên mạng thôi, ăn nhằm gì đâu. Vả lại yêu thương một người và được người ta yêu thương lại, dù đó là ai cũng làm cho lòng mình thêm ấm áp. Thế giới mạng là ảo nhưng yêu thương và tình cảm là có thật, đôi khi đàn ông cũng thấy thế.

Đàn ông đi café

Đàn ông có hay đi café không? Một phần đời của nhiều đàn ông trôi trong những quán café. Có nhiều đàn ông, trước khi lên giường phải café như một phần tất yếu của cuộc sống…lên giường rồi, lúc thức dậy lại café. Đàn ông chát với người đẹp, biết nick này đang ở cùng thành phố với mình thường buông lời: “Cafe nha”.

Có bao giờ đàn ông hỏi “Đàn ông đi café để làm gì?”.

Đàn ông đi café trước hết là để uống café. Đố ai định nghĩ được café? Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa: “Café là một loại đồ uống màu đen có chứa chất caffein”. Nghe thế biết ngay có nhiều thứ không thể tìm được định nghĩa trên Yahoo, Google hay Wikipedia – ví dụ như cafe.

Để biết thế nào là café tốt nhất là uống một cốc café. Cảm nhận đầu tiên là đắng và thơm. Chức năng chính của café không phải là giải khát, nhiều người uống café với mục đích tạo cảm giác hưng phấn. Có nghiên cứu chỉ ra rằng chất caffein trong café không chỉ tăng hưng phấn trong việc quan hệ tình dục mà còn tăng khả năng đạt cực khoái cũng như tăng số lượng tinh trùng ở đàn ông (hic).

Café nhiều khi đắng đến cồn cào. Đắng đến tỉnh người, tỉnh khỏi những cơn mộng mị còn sót lại trên đời - điều này rất cần thiết với đàn ông vốn luôn phải tỉnh táo. Đàn bà trái lại cần nhiều mơ mộng nên đàn bà ít uống café hơn đàn ông.

Có những loại café đặc biệt, dường như chỉ để dành cho đàn ông, ví dụ như Irish coffee - café theo kiểu của Ireland. Cách pha Irish coffee rất đơn giản: cho 2 thìa whisky và 1 thìa đường cho vào ly chuyên dùng để pha Irish coffee, sau đó hơ ly rượu trên ngọn lửa đèn cồn, xoay đều ly cho đến khi đường trong rượu tan hết và bắt đầu thấy hơi nước bốc lên thì rót cà phê vào, phun thêm một lớp kem sữa mỏng, không ngọt lên trên. Khi dùng Irish coffee không nên khuấy mà cứ để vậy, nhấp từng ngụm nhỏ - như nhấm nháp những đắng cay, ngọt ngào và men say của cuộc đời.

Đi café là một thói quen. Nhiều khi đàn ông chẳng biết làm gì, đi ngoài đường cứ để chế độ avtopilot (chế độ tự lái) đến quán café. Đi café là để thư giãn. Quán café là nơi thư giãn lý tưởng giữa lòng thành phố ồn ào, bụi bặm. Nhiều khi thấy mệt mỏi, nhiều khi trong những bề bộn công việc, đàn ông đi café - đơn giản chỉ để uống và ngắm người đời, cảm nhận không gian. Thảnh thơi ngồi uống café, nhìn dòng người tất bật trong cuộc mưu sinh là một thú vui tao nhã của đàn ông.

Đi café là để kiếm một chỗ ngồi, một không gian riêng tư. Nhiều quán café có phong cách sang trọng, rất thích hợp để cùng đối tác bàn công việc. Đi café là một cái cớ. Khi đàn ông muốn ra khỏi nhà, khi đàn ông muốn gặp người đẹp…đàn ông đi café.

Đàn ông đi café đôi khi là để làm từ thiện. Ngồi ở quán café đàn ông hay mua báo, đánh giày…một phần để giúp những người phải đi đánh giày, bán báo. Ở Việt Nam chưa có kiểu café sospento như ở Napoli, nước Ý. Xuất phát từ truyền thống giúp đỡ nhau lâu đời ở thành phố xinh đẹp bên bờ Đại Trung Hải này, khi cảm thấy đây là một ngày tốt đẹp hay khi vừa có một giao dịch thuận lợi hoặc đơn giản là chỉ muốn dành cho ai đó một tách café, người ta gọi một sospenso (tiếng Ý tức là tạm hoãn lại) - nghĩa là uống một tách cà phê espresso và trả tiền cho 2 tách. Khi một người đi ngang qua quán café mà không có khả năng trả tiền cho một tách espresso, có thể ung dung vào quán và gọi tách café đã được tạm hoãn lại...

Tốt nhất là đừng hỏi đàn ông đi café để làm gì vì có quá nhiều lý do để đàn ông đi café. Khi thấy đàn ông im lặng café một mình, có thể lúc ấy đàn ông đang ngẫm nghĩ sự đời và ngẫm nghĩ xem mình đi café, cũng như mình sống trên đời này để làm gì.

Đàn ông nuôi con gì?

Đàn ông thực ra thích đi săn hơn là đi nuôi con gì. Nuôi trồng là việc của đàn bà. Đàn ông sống, chiến đấu, lao động và học tập để nuôi gia đình là đủ rồi.

Thật ra nếu có điều kiện nuôi con gì đó thì đàn ông cũng có nhiều thứ để nuôi. Nuôi ở đây có nghĩa là chăm sóc một sinh vật sống chứ không phải nuôi như mấy đàn ông máu mê cờ bạc nuôi con đề, con lô.

Đàn ông nuôi con gì đó đôi khi là để show off, để chứng tỏ sự phong lưu của mình – phong lưu với nghĩa là đủ ăn, đủ tiêu không phiền luỵ gì, nuôi để tiêu khiển để giết thì giờ trong lúc rảnh rỗi, nhàn hạ. Đôi khi vui chơi cũng có thưởng, đàn ông nuôi chơi con gì đó mà kiếm tiền thật.

Đàn ông thường nuôi chó. Nuôi chó có lẽ là do bản năng, là để nhớ cái thời còn ở trong hang và đi săn có ông bạn bốn chân đi cùng. Chó đàn ông nuôi khác chó đàn bà nuôi. Chó đàn ông nuôi thường là hoành tráng, là chó săn, chó đấu hay ít ra là bẹc giê. Đàn ông nuôi chó để trông nhà, một phần là để tăng thêm độ nhất cho mình.

Đàn ông Việt có ông Ngô Duy Tân ở Bình Dương nuôi chó rồi nuôi luôn đàn hổ 37 con.

Đàn ông nuôi chó rồi, có thể nuôi thêm gà chọi, cá chọi. Tổ chức cho gà chọi, cho cá chọi cũng là một cách để di dưỡng tính tình của đàn ông thích chọi. Cụ Vương Hồng Sển - tác giả của nhiều cuốn sách về thú chơi của đàn ông - bảo: không thú chơi nào sung sướng và thể thao bằng tự mình săn sóc con gà nòi, ôm nó trum trủm vào lòng, cho nó ăn, khi tắm, khi làm cựa, khi bồng nước…Trái đất cứ xoay, người dân Việt quê ngày xưa mùa hạn thì chơi gà; mùa ướt, gà đổ lông thì quay sang chơi cá chọi.

Đàn ông không thích chọi có thể nuôi chim cảnh, cá cảnh. Có người tổng kết đàn ông Việt thích chơi hoa mà cũng có tính thích nuôi chim. Nuôi chim công phu không ai bằng, phải lo cho chim nước trong, cát mịn để chim rửa cánh vùi lông, sớm khuya vui với chim còn hơn với…người thân. Nuôi cá như cá Rồng (Hắc Long, Kim Long, Hồng Long, Thanh Long, Ngân Long…) phải luôn lọc và thay nước, phải thả vài quả bóng bàn lên mặt nước để tạo sự chú ý của cá nhằm tránh hiện tượng sụp mắt, phải cho cá ăn thức ăn tươi sống, ngoài máy lọc phải dùng một máy phun nước ngang tạo sóng để cho con cá chăm bơi…Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu, nuôi cái gì cũng phải chăm chút, o bế như chăm chút, o bế người đẹp chân dài mà đàn ông thường bận việc, nuôi gì đó có khi phải đợi đến lúc về hưu.

Có những đàn ông phải ở một mình, có lúc trong lòng thấy trống trải muốn có một sinh vật sống ở bên cạnh mình nhưng lại không có nhiều thời gian để chăm nuôi bèn nuôi rùa. Có loại rùa vàng chỉ sống trên cạn, rất hiền lành và chậm lớn. Có loại rùa xanh, còn gọi là rùa Mexico, sống nửa trên cạn nửa dưới nước. Rùa rất đẹp vì những hoa văn trên mai và dưới bụng khiến người ta liên tưởng đến những văn tự cổ đại. Nhưng có người cho rằng rùa là con vật linh thiêng, để thờ cúng, không thể thích là nuôi được hay nuôi rùa xúi, công việc chậm chạp.

Không biết thế nào, nhưng đàn ông thích nuôi gì thì cứ nuôi, thế mới là đàn ông…cô đơn.

Đàn ông và tự phục vụ

Nghe Tây đồn là ở Hà Nội đã có quán café tự phục vụ. Tự phục vụ ở đây có nghĩa là uống café sẽ như đi ăn nhanh, sẽ phải tự đi bê cốc. Đàn ông bất giác tưởng tượng ra rồi một lúc nào đó sẽ có cả bia hơi tự phục vụ như thời bao cấp. Đàn ông bất giác đặt câu hỏi mình có thích tự phục vụ không? Câu trả lời dứt khoát là không. Đàn ông là ông chủ của cuộc sống, đàn ông là người chiến thắng, tại sao đàn ông lại phải tự phục vụ?

Tự phục vụ ở đây không phải là tự phục vụ kiểu…tự khám phá nguồn cảm xúc bản thân. Đâu phải cái gì cũng tự làm cũng tự sướng. Tự phục vụ ở đây có nghĩa là phải làm cái gì đó phục vụ cho chính mình ví dụ như tự nấu ăn, tự giặt quần áo, ăn phở tự bê bát... Đàn ông vốn thích khẳng định vị trí xã hội của mình, thích được người khác phục vụ nên nói đến tự phục vụ mặt thường nhăn như bị. Cứ thử tưởng tượng xem, đàn ông mà đi đánh golf phải tự phục vụ thì còn gì chán bằng, như thế thà đi đánh tennit hay đánh bi a còn hơn. Nhưng đánh tennit hay đánh bi a cũng vẫn cần có người phục vụ…

Từ ngày xửa ngày xưa, từ hồi còn ở trong hang, đàn ông đi săn về chỉ việc nghỉ ngơi, thú săn được đã có đàn bà nấu nướng. Đàn ông chỉ tự phục vụ trong điều kiện bất đắc dĩ, khi không có ai phục vụ. Có đàn ông lấy vợ một phần để khi nào khát có người rót cho cốc nước - cũng như có đàn ông yêu chỉ vì khi ốm có người nấu cho bát cháo hành. Trong những giấc mơ của đàn ông, có giấc mơ ngọt ngào là khi ngủ dậy có người mang cafe đến tận giường.

Tại sao đàn ông không chịu tự phục vụ? Có thể vì đàn ông trông đợi vào đàn bà, như thể đàn bà sinh ra là để giúp đàn ông nấu nướng, giặt giũ và để nhắc đàn ông…tắm rửa. Có thể vì một nếp suy nghĩ đã in sẵn trong đầu : tự phục vụ là thấp kém. Trong xã hội phương Đông nhiều nhân lực, đàn ông có thể được giải phóng ra khỏi một số công việc phục vụ bản thân. Đàn ông Việt thậm chí còn tị nạnh với đàn ông Nhật – đàn ông Nhật đi làm về không phải tự cởi giày mà có vợ quỳ xuống cởi giúp.

