Nguyễn Quân- Những mảnh vụn ký ức

1. GIẤY KHAI SINH

Tôi được sinh ra ở thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneve, bố mẹ tôi cùng đơn vị bộ đội của mẹ về tiếp quản Phát Diệm và tham gia chống di cư vào miền Nam.

Tôi nghe mẹ kể nhiều lần về trận ốm khi mới 3 tháng tuổi. Lúc ấy tôi bị kiết lỵ nặng, sau mấy ngày chỉ còn da bọc xương, mà lúc ấy bệnh viện nghèo nàn không có thuốc chữa. Bác sỹ của bệnh viện Phát Diệm thậm chí đã phải nói với mẹ là tôi sắp chết, không thể cứu chữa được nữa, hãy buông tôi ra để đưa xuống nhà xác. Nhưng mẹ tôi không chịu buông, mẹ cứ ôm và xoa bóp chân tay đã lạnh ngắt của tôi và khóc. May có một bác sỹ thương tình, lén cho mẹ tôi vài viên thuốc kháng sinh con nhộng, thứ thuốc hiếm chắc chỉ dành cho những ca bệnh đặc biệt, dặn mẹ tôi cho con uống nhưng không được nói với ai. Mẹ phải cậy miệng tôi đổ thuốc và tiếp tục xoa bóp, đến nửa đêm thì tôi cất tiếng khóc và sống lại, mẹ mừng vô cùng.

Giấy khai sinh của tôi bản gốc là bản giấy po-luya đánh máy chữ, chắc là theo mẫu của chính quyền Pháp thuộc, rất khác so với mẫu giấy khai sinh sau này. Trong giấy khai sinh có 2 người làm chứng, đó là 2 hộ lý đã đỡ đẻ cho mẹ. Tiếc là bản gốc đã thất lạc mất trong chiến tranh, tôi chỉ còn giữ được bản sao do chính tôi chép lại từ bản sao của cơ quan bố mẹ tôi, có xác nhận của bác Thiều là thủ trưởng cơ quan. Bản sao này làm năm 1968 khi tôi vào học cấp 3, có chứng thực của Uỷ ban hành chính xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, Ninh Bình, nơi gia đình tôi sơ tán trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Thời đó chưa gọi là Uỷ ban nhân dân như bây giờ, con dấu của UBHC là dấu vuông, mực đen.

Tấm ảnh chụp mẹ đứng cạnh cô Thám đang bế tôi lúc ấy khoảng 1 tuổi, cô Thám là một cán bộ miền Nam tập kết và là bạn của bố mẹ tôi thời tiếp quản Phát Diệm.

Tiếc là cuộc sống xô đẩy, hơn 60 năm rồi tôi chưa có dịp nào về thăm lại Phát Diệm, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, nơi có nhà thờ đá cổ kính. Chắc là cuối đời tôi sẽ có lần hành hương về chốn xưa...

2. THỜI THƠ ẤU

Sau khi bố mẹ tôi chuyển ngành sang Công ty lương thực Ninh Bình, các cụ chuyển về thị xã Ninh Bình, ở khu tập thể cơ quan. Tôi vẫn nhớ dãy nhà cấp 4 ngay đầu cầu xi măng, lúc ấy còn chưa có âu thuyền sông Vân. Mấy năm trước có dịp về Ninh Bình, tôi bồi hồi tìm lại vết tích nhà cũ, nhưng chẳng thể tìm được, mấy mươi năm vật đổi sao dời, chỉ định vị được mảnh đất gần nhà khách tỉnh uỷ bây giờ, và gần đó là khu nhà máy xay nơi thuở nhỏ tôi thường chơi đùa với chúng bạn.

Tôi sống ở thị xã Ninh Bình gần 10 năm, học gần hết cấp 1 thì Mỹ ném bom miền Bắc và phải đi sơ tán.

Tấm ảnh này chụp mẹ con tôi cùng gia đình bác Ngọc, cô Thám khoảng năm 1958 ở Ninh Bình.

Khi còn bé, tôi được bố mẹ dạy chữ nên chưa đi học tôi đã biết đọc biết viết rồi. Mẹ kể tôi 5 tuổi đã đọc cả tác phẩm “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của cụ Trường Chinh làm các bác các chú trong cơ quan phải ngạc nhiên!!! Vì thế mà năm lên 6 tuổi lẽ ra phải đi học lớp vỡ lòng thì thày hiệu trưởng Trường cấp 1 Lê Hồng Phong thị xã Ninh Bình đã đồng ý nhận tôi vào lớp 1. Đấy cũng là nguyên do sau này tôi vào Đại học sớm, khi mới 16 tuổi.

Tôi cũng còn nhớ các thày cô giáo chủ nhiệm của tôi hồi học cấp 1, đó là cô Xuân lớp 1B, thày Túc lớp 2B, thày Chuẩn lớp 3C và cô En lớp 4H. Thời ấy bọn học sinh chúng tôi thường được thày cô cho lên núi Thuý bên dòng sông Đáy. Bọn trẻ con há hốc mồm nghe kể chuyện anh hùng Giáp Văn Khương nhảy từ trên núi xuống sông thời đánh Pháp, chuyện ông Lương Văn Tuỵ cắm cờ trên núi Thuý năm 1930...

Tấm ảnh thứ hai chụp lớp 3C năm 1964 tại ngôi chùa trên đỉnh núi Thuý. Tôi rất ngạc nhiên về trí nhớ của mình, bởi sau 55 năm vẫn nhớ tên của mấy bạn trong tấm ảnh này. Tôi ngồi hàng đầu bên trái ảnh, đầu cùng bên phải là bạn thân của tôi suốt 4 năm cấp 1 : Vũ Toàn Thắng, con ông Vũ Văn Thược và bà Vũ Thị Được. Cạnh tôi là bạn Thuần, ngồi trước thày Chuẩn là Vinh, rồi đến Loan đen. Riêng bọn con gái thì chỉ nhớ mỗi tên của bạn Huyền (thứ 2 hàng đứng từ bên trái).

Hàng ngày tôi đi học về cũng phải giúp mẹ việc nhà. Mẹ kể lúc 6 tuổi tôi đã phải tập nấu cơm. Lần ấy mẹ đi làm về muộn, thấy bếp củi đang cháy mà có mùi khét, mẹ hỏi thì tôi bảo hôm nay làm sao mà con nấu mãi chưa thấy nồi cơm sôi. Mẹ chạy vào mở vung xem thì thấy gạo cháy đen rồi. Té ra tôi vo gạo xong đổ vào nồi mà quên đổ nước, cứ thế đun. Huhu... Còn việc trông em cho mẹ đi làm cũng rất vất vả, có lần em ngồi trong cũi chẳng may đút đầu vào giữa 2 chấn song không làm sao rút đầu ra được, em khóc mà anh cũng chịu vì sợ kéo em ra thì đau, đến lúc mẹ về thì em khóc chán cứ để đầu bị mắc kẹt mà ngủ thiếp đi rồi. May mà tôi không bị mẹ đánh đòn.

Sau sự kiện 5/8/1964 bố mẹ phải đưa 2 anh em đi sơ tán ở huyện Gia khánh, cách thị xã khoảng 4 km, gửi ở nhà một bác quen và hàng ngày đạp xe về chăm các con. Đầu năm 1965 mẹ sinh em thứ gái thứ ba, và chiến tranh phá hoại leo thang, cả nhà phải đi sơ tán xa hơn mới mong an toàn. Thế là bố mẹ chuyển công tác lên huyện miền núi Nho quan, nơi bố mẹ đã công tác thời kỳ chống Pháp, có nhiều người quen cũ rất tốt bụng và nhiệt tình giúp đỡ.

Thế là xa thị xã Ninh Bình, và mấy chục năm sau mới có dịp quay về thăm lại.

3. THỜI THƠ ẤU (phần 2)

Mẹ đưa 3 anh em đi sơ tán ở Nho Quan, còn bố tôi ở lại thị xã Ninh Bình thêm một thời gian cho đến đầu năm 1966 thì bố tôi được điều động về Toà soạn Báo Lương thực ở Hà Nội. Số là bố tôi có khả năng viết lách, trước cách mạng tháng Tám đã từng có bằng Xec-ti-phi-ca ở quê nhà Thái Bình, biết một chút tiếng Pháp và biết làm thơ, viết văn. Cụ đã làm cộng tác viên của nhiều tờ báo, trong kháng chiến chống Pháp đã từng làm việc ở Sở thông tin Hà Nội trong vùng tự do khu 3, được nhà báo lão thành Hồng Lĩnh dìu dắt. Vì thế Tổng cục lương thực gọi bố tôi về Hà nội làm việc cho tờ báo của ngành. 4 mẹ con tôi ở Nho Quan cách xa bố hơn 100 km, mấy tháng mới gặp bố một lần, mà thời ấy đang chiến tranh làm gì có xe khách như bây giờ, bố tôi phải đạp cái xe Liên xô nam cọc cạch từ Hà Nội mất cả ngày mới về đến nhà.

Năm 1968 bố về cùng một chú phóng viên ảnh của toà soạn và chụp cho cả nhà tấm ảnh, có bà ngoại, mẹ tôi và 3 anh em. Ảnh chụp trước nhà có cây đu đủ, ở giữa khu vườn rộng 4 sào bắc bộ, bố mẹ mua với giá 200 đồng (lúc ấy lương mẹ tôi chỉ có 36 đồng/tháng).

Tôi bắt đầu học lớp 5 tại trường cấp 2 xã Đồng phong, huyện Nho Quan, một trường vừa mới được thành lập, do thày Nguyễn Đắc Lực làm hiệu trưởng (Sau này thày chuyển về Hà Nội làm hiệu trưởng Trường cấp 3 Yên Hoà cho đến khi nghỉ hưu). Trường do phụ huynh học sinh tự xây dựng trên đám đất trống ở Thủ Mông (tên gọi thật ngộ), nhà nào cũng phải góp vài cây tre, 5-10 tấm tranh lợp và nhiều ngày công. Bọn trẻ con bé tí cũng phải lao động cật lực giúp phụ huynh dựng lớp, đào hầm tránh bom. Vườn nhà tôi có luỹ tre bao bọc nên không quá khó để góp tre cho nhà trường. Tôi bé còi cọc nhưng cũng vác được cây tre dài chục mét đi hơn 2 km đến trường. Mẹ tôi xin bà con trong xóm được mấy gánh rạ để làm tấm lợp (gọi là đánh tranh). Dân làng rất yêu quý gia đình tôi, thậm chí tôi còn được giao làm chủ nhiệm hợp tác xã măng non của đội thiếu niên xóm, dù là nhà tôi ăn gạo nhà nước, không làm ruộng. Nhờ thế mà tôi khá thạo việc nhà nông, cũng biết nhổ mạ, gặt lúa, gánh rạ...

Tôi học lớp 5C của cô giáo chủ nhiệm Nguyễn thị Kim Khánh. Năm ấy cô mới 18 tuổi, vừa tốt nghiệp sư phạm 7+3. Và theo con mắt trẻ con của chúng tôi thì cô rất xinh đẹp, da trắng, tóc dài, môi đỏ, rất dịu dàng. Cô là con gái cụ Cần ở thị trấn Nho Quan, nhà cô có 5 chị em và đặt tên theo kiểu nối vần : Kim Khánh, Khánh Sơn, Sơn Lâm, Lâm Trường, Trường Xuân. Tôi cùng tuổi và học cùng với cậu em thứ tư của cô, Lâm Trường. Sau này cô lấy chồng là kỹ sư xây dựng ở Hà Nội, ông Ngô Xuân Hồng, có thời là giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội. Trong tấm ảnh màu là cô Khánh cùng chồng, ảnh được chụp cách đây mấy năm, cô về hưu lâu rồi nhưng vẫn còn nét đẹp của thời xưa, tôi ngỡ ngàng khi biết cô sáng tác và xuất bản khá nhiều thơ và nhạc, bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được tin nhắn của cô qua Zalo. Đến lớp 6D tôi học thày Đinh Ngọc Quyết, một thày giáo nhỏ người và rất nghiêm khắc. Thày chủ nhiệm lớp 7C của tôi là thày Nguyễn Hữu Hậu, thày dạy văn giỏi cấp tỉnh và rất yêu quý tôi. Tôi vẫn giữ được học bạ cấp 2 với nhận xét của thày Hậu : “một học sinh rất mẫu mực về đạo đức”.

Trong thời gian chiến tranh, bọn trẻ con đi học đều phải đội mũ rơm. Tôi cũng tự bện được mũ rơm cho mình mặc dù không đẹp lắm. Suốt mấy năm cấp 2 tôi may mắn có được những người bạn tốt vô cùng. Ở xóm Trại Lạo tôi thân nhất với anh Nguyễn Mạnh Bình, tuy học cùng lớp nhưng tôi gọi là anh vì anh hơn tôi 3-4 tuổi và rất khoẻ mạnh. Anh Bình thường bảo vệ tôi khi bị bọn trẻ khác bắt nạt, giúp tôi làm việc nhà, gánh đỡ tôi khi lên rừng lấy củi... Anh là con trai bác Hoàn thợ may, hầu hết quần áo của tôi và bọn trẻ con trong xóm đều do bác cắt may. Mẹ tôi làm ở cửa hàng lương thực huyện nên thường đem bao bột mì về nhờ bác Hoàn cắt may thành quần áo cho tôi, sau đó nhuộm màu xanh để mặc đi học. Hết lớp 7 thì anh Bình đi bộ đội (năm 1968) và là lính đặc công nước. Tấm ảnh chụp hai anh em năm 1968 khi anh về phép. Sau giải phóng miền Nam anh giải ngũ, lấy vợ ở Nha Trang và nghe nói đã mất cách đây vài năm. Tôi rất ân hận không gặp lại anh lần nào kể từ khi chụp ảnh chung với anh năm ấy.

Năm 2015 tôi có dịp về dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường cấp 2 Đồng Phong, gặp lại cô Khánh và nhiều bạn học cũ, rất cảm động.

4. THỜI THƠ ẤU (phần 3)

Năm 1968 tôi vào học cấp 3. May mắn là năm ấy Trường cấp 3B Nho quan mới được thành lập. Trước đó cả huyện Nho Quan chỉ có một trường cấp 3 ở thị trấn Rịa gọi là trường Nho Quan A, cách nơi tôi ở 12km.

Trường mới thành lập nên chưa có cơ sở vật chất, lại trong thời chiến nên phải mượn tạm một khu đất ở làng Hòn xã Lạng Phong. Thày trò và phụ huynh lại tự đóng góp tre nứa và ngày công dựng trường, đào hầm, bàn ghế học sinh cũng bằng tre ghép lại. Tôi còn nhớ ngày khai trường đúng ngày vỡ đê, nước ngập mênh mông, tôi đi học phải lội nước ngang đùi, chỉ sợ thụt chân vào chỗ nước sâu thì chết đuối vì tôi không biết bơi.

Thầy chủ nhiệm lớp 8B của tôi là thầy Phạm Kim Thiện, một người thầy mẫu mực mà chúng tôi kính trọng và yêu mến đến tận bây giờ. Năm ấy thầy ngoài 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình riêng, có lẽ vì ngoại hình của thầy trông già hơn tuổi, lại râu quai nón và đi chữ bát, tôi cũng nghe xì xào hình như vì lý lịch của thầy nên các cô gái ngại tiếp xúc. Nhưng thực sự thầy là một giáo viên giỏi. Thầy dậy toán, nhưng khi cần dậy cả vật lý, kỹ thuật công nghiệp. Thầy còn có phương pháp sư phạm tốt và có biệt tài kể chuyện. Bọn trẻ nhà quê chúng tôi đâu biết Victo Hugo hay Banzac là ai, nhưng khi thầy kể chuyện “Những người khốn khổ” hay “Ơ giê ni Grang đê” thì bị lôi cuốn từ đầu đến cuối. Thầy dạy toán nhưng thường dành thời gian cuối tiết hoặc giờ sinh hoạt lớp cuối tuần để kể chuyện. Có lẽ tôi thích học văn và làm thơ cũng là từ những câu chuyện lãng mạn của thầy.

Tấm ảnh chụp thầy cùng mấy đứa học trò cũ ngày 20/11 năm 2018 sau 50 năm được thầy dìu dắt. Bên phải thầy là tôi và bạn Thảo, bên trái thầy là bạn Sơn và bạn Bằng. Tôi cũng may mắn giữ được học bạ cấp 2 và cấp 3, ảnh chụp bút tích thầy phê trong học bạ lớp 9 của tôi. Thầy đi bộ đội năm 1970, chiến đấu ở chiến trường B, sau chuyển ngành về phòng giáo dục Hà Đông rồi nghỉ hưu.

Sang năm 1969 Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, trường chuyển về thị trấn Nho Quan, tôi đi học gần hơn và quan trọng là đường đi dễ dàng hơn. Cuối năm lớp 9 có 2 sự kiện làm tôi nhớ mãi, đó là lần đầu tiên bố tôi mua cho đôi dép nhựa Tiền phong, dù dép màu đỏ trông lập dị một chút nhưng tôi rất hãnh diện vì cả lớp toàn đi đất hoặc dép cao su. Thứ hai là tôi được phân phối một cái xe đạp thiếu nhi của CHDC Đức, màu sơn xanh lá cây, sơn cả vành và ghi đông. Mẹ tôi phải chạy đôn chạy đáo vay mượn nhiều chỗ mới đủ tiền mua xe vì tiếc tiêu chuẩn học sinh giỏi và xe đạp phân phối thời đó quý lắm, giá mua xe là 220 đồng, đắt hơn giá mua 4 sào vườn nhà tôi. Tôi biết đi xe đạp từ khi học lớp 5, nhưng vì thấp bé nên không ngồi lên yên xe của mẹ được, toàn ngồi ở khung võng xe Thống nhất nữ của mẹ. Thế mà cũng giúp mẹ được khối việc, chở gạo, đi chợ... Từ khi có xe đạp tôi đi học vui hơn và đỡ vất vả hơn. Sau này khi tôi đi học đại học bố tôi còn đi cái xe ấy thêm mấy năm rồi mới phải bán dồn tiền mua nhà ở Hà Nội.

Trong số các bạn cùng học cấp 3, tôi rất quý chị Hà Mai Huê. Gọi là chị vì tuy học cùng lớp nhưng chị hơn tôi 2 tuổi và rất người lớn. Sau này tôi học xong đại học và đi làm, chị là người cho tôi vay tiền mua cái xe đạp Sài gòn mà mấy năm sau tôi dành dụm tiền lương mới trả chị được. Chị khá xinh đẹp, hát hay, có ông thầy dạy toán mê lắm mà chị lại yêu bộ đội đi B. Chị học sư phạm và lấy chồng thương binh, làm hiệu trưởng cấp 2 thị trấn Nho Quan. Bất hạnh là chị bị bệnh hiểm nghèo, nằm liệt mấy năm, đầu năm nay tôi về thăm, chị không nói được chỉ khóc. Chị đã rời trần thế vài tháng trước, tội nghiệp vô cùng.

Một người bạn nữa của tôi suốt 3 năm cấp 3 là Bùi Văn Thắng, sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Thắng là con nhà nòi, bố là bác Thiều lúc đó là bí thư huyện uỷ Nho Quan. Tấm ảnh màu mới được chụp đầu năm nay khi tôi về thăm các bạn cũ : Nguyễn văn Bằng A, Lê Ngọc Tịnh, Hoàng Khắc Hiếu và Nguyễn Nhật Quang. Quang và Hiếu gần như ngày nào cũng đến nhà tôi học nhóm và đi học cùng nhau. Quang là con trai chú Nguyễn Đức Vinh trưởng phòng giáo dục huyện, vợ chồng chú là bạn của bố mẹ tôi từ thời kháng chiến chống Pháp. Tốt nghiệp phổ thông Quang đi bộ đội, tiếp quản Sài gòn rồi học Tổng hợp sử, giờ về hưu ở Sài gòn. Hiếu là con bác Hoàng Khắc Cự giáo viên trường làng, nhà ở gần nhà tôi, Hiếu học trung cấp sư phạm, dạy học ở Hoà Bình, giờ về hưu ở Nho Quan, ốm yếu nhưng may có cô vợ tốt nên cũng đỡ khổ.

Năm tôi học lớp 8 mẹ tôi bị gãy tay do bốc hàng ban đêm bị xe tải chở gạo quên cài phanh tay lùi ép mẹ tôi vào tường nhà kho. Mẹ tôi phải bó bột mấy tháng, nhưng tay mẹ bị tật không sao lành hẳn được. Vì thế mẹ viết lách rất khó khăn, chữ xấu. Tuy vậy mẹ vẫn đi xe đạp và làm nhiều việc nặng nhọc, kể cả chở tôi bằng xe đạp đi thi học sinh giỏi hoặc dự đại hội Cháu ngoan Bác Hồ ở tận thị xã Ninh Bình.

Năm lớp 10 tôi đi thi học sinh giỏi cả văn và toán, nhưng chỉ được giải nhất tỉnh về môn văn. Đồng giải nhất với tôi năm ấy còn có Ngô Tử Liễn của trường cấp 3 Gia Viễn A. Phần thưởng cho giải nhất văn là một cây bút máy Trung Quốc hiệu Hoa Du, tôi rất tự hào và nâng niu cây bút ấy. Khi bị mất bút tôi buồn mất mấy tuần cứ như mất cái gì quý lắm. Thầy Nguyễn Hữu Khuê dậy văn cho tôi cũng rất yêu quý tôi, lúc nào thày cũng đem tôi làm ví dụ cho học sinh trong trường học tập. Mẹ tôi mừng và tự hào nhất vì cả huyện chưa có đứa nào được giải cao như tôi.

5. THỜI THƠ ẤU (phần 4)

Kể lại những ký ức vụn vặt, chẳng biết để làm gì, nhưng nếu lãng quên cũng thấy tiếc.

- Bắt đầu từ lớp 7 mặc dù còi cọc nhưng tôi đã theo các bạn trong làng đi lên rừng lấy củi, gọi là đi củi. Phải dậy từ 3-4 giờ sáng, mẹ nấu cơm nắm với muối vừng, chuẩn bị cho con dao rựa, cái đòn gánh và một bi đông nước. Phải đi sớm để tảng sáng đã đến rừng, kịp buổi trưa chặt đủ củi khô mới mong về đến nhà lúc chiều tối. Rừng thuộc tỉnh Hoà Bình, cách làng tôi khoảng 6-7 km. Lúc đi thì hăng hái lắm, vào đến rừng thì trời sáng, bắt đầu tìm cây khô hoặc cành khô để chặt hạ, sau đó chặt khúc dài khoảng 70-80 cm, dùng dây mây rừng bó tròn lại. Sợ nhất là ngay lần đầu tiên đi củi, bọn tôi đang chặt cây thì nghe tiếng la hét và tên nỏ bắn rào rào. Thì ra bọn tôi đi vào rừng đặc dụng của bà con dân tộc Mường, chắc họ nghĩ bọn tôi là lâm tặc. Thế là cả lũ chạy thục mạng không dám ngoái cổ lại, mất cả mo cơm và đòn gánh. May mà không đứa nào bị trúng tên nỏ. Sang khu rừng khác chỉ kịp chặt được ít cành khô thì trời chiều, phải ra khỏi rừng, đành bó thành 1 bó củi nhỏ và cõng trên lưng. Đói, mệt và sức yếu nên tôi không lê nổi chân. May có anh Nguyễn Mạnh Bình và anh Quách Mạnh Hùng giúp nên nửa đêm cũng mang được bó củi nhỏ về đến nhà. Bà ngoại thương cháu cứ khóc, bảo không cho đi củi nữa, nhưng tôi vẫn quyết đi. Phải nói là hồi ấy ở nông thôn không thiếu rơm rạ làm chất đốt, nhưng nhà nào cũng phải tích trữ củi gỗ để Tết nấu bánh chưng và mùa mưa rét có củi sưởi. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao hồi bé mình khoẻ thế, thằng bé còi chỉ 40 kg mà gánh 30 kg củi chạy 6-7 km. Khi đã quen thì gần như tháng nào cũng đi củi một lần. Có lẽ vì tôi phải gánh gồng từ nhỏ, khi còn ở thị xã Ninh Bình mới 5 tuổi đã tập gánh nước từ sông Vân về nhà, hai thùng nước chính là hai cái hộp sữa ghi gô, nhìn thằng bé gánh nước rụt đầu rụt cổ ai cũng bật cười. Sơ tán lên Nho Quan thì ngày mùa dân làng cho nhà tôi rơm rạ, mẹ tôi giao cho tôi gánh rạ về đánh đống ở góc vườn làm chất đốt. Tôi thuận vai phải nên toàn gánh một bên vai, đến bây giờ vẫn bị lệch vai.

