Nguyễn Thiện Thuật-Ngàn năm Thăng Long

GỬI NGƯỜI YÊU THƠ

Không ai đếm được

Có bao nhiêu người sống mãi

Với Thăng Long, Hà Nội, Đông Đô…

Cũng không ai biết được

Bao nhiêu người làm thơ

Trên mảnh đất ngàn năm văn hiến

Từ ngàn xưa cho tới bây giờ!

Tôi yêu Hà Nội

Từ thủa ấu thơ

Trong trận mạc,

phải xa em và xa Hà Nội

Vẫn không nguôi nhớ về cố đô…

Hôm nay,

Viết lại đôi dòng tâm huyết

Gửi người một thủa yêu thơ:

Hà Nội trong em là tình yêu da diết,

Hà Nội trong tôi: nỗi nhớ vô bờ…!

Mùa xuân 1998

NGÀN NĂM THĂNG LONG

Tôi học lớp vỡ lòng

Trên trang lịch sử

Có bài:

Vua Lý Thái Tổ dời đô ra thành Thăng Long

Từ ấy qua bao phen binh lửa

Qua bao nhiêu triều đại hưng, vong…

Cố đô Hoa lư vàng son một thuở

Sông núi điệp trùng vươn tới Thăng Long! (1)

Thăng Long

Có truyền thuyết An Dương Vương xây thành

Có Mỵ Châu như người đẹp trong tranh

Nàng để lại một thiên tình sử

“Trọng Thủy – Mỵ Châu”

Một cuộc tình oan nghiệt đến ngàn sau…

Thăng Long có núi Nùng, sông Nhị,

Có ba mươi sáu phố phường

Có huyền thoại Hồ Gươm

Có đền thờ Vua Lê Thái Tổ

Có Quốc Tử Giám – Khuê Văn

Có Chu Văn An, người dân sớ xin chém bảy

kẻ quyền thần tham quan, ô lại

Vua vẫn làm ngơ!

Người bèn treo ấn từ quan

Về mở trường dạy học

Và để lại cho đời sau tấm gương sáng rực

Hà Nội của tôi

Có năm ô cửa

Có đường Cổ Ngư – Trúc Bạch

Và xôn xao sóng nước Tây Hồ!

Hà Nội của tôi

Còn có HỊCH TƯỚNG SĨ

Và ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ

Những Thiên Cổ Hùng Văn

ngàn năm sáng ngời trang sử.

Hà Nội của tôi

Có Hàm Tử, Chương Dương

Có bài thơ Trần Quang Khải,

Một bài thơ lời lời cảm khái:

“Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử Quan

Thái binh nghi nỗ lực

Vạn cổ thử giang san!”

Hà Nội của tôi

Còn vang trống trận Ngọc Hồi

Vua Quang Trung hai lần ra Bắc

Người diệt Trịnh, phù Lê,

Người quét sạch hai mươi vạn quân Thanh

đến từ phương Bắc.

Hà Nội của tôi

Có “Tuyên ngôn Độc lập”

Có hai lần duyệt binh

Trên quảng trường Ba Đình

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đọc nhật lệnh trước toàn quân

Sau chiến thắng Điên Biên lừng lẫy,

Và sau ngày giải phóng miền Nam!

Hà Nội của tôi

Có đường Nguyễn Du ngát mùi hương hoa sữa

Có “Thiếu nữ ngồi bên hoa huê”

Với thiên tài danh họa Tô Ngọc Vân

Tôi đã đi xa, tôi lại về gần,

Quên làm sao một tuyệt thế giai nhân!

Hà Nội của tôi

Sắp bước sang năm tròn tuổi một ngàn

Em nhớ chăng em?

Bài thơ Bà Huyện Thanh Quan

Với những câu hoài cổ:

“Tạo hóa gây chi cuộc hý trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa: hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài: bóng tịch dương

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây: luống đoạn trường!”

Lời thơ nữ sĩ

Nhắc nhở lớp người sau:

“Có niềm vui trước mặt

Đừng quên còn nỗi đau!”

Tôi trở lại trên đường về phố cổ

Nhớ Ngày Xưa lại nghĩ đến Bây Giờ

Tôi nói sao cho hết

Hà Nội đẹp và thơ…

Hà Nội trong em là tình yêu da diết

Hà Nội trong tôi thương nhớ vô bờ!

Vũng Tàu mùa xuân 1997

(1) Vua Lý Thái Tổ rời đô ra thành Thăng Long năm 1010.

Đến năm 2010 thủ đô Hà Nội sẽ tròn tuổi một ngàn năm.

ĐƯỜNG LÊN XỨ SỞ HOA ĐÀO

Tặng Lâm Nguyên Khánh

Đường lên xứ sở hoa đào

Nghe mùa xuân hát ngọt ngào tiếng ca.

Đi trong nắng ấm chan hòa

Ngàn thông cao vút mượt mà sắc cuân

Xa nhau nay đã them gần,

Mừng như gặp lại cố nhân thuớ nào!

Điệp trùng lũng thấp đồi cao:

“Hai mươi năm ấy… biết bao nhiêu tình!”

Nước hồ xanh một màu xanh

Cao nguyên bát ngát, mông mênh đất trời.

Thác Cam ly vẫn reo vui,

Nơi đây thắm mãi nụ cười môi em.

Sớm nay Đà Lạt làm duyên,

Hương hoa bay đến khắp miền mê say…

Em tôi mở rộng vòng tay:

Người về lớp lớp một ngày xuân sang…

1997

ĐỌC CHUYỆN KINH KHA

Đọc “Xuân Thu Chiến Quốc”,

Anh mơ làm Kinh Kha

Anh lại ngâm:

“Phong tiêu tiêu hề dịch thủy hàn

Tráng sĩ nhất khứ, hề bất phục hoàn!”