Đàn ông cũng thấy không phải lúc nào tự phục vụ cũng là dở. Buffet (tiệc đứng) hay còn gọi là ăn tự chọn là một trong những cách tự phục vụ ăn uống rất phổ biến trên thế giới. Buffet ngày càng là cách thức ăn uống tự do và phong phú nhất. Vì tự phục vụ nên đàn ông có thể lựa chọn những gì mình thích và ngay lập tức, không phải chờ đợi người mang đến và không phải lo người ta mang đến những gì mình không ưng ý. Có quán cafe để khách tự phục vụ nhạc – nghĩa là tự mang đĩa đến hay tự chọn đĩa ở dàn máy của quán để khách được nghe nhạc hợp tâm trạng của mình…

Khi nào đàn ông thích tự phục vụ ? Có thể là khi thích. Khi thích một thứ gì đó, ví dụ như thích một quán cafe - đàn ông có thể tạm gác cái sỹ diện đàn ông lại để tự phục vụ, tự bê cốc, tự hưởng thụ. Nhiều người cứ quan niệm là uống cafe là phải nhâm nhi nhưng thời buổi này, đàn ông đôi khi hào sảng kiểu vào quán gọi một cốc cafe, tu đánh ực một cái rồi cắm đầu cắm cổ tiếp tục đi cứu thế giới. Với kiểu mẫu đàn ông hành động bắt đầu được ưa chuộng như vậy, cafe tự phục vụ và nhiều hình thức tự phục vụ khác là sự lựa chọn lý tưởng nhất.

Khi nào đàn ông thích tự phục vụ? Có thể là khi yêu. Khi yêu ai đó, đàn ông không chỉ sẵn sàng phục vụ mình mà còn sẵn sàng phục vụ của người khác. Khi yêu, đàn ông không chờ mang cafe đến tận giường cho mình mà tự mình pha cafe mang đến tận giường cho người khác, cạnh cốc cafe có thể còn kèm theo một cái nhẫn (gắn kim cương thì càng tốt) và một bó hoa hồng.

Đàn ông và tình một đêm

“Nếu có em nào yêu ông một đêm, chỉ một đêm thôi, ông có chịu không?”

“Chịu cả hai tay ba chân. Tôi thường mơ có em nào như thế! Nhưng mà chỉ lúc đi công tác thôi nhé, chứ ở nhà với vợ không đi qua đêm được đâu”.

Ở Việt Nam, tình một đêm (one night stand) chưa phổ biến nhưng không còn là chuyện lạ. Tình một đêm đang lan dần vào đời sống của một lớp người tự cho mình là hiện đại và cố sống theo “văn hóa phương Tây”.

Tình một đêm là gì? Là gặp nhau, ở bên nhau một đêm rồi chia tay – your sugar you go, my sugar I go (đường anh anh đi, đường em em đi). Có người làm hẳn cả bài thơ dài về tình một đêm, trong đó có đoạn: “Như là ngọn gió lướt nhanh/Ái ân vũ bão mối tình một đêm/Để rồi kết thúc lặng im/Khi trời vừa sáng âm thầm chia ly”. Tình một đêm, đôi khi chỉ là nằm ôm nhau nói chuyện đến sáng rồi nói: “Tạm biệt nhé, có duyên sẽ gặp lại/Chuyện đêm qua đừng ái ngại trong lòng/Tình một đêm là tình biếu cho không…”

Tình một đêm là mơ ước của nhiều đàn ông có vợ, vì đó chỉ là cảm xúc thăng hoa một đêm, dâng hiến hết cho nhau, không hệ luỵ, không phải lo sướng mười lăm phút rồi khổ cả đời. Có người ví tình yêu như trò nghịch dại, chẳng thể nghịch dại một đời thì nghịch dại một đêm. Bởi thế “Tình một đêm rồi xa khuất mờ” có sức hấp dẫn khó cưỡng.

Tình một đêm là thuốc thử với đàn ông đã có gia đình, để thử mức độ bền vững của cuộc hôn nhân, để thử xem đàn ông có còn yêu vợ, có còn sợ vợ không. Nếu đàn ông mơ ước tình một đêm và sẵn sàng cho ước mơ ấy, cuộc hôn nhân này có lẽ là đã…tuyệt vọng.

Đối tác của đàn ông trong cuộc tình một đêm là ai? Trong xã hội Việt Nam cũng như ở nhiều nước khác đang hình thành một thế hệ phụ nữ trên dưới 30 tuổi, độc thân và ... không muốn lớn! Họ có thể rất thành công trong sự nghiệp, nhưng họ coi cuộc sống chỉ như một cuộc vui, như những trò chơi. Tiền kiếm được chỉ để sắm quần áo, mỹ phẩm, để đi du lịch, chơi bời, giải trí... Họ không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, không lập gia đình và không muốn có con cái, vì không muốn gánh vác bất cứ một trách nhiệm nào. Họ yêu đứa trẻ trong con người mình, và lối sống như vậy khiến cho họ cảm thấy tuổi thơ được kéo dài ra. Đêm nằm ngủ, họ thích ôm gấu bông vì chúng „mềm mại và không biết ngáy”. Đôi khi không thích ôm gấu bông, họ có thể tình một đêm với đàn ông nào đó trong tầm tay, cũng mềm mại và không biết ngáy. Chỉ một đêm thôi, để sáng ra “Vẫn là một kẻ độc thân/Ung dung tự tại đường trần lãng du/Không yêu, không hận, không thù/Không cần đau khổ ngục tù tình yêu”.

Có người bảo: Đàn bà sẵn sàng tình một đêm để được yêu. Còn đàn ông sẵn sàng yêu để được tình một đêm. Thật ra thì đàn ông không phải lúc nào lúc nào cũng sẵn sàng cho tình một đêm. Đàn ông thích thì thích thật nhưng sợ thì cũng sợ tình một đêm. Nỗi sợ tình một đêm của đàn ông đôi khi là nỗi sợ rất vô hình, sợ kiểu “sợ không đem lại được điều gì cho người bạn tình của mình, dù người ta không cần đem lại điều gì mà chỉ cần một đêm vậy thôi”.

Nỗi sợ tình một đêm của đàn ông đôi khi là sợ kiểu sợ “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Người viết bài này có ông bạn khá nghịch ngợm, mỗi lần ông bạn đi công tác xa Hà Nội, thấy Hà nội yên ắng hẳn. Nhưng rồi một đợt ông bạn đi về, Hà Nội vẫn ồn ào mà ông bạn bỗng đoan trang hơn. Ông bạn giải thích lý do, kể chuyện cái đêm hôm ấy đêm gì, không biết vì rượu hay vì thói quen hay vì quá cô đơn mà tình một đêm với một em buổi tối cứ tưởng Thuý Kiều, sáng ra thì hoá người yêu Chí Phèo.

Có người đùa: với đàn ông chưa có gia đình, không có ràng buộc gì thì tình nào chả là tình một đêm, vấn đề là đêm đó dài hay ngắn - là một đêm, một năm, mười năm hay một trăm năm.

Nói chuyện tình một đêm, bỗng nhớ câu của Julius Fucik - tác giả “Viết dưới giá treo cổ”: “Hỡi con người, tôi yêu tất cả. Hãy cảnh giác!”.

Đàn ông và tự phục vụ

Nghe Tây đồn là ở Hà Nội đã có quán café tự phục vụ. Tự phục vụ ở đây có nghĩa là uống café sẽ như đi ăn nhanh, sẽ phải tự đi bê cốc. Đàn ông bất giác tưởng tượng ra rồi một lúc nào đó sẽ có cả bia hơi tự phục vụ như thời bao cấp. Đàn ông bất giác đặt câu hỏi mình có thích tự phục vụ không? Câu trả lời dứt khoát là không. Đàn ông là ông chủ của cuộc sống, đàn ông là người chiến thắng, tại sao đàn ông lại phải tự phục vụ?

Tự phục vụ ở đây không phải là tự phục vụ kiểu…tự khám phá nguồn cảm xúc bản thân. Đâu phải cái gì cũng tự làm cũng tự sướng. Tự phục vụ ở đây có nghĩa là phải làm cái gì đó phục vụ cho chính mình ví dụ như tự nấu ăn, tự giặt quần áo, ăn phở tự bê bát... Đàn ông vốn thích khẳng định vị trí xã hội của mình, thích được người khác phục vụ nên nói đến tự phục vụ mặt thường nhăn như bị. Cứ thử tưởng tượng xem, đàn ông mà đi đánh golf phải tự phục vụ thì còn gì chán bằng, như thế thà đi đánh tennit hay đánh bi a còn hơn. Nhưng đánh tennit hay đánh bi a cũng vẫn cần có người phục vụ…

Từ ngày xửa ngày xưa, từ hồi còn ở trong hang, đàn ông đi săn về chỉ việc nghỉ ngơi, thú săn được đã có đàn bà nấu nướng. Đàn ông chỉ tự phục vụ trong điều kiện bất đắc dĩ, khi không có ai phục vụ. Có đàn ông lấy vợ một phần để khi nào khát có người rót cho cốc nước - cũng như có đàn ông yêu chỉ vì khi ốm có người nấu cho bát cháo hành. Trong những giấc mơ của đàn ông, có giấc mơ ngọt ngào là khi ngủ dậy có người mang cafe đến tận giường.

Tại sao đàn ông không chịu tự phục vụ? Có thể vì đàn ông trông đợi vào đàn bà, như thể đàn bà sinh ra là để giúp đàn ông nấu nướng, giặt giũ và để nhắc đàn ông…tắm rửa. Có thể vì một nếp suy nghĩ đã in sẵn trong đầu : tự phục vụ là thấp kém. Trong xã hội phương Đông nhiều nhân lực, đàn ông có thể được giải phóng ra khỏi một số công việc phục vụ bản thân. Đàn ông Việt thậm chí còn tị nạnh với đàn ông Nhật – đàn ông Nhật đi làm về không phải tự cởi giày mà có vợ quỳ xuống cởi giúp.

Đàn ông cũng thấy không phải lúc nào tự phục vụ cũng là dở. Buffet (tiệc đứng) hay còn gọi là ăn tự chọn là một trong những cách tự phục vụ ăn uống rất phổ biến trên thế giới. Buffet ngày càng là cách thức ăn uống tự do và phong phú nhất. Vì tự phục vụ nên đàn ông có thể lựa chọn những gì mình thích và ngay lập tức, không phải chờ đợi người mang đến và không phải lo người ta mang đến những gì mình không ưng ý. Có quán cafe để khách tự phục vụ nhạc – nghĩa là tự mang đĩa đến hay tự chọn đĩa ở dàn máy của quán để khách được nghe nhạc hợp tâm trạng của mình…

Khi nào đàn ông thích tự phục vụ ? Có thể là khi thích. Khi thích một thứ gì đó, ví dụ như thích một quán cafe - đàn ông có thể tạm gác cái sỹ diện đàn ông lại để tự phục vụ, tự bê cốc, tự hưởng thụ. Nhiều người cứ quan niệm là uống cafe là phải nhâm nhi nhưng thời buổi này, đàn ông đôi khi hào sảng kiểu vào quán gọi một cốc cafe, tu đánh ực một cái rồi cắm đầu cắm cổ tiếp tục đi cứu thế giới. Với kiểu mẫu đàn ông hành động bắt đầu được ưa chuộng như vậy, cafe tự phục vụ và nhiều hình thức tự phục vụ khác là sự lựa chọn lý tưởng nhất.

Khi nào đàn ông thích tự phục vụ? Có thể là khi yêu. Khi yêu ai đó, đàn ông không chỉ sẵn sàng phục vụ mình mà còn sẵn sàng phục vụ của người khác. Khi yêu, đàn ông không chờ mang cafe đến tận giường cho mình mà tự mình pha cafe mang đến tận giường cho người khác, cạnh cốc cafe có thể còn kèm theo một cái nhẫn (gắn kim cương thì càng tốt) và một bó hoa hồng.

Khi đàn ông không gọi điện

Chẳng cần phải quá tinh ý để đoán được đàn ba hay nói về chuyện gì. Khi tụ tập với nhau, đàn bà hay nói về đàn ông, thậm chí nói về đàn ông nhiều hơn cả khóc lóc là “chẳng có gì để mặc”. Và khi nói về đàn ông, đàn bà hay tư vấn cho nhau theo chủ đề “Tại sao anh ấy không gọi điện?”