- Bố mẹ tôi mua 4 sào vườn, dựng một nhà tranh tre nền đất 4 gian, một gian buồng và 3 gian nhà ngoài, vách đất trộn rơm. Mỗi lần có bão cả nhà mất ngủ, cả đêm mang cột chống lựa theo chiều gió. Trước cửa nhà có một cây muỗm, quả to như xoài cát và rất ngọt. Trong vườn có mấy cây nhãn, bà ngoại đan nan tre thành cái lồng bọc ra ngoài chùm quả nhãn để chim chóc khỏi phá (gọi là sóp). Vườn nhà tôi vuông vắn, hai phía là luỹ tre bao bọc, hai phía còn lại là hàng rào ngăn với hàng xóm. Hàng ngày bà ngoại cuốc đất, làm cỏ trồng rau, trồng lạc, đỗ, khoai mùa nào thức ấy. Bà ngoại cũng khoán cho tôi và em gái mỗi ngày phải cuốc khoảng vài chục mét vuông, dọn sạch cỏ và đánh luống cho bà trồng rau. Đặc biệt vườn nhà tôi có mấy chục gốc chè xanh, mà chè Trại Lạo thì ngon có tiếng trong vùng. Ba bà cháu hái chè rồi hàng ngày tôi hoặc em gái đội thúng lá chè ra chợ huyện bán. Hồi ấy người ta bán chè đong bằng nón, mỗi nón chỉ vài hào nên thúng chè chỉ bán không nổi 1 đồng bạc. Nhờ bán rau, bán chè mà nhà tôi cũng có thêm thu nhập phụ với mẹ tôi làm nhà nước lương thấp chỉ hơn 40 đồng, phải nuôi ba con với bà ngoại. Bố tôi mỗi tháng cũng chỉ dành dụm được 10 đồng gửi qua bưu điện cho mẹ, vì ở Hà Nội mức sống đắt đỏ nên dù lương bố hơn 60 đồng (cán sự 3) nhưng phải tằn tiện mới đủ.

- Hàng xóm nhà tôi là bác Chung, lâu ngày tôi không nhớ họ tên đầy đủ của bác. Bác khá đặc biệt vì có 2 vợ lại ở cùng nhà, vợ cả là bác Liên, vợ hai là bác Nụ, hai bác có 7 đứa con là Thảo, Sỹ, Dương, Giang, Tiêu, Dùng và một đứa tôi quên tên. Hai bác gái đẻ xen kẽ nhau đều đặn, ví dụ bác cả đẻ cu Thảo thì năm sau bác hai đẻ cu Sỹ. Cả 3 bác đều rất tốt bụng, hay giúp gia đình tôi. Tôi hay chơi cùng 2 đứa con trai lớn của nhà bác là Thảo và Sỹ. Các em tôi chơi với mấy bé gái cùng lứa. Thôi thì đủ trò, từ chơi chuyền, chơi bi đến ô ăn quan, đồ hàng ... Khi tôi đi học đại học thì Thảo Sỹ đi bộ đội thì phải, sau đó nhà tôi chuyển về Phủ Lý thì mất liên lạc, không biết nhà bác Chung ra sao nữa.

- Nhà tôi nuôi một con chó vàng do một bác quen tên là Oanh mua giúp. Bà ngoại tôi đặt tên cho nó là Tô. Con Tô khôn lắm và cả nhà tôi đều quý nó. Nó giúp dọn vệ sinh, coi nhà. Khoảng năm 1967 do dịch bệnh chó dại lan rộng, xã thông báo không cho nuôi chó, nhà tôi buộc phải gọi người bán con Tô. Khi người ta đến bắt, bà ngoại cho nó ăn để họ quăng thòng lọng vào cổ nó, nó vùng ra được chạy trốn mấy ngày. Sau nó về bà ngoại cứ ôm nó mà khóc, rồi vẫn phải bắt nó bán cho người ta làm thịt. Khi bị mang đi nó tru rất thảm thiết, bà ngoại và anh em tôi đều khóc thương nó, phải hàng tháng mới nguôi ngoai.

Bà ngoại còn nuôi một con mèo nhị thể lông vàng trắng cũng rất khôn. Mùa mưa nó ngồi rình ở lạch nước chảy bắt được rất nhiều cá rô, nó không ăn mà tha về để trước cửa cho bà tôi, mỗi trận mưa đủ một niêu cá kho. Nó bắt chuột rất tài, mùa gặt chuột đồng béo vàng, thỉnh thoảng nó tha chuột về cho bà làm thịt. Tôi từng ăn thịt chuột thấy cũng ngon vì thời ấy cái gì cũng thiếu thốn, có thịt ăn là tốt rồi, kể cả thịt chuột hay cào cào, cá cờ...

- Mẹ tôi là người nghiêm khắc nên dù bận việc nhà nước vẫn rèn con cái cẩn thận. Tôi là con trai duy nhất, học giỏi nhưng không vì thế mà thoát đòn roi của mẹ mỗi khi có lỗi. Có lần tôi hỗn với bà ngoại, mẹ tôi đánh mấy roi, tôi bỏ chạy, mẹ không đuổi kịp nên quát bảo có giỏi thì đi luôn, chứ về sẽ ăn roi tiếp. Tôi chạy và lang thang trong xóm, nhưng đến tối thì ai chứa nên phải mò về, sợ ăn roi của mẹ nên không dám vào nhà mà trèo lên cây nhãn ngoài cổng trốn mẹ, không dám ngủ vì sợ ngã và bị muỗi đốt. Nửa đêm mẹ tôi xót con đi ra đi vào, tôi thương mẹ nên sụt sịt khóc, thế là mẹ phát hiện ra tôi trốn trên cây nhãn lôi cổ vào nhà cho một trận. Từ đó tôi không bao giờ dám bỏ chạy khi bị đòn nữa.

- Mùa đông ở vùng núi rất lạnh mà quần áo không đủ ấm nên nhà tôi thường làm ổ rơm chống rét, hôm nào lạnh quá còn đốt củi sưởi giữa nhà mới ngủ được. Từ nhỏ mấy anh em thường mặc quần áo may bằng bao bột mỳ nhuộm màu xanh, lúc bạc màu hiện ra chữ tây chữ tàu rất buồn cười. Khi tôi thi đỗ đại học, mẹ tôi vui mừng và thưởng cho tôi 2 bộ quần áo mới : áo phin màu nõn chuối, quần vải chéo màu xanh sỹ lâm, rất đồng bóng nhưng lúc ấy là mốt. Tôi vào đại học diện 2 bộ ấy được một năm thì thấy “quê” quá nên bỏ.

- Tôi mê đọc truyện nên hay bớt tiền chợ mua sách. Phố huyện có một hiệu sách nhỏ, tôi hay ngồi lỳ đọc sách tại chỗ khi tan học nên quen các cô bán sách. Tất cả sách mua về tôi đều bọc bìa bằng hoạ báo và ghi sổ cẩn thận. Tôi có một cái hòm gỗ đựng sách, có khoá hẳn hoi vì cô em gái cũng ham đọc sách hay lấy trộm sách của ông anh keo kiệt. Tiếc là khi chuyển nhà về Phủ Lý hòm sách của tôi nặng quá nên mẹ phải bỏ lại, bố mẹ chuyển nhà bằng 2 cái xe đạp thì làm sao chở cả hòm sách của tôi được? Tôi tiếc đứt ruột nhưng đang sơ tán theo trường Bách Khoa ở Hà Bắc nên chịu mất hòm sách quý, tiếc nhất là bộ sách “người tốt, việc tốt” mà tôi kỳ công sưu tầm đủ bộ.

Tôi cũng là đứa mê đọc báo Thiếu niên tiền phong. Mẹ tôi đặt báo cho tôi nhưng thời ấy bưu điện hay làm mất báo của tôi. Cứ có 20 tờ báo tôi lại đóng thành một tập xếp theo thứ tự thời gian và cất kỹ vào hòm. Nhờ đọc báo mà tôi thành đứa thông thái trong lớp. Tôi cũng tập tọng viết bài đăng báo và làm thơ nữa. Dịp Bác Hồ mất, bài thơ khóc Bác của tôi được đăng trên báo Thiếu niên làm tôi khá nổi tiếng trong xóm. Cay cú nhất là bà ngoại hay xé trộm báo của tôi làm giấy vệ sinh, khối lần tôi khóc mếu vì bà bảo mày coi tờ báo hơn bà à? Khi chuyển nhà mấy chục tập báo của tôi cũng bị bỏ lại.

- Xóm Trại Lạo nơi nhà tôi sơ tán có chè xanh và thuốc lá là nổi tiếng trong vùng. Gần nhà tôi có mấy lò sấy thuốc lá, hàng năm cứ đến mùa thu hoạch thuốc lá là các lò sấy toả khói ngày đêm, mùi lá thuốc thơm lừng cả xóm. Cạnh các lò sấy thuốc lá có sân kho của hợp tác xã, những đêm trăng sáng bọn trẻ con tụ tập chơi rất vui. Ở nhà quê thời ấy trăng sáng lắm, sáng đến mức có thể đọc sách được. Tôi từng làm đội trưởng thiếu niên xóm và chủ nhiệm hợp tác xã măng non, xã giao cho bọn trẻ con mấy sào ruộng để tăng gia, cũng trồng đỗ xanh, lạc bán để gây quỹ đội. Vì thế tôi cũng biết nghề nông.

Bây giờ có tuổi ngồi nhớ lại thời xưa ấy cũng thấy bùi ngùi. Nghèo khó nhưng trong sáng và vui.

6. THI ĐẠI HỌC

Năm 1971 tôi tốt nghiệp phổ thông. Đó là năm thứ hai kỳ thi đại học được tổ chức. Trước năm 1970 người ta chỉ xét tuyển vào đại học. Năm 1970 Bộ trưởng Tạ Quang Bửu quyết định phải thi tuyển sinh đại học và đề thi toán khối A năm ấy rất khó và độc đáo đến nỗi nhiều năm sau học sinh vẫn còn nhớ. Nhất là bài toán tìm x biết rằng 3^x +4^x = 5^x.

Vì thế năm tôi thi có vẻ rất căng thẳng. Riêng tôi được trường thông báo là được tuyển đi học nước ngoài vì đoạt giải cấp tỉnh. Vậy nên thi tốt nghiệp cấp 3 xong tôi không quan tâm lắm đến ôn thi đại học. Đùng một cái, ban tuyển sinh tỉnh thông báo tôi phải dự thi đại học trong nước, khi mẹ tôi hỏi lý do thì được trả lời là gia đình chưa có người đi bộ đội nên chỉ được học đại học trong nước để đi bộ đội khi đủ tuổi.

Mẹ tôi tức lắm nên chở tôi xuống ban tuyển sinh lúc ấy đóng ở Trường yên, bây giờ là khu du lịch Tràng an. Mẹ chất vấn ông trưởng ban tuyển sinh rất gay gắt nhưng chẳng ăn thua. Ra khỏi phòng làm việc của ông ta mẹ mới mếu máo bảo tôi thôi chịu khó ôn thi vậy. Mấy ngày sau tôi nhận được giấy gọi thi vào đại học, và thật ngạc nhiên là ban tuyển sinh bắt tôi thi khối A vào trường đại học Bách khoa, trong khi tôi vẫn nghĩ mình có năng khiếu văn và muốn thi vào Tổng hợp văn. Thậm chí tôi còn chưa có khái niệm gì về trường Bách khoa ngoại trừ cái cổng Parabol và cái cầu thang xoắn nhìn xuống đường Nam Bộ mà mỗi lần ra Hà nội chơi với bố tôi thoáng nhìn thấy qua ô cửa sổ tầu hoả. Thế là tôi cấp tập ôn bài vở các môn toán lý hoá để đi thi.

Trong lớp 10B của tôi cùng địa điểm thi ở trường cấp 1 Khánh phú, huyện Yên khánh có 3 người : tôi, anh Bùi văn Quán và bạn Nguyễn Nhật Quang, lý do là cùng vần tên Q. Từ Nho Quan đi Yên Khánh hơn 40 km, chúng tôi đi xe đạp. Và hội đồng tuyển sinh bố trí 3 đứa tôi ở trọ nhà dân, ông chủ nhà tên là Áo. Mùa hè nóng nực, ông cho bọn tôi mượn cái quạt nan để có cái quạt mát lúc học thi. Cả 3 chúng tôi đến bây giờ gặp nhau vẫn nhắc một chuyện buồn cười, đó là chúng tôi gọi cái quạt nan ấy là cái “ngược đời” vì trên cái quạt lại viết tên ông chủ nhà là “áo”!!! Bọn tôi phải mang theo gạo và đi chợ mua rau, thịt về tự nấu ăn mấy ngày thi cử.

Đề thi toán năm ấy vẫn khó và tôi ít thời gian học ôn nên kết quả không khá lắm. May có môn hoá kéo lại và tôi thầm biết ơn cô giáo dậy hoá cấp 3 của tôi, cô Võ Chi Mai, là người miền Nam tập kết, cô dạy giỏi nhưng rất nghiêm khắc, có lần tôi mất trật tự trong lớp bị cô mắng, tôi tự ái nên học môn hoá của cô rất chăm chỉ, và nhờ đó điểm thi đại học môn hoá của tôi được 9,5 giúp tôi thi đỗ đại học.

Thi xong tôi về nhà chờ kết quả, nhưng càng chờ càng biệt tăm. Thỉnh thoảng lại nghe tin có đứa được gọi đi học, còn mình thì không biết kết quả thi có đỗ không? Hai cô bạn thường đi thi học sinh giỏi văn với tôi cũng đã ra Hà Nội nhập học. Bạn Nguyễn Thanh Thảo học Sư phạm văn (sau này làm việc ở Ban tuyên giáo Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), bạn Đỗ Kim Thịnh học Tổng hợp văn (sau này làm Cục phó Cục thông tin cơ sở, bộ văn hoá thông tin).

Đến tháng 10 tôi sốt ruột quá mới viết thư cho bố tôi ở Hà Nội (thời ấy điện thoại là của hiếm, chỉ cơ quan nhà nước mới có điện thoại từ thạch quay tay và cắm phích, cách liên lạc phổ biến nhất là gửi thư, từ Nho quan gửi đi Hà Nội mất 1 tuần mới nhận được), bố tôi vào trường Bách khoa hỏi thì mới biết tôi đỗ và họ đã gửi giấy báo nhập học. Khi biết tin bố tôi báo về, mẹ tôi đi hỏi thì mới biết ở xã người ta ỉm giấy báo nhập học của tôi, mục đích là giữ người đi bộ đội. Mẹ làm ầm lên, nói tôi mới 16 tuổi đâu đã đi bộ đội được, mà học đại học thì khi đủ tuổi vẫn đi bộ đội có sao đâu. Cuối cùng thì xã cũng đồng ý cho tôi đi học. Bố tôi tức tốc vào lại trường Bách khoa xin lại giấy báo nhập học và gọi tôi ra Hà Nội ngay, vì lúc ấy đã quá hạn nhập trường rồi.

Tôi vào trường Bách khoa ngày 1/11/1971, chậm 1 tuần so với giấy báo. Số tôi vẫn còn may mắn, vì anh Quán và bạn Quang phải đi bộ đội và sau giải phóng miền Nam mới được học đại học.

Anh Quán (người đứng bên phải ảnh 5 người) học Đại học Kinh tế Quốc dân và làm việc ở Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Bạn Quang học Tổng hợp sử ở Sài gòn và làm việc ở Văn phòng Thành uỷ Tp Hồ Chí Minh (ảnh 1 người).

Cuộc đời sinh viên đại học của tôi bắt đầu!

7. ĐỜI SINH VIÊN

Ra Hà Nội học đại học tôi bỡ ngỡ vô cùng. Từ một xóm miền núi, chưa biết đèn điện là gì, bỗng như lạc vào thế giới khác, dù rằng đã vài lần được bố đón ra Hà Nội chơi dịp nghỉ hè lớp 8 và lớp 9.

Tôi được xếp vào học khoa Điện, lúc mới vào trường chưa chia ngành mà cả khoá 16 chỉ chia làm 2 lớp A và B. Tôi học lớp 16A có chừng hơn 40 sinh viên. Kết thúc học kỳ 1 tôi mới biết mình được xếp học ngành Nhiệt điện, ngành học chán nhất và nặng nhất của khoa Điện. Lớp A do anh Lê Đức Căn là bộ đội chuyển ngành đi học làm lớp trưởng, năm ấy anh Căn hơn 30 tuổi, quân hàm chuẩn uý, đã có vợ và 1 con gái nhỏ tên là Bình Phương.

Tháng đầu tiên lớp tôi phải ở ký túc xá là mấy dãy nhà tranh gần cổng Đại Cồ Việt, lần đầu tiên tôi biết nằm giường tầng. Sau đó cả lớp được chuyển lên nhà B6, tôi lần đầu tiên được ở nhà cao tầng kiên cố. Nhà B6 có 4 tầng, 48 phòng, mỗi phòng kê 6 giường tầng bằng gỗ hoặc sắt. Công trình phụ ở 2 đầu tầng, giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối sinh viên phải xếp hàng tắm giặt và đi vệ sinh, nhiều đứa không đợi được thì chạy xuống bể nước dưới sân tắm ngoài trời. Nước bơm theo giờ, dậy muộn là hết nước đánh răng rửa mặt, lại phải xuống bể nước dưới sân.

Bedmate của tôi là bạn Nguyễn Quốc Dũng quê Thanh Hoá. Chúng tôi nhanh chóng thân nhau và đi ăn cùng nhau, trời rét thì ngủ chung ở tầng trên cho ấm, có lần ngủ say tôi ngã từ tầng giường xuống sàn, cuộn người trong chăn nên không thấy đau, cứ thế ngủ tiếp dưới sàn.

Sinh viên thường lấy vali hoặc hòm gỗ kê ở đầu giường làm bàn viết, mỗi đứa đều sắm một bóng đèn điện riêng, mặc dù trong phòng có đèn và bàn học chung. Tôi mê nhất là đèn neon. Tôi đã từng bị choáng ngợp khi ngày khai giảng lần đầu bước chân vào hội trường C2 có hàng nghìn bóng đèn neon sáng rực, từ bé chưa bao giờ tôi được ngồi trong toà nhà nào to đẹp và sáng rực như thế. Tôi viết thư cho mẹ và vật nài mẹ lên Hà Nội để tôi sẽ dẫn mẹ tham quan hội trường C2. Mọi thứ ở trường lúc ấy đối với tôi đều mới lạ, từ nhà ăn sinh viên đến các giảng đường, từ thư viện đến quảng trường C1, từ cái bánh mì ngọt 1 hào và 100 gam tem gạo để ăn sáng đến cái cổng parabol độc đáo...

Học kỳ đầu tiên tôi học các môn cơ bản : toán cao cấp, vật lý đại cương, hoá học, triết học, tiếng Nga, hình hoạ vẽ kỹ thuật và thể dục. Bọn sinh viên tỉnh lẻ sợ nhất môn tiếng Nga vì vừa vào học đã thấy mấy đứa Hà Nội nói tiếng Nga nhoay nhoáy. Môn vẽ kỹ thuật đứa nào cũng phải vẽ cái móc cần cẩu và viết bảng chữ cái theo kiểu chữ kỹ thuật nghiêng 75 độ, bọn con gái và cả mấy đứa con trai phải khóc thét vì khó, vẽ mấy ngày trời mới xong mà đem cho thầy duyệt thầy cầm bút gạch chéo là thôi rồi, mất cả tuần bò ra vẽ lại. Giá thời ấy có computer và autocad thì quá đơn giản!

Trường Bách khoa hồi ấy chưa chật chội như bây giờ. Trong trường chỉ có sinh viên và khu tập thể của cán bộ, sinh viên không đông lắm vì mỗi khoá chỉ tuyển khoảng 500-600 sinh viên, nhiều đứa lại ở ngoại trú. Khuôn viên của trường 56 ha, ngoài khu trường mới do Liên Xô xây dựng còn có khu trường cũ là Đông dương học xá, sân vận động. Trường có 3 cổng : parabol, cổng Đại Cồ Việt và cổng Bạch Mai. Bảo vệ 3 cổng hầu hết là các bác người miền Nam tập kết, rất nghiêm khắc. Sinh viên buổi tối ra khỏi trường phải để lại thẻ sinh viên ở cổng bảo vệ, về trước 10h đêm mới được vào. Ai về muộn mà trèo rào bị bảo vệ tóm được chắc chắn bị kỷ luật cảnh cáo. Cuối tuần tôi hay ra cổng Bạch Mai về nhà bố tôi ở Trại Găng. Bố nấu cơm cho ăn, rồi dúi cho 1-2 đồng để ăn sáng.

Hết học kỳ 1 năm nhất, điểm thi của tôi không cao nhưng may không phải thi lại môn nào. Môn toán và hoá tôi chỉ được 3 điểm. Học đại học khác hẳn kiểu học phổ thông ở tỉnh lẻ, tôi phải nỗ lực kinh khủng mới theo kịp bạn bè. Tết năm 1972 hai bố con tôi về ăn tết với mẹ và các em, đi tầu hoả về Phủ Lý rồi đi xe đạp về Nho Quan.

Có một chuyện cả khoá chúng tôi đều nhớ, dịp gần tết 1972 bếp ăn sinh viên tổ chức ăn tươi, có món cá biển. Chẳng may cá ươn và có thể do chế biến không cản thận nên hầu hết sinh viên ăn ở nhà ăn 1/5 đều bị đau bụng đi ngoài. Báo Hà Nội mới có đăng một bài thơ về vụ này của tác giả Quý Yến, tôi vẫn còn nhớ gần hết bài :

“Bách khoa có chuyện lạ đời

Nửa đêm 29 vừa rồi nhộn ghê

Cả một dãy nhà B bật dậy

Gái như trai vùng chạy ra ngoài

Xép hàng một, xếp hàng hai

Đi nhanh về chậm mệt nhoài nằm rên

Chị y tá suốt đêm vất vả

Cũng chỉ vì món cá ươn thôi

Cá kho bữa ấy chao ôi

Nặng mùi nát rữa vẫn mời học sinh...”

Ngày 16/4/1972 tôi đang học dở kỳ 2 năm nhất thì Mỹ ném bom Hà Nội, bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Ba ngày sau cả trường đi sơ tán, lúc đầu về Chương Mỹ, Hà Tây. Đợt nhập ngũ thứ nhất diễn ra ngay tháng 5 năm 1972, khoá tôi đi bộ đội hơn 20 người, lớp tôi có Nguyễn Như Bảo, Vương Đình Đích, Nguyễn Quang Thiều. Đợt ấy sinh viên Bách khoa được biên chế vào quân chủng phòng không-không quân và ngay lập tức được đưa sang Liên Xô học SAM3, loại tên lửa phòng không hiện đại hơn SAM2 đang sử dụng thịnh hành. Có lẽ những người lãnh đạo lúc đó đã tính đến khả năng Mỹ sẽ dùng B52 ném bom Hà Nội.

Đến tháng 6 thì trường Bách khoa di chuyển, mỗi khoa đi một tỉnh để phục vụ chiến đấu. Khoa Điện đi Bắc Giang, chúng tôi đóng ở phố Chàng, huyện Việt Yên, từ ga Sen Hồ đi tiếp hơn 10 km nữa. Bọn tôi phải bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị điện của Bộ Điện Than bị hỏng do trận lụt khủng khiếp năm 1971. Hòm thiết bị để trong kho ở đồi bạch đàn, chúng tôi phải phá hòm, làm sạch bùn đất, kiểm tra chất lượng máy cắt, cầu dao, sứ cách điện cao thế... Thày trưởng đoàn Phạm văn Bình và các thày cô giáo cũng lao động cùng sinh viên. Các cô cấp dưỡng của trường lo việc nấu ăn, đến giờ ăn sinh viên tụ về bãi đất trống lấy cơm, cứ 6 đứa một mâm, ngồi xổm quanh âu cơm và chậu canh để ăn. Thức ăn chủ yếu là bí đỏ, rau muống già, vài miếng thịt lợn mỏng dính hoặc cá biển ướp lạnh gọi là cá đồng tiền vì nó nhỏ và dẹt như đồng xu. Đói kinh khủng nên ăn gì cũng ngon, lúc ăn chó và lợn của dân làng cứ lượn vòng quanh rất hôi hám. Có hôm đang ăn thì máy bay Mỹ ném bom gần đấy, lợn thả rông sợ bom nhảy ào qua mâm cơm, bùn đất tung toé, vậy mà bọn tôi vẫn ăn tiếp ngon lành. Nghĩ vẫn còn khiếp!

