Kao Sơn-Thơ

Một chút xưa

Rất có thể mai ngày ta trở lại

Cát sỏi kia đã phơi trắng lòng hồ

Và Em nữa, Em đã thành thiếu phụ

Mắt buồn nhìn ta như chưa gặp bao giờ

Thì có sao đâu!? Ta vẫn vào trong quán

Gọi cốc cà phê, chọn đúng chỗ xưa ngồi

Nghe trong gió lời thì thào kỉ niệm

Một chút xưa về trong nắng... chơi vơi

Trái Tim Chí Phèo

Thoảng như .. Người mới đâu đây

Vừa đi - vừa chửi - vừa say... giữa đời

Trần mình với bóng mình thôi

Mảnh chai Người rạch mặt Người... buồn tênh

Đau đời mượn rượu tìm quên

Vết thương sẹo vẫn chẳng liền... Người ơi

Với đời - Người vẫn mồ côi

Trái tim - Vẫn trái tim thời hồng hoang

Vẫn run rẩy trước trăng vàng

Cháo hành một bát - Nợ mang một đời

Cả tin nên mắc bẫy người

Tấm thân còm cõi dưới giời nắng thiêu

Đạp lên cát bụi kiếp nghèo

Trái tim rớm máu đem treo giữa trời

Vung dao đòi được làm Người

Bát rượu cuối - Cả đất giời cùng say

Hình như.. NGƯỜI vẫn đâu đây!

Tình khúc tuổi 50

Vướng tình ở tuổi Năm mươi

Làm sao lại thế hả Tôi, hả Giời?

Trái tim ngỡ hóa đá rồi

Bỗng dưng loạn nhịp bởi người ... đâu đâu

Tình cờ một thoáng gặp nhau

Người ta cũng chỉ hỏi chào bâng quơ

Thế mà như bị... Ma đưa

Ngóng trông ra ngẩn vào ngơ cả ngày

Thế mà như bị... Giời đày

Chợt vui - chợt giận - chợt ngây - chợt khùng!

Tuổi Năm mươi - cũng lạ lùng

Tự dưng... đổ đốn

phải lòng ...

Người dưng

Ốc biển

Tặng bạn văn

Một đời

Gắn với biển khơi

Một đời im lặng

Một đời nổi nênh

Buồn

Vui

Mình chỉ với mình

Bao nhiêu bão tố

Giấu trong vỏ ngà

Một ngày

Tự bến bờ xa

Nằm nghe song đổ

Vỡ òa….

Rồi im

Thân về trong cát

Nhẹ tênh

Hồn còn theo gió

Hát – trên – môi – người !

Hãy nhắm mắt lại

Thôi, dừng lại đi em

Đừng bước nữa

Trên cây cầu vồng bảy sắc

Cây cầu đầy bất trắc

Đừng nhìn lên

Mặt trời làm em lóa mắt

Đừng nhìn xuống

Độ cao sẽ làm em chóng mặt

Đừng nhìn ra xung quanh

Những mời gọi dối lừa

Hãy nhắm mắt lại

Nhắm thật chặt

Nhìn sâu vào trái tim mình

Và đưa bàn tay cho anh.

