Nguyễn Trung Kim-Truyện ngắn

Vẽ khỏa thân

Diễm đứng bật dậy và đến soi mình trước tấm gương tủ đứng. Cô cởi bỏ chiếc áo ngủ ra. Một vẻ lõa thể tràn đầy sinh lực và khơi gợi nhục cảm. Một thân hình cân đối, mịn màng và quyến rũ. Cô cúi xuống và vuốt nhẹ từ dưới bàn chân lên đôi mông đầy đặn của mình rồi xoa nhè nhẹ vào cặp đùi trắng, thẳng giao nhau khép lại gọn gàng ở nơi kín đáo nhất của cô. Cô chợt đỏ mặt bởi cô không ngờ ngắm nhìn ở những đường nét cong cong của cơ thể mình mà thấy cũng hấp dẫn quá. Rồi cô sung sướng khi thấy eo, bụng thon thả cân đối với đôi gò bồng đầy đặn săn gọn của mình. Cô ngắm nghía mình rất lâu mà cũng không chán. Cô cảm thấy yêu bản thân mình hơn ai hết và cô biết mọi người đàn ông điều dõi mắt theo cô khi cô ra phố. Chợt những giọt nước mắt rớm lăn xuống gò má đang ửng hồng vì thẹn thùng bởi cái vẻ đẹp quyến rũ của mình. Nhưng chỉ được một lúc, cô như vội vàng chạy đua với thời gian. Cô phấn son như toàn bộ cơ thể mình, mặc chiếc váy đẹp nhất và lao đi.

Lúc đầu, để trần truồng trước mặt Văn, để cho Văn chú mục vào từng đường nét ở những nơi kín đáo nhất của mình thì quả là một vấn đề đầy khó khăn đối với Diễm. Nhưng bây giờ, Diễm ít thấy thẹn thùng ngượng nghịu hơn. Cô còn muốn Văn ngắm nhìn mình lâu hơn nữa. Cô lấy làm sung sướng khi thấy Văn vẽ thân thể cô rất sinh động, rất quyến rũ. Chứng tỏ anh rất cảm xúc trước vẻ đẹp của cô

Văn vẽ một bức tranh sơn mài của một thiếu nữ khỏa thân nằm nghiêng nhìn vừng trăng tròn bên ngoài cửa sổ như đang mơ tưởng hoặc chờ đợi một điều gì. Trong ánh sáng mờ ảo từ bên ngoài cửa sổ lùa vào, làn da cô gái mịn màng quyến rũ và gương mặt mơ màng như tận trong tâm can người thiếu nữ khỏa thân đang âm ỉ một nỗi khát khao. Văn muốn nêu bật cái điều nghịch lí giữa sự lạnh lẽo của không gian hiện hữu và cái tình yêu nồng cháy của cô gái khiến cho cái vẻ trần tục của cô gái khỏa thân trở nên lãng mạn, trữ tình. Trong khung cảnh tĩnh lặng của đêm trăng, bức tranh đầy vẻ huyền hoặc như hoài niệm về một thế giới xa xưa trong tiền kiếp, trong kí ức. Ở đó, trăng muôn đời phải đắm mình trong cái thế giới âm u tĩnh lặng tối tăm nên muôn đời trăng phải toát ra cái vẻ đẹp dịu dàng lãng mạn; và cũng như cô gái muôn đời khổ nhục bởi vì muôn đời cô có cái vẻ đẹp lạ lùng quyến rũ; cái vẻ đẹp của EVA(*) chuộc tội. Văn lim dim đôi mắt cho bức tranh sơn mài trở nên sống động như cố tìm cho thấu đáo về chiều sâu tư tưởng của nó. Nhưng anh chợt phát hiện bức tranh anh đang vẽ không đúng với tâm trạng của Diễm - Điều mà anh muốn thể hiện, muốn lột tả nơi nét mặt hiền từ ẩn kín một tâm tư u buồn. Một điều gì đó thôi thúc mãnh liệt khiến cho Diễm táo bạo khỏa thân cho Văn vẽ tranh để bán lấy tiền trái với bản tính dịu dàng, thẹn thùng và kín đáo của cô. Lúc đầu, Diễm đột nhiên xuất hiện ở phòng tranh của anh và nghiêm túc nói một câu làm anh sững sốt: “ Tôi muốn anh vẽ tôi khỏa thân! “ Thật sự Văn có vẻ khinh rẽ khi nghe Diễm đề nghị như thế. “ Cô ta cần tiền để hút xách chăng? “ Mặc dù Văn đã vẽ nhiều cô gái khỏa thân rồi. Nhưng thường là anh đề nghị hoặc mặc cả với người mẫu. Nhưng, sau khi nhận ra một phong cách đứng đắn và trí tuệ của Diễm thì mọi nghi ngại trong đầu Văn điều tan biến. Nhưng Diễm lại nói: “ Tôi muốn anh hiểu rằng, tôi làm như thế là vì tiền! Cả tiền công làm người mẫu và tiền hoa hồng nếu bán tranh được nhiều. Càng nhiều càng tốt! “ Văn cảm thấy bị cuốn hút bởi điều khó hiểu của cô gái này.

Thật ra, Văn chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể yêu một người mẫu khỏa thân cho mình vẽ cả. Nhưng với Diễm, sự mong muốn khám phá cái tâm tư tình cảm đầy khó hiểu và cái khỏa thân vì tiền trái với tính cách kín đáo, đoan trang và thẹn thùng nhút nhát của Diễm khiến cho Văn tôn trọng và yêu mến Diễm không biết từ lúc nào. Nhưng Diễm nói: “ Em mến phục tài năng của anh. Nhưng em không yêu anh! “ Câu nói ấy khiến Văn hụt hẫng như rơi vào vực thẳm.

Một hôm, Diễm khóc và nói:

- Nếu anh yêu vẽ đẹp thân xác của em và muốn được chiếm hữu thì em đang sẵn sàng đây! Còn tình yêu thì đừng nghĩ ngợi gì cho thêm khổ..

- Đừng coi thường anh như thế! Nhưng anh thấy em cũng yêu anh kia mà!

Diễm cúi mặt xuống để lãng tránh ánh mắt van nài của Văn lẫn cảm xúc đang bóp nghẹt tim gan mình rồi trả lời dứt khoát:

- Không, em chưa hề yêu anh!

Diễm bây giờ nổi tiếng với những bức tranh khỏa thân bán đầy đường phố. Những người chưa biết Diễm thì khen ngợi thân hình quyến rũ, gợi cảm của Diễm. Nhưng gia đình, bè bạn và xóm làng thì khinh rẽ. Họ lại ngạc nhiên hơn về thái độ bàng quan không một chút giao động đến độ tưởng như Diễm đã mất đi cái bản chất tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố của con người rồi.

Một thời gian sau, thấy thân xác Diễm gầy gò xanh xao thì người ta đắc chí về sự xét đoán cô nghiện ngập ma túy là đúng và người ta càng khinh rẻ xa lánh cô hơn.

Rồi một ngày, Diễm ngã xuống bất tỉnh. Cha mẹ cô chở cô đến bệnh viện. Nhưng qua ngày hôm sau, xác cô được chở về. Đến lúc này, gia đình, bè bạn và xóm làng mới biết cô đã bị ung thư vô phương cứu chữa từ lâu rồi nhưng cô giấu hết mọi người và chờ chết một cách bình thản.

Trong số những người đến thăm viếng chia buồn, có những vị khách khiến người ta ngạc nhiên. Đó là những ngôi nhà tình thương, những trẻ em mồ côi nghèo hèn. Họ đã nhận được tiền trợ cấp từ Diễm.

Một thiếu niên mù sụt sịt khóc, nói:

- Cô ấy nói với con là cô ấy sẽ..cho con tiền đóng học phí…

Một người hàng xóm nói:

- Chắc tiền cô ấy bán tranh đó!

- Tranh gì vậy bác?

Ai cũng ái ngại không muốn nói ra, nhưng người hàng xóm vẫn vô tình:

- Tranh khỏa thân của cô ấy chứ tranh gì?

Người thiếu niên xúc động và lặng thinh một lúc rồi nói:

- Tiếc quá! Con đã bị mù rồi chứ không thì con sẽ được chiêm ngưỡng cái vẻ đẹp thánh thiện của cô ấy.

( * ) Eva trong vườn địa đàng - Cựu ước Thiên Chúa Giáo.

VỢ TÔI VÀ CÂY ĐÀN GHI TA

Khi tôi nhìn lén một cô gái dậy thì ở nhà hàng xóm với ánh mắt ngẩn ngơ và thích thú thì mẹ tôi bắt gặp. Mẹ chỉ mỉm cười và lặng thinh. Ít lâu sau, mẹ dẫn tôi ra phố tìm mua một cây đàn ghi ta. Hoàn cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ chẳng no đủ gì nên quyết định mua cho tôi một cây đàn ghi ta là một vấn đề quan trọng. Thú thật lúc bấy giờ tôi chưa say mê gì về âm nhạc lắm. Tâm trí tôi chỉ có hoài niệm về ba tôi, một người đã từng làm say mê bao cô gái trong đó có cả mẹ tôi bằng âm thanh dập dìu lôi cuốn của cây đàn ghi ta. Và tôi hẳn nhiên là mang trong nguời dòng máu của ba tôi. Sau khi ba tôi mất, mẹ tôi luôn khoe về tài năng chơi đàn ghi ta của ba tôi với mọi người. Có lẽ nhờ vào tình yêu hoài niệm và suy tôn thần tượng này mà mẹ tôi đã hạnh phúc rồi nên không còn muốn lấy ai nữa. Và cũng có lẽ nhờ vào điều này nữa mà dù bất cứ giá nào mẹ tôi cũng phải mua cho tôi một cây đàn ghi ta để luôn thấy hình ảnh ba tôi nơi tôi.

Đàn ghi ta bán ở phố thì nhiều mà mẹ tôi chẳng hài lòng cây nào. Lẽ dĩ nhiên, tôi thì chẳng biết gì ngay cả so dây đàn. Còn mẹ tôi thì đánh giá chất lượng cây đàn qua thính giác. Chỉ một chuẩn mực duy nhất mà mẹ tôi quyết định mua là phải giống âm thanh cây đàn của ba tôi từng đàn cho mẹ tôi nghe.

Sau một tuần tìm tòi đủ mọi nơi bán đàn mà chẳng tìm được cây đàn nào có chuẩn mực nghe đơn giản như thế nhưng cuối cùng cũng mua được một cây ghi ta như ý mẹ tôi qua sự tình cờ. - Người nghệ sĩ hết thời bán đàn mua cơm.

Chẳng bao lâu sau, giai điệu âm thanh của cây đàn ghi ta đã ngấm dần vào máu tôi khiến cho tôi càng say mê luyện tập. Và cũng cùng thời gian đó, cô gái dậy thì ở nhà hàng xóm lại nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ và thích thú.

Một hôm, tôi phát hiện cô gái đang đứng nép dưới hàng hoa giấy nhà mình để nghe tôi đàn hát. Biết cô gái đã ngưng hết mọi công việc để lắng nghe, tôi cố dồn hết cảm xúc để đàn hát hay hơn, cố nhấn nhá phím đàn điệu nghệ hơn. Thỉnh thoảng tôi liếc qua kẽ lá thấy cô gái say đắm giai điệu dịu dàng tha thiết của tôi tưởng chừng như đã quên hết không gian và thời gian.

Rồi đến một ngày, mẹ tôi nói:

- Nó ước gì con qua đàn cho nó nghe.

- Tự cao! – Tôi nói – Nó là cái gì mà biểu con qua đàn cho nó nghe.

- Khi xưa mẹ cũng như thế với ba con. Nó mê con đấy!

- Nó mê con hay mê tiếng đàn của con.

- Chắc cũng giống mẹ thôi! Lúc đầu thì mê tiếng đàn.

- Mê tiếng đàn thì thôi! Con chơi đàn vì nghệ thuật chứ không phải vì phục tùng.

Nhưng thái độ hơm hĩnh và giả tạo của tôi đã không che đậy nổi con tim yếu đuối của tôi. Cuối cùng, tôi cũng mang đàn qua nhà cô gái để đàn cho cô ta nghe. Thế là cây đàn ghi ta kết nối hai chúng tôi với nhau, tạo cảm xúc tình yêu cho chúng tôi và chia sẻ nỗi niềm vui buồn giận hờn của chúng tôi.

Một năm sau chúng tôi kết hôn.

Và một năm sau nữa mẹ tôi qua đời.

Cây đàn ghi ta vẫn hòa nhập vào đời sống vui, buồn, khổ cực và hạnh phúc của chúng tôi.

Vợ tôi thật đằm thắm, thật thà. Cô ấy chịu thương chịu khó lo cho chồng con. Cô ấy cũng không biết đua đòi ăn diện. Những lúc gian nan túng quẫn cô ấy cũng không hề than vãn.Tuy vậy, tính vô tư dường như là bản chất cố hữu của cô ấy. Chính sự vô tư này làm cho vợ tôi không cảm nhận được nỗi gian nan vất vả nên không khi nào trách móc hay so sánh sự giàu sang của chồng người khác; Chính sự vô tư này đã khiến cho cô ấy lạc quan và an phận. Tuổi đời chồng chất cộng với những lo toan cơm gạo đã khiến cô ấy mất đi vẻ thanh xuân khả ái và cũng chẳng còn một mảy may nào cảm xúc khi tôi đàn hát. Nhưng không phải vì thế mà tôi buồn. Nỗi buồn của tôi tốt hơn hết là đừng nên bày tỏ cùng ai vì có thể chẳng ai chia sẻ được gì mà còn gây mất thiện cảm với người nghe. Đàn ghi ta như thấu hiểu được tôi bây giờ đang mang một tâm trạng cô độc nên cũng ngân lên những giai điệu thâm trầm tự sự.