Đợt tuyển quân thứ 2 vào khoảng tháng 9/1972. Lúc đó chiến sự ở miền Nam đang rất ác liệt, Quảng trị được gọi là cối xay thịt. Lính sinh viên hy sinh ở Quảng trị nhiều lắm. Tôi và các bạn trong lớp đều muốn đi bộ đội, thời ấy sao mà hăng hái thế. 2 lần tôi được gọi tập trung, được phát quân trang, nhưng rồi đều bị trả về vì chưa đủ tuổi. Tôi viết đơn tình nguyện, cắt ngón tay lấy máu ký đơn, bác Đào Hữu Quản là trợ lý tổ chức của Khoa Điện nhận đơn nhưng bảo phải có ý kiến của bố mẹ đồng ý cho tôi đi bộ đội thiếu tuổi mới giải quyết. Mẹ tôi thì đồng ý nhưng bố tôi thì không chịu, vì tôi là con trai một, chiến tranh thì ác liệt. Thế là tôi không được nhập ngũ. Lớp tôi đợt 2 có 2 bạn được tuyển là Trần Quốc Thắng (biệt danh Vàng Pao) và Nguyễn Văn Môn (biệt danh Trộm) và đều biên chế lính bộ binh, vào chiến trường B. May mắn cả 2 bạn đều sống và về học tiếp, Thắng là thương binh về học K19 ngành điện khí hoá xí nghiệp, còn Môn cụt mấy ngón tay về học K20 ngành Nhiệt điện.

Có lần nhớ nhà quá, tôi và mấy bạn trong lớp rủ nhau về Hà Nội chơi vào cuối tuần. Cả lũ đi bộ từ phố Chàng về Hà Nội, khoảng 50km, đi suốt đêm nhờ trăng sáng và vui nên quên bớt mệt mỏi. Đi qua ga Yên Viên bị bom tan nát cũng sợ. Tảng sáng nhìn thấy cầu Long Biên reo ầm lên, qua cầu việc đầu tiên là tìm quán phở ăn ngay một bát cho đỡ nhớ.

Đến tháng 12/1972 chúng tôi di chuyển về Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, gần Hà Nội hơn một chút, đúng vào lúc B52 ném bom Hà Nội. Đêm nào chúng tôi cũng nhìn thấy pháo cao xạ và tên lửa bắn như pháo hoa và nghe bom nổ rền phía Hà Nội mà lo thắt ruột.

Bố tôi cũng đi sơ tán cùng cơ quan mạn Hoà Bình, thỉnh thoảng đạp xe lên Hà Bắc thăm tôi và tiếp tế gạo, tiền ăn cho tôi. Mỗi lần tiễn bố về Hà Nội tôi lại thấp thỏm. Tôi có bài thơ viết về bố năm 1972 với mấy câu kết:

“... Lòng con ước thành đám mây bông

Che nắng cho cha suốt dặm đường xa lắc,

Con đứng đây giữa đồng quê phương bắc,

Nhìn theo cha nỗi nhớ lại trào dâng,

Lắng bước cha đi trong tiếng máy bay gầm...

....

Đường dài nắng lắm cha ơi,

Thuỷ triều nỗi nhớ chưa vơi đã đầy...”

Sau Hiệp định Paris 1973, chúng tôi được về trường tiếp tục học. Vì đi sơ tán nên học kỳ 2 năm nhất bị lỡ dở, khoá 16 của tôi bị kéo dài thời gian học thêm nửa năm, lẽ ra tốt nghiệp giữa năm 1976 thì phải lùi đến tháng 1/1977.

Chiến tranh làm chúng tôi trưởng thành lên rất nhiều. Và thời gian đi sơ tán tôi tranh thủ học ngọai ngữ nên khi về lại trường tôi không thua kém các bạn Hà Nội nữa. 4 năm học tiếp theo tôi luôn là sinh viên xuất sắc, nhiều giấy khen lắm. Tôi liên tục làm lớp trưởng và cán bộ đoàn. Toàn khoá 16 của trường khi tốt nghiệp chỉ có 3 sinh viên được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tôi là 1 trong 3 người đó.

8. ĐỜI SINH VIÊN (phần 2)

Ký ức quãng đời sinh viên bị ám ảnh là đói. Đói cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thời ấy mọi sinh viên đều được nhà nước cho học bổng 18 đồng, đủ cho 2 bữa ăn cả tháng và được trường cấp phát qua tờ vé ăn có 60 ô ghi rõ bữa trưa và bữa chiều từng ngày, mỗi ô trị giá 3 hào. Đến bữa ăn tìm đủ 4 đứa là thành 1 mâm. Cơm 3 hào nên chỉ có chút thịt hoặc cá biển, đậu phụ, và âu canh rau muống hoặc bí xanh, bí đỏ. Sinh viên thì lắm chiêu trò vui. Giai thoại về ăn cơm tập thể có nhiều lắm, nhưng nhớ nhất là làm thế nào để ăn được nhiều hơn bạn cùng mâm : bát 1 và 2 xới vơi vơi chút, ăn nhanh để bát 3 xới thật đầy, chứ bát 1 mà xới đầy thì không kịp xới bát 3 đã hết cơm. Cuối tháng nhà ăn hay cho ăn tươi vì tiền ăn dồn lại, đứa nào cũng háo hức, chỉ mong có ai về quê hay đi chơi vắng nhường lại cái vé ăn cuối tháng thì tuyệt vời.

Ngoài học bổng chỉ đủ 2 bữa ăn, bố tôi cho thêm tiền ăn sáng và mua sách vở. Cuối tuần tôi về ăn cơm với bố và được bố cho 1-2 đồng. Lúc mới ra học Bách khoa, bố tôi đang ở Trại Găng. Cụ mua được mảnh đất chừng 20 m2 chung với ông Đê là cháu họ làm nghề thợ mộc nghệ thuật, mỗi người có một gian nhà lá chừng 10 m2 ngay cạnh nhà vệ sinh công cộng ô nhiễm ghê gớm. Đến năm 1973 bố tôi mua được mảnh đất rộng hơn ở Vân Hồ 3, vẫn dựng nhà chung với ông Đê. Từ ký túc xá B6 ra Vân Hồ gần hơn ra Trại găng nên tôi về ăn cơm với bố tiện hơn. Lương tháng của cụ hơn 60 đồng, gửi về cho mẹ tôi 10 đồng, chu cấp cho tôi khoảng 7-8 đồng. Thời ấy tiền còn giá trị lắm. Mỗi sáng mua cái bánh mì ngọt 1 hào và 100 gam tem gạo đã là sang rồi, vì đầu tuần bọn sinh viên có tiền viện trợ của bố mẹ thường nổi hứng đi ăn phở, tất nhiên là phở mậu dịch 5 hào 1 bát, cuối tuần hết tiền lại nhịn đói. Tôi và ông bạn cùng giường tầng là Nguyễn Quốc Dũng còn có trò “4F”, tức là Fe, Fo, Fe, Fim. Fe là đi bán tem gạo ở ô Cầu Dền, cuối tháng vé cơm không ăn sẽ được thanh toán, mỗi vé 3 hào và 250 gam tem gạo. Đem ra ô Cầu Dền bán tem gạo cho các bà “dịch vụ” vỉa hè, hồi ấy bị gọi là “con phe”, được vài đồng, thế là đi Fo tức là ăn phở ở Vân Hồ, rồi nhảy tàu điện lên phố Hàng Bài uống cà phê, tức là Fe, sau đó mua vé xem Fim ở rạp Tháng 8.

Sinh viên cũng đói về tinh thần. Thỉnh thoảng có phim hay, trường tổ chức chiếu ở hội trường C2 là chen nhau mua vé đến vỡ cửa kính, nhất là phim nước ngoài có mấy cảnh yêu đương. Còn nhớ phim “mối tình đầu” có Thế Anh và Như Quỳnh đóng vai chính làm bao nhiêu sinh viên rơi lệ. Bóng đá hồi ấy chưa có truyền hình, chỉ được xem qua phim tư liệu đen trắng chiếu ở sân vận động Bách khoa, giải World Cup 1974 sau gần 1 năm mới được xem, lần đầu tiên thấy các cầu thủ Hà Lan tóc dài đẹp trai đá bóng như xiếc mê lắm.

Năm nào trường Bách khoa cũng tổ chức hội diễn văn nghệ, cả sinh viên và giáo viên đều phải tham gia. Tôi chẳng có năng khiếu gì, nhưng là cán bộ đoàn nên phải gương mẫu, thế là phải hát và múa. Mùa hội diễn năm 1974 đội múa khoa Điện có tiết mục Quạt Tày rất nổi tiếng, 4 nam diễn viên múa là sinh viên K16 gồm tôi, Đặng Tiến Sinh, anh Minh và anh Vũ đều là thương binh lớp Điện khí hoá xí nghiệp, 4 nữ diễn viên đều học K18 là Đỗ Kim Oanh lớp Phát dẫn, Đỗ Minh Hoàn và Đinh Kim Ngọc Lan lớp Điện khí hoá và bạn Vinh lớp Máy điện. Bạn Phùng Thu Lan đệm piano, cô Thu Ba là biên đạo múa. Tôi và Oanh múa solo. Buồn cười nhất là anh Vũ thương binh, chân tay cứng nên múa kiểu “cà giật” rất ngộ. Đến bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên với chính mình, sao hồi ấy lại múa hát say sưa thế? Mặc dù sau mỗi đêm tập ở tiền sảnh C1 là đau nhức mọi khớp xương và mệt mấy ngày, nhưng vẫn vui và háo hức đợi buổi tập sau. (Tin mới nhất là đội múa ngày ấy nay đều đã nghỉ hưu, anh Minh và Thu Lan đã mất, anh Vũ không liên lạc được).

Năm thứ nhất tôi học rất vất vả, phần vì chưa quen với kiểu học đại học, phần vì tiếng Nga kém xa các bạn cùng khoá, lại bị gián đoạn do chiến tranh phá hoại phải đi sơ tán. Nhưng từ năm thứ hai cho đến khi tốt nghiệp tôi lấy lại được phong độ, liên tục là sinh viên ưu tú, bài viết về phương pháp học tập của tôi được phát trên đài truyền thanh của trường hàng đêm. Tôi cũng làm lớp trưởng và uỷ viên ban chấp hành liên chi đoàn khoa Điện, dù ít tuổi và thấp bé gần như nhất khoá.

Năm 1973 đang học năm thứ 2 bố báo tin cho tôi là mẹ đã sinh em Hà. Tôi rất ngượng vì sinh viên 18 tuổi vẫn có em bé, thế nên tôi xin phép nhà trường về thăm mẹ và em mà không dám nói lý do với mọi người. Cũng chỉ tại chiến tranh. Năm 1972 mấy lần tôi suýt đi bộ đội, thậm chí còn xung phong quyết đi bằng được, chắc bố mẹ tôi lo vì có mỗi cậu con trai, chiến tranh thì ác liệt, nhỡ có chuyện gì thì... Và các cụ quyết định đẻ thêm con, hy vọng có đứa con trai nữa. Nhưng lại thêm 1 cô con gái vào cuối tháng 6/1973. Bố tôi đặt tên em là Thu Hà, theo tên một cô gái hy sinh trong chiến dịch B52 ném bom Hà Nội tháng 12/1972. Tôi về Phủ Lý thăm mẹ và bế em, lúc ấy mẹ ở gian kho gạo bên bờ sông, muỗi nhiều vô kể, nhưng khổ nhất vẫn là nạn mọt gạo, cứ tối đến có ánh đèn là mọt gạo bay đen trời, ăm cơm cũng phải mắc màn chứ không thì ăn mọt gạo ngay. Mùa hè nóng ẩm, không có điện và quạt, cực khổ vô cùng, sợ nhất là mọt chui vào tai và mũi em bé. May mà mọi chuyện cũng qua, em chóng lớn và ngoan. Sau này bọn bạn trong lớp biết chuyện cứ trêu chọc tôi hoài, nhưng tôi kệ, còn mừng là mình có thêm một đứa em nữa.

Trong tấm ảnh chụp năm 1976 (từ trái qua phải) : Bố, em Hoa, bà ngoại, em út Hà, em Vân và mẹ tôi.

Mẹ và các em tôi ở Phủ lý nên tết và nghỉ hè tôi lại về thăm mẹ. Sợ nhất là tàu xe về tết. Mua được vé tầu đã là kỳ công, nhưng giáp tết lên được tầu mới thực sự kinh hoàng. Xếp hàng ở cửa ga Hàng Cỏ rồng rắn đến tận Yết Kiêu, công an dẫn từng tốp vào ga. Lên tầu thì chen chúc, phải ngồi cả toa đen chở hàng, trèo cả lên nóc toa, đu bám hai bên cửa hoặc chỗ nối toa, cảnh đi tầu ấy bây giờ chỉ thấy còn ở Ấn Độ. Mà tầu chạy thì chậm, Hà Nội - Phủ lý có 56 km mà mất 5-6 tiếng đồng hồ mới đến nơi, trời nóng lại chen chúc nên người hôi hám kinh khủng. Thỉnh thoảng bố tôi về cùng thì đỡ vất vả hơn vì nhờ chị Sáu làm việc ở phòng y tế đường sắt dẫn ra ga, đỡ phải xếp hàng.

Hồi ấy chưa có computer nên học toán và làm đồ án vẫn phải dùng bảng số với 4 chữ số thập phân, đứa nào chơi sang thì dùng thước tính logarit, loại thước tính gỗ của Liên xô hay thước nhựa của Tiệp khắc. Tôi cũng được bố cho tiền mua thước tính nhựa, oai lắm, các phép tính luỹ thừa, log, khai căn, sin cos kéo thước là xong ngay, khỏi mất thời gian tra bảng số hay tính nhẩm. Tôi còn nhớ khi hiệu sách ngoại văn Tràng Tiền bắt đầu bán từ điển kỹ thuật Nga-Việt và từ điển Anh -Việt, bố phải dành dụm mãi mới đủ tiền cho tôi mua sách. Nhờ vậy mà tôi học tiếng Nga rất nhanh và sau này cũng học được tiếng Anh.

9. ĐỜI SINH VIÊN (phần 3)

Hơn 5 năm là sinh viên Bách khoa, có rất nhiều kỷ niệm. Tiếc là gần 50 năm đã trôi qua, thời gian xoá nhoà nhiều ký ức, mà thuở ấy chụp ảnh còn là quá xa xỉ nên bây giờ chỉ mò mẫm tìm trong trí nhớ những hình ảnh đã mờ nhạt ít nhiều.

Khi đi sơ tán về, lớp Nhiệt điện của tôi còn lại 11 người. Mấy năm sau, bạn Hoàng Long Nhiêm ốm nên phải chuyển xuống học khoá 17. Lớp tôi lại được bổ sung thêm một sinh viên già từ khoá 14 lưu ban là anh Phạm Thởi, quê Quảng Bình và là thương binh đi học. Có thể vì mảnh đạn trong đầu hành hạ, cộng với kiến thức cơ bản yếu nên anh Thởi học rất khó khăn. Cả lớp phải xúm vào giúp mà kết quả vẫn kém. Bọn tôi thường phải làm hộ anh các bài tập lớn, đồ án môn học... Hôm thi môn vật lý đại cương anh bảo không làm được bài, tôi ngạc nhiên vì tối hôm trước vừa giảng cho anh bài tập mẫu giống hệt như bài thi và anh gật gù bảo hiểu rồi. Hỏi anh tại sao không làm được bài thi, anh gân cổ quát “mày giảng cho tao bài toán ô tô chạy nhanh dần đều, đề thi hôm nay là tầu hoả sao tao làm được?”. Cả lớp cười nghiêng ngả. Khi làm đồ án tốt nghiệp bọn tôi phải bò ra vẽ hộ anh các bản vẽ khổ lớn Ao. May mà anh tốt nghiệp và nhận công tác ở một trường trung cấp thực phẩm ở Huế, tôi bặt tin anh từ khi ra trường cho tới giờ.

Ngày bảo vệ tốt nghiệp 24/1/1977, lớp tôi có 11 người: anh Lê Đức Căn, Phạm Thởi, Nguyễn Viết Hưng, Đặng Tiến Sinh, Phạm Văn Minh, Nguyễn Quốc Dũng, tôi, và 4 bạn nữ Lê Thị Thi, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Đê, Bùi Thị Nghi Xuân. Sau khi ra trường anh Căn về nhà máy giấy Bãi Bằng, anh Thởi về Huế, anh Hưng về bệnh viện Bạch Mai, Sinh về xí nghiệp dược phẩm 2, Minh về Trung tâm thí nghiệm điện, Dũng và Thi về Viện khảo sát và thiết kế điện 1, Loan về nhà máy điện Hải phòng, Đê về Công ty điện lực khu vực 1 và Xuân về Nhà máy mì chính Việt trì. Mấy năm gần đây chúng tôi thường gặp nhau, nhưng ít khi đông đủ, riêng anh Thởi và Xuân thì bặt tin không bao giờ gặp lại.

Thời ấy chưa có máy tính, máy chữ cũng hiếm hoi nên đồ án tốt nghiệp của sinh viên đều chép tay và vẽ tay, đứa nào chữ xấu quá thì phải nhờ hay thuê viết. Đề tài tốt nghiệp của tôi là Tự động điều chỉnh nhiệt độ hơi quá nhiệt trung gian của lò hơi trực lưu PK 33-83, loại lò hơi cao áp chưa có ở Việt Nam nên tài liệu tham khảo chỉ có sách tiếng Nga. May mà tôi kịp học tiếng Nga tốt và chữ viết đẹp nên viết luận văn khá ổn. Khối lượng tính toán cực lớn mà chỉ tính toán bằng tay và thước tính logarit mất mấy tháng ròng rã. Giá mà thời ấy có phần mềm EXCEL thì nhàn lắm.

Trong 5 năm học, tôi có 2 kỳ thực tập đáng nhớ. Năm thứ ba 1974 tôi thực tập nhận thức ơ nhà máy điện Hà Bắc, đó là nhà máy điện chạy than phun, có 2 tổ máy 6 MW cấp điện cho nhà máy phân đạm Hà Bắc gần thị xã Bắc Giang. Tôi còn nhớ chúng tôi được phát quần áo bảo hộ lao động, còn được nhà máy trả phụ cấp như công nhân. Bác quản đốc phân xưởng lò hơi tên là Bảng giúp chúng tôi rất nhiệt tình, chỉ dẫn cho chúng tôi từng ly từng tí. Hình như ngày xưa nhiều người tốt hơn bây giờ! Bác Bảng coi tụi sinh viên như con vậy, thỉnh thoảng gọi cả lớp tôi đến nhà ăn cơm. Hàng ngày tôi háo hức chui rúc vào mọi xó xỉnh trong nhà máy, nhất là khi dừng lò sửa chữa thì mừng húm vì có dịp chui vào trong lò sờ tận tay dàn ống hay vòi phun than bột. Nhờ vậy mà sau này học lý thuyết hay làm đồ án môn học tôi khá thuận lợi vì đã có kiến thức thực tế.

Kỳ thực tập tốt nghiệp năm cuối 1976 thì chúng tôi về nhà máy điện Ninh Bình. Đó là nhà máy nhiệt điện than lớn nhất miền Bắc ở thời điểm đó, có 4 tổ máy 25 MW do Trung Quốc thiết kế và trang bị. Thị xã Ninh Bình bị bụi than phủ dày vì hệ thống khử bụi xyclon hoạt động kém, ống khói lại thấp hơn núi Cánh diều nên khói bụi bị gió tạt xuống, sau này nâng ống khói lên cao thêm và lắp lọc bụi tĩnh điện nên đỡ ô nhiễm hơn. Ngày nghỉ tôi tranh thủ đi tìm nơi ở cũ của gia đình tôi nhưng không tìm được vì chiến tranh và thời gian đã xoá sạch cái thị xã Ninh Bình bé nhỏ của mười mấy năm trước. Chỉ núi Thuý vẫn còn đó nhưng cảng than của nhà máy điện làm nó không còn tĩnh lặng uy nghiêm nữa.

Trước Hiệp định Paris 1973, khi đi sơ tán, tôi đã mấy lần suýt đi bộ đội. Có lần tôi tưởng đã được nhập ngũ vì đã được phát ba lô và quân trang, tôi báo tin cho mẹ và viết một bài thơ gửi mẹ. Bây giờ đọc lại thấy mình ấu trĩ vô cùng, (có lẽ bị ảnh hưởng thơ Tố Hữu?), nhưng thời ấy ai mà chẳng thế! Cả một thế hệ được giáo dục tinh thần cách mạng và hy sinh vì độc lập tự do nên suy nghĩ rất “cách mạng”. Thế rồi lại bị trả về trường. Mẹ tôi xót con nhưng vốn là đảng viên từ 1948 và rất “bôn” nên vẫn ủng hộ ý nguyện của tôi. Bố tôi thì thương con, không chịu ký vào đơn tình nguyện của tôi nên rốt cục tôi không được nhập ngũ vì chưa đến tuổi. Dù ấm ức với bố nhưng tôi hiểu và thương bố, nhất là mỗi khi bố đạp xe từ Hà Nội lên nơi tôi sơ tán, tiếp tế cho tôi mọi thứ, trời thì nắng và máy bay Mỹ ném bom rất ác liệt. Bài thơ tôi viết tặng bố tháng 7/1972 nhưng tôi có chút ân hận vì nhiều lý do mà bố chưa bao giờ đọc nó.

Tôi đã có một thời sinh viên đẹp đẽ và nhiều sóng gió. Tôi đã cố gắng học giỏi, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và sống xứng đáng với sự chăm lo của cha mẹ.

10. NGÀY ĐẦU VÀO ĐỜI

Vì chiến tranh nên khoá học của tôi bị kéo dài và lễ bảo vệ tốt nghiệp của tôi lùi đến tháng 1/1977 thay vì tháng 7/1976 như thông lệ. Tôi có gần 4 tháng chờ phân công công tác. Thời ấy sinh viên sau tốt nghiệp đều do nhà nước bố trí nơi làm việc theo kế hoạch và biên chế. Một số thầy trong bộ môn chuyển công tác vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Sài gòn vì sau giải phóng các trường phía Nam rất thiếu cán bộ. Các thầy bảo tôi đi Sài gòn, nhưng tôi ngần ngại vì không muốn xa bố mẹ, thời ấy tàu xe khó lắm nếu đi SG thì có thể rất lâu mới gặp được gia đình. Hơn nữa tôi cũng ngại môi trường mới, nơi tôi chưa hề đặt chân đến, nơi hàng trăm năm sống dưới “chế độ đế quốc thực dân”!!! Thế là kiên trì đợi Bộ đại học và THCN phân công. Thực lòng lúc đó tôi chỉ mong được làm kỹ sư ở một nhà máy điện nào đó như Yên phụ, Ninh Bình hay Hà Bắc, để được gần nhà.

Cuộc đời có những ngả rẽ mà người ta không thể ngờ được. Một ngày tháng tư đẹp trời, thầy Bùi Doãn Tuất gặp tôi nói là bộ môn Kỹ thuật Nhiệt của thầy cần tuyển cán bộ giảng dạy trẻ vì nhiều thầy đã chuyển công tác vào miền Nam. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm giáo viên nên cũng bất ngờ. Nhưng cơ hội để làm việc ở Hà Nội đã thuyết phục tôi nhận lời. Và một tháng sau tôi nhận được quyết định của Bộ phân công về Trường nhận công tác, với mức lương “trong mơ” là 85% mức khởi điểm của giảng viên 64 đồng.

Tôi hớn hở đi làm thủ tục nhập trường, đăng ký với thư viện, trạm xá và được xếp ở khu tập thể độc thân của cán bộ : phòng 17 nhà A1, cùng với 2 cán bộ độc thân khác là bạn Bùi Tín Hữu học cùng khoá ngành Máy điện và anh Lương Thế Ngọc cán bộ giảng dạy bộ môn Đo lường nhiệt. Vĩnh biệt cuộc đời sinh viên nghèo khó, chia tay nơi ở tạm, một gian nhà cấp 4 dột nát ở dãy 34. Căn phòng tập thể 26 m2 chỉ có 3 chàng độc thân vui vẻ! Dù điện đóm phập phù, chỉ tối muộn mới có điện, dù nước chỉ bơm lên tầng 2 lần trong ngày, dù khu phụ chỉ có ở 2 đầu tầng và ai cũng phải thay nhau trực tuần làm vệ sinh, và dù vẫn ăn cơm tập thể theo chế độ tem phiếu, nhưng thế là quá sang trọng với một chàng trai bắt đầu vào đời. Ở nhà thiếu nước tắm giặt thì đến cơ quan, khu trường mới có WC đẹp và có cả nhà tắm, thậm chí có nước nóng vì phòng thí nghiệm nồi hơi thỉnh thoảng vận hành.