Ngựa hoang

Ngựa hoang

Ngựa hoang

Chiều vàng

Khói thuốc loang

Người nghệ sỹ lang thang

Cất giọng khan

Gọi

Ngựa hoang

Ngựa hoang

Ở đâu

Về ăn ánh hoàng hôn trên thảo nguyên vàng

Tiếng gọi khan

Không thể vang xa

Tiếng gọi khan đọng lại nơi lá cỏ

Chiều

Thảo nguyên

gió

khói thuốc…

Loang

Mai ngày mỏi bước lang thang

Ngựa hoang về gặm cỏ vàng…

Chợt say

Vô duyên

Tựa lưng vào hũ rượu sành

Lim dim con mắt mà xanh với đời

Buồn tình đổ bóng ra phơi

Vô duyên lại gặp lúc giời nắng râm

Một thoáng vu lan

Gió cợt nhả

Mây ỡm ờ

Kẽ liếp thưa

Hấp háy

Gầm giường chuột chạy

Tiếng mèo hoang rơi vỡ mái nhà

Vại ăm ắp

nước

Nuốt cơn khát

Lửa nung

Ngực trần

bỏng rát

Bên sông Hoa cải ngẩn ngơ

Vàng vọt vầng trăng góa bụa

Lý ngựa say

Có con ngựa

Ngựa ô

Đường xa

Tung bụi mù

Có đôi Mắt nai

Duỗi chân dài

Phi trên nền nhạc

Nụ cười mộng du

Có bước chân trần

Có cái nhìn

Cơn khát

Tức ran lồng ngực

Chiều hoang khói thuốc

Có anh chàng

Say

Người đàn bà cát

Trên bãi biển

Giữa một ngày đầy nắng và gió

Trong cơ mê khát

Ta hì hục đắp

Những người đàn bà cát...

Cứ mỗi cơn sóng trào qua

Trên tay ta chỉ còn những bọt nước

Mụ mị

Mê ...

và Khát

Những ánh mắt thủy tinh vụn nát...

Những người đàn bà cát

Xác vương đầy biển khơi

Đã từng

Tặng MKT

Đã từng rong chơi với gió

Đã từng vấp ngã bươu đầu

Đã từng bị người bắt nạt

Đã từng...

Thì có sao đâu !?

Càng đau nỗi đời quay quắt

Càng dày hai chữ Nghĩa - Nhân

Ta lại về chơi với cỏ

Rập đầu tạ đức cao xanh

Gửi bạn ăn mày

Tôi - Người nào khác chi nhau

Khác chăng chỉ vẻ dãi dầu phong sương

Gậy tre Người vẹt dặm đường

Áo tơi nón lá che xương ngực gầy

Tay xoè đợi những bàn tay

Lá vàng bay...

Lá vàng bay...

... Lá vàng

Bên này cách một lòng đường

Ngẩn ngơ tôi cũng tha phương cùng Người

Làm thơ tặng cả đất trời

Những mong tìm gặp một lời tri âm

Trời lặng câm !

Đất lặng câm !

Dửng dưng mắt !

Dửng dưng lòng!

.... Dửng dưng !

Gửi người chưa biết mặt

Chúng mình cứ "chát" hoặc gọi nhau qua điện thoại

Chúng mình cứ viết những câu ngắn và giản dị như thế

Sau công việc bộn bề

ta dành cho nhau những âm thanh ngọt ngào

Như lời ru trong đêm...

Thôi em đừng hỏi anh những điều không dễ nói

Xin đừng nhắc tháng năm xa

Anh sợ em thất vọng

Khi anh đã đi qua bao mùa lá rụng

Đêm âm thầm xa xót tiếng sương rơi

Anh là kẻ khóc mướn thương vay, lo chuyện giời ơi đất hỡi

Kẻ rong chơi trên mỗi phím bấm

Kẻ như mây lang thang

Hãy để cho anh

Trong lời ru vẫn thấy trái tim em thổn thức

Nghe gió lao xao, sóng vỗ ầm ào...

Dòng chữ hiện lên

Lời giản dị ấm áp qua hơi thở

Đủ cho anh nhận ra vẻ đẹp của em

Nhận ra những mất mát âu lo, thiếu hụt trong sự dư thừa

Nhận ra bước chân em qua từng tiếng lá vỡ

Nhận ra bao điều không dễ gì cắt nghĩa

Nhận ra người chưa biết mặt

Đang sống rất nhiều cho nhau...

Chúng mình cứ "Chát" hoặc gọi nhau qua điện thoại

Chúng mình cứ viết những câu ngắn và giản dị như thế

Sau công việc bộn bề

Anh dành trọn câu thơ

Gửi người...chưa biết mặt!