(Gió may sông Dịch lạnh lung ghê

Tráng sĩ một đi không trở về!)

Tráng sĩ Kinh Kha mưu việc lớn,

Từ nước Yên đi diệt bạo Tần,

Anh chết dưới gươm thù, chưa tan uất hận

Thế rồi… Tần Thủy Hoàng,

Tên bạo chúa cuồng dâm bị diệt

Y bỏ lại A Phòng cung

Với ba ngàn mỹ nữ

Với một kho châu báu, bạc vàng…

Nơi chin suối Kinh Kha có biết?

Tên tuổi Anh còn sống mãi với thời gian…

1997

EM KHÔNG LÀ TÂY THI

Lòng tôi không có đường xe

Lòng tôi không có lối về nước Ngô

Thôi đừng mơ nữa Cô Tô

Tôi xin dựng một lầu thơ cho nàng.

NGUYỄN BÍNH

(1940)

Anh không là Phạm Lãi,

Em không là Tây Thi

Để rời bỏ lầu vàng, điện ngọc,

Một cánh buồm theo gió bay đi…

Con người ấy là con dân đất Việt

Đạp đổ ngai vàng vua Ngô

Trải những tháng năm âm ỉ

Lửa đã bùng lên trên lầu Cô Tô!

Rồi trở về đất Việt

Một cánh buồm trôi khắp nẻo sông hồ…

Ai rời bỏ công danh, phú quý

Bởi cuộc đời dâu bể đã phôi pha

Hai tâm hồn bé nhỏ

Một con thuyền đi xa, đi xa…

Anh kể lại một thiên tình sử

Em nghe lòng xót xa

Rằng: cho dù anh không là Phạm Lãi,

Em không là Tây Thi

Em vẫn theo anh suốt tuổi xuân thì!

Ta đi đến cùng trời, cuối đất

Rời bỏ kinh thành cát bụi

Để muôn đời sáng mãi ngọc lưu ly…

1997

TÌNH SỬ DƯƠNG VÂN NGA

Khi triều chính nhà Đinh đổ nát,

Còn lại Dương Vân Nga,

Người đã buôn rèm coi việc nước

Với tấm lòng thiết tha…

Rồi quân xâm lăng reo hò trên ải Bắc,

Trong triều, ngoài nội xôn xao

Thế nước chông chênh

trước nguy cơ ngoại xâm, nội phản,

Ai sẻ đứng lên gìn giữ nước nhà?

Những đêm Hoa lư thao thức

Một mình Dương Vân Nga…

Một buổi sớm,

Giữa kinh đô Hoa Lư vàng son lộng lẫy

Dương Vân Nga đã khoác áo long bào

Lên hai vai người anh hùng kiệt xuất…

… Thập đạo Tướng quân!

- Xin Người hãy vì non sông gấm vóc

Làm lễ đăng quang dựng một vương triều!

Lê Hoàn lẫm liệt

Trước văn võ bá quan

Nhận trọng trách với triều đình,

Cơ nghiệp nhà Tiền Lê dựng lên từ phút ấy…

Cũng từ phút ấy

Thái hậu Dương Vân Nga

Dưới triều Lê, là chính cung Hoàng hậu,

Việc nước cùng chồng gánh vác, chăm lo…

Thập đạo tướng quân

Đánh tan quân Tống, trở về

Trên dòng sông Vân xanh biếc,

Tựa mạn thuyền rồng,

Có Dương Vân Nga đứng đợi…

Tình sử Dương Vân Nga

Trên sử sách ngàn năm sáng chói

Như một bài thơ

Ai viết bên dòng sông Vân, nhớ thương vời vợi…

1997

KỂ CHUYỆN NGUYÊN PHONG

“Vó ngựa Nguyên Mông đi tới đâu,

ở nơi đó không còn ngọn cỏ!”

Từng đoàn kỵ binh

Từ Á sang Âu,

Từ Âu sang Á,

Gieo rắc kinh hoàng, khiếp sợ

Triệu triệu dân lành

Thịt nát, xương tan

Ngập tràn máu lửa!

Những tên giặc ngồi trên lưng ngựa

Ào ào qua cửa Nam Quan

Chúng đâu biết dân ta không hề khiếp sợ

Đã đứng lên như những thiên thần!

Ôi! Cả một thời oanh liệt ấy

Đánh giặc Nguyên Mông thắng trận ba lần

Bắt sống Ô-Mã-Nhi trên Bạch Đằng Giang lịch sử

Đánh đuổi Thoát Hoan tơi tả chạy về

Hưng Đại Vương phất cao cờ tiết chế,

Đưa đại quân về thành Thăng Long…

Bảy trăm năm xưa đánh giặc,

Để muôn đời nghe kể chuyện Nguyên Phong!

TRƯỚC MỘ LA SƠN PHU TỬ

Tôi đứng trước mộ La Sơn Phu Tử (1)

Thắp một nén hương Nghĩ về quá khứ:

Cả cuộc đời người, một đời trăn trở,

Một thời loạn ly…

Người bỏ kinh kỳ

Về núi La Sơn ẩn dật,

Đọc sách, bình thơ,

Và mơ ước một ngày mai đại định.

Rồi một buổi…

Vua Quang Trung ra Bắc, diệt Trịnh, phù Lê

Nhà vua hạ chiếu cầu hiền,

Ba lần đến La Sơn, đợi chờ Phu Tử.