Tôi phải soạn giáo án và chuẩn bị giảng thử. Suốt ngày ngồi thư viện C2 và thư viện KHKT Trung ương ở 26 Lý Thường Kiệt. Đói. May mà thỉnh thoảng về Phủ Lý mẹ tôi lại cho mấy chục gói mì tôm, sản phẩm rất cao cấp của nền công nghiệp miền Nam chứ lúc đó dân Bắc ít người được thưởng thức. Bữa sáng của tôi là một gói mì “hai tôm” hay “hai cua”, đun nước sôi bằng “tàu ngầm” dội vào, đậy kín một lúc là ăn được, kỳ diệu vô cùng!!! Trong bộ môn tôi thân với chị Nguyễn Ngọc Anh, cán bộ thí nghiệm, từng học ở Liên Xô nhưng không được làm giảng viên vì không có bằng đỏ. Chị là con gái giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nhà ở phố Hàn Thuyên. Thỉnh thoảng chị mời tôi đến nhà chơi, đôi khi tôi còn được ăn cơm với hai cụ, đến bây giờ tôi vẫn không quên hương vị tuyệt vời của bữa cơm nhà giáo sư, ngon hơn tiệc chiêu đãi của Nhật Hoàng thời nay ấy chứ. (Sau này chị Ngọc Anh chuyển công tác về Uỷ ban KHKT Nhà nước và mất vì ung thư khoảng năm 1990-1991).

Tôi rất ấn tượng với 3 người trong bộ môn, những người đã giúp đỡ tôi nhũng ngày đầu bỡ ngỡ. Đầu tiên là thầy Bùi Doãn Tuất, tổ trưởng bộ môn, rất hiền hậu và giỏi chuyên môn. Thày có 3 người con gái, sau cố được cậu con trai út, thời ấy mà có 4 con là liều lắm, nhưng ai cũng thông cảm và quý thầy. Thứ hai là anh Nguyễn Lâm, rất vui tính và quan tâm đến mọi người, dạy giỏi và cực nhiệt tình. Ở đâu có anh Lâm là ở đó đầy ắp tiếng cười. Tôi biết đi xe máy cũng là nhờ anh cho tập trên cái xe YAMAHA động cơ xăng 2 kỳ anh mua từ miền Nam ra. Tội nghiệp anh không có con, dù vợ anh là bác sỹ. Anh bị bệnh và mất sớm, hình như người tốt hay gặp phận hẩm hiu... Người thứ ba là anh Hà Mạnh Thư, cũng học Liên Xô về, tuy không có bằng đỏ nhưng vì thiếu giảng viên quá nên vẫn được biên chế giảng dạy. Sau này anh làm nghiên cứu sinh trong nước và được phong hàm phó giáo sư. Anh hay rủ tôi đi cùng đến các cơ sở sản xuất, có lần đi nhà máy C70 ở Đông Anh hai anh em phải đẩy moto của anh chết máy đến vã mồ hôi. Moto của anh nhãn hiệu Electron của Liên Xô sản xuất, chạy xăng, rất nặng và khó nổ máy, hay hỏng vặt, mọi người đều bảo chỉ có anh Thư mới đủ sức lái nó. Tôi cũng hay đến nhà anh chơi, khổ nỗi anh thường xuyên phải chuyển nhà vì khu tập thể độc thân không cho cán bộ đem vợ con vào tá túc, mà cán bộ trẻ làm sao có tiền mua nhà riêng. Có những chuyện vui mà cười ra nước mắt, một lần anh đến cơ quan khoe hôm nay tao được ăn cơm với thịt, mọi người ngạc nhiên sao anh lại ăn sang thế? Anh cười như mếu, bảo vì con tao nó lè ra, tao tiếc nên ăn thôi. Ai cũng buồn cười và thương anh vất vả. Mà thời ấy ai chẳng khổ?

Đi làm hơn 1 năm tôi vẫn chưa mua nổi xe đạp, toàn đi bộ. Tôi thèm có xe đạp để đi làm, đi chơi. Tuổi thanh niên mà chẳng lẽ mời bạn gái đi xem phim lại đi tàu điện? Xe đạp thời ấy là cả một gia tài. Tôi ra chợ trời phố Thịnh yên hỏi xe đạp miền Nam cũ cũng phải 7-8 tháng lương mới mua được. Dành dụm mãi tôi mới có khoảng 200 đồng, liều hỏi vay chị Hà Mai Huê thêm 200 đồng nữa, thế là mua được cái xe đạp tàng tàng (mãi 4-5 năm sau tôi mới trả được tiền vay chị Huê).

Sau 2 năm tập sự tôi được biên chế chính thức hưởng lương 64 đồng. Tôi tham gia công tác Đoàn và làm uỷ viên BCH Liên chi đoàn khoa Điện, hàng tuần phải xuống khu ký tuc xá sinh viên kiểm tra xem sinh viên ăn ở thế nào, chấm điểm phòng ở và dự họp với hội sinh viên. Thày trẻ quá nên hay bị sinh viên bắt nạt. Tôi cũng được giao làm giáo viên chủ nhiệm K22 khoa Điện, lớp có nhiều sinh viên nữ, (sau này mấy bạn học giỏi và được giữ lại trường là giảng viên, có bạn Yến còn trở thành giáo sư nữ trẻ nhất trường). Mỗi lần họp lớp tôi không dám nhìn thẳng mấy cô sinh viên đáo để, gọi thầy ơi mà cứ vênh mặt lên. May mà giữa chừng tôi đi bộ đội nên thoát được tình cảnh khó khăn đó chứ theo các bạn ấy đến khi tốt nghiệp chắc chết.

11. QUÂN ĐỘI-TRƯỜNG ĐẠI HỌC LỚN

Người ta nói quân đội là trường đại học lớn nhất quả là không sai. Bởi mấy năm quân ngũ đã tạo nên tôi của ngày hôm nay, bản lĩnh hơn, cứng rắn hơn, năng động hơn, chịu đựng hơn và quan trọng là sống có ý chí hơn. Thời kháng chiến chống Mỹ tôi chỉ là một chàng trai lãng mạn mang tính cách mạng. Năm 1972 tôi đã từng cắt tay lấy máu ký đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng rồi ước nguyện không thành. Vậy nên tôi đã tưởng cuộc đời viên chức của mình sẽ an bài, kể cả khi các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc bùng nổ và Chủ tịch nước ban bố lệnh Tổng động viên chống Trung Quốc xâm lược tôi cũng không nghĩ mình sẽ đi bộ đội. Lúc ấy thày trò Bách khoa tham gia xây dựng phòng tuyến sông Cầu, hát vang bài “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” của nhạc sỹ Phạm Tuyên rất hào hùng, nhưng lạ không thấy sinh viên và giảng viên đại học được gọi nhập ngũ. Tôi nghĩ chắc là Nhà nước thấy chưa cần thiết huy động trí thức tham gia quân đội, mình lại sắp hết tuổi nhập ngũ, lại là con trai một nên không có cơ hội. Bố mẹ tôi cũng muốn tôi yên bề gia thất, tôi cũng có nghề nghiệp ổn định, vì thế cuối năm 1979 tôi quyết định lập gia đình. Hồi ấy đám cưới giản đơn lắm. Sau khi đăng ký kết hôn, tôi được nhận phiếu mua hàng cưới, tiêu chuẩn được mua một giường gỗ, 5 mét vải, 2 kg kẹo Hải hà, 2 tút thuốc lá Tam Đảo. Hai họ dự tiệc trà và thuê xe Paz của Liên xô sản xuất để đón dâu là oai lắm rồi. Nhà ở thì đã có 1/3 căn phòng số 17 nhà A1 tập thể độc thân trường Bách khoa cấp. Chi phí cho đám cưới do bố tôi tài trợ, khi ấy cụ đang là phóng viên thường trú Báo Lương thực tại Sài Gòn nên cũng dành dụm được đủ tiền đám cưới, còn sắm thêm cho cậu con trai cái tủ lạnh Sanyo 120 lít và dàn máy AKAI nghe nhạc băng cối nữa. Tháng 9/1980 tôi có con trai đầu lòng. Mừng vô cùng. Cụ ngoại và ông bà nội còn mừng hơn tôi. Cụ ngoại năm ấy gần 90 tuổi cứ đòi mang thằng chắt về để cụ bế vài ngày rồi mới chịu về quê Nam Định. Nuôi con nhỏ thời ấy vất vả vô cùng, nhất là phải nuôi bộ, sữa cô đặc ông Thọ đã là hàng xa xỉ chứ không ai dám nghĩ đến sữa bột ngoại hay sữa tươi. Đang lúc đắm đuối làm việc và kiếm tiền mua sữa cho con thì biến cố lớn đã đến với tôi : đi bộ đội. Thật trớ trêu là lúc mình đòi đi thì không được đi, lúc không muốn đi thì lại phải đi. Đầu tháng 12/1980 tôi bị sốt xuất huyết phải nằm bệnh viện Bạch Mai. Đây là lần đầu tiên (và trộm vía cho đến nay vẫn là lần duy nhất) tôi phải nằm viện. Khoảng 1 tuần thì tôi được báo tin có tên trong danh sách khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Bác sỹ điều trị bảo có thể xác nhận tôi đang nằm viện để xin hoãn khám sức khoẻ nhập ngũ, nhưng tôi nghĩ trai thời loạn ai cũng có nghĩa vụ tham gia quân đội. Trước đây mình đã từng đòi đi bộ đội mà không được, bây giờ cơ hội đến sao mình lại từ chối. Hơn nữa tôi cũng không muốn mọi người nghĩ mình lấy cớ bệnh tật để trốn tránh nhập ngũ. Vậy là xin bác sỹ cho về đi khám tuyển quân. Ba ngày sau vẫn đang nằm viện thì nhận được quyết định của Uỷ ban hành chính khu phố Hai Bà Trưng (lúc ấy chưa gọi là quận như bây giờ) yêu cầu phục vụ tại ngũ. Mọi người trong cơ quan khuyên tôi làm đơn xin hoãn vì đang ốm nằm viện, lại có con nhỏ và sắp hết tuổi nhập ngũ (theo quy định từ 1/1/1981 tôi hết tuổi). Có người còn khuyên tôi làm đơn khiếu nại vì trong khoa Điện còn một số bạn trẻ hơn tôi, khoẻ hơn tôi và chưa vướng bận gia đình mà lại không có trong danh sách nhập ngũ. Nhưng tôi nghĩ mình kiện cáo hoặc làm đơn thì có thể được hoãn, nhưng khi đó sẽ có bạn trong cơ quan phải đi thay, tôi mặt mũi nào mà nhìn mọi người. Vả lại trong huyết quản tôi vẫn còn dòng máu lãng mạn cách mạng nên không thể khác được. Thế là tôi quyết định nhập ngũ, không thắc mắc, không hối tiếc, mặc dù biết là bố mẹ lo lắng, vợ con khốn khổ và tương lai của mình mờ mịt. Khổ tâm nhất là con tôi mới 3 tháng tuổi đã thiếu sự chăm sóc của tôi. Ngày 16/12/1980 tôi và 17 cán bộ của trường tập trung tại quảng trường C1 cùng hơn 400 sinh viên K20 vừa tốt nghiệp để dự lễ giao quân. Tôi là người già nhất trong đợt tuyển quân năm ấy. Các bạn khác đều “trẻ” hơn tôi vì học sau tôi từ 1 đến 3 khoá. Trong số 18 cán bộ thì chỉ có tôi và Trần Kim Liêm có gia đình. Liêm có con trai 3 tuổi, khi chúng tôi lên xe và xe chạy thì con trai Liêm cứ chạy sau xe khóc gọi bố làm tôi ứa nước mắt, thương bạn và thương cho chính mình. Đón chúng tôi là khung cán bộ của sư đoàn 354 Quân khu Thủ đô, một sư đoàn mới thành lập. Xe chở chúng tôi tập kết ở xã Đường Lâm huyện Ba Vì thuộc tỉnh Hà Tây, quê hương của hai ông vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Nơi đây được gọi vui là “thủ đô” Mía của lính (cho đến giờ chúng tôi vẫn tự gọi mình là cựu chiến binh Mía). Do chưa kịp làm việc với địa phương nên chúng tôi phải nằm vạ vật ở sân kho hợp tác xã suốt ngày và đêm 16/12. Sáng hôm sau mới xách balo vào nhà dân ở nhờ. Tôi được ở cùng hai bạn Dư Bình và Tạ Liêm. Nhưng vài tuần sau thì phiên chế lại, tôi không phải là sỹ quan dự bị nên phải chuyển sang đại đội khác, cùng với Vũ Khiêm ở nhà bác Soạn, rất gần đền thờ hai vua. Thế là tôi trở thành chiến sỹ tiểu đội 4 trung đội 1 đại đội 5 tiểu đoàn 2 trung đoàn 828 sư đoàn 354 quân khu Thủ đô. Tóm lại là lính A4B1C5D2 E828F354. Đóng quân ở nhà dân, chúng tôi biết làm dân vận nên được dân quý. Họ cũng thương các chú bộ đội già, lại là giáo viên và sinh viên nên chăm lo như con cháu trong nhà. Bác Soạn thường nấu cơm cho chúng tôi ăn và bảo chúng tôi mang gạo mốc, bột mì mọt của đơn vị phát về để bác cho lợn ăn vì “ăn như thế các chú làm sao đủ sức khoẻ luyện tập được”. Có lần đơn vị báo động đêm để điểm danh, bác bảo chúng tôi cứ ngủ tiếp “tao chửi bọn cán bộ khung làm ồn không cho dân ngủ”, thế là tôi không phải dậy trong đêm đông rét buốt. Nói thêm đôi điều về bác chủ nhà Hà văn Soạn. Năm nay bác đã gần 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn. Năm trước nhân kỷ niệm 30 năm nhập ngũ (ảnh chụp năm 2010 trước đình làng Mông Phụ) chúng tôi đến thăm bác, bác vẫn nhận ra từng đứa đã từng ở nhà bác và hàng xóm quanh bác. Bác mới tặng tôi cuốn sách về lịch sử đình làng Mông Phụ mà bác là chủ biên in năm 2016. Hy vọng năm sau kỷ niệm 40 năm nhập ngũ chúng tôi lại gặp bác vẫn khoẻ và minh mẫn và nhất định sẽ bổ sung tấm ảnh bác vào bài viết này. Chúng tôi cũng khẳng định “đẳng cấp” của mình đáp lại tình cảm của dân làng. Ngoài việc giúp dân làm mọi việc, chúng tôi cũng làm khó cán bộ khung. Gần như chúng tôi không phải học chính trị vì nhiều lính vốn là giảng viên khoa Mác-Lê nin của các trường nói hay hơn chính trị viển tiểu đoàn. Bắn đạn thật thì bọn tôi đạt điểm cao hơn cả đại đội trưởng. Còn tính đồng đội thì chúng tôi đoàn kết hơn bất cứ đợt huấn luyện tân binh nào trước đó, có lần chúng tôi đã trói gô tên quản lý đại đội áp tải lên trung đoàn vì phát hiện hắn tham ô tiền ăn của lính. Ba tháng huấn luyện trôi qua nhanh chóng, và chúng tôi “trưởng thành” cũng nhanh. Từ một anh chàng nhút nhát, hiền lành, tôi đã biến thành một anh lính "gấu", cậy mình già nhất bọn nên thường cầm đầu các vụ rắc rối. Tôi đã biết uống rượu mía với móng bò ninh nhừ, biết say thuốc lào, biết ngủ gật khi gác đêm, biết đánh nhau với cán bộ khung để bênh chiến hữu, biết trèo lên nóc xe khách trốn về Hà Nội, biết đi bộ suốt đêm từ Đường Lâm đến Suối Hai, biết trốn vé xem phim bãi ở trường trung cấp thương nghiệp, v.v... Cuối tuần chúng tôi hay trốn về nhà vì nhớ nhà. Lần nào trốn cũng bị bắt làm kiểm điểm, nhưng vẫn tái phạm. Sau này khi xuất ngũ về lại Bách khoa tôi mới biết trong hồ sơ quân nhân của mình có một mớ bản kiểm điểm thời tân binh Mía. Nhưng tôi đâu có ngại, vì nhớ nhà và nhớ con làm mình không biết sợ. Sau tết nguyên đán năm 1981, chúng tôi được điều động về các quân binh chủng kỹ thuật. Tôi nhận lệnh về Cục kỹ thuật Quân chủng không quân. Bà con hàng xóm nhà tôi gọi tôi là “bộ đội phường” vì đơn vị mới của tôi ở ngay đường Chiến thắng B52 nay là đường Trường Chinh, cách nhà tôi trong làng Khương thượng chỉ khoảng 500 m. Dân làng thấy tôi đi bộ đội mà hầu như tối nào cũng về nhà, đi gánh nước ở vòi công cộng của xóm nên ngạc nhiên lắm. Nhưng ai biết là tôi được các thủ trưởng thương nên sau 9h tối cho tôi trốn trại về nhà giúp đỡ gia đình. Đời “lính cậu” của tôi bắt đầu.

12. QUÂN ĐỘI- TRƯỜNG ĐẠI HỌC LỚN (phần 2)

Tôi trở thành “bộ đội phường” vì đóng quân gần nhà và hầu như tối nào cũng được các thủ trưởng cho trốn trại về giúp gia đình. Nói thêm một chút về hoàn cảnh của tôi khi khoác ba lô về Quân chủng Không quân. Thời ấy bố tôi mua một mảnh đất của cụ Tư Giá trong làng Khương Thượng, khoảng 100 m2 cạnh cái ao làng, và bố tôi dốc hết tiền bạc vào xây được căn nhà cấp 4 tường gạch xỉ, mái ngói 3 gian rộng chừng 40 m2. Cụ phải bán cái nhà nhỏ ở 89 ngõ Vân Hồ 3, xe đạp và dàn máy AKAI mới đủ tiền. Cụ phải xây nhà vì chuyển công tác cho mẹ tôi từ Phủ Lý về Hà Nội cần có chỗ ở đủ rộng cho cả gia đình. Tiếc là tôi không lưu giữ được tấm ảnh nào về ngôi nhà ấy. Khi tôi lấy vợ, bố tôi mua thêm 30 m2 đất nữa và xây nối thêm một gian nhà làm buồng cho vợ chồng tôi. Lúc ấy làm được căn nhà như thế cũng là siêu lắm rồi. Tấm ảnh gia đình chụp nhân ngày cưới của tôi được chụp chính trong ngôi nhà ấy trước khi đi đón dâu. Trong ảnh có cụ ngoại năm ấy hơn 80 tuổi, bố mẹ và các em tôi. Đang ở Bách khoa lĩnh lương cán bộ giảng dạy 64 đồng, đi bộ đội lĩnh phụ cấp binh nhì 5 đồng thực sự là khó khăn vì con trai phải nuôi bộ, bố mẹ nghèo không hỗ trợ được gì, nên tôi phải thắt lưng buộc bụng, không dám chi tiêu gì. Quân trang được phát tôi chỉ giữ 2 bộ quần áo lĩnh khi nhập ngũ, còn lại các đợt phát quân trang sau đều đem đi bán ở bến xe Kim mã lấy tiền sống, không dám xin tiền bố mẹ hay vợ. Tôi bán cả chăn màn, áo mưa, tăng võng... nên toàn phải đi ngủ nhờ các anh em trong đơn vị. Được cái phòng Sửa chữa của tôi toàn là sỹ quan, mỗi mình tôi là lính nên mọi người đều thương, cho ngủ nhờ, bao ăn khi đi công tác. Quần áo lính chất lượng kém nên sau 2 năm thì mủn ra, kéo mạnh là rách. Tôi phải tự vá áo, riêng quần thì mang ra tiệm pích-kê mông và đầu gối. Cuối năm 1982 cụ ngoại mất ở quê Giao Thuỷ, tôi và em Hà về chịu tang, lúc ra bến xe Giao Thuỷ về Hà Nội chen được lên ô tô khách thì hỡi ôi cái áo của tôi đã rách tơi tả, trông tôi lúc ấy chắc là thảm hại lắm nên các chị nhà bác Nho đi tiễn cứ khóc sụt sùi vì thương em. Làng Khương Thượng thời ấy như một làng ngoại thành, dù thuộc quận Đống Đa. Đường làng lát gạch và nhỏ chỉ xe máy đi được. Người ta gọi làng Khương Thượng là làng “chặt đầu, lột da”, ám chỉ nghề bắt nhái làm chả nhái và đánh lưới chim ngói là nghề chính của cả làng. Làng chỉ có một máy nước công cộng ở bên kia ao, đường chim bay chỉ 70-80 m nhưng từ nhà tôi đến máy nước phải đi vòng thúng mất 3-400 m. Mỗi cuối tuần tôi trốn trại về chủ yếu để gánh nước ăn cho gia đình đủ dùng cả tuần sau. Nhà tôi có cái bể xi măng chứa được 20 gánh nước, cũng may ở cạnh ao làng nên giặt giũ dùng nước ao, nước máy chỉ dùng cho nấu ăn và tắm. Mà máy nước ban ngày gần như không có nước, chỉ đêm mới có nước chảy nên dân làng xếp hàng thùng thật dài. Em Hoa phải mang 2-3 đôi thùng xếp hàng, tôi gánh chạy cả đêm mới đổ đầy bể. Mệt và mỏi kinh khủng, nhưng vẫn phải cố, được cái tôi quen gánh gồng từ nhỏ nên chịu được. Mẹ tôi về Hà Nội làm cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực Ngã tư Sở. Nhưng chỉ mấy năm mẹ tôi thực sự chán nản vì làm việc ở Hà Nội khác xa với khi ở tỉnh lẻ như Ninh Bình hay Hà Nam. Tham nhũng và ăn cắp vặt nhiều nên trách nhiệm người đứng đầu rất lớn. Mẹ tôi vốn ngay thẳng và “bôn sệt” nên không chịu được, thế là bị cô lập. Cụ buồn quá nên bất mãn, xin về hưu non. Năm 1982 mẹ tôi nghỉ hưu khi mới hơn 52 tuổi, về nhà trông cháu. Tôi được làm việc ở Cục Kỹ thuật không quân cũng là nhờ mẹ tôi, cụ quen một khách hàng là ông Đằng, trung tá không quân, cạnh nhà Cục trưởng Trương Khánh Châu nên giới thiệu tôi với Cục trưởng và tôi được điều về phòng Sửa chữa, rất gần nhà. Lại nói về phòng Sửa chữa, nơi tôi phục vụ. Đó là một đơn vị của Cục kỹ thuật không quân, có nhiệm vụ quản lý các xưởng sửa chữa máy bay và thiết bị đo của quân chủng. Phòng có ban cơ điện, ban kế hoạch, ban kỹ thuật hàng không. Trưởng phòng là Trung tá Nguyễn văn Hiến, phó phòng là thiếu tá Thái Minh Sơn, gần 20 người trong phòng đều là sỹ quan hoặc quân nhân chuyên nghiệp, chỉ mình tôi là lính, nhưng lại là lính có trình độ giảng viên đại học Bách khoa nên được các thủ trưởng cưng chiều. Cưng đến nỗi tôi về phòng 2 năm mà 3 lần được thăng quân hàm từ binh nhì lên đến trung sỹ. Ấy là nhờ thủ trưởng Hiến thương cái thằng binh nhì có con nhỏ, không có tiền nuôi con nên “thăng cấp cho nó có thêm tiền phụ cấp”, dù là binh nhất phụ cấp chỉ 6 đồng, hạ sỹ 8 đồng và trung sỹ 10 đồng, trong khi phở ngon cũng phải 1 đồng/bát. Tôi may mắn còn giữ được cả 3 bản gốc quyết định thăng quân hàm do thủ trưởng Hiến ký, lúc thì ký thừa lệnh cục trưởng, lúc thì ký thay mặt Tham mưu trưởng. May là phục vụ trong quân chủng không quân nên tôi cũng thuộc loại lính cậu, đi công tác gần thì ô tô, đi xa thì có máy bay quân sự. Lần đầu tiên trong đời tôi được đi máy bay là đi công tác Sài Gòn, đi máy bay huấn luyện vận tải An-26 có 4 động cơ cánh quạt. Sau này có nhiều dịp đi nữa, cả máy bay An-12 do phi công Liên xô lái (có một trung đoàn An-12), và có lần mình tôi làm khách trên máy bay trực thăng Mi-8. Lần ấy dịp giáp tết nguyên đán năm 1983 đơn vị giao tôi áp tải mấy tấn gạo từ Sài gòn ra Hà nội cho bộ đội ăn tết. Tôi mua được cái xe đạp Sài gòn, vành và chắn bùn, chắn xích inox đẹp lắm, thế là quăng xe lên đống bao tải gạo và tôi cũng nằm trên đống gạo bay ra sân bay Bạch Mai. Máy bay Mi-8 tốc độ chậm lại ồn nhức óc, bay 3 chặng mới ra đến nơi, mệt rã rời. Quân chủng có 3 nhà máy sửa chữa máy bay : A32 ở Đà Nẵng (Giám đốc là Thiếu tá Lê Sơn), A41 ở Sài Gòn (giám đốc là Đại uý Tường), A42 ở Biên Hoà và một nhà máy thiết bị đo A45 ở Đa Phúc. Tôi phải tham gia đào tạo công nhân của các nhà máy này về kỹ thuật cơ điện, thiết bị áp lực, an toàn sản xuất. Ai cũng ngạc nhiên khi vào lớp thấy một chú binh nhì làm thày giáo. Có lần lãnh đạo nhà máy A41 còn bảo “sao thủ trưởng Châu lại có thằng công vụ già thế?” vì họ tưởng tôi là lính công vụ. Năm 1981 lần đầu tiên vào Sài gòn sau giải phóng miền Nam, kinh tế đang quá khó khăn, dân SG bắt đầu mất lòng tin và ghét bộ đội, nên đi chơi SG mà tôi ngại quá. Trong túi có đúng 2 hào, đủ 1 lần gửi xe đạp. Tôi mượn xe đạp đi từ Tân sơn nhất vào chợ Bến thành, gửi xe vào chợ là hết tiền, đành nhịn đói đi xem chợ. Mấy bà bán hàng cứ lườm nguýt bảo chú bộ đội ơi, biết thế này thì đừng giải phóng miền Nam làm gì. Tuy vậy anh chị em công nhân rất quý tôi, hay cho mượn xe đạp và mời ăn cơm. Hai tấm ảnh hiếm hoi tôi chụp ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) khi vào công tác tại A32 gặp anh bạn Hà Nội, trung uý Cường, học Bách khoa sau tôi 2 khoá, làm việc ở ban cơ điện A32. Hai đứa rủ nhau đi chơi Sơn Trà, lúc ấy còn hoang vắng lắm, và chụp ảnh lưu niệm. Có lần đi công tác Đà nẵng với anh Trần Tưởng (người giới thiệu tôi vào Đảng), lần đầu tiên anh đãi tôi món bún bò Huế, tôi vừa ăn vừa “khóc” vì cay quá. Còn nhớ lần đến nhà trung uý Du A32, ông bố đãi khách quý miền bắc món canh thịt gà nấu với khổ qua, lần đầu tiên tôi ăn khổ qua, đắng quá không ăn được, đành ngồi cho hết bữa mà bát cơm còn nguyên. Đơn vị tôi còn phải tăng gia tự túc lương thực, mỗi năm bị khoán tự túc 1 tháng gạo. Trong phòng có anh Trung, chuẩn uý quê ở Mê Linh, xin với địa phương được 1 mẫu ruộng, thế là hàng tháng cả phòng đạp xe qua phà Chèm sang Mê Linh làm ruộng, cũng cấy lúa, làm cỏ, gặt hái vui phết. Nhớ nhất là dịp World Cup 1982 tại Tây Ban Nha. Ở Việt Nam lần đầu tiên được xem truyền hình trực tiếp qua đài vệ tinh Hoa Sen. Thời ấy chưa có TV màu, mà TV đen trắng cũng hiếm, màn hình lại nhỏ, nhưng xem trực tiếp tất cả các trận là điều quá tuyệt vời. Phòng tôi thức trắng đêm cả tháng trời xem không sót trận nào, chuẩn bị cả ắc quy phòng khi mất điện, chơi bài tiến lên trong lúc chờ đợi và nấu cháo gà ăn đêm nữa, thật vui. Lính bị cấm trại đã đành, các thủ trưởng cũng lấy lý do cấm trại để ở lại cơ quan xem bóng đá. Năm 1982 còn có một sự kiện đáng nhớ, đó là vụ cướp máy bay trực thăng ở sân bay Bạch Mai. Một sỹ quan không quân bất mãn đã ăn trộm máy bay UH-1 bay ra bãi sông Hồng đón người yêu và bay dọc sông Hồng qua Trung Quốc. Sau vụ đó phòng tôi được giao nhiệm vụ thiết kế và chế tạo khoá cần lái trực thăng. Chúng tôi hợp tác với nhà máy khoá Minh Khai làm một loạt khoá cần lái rất đẹp. Tuy mất bò mới lo làm chuồng, nhưng từ đó không xảy ra vụ mất máy bay nào nữa. Phòng tôi được quân chủng khen. Cuối năm 1982 Quốc hội thông qua Luật nghĩa vụ quân sự mới, theo đó những người có trình độ đại học chỉ phải phục vụ tại ngũ 2 năm thay vì 3 năm. Tôi mừng quá và bày tỏ nguyện vọng xin xuất ngũ sớm. Lúc ấy tôi đang là đối tượng Đảng, chuẩn bị kết nạp. Cũng may là tôi kiên trì không nhận phong sỹ quan, mặc dù làm được việc và các thủ trưởng tín nhiệm, nhưng mỗi lần được gợi ý phong sỹ quan phục vụ quân đội lâu dài là tôi lại từ chối. Tôi chỉ muốn về lại trường Bách khoa làm giảng viên. Đảng uỷ Cục gọi tôi lên, bảo nếu cứ đòi xuất ngũ thì sẽ không kết nạp Đảng cho tôi. Tôi trả lời nếu xuất ngũ tôi sẽ phục vụ Đảng tốt hơn, còn việc kết nạp Đảng ở đâu và lúc nào cũng không quan trọng, nếu cần tôi sẽ phấn đấu lại từ đầu. Thế mà Chi bộ ủng hộ tôi và ngày 12/11/1982 tôi trở thành đảng viên. Thực sự tôi rất biết ơn các thủ trưởng phòng và Cục, vì nếu về trường chắc tôi khó vào đảng hơn và có thể không có được sự thành đạt sau này. Và cuối cùng nguyện vọng xuất ngũ của tôi cũng được chấp thuận, tôi nhận quyết định xuất ngũ ngày 12/1/1983, trước tết âm lịch vài tuần. Hơn 2 năm quân ngũ nhiều kỷ niệm sâu sắc và rèn luyện tôi thành một con người khác, trưởng thành hơn, là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời tôi. Sau này tôi sống ở nhiều môi trường khác, trải qua nhiều hoàn cảnh khác, kể cả khi ở trên đỉnh vinh quang, tôi vẫn không tìm thấy cảm giác tự hào và xúc động như khi sống trong quân ngũ. Cho đến giờ, hàng năm cựu binh phòng Sửa chữa các thế hệ vẫn gặp nhau ôn cố tri tân. 35 năm sau ngày xuất ngũ, thủ trưởng Hiến trao cho tôi kỷ niệm chương của Phòng Sửa chữa-Quản lý xưởng trong dịp gặp gỡ hàng năm. Tiếc thương anh Thiệu, anh Kim, anh Cẩn và nhiều người đã khuất không đến nhận kỷ niệm chương được nữa. Tôi tự hào đã từng là lính của các anh!