Chú vợ tôi ở tỉnh khác đến thăm và tôi mời ăn cơm trưa. Trong bữa cơm, chú vợ tôi cho con tôi một triệu đồng và vợ chồng tôi hai triệu đồng. Vợ tôi rất vui vì đang cần tiền đóng học phí cho con tôi.

- Các cháu cần gì thì cứ nói, chú giúp.

- Chú cho như vậy là giúp rồi ạ! - Vợ tôi nói – Chú mới mở quán nhậu, Có lẽ cần tiền nhiều để mua thêm vật dụng.

- Quán nhậu dưới quê mà cần gì nhiều! – Chú vợ tôi chỉ vào cây đàn của tôi và nói tiếp - Bọn nó uống vô là chỉ cần cây đàn thùng như vậy là đủ.

Mắt sáng rực lên như đã tìm ra được món quà để đáp lại lòng tốt của ông chú, vợ tôi vội nói:

- Dạ, cây đàn này hay lắm chú ạ. Lúc mẹ ảnh còn sống đi mua cho ảnh đấy. Chú lấy đi rồi mai mốt ảnh đi mua cây khác. Đàn mới bây giờ cũng chỉ một hai trăm ngàn là cùng.

- Ừ! – Chú vợ tôi vói tay lấy cây đàn xuống – Cháu rành về đàn địch thì biết mua chứ chú thì chịu thua.

Cả chú vợ tôi và vợ tôi nghĩ chắc chắn tôi phải đồng ý vì giá trị cây đàn chỉ một hai trăm ngàn trong lúc chú vợ tôi mới cho chúng tôi tới ba triệu đồng.

- Cây đàn này cũ rồi, để cháu xuống phố ngay bây giờ mua về cho chú một cây đàn mới.- Tôi nói.

- Thôi trễ tàu rồi! Chú đi bây giờ. Cháu xài đàn mới thì đúng hơn. Để dân quê xài đồ cũ cũng được.

Chú vợ tôi nói xong thì đứng dậy lật đật đi cho kịp chuyến tàu. Vợ tôi vội tìm cái áo đàn bọc cây đàn ghi ta cho chú tôi. Tôi chỉ còn biết ngồi nhìn cây đàn của tôi ra đi mà cổ họng tắc nghẹn.

Tối hôm đó, chú vợ tôi gọi điện báo là cây đàn đã gãy vỡ vì dân nhậu quá say. Lòng tôi thật sự quá xót xa khi nghe tin này. Và tôi đã khóc thầm một mình ngoài phố suốt đêm.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có một cây đàn ghi ta nào. Bởi tôi không tìm ra được một cây đàn ghi ta nào có âm thanh giống y như cây đàn của mẹ tôi mua cho tôi. Và cũng kể từ đó, không còn ai nghe tiếng đàn ghi ta dịu dàng êm ái ru lên trong nhà tôi nữa.

Nguyễn Trung Kim, 30/11/2006

Tin buồn đám cưới – Tin vui đám ma

Chỉ cần nhìn mặt hắn khi nhận tin từ điện thoại di động thì biết đó là đám gì.

Nếu hắn hớn hở tươi cười, nói năng luôn miệng thì đích thị trong phường có người mới chết. Nếu hắn chíp miệng thở ra và lầm bầm nguyền rủa thì chắc chắn có người vừa mời hắn đi ăn đám cưới. Thế nhưng, ai có đám gì cũng muốn mời hắn. Nhất là đám ma, chỉ cần báo cho hắn một tiếng, là mười lăm, hai mươi phút sau hắn có mặt. Hắn đến làm sạp, dọn dẹp nhà cửa, bàn ghế để có chỗ đặt quan tài, có chỗ cho người đến thăm viếng, chia buồn. Và hắn túc trực để tang gia cần giúp đở điều gì cho đến khi người qua đời được đem đi an táng. Còn đám cưới người ta mời hắn vì thấy ai cũng cần hắn khi trong nhà có đám ma. Nhưng đám ma thì hắn được người ta mời ăn, mời uống rượu, mời đờn ca hát xướng và tâm sự chuyện trong nhà ngoài phố suốt mấy ngày đêm cho người chết khỏi buồn, người sống khỏi khóc mà hắn thì không tốn một đồng. Còn đám cưới thì hắn chỉ được đến dự tiệc rồi về, không ăn uống la cà từ ngày này sang ngày khác, mà phải đưa phong bì ít nhất là một trăm ngàn đồng. Đối với hắn, kiếm cho được một trăm ngàn đồng để đi ăn đám cưới là một vấn đề khó khăn. Bởi hắn suốt ngày chỉ lo chuyện bao đồng chẳng biết làm gì để kiếm ra tiền. Vợ con hắn thì càng ngày càng teo tóp, túng quẫn, buồn phiền vì hắn nên cũng chẳng thiết tha xây đắp cuộc sống gia đình làm gì mà chỉ kiếm được đồng nào thì xào đồng đó thôi. Trái lại, hắn càng ngày càng mập mạp, hồng hào. Bởi, mỗi tháng trong phường chỉ cần mười người chết là hắn no đủ rượu, chè, xôi, thịt suốt đời. Mà thời buổi bây giờ, người ta chết nhiều hơn cả thời chiến tranh. Nào là chết vì tai nạn giao thông, vì ngộ độc thực phẩm, vì ma túy, vì VIAGRA, vì ăn nhậu…Thậm chí sung quá cũng chết!

Rồi một ngày, hắn đang được trả ơn bằng một tiệc ăn nhậu của một tang gia vừa mới chôn cất người thân của mình xong thì điện thoại di động của hắn reng. Nhìn nét mặt bỗng nhiên hớn hở của hắn thì người ta biết rồi. Bởi những biểu lộ cảm xúc của hắn đã nhập tâm như máy móc nên khi hắn vừa nghe: “ Alô, mày có tang rồi! ” là hắn vui như ngày hội.

Hắn lật đật về nhà với bộ mặt mà người ta đã in trí là hắn đang vui. Mặc dù chẳng ai biết trong lòng hắn đang hụt hẫng, day dứt, đau đớn vô cùng. Một vài người xầm xì bàn tán:

- Ôi..Vợ con hắn tự tử mà hắn cũng vui kìa!

Hoàn lương

Hắn cố gắng làm việc thật nhiều như để chuộc tội .Và hắn nghĩ đơn giản là bận rộn nhiều thì tâm trí không còn rảnh để day dứt nghĩ ngợi nữa.Thế mà có nhiều đêm hắn cứ thao thức trằn trọc để khóc. Hắn chẳng biết hắn là con của ai. Chỉ nhớ man man là hắn lang thang đầu dường xó chợ với một bà lão cũng đầu đường xó chợ. Cả hai sống lây lất với nhau trong một thời gian rồi bà lão ngã bệnh chết. Thế là hắn chẳng biết ở với ai nên sống lang thang theo mấy thằng lớn tuổi hơn hắn để móc túi, giựt dọc. Bởi vậy, hắn đã hai lần ba lượt vào cái trung tâm giáo dục này rồi. Hắn hiểu ra được cái quá khứ tối tăm của hắn nhưng chẳng biết làm sao để đổi đời. Mỗi lần mãn hạn về, hắn chẳng biết đi về đâu. Hắn mong được sự gíúp đở để có một cuộc sống ổn định nhưng khó mà tìm được một nơi thừa nhận hắn. Chẳng có ai hiểu và tin hắn cả.

Hắn lẩn vào mẫu cà phê nơi có cô gái bị hốt vào đây trong đợt truy quét gái mãi dâm đứng trên các góc đường ở quận 3 đang làm việc. Hắn nói ngay khi cô gái vừa ngước lên nhìn hắn: “Mãn hạn em về đâu?” “Em chẳng có nơi nào để về cả…” Hắn nhìn sâu vào mắt cô gái và nói: “Giám đốc sẽ cấp nhà, trang vật dụng, đất để làm ăn nếu em lập gia đình với một học viên khác và sinh sống ở đây” “Ừ, em có biết” “Vậy tại sao em không...” “Ờ..chẳng có ai mà nghĩ đến lấy cái hạng người như bọn em đâu.” Hắn ngập ngừng: “Còn..anh thì khác...”Cô gái lặng yên để nghe lòng rộn rịp. Cô đã chung đụng với bao nhiêu người đàn ông rồi nhưng có khi nào mà cô thấy bối rối như vậy đâu. Cô thừa hiểu mình đã quá chai lỳ đến độ không biết thế nào là ngượng ngùng trước chuyện phơi bày những điều mà đáng lý ra phải nên kín đáo. Thế mà sao bây giờ cô lại cảm thấy lòng mình thèn thẹn đến như vậy. Cô không thể tưởng được cái điều mà cô hằng nghĩ mấy đêm nay lại là sự thật .Nước mắt cô bỗng tuôn trào. Nguồn hạnh phúc tràn trề bỗng nhiên ập tới với cô quá đỗi bất ngờ. Một lúc sau, cô nói: “Anh không khinh em sao?” “Không!” “Vậy thì anh xin họ đi! ” “Ừ, để anh nói.”

Hắn cứ nằm thao thức để mong trời mau sáng. Và lần đầu tiên trong đời hắn biết lắng nghe tiếng côn trùng hòa nhịp cùng với tiếng gió ru cây cỏ xào xạc trong đêm. Hắn nhận ra cái vùng đất này đã đem đến cho hắn sự bình tâm. Cuộc sống lây lất, lo lắng, tủi nhục, vô định và rình rập miếng ăn từng ngày của hắn trong quá khứ khiến cho hắn quá chán ngán. Hắn rùng mình khi nghĩ đến những góc phố bẩn thỉu, ồn ào, chen chúc và lọc lừa nhau để sống. Hắn cảm thấy yêu con suối Dakru và cả cái không gian hiền hòa trong sạch ở đây quá. Tất cả như đang sống trong một đời sống tịnh thanh và hòa bình. Hắn hít vào lồng ngực một bầu không khí lành lạnh của đêm rồi nhè nhẹ thở ra. Hắn bỗng dưng khao khát yêu đương và thế là hắn lại nghĩ về cô gái. Chợt hắn cảm thấy có một điều gì bất ổn nơi cử chỉ và lời nói của ban giám đốc khi hắn cầu xin nguyện vọng của hắn. Tại sao họ có những ánh mắt thương hại và băn khoăn. Hắn bỗng nghi ngờ lời hứa hẹn của họ. Hắn vùng dậy chạy đến phòng giám đốc.

Họ đang bàn bạc về vấn đề của hắn và cô gái. Những lời nói của họ rót vào tai hắn khiến lòng hắn quặn lên một nỗi đau tuyệt vọng. Tim hắn như thắt lại và có cái gì đó chặn ngang cổ họng khiến hắn tắt nghẹn. Cô gái đang mang trong người một thứ vi rút vô phương cứu chữa. Hắn nghe người ta nói nhiều về sự lây truyền của thứ virút này. Nhất là khi hắn lập gia đình với cô ta thì đời hắn cũng có thể cùng chung nấm mồ với cô ta.

Hắn lẩn thẩn bước đi như người vô hồn dưới ánh trăng vằng vặc từ mẫu cà phê này qua mẫu cà phê khác. Nghĩ đến ánh mắt buồn vời vợi của cô gái mà lòng dạ hắn càng thấy xót xa hơn. Hắn nguyền rủa ông trời đã để cho cô gái phải trả giá quá đắt về cái quá khứ bất hạnh của cô ta nhưng rồi hắn lại nguyền rủa chính hắn, nguyền rủa cho cái số phận của hắn. Hắn chợt ngửa mặt lên trời rồi gào lên thật to như muốn làm vỡ tung bầu trời ở đó. Tiếng gào dội ngược trở lại đập vào tai hắn làm cho hắn cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Hắn ôm mặt ngồi gục xuống đất. Rồi như phó thác thân phận mình cho trời đất, hắn nằm dang hai tay hai chân ngửa mặt nhìn mông lung lên những vì sao đang lấp lánh trong cái bầu trời mờ mờ đục. Dần dần hắn tĩnh tâm bởi tiếng kêu đơn độc của một con chim cú từ cây cổ thụ hàng ngàn năm bên kia góc trời đêm buông vào cái bầu không gian tĩnh mịch như tiếng than thở từ cõi âm. Hắn cảm thấy đời hắn có khác chi loài cú ấy. Hắn rùng mình. Một cảm giác rã rời và cô độc len lén trong máu thịt của hắn. Hắn chợt ước ao một mái ấm gia đình hạnh phúc đến chừng nào. Bất thình lình hắn vùng dậy và chạy nhanh về hướng nông trang. Hắn trở lại nơi làm việc của ban giám đốc và xô cửa chạy vào. Hắn sụp xuống dưới chân ông giám đốc và van nài: “Xin bác cứ đồng ý cho con lấy cô ấy. Con chấp nhận cùng sống và cùng chết với cô ấy...”