Từ trong lều cỏ

Như Khổng Minh ngày xưa,

Người đã bước ra

Mở rộng vòng tay, đón người anh hùng áo vải,

Rằng: Bệ hạ đã tới đây

Tôi còn chút tài hèn đâu dám tiếc!

Ý ngọc, lời vàng,

Giúp nhà vua thống nhất giang san,

Người đi vào lịch sử!

Hai thế kỷ trôi qua,

Còn lại tấm gương La Sơn Phu Tử!

1997

(1) La Sơn Phu Tử có tên là Nguyễn Thiếp, còn phần mộ ở Hà Tĩnh ngày nay.

NÀNG TÔ THỊ

Ngày xưa có một nàng Tô Thị

Bồng con lên núi ngón trông chồng,

Người đi chinh chiến không vế nữa

Đỉnh núi em còn đứng đợi trông…

Tô Thị ngày xưa hóa đá rồi

Nghìn thu còn đó hận đầy vơi…

Núi xương, sống máu dâng tràn ngập

Tham vọng cuồng ngông… lửa ngút trời!

Binh lửa hai lần em đã qua,

Chờ anh…đã rụng mấy mùa hoa,

Đêm đen nay đã qua rồi đó

Anh đã về đây: nắng chói lòa

Anh đã trao em hạnh phúc này,

Để bàn tay nắm một bàn tay,

Từ trong lửa đạn, trong gian khổ

Đã xóa đi rồi bao đắng cay!

Trong buổi trùng phùng, anh với em

Về thăm xứ Lạng, đất bình yên

Trông lên đỉnh núi: nàng Tô Thị!

Nàng vẫn bồng con… thật dịu hiền!

1997

CHỊ MẬU DỊCH VIÊN

Thân mến tặng đồng chí Cúc

Chị xưa là bộ đội

Nay là mậu dịch viên

Huân chương còn sáng rực

Trên lồng ngực thanh niên…

Chị bận hai con nhỏ

Vẫn công tác hăng say,

Hết mua rồi lại bán

Cân đong suốt tháng ngày…

Chị luôn tay quét dọn

Hạt thóc như hạt vàng.

Giữ cho kho đầy đủ

Là nhiệm vụ vinh quang.

Mùa này dân nộp thuế

Dân bán thóc càng đông

Chị đi vào “chiến dịch”

Như ngày xưa lập công…

Những đêm mưa tầm tã

Những đêm rét thấu xương

Vẫn yên lòng, vững dạ

Vẫn “chiến đấu kiên cường”

Thóc vào kho đầy ắp

Chị về trong đêm sương

Nhìn con thơ yên giấc

Chị càng yêu, càng thương…

Chủ nhật anh về phép,

Chị khoe: “con lớn rồi”.

Chị khoe: “tròn nhiệm vụ”.

Anh rằng: “nhất vợ tôi!”.

1960

THUYỀN AI GHÉ BẾN SÔNG TRÀ

Tặng các bạn: Lệ Thu, Lâm Nguyên Khánh,

Nguyễn Mộng Lang và Đỗ Văn Kiêm.

Thuyền ai ghé bên sông Trà,

Cho tôi gửi một bài ca ân tình.

Tôi đi vạn dặm trường chinh,

Mấy lần soi bong một mình trên sông…

Em đi mái tóc phiêu bồng,

Mịt mù khói lửa, người không trở về…

Mùa thu năm ấy qua đi,

Sông Trà thao thức nhớ về đêm đêm…

Nụ cười ai đó làm duyên,

Năm xưa em đã đứng bên sông này.

Nõn nà trắng muốt bàn tày

Nghiêng ngiêng vành nón, gió bay tóc thề.

Nhớ nhung ngàn dặm sơn khê,

Người đi biền biệt, người về đơn côi.

Bồng bềnh như áng mây trôi

Một dòng sông, mấy cuộc đời khổ đau!.

1997

Sông Trà Lý (Thái Bình)

ĐỢI CHỜ

Ta chờ em ngoài ba mươi năm

Hoài hoa phong nhụy, uổng trăng rằm

Hơi may đã chớm lên mùa gió

Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm…

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

(1940)

Em đến cùng anh một sớm nào,

Bình minh chim hót, gió lao xao,

Rồi hoàng hôn tím mùa thu ấy

Một thoáng Tây hồ đẹp biết bao…

Em về phương ấy: trời vô tận

Anh ở bên này: một mái tranh

Xê dịch, mỗi mùa thu trở lại

Tây hồ gợn sóng, ánh trăng xanh…

Anh ở nơi đây vẫn đợi chờ

Người về trang sách, đẹp như thơ

Lung linh bóng ngả trên đường vắng,

Tà áo bay về trong giấc mơ…

1997

NGƯỜI CON TRAI HÀ NỘI

Tặng anh Hà Ân

Ngày ấy,

Trong khói lửa mịt mùng,

Có một người con trai Hà Nội

“Xếp bút nghiện, theo việc đao cung”

Anh đã xông pha trên núi rừng biên giới

Cho đến ngày thắng lợi

Anh trở về Hà Nội quang vinh

Anh lại đắm mình

Trên trang sử cũ

Anh dựng lại thời trần liệt oanh mộ thuở

Đây: “Bên bờ Thiên mạc”

Đây: “Trăng nước Chương Dương”

Đây: “Trên sông truyền hịch”

Và lại nữa: “Người Thăng Long”… (*)

Trên căn gác nhỏ

Văn phẩm của anh mai sau còn đó!

Buổi sáng xuân nay

Tôi đến thăm anh, hoa đào lại nở…

Trên đất Thăng Long

Vẫn một chàng trai, vẫn một tấm lòng!

1993

(*) Tên một số tác phẩm của nhà văn Hà Ân.