Vu vơ chiều cuối năm

Sao bỗng chiều nay phố lắm người

Sao về nhiều vậy sắc hoa tươi

Sao khoe lắm thế màu áo mới

Sao chẳng ai vào trong ngõ tôi

Chiều xuống nhưng mà đêm chưa lên

Nắng còn thoi thóp, phố chưa đèn

Ngẩn ngơ ta ngắm người qua lại

Chẳng biết buồn chi... mắt bỗng hoen...

Viết cho mình

20 năm đầu trong trẻo

Cười hồn nhiên và khóc hồn nhiên

Hồn náo nức chứa bao là ảo vọng

Nhìn con người với bao nỗi yêu - tin

Nửa đời sau

Cát bụi cuộc đời

Dằn ngửa ta ra khăc từng nhát rạch

Vinh danh hão khoác hờ thân gầy guộc

Khóc mướn cười thuê...

Một cõi đi về.

Còn gì chờ ta...

từ nay...

... về kia?

Ngu ngơ

Chiều nay tớ bỗng ngu ngơ

Tưởng như ai đó đang chờ mình đây

Rồi đi cho đến hao gầy

Lang thang theo một đám mây cuối trời

Mải mơ... gặp vạt cỏ đồi

Trượt chân....

Chợt tỉnh...

Rồi cười...

Chiều nay.....

Thơ hai câu

Chiều nay buồn không biết đổ vào đâu

Em một phía - Ta mồ côi một phía

*

Rượu in bóng núi liêu xiêu

Ta xanh rêu đá những chiều không em

*

Chiều đi... đi mãi không về

Để hư không

Cả bốn bề...

Hư không

*

Giữa giời ai gọi tiếng yêu

Để ta chết cả chín chiều... âm ty

*

Ngườiđi...

Còn lại mình tôi

Sông Vân mây trắng...

Xác trôi...

Trắng dòng

* Ta gom hết sắc thu vàng

Ủ trong lá rụng

Để tang

Cho tình

Áo đỏ

Em đang vào độ mùa xuân chín

Ta đã sang đông lá trụi cành

Em phơi áo đỏ bên thềm nắng

Ta cúi đầu đi trong gió hanh

Giời ạ, làm sao cho khỏi buốt

Làm sao tan được nỗi đau này

Em phơi áo đỏ bên thềm nắng

Em giết ta rồi... em có hay ?!

Quê Ninh Bình

Hiện sinh sống tại Tp Hồ Chí Minh

Hội viên Hội nhà văn Việt nam

Ủy viên Ban VHTN-

HNVVN Khóa VII

Hội viên Hội Nhà văn TP HCM

DĐ: 0948690092

Email:

nhavankaoson@yahoo.com.vn

TÁC PHẨM CHÍNH

NƠI BẮT ĐẦU- Tập truyện ngắn -

NXB Tác phẩm mới

NGƯỜI HÁT THÁNH CA-

Tập truyện ngắn - Hội VNNB

DÒNG SÔNG THỜI CON GÁI -

Tiểu thuyết - NXB Quân đội

KHÚC ĐỒNG DAO LẤM LÁP -

Tiểu thuyết - NXB Kim Đồng

CUỘC PHIÊU LƯU CỦA SẺ NÂU -

Truyện dài - NXB KIm Đồng

XÚC XẮC - Thơ - NXB Hội Nhà Văn

GIẢI THƯỞNG

* Giải Ba cuộc thi truyện ngắn

Báo Văn nghệ 1986

cho t.phẩm MÙA HOA ĐÃ ĐẾN -

* Giải thưởng UBTQ LHCHVHNT VN

cho tập truyện ngắn

NGƯỜI HÁT THÁNH CA

* Giải A - NXB KĐ

cho tiểu thuyết

KHÚC ĐỒNG DAO LẤM LÁP

* Giải A cuộc thi THƠ LỤC BÁT-

Báo Văn nghệ 2001- 2002

Tác phẩm XƯƠNG RỒNG TRÊN CÁT

6+ 8 = 99 bài thơ Lục bát thế kỷ XX

Báo Điện tử Tổ Quốc Thi tuyển

trong 2 năm 2007- 2008

Vũ Quốc Văn-Nhà văn Kao Sơn:Từ cuộc đời đến những trang thơ trong Xúc xắc

Tôi không nhớ đã đọc những truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn của Kao Sơn từ ngày tháng năm nào. Nhưng sau khi đọc rồi thì tôi đâm “ phải lòng” cái giọng văn chân mộc mà cô nén, cứ tưng tửng như đùa rất tài tử của anh . Và, tôi đã ước có dịp nào gặp được tác giả này.

Mùa hè năm 2003, tôi cùng hơn chục anh chị em viết văn, làm thơ Hải Phòng đi thực tế sáng tác ở Ninh Bình trong dịp này tôi gặp nhà văn Kao Sơn- tác giả của thiên tiểu thuyết“ Khúc đồng dao lấm láp*”- một tác phẩm tôi hằng trân trọng.

Rồi kể từ cái dạo tôi với Kao Sơn gặp nhau ấy tình cảm giữa tôi với anh ngày một thêm gần gũi. Mỗi dịp gặp, tôi với Kao Sơn lại tự bỏ bớt đi một ít lời xã giao, diệu vợi. Bây giờ vừa tỏ mặt đã bỗ bã nói cười phớ lớ tào lao đủ thứ chuyện trên giời dưới bể. Vắng bóng lâu lâu là a- lô bồ khú, tán dóc cứ như còn tơ lắm.

Thân thiết, hiểu lòng biết dạ nhau bấy nay là thế nhưng chưa một lần tôi nghe Kao Sơn chuyện trò, đàm đạo về Thơ. Vậy mà cái hôm gặp nhau trên Lạng Sơn, Kao Sơn đường đột dúi vào tay tôi cuốn sách còn nồng mùi mực, bảo: “ Thơ của gã đấy, tặng lão đọc chơi, nhá”. Tôi trợn mắt, há mồm nhìn Kao Sơn ngạc nhiên, té ra gã này không chỉ cày bừa, gặt hái trên cánh đồng Văn mà còn khai khẩn, trồng tỉa cả bên xứ đồng Thơ nữa, ghê thật. Kao Sơn cười mủm mỉm thong thả rít thuốc, mắt lơ đãng nhìn khói bay.

Ngay trưa hôm ấy tôi mở tập thơ có tên là Xúc Xắc của Kao Sơn ra đọc. Đọc xong, tôi thực sự mừng cho anh. Không ngờ thơ của Kao Sơn đáo để đến thế. 30 bài thơ được tác giả đặt xen lẫn với những dòng tự sự ( một cách làm chẳng giống ai) hoá ra lại gia tăng thêm sự thú. Nó thú, bởi đó là những bộc bạch gan ruột chất chứa cảm xúc vị tình, người đọc rất dễ cảm thấu, chia sẻ những gì mà tác giả gửi gắm nơi trang viết. Và dường như bài thơ nào, đoạn văn nào trong Xúc Xắc cũng đầy ắp nỗi niềm và lòng trắc ẩn hoà quyện với một tâm hồn đa cảm, lãng mạn. Có thể vì tôi quá yêu quí Kao Sơn mà nhận xét cảm tính chủ quan thái quá và đôn thơ văn anh lên như vậy? Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Xúc Xắc là một tác phẩm thơ đáng được biểu dương như thế.