Lát cắt.

Công ty tôi tổ chức đi nghỉ mát ở Vũng Tàu hai ngày. Xe 6 giờ khởi hành mà 6.30, tôi mới cà rịch cà tang vừa tay xách, nách mang, vừa ẵm thằng con trai 6 tuổi của tôi lên xe. Chủ tịch công đòan đã chừa sẵn cho tôi một chỗ cạnh hai cô gái lạ hoắc. Cô gái ngồi cạnh chỗ tôi đỡ dùm thằng con trai tôi xuống cho khỏi vướng víu nhưng thằng con trai tôi thì sợ kẻ lạ mặt nên cứ ôm chặt cứng vào cổ tôi. Cô gái bên kia bật cười khúc khích mà chẳng thèm giúp tôi một điều gì. Lúc đã ổn định chỗ ngồi, xe đã chạy, giám đốc ngồi hàng ghế trên quay xuống chỉ vào cô gái bên kia giới thiệu:

- Kế toán thanh toán mới của công ty mình đấy!

Tôi gật đầu nhưng đếch thèm nhìn mặt cô gái chẳng biết giúp đỡ ai trong lúc khó khăn.

- Thúy chắc chưa biết mặt anh chàng này! – Giám đốc nói - Phụ trách xưởng số 3. Mai mốt xuống làm việc dưới xưởng thì “đụng chạm” với anh chàng này nhiều đấy!

Thúy chỉ lí nhí dạ một tiếng mà chẳng nói thêm điều gì. Tôi găm trong bụng: “ Con nhỏ này xuống làm việc dưới xưởng thì từ chết tới bị thương với mình!” Thấy giám đốc không giới thiệu gì cô gái đã giúp tôi, tôi hỏi:

- Thế còn cô này chắc cũng là nhân viên mới?

- Cô này là bạn của Thúy. Mới vào làm việc mà được ưu tiên dẫn bạn theo đấy. Ưu đãi chất xám mà!

Cô gái ngồi cạnh tôi hỏi:

- Con trai anh mấy tuổi rồi ạ?

- Sáu tuổi rồi mà còn nhút nhát như thế đấy!

Kế toán trưởng ngồi sau lưng tôi bật cười nói lớn như cố để cho Thúy nghe:

- Sao không dẫn vợ đi cho vui! Anh chàng này giấu vợ kỹ ghê! Làm bao nhiêu năm rồi mà chẳng để cho ai trong công ty biết mặt vợ mình cả!

Tôi lặng thinh và thầm nghĩ: “ Khỏi cần báo cáo như thế! Thằng con trai này chưa đủ tố giác ta đã có vợ rồi hay sao!” Tôi chợt nghe một tiếng thở hắt ra của Thúy như thể câu chuyện của chúng tôi làm cô ta phát ngán. Tôi bực mình với tiếng thở hắt đó liền liếc nhìn Thúy một cái. Đôi mắt của Thúy liếc ngang, liếc dọc tránh ánh nhìn của tôi. Nhưng bây giờ tôi mới để ý kỹ thì thấy Thúy thật xinh và trẻ hơn tất cả những cô gái trong công ty tôi.

Sau hai ngày tắm biển trở về. Giữa tôi và Thúy dường như vẫn con kị rơ nhau nên tuy ngồi cùng hàng ghế nhưng làm như chẳng có quen biết nhau gì.

Khi xe thắng gấp, Thúy suýt chúi mũi do cô vội đứng dậy trước để chờ xe dừng rồi xuống. Vì phản xạ tự nhiên do thấy người sắp bị nguy, tôi liền chụp cánh tay Thúy giữ lại. Thúy chợt đỏ mặt thẹn thùng rồi liếc chung quanh xem có ai nhìn thấy tôi đang nắm tay của cô ấy không. Khi không thấy ai để ý, Thúy giật mạnh tay một cái, rồi bĩu môi “ xì “ một tíếng mà chẳng thèm nhìn tôi như tỏ vẻ không bằng lòng với điều tôi làm. Cô lẳng lặng xuống xe với vẻ bưc bội cho tôi thấy. Tôi bực mình tự nhủ: “ Biết vậy tao để cho dập mặt!”. Có một người để ý chuyện của Thúy với tôi. Đó là anh kế toán trưởng. Hắn ngồi phía sau lưng tôi và nói nhỏ vào tai tôi:

- Sao lại giống như lửa với nước thế!

Qua tháng sau, tôi chuyển về làm việc tại văn phòng. Thúy làm việc tầng trên. Tôi làm việc tầng dưới. Hằng ngày, tôi phải nghe tiếng lóc cóc, lóc cóc qua lại trên đầu bởi đôi guốc gỗ của Thúy. Thời buổi bây giờ mà có người còn mang guốc gỗ đẽo gọt thô sơ chẳng có chút thời trang gì để đi làm thì đúng là chuyện lạ. Đã thế những bước chân của cô ta vừa nhanh, vừa mạnh nữa. Công việc của Thúy thì dường như không phải ngồi một chỗ. Thế nên tiếng dậm lóc cóc cứ chuyển động qua lại giữa phòng kế toán đến phòng thủ quỹ rồi phòng vật tư, phòng giám đốc…như đóng đinh trên đầu tôi. Quá bực bội nhưng tôi cũng chẳng biết nói gì hơn.

Một hôm, Thúy dậm lóc cóc đôi guốc một cách bực bội từ trên lầu xuống chỗ tôi làm việc rồi đứng khóc. Thúy nhìn tôi như muốn chia sẻ. Chẳng hiểu đôi mắt tôi lúc đó có muốn tiếp nhận nỗi oan ức, bực tức của Thúy không, nhưng thú thật tôi thấy Thúy khóc rất dễ thương. Thế là Thúy trút lên đầu tôi một hơi nào là:” Chi tài khoản 50 để gởi vào tài khoản 51 mà lúc thì ghi bên nợ, lúc thì ghi bên có. Thằng cha khấu hao tài sản thấy mà tức cười, chẳng hiểu ất giáp gì! Để xem cuối kỳ, cân đối sẽ rối tung lên cho mà xem…”

- Thì Thúy giải thích cho anh ta hiểu! – Tôi nói

- Ổng không chịu cho mình giải thích! Cứ bảo thủ theo kiểu lỗi thời của ổng. Em chắc xin nghỉ!

- Từ từ, chuyện đâu còn có đó!

Thật sự khi nghe Thúy nói thế tôi mừng quá. Có thế thì may ra tôi không còn bị tiếng guốc tra tấn hằng ngày, hằng giờ nữa. Nhưng chẳng hiểu sao miệng lưỡi tôi lại nói khác:

- Bây giờ xin việc khó lắm em! Em chưa quen cái văn hóa, cái tính nết của mọi người thôi. Khi quen rồi thì đâu lại vào đó hết.

Thúy lặng thinh một lúc rồi quên ngay chuyện bực tức mà chuyển qua nói chuyện trời, trăng, mây, gió với tôi. Kể từ đó, có chuyện gì không hài lòng, Thúy cũng xuống trút vào tôi. Và tôi cũng quen dần tiếng guốc của Thúy. Có khi vắng tiếng guốc tôi lại nhớ.

Bây giờ Thúy không đi guốc nữa, mà thay vào một đôi giày gót nhọn thời trang và đã biết tô hồng đôi má cho tôi khen.

- Anh biết không? – Thúy ngã đầu vào vai tôi và nói – Lúc anh bất thình lình nắm tay em, em run dễ sợ. Khi xuống xe, em tức anh quá đến cả đêm hôm đó cũng còn tức không ngủ được.

- Còn bây giờ thì sao?

- Bây giờ thì em thuộc về anh rồi còn gì!

Tôi lặng thinh vì vừa hạnh phúc, vừa day dứt.

- Nhưng anh nói cho em biết về vợ anh một chút đi!

- Có cần thiết không?

- Sao lại không? Cả em và vợ anh đều có liên quan mật thiết với anh.

Thúy nói vậy thôi chứ tôi biết Thúy muốn tìm hiểu xem vợ tôi có nổi trội hơn Thúy về một điều gì không. Và nếu vợ tôi không có một điểm gì hơn Thúy cả thì chắc chắn cô ta đã sở hữu hoàn toàn tình yêu của tôi rồi và đương nhiên Thúy có quyền hy vọng không sớm thì muộn cũng cùng chung sống với tôi dưới một mái nhà. Nhưng tôi cũng không hé một chút gì về vợ tôi cho Thúy cả.

Vừa hết giờ làm việc, tôi phóng xe đến chỗ hẹn. Cả ngày hôm đó Thúy không có mặt trong công ty. Thúy nói trước với tôi là đi làm việc ở Sở tài chánh.

Vừa gặp tôi, Thúy cười cười tỏ vẻ mãn nguyện:

- Hôm nay em đã đến nhà anh và có gặp vợ anh!

Tôi lặng thinh và tỏ vẻ bực bội lẫn ngượng ngùng. Thúy đã thấy tôi có một gia đình ổn định, một đời sống vợ chồng nghiêm túc. Và như thế chẳng khác gì là Thúy đã vạch mặt tôi là một kẻ sở khanh, một kẻ không trung thực, một kẻ hai lòng ba dạ nhằm chỉ để dụ dỗ một cô gái tràn đầy xuân xanh như Thúy. Có lẽ Thúy sẽ nói lời chia tay với tôi sau khi đã trút lên tôi những tiếc nuối, những ân hận, những hờn trách lẫn cả tức giận.

- Anh xin lỗi! Có lẽ em đã quá thất vọng về anh rồi. Từ lâu, anh rất day dứt về mối quan hệ tình cảm được cho là không trong sáng, không trung thực và khách quan cho là anh lừa dối, dụ dỗ em. Nhưng chẳng hiểu sao, trong lòng anh cứ đam mê, tiếc nuối không dứt khoát được, đành cứ nhắm mắt buông xuôi cho thời gian quyết định số phận, mà phần thiệt thòi lại thuộc về cuộc đời em. Anh nghĩ..bây giờ chia tay cũng chưa muộn em ạ…

- Không! Anh đừng nói thêm nữa..Dù có thế nào, em cũng không bao giờ chia tay anh! Dù anh không bao giờ từ bỏ gia đình anh! Em chấp nhận suốt đời chỉ có tình yêu với anh thôi cũng được. Nhưng..em không tin là anh có hạnh phúc với vợ anh. Chính anh nói chia tay mới là giả dối. Anh không bao giờ muốn thế! Và em biết chắc chắn là anh yêu em…

Và thế là Thúy khóc khiến tôi cũng không hiểu vì sao thái độ và tình cảm của Thúy lại đi ngược với những gì tôi nghĩ.

- Sau khi gặp vợ anh rồi, em..em thấy càng yêu anh nhiều hơn…

Tôi thật kinh ngạc khi nghe Thúy nói như thế. Nhưng tôi cũng chợt hiểu ra là Thúy đã so sánh nhiều điều giữa vợ tôi và Thúy.

- Em thật bất ngờ khi gặp vợ anh! Anh như thế mà..Em thấy anh thật tội nghiệp!

Tôi không muốn nói thêm nữa vì sợ Thúy nói ra những điều mà tôi mặc cảm. Tôi cũng chẳng biết phải quyết định như thế nào khi tôi cũng yêu Thúy và cũng không muốn vô trách nhiệm với vợ con.

Nhưng thời gian sau đó, cả tôi và Thúy đều sống trong tâm trạng u uất, giận hờn, trách móc, xót xa và tội nghiệp cho nhau, tuy cả hai không thể thiếu vắng nhau. Tôi biết Thúy đang suy nghĩ rất nhiều về một sự chọn lựa. Nhưng Thúy lúc nào cũng hy vọng tôi sẽ li dị vợ kể từ khi cô ấy gặp vợ tôi. Riêng tôi, tôi thấy mình quá hèn hạ. Tôi không có đủ bản lĩnh để quyết định tình cảm của mình. Tôi mặc cho đời giải quyết số phận của mình.

Một hôm, Thúy nói:

- Em đang bị áp lực giữa hai sự lựa chọn. Một, yêu anh suốt đời để nhận lấy một tuổi đời chồng chất và một kết cục bất hạnh. Hai, em đồng ý lấy một người đang muốn cưới em mà em không yêu thương gì nhưng có một cuộc sống ổn định sau này.

Lòng tôi quặn thắt khi biết Thúy không còn hy vọng tôi thêm nữa. Một tuần sau, em báo cho tôi biết ngày gia đình anh kế toán trưởng đem lễ vật đến hỏi cưới em. Tôi như rơi xuống vực thẳm, mặc dù trong lòng tôi cũng muốn thế. Có một điều Thúy không bao giờ biết là kể từ đó, tôi trở lại với một cuộc sống buồn tẻ, căng thẳng, phiền muộn và bất hạnh để hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, người cha mà nếu từ bỏ nó tôi sẽ trở thành người bất nghĩa.