NHỚ

Kính tặng hương hồn nhà thơ Quang Dũng

Tôi ở một gian nhà nhỏ

Như một cánh chim

thèm khát những phương trời lộng gió

Anh đến thăm tôi

Mỗi buổi bình minh

Và mỗi buổi hoàng hôn ráng đỏ

Anh đọc tôi nghe bài thơ Tây Tiến:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Người đi không tiếc nuối đời xanh”

Anh vui kể chuyện

“Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”

Hình ảnh quê hương trên vạn dặm trường chinh

Rằng: “Mình ra đi đâu dám hẹn ngày về

Rồi đã đi qua cái chế,

Mình trở lại đồng quê

Với hai bàn tay trắng

Và những bài thơ giữ trọn lời thề!”

Sau những ngày vui ngắn ngủi

Anh ra đi vào cõi vĩnh hằng

Để lại niềm thương, nỗi nhớ

Và những chuyện buồn bên chén rượu đêm trăng

Chiều nay

Qua khói trầm bay

Tôi đứng lặng trước hình anh để nhớ

Một nỗi nhớ khôn nguôi

Về xứ Đoài xưa, về một con người…

1997

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Một thời để nhớ

Một thời để quên

Một thời gian khổ

Đạn nổ, bom rền…

Một thời để nhớ

Một thời để quên

Ô tem phiếu nhỏ

Tranh giành bon chen!

Xá gì gian khổ

(Khổ mãi thành quen)

Từ trong khó nhọc

Anh dìu dắt em

Làm nên sự nghiệp

Ngửng đầu đi lên

Ta đi tới đích

Trở nên Người Hiền

Điều ta thành đạt,

Có bao giờ quên?

1997

NGƯỜI Ở NGỤC CHÍN HẦM

Tặng anh Minh Vân (Nguyễn Dân Trung)

Giặc đã giam anh trong ngục chín hầm

Sau những trận đòn roi khủng khiếp

Mà sao anh vẫn làm thơ?

Và anh không chết?

Ba ngàn câu thơ,

một bản trường ca tràn đầy khí tiết

Anh chỉ nhớ trong đầu,

Vì anh tìm đâu ra một tờ giấy viết?

Với một niềm tin

Anh đã đi qua cái chết

Anh đã trở về với be bạn, với nhân dân

Anh chéo lại bản trường ca từ trong đáy huyệt

Trên đất Trị Thiên

Nơi ấy có bao người đã hy sinh oanh liệt…

Tôi nắm tay anh

Một bàn tay bé nhỏ

Đất nước đã bình yên

Bản trường ca còn đó!

Hôm nay

Ngục chín hầm: đất long, đá lở

Nơi cuối trời Trị Thiên

Tôi mong những người viết sử…

- Đừng quên!

8 -1 – 1997

LẦN ĐẦU TIÊN EM KHÓC

Em vẫn ngồi im lặng

Cho giọt lệ tuôn rơi,

Lần đầu tiên em khóc

Khi biết được yêu rồi!

Chuyện hai mươi năm trước

Nay chưa nói nên lời

Ngày ta đi đánh giặc

Những năm tháng tuyệt vời…

Một tình yêu chớm nở

Mà sao đành chia phôi?

Anh biết em còn khóc

Qua bao nhiêu đêm dài

Khi nghĩ về anh đó

Một người tình xa xôi…

BÓNG GIAI NHÂN

“Ai bảo em là giai nhân

Cho đời anh đau khổ?

Ai bảo em ngồi bên cửa sổ

Cho vướng vít nợ thi nhân?”

LƯU TRỌNG LƯ

(1940)

Những ngày xưa thân ái,

Em đã là giai nhân,

Đôi mắt xanh như ngọc

Nhìn anh bao nhiêu lần…

Một mối tình thơ trẻ

Từ buổi anh đầu quân,

Một chiều thu lặng lẽ,

Lá vàng rơi đầy sân…

Hai người đi hai lối

Rất xa mà rất gần!

Vì sao? Em cứ hỏi,

- Vì em là giai nhân…

SUỐI TÓC

“Nào khác chi em mái tóc dài

Trọn đời làm gối khách ăn chơi

Lòng anh làm gối bao nhiêu mộng

Để rạng ngày soi tóc bạc rồi!”

TRẦN HUYỀN TRÂN

(1940)

Em đã đi rồi ai tiễn đưa?

Ra đi để nhớ đến bây giờ

Một thời loạn lạc đầy oan trái

Em đã đi rồi, ai tiễn đưa?

Em hẹn bao giờ hết chiến tranh

Em còn trở lại mái nhà gianh

Ngâm bài thơ cũ như ngày cũ

Suối tóc em còn xanh, rất xanh…

Nay đã thanh bình, hết chiến tranh

Em chưa trở lại mái nhà gianh

Nơi ấy, em còn cao tiếng hát

Tuổi trẻ qua rồi, qua rất nhanh…

Ta hiểu cho nhau chuyện chúng mình

Phương trời trôi dạt kiếp lênh đênh

Lòng anh “làm gối bao nhiêu mộng”

Em có còn không suối tóc xanh?

GỬI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Có một người trai trẻ

Đi chiến trường xa, trở về

Anh kể lại rằng:

Năm xưa anh mến chị Hằng

Vì tiếng hát yêu thương của người ca sĩ

Ngày ấy, hai mươi tuổi xuân,

Em còn rất trẻ,

Cô giáo hát hay, thương đàn em nhỏ,

Em đã yêu anh thầm lặng đó.