13. VỀ LẠI GIẢNG ĐƯỜNG

Tôi rời quân ngũ đầu năm 1983 và về lại trường Bách khoa. Phòng Quản trị sắp xếp cho tôi và gia đình ở phòng 18 nhà A2 trong khu tập thể, thế chỗ của anh Nguyễn Trọng Giảng, cán bộ khoa Luyện kim mới được phân đất làm nhà và chuyển đi nhà mới (sau này anh Giảng là Hiệu trưởng Bách khoa 2009-2016). Room mate của tôi là anh Dũng, CBGD bộ môn đúc khoa Luyện kim, có vợ và 2 con trai. Phòng tập thể chia cho 2 gia đình nên ngăn bằng vách cót. Bọn trẻ con bị nhốt khi bố mẹ đi làm thường bẻ nan cót chui sang “nhà” nhau chơi nên nhiều lúc cũng bất tiện. Nhưng phải chịu thôi. Tôi về nhà với cái ba lô lép kẹp, lại bắt đầu soạn giáo án các môn học và đi dạy. Tôi cứ tự hỏi phải làm gì để kiếm tiền nuôi con và nuôi chính mình? Thời điểm ấy trường Bách khoa đang cải tổ theo mô hình bộ môn lớn. Bộ môn Kỹ thuật nhiệt của tôi sáp nhập với bộ môn Nhiệt điện và bộ môn Lò luyện kim thành bộ môn Năng lượng Nhiệt. Bộ môn lớn có số cán bộ hơn 40 người, thực chất vẫn tồn tại các nhóm chuyên môn nhỏ vốn là các bộ môn cũ. Nhóm lò công nghiệp có hơn 10 người nhưng khá phức tạp vì mất đoàn kết nội bộ, chi bộ và công đoàn bộ môn họp liên miên để giải quyết mâu thuân giữa thầy Hoàng Kim Cơ và các thày Phạm văn Trí, Nguyễn Công Cẩn, Cao văn Song... Tôi về trường đang trong thời gian đảng viên dự bị nên phải cố gắng nhiều và không dám từ chối công việc mà bộ môn phân công. Ngoài khối lượng giảng dạy lớn vì môn học Nhiệt kỹ thuật là môn cơ sở dạy cho sinh viên toàn trường, học kỳ nào tôi cũng phải dậy 2-3 lớp, tôi còn tham gia công tác đoàn thể : ban chấp hành liên chi đoàn khoa Điện, ban chấp hành đoàn Trường, tổ trưởng công đoàn bộ môn. Sau này khi đã chuyển đảng chính thức tôi còn tham gia cấp uỷ. Bận tối mắt nhưng tôi vẫn phải tìm cách kiếm tiền. Thời ấy nền kinh tế đang suy thoái khủng khiếp, đồng tiền mất giá nhanh, tháng lương của tôi không mua nổi 4 hộp sữa đặc Thống nhất hay Ông Thọ. Thiếu điện trầm trọng đến mức phải cắt điện sinh hoạt từ 6h sáng đến tối, có hôm 20-21h mới có điện. Đã thế điện áp lại sụt thê thảm, đèn điện dây tóc chỉ đỏ như đom đóm. Vậy nên nhiều nhà phải sắm Survolter để tăng điện áp. Vốn học ngành điện nên tôi lập tức nghĩ đến việc “sản xuất” survolter bán cho người có nhu cầu. Tôi ra chợ trời phố Thịnh yên tìm mua lõi thép silic và dây điện emay về tự quấn biến thế. Tôi cũng tìm mua các phụ kiện như đồng hồ volt, đèn báo, chuông báo quá áp, cầu chì... và cứ khoảng 1 tuần tôi lại xuất xưởng 1 cái survolter, bán cũng lãi được mươi đồng. Nhưng hậu quả cũng đáng sợ, hai tay tôi đau nhức vì quấn dây thủ công, đôi khi còn bị đứt tay vì cạnh tấm thép sắc và thỉnh thoảng bị điện giật điếng người. Bộ môn của tôi có nghề truyền thống là chữa tủ lạnh và máy điều hoà, nên tôi cũng cắp sách theo học các đàn anh, cũng tập cưa bloc máy nén lạnh, nạp ga, chỉnh rơ le... ngặt nỗi nghèo không mua nổi đồ nghề như bộ dây nạp ga hay đèn khò hàn, đồng hồ vạn năng... nên mấy năm sau vẫn chỉ làm thợ phụ. Tôi nhớ nhất vụ đi dựng máy làm kem cho một ông chủ tư nhân ở Vạn Điểm. Thời ấy kem là đồ xa xỉ và bán kem giàu khá nhanh. Mấy anh em toàn phải làm đêm vì ban ngày không có điện. Máy kem dùng máy nén nửa kín điện 3 pha 380/220V, môi chất Freon12. Dựng máy xong đóng điện thì máy không chạy, mấy anh em phải xúm vào kéo dây curoa phụ cho động cơ điện thì mới khởi động được. Cả đêm kéo dây curoa mệt lử, trầy cả da tay mà không hiểu tại sao. Tưởng điện yếu nhưng đo thì thấy không đến nỗi. Gần sáng thì tôi phát hiện ra nguyên nhân: lưới điện nông thôn 3pha 220/127V thì phải đấu động cơ theo sơ đồ tam giác, trong khi lại đấu sơ đồ hình sao thì động cơ không khởi động nổi là phải. Đấu lại xong đóng điện máy chạy ngon lành, cả bọn cười như mếu. Mẻ kem đầu tiên thành công thì sáng ra lại suýt ngất vì sợ. Lúc ăn kem ông chủ mời thử thì trời còn tối, ăn có vẻ ngon (thời ấy ăn gì chả ngon), sáng ra mới thấy trong que kem có mấy cánh bèo hoa dâu. Té ra ông chủ múc nước ao bèo trộn với bột và đường làm kem. Bây giờ mà làm bẩn thế thì bị phạt nặng, nhưng hồi đó có ai quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm đâu, có cái kem lạnh và ngọt ăn là sướng rồi. Nhưng việc làm thêm mà tôi nhớ nhất là một việc nặng nhọc và rất nguy hiểm : đập đất đèn. Mọi người đều biết đất đèn CaC2 là nguồn sinh ra khí gió đá cho hàn hơi. Những năm 80 thị trường có nhu cầu đất đèn rất lớn nên giá khá cao. Các thầy bộ môn Luyện kim đen có “sáng kiến” sản xuất đất đèn để có tiền cho nhà trường và cán bộ. Vậy là xưởng đất đèn ra đời, lò nấu hồ quang và điện cực graphit sử dụng thiết bị của bộ môn, các bác Ban Giám hiệu và trưởng phòng ban được ưu tiên trực ca, còn cán bộ các bộ môn trong khoa Luyện kim được phân công các công việc khác nhau, chuẩn bị nguyên liệu, vật tư, đập đất đèn đóng thùng, xuất hàng... Bộ môn Lò Luyện kim được mấy suất đập đất đèn nên khi sáp nhập với bộ môn tôi thì ngẫu nhiên cả bộ môn được hưởng tiêu chuẩn này. Phải nói thêm về công việc này để mọi người hình dung: mỗi đêm lò nấu cho ra lò một khối đất đèn nóng đỏ hình cầu, khối lượng khoảng vài ba tạ. Nhiệm vụ của chúng tôi là dùng sức mình quai búa tạ đập vỡ khối đất đèn đó thành những cục nhỏ bằng nắm tay để đóng vào thùng sắt tây đem bán. Việc này nguy hiểm vì khi đập khối đá nóng đỏ đó, các mảnh vỡ có thể văng vào quần áo, văng vào mắt gây cháy bỏng. Bụi và khói độc làm tổn thương đường hô hấp. Mà cứ phải đập khi nó còn nóng đỏ chứ để nguội thì khó đập vỡ, có lần quai búa cả tiếng đồng hồ mà không vỡ, nản vô cùng. Tôi phải mặc quần áo bảo hộ lao động, đi giầy cao cổ và buộc chặt ống quần, đeo kinh bảo hộ, đội mũ, đeo găng tay. Thế mà vẫn bị bỏng nhiều lần và quần áo thì thủng lỗ chỗ. Sáng nào tan ca về nhà cũng mệt rã rời và khi đi tắm thì cả tầng nhà kêu ầm lên, vì đất đèn trên tóc và da khi gặp nước thì bốc khói, mà mùi đất đèn thì ai cũng sợ. Vất vả là thế nhưng ai cũng ham đập đất đèn vì tiền công khá cao, mỗi ca được trả công khoảng 50-60 đồng tuỳ khối lượng cục đá nóng. Mỗi tháng tôi đi 2 ca là đủ tiền mua sữa cho con, tôi còn nhớ giá mỗi hộp sữa Ông Thọ ngoài chợ đen khoảng 16 đồng, cứ 3-4 ngày con tôi ăn hết 1 hộp, trong khi lương bố có 64 đồng. Sang năm 1984 tôi được bầu vào Ban thường vụ Đoàn thanh niên trường và làm trưởng ban tuyên huấn, đúng lúc Trung ương Đoàn có phong trào xây dựng các công trình thanh niên cộng sản, như thuỷ điện Hoà Bình, nhiệt điện Phả Lại. Trường Bách khoa được giao thành lập Tổng đội lao động tình nguyện đầu tiên đi Phả Lại mùa hè năm 1984 và tôi được cử làm Tổng đội trưởng. Tôi dẫn hơn 400 sinh viên K26 khoa Điện, khoa Chế tạo máy và khoa Kỹ sư kinh tế đến Phả Lại, nhà máy nhiệt điện lớn nhất lúc ấy. Lễ xuất quân trước quảng trường C1 rất trang trọng, có mặt anh Vũ Quốc Hùng bí thư TWĐoàn, anh Đào Chí Sảo, tổng giám đốc LILAMA. Toàn đội mặc đồng phục bảo hộ lao động có phù hiệu trên cánh tay trái rất oai (tôi vẫn còn giữ được phù hiệu và báo cáo tổng kết làm kỷ niệm). Hơn 3 tháng thày trò cùng lao động với công nhân xí nghiệp lắp máy 69 đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc. Công nhân và kỹ sư yêu mến sinh viên vì các bạn chăm chỉ, thông minh, có nhiều sáng kiến giúp đẩy nhanh tiến độ. Ngày chia tay nhiều người đã khóc. Tôi có ấn tượng tốt đẹp với các bạn sinh viên Kiều Xuân Dương, Nguyễn Tiến Nam, Trương Lan Anh... và tôi biết ơn các anh lãnh đạo xí nghiệp lắp máy 69 như Giám đốc Nguyễn Văn Thụ, anh hùng lao động Nguyễn Thanh Hùng, anh hùng lao động Nguyễn Huyền Chiệc. Họ đã chăm sóc sinh viên như con em mình. Kết thúc kỳ lao động tình nguyện đó, tôi và nhiều cán bộ, sinh viên được khen thưởng. Bây giờ mỗi lần gặp tôi, anh Vũ Quốc Hùng, nguyên UVTWĐ, nguyên phó chủ nhiệm UBKTTW vẫn nhắc lại những kỷ niệm đẹp của ngày ấy. Tiếc là tôi chưa tìm được mấy tấm ảnh do Kiều Xuân Dương chụp và gửi qua mail cho tôi sau nhiều năm, khi nào tìm được tôi sẽ post vào đây để nhớ lại những ngày vui và tưởng nhớ Dương, chàng sinh viên học giỏi, đẹp trai và rất nhiệt tình với công tác đoàn (Dương đã mất cách đây mấy năm vì tai nạn). Bước sang năm 1985, trường lại tiếp tục sắp xếp tổ chức theo hướng lập các khoa lớn. Bộ môn tôi tách khỏi khoa Điện để cùng với khoa Động lực, khoa Dệt thành lập khoa Cơ khí Năng lượng và Dệt. Tôi được chủ nhiệm khoa Đinh Ngọc Ái giao nhiệm vụ trợ lý của Ban chủ nhiệm khoa, sau này chủ nhiệm khoa Nguyễn Hữu Cẩn và Bí thư đảng uỷ khoa Trần Văn Tế tiếp tục giao tôi làm trợ lý BCN Khoa. Bộ môn thì cử tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp K27 Nhiệt công nghiệp. Thôi thì trăm việc không tên. Tôi phải thường xuyên đi kiểm tra phòng ở của sinh viên ký túc xá B8, chấm điểm các lớp sinh viên, họp với các chi đoàn... Năm 1986 có một sự kiện đặc biệt. Anh bạn lớp trưởng K27 là Nguyễn Xuân Trình, bộ đội đi học, xấp xỉ tuổi thầy chủ nhiệm, nhờ tôi làm chủ hôn đám cưới của anh ta với cô bạn Nguyễn thị Xuân Thu vừa tốt nghiệp đại học sư phạm. Tôi rất lo vì đã bao giờ làm chủ hôn đâu? Đám cưới tổ chức ngay tại ký túc xá sinh viên và may mắn là suôn sẻ, hai họ ở xa không đến dự được nên tôi đỡ lo. Không biết có phải chủ hôn “mát vía” hay không mà sau này vợ chồng Trình Thu ăn nên làm ra, họ có 2 con đều giỏi giang, Thu phấn đấu tốt hơn Trình nên đã từng là thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá và hiện là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Tôi cũng là người hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho Trình, và sau khi K27 tốt nghiệp tôi quay trở lại chuyên tâm vào học thêm, không nhận làm giáo viên chủ nhiệm khoá nào nữa. Tôi rất sốt ruột vì mình ở trường mà không có học vị thì không có tương lai. Tôi theo học các lớp luyện thi nghiên cứu sinh về toán, môn cơ sở và ngoại ngữ. Thời ấy đi nghiên cứu sinh phải xếp hàng theo phân công của tổ chức và chỉ được đi thi trước 33 tuổi. Việt Nam đang bị cấm vận nên hầu như không có cửa đi học ở phương tây. Chúng tôi chỉ mơ đi nghiên cứu sinh ở Liên xô và Đông Âu, nhưng chỉ tiêu đi thi mỗi năm chỉ được mấy suất, mà số người xếp hàng thì nhiều. Học luyện thi mấy vòng mà chưa được đi thi, tôi lo lắng thấy bạn bè cùng lứa lác đác có đứa được đi thi và xuất ngoại, và đi dò hỏi mới biết phải “chạy”, trong khi mình thật thà xếp hàng. Đang chán nản thì một ngày tháng 7 đẹp trời anh Cẩn chủ nhiệm khoa gọi tôi, bảo có một suất đi học master về năng lượng ở Viện công nghệ châu Á mà không có ai đăng ký thi. Chắc mọi người đều sợ vì AIT dập khuôn mô hình đào tạo của Mỹ, học rất vất vả vì người Việt quen kiểu học của Liên xô, lại không thể làm “vodka candidate”. Hơn nữa học AIT chỉ có trình độ thạc sỹ, còn đi Liên xô sẽ có học vị phó tiến sỹ oai hơn nhiều và lúc ấy chương trình đào tạo trên đại học của Việt Nam chưa có khái niệm đào tạo thạc sỹ. Nếu không nhận cơ hội này thì tôi hết hy vọng vì sắp hết tuổi đi thi. Thế là tôi nhận lời. Chết nỗi chỉ còn 2 tuần để chuẩn bị thi vòng tiếng Anh trình độ B, mà tôi chỉ có chút vốn tiếng Anh khi còn là sinh viên, chưa chắc đã thi được trình độ A. Tôi phải nhờ một cô bạn là giảng viên đại học Ngoại thương kèm cho 2 tuần liền. Rồi đi thi. Vậy mà tôi passed, lại còn đỗ thủ khoa nữa. Chắc là mọi người cũng bị “giật mình” như tôi nên mình gặp may. Sau mấy tuần tôi thi tiếp vòng 2 với các thầy AIT phỏng vấn trực tiếp. Tôi lại passed và được thông báo có học bổng internal của Chính phủ Pháp. Đúng là cuộc đời có những ngả rẽ làm thay đổi số phận mà mình không ngờ đến. Việc đi học AIT là một ngả rẽ như vậy. Một chương mới bắt đầu.