Trả giá

Em trẻ đẹp, duyên dáng và thông minh. Dáng dấp em cũng thon thả và thánh thiện. Em nói năng dịu dàng, khôn ngoan và quyết đoán. Em được học hành tử tế với một bằng cử nhân kế toán và một bằng cử nhân anh văn. Em có được sự nghiệp ổn định, vững vàng. Em cũng được giáo dục đàng hoàng nên mọi vật dụng trong phòng em đều ngăn nắp thứ tự và cho dù công việc có nhiều đến đâu thì em cũng sắp xếp thực hiện một cách hợp lý. Nói chung, em có một vẻ đẹp trinh nguyên, giản dị và trí tuệ mà tôi hằng mong ước. Và tôi nghĩ chẳng có ai hơn em nữa. Có được em yêu là tôi may mắn lắm. Nhưng cũng chính cái vẻ đẹp ấy mà tôi lúc nào cũng sợ mất em. Và còn tệ hại hơn là lúc nào tôi cũng làm ra vẻ ta đây “đếch “ cần em để cho em si mê tôi hơn, để cho tôi có giá hơn em. Thật ra thì tôi yêu em vô cùng. Chỉ với một câu:” Ông ấy đòi cưới em làm vợ đấy!” mà khiến tôi lo lắng, thao thức suốt đêm như thế này đây. Có cách nào làm cho em yêu tôi nhiều hơn không? Có cách nào làm cho em si lụy tôi nhiều hơn không?

Chuông điện thoại bàn reng. Tôi ngước nhìn đồng hồ: 1giờ 30.

- Alô! – Tôi nhấn giọng - Em biết mấy giờ rồi chứ?

- Em biết, nhưng… em ngủ không được! Em..nhớ…

- Thôi, ngủ đi!

- Không! Anh còn giận em sao?

- Anh chẳng giận ai cả.

- Em chỉ nói những lời của ông ta đề nghị cho anh ghen chơi vậy mà, chứ em đâu có thích ổng. Ổng già rồi! Làm vợ ổng thà ở giá sướng hơn.

- Ổng giàu, lấy ổng cho sướng!

- Lấy anh sướng hơn!

Tôi đặt ống nghe xuống nhưng chỉ vài phút sau chuông điện thoại lại reng.

- Anh thừa biết là em thuộc về anh rồi còn gì?

- Anh đâu có quyền!

- Anh có quyền! - Giọng em trìu mến - Và anh đã có quyền cả tâm hồn lẫn thân thể của em rồi còn gì! Em thề là đời em chỉ có mình anh được sở hữu em mà thôi.

- Thôi ngủ đi, khuya rồi!

- Không, em muốn nói chuyện với anh nữa mà!

- Lúc này anh bận việc lắm. Có lẽ chúng ta nên xa nhau một thời gian.

- Không không..

- Thôi cúp máy đây!

- Không..

Tôi cúp máy khi nghe em nghẹn lời muốn khóc. Nhưng chưa đến một phút sau em lại gọi.

- Anh mà cứ vậy em không thể nào ngủ được!

- Anh cứ vậy là sao?

- Cứ tự cao như vậy thì em lúc nào cũng chẳng yên tâm. Thôi cho em xin lỗi! Em chấp nhận hạ mình là em quá yêu anh đấy. Bây giờ anh đến với em đi! Em thèm.. chạm vào cơ thể anh. Em.. muốn làm cho anh hạnh phúc…

- Đã nói từ nay tạm xa nhau một thời gian kia mà.

Tôi cúp máy và rút giây cắm vào điện thoại với một tâm trạng tự mãn. Nhưng thật ra suốt đêm tôi cứ nghĩ về em và căm ghét thằng cha già kế toán trưởng ở cơ quan em cứ ngỏ lời muốn cưới em.

Mới tờ mờ sáng em lại gọi khi tôi mở điện thoại di động.

- Em đây! - Em cười hòa - Chăc hết giận em rồi chứ? Đến đưa em đi làm nha!

- Anh phải đi làm sớm.

- Thì anh đến em sớm hơn một chút.

- Anh đã nói rồi, chúng ta nên chia tay!

- Mệt anh quá! Đứng có lằng nhằng nữa để em đến cơ quan mà yên tâm làm việc. Bữa nay kết sổ cuối năm, công việc bù đầu đây! Đầu óc em căng ra mà gặp anh như vậy nữa thì em điên mất. Thôi, chiều anh đến đón em ở cơ quan nhá!

Đến chiều, chờ mãi không thấy tôi đến, em lại gọi.

- Sao anh không đến đón em? Anh lúc nào cũng vậy, chẳng có chuyện gì quan trọng cũng giận. Lúc nào cũng phải van xin năn nỉ thì anh mới chịu. Anh nghĩ rằng anh có thể không cần em còn em thì phải cần anh chứ gì!

- Sao em lại phải cần anh kia chứ!

- Anh đã thừa biết là em quá yêu anh rồi!

- Bây giờ người ta thay người yêu như thay áo.

- Người ta khác, em khác. Anh thừa biết tính tuyệt đối của em rồi đó. Thôi, mệt quá, bỏ đi, tối anh đến nha! Em.. rất nhớ anh!

Tối hôm đó tôi không đến với em tuy trong lòng tôi rất muốn. Chẳng hiểu vì sao, có lẽ tôi muốn em thật lụy tôi. Qua ngày hôm sau em gọi điện cho tôi như muốn khóc nhưng tôi lại cúp máy. Cũng chẳng hiểu vì sao, mặc dù tôi cũng muốn nghe giọng nói của em. Có lẽ tôi cũng muốn em khóc thật nhiều vì tôi.

Suốt mấy ngày hôm sau tôi lấy làm lạ vì em không gọi tôi nữa. Tôi chợt nghĩ:” Có khi nào em đã quên tôi thật rồi không.” Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ không bao giờ có chuyện đó. Bởi tôi biết em rất si mê tôi. Tuy vậy, tôi cũng trở nên lo lắng. Thế là tôi vội đến chờ đón em ngay trước cơ quan làm việc của em với ý nghĩ sẽ làm cho em ngạc nhiên thích thú khi thấy tôi bỗng dưng hết giận em.

Chờ cho đến khi nơi làm việc của em chẳng còn ai mà vẫn không thấy bóng dáng em đâu, tôi về nơi ở của em. Cửa vẫn khóa kín. Tôi bực bội vì sao em không nói cho tôi biết là em đi đâu. Trước đây, mọi đường đi nước bước, em điều nói cho tôi biết rõ. Hoang mang lẫn tức giận khiến tôi quyết chờ trước cửa nhà em. Đến nửa đêm, phố Sài Gòn đã vắng lặng còn tôi thì rối rắm tâm can. Khi quá mệt mỏi, rã rời, tôi đành ra về.

Vừa về đến nhà, tôi đã vội gọi đến em. Không người bắt máy, có lẽ em vẫn chưa về. Mười phút sau tôi lại gọi, mười phút sau tôi gọi nữa rồi mười phút sau tôi lại gọi nữa. Vẫn không người bắt máy. Quá bức xúc, tôi lại muốn phóng chạy đến em nhưng rồi thôi. Tôi bức bối:” Vẫn chưa về kia mà!” Tôi rủ xuống giường mà đầu óc tôi căng ra. Hay từ trước đến giờ em lừa dối tôi mà tôi không biết. Nếu đúng như vậy thì tôi bị xúc phạm nặng nề quá! Nhưng tôi tin chắc rằng điều đó không thể có. Bởi chỉ cần không biết tôi đang làm gì, đang ở đâu thì em đã quay quắt trông ngóng; bởi tôi biết tính tuyệt đối chung thủy của em; và bởi tôi biết em si mê tôi đến độ thường hay lén nhìn ngắm tôi bằng ánh mắt say đắm mỗi khi tôi ngủ lỏa thể. Nhưng có bao giờ em đi đâu, làm gì mà không cho tôi biết? Tôi lẩm bẩm:” Có lẽ muốn chắc ăn thì phải để cho em có bầu với mình. Có con cũng được có sao đâu? Mình và em điều có sự nghiệp ổn định kia mà. Đứa con sẽ cột chặt đời em với mình. Đám cưới tính sau. Tuy nó không quan trọng gì lắm đối với mình nhưng với em, với gia đình em thì không thể thiếu…” Sự hoài nghi cứ gặm nhắm tim óc tôi. Lửa lòng cứ thiêu đốt thân xác tôi khiến tôi phải vùng dậy gọi điện nữa. Lần này thì em bắt máy làm cho tim tôi như vỡ vụn ra.

- A lô!

Giọng em nhỏ nhẹ nhưng lạnh lùng như sợ người khác nghe. Nhưng tôi không để ý đến điều đó mà chực xổ ra một loạt trách móc.

- Anh đây!

- Anh là ai vậy?

Tôi hụt hẫng và linh tính như có một điều gì thật quý giá đang vuột khỏi tôi. Thường ngày, chỉ cần nghe hơi thở giọng điệu của tôi là em reo lên vui mừng.

- Có thật là em không nhận ra anh?

Em lặng thinh một lúc rôi nói nhỏ:

- Gọi có gì không?

Quả thật tôi líu lưỡi. Trước đây, dù chẳng có chuyện gì để nói em cũng mong tôi gọi cho em.

- Có chuyện gì thì để khi khác nhé, khuya rồi.

- Em sao lạ quá!

- Chẳng có gì lạ cả. Có dịp sẽ nói nhiều hơn.

Tôi định nói gì nữa nhưng em đã cúp máy. Và tôi nghĩ có lẽ em đang còn giận tôi lắm. Nhưng thú thật, đêm đó tôi thao thức trằn trọc suốt và mong trời mau sáng để chạy đến em.

Thường khi, em như có linh tính biết trước tôi đến là em đã đứng đón tôi ở cửa. Còn bây giờ, sau một hồi đứng chờ mới thấy em xuất hiện với vẻ mặt xa lạ và bình thản.

- Mới sáng sớm mà anh đến có chuyện gì?

- Em không muốn anh đến nữa sao?- Tôi xổ giọng thách đố.

- Đúng vậy! - Em nhìn tôi với vẻ nghiêm túc - Kể từ nay anh đừng đến nữa! Em đã bằng lòng lấy ông ấy rồi! Sáng nay, gia đình anh ấy đến hỏi cưới em đấy!

- Sáng nay! – Tôi nghe như tim tôi thắt lại.

- Sao..em..em quyết định vội vàng vậy? Phải suy nghĩ cho kỹ chứ! Em.. không yêu ổng kia mà!

- Mệt! Yêu đương làm gì cho mệt. Thấy chỉ hành hạ nhau thôi! Điều quan trọng nhất là ổng có điều kiện bảo đảm cuộc sống gia đình và ổng cưới em ngay. Còn anh…

- Anh cũng cưới em..anh thề! – Tôi khẩn khoản và cổ họng tôi như nghẹn lại.

- Không kịp nữa! Gia đình hai bên đã xếp đặt đâu vào đấy cả rồi

- Mai đám cưới hôm nay người ta còn bỏ được.

- Người ta khác em khác! Khi em đã quyết rồi thì không thể bỏ được. Em cũng phải có cái tôi của em để cho người ta nể chứ!

- Chẳng lẽ vì cái tôi kiêu hãnh ấy mà buộc mình phải sống giả tạo tình yêu với người mình không yêu?

- Đành phải chấp nhận để có một gia đình yên ổn như mọi người.

- Đừng.. đừng làm khổ mình em ạ! Chính anh cũng…

- Thôi..anh về đi. Bên nhà trai đến gặp anh là rắc rối đấy!

Tôi nhìn em van lơn bởi tôi thấy ánh mắt em vẫn muốn thu giữ hình ảnh tôi vào lòng. Không thể nén lòng trước ánh mắt như chực khóc của tôi, em ôm chầm lấy tôi và ghì tôi vào môi em. Chúng tôi uống siết môi nhau đắm đuối như chưa một lần nào như thế và chúng tôi hòa quyện nước mắt vào nhau cũng chưa một lần nào như thế. Em như muốn lịm rã vào thể xác của tôi và tôi cũng như muốn nuốt em vào nhục dục của tôi. Em thở gấp rút và tay em vội vàng tìm đến vùng nhạy cảm kín đáo nhất của tôi để vuốt ve mơn trớn như thường khi em vẫn làm. Và tôi cũng vậy, tôi như ngộp thở ở nơi bộ ngực căng dậy của em. Cả em và tôi hừng hực sóng tình gợn tỏa khắp cơ thể. Trong cơn mê da thịt, em bỗng giật mình bởi tiếng chuông điện thoại. Em đẩy tôi ra và lấm lét nhìn ngoài cửa.

- Anh về đi, người ta sắp đến rồi! – Em nói như ngẹn - Đừng níu kéo gì nữa. Đừng trách em mà hãy trách cái tôi của anh.

- Anh xin lỗi! Nhưng..hi vọng em…

- Không không, không còn kịp nữa. Mọi thứ đã an bài. Em ..em xin lỗi…

Tôi về giữa phố Sàigòn mà như chới với trên sông. Tay tôi quờ quạng, chân tôi hụt hẫng. Cổ, họng, miệng, lưỡi tôi như uất nghẹn đắng cay. Tôi đâm nhào vào một vật gì đó và rớt xuống. Có ai đó nói: “Chạy xe gì mà kì vậy?” Và có ai đó nói: “Điên hả?” Đúng, tôi điên rồi! Tôi đã trả giá cho cái giả tạo tự cao tự đại của tôi. Hóa ra không những cái bản chất tự cao tự đại phải bị trả giá đắt mà cái giả tạo tự cao tự đại cũng phải bị trả giá đắt gấp ngàn lần như thế này... Rồi tôi nghe văng vẳng bên tai: " Chở đi bệnh viện. Chở …viện… liền! …Vẫn còn…, vẫn… thoi thóp…” Và tôi thiếp đi chẳng còn hay biết gì nữa.