Em ôm một mối tình cầm

Như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã viết:

“Yêu mà không nói cho nhau hay

Từ buổi nhìn nhau hết lạ lùng

Từ buổi xa nhau mà nhớ nhung…”

Rồi em nói…

Em làm anh bối rối lặng im

Chị Hằng vun đắp cho em…

Anh có ngờ đâu… Trái tim em ngừng đạp!

Em ra đi thật rồi sao?

Người xưa từng nói:

“Người đẹp vẫn thường hay chết yểu,

Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai!”

Anh nhớ thương hoài,

Anh phải sống những ngày đau đớn…

Hôm nay

Có một người lính trẻ,

Thắp một nén hương

Trước anh linh người đã khuất

Hai dòng nước mắt chưa khô…

- Trong trái tim anh, em có chết bao giờ!

1993

VỀ GIỮA BA ĐÌNH

Hôm nay nhà ga Hàng Cỏ

Tươi vui đón những toa tàu

Từ bốn phương về: núi thẳm, rừng sâu…

Hải đào, đồng bằng, người đi trẩy hội

Như những lá cờ bay lên phơi phới

Từng khuôn mặt sáng tươi cười

Từ cụ già tóc bạc, khoan thai

Đến em bé vai quàng khăn đỏ

Anh thanh niên tóc bồng với gió

Đi bên người bạn mới thành hôn…

Muôn sắc, nghìn màu, thành thị, nông thôn…

Cả Hà Nội hôm nay: bức tranh màu vĩ đại!

Này chị Thổ, Nùng, này anh bạn Thái

Tiếng Kinh chưa thạo, ngập ngừng

Hòa bản đàn hợp tấu tưng bừng

Bản hùng ca “Mồng Hai Tháng Chín”

Dù năm, bảy ngày đường, hôm nay cũng đến

Được nhìn thấy Bác một lần,

Trên lễ đài, tiếng Bác vang ngân

Đi khắp nước, khắp năm châu thân thiết…

Ôi! Ba Đình nghìn năm oanh liệt

Trang nghiệm, hùng vĩ đón chào

Từng đoàn quân mũ sáng ngời sao

Đã dập tắt mười năm khói lửa!

Những công nhân áo xanh dầu mỡ

Ngày đêm đạp búa không ngừng,

Chị nông dân chống hạn cháy lưng

Hôm nay đã mang về lượm lúa!

Chị văn công say mê điệu múa,

Anh sinh viên, người trí thức, nhà văn,

Cả Ba Đình đang dâng từng đợt sóng!

Bát ngát trời xanh lồng lộng,

Hòa bình vỗ cánh chim bay…

Thức suốt hai đêm, vui trọn một ngày,

Giữa Hà Nội, trái tim Tổ quốc!

Miền Bắc chúng ta vững vàng tiến bước,

Đi lên xã hội ngày mai!

Đường vinh quang, gian khổ còn dài,

Nhưng có Bác vững vàng tay lái,

Và có Đảng tiên phong vĩ đại.

… Nhất định có ngày:

Đường Bắc – Nam phơi phới cờ bay,

Tàu Sài Gò tới ga Hàng Cỏ!

Chở đầy toa đồng bào trong đo

Những người con anh dũng của Thành đồng,

Về Ba Đình trảy hội non sông,

Mừng Thắng lợi – Hòa bình – Thống nhất!

Báo HÀ NỘI MỚI 2 – 9 - 1955

GIỮ BẦU TRỜI THÁNG TÁM TRONG XANH

Tôi mang đến bên anh

Xe gạo mới còn thơm tình hậu tuyến

Đây tất cả dành cho người lính chiến,

Đây lòng dân thương mến vô bờ

Của mẹ già, em nhỏ ngây thơ

Những tháng năm chắt chiu,

những ngày đêm tận tụy.

Không ai tiếc máu xương,

không ai tiếc mồ hôi,

khi toàn dân đánh Mỹ.

Kể từ cây lúa còn xanh

Đã mong sao bộ đội no lành,

Mẹ đóng thuê nông, anh ra tiền tuyến

Tôi giữ kho lương, gạo này mang đến.

Ơi! Anh chiến sĩ phòng không

Canh giữ trời cao, pháo vẫn vươn nòng

Vâng lời Bác, đánh giập đầu chúng nó!

Những “thần sấm”, “con ma”, diều hâu, cú vọ,

Bôi bẩn trời xanh.

Đường đạn anh bay: xác nó tan tành.

Những tên giặc lái

Nhai kẹo cao su, trút bom đạn xuống đầu con trẻ.

Chúng bay nợ máu phải đền!

Thù này không thể nào quên…

Hôm nay

Trời xanh lồng lộng,

Từng giọt nắng vàng

Nhẩy múa tưng bừng trên lá ngụy trang…

Tháng Tám, mùa thu lịch sử

Trận địa phòng không tung bay cờ đỏ,

Xe gạo tôi đi

Từng bếp nuôi quân, xe lại trở về…

Vui biết mấy khi đất nước quê ta vùng dậy

Lớp lớp đứng lên theo tiếng gọi Bác Hồ

Một sớm đầu thu

Xe tôi lại lên đường ra tuyến lửa.

Báo QĐND – 1966

THĂM NHÀ ANH BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG

Tôi lại đến

Thăm nhà anh bộ đội phòng không,

Những mái lều con anh dựng giữa đồng.

Mẹ cho lá, cho tre, cho gianh, cho rạ

Mới hôm nào, những bàn tay hối hả

Dựng nên nhà,

Mới hôm nào các em nhỏ trồng hoa

Nay đã ngắt những bông hồng, bông huệ,

Giàn thiên lý ngụy trang, màu xanh kỳ diệu thế!

Một bên hè

Dăm chú gà vỗ cánh gáy le te

Vui mắt quá!