14. NHỮNG NGÀY AIT ĐÁNG NHỚ

Sau khi vượt qua 2 vòng thi căng thẳng, tôi bắt đầu “chiến đấu” để làm thủ tục visa và nhập học. Cần nhắc lại giai đoạn 1980-1990 Việt Nam đang bị cấm vận do cuộc chiến Căm pu chia và biên giới Việt-Trung nên xin visa sang các nước tư bản là vô cùng khó khăn. Hồ sơ của tôi hoàn thiện rất nhanh, nhưng muốn xin visa vào Thailand thì phải chờ ý kiến của Ban tổ chức Trung ương. Chờ hơn 3 tháng mà vẫn chưa thấy Ban TCTW trả lời, trong khi AIT thông báo ngày nhập học đầu tháng 1/1988, tôi phải nhờ vả nhiều người để hỏi lý do chậm trễ. Cuối tháng 12/1987 tôi mới nhận được công văn có “dấu vuông” của BTCTW đồng ý cho tôi đi học và giấy chuyển sinh hoạt đảng sang Đảng bộ ngoài nước và Đảng uỷ Thailand. Và sau nửa tháng tôi có visa Thái. Thật mừng hết biết vì lần đầu tiên tôi được đi nước ngoài, mặc dù chậm hơn 1 tuần kể từ ngày khai giảng của AIT. Tôi hối hả chuẩn bị hành lý, sách vở. Mấy bạn quen đang ở AIT nhắn qua vợ ở nhà cho tôi biết một số thông tin cần thiết, ví dụ phải có ít tiền USD để phòng khi bạn không đón được thì còn đổi tiền đi taxi từ sân bay về trường. Bây giờ đi nước ngoài có thể mang hàng chục nghìn đôla Mỹ hợp pháp, nhưng hồi đó ngoại tệ bị nghiêm cấm, nếu hải quan phát hiện sẽ bị tịch thu và có thể bị xử lý hình sự. Tôi chỉ dám mang một tờ 5USD và nhét vào trong tất chân, khi qua cửa hải quan vẫn sợ run, chỉ sợ bị tịch thu thì đến Bangkok không có tiền đi taxi. May mà trót lọt, và may nữa là đến sân bay được các bạn đón nên không phải tiêu món tiền mọn đó. Sân bay Nội bài hồi ấy chưa có nhà ga T1, T2 như bây giờ mà chỉ có nhà ga rất nhỏ, chắc chỉ to hơn ga tàu hoả một chút. Vietnam Airlines chỉ có đội tàu bay cổ lỗ, chủ yếu là Tu-134, thêm vài cái IL-62, Yak-40 và DC-10, và đường bay quốc tế duy nhất là HAN-BKK và SGN-BKK. Khi sắp hạ cánh ở Don Muong, nhìn qua cửa sổ tôi vô cùng ngỡ ngàng khi thấy các đường cao tốc dày đặc xe ô tô. Còn khi vào trong sân bay Don Muong thì khỏi nói tôi choáng ngợp đến mức nào, cứ như ở thiên đường lạ lẫm vậy, nào là thang cuốn, thang máy, tivi màu, nhân viên đẹp, không gian rộng và sạch bóng, toilet sạch đến nỗi không dám đi vệ sinh... Đúng là từ “quê” ra tỉnh! Nhìn cái Tu-134 đỗ ở sân bay mới tủi, vì máy bay nhỏ quá không vào được đường ống, phải đỗ bên sân nội địa, trong khi các hãng khác đều dùng Boing 737, 747 và AirBus. Vì sang muộn 1 tuần nên về đến AIT các bạn đưa tôi vào lớp học ngay, còn mọi thủ tục phòng ở và đăng ký nhập học các bạn làm giúp tôi sau. Sung sướng nhất là được mở tài khoản tại Thai Farmer Bank để nhận học bổng, hàng tháng nhận được 3400 Bath, tương đương 130 USD (tỷ giá 25bath/USD). Lần đầu tiên trong đời có thẻ ATM và việc rút tiền ở cây ATM thực sự là chuyện viễn tưởng. Còn khối cái “đầu tiên” nữa, ví dụ ăn lẩu Thái, uống Coca-Cola, đi siêu thị, uống nước ở vòi công cộng, đi taxi, xem TV màu... Có một việc rất đáng nhớ và hơi kỳ cục, đó là ăn thịt gà. Chẳng là thời ấy ở nhà còn thiếu thốn, từ bé chỉ được ăn thịt gà vào dịp tết hay giỗ chạp, mà lúc còn bé thì chỉ được vài miếng thịt gà nhỏ hoặc cái chân gà, lúc lớn thì lại phải nhường cho con cái, nên xem phim nước ngoài thấy mấy ông tây cầm cả con gà luộc xé ăn tôi cứ nghĩ là phim bịa chuyện. Thế nên sang AIT, tháng đầu tiên có học bổng tôi mua ngay một con gà làm sẵn ở siêu thị trong trường đem về luộc và ăn nguyên con như trên phim, thật đã đời, và hiểu ra phim tây là thật chứ không bịa chuyện. Sau này khi đón con trai sang chơi, việc đầu tiên tôi làm cho con cũng là luộc một con gà cho nó ăn bằng tay. Học được một tuần thì tôi và mấy bạn new comer phải tham gia Welcome Party. Mỗi quốc gia phải có một tiết mục văn nghệ, chết nỗi đoàn Việt Nam đợt ấy toàn nam giới, chỉ có 1 bạn nữ lại đi học short term về Computer Science, mà văn nghệ truyền thống thì cần có cả nam và nữ. Thế là tôi và 2 bạn Lê Bình Minh, Nguyễn Tăng Tôn phải đóng vai nữ, mặc áo tứ thân đội khăn giả, cùng với các bạn Nguyễn Ngọc Ẩn, Mai Anh, Nguyễn Ngọc Lân biểu diễn tiết mục Trống cơm. Bạn nữ duy nhất là Đào Tăng Kiệm chơi Piano. May mà cũng ổn, khán giả cười nghiêng ngả và vỗ tay nồng nhiệt. Để đi lại trong trường sinh viên đều mua xe đạp, hầu hết đều mua lại xe đạp cũ của những người học xong về nước bán lại. Tôi ra chợ Rangsit mua xe mới, được trường cấp biển số đẹp 999, và thích nhất là để xe đạp ở đâu cũng không sợ mất, dù là có khoá lấy lệ. Sau này khi đón con sang chơi tôi lại mua thêm cái xe đạp mini thể thao rất đẹp cho cu cậu tập đi, chỉ mấy ngày đã biết đi xe và chạy khắp trường. Ở AIT center còn có bể bơi, tôi nhờ vợ chồng Phan Đình Lợi- Cẩm Hà dạy con bơi và nó tiến bộ rất nhanh. Sống ở AIT tôi cũng nổi tiếng là “tay chơi” vì dám làm những việc trước đấy mọi người đều chưa dám làm. Ví dụ về phép tự túc, đi chợ bằng taxi, mang con sang chơi hay mua đồ hiệu ở siêu thị... Cần nhắc lại là thời ấy kinh tế rất khó khăn, khi đi học nước ngoài muốn về phép còn phải ra Đại sứ quán Việt Nam xin visa về nước mình, không ai dám bỏ tiền túi mua vé máy bay vì quá đắt, mỗi lần về mất 320 USD vé máy bay và khoảng 100 USD tiền visa, quà cáp. Nên chỉ các bạn đi học bằng học bổng external hoặc học xong kiếm được việc làm staff ở AIT mới dám nghĩ đến việc về phép bằng tiền dự án hoặc tiền túi. Tôi là người đầu tiên phá lệ. Term đầu tiên còn bỡ ngỡ, thi xong tôi phải đợi biết điểm thi nên không dám xin phép sứ quán về nước dịp term break, đến Term thứ hai thì tôi thi tốt và không quan tâm việc đợi báo điểm nữa, thi xong là tôi về nhà luôn. Tiền học bổng mỗi tháng cũng tiết kiệm được 60-70 USD đủ cho tôi mua vé và quà nên giữa tháng 7/1988 tôi về phép lần đầu, mang về nhiều quà xịn cho vợ con như quạt cây Misubishi, bát đĩa melamin, áo Nato, đồ lót bông hồng, áo phông con bướm...Sau này tôi còn về phép tự túc 2 lần nữa và có lần bị sự cố ở hải quan Nội Bài rất khổ sở. Chuyện là sinh viên về nước thường phải mang giúp hàng cho các bạn gửi về cho gia đình, bọn tôi thường gọi là làm “cửu vạn” vì mỗi chuyến phải mang hàng chục bao tải dứa nặng đến ba bốn tạ hàng. Ai gửi hàng cũng phải ra Sứ quán xin xác nhận thì mới được hải quan cho lấy hàng miễn thuế. Lần ấy tôi về có mấy bạn không kịp xin xác nhận của sứ quán nên khi về đến Nội Bài tôi bị hải quan giữ hàng. Họ bắt tôi mở túi bày hàng ra kiểm tra. Một mình kéo 4 tạ hàng từ băng chuyền ra đã mệt lử, khi mở các túi hàng bày đầy bàn hải quan tôi lại vã mồ hôi vì toàn hàng “độc” : đồ lót phụ nữ. Đó là loại hàng bán được giá nhất cùng với áo NATO. Sau khi giải trình đến đứt lưỡi hải quan cũng cho qua, nhưng chết tiếp vì khi đóng hàng thì mấy đứa phải nhồi nhét và chằng buộc rất cẩn thận, dỡ ra kiểm tra rồi thì mình tôi không sao nhồi vào bao tải hết số hàng đó, đành lấy dây buộc túm lại mang ra ngoài. Ngượng chín cả người! Tôi cũng là người đầu tiên đi chợ Bangkok bằng taxi. AIT cách Bangkok khoảng 50 km, cuối tuần chúng tôi thường vào BKK mua hàng. Thời ấy có áo NATO rất được giá, người Việt nào qua BKK cũng cố mua được vài cái đem về Việt Nam bán, trong nước rất chuộng vì áo Nato rất hầm hố và bền, cánh lái xe và ngay cả công chức đều thích mặc. Đó là loại áo đi trận của lính Mỹ, chắc là Thailand nhận may gia công và tuồn ra chợ đen nên số lượng rất hạn chế, mỗi ngày chỉ có vài ba chục cái, mà cả BKK chỉ duy nhất có một tiệm ở chợ Pope bán loại áo này nên có lẽ đó là mặt hàng duy nhất ở Thái mà phải xếp hàng mua theo kiểu phân phối như ở Việt Nam. Mỗi người một lần xếp hàng chỉ được mua 2 cái, có điều lạ là khan hàng nhưng luôn bán đúng giá và không có chuyện hối lộ để được mua nhiều. Ngoài ra các mặt hàng như áo phông, quần bò, đồ mỹ phẩm, đồ lót... cũng được mua nhiều theo đặt hàng ở Việt Nam. Nên sau khi đi chợ ai cũng phải tay xách nách mang nhiều loại túi to nhỏ. Đi xe bus rất xấu hổ vì người ta không ai mang đồ cồng kềnh lên xe bus. Mọi người cứ đi xe bus vì chỉ mất khoảng 7 bath cho 2 chặng xe, thậm chí còn chẳng dám đi xe bus máy lạnh dù trời rất nóng vì mất hơn 15bath. Tôi thì liều và lười mang vác nên mua hàng xong là gọi taxi chạy luôn, vừa nhanh, vừa mát, dù là mất hơn 100 bath, nhưng tôi nghĩ bớt lãi một chút còn hơn là khổ nhục. Tôi cũng là kẻ đầu têu việc cho con sang chơi và mua đồ hàng hiệu cho con ăn diện. Ngoài cái xe đạp thể thao mini rất đẹp, tôi nhớ còn mua cho con một bộ quần áo trắng mà cậu con gọi là bộ quần áo “hoàng tử”, giá mua gần 1000 bath, ai cũng kêu là hoang quá. Sau khi tôi đưa con sang chơi thì hàng loạt các bạn học của tôi cũng mời vợ con sang và cộng đồng người Việt ở AIT đông vui hơn hẳn. Việc học ở AIT rất vất vả mà tôi sẽ nói ở phần sau. Nhưng sau mỗi term học 3 tháng lại có một kỳ term break 1 tháng nên xả hơi cũng thoải mái. Đoàn sinh viên Việt Nam lúc đó chỉ có khoảng 20 người chứ không đông như sau này, mọi người đều biết nhau và chiều nào cũng gọi nhau đi đá bóng. Đội bóng đá Việt Nam khá mạnh, thậm chí đá thắng cả đội Thái. Đá bóng xong buổi tối cả lũ lại tụ tập ở Papa shop, một quán ăn nhỏ ngoài cổng trường của một ông già người Thái rất hiền lành và tốt bụng, để uống bia Singha và ăn mì tôm nấu với rau và trứng. Các buổi liên hoan welcome party và farwell party của bọn tôi cũng thường tổ chức ở Papa shop. Thậm chí vào kỳ thi bọn tôi học ở thư viện đến nửa đêm đói bụng mò ra quán thì papa đã đi ngủ, papa bảo cứ mở cửa vào tự nấu mì ăn rồi để tiền trên bàn là được. Tôi sang học được 1 term thì được giao làm trưởng đoàn lưu học sinh Việt Nam tại AIT cho đến khi làm luận văn tốt nghiệp thì chuyển giao chức vụ đó cho bạn Hoàng Dương Tùng. Trong nhiệm kỳ của mình tôi phải trải qua một sự kiện kinh hoàng nhất : tai nạn máy bay của Vietnamairlines tại Bangkok ngày 9/9/1988, vụ tai nạn đã cướp đi mạng sống của một bạn AIT của tôi và nhiều người quen biết. Đó là những ngày đau thương tang tóc không chỉ đối với chúng tôi mà còn đối với cộng đồng AIT. Tôi phải kể chi tiết một chút về tai nạn này vì nhờ có hồng phúc của tổ tiên và ông trời phù hộ nên tôi đã không bay chuyến bay định mệnh ấy, mặc dù pax-list có tên tôi. Số là tháng 8/1988 tôi về phép tự túc, cùng về có bạn Nguyễn Hữu Dụng, giảng viên Đại học xây dựng, sang AIT trước tôi. Dụng có vợ là diễn viên múa và mới sinh con. Chúng tôi đặt vé quay lại BKK ngày 2/9, nhưng vì Dụng có mấy bao hàng bị hải quan tạm giữ chưa lấy được nên phải đổi vé lùi lại 1 tuần. Gần đến ngày đi tôi lại bị sốt nên cũng đành lùi vé như Dụng. Thời ấy mỗi tuần chỉ có 2 chuyến bay HAN-BKK, Vietnamairlines bay thứ sáu và ThaiAirways bay thứ hai, và gần như mặc định người Việt buộc phải đi Vietnamairlines, ai muốn đi AirThai thì phải được lãnh đạo HKVN đồng ý. Thứ sáu 2/9 tôi ốm không đi được nên đổi vé bay thứ sáu 9/9, nhưng thứ bảy thì tôi hết sốt, lại thấy tiếc mất một tuần học nên muốn bay sớm hơn. Đang không biết làm sao thì may gặp chú em đồng hao làm việc ở Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao đến chơi, chú ấy bảo giúp đổi vé bay ThaiAirways ngày thứ hai 5/9 được vì có 2 ông lãnh đạo HKVN đang nhờ chú ấy làm hộ chiếu đi công tác nước ngoài. Tôi đưa vé của tôi cho chú ấy và ngay hôm sau đã chuyển được sang AirThai. Vậy là sáng thứ hai 5/9 tôi bay. Dụng buồn vì muộn học và bảo tôi ngày thứ sáu ra Don Muong đón vì mang quà giúp nhiều người khá nặng. Tôi sang AIT kịp học tuần đầu của term tháng 9, trưa thứ sáu ra sân bay Don Muong đón Dụng như đã hẹn. Cùng đi với tôi có bạn Lê Bình Minh và anh Lê Văn Minh. Anh Minh ra đón vợ và 2 con sang ở cùng anh trong thời gian học. (Năm ấy có 2 cán bộ vốn là nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại BKK được nhận học bổng của UNDP học master về Human Settelement Development tại AIT là anh Minh và anh Nguyễn Hoàng An. Vợ anh Minh, chị Nghĩa, là giáo viên, có con trai là bé Việt và con gái là bé Nam, cả hai đứa đều đẹp như tranh. Sau này anh Minh cứ nói trong nước mắt : mình yêu nước đến mức đặt tên con là Việt Nam mà hàng không Việt Nam lại giết chết hai đứa con mình!) Chúng tôi thuê taxi ra sân bay đón, bỗng mưa lớn, đường cao tốc từ AIT đi Don Muong nước ngập nửa bánh xe. Ra đến sân bay thì thấy bảng điện tử thông báo chuyến bay HAN-BKK delayed. Chờ mãi thì thấy báo “crashed”. Anh Minh đã làm việc ở sứ quán nên quen đại diện hàng không Việt Nam vội mượn xe ô tô tự lái chạy thẳng đến địa điểm máy bay bị tai nạn. Trời ơi, khi chúng tôi đến nơi thì cảnh sát đã dập tắt đám cháy và đang chuyển xác hành khách lên bờ ao, nơi máy bay gãy làm đôi, phần đầu nằm dưới ao, còn phần đuôi nằm trên con đường nhỏ. Hơn 70 xác bị cháy đen chất đống không thể nhận dạng được, đành đợi cảnh sát chuyển về bệnh viện xác định danh tính sau. Ngày hôm sau chúng tôi vào bệnh viện cảnh sát Bangkok và tìm được Dụng cùng 3 mẹ con chị Nghĩa và đưa vào chùa hoả táng. Cho đến nay vẫn không ai biết nguyên nhân tai nạn, vì máy bay cũ quá nên các hộp đen đều hỏng từ lâu không khai thác được dữ liệu. Vụ tai nạn này đã cướp đi 75 sinh mạng, trong đó có Dụng bạn của chúng tôi, vợ con anh Minh. Và sau khi có Pax-list tôi nhận ra một người quen nữa : chị Thanh Tâm, vợ anh Thư cùng bộ môn với tôi ở Bách khoa. Chị đi BKK họp và có hẹn gặp anh Thư ở BKK, vì anh Thư lúc đó đang làm chuyên gia giáo dục tại Công gô về phép. Đau nhất là khi tai nạn xảy ra, anh Thư đang transit ở Ba Lan và không hề biết vợ mình đã tử nạn, sáng thứ hai 12/9 tôi đang ở Đại sứ quán làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân thì thấy anh Thư đi vào. Nghe tôi báo tin anh ấy khóc ròng và vội vào bệnh viện tìm xác vợ. May mà tìm được và sau đó cũng hoả táng trong chùa đưa tro cốt về Việt Nam. Chuyến bay định mệnh ấy chỉ có 7 người sống sót nhưng đều thương tật nặng, duy nhất có cơ trưởng tên Phương không bị thương, nghe nói sau này lại tiếp tục bay. Đây có lẽ là tai nạn kinh hoàng nhất của Vietnamairlines cho đến nay, và chúng tôi gọi ngày xảy ra tai nạn là ngày cửu trùng và “black friday” vì nó xảy ra ngày thứ sáu 9/9. Sau tai nạn, đoàn lưu học sinh Việt Nam tại AIT tổ chức lễ truy điệu cho các nạn nhân và quyên góp được khoảng 4000 USD cho vợ con Dụng. Còn tôi, tôi chỉ biết tạ ơn Trời Phật và tổ tiên đã cho tôi thoát chết vì không đi chuyến bay ấy.

15. NHỮNG NGÀY AIT ĐÁNG NHỚ (phần 2)

Phần này tôi nói về chuyện học hành ở AIT. AIT thành lập năm 1959, ban đầu là cơ sở đào tạo của khối SEATO. Sau đó chuyển sang đào tạo trên đại học cho các nước châu Á. Mô hình đào tạo và chương trình đào tạo dập khuôn Mỹ. Staff tuyển dụng từ nhiều nước, chủ yếu là từ Mỹ, châu Âu và Nhật bản, số ít từ Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc... Cơ sở vật chất chủ yếu do các Chính phủ đóng góp, nhiều toà nhà và phòng thí nghiệm có gắn biển “this building is given by...”. Các nước cấp học bổng hoặc tài trợ được cử đại diện tham gia vào Board of Trustee. Trước 1975, lác đác đã có sinh viên Việt Nam do chính quyền Sài gòn cử sang học. Khoảng sau 1980 bắt đầu có sinh viên từ miền Bắc Việt Nam sang học bằng học bổng của các tổ chức quốc tế như UNDP, và một số chính phủ có thiện chí với Việt Nam như Phần Lan, Thuỵ Điển, Pháp, Hà Lan, Nhật... Sinh viên Việt Nam học rất vất vả vì tiếng Anh kém, lại chỉ quen với kiểu đào tạo của các nước Đông Âu, thày đọc trò chép, ít tự học và sáng tạo. Một số anh chị đi học trước tôi đã không vượt qua được term đầu tiên, ngay cả một số sinh viên các nước Nam Á khác như Ấn Độ, Srilanca, Pakistan, Banglades... cũng thế, vì sinh viên không ai biết điểm thi của nhau nên cứ thấy bạn nào biến mất thì ngầm hiểu là họ không qua được kỳ thi final sau khi đã được cảnh báo probation. Như trên đã nói, tiếng Anh của tôi không tốt nên nghe giảng trên lớp rất khó khăn, trừ môn Toán. AIT có lớp dự bị Pre-master bổ túc tiếng Anh cho sinh viên, nhưng bọn tôi không được học, chỉ một số bạn từ miền Nam sang mới được học lớp này, đó là nhờ thày Huỳnh Ngọc Phiên, người đã học AIT trước 1975 và ở lại làm staff khoa Computer Science giúp đỡ (sau này thầy Phiên làm Chairman khoa CS và khi nghỉ hưu về Việt Nam làm cho tập đoàn AMATA). Tôi sang học muộn 1 tuần nên từ sân bay các bạn dẫn tôi vào lớp học luôn. Ngày đầu tiên tôi thực sự hoảng sợ vì không nghe được thày giảng. Mà hết giờ thày giao bài tập, yêu cầu sáng hôm sau nộp. Cái khó là bài tập toán phải giải trên máy tính PC, trong khi ở Việt Nam lúc ấy chưa có máy tính. Cả trường Bách khoa chỉ có 2 máy tính Apple 2 của trung tâm máy tính, và mặc dù được học một chút về lập trình nhưng tôi chưa bao giờ được sờ vào bàn phím. Thế là đêm đầu tiên ở AIT tôi phải thức trắng nhờ mấy bạn khoa CS giúp học sử dụng máy tính. Trung tâm máy tính Regional computer center (RCC) của AIT lúc ấy cũng chỉ có máy XT, khởi động bằng đĩa mềm, ổ cứng vài MB, muốn chạy chương trình phức tạp phải dùng mainframe. Lần đầu tiên sờ vào máy tính thật khó tả cảm giác, vừa lo lắng vừa háo hức, kết quả là sáng hôm sau vẫn có bài nộp cho thầy. Khi máy in kim xoèn xoẹt in ra kết quả bài tập, tự mình cũng thấy mình vĩ đại làm sao! Nói thêm là RCC là trung tâm máy tính lớn nhất của khu vực, hàng năm được các công ty máy tính lớn của thế giới tài trợ các hệ máy tính mới nhất như IBM, Fujitsu. Lúc tôi mới sang RCC chỉ có máy XT với ổ mềm 360K, năm sau đã xuất hiện máy 286 có ổ mềm 1.44M. Có lẽ máy tính là cái hấp dẫn tôi nhất ở AIT, ngoài phục vụ học tập với nhiều tính năng của Wordstar, Lotus123, Basic, Autocad, tôi còn có đam mê với Game. Hồi đó có game Digdug chạy trên XT rất hấp dẫn, bọn sinh viên chơi thâu đêm, nhất là term break có đứa ngồi lì ở RCC chơi quên ăn quên ngủ. Tôi có thể tự hào là quán quân của game này vì cũng mất rất nhiều thời gian chơi ở RCC và học được nhiều võ của mấy game thủ Ấn Độ. Nhờ kỹ năng máy tính này mà khi về nước tôi trở thành người đầu tiên trong bộ môn mua ngay máy PC AT-286 không ổ cứng, màn hình mono và máy in kim, dùng phần mềm thiết kế mini-autocad kiếm được khá nhiều tiền. Term đầu tiên tôi học khá vất vả vì chưa quen kiểu học ở AIT, thầy chỉ giới thiệu outline còn sinh viên phải tự học rất nhiều và tham khảo nhiều tài liệu, chưa kể thời gian thực nghiệm cũng nhiều. Đặc biệt là cách thi và cho điểm của các thầy. Thang điểm chính thức chỉ có A, B+, B, C+, C và D tương đương với 4, 3.5, 3, 2.5 và 2. Tất nhiên còn điểm F tương đương với điểm 1, nhưng ít được quan tâm vì ai bị điểm F thì quá tệ. Khi chấm bài các thầy lại thường chấm theo thang điểm 60 hoặc 100, sau đó tuỳ vào mức độ khó của đề thi các thầy sẽ phân loại phổ điểm để quyết định khoảng điểm nào đạt điểm A, B hay C, chứ không cứng nhắc cứ phải 90-100 điểm mới đạt điểm A hay cứ bị 15-20/100 thì bị điểm D. Nên có sinh viên đi thi về hớn hở nói làm bài khá tốt, chỉ sai vài chỗ, nhưng khi báo điểm thì bị điểm C, tìm thầy hỏi thì thầy bảo vì đề thi dễ nên cả lớp đều làm bài tốt, chỉ mình mày sai mấy câu nên cả lớp đạt A, B còn mày bị C. Hoặc có đứa đi thi về mếu máo làm bài kém, nhưng lúc báo điểm lại được A vì thầy bảo tao ra đề sai dữ kiện, cả lớp chỉ có mày làm được một ít nên được A, còn lại là B. Mỗi term có kỳ thi midterm và final, nếu thi midterm mà điểm trung bình dưới 2.5 sẽ bị thông báo probation và nếu thi final vẫn thế thì sẽ bị thôi học. Kỳ thi midterm đầu tiên tôi rất hồi hộp, thi xong ngày nào cũng ra mở hộp thư của sinh viên xem có phiếu báo điểm chưa? 1 tuần sau nhận được phiếu báo điểm, tôi mừng vô cùng vì điểm tốt, nhất là môn toán của thầy Exell tôi đạt điểm A và thầy còn đùa bảo định cho A+. Tôi yên tâm là mình trụ được ở AIT, vì một vài bạn lớp tôi bị probation, sợ đến mất ăn mất ngủ. Ngay trong đoàn VN có lưu truyền câu chuyện của một bạn bị probation mà hoảng loạn đến mức kỳ cục, trời nóng mà cứ phải chui vào gầm giường nằm mới học bài được. Lại có bạn sang sau tôi bị probation bỏ ăn, nằm khóc và đòi về nước, bọn tôi phải dỗ dành mấy ngày liền mới bình tâm lại (bây giờ bạn ấy là Giám đốc một Sở của Hà Nội nhé). Nói thêm chút là chính sách ngầm của AIT thời ấy rất khắc nghiệt với sinh viên học bổng internal, tức là học bổng của các chính phủ cấp thông qua AIT, sinh viên bị đuổi càng sớm thì số tiền học bổng còn lại càng nhiều và AIT được hưởng. Còn sinh viên học bổng external thì ngược lại được các thầy ưu ái hơn, vì các nhà tài trợ học bổng chỉ cấp tiền theo tiến độ học của sinh viên, nếu bị đuổi học thì ngừng cấp học bổng và AIT mất nguồn tiền còn lại. Nên bọn tôi là sinh viên học bổng internal phải cố gắng gấp nhiều lần các bạn external mới mong trụ lại được. Tôi được học bổng của Chính phủ Pháp (cùng bạn Nguyễn Tăng Tôn học AE và Bùi Cách Tuyến học EE năm nào cũng được mời ra Đại sứ quán Pháp ở BKK ăn tiệc X’mas). Đến khi thi final tôi đạt điểm trung bình 3.63, vào loại cao nhất lớp, thì tôi hoàn toàn yên tâm về lực học của mình. Chính vì thế mà sau khi thi term thứ hai tôi không lo lắng và không chờ báo điểm thi nữa, lập tức phi ra sân bay về phép tự túc. Các kỳ thi tiếp theo tôi cũng hơi amateur nên điểm thi kém hơn một chút, nhưng vẫn ở mức an toàn. Ngay cả trước khi nhận đề tài tốt nghiệp, tôi vẫn cố về phép, dù adviser khuyến cáo đề tài khó cần nhiều thời gian hơn nên đừng về phép. Tôi phải bịa chuyện ở nhà bị bão tôi phải về sửa nhà cho vợ con, thầy Exell cũng thương, cho tôi về sau khi tôi bảo vệ xong Thesis proposal. Đã thế sau khi sang lại AIT, tôi lại đón con trai sang ở với tôi hơn 3 tháng, cuối kỳ tốt nghiệp bận quá tôi mới đành gửi con về Việt Nam. Đề tài tốt nghiệp của tôi phải làm thí nghiệm nhiều. Tôi phải thiết kế thiết bị máy lạnh hấp thụ nước-amoniac chạy bằng năng lượng mặt trời. Mấy tuần liền tôi phơi nắng ở Energy Park cùng với một anh trợ lý người Thái lắp đặt máy móc, đo đạc số liệu, đêm về ngồi phòng máy tính xử lý số liệu thí nghiệm, viết luận văn. Tôi về phép nên chậm tiến độ mất gần 1 tháng, ai cũng bảo sẽ không thể hoàn thành luận văn, kể cả các thầy hướng dẫn. Thế nhưng tôi đã vượt qua được, đúng tuần cuối cùng tôi xử lý được kết quả thí nghiệm đạt mục tiêu của thầy và được Khoa ET cho phép bảo vệ đúng hạn. Lạ nữa là tiếng Anh của tôi không giỏi, nhưng luận văn của tôi tự lực viết, nộp cho thầy và bà trợ lý giáo vụ khoa không bị sửa một chữ nào. Chắc văn phong kỹ thuật cũng đơn giản và tôi cũng rất cẩn thận, chứ luận văn của sinh viên hầu hết đều bị bà giáo vụ sửa chữa nhiều. Tất nhiên kết quả bảo vệ luận văn của tôi không đạt tối đa, nhưng quan trọng là tôi tốt nghiệp đúng hạn và ở nhà đang có nhiều cơ hội để tôi có thể phát triển sự nghiệp. Lễ tốt nghiệp AIT lần thứ 58 diễn ra vào ngày 17/8/1989 tại AIT Center rất ấn tượng. Thời ấy ở Việt Nam chưa có tư duy tổ chức và nề nếp tổ chức sự kiện như thế nên tôi tự hào vô cùng khi mặc bộ áo lễ phục của master chụp ảnh cùng các thầy và các bạn. Đích thân ngài hiệu trưởng Alastair North trao bằng tốt nghiệp cho từng sinh viên có sự chứng kiến của Công chúa Thailand và ông Chủ tịch Board of Trustees trong tiếng nhạc diễu hành hoành tráng. Sau lễ tốt nghiệp, nhiều người khuyên tôi xin việc để có thể ở lại AIT một thời gian. Cùng lứa sang AIT với tôi và sau tôi vài term có 10 người Việt thì duy nhất có tôi quay về Việt Nam, còn mọi người đều xin được việc ở AIT hoặc các công ty ở BKK. Phải nói là mức lương đi làm ở Thailand lúc ấy khá hấp dẫn so với về nhà đi làm, ví dụ làm staff ở AIT mức lương phổ biến khoảng hơn 400 USD, còn làm cho công ty tư nhân có thể cao hơn (trong khi về Việt Nam lương cán bộ giảng dậy chỉ khoảng 10 USD) chưa kể lúc đó còn có cơ hội buôn hàng quần áo và xe máy Dream khá nhiều tiền, mỗi lần xuất nhập cảnh được tiêu chuẩn mang về một xe máy, giá mua ở BKK chỉ 800 USD, về HN bán được gần 2000 USD. Hoặc đặt mua xe máy second-hand từ Nhật thì còn lãi hơn nhiều, mua chỉ 300-400 USD, nhưng bán được 1200-1300 USD, trong khi 100 USD đổi được 3 chỉ vàng và lương cán bộ thì chỉ khoảng 10 USD. (Tôi ham chơi nên gần 2 năm học chỉ dành dụm đủ tiền mua được 1 xe máy bãi, xe cub 81 kim vàng giọt lệ màu xanh lá, nhờ cái xe ấy mà sau này tôi kiếm được khá nhiều tiền). Đang nghèo nên tôi cũng băn khoăn việc ở lại Thailand, nhưng cuối cùng tôi nhận ra mình có vẻ không hợp với việc đi làm thuê ở xứ người nên quyết về. Thế là chỉ vài tuần sau lễ tốt nghiệp, tôi xách valy về nước. Các bạn ra sân bay tiễn tôi rất đông. Và sau này thực tế đã chứng tỏ tôi chọn đúng đường đi của mình.