ĐIÊN

- Coi chừng chị ấy lại cởi truồng đi nữa đó mẹ!

- Ừ!

- Tự nhiên khi không lại trần truồng lẩn thẩn ngoài đường thì người ta bắt nhốt vào nhà thương điên thôi!

Ha ha..ta mà điên à! Thế gian này tỉnh táo chắc! Để ta xem họ điên hay ta điên. Ta đi tắm đây cho da thịt trắng trẻo mịn màng. Thấy chưa, bộ ngực ta no tròn, gọn thẳng. Cặp nhũ hoa thì hồng hồng phấn phấn khơi gợi hết biết. Còn cặp mông thì nở nang cân đối thật quyến rũ. Eo bụng ta thì thon thả đến nữ minh tinh màn bạc chắc cũng phải ghanh tức. Còn cặp giò của ta, ôi..cặp giò của nữ vũ công Ba Lê. Dáng dấp ta gọn gang, cân đối quyến rũ như thế thì người ta phải mê thôi. Còn cái đầu trọc lóc ư? Chẳng có gì khó cả. Ta sẽ đội tóc giả mà. Chưa đội tóc giả mà gương mặt ta đã đẹp rồi. Huống gì…

- Con đi đây một chút!

- Ôi..con..con đẹp vậy à! Mà sao tóc con…Ở đâu thế?

- Tóc giả mẹ à!

- Nhưng..nhưng trước khi đi học, nó dặn mẹ không để cho con đi ra khỏi nhà!

- Khổ mẹ quá! Mẹ thấy con có điên không?

- Ừ..mẹ cũng thấy con đâu có điên. Con quí phái sang trọng quá. Con ăn nói khôn ngoan quá mà!

- Đó, con thế mà điên à! Mẹ đừng có hùa theo họ mà áp đặt, gán ghép con như thế!

- Nhưng con đã..đã trần truồng ngoài đường..

- Dạ..đó là con đi tìm chân li, đi tìm sự thật mẹ à…

Thế nào hắn cũng biết ta đi ngang trước nhà hắn. Mắt hắn rất tinh khi có một cô gái đẹp thoáng qua. Mũi hắn rất thính khi nghe mùi thơm quyến rũ của phụ nữ. Trước đây, hắn nhìn ta bằng nửa con mắt vì ta không biết ăn diện. Hắn khinh rẻ ta quê mùa. Cả thành phố này nhìn ta bằng con mắt lơ đễnh. Bây giờ bọn ngươi phải tôn vinh ta cho mà xem. Đó, ông tổng giám đốc kìa. Ổng đang ngẩn ngơ nhìn ta đó! Ổng là cán bộ cao cấp đấy! Bây giờ ổng thừa tiền nhưng thiếu tình nên con mắt ổng háu đói. Hình như ổng đang dõi mắt theo ta để xem ta ở đâu. Rồi, anh chàng kia lại nhìn ta đắm đuối để va quyệt xe người ta nữa. Người ta mắng vốn thế mà con mắt cứ dán vào bộ ngực của ta. Biết thế ta để áo xề xệ xuống một chút cho hắn chết mê chết mệt mà đến xin ta ban cho một chút tình. Ôi, còn những người đàn bà kia cũng nhìn ta một cách ngưỡng mộ như thế nữa sao? Ha ha..ta vô cùng sung sướng vì cả thế gian đang sùng bái ta.

- Ôi..có phải là em không? Đúng là em rồi! Sao trước đây em đâu có đẹp lộng lẫy như thế!

- Trước đây anh chê em quê mùa, đơn giản mà!

- Không! Em như thế mà anh chê à?

- Bây giờ anh có quỳ mọp xuống van xin em thì em cũng không…

- Vâng, anh sẽ quỳ. Anh quỳ đây! Lạy nè! Lạy nè!

Ha ha..hắn đang quỳ mọp xuống khuất phục và suy tôn trước sự lộng lẫy quyến rũ của ta. Hắn lại còn tự hào khi mấy thằng bạn của hắn đến nữa chứ. Ta thấy bọn bây quy phục trước ta là ta mãn nguyện rồi. Ta về đây!

- Em..em về à? Bọn anh đang hết lòng tận tụy vì em mà!

- Không, em về!

- Ôi..chắc cả thế gian này điên đảo vì em thôi!

- Vâng, Họ điên hay em điên?

- Họ, họ điên!

- Bọn anh cũng thế! Chỉ sùng bái hình thức mà không thấy thực chất, không thấy sự thật.

Đó, họ đang nhìn ta đó. Nhưng rõ ràng là ánh mắt khủng hoảng, sợ sệt. Thật là nghịch lí. Lúc ta mặc áo quần thì họ lại nhìn ta như muốn cho đôi mắt xuyên thủng qua lớp vải để thấy những gì họ muốn thấy bên trong. Còn khi ta trần truồng như thế này thì họ lại hoảng hốt vì ánh mắt của họ bắt gặp cái nơi mà họ tò mò ước được thấy khi ta mặc áo quần. Thật ra thì cũng có một vài tên liếc qua liếc lại nơi chỗ kín của ta một chút để mục kích sự thật cho rõ hơn. Nhưng cũng chẳng thấy ai nhìn thẳng vào sự thật. Đó, đó..họ đang trong tư thế lãng tránh hết. Ta có khác gì đâu. Chỉ có ném bộ tóc giả đi cho cái đầu trọc và chẳng cần phải đánh phấn tô son gì. Ta đi lang thang khắp phố phường mà chẳng có ai tôn trọng. Trái lại họ đang ghê tởm ta. Đời thật tức cười. Ta phủ kín những gì tối tăm bên trong thì lại được tôn vinh. Ta trần truồng cho thấy hết chân tướng sự thật thì lại bị khinh rẻ. Để ta đi ngang nhà hắn xem hắn có nhận ra ta không. Thấy chưa! Bọn hắn đang rú lên. Bọn hắn không nhận ra ta nhưng bọn hắn trêu cợt, khinh rẻ ta.

- Em đây mà!

- Em nào?

- Anh không nhớ đã từng quỳ mọp van xin em sao?

Ha ha, hắn khựng lại chưng hửng rồi hoảng hốt. Đó, ánh mắt hắn bắt đầu lóe lên tức giận.

- Cút! Đồ điên! Cút đi không thôi tao kêu công an bắt!

- Ha ha ha..bọn bây điên hay tao điên! Tao là sự thật mà điên sao? Bọn bây dám kêu công an bắt sự thật à!

Dường như đâu đó có đại hội. Ở đó chắc đông người. Ta sẽ trần truồng tới đó để cho họ ngắm ta. Ngắm chân dung của sự thật. Bọn đạo đức giả xem hình thức phô trương bên ngoài là cái vỏ bọc để che đậy sự thật cho người khác tôn vinh, kính trọng. Cái sâu kín nhất của người đàn bà mà ai cũng thấy, cũng biết, huống hồ là…

- Mẹ ơi.. chị ấy lại cởi truồng đi rồi!

- Ôi trời ơi..nó lại lên cơn điên nữa nè trời!

Người họa hình “chùa”

Người họa sỹ lang thang mệt mỏi tìm một nơi cư ngụ. Anh ghé vào một quán bán đủ thứ trong thị xã gọi một ly cà phê. Cô gái chừng đôi mươi vụng về đến nổi ly cà phê rung rinh trên chiếc khay nhỏ chực muốn đổ. Nhưng cô gái lúng liếng làm cho đôi lúm đồng tiền như biết tỏ tình. Người họa sỹ chết điếng trước vẻ quyến rũ của cô gái mà cho dù ly cà phê có đổ ập xuống trên đầu anh ta thì chắc anh ta cũng hạnh phúc như được một đặc ân. Anh ta thốt lên: “Tiếc quá! Cái đẹp trời cho này không biết nắm bắt ngay, mai mốt chóng tàn thì không kịp hối!” Cô gái trố mắt: “Anh nói gì ạ?” “À..Tiếc là tôi không có giấy vẽ. Nếu có, tôi xin được vẽ cô” “Vẽ em à?” “Ừ.”Cô gái hớn hở: “Dạ, nhà em có bán giấy tập vẽ cho học sinh được không ạ?”

Bức hình cô gái được tiếng tăm khắp thị xã. Ai cũng khen ngợi người họa sỹ đã thổi hồn chân dung cô gái trong tranh thật sống động cuốn hút. Và ai cũng ao ước được người họa sỹ vẽ chân dung của mình. Nhất là những nam thanh nữ tú. Người họa sỹ cũng cảm nhận được điều đó và thấy việc làm của mình mang đến hạnh phúc cho người khác thì anh ta cũng rất vui. Rồi từ đó, hễ anh bắt gặp bất kỳ một ai có dáng dấp, gương mặt đẹp; có tính cách đặt biệt; có nét cuốn hút người khác thì anh vẽ họ. Mặc dù ngoài công việc mưu sinh vất vả, anh cũng dành nhiều thời gian, công sức trăn trở sáng tạo để có những chân dung đầy tính nghệ thuật và sống động. Họ chẳng trả một đồng nào cho anh mà họ chỉ cần mua một tờ giấy vẽ ở tiệm bán tạp hóa của cô gái.

Một hôm,có một người bán bong bóng dạo cá biệt xuất hiện ở thị xã này. Cái khác lạ của anh này là ai mua một chiếc bong bóng thì anh ta sẽ vẽ hình ảnh người đó lên chiếc bong bóng trong vài phút. Lẽ dĩ nhiên chiếc bóng bóng sẽ hơn tiền gấp nhiều lần một chiếc bong bóng bình thường. Người họa sỹ cũng nhận ra anh chàng bán bong bóng là một sinh viên cùng học chung trường mỹ thuật với anh nhưng điểm môn vẽ truyền thần* bằng không đến ba lần bảy lượt nên chán nản nghỉ học.

Người họa sỹ đến quán tạp hóa của cô gái để uống cà phê với hy vọng là sẽ được nhận sự quý mến trân trọng của cô gái. Và hơn hết là mong được nhìn thấy bức họa của cô gái do mình vẽ sẽ được treo lên ở một nơi kiêu hãnh và dễ chiêm ngưỡng nhất trên tường. Nhưng..Anh chợt thấy bức họa của anh vẽ bị cuốn tròn ném vào một góc xó bụi bặm. Lòng dạ anh chìm lịm, cổ họng nghẹn thắt, trong lúc cô gái thao thao khoe chiếc bong bóng thật to vẽ hình cô ta đang treo đung đưa giữa gian nhà chính: “Anh biết không? Cả thị xã này ai cũng như thế cả! Chiếc bong bóng có giá trị bằng ba ngày công lao động tại công ty nên ai cũng nâng niu quý trọng, sợ bễ!”

Người họa sỹ lẩn thẩn bước ra khỏi quán cô gái với cõi buồn vô hạn. Người bán bong bóng từ đâu xẹt tới: “Ê, sao ốm đói thế? Theo tao làm một chầu coi! Tao bây giờ thiếu gì tiền” Người họa sỹ bước theo người bán bong bóng đến nhà hàng. Người bán bong bóng lên lớp: “Mày phải biết như thế này: Kẻ có tâm, có tình, có hồn như mày thời buổi này đến cháo cũng không có mà húp. Mày phải buộc người ta trả giá cho công lao của mày hơn hoặc ngang bằng với mồ hôi nước mắt của người ta thì người ta mới quý. Bởi người ta đánh giá nó bằng giá trị những gì mà người ta đã bỏ ra kia mà!”

(*) Truyền thần: Miêu tả chân dung của một người như thật, có thần sắc như sống.

Không tên!

Có thật cô đơn giữa muôn người?

Có thật buồn đời chốn hân hoan?

Ta từng lệ rơi trên thập tự

Có bao giờ oán trách trần gian?

Khi cất tiếng khóc để làm người

Ta chia sẻ đời trắc trở nhân sinh

Chúa muôn loài còn chịu nỗi đau nhân thế

Há con người chỉ là cát bụi thôi

Ban cho em một nỗi niềm thế thái

Để khi buồn em le lói niềm vui

Để khi vui em dẫm lên nỗi buồn

Cái khoảng cách giữa bi hài tục lụy

Chính là phút lạc quan yêu đời

Khóc Mướn

Mụ ngồi xuống bên một người đàn bà vừa mới chết. Từ nơi cổ mụ chợt bật ra tiếng khục khặc nghẽn nghẹn như tiếng của một người nấc cụt rồi âm thanh ấy bỗng vọt lên thành một tiếng rú dài như tiếng hú của một con sói. Tiếng hú vừa đủ cho những người ở gần đó nghe. Thỉnh thoảng mụ ngưng lại rồi khọt khẹt trong cổ, nấc lên vài cái, chíp miệng và thở ra. Mụ làm như vậy được một lúc thì mắt mũi mụ lòa lợm nước giải. Khi biết nước mắt, nước mũi đã chảy ra, mụ quệt cho nhòa nhợm cái mặt có vẻ đau xót của mụ. Mụ liếc nhìn ông bác sĩ - con của cụ bà mới chết - để dò xét. Vợ ông bác sĩ thì đã để ý đến mụ. Còn ông thì vẫn dửng dưng. Nhưng những gì mụ đang làm là muốn ông động lòng. Động lòng cho mụ chứ không phải cho cái bà già đã chết kia. Mụ bắt đầu đổi kiểu khóc. Tiếng khóc của mụ bây giờ xen lẫn cả tiếng thở khò khè của người lên cơn suyễn. Mụ nất lên, nất lên như người sắp trút hơi thở rồi khọt khẹt như bị cảm nghẹt mũi. Và rõ ràng là mụ bị đuối sức vì cái khóc giả tạo kia. Nhưng mụ vẫn liếc nhìn ông và lấy làm sung sướng khi thấy ông đã chú ý đến mụ.