Thực thà mà nói khi Thượng đế tạo ra đàn ông và đàn bà, Người cũng có ý thiên vị cho những kẻ cũng giới tính với mình. Thượng đế tạo ra đàn ông to khoẻ, mạnh mẽ, với tư duy logic và khả năng tìm ra đường phố cần thiết trên bản đồ. Đàn ông không phải chịu ảnh hưởng của tuần trăng và thậm chí không biết thế nào là phải xếp hàng để vào nhà vệ sinh. Khi đàn ông hói hay khi đàn ông có cái mũi to, trông đàn ông vẫn phong độ, vẫn gợi tình. Khi đàn ông ngoại tình đấy là vì bản tính tự nhiên (đàn bà ngoại tình là tội tày trời). Khi đàn ông bị trách là chẳng chịu làm việc nhà, đàn ông sẽ hỏi thế đàn bà để làm gì? Khi đàn ông bị trách là lâu lắm không tặng hoa, đàn ông sẽ ngơ ngác hỏi là tặng hoa để làm gì…Tóm lại, đàn ông là đàn ông và những câu chuyện về đàn ông là đề tài bất tận của đàn bà. Đàn bà kể cho nhau chuyện về anh ấy nhà mình…và thốt lên : “Tại sao anh ấy lại có thể xử sự như thế?”, “Anh ấy còn cần gì nữa?” và tất nhiên là “Tại sao anh ấy không gọi điện?”.

Đàn ông cũng nên biết tại sao đàn ông không gọi điện là câu hỏi khiến đàn bà đôi khi mất ăn mất ngủ, đàn bà rất rất cần phải biết tại sao. Trong trường hợp này, đối với đàn bà đàn ông đầy bí ẩn, bí ẩn như cáo không thể hiểu được tại sao sói lại thích ăn thịt thỏ và tại sao tai thỏ lại dài. Thật ra cáo dễ sống hơn đàn bà, cáo chỉ cần đơn giản là cáo, cáo không cần phải mặc cảm vì áo lông của mình đắt tiền, mặt mình trông có vẻ tinh khôn. Đàn bà khó khăn hơn, đàn bà phải hiểu đàn ông. Với đàn bà không cần hiểu mà chỉ cần yêu thật nhiều nhưng với đàn ông không cần yêu mà cần phải hiểu thật nhiều. Ví dụ như hiểu: “Tại sao anh ấy không gọi điện?”.

Thật ra đàn ông đơn giản như trai bản, đàn ông không đến nỗi quá phức tạp như đàn bà nghĩ. Có hai em gái xinh đẹp cứ tranh luận với nhau mãi, đưa ra hàng triệu triệu giả thuyết là tại sao anh ấy không gọi điện: có thể anh ấy bị mất điện thoại…có thể vì anh ấy đang bận tâm sự với dì Năm…Hai em gái xinh đẹp tranh luận với nhau lâu và sôi nổi đến sùi bọt mép mà vẫn chưa ngã ngũ, cuối cùng đành gọi điện cho người thân như trong trò chơi “Ai là triệu phú”. Người thân trả lời ngay lập tức: “Anh ấy không gọi điện vì anh ấy chưa muốn gọi, thế thôi”. Đơn giản là như thế nhưng đàn bà thường không chịu chấp nhận lời giải thích ấy, đàn bà cứ cố tìm ẩn ý gì đó, thậm chí còn giở bài Tây ra bói để tìm câu trả lời.

Đàn ông cần phải biết có hiện tượng này không phải vì đàn bà quá thông minh nhưng chậm hiểu mà vì đàn bà luôn muốn tin vào cái gì đó, hy vọng vào cái gì đó. Hy vọng là anh ấy là người sẽ luôn gọi điện, hy vọng anh ấy là người hứa là làm, anh ấy là người buổi sáng dịu dàng buổi tối ngọt ngào và lúc nào cũng mạnh mẽ…Khi vẫn còn hy vọng, đàn bà sẽ luôn đặt câu hỏi: “Tại sao anh ấy không gọi điện?”.

Phải ngậm ngùi thừa nhận rằng đàn ông bây giờ Thạch Sanh thì ít Lý thông thì nhiều. Đàn ông bây giờ nhiều khi lấy vợ do tính toán (thà lấy vợ do tính nhầm ngày còn dễ thương hơn). Đàn ông bây giờ ít chân chính. Đàn ông chân chính là người cho đàn bà nhiều hy vọng, là người khiến đàn bà luôn chờ đợi và đặt câu hỏi: “Tại sao anh ấy không gọi điện?”

Đàn ông và mưa

Mấy hôm mưa liên miên khiến đàn ông ngại đi ra đường. Đàn ông nằm ở nhà vắt chân lên trán ngẫm nghĩ về nhiều chuyện và có thể ngẫm nghĩ về mưa.

Mưa là đàn ông hay đàn bà? Theo quan niệm châu Á, hình như mưa là đàn ông. Trong các chuyện cổ tích châu Á có những ông thần ông thánh có tài “hô phong hoán vũ” nghĩa là có tài hô gió gọi mưa. Vũ thường là tên của đàn ông. Có những cơn mưa đực đầy cá tính, cứ rõ ràng, sầm sập. Nhưng cũng có những cơn mưa cái nhẹ nhàng, dai dẳng - như thể đàn bà.

Trong đàn ông cũng có những nét của đàn bà, có điều nét này mạnh hay yếu và người ta có bộc lộ nó hay không. Nhà văn Trung Quốc Trương Hiền Lương có tiểu thuyết “Một nửa đàn ông là đàn bà”. Trong đàn ông có một nửa là đàn bà. Trong cơn mưa đàn ông có một nửa nữ tính. Đàn ông châu Á là thế.

Có bài hát “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá…Có còn hơn không…Có còn hơn không…”. Chỉ có đàn ông mới đại khái vậy. Chỉ có đàn ông mới ước thà như giọt mưa rớt trên tượng đá – đá lạnh và cứng như trái tim của một người đàn bà không yêu mình. Đâu có sao, dẫu là mình có ai đó để nghĩ về, có ai đó để yêu thương là được…

Đàn ông thực ra ít khi nghĩ về mưa. Đàn ông chỉ ghi nhận có mưa hay không thôi. Cũng như đàn ông ít nghĩ về tình yêu. Đàn ông chỉ ghi nhận có tình yêu hay không. Đàn bà có trò bói tình yêu, cứ ngồi rứt từng cánh hoa ra và bói: “Yêu…Không yêu...Yêu”. Đàn ông chẳng bao giờ bói vậy, chẳng bao giờ cần phải đoán có yêu hay không, chẳng cần phải đoán có mưa hay không chỉ cần nhắm mắt thò tay ra ngoài cửa sổ là biết. Nếu tay ướt là mưa mà nếu không ướt nghĩa là không mưa.

Đàn bà cứ lãng mạn hóa mưa, chứ đàn ông biết thừa thực ra mưa được tạo ra khi các giọt nước khác nhau rơi xuống bề mặt Trái Đất từ các đám mây. Không phải toàn bộ các cơn mưa đều có thể rơi xuống đến mặt đất. Đất chắc chắn là đàn bà rồi. Mưa rơi xuống đất như thể là gieo hạt.

Các giọt mưa rơi thông thường được vẽ trong các tranh như là "giọt nước mắt", tròn ở phần đáy và nhỏ, nhọn ở phần đỉnh, nhưng điều này không đúng (chỉ có các giọt nước nhỏ ra từ một nguồn nào đó mới có dạng như vậy ở thời điểm hình thành ra giọt nước). Các giọt mưa nhỏ là có dạng gần như hình cầu. Các giọt lớn hơn thì bị bẹt dần đi, giống như bánh hamburger (một loại bánh mì dẹp như bánh bao); còn các giọt rất lớn thì có hình dạng giống như cái ô.

Ở châu Âu, mưa thường có ý nghĩa buồn và tiêu cực, trái ngược với nắng có ý nghĩa đẹp và hạnh phúc. Ở châu Á, mưa thường được chào đón với một sự vui mừng. Nhiều người cảm nhận thấy hương vị của mưa là dễ chịu. Nguồn gốc của hương vị này là do một loại tinh dầu được cây cối sản xuất, được hấp thụ bởi đất đá, sau đó được giải phóng trong không khí trong thời gian mưa.

Có bài hát: “Nếu yêu hãy yêu ngay bây giờ…Nếu bao dung hãy bao dung ngay bây giờ…”. Đàn ông bảo: “Nếu mưa hãy mưa ngay bây giờ…”

Mấy hôm mưa liên miên…quen rồi, có khi lại thích mưa. Đàn ông vốn dễ quen.

Trời mưa đàn ông vẫn đi làm. Trời mưa đàn ông chỉ ít đi chơi. Trời mưa, đàn ông ngồi nói chuyện lơi khơi. Nói chung tháng Tám mùa Thu, ở Hà Nội hay ở Sài Gòn đàn ông đi đâu cứ mang sẵn cái áo mưa. Mưa Thu not war, but use áo mưa. Mưa Thu không phải là chiến tranh, nhưng hãy sử dụng áo mưa.

Đàn ông và bánh quy

Khi được mời ăn bánh quy, đàn ông thường lắc đầu. Đàn ông ít ăn bánh quy – vì bánh quy khô. Đàn ông vẫn bảo: Không sợ khổ, chỉ sợ khô.

Đàn ông thích cái gì ướt. Nếu phải ăn bánh, đàn ông thích ăn bánh ướt – hay còn gọi là bánh cuốn. Ở đời, cái gì cuốn cũng ngon. Ngoài bánh ướt, đàn ông có thể ăn bánh đậu, bánh cốm và bánh trứng nhện – hay còn gọi là bánh trứng dện.

Trở lại với bánh quy của chúng ta. Làm thế nào để dỗ được đàn ông ăn bánh quy? Làm thế nào để dỗ đàn ông làm cái đàn ông không muốn làm?

Đàn ông thường không thích bị dỗ, đàn ông thích tự mình quyết định. Nếu đưa bánh quy vào tay đàn ông, đàn ông sẽ không ăn. Nhưng có thể để gói bánh quy đấy và “thả thính” - ví dụ thông báo: Loại bánh quy này lúc trước có tên là Viagra nhưng phải đổi tên vì gọi vậy nghe lộ liễu quá…Why not? Có bánh quy F-Cup Cookies có thể làm đôi gò bồng đảo của các bà các cô tăng lên một cỡ, chỉ cần ăn hai cái mỗi ngày, tại sao không có bánh quy Viagra?

Đàn ông sẽ tò mò và thử ăn. Đàn ông thích thử. Đàn ông thích thấy mình khoẻ. Nên chắc chắn đàn ông sẽ ăn thử bánh quy - lúc - trước - có - tên - là Viagra.

Cũng có thể đặt gói bánh quy đấy kèm cốc nước và lời hứa danh dự Đội viên là “Ăn rồi sẽ có thưởng”. Đàn ông thích được thưởng. Đàn ông thực ra quen nghe lời đàn bà, đàn ông vốn nghe lời đàn bà từ bé. Nên đàn ông sẽ ăn bánh, sẽ uống nước và đến nhận phần thưởng.

Tại sao đàn bà lại phải dỗ đàn ông ăn bánh quy? Vì đàn bà thích chia sẻ, đàn bà thích đàn ông cũng làm cái mình làm – là ăn bánh quy. Đàn bà dỗ đàn ông ăn bánh quy như thể dỗ chim đỗ xuống ăn hạt kê, ăn hạt thóc trong lòng bàn tay. Đàn bà dỗ đàn ông ăn bánh quy như thể một cách test: Nếu đàn ông chịu ăn bánh quy ngay - dù bánh quy khô thì đó là đàn ông dễ bảo (Cái tên bánh quy nghe rất hay, như thể ăn bánh quy là sẽ…quy hàng).

Nếu đàn ông vừa ăn vừa uống nước (dù trong bụng bảo: “Tốt mời thì ăn chứ bổ béo gì”) thì đó là đàn ông…dễ huấn luyện.

Khi nhận bánh quy, đàn ông có thể đoán thầm về người mời bánh: bánh hình tròn tượng trưng sự đầy đặn, bánh hình vuông là biểu hiện của sự thẳng thắn, bánh hình lung tung thể hiện mong muốn có những điều mới mẻ nhưng chưa định hình và bánh hình trái tim là ước mơ về tình yêu…Nếu ăn thử bánh quy, thấy bánh giòn tan thì người mời là người sâu sắc tinh tế nhưng mong manh dễ vỡ, nếu bánh ngọt thì người mời là người ngọt ngào và tình cảm, nếu bánh mặn thì người mời là người trung thực và tự tin…Nếu đàn ông ăn bánh quy mà chẳng biết bánh quy có hình gì và bánh quy có vị gì thì đó có thể là vì đàn ông đang mải chú ý đến người mời bánh.