16. NHỮNG NGÀY KIẾM SỐNG ĐỂ LẬP NGHIỆP.

Về nước sau khi tốt nghiệp AIT, tôi trở lại cuộc sống của một giảng viên, tuy không quá nghèo như xưa nhưng cũng chưa có của ăn của để. Vẫn ở trong căn nhà 20m2 tại 34 Nguyễn Du, căn nhà mua trả dần từ 1984, chật chội và thiếu tiện nghi dù là giữa khu phố cổ. Vẫn đi làm bằng cái xe máy Honda đời 81 “chót” kim vàng giọt lệ mua từ lúc học ở Bangkok. Tôi đặt mục tiêu phải kiếm nhiều tiền để thay đổi cuộc sống, có một ngôi nhà đủ rộng, có tích lũy để lo cho con cái và phụ giúp bố mẹ già. Thế là vừa đi làm vừa lao vào kiếm tiền. Lúc ấy có 2 kênh kiếm tiền rất “hot “ : buôn đất và làm công trình điều hoà trung tâm. Phần này nói về kênh buôn đất trước. Thời điểm những năm 1989-1996 buôn đất rất nhộn nhịp, người người mua bán, có lẽ vì việc quản lý đất đai rất lỏng lẻo, các cơ quan tranh thủ xin đất chia cho cán bộ làm nhà, các đơn vị quân đội cũng chia đất vốn là doanh trại hay trận địa pháo để phân phối cho cán bộ chiến sỹ. Vậy nên nghe tin ở đâu có dự án và bán đất là đổ xô đi mua. Tôi có may mắn là có mấy ông anh vợ rất tháo vát nên được “ăn theo”. Tôi không nhớ hết mình đã mua mấy mảnh đất, chỉ biết mua xong vài tháng bán trao tay đã lãi khủng rồi. Có lúc nửa đêm vẫn phi xe máy đi mua đất, trong túi lúc nào cũng có mấy trăm USD để đặt cọc ngay khi thỏa thuận được giá, phòng chủ đất đánh tháo. Đất mua rải rác từ Nghĩa đô, Tam Trinh, Nhân chính đến Vạn điểm... Mua bán toàn giấy viết tay, đương nhiên là không đóng thuế. Mảnh đất cuối cùng tôi mua được là ở bãi pháo An dương, ngoài đê Yên phụ, vốn là trận địa pháo cao xạ bảo vệ Nhà máy điện Yên Phụ thời chiến tranh phá hoại do sư đoàn phòng không 361 quản lý. Lúc ấy bãi pháo còn hoang vu chứ chưa sầm uất như bây giờ, nên bộ đội được phân đất bán rất rẻ. Tôi mà còn ở bộ đội không quân có khi cũng được phân một suất đất ở đấy cũng nên vì 2 quân chủng Phòng không và Không quân đã hợp nhất thành một quân chủng. Tôi còn nhớ mua được 2 suất đất của 2 chú bộ đội tên Tuấn và Dũng, mỗi suất 75 m2. Thực ra tôi có đủ tiền mua nhiều hơn nhưng không dám vì sợ bị kiểm tra hành chính, dư âm của một thời khắc nghiệt “cải tạo tư sản” còn ám ảnh. Hơn nữa đang ở căn nhà vài chục m2 mà mua được đám đất 153 m2 thì quá mỹ mãn rồi, còn dành tiền xây nhà nữa chứ. Miếng đất đầu tiên mua của chú Tuấn với giá 1 chỉ vàng/1.5 m2, mất 5 lượng vàng 999, miếng thứ 2 mua của chú Dũng chỉ sau vài tháng giá đã tăng lên 1,5 chỉ vàng/m2, mất 11 lượng vàng 999, nên nhớ lúc ấy giá vàng chỉ khoảng hơn 300.000 Đ/chỉ. Và tôi quyết định sẽ không bán mảnh đất này mà để lại xây nhà ở. Vì bãi An dương không xa hồ Hoàn kiếm, lại sát mép sông Hồng rất thoáng mát, có triển vọng sẽ lọt vào dự án Thành phố sông Hồng của Singapore (năm 1991 Thủ tướng Võ văn Kiệt và Thủ tướng Lý Quang Diệu đã động thổ dự án, nhưng sau này không hiểu sao dự án bị bỏ dở). Đầu năm 1991 tôi quyết định xây nhà. Tôi tự thiết kế ngôi nhà của đời mình theo ý thích của mình. Phải nói thêm là thời ấy công nghệ xây nhà còn đơn sơ lắm, ít nhà xây kiểu đổ cột bê tông mà chỉ xây tường chịu lực vì đỡ tốn sắt thép, một loại vật liệu nhà nước quản lý không dễ mua số lượng lớn. Kỹ thuật làm móng nhà cũng vậy, ít người nghĩ đến móng cọc bê tông hay cọc nhồi mà chủ yếu làm móng bè và gia cố nền móng bằng cọc tre. Tôi phải đặt mua 2000 cọc tre ngâm và thợ phải đóng cọc tre ròng rã 3 tuần. Sau đó làm móng bè. Hôm đổ bê tông móng cả xóm kéo đến xem vì xưa nay trong khu chưa có nhà nào làm móng nhà rộng hơn 100 m2. Sắt xây dựng và xi măng thì khó mua, quen mấy bạn ở tổng kho Giáp Nhị bán cho đủ số lượng thì lại phải vận chuyển ban đêm tránh công an kiểm tra, đúng là mua bằng tiền của mình mà cứ như ăn trộm vậy. Thợ xây thì thuê nhóm thợ của một chủ thầu tên Kiện, tay nghề không giỏi lắm nhưng được cái chăm chỉ, thật thà. Ngôi nhà được xây hơn 8 tháng mới xong, tôi phải nhờ bố tôi hàng ngày từ Bách Khoa đạp xe lên An Dương trông thợ giúp, vì tôi vẫn phải đi dạy và cùng thời điểm ấy tôi đang thi công một dự án lớn của Singapore đầu tư ở 254D Thụy Khuê nên rất bận. Nhà của tôi to nhất khu và cũng tốn kém nhất khu. Riêng cửa đi và cửa sổ toàn gỗ đinh đã mất hơn 20 lượng vàng, còn toàn bộ nhà và sân cổng tốn khoảng 100 lượng (chưa có nội thất), một khoản tiền lớn thời đó. Nhưng tôi thấy mãn nguyện vì nhà xây đúng ý mình, phòng nào cũng rộng, vật liệu xịn nhất có thể, có sân và gara đủ chỗ đỗ 2 xe ô tô, đến hoa sắt cửa sổ tôi cũng tự thiết kế, và mẫu hoa sắt ấy sau này nhiều người thích. Tóm lại là tôi đã làm được ngôi nhà mơ ước với rất nhiều tâm huyết và tiền bạc. Tiếc là làm xong thì vợ con lại không muốn ở vì ngại đi làm xa và khu An Dương còn vắng lắm, đường vào lầy lội trời mưa thì không muốn về nhà. Mãi 3 năm sau khi có đường bê tông, tôi mới mua sắm nội thất và chuyển đến ở, nhưng cũng chỉ mấy năm lại đóng cửa cho đến năm 2000 mới thực sự ở ổn định. Hồi ấy bố mẹ tôi cũng bán nhà trong làng Khương thượng và mua căn hộ 310 nhà E2 trong khu tập thể Bách khoa. Kể từ đó tôi không bao giờ quay lại ngôi nhà cũ trong làng Khương thượng, nơi tôi cũng có nhiều kỷ niệm khi đi bộ đội cũng như khi xuất ngũ. Tôi cũng bán nửa phòng tập thể nhà A1 mà trường phân cho tôi khi đi Thailand về để dồn tiền cho việc khác. Có chút tiền từ kinh doanh, tôi đầu tư vào nhà cửa và mua sắm tiện nghi cho mình. Tôi có lẽ là người đầu tiên trong trường đặt điện thoại riêng ở nhà 34 Nguyễn Du, mua máy tính PC AT286 và máy in kim, cũng là một trong những người đầu tiên mua TV màu 21 inch (do Bách khoa lắp). Sau này khi bắt đầu có điện thoại đi động tôi cũng sắm ngay cái “cục gạch” Ericson, chung thủy với số thuê bao đầu tiên của Mobifone cho đến tận bây giờ. Tôi cũng từng sắm toàn bộ đồ gia dụng trong nhà của hãng SAMSUNG, từ máy giặt, tủ lạnh, điều hoà, đến TV, bình nóng lạnh mà tôi thường đùa là quảng cáo miễn phí cho Samsung. Về lại trường, tôi biết chút ít về máy tính nên được giao làm trưởng phòng máy tính của bộ môn, oai phết. Mặc dù phòng máy tính chỉ có một máy XT màn hình mono và một máy in kim. Tôi có lẽ cũng là người đầu tiên trong trường áp dụng việc thi trắc nghiệm cho môn học Nhiệt kỹ thuật, môn mà toàn bộ sinh viên Bách khoa đều phải học và thi, rất khó kiểm soát chất lượng theo cách thi thông thường. Xây dựng cơ sở dữ liệu đề thi và dùng máy tính sắp xếp các bộ đề thi khác nhau, sinh viên không thể chép bài của nhau hay quay cóp, vì thế nếu không học chắc chắn thi trượt. Sinh viên cả trường sợ nhất môn này vì tỷ lệ trượt lần đầu thường trên 60%, nhưng phải thừa nhận là rất công bằng và chính xác. Sau này phòng máy bộ môn bị trộm đột nhập lấy mất cả máy tính và máy in, không tóm được trộm nên chịu mất máy, tôi phải dùng máy tính cá nhân làm việc công, duy trì thi trắc nghiệm cho đến khi tôi làm quản lý cấp trường thì bàn giao cho người khác vì quá bận.

17. NHỮNG NGÀY KIẾM SỐNG ĐỂ LẬP NGHIỆP (Phần 2)

Song song với “buôn” đất, tôi kiên trì theo đuổi nghề của mình : thiết kế, thi công các hệ thống lạnh và điều hoà không khí công nghiệp. Từ thập kỷ 80 tôi đã bắt đầu công việc khi đi theo các đàn anh chữa tủ lạnh, dựng máy kem. Và trước khi đi AIT tôi cũng đã tham gia một vài hợp đồng nhỏ về máy điều hoà trung tâm và thông gió. Hai công trình thông gió đáng kể nhất là hệ thống thông gió của nhà máy dệt Hà Đông khoảng năm 1986 và hệ thống thông gió hút bụi của phân xưởng nhuộm nhà máy sợi Hà Nội (thường gọi là nhà máy sợi Đức) khoảng năm 1987. Chúng tôi phải chế tạo hàng trăm mét đường ống gió cỡ lớn bằng tôn hoa, đặt chế tạo quạt gió ly tâm công suất lớn ở Viện KHKT bảo hộ lao động. Có lẽ công trình điều hoà không khí đầu tiên là hệ thống điều hoà của phòng họp báo Nhà khách Chính phủ số 2 Lê Thạch khoảng năm 1985-1986 tôi không còn nhớ chính xác. Hồi đó Nhật Bản viện trợ cho Chính phủ máy điều hoà DAIKIN loại split có FCU (fan coil unit), loại máy chưa từng biết đến ở Việt Nam. Trước đó nước mình chỉ dùng máy điều hoà 1 cục đặt dưới bệ cửa sổ (nên hay gọi là window type) của Liên Xô cũ kiểu BK-1500 hay BK-2500, vừa ồn vừa thiếu thẩm mỹ. Vì thế văn phòng Chính phủ nhận máy về mà không lắp được, phải gọi các thầy Bách khoa. Cả nhóm bọn tôi phải nghiên cứu cataloge máy và tự thiết kế đường ống gió cho FCU, lắp đặt bộ control unit. Mất nửa tháng mới xong, hôm chạy máy ai cũng vui vì lần đầu tiên Hà Nội có một phòng họp báo mát lạnh và êm, không nghe tiếng máy lạnh chạy mà vẫn mát. Một công trình nữa cũng rất đáng nhớ là kho lạnh của khách sạn Hà Nội bên hồ Giảng Võ. Khách sạn mới xây 10 tầng, cao nhất Hà Nội lúc đó, mua được kho lạnh lắp ghép của Hungary nhưng thất lạc cataloge nên không lắp được, lại nhờ các thầy Bách khoa. Mầy mò một hồi chúng tôi cũng tìm được cách lắp các tấm vách panel cách nhiệt và máy lạnh, nhưng hệ thống tự động điện thì “tắc”, cứ đóng điện là nổ cầu chì. Tôi nghiên cứu mấy ngày thì đấu được bộ rơ le tự động, đặt được chương trình đóng cắt điện tự động, kho lạnh vận hành ngon lành. Thừa thắng xông lên, tôi liều nhận lời lắp đặt cho Viện chăn nuôi hệ thống giết mổ vịt tự động do Italy viện trợ, cũng bỏ kho lâu ngày vì không có tiền thuê chuyên gia nước ngoài lắp đặt. Tôi và anh Hà Đăng Trung phải đọc hồ sơ bản vẽ, vừa đọc vừa đoán vì hồ sơ bằng tiếng Ý, thế mà cũng hiểu và dựng lại thiết kế thành công. Mất hơn 1 tháng thì xong, hôm chạy thử thật vui, Viện mua được mấy chục con vịt, máy chạy mấy phút đã hết nguyên liệu. Tôi được tặng mấy con vịt đã mổ và đóng túi lạnh về ăn thử. Tiếc là thời ấy dân mình không thích ăn thịt đông lạnh, lại còn thú vui ăn tiết canh vịt, nên sản phẩm của dây chuyền giết mổ vịt tự động không tiêu thụ được. Chạy khai trương xong vài bữa là đóng máy. Hơn chục năm sau tôi nghe tin Viện bán thanh lý toàn bộ dây chuyền vì đã han gỉ và hỏng hết. Tiếc công sức của mình quá mà chẳng biết làm sao được. Hơn tháng trời ngày nào cũng phi xe máy từ nhà trong nội thành lên Viện chăn nuôi ở gần phà Chèm, có hôm mệt quá, đi xe máy trên đê gió mát nên buồn ngủ, hai anh em lao xe xuống chân đê, may không sao. Mà xong công trình cũng không lấy được tiền công mặc dù có ký hợp đồng hẳn hoi, vì Viện cũng không xin được kinh phí ngân sách, chỉ dùng nguồn tự có. Tôi nhớ là anh Hải Viện trưởng áy náy nên giáp Tết mang tiền mặt đến tận nhà thanh toán cho tôi khoảng già nửa tổng tiền công của tôi, khoản còn lại coi như tôi tặng cho Viện. Thế nên sau khi từ AIT về, tôi lập tức lao vào tìm kiếm các công trình. May lúc ấy Hà Nội rất ít thợ làm máy điều hoà công nghiệp và may nữa là tấm bằng Master của tôi đang rất có giá. Hồ sơ đấu thầu và dự toán công trình của tôi thường được đánh giá cao vì vẽ bằng máy tính, in bằng máy in kim, trong khi các hồ sơ khác thường chỉ vẽ tay và đánh máy chữ OPTIMA. Công trình lớn đầu tiên của tôi là hệ thống điều hoà trung tâm cho phòng họp Chính phủ trong khu Bách thảo khoảng năm 1990. Toà nhà bát giác ấy tồn tại đến tận bây giờ và được gọi là “Nhà trắng” để phân biệt với “Nhà đỏ” là toà nhà của Trung ương Đảng phía bên kia đường Hùng Vương. Tôi cũng không ngờ sau hơn 17 năm tôi lại liên tục được ngồi họp trong căn phòng bát giác mà mình đã từng thiết kế hệ thống điều hoà ấy. Khi nhận công trình, toà nhà mới đang đào móng, mấy đêm tôi vào khảo sát thực địa rồi đọc bản vẽ xây dựng, tính toán thiết kế đường ống gió và bố trí máy. Tôi còn nhớ đã chọn máy DAIKIN loại giải nhiệt gió FR. Tiếc là sau này nhóm của tôi không thắng thầu nên không được trực tiếp thể hiện ý đồ thiết kế của mình, và tiền công thiết kế cũng không có luôn, mặc dù công ty REE Sài Gòn trúng thầu vẫn làm theo thiết kế của tôi. Dù sao mấy công trình đó cũng là những bài tập dượt để tôi trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm trong các dự án sau này. Năm 1991 khi tôi quyết định xây nhà ở bãi pháo An dương cũng là lúc tôi tham gia dự án tổ hợp chung cư cao cấp đầu tiên của Hà nội do Singapore đầu tư tại 254D Thụy Khuê, có tên gọi Westlake Regency. Đó là khu căn hộ 5 sao đầu tiên, có bể bơi, dịch vụ cao cấp, với hơn 100 căn hộ cho thuê, mức đầu tư 19 triệu USD. Chúng tôi đảm nhiệm thực hiện hợp đồng M&E bao gồm toàn bộ hệ thống điều hoà, thông gió, phòng cháy của công trình. Lần đầu tiên phải làm việc với chủ đầu tư và công ty tư vấn là người nước ngoài nên rất mệt mỏi. Ngày nào cũng phải họp giao ban tại hiện trường, sản phẩm thi công phải được tư vấn duyệt mới được lắp đặt. Lắp điện và ống ga, ống gió phải đồng bộ với tiến độ xây dựng, cứ mỗi tuần xong một tầng nhà, khối nhà cao nhất chỉ 8 tầng, giảm cấp dần về phía hồ Tây. Máy điều hoà nhập khẩu của HITACHI Nhật bản, lần đầu tiên chúng tôi tiếp cận với loại máy “một mẹ nhiều con” hay còn gọi là multi-split type. Quạt thông gió ly tâm thì nhập của NATIONAL Nhật bản. Đường ống gió thì chế tạo theo thiết kế của tư vấn Singapore. Thành công nhất của tôi ở dự án này là tự thiết kế và chế tạo van chống cháy tự động cho đường ống gió, một thiết bị ngăn ngọn lửa lan truyền theo đường ống gió khi có hỏa hoạn. Với số lượng hơn 100 bộ, nếu nhập khẩu giá không dưới 250 USD/bộ, trong khi chế tạo tại chỗ chỉ khoảng hơn 200.000 Đ, tương đương 17 USD. Riêng khoản này tôi đã tiết kiệm được vài chục nghìn USD và quan trọng là đảm bảo tiến độ thi công. Bác Nhâm, công nhân của bộ môn tôi quả là có bàn tay vàng, gò bằng tay mà như máy, chuyên gia tư vấn chấp nhận thay hàng nhập ngoại đâu phải chuyện thường. Kết thúc dự án Westlake Regency, chúng tôi thắng lớn và tổ chức một chuyến đi Nhật, vừa là để gặp các công ty cung cấp thiết bị tìm hiểu thêm sản phẩm mới của họ, vừa du lịch nghỉ ngơi sau gần 1 năm vất vả. Đoàn chúng tôi gồm lãnh đạo công ty tu tạo và phát triển nhà (thầu chính) và mấy anh em Bách khoa (thầu phụ). Lần đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi từ AIT về, lại đến Nhật và quá cảnh Hongkong thật sự là ấn tượng. So với Bangkok thì Tokyo và Hongkong là thiên đường. Tôi mua ở Nhật một điện thoại kéo dài có thể nói chuyện không dây đến vài trăm mét, và mua ở Hongkong một bộ complet đẹp và bền đến nỗi tận hôm nay tôi vẫn còn mặc được sau gần 30 năm! Bắt đầu từ năm 1993 tôi ký được hàng loạt hợp đồng lớn và thiết kế, thi công các hệ thống điều hoà trung tâm cho Nhà in Ngân hàng 1 (chùa Bộc), hội sở Ngân hàng công thương Hải phòng, các Đài phát sóng phát thanh An Hải Đà nẵng, An Nhơn Bình định, Đồng đế Nha trang, Mễ trì Hà Nội, Tam đảo Vĩnh phúc, Đồng hới Quảng bình, VN1 Sơn Tây, VN2 Cần thơ, Trung tâm âm thanh VOV Bà Triệu, ...Tôi đi công trình quanh năm, đi xuyên Việt bằng xe hơi vài chuyến, đi máy bay thì quá nhiều. Lắm lúc tôi phải nhờ anh em trong bộ môn dậy giúp một số giờ. Tôi cũng tham gia thiết kế thi công một số công trình lớn cùng các anh trong bộ môn như Nhà thi đấu thể thao Trịnh Hoài Đức Hà Nội, toà nhà ngân hàng Vietcombank đầu đường Bà Triệu. Tôi bắt đầu tích lũy được vốn và có quan hệ rộng với giới làm nghề. Có khá nhiều kỷ niệm trong các chuyến đi. Nhớ nhất là lần đi Bình định giao máy cho Đài PSPT An Nhơn, lúc quay về Bắc thì gặp lũ lớn, đường 1 qua Quảng Ngãi ngập băng, chúng tôi phải ngủ lại dọc đường chờ nước rút và phải đẩy ô tô gần chết. Hoặc lần vào Đài PSPT Đồng Đế làm việc xong sát giờ bay ra Hà Nội, vội gọi taxi chạy ra sân bay, lúc ấy sân bay còn trong thành phố đầu đường Trần Phú ven biển. Đang chạy tốc độ cao thì taxi nổ lốp trước, đâm hỏng mấy xe trên đường rồi lao lên dải phân cách, may tôi ngồi ghế sau, chỉ bị đập mặt vào lưng ghế trước, bươu trán chảy ít máu. Vẫn trả tiền taxi rồi vẫy ngay xe khác vào sân bay. Về nhà vẫn chưa hoàn hồn. Hoặc lần lắp máy ở nhà in ngân hàng 1, máy chở từ Đà nẵng ra đường xấu nên xóc làm gẫy ống ga bên trong lốc máy nén, phải thay máy đến lần thứ ba mới ổn, dù đã gông máy rất cẩn thận, suýt lỗ nặng. Hoặc khi thi công ống gió trên trần nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, cháu Sơn con trai bác Nhâm trượt chân ngã từ độ cao hơn chục mét xuống sàn, may chỉ nằm viện mấy ngày, không bị gãy xương, hú vía. Nhiều máy điều hoà tôi lắp đặt đến hôm nay sau gần 25 năm vẫn còn chạy tốt, vì chọn máy DAIKIN nhập khẩu và hàng năm có bảo dưỡng chu đáo. Sau này khi nhận làm công tác quản lý, tôi cố duy trì việc làm công trình thêm vài năm rồi đành bỏ, giao lại cho học trò, để rẽ theo đường quản lý cho chu toàn.