Ông dường như không thể chịu được những nét mặt, động tác khóc giả tạo của mụ. Ở trong bệnh viện ai mà không biết cái ngón nghề khóc mướn của mụ. Ông đã cấm mụ bén mảng tới cái bệnh viện từ lâu rồi. Nhưng mụ vẫn lén lút, lân la quanh bệnh viện và nhà xác để tiếp thị cái nghề khóc mướn của mụ. Và bởi vì vẫn có người thuê mụ khóc. Rồi đến bây giờ cũng chính gia đình ông thuê mụ khóc. Ông đến bên vợ mình rồi nói: “ Nhìn cái giả tạo của mụ ta mà thấy ớn! Đã thế bà không thấy thằng nhóc mất dạy con của mụ ta cứ lấp ló ngoài cổng kìa!” “ Thì đuổi nó đi chứ có gì đâu! Ông là bác sĩ có danh phận trong bệnh viện mà mẹ ông chết, trong gia đình chẳng có tiếng khóc. Muốn cho thiên hạ biết mình ăn ở thất đức à!” “Bà nói cái gì thế?” “ Chứ không phải nữa sao? Ông làm cho người ta có bầu, khi đẻ con ra không ai thừa nhận thì người ta phải quăng vào sọt rác chứ sao!” “ Bà hễ có dịp là móc chuyện của tui ra…” “ Tui móc cho đến khi ông chừa thì thôi…”

Thằng cu lượm vừa thấy bóng ông đi ra là nó phóng một cái qua bên lề đường ngồi núp sau cái ghế đá. Nó cũng đã biết ông rất quyền thế trong cái bệnh viện mà mẹ nó và nó bám để sống qua ngày. Nhưng nó chẳng hiểu vì sao thường ngày ông cho người đuổi mẹ nó và nó gay gắt như thế còn bây giờ thì lại mời mẹ nó vào nhà để khóc. Bỗng nó chợt sợ rằng liệu ông có giả bộ như thế để bắt mẹ nó đi luôn không. Mới nghĩ đến như thế mà mắt nó rơm rớm hai giòng lệ. Nó lại chạy vào lấp ló trước cổng nhà ông để xem mẹ nó đang ở đâu.

Ông vừa thấy nó lấp ló trước cổng thì tức giận quát vào mụ: “ Mụ ra đuổi nó về đi còn không thì tôi không cho mụ khóc nữa! Thằng con mụ quậy phá lắm mà hễ hở cái gì thì chôm cái đó à!” “Hắn còn nhỏ thì tui đi đâu nó lẽo đẽo theo đó thôi. Nó cũng biết tui bị ung thư, lỡ khi chết bất thình lình thì cũng còn thấy mặt tui đó chứ!” Nghe đến đó ông bỗng giật mình, vì hành vi, thần sắc của mụ nãy giờ trước mắt ông cho thấy sức khỏe của mụ có vấn đề. Ông móc túi lấy 50 chục ngàn đồng đưa cho mụ rồi vội đẩy mụ ra khỏi cửa. “ Cho tui khóc thêm đi! Tui cần thêm tiền cho thằng cu Lượm…” “ Thôi thôi..mụ đi ra dùm…”

Mụ vui mừng khi thấy mình lại có tiền để mua cho thằng cu Lượm một bộ áo quần mới. Nhưng sau khi rời khỏi nhà ông bác sĩ, cu Lượm lại đòi mua cho nó một chiếc xe hơi đồ chơi.

Mụ nghẽn ngẹn từng hơi trong cổ. Tuy mụ đã căn phồng hai cái lổ mũi lên mà dường như cũng không đủ không khí cho mụ thở. Mụ lờ đờ mở mắt. Tiếng rên rỉ của mụ nghe như ở đâu đâu trong óc. Mụ hớp hớp từng hơi thở vào như cố đẩy nỗi đau đớn đang giằng xé tâm can của mụ ra. Thế mà trên gương mặt co quắp, trên đôi mắt buồn tủi của mụ chỉ rơm rớm một giọt nước mắt. Tiếng khóc của mụ không thể bật lên thành tiếng mà âm ỉ như vọng ra từ đâu đó trong cõi âm u của tâm hồn mụ. Mụ chẳng cần ai hiểu mụ nói gì nhưng mụ cần phải cho thằng cu Lượm biết tuy nó không phải là con ruột của mụ mà mụ cũng thương nó còn hơn cả bản thân mụ. Kể từ khi ai đó bỏ nó ở trong một thùng rác ở ngoài bệnh viện để mụ thấy xót xa tội nghiệp mang về nuôi cho đến nay, mụ thấy đời mụ gắn bó và có trách nhiệm với đời nó như mẹ với con. Mụ đặt cho nó tên Lượm cũng chỉ vì mụ coi như lượm được nó là một sự may mắn cho cả mụ và nó. Tuy hai năm nay mụ lo lắng khổ cực nhiều vì nó nhưng mụ sung sướng vì có một tình thương, một trách nhiệm, một sự chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nó. Nay thì không còn ai để nuôi nấng nó nữa. Nghĩ đến đó lòng dạ mụ quặn thắt và tim mụ ngưng đập từ lúc nào. Thằng cu Lượm ngồi bên cạnh mụ cứ đẩy lui đẩy tới chiếc xe hơi đồ chơi một cách thích thú…

Tiếng rao Sài Gòn

“Xôi dzò.. ò! Xôi dzò.. ò! Xôi dzò.. ò!”

“Dzô đây tui dzò.. ò!”

“Xôi dzò.. ò!”

“Dzô đây tui dzò.. ò!”

Tiếng rao nhỏ nhẻ, êm ái, chầm chậm, ngọt ngào và vừa đủ nghe trong khoảng cách 20 mét của một cô gái bán xôi vò như ru ngủ người nghe trong đêm khiến cho một người đàn ông ngồi trong nhà không kiềm được cảm xúc bật lên tiếng rao trêu ghẹo trên. Và có một đêm, cũng vì tiếng rao quyến rũ này khiến cho một ông “ dê xồm” nào đó chỉ mua một gói xôi ba ngàn đồng mà “dzò” cô gái ” đến lòa lợm nước mắt vì tức tối.Tôi bật cười và chợt nảy ra ý tưởng viết về những tiếng rao hằng ngày và những ấn tượng của nó ở trong cái thành phố phồn vinh náo nhiệt này.

Giữa trưa, không khí yên ắng nghỉ ngơi của mọi người trong con hẻm phố bỗng bị chát chúa bởi một tiếng rao thật to, chắc, dằn mạnh từng tiếng như đe dọa người nghe của một người đàn ông mài dao kéo: “ Mài. ài..dao, mài.. ài..kéo đây! Mài.. ài dao, mài.. ài..kéo đây! Mài.. ài dao, mài.. ài kéo đây!” Thỉnh thoảng, tiếng rao im bặt một lúc rồi bất thần quát mạnh và to lên như sét đánh ngang tai người khiến nguời ta giật thót người. Ai cũng bực mình nhưng không ai dám nói. Bởi chỉ nghe cái giọng rao “giang hồ” đi liền với cái công cụ lạnh tanh ấy thì người ta đã sợ rồi. Nhưng trưa nào cũng thế thì không ai chịu nổi. Một hôm có anh chàng thợ sửa xe trong xóm tức quá, quát lại “Ông làm cái gì mà trưa nào cũng đi khủng bố người ta vậy?” “ Tôi mài dao, mài kéo ạ?” “Ông ỷ ông làm nghề mài dao rồi trưa nào cũng đi hù dọa người ta hả?” Tưởng ông sẽ hùng hổ như cái giọng điệu dữ tợn của ông. Ai ngờ ông chỉ nhoẻn miệng cười một cách hiền từ.

“ Bánh chưng, bánh giò đây! Bánh chưng, bánh giò đây!” Tiếng rao vội vàng, dứt khoát và đều đều mà văng vẳng như từ ở dưới đáy giếng rao lên vài câu thì đã tắt ngủm. Có một người phụ nữ bật cửa chạy nhanh ra gọi theo hướng mà bà vừa nghe rao, gọi lớn “ Bánh giò! Banh giò!”. Thế rồi bà nhìn quanh mà chẳng thấy người phụ nữ bán bánh giò đâu cả: “ Cái con bán bánh giò này lúc nào cũng thế cả. Vừa rao xong là biến mất. Ngặt nổi là bánh của nó thì ngon, cho trẻ con ăn thay cháo được mới tức chứ!” Đúng vậy! Cái chị bán bánh giò này đi bán bánh giò trên một chiếc xe đạp sườn ngang giống xe đạp đua. Cái đặt biệt của chị là: Rao bánh đằng đông nhưng bán bánh đằng tây. Bởi thế khi nghe tiếng rao của chị ở chợ Bến Thành thì phải đón mua bánh của chị ở Chợ Lớn.

“ Ti vi, tủ lạnh, radio, cát xét, máy giặt, âm li hư cũ nát tan ben bán không? Nát tan ben, nát tan bành, nát không còn chỗ nào nát thêm được nữa đem ra bán cũng mua! Hư cỡ nào cũng mua! Cũ cỡ nào cũng mua! Cũ như thời Bảo Đại ở truồng cũng mua! Hư tả tơi như cái mền rách cũng mua! Còn nếu chưa hư thì phá cho hư rồi đem ra bán cũng mua! Nếu còn mới thì chà cho cũ đem ra bán cũng mua! Nếu chưa nát thì đập tan tành cho loài sexy rồi đem ra bán cũng mua luôn!” Đây là lời rao của một người đàn ông trung niên thường xuất hiện vào khoảng chín mười giờ vào mỗi buổi sáng trong khu phố tôi. Thế mà cũng có người vì thiếu “ thuốc” đã cắt hết dây điện hoặc làm cho hư một bộ phận nào đó trong máy móc của nhà mình để cha mẹ tưởng hư rồi cho bán.

“Dzú, sữa, đây.. ây! Dzú, sữa, đây.. ây! Dzú, dzú dzú, sữa đây.. ây!” Tiếng rao cách điệu lồng trong tiếng máy xe nổ bành bạch của một người thanh niên đi xe honda dame chở theo theo sau một cần xé trái vú sữa nghe rối loạn cả khu phố. Người phụ nữ bực mình vì đứa con nhỏ mới sinh của chị giật mình khóc thét lên. Chị tức quá chạy nhanh ra nói lớn với người thanh niên: “ Dzú chẳng có sữa gì cả mà ngày nào cũng dzú sữa, dzú sữa, dzú sữa!” Người thanh niên chẳng biết vô tình hay cố ý, vừa liếc trộm một cái vào đôi gò bồng căng tròn đang phơi bày nửa kín nửa hở vừa nói “ Dzú dzậy mà không có sữa hả cô!” người phụ nữ bắt gặp ánh mắt liếc trộm ấy vừa bẽn lẽn đi vào vừa nói “ Sữa đâu mà sữa. Còn gần cả chục trái kìa. Trả lại cho anh đấy!

“ Viện Công Nghệ Hóa Màu vừa cho ra đời một loại keo diệt chuột, ruồi muỗi và các loại côn trùng khác mà không có một loại thuốc nào có thể so sánh được…” Một người đàn ông đã từng vì keo diệt chuột này mà làm hư cả tập tài liệu của ông, bởi chẳng những không dính được những con chuột cống, ngược lại, do vướng chân tay của nó khiến nó tức giận tha luôn cả mình mẩy trết đầy keo của nó lên bàn làm việc của ông và vừa trết keo vừa cắn nát giấy tờ của ông. Đã thế, bây giờ, tiếng loa cứ phát đi phát lại ra rả trước mặt nhà ông: “ Viện Công Nghệ Hóa Màu…” khiến ông điếc tai không thể chịu đựng nổi liền quát lên “ Xạo bỏ mẹ! Chỉ diệt được mấy con chuột nhắt. Còn chuột cống ăn hại đến sập cả tiền đồ thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ”

“ Tiền đồng, tiền xu, tiền kẽm, tiền bạc, tiền trự, tiền xâu, tiền lổ, tiền cắc, tiền Bảo Đại, tiền Diệm Nhu, tiền Lê Văn Duyệt, tiền Vua Quan, tiền Đông Dương, tiền Pháp thuộc, tiền rách nát, tiền hư cũ, tiền thời đồ đá, tiền thời khủng long, tiền thời tiền sử, tiền xưa như trái đất, rách nát như cái mền rách , thậm chí chỉ thấy dẹp dẹp, tròn tròn, đen đen chỉ còn một cái lỗ méo méo, tiền… cũng đều mua hết tất tần tật nghe! Ai có nhiều bán nhiều, ai có ít bán ít nghe!” Tiếng rao của người đàn ông này dài từ đầu hẻm cho đến cuối hẻm vẫn chưa hết những thứ mà ông ta muốn mua.