Theo như Kao Sơn thú thực thì trước nay anh chuyên tâm viết văn xuôi, còn thơ chỉ mới tập tẹ làm trong lần đi dự trại sáng tác của UBTQ Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức trên Thủ Đô dạo mùa thu năm 2001. Lần ấy nhà thơ Lê Khánh Mai, Tạ Văn Sỹ, Nguyễn Thu Nguyệt cùng vài người bạn viết nữa thấy Kao Sơn tự giam mình trong phòng nhiều ngày để viết tiểu thuyết. Thân thể anh vốn chẳng có nhiều da thịt nên ngày càng gầy tóp như con ve cuối hạ. Nếu đận ấy mà các nhà thơ kia không mau kéo Kao Sơn ra khỏi cuộc hành xác mê mải quên đời này thì có khi anh đổ gục chứ chẳng đùa. Rồi để giảm thiểu cường độ vật nhau với chữ, “ rắp tâm” hoàn thành tiểu thuyết “ Dòng sông thời con gái của Kao Sơn, mọi người đã bàn nhau khuyến khích anh làm thơ.

Dĩ nhiên làm thơ cũng chẳng nhàn hạ gì nhưng dù sao cũng giảm bớt cường độ, thời gian lao động cơ bắp đi rất nhiều. Và thật bất ngờ chỉ vài ngày sau đó Kao Sơn trình các bạn thơ tác phẩm thơ đầu tay. Bài thơ ấy tựa đề là Ước vỏn vẹn có hai câu: “ Ước gì như thể thiêu thân/ Được yêu ngọn lửa một lần rồi thôi”. Sau bài Ước, Kao Sơn còn viết thêm bài Lá, nguyên do là sau khi đọc tập thơ của Lê Khánh Mai tặng anh, đọc rồi thì Kao Sơn bỗng nổi hứng và bài thơ ra đời. Bài Lá lúc đầu cũng chỉ có hai câu: “ Một mình làm cả cuộc tình/ Lá xanh tự rút ruột mình mà xanh”. Về sau các bạn thơ khuyên nên thêm hai câu nữa, Kao Sơn không khoái nhưng vì nể bạn đành thể theo: “ Biết đời chẳng thể có anh/ Em đem bóng lẻ đốt mình tương tư”.

Rồi cuối trại viết ấy Kao Sơn cùng đoàn trại viên đi thăm Vịnh Hạ Long, trước khi về Hà Nội, đoàn có một đêm giao lưu với văn nghệ sỹ Vùng Mỏ. Thật may, Kao Sơn cũng vừa kịp hoàn thành bài thơ Ôc Biển, anh đọc trong đêm giao lưu ấy và được nhà thơ Trần Nhuận Minh bảo gửi đăngTạp chí Văn Nghệ Quảng Ninh: “ Một đời gắn với biển khơi/ Một đời im lặng, một đời nổi nênh/Buồn vui mình chỉ với mình/Bao nhiêu bão gió giấu trong vỏ ngà/ Một ngày tự bến bờ xa/ Nằm nghe sóng đổ vỡ oà…Rồi im/ Thân về trong cát nhẹ tênh/ Hồn còn theo gió hát trên môi người”.

Thế là đến trại viết Thủ Đô lần ấy Kao Sơn không chỉ hoàn thành tiểu thuyết “ Dòng Sông thời con gái” mà còn kết duyên được cả với nàng Thơ, điều mà trước đó anh chưa hề nghĩ tới.

Và kể từ sau cái vụ các bạn Nhà thơ xui Kao Sơn làm thơ, anh đâm cao hứng mê mết với nàng Thơ, và chỉ trong thời gian ngắn đã viết được khá nhiều thơ, có một số bài gây ấn tượng. Nhưng hình như Kao Sơn không chỉ có duyên văn mà anh còn có số kiếp với cả thơ nữa thì phải. Âý là Kao Sơn đến với thơ chỉ là sự tình tang ngẫu hứng vì các bạn thơ xui, nào đã lao tâm khổ tứ lặn ngụp với thơ được mấy đỗi đâu, vậy mà lần đầu vác thơ đi ứng thí đã ẵm luôn cái Giải A to lù cuộc thi Thơ lục bát do báo Văn Nghệ tổ chức. Vâng! Đó là một phần thưởng mà nhiều nguời sống chết vì thơ cả đời mơ ước.