18. NGÀY ĐẦU LÀM KHOA HỌC

Đã một thời tôi an phận với công việc giảng dậy và kiếm tiền, vì với mảnh bằng Master của AIT đang rất có giá và trên đà kiếm tiền phát đạt tôi nghĩ là cứ thế mà sống rồi về hưu ở Bách khoa là ổn. Nhưng Bách khoa tạo cho tôi một áp lực không thể né tránh: nếu là giảng viên thì không thể dừng lại ở học vị thạc sỹ. Bộ môn tôi là đơn vị có mật độ tiến sỹ và giáo sư cao nhất trường. Chính phủ lại có quy định phải có học vị tiến sỹ mới được phong giáo sư và bổ nhiệm ngạch giảng viên cao cấp. Vả lại có quá nhiều tiền cũng không phải là tốt. Giảng viên không chỉ là thợ dậy mà còn phải làm nghiên cứu. Vậy là tôi bắt đầu ý thức được con đường của mình. Bước đầu tôi tập viết báo cáo khoa học để trình bày tại hội nghị khoa học của bộ môn, của Trường. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác lâng lâng khi lần đầu thấy tên mình trong kỷ yếu hội nghị khoa học của Trường năm 1986, vừa vui vừa lo vì có nhiều ý kiến phản biện của các anh trong bộ môn cho tôi thấy sự non nớt của mình. Dần dần tôi tự tin hơn và dám nộp đề xuất đề tài trọng điểm cấp bộ và đăng bài trên tạp chí khoa học chuyên ngành và liên trường. Lúc ấy đồng tiền còn có giá trị nên giành được một đề tài cấp bộ có kinh phí 100 triệu đồng đã là oách lắm rồi, vì đề tài cấp trường chỉ 5-10 triệu đồng, chỉ đủ chi cho hội đồng nghiệm thu và giấy mực. Còn nhớ báo cáo khoa học đầu tiên của tôi là “Các phương pháp xử lý không khí trong điều kiện khí hậu Việt Nam” có một vài ý tưởng hơi ấu trĩ. Bộ môn Kỹ thuật Lạnh và Điều hoà không khí mới thành lập và môn học Điều hoà không khí chỉ có anh Vũ Xuân Hùng và tôi đảm nhiệm, sau này nhóm có thêm anh Hà Đăng Trung. Mới vào nghề nên bài báo của tôi thuần tuý lý thuyết, nhưng được mọi người khích lệ nên cũng ổn. Sau này khi đi làm công trình nhiều, có kiến thức thực tế và kinh nghiệm, tôi làm đề tài cấp bộ về “giải pháp nâng cao hiệu quả hệ thống làm mát đèn điện tử công suất máy phát sóng phát thanh 200 kW” thấy tự tin hơn nhiều. Các bài báo của tôi xuất hiện nhiều hơn trên Tạp chí KHKT Nhiệt và Tạp chí KHCN của các trường đại học kỹ thuật. Có lẽ nhận thấy tôi có chút năng lực nên mấy thầy trong bộ môn thuyết phục tôi làm nghiên cứu sinh trong nước. Thầy Phạm Lê Dần là người kiên trì thuyết phục tôi nhất. Tôi thực lòng rất ngại làm NCS trong nước vì điều kiện thiết bị, tài liệu rất thiếu, chưa kể khá tốn kém, trong khi làm NCS ở nước ngoài thuận lợi mọi bề, bằng cấp cũng có giá trị hơn nếu học ở các trường danh tiếng. Nhưng tôi đang “kẹt” nhiều công trình và dòng tiền không thể ngừng chảy vào túi mình, hơn nữa lại phải chăm lo gia đình với 2 con nhỏ không nỡ bỏ ra nước ngoài mấy năm, nên tôi tặc lưỡi “làm” NCS trong nước vậy. Thế là cuối năm 1997 tôi thi NCS tại ĐH Bách khoa HN và đỗ ngay cả 3 môn Toán, Kỹ thuật Nhiệt và Truyền nhiệt, tiếng Anh thì đã có chứng chỉ C của ĐH Ngoại ngữ và tôi học Thạc sỹ ở AIT nên được miễn thi. Thực lòng tôi cũng có nỗi lo mơ hồ, vì GS viện trưởng của tôi có nhiều ân oán với tôi (sẽ kể vào một dịp khác sau) nên nếu không chuẩn bị tốt và luận án không có chất lượng thì chắc không bảo vệ thành công được, vì GS viện trưởng kiểu gì cũng sẽ là chủ tịch hội đồng chấm luận án của tôi. Thế nên tôi âm thầm chuẩn bị nội dung luận án cả năm trời trước khi thi NCS, và xin ý kiến mấy thầy trong bộ môn cho yên tâm rồi mới đăng ký thi. Có thể nói luận án của tôi gần như đã xong về lý thuyết trước khi tôi được công nhận là NCS, tôi chỉ cần làm thực nghiệm và trong 3 năm vừa học vừa làm phải khẳng định được tầm khoa học bằng các bài báo quốc tế là yên tâm. Vậy là tôi bắt tay vào xây dựng thiết bị thực nghiệm. Tôi rất biết ơn bố con anh Hà Đăng Trung- Hà Đăng Sơn đã hết lòng giúp tôi. Sơn vốn là sinh viên K35 do tôi hướng dẫn tốt nghiệp, rất thông minh và nhanh nhẹn. Anh Trung gợi ý dựng thiết bị thí nghiệm trên mái nhà anh trong khu tập thể để tiện bảo vệ và Sơn giúp tôi đo đạc, xử lý số liệu thí nghiệm. Tôi mừng quá, đồng ý luôn. Nếu không có bố con anh Trung giúp chắc tôi khó hoàn thành luận án tốt đẹp vì đang lúc bận tối mắt, vừa làm quản lý cấp trường, vừa làm nhiều dự án kiếm tiền. Tôi có chút thời gian chuẩn bị cho các công bố quốc tế và trong nước để hoàn thiện hồ sơ bảo vệ luận án của mình. Khoảng giữa năm 1998, tình cờ vào Internet tôi biết Viện Lạnh quốc tế - một tổ chức quốc tế về kỹ thuật lạnh có trụ sở ở Paris mà Việt Nam đã từng là thành viên- sắp tổ chức Hội nghị lần thứ 20 tại Sydney (Úc) vào tháng 9/1999. Tôi điền application form và vui mừng được ban tổ chức chấp nhận ngay. Thế là miệt mài viết báo cáo bằng tiếng Anh trong hơn 1 tháng và gửi đi. Thời gian ấy Internet mới vào Việt Nam, tôi cũng tạo được địa chỉ email của mình qua nền tảng của Netnam. Nhưng để “chắc ăn” tôi gửi bài qua email và gửi cả bản giấy qua bưu điện. Đầu năm 1999 lại mừng quýnh vì báo cáo của mình được chấp nhận về mặt khoa học. Nhưng lại phát sinh 2 vấn đề nan giải : ban tổ chức hội nghị chỉ cho phép báo cáo khoa học được đăng trong Proceeding của Hội nghị nếu tác giả trực tiếp trình bày tại hội nghị trước một hội đồng đánh giá phản biện. Tức là tôi phải đi Sydney, đương nhiên là đi một mình vì tôi là người Việt duy nhất có báo cáo. Vấn đề thứ 2 là hậu quả của vấn đề thứ nhất : tiền và visa. Lại phải nói thêm thời ấy ngoại tệ rất có giá trị. Tôi ước tính phải chuẩn bị khoảng 5000 AUD, khoản tiền khá lớn đối với người Việt. Vì lệ phí hội nghị đã là 900 AUD, vé máy bay khứ hồi khoảng 2000 AUD, ăn ở một tuần dự hội nghị khoảng 1500 AUD, còn lệ phí visa và tiêu vặt, quà cáp. Món tiền này tuy không quá sức tôi nhưng là cả gia tài với nhiều người, khi mức lương giảng viên của tôi lúc đó chỉ khoảng 50 AUD. Xin visa vào Úc không dễ vì quan hệ 2 nước chưa thuận như bây giờ. Tôi tìm cách tiết kiệm chi phí : một mặt gửi thư cho ban tổ chức đề nghị hỗ trợ thủ tục visa, một mặt tìm nguồn tài trợ cho chuyến đi. Nhờ quan hệ với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị điều hoà không khí cho các dự án mà tôi được một công ty của Nhật tài trợ toàn bộ lệ phí hội nghị và một phần vé máy bay. Có vẻ ổn cho chuyến đi, chỉ còn lấn cấn việc phải đi một mình, lần đầu tiên đến một nước xa lạ, trong khi vốn tiếng Anh của mình có hạn. Nhưng “đâm lao thì phải theo lao”, tôi quyết đi để báo cáo của mình phải được đăng trong Proceeding của hội nghị danh giá này, hội nghị quốc tế 4 năm một lần quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới về kỹ thuật lạnh! Ngày 19/9/1999 (ngày toàn số 9 chắc là may lắm), tôi bay đến Sydney (transit ở Sài Gòn). Hạ cánh, tôi lọ mọ đi taxi vào thành phố. Quen thói tiết kiệm, tôi tìm đến một khách sạn giá rẻ nhất theo giới thiệu của ban tổ chức hội nghị : 45 USD/đêm, vì các khách sạn khác đều có giá rất cao trên dưới 100 USD. Dự tính 1 tuần ở sẽ chỉ mất 315 USD, tôi vào check-in. Lễ tân khách sạn bảo phải trả tiền trước cho cả tuần và nếu không ở tiếp nữa thì cũng không lấy lại được tiền. Tôi tặc lưỡi trả tiền luôn. Nhân viên dẫn tôi lên phòng tầng 3 thì tôi ngã ngửa: phòng khách sạn mà không có tiện nghi gì ngoài cái giường có đệm và một bóng đèn dây tóc đỏ quạch, không toilet, không ti vi, không tủ lạnh, không chăn gối, thậm chí không có cả tủ quần áo luôn. Mà Sydney mùa ấy khá lạnh, tôi lại không mang chăn màn đi vì nghĩ nước Úc văn minh chắc khách sạn phải hơn nước mình. Té ra đó là khách sạn rẻ tiền, chắc dành cho những người nghèo cơ nhỡ. Tôi oán ban tổ chức hội nghị chọn khách sạn này giới thiệu cho đại biểu. Tiền không lấy lại được, mà đi khách sạn khác giá đắt làm sao đủ tiền ở. Đành liều. Đêm đầu tiên lạnh quá không ngủ nổi, tôi lôi hết quần áo trong Vali mặc hết vào người. Không dám tắm vì lạnh mà cả tầng chỉ có toilet chung không có nước nóng. Huhu. Sáng hôm sau tôi dậy sớm đi dự khai mạc hội nghị, gặp trong thang máy ọp ẹp 2 đại biểu cũng ở khách sạn này, nói chuyện mới biết là 2 thầy trò người Trung Quốc, chắc cũng nghèo như mình? Từ khách sạn đến Trung Tâm hội nghị có thể đi taxi hoặc monorail, nhưng vẫn chết vì tâm lý tiết kiệm, tôi đi bộ, phải hơn 2km mệt đứt hơi, mồ hôi đầm đìa. May trời lạnh. Những ngày tiếp theo không có gì đáng nói, ăn trưa và ăn sáng tại hội nghị, chỉ tối đi bộ về khách sạn, trên đường về phải tìm quán ăn của người Hoa gọi vài món Tàu cho dễ nuốt. Tôi trình bày bài báo của mình vào buổi chiều ngày thứ 3, chủ tịch hội đồng phản biện là một giáo sư Mỹ. Mừng là hội đồng đánh giá tốt. Vậy là chắc chắn bài của tôi sẽ được đăng trong Proceeding! Ura! Tôi cũng may mắn gặp được một người Việt ở hội nghị, nhưng là một người Úc gốc Việt, giáo sư Tuấn Phạm của Đại học New South Wales . Anh nhiệt tình giúp tôi, hướng dẫn cách trình bày bài báo, tham dự tiệc, ... Khi kết thúc hội nghị anh mời tôi đến nhà chơi, nhà anh cách Sydney gần 100 km, phải đi tầu qua mấy ga. Tối ngày 24/9 tôi mua vé tầu đến nhà anh, đến ga cuối đã 9h, một mình đứng ở sân ga chờ anh ấy đón mà sợ quá. Vì lúc ấy muộn, nếu anh ấy không đón thì phải chờ hàng tiếng sau mới có tầu quay về Sydney, ga thì vắng tanh, nhỡ bị cướp hay bắt cóc chẳng biết kêu ai. May tôi có điện thoại di động roaming, nhắn tin cho anh Tuấn nên tìm được nhau (cước roaming đắt kinh khủng nên chẳng dám gọi, vẫn thói tiết kiệm chết người). Anh ấy lái xe chở tôi về nhà cách ga khoảng 5km và ăn tối với vợ chồng anh. Nói chuyện mới biết anh du học Úc trước 1975 và ở lại làm việc, có vị trí tốt ở Đại học New South Wales. Anh cũng được mời tham gia ban tổ chức hội nghị nên tôi yên tâm hơn vì sẽ có đủ thông tin khi về nhà. Ngủ ở nhà anh một đêm, sáng hôm sau anh chở tôi về Sydney dự bế mạc hội nghị. Về nước tôi mất liên lạc với anh, công việc lại cuốn đi nên chưa có dịp gặp lại. Không biết bây giờ anh sống ra sao? Buổi tối cuối cùng trước khi rời Sydney tôi dự tiệc chiêu đãi của Tỉnh trưởng Sydney, khi tan tiệc ra về tôi bị một phen hết hồn. Đang đứng đợi taxi thì mấy chàng da đen say rượu xông đến bá vai bá cổ rủ đi bar. Lúc ấy đã 9-10h tối, đường vắng, tôi chỉ sợ nó móc mất hộ chiếu thì hôm sau không về Việt Nam được. May mà taxi kịp đến, tôi phi vào taxi chạy luôn. Hú vía! Về nhà, khoảng 1 tháng sau tôi nhận được đĩa CD toàn văn Proceeding hội nghị, có cả bài của tôi. Tự hào là người Việt duy nhất có báo cáo ở hội nghị khoa học quốc tế lớn, tôi lại hăm hở chuẩn bị cho một hội nghị khác. Tôi đồng thời có thông tin về 2 hội nghị quốc tế ở Indonesia và Slovenia (một nước cộng hoà mới tách ra từ Liên bang Nam Tư). Vừa trải qua một chuyến đi sóng gió, tôi nghĩ mãi rồi lựa chọn hội nghị ở Bangdung, Indonesia. Đi châu Âu đắt đỏ, không hợp phong tục, lại đang có xung đột vũ trang sau chiến tranh khi Nam Tư tan rã. Rất mừng là cả 2 hội nghị đều chấp nhận bài của tôi và không yêu cầu tác giả phải trực tiếp trình bày tại hội nghị vẫn có thể đăng bài trong Proceeding. Chuyến đi Indonesia của tôi cũng gian nan không kém chuyến đi Úc. Hình như số mình nó thế. Ăn nhau là ở cái kết tốt đẹp thôi. Tháng 7 năm 2000 tôi bay đi Indonesia có transit qua Bangkok. Lần này tôi cũng tự túc toàn bộ chi phí, vì vé máy bay rẻ hơn đi Úc và đi xin tài trợ cũng ngại. Chuẩn bị 3000 USD, tôi lại một mình lên đường. Hạ cánh tại sân bay Suekarno Hata, tôi thuê taxi ra ga tầu hỏa và mua vé đi Bangdung. Lúc ấy đã chập tối, Bangdung lại cách Jakarta khoảng 300 km, tầu khách giống tầu chợ ở Việt Nam, đông nghịt người và rất ồn ào. Lên toa tìm được chỗ ngồi, tôi chỉ sợ mất cắp, buồn ngủ mà không dám ngủ, ôm khư khư vali suốt mấy tiếng đồng hồ. Tầu chạy chậm rề rề, gần 12h đêm mới tới Bangdung. May mà Ban tổ chức vẫn có xe chờ đón nên tôi về khách sạn an toàn. Lần này rút kinh nghiệm Sydney, tôi chọn khách sạn Santica 3 sao ở trung tâm thành phố hẳn hoi (không hà tiện nữa), và mừng là phòng ở khá sang, đủ tiện nghi. Bangdung là một thành phố lớn của Indonesia, nổi tiếng với Hội nghị hoà bình Á-Phi năm 1958 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự. Trong mấy ngày dự hội nghị, tôi tranh thủ đi chơi chợ, mua được một cái áo dân tộc của Indonesia rất đẹp (tôi mới mặc 1 lần trong 20 năm qua nên áo vẫn còn mới và đẹp). Tôi cũng đi thăm vài địa điểm trong thành phố. Khi biết chắc bài báo của mình sẽ được in trong Proceeding của hội nghị, tôi yên tâm đi chơi. Ngày về tôi lại bị một phen hú vía. Giờ bay của tôi là 7h sáng 7/7/2000 (toàn số 7 nên đen đủi?) từ sân bay Suekarno Hata ở Jakarta (không có đường bay nội địa từ Bangdung đi Jakarta) nên tôi nhờ lễ tân khách sạn đặt hộ xe taxi lúc 2h sáng để kịp chuyến bay vì tôi ước tính phải mất 4 tiếng đường bộ từ Bangdung đi Jakarta. Đúng 2h sáng tôi xuống sảnh khách sạn thì taxi đã đợi sẵn. Nhưng mới chạy được 15 phút thì lái xe ra hiệu là đã đến nơi. Tôi ngó ra thì tá hỏa vì đó là sân bay Bangdung, không phải sân bay Suecarno Hata. Lái xe không biết tiếng Anh nên nói thế nào cũng không hiểu, tôi đành ra hiệu bảo anh ta quay về khách sạn. Mất toi hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi cáu ầm lên với lễ tân và thuê xe taxi khác đi Jakarta với điều kiện lái xe phải biết tiếng Anh. Gần 3h sáng xuất phát, xe chạy tốc độ tối đa, quãng đường 300 km vắng tanh làm tôi lo lắng. Ngộ nhỡ lái xe đập đầu mình cướp tài sản hoặc bị tai nạn thì chẳng ai cứu được. May là tới Jakarta mới hơn 6h, kịp lên máy bay. Phải công nhận sân bay Suecarno Hata là sân bay đẹp ở thời điểm đó, lúc nhập cảnh trời tối và vội nên tôi chẳng kịp ngó nghiêng, lúc về mới thấy hết vẻ đẹp rất truyền thống của sân bay này, nhất là đường dẫn từ nhà ga ra máy bay ngập hoa và cây xanh. Có 3 công trình đăng trên Proceeding hội nghị khoa học quốc tế cũng đủ oách, nhưng tôi vẫn chưa yên tâm lắm, vì thế tôi đầu tư vào xây dựng thí nghiệm và xử lý số liệu thí nghiệm. Mấy tháng trời phải rình những ngày nắng đẹp để vận hành thiết bị (may mà Hà Nội hồi ấy chưa ô nhiễm như bây giờ) tôi có bộ số liệu khá tốt, kiểm chứng được lý thuyết tính toán. Cuối năm 2000 tôi hoàn thành luận án đúng hạn và bảo vệ cấp cơ sở, đến tháng 3/2001 bảo vệ cấp nhà nước và tháng 7/2001 nhận bằng tiến sỹ kỹ thuật. Con đường khoa học của tôi còn tiếp tục thêm mấy năm, cho đến 2003 khi tôi chuyển công tác ra Bộ Khoa học và Công nghệ thì dù muốn cũng không thể tiếp tục được nữa. Năm 2002 tôi đã chuẩn bị tham dự một hội nghị quốc tế ở Hangzhou (Trung Quốc) vào tháng 4/2003 và đã gửi bài đi, nhưng công việc quản lý quá bận rộn nên mặc dù đã có bảo lãnh visa của Ban tổ chức hội nghị tôi vẫn đành xếp lại. Và giấc mơ trở thành Giáo sư của tôi mãi mãi không thành. Sau này con trai tôi có lần hỏi sao bố không làm hồ sơ phong giáo sư, tôi chỉ đùa “bố mất dậy rồi còn làm giáo sư sao được”, quả là làm quản lý không đi dậy học và không nghiên cứu khoa học nữa thì phong giáo sư chẳng có ý nghĩa gì. Tiếc là không phải ai cũng nghĩ như thế. Sau này nhiều người vô tình hoặc hữu ý gọi tôi là giáo sư, tôi cứ phải đính chính. Chắc họ nghĩ làm việc mấy chục năm ở trường đại học ít nhất tôi phải là phó giáo sư. Hội đồng chức danh giáo sư cũng có lần nhắc tôi nộp hồ sơ nhưng tôi từ chối. Thú thật cũng hơi tiếc nhưng tôi rất thanh thản và bằng lòng với mình. Vẫn bảo là người ta có số mà!