“ Cóc ma ru đây.. ây! Cóc ma ru đây.. ây! Cóc ma ru đây.. ây!” Tiếng rao the thé của một anh chàng đen thù lù đẩy chiếc ba bánh chở một xe trái cóc vào hẻm phố. Người ta đã quen tai với tiếng rao đảo ngược gây sự chú ý này của anh ta nên khi nghe tiếng rao như thế thì xóm làng biết là anh ta đang rao bán trái cóc. Nhưng như tiếng rao thì anh chàng này bán CU MA RỐC chứ đâu phải bán trái cóc.

“ 5 ngàn 2 nải chuối sáp..5 ngàn!”

“ 5 ngàn 2 nảii chuối sáp dẻo luộc..5 ngàn!”

“ 1 ngàn 1 trái chuối voi dài..1 ngàn!”

“ 1 ngàn 1 trái chuối chín cây cứng ngắt..1 ngàn!”

Tiếng rao của đôi trai gái chẳng biết có phải là vợ chồng hay không nhưng cứ nữ rao một tiếng thì nam rao một tiếng như đôi song ca đang trình diễn văn nghệ. Mỗi lần có cặp nam nữ này đẩy xe chuối vào khu phố bán là lũ trẻ dừng mọi thứ vui chơi lại để vểnh tai lên nghe, nhìn.

“Đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười, bóp một cái kêu đau đây! Đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười, bóp một cái kêu đau đây!” Chẳng hiểu anh ta bán cái thứ gì mà rao như thế? Hóa ra anh ta bán một loại đồ chơi búp bê của TQ. Hể đứng thì im re, đi thì cái miệng nhóp nhép, ngồi xuống thì há miệng cười và bóp vào một cái nơi bụng thì kêu lên một tiếng.

“Đài chính, đài phụ đây.. ây..y! Long An, Thành Phố, Đồng Nai đây.. ây..y!” Tiếng rao ọng ẹo của một “ em” “ hai phai” cầm xấp vé số vừa đi vừa nhún nhẩy chìa hết cho người này đến người khác bất kể người ta đang làm gì. Có ông Việt kiều về thăm quê hương đang đứng ngắm giàn hoa sau canh cổng đóng kín. “Em hai phai” trong thấy ông ta qua khung cửa nhỏ của cánh cổng liền áp mặt vào hỏi “ Mua Long An không anh ơi..i, số đẹp, con dê.. ê!” “ Dê gì?” “ Dê nhỏ, số đẹp, 35!” Ông Việt kiều chẳng hiểu ất giáp gì nhưng vẫn lắc đầu “ Vậy thì mua con đĩ nghe anh? Đài phụ, Đồng Nai!” Ông Việt kiều vẫn lắc đầu. Đến lúc này dường như ông đã hiểu. “ Làm gì mà lắc lắc cái đầu mào hoài thấy ghét quá hà! Thôi mua em nè.. è!”

Có một tiếng rao rất ư là..nghệ thuật. Đó là rao bán kẹo kéo thời “ hiện đại”. Xưa kia, người ta treo một cái chuông ở ghi đông xe đạp rồi rung lên. Bây giờ người ta làm một giàn loa âm li lớn, đậu lại một đoạn đường nào đó rộng rồi mở nhạc đệm cho “ca sỹ” biểu diễn ngay giữa đường phố. Còn những người khác trong nhóm thì cầm kẹo kéo đi mời người xem mua. Nhiều người nghe giọng hát không thua gì ca sỹ chuyên nghiệp nhưng cuối cùng họ cũng vỡ lẽ ra rằng “ca sỹ” dỏm này chỉ nhép miệng theo máy của một ca sỹ chuyên nghiệp nào đó mà thôi.

“ Dze chai..ai! Dze chai..ai! Dze chai..ai!” Tiếng rao nhỏ nhẹ của một người đàn bà chừng trên 50 tuổi nghe dịu dàng mà nếu chưa nhìn thấy bà thì cứ nghĩ người rao chỉ khoảng chừng tuổi đôi mươi là cùng. Nhưng hầu như ai cũng thương và kính phục bà. Bà mua bán giấy báo, chai lọ, đồng nhôm, nhựa…đã bao năm nay nên người ta đã quen mặt bà rồi. Thường bà hay dừng chân nghĩ trưa ở bên mái hiên của một chung cư. Sau khi ăn một gói xôi hoặc một củ khoai mì thì bà lật đật xếp gọn lại những thứ đã mua vào đôi gánh cho cân bằng, dễ gánh. Nhìn những giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo bạc màu thế ai cũng thương xót. Nhưng bà không hề than thở một điều gì mà trái lại, nét mặt bà luôn hiện lên một niềm hãnh diện và hạnh phúc bởi hai đưa con trai học đại học Bách Khoa sắp trở thành Kỹ sư của mình.

“ Rau nhút, rau lang, rau muống, rau bồng tơi đây!” “ Rau nhút, rau lang, rau muống, rau bồng tơi đây!” Dân trong khu phố này, sáng sớm khỏi cần phải canh chừng đồng hồ để đi làm mà chỉ cần đến khi nghe tiếng rao giọng Thái Bình của một người đàn ông trung niên cất lên thì biết là khoảng 7 giờ rồi. Người đàn ông bán đủ thứ loại rau trên một chiếc xe đạp rảo vào khu phố tôi và chưa một lần nào trễ nhiều hơn hoặc sớm nhiều hơn 7 giờ. Người ta tự hỏi: Làm sao mà ông ta đúng giờ như thế khi mà ông không thể làm chủ được thời gian trong việc mua bán với khách hàng. Nghĩ mà thấy cũng buồn cười. Với một người bần cùng làm lụng vất vả để có miếng ăn mà có một phong cách mẫu mực như thế trong lúc có nhiều người tự cho mình là kẻ bề trên nên thường đến trễ trong những cuộc hội họp hoặc tiệc tùng.

Có những tiếng rao đồng loạt, chớp nhoáng trong vòng mười phút và chỉ xảy ra đúng 5 giờ kém 10 mỗi chiều nhưng tiếng rao ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là dân chơi số đề suốt thời gian sau đó. Hàng chục đưa bé chạy cấp tập tỏa ra các hẻm bất kể xe cộ lưu thông trên đường để rao: “ Giấy dò đây! Giấy dò đây!” Người đón mua cũng có vẻ như sốt ruột chờ đợi những tờ giấy dò đó. Có người còn chạy nhanh theo đứa bé để kịp mua cho được tờ giấy dò. Và thường sau những tiếng rao bán giấy dò đó là những cuộc cãi cọ hoặc những buổi nhậu nhẹt, thậm chí đâm chém nhau do trúng hoặc thua số. Có một cặp vợ chồng tối ngày lo bàn chuyện đánh số đề. Hễ sáng sớm, ông chồng đẩy xe xích lô ra mà bắt gặp điều gì trước tiên là ông luận cho ra một con số. Bà vợ thì vấp hoặc đạp phải cái gì là lập tức cũng hiện ra một con số trong đầu. Những thứ mà trong làng đề có sẵn như: Con dê: 35, 37; Cái hòm: 22, 62; Con khỉ nhỏ: 23, khỉ lớn: 63; Chó nhỏ: 11, chó lớn: 51; Vú nhỏ: 04, vú lớn: 44; Cứt nhỏ: 36, cứt lớn: 34; L. nhỏ ( bộ phận sinh dục nữ): 02, L. vừa: 42, L. lớn: 82; C. nhỏ ( bộ phận sinh dục nam): 31, C. lớn: 71…thì bàn ít. Những gì chưa có số thì hai vợ chồng bàn luận cả ngày. Nhưng đến chiều lại, sau khi ngóng tiếng rao dò số trong tâm trạng hy vọng thì một cuộc đấm đá, cãi cọ xảy ra giữa hai vợ chồng. Chồng thì : “ Tại mày mê con C. lớn nên xúi tao mua 71!” Vợ thì: “ Tại mày thèm cái L. nhỏ nên buộc tao phải mua 02!”. Và một năm 365 ngày thì hiếm lắm mới có một ngày: “ Nhờ em đạp cục cứt chó mà vợ chồng mình tối nay mát trời ông địa luôn!”

Có một tiếng rao không bằng môi miệng giọng điệu mà bằng một xâu đồng xu. Đó là anh chàng đấm bóp giác hơi. Cứ đêm đêm có một anh thanh niên cọc cạch trên chiếc xe đạp, tay cứ lóc xóc xâu đồng xu kêu lích xích, lích xích nghe rất vui tai. Nhưng chẳng biết có phải vì anh ta thấy có người thích tiếng lích xích ấy hay không mà cứ tới ở một góc phố bên hông nhà của một người phụ nữ có chồng làm việc ngoài Hà Nội lâu lâu mới về một lần thì dừng lại và xóc miết. Có lẽ quá thích tiếng rao lích xích mà chỉ một lúc, người phụ nữ mở cửa sau mời chàng vào đấm bóp giác hơi cho tới tờ mờ sáng. Và có ai ngờ không? Chàng đấm bóp giác hơi trên chiếc xe đạp cà tàng vào ban đêm này, thì ban ngày hiện hình là một chàng công tử bô trai cưỡi xe Dilan láng cón lả lướt trên phố.

Thôi..mệt rồi! Tiếng rao Sài Gòn thì nhiều vô số, nào là: Nghêu, sò, ốc, hến; Nào là chôm chôm, bìm bịp; Nào là sầu riêng, mít ướt; Nào là hột vịt, hột gà…Hẹn một dịp khác!

Thánh Đát lạc vào động tiên

Sau khi gia đình Nguyên Hùng về lại Sài Gòn, chúng tôi đến nhà Đào Xuân Mai chơi. “Cảnh sát” của Đào Xuân Mai sau khi bày la liệt trên bàn toàn cầy tơ đủ món rồi xin phép đi chơi để cho chúng tôi ở nhà quậy. “Cảnh sát” của Đào Xuân Mai đâu có ngờ chúng tôi hẹn với Vũ Thanh Hoa sau đó nửa giờ.

Đào Xuan Mai đào rượu ngâm mấy chục loại thuốc tráng dương bổ thận theo kiểu của vua Minh Mạng, chôn dưới đất đủ 100 ngày lên đãi chúng tôi. Rượu bổ nhậu cùng với 7 món cầy tơ hòa vào với nhóm máu D của chúng tôi làm cho chúng tôi sung lên dễ sợ. Có một điều lạ là VTH không ăn cầy tơ, không uống rượu Minh Mạng mà lại sung hơn bọn đàn ông chúng tôi. VTH buộc DXM phải giải tỏa nỗi khao khát Karaoke dồn nén bấy lâu nay. DXM chìu lòng người đẹp liền bày giàn máy “ hại điện” ra. Thế là VTH biểu diễn ngón nghề một cách điệu đàng và ngọt ngào Bài Ca Không Quên. Còn DXM thì cứ khom mình điều chỉnh dung lượng cho đủ năng lực của VTH. Tùng Bách, Thánh Đát và Trung Kim thì căng tai mắt lên để thưởng thức.

Chẳng biết tại máy móc hay tại DXM quá khớp với một VTH không uống cũng say nên rung tay chỉnh dung lượng không được hay sao mà giọng điệu và hơi thở của VTH cứ phát ra tiếng sột soạt, thỉnh thoảng lại có tiếng rên rỉ.

Trong lúc VTH vẫn đang sung còn DXM thì tỏ vẻ bất lực, thánh Đát phán:

- Thôi ra Karaoke ngoài phố đi!

Bởi chúng tôi đang sung nên hưởng ứng ngay. Nhất là VTH đang lưng chừng trên mây mà cụt hứng thì không thể nào chịu nổi.

Khổ nỗi là Vũng Tàu mấy ngày lễ khách thập phương xuống rất đông. Không một phòng Karaoke nào còn trống. VTH và DXM tách ra một hướng khác để tìm phòng. Thánh Đát chở TK cùng với TB xuôi về một hướng khác. Khi nào có phòng thì gọi điện cho nhau. Sau một hồi tìm kiếm vất vả mà chẳng có phòng nào, thánh Đát nghĩ rằng đi xa xa phố một chút thì may ra còn nên phóng xe một lèo ra hướng vắng người. Và đúng thật, thánh Đát thấy một tiệm Karaoke ít khách thì liền tấp vào. Một đám tiếp viên nam nữ ùa ra mời chào ân cần, lịch sự, ngọt ngào. Thánh Đát hỏi:

- Còn phòng không?

- Dạ còn..Bao nhiêu cũng còn!

Thánh Đát mặt mày hớn hở móc điện thoại gọi gấp DXM và VTH đến.

Vừa mở cửa phòng, TK nghe một mùi da thịt nồng nặc khó chịu. Thánh Đát thì nghĩ rằng do chưa mở máy lạnh nên không khí oi nồng liền tỏ ra sành sỏi chốn này, phán với tiếp tân:

- Mở máy lạnh lên! Mở máy lạnh lên!

VTH thì nói:

- Mấy anh chọn nhầm chỗ rồi. Em còn lạ gì!

Thánh Đát ngây người, hỏi:

- Sao nhầm?

- Chứ mấy anh không nhận ra những nàng tiên ăn mặc hớ hênh, mắt xanh mũi đỏ đó à? Nhưng lỡ vào rồi thì không thoái lui được đâu!

Nhìn những nét mặt chân chất của thánh Đát, TB và DXM mà thương quá! Đúng là chúng tôi chỉ được tài bạo miệng trên blog thế thôi chứ ra ngoài thì thua bọn thanh niên choai choai bây giờ. Còn thêm một điều lạ nữa, VTH lại rành rọt về chuyện này hơn đàn ông chúng tôi.

- Vào đây chỉ hát Karaoke tay thôi! – VTH nói.

- Karaoke tay là hát sao? – TK hỏi

VTH biểu diễn một vài đường vuốt ve mơn trớn đôi bàn tay vào khoảng không trước mặt khiến chúng tôi thích thú. Thế là chúng tôi thôi kệ: Hát Karaoke tay cũng được! Bỗng cửa phòng mở. Một tiên nữ trắng xóa, ăn mặc để lộ “đôi nửa vầng trăng”, uốn éo đôi “đôi phao câu” xà tới thánh Đát. Thánh Đát thấy có một nàng tiên bỗng nhiên xà tới hôn mình thì mặt mày tái méc liền né tránh. Nhưng nàng tiên không chịu buông tha cứ áp mặt tới. Thánh Đát lại né nữa. Có lẽ không biết né đi đâu hoặc có lẽ sợ mất mặt đấng nam nhi nên thánh Đát “ chịu đèn”. Nhưng nàng tiên không hôn mà để đôi môi đỏ chéc ngậm vào tai thánh nói: “ Anh có cần em út không?”. Thánh Đát có lẽ ở trên trời mới rớt xuống nên không hiểu chữ em út là gì hoặc là nghe đến chữ em út thì choáng váng mặt mày hay sao nên há hốc miệng hỏi: “ Há?”. Nàng tiên lại cúi xuống ngậm vào tai thánh nói: “ Anh có cần chuyện ấy không?”. Thánh Đát giật nẩy người khi nghe đến chữ “ chuyện ấy” rồi lắp bắp và lắc đầu nguầy nguậy:

- Không không..không! Có..có rồi..có rồi…

Nàng tiên liếc xéo VTH một cái rồi ngúng nguẩy đôi “ phao câu” đi ra...

* Một câu chuyện tức cười đầu năm

Năm nào cũng thế, tôi thường rảo xe quanh phố một chặp rồi về. Tôi thích cái không gian và thời gian tĩnh lặng thiêng liêng của ngày đầu xuân khác hẳn với mọi ngày ồn ào náo nhiệt của Sài Gòn. Sáng nay cũng thế, chẳng cần phải ăn mặc tươm tất như thường ngày đi làm, tôi khoác đại chiếc áo gió mặc trong nhà mỗi khi thời tiết trở lạnh, rồi đi.

Vừa ra khỏi ngõ, tôi gặp bác D.

- Chúc mừng năm mới bác khỏe mạnh!

Bác D. vẫy tay để tôi dừng lại.

- Đầu năm gặp chú là tôi may lắm. Tôi thích nói chuyện chơi với chú mà cả năm có thấy mặt mày chú đâu! Xóm làng ai cũng thích chú. Chú có cái tâm. Đầu năm đi đâu mà vội, vào nhà uống chút cà phê. Tôi khoái người như chú đạp đất nhà tôi.

- Dạ.. Hãy còn quá sớm, mới 6, 7 giờ sáng. Để lát nữa rồi…

- Chậc, đâu có gì ngại. Nhà tôi đi du lịch hết rồi! Thế mới kẹt cho tôi chớ! Sáng sớm mùng 1 mà tìm được một anh xe ôm thì thật là khó.

- Dạ kẹt gì bác?

- Tôi có thằng em nằm bệnh viện mới điện thoại nhắn tôi. Trong nhà có bốn năm chiếc xe mà bó tay.

Tôi nghĩ chắc họ đi du lịch đã mang theo chìa khóa xe rồi.

- Dạ bác lấy xe con đi tạm.

- Đâu phải tôi không có xe. Nhưng tôi già rồi, tay lái không vững kể từ ngày tim tôi bất ổn đến giờ.

- Dạ thôi để con chở bác đi một chút.

- Được thế thì tốt quá!

Thế là tôi chở bác D. đến bệnh viện Chợ Rẫy. Bác D. ngại phiền tôi đầu năm nên nói:

- Thôi để lát bác đi xe ôm về cũng được. Đầu năm mà làm phiền chú quá!

Nhưng cả bác D. và tôi nhìn quanh chẳng thấy một anh xe ôm hoặc một anh xích lô nào.

- Không sao con chờ bác được mà!

- Thôi thì con đã giúp bác thì giúp cho trót. Chờ bác một chút nhé!

Tôi không nghĩ là một chút như bác D. đã nói. Bởi vào thăm người bệnh đâu phải chỉ vào nhìn mặt một cái rồi về. Tôi định rảo quanh phố như dự định ban đầu thì bỗng một người phụ nữ chừng hơn 50 tuổi từ trong bệnh viện hớt hải chạy ra nhảy một cái lên ngồi sau lưng tôi rồi ra lệnh:

- Đi!

- Ủa…

- Tui bảo đi thì đi đi! Người ta đang gấp mà! Đi về đường Ba tháng Hai!

Chẳng hiểu vì sao tôi như cái máy phóng xe theo ý của người phụ nữ. Có điều tôi biết chắc rằng người phụ nữ này có một người thân đang nằm cấp cứu trong bệnh viện và bà ta cần phải khẩn cấp như thế.

Đến trước một căn nhà ở trong một con hẻm trên đường Ba Tháng Hai.

- Chờ tui một chút, chờ tui một chút!

Tôi chưa kịp nói gì thì người phụ nữ đã lao vào trong nhà. Một lúc sau, người phụ nữ chạy ra, phóc lên sau lưng tôi rồi ra lệnh nữa:

- Đi đi, lẹ lên!

Tôi định mở miệng thì bà ta lại quát lên:

- Tui biểu đi đâu thì cứ đi đó. Đừng có hỏi gì cả! Đầu óc người ta đang bấn loạn cả lên đây!

Đúng là nét mặt người phụ nữ đang bấn loạn đến tội nghiệp. Tâm trí của bà ta chẳng chú ý đến điều gì chung quanh.

- Chạy về đường Hoàng Hoa Thám!

- Hoàng Hoa Thám nào?

- Chời ơi là chời! Hoàng Hoa Thám mà không biết thì làm ăn cái gì! Đi, đi về hướng Tân Bình!

Sau khi vào một ngôi nhà trên đường Hoàng Hoa Thám, người phụ nữ vội chạy ra rồi ra lệnh tiếp:

- Đi về bệnh viện!

Tôi phóng một mạch về bệnh viện. Tâm trạng tôi lúc này cũng hoảng loạn theo người phụ nữ chứ không phải là rảo quanh thành phố để hưởng cái không gian yên bình của ngày đầu năm như ý định ban đầu trước khi ra khỏi nhà nữa.

Đến bệnh viện, vừa nhãy xuống xe, người phụ nữ hất hàm hỏi:

- Bao nhiêu?

- Tôi…

- Tui hỏi bao nhiêu? Lẹ lên! Làm ăn gì mà chậm chạp quá!

- Tôi đâu phải xe ôm!

- Ủa!?

Người phụ nữ nhìn vào cái áo khoác của tôi rồi nhìn vào mặt tôi:

- Không phải xe ôm sao đứng đây! Rồi còn chờ tôi ở mấy nhà kia nữa! Thôi thì lấy đại đi!

Tôi lắc đầu. Người phụ nữ vì quá khẩn cấp nên vừa ném cho tôi một câu: “ Thôi cám ơn nghe!” vừa phóng chạy vào bệnh viện. Vừa lúc ấy, bác D. cũng vừa ra. Nhìn tôi, bác nói:

- Có chuyện gì mà mặt mày vui thế?

- Dạ, vui lắm bác ạ!

-----------------------------------trungkim, mùng 1 tết năm Đinh Hợi (2007)

Năm chuột nói chuyện chuột

Tôi rất ghét chuột. Thế mà đi đâu, làm gì, tôi cũng gặp chuột. Ở nhà thì đêm cũng như ngày, chuột đủ loại chạy nhảy như chồn, như sóc trên mái nhà; Đi trên đường thì tôi không chỉ thấy chuột phơi thây trên lộ mà chuột còn tung hoành ngang dọc khiến xe tôi cũng phải chùng chân; Vào quán ăn nhiều khi đang thưởng thức ngon lành tô phở thì chuột từ đâu bất thần xuất hiện cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm; Ngồi uống cà phê bên đường thì vô số chuột cống từ dưới địa ngục chun lên hù dọa tinh thần. Đến cơ quan thì chuột lớn, chuột nhỏ vơ vét, đục khoét kho tàng muốn sập cơ đồ. Bực bội vì mình không phải tuổi chuột mà đi đâu cũng thấy chuột, thậm chí lấy vợ cũng gặp tuổi chuột, thế là tôi mở chiến dịch chống chuột.

Lúc đầu tôi đi mua bẫy chuột, keo dính chuột và thuốc chuột. Nhưng kế sách của tôi thất bại. Bẫy chuột và keo dính chuột thì chỉ có chuột nhắt mới sợ còn chuột cống thì vào ra bẫy và keo như đi chợ. Thuốc chuột thì khi bị say thuốc là tìm nơi mát mẻ trong nhà tôi như dưới tủ, trong hốc nhà… để an giấc ngàn thu, nên thỉnh thoảng nhà tôi phải xới tung đồ đạc lên để tìm cái mùi không thể chịu nổi. Đã thế, chuột còn tức tối trả thù tôi. Chuột leo lên lầu gặm lủng ống nước; Vào máy giặt thử răng cửa với những sợi giây cáp điện; Vào phòng làm việc của tôi cắn nát giấy tờ để lấy nguyên liệu xây tổ uyên ương rồi sinh con đẻ cái trong đó. Cuối cùng thì tôi phải bỏ kế hoạch diệt chuột để chuyển qua kế hoạch chơi với mèo. Bởi tôi nghĩ mèo là một thế lực đối trọng với chuột. Thật ra tôi cũng rất ghét mèo vì cái bản chất không nhận thức được hành động của mình có làm phiền lòng người khác hay không. Nhưng bực bội lũ chuột quá mà tôi đành phải chơi với mèo. Tôi xin một con mèo cái về nuôi vì nghĩ mèo cái còn đẻ được thêm nhiều con nữa. Mèo tỏ vẻ thiện chí siêng năng lắm. Hể thấy chuột là say máu mùi tử khí chiến đấu tới cùng. Vì thế chuột cũng ít dám mon men đột nhập vào nhà tôi. Để tăng thêm uy lực cho mèo nhằm khủng bố tinh thần của chuột, tôi chỉnh điện thoại di động phát ra tiếng mèo kêu mỗi khi có người gọi đến và ban đêm cứ khoảng một giờ thì phát ra vài tiếng meo meo.

Nhưng, sau một thời gian được tôi trọng dụng ưu ái, mèo tưởng mình là nhân vật quan trọng nhất trong nhà nên tỏ ra lờn mặt và coi tôi không ra gì. Ban ngày thì giả bộ hiền lành thế nhưng lại chực ăn trên ngồi trước những thứ gì mà tôi chưa được hưởng. Nhà tôi mà mèo làm như nhà của mèo, rủ rê không biết bao nhiêu là mèo đực về ngủ la liệt từ trên bàn thờ cho đến xuống bếp và chiếm đoạt luôn cái giường nệm Kim Đan của tôi. Ban đêm thì tru tréo, rên siết, đú đỡn, động đực và rượt nhau chạy rầm rầm trên mái nhà tôn. Thỉnh thoảng lại tha về một con chuột cất trong nhà để khoe thành tích với tôi. Đã thế, khi nghe điện thoại di động của tôi để trên đầu giường phát ra tiếng kêu meo meo thì tưởng rằng tôi yêu mèo lắm nên cứ chun vào mùng ngủ chung với tôi. Lại còn rủ thêm vài cô mèo hàng xóm đến ngủ với tôi cho vui nữa chứ! Tôi bắt đầu phát hoảng. Nếu tình hình như thế này, không sớm thì muộn mèo cũng xâm chiếm nhà tôi và đuổi tôi ra khỏi giang sơn của tôi cho coi. Thôi thì tôi nghiêng về phía chuột cho chắc ăn. Dẫu sao chuột cũng biết kiêng nể tôi. Nó cũng đâu có ý định xâm chiếm nhà tôi. Nó chỉ lén lút mưu sinh thôi. Và nó thừa sự thông minh hơn mèo để biết cái ý chí quật cường của tôi kia mà. Cũng tại tôi mưu đồ ám hại chuột chứ chuyện ai nấy lo, quyến ai nấy sống thì đâu có việc gì. Vả lại, suy cho cùng thì chuột lại tinh khôn hơn mèo nhiều. Nếu tức giận chửi đổng nó thì nó càng lộng hành hơn. Nhưng nói nhỏ nhẹ với nó thì nó núp ở đâu đó trong nhà là nó nghe, nó hiểu, nó không quậy phá nữa. Còn mèo thì..ôi thôi, có vuốt ve dỗ dành hay hét vào mang tai nó, nó cũng trơ cái mặt làm ra vẻ ngoan ngoãn dịu hiền lắm nhưng cái bản chất vẫn y như cũ.

Thôi từ nay tôi xin sống chung với chuột và dứt khoát phải tống khứ con mèo ngang ngược, hỗn xược và xảo quyệt ra khỏi nhà.