Đàn ông cần làm gì khi được mời ăn bánh quy? Đàn ông cần phải ăn bánh quy – như thể đó là bánh thánh. Bây giờ khô thì chốc nữa sẽ ướt. Như lời dỗ dành của bác sỹ hay của ai đó: “Bây giờ đau nhưng chốc nữa sẽ thích”.

Đàn ông và hàng rong

Trong một đời, trong một ngày, đàn ông gặp rất nhiều hàng rong. Đàn ông được mời mua báo, mua vé số, mua kẹo cao su, mua dây đeo chìa khoá, mời đánh giày…Đánh giày cũng là một loại hàng rong - dịch vụ rong.

Đàn ông ít để ý đến hàng rong. Đàn ông là đàn ông mà. Khi đàn ông vui, đàn ông có thể hỏi: “Đánh giày hôm nay bao nhiêu tiền?”. “Dạ, ba ngàn ạ”. “Thế năm ngàn có được không?”

Khi đàn ông quá vui - vui như khi yêu và được yêu, đàn ông có thể hỏi chú bé đánh giày: “Này bé ăn sáng chưa? Đánh giày xong ăn sáng nhé! Ăn phở hay ăn bánh mỳ xúc xích?”

Khi đàn ông buồn, nếu hàng rong mời, đàn ông nhìn đi chỗ khác, như thể không tồn tại trên cõi đời này.

Khi đàn ông quá buồn - buồn như lúc thua cá độ hay như lúc thất tình, nếu hàng rong mời, đàn ông sẽ cau mày: “Để cho tôi yên”.

Nếu hỏi: “Tại sao đàn ông mua báo, mua vé số, đánh giày?”. Câu trả lời đơn giản là: tại đàn ông cần đọc báo, đàn ông cần có cái gì đó để hy vọng và vì đàn ông muốn thấy dưới chân mình sạch sẽ tinh tươm...

Nếu hỏi” “Tại sao đàn ông không mua báo, không mua vé số, không đánh giày?”, có nhiều câu trả lời: có thể tại đàn ông không biết chữ, tại đàn ông đã quá già hay đã quá chán chường để có thể hy vọng vào cái gì đó, tại đàn ông đã không còn phong độ, đã không còn chăm chút đến vẻ ngoài của mình…

Nếu đàn ông ngồi ở quán café, trên bàn đã có tờ báo, đã có xấp vé số, giày đã đánh bóng loáng, chẳng có hàng rong nào hỏi đến đàn ông nữa, có thể đàn ông lại thấy cô đơn…như thể mình bị đời bỏ rơi. Đàn ông vốn sợ bị bỏ rơi. Cũng có khi thấy đàn ông đã mua báo, mua vé số rồi, hàng rong lại đến mời mua thêm báo, mua thêm vé số…Giày đã đánh rồi thì hàng rong có thể đến mời đánh răng.

Đàn ông không để ý đến hàng rong. Nếu thấy hàng rong xung quanh, đàn ông coi như sống chung với lũ. Đàn ông cũng biết chẳng ai chỉ bán hàng rong mà trở nên giàu có nên nếu có thể, đàn ông mua báo, mua vé số, đánh giày ủng hộ hàng rong. Như trong Kinh Thánh có câu: “Hãy yêu người ở bên cạnh mình”

Ở các quán café văn minh, trên mỗi bàn có cái biển có hai mặt: một mặt ghi “Không mua báo, không mua vé số…”, một mặt ghi “Mua báo, mua vé số…”. Nếu quay mặt “Không mua…” ra ngoài đường sẽ chẳng có hàng rong nào đến mời. Đàn ông có thể sắm cho mình cái áo có in chữ “Không mua báo, không mua vé số, không đánh giày…” hoặc áo có in chữ” Mua báo, mua vé số, đánh giày…” để cho hàng rong biết. Đàn ông sẽ mặc chiếc áo nào tuỳ tâm trạng.

Đàn ông coi việc mua, ủng hộ hàng rong như một dạng đóng thuế đời. Và khi đàn ông mua, ủng hộ hàng rong, có lẽ đàn ông vui vì cảm thấy mình là một phần của cuộc sống.

Đàn ông và tâm trạng

Đàn ông có phải là đàn bà đâu mà sống phụ thuộc vào tuần trăng và tâm trạng. Đàn ông không nên có tâm trạng mà chỉ nên có…tiền.

Nhưng đôi khi đàn ông có tâm trạng. Tâm trạng là trạng thái của tâm lý, tình cảm. Khi tâm lý, tình cảm có trạng thái, đàn ông thấy thế có nghĩa là có vấn đề, là có..tâm trạng, là tâm trạng đang rất tâm trạng.

Khi đàn ông có tâm trạng, đàn ông dễ cáu kỉnh, đàn ông dễ bị trầy xước. Khi đàn ông có tâm trạng, đàn ông muốn trốn đi đâu đó, trốn vào đâu đó - có thể là trốn vào trong rượu, trong bia.

Khi đàn ông có tâm trạng, đàn ông không đi siêu thị mua sắm như đàn bà vì vào siêu thị đàn ông nhìn cái gì cũng thấy chán , người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, đàn ông chẳng muốn mua gì, chẳng biết mua gì.

Khi có tâm trạng, có thể đàn ông thích tiêu tiền. Đàn ông kiếm ra tiền nên khi có tâm trạng đàn ông muốn tiền làm mình vui. Có thể đàn ông vào hiệu thuốc mua Viagra, đơn giản để thấy đời tươi lên. Cô bé bán hàng có thể hỏi đàn ông muốn mua một viên hay mua một vỉ Viagra. Đàn ông có thể trả lời là chỉ cần mua một viên chứ cần gì mua một vỉ. Cô bé bán hàng có thể giải thích là thật ra một vỉ Viagra chỉ có bốn viên và hỏi thêm là đàn ông muốn mua loại màu xanh hay loại màu đỏ. Đàn ông có thể trả lời là tất nhiên là muốn mua loại màu xanh và hỏi thêm là loại Viagra màu đỏ là chế biến từ gấc à? Cô bé bán hàng có thể trả lời là cô hỏi vậy để thấy đời tươi lên chứ thực ra ở cửa hàng của cô không có bán Viagra. Lúc bình thường đàn ông có thể phì cười nhưng vì đang có tâm trạng nên đàn ông…phá lên cười. Thế là đàn ông lại thành ra không có tâm trạng mất rồi.

Khi đàn ông có tâm trạng, có thể đàn ông đi ra đường. Đàn ông hay đi ngoài đường nên khi có tâm trạng đàn ông cũng đi ra ngoài đường. Đàn ông đi ra ngoài đường chỉ đơn giản là để thấy mình đang đi ngoài đường. Ngoài đường thường là đông, đàn bà thường là bịt mặt. Đàn ông có thể nghĩ: “Ngoài đường thường là đông, đàn bà thường là bịt mặt, thế thì mình đi ra ngoài đường để làm gì?”. Nghĩ thế, đàn ông có thể phì cười. Thế là đàn ông lại thành ra không có tâm trạng mất rồi.

Khi đàn ông có tâm trạng, đàn ông có thể đi đấm lưng hay còn gọi là đi tẩm quất. Tẩm quất là đấm bóp, xoa bóp các cơ bắp chống mỏi nhức. Trước đây, người tẩm quất thường là nam, bây giờ người tẩm quất thường là nữ. Khi người tẩm quất dẫm lên lưng, có thể đàn ông nghĩ hoá ra đời mình toàn bị đàn bà dẫm đạp thế này và tủm tỉm cười. Thế là đàn ông lại thành ra không có tâm trạng mất rồi.

Khi đàn ông có tâm trạng, đàn ông có thể vào mạng Internet như thể đi trên xa lộ thông tin. Đàn ông có thể đọc hoài, đọc hoài mà chẳng hiểu mình đang đọc cái gì. Chợt đàn ông đọc được một truyện vui, khi cô gái hỏi: Anh thích đàn bà xinh đẹp hay thông minh? Chàng trai đáp: Anh thích cả hai, và anh thích cả em nữa. Quá là thẳng thắn, quá là bao dung và quá là yêu thương. Nghĩ thế, đàn ông có thể mỉm cười. Thế là đàn ông lại thành ra không có tâm trạng mất rồi.

Khi đàn ông có tâm trạng, có thể đàn ông nghĩ đến Cận tử nghiệp – khái niệm chỉ hành động, tâm trạng của con người trước khi chết. Theo Phật giáo, Cận tử nghiệp rất quan trọng vì nó trực tiếp quyết định điều kiện, môi trường sinh sống trong cuộc đời tiếp theo. Con người ta trước khi chết thường có ba tâm trạng: thiện, ác và không thiện không ác. Nếu trước khi chết người ta có tâm trạng thiện, có lòng từ, bi, hỉ, xả thì một sự tái sinh hạnh phúc hơn được xem như là chắc chắn. Nếu người ta chết với tâm trạng sân hận hay quyến luyến, tham ái thì đó là một mối nguy lớn. Nghĩ đến những mối nguy trong cuộc đời tiếp theo, đàn ông có thể không mỉm cười nhưng chợt thấy lòng từ bi bất ngờ và chợt thấy mình lại thành ra không có tâm trạng mất rồi.

Đàn ông và phim

Biết nói gì về phim? Đàn ông bảo phim chẳng qua là 24 hình/giây, phim là cinema, là kino, là chớp bóng và là điện ảnh. Không thể chối cãi được, đành thú thực là đàn ông thỉnh thoảng cũng có xem phim.

Khi yêu, đàn ông thậm chí còn hay rủ đàn bà đi xem phim. Đàn ông biết đàn bà thích xem phim và đàn ông cũng biết là trong rạp chiếu phim thường là tối. Đàn ông cũng hy vọng là khi xem phim ma hay phim tình cảm, đàn bà có thể vì sợ quá hay vì xúc động quá sẽ quay sang ôm người đàn ông bên cạnh.

Thời bao cấp, phim là món ăn tinh thần đắt giá, có những cặp vé xem phim có giá ngang với một chỉ vàng. Bây giờ phim đã trở nên gần gũi với người xem hơn, phim đã trở nên rẻ hơn, đến mức ba đồng một mớ…phim VCD.

Tại sao đàn ông xem phim? Đàn ông xem phim đàn bà thích xem phim và vì trên TV không có đá bóng. Cũng có khi đàn ông xem phim thuần tuý vì nghệ thuật, vì bị “Cuốn theo chiều gió” “Bố già” “Tâm trạng khi yêu”. Đàn ông xem phim có thể vì đàn ông có người quen làm phim hay đóng phim nên phải xem cho biết. Đàn ông có thể xem phim vì tò mò - ví dụ như khi muốn thấy Vành Khuyên đóng phim thế nào.

Bây giờ có khá nhiều chỗ, có khá nhiều phương tiện để đàn ông xem phim. Đàn ông có thể xem phim ngoài rạp, xem phim ở nhà. Xem phim ngoài rạp đôi khi đàn ông thích nhất lúc mất điện. Mặc dù phim đang hay thì mất điện nhưng lúc mất điện đàn ông có thể làm cái gì đó để khi có điện đàn ông lại càu nhàu: “Đang hay thì có điện”. Xem phim ở nhà thì thích nhất là để hộp bỏng ngô để vừa xem vừa bốc ăn, nhỡ chạm phải tay người khác thì có thể giả vờ hỏi: “Tay ải tay ai?” để nghe câu trả lời êm ái: “Tay ẻm tay em”…

Đàn ông có thể xem phim trên ti vi, xem trên máy tính và xem phim trên điện thoại. Xem phim trên ti vi bây giờ cũng âm thanh nổi như ngoài rạp và đã có ti vi màn hình tinh thể lỏng 119 inches để đàn ông thấy hình người trên phim to y như thật. Xem phim trên máy tính, đàn ông có thể đeo tai nghe vào xem một mình, tự xem tự sướng. Xem phim trên điện thoại, đàn ông có thể gửi phim chia sẻ với những người khác cho đúng tinh thần lộc bất tận hưởng - phim bất tận hưởng.