Nhưng công bằng mà nói qua chùm thơ Kao Sơn gửi dự thi rồi đoạt giải thì tôi ngờ rằng cái tố chất thơ, cái “khiếu thơ”như là nó đã có trong anh từ thủa nào rồi cũng nên. Có lẽ vì thế mà thơ Kao Sơn như có bùa mê thuốc lú, đọc nó cứ ám vào tâm trạng lòng dạ người ta lạ lắm. Tôi dám chắc người đẹp nào mà đọc những dòng này cũng sẽ ngả nghiêng phê mụ mất thôi: Gía người đừng đẹp, đừng xinh/ Gía người, cái tỉnh tình tinh…đừng giòn/ Gía người đừng mới một con/ Thì sân chùa ấy rêu trơn… mặc người/ Đàng này khổ quá đi thôi/ Tư rằm mồng một kéo tôi lên chùa/ Khói hương như thể ngải bùa/ Lúng la lúng liếng như đùa như trêu…Người vào lễ phật, để…chiều với tôi…(Cầu giời mưa đổ)

Kao Sơn không chỉ lãng mạn mà anh còn có những chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, tỏ tường khúc khuất thẳm cùng cõi nhân sinh như một thức giả đầy trí lự. Điều ấy, lẽ ấy, ta nhận chân được rất nhiều trong văn, trong thơ anh mà bài thơ Xúc Xắc là một tiêu biểu:

Gói thơ gói cả phận nghèo/ Làm thành xúc xắc tôi gieo giữa giời/ Nhân tình trắng bệch mặt người/ Nợ nần khép kín vòng đời thi nhân/ Câu thơ một thủa lạc vần/ Càng niêm luật lắm, càng giần giã đau/ Giữa đời bước thấp bước cao/Một khi chợt tỉnh, trắng đầu sương rơi/ Xúc xắc à xúc xắc ơi/ Đỏ đen chi lắm cho tôi bẽ bàng”.

30 bài thơ trong tập Xúc Xắc thì có đến hơn 20 bài Kao Sơn làm theo thể lục bát. Còn lại anh viết lối thơ tự do và có cả một vài bài đường luật nữa cũng khá thành công. Trong bài viết nhỏ này người viết tôi xin được dẫn mấy lời nhận xét về thơ lục bát của Kao Sơn của Nhà thơ Vũ Quần Phương: “ Kao Sơn có ý định mang vào thơ Lục bát xưa nhiều chất Hôm nay hơn. Hôm nay trong đề tài, trong hình tượng thơ,…Thơ Kao Sơn nhiều ẩn dụ. Anh biết cách diễn tả gọn những vấn đề thế sự phức tạp nhờ cách lập tứ khá sáng tạo cho từng ý thơ…Bút pháp ấy cũng là một bước tiến của thơ Lục bát vốn thích sa đà vào diễn ca”. Còn nhà thơ Đỗ Bạch Mai thì nói: “ Kao Sơn là một nhà văn và vì thế, khi làm thơ anh có thế mạnh riêng. Thơ Kao Sơn thường có bố cục chặt, giống như một truyện ngắn, có nhân vật, có chi tiết và thường không bị sa vào cái miên man dàn trải của một số các cây bút khác”.

