Rome Legend (LMP)

Trên nhiều trang Web và mặt báo có viết rằng : “Rome là tên ghép của hai anh em sinh đôi Romulus và Remus. Họ là con của thần Chiến tranh và công chúa La-tin”.

Tôi viết bài này với một chút hiệu đính về nhận định ấy.

Thứ nhất về mặt cấu trúc ngôn ngữ, người ta không ghép hai từ theo kiểu lấy /rom/ trong Romulus để ghép với /e/ trong Remus. Nếu ghép hai tên đó thì sẽ ra những từ kiểu Romus hay RoRe…chẳng hạn. Hơn nữa, Rome chỉ là tên tiếng Anh, còn người Ý gọi thủ đô của mình là Roma theo tiếng Latinh.

Còn nguyên nhân thứ hai? Xin nhân đây mà được dẫn dắt các độc giả theo truyền thuyết về thành Roma huyền thoại.

Biểu tượng đầy bi tráng của thành Rome là bức tượng hai cậu bé đang bú con sói cái dưới đây: đó là cặp song sinh Romulus và Remus (Thực ra, tôi thấy biểu tượng này trên mặt tiền một nhà thờ ở pháo đài thành phố Siena).

Ngược dòng thời gian theo trường ca Iliad, vào lúc thành Troia đang bị người Hy Lạp cướp phá, Aeneas, một tướng của Troia - con một người em của vua Priam và Nữ thần Aphrodite, đã mang cha già, vợ con cùng những bức tượng thờ tổ tiên của dân tộc mình chạy sang vùng bán đảo Italia tạo dựng vương quốc của mình, đóng đô tại Alba Longa.

Đến đời vua thứ 13 là Numitor thì xảy ra việc em vua là Amulius đã cướp ngôi và giam cầm anh mình. Lo sợ trước lời tiên đoán rằng đứa con do công chúa Rhea Silvia- con gái vua Numitor, sinh ra sẽ báo thù, cướp lại ngai vàng, Amulius đã bắt cháu gái mình trở thành trinh nữ hiến tế (Vestal Virgin) hòng giam cầm trong đền thờ để nàng không thể sinh con.

Nhưng Silvia đã được thần chiến tranh Mars yêu thương trong đền, sau đó hạ sinh hai đứa con trai.

Bị vua Amilius ra lệnh đem thả xuống dòng Tiber, hai đứa trẻ không chết mà dạt vào bờ và được một con sói cái mới sinh con tha về cho bú.

Một ngày nọ, một người chăn cừu (shepherd) hiếm muộn, đã mang hai đứa trẻ về nuôi và đặt tên là Romulus và Remus. Con sói cũng đi theo và tiếp tục cho bọn trẻ bú sữa.

Hai anh em khi lớn lên đã biết về thân phận mình và giết Amulius, giải phóng cho mẹ và ông ngoại Numitor. Cư dân thành phố muốn tôn hai anh em lên ngôi trị vì, nhưng hai anh em quyết định phục hồi ngôi vua cho ông ngoại, còn họ đem theo nhiều nô lệ đến khu vực đồi Palatine bên dòng sông Tiber, nơi đã từng giúp họ sống sót để xây dựng một thành phố.

Để phân định ngôi vua, hai anh em quyết định dựa vào“ điềm trời“ : trong sớm mai, mỗi người leo lên một đỉnh núi, và ai thấy nhiều chim trên trời bay trên đầu hơn thì người ấy sẽ là vua . Romulus đã thắng cuộc và đặt tên thành phố mới theo tên mình là Roma. Sau này, Romulus đã giết chết người anh em sinh đôi đã cùng chung những ngày bú sữa sói.

Như vậy, đó là nguyên nhân thứ hai tôi muốn nói vì sao Roma không phải là tên ghép của hai anh em.

Có một vài truyền thuyết về Roma, nhưng mỗi khi nhớ đến truyền thuyết này, tôi luôn rất xúc động...

(LMP)