Đối với đàn ông, phim là một cái gì đó rất…phim. Với đàn ông phim là cái gì đó không có thực, phim là hình ảnh động đậy của cuộc sống, phim là một thế giới khác, phim là một cách thoát tục, phim là…phim.

Khi đàn ông xem phim, đôi khi đàn ông muốn được như nhân vật trong phim, muốn được yêu như trong phim, muốn được chết như trong phim. Tuy nhiên khi xem phim, đàn ông không quá mơ mộng, đàn ông xem phim với đôi mắt mở to (chứ không phải với đôi mắt nhắm hờ như tên một bộ phim nổi tiếng Eyes wide shut có tài tử đẹp giai Tom Cruise thủ vai chính). Đàn ông biết tỏng tòng tong phim chỉ là phim, thậm chí có đàn ông còn biết để đóng phim riêng với cô diễn viên kia có khi chỉ cần vài vé (không phải là vé xem phim). Như thể với đàn ông, phim chỉ là một lúc nghỉ ngơi trên đường đi cứu thế giới.

Đàn ông có thể sống thiếu phim được không? Không có em bầu trời như không có nắng, không có phim thế giới như không có…hoa hồng. Nhiều đàn ông sống chủ yếu là nhờ hoa hồng, đi làm kiếm hoa hồng và dùng hoa hồng ấy để mua hoa hồng tặng người đẹp thích hoa hồng. Tất nhiên không có hoa hồng cũng chẳng cháy nhà chết người nhưng đàn ông biết hạnh phúc không đựng trong một tà áo hẹp (thơ Chế Lan Viên) mà cuộc đời còn có cả những nụ hôn (nhạc Xuân Hồng) và có phim, tất nhiên. Nếu không có phim đàn ông biết đưa đàn bà đi đâu và biết nói chuyện gì?

Đàn ông thỉnh thoảng nên xem phim, đàn ông thỉnh thoảng nên nhớ trên đời này còn cái gì đó lãng mạn. Đàn ông không nên lãng mạn nhưng thỉnh thoảng xem nên phim tình yêu. Tình yêu trong phim thường là đẹp, trong phim về sau anh ấy thường là lấy chị ấy. Còn hai người có sống với nhau đến đầu bạc răng long không đấy là ở một phim khác.

Đàn ông và dưa lê

(Khi đàn ông nói nhỏ)

Đàn ông vốn ăn to nói lớn. Hiếm khi đàn ông nói nhỏ, hiếm khi đàn ông thầm thì. Có những nam nhi đại trượng phu thà chết đứng như Từ Hải còn hơn là phải hạ giọng tỉ tê ton tót.

Khi đàn ông phải thầm thì, thậm chí thều thào có thể đó là vì đàn ông bị đau họng sau khi uống rất rất nhiều bia lạnh. Khi đàn ông phải nói nhỏ, có thể đó là vì đàn ông có điều khó nói, có chuyện thầm kín – ví dụ như chuyện đã uống hai viên Viagra mà không thấy có tác dụng gì. Trong những trường hợp đó, đàn ông hoàn toàn có thể thông cảm với nhau.

Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và không thể tha thứ đó là khi đàn ông “tám” hay còn gọi là đàn ông “buôn dưa lê”. “Buôn dưa lê” vốn không phải là đặc tính của đàn ông. Đàn bà có thể rủ rỉ với người bạn cùng giới cả ngày không chán. Còn đàn ông thì không lắm chuyện đến thế, gặp nhau là uống rượu nói dăm câu ba điều, cười ha hả, thế là xong.

Thật ra những từ “đàn ông”, “nói nhỏ”, “thầm thì”, “tám”, “buôn dưa lê” không nên đặt cạnh nhau. Đàn ông không nên nói nhỏ, không nên thầm thì, càng không nên “tám”, không nên “buôn dưa lê”. Nếu có trường hợp đàn ông như vậy quả là sự trớ trêu của lịch sử, sự nhầm lẫn của tạo hoá mà y học…không thể bó tay.

Cách đây trên 200 năm, nhà văn Đan Mạch nổi tiếng thế giới Andersen đã viết rất hóm về căn bệnh “buôn dưa lê”: Buổi sáng, chị gà mái vừa nhảy khỏi chuồng thì bị mất một cái lông cánh. Chuyện rụng lông với lũ gà thì cũng bình thường thôi. Thế mà chị ngan vẫn rỉ tai chị vịt. Rồi chị vịt lại thì thào với chị ngỗng. Cứ thầm thầm thì thì như vậy đến lúc câu chuyện trở lại tai chị gà mái (nhân vật chính) thì đã thành một chuyện tày trời. Và chính chị gà mái này đã quả quyết: “Kinh lắm nhá. Có một mụ gà mái vì giai đã tự vặt lông mình, vặt đến mức trụi thùi lụi, chẳng còn một cái lông nào...”

Dưa lê vốn không có tội tình gì. Thời bao cấp dưa lê như một thứ quả ăn vào có tính mát có thể dùng làm quà tặng đến biếu sếp. Thời kinh tế thị trường, dưa lê bị mất giá, bị coi là nhạt nhẽo và thuật ngữ “buôn dưa lê” được dùng để chỉ một thói xấu đặc trưng của đàn bà là ngồi lê đôi mách, kiếm chuyện làm quà.

Khi đàn ông buôn dưa lê, đó là một việc cực kỳ tồi tệ, tồi tệ hơn cả việc đàn ông buôn…cà chua ở ngoài đời thực. Thử tưởng tượng một anh đàn ông sức dài vai rộng phải đẩy xe thồ đi bán từng cân cà chua ở ngoài phố như đàn bà (khi viết đến đây tác giả thành thật xin lỗi dưa lê, xin lỗi tất cả đàn bà và tất cả các anh bán cà chua - ví dụ trên đưa ra hoàn toàn có tính chất minh hoạ). Thử tưởng tượng một đàn ông mà cứ đi nghe chuyện của người này để đem nói với người khác, lấy đó làm sự nghiệp của đời mình…

Tại sao đàn ông buôn dưa lê?

Có những gã đàn ông quá rảnh rỗi - như sách Thánh Hiền dạy là “nhàn cư vi bất thiện”, thường đi rêu rao, kể chuyện người khác một cách lố bịch. Có những chuyện thậm chí người trong cuộc còn chẳng biết tí gì, thế mà vẫn được những gã rỗi việc kia đem ra “buôn dưa lê” cho vui.

Có những gã đàn ông buôn dưa lê vì lầm tưởng rằng thế là hay, lầm tưởng rằng biết những chuyện thậm chí kín đáo của người khác để đem đi lan truyền là chứng tỏ mình biết nhiều thông tin. Thật ra những người có lương tri và toàn thể loài người tiến bộ nghe những thông tin không chính thống rẻ tiền với thái bộ chịu đựng và khinh rẻ người phát tin.

Buôn dưa lê không phải là công việc của đàn ông chính nhân quân tử đầy đủ chín vía mà đó là nghề của những đàn ông đã bị biến thái chỉ còn tám vía. Chỉ có những gã tám vía mới hay lê la hóng hớt. Người viết bài này đã từng phải nghe một gã chuyên buôn dưa lê tâm sự: Mơ ước của đời gã là tiến lên buôn cà chua với kế hoạch kinh doanh đầy táo bạo là sẽ đẩy xe thồ đi bán cà chua, nếu bán không hết sẽ đem về nhà ăn. Tất nhiên là khi đi bán cà chua gã sẽ bán kèm thêm dưa lê. Đối với bản thân gã, chuyện không thành vấn đề, mỗi người có sở thích và mơ ước riêng nhưng chỉ thương cho những người thân và vợ con của gã sẽ phải ăn rất nhiều cà chua không tươi. Nhưng dẫu sao cũng hy vọng cho kế hoạch kinh doanh của gã chuyên buôn dưa lê sẽ thành công để gã có tiền sang Thái Lan du lịch. Thấy bảo ở Thái Lan công nghệ chuyển đổi giới tính phát triển rất cao.

Đàn ông nhất trí với nhau rằng những gã buôn dưa lê không nên đứng trong hàng ngũ của đàn ông.

Đàn ông và sến

Đàn ông đôi khi bị nói là sến. Đấy là khi đi hát karaoke đàn ông chọn bài “Chân tình” của Trần Lê Quỳnh, khi đàn ông làm thơ tặng ai đó hay khi đàn ông mua 100 bông hồng nhân Ngày Valentine…

Khi bị nói là sến, đàn ông ngẩn mặt ra nghĩ sến là gì nhỉ và sến thì có tốt hay không?

Tra trong Từ điển, sến là cây to cùng họ với cây vú sữa, gỗ tốt, không mọt, dùng để làm nhà hoặc đóng đồ đạc. Sến thật ra rất cứng - cứng như sắt, sến đứng thứ ba trong tứ thiết – đinh, lim, sến, táu. Thoại nghe thế đàn ông thấy an ủi phần nào - cứng và cùng họ với vú sữa ắt là tốt rồi. Người ta nói đàn ông sến có lẽ là có ý khen.

Tuy nhiên, theo cách dùng từ thông dụng của dân gian đương đại, sến lại được dùng để chỉ một cái gì đó rất mềm, mềm đến chảy nước. Sến được thể hiện rõ rệt nhất trong ca nhạc, thậm chí có cả một dòng nhạc gọi là nhạc sến với nhưng câu bất hủ như “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”, “Em ơi nếu mộng không thành thì sao/Non cao biển rộng biết đâu mà tìm...”. Sến thể hiện trong cách ăn mặc của đàn ông là mặc áo chim cò hay mặc áo hồng có thêu hoa.

Có người dùng từ “sến” để chỉ văn hóa kém với khẩu vị thấp hèn, ít có giá trị. Có người dùng từ “sến” chỉ sự lãng mạn quá mức, ngoài sự chấp nhận được của người khác. Với nghĩa này bị nói là sến có vẻ như không tốt, đàn ông có vẻ không nên mềm, không nên sến mà nên tập trung vào chuyên môn. Đàn ông không nên sến mà nên yên phận đàn ông – nghĩa là phải đi làm kiếm tiền nuôi vợ nuôi con nuôi người yêu, mua nhà mua xe (nhà biệt thự có bể bơi, xe Mercedes thì càng tốt), xây đắp sự nghiệp thăng quan tiến chức…Đàn ông ít ra cũng phải cứu thế giới, dời non lấp bể…chứ không nên sến.

Thật ra đàn ông cũng như tất cả các loại đàn khác cũng cần có những khoảng khắc lãng mạn trong cuộc đời. Đàn ông cũng như cũng như tất cả các loại đàn khác cũng có khả năng nhớ những giây phút ngồi cạnh ai đó ngắm mặt trời mọc hay ngắm trăng bên bờ hồ hay bên bờ biển. Đàn ông thật khó nói nên điều này, đàn ông không thể đấu tranh để đòi quyền sến. Sến dường như là đặc quyền của đàn bà, đàn bà sến không sao chứ đàn ông sến có vẻ như không hiểu nổi.

Thật ra sến làm đàn ông bớt căng thẳng và thấy thoải mái bởi những lúc sến đàn ông hơi thiếu sự nghiêm túc một chút nhưng thừa sự vui vẻ - vì có vui vẻ mới sến được. Sến như thể một cách xả stress, một thư giãn, một cách thả mình theo những cảm xúc. Khi đàn ông sến - cho dù đó là sến chân thành hay chỉ là sến giả bộ thì sự rung động của đàn ông khi sến cũng đủ để những người xung quanh thấy yêu cuộc sống này hơn vì sự sến - như thể sự say mê, nồng nàn đáng yêu. Và hình như những người sến là những người tốt bụng, chẳng làm hại ai bao giờ.

Sến khiến đàn ông dễ nổi bật trong mắt những người xung quanh hay những blog xung quanh (nếu đàn ông có viết blog). Khi đàn ông sến, đàn ông có cơ hội làm cho mình được chú ý hơn nhưng tác hại của sến quả thật cũng không nhỏ. Những người sến có vẻ là những người không chắc chắn, không đáng tin cậy để giao phó những thứ lớn lao (ví dụ như đời một người con gái) và những việc lớn lao (ví dụ như tổ chức lễ cưới). Tuy nhiên những đàn ông sến có vẻ không chú ý đến những tác hại đó lắm, sến mà.