Như đầu bài viết tôi đã nói là tôi “phải lòng” cái giọng văn của Kao Sơn. Và bây giờ thì tôi ngưỡng mộ cả thứ thơ được viết ra từ nguồn cảm xúc căng trào nội lực, chân mộc mà góc cạnh, đanh chắc, ngân lắng gợi mở của anh. Mỗi chữ trong thơ Kao Sơn như được chắt ra từ trải nghiệm cuộc đời đủ vị ngọt bùi cay đắng, đẫm ướt mồ hôi nước mắt và có cả máu của người viết nữa. Chính từ cái kết tinh đó mà nó đã tạo ra một dẫn lực hút cuốn, khía khắc vào tâm khảm người đọc, tạo nên niềm cảm mến rưng rưng.

Tôi đã hơn một lần vu cho Kao Sơn là có duyên phận may mắn với văn chương thơ phú. Nhưng sau khi đọc những gì anh viết từ trước đến nay thì có lẽ tôi phải đính chính rằng đã vu rất oan cho anh, bởi những trang văn, câu thơ anh có được bây giờ đã trải qua một quá trình vật vã, phiêu du và hiến dâng thành kính lắm. Nghĩa là Kao Sơn đã sống hết mình rồi mới tìm đến và gửi gắm dãi tỏ lòng mình hồn mình vào trang viết. Kao Sơn từng nói: “Tôi sống thật. Viết thật. Sống hết mình. Yêu ghét hết mình( Tự bạch trong Kỷ Yếu Nhà Văn Hiện Đại).

Kao Sơn tuổi Kỷ Sửu(1949) quê Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình”. Ngày còn bé là một đứa trẻ nghịch rách giời rơi xuống, trêu chọc đùa dỡn khắp làng. Lớn lên thích lang thang, hầu như nơi nào trên dải đất chữ S này cũng có vết chân Kao Sơn. Học xong Đại học Bách Khoa thành kỹ sư, sống với nghề điện mấy năm rồi đi làm chuyên gia cho nước Lào. Sau quay về làm nghề cũ mấy năm lại cắp sách đi học Đại học Kinh tế Quốc Dân kiếm cái bằng cử nhân cho oai rồi về làm quản lý một doanh nghiệp. Chán. Kao Sơn chuyển về tỉnh uỷ Ninh Bình làm việc. Cách đây mấy năm thì tếch sang Hội Văn Nghệ vác cái chức Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Ninh Bình.

Kao Sơn bảo có lẽ bây giờ đã đứng số nên có thể an phận với kiếp thơ văn chẳng màng xê dịch nữa. Kể như người như anh thì cũng nên dẹp cái máu lang thang đi mà chí thú với thơ văn, biết đâu lại chẳng làm được một tác phẩm “để đời” trên cả truyện ngắn giải 3 Báo Văn Nghệ hay như cái “ Khúc đồng dao lấm láp” Giải A Nhà xuất bản Kim Đồng vưỡn tái bản xoành xọach đấy. Nghiệp văn tháng năm qua từng mang đến cho Kao Sơn cả một đống giải thưởng nữa đấy mà tôi không có điều kiện liệt kê hết vào đây. Nhưng mà thôi, ngần ấy vinh dự cũng tàm tạm được rồi, bây giờ thì anh hãy “ ngậm ngải” mà đi “ tầm” cho mình có một “tác phẩm để đời” đi là vừa.

Chắc nhà văn Kao Sơn của chúng ta chưa thể sớm xả hơi, hay thúc thủ, hay ngồi rung đùi chấu nhấm vinh quang đã có khi cái “xuân thì” của anh tính ra mới sắp chạm lục tuần. Còn khoẻ chán. Nếu bây giờ nhà văn Hoàng Phương Nhâm- vợ anh mở lòng cưới thêm cho anh một thiếp nữa chắc gã đàn ông trong Kao Sơn vưỡn chưa chê đâu nhỉ?

Nhưng đùa vậy thôi, là bạn anh tôi xin thay lời độc giả trong Nam ngoài Bắc yêu mê cái gu tạng văn thơ của anh đang rất lấy làm mong đợi “ đứa con” đời anh đó Kao Sơn ạ.

Kiến An, một chiều cuối Xuân Mậu Tý