Trong nhà anh có cả

Một bình hoa và một ảnh Bác Hồ

Trên báo tường, ai dán rất nhiều thơ

Làm từ buổi Bác ra lời kêu gọi…

Có anh lính trẻ măng, hay cười, ít nói,

Tuổi đời anh –

tuổi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa,

Có người yêu ở mãi xóm làng xa,

Vào bộ đội đã hai mùa hoa mận nở.

Bàn tay anh hôm nào còn bỡ ngỡ

Mà hôm nay thành pháo thủ kiên cường

Giữ nhịp cầu, mạch máu của quê hương…

Giắc bay đến, giắc mấy lần bỏ xác

Lưới lửa hờn căm bủa vây dầy đặc

Nhịp cầu Y sừng sững bắc qua sông

Đoàn xe đi…

Bàn tay vẫy…

Đẹp vô cùng!

Nhà anh đó: tròn khuôn cửa nhỏ

Tôi đến thăm anh, chiều nay hoa lại nở

Xin được làm pháp thủ, tiếp tay anh

Giữ nhịp cầu, giữ đồng lúa tươi xanh…

Báo QĐND – 1966

HOA THÁNG TÁM NGỌC HÀ

Anh đi tới trăm miền Tổ quốc

Khắp núi rừng trùng điệp, biển bao la

Có hoa lá xanh tươi bốn mùa đất nước

Lòng vẫn thơm hương hoa thắm Ngọc Hà…

Ngọc Hà! Làng hoa bé nhỏ

Năm xưa…

Hoa đang đợi ngày nở rộ

Một sáng mùa thu phơi phới rừng cờ!

Những bông cúc vàng tươi buổi ấy

Theo bước người đi đón Bác Hồ

Cùng thước dược với hoa lan, hoa huệ

Đón nghĩa quân về năm cửa ô…

Từng dòng thác đổ về cuồn cuộn

Nắng Ba Đình, ôi! Biển nắng trào dâng

Mẹ và chị hái hoa dâng Bác

Giữa biển người như giữa một vườn xuân

“- Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”

Nghe tiếng Bác, cả biển người nghe rõ

Những bông hoa cũng nghe tiếng Bác Hồ

Hương ngào ngạt với sắc màu rực rỡ

Trải tám mươi năm mới có bây giờ!

Từ buổi ấy, anh lên đường giết giặc

Suốt chín năm xa cách Ngọc hà

Ngày chiến thắng từ Điện Biên trở lại

Đại quân về, đi giữa một rừng hoa!

Những đóa hoa tươi, cúc vàng Vạn thọ

Những Hồng nhung, Thược dược, Huệ, Lan, Đào,

Lại đua nở vườn thênh thang hợp tác

Nắng thu vàng nghe gió động lao xao…

Cô gái Ngọc Hà tưới hoa sớm tối,

Hái tặng người thân một đóa hoa hồng

“- Anh ra đi cho Bắc Nam mau tới ngày sum họp

Anh gửi về hoa chiến thắng, em mong!”

Hoa Ngọc Hà, những bông hoa tháng Tám

Hai lăm năm rực rỡ nắng Ba Đình

Cả Hà Nội dâng mùa hoa chiến thắng

Lên Bác Hồ và lên Đảng quang vinh!

Anh lại đi tới trăm miền Tổ quốc

Có núi rừng trùng điệp, biển bao la

Hoa chiến thắng khắp nẻo đường anh bước

Lòng vẫn không quên hoa tháng Tám Ngọc Hà!

1970

EM LỚN LÊN CÙNG ĐẤT NƯỚC HÔM NAY

Trao túi gạo thứ bao nhiêu,

em không còn nhớ nữa

Trước mắt em chỉ đọng những môi cười

Xuân đã về, nối tiếp những ngày vui

Từng khuôn mặt dịu hiền, từng bước đi vội vã.

Bà nội trợ, chị công nhân, phải ai xa lạ

Bà con mình, khối phố, những người thân.

Từng gia đình mở cửa đón tin Xuân

Tấm bánh chưng xanh thơm mùi nếp mới,

Đôi má em thơ như cánh đào tươi rói

Ngọt ngào bột gạo tám xoan…

Tất cả tin yêu gửi lại quầy hang

Buổi tối ba mươi vẫn còn mở cửa

Dầu phút này khách không còn nữa.

Hai mươi giờ, chuông điểm khoan thai

Chiếc đồng hồ gieo những tiếng ngân dài

Chấm dứt buổi bán hàng – giao thừa sắp đến…

Em ra về, bước em đi uyển chuyển

Hòa niềm vui với cả mọi người

Nỗi riêng tư từ những buổi xa xôi

Khi em mặc áo choàng, nét riêng “cô mậu dịch”

Mười năm ấy qua bao nhiều thử thách

Em lớn lên cùng đất nước hôm nay

Mùa xuân sang nghe hạnh phúc tràn đầy

Trên mỗi bông hoa, trên từng ô cửa…

Em lại nghe tiếng mùa xuân rộn rã

Trên đường dài giục giã bước em đi…

1972

BÊN CẦU NON NƯỚC

Thư này anh viết cho em

Bên nhịp cầu Non Nước

Đang sắp sửa hoàn thành

Trên đầu anh: lồng lộng trời xanh

Mùa thu em ơi!

núi nghiêng màu nắng

Thuyền lướt trên sông

Anh nghe sóng vỗ trong lòng

Dạt dào thương nhớ

Mười hai năm

Mười hai mùa trăng tỏ

Gió đuổi thời gian, mây vờn cờ đỏ

Mùa thu Cách mạng đầu tiên

Nước Việt nam tráng lệ, hoa niên

Anh hùng đứng dậy

Năm cánh sao bay vàng vẫy vẫy

Tay sung, tay dao

Em vượt dãy tường cao

Tòa nhà địa chủ

Bước theo anh, nhập dòng thác lũ

Thôn Vân quần tụ mít tinh

Loa vang, trống dội sân đình.

Anh đi Vệ quốc

Đánh giặc mười năm

Điện Biên sáng rực

Huân chương anh hùng

Em lên hỏa tuyến

Mồ hôi, máu chảy ròng ròng

Cô gái thôn Vân đôi mắt sáng

Sông núi, tình yêu, trời xanh, nắng đọng

Gặp nhau mùa kháng chiến thành công

Chiều nay

Gió thoảng mặt sông

Gối thành cầu thư này anh viết

Hẹn em về Non nước thăm cầu

Em có ngày nay

Anh đã lớn cao

Nhờ Mẹ hiền Cách mạng

Đôi, ta, những đứa con tháng Tám

Nguyện suốt đời tiến lên theo Đảng

Như suốt đời em mãi bên anh

Tay trong tay, dũng cảm, trùng thành

Mắt trong mắt, chan hòa ánh sáng.

NINH BÌNH – 1960

CÓ ÔNG TRĂNG SÁNG

Có ông trăng sáng

Cùng chúng em chơi

Em đi sơ tán

Trăng theo em rồi!

Em vào lớp một

Chăm học, chăm làm

Trăng cười như muốn

Khen em trò ngoan!

Bố đi đánh Mỹ,

Mẹ đi làm ca

Em ngồi bên chị

Ông trăng vào nhà!

Em vui phá cỗ

Cô chú cười vui

Bạn em ríu rít

Mời ông trăng ngồi…

Bao giờ Mỹ cút

Bố me lại về

Trung thu thắng trận

Rộn ràng trăm quê.

Em vui đón Bác

Giữa lòng Thủ đô

Ông trăng lại sáng

Mừng tuổi Bác Hồ!

1966

GỬI NHỮNG CON TÀU ĐI KHẮP ĐẠI DƯƠNG

Cho tôi làm con sóng biếc,

Cho tôi làm áng mây hồng

Theo những con tàu đang vượt biển Đông

Đến những bến bờ đại lục

Đến những bến bờ đảo ngọc

Những con tàu mang hương vị Việt Nam

Quả hộp mùa này thơm phức mùi cam

Của những nông trường Sông Con, Bố Hạ,

Những xe dứa từ Thanh Ba, Phú Thọ

Từ Nghệ An, từ đỉnh Ba Vì…

Dứa theo về nhà máy, lại ra đi

Với hương sắc đồi nương miền Bắc

Ơi! Những con tàu đầy dứa đầy cam

Náo nức lên đường gọi cả miền Nam

Gọi cả đồng bằng Cửu Long ngọt ngào cây trái!

Đẹp biết bao những người con gái

Ngực thắm hoa hồng đứng máy ca ba

Sản phẩm em làm đẹp tựa lời ca

Mang cả mùa vàng xứ sở,

Có cả nụ cười tươi như hoa nở,

Của bàn tay, khối óc, con tim

Của những con người tận tụy ngày đêm.

Nhà máy chúng ta âm vang tiếng máy

Vào mùa xuân mới

Một mùa xuân thống nhất Bắc Nam

Em vượt chỉ tiêu, về trước thời gian

Như một con tàu băng băng rẽ sóng.

Anh đến thăm em một ngày nắng ấm

Mơ những con tàu đi khắp đại dương

Mang một mùa xuân thơm ngát hoa hương

Của cả hai miền ngọt ngào cây trái

Quả ngọt Việt Nam

Đi từ Hà Nội

Đến cùng bốn biển, năm châu

Ánh sáng hương thơm trên những con tàu…

1970

ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN EM ĐI

Gửi đường Trường Sơn công nghiệp hóa

Con đường từ Bắc vô Nam

Bừng bừng lửa cháy, ngút ngàn khói bay

Bát cơm sẻ nửa, vơi đầy

Ba mươi năm trước, nhớ ngày chia ly…

Trường Sơn ngày ấy, em đi,

Vui cùng đồng đội, ngại gì gian truân

Đường mòn in những dấu chân

Một lần để nhớ, một lần để thương…

Sớm nay lớp lớp lên đường

Đá mòn, chân cứng, bốn phương lại về!

Mở đường dài, rộng, xe đi

Đường lên phìa Bắc, đường về phương Nam

Có người em tuổi trăng tròn

Ra đi vẫn nhớ Sài Gòn tươi vui

Nói sao cho hết, anh ơi!

Dựng xây: năm tháng tuyệt vời hôm nay

Ước mơ, hoài bão là đây

Bàn tay ta nắm bàn tay: lên đường!

1997

NGÀY HÒA BÌNH ĐẦU TIÊN

Em đến thăm anh

Ngày hòa bình vừa lập lại

Hai mươi tám tháng Giêng,

ngày anh còn nhớ mãi

Niềm vui không nói nên lời

Anh nhớ em trong ánh mắt nụ cười

Còn in cả bầu trời trong vắt

Khi không còn bom rơi, chớp giật

Giang tay ta sẽ đi cùng

Đến những phương trời hoa thơm cỏ biếc…

Với tấm lòng tin yêu tha thiết

Với tâm hồn cháy bỏng hôm nay

Anh viết bài thơ ghi lại một ngày

Tặng hai miền Đất Nước

Và tặng riêng em

Mà trọn đời anh không thể nào quên…

Hà Nội 28 – 1 – 1973

ĐÊM NÔ-EN

Đêm Nô-en

Đêm bình yên

Của bao người trên trái đất

Mà nơi đây

Đêm Nô-en có cả bom rơi, chớp giật

Lũ hiết chiến cuồng điên

Bị đánh trả những đòn đau nhất

Chúng ta; những con người bất khuất

Sẽ giành lại những đêm Nô-en

Những đêm bình yên

Cho trái đất

Những đêm Nô-en

Những đêm thần tiên

Đẹp nhất!

Nô-en 25 – 12 – 1972

ĐÀ LẠT XUÂN NÀY

Tặng anh Vũ Duy Thiệu

Anh đã qua khắp miền đất nước

Anh đã qua trăm núi, ngàn sông

Anh không đến quê em sao được?

Và đây: Đà Lạt, Lâm Đồng

Thành phố quê em thấp thoáng giữa rừng thông…

Mimôsa xòe ra năm cánh

Năm cánh hoa vàng

Gợi nhớ hoang sơ thuở trước

Trăm năm Đà Lạt tuổi tròn…

Phải rồi trăm năm về trước

Một nhà thám hiểm qua đây:

Yersin dừng bước,

Không thể rời chân đi khỏi nơi này

Người đi trong màn sương buổi sớm

Đón nắng ban mai

Dưới gốc thông reo,

Người đón hoàng hôn đỏ sẫm

Ngân ngơ quanh quất chân đèo…

Rồi trăm sắc hoa nở rộ

Dang tay miền Thượng – miền xuôi

Hoa anh đào và Mimôsa hội tụ

Đà Lạt quê em: hương sắc ngời ngời…

Du khách bốn phương bè bạn

Vui cùng Đà Lạt hôm nay

Lâm Viên, mùa xuân về sớm

Trăm năm thu lại một ngày…

1993

TRƯỚC THỀM LỤC ĐỊA

Trước thềm lục địa bao la

Nghe ngàn con sóng Trường Sa dạt dào

Giàn khoan trên biển cao cao

Hải âu tung cánh bay vào thơ tôi

Ước mơ từ thuở xa xôi,

Người đi xây dựng cuộc đời ấm no,

Non cao ngày ấy hẹn hò

Kho vàng đáy biển thăm dò hôm nay…

Đại Hùng, Bạch Hổ là đây,

Mồ hôi đã đổ những ngày gian lao

Tôi nghe sóng biển rì rào

Biển vui mừng đón tàu vào, tàu ra…

Rừng vàng, biển bạc quê ta

Bốn phương bè bạn tuy xa, mà gần.

Người người, lớp lớp ra quân

Mỏ dầu ta đã mấy lần bội thu

Tôi đi khắp nẻo sông hồ

Dừng chân nghe sóng vỗ bờ nao nao…

Vũng Tàu biển biếc xôn xao

Hải âu tung cánh bay vào thơ tôi…

Vũng Tàu Xuân 1997

TRƯỚC TRANG GIẤY TRẮNG

Thơ gửi cho Mây Ngàn Bay…

Trước trang giấy trắng đêm nay

Ta ngồi viết lại những ngày bão giông

Ngoài trời gió rét mùa đông

Đốt giùm ta ngọn lửa hồng, nghe em!

Ta nghe gió động sau rèm

Lá rơi hay bước chân em trở về?

Nhớ ngày ta tiễn em đi,

Ngày vui đã cạn, mùa thi đã gần…

Lá vàng rơi rụng đầy sân

Một lần gặp, để một lần chia tay

Trước trang giấy trắng đêm nay

Không còn lửa đạn những ngày năm xưa

Còn đây: gió rét đêm mưa

Ngàn trang viết, một bài thơ chưa tròn,

Bàn tay em, ngón ngón thon

Phương trời vẫy gọi, em còn ngóng trông

Qua đêm rồi nắng mai hồng

Một mình ta, một căn phòng lặng thinh…

Trước trang giấy trắng mông mênh,

Bài thơ chưa trọn, ân tình chưa phai…

1997

NGUYỄN THIỆN THUẬT

NHÀ VĂN, NHÀ BÁO

1926-2004

TÁC PHẨM

    • Ngàn năm Thăng Long (thơ)

    • Mật danh Hồng Ngọc (tiểu thuyết)

    • Thời vàng son của Điệp (tiểu thuyết)

    • Người đàn bà lừng danh của vũ trường (tiểu thuyết)

    • Người về biệt thự Hoàng Lan (tiểu thuyết)

    • Mười lăm năm sau (tiểu thuyết)

    • Cô gái trở về (tiểu thuyết)

    • Bão táp vùng vàng (tiểu thuyết)

    • Bộ mặt những kẻ săn tiền (tiểu thuyết)

    • Con đường tội lỗi (tiểu thuyết)

    • Mùa hoa ban đẹp mãi (tiểu thuyết)

    • Đường đi ra biển (tiểu thuyết)

    • Vũng lầy tội lỗi (tiểu thuyết)

    • Sập tiệm (tiểu thuyết)

    • Đêm Hàng Châu (tiểu thuyết)

    • Người đẹp ở biệt thự Bông Mai Vàng (tiểu thuyết)

    • Nữ hoàng của biển (tiểu thuyết)

    • Những người đi ngược dòng (tiểu thuyết)

    • Chuyến đi bí mật của Mai Lan (tiểu thuyết)

    • Cây vàng di động (tiểu thuyết)

    • Diễm Hương (tiểu thuyết)

    • Tôn nữ Huyền Trang (tiểu thuyết)

    • Người vào khách sạn Hoàng Gia (tiểu thuyết)

    • Bí mật đường dây ma túy (tiểu thuyết)