Thật ra viết về đàn ông và sến cũng sến sến. Bây giờ viết về đàn ông và viết về sến có vẻ nhàm quá rồi, nhàm tới mức chẳng may có ai nhỡ nhắc đến tên người viết bài này thế nào cũng có người bảo: Tiên sư thằng đấy là bố của sến.

Đàn ông khi bị nói là sến nên tự hỏi hay mình sến thật nhỉ? Biết đâu người ta nói đúng? Dù sến hay không sến, với đàn ông quan trọng được là chính mình. Hãy để mặt trời luôn luôn chiếu sáng, hãy để đàn ông hát Chân tình, hãy để đàn ông mặc áo hồng có thêu hoa, hãy để đàn ông sến, hãy để đàn ông được là đàn ông.

Đàn ông và xe

Đàn ông không có xe cũng như đàn ông không có chim. Xe ở đây không nhất thiết là xe ô tô mà xe ở đây là xe gì cũng được, miễn là có thể cưỡi lên xe, xe có bánh xe và bánh xe có thể quay được.

Nhiều đàn ông nuôi chim để di dưỡng tính tình, hàng ngày cho chim ăn, cho chim tắm, thể hiện mình cũng biết chăm sóc một vật gì đó. Nuôi chim phong lưu thật là khí độ như thể của bậc đại gia vậy.

Có một câu nói không nổi tiếng lắm của một người cũng không nổi tiếng lắm (nên không kể ra ở đây) là: “Hãy cho tôi biết anh đi xe gì, tôi sẽ nói anh là người như thế nào”. Đàn ông không có xe cũng như đàn ông không có chim nghĩa là chẳng có gì để nâng niu, chẳng có gì để thông qua đó thể hiện khí độ đàn ông của mình.

Đàn ông hay bàn về xe cũng như đàn bà hay bàn về chuyện ăn kiêng. Đàn ông bàn nhiều về xe ô tô. Đàn ông vốn thích chơi ô tô từ bé và từ bé khi chơi ô tô hay hát: “Pí pò, pí po em tập lái ô tô, sau này em lớn em lái xe đón cô”. Tiếng Việt quả là giàu đẹp, từ “cô” ở đây quả là nhiều nghĩa. Nhiều đàn ông lúc bé hát thế, lớn lên đã thực hiện được lời hứa của mình là mua xe để lái xe đón cô, thật là khí độ như thể của bậc đại gia vậy. Và đàn ông nhiều khi được voi đòi Hai Bà Trưng, mua được Innova rồi thấy Lexus đi qua là xuýt xoa, mua được Lexus rồi thấy Roll Roy đi qua là ngấm nguýt. Trong lúc chờ mua Innova hay Lexus hay Roll Roy đàn ông bàn về xe, bàn trước cái đã, bàn không bao giờ thừa, bàn không ai đánh thuế.

Nếu không bàn về ô tô, đàn ông có thể bàn về xe máy. Bàn về xe máy đàn ông hay bàn về xe Vespa, thậm chí có đàn ông mua xe Vespa để đi, thật là khí độ như thể của bậc đại gia vậy. Xe Vespa không chỉ là xe Vespa mà đã được nâng lên thành một kiểu sống – life style.

Bàn hết về ô tô, xe máy đàn ông có thể bàn về thứ để cưỡi lên, nắm chặt tay lái và đạp. Dạo này xăng đắt, nhiều đàn ông tính chuyển sang đi xe đạp cho khoẻ người. Và trước khi mua xe đàn ông cũng phải tám với nhau nên mua xe gì, mấy tốc độ…

Khi có xe ô tô, đàn ông hay chăm sóc xe, sắm thêm đồ cho xe, như thể sắm đồ cho tình nhân vậy. Có đàn ông mê xe ô tô tới mức vợ mắng dỗi ra nằm ở xe ô tô. Có đàn ông mê xe đạp đến mức treo xe đạp ngay trên đầu giường. Mê xe máy vợ mắng không ra nằm trên xe máy được hay không treo xe máy trên đầu giường được thì đàn ông chuyển sang sắm xe máy thật nhiều, để đầy nhà.

Đàn ông có nhiều xe, như thể đàn ông có nhiều chim. Nghĩa là được mọi người trầm trồ kính nể. Tuy nhiên đàn ông cũng cần phải biết là nhiều xe cũng chưa phải là tốt vì vận bĩ hai xe đành bỏ phí mà gặp thời một tốt cũng thành công. Khái niệm thành công ở đời không nhất thiết ở chỗ nhiều xe hay ít xe.

Xe không phải là đồ xa xỉ, xe là phương tiện di chuyển nhưng xe là mục đích sống của nhiều đàn ông. Tiểu sử của nhiều đàn ông có thể tóm tắt là sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, lấy vợ, sinh con, mua xe, già đi rồi chết.

Tóm lại nói chuyện về đàn ông và xe có thể nói cả ngày như đàn ông nói chuyện về xe.

Đàn ông và ở bẩn

Người viết bài này có ông bạn nổi tiếng. Anh đi đến đâu mọi người cũng biết là anh mặc quần bò bởi vì từ chiếc quần của anh toát ra mùi bò. Người viết bài này còn biết một người nổi tiếng khác có một phẩm chất vô cùng đặc biệt đó là phẩm chất không bao giờ thèm dùng bàn chải đánh răng. Thi thoảng ngày lễ ngày tết anh mới đi xin một ít thuốc đánh răng bôi vào đầu ngón tay rồi kì vào miệng để sơn tút lại vẻ đẹp muộn màng của hàm răng cải mả. Một người nổi tiếng khác được mệnh danh là Hàm Hương theo nghĩa là gặp anh “chuột chù ngửi thấy cong đuôi chạy, bọ xít giật mình cất cánh bay”.

Ở bẩn được coi là một đặc tính của đàn ông. Có quan niệm cho rằng đã là đàn ông thì phải ở bẩn, đàn ông mà sạch sẽ thơm tho chỉ có là đồng cô.

Quan điểm chấp nhận sự ở bẩn của đàn ông thì đã có từ xa xưa - khi con người mới tiến hoá lên từ loài vượn. Lúc đó đàn ông suốt ngày phải lăn lộn, săn bắn kiếm ăn nên chuyện ở bẩn là đương nhiên, thậm chí để các con thú không phát hiện ra mình thông qua mùi vị, đàn ông phải đầm mình trong vũng bùn hay lăn lộn vào đống phân để khử mùi. Thời xa xưa, nếu đàn ông không bẩn thì đàn ông ấy là lười nhác, ăn bám.

Trong thời đại công nghệ thông tin khi không cần phải ra khỏi hang mà ngồi ở nhà gõ máy tính cũng cướp được ngân hàng có lẽ chúng ta cũng phải thay đổi quan điểm về sự ở bẩn của đàn ông. Ở bẩn bây giờ không còn là dấu hiệu chứng tỏ phẩm chất quý báu của đàn ông, ở bẩn đã không còn là bằng chứng về sự cần cù, chịu khó săn bắn, hăng say hái lượm kiếm miếng ăn của đàn ông. Ngày nay ở bẩn chỉ còn là một dấu hiệu chứng tỏ sự ở bẩn và chứng tỏ người ở bẩn là người không biết chăm lo đến bản thân mình. Người không biết chăm lo đến bản thân mình sẽ khó có thể biết chăm lo cho người khác, thậm chí không chăm lo mà khủng bố những người khác bằng mùi vị đặc trưng của mình.

Trước đây, đàn ông ở bẩn thì có thể đổ lỗi do bận công tác, do thiếu thốn các phương tiện làm sạch nhưng hiện giờ đã có nhiều công cụ giúp đàn ông trở nên sạch như lọ xịt khử mùi ở miệng, gel giúp ghét dễ bong ra, lăn khử mùi nách… Trước những sản phẩm thành tựu kể trên của nền văn minh đàn ông không nên có thái độ dè bỉu, không nên vùng vẫy kháng cự mà nên mở lòng đón nhận.

Đàn ông vốn nhìn xa trông rộng có thể phải lường trước rằng một ngày đẹp trời người ta có thể nghĩ ra card cảm ứng và chương trình máy tính đặc biệt mà khi người sử dụng ở bẩn quá, có mùi quá thì máy tính sẽ bị treo.

Khi đàn ông ốm

Khi đàn ông không di chuyển được nữa, khi đàn ông phải mò về nhà, đấy có thể là triệu chứng của hiện tượng đàn ông ốm. Nếu đàn ông sốt cao hay đau dữ dội một bộ phận nào đó ví dụ như ruột thừa, đấy chính xác là dấu hiệu của việc đàn ông ốm.Ốm ở đây là ốm bệnh chứ không phải ốm với nghĩa gầy hay mập. Khi đàn ông gầy, đấy là nhan đề của một bài hát khác.

Khi đàn ông ốm, đàn ông thường giấu không cho người khác biết là mình ốm. Đàn ông không hề biết rằng voi cũng ốm, cá voi cũng ốm, ốc voi và sò vòi voi cũng ốm, thậm chí máy tính vô tri vô giác là thế cũng có lúc ốm. Đàn ông cần phải hiểu ốm chẳng qua là không khoẻ và tất cả mọi thứ trên đời này đều có lúc không khoẻ. Bởi thế khi người ta gặp nhau thường hỏi: Thế nào , khoẻ không?. Nếu đàn ông chịu công nhận là mình ốm, thế có nghĩa là đàn ông rất ốm.

Khi đàn ông ốm, đàn ông nằm bẹp một chỗ và khao khát được thế giới chăm sóc. Khi đàn ông ốm, đàn ông trở nên khó hiểu ở chỗ đàn ông giấu không cho người khác biết là mình ốm nhưng lại muốn được người khác biết đến. Đàn ông khi bị chất vấn về điểm bí hiểm này thậm chí có thể khóc nức lên (ốm mà): Nghe giọng anh em phải biết chứ!

Khi đàn ông ốm, khi đàn ông được người khác chăm sóc, đàn ông trở thành đứa trẻ nhỏ. Đàn ông khi ốm còn có thể tiêm cho người khác nhưng nhất định không chịu uống thuốc, nhất định không chịu tiêm. Đàn ông vốn tin từ bé là trên đời này thuốc thì đắng mà tiêm thì đau. Khi đàn ông ốm, đàn ông tuy chưa mê sảng nhưng dễ dàng tin vào những chuyện hoang đường như chỉ cần súc miệng nước muối có thể làm hạ sốt hay xoa dầu cao Sao Vàng có thể chữa khỏi cơn đau dạ dày.

Khi đàn ông ốm, đàn ông có dịp chiêm nghiệm chuyện đời xem ai tốt với mình và mình tốt với ai. Khi đàn ông ốm, có người cứ nằng nặc đưa đàn ông đi massage, đấy có thể là người không tốt. Khi đàn ông ốm, có người đưa đến tặng nửa lạng cao hổ cốt, đấy có thể là người tốt.

Tóm lại khi đàn ông ốm, đàn ông nên: Một, thừa nhận là mình ốm và khai với thế giới là mình ốm. Hai, ngoan ngoãn chấp nhận sự chăm sóc của thế giới, của y học. Nếu đàn ông cư xử tốt, nếu đàn ông chấp nhận mình là bệnh nhân người Anh hay bệnh nhân người Mỹ hay bệnh nhân người Nhật hay thậm chí bệnh nhân người Việt Nam, chỉ sau vài ngày đàn ông sẽ hết ốm, đàn ông có thể tươi rói như một quả dưa chuột, thậm chí đàn ông có thể cưới cô y tá. Khi đàn ông cưới cô y tá đó đã sang một bài hát khác rồi.

Người Nga khi uống rượu thường có câu chúc: Chúc chúng ta khoẻ một trăm năm chẳng phải sửa chữa gì. Dẫu bàn chuyện đàn ông ốm, chúng ta cũng nên mong đàn ông ít ốm, ít phải sửa chữa. Vì đàn ông là đàn ông.

