London by LMP

Hôm nay, 31-5-2009 là sinh nhật lần thứ 150 của đồng hồ Big Ben "chiếc đồng hồ bốn mặt có chuông lớn nhất thế giới" trên tháp của cung điện Westminster tại thủ đô London của nước Anh. Tên gọi đầy đủ của đồng hồ này là "the Great Clock of Westminster"- đồng hồ lớn của Westminster, nhưng người ta thường gọi nó theo tên gọi của quả chuông đồng hồ là Big Ben.

Tôi từng nghĩ Big Ben đơn giản là "quả chuông lớn", nhưng có một số người cho rằng "Big Ben" là tên lóng của nghị sỹ Benjamin Hall, người được giao trọng trách đặt gia công chiếc đồng hồ. Người ta kể là trong cuộc họp của Nghị Viện Anh để đặt tên cho đồng hồ này, ông này đã đứng lên phát biểu rất dài. Khi ông về chỗ, ai đó nói lớn: "Sao không gọi luôn nó là Big Ben đi". Tất cả cười ầm lên và từ đó người ta chấp nhận tên gọi đó. Nhưng có thông tin cho Big Ben được lấy từ tên của Ben Caunt, một võ sĩ quyền Anh hạng nặng nổi tiếng hồi thế kỷ XIX.

Tôi mới chỉ ở London có 3 ngày nên chưa biết nhiều về thành phố nghe nói được những người Roma xây dựng vào khoảng 2000 năm trước.

Từ nhỏ tôi đã khao khát đến Cầu Tháp Luân Đôn (Tower Bridge) trên dòng sông Thames. Và cầu đây rồi, đẹp đến sững sờ. Tôi cứ ngỡ như mình đang đứng nơi cội nguồn của văn minh nhân loại.

Dưới chân cầu có Tháp London thật nguy nga, hoàng tráng. Gọi là Tháp nhưng đó là một lâu đài có đến 20 ngọn tháp. Ngoṇ tháp lâu đời nhất là White Tower.

Tôi luôn thích quan tâm đến nguồn gốc của các tên gọi nên đặc biệt chú ý đến tháp Bloody Tower (Tháp Đẫm Máu). Tháp này trước đây có tên là Garden Tower nhưng vào năm 1483 hai hoàng tử của Vua Edward IV bị giết trong đó nên người ta gọi nó như vậy. Hơn hai thế kỷ sau người ta phát hiện có hai bộ xương trẻ em chôn dưới bậc thang của White Tower và cho rằng đó là hài cốt của hai hoàng tử.

Tháp Quạ (Tower of Ravens) cũng là cái tên khiến tôi tò mò. Ở đó có nhiều quạ đen thật. Người ta kể rằng, trước đây trạm thiên văn hoàng gia đặt ở đây . Do các nhà thiên văn phàn nàn về lũ quạ thường cản trở sự quan sát nên vua Charles II ra lệnh tìm cách đuổi chúng đi. Nhưng rồi có người nói với vua rằng nếu quạ đen bay đi thì ngai vàng và Vương Quốc Anh sẽ sụp đổ. Vì thế mà vua đổi ý và thay vì đuổi quạ đi, ông ra lệnh chuyển trạm thiên văn đến chỗ trạm Greenwhich nổi tiếng bây giờ (ảnh dưới).

Quạ ở đây được chăm sóc từ ngân sách đặc biệt của Nghị viện. Hiện có 9 con quạ đen ở đây , 5 con đực có tên là Gwyllum, Bran , Cedric, Baldrick, Gundulf , 4 con cái là Hugine, Munin Fleur và Branwen. Con già nhất là Gwyllum đã 18 tuổi. Jim Crow từng là con sống lâu nhất - 44 năm. Nghe nói những con quạ ở đây rất thông minh và chúng sống theo từng cặp vợ chồng rất chung thủy.

Người ta treo biển báo du khách đề phòng quạ mổ. Hai con Charlie từng Rhys có tiền sử mổ khách đến 17 lần. Khi có dịch cúm gia cầm, người ta đã lo lắng ra lệnh nhốt chúng lại trong những chiếc lồng đặc biệt. Những người mặc trang phục như sỹ quan kia là nhân viên săn sóc qụa đấy. Có hẳn một chức danh cho người chăm sóc quạ là Raven Master. Những con quạ đã bị cắt cánh để khỏi bay đi mất. Những người Anh bảo thủ rất hài lòng vì việc chăm sóc quạ ở đây như giữ lại một nét truyền thống của nước này trong khi nhiều truyền thống khác đã mất đi hay đang ngày càng mai một. Còn những người sẽ kế vị trong hoàng tộc thì sao? Tất nhiên nếu lũ quạ có mệnh hệ gì chắc họ sẽ sốc nặng!!!

.

Là nơi ở chính thức của Hoàng gia Anh, cung điện Buckingham cũng là một địa điểm có nhiều du khách đến tham quan.

Từ cung điện, tôi đi bộ về khách sạn ngang qua công viên Hyde , công viên lớn nhất Luân Đôn thường là nơi tổ chức các hoạt động chúc mừng của hoàng gia. Công viên rộng mênh mông như một khu rừng với thảm cỏ xanh ngăn ngắt.

Tôi có may mắn là đã được ngồi trên một chiếc xe buýt hai tầng đỏ rực, một trong những biểu tượng của London.

Do không có kinh nghiệm nên tôi nhảy lên chiếc xe "open top"(nóc trần) giữa lúc thành phố mưa sụt sùi suốt ngày. Người lái xe phát cho mỗi người một miếng nylon mỏng dính để trùm đầu. Mỗi ghế đều có tai nghe để nghe thuyết minh về từng điểm xe chạy qua. Có đến 6 thứ tiếng để chọn và tất nhiên không có tiếng Việt . Thấy tôi chọn tiếng Nga để nghe, người khách bên cạnh liếc sang tôi hoài nghi.....

Nói là may mắn vì loại xe này đã bị cấm từ tháng 12 năm 2005 vì nó đã quá cũ kỹ, lạc hậu và cầu thang lên tầng trên không an toàn. Khi lệnh này được thông báo, những người Anh nổi tiếng bảo thủ vì chỉ muốn giữ lại những giá trị truyền thống đã rất tranh thủ để có cơ hội đi những chuyến xe cuối cùng.

Tôi cũng là người bảo thủ chăng khi thường hoài niệm về những gì classic. Và lần sau nếu có trở lại London, chắc tôi sẽ buồn nhớ những chiếc xe bus đỏ cũ kỹ nóc trần...