Khi đàn ông khóc

Đàn ông khóc là chuyện hiếm hoi như thể chuyện đàn ông tự giác đi tắm nên ai biết gõ bàn phím đều có thể bàn về hiện tượng bất thường này. Đàn ông khóc đó là khi đàn ông rơi nước mắt. Có hẳn một bài hát “Nước mắt đàn ông” trong đó có câu “nước mắt đàn ông không rơi từng giọt” ngụ ý khi đàn ông khóc nước mắt sẽ chảy tồ tồ. Khóc không phải hoạt động ''độc quyền'' của trẻ con, càng không phải là ''hàng hiệu'' của đàn bà. Mọi người ai cũng có tuyến lệ và những giọt nước mắt nằm sẵn trong đó. Đàn ông cũng có thể khóc chứ, tại sao không?

Lý do cho giọt nước mắt đàn ông, thường được quy về tột cùng của sung sướng, hay tột cùng của khổ đau. "Nước mắt đàn ông" để nói về một sự hiếm hoi, một sự đau khổ rất lớn. Nhưng theo thống kê thì trong cuộc đời mình, cứ một năm, trung bình người đàn ông khóc khoảng 3,7 lần.

Nhiều đàn ông được mệnh danh là "mít ướt", hễ có chuyện gì là rơm rớm nước mắt. Đàn ông “mít ướt” không bị lên án, thậm chí còn được biện hộ một cách bao dung là đàn ông rơi nước mắt, khi đứa trẻ trong anh ta thức dậy. Khi còn là đứa trẻ, đàn ông có một cái may mắn là có thể khóc ngon lành bất cứ lúc nào nếu thấy cần. Có một bài hát có câu “Anh khóc trên vai em, một lần cuối, một lần cuối cùng”. Đàn ông khóc trên vai người khác thì đúng là chỉ được một lần, duy nhất và cuối cùng.

Nhiều đàn ông thuộc loại “lệ tửu”, nghĩa là cứ uống một chút rượu vào là khóc, nước mắt ròng ròng. Nhiều đàn ông chảy nước mắt khi có hạt bụi bay vào mắt mình hay khi có chiếc nhẫn kim cương lọt vào mắt ai đó.

Người hâm mộ đã nhiều lần chứng kiến cảnh các siêu sao thể thao đã rớt những giọt nước mắt rất dễ thương khi thua trận. Đó là những giọt nước mắt đặc thù của nam giới, những giọt nước mắt được trân trọng và chia sẻ những giọt nước mắt đầy tính đàn ông.

Đôi khi đàn ông muốn khóc nhưng phải nuốt nước mắt để giữ mình cứng cỏi trước những giá trị và trách nhiệm của đàn ông.

Khi hỏi đàn ông: nói thật đi có muốn là đứa trẻ hay không, được chăm sóc này, được bú ti này…đàn ông bật khóc. Khóc có nghĩa là đồng ý. Khóc vì đã là đàn ông, đã cảm nhận được ước mơ trở lại là đứa trẻ chỉ là ước mơ thôi.

Đàn ông thỉnh thoảng cũng nên khóc. Khóc để tiêu hết chỉ tiêu được khóc 3,7 lần/năm. Khóc để thông tuyến lệ. Khóc cho một thời tươi đẹp đã qua, khi đàn ông còn bé đến mức muốn khóc lúc nào thì khóc.

Khi đàn ông đi mua sắm

Có đàn ông không sợ ma, không sợ quỷ, không sợ lãnh đạo chỉ sợ phải đi mua sắm. Mua sắm (trừ khi đi mua máy bay, thuyền buồm, ô tô hay dàn máy hi - end) đối với nhiều đàn ông là một cực hình. Khi đi mua sắm, đàn ông như cá bị bỏ vào chảo, đàn ông thấy những nơi mua sắm là những nơi chứa đầy cạm bẫy. Đàn ông trên thương trường, trên đường, trên giường khôn ngoan là thế khi đi mua sắm như thể bị trước hết vũ khí, chỉ còn là con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô.

Khi đi mua sắm, đàn ông có thể phải để ở nhà sự hào phóng ở nhà. Có nhiều đàn ông, có nhiều hào để phóng nhưng khi mua sắm vẫn mặc cả như người lớn, quan trọng là để chứng tỏ mình không phải là con gà béo để các em bán hàng muốn mần thịt thế nào thì mần.

Khi đi mua sắm, có thể đàn ông phải ngó đến hàng giảm giá, khuyến mại bởi theo quan điểm đàn ông quan tâm đến hàng giảm giá, khuyến mại là làm giảm giá của chính mình. Đàn ông sẽ phải đấu tranh giữa lý trí và tình cảm: lý trí đàn ông muốn mua hàng rẻ, chất lượng cao; tình cảm đàn ông muốn chứng tỏ mình giữa bàn dân thiên hạ và với đại diện của phái đẹp đang đi cùng mình.

Khi đi mua sắm, đàn ông đôi khi phải thể hiện sự không nhất quán giữa ý định và quyết định của mình, đàn ông có thể hỏi mua một thứ và quyết định mua một thứ khác. Chuyện xi nhan bên phải nhưng rẽ bên trái khi mua sắm là một mâu thuẫn rất dễ thương và rất đặc trưng ở đàn ông.

Vì đàn ông ngại mua sắm nên nảy sinh ra tầng lớp đàn ông chuyên chạy vật tư, nghĩa là chuyên đi mua sắm hộ đàn ông khác với giá ngược đãi. Đối với tầng lới đàn ông chuyên chạy vật tư này, mua sắm lại là một công việc, là một thú vui.

Đàn ông có thể đi mua sắm cùng vợ con trong ngày nghỉ với tư cách là một “tài xế” kiêm “cửu vạn” kiêm “osin” giữ con. Phong cảnh đàn ông đóng vai người chồng ưu tú đi theo phục vụ và nhìn vợ con làm Thượng đế này thật là ngoạn mục. Có đàn ông thậm chí xem việc mua sắm là cơ hội để thể hiện sự tháo vát, năng khiếu thẩm mỹ hay tài ngoại giao của mình. Khi mua được hàng rẻ - ví dụ đàn ông chỉ phải mua với giá 150 ngàn đồng một mặt hàng đáng giá 100 ngàn, đàn ông thường rất rất tự hào và xem đó là một thành tích, là sự khởi đầu của may mắn để tiếp tục thành công không chỉ ở nơi mua sắm mà trong cả cuộc đời. Đàn ông sẽ trả 2 USD cho một thứ chỉ có giá trị 1 USD, miễn là đàn ông cần khác với đàn bà có thể sẽ trả 2 USD cho một thứ có giá trị 1 USD ngay cả khi đàn bà không cần nó.

Mua sắm cũng là một dịp để chứng tỏ sự hiểu biết của đàn ông về các mặt hàng kỹ thuật cao, những mặt hàng cần có sự hiểu biết nhất định về tính năng hay hiệu quả sử dụng. Đàn ông có thể lái bầu đoàn thê tử của mình đến các quầy hàng điện máy chưa hẳn để mua mà để “khoe” tài năng “kỹ thuật số” của mình mà bình thường người đàn ông không biết bộc lộ cùng ai và bộc lộ như thế nào.

Khi phải đi mua sắm, đàn ông chứng tỏ khả năng định hướng của mình và coi mua sắm là một công việc phải hoàn thành. Đàn ông đến nơi mua sắm để mua thứ mình cần và trở về ngay và an toàn sau khi đạt được mục đích. Đàn ông không nên ngại ngùng khi trả giá một món hàng hoặc khi đi mua sắm. Mua sắm cũng là một cách để chứng tỏ sự sành điệu của đàn ông thời nay, mua sắm cũng là một thử thách mà đàn ông vốn thích thử thách.

Khi đàn ông yêu

Đàn ông thỉnh thoảng cũng có yêu. Yêu là chết trong lòng một ít. Đàn ông thỉnh thoảng cũng chết như đàn ông thỉnh thoảng uống rượu say.

Jean De La Bruyere (người được trích dẫn rất nhiều trên Internet dù ít người biết ông là ai) nói: Đàn ông khởi sự bằng tình yêu, kết thúc bằng tham vọng, và thường chỉ cảm thấy thật bình thản khi họ chết. Khi đàn ông yêu đàn ông chứng tỏ mình đã lớn. Hai đàn ông tí hon có thể hỏi nhau: “Bạn mấy tuổi?”. “Tớ không biết”. “Thế đã biết yêu chưa?”. “Biết rồi”. “Biết yêu rồi có nghĩa là đã bốn tuổi”.

Đàn ông có hai sở thích mãn tính: sở thích phiêu lưu và sở thích mạo hiểm. Bởi vậy đàn ông rất thích tình yêu, vì tình yêu là một trò phiêu lưu hết sức mạo hiểm.

Đồng thời và đồng thời, tình yêu vẫn là một thử thách, đặc biệt là thử thách sự kiên trì của người đàn ông. Một đàn ông đang yêu thật sự là người biết thập diên mai phục để chiếm lĩnh mục tiêu. Đàn ông khi yêu không đắn đo trước chiều sâu và chiều rộng trái tim đối tượng của mình. Khi yêu, đàn ông bắt đầu biết mình, hiểu mình, ngắm nhìn mình, và rồi… quên mình. Đàn ông quên mình, quên đi sự ích kỷ đến kích ỷ của mình mới có thể yêu thực sự.

Đồng thời và đồng thời, một đàn ông đang yêu là người đang phải tự vấn về mình để đối chiếu với những tiêu chuẩn của người đẹp mà những tiêu chuẩn này đang ngày một tăng dần. Ngày xưa, thời buổi khó khăn, phái đẹp có câu: “Một yêu anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần”. Ngày xưa, có một cái áo may ô để mặc lót ở trong đã là một sự sành điệu xa xỉ hay có cá khô ăn dần đã là có của ăn của để. Ngày nay, tiêu chuẩn của phái đẹp cao hơn: Đàn ông phải là có nhà mặt phố, bố làm to hay phải có xe hơi, có công việc thu nhập cao. Để nuôi dưỡng tình yêu, phái đẹp muốn mình trở nên hấp dẫn hơn và tìm đến thời trang, mỹ phẩm. Để nuôi dưỡng tình yêu, đàn ông lao vào tìm kiếm cơ hội để kiếm tiền. Khi đàn ông lao vào kiếm tiền, có thể đó là khi đàn ông đang yêu.

Đàn ông khi yêu đôi khi chân thật đến ngờ ngệch, đôi khi trở nên mạnh mẽ đến quạnh quẽ, tài hoa đến mức tặng cả trăm bông hoa. Khi yêu, đàn ông có thể tự bao biện thế mới là trở lại là mình, chính hiệu về mình.

Trước sức ép thường xuyên của công việc, của trách nhiệm xã hội trong cuộc sống không ngừng biến chuyển, đàn ông phải tự thay đổi. Có đàn ông trở nên thụ động, tự ru ngủ mình công thức: “Của chồng chồng tiêu, của vợ vợ tiêu con bú mẹ”. Có đàn ông có trách nhiệm hơn, giác ngộ rằng tình yêu không chỉ là cuộc chiến đấu với những đối thủ vô hình và hữu hình nhiều chiêu thức cực kỳ biến hoá mà điều quan trọng là phải chiến đấu với chính bản thân mình.

Đàn ông và …ít nói

Đàn ông sở trường làm việc bằng đầu chứ không sở trường làm việc bằng miệng. Đàn ông vốn không thích để mồm mép đỡ chân tay. Có lẽ bởi vậy mà đàn ông sở trường…ít nói. Đàn ông thường là ít nói, thậm chí có đàn ông rất ít nói - đến mức cạy răng cũng không thèm nói, có đánh đến chết cũng nhất định không khai hai đồng chí ở trong đống rơm.

Đại diện của phái đẹp đã làm thơ nói về phẩm chất ít nói của đàn ông: “Em biết những lời yêu còn ở trong anh/Như ốc đảo xanh nằm trong sa mạc/Nhưng trước em anh lặng im như cát/ Chính điều này làm em yêu anh” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Nhưng cũng có những đại diện của phái đẹp phàn nàn về phẩm chất ít nói của đàn ông, đến mức phải lên Đài phát thanh tâm sự: “Chúng em đã yêu nhau được gần hai năm. Anh ấy rất thật lòng giúp em nhiều, nhưng những lúc ở bên nhau anh ấy rất ít nói, anh ấy chỉ nói khi anh ấy đói khiến cho em đôi lúc rất khó hiểu những suy nghĩ của anh ấy...” hay “Ông xã nhà em rất ít nói, ngay cả khi cần biểu lộ tình cảm như lúc phải khen em đẹp anh ấy chỉ nhe răng cười…”. Từ ngàn xưa đến nay, đàn ông không quen biểu lộ cảm xúc thành lời mà dùng hành động để diễn tả cảm xúc. Bởi vậy phái đẹp nên chú ý tới những gì mà người đàn ông làm hơn là điều đàn ông nói.

Khoa học chứng minh rằng, đàn ông chủ yếu sử dụng bán cầu não bên trái, trong khi đàn bà sử dụng cả hai bán cầu đại não cho các hoạt động liên quan đến ngôn ngữ. Điều này khiến đàn bà có khả năng sử dụng lưu loát ngôn ngữ một cách đặc biệt nhất khi... cãi nhau với đàn ông. Bởi vậy, đàn ông đã ít nói lại càng ít nói vì có nói cũng không lại được với đàn bà.

Theo các nhà nghiên cứu, đàn ông luôn tìm cách thay đổi ngôn từ, tìm kiếm những hình thức mới để chuyển tải ý tưởng, để nhấn mạnh tính cá nhân của mình trong cộng đồng, trong các mối quan hệ xã hội. Trước đám đông đàn ông có thể “nhiều lời, lắm chuyện” nhưng lại hết sức ít nói trong gia đình. Nói đến đức hi sinh và nhường nhịn, mọi người đều nghĩ ngay đến đàn bà như thể đó là một thuộc tính đặc trưng không đàn nào cạnh tranh được. Nhưng riêng về môn nhường nhịn để đàn bà nói, không đàn nào qua nổi đàn ông, nhất là khi hàng ngày phải chịu đựng sự cằn nhằn kinh niên (hay còn gọi là sự cằn nhằn tiền mãn kinh) của các bà vợ.

Đàn ông vốn ít nói nhưng khi yêu đàn ông có thể phải nói nhiều bởi đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai. Trong thế giới đầy những đàn ông ít nói, đàn ông nào biết nói những lời có cánh, những lời ngọt như đường cát, mát như đường phèn sẽ làm phái đẹp lăn như bi bẹp như gián. Cũng như đàn bà luôn cần tu chỉnh sắc đẹp đẹp để làm duyên và lôi cuốn thế giới, đàn ông có lẽ cũng nên luyện bí kíp “nói sao cho vừa lòng” phái đẹp. Nếu không luyện được bí kíp này, đàn ông nên tìm cách để những giờ bên nhau với những giây phút im lặng đánh giá luôn là điều mong đợi của hai đàn.

Đàn ông và những điểm nhạy cảm

Đàn ông chân chính là nấm mồ cho những điều bí mật. Nghĩa là với đàn ông chân chính có thể yên tâm phó thác những điều bí mật của mình. Nhưng bản thân đàn ông chân chính cũng có những điểm nhạy cảm không thích ai đụng chạm đến.

Đàn ông không muốn người ngoài biết mình có thu nhập không cao. Đàn ông quan niệm rằng thu nhập không cao đồng nghĩa với việc không có năng lực, không thành đạt như những người đàn ông khác, không thể là trụ cột trong gia đình. Thật ra đàn ông nên biết trong Kinh Thánh có câu: “Làm bởi bay cho bởi ta”. Để có thu nhập cao cần có nhiểu yếu tố khác chứ không chỉ là năng lực. "Bỏ việc", "thay đổi công việc", "làm ăn thua lỗ"... đại loại những việc như vậy đàn ông thường lo toan, quyết định một mình. Đối diện với những vấn đề quan trọng, đàn ông ít khi bộc lộ tình cảm và suy nghĩ của mình ra bên ngoài. Do vậy, khi thấy đàn ông im lặng thì hãy hiểu rằng chuyện này có lý do chính đáng.

Đàn ông không muốn khơi lại những tình cảm đã qua. Đàn ông nghĩ cái gì đã qua để cho nó qua, khơi lại mà làm gì. Đàn ông chôn chặt quá khứ và không không muốn ai đó khơi lại bởi đàn ông cảm thấy mình là người thất bại trong chuyện đã xảy ra.

Đàn ông không muốn bị săm soi vào “khoảng trời riêng”. Khoảng trời riêng ở đây không phải là một mối tình vụng trộm, một hoạt động ngoài luồng mà đàn ông cố giấu. Khoảng trời riêng của đàn ông có khi chỉ là vài bức ảnh của một người bạn gái mà đàn ông cảm mến thời học sinh, một vài thứ quà tặng kỷ niệm mà “ai đó” đã tặng đàn ông. Khi bị lục lọi hoặc tra khảo về vào những thứ ấy, đàn ông sẽ rất tức giận và rất dễ tạo ra một vỏ bọc mới khiến vợ chồng khó gần nhau.

Đàn ông không thích ai bình luận về sức khỏe của mình nhất là khi thực sự sức khoẻ của đàn ông có vấn đề. Đàn ông rất sợ nói đến bệnh tật ngay cả khi có bệnh thật sự, lại càng sợ phải đi khám bệnh và điều trị bệnh bởi vậy họ giấu giếm người khác về sức khoẻ của mình.

Đàn ông rất kỵ việc bị tiết lộ “chuyện riêng” của mình cho người khác. Ai cũng biết tất cả đàn ông đều giống như xi măng nghĩa là cần một thời gian mới cứng lại nhưng có nhất thiết phải bô bô kể chuyện đó ra không?

Đàn ông và đàn ông

(Mổ xẻ tính bền vững giới tính của đàn ông)

Bạn của người viết bài này, một đàn ông hàm én râu hùm rất nổi tiếng có câu nói cũng rất nổi tiếng là: “Khi không có đàn bà thì đàn ông cũng được, miễn là đừng già quá”. Nhiều người nghe câu này đã vội đánh giá: trong đàn ông - dù đàn ông đến đâu, đàn ông quá đàn ông không chịu nổi - cũng tiềm tàng máu đồng tính, đàn ông ở độ tuổi nào cũng dễ dàng trở thành đồng tính.

Ai cũng biết là đàn ông thích thử lửa,có câu là “lửa thử vàng, gian nan thử sức” hay “dùng lửa thử vàng, dùng vàng thử đàn bà và dùng đàn bà để thử đàn ông” nhưng liệu có thể dùng đàn ông để thử đàn ông, đàn ông có thích thử ngọn lửa dưới hình dạng một đàn ông khác? Đàn ông có dễ trở thành đồng tính luyến ái?

Đồng tính luyến ái là khi yêu người cùng giới, là khi đàn ông yêu đàn ông, khi Mạnh yêu Cường khi Hùng yêu Dũng. Yêu ở đây không nhất thiết là phải “táy cổ năm” mà có thể chỉ là thầm yêu trộm nhớ, “hôn môi xa hôn những nỗi nhớ ngút ngàn”, ra ngấm vào nguýt “quỷ sứ, hết hồn”. Đàn ông được quan niệm là có bảy vía, đàn bà có chín vía, có những đàn ông cơ thể ở bên bảy vía nhưng tâm hồn ở bên chín vía - cộng lại chia trung bình được gọi là là bóng, là tám vía hay còn gọi là dì Tám. Giải thích một cách khoa học là bất kỳ tế bào nào của cơ thể loài người cũng đều có 21 cặp nhiễm sắc thể thường và một cặp nhiễm sắc thể giới tính. Ở phái nữ cặp nhiễm sắc thể quy định giới tính là X và X, còn ở nam là X và Y. Cặp nhiễm sắc thể giới tính này quyết định những khác biệt giới tính giữa hai phái, trong đó có bộ sinh dục ngoài. Bên cạnh đó, bộ não nam và nữ cũng khác nhau. Não có một vùng đặc biệt gọi là hạ đồi, tiết ra nội tiết tố có tác dụng kích thích tinh hoàn hay buồng trứng sản xuất ra nội tiết tố giới tính. Trong não còn có trung tâm xác định đối tượng tình dục mà nếu bị trục trặc thì có thể nó sinh ra chuyện... yêu người cùng phái.

Đối với đàn ông 100% như xăng 100% không pha nhớt, dùng đàn bà để thử cũng còn khó – nghĩa là đàn ông thực sự không dễ xiêu lòng với những cám dỗ phù du, huống chi dùng đàn ông để thử. Đàn ông thực sự không dễ trở thành đồng tính hay chính xác hơn - không bao giờ có thể trở thành đồng tính. Dù đàn ông thích thử lửa nhưng đàn ông thực sự chỉ thích thử lửa với người khác giới, cùng lắm là thử lửa với dì Năm chứ thử lửa với dì Tám thì lạy cả nón. Đàn ông thực sự không bao giờ nghĩ mình có thể nắm tay nắm chân, ôm ấp người cùng giới.

Người có thể thử lửa với đàn ông khác, người có thể trở thành đồng tính luyến ái là người đã có máu đồng tính luyến ái tiềm tàng sẵn, chỉ cần có cơ hội thuận lợi là máu Tám này sẽ bùng phát. Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra một con số là có 5% trong số chúng ta không giống 95% còn lại và có máu Tám. Trong số đàn bà cũng có đồng tính luyến ái nhưng tỷ lệ đồng tính luyến ái nữ ít tỷ lệ đồng tính luyến ái nam rất nhiều.

Có người coi chuyện có xu hướng yêu đương không giống những người khác là thiệt thòi. Đa số người được hỏi, kể cả những nhà chuyên môn, cho rằng những người bị đồng tính ái là người bệnh. Trước đây, đồng tính luyến ái được xếp vào nhóm “lệch lạc tình dục” hay “rối loạn định hướng tình dục” và cần chữa trị. Từ 1994, đồng tính luyến ái không còn bị coi là bệnh nữa và người ta thống nhất là đồng tính luyến ái không thể chữa trị, có chăng là hỗ trợ tâm lý để người đồng tính chấp nhận hoàn cảnh và yêu đời hơn. Nhiều người bóng luôn lạc quan yêu đời, đến mức không nhận ra là mình bóng. Có phóng viên đi điều tra về những cặp vợ chồng đồng tính, đến khu có nhiều cặp đồng tính sống, gõ cửa một nhà và hỏi anh chồng: “Anh ơi, làm hơn cho hỏi quanh đây có cặp vợ chồng đồng tính nào sống không?” Anh chồng bảo: “Để tôi hỏi vợ tôi đã” và hỏi vọng vào trong nhà: “Cường ơi, quanh đây có cặp vợ chồng đồng tính nào sống không?”.

Cũng có người thấy những người đồng tính thường có tài năng đặc biệt hoặc về tâm linh (sự gần gũi ngôn ngữ với lên đồng), hoặc trong đời thường, ví dụ giỏi ca hát, giói giao tiếp, giỏi làm đậu , làm bánh cuốn…Nhiều người đồng tính thành đạt và có những lời nói hành động cuốn hút khiến có người chẳng có giọt máu Tám nào trong người cố tình bắt chước, giả đồng tính.

Đâu là lý do khiến đàn ông trở thành đồng tính? Trả lời câu hỏi này cũng như trả lời câu hỏi đâu là lý do khiến bánh chưng hay bánh tét lại gạo. Có thể vì đàn ông quá cô đơn, thấy không ai hiểu được mình, thấy không ai có thể chăm sóc mình bằng… dì Tám. Có thể vì hoàn cảnh xô đẩy. Cần phân biệt đồng tính thật và giả. Cả hai dạng đồng tính này đều có biểu hiện bên ngoài như nhau, đều mong muốn có sự gần gũi về mặt tình dục với người cùng giới nhưng xuất phát từ động cơ khác nhau: một là từ sự thỏa mãn về tình cảm, tình dục; một là những động cơ như tò mò được nếm trải, tìm cảm giác lạ, đua đòi, tiền bạc...Với 95% đàn ông, giới tính là bền vững. Với 5% còn lại, sự bất bền vững giới tính đã dự trữ sẵn như trong bánh chưng, bánh tét đã dự trữ sẵn mầm mống của lại gạo.

Suy cho cùng, đồng tính hay không đồng tính là quyền của mỗi người, đồng tính không phải là lỗi của người đồng tính. Chẳng ai có thể sửa được cặp nhiễm sắc thể quy định giới tính của mình. Đàn ông nên có thái độ thế nào với đồng tính luyến ái? Đàn ông vốn bao dung, đàn ông chấp nhận thế giới như nó vốn có. The Show